v. Tiểu mục 48 - Giao lưu đoàn kết - Hoàng Hữu Quế - Viết về thơ Nguyễn Công Bình

VỚI “MỘT NGƯỜI PHÍA CHÂN TRỜI”

“CHIM  LẠC TRỞ VỀ”

 

Hoàng  Hữu Quế

 

Ấy là tên đề 2 tập thơ gần đây của nhà thơ Nguyễn Công Bình.

Tí tách,  tí tách, tí tách

Những ban mai bình an,

                           những chiều vàng thánh thót

……………

Từng giọt đắng đót, từng giọt nồng nàn

……………..

Lý thuyết cóc tía, định luật ễnh ương sờ sẫm

       nhận ra chân trời trong túi ba gang lèn chặt

                                    điều ước

Đành thôi, nghiêng túi xuống biển,

                        vút cao tìm lại đường bay

(Cà phê cùng tiền kiếp –  Chim Lạc trở về)

Đó cũng là khúc nhạc dạo đầu (?) để Chim Lạc trở về, nhân bản đặc sắc từ “Tiền kiếp” ông cha thuở hoang sơ nhắc nhở chính mình và tha nhân bám chắc cội nguồn, đừng bao giờ đi lạc?

Tôi bị ám ảnh và không khỏi  bất ngờ với lối nghĩ, cách diễn đạt, tư duy, ý, tứ và cả tư tưởng của tác giả trong 2 tập thơ. Đủ thứ bày phơi, trải ra như mênh mông trước mắt người đọc để cảm nhận, thưởng thức từ quê hương - nhân dân; thế giới – nhân loại; quan chức - quyền lực, sự ngưng đọng, hứng chịu mọi nỗi nhân sinh cuộc sống…. Tất cả dường như đầy đủ, bật thấu cốt lõi muôn thuở lịch sử nhân loại đã nói xưa nay. Hồn thiêng dân tộc, đất nước đã đánh thức, vẫn hiển hiện cho thấy, vừa gọi kêu: “Chim lạc trở về” - là cội nguồn cõi hằng an, nền tảng chân lý, hạnh phúc, văn minh và cả sức mạnh! Chớ - chớ sơ sễnh bởi đã nhập “mê lộ” quá đà đến vô phương cứu chữa, bất an đỗ vỡ, ô trọc hiểm nguy, nhố nhăng lợm giọng, ngạo mạn…, đáng thương đến nỗi vẫn còn đó nỗi đau thật lớn:

Mẹ ơi!

Nước mắt chẳng làm vơi nhức nhối

         dọc hình hài Tổ quốc

Khi một phần xương thịt còn đau

(Mẹ ơi! Tổ quốc – Chim Lạc trở về)

Hồi còn là học trò, Nguyễn Công Bình đã có tiếng học giỏi (trường chuyên), có thơ đăng báo, đoạt giải thưởng thơ... Lúc ra đời đã là viên chức nhà nước, sớm có chổ ngồi ở cơ quan quản lí nhà nước cấp tỉnh, trong diện cơ cấu trẻ, rồi đột nhiên bỏ ghế, rượt theo nghiệp thi ca như nhà thơ từng nhớ lại: “Bỗng dưng trời sởn da gà. Văn chương nghiệp chướng nhập qua đời mình”. Dù không tham gia chiến trận cũng đầy vất vả nhọc nhằn với thời cuộc! Tác giả như nhà thơ xứ sở - Xuân Diệu “đi học nghe chim giảng” ấy cũng lắm bươn chải, lắm nhọc nhằn, đứng ngồi không yên với thơ…

Vất vả nhưng thành công, với ngót ngét hơn 200 bài thơ  Nguyễn Công Bình đã in trong 6 tập thơ (in chung và in riêng) mà hầu như không tìm thấy bài nhạt chứ đừng nói đến dở.

Điểm qua điều này cho thấy rõ hơn thơ và người thơ “Xư – ca-gô” ( Xứ cá gỗ - Hà tĩnh!).Với cả “Một người phía chân trời”“Chim lạc trở về” hẳn có những bài không chắc mình hiểu ngay, nhưng lần bước vào miền thơ của tác giả, tôi không ít lần trào dâng cảm xúc hòa với lối diễn đạt đắt giá (hơn cả đắc địa), cung bậc, nhịp điệu cổ điển hay tự do phá cách (mới và tìm tòi mới hơn), ý, tứ thơ - dù dồn dập hay lơi lả, thâm trầm hay cuộn sôi, sâu sắc “đáo để” đến tận cùng vấn đề - chữ Nho thường dùng như khẩu ngôn ở Hà Tĩnh; như một tấn trò đời đủ thứ ngóc ngách mà khái quát nhân sinh đến rợn ngợp, hóm hỉnh, hào hoa, gần mà xa, cụ thể mà mơ màng, đời người mà nhân sinh kiếp sống, đất Việt mà nhân loại, nay mà xưa, là mai sau…

Qủa thật, lắm lúc tôi không khỏi bất ngờ trước những câu thơ giản dị mà thật ám ảnh:

Nước trong cò gội câu ca

Nước đục bắt tép kho cà nuôi con

(Độc thoại – Một người phía chân trời)

Thơ thuần thục, cất cánh vẳng ngân từ ca dao dễ say lòng tỏ dạ, lại nỉ non thân thương, giữ cho sáng tâm, gạn đục ở đời mà âu yếm “lặn lội” vượt theo chồng nuôi con lớn khôn…

Hay :

Nẻo vườn xưa khói sương nhòe chực khóc

Vắng mẹ câu thơ cũng lạc nhà

(Quê nhà –Chim Lạc trở về)

Câu thơ giản dị, hình ảnh gần gũi mà kết tinh thấu đạt chót vót cội nguồn giá trị thi ca trong thời buổi nền văn hóa đang lơi lỏng tính dân tộc, nhân văn .

Lại nữa:

Chiến tranh lặng vào năm tháng xa xăm,

             những bà mẹ mất con,

               những người vợ mất chồng

                  đã quên ngày chờ đợi

Nhang khói tượng đài bay lên trời dấu hỏi…

(Trước thành cổ Quảng Trị  –  Chim Lạc trở về)

Ôi trời! Tôi đọc mà thốt lên khi chạm đến cung bậc và sâu thẳm chữ nghĩa của tác giả về một nét đời người, cuộc sống Việt Nam và nhân loại. Chiến tranh là cái cách con người xử sự với nhau đau đớn và tệ hại nhất, và hệ lụy đau đớn lâu dài nhất chính là những người phụ nữ.

Bởi vậy họ luôn nghĩ, nhớ, chứng kiến, trải qua nó hằn một dấu hỏi lớn “?”, mênh mông đến vô định như không lời giải đáp vì nó vẫn lặp đi lặp lại đấy thôi! Tác giả đã thấu cõi người mà nêu lên chuyện muôn thuở  nhân sinh, trách nhiệm lớn lao với nhau, không hề dừng lại luận bàn đúng sai, hay hận thù. Bởi thực tế sẽ làm người ta tự thức tỉnh, có cần chi phải hằn học? Nỗi ấy niềm này, người liên quan chịu hậu quả chết cả cõi lòng dù đời vẫn sống, mắt vẫn mở mà nhìn như mờ ảnh, như nhập cõi hư vô đến “quên”! Chai sạn đớn đau? Tôi nhớ đâu đó một bằng hữu thi ca đã viết: “Chiến tranh đã tắt lâu rồi, mà trong ngực chị từng hồi bom rung”. Đó là sự “Nhớ”! Riêng Nguyễn Công Bình lại đưa ra một uẩn khúc khác: sự “Quên”! Chờ đợi dằng dặc, đau đớn đến tột cùng để “quên”. Đó là cách nói rất Nguyễn Công  Bình về nỗi đau  không gì bù đắp được. Nhưng cũng chính từ hình ảnh và ngôn từ của thơ, tác giả nhắn gởi người đọc một thông điệp: liệu con người có quên được không khi nhang khói vẫn ngày ngày lên trời tìm câu trả lời?

Tôi hạ bút thưởng ngoạn thơ Nguyễn Công Bình, niềm phấn khích trào dâng, những đón nhận có được ngồn ngộn nhưng phải dằn lòng đọc đi đọc lại để thêm chính xác, gọn gàng, cảm hứng, thậm chí còn là để thuộc. Tất cả đều dồi dào cảm xúc, dấu ấn trải nghiệm, suy nghĩ lắng đọng, cảm thông tiếc nuối và cả trách khéo cuộc sống đến lỡ làng ngẩn ngơ, sầu vạn cổ:

Em sang nhịp cầu nước mắt

Khư khư giữ áo cho người

Ta lạc về miền đau khát

Cõi lòng bão thốc khôn nguôi

Gió mưa ngày xưa lặng tắt

Mây giăng tượng đá chân trời

(Tượng đá  – Một người phía chân trời)

Cả hai đã xa xôi vọng về nhau, thành tượng đá! Tác giả chọn hình ảnh tiếp nối nhau, bão, gió, mưa, cầu nước mắt, tượng đá… diễn đạt thay cho thuyết trình, giải bày thực trạng ý, là lối viết cô đọng, sâu sắc, mà chồng nén lớp lớp cảm xúc thi ca khiến cho thơ vời vợi suy tư rung động. Hình tượng trung tâm “tượng đá” cô đúc điển hình thêm khắc tạc vào tâm khảm. Ở đâu hầu như cũng vậy, tác giả nhà nghề thi tứ, hình ảnh, câu chữ. Cái tứ “Sông Lam” quê nhà chở che cho cái ý văn hóa địa linh, nhân kiệt thật khoáng đạt, mạnh mẽ vẫn không lạc đề:

Sông Lam vặn lưỡi gươm thần sáng quắc

Vung ngang trời sử xanh

(Lam-Hồng huyền thoại –  Chim Lạc trở về )

Hay :

Sông chảy triệu năm vẫn cuồn cuộn trẻ

Người Nghệ ngàn đời khí phách càn khôn.

 (Sông Lam – Một người phía chân trời)

Hình ảnh khác:                   

Núi mãi xanh ngã vào sông mãi biếc,

Để muôn năm quấn quýt một Lam Hồng

(Lam - Hồng huyền thoại - Sđd )

Hình như mới có Nguyễn Công Bình viết về sông Lam - núi Hồng dùng hình ảnh bóng núi in ngã vào lòng sông với dụng ý: Sông Lam - con sông chung hai tỉnh xứ Nghệ và núi Hồng lĩnh đất Hà Tĩnh  muôn đời không thể tách rời nhau, mãi quấn quýt - nếu ai đó hẹp hòi, cục bộ mà mờ tâm dù là nguời quê vẫn không dễ thấy?

Với thế sự nhân tình… lắm khi thơ nẩy lửa bởi ý tứ nhận ra từ bản chất hiện thực chấn động ở góc độ đắt giá nhất với tột cùng sự trớ trêu, lố bịch, kệch cỡm:

Chợ giời bán vịt sông Ngân

Bán gà chín cựa, nỏ thần Kim Quy

Chợ giời ra giá kì thi

Cụ Nghè Văn miếu lắm khi bàng hoàng

“Cò lửa” cá cược “Cò gian”

Ma cô mặt mốc, quan tham mặt dày.

Khiến cho:

Câu thơ chóng mặt xoay vần xanh xao

(Chợ giời – Một người phía chân trời)

Bởi thế cho nên, ở nơi khác, tác giả bất ngờ hạ câu:

Thánh điềm nhiên trong cốt đá sao đành !

(Khúc ca chiều dưới tượng Thánh

                      – Chim Lạc trở về)

Những linh thiêng muôn thuở dân tộc, quốc bảo húy kỵ… đều được đem ra làm hàng mua bán thủ lợi vị kỷ, lăng loàn bất chấp nhân nghĩa, đạo lý là điều không thể chấp nhận!

Những cái tứ phong phú, đa diện trong thơ Nguyễn Công Bình như  “giọt cà phê”, “Vô hạn”, “Hữu hạn”, “Vô đề”, “Kẻ cắp làng tôi”, “hình nhân rơm”, “ngựa gỗ”, “Tổ quốc”… chất chứa  thỏa thê, phóng túng như được tháo cũi sổ lồng cho mặc sức cảm xúc, nhận thức thi ca  bay bổng. Tất cả đều phảng phất, rung chuông cảnh tỉnh sự vọng bản, vọng ngoại, háo danh, quên tinh hoa dân tộc Việt ngàn đời lắng đọng mà mồm ai ra rả, tôn vinh “đầu môi chót lưỡi” khiến đời chao đảo, nguy nan, biến dạng, lọc lừa.

Mặt khác, vốn sống tác giả nắm bắt sát thực những điển hình văn hóa nhân văn, nền tảng vững bền, không thể vùi lấp trong cõi tâm linh, tâm hồn, tấm lòng và đời sống nhân dân. “Vô đề” rất ngắn, cô đúc, ý tứ khái quát chân lý cuộc sống chỉ 6 câu mà càng gần cuối càng ngắn lại để chỉ còn lại hai động tác chim “bay và hót”. Ấy là vì có sự tự do tự nhiên như trời đất sinh ra nên lảnh lót mấy ngàn năm khắp địa cầu di trú không gì cản trở. Trái lại “Vô đề 2” câu dài hơn (bài 8 câu) là chim trong lồng quen xung tụng, vong hồn ngay cả khi đang sống, được cho ăn để mua vui, bắt chước, a dua đến khi không còn lồng thì không bay được nữa và rúc thân chờ chết. Hình như đâu đó có nhà văn già (T.H) khi tuổi cập cửu thập trong một bài báo cũng mượn hình ảnh này để than thở cuộc sống tù túng trong lồng. Còn với Nguyễn Công Bình  đã công phá dữ dội theo một lối khác.

 

 

 Nguyễn Công Bình (nhà thơ)

 

 

 

 

 

 

Đời ấy có sống cũng vô nghĩa, xót đau:

Những biểu trưng đỏ mặt thời xưng tụng

Sự vinh danh trơ tráo đến bao giờ ?

(Ý nghĩa nhỏ vụt trên đường – Chim Lạc trở về)

Cũng là nêu lên hình ảnh người vợ, bạn đời đặc biệt mến quý, chung tay vượt khó xây dựng gia đình ấm cúng, nghe như Tú Xương thương vợ vọng về. Song Nguyễn Công Bình có cái riêng, tác giả như cánh buồm, “Em” nổi gió mà trăm năm buồm “không đi hết sông em”. Rồi vì mê thơ mà:

Anh tập tểnh Càn Long vi hành dâu bể

Vương quốc nhọ nồi thịnh trị nhờ Em

(Hoàng hậu nhà mình – Một người phía chân trời)

Hay:

Ta bồng bềnh thi phú

Cơm áo mình lệch vai

(Mình ơi – Chim Lạc trỏ về)

Không phải lơ đễnh đến lúc vợ vắng nhà, lóng ngóng bếp núc, cơm áo, nhà thơ mới hiểu tài năng giá trị của vợ, mà biết cả nhưng vì thơ phải cậy nhờ ở vợ. Thật thân thương, trân trọng những “bà Tú” đời nay.

Hồn quê lắng sâu, cõi tâm thức, bạn bè trăm vẻ trăm ngã với Nguyễn Công Bình thì tấm lòng và tinh hoa vốn cũ là không thể mờ phai, cần phải biết để giữ lấy cho hôm nay thêm sức sống, không thể xóa nhòa thành cũ xưa mới là tân kỳ, hơn hẳn:

Làng tôi giờ cũng thị thành

Rưng rưng mắt mẹ còn dành tết xưa

(Tết xưa – Một người phía chân trời)

Cái tết xưa tinh hoa là: “Bánh dày gói cả hồn quê, mẹ mua áo mới tôi khoe cùng làng; Ông treo câu đối nhà ngang; chổi cùn rế rách bà mang giấu vườn”.Tất cả là tế nhị, văn hóa lề thói cuộc sống đẹp, quê hương yêu dấu mà từ đó bao thế hệ, bao văn nhân , sỹ tử sinh sôi - nảy nở, đạo lý vững bền. Cuộc sống ấy hằn vào tâm linh đúc kết con người nhân bản, dẫu có đổi thay vẫn không hề rung chuyển làm nền cho sự phát triển.

Trong  hơn 20 năm tác giả cần mẫn sáng tác, với bao năm  nung nấu; thơ cuốn hút cả cuộc đời hẳn chưa đầy song đã rất phong phú muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Sự diễn đạt vừa cổ điển, vừa hiện đại, lạ mà quen, một cách nhất quán ấn tượng:

Mập mờ cái vẫy tay

Thoáng chùng chiềng mê lộ

       

Thương hụt chìm đáy phổ

Nhớ mệt nhoài chân mây

 (Vô hạn – Một người phía chân trời)

 

Lả tả trò ganh ghét

Rụng dưới làn hương bay…

                                    

Trời nổi gân xanh

              mùa trở dạ…

 

Thì đi bộ cho vòng đời dài mãi

Để nhà thơ ôm cả địa cầu…

(Trích: Chim Lạc trở về)

Dường như chớp nhoáng cả ngàn năm chuyển giao thoáng chốc sau một tiếng gà gáy:

Gà gáy ngàn năm cũ

Ngàn năm sau lên đường

(Giao thừa 2000 – Một người phía chân trời )

nên ngẫm mình quá nhỏ nhoi và ngắn ngủi trước vô tận tự nhiên làm người ta choàng tỉnh:

Bến giác là đâu ? Thiên đường hay Cực lạc ?

Quạ rít giọng người đánh tráo hoàng hôn…

………….

Miền hư ảo biết tìm đâu khế ngọt

Đại bàng bay đói rã những chân trời

(Lời giã biệt sông Mơ – Chim Lạc trở về)

Chính nhà thơ đã từng tự vấn:

         Ngẫm là người lắm khi ta chán ngắt

Sợ cả tiếng chim thánh thót dọa mình

(Hình nhân rơm – Chim Lạc trở về)

Kim thì tóe lửa, cổ thì như bơ vơ, văn hóa nước nhà như bị bứng cả gốc rể:

Lối xưa hồn đá tha hương chốn nào?

(Về đâu nghê đá – Một người phía chân trời)

Cay cay sống mũi, xót xa cảnh đời nay nhộn nhạo những “Vào vũ trường Đại thế giới” của xứ người, “Đêm sông Xen” tha hương, “Nhà thơ đi bộ” trông người mà ngẫm đến ta, khi gặp phái đoàn MIA Hoa kì “Chợt nhớ các anh” (các anh hùng liệt sỹ hồn cốt còn nơi đâu) mà nhân tình thế thái thì đã đến độ vô sỉ, chai lì :

Những thân hình ma-nơ-canh

                   uốn éo thi thời trang

Những giọt kính chớp lóe dọc mông eo

                    cho điểm định vị từ trước

Những mặc cả lạnh lùng chín mặt lúc màn buông

(Di động - Chim Lạc trở về)

Trong khi nhân loại vẫn còn đâu đó bắn giết lẫn nhau bởi những cuộc cờ đầy máu:

Im ắng nơi này, gầm đại bác nơi kia

Nhân loại nhiều phen đẫm máu cuộc cờ lừa

(Các dòng sông vẫn chảy- Chim Lạc trở về)

thì có những kẻ chỉ lo ôm ghế quyền lực mà “trái tim im lìm gỗ đá” (Vô cảm) trước vận mệnh nhân dân,nhân loại…

Lối cấu tứ, ý nghĩ, cảm xúc tư tưởng của thi nhân quấn quyện vào nhau (enchainement) khó trích dẫn mà đọc hết cả bài thấu ý, mới thấm thỏa nghệ thuật thi ca. Song tôi vẫn muốn nêu ra đây thêm ý-tứ nữa:

Đi đi đi

Về về về

Chen lấn người xe hầm hập phố

Hút chìm một bóng tri âm.

(Phố hạ - Chim Lạc trở về)

Kể cũng nhiều thay đổi, nhà cao vút lên, phố dài rộng ra, những ô cửa xanh vàng lóa mắt nhưng ngẹt ngộp với những cơn lốc đời. Cái nhân văn đạo lý, nhân bản tính người tri âm ấy vẫn hút chìm đâu? Ai xưa từng than: “Đèn soi tri kỷ đất mênh mông”- đời như đêm, đèn sáng soi tìm tri kỷ (tri kỷ thôi, chưa khó như tri âm) mà đã thấy đất mênh mông, hoang vắng  làm vậy.

Cao vọng thêm, tôi nghĩ người thơ Nguyễn Công Bình chưa lý giải, chưa chú ý mong mỏi người đọc vương vấn hiện thực kia, biểu hiện rung cảm nọ thành thơ là do đâu? Cội nguồn là gì từ cuộc sống? Với sức vóc năng lực ấy, có lẽ nhà thơ đủ chiêu chưởng để ra đòn? Xưa nay bao người thơ đã không thể ai áp đặt như những Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, những Tào Tùng (đời Hán) với Nguyễn Du thánh thơ xứ sở chẳng đã đạt đạo, bộc lộ quan điểm rằng: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” – “Vùi thây trăm họ làm công một người” đã đời đời lập cõi đấy thôi.

Với thi nhân đương độ chín và sung sức, vốn sống đầy trải nghiệm càng thêm phong phú, nhân bản - nhân văn càng ngày càng sâu đậm hẳn sáng tác còn vươn xa. Không ai có thể gồm đủ, ngạn ngữ phương Tây có câu: Qui trop embrasse mal étreint (ai ôm lấy tất cả thì chẳng ôm được gì). Nhưng đời sống còn vô cùng rộng mở, tha hồ cho tài năng phiêu diêu, khám phá.

Là tôi vốn chân thành mong mỏi, cung chúc để một ngọn bút gốc gác xứ sở địa linh nhân kiệt thâm trầm mà tóe lửa tiếp tục bền bỉ trên con đường thi ca vốn đầy gập ghềnh, gian khó. Điều mà tác giả còn rất giàu nội lực thực hiện trong sáng tạo thi ca. Với tôi, thơ Nguyễn Công Bình cùng một số nhà thơ khác cùng thời  đã thật sự bứt phá, vọt lên kế tục truyền thống thi ca xứ sở cùng hồn thơ đất Việt.

Cho phép tôi phấn khích, an lòng định vị như vậy theo cách thưởng ngoạn của riêng mình!

 

Sài Gòn, tháng Ngọ nhuận – Nhâm thìn 2012

Hoàng  Hữu Quế

 

______________

 

- Một người phía chân trời (NXB.Thanh Niên - 2000)

- Chim lạc trở về (NXB. Hội Nhà Văn - 2012)

 

 

Google Sites

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE