a. Trần Xuân An - Có một nơi lá mãi xanh - Tệp 1b

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

 

có một nơi lá mãi xanh

 

TÁC PHẨM DỰ THI

CUỘC THI TIỂU THUYẾT 1998 – 2000

DO HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM TỔ CHỨC

 

địa chỉ liên lạc: 

TRẦN XUÂN AN

71B Phạm Văn Hai

P.3, Q. Tân Bình

TP. Hồ Chí Minh 

ĐT: 8453955

 

TRẦN XUÂN AN

 

có một nơi lá mãi xanh

 

tiểu thuyết

hoàn toàn hư cấu

 

(tác phẩm tham dự cuộc thi tiểu thuyết 1998 – 2000, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức)

1998

tác giả giữ bản quyền

 

NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN

1999

(có gác lại vài dòng và

bài bạt của Inrasara)

 

Khởi lập đề cương: 07.04.1998.

Tạm hoàn tất đề cương: 27.04.98.

Khởi viết: 27.04.98,

lúc 9 giờ sáng.

Viết xong: 24.05.1998,

lúc 21 giờ 44 phút.

Sửa chữa, bổ sung đến ngày: 04.06.98,

lúc 21 giờ 29 phút.

 

      Hoạ sĩ Lê Ký Thương và chị Cao Thị Kim Quy xếp chữ vi tính theo bản thảo viết tay của Trần Xuân An, theo hệ QuartXpress, font VnTimes, vào tháng sáu 1998.

      Tiểu thuyết này đã được xuất bản  (Nxb. Hội Nhà văn - 1998).

      Tác giả tự chuyển qua hệ Word 2000, font VnTimes, để tiện dụng,  26.04.2003 (25.03 Quý mùi HB.3).

      Tháng 4 HB5 (2005), chuyển sang hệ mã Unicode (Arial).

 

CHƯƠNG MỘT

 

 

 

1

 

           

            Một buổi sáng nào đó đã lâu, Niên cùng Trần Nguyễn Phan ghé vào Lá Xanh này. Từ hôm ấy, khi một mình, khi cùng Phan, anh thỉnh thoảng đến với quán cà phê có cái tên làm dịu lòng người, có bao giai điệu âm nhạc rất nghìn năm và mới mẻ, lại có một khoảng sân rợp bóng mát: Lá Xanh! Sau dăm bảy lần, Phan biến mất!

            Niên cũng tự biết, đâu phải chỉ vì những thứ anh nghĩ đã là hiếm quý ở thành phố anh đang sống. Ở đấy, anh còn cảm nhận được chút ngọt ngào của tình bạn mới.

            Cúc Tần, Hòa Bình và cả bé Cảo Thơm nữa, đã phả vào tâm hồn Niên một cảm giác tươi tắn, đằm thắm về một điều gì thật khó gọi tên, cơ hồ là hạnh phúc. Hạnh phúc? Ở tuổi bốn hai, Niên không thể ngờ trên đời này có một dạng hạnh phúc lạ lùng đến vậy. Hạnh phúc của một người khách trong một quán cà phê yên tĩnh, ven con hẻm rộng, thường là ít người vào buổi sáng!

            Sáng nay, ngồi nhìn màu hổ phách của hai túi trà, được làm bằng giấy thấm, tan dần trong li nước sôi trong vắt, nghe từng giọt đàn tranh rơi lẫn với tiếng đàn bầu chùng xuống đến hẫng lòng, rồi vút lên đến chơi vơi trái tim, Niên bâng khuâng mỉm cười. Anh không còn ngẩn ngơ với cảm giác hạnh phúc dịu dàng, tinh khiết ấy nữa. Anh đang ngấm, đang tan ra bởi một không khí, một khung cảnh ngọt mát của Lá Xanh.

            Cũng như mọi lần, Cúc Tần đón tiếp anh bằng một nụ cười rất sáng. Ban đầu, ánh sáng ấy chỉ nở ở đôi môi với hàm răng đều đặn bóng ngời. Dần dần, khi đã quen nhau, ánh sáng như nét duyên thầm lại bừng lên nơi đôi mắt. Và lúc này, Niên mong chẳng còn một người khách nào ghé quán nữa, để Cúc Tần có thể rảnh rỗi ngồi chuyện trò cùng anh.

            Với Cúc Tần, tự bao giờ chẳng rõ, cũng như Hòa Bình - em dâu họ, Cảo Thơm - cháu trai của cô, cô xem Niên như người nhà nhưng cũng không phải là người nhà.

            Cúc Tần rời quầy, đến ngồi đối diện với Niên. Hai nụ cười gặp nhau.

            - Cuốn tiểu thuyết ấy anh vẫn viết tiếp chứ? - giọng Sài Gòn của Cúc Tần nghe ngòn ngọt.

            Niên gật đầu, vẫn nhìn vào gương mặt xinh đẹp của cô giáo.

            - Em có dặn anh mang tới cho em đọc thử. Không hiểu sao, có lẽ do một kỉ niệm hồi còn nhỏ, em thích đọc ngay vào bản thảo. Bộ anh quên mang theo rồi sao? Vô tình quá hén!

            Niên mỉm cười, khẽ cắn vào môi, ngẫm nghĩ:

            - Quên sao được lời đề nghị của Cúc Tần! Có điều, anh đang chữa lại đôi chút. Phần hai và ba đã viết xong đâu. Đa số người ta vẫn thích cái gì đã trọn bộ.

            Cúc Tần chỉ tay vào li trà của Niên:

            - Anh uống nước đi. Có lẽ được rồi đó.

            Niên khoắng đường, vắt múi chanh vào li.

            - Nhưng, những gì chưa hoàn tất vẫn hay chứ - Cúc Tần lại nói, cố tránh dùng hai chữ ''dở dang'' - Em vẫn nghĩ, tiểu thuyết cũng cần phải hay từng chữ, từng chương một.

            Niên khẽ giật mình. Anh mỉm cười:

            - Cúc Tần hơi khó rồi đấy, dẫu đúng là...

            - Không, không phải... - Cúc Tần nói nhanh, rồi chợt kìm lại. Cô mỉm cười, lắc đầu, buông lửng câu. Có lẽ cô muốn nói rõ thêm nhưng lại chỉ mỉm cười. Cúc Tần bất giác nhắc Niên - Nước sôi nguội rồi, anh rót vào li đá lạnh đi.

            - Anh cũng nóng lòng sốt ruột lắm, như nước sôi này. Những ý định tiểu thuyết như trà đã qua nhiều công đoạn, đang ngấm bởi sự nung nấu, đang tan ra thành chữ, thành câu.

            Tiếng cười Cúc Tần bật lên trong trẻo:

            - Anh ví von ngộ nghĩnh thật đó. Vậy thì mời anh Niên uống nhấm nháp cảm xúc, ý tưởng của chính mình, cho tâm thức đầy lại, phong phú thêm.

            Niên hơi ngượng. Đã bao lần anh mời Cúc Tần cùng uống chút gì cho vui, nhưng cũng bao lần anh chỉ trở thành và mãi trở thành khách. Niên đành chấp nhận độc ẩm trong trường hợp này.

            Cúc Tần bỗng thêm rạng rỡ ánh mắt vì một liên tưởng thú vị mới nẩy ra trong đầu cô:

            - Nhà văn tự hái trà, sao chế và tự uống lấy. Tất cả đều diễn ra trong khu vườn, tại nhà mình, trang viết mình. Còn người đọc chỉ là người xem nhà văn tự uống lấy mình. Mỗi chữ là một cọng trà, hạt bột trà... Sướng nhỉ, mỗi ngày anh Niên từ sáng sớm đã ra khu vườn của chính anh để hái gần ngàn chữ.

            - Đó là một ẩn dụ hay... - Niên nói - Có điều, li trà này ai hái, hái ở đâu, sao chế, đóng gói thế nào, còn Cúc Tần pha, chuẩn bị sẵn cả nước đá, chanh, đường, anh chỉ việc nhấm nháp từng ngụm. So sánh vậy kẹt cho anh quá. Chắc phải mang cả khu vườn trà tưởng tượng đến quán Lá Xanh này, cùng Cúc Tần sao tẩm, chế biến và cùng uống để bảo đảm vấn đề bản quyền, nhất là trong thời buổi tranh đoạt, chụp giật này. Em pha, nghĩa là xuất bản giùm nhau luôn?

            Niên tưng tửng nói. Cúc Tần phá ra cười.

            - Cúc Tần đồng ý không? - Niên nhân thể, lém lỉnh hỏi dồn, cố lướt qua thoáng xấu hổ cho bao cây bút bất lương.

            Cúc Tần đỏ mặt vì những câu ngỏ ý chờn vờn của Niên:

            - Sợ chị ở nhà đăng báo trên mục ''Nhắn Tin'', truy tìm mẹ mìn. Khi không em bị mắc oan là mẹ mìn! Em không dại vậy đâu! Thôi, đừng để ẩn dụ bước cà thọt vào câu chuyện.

            - Ờ, anh chỉ là con cóc. Hãy bắt cóc đời nhau...

            Cả hai cười giòn giã. Tiếng cười Cúc Tần bỗng nghẹn lại khi cô nghĩ hai chữ ''cà thọt'' vừa dùng có gì đó hơi bất nhẫn.

            - Cười gì như pháo cưới thế? Cho cười với đi! - Hòa Bình dắt xe từ nhà ra, vui vẻ góp lời.

            - Hòa Bình đi đâu vậy? - Cúc Tần hỏi.

            - Em đi bưu điện gởi thư ra Hà Nội - giọng Hòa Bình pha Bắc, cô trả lời khi đạp cần khởi động chiếc xe gắn máy - Anh Niên ngồi chơi nhé.

            Niên nhìn đồng hồ: mười giờ mười lăm. Anh nhờ Cúc Tần tính tiền nước. Hai người bước đến quầy.

            Khi dắt xe ra khỏi cổng quán, anh ngoảnh lại, đưa một tay chào Cúc Tần. Cúc Tần, thon tròn trong bộ áo quần bằng lụa màu ngà, đứng dưới gốc khế giữa sân rợp mát cũng đưa một tay lên chào:

            - Mai lại đến quán nghe anh Niên!

            Niên gật đầu. Một lần nữa Niên biết lòng mình đang xao xuyến trước hình ảnh anh mới thu vào trái tim mình. Cúc Tần, cô giáo trung học dạy Việt Văn, ba mươi hai tuổi, độc thân, xinh đẹp, thông minh, dịu dàng thế kia... Niên biết làm sao được! Anh mặc cho nỗi xao xuyến ấy cứ dâng lên trong ngực anh niềm khát vọng, hân hoan, lẫn với hối tiếc.

            Dẫu sao, Niên cũng cảm ơn Lá Xanh này, nơi đã cho anh những buổi sáng tuyệt vời, chút tuyệt vời có lẽ, không dám khẳng định nó ra sao ở Cúc Tần, với riêng anh, là chút tuyệt vời anh tin  suốt đời mình anh chẳng bao giờ còn tìm thấy ở nơi nào khác.

 

 

2

 

 

            Hơn chín tháng nay rồi, trước và sau tết nguyên đán, mỗi tuần vài ba lần Niên đến với Lá Xanh. Từ nhà anh, qua hai quãng đường ngắn, vào thêm độ hai trăm thước lối hẻm khá thoáng rộng, là quán cà phê vườn của hai chị em Cúc Tần. Bây giờ, họ đã hiểu về nhau khá rõ.

            Bảo là kỹ sư xây dựng, thường công tác xa, đâu tận Bình Chánh, Cát Lái gì đó. Có khi Bảo phải ở lại công trường suốt cả tuần lễ. Bảo là em cậu cô với Cúc Tần, là chồng của Hòa Bình. Bảo và Hòa Bình đã có một cháu trai đang học  mẫu giáo, lớp chồi, loại bán trú.

            Cúc Tần với Hòa Bình cùng dạy ở một trường, được xếp thời khóa biểu một người dạy ca sáng, một người dạy ca chiều, để thay phiên nhau trông nom quán Lá Xanh. Thỉnh thoảng, vẫn có một, hai buổi sáng hoặc buổi chiều họ cùng được ở nhà trong mỗi tuần. Cũng có khi phải treo bảng xin tạm nghỉ một buổi để dự họp hội đồng giáo viên.

            Mấy năm nay, Cúc Tần về ở hẳn với gia đình người em họ để tiện việc cùng Hòa Bình bán cà phê, cũng để tiện đường đi dạy. Ngôi trường họ đang dạy học khá gần nhà của Bảo.

            Niên thật lòng muốn sáng nào cũng đến với Lá Xanh, nơi anh đã cảm nhận một dạng hạnh phúc rất lạ của người khách quen thân. Nhưng anh phải tự kìm chế lòng mình.

            Sáng nay, như mọi buổi sáng khác, Niên theo lệ thường thức dậy từ bốn giờ, lúc ngoài trời còn tối mịt và ngoài đường tiếng xe cộ bắt đầu rộ dần, anh pha cà phê, tập thể dục trong khi chờ cà phê nhỏ hết xuống li, rồi bắt đầu nhấp ngụm đầu tiên, bắt đầu viết cho đến lúc phải chở con đến trường tiểu học. Sau đó, anh ngồi trông cửa hàng sách báo cũ cho vợ đi chợ. Giữa những kệ sách báo từ đời tám hoánh đến sách báo mới phát hành đã trở thành cũ, Niên vừa đọc lại bản thảo mới viết, vừa đợi khách vào lục lọi, chọn lựa, và trả tiền. Nhưng giờ ấy, đa số khách mê sách báo còn ngái ngủ vì chong đèn thức khuya.

            Khoảng tám giờ, Bông Trang đi chợ về, xuống bếp cho rau cá gì đó vào tủ lạnh rồi lên trông hàng. Tám giờ rưỡi, Niên đã có thể hoàn toàn tự do rong chơi đâu đó với bạn bè văn nghệ cho đến mười giờ. Lúc ấy Niên phải có mặt ở nhà cho vợ nấu cơm trưa.

            Lá Xanh, quán cà phê xanh, rợp bóng mát của hai cây khế, và nhiều chậu hoa kiểng luôn được tắm tưới, nơi có cô giáo Cúc Tần, nơi đã cho Niên hít thở một loại không khí thật tươi, luôn luôn mới, khác hẳn cửa hàng mốc meo, ố xỉn của anh - thứ kho sách dẫu có cuốn rất quý nhưng vẫn được xem là phế thải, thứ thư viện tạp nham.

            Đôi khi, anh đã mỉm cười nghĩ, Thiên Đường là có thật, đâu có xa, quá gần nhà anh, nhưng anh mãi xa vời ngóng và tìm. Lá Xanh!

            Sáng nay, trên đường đến với Lá Xanh, bỗng dưng Niên buồn lòng nghĩ, Thiên Đường có thật và không xa, nhưng anh chỉ là khách, mãi là khách của Thiên Đường ấy.

            Khách của Thiên Đường! Nghe sang biết chừng nào, có điều, đấy phải chăng chỉ là hào nhoáng của từ ngữ! Nhưng dẫu sao, Niên đã có gia đình riêng, cái tổ ấm được xây bằng mớ rác cũ, đã vào tuổi bốn hai, lòng đâu dễ tự huyễn hay bị huyễn nữa!

            Tuy biết thế, cấm sao được xao xuyến cứ cồn lên trong tim khát vọng, bâng khuâng, hân hoan, hối tiếc, khiến Niên hiểu anh đâu còn là anh, một Niên cách đây chừng chín tháng.

            Chín tháng trước đây, Niên tự tin, khiêm tốn một cách đầy tự hào, dẫu cực nhọc viết lách, suy tư nhưng lòng vẫn thanh thản biết bao. Từ độ quen Cúc Tần, Niên đã bắt đầu bối rối, yêu đời hơn, cũng nản lòng hơn, lại bắt đầu lẩn quẩn, vô vọng, bế tắc. Anh nghĩ mình rõ chán! Thôi thì cứ mặc, mặc tất, cho cuộc đời bớt buồn tẻ, đơn điệu. Đôi chân mặc cho cảm xúc đẩy đi.

            Không biết đây là lần thứ mấy, Niên vẩn vơ ôn lại những khoảnh khắc ở Lá Xanh, những câu chuyện đùa cợt, đôi khi chẳng đâu vào đâu, nhưng quá đỗi ngọt ngào với Cúc Tần. Niên cơm nước xong, ngồi ngó hàng cho vợ dọn rửa và nghỉ trưa, thờ thẫn xem lại bản thảo, đầu óc cứ suy nghĩ vẩn vơ.

            Từ căn nhà đầu hẻm, cách lề đường hơn hai chục mét, Niên nhìn ra hai làn xe chạy ngược xuôi trong nắng trưa nóng bỏng. Thật ra cái nhìn của anh đang hướng vào trái tim  mình. Niên thấy mình đang nôn nao, bổi hổi bồi hồi và đau đáu buồn nữa. Có lẽ anh nom buồn cười, rất buồn cười như một gã con trai mới lớn.

            Niêm mỉm cười một mình, lại thở dài.

            Nếu Lá Xanh chưa hề có một Cúc Tần, quán ấy liệu có gợi cho Niên ý niệm về Thiên Đường không nhỉ - Niên tự hỏi. Bỗng anh nhận ra chính anh đang gợn lên trong lòng thoáng lạnh lùng của sự phân tích. Đúng rồi, Cúc Tần ở đâu, nơi ấy trở nên Thiên Đường, một Thiên Đường của riêng anh.

            Từ gã con trai mới lớn, Niên thoắt trở lại một người đàn ông bước vào tuổi bốn hai. Mới ngơ ngáo tập tành yêu đương thoắt đã già giặn từng trải.

 

 

3

 

 

            Năm giờ sáng, lúc chuông chùa và chuông giáo đường ngân nga, lan tỏa trên tầng không, mặc xe cộ ồn ã dần trên mặt đất, Cúc Tần với Hòa Bình để yên cho bé Cảo Thơm tiếp tục ngon giấc, họ rời giường.

            Bật ngọn đèn hiên, ánh sáng từ mái đúc hắt ra hòa với ánh sáng ngọn đèn từ lối hẻm chiếu vào, hai chị em tập bài thể dục khởi động cho một ngày. Sau đó, nối ống cao su vào vòi nước, họ thay nhau tưới cây. Trong lúc Hòa Bình đun hai ấm nước sôi lớn để rót vào bình thủy, chuẩn bị để phục vụ khách, rồi làm bữa sáng cho cả ba người, Cúc Tần vào bàn làm việc xem lại giáo án, rồi chấm nốt bài tập cho học sinh. Cúc Tần thường phải làm những công việc đầu ngày thay cho Hòa Bình để Hòa Bình chuẩn bị đưa con đến trường mẫu giáo trước khi cô đến trường của cô. Cúc Tần dạy buổi chiều, nên còn cả buổi sáng để lo công việc của một cô giáo trong khi bán cà phê. Nhưng sáng nay, số bài tập làm văn rán chấm mấy hôm vẫn còn lại khá nhiều. Cúc Tần phụ trách ba lớp khối mười một, gần một trăm rưởi bài luận làm hai tiết. Và đang đến tiết trả bài, sửa bài cho học sinh theo đáp án của cô đã được tổ trưởng duyệt với đề. Ngoài những lần làm ngoại khóa cho học sinh, tuần trả bài luận là tuần cô hơi bận, có thể là bận nhất trong năm học, dù đã chấm dần từ một tháng trước.

             Trong khi bổ sung ngoài lề một ý mới cho đáp án, Cúc Tần thầm cảm ơn Niên. Những lần chuyện trò với anh, đôi khi cô thu nhận được những ý tưởng lạ, chỉ người làm công việc viết văn mới hiểu bằng chính lao động của họ.

             Còn khoảng hai mươi bài phải trả chiều nay, Cúc Tần đành đậy nắp bút đỏ để ra ăn sáng với hai mẹ con Hòa Bình.

             Thấy Cúc Tần bước tới bàn ăn, Cảo Thơm mách:

             - Mẹ Hòa Bình cho Cảo Thơm, với cô Cúc Tần , ăn trứng tráng trộn với nhựa đường của mấy bác công nhân nè.

             Hòa Bình với Cúc Tần cười ngặt nghẽo. Hòa Bình đỏ mặt bởi nước da có chút miền núi của bà ngoại Cảo Thơm nơi cô rất dễ biểu lộ cảm xúc.

             - Mẹ xin lỗi cưng. Ăn đi con, không phải nhựa đường đâu, chỗ cháy mẹ bỏ ra đây rồi. Hơi già lửa một tí mà, vì mẹ sơ ý, do vội. Ngoan, ngoan nào...

             Nói thế nhưng Cảo Thơm cũng cho hết phần của nó vào bụng.

             Cúc Tần đứng ở quầy nhìn hai mẹ con Hòa Bình dắt xe ra cổng. Nắng vàng tươi tắn rải đầy buổi sớm thật dễ thương.

             Lá Xanh không phải là quán bán cà phê cho những người đi làm sớm. Cúc Tần khẽ mở băng nhạc hòa tấu các bản hiện đại bằng các nhạc cụ cổ của dân tộc, loại nhạc đặc trưng của Lá Xanh.

             Trong khi ngồi ở quầy chờ người khách đầu tiên trong ngày, Cúc Tần lại mở nắp bút đỏ chấm bài tiếp.

             Còn năm bài luận nữa, cô chậm rãi đếm. Thôi, gác lại, vào điểm cho học sinh lớp kia trên cuốn sổ điểm cô đã mượn về nhà tiết trước. Cô lại ghi chú thêm vào giáo án trả bài luận riêng từng lớp.

             Cúc Tần mong sáng nay Niên lại đến. Gần tám giờ rồi. Nếu sáng nay Niên đến, cô sẽ chấm bài giấc trưa, trước khi đến trường. Cô tìm lại một số bài luận cô đã chấm và có ý định bổ sung thêm lời phê. Cúc Tần mỉm cười đọc lại bài một cô bé. Cô bé này đang bắt đầu rung động trước  chàng trai nào hay sao mà lạc đề đến thế. Bài đang phân tích một nhân vật nữ gắng đấu tranh tăng năng suất ở một phân xưởng, bỗng sa đà vào bình một đoạn thơ tình chính tự cô bé ấy liên hệ. Cúc Tần run tay trước điểm bốn, con điểm dưới trung bình. Cô bé này, Cúc Tần hình dung nhớ lại, có đôi mắt to tròn long lanh, ngồi gần tường bên phải phòng học.

             Trong tiếng nhạc khẽ ríu rít vang, Cúc Tần mỉm cười với ý nghĩ: Cô bé có đôi mắt luôn cười nhưng long lanh như rưng rưng ấy đang đi lạc vào tình yêu rồi chăng, và có lẽ không tìm được lối về, vì bài làm thiếu cả phần kết luận!

             Mười bảy tuổi của Cúc Tần, ngày ấy, đã có bao giờ cô bị tình yêu đầu đời dẫn dụ đến miên man, lạc bút thế này chưa...

             Lúc này, cô đang chờ Niên đến!

 

 

4

 

 

             Sáng hôm đó, pha đủ các loại thức uống, từ cà phê, trà đen, ca cao đến trà đá, cho năm bàn khách, ngồi đợi tới trưa, Niên vẫn chưa đến. Cúc Tần cũng đã chấm hết bài, đã vào điểm xong xuôi, lại nhìn chiếc máy điện thoại, muốn bấm số gọi Niên, nhưng cô ngần ngại quá. Lúc này đã chín giờ rồi, đâu phải giờ Niên trông hàng như thường lệ. Gọi đến, chắc chắn sẽ chỉ gặp Bông Trang, và dẫu gặp Niên, cô cũng không muốn. Không. Nhưng đúng vậy, Cúc Tần không muốn ai hiểu rõ lòng mình cả, kể cả Niên, kể cả Hoà Bình. Cúc Tần thương cho lòng tự ái của mình. Không. Không thể tự hạ mình đến thế! Nhưng đã hứa hẹn gì đâu, đã hẹn hò gì đâu... Cúc Tần mong điện thoại sẽ reo lên. Cũng đừng hòng Cúc Tần sẽ bắt máy ngay. Phải reo đủ ba, bốn hồi kia. Và dẫu đầu kia dây đúng là Niên, Niên cũng chỉ nghe giọng trả lời điềm đạm, còn có thể hơi lạnh nhạt của Cúc Tần, khác với khi gặp nhau trực tiếp ít ra một bậc! Đúng là trái tim cô, và biết đâu, cả trái tim Niên nữa, đã rơi vào một tình huống thật khó xử! Cúc Tần chẳng biết làm sao cả. Cô còn là một nhà giáo nữa. Có lẽ bây giờ chả là gì, nhưng chính nghề nghiệp mô phạm không cho phép cô cởi mở tình cảm của mình một cách phóng túng. Đúng mức và đúng mực. Như đường chỉ đỏ trên trang vở học trò. Như người thợ mộc tính toán để ghép mộng. Sao đành tự loại bỏ!

            Cúc Tần cũng nghiệm ra một điều, tình cảm cứ như là sóng, dẫu là sóng dữ dội hay dịu dàng, vẫn có điểm đỉnh và điểm chân, từ khơi xa cho đến khi vào bờ. Dù sáng nay, cô nóng lòng ngỡ chưa từng như thế, ngồi đợi Niên, nhưng bên ngoài nom vô cùng thanh thản, nhìn nắng vàng từ ngoài kia, nơi vách nhà bên kia hẻm, lan dần vào sân, đến tận bậc thềm với dăm đốm nhấp nhóa.

            Cúc Tần bước lui sau căn bếp vốn lồi ra bên đáy hông nhà, chuẩn bị cơm trưa. Qua cửa sổ, cô có thể trông xe cho khách, có thể thấy được khách từ cổng vào.

            Cúc Tần thở dài, thấy mình đa đoan quá.

            Với Niên, cô đắm say và quý trọng đến thế, sao lúng túng và nản lòng đến thế!

            Cúc Tần sực nhớ đến Điệp. Cô thương Điệp, nhưng sao thấy tâm hồn mình dửng dưng đến mức lạnh băng, dù một thời đâu phải chưa yêu nhau, hơn nữa, đã cùng nhau bước một bước quan trọng để đến lễ cưới.

 

 

5

 

 

            Niên hơi mừng khi thấy Lá Xanh sáng nay không đông khách lắm, chỗ ngồi quen thuộc ở góc sân tiếp giáp với hành lang nhà vẫn chưa ai ngồi. Anh thích ngồi ở đó, vì hành lang cũng là nơi đặt quầy, nơi có nhiều dò phong lan, mỗi lần ngắm,lại phát hiện ra đôi nét thay đổi, như thêm một rễ non, một chấm mầm lá, một cành hoa.

            Niên cũng suýt bật cười khi thấy chính anh là một người khách được chủ quán quý mến nhất, nhưng lại là một kẻ ích kỷ nhất. Anh ước chi Cúc Tần cũng ích kỷ như vậy. Quán chỉ hai người với những giờ khắc rất riêng. Ồ, lẽ nào có trường hợp ích kỷ đồng nhất với hy sinh! Đã dọn quán bày hàng, ai chả muốn được đắt khách. Hy sinh bớt một ít thu nhập để chuyện trò riêng, rất riêng, với Niên... Ồ, buồn cười thật, không phải khách quý, anh là người khách tệ hại nhất.

            Niên nhìn ra nắng, lại nhìn hoa khế tím lác đác rụng. Anh rùng mình thương xót một vẻ đẹp buồn của những bông hoa nhỏ bé đang rơi. Rơi, vì không thể kết quả!

            Niên thấy  anh hơi đa cảm, và đã hơi sốt ruột. Có lẽ Cúc Tần đang pha nước uống cho khách. Niên nhìn quanh đôi bàn, thấy nước uống các loại đã được bưng ra từ lâu, có li đã cạn. Niên đứng dậy, thoáng thấy Cúc Tần đứng sau cửa sổ sát với một cạnh của quầy (khung cửa sổ phòng khách của nhà vốn ghép với quầy hình chữ L thành một chữ U).

            Từ khung cửa sổ phía sau quầy, Cúc Tần nhìn anh mỉm cười. Nụ cười vốn rất sáng, hôm nay, không niềm nở nữa. Niên ngơ ngác.

            - Cúc Tần!

            Cô bước ra:

            - Anh Niên dùng gì, để em pha - giọng Cúc Tần không biểu lộ một tình cảm nào.

            Niên ngước mắt lên, thấy Cúc Tần vẫn xinh đẹp, sao hơi nghiêm, lạ thế!

- Sao vậy? - Niên bối rối.

- Vẫn như mọi lần nghen - cô mỉm cười, Niên thấy hình như Cúc Tần cười nụ cười giao tiếp thôi. Anh nghe một cảm giác hụt hẫng.

            Tiếng một chiếc li rơi vỡ trên nền hành lang, dưới chân quầy. Niên chạy vào nhặt hộ những mảnh thủy tinh. Cúc Tần vẫn không nói gì, tiếp tục pha trà cho anh.

            Đang buồn rầu với những mảnh vỡ, Niên nghe Cúc Tần bật cười, tiếng cười trong trẻo và vui vẻ. Anh ngẩng mặt nhìn lên dò hỏi. Cúc Tần rạng rỡ:

            - Thôi, đủ rồi, anh Niên. Để đó cho em. Nhưng muốn tỏ ra tử tế hơn thì chổi phía sau cánh cửa mở ấy - và Cúc Tần ngọt ngào trêu thêm - anh giúp luôn nghen!

            Niên sững người. À, cô giáo giở trò! Anh bất chợt ngoác miệng cười. Cô giáo cũng đáo để thật!

            - Thưa vâng! - Niên cũng tỉnh bơ.

            Cúc Tần cười thật giòn. Nãy giờ cô cố tình lạnh nhạt cho bõ ghét.

            Quét dọn xong xuôi, Niên bước xuống tam cấp, ra chỗ bàn cũ. Cúc Tần đã ngồi ở đó.

            - Tay anh chảy máu rồi nè.

            Cúc Tần:

            - Lúc anh nhặt, em đã thấy. Cảm phiền ngồi yên. Để em rửa và băng cho.

            Cô vào nhà, mặc cho Niên thích thú mừng thầm nhìn theo. Cô mang ra một hộp thuốc gia đình có chữ thập đỏ.

            Niên thấy tay Cúc Tần run lên khi cầm lấy tay anh, dùng bông gòn tẩm cồn lau nhẹ. Ngực Niên rộn rã. Cô xé một miếng băng dán có sẵn ga. Thật ra, chỉ một vết xước nhỏ, nhỏ hơn cả khi gọt cam lỡ tay, dẫu máu vẫn tươm ra ở lóng thứ hai ngón trỏ. Nhưng hai người vẫn băng bó cho nhau.          

Niên lém lỉnh:

            - Chỗ này nữa - anh chỉ vào đốt đeo nhẫn.

            - Có gì đâu? - và cô đỏ mặt hiểu ý anh chàng nhà văn tinh quái này.

            Hơi đểu một chút, Niên nói khá sỗ sàng:

            - Vết thương ở chỗ này, Cúc Tần không thấy sao! - chợt thấy hơi tàn nhẫn với người vắng mặt, Niên nói khỏa lấp - Cảm ơn Cúc Tần... - Niên nhớ đến Bông Trang...

            ... Niên nhìn cô, muốn gửi vào cái nhìn ấy một điều gì. Cúc Tần hơi ngượng.

            - Anh liên tưởng ngộ thật.

- Có gì đâu. Liên tưởng ngẫu nhiên thôi. Đôi khi rất đắc địa, đôi khi gây hiểu nhầm tai hại. Chỗ đắc địa lại không bị xước! - Niên mân mê ngón áp út ngay lóng tay đeo nhẫn cưới. Ở đó chẳng có chiếc nhẫn nào.

            Niên thấy anh đang bỉ ổi giữa khoảnh khắc thơ mộng này, vì anh vừa trót phủ nhận vợ mình như thế.

            Cúc Tần giả tảng lờ:

            - Sáng nay anh Niên đến sớm, có vẻ hí hửng điều gì?

            - Aắ - Niên sực nhớ - Anh có mang đến một ít bánh nóng - anh rút từ xách tay một gói nhỏ - Bây giờ chắc nguội mất rồi - Niên cố vui trở lại dẫu hơi ngượng.

            - Có lẽ vì em nguội đó!

            - Thưa cô giáo, có lẽ vì vậy. Nhưng sao sáng nay em lạnh tanh vậy chớ! - Niên trách.

            Cúc Tần cũng không hiểu hết, có điều rất rõ là cô phải lạnh một chút để bù lại sự sốt ruột đợi Niên cách đây mấy hôm. Cô biết mình hành hạ chính mình một cách vô lí, tự nhen bùng lửa hôm nọ rồi tự tạt nước dập tắt hôm nay! Cô đã giận Niên đến độ làm rơi chiếc li khi pha trà cho anh. Bây giờ cô đã có thể mỉm cười, còn có thể cười thật tươi, thật thắm với Niên. Cúc Tần một tay cầm bánh, một tay ngửa lòng đỡ vụn bánh rơi. Cô khen bánh ngon. Niên vào quầy pha một ấm trà, mang cùng hai chiếc tách ra bàn, tự nhủ hãy quên niềm ân hận vừa rồi.

            - Anh vẫn chưa mang bản thảo đến cho Cúc Tần đọc à?

            - Chưa. Hai tuần nữa. Được cô giáo ngữ văn phê, chấm điểm, anh thích lắm, anh rất mừng. Nhưng vẫn ngại quá - Niên gắng dí dỏm để giữ không khí vui.

            Niên rót trà vào tách cho Cúc Tần.

            - Hổng dám đâu! Em đã đọc hết mười hai cuốn sách của anh, vừa truyện ngắn, vừa tiểu thuyết, và bao nhiêu bài phê bình sách anh của những nhà văn nổi tiếng một cách rất uy tín, Nam có, Bắc có, cũ có, mới có, có gì đâu anh ngại. Em làm sao dám chấm và phê văn của anh. Anh muốn em giận nữa hả, anh Niên!

            - Anh không làm bộ làm tịch đâu. Càng viết, càng sợ văn mình dở đi - Niên thành thật, nhìn xuống một bông khế tím rơi trên mặt bàn.

            - Anh Niên sao không thấy làm thơ?

            - Có, nhiều nhất là hồi nhỏ, lúc mới tập viết văn. Nhưng thơ anh dở thật. Chỉ văn xuôi là tạm được.

            - Làm nhà văn khổ thật hén? Bao giờ cũng muốn vượt lên chính mình. Như người leo dốc.

            Niên gật đầu:

            - Đường bằng phẳng không đi, lại vừa tự mở đường giữa bao nhiêu là gai góc, cây cối rậm rịt, vừa leo dốc!

            - Thật ra, sáng tạo nào cũng gian khổ, cực nhọc. Bởi thế, thuở học sinh phổ thông, bọn em yêu quý nhà khoa học, nhà văn lắm.

            Niên ngẩng nhìn Cúc Tần:

            - Bộ bây giờ hết quý yêu rồi sao? - Niên cười.

             Cúc Tần hiểu ý, cố phớt lờ:

            - Em đã trên ba mươi - cô hơi thấy nóng ở mặt khi nói đến tuổi - Em thấy hơi lạnh rồi cái niềm ngưỡng mộ. Hình như với cái gì cũng thế. Cúc Tần cũng đã thấy tận mặt nhiều nhà văn. Có ông đến nói chuyện ở trường đại học, ở cả trường phổ thông em dạy. Và, anh Niên đó!

            - Tầm thường quá, phải không? - Niên đón trước.

            - Không - Cúc Tần cười, cô nói tiếp - Càng lớn, càng tỉnh ra, càng mất đi chút huyền ảo. Với cái gì cũng vậy. Đó là nỗi buồn, sự mất mát của người không còn trẻ thơ. Bao giờ nhà sáng tạo chân chính cũng đáng quý trọng. Cúc Tần dạy văn mà, anh Niên!

            - Còn lâu anh mới vươn tới sự  ngưỡng mộ của Cúc Tần!

            - Không. Có một triết gia luôn nằm trên giường bệnh nên có cái nhìn u tối về mặt tối của con người. Đúng, nhưng buồn. ''Từ chối lời khen là muốn được khen lần thứ hai'' (1). Em nhẫn nại khen anh Niên lần thứ ba đó!

            - Trà hôm nay hơi chua và đắng. Do anh muốn xin thêm chút đường. Nhưng giọng Sài Gòn của em ngọt quá rồi. Thuốc đắng bọc đường cho dã tật - Niên cười - Nhà văn cũng con người phàm tục thôi mà, kể cả người chân chính nhất. Có nhiều nhà văn lớn vẫn rất phàm trần.

            - Họ là sinh vật người có trí tuệ sáng và tâm hồn đẹp. Đó là những nhà văn chân chính ấy... - Cúc Tần nói. Cô bước vào quầy tính tiền cho khách, thay luôn băng nhạc.

Niên nghèn nghẹn. Có một ý tưởng khá thô tục thường nẩy ra trong đầu anh: khi nhà thơ và người đẹp làm một động tác bình thường rất sinh vật, trần gian mất đi một chút

huyền ảo. Lúc này, trước Cúc Tần, anh không dám buông

ra chút khiếm nhã nào, dẫu anh biết đấy là tính cao nhã kiểu cách.

            - Ngày xưa, ba em cũng là nhà giáo dạy Việt Văn như em bây giờ. Đúng hơn, em bây giờ đang dạy văn chương bằng tiếng Việt - Cúc Tần giải thích, và nói - Ổng còn khỏe, nhưng nghỉ dạy hơn mười năm nay rồi, hiện ở bên quận Ba với anh cả em.

            - Anh biết, biết cả việc chương trình có phần văn nước ngoài.

            - Ổng một đời hết mình yêu văn thơ và dạy văn thơ. Năm em mười bảy tuổi, năm tám ba thì phải, em bị bệnh sốt xuất huyết, nghỉ ở nhà, cô em có mang về một xấp bản thảo để đốt. Trước khi cô đốt, ba em và em có đọc. Ba em thương ông nhà văn ấy lắm, dẫu nhà văn ấy chưa nổi tiếng. Còn em thì mê - Cúc Tần cười - dẫu chưa thấy mặt nhà văn ấy bao giờ. Con nít ấy mà anh! - cô đỏ mặt.

            Niên giật mình. Anh cố gắng bình tĩnh:

            - Chuyện xảy ra ở Sài Gòn này?

            - Đúng rồi, anh Niên!

            Niên thở phào, nhưng lại cảm thấy tiêng tiếc rằng anh không phải là tác giả đó.

            - Cô em ở đây, làm gì, Cúc Tần nhỉ?

            - Người ta bảo cô em là công an! Nhưng đâu phải...

            - Trời đất! Em có biết tên tác giả ấy không?

            Cúc Tần lắc đầu, chẳng hiểu sao giọng cô có vẻ ngượng:

            - Bản thảo viết tay mà! Chưa hoàn chỉnh, và có lẽ ngại hay sao thấy chẳng đề tên tác giả... Hồi đó, cô em nhiệt tình  cách mạng lắm, em chẳng dám hỏi... Cũng bởi em đọc lén. Ba em cũng rất ghét con nít tò mò tọc mạch.

            Niên cũng thấy không tiện hỏi nữa. Anh nói qua chuyện khác, nhưng rồi vẫn hỏi nhưng tránh chuyện đời riêng:

            - Cúc Tần còn nhớ nội dung bản thảo không?

            - Nhớ chứ. Có gì đâu. Nhưng hồi ấy người ta căm ghét sự mở rộng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa! Chỉ có thế. Ngày xưa nguy hiểm đến chết người nhưng bây giờ chỉ là trò trẻ con! Chẳng có gì đâu, chỉ là kỉ niệm, ờ, kỉ niệm của em thôi mà... ờ, mười bảy tuổi... - giọng Cúc Tần hơi xa vắng, có chút gì hơi bối rối, lúng túng.

            Niên yên lặng cho cô chìm vào hồi tưởng. Anh nghĩ, anh cũng từng bị tịch thu một bản thảo, nhưng đó là chuyện nhan nhản vì đất nước này đâu chả có người viết văn làm thơ. Niên cũng muốn hỏi thêm một số chi tiết, may ra tác giả ấy là người quen của anh. Chuyện bình thường ngày ấy thôi mà!

            - Rồi sau đó tác giả ấy có bị gì không? - Niên hỏi.

            - Không. Nhưng không một ai biết anh ta đi đâu, có người bảo anh ta bị bệnh tim, và đã chết ở Chợ Rẫy.

            - Thương quá nhỉ - Niên buột miệng.

            Cúc Tần nhìn đăm đắm vào Niên. Chưa bao giờ anh bắt gặp ở cô cái nhìn như vậy. Anh cúi mặt, chợt nghe cô thở dài như tưởng niệm. Niên nghe nóng ở đầu. Tình cảm của Cúc Tần với tác giả nào đó hình như thiêng liêng quá, khiến anh không thể không im lặng để bày tỏ niềm tôn trọng.

            Lúc ấy, một chiếc máy bay bằng giấy từ ngoài cổng bay vút vào, đáp xuống ngay trên bàn! Tiếng reo của Cảo Thơm vang lên ngoài cổng:

            - Hay quá! Hay quá! Phi công giỏi quá!

            Cả hai nhìn ra. Hòa Bình dắt Cảo Thơm đi bộ về, giỏ xách đầy cả thức ăn. Niên reo:

            - Hoan hô! Hoan hô! Cảo Thơm điều khiển hay quá! Đáp đúng trên sân bay.

            Cúc Tần chạy ra đỡ giỏ xách cho Hòa Bình. Niên sực nhớ, hôm nay là thứ năm, Cảo Thơm và cả mẹ được nghỉ, nên cùng đi chợ cho vài ngày tới. Anh rút từ xách tay ra gói bánh khác, chạy ra ôm chầm Cảo Thơm, hôn lên má chú nhỏ, rồi dẫn Cảo Thơm đến bàn, trong lúc Cúc Tần, Hòa Bình vào bếp.

            Chuyện trò với Cảo Thơm một lúc về trường mẫu giáo, anh mới phát hiện chiếc máy bay được làm bằng trang báo có in thơ!

            - Nhà thơ này được đi máy bay! - Niên nói - Một tâm hồn được lên mây, lên gió!

            - A ha! Đi máy bay giấy! - Cảo Thơm cười to.

            - Thơ mà! Đi mây về gió, đáp xuống bàn cà phê - Cúc Tần cười theo. Cô đã đặt thức ăn vào tủ lạnh và bước ra.

            Niên chữa thẹn:

            - Trêu vừa thôi nhé! Phải lên Thiên Đường như chim, phải uống cà phê để ngẫm nghĩ về con người và mặt đất chứ, thưa hai cô cháu!

            Aằnh mắt của Niên chạm sâu vào ánh mắt Cúc Tần. Anh nghe trái tim mình rung lên.

            Cũng đã đến lúc Niên phải về. Anh đặt tiền lên quầy, khi quay ra, thấy Bảo, với nón nhựa bảo hộ, áo quần công nhân, và ba lô sau lưng, đang cho xe chạy thẳng vào sân.

            - A ha! Ba đã về! Đúng như hồi sớm mẹ điện thoại.

Bảo cười rạng rỡ, bắt tay Niên. Bảo quay sang con trai  đang ôm chầm bên chân anh. Anh nhấc bổng con lên. Hòa Bình cũng vừa rửa ráy, thay áo quần xong, chạy ra. Những nụ cười chan hòa hạnh phúc.

            Lát sau, Cúc Tần tiễn Niên ra cổng. Cô thoáng buồn, cũng chẳng hiểu tại sao. Niên cũng bâng khuâng, khẽ nói:

            - Cúc Tần vào đi. Cảm ơn một buổi sáng.

            Cúc Tần tần ngần:

            - Lúc nãy, em kể chuyện văn chương thôi. Chỉ là kỉ niệm thời mới lớn. Mộng mơ thôi mà. Quên đi anh nhé.

            Niên cười:

            - Quên. Không nhắc nữa. Anh tin vào niềm tin của anh... Dẫu sao, vẫn muôn năm kỉ niệm của mộng mơ.

            Khi bước vào, Cúc Tần bước thật khẽ, không muốn chân chạm nặng trên nền sân. Cô tế nhị xuống bếp, để gia đình riêng bé nhỏ của người em họ được quây quần hạnh phúc. Một tuần rưỡi rồi Bảo bận ở công trường. Khi không, trước hạnh phúc của hai em và cháu, Cúc Tần chạnh buồn. Chẳng hiểu sao. Cũng chẳng thể nào hiểu được chính mình, khi cô không cấm nổi lòng cô thương nhớ Niên! Cũng chỉ vô vọng thôi. Nhưng biết làm sao được! Đêm nay, cô sẽ phải đối mặt với nỗi cô đơn!

 

 

 

 

Xem tiếp:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/co_mnlmxanh-2.htm

 

Cũng có thể xem tại:

http://tranxuanancmnlamaixanh.blogspot.com/

http://tranxuanancmnlamaix2.blospot.com/

Trở về trang

danh mục tác phẩm -- muc lục:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/danhmtphamtxa_googlepcreator.htm

 

bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

______________________________________________________________________________________________________________

 

Trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 

01 & 02-5 HB7 (2007) = 15 & 16-3 Đinh hợi HB7