m. Tiểu mục 39 - Giao lưu đoàn kết - Trần Viết Điền

 

Web Tác giả Trần Xuân An

VỀ CÁC GIẾNG CỔ TRÊN GÒ DƯƠNG XUÂN

 

Trần Viết Điền

(giảng viên Khoa Vật lí, ĐHSP. Huế)

 

Vài lời của WebTgTXA.:  Tiếp tục công việc nghiên cứu về một đề tài mà đề tài ấy đã gắn liền với tên tuổi của hai nhà nghiên cứu Trần Viết Điền và Nguyễn Đắc Xuân, lần này ông Trần Viết Điền lại gửi đến người đọc và giới nghiên cứu bài viết vừa ráo mực của ông. WebTgTXA. hân hạnh được đăng tải, và cũng xin chân thành cáo lỗi cùng quý người đọc và tác giả Trần Viết Điền về khả năng hạn chế kĩ thuật của WebTgTXA. trong việc sử dụng hình ảnh minh hoạ. Có một điều khác, quan trọng hơn, đó là tên gọi của một trong những giếng cổ -- "Giếng Loạn" --, liên quan đến cuộc khởi nghĩa Chày Vôi. WebTgTXA. tuy vẫn tôn trọng nguyên văn tên gọi ấy, nhưng không khỏi áy náy, vì WebTgTXA. vẫn cho rằng cuộc khởi nghĩa Chày Vôi đích thực là một cuộc khởi nghĩa, nhằm mục đích làm thay đổi một vị vua, chứ không nhằm chống triều Nguyễn. Đó là sự kiện thể hiện mâu thuẫn nội tâm có tính bi kịch của sĩ phu, quan lại trung thành với triều Nguyễn ở kinh đô Huế thuở ấy. Cuộc khởi nghĩa này hoàn toàn khác về chất với các cuộc nổi loạn "phù Lê", "tả đạo" ở Đàng Ngoài. Trân trọng thưa với quý người đọc và với tác giả Trần Viết Điền như vậy. WebTgTXA. (12 & 13-05 HB8).

 

               Giếng cổ trên gò Dương Xuân khá nhiều, đặc điểm chung của chúng là xây bằng đá, về sau dân sở tại hoặc nhà chùa cho trát vữa xi măng phần giếng trồi trên mặt đất, đôi khi chèn gạch giữa những kẻ hở của các lớp đá xếp . Phần lớn nước giếng rất trong . Một số giếng cổ được gọi theo tên của những công trình kiến trúc mà những chủ nhân của chúng từng sử dụng giếng hoặc biến cố lịch sử gắn với họ… Các giếng cổ trên gò Dương Xuân được giới nghiên cứu Huế quan tâm trong hai thập kỷ qua khi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng vài Giếng Loạn là giếng lấy nước sinh hoạt của Tây Sơn . Dữ kiện ấy nhà nghiên cứu lấy làm cơ sở cho giả thuyết khoa học .Việc giám định chủ nhân đầu tiên của giếng cổ lại góp phần tìm Đan Dương Lăng của vua Quang Trung, theo cách đặt vấn đề của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, khiến  chúng tôi phải cẩn trọng rà soát việc xử lý tư liệu thư tịch, di vật, di chứng  mà nhà nghiên cứu đã công bố. Chúng tôi đưa ra những kiến giải mới, thậm chí đặt ngược vấn đề, với mong muốn thảo luận một cách nghiêm túc với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân . Nếu nhà nghiên cứu bảo vệ được các luận điểm của mình  thì chúng tôi cũng góp phần làm công trình khoa học của ông  tăng thêm độ tin, sức thuyết phục càng mạnh. Trong tinh thần ấy chúng tôi lần lượt thảo luận về sáu cái giếng cổ trên gò Dương Xuân  như sau :

 

          1/ Về giếng cổ chùa Diệu Đức:  

 

           Trong khuôn viên của chùa Diệu Đức có một giếng cổ, cạnh giếng cổ từng  có một tấm bia đá “CỔ KÍNH TRÙNG VIÊN THUYẾT”, khắc chữ Hán, do quan Phủ Doãn Thừa Thiên Nguyễn Đình Hiến soạn văn bia, Thượng Thư Bộ Binh Phạm Liệu viết lời bình. Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu đã dịch và công bố văn khắc của bia ấy.

 

Hình 1: Chính diện chùa Diệu Đức ở gò Dương Xuân

                                     (có tiền thân là Thạch Thủy Uynh của

                                   Phủ Doãn Thừa Thiên Nguyễn Đình Hiến)

                  

Hình 2: Giếng cổ chùa Diệu Đức, do cụ Phủ Doãn

                                       Nguyễn Đình Hiến tôn tạo, dựng bia

                                     “Cổ kính trùng viên thuyết” cạnh giếng.  

 

Hình 3: Lòng trong của giếng cổ chùa Diệu Đức.

 

          Điều đáng quan tâm là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân qua nội dung văn bia, đã lảy ra những tư liệu phục vụ cho công trình nghiên cứu Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương -sơn lăng của Hoàng Đế Quang Trung của ông. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân  viết : “Đọc văn bia của ông Nguyễn Mạnh Khả (Nguyễn Đình Hiến}, tâm tôi đính vào mấy câu hỏi này: “Cái giếng này do ai bắt đầu đào vào thời nào? Vì sao lại bỏ hoang? Tác giả hỏi nhưng suốt bài văn bia không thấy câu trả lời . Tác giả khắc văn bia mấy câu hỏi ấy nhằm để lại đời sau tìm câu trả lời chăng? Trả lời được các câu hỏi ấy cũng như mục đích tác giả viết, Cổ kính trùng viên thuyết , “Để làm mới cái cũ mà dựng lại cái đổ nát vậy”. Vậy thì “Cái đổ nát” ấy là cái gì mà quan trọng cần phải dựng lại? Một cái giếng cổ có gì đặc biệt đâu mà phải viết một bài văn dài, viết rồi còn đưa cho một ông Thượng thư (Phạm Liệu) viết lời bình rồi khắc vào bia đá? Hiểu được ý của Nguyễn Mạnh Khả nên Thượng thư Phạm Liệu đã hạ xuống một lời bình chắc nịch:

 

“Câu chuyện này , trong cái nhỏ thấy cái lớn”. “Cái nhỏ” là cái giếng cổ, còn cái lớn là cái gì? Phải chăng hai cụ Nguyễn, Phạm không tiện nói ra sự thực cái lớn ấy, mà qua tấm bia Cổ kính trùng viên thuyết hai cụ gửi lại cho thế hệ sau thấy được và dựng lại cái lớn ấy? Phải chăng cái giếng cổ đó từng phục vụ nguồn nước sinh hoạt cho kẻ thù của triều Nguyễn, mà kẻ thù đó đã bị triệt hạ, các tác giả là người của triều Nguyễn nên không tiện nói ra sự thực ai đã đào giếng , đào vào thời gian nào và vì sao bị bỏ hoang . Các câu hỏi này gần với nội dung công trình nghiên cứu Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-Lăng Đan Dương của tôi.” (Nguyễn Đắc Xuân, “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng Đế Quang Trung”, NXB. Thuận Hóa Huế, 2007, tr. 85, 86).

 

              Các tư liệu về “tiểu giám hộ lăng”, “Đan Dương Cung điện nhật tam thu”, “Phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân”, “Giếng Loạn”, “Mả loạn”, cùng với suy luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân , chúng tôi đã thảo luận về độ tin trong các bài viết đã công bố. Và trong phần này, chúng tôi tiếp tục thảo luận một vấn đề mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã đặt ra trong công trình dày công của ông: giếng cổ chùa Diệu Đức có liên quan Đan Dương lăng.

 

             Nếu chỉ có một khả năng như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã chỉ ra và không gặp vấn nạn gì thì không còn thảo luận nữa và chấp nhận khả năng ấy. Nhưng nếu  khả năng ấy gặp vấn nạn không vượt qua và còn có khả năng khác thì cần rà soát lại luận cứ của tác giả công trình.         

 

             a/ Hai cụ Nguyễn Đình Hiến và Phạm Liệu là các đại thần của triều Nguyễn, được triều Nguyễn trọng dụng không lẽ còn “hoài Tây Sơn” qua việc viết bài thuyết, lời bình về cái giếng cổ  như cách đặt vấn đề của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân ? Nếu quả có “hoài Tây Sơn” thì các cụ chỉ  mạn đàm,  vì khẩu thuyết vô bằng, đằng này các cụ cho khắc bia bài thuyết “hoài Tây Sơn”, dựng trước mặt kinh thành Phú Xuân thì các cụ quá táo bạo! Một bài thơ có khẩu khí của Nguyễn Văn Thuyên, con trai của đại công thần Nguyễn Văn Thành, từng là cái cớ để vua Gia Long buộc Nguyễn Văn Thành chọn “tam ban triều điển”, huống gì  trên bia các cụ Nguyễn, Phạm dám khắc  “trong cái nhỏ” (giếng cổ Tây Sơn) thấy “cái lớn” (công nghiệp của Tây Sơn),  theo cách nghĩ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Thế thì rõ ràng các cụ ngầm làm “công tác bảo tàng di vật  tưởng nhớ Tây Sơn” chăng ? Vậy mục đích “trùng tu” giếng cổ của cụ Phủ Doãn là  “Để làm mới cái cũ mà dựng lại cái đổ nát vậy”, qua giải mã của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân,  thì các cụ muốn dựng lại một di chứng của triều Tây Sơn , một di vật có liên quan Đan Dương lăng . Điều sâu kín của tác giả CỔ KÍNH TRÙNG VIÊN THUYẾT được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân giải mã như trên , không chừng làm cho các cụ bị hàm oan vậy.

 

             b/ Sau khi đánh bại Tây Sơn, các công trình kiến trúc chùa, tháp sư được sắc tứ, miếu đền thời chúa Nguyễn… đều được nhà vua, mẹ vua, vợ con vua bỏ tiền của để tôn tạo. Ví dụ bà Hiếu Khang (mẹ vua Gia Long) tôn tạo chùa Bảo Quốc, bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu ( vợ chính của vua Gia Long) tôn tạo đại danh lam Thiền Lâm…Các chùa Ấn Tôn, Viên Giác, Huệ Lâm… trên gò Bình An cũng được tôn tạo sau năm 1801. Vậy vết thương chiến tranh trên gò Bình An, tính đến thời Minh Mạng, Thiệu Trị coi như đã tạm hàn gắn. Thế thì tại sao đến thời Khải Định (Pháp thuộc) vùng ấp Bình An vẫn có các chùa, tháp sư hoang phế? Có một biến cố ở kinh đô Phú Xuân, dẫn đến chùa chiền trở nên tiêu điều, hoang vắng: đó là loạn Đoàn Trưng, Đoàn Trực 1866 . Tại sao? Một vị lãnh đạo cuộc nổi dậy là Đoàn Hữu Ái từng cạo đầu làm sư để dễ bề vận động giới sư sãi tham gia tổ chức Đông Sơn . Đêm khởi sự, các vị thủ lĩnh như Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Tư Trực, Sư  Nguyễn Văn Quý… đã tập họp lực lượng nòng cốt trong một đàn giải oan cho Hồng Bảo (anh ruột vua Tự Đức) ở chùa PHÁP VÂN (CHÙA KHOAI) trên gò Dương Xuân. Đàn giải oan  tất phải có nhiều sư sãi ở các chùa gần chùa Khoai như Ấn Tôn, Thiền Lâm, Viên Giác, Huệ Lâm, … tham dự và thiện nam tín nữ đến chùa Khoai dự lễ ắt có thành phần tham gia khởi nghĩa, gánh lương thực và vũ khí đến chùa. Trong các sư sãi hành lễ vẫn có nòng cốt của Đông Sơn hội, cải trang thành các sư để dễ hành động bí mật. Vì lẽ đó, vua Tự Đức sau khi dẹp loạn  đã ra lệnh triệt giải các chùa có người tham gia cuộc nổi dậy 1866.

 

           c/ Hàng ngàn quân lính, nhân công ở công trường xây dựng Vạn Niên… phải có nhà ở, hoặc lán trại trên gò Dương Xuân. Vùng LÂM LỘC còn chưa khai khẩn hết  là nơi cung cấp gỗ, nứa, tranh …để làm nhà , cũng như cung cấp những mặt bằng cho lán trại. Tất nhiên ở đâu có nhiều người ở  thì phải có đào giếng để lấy nước sinh hoạt. Xong việc thì có khi giếng bị bỏ hoang khi những người sử dụng chúng đã ra đi. Sau cuộc loạn, việc giết chóc, bắt bớ, triệt hạ chùa chiền trên gò Dương Xuân là chắc chắn xảy ra. Đức Từ Dũ (thân mẫu vua Tự Đức) phải can thiệp nên mới giữ được 24 chùa với 24 sư trụ trì. Vậy loạn Đoàn Trưng, Đoàn Trực đã làm  thay đổi bộ mặt của ấp Bình An và dĩ nhiên sau cuộc loạn, triều đình Tự Đức phải theo dõi các hoạt động ở các chùa lớn nhỏ trên gò Dương Xuân. Rồi triều đình cũng như dân chúng  phải lo đối phó với quân Tây Dương xâm lược nên không có điều kiện trùng tu tôn tạo các chùa trên gò Dương Xuân. Việc quản lý đất công ở gò Bình An quá lỏng lẻo, quan chí dân thì mạnh ai người ấy khai phá, tận dụng đất đai, vật liệu xây dựng của các công trình cổ hoang phế, đổ nát… Giếng cổ chùa Diệu Đức lúc ban sơ là như thế, có thể làm xao lòng các cụ Nguyễn, Phạm về một quá khứ buồn của triều đại mà các cụ đang phụng sự.

 

               Khi cụ Phó bảng Nguyễn Đình Hiến, cụ Thượng thư Phạm Liệu đến bờ khe trước chùa Thiền Lâm, cảm nhận sự hưng phế tang thương của ấp Bình An, có thể nghĩ đến biến cố khoảng 64 năm xưa (tính từ 1930), nhân trùng tu giếng cổ, lập Thủy Thạch Uynh và đã xúc cảm viết Cổ kính trùng viên thuyết cùng lời bình . Đây là một khả năng, khi cơn sốt “LOẠN CHÀY VÔI” đã hạ, khiến  các cụ có thể viết bài thuyết, có lời bình. Tại sao nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cứ đính cái tâm vào Tây Sơn và gán ghép cho các cụ Nguyễn, Phạm “hoài Tây Sơn”?

 

 2/ Giếng cổ chùa Kim Tiên :               

 

         Ở chùa Kim Tiên còn lưu giữ một giếng cổ gọi là Giếng Tiên, tương truyền từng có tiên nữ tắm gội ở giếng này. Gần chùa Kim Tiên có suối Tiên và cầu bắc qua khe có tên là cầu Kim Tiên. Tác giả Ai Tư Vãn từng viết : “Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non” , và tương truyền Bắc Cung Hoàng Hậu Ngọc Hân được dân gian gọi là bà Chúa Tiên nên nhà nghiên cứu Nguyễn  Đắc Xuân từng cho rằng Cầu Tiên là cầu Kim Tiên, gần chùa Kim Tiên. Và tác giả suy đoán Bắc Cung Hoàng Hậu Ngọc Hân từng ở chùa Kim Tiên, tất nhiên lấy nước để sinh hoạt ở Giếng Tiên.. Sau khi vua Quang Trung băng hà, bà Ngọc Hân tiếp tục ở chùa Kim Tiên để gần Đan Dương Lăng, lo hương khói cho vua Quang Trung (?). Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân vì chùa Kim Tiên từng là nơi ở của Ngọc Hân nên các vua Nguyễn đã không cho trùng tu chùa này (?).

 

Hình 4: Chính điện chùa Kim Tiên .

                 

Hình 5: Góc đông- nam của chùa Kim Tiên.

                          

Hình 6: Giếng Tiên của chùa Kim Tiên. ở sát cổng sau,

góc tây – bắc của chùa.

 

        Nhà nghiên cứu cũng tìm gặp sư trụ trì chùa Kim Tiên vào năm 1992 để tìm hiểu lịch sử chùa và nhà sư cho biết: “Trước đây có quân chi đó đến ở, sau đó có quân chi chi đó đến đánh phá. Người dân trong ấp nhớ thương người cũ đã than rằng:

 

                “Vi ai nên nỗi sầu này

          Chùa Tiên vắng khách, tớ thầy xa nhau”

 

Nhà nghiên cứu đặt vấn đề ngay: “Phải chăng “quân chi đó” là quân của Nguyễn Huệ - Quang Trung và “quân chi chi đó” là quân của Nguyễn Ánh - Gia Long ? “Tớ” là người dân trong xóm và “thầy” là mẹ con Bà công chúa Ngọc Hân?” (Nguyễn Đắc Xuân, sđd, tr.172). Bắc Cung Hoàng Hậu Ngọc Hân mất năm 1799 và khi Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh đánh tan quân của phò mã Trị ở cửa biển Tư Hiền thì Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản đã rút chạy khỏi Phú Xuân để ra Thăng Long, quên cả ấn An Nam quốc vương… Làm gì có binh hỏa ở vùng Lâm Lộc trên gò Dương Xuân nữa. Một khả năng phải xét nữa là chùa Thiền Lâm do Bùi Đắc Tuyên từng làm dinh Thái sư của Tây Sơn, sau binh hỏa được Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu trùng tu,  thì cớ chi chùa Kim Tiên bị bỏ phế vì Ngọc Hân từng ở chùa ấy? Tại sao nhà nghiên cứu bỏ qua sự kiện Đoàn Trưng, Đoàn Trực, sư Nguyễn Văn  Quý … từng chuẩn bị lực lượng ở gò Dương Xuân và rõ ràng một bộ phận sư sãi ở các chùa có tham gia cuộc nổi loạn ? Quân chi đó” là quân khởi nghĩa của Đoàn Trưng - sư Nguyễn Văn Quí và “quân chi chi đó” là quân của vua Tự Đức đi đàn áp cuộc loạn năm 1866, triệt giải các chùa có liên đới cuộc loạn. Vì cuộc loạn Đoàn Trưng - Đoàn Trực làm ảnh hưởng sinh hoạt của chùa chiền. Khách thập phương, thiện nam tín nữ, sau giặc Chày Vôi, chắc chắn sợ đến các chùa trên gò Bình An. Câu ca dao có khả năng ra đời sau 1866.

 

          Chúng tôi nghĩ rằng việc Bắc cung Hoàng Hậu từng ở chùa Kim Tiên cần phải kiểm chứng, thế thì Đan Dương lăng ở gần chùa Kim Tiên cũng là một giả thuyết khoa học cần rà soát lại cơ sở tư liệu và phương pháp tư duy của tác giả công trình.

   

     3/ Giếng Diễn Mã Trường và Pháo Trường ở Bàu Vá:

 

             Đại Nam thực lục tiền biên từng chép chúa Nguyễn Phúc Chu cho dựng Pháo Trường,  trùng tu Phủ Dương Xuân, đồng thời mở Diễn Mã Trường. Sử chép: “Ất Hợi, năm thứ 4 [1695]... Tháng 3, dựng trường pháo ở phủ sau. Triệu các quan văn võ cùng các đội trưởng, văn chức và tam ty họp nhau diễn tập, bắn trúng thì được thưởng tiền theo thứ bậc, trúng luôn ba lần thì được thưởng một tấm nhiễu hồng. Từ đấy mỗi năm theo làm lệ thường” (sđd, tr.152). Và chỉ năm tháng sau lại có hoạt động lớn ở trường pháo. “Mùa thu tháng 8, sai quân Chính Dinh diễn tập pháo thủ, cho các cai bạ nội tả, nội hữu, ngoại tả, ngoại hữu trông nom” (sđd., tr .153). Kỵ binh là một binh chủng cơ động, phản ứng nhanh, dễ biến thành kỳ binh trong chiến thuật đánh vu hồi… Vì lẽ đó, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho xây dựng DIỄN MÃ TRƯỜNG ở cánh đồng Bàu Vá, tức là RUỒNG PHỦ hiện nay. Diễn Mã Trường được xây dựng khi nào, ở đâu, qui mô và cách tổ chức huấn luyện kỵ binh như thế nào?

 

Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép: “Canh Thìn năm thứ 9 [1700], mùa xuân, tháng giêng, mở trường diễn ngựa, các nội ngoại đội trưởng, các văn chức, nội giám và mã đội tả hữu đều được thao diễn” (tr.155).

 

Diễn Mã Trường là trường rèn luyện, thao diễn ngựa; đó là vạt đất thấp, khá rộng nối từ phủ Tập Tượng đến phủ Dương Xuân (sát miếu Phi Vận Tướng Quân và miếu Thành Hoàng). Trong Diễn Mã Trường, có đắp con đường bằng đất sỏi badan, phần lớn là thẳng, có vài khúc uốn cong, có cầu vồng (tre, gỗ) bắc qua ao, có rào chắn thấp bằng đất hoặc bằng tre. Con đường diễn mã còn đó và những đám đất vuông vắn, bên đường diễn mã, lấn ra ruộng Bàu Vá là nền móng cũ của những công trình như chuồng ngựa, xưởng chứa súng, kho thuốc súng và trại lính pháo binh, kỵ binh. Đường diễn mã vẫn còn, hai mô súng, nền móng cũ của kho, xưởng, trại lính vẫn còn dấu tích. Đặc biệt ở gần đó cũng còn hai giếng cổ, dân sở tại cũng đang sử dụng.

 

Hình 7: Toàn cảnh Điện Trường Lạc-Chùa Thiên Hòa - Diễn Mã Trường - Pháo Trường - Phủ Dương Xuân bọc cánh đồng Bàu Vá về phía Bắc, Tây, Nam.

 

Hình 8: Một mô súng, gần giếng cổ thuộc trại pháo binh.

 

Hình 9: Giếng cổ để lính bắn pháo dùng trong sinh hoạt

 

Hình 10: Lòng giếng cổ của Pháo Trường

 

Hình 11: Giếng cổ của Diễn Mã Trường

 

Hình 12: Lòng giếng cổ của Diễn Mã Trường.

 

       Khi tạo dựng HIÊN DUYỆT VÕ thì chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát phải đặt trước một công trình kiến trúc của phủ, điện. Và HIÊN DUYỆT VÕ phải là nơi quan sát dễ dàng các hoạt động tập luyện của kỵ binh, pháo binh, kể cả thủy binh. Thử hỏi, nếu  phủ Dương Xuân nằm tận khoảnh đất trũng ở gò Bình An, hai bên có chùa Thiền Lâm và cồn Bông Sứ che khuất, thì  HIÊN DUYỆT VÕ (trước phủ, điện) làm sao là nơi quan sát được  trường diễn mã, trường pháo? Hai cái giếng cổ của quân trường vẫn còn đó, ghi dấu một thời liệt oanh, nơi các binh chủng của chúa Nguyễn rèn luyện để làm tốt công cuộc mở mang bờ cõi về phương  Nam.

 

         4/ Giếng cổ chùa Thiên Hòa :

 

     Trên tạp chí  Huế Xưa & Nay, số 81, 5-6/ 2007 có bài “Thiên Hòa Tự, một ngôi chùa cổ”, đồng tác giả Lê Nguyễn Lưu, Hoàng Đình Kết, Phan Tấn Tô, Nguyễn Thị Quỳnh Trâm. Qua bài báo được biết Chùa Thiên Hòa do bà Trần Thị Thiên, người thôn Động Hải, tổng Trung Quán, huyện Khang Lộc, phủ Quảng Bình, theo chồng  làm chức Tiền Cai Đội  (tên là Phổ) ở chính dinh Phú Xuân, vào ở tại xã Dương Xuân, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong. Sau khi chồng qua đời, bà giữ tiết, có lẽ tuổi già, không con nên bỏ tiền ra mua đất dựng cảnh chùa để tu hành, pháp danh Thành Phú, mời sư về trú trì. Bà mất, chôn trong vườn chùa và dựng bia năm Vĩnh Khánh thứ 4 (theo Đàng Trong), tức Long Đức năm thứ nhất (theo Đàng Ngoài) (cuối năm 1732 và đầu năm 1733). Lại gặp trên B.A.V.H tập V, 1918, có bài “Vài gương mặt của triều Võ vương”của L. Cadière, Đặng Như Tùng dịch, qua bài viết được biết bà Chiêu Nghi Trần Thị Xạ , thụy Từ mẫn, là vợ sủng ái của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Bà Trần Thị Xạ cũng người tổng Trung Quán, huyện Khang Lộc, phủ Quảng Bình, thân phụ là Khám Lý Năng Tài Hầu. Bà Chiêu Nghi Trần Thị Xạ sinh thời rất sùng Phật, pháp danh Hải Pháp, vì đồng hương và cùng họ với bà Trần Thị Thiên nên có khả năng chùa Thiên Hòa, gần Điện Trường Lạc, gần Phủ Dương Xuân là nơi bà Chiêu Nghi Trần Thị Xạ thường đến lễ Phật. Thiên Hòa Tự có khả năng như là chùa có nhiều quan hệ với phủ Dương Xuân hơn là đại danh lam Thiền Lâm.            

 

Hình 13:  Cổng chùa Thiên Hòa

                   

Hình14:  Tòa Phật điện của chùa Thiên Hòa

 

Hình 15: Tháp mộ lồng bia của bà Trần Thị Thiên.

 

Hình 16: Bia mộ bà Trần Thị Thiên

 

Hình 17: Giếng cổ chùa Thiên Hòa

 

Hình 18: Lòng giếng cổ chùa Thiên Hòa

 

Bên phía tay phải trước chùa, gần đường trước chùa có cái giếng cổ, kiểu thức giống các giếng Tiên, giếng trường Diễn Mã và giếng  này có tên là Giếng Chùa.

                                              

5/ Giếng Mẫu trong khoảnh đất còn dấu tích phủ Tiên (phủ Dương Xuân):

           

        Trong bài “Giả thuyết công tác về dấu tích Phủ Dương Xuân” chúng tôi đã công bố một số di vật về một quần thể công trình kiến trúc cổ quanh đình Dương Xuân Hạ, chứng tỏ ở đây là phủ Thợ Đúc (tức Phủ Dương Xuân). Trải qua loạn lạc, từ 1775 đến 1801 phủ  Dương xuân trở thành hoang phế nhưng vẫn là đất công do làng Dương Xuân quản lý. Vua Gia Long, vua Minh Mạng đã cấp cho hoàng tử, công chúa trong hoàng tộc đệ làm vườn tược, sanh phần. Khi xây tẩm mộ, người ta có tận dụng đá gạch của một số cung, thất của phủ cũ Dương Xuân còn nguyên vẹn trên những nền móng của những cung thất. Dấu hiệu đê nhận biết đó là loại gạch bìa thời chúa Nguyễn.

 

            Ngày 28 tháng 4, chúng tôi cùng khảo sát điền dã ở thôn Dương Hòa với cộng tác viên Trần Viết Hòa, các bác đại diện họ Lê, Võ làng Dương Xuân: bác Lê Văn Hồi, bác Võ Văn Chính. Chúng tôi đã tiếp cận hai ngôi mộ cổ :

         

Hình 20: Bia mộ của một bà công chúa con của

vua Gia long trên  thổ viên của phủ cũ.

 

Hình 21: Gạch thời chúa Nguyễn được tận dụng để xây thành

của lăng bà công chúa, con gái của vua Gia Long.

 

Hình 22: Bia mộ của một bà tài nhân họ Trần,

vợ của vua Gia Long, táng trên thổ viên của phủ cũ

 

Hình 23: Dấu tích gạch thời chúa Nguyễn, được tận dụng

để xây tẩm bà vợ họ Trần của vua Gia Long.

 

          Cả hai ngôi mộ đều có tận dụng gạch mỏng của những công trình kiến trúc thời chúa Nguyễn để xây thành mộ. Lại có những miểu mạo cổ, lại tận dụng gạch đá  thời chúa Nguyễn để kè bờ khe, bó nền.

 

Hình 24: Một đoạn khe Triều Tiên đã được kè đá trên gò Dương Xuân.

 

Hình 25: Giếng Mẫu (còn gọi là Giếng Tiên) ở áp Dương Hòa, làng Dương Xuân Hạ, có miếu thờ gần đó.

 

Hình 26: Lòng Giếng Mẫu (còn gọi là Giếng Tiên).

 

Hình 27: Đá hộc, đá lát của công trình cổ được tận dụng để dựng miễu xóm

 

Hình 28: Bờ kè tận dụng gạch thời chúa Nguyễn.

 

Hình 29: Một bờ kè khác cũng tận dụng gạch thời chúa Nguyễn.

 

Hình 30: Bó nền bằng gạch tận dụng của công trình thời chúa

Nguyễn bị hoang phế

 

Hình 31: Miễu xóm Dương Hòa, làng Dương Xuân Hạ

 

6/ Giếng Loạn Chùa Khoai :

 

                    Về phía tây - bắc của chùa Thiên Hòa, cũng trên Đồi Dương Xuân (xưa) từng có Chùa Khoai. Chùa là nơi tập kết đội quân nòng cốt của các nghĩa binh của Đoàn Trưng, Đoàn Trực, Sư Quý vào đêm lập đàn giải oan cho Hồng Bảo (anh ruột vua Tự Đức). Hiện nay chùa chỉ còn nền móng không hoàn chỉnh, lẫn trong đất đá những mảnh vụn của gạch mỏng thời chúa Nguyễn. Đặc biệt trong vườn chùa còn lại một giếng cổ, dân gian gọi là Giếng Loạn, có người gọi là Giếng Chùa. Nếu theo cách nghĩ của như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đối  với giếng cổ chùa Tuệ Lâm  thì Giếng Loạn này là giếng của Tây Sơn ư? Rõ ràng Giếng Loạn này là giếng của ngôi chùa, từng là đaị bản doanh của bộ chỉ huy Loạn Đoàn Trưng, Đoàn Trực. Vậy giếng cổ này và giếng cổ chùa Huệ Lâm cùng tên gọi và cùng gắn với một biến cổ lịch sử đầy ấn tượng ở kinh đô Phú xuân thời vua Tự Đức.

 

Hình 32: Ảnh chụp vệ tinh toàn cảnh Khiêm Lăng của vua Tự Đức.

              Binh dân tham gia xây dựng lăng này từng lấy chày vôi làm vũ khí, dưới sự chỉ huy của   

              Đoàn Hữu Trưng, sư Nguyễn Văn Quý…đánh vào Đai nội năm 1866.

 

Hình 33: Nền cũ của chùa Pháp Vân (tức Chùa Khoai)

 

Hình 34: Giếng Loạn còn lại của chùa Khoai

 

Hình 35: Lòng giếng Loạn của chùa Khoai

 

Hình 36: Một đoạn bờ móng còn lẫn gạch đá vỡ vụn

của Chùa Khoai

 

 

Hình 37: Chơ vơ Giếng Loạn chùa Khoai.

           

            Nói thế thôi, về mặt khoa học khảo cổ, cần phải dùng phương pháp định tuổi nhờ đồng vị cacbon C14, hoặc nhờ vật lý kỹ thuật hiện đại định tuổi các giếng cổ trên gò Dương Xuân. Nên chăng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cần rà soát lại toàn bộ cơ sở của giả thuyết công tác về các giếng cổ trong công trình của mình để đề xuất hướng kiểm chứng khảo cổ học. Các cơ quan hữu trách trong và ngoài nước, các diễn đàn đã nhiệt thành tạo điều kiện cho nhà nghiên cứu, nhưng tại sao giả thuyết công tác của công trình chưa được kiểm chứng? Câu trả lời, hơn ai hết, chính tác giả công trình đã thể nghiệm. Riêng chúng tôi hoàn toàn nhất trí thỉnh cầu các cơ quan hữu trách tiến hành khai quật khảo cổ học ở ấp Bình An để kiểm chứng giả thuyết khoa học của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Mong được thảo luận trong tinh thần khoa học với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và sự góp ý của các nhà nghiên cứu khác, còn những nội dung ngoài khoa học, cho phép chúng tôi không tham gia.                                                                                                       

                                                                                         

                                                                                                      Huế, ngày 6-5-2008 

                                                                                            Trần Viết  Điền

 

(gửi qua Gmail, ngày 09-5-HB8)

 

Xem các bài cùng đề tài của Trần Viết Diền:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket-2

 

____________________________________________________

Trở về

THÔNG BÁO CẬP NHẬT Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update_mucluctrang

 

TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

&

trang mục lục Giao Lưu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket_mucluctrang

(mục lục của mục này -- các trang Giao lưu)

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

(trang 1 Giao lưu)

TRANG "NGÀN WEBs CỦA NGÀN NHÀ":

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/webcacnha

Trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 

 Ngày nhận bài này từ tác giả qua Gmail & đưa lên web: 12-05 HB8