a. Trần Xuân An - Sen đỏ, bài thơ hòa bình - Tệp 1b

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

 

TRẦN XUÂN AN

SEN ĐỎ, BÀI THƠ HOÀ BÌNH

 

 

Chương 1

 

1995

 

 

Sen đỏ,

bài thơ hòa bình

 

ÿ ÿ

 

       TÁC PHẨM DỰ THI

CUỘC THI TIỂU THUYẾT 1998 – 2000

DO HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM TỔ CHỨC

 

địa chỉ liên lạc: 

TRẦN XUÂN AN

71B Phạm Văn Hai

P.3, Q. Tân Bình

TP. Hồ Chí Minh 

ĐT: 8453955

 

TRẦN XUÂN AN

 

Sen đỏ,

bài thơ hòa bình

tiểu thuyết

1999

 

tác giả giữ bản quyền

 

NHÀ XUẤT BẢN THANH NIÊN

2003

(có gác lại vài dòng trong bản đã xuất bản)   

Xin tạ ơn ngọn bút,

biểu tượng của sự công chính và liêm khiết trí tuệ.

Xin trân trọng, bảo vệ và yêu thương

từng dòng chữ của mồ hôi chất xám và trái tim.

TXA.

 

1995

 

1

 

            Cô gái mở to mắt với những tia vui mừng nhìn vào tấm biển số nhà. Tấm biển bằng đồng khoảng bằng cuốn vở, màu đồng đã ngả sang nâu xỉn, nhưng vẫn đọc được những chữ và các con số trên đó. Tre Trúc đứng bên chiếc xe đạp của mình, hơi bối rối. Cô sinh viên này không ngờ ngôi nhà cô muốn tìm theo mẩu tin nhỏ đăng trên báo lại là một biệt thự! Tre Trúc nhìn tờ báo, tấm bản đồ chỉ đường đã được gấp lại trong giỏ xe trên vè trước. Cũng hơi tần ngần, cô lại ngước lên.

            Nắng buổi sáng pha thêm màu vàng chanh trên hai bức thành được tô bằng đá rửa, đắp nổi hình các đóa sen, lá sen màu trắng. Cổng biệt thự, Tre Trúc đang ngần ngại nhìn, cách đều hai bức thành kia. Cô lại đọc kĩ một lần nữa bốn chữ ''Biệt thự Sen Trắng'' khắc vào tấm biển đồng. Số nhà Tre Trúc đã nhẩm thuộc trong óc cũng đang trước mắt, không thể nhầm được. Cô hiểu có lẽ chủ nhà khiêm tốn nên lúc đăng tin lên báo, cố giấu hai chữ ''biệt thự'' đi, khiến cô cứ ngỡ Sen Trắng là tên của một cửa hàng, cửa quán. Hóa ra, là thế này đây.

            Tre Trúc siết nhẹ ghi đông cho đỡ ngần ngại, rồi dựng xe lên bằng chiếc chân chống. Cô buộc lại mái tóc dài xõa xuống ngang lưng. Nhìn vượt qua đỉnh bức thành, qua màu xanh của cây lá kiểng, Tre Trúc lại bắt gặp cụm tượng Sen Trắng trên sân thượng của tòa nhà. Có lẽ phải gọi đầy đủ hơn, ấy là Sen trắng và Chuông trắng. Tre Trúc bất giác mỉm cười một mình, thấy lòng đã bình tâm trở lại.

            Bấm ngón trỏ vào nút chuông, Tre Trúc hơi giật mình, khi nghe vang lên tiếng chuông chùa. Mặc dù âm thanh không lớn, ô vẫn ngẩn ngơ nghe ngân nga trên ngực. Quả là một kiến trúc với sáng kiến độc đáo.

            Người đàn ông khoảng bốn mươi lăm tuổi ló mặt sau ô cửa nhỏ ở cổng sắt, mỉm cười:

            - Cô là sinh viên Quảng Trị?

            - Dạ, vâng... - Tre Trúc đáp với nụ cười rụt rè.

     Sau tiếng kéo then, một cánh cổng rộng mở. Bánh sắt dưới đáy cánh cổng lăn trên một đường ray hình cung đã ngừng lại. Vẫn nụ cười niềm nở hơi gượng gạo, người đàn ông khẽ dang một cánh tay mời Tre Trúc vào nhà.

            Trên lối đi lát đá ngập nắng, vài ba chiếc xe đạp, xe gắn máy đang dựng. Sau khi dựng xe đạp của mình cạnh đó, cô theo người đàn ông bước lên các bậc cấp vào phòng khách. Tre Trúc hơi lo bởi thấy đã chậm chân. Trên ghế xa lông, các ghế nhựa khác, gia đình chủ biệt thự và bốn sinh viên đang chuyện trò làm quen nhau. Tre Trúc cúi đầu, khẽ chào.

            - Ngồi đó đi, cháu - cụ già khoảng bảy mươi tuổi dịu dàng nói với giọng Quảng Trị.

            Tre Trúc khẽ dạ, ngồi xuống cạnh người bạn gái chắc hẳn cũng là sinh viên đồng hương. Ngoài cô gái đang mỉm cười chào, cô còn thấy ba sinh viên nam khác.

            Người đàn ông trung niên hồi nãy rót thêm một li nước, đặt trước mặt cô:

            - Uống nước đi nhé. Đây là đồng hương cả mà.

            Lần nữa, Tre Trúc khẽ cảm ơn.

            Cụ già cười thân thiện:

            - Cháu mới đến tên gì? Ở huyện nào ngoài mình đấy?

            - Dạ, cháu quê ở Hải Lăng, nhưng ba má cháu vào Đắc Lắc mười mấy năm rồi, thưa ông.

            - Thì ra đều là dân Quảng Trị xa xứ cả - ông cụ nhân tiện giới thiệu cho Tre Trúc rõ - Ba bạn sinh viên này đều gốc ngoài mình nhưng cũng xa xứ. Người ở Long Xuyên, người ở Phan Thiết, người ở Tam Kỳ... Chỉ mỗi Trần Ngát Gió vẫn đặc Quảng Trị... - ông cụ giới thiệu tên từng người.

            Bốn sinh viên mỉm cười với Tre Trúc. Cô cũng mỉm cười đáp lại, thấy bao nhiêu lo âu, hồi hộp đã tan biến mất.       

    Người đàn ông nhặt cây bút trên bàn, kéo tờ giấy lại ngang tầm đặt bút, hỏi Tre Trúc:

            - Cô được gọi là gì?

            - Dạ, Phan Lưu Tre Trúc.

            - Năm thứ mấy ở đại học?

            - Dạ, năm thứ tư, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, thưa chú.

            Người đàn ông mỉm cười. Cái bớt khá lớn, cỡ bằng một lóng tay, trên mép phải khẽ máy động. Anh hí hoáy viết rồi nói:

            - Thế này nhé, Tre Trúc mới đến, chưa nghe ông cụ nói. Hồi nãy, có các bạn đây, ông cụ đã bảo, đến trọ tại nhà này, không phải tốn tiền nong gì cả, nhưng cơm nước phải tự túc lấy... Chỉ có một điều, là không nên tiếp khách trong nhà vì nhà cần sự yên tĩnh. Đầu hẻm, có quán nước bình dân, có thể xem như phòng khách của các bạn. Chỉ vậy thôi, còn mọi thứ, hãy xem nhà này là nhà của mình.

            - Dạ, xin cảm ơn ông và chú - Tre Trúc hơi bất ngờ. Cảm thấy mừng trước một sự may mắn, cô hơi ngượng khi phải nói thêm - Thưa chú, cháu còn có một người em trai đang học năm thứ nhất nữa ạ... Và... - cô ấp úng.

            Người đàn ông lại cầm bút:

            - Tên gì vậy, Tre Trúc?

            - Dạ, Phan Lưu Đất, Đại học Khoa học tự nhiên.

            Đợi người đàn ông trung niên viết xong dòng chữ, ông cụ nói:

            - Vậy là sáu sinh viên rồi. Chắc cũng vừa đủ chỗ, Cơ Dân nhỉ?

            - Dạ, theo dự tính của ba là sáu.

            Ông cụ mỉm cười, nhìn những người đồng hương trẻ tuổi. Tre Trúc thoáng hụt hẫng, định nói thêm, nhưng thấy không tiện.

            Đấy là cụ già tóc đã bạc nhưng nước da vẫn còn tươi sắc, trông rất khỏe mạnh. Đôi mắt cụ đặc biệt tinh anh với tia nhìn hiền hậu, trên gương mặt chữ điền đang hiện rõ nét vui.

            Sau một lúc khá lâu nghĩ ngợi, tự xếp đặt việc trọ học cho em, Tre Trúc mới chợt nhận ra vẻ giản dị, hơi đơn sơ nữa là đằng khác, trong phòng khách của tòa nhà rộng lớn và bề thế này. Vách trong nhà quét vôi xanh nhạt. Từ chân vách lên cỡ một mét, lại tô đá mài màu lam đậm có những hoa văn là đoá sen, lá sen màu trắng. Hồi nãy, khi mới từ cổng vào sân, Tre Trúc đã kịp thấy trong thoáng bối rối, cũng cách trang trí này ở tường ngoài. Cả một biệt thự nơi nào cũng sen trắng với sen trắng! Tre Trúc cũng không ngờ phòng khách lại đơn sơ đến vậy. Ngoài lan can cầu thang, bộ xa lông gõ (gụơ) đen bóng, chỉ thấy thêm trên vách là những cây đàn bầu, đàn tranh, đàn đáy, cả đàn nhị, khèn và sáo nữa, cuối góc phòng là một bộ dương cầm. Tre Trúc bất giác mừng thầm khi đoán đây là nhà của một nghệ sĩ. Cô suýt mở miệng hỏi song ngần ngại, rồi thôi.

            Có lẽ quên là đã có lần gọi tên người đàn ông trung niên, ông cụ cởi mở sau khi nhận ra câu hỏi không nói của cô:

            - Cháu Tre Trúc mới đến, chưa biết tên bố con nhà mình. Ông là Đặng Hương Chữ, cán bộ phát hành sách đã về hưu, rất mê âm nhạc nhưng không đến đâu cả. Còn đây là con trai của ông, ''lượm'' được nó trong một lần giới thiệu sách với lực lượng thanh niên xung phong - ông Hương Chữ bật cười - Nhạc sĩ Ông Đan Dân nổi tiếng đấy, còn gọi là K'Dân.

            Những tiếng ồ ngạc nhiên, thích thú nổi lên trong phòng khách. Anh Cơ Dân mỉm cười:

            - Các bạn chắc đã có lần nghe nhạc của mình? Cũng tàm tạm chứ?

            - Cháu thuộc nhiều bài của chú, rất mê những bài viết có âm hưởng Tây Nguyên - cô gái ngồi cạnh Tre Trúc thốt rất hồn nhiên - Nhưng không ngờ chú còn có tên K'Dân.

            - Thưa chú, cháu cứ thắc mắc mãi, không biết chú có bà con gì với Ông Ích Khiêm người Quảng Nam không? - cậu con trai có nước da nâu, đã được mọi người biết tên là Đinh Nghị, chợt hỏi bằng giọng Nam Bộ.

            Anh Cơ Dân lắc đầu rồi gật đầu:     

            - Có lẽ nghìn xưa cũng là ruột thịt. Tôi thuộc họ Ông ở Quảng Trị. Còn họ K' (Cơ) là của Tây Nguyên.

            Cụ già cũng vui vẻ chuyện trò về âm nhạc với những người trẻ tuổi.

            Lát sau, chợt vang lên một tiếng chuông thanh thoát từ trên sân thượng. Anh Cơ Dân vội ra mở cổng. Một người đàn bà khoảng tuổi sáu mươi xách giỏ bước vào sân, nói gì đó với anh Cơ Dân rồi đi thẳng ra nhà bếp, không vào phòng khách, bằng một lối rộng bên hông trái toà nhà.

            - Bà nhà tôi đi chợ về đó - ông Hương Chữ nói lúc thấy những người trẻ tuổi đứng dậy định ra chào. Ông nói tiếp - Cứ ngồi đó, lát nữa bà ấy sẽ lên đây. Nhà này còn có hai đứa trẻ học cấp một và một cô chủ hiệu may, vợ con của Cơ Dân đấy. Nay có thêm sáu sinh viên các cháu nữa, vị chi là một tá rồi. Đông người cho vui nhà vui cửa.

            Anh Cơ Dân đã vào nhà, ngồi chuyện trò thêm một lúc khá lâu, bàn cả việc đăng kí tạm trú tại cơ quan công an phường với giấy giới thiệu của trường đại học, vẫn chưa thấy bà Hương Chữ lên phòng khách. Tre Trúc đã mấy lần định xuống nhà sau chào bà, nhưng thấy thế thì đường đột quá. Cô cũng cảm thấy hơi thất lễ nếu không chào được bà.

            Nắng đầu tháng chín đã chín rực rỡ ngoài sân cây kiểng. Những tia nước từ vòi phun giữa bể nước ở một bên sân lóng lánh ánh nắng. Tre Trúc đoán các viên sỏi trắng, trên lối đi quanh bể nước , quanh các cây kiểng xanh thắm, chắc đã nóng ran lên dưới ánh sáng chói chang nhường ấy. Cả một sân biệt thự rộng ngập nắng vẫn tươi tắn trước mắt cô, nổi bật là những đoá sen, lá sen trắng dọc theo các lối sỏi.

            Vui mừng lẫn hụt hẫng trong tâm hồn Tre Trúc đã thôi xôn xao, đã bình ổn lại. Tuy còn phải tính liệu cho em gái là Song Mây, nhưng với tứ thơ Sen Trắng trong kiến trúc của biệt thự, Tre Trúc ngỡ mình đang ngồi ở thủy tạ hay trên khoang thuyền giữa đầm sen mùa hạ.

            - Sinh viên Quảng Trị hầu hết học ở Huế... Chỉ thấy có mỗi Trần Ngát Gió nguyên chất ngoài mình tìm đến đây thôi - ông Hương Chữ nhìn cậu còn trai rám nắng đang ngồi cạnh anh Cơ Dân - Nhưng như thế cũng tốt. Chính gia đình này đều là dân xa quê... Y Sông cũng từ Vĩnh Long lên đây.

            Gió nhìn ông Hương Chữ, mỉm cười. Anh hiểu những ai xa xứ mới có niềm đau đáu nhớ quê này. Gió định nói gì đó, chợt thấy bà Hương Chữ xuất hiện ở cửa sau phòng khách, anh đứng dậy chào bà. Qua những lời chào hỏi, Tre Trúc biết bà Hương Chữ vốn từ Quảng Trị ra Hà Nội sinh sống khá lâu trước khi di cư vào Sài Gòn này. Không rõ có nhầm không, Tre Trúc thấy bà hơi gượng gạo, không vui. Cô vẫn muốn nghĩ bà Hương Chữ chỉ do uể oải trong người nên bớt niềm nở với khách đó thôi. Tre Trúc bỗng nhận ra cô đã rất nhiều lần gặp bà, nhưng không nhớ đã gặp ở đâu. Nhìn bà, rồi nhìn ra sân nắng, Tre Trúc cố tìm trong trí nhớ, và chợt nhớ ra.

            Bỗng vang lên một tiếng chuông chùa thanh thoát trên sân thượng. Anh Cơ Dân bước ra cổng.

            Trên lối đi lát đá giữa sân, có lẽ là ba sinh viên đến muộn. Họ đang ngỡ ngàng bước vào phòng khách, như đang bước trên chiếc cầu để vào nhà thủy tạ xây nổi trên đầm sen. Cách xếp đá lát theo kĩ thuật đánh bóng, với các ô chữ nhật và các ô vuông, tạo độ cong trên mặt phẳng của hội họa, cho Tre Trúc ảnh ảo về chiếc cầu vồng duyên dáng và bề thế.

 

 

 

2

 

 

 

            Hai cụm xương rồng đang tỏa sáng, soi ánh sáng vào nhau trên bờ bể nước ở một bên sân. Tuy đúc bằng bê tông với đường nét kỉ hà cách điệu, tô với đá vụn rồi mài nhẵn, được gắn thêm dăm bóng đèn làm nhụy hoa trên đài hoa, trong các cánh hoa cũng bằng xi măng, hai cụm xương rồng đẹp một cách giản dị. Cùng với ánh sáng đèn từ trong tòa nhà, hai cụm xương rồng đang toả hương ánh sáng cho những người trong gia đình ông Hương Chữ trò chuyện. Cuộc chuyện trò này còn có một người khách thân thuộc. Đó là Hãng. Hãng đang học năm cuối ở Đại học Kiến trúc.

            Anh mỉm cười lắng nghe, thi thoảng mới góp chuyện. Hãng đã biết ý định của ông Hương Chữ về việc cho sinh viên đồng hương ở trọ từ một hai năm về trước. Cũng như bà Lụa Hà, vợ của ông Hương Chữ, cũng như anh Cơ Dân với vợ con anh, Hãng hiểu tâm trạng của cụ già hơn bảy mươi tuổi này. Ông Hương Chữ sau Ngày Thống nhất, từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh đoàn tụ với hai cụ thân sinh, và công tác tại một cửa hàng sách. Ông gặp lại người yêu cũ là bà Lụa Hà, nối lại một chuyện tình trước năm năm tư ở Hà Nội. Họ thành vợ chồng, lúc bà Lụa Hà đang tuổi bốn mươi, nhưng có lẽ đã hơi muộn nên không có chung một đứa con nào. Hồi họ cưới nhau, ông Hương Chữ đã trở nên đơn lẻ, bởi vợ và ba đứa con trước đây của ông chẳng còn ai sống sót sau đợt phố Khâm Thiên bị dội bom. Còn bà Lụa Hà vẫn sắt son với tình yêu ngỡ đã vô vọng. Biết vô vọng trong ý nghĩ của bà hồi đó, bà vẫn đợi chờ ông, nên vẫn độc thân cho đến ngày hai người thành chồng vợ ở thành phố này. Vài năm gần đây, ông Hương Chữ bỗng da diết nhớ quê nhà Quảng Trị. Ý tưởng biến ngôi biệt thự ông được hưởng quyền thừa kế từ hai cụ thân sinh, thành nhà trọ cho sinh viên đồng hương đã đến với tâm tư ông. Ông đã do dự, phân vân, rồi dứt khoát bày tỏ, giữ vững ý định của mình, mặc cho bà Lụa Hà càu nhàu, cho ông đã già sinh tật chướng. Anh Cơ Dân và vợ anh là chị Y Sông cũng rất đỗi ngạc nhiên, hơi tiếc nuối cho sự yên tĩnh, sạch sẽ của tòa nhà, vẫn không dám nghĩ ông đã phát rồ.

            Hãng thấy lúc này, khi ngồi quanh chiếc bàn tròn bằng nhựa trắng, ngoài ông Hương Chữ với nét mặt thanh thản, hai đứa con anh Cơ Dân đang chơi đùa hồn nhiên, những người còn lại đang cố vui một niềm vui gượng gạo. Trong bóng đêm từ nền trời tỏa xuống và trong ánh đèn từ hai cụm xương rồng, từ trong nhà tỏa lan trên sân, Hãng thấy bà Lụa Hà hình như vừa ngao ngán, vừa buồn cười, nhưng có lẽ bà đành cam chịu. Anh cũng đọc thấy ở bà niềm xót xa hoà lẫn với yêu thương bà dành cho ông, người gắn bó với chính số phận mình. Có lẽ hơn ai hết, bà hiểu tình cảnh vợ chồng già không con cháu.

            Nãy giờ, Hãng rất dè dặt khi góp chuyện, nhưng từ lúc nhận ra sự việc đã ngã ngũ, anh thấy không nên gợi lại những băn khoăn, không bằng lòng của họ trong vấn đề này nữa. Song ông Hương Chữ chừng như vẫn áy náy vì sự quyết đoán của mình.

            - Thì các cháu ấy trọ ở nhà mình cũng như tôi năm xưa trọ ở nhà bà ngoài Hà Nội ấy mà. Hồi ấy... bà còn nhớ không? - ông Hương Chữ mỉm cười, xa vắng.

            - Nhưng vẫn tùy người, tùy thời. Hồi đó ''nhờ'' gia đình bên tôi khó khăn, phải tính chuyện cho học trò trọ học, nên mới gặp ông - bà Lụa Hà với giọng Quảng Trị đã hơi pha đang vừa nói vừa cười. Rồi giọng bà chợt vui vẻ hẳn - Đâu cũng vào đấy rồi. Một tháng nữa các cháu lại đến ở nhà mình. Vấn đề còn lại là tính chuyện sửa chữa cái nhà kho bỏ hoang hai mươi mấy năm nay - bà nhìn vợ chồng chị Y Sông, hai người đã mười chín năm nay trở thành con và dâu của ông bà - Nhà còn rộng, ở riêng làm gì hở Y Sông?

            Chị Y Sông cười gượng, có vẻ hơi mắc cỡ:

            - Dạ, vâng. Nhưng con thấy, chúng con nên xin chữa lại cái nhà kho thành nhà ở. Anh Cơ Dân sáng tác nhạc, cũng cần yên tĩnh, cách biệt với mấy cô cậu sinh viên một chút.

            - Đó là hỏi lại vậy thôi. Thế là ổn cả rồi. Trong khuôn viên nhà, có một cái kho hoang, đôi lúc gây cảm giác sờ sợ. Vậy cũng hay đấy - bà Lụa Hà cố nuốt tiếng thở dài.

            Cô bé Y Cao dẩu môi, giọng đặc Nam Bộ như mẹ:

            - Cháu chẳng chịu ở kho đâu. Cháu ở với ông bà thôi.

            - Trong kho rết nhiều lắm đó - sực nhớ cú cắn nhức nhối của rết trên mu bàn tay nó năm kia, Cơ Nguyên rưng rưng với chút hốt hoảng chưa quên.

            Hãng bật cười, vỗ vào lưng chú bé Cơ Nguyên:

            - Yên tâm, yên tâm! Cái kho sẽ sáng choang, đẹp đẽ, đố có một con rết, con gián nào dám mon men đến. Chính chú sẽ chữa lại thành nhà, mọi chi tiết đều theo lệnh của Cơ Nguyên và Y Cao mà.

            - Thật hả chú? - Cơ Nguyên cười toe, thấy mình quan trọng hẳn lên.

            - Thật một trăm phần trăm - Hãng cười.

            Ông Hương Chữ hỏi anh Cơ Dân:

            - Bao giờ khởi công hả con?

            - Dạ, trong tuần tới. Tất cả đều do ông ''nhà thầu sinh viên'' này lo - anh Cơ Dân nheo mắt cười với Hãng - Này Hãng, tranh thủ trổ tài đi nhé. Có hai cô sinh viên xinh lắm, hai cái tên cũng rất ngộ nữa: Trần Thương Trắng Cát với lại Phan Lưu Tre Trúc - và anh Cơ Dân cười thật vui.

            - ọó, đó, cũng như tôi với bà ngày xưa ấy mà, cũng từ chuyện trọ học thế này - ông Hương Chữ nói, cười với nụ cười của bà Lụa Hà đang bật ra thành tiếng - Cố gắng trổ tài nghe Hãng!

            Những tiếng cười giòn, tươi vui vang lên giữa mảnh sân bên phải tòa nhà, dưới bóng đêm, trong ánh đèn, tạo nên một khung cảnh trẻ trung, huyền ảo.

            - Này Hãng, thật ra là có thêm một cô em gái của Tre Trúc... có điều mình chưa thấy mặt, chỉ biết tên: Song Mây. Cái tên cũng vui vui đấy chứ? Còn Ô Châu, Hoài Hương nữa!

            - Ban đầu chỉ dự tính khoảng sáu hoặc bảy sinh viên. Cuối cùng phải khóa sổ ở con số mười - ông Hương Chữ nói - Tre Trúc chỉ dám xin thêm cho thằng Đất, nhưng mình biết nó còn có một đứa em gái. Hai đứa em này đều mới vào năm nhất. Thôi thì cho cả ba chị em nó trọ luôn thể. Hóa ra, ông nội của Tre Trúc là bạn học cũ của mình! Đời cũng hay thật. 

            Anh Cơ Dân vỗ tay vào đùi Hãng:

            - Tre Trúc ''kháu'' lắm, anh biết thế nào Hãng cũng trổ hết tài phen này cho xem! - anh Cơ Dân cười.

            Hãng hơi ngượng, cố ra vẻ đùa:

            -  Năm thứ mấy rồi anh?

            - Năm thứ tư, khoa ngữ văn Việt nữa chứ! ''Hết ý'' đấy nhé!

            Hãng đỏ mặt trong tiếng cười của mọi người cùng lúc hướng vào anh. Anh vuốt những sợi tóc đang xòa trước trán do cái lắc vai bởi bàn tay của anh Cơ Dân.

            - ọược, anh yên tâm. Mươi ngày là cái kho thành nhà mới thôi mà - Hãng nói.

            Những tia nước nhỏ từ giữa bể nước vẫn phun lóng lánh sáng. Hãng nhấp một ngụm nước từ chiếc li lạnh buốt trên bàn. Anh nhìn ra xa, bắt gặp bức thành trước mặt tòa biệt thự đang mờ sáng rất huyền ảo những đóa sen, lá sen màu trắng. Bất giác, Hãng mỉm cười bâng quơ.

            Chuyện trò thêm một chốc, Hãng xin phép về. Anh Cơ Dân ra mở cổng tiễn Hãng. Khi đứng trước cổng, Hãng nói vui:

            - Không biết mấy ''ông kẹ'' sinh viên có quậy phá không?

            - Làm sao biết? Hầu hết là sinh viên năm thứ nhất. Ông cụ bảo thời gian sẽ sàng lọc. Nhưng chắc chắn Tre Trúc của Hãng mãi mãi thùy mị, hiền thục - anh Cơ Dân cười - ọừng lo!

            - Anh làm em đêm nay khó ngủ! - Hãng cười lớn, khởi động xe gắn máy - Thôi, em về nhé. Ngày mốt thợ đến làm.

            Hãng cho xe ra khỏi con hẻm rộng, qua mấy khúc đường, rồi chạy thẳng một mạch về nhà tại Hóc Môn.

 

 

 

3

 

 

 

            Khuôn viên cơ ngơi ông Hương Chữ khá rộng. Hai bên tòa biệt thự là một nhà để xe hơi, một nhà kho. Góc sau cùng của mảnh đất hình chữ nhật là nhà bếp. Từ nhà để xe bước lui nhà bếp chỉ một quãng ngắn. Nhà kho Hãng đang nhờ một toán thợ sửa chữa cho gia đình anh Cơ Dân nằm bên phải tòa biệt thự. Đó là ngôi nhà trệt có hai vách đầu hồi, ba vì kèo, có thể ngăn thành bốn căn. Nhưng cuối cùng, sau khi hội ý với anh chị Cơ Dân, ông bà Hương Chữ, Hãng chỉ xây thêm hai vách dưới hai vì kèo hai bên, để ngăn thành một phòng khách gồm hai căn ở giữa, hai phòng ngủ hai đầu. Phòng tắm và vệ sinh nhỏ thôi, xây phụ thêm với một phòng bếp áp sát vách đầu hồi phía sau. Ngôi nhà mở cửa trông vào hông biệt thự. Mặt tiền đang đúc thêm mái hiên có hành lang.

            Khối lượng công việc cũng chẳng có gì nhiều, thế mà nhà kho, thấy đã khác, sáng sủa hẳn, gần thành một ngôi nhà đẹp.

            Hôm đang lát gạch bông cho toàn bộ nền nhà, kể cả mươi mét vuông xây thêm, ông Nguyễn Hà Đông - anh ruột bà Lụa Hà - đến chơi. Ông Hà Đông khoảng sáu mươi lăm tuổi, dáng thấp đậm, trán hói bóng lưởng, da dẻ hồng hào, nom khá đẹp lão. Ông Hà Đông vỗ vai Hãng:

            - Cậu thấy những người trong nhà dạo này vẫn bình thường cả chứ? - ông ta cười hinh hích - Chắc chưa ai phát rồ?

            - Là sao ạ? - Hãng ngạc nhiên rồi chợt hiểu. Anh im lặng. Chợt thấy phải hỏi một câu gì đó cho có chuyện, Hãng cười - Bác về thăm Việt Nam lần này mấy tháng, thưa bác?

            Ông Hà Đông đằng hắng:

            - Chỉ ba tháng thôi. Cũng dự định hồi hương, kèm cặp cho thằng Triệu làm ăn. Tình hình bang giao đang thuận lợi - nói thế nhưng ông Hà Đông lại thở dài - Cậu vừa đi học vừa đi làm sao?

            - Dạ, cũng tự tập sự cho vui thôi. Đầu năm học còn rảnh rỗi lắm. Chủ yếu là giúp anh Cơ Dân.

            Im lặng một lúc, Hãng lại hỏi:

            - Hình như ngày xưa, lúc xây biệt thự này, bác có đến đây chơi?

            - Có. Trên ba mươi lăm năm rồi. Hồi đó ở khu này hoang vắng lắm. Hai ông bà cụ thân sinh ông Hương Chữ làm ăn rất giỏi nhưng chỉ khấm khá thôi. Mảnh đất này, mua chả mấy đồng - ông Hà Đông nhíu mày - Hồi đó xây nhà ở đây là hâm, thế mà giờ có giá. Nhưng hai bà chị ruột ông Hương Chữ đã qua Bỉ sống, ông Hương Chữ thì chả có tí nhau nào. Cũng phí thật!

            Hãng hơi khó chịu. Ông Hà Đông chép miệng:

            - Đây mà mở nhà hàng, khách sạn thì khỏi chê!

            Chợt nghe một tiếng chuông chùa trên sân thượng, anh Cơ Dân đang chăm chú trông thợ lát gạch bông, chạy vội ra mở cổng.

            Gã thanh niên đi xe gắn máy chạy vọt vào sân. Ông Hà Đông nói lớn:

            - Thôi, trưa rồi. Quay xe chở ba về luôn đi Triệu.

            Triệu khoảng hai mươi sáu tuổi, vội quay xe ngay. Chiếc Đờ-rim (Dream) màu mận chín bóng ngời dưới nắng. Ông Hà Đông chìa tay cho Hãng bắt:

            - Nếu tôi là ông Hương Chữ, chắc cậu phải vụt trở thành công trình sư ngay - ông Hà Đông cười hinh hích - Thôi, chào nhé!

            Chiếc Đờ-rim lao ngay ra khỏi cổng. Anh Cơ Dân khép cổng lại. Tiếng bánh sắt dưới đáy cánh cổng lăn trên đường ray hình vòng cung kêu ken két, có lẽ do độ mòn và sự giãn nở của sắt.

            Tuy đã đội mũ rộng vành, gương mặt trắng trẻo của Hãng vẫn ửng đỏ, ràn rụa mồ hôi. Hơi bạnh quai hàm, tỏ vẻ khó chịu, Hãng rút khăn tay lau mặt. Ngẫm nghĩ một lúc, Hãng thấy ông Hương Chữ lẫn ông Hà Đông đều có lí. Anh thấy cuộc đời cũng vui thật. Hãng tự hỏi, nếu anh, một sinh viên kiến trúc sắp tốt nghiệp, là chủ của biệt thự này, anh sẽ quyết đoán thế nào đây? Đã nhiều năm quen thân với gia đình Sen Trắng, Hãng cũng ít nhiều biết về ông Hà Đông qua bà Lụa Hà và qua một vài lần tiệc tùng giỗ tết ở biệt thự này. Từ những năm sáu mươi, ông Nguyễn Hà Đông đã lao vào kinh doanh, nhanh chóng trở thành thương gia có cỡ, rồi lại trở nên kĩ nghệ gia - chủ một nhà máy sản xuất bột giặt khá nổi tiếng. Chắc hẳn ông Hà Đông phải có giác quan kinh doanh rất nhạy bén - Hãng nghĩ thế, nhưng chút cảm giác hơi khó chịu về ông Hà Đông vừa rồi vẫn còn vướng vất trong anh.

            Đứng trên nền hành lang mới đầm đá dăm, ngước mắt nhìn mái hiên đúc chưa gỡ cốp pha, Hãng một lần nữa nhận ra cuộc sống thật đa dạng, và có lẽ nhờ đa dạng như thế nên cuộc sống đỡ buồn tẻ chăng.

            Thoáng khó chịu với chút ác cảm vô thức chợt tan biến mất, trong Hãng lại nổi sáng lên với âm thanh vang khẽ, vang khẽ như tiếng dội, vọng lại, chuyền sâu ba tiếng ''công trình sư'', cơ  hồ tâm tư Hãng là hang động thăm thẳm, sáng rực, tối tăm, mờ ảo. Và một công trình kiến trúc nghệ thuật hiện đại, nguy nga, đậm tính dân tộc như hiện rõ ngay trên khuôn viên rộng rinh này do chính trí tuệ, trái tim, bàn tay Hãng thiết kế, chỉ đạo xây dựng, khiến Hãng bàng hoàng, ngây ngất.

 

 

 

4

           

 

 

            Đi học về, Hãng ghé vào hiệu sách của ba má. Tắt máy, khóa xe cẩn thận, Hãng bước vào, gặp ngay sau quầy văn phòng phẩm nụ cười của bà Hồng Tĩnh. Má Hãng đang chuyện trò với cô con gái của mình và hai người bạn thân của cô. Anh cũng đứng trước quầy hỏi mẹ về cuốn sách mới được xuất bản. Hãng rất vui khi công trình nghiên cứu của một giáo sư kiến trúc khá nặng nằm trên hai bàn tay anh.

            Có vài người khách mới bước vào cửa hiệu. Bốn người trẻ tuổi chào bà Hồng Tĩnh, đi về cuối căn phòng khá rộng được mướn để kinh doanh sách này, nơi có chiếc bàn nhỏ giữa mấy chiếc ghế.

            Lúa Ngọc, em gái của Hãng, đặt li dưới vòi bình nước, bấm nút. Chiếc phao ở khe thủy tinh có vạch chỉ mực nước trong bình bị đẩy xuống tận đáy, rồi thoắt vụt thẳng lên, trông thật sinh động. Bốn chiếc li bốc khói được đặt trên bàn. Lúa Ngọc nhẹ thả vào những vuông nén la hán quả. Cô lại mở ngăn đông của chiếc tủ lạnh nhỏ, lấy ra hai hộc nhỏ nước đá đã sủi tuyết.

            Hãng đang chuyện trò với Vũ Thương Hoài và người yêu của cô. Hai người yêu nhau này đã tốt nghiệp đại học kinh tế cách đây vài tháng, đã kiếm được việc làm ngay tại một cơ quan thanh tra. Cũng nhờ ông thân của Thương Hoài, Lúa Ngọc cũng đã có nơi nhận hồ sơ xin việc. Thương Hoài cũng đã hứa với Hãng, sang năm, chắc chắn sau khi Hãng tốt nghiệp, bố của cô sẽ thu nhận Hãng vào cơ quan của ông ngay. Đó là công ti quốc doanh xây dựng nhà cửa, đúng ngành Hãng đang theo học.

            Mấy năm nay, từ khi ông Vũ Hồng Ngà mua thêm một miếng đất khá rộng cạnh nhà gia đình Hãng tại Hóc Môn, Lúa Ngọc, Vũ Thương Hoài có dịp quen biết nhau rồi thân thiết với nhau. Thương Hoài có thần thế lại khá tốt bụng. Cô thuộc loại người rất hết mình với bạn bè một cách vô tư.

            Vẫn cảm giác quý mến xen lẫn phần nào là sự ngượng ngập trước sự giúp đỡ, lại hứa hẹn sẽ giúp đỡ nữa của Thương Hoài, Hãng và Lúa Ngọc tự thấy mình hơi nhỏ bé đi trước cô bạn gái! Thương Hoài cơ hồ không hiểu, cũng không quan tâm đến điều đó. Cô vẫn tốt bụng một cách hồn nhiên. Lúc này, cũng như nhiều lần khác, Hãng mơ hồ đọc thấy ở người yêu của cô cảm giác mà anh em Hãng đang mang trong lòng. Ở Đào Hải, chàng trai đã hứa hôn với Thương Hoài, có thể không hề có cảm giác của người chịu ơn ấy. Biết đâu Hãng chỉ đọc thấy chính một nét tâm thế của anh trên gương mặt, nơi cử chỉ của Đào Hải thôi. Hãng suy bụng ta ra bụng người ở trường hợp này, biết đâu, chẳng đúng chút nào cả.

            Bốn li la hán quả đang lấm tấm hơi nước đọng đã vơi một nửa. Chất nước giải khát thoang thoảng hương thuốc bắc này ngọt ơn ớn trong cuống họng của bốn người, nhưng cho họ có cảm giác mát mẻ, sảng khoái nhẹ nhàng.

            Dưới ánh đèn ống trắng, họ tán gẫu về một bài báo mới đăng tải. Ngoài kia, khung cửa rộng của hiệu sách mở ra đường một ô chữ nhật ngập chói nắng với hai làn xe cộ qua lại.

            Lát sau, Lúa Ngọc cùng hai người bạn sắp thành chồng vợ của cô chia tay Hãng. Lúa Ngọc về Hóc Môn ăn cơm trưa với ông bà nội. Hãng sẽ ăn cơm với ba má ở đây rồi nghỉ một lát, sau đó sẽ lên biệt thự ông Hương Chữ hướng dẫn toán thợ đang sửa chữa nhà cho anh Cơ Dân.

            Tìm khăn lau mặt bàn ướt nước, dẹp mấy chiếc li, Hãng ngồi xuống, mở cuốn sách dày cộp về kiến trúc anh mới được mẹ cho hồi nãy. Hãng lật ngay phần mục lục cuối sách, nắm trước những vấn đề lớn cuốn sách đã trình bày để tiện tham cứu. Anh chợt vui lên vì cuốn sách trước mặt đào sâu vào một vấn đề anh rất quan tâm. Anh lại lật giở để xem một số trang có hình ảnh, những ảnh màu in trên giấy trắng bóng.

            Chẳng hiểu sao anh lại liên tưởng đến cái tên Tre Trúc. Ồ, cả Đất và Song Mây nữa chứ. Những cái tên gợi lên cả một nền kiến trúc điền dã, tranh tre nứa lá. Bao nếp nhà tranh, bao lều mây đã quá thăm thẳm nghìn xưa, xưa như bùn đất làm phên, làm vách, xưa như tranh, như tre làm mái, làm cột kèo! Hãng đang nghiên cứu những vật liệu xây dựng, các trường phái kiến trúc hiện đại, nhưng những cái tên của những người bạn anh chưa được gặp, lại rất nóng lòng được gặp, sau lời giới thiệu rất đùa của anh Cơ Dân, vẫn gợi lên trong tâm hồn anh niềm cảm động về những gì rất đỗi nguyên sơ, rất đỗi quen thân như bao thứ đã nghìn đời máu thịt.

            Hãng đã có kinh nghiệm bản thân, anh không muốn hình dung ra cô gái Tre Trúc theo cách của anh để rồi phải thất vọng. Có bao vẻ đẹp của nét mặt, dáng người và tính cách hoàn toàn khác nhau, khác nhau nhưng đều đẹp, cũng như cái đẹp đa dạng, phong phú của kiến trúc, của thiên nhiên trời đất...

            Điều Hãng lo âu nhất là Tre Trúc rồi cũng như Thương Hoài! Thương Hoài đã cho anh một chút mộng mơ, vẽ vời, rồi hồn nhiên, vô tâm cho anh cả một trời tuyệt vọng, chua xót tuyệt vọng chỉ bởi một lẽ giản đơn, thường tình, Thương Hoài đã có người yêu! Hãng sợ phải nếm trải một lần nữa niềm chua xót tuyệt vọng như thế! Hãng cũng chợt nhận ra, trái tim anh còn quá dễ mộng mơ như tuổi mới lớn. Anh mỉm cười, dán mắt vào nền kiến trúc tre trúc nghìn xưa. Đâu phải nền kiến trúc dân dã ấy đã hết tiêu biểu cho nếp ở của phần lớn nhân dân mình và nhân loại ở những năm áp cuối thiên niên kỉ này.

            - Hãng ơi, không đi đâu nữa thì ra dắt xe vào, chuẩn bị ăn cơm - bà Hồng Tĩnh nói vọng lui sau để nhắc con trai.

            Hãng chợt nhớ, anh dạ, bước nhanh ra thềm cửa hiệu. Khi Hãng dắt xe vô, nhẹ bước ngang qua trước mặt, bà Hồng Tĩnh nói:

            - Coi lại nồi cơm điện. Ba về bây giờ đấy.

            Dựng xe xong, chỉ liếc mắt nhìn nút đèn màu cam ở nồi cơm, Hãng yên chí ngồi trước cuốn sách mở. Anh lại nhớ bổi hổi cô gái anh chưa một lần nào gặp gỡ! Nỗi nhớ trong anh hẳn không ai gọi là nỗi nhớ, nhưng vẫn đích thực là nỗi nhớ. Tâm hồn ăm ắp khát vọng yêu đương của anh tự hôm nào đã nhạy cảm vẽ vời ra một Tre Trúc mơ hồ rồi chăng? Hãng cũng không thật rõ.

 

 

 

5

 

 

 

            Sau bữa cơm thân mật mừng nhà mới, ông Hà Đông, Nguyễn Đồng Triệu lên tắc xi ra về, Lúa Ngọc cũng chở mẹ về trước, Hãng cùng ông Phùng Thứ ngồi lại uống trà với anh Cơ Dân, chị Y Sông, vợ chồng ông Hương Chữ và anh Mai Tự.

             Hãng đưa mắt nhìn quanh phòng khách, cũng là nơi làm việc của anh Cơ Dân. Chiếc tủ thờ đơn sơ bằng gỗ, bên trên là bộ lư đồng nhỏ, chân dung song thân anh đã được phủ vải điều. Đàn bầu, sáo trúc treo sau chiếc dương cầm đặt nhìn vào tủ thờ, phía trong vách giữa hai cửa mặt tiền. Áp sát dưới hai cửa sổ mới trổ ở hai bên tủ thờ là hai chiếc bàn. Bàn viết có thùng, hộc đựng giấy tờ là bàn làm việc của anh Cơ Dân. Bàn kia, chỉ mặt bàn với bốn chân, là nơi Y Cao và Cơ Nguyên học tập. Giá sách của hai cháu gắn luôn vào vách mới xây để chia căn. Tủ sách khá lớn có cửa kính tựa vào vách đối diện. Hãng nghĩ, đơn sơ thế thôi nhưng cũng đủ cả rồi. Mùi vôi mới quét, hương thơm của sơn từ cửa, từ trần nhà còn thoang thoảng, quyện vào nhau, lan tỏa khắp nhà cho Hãng cảm giác lâng lâng vì đã xong việc.

            Anh Cơ Dân nhìn Hãng, bỏ lửng câu chuyện vui:

            - Ngắm nghía lại tác phẩm của mình hay sao? Rất tiếc là Hãng chưa thi thố được gì. Cố gắng đợi anh chị làm ăn khấm khá đã nhé - anh Cơ Dân cười, cái bớt cỡ bằng một lóng tay, đen muồi, hơi chếch trên mép phải, khẽ máy động, trông têu tếu.

            Hãng cũng cười:

            - Quả là chưa có gì hay thật. Cũng không nhất thiết phải lộng lẫy, rực rỡ, hay đắt tiền mới đẹp... Công trình đôi khi nhỏ thôi, nhưng vẫn đặc sắc, độc đáo. Cũng như viết ca khúc! Đâu phải viết giao hưởng hay nhạc kịch mới hay - Hãng nói - Quả thật là chưa có gì... Em chỉ tiếc một điều là vách sau của nhà kho cũ xây sát với tường thành quá, nên trổ hai cửa sổ hai bên tủ thờ, chỗ đặt bàn giấy, bàn học tập, vẫn chưa thật thoáng để hưởng ánh sáng mặt trời và gió, cho dù là gió quẩn thành phố.

            - Anh hiểu rồi. sáng tạo hoàn toàn mới kia mới thật đã, phải không? Chị Y Sông đang nhồi vốn với bột nở đấy!

            Anh Mai Tự với dáng người hơi gầy, khoảng hai mươi bảy tuổi, đang giảng dạy môn ngữ văn Việt ở một trường trung học dân lập gần nhà ông Hương Chữ. Anh Mai Tự cũng là một người đam mê văn học dân gian, đã viết nhiều bài báo về lĩnh vực này, xuất bản được một cuốn sách từ những bài báo ấy. Anh động viên Hãng:

            - Sửa chữa thôi đã được như thế là quá giỏi rồi, Hãng ạ. Mình rất phục Hãng ở chỗ không phá vỡ cấu trúc và sự hòa điệu của biệt thự. Đúng là hơi tốn kém một chút, nhưng thử hỏi Hãng không cho tô đá mài với những hoa văn sen trắng, cái nhà mới này sẽ làm hỏng tứ thơ của tổng thể này ngay. Cái kho trước đây kiên cố nhưng về thẩm mỹ lại chỏi quá.

            Ông Hương Chữ cười to, thích thú:

            - Mai Tự nói, mình mới thấy đấy. Hay, thế là hay rồi! - ông Hương Chữ lại cười thật sảng khoái - Còn cái nhà để xe phải gió kia nữa! Xe đã thành phế liệu ba đời tám hoánh đâu rồi!

            Bà Lụa Hà nguýt mắt:

            - Thôi, đừng bày vẽ nữa ông! Tôi mệt quá!

            Ông Hương Chữ vẫn cười nhưng hơi cụt hứng. Ông nhấp một ngụm trà, đầu gật gù theo đuổi một ý tưởng nào đó chợt lóe lên trong óc. Ông Thứ thấy buồn cười, suýt bật cười thành tiếng. Y Cao và Cơ Nguyên đang xem truyền hình với mức âm thanh nho nhỏ, nghe tiếng cười ông nội nuôi, cũng quay lại cười, dù chẳng rõ ngô khoai gì cả.

            Hãng chỉ im lặng cười mỉm. Hồi nãy, nói với anh Cơ Dân là nói vậy thôi, thật lòng Hãng vẫn ấp ủ hoài bão được thiết kế những công trình đồ sộ, hoàn toàn sáng tạo mới. Sửa chữa, tận dụng, lại chi phí ít, lúng túng biết chừng nào. Trong tâm thức Hãng, anh mơ hồ đồng nhất sự lớn lao về kích thước, quy mô với tài năng vĩ đại! Anh cảm thấy không thể có tính vĩ đại ở tầm kích bé mọn của thực thể nghệ thuật được. Anh không thể chấp nhận kiến trúc chỉ là thủ công mỹ nghệ! Thầy cô giáo trung học, các sĩ quan quân đội chỉ huy anh thuở anh còn trong thời hạn nghĩa vụ quân sự, cả thầy cô dạy đại học của anh, đều có một nhận xét gần giống nhau: Hãng chất chứa trong anh hai cực đầy mâu thuẫn và hơi hiếu thắng. Hãng cũng thầm cám ơn thầy cô giáo, thủ trưởng quân đội về nhận xét ấy. Hãng thấy anh hơi nhút nhát, lại lắm lúc cao ngạo trong lòng, cũng có khi hơi liều lĩnh để đạt cho được mục đích đặt ra, chẳng chịu bớt khẳng định mình. Riêng ở trường hợp sửa kho thành nhà này, tuy với câu đáp lời anh Cơ Dân vừa rồi, Hãng còn mâu thuẫn trong quan niệm kiến trúc nhiều lắm. Mâu thuẫn ấy, Hãng tự thấy, ở đó còn thể hiện lòng hiếu thắng. Hãng lại mỉm cười, im lặng, tự ngẫm nghĩ về bản thân. Lát sau, thấy câu chuyện sửa nhà chưa dứt, anh nói:

            - Thật ra, chỉ đập hai ngọn đầu hồi, chạy thêm một khung giằng góc trên (1) để đúc mái hiên rồi xây lại, xây thêm nhà ngang áp sát vách đầu hồi, xây hai vách ngăn phòng, trổ cửa... Chỉ có thế, ông thợ nào làm cũng được. Có gì đâu mà kiến trúc với nghệ thuật... - Hãng tự thấy hơi buồn cười.

            - Chỉ thế thôi, nhưng anh thấy không chỉ vậy. Và đó là nghệ thuật - anh Mai Tự lại động viên, nhìn Hãng khi nói, chợt quay qua ông Phùng Thứ, người đàn ông đã gần sáu mươi tuổi - Chú Thứ dạo này sao không viết báo trở lại, thưa chú? Báo chí đã hơi thoáng rồi...

            Ông Thứ lắc đầu:

            - Tôi với má cháu Hãng nghĩ cầm bút đã hơn hai chục năm rồi còn gì - vẫn quen thấy Hãng còn bé lắm, ông nói.

            - Chú nghỉ làm ở Nhà Văn hóa quận luôn rồi sao?

            Ông Thứ gật đầu:

            - Bây giờ nhí nhố lắm, nghỉ là vừa... - ông Thứ nhếch môi nhưng không thành nụ cười - Mình cũng già rồi!

            Câu chuyện tưởng đã rẽ sang hướng khác, nhưng ông Hương Chữ vẫn chưa dứt được ý tưởng trong đầu ông:

            - Hồi nãy, ông Hà Đông lại có ý tiếc rẻ cho tôi. Ông ta muốn hợp tác với tôi để mở nhà hàng ở biệt thự này! Kì cục đến thế! Đây là nhà hương hỏa, thờ tự tổ tiên, cha mẹ, mà ông ta dám đề nghị vậy... Cho ở trọ là tận dụng quá rồi!

            - Thôi, mình ơi - bà Lụa Hà như van vỉ - Máu kinh doanh của anh Hà Đông tôi còn lạ gì! Là em ruột của ổng, tôi chỉ đam mê điện ảnh, cũng thi thoảng đóng phim thôi - bà khẽ thở dài - Thôi,  mình chúc mừng vợ chồng Y Sông với hai cháu rồi lên nhà trên thôi, ông à.

            Ông Hương Chữ chỉ nói:

            - Thế là vui mừng chung rồi. Mai mốt bọn trẻ đến trọ, Cơ Dân cho ba cái nội quy và quản lí giúp ba nhé. Chút tình với cố hương chỉ thế thôi... Yằ, có hai sinh viên Việt kiều đấy... Cũng hay... Người Quảng Trị tản mác khắp nơi! - một thoáng ngừng lại, ông nói tiếp - Các tỉnh khác dự định xây các kí túc xá cho sinh viên tỉnh họ tại thành phố này lâu rồi. Không khéo như thế lại càng đậm thêm óc cục bộ, địa phương, bản vị! - ông Hương Chữ đứng dậy, chìa tay về phía ông Phùng Thứ trước - Ngồi chơi nhé... Cho gửi lời thăm ông bà cụ ở nhà.

            Một lát sau, cha con Hãng và anh Mai Tự cũng ra về.

            Biết còn một chút men bia trong người, Hãng chở ba chầm chậm như đi dạo mát. Qua bến xe Tây Ninh, đường đã hơi vắng, Hãng mới cho xe gắn máy chạy nhanh hơn. Ngồi ở phía sau, từ nhà ông Hương Chữ đến tận Hóc Môn, ông Phùng Thứ vẫn không nói gì, chỉ trả lời nhát gừng dăm câu hỏi của con trai. Thấy ba không muốn chuyện trò, Hãng cũng im lặng chạy xe, nghe gió ban đêm dọc đường càng lúc càng thoáng mát.

 

 

 

6

 

 

 

            Sáng sớm này Hãng nghe nôn nao đến lạ. Vốn rất ít khi hút thuốc lá, anh cũng gọi thêm vài điếu sau khi chị chủ quán bưng li cà phê đen ra. Nhấp vài ngụm trà trong lúc đợi những giọt nước đen nâu, thơm và đắng rơi xuống đáy li, Hãng nhón tay cầm một điếu thuốc nơi chiếc đĩa sứ màu hoàng lưu li. Hai điếu thuốc còn lại, màu trắng nổi bật trên sắc men đậm đà, tươi tắn ấy. Kẹp nhẹ điếu thuốc giữa hai đầu ngón tay, chưa vội châm lửa, Hãng thấy mặt bàn hình chữ nhật nhỏ giống hệt một bức tranh tĩnh vật treo bên cạnh bàn viết của ba. Hãng mỉm cười với một thoáng xúc động. Anh lại nhìn ra mặt đường hẻm tráng nhựa loang loáng nắng nơi dăm vệt nước mưa chưa kịp khô. Anh chỉ chú mục vào những ai đi vô hẻm, phớt hẳn bao kẻ ngược chiều. Thỉnh thoảng, Hãng phóng tầm mắt ra xa, về phía trong của hẻm, để ý chiếc cổng sơn màu lam của biệt thự Sen Trắng.

            Hãng chờ Tre Trúc, mặc dù anh chưa lần nào được gặp cô, và cũng ngượng nên không hỏi kĩ đặc điểm của cô ở anh Cơ Dân. Có thể cũng không phải là ngượng, anh chỉ vờ như không quan tâm. Lại mỉm cười một mình, Hãng kịp nhận ra trái tim anh hơi đa tình, đa tình bâng quơ! Lúc này, Hãng như một nhà thơ thích phiêu lưu tình cảm, phiêu lưu một cách chân thành! Có điều không phải đa tình, phiêu lưu trái tim vốn nhạy cảm cho thiên hạ như nhà thơ, Hãng đang yêu cho anh, tuy chỉ khởi từ chút mộng mơ hôm nọ.

            Suốt tháng trời nay, Hãng nhớ một người chưa quen, đôi khi cũng bổi hổi bồi hồi, nhưng chưa bao giờ muốn hình dung ra  một cô gái với những đường nét, cử chỉ cụ thể.

            Kìa, có vài anh bạn sinh viên đã bấm chuông ở cổng Sen Trắng. Hãng cảm thấy nôn nao hơn. Nhưng nhỡ chiều nay hay mai hoặc mốt, Tre Trúc mới đến trọ thì sao? Hãng thấy mình cắc cớ, vô duyên thật! Sáng chủ nhật, có lẽ vẫn là thời điểm thích hợp nhất để dời chỗ trọ. Vả lại, theo lời ông Hương Chữ ấn định với nhóm sinh viên, Hãng vẫn tin anh sẽ gặp Tre Trúc vào sáng hôm nay, và chắc chắn chỉ nửa giờ, một tiếng hoặc vài phút nữa thôi là sẽ gặp. Hãng cũng thử phác họa trước lần gặp gỡ này! Anh châm thuốc, cho đường vào li, khoắng nhẹ, nhấp ngụm đầu tiên. Hơi khói có mùi bạc hà vẫn nồng đắng trong miệng, cộng với vị ngọt đắng của cà phê, cho Hãng cảm giác ngây ngây. Hãng đã có một ''kịch bản'' soạn trước trong óc, xem ra cũng ấn tượng đây. Hãng muốn bật cười.

            - Anh Mai Tự! Anh Mai Tự! Vào đây đã - Hãng vụt đứng dậy, kêu vóng lên.

            Phanh lại, mỉm cười khi nhận ra Hãng, anh Mai Tự quay đầu chiếc xe gắn máy đã cũ, dựng cạnh xe bạn, rồi bước vào quán.

            Gọi nước uống xong, anh Mai Tự nhìn Hãng, tháo cặp kính râm đặt xuống mặt bàn:

            - Sao lại ngồi đây một mình? Anh Cơ Dân đâu rồi?

            - Có lẽ trong nhà ảnh chứ đâu - Hãng cười mỉm, rồi cố cười tự nhiên, trọn nụ - Lâu lâu, ngồi một mình cho vui.

            Anh Mai Tự hiểu kiểu chữ ''vui'' của Hãng là ''lạ'', cảm giác khác với thường lệ: cảm giác một mình.

            - Thỉnh thoảng phải vớ vẩn một chút chứ! - Hãng lại nói,  nhưng tự bảo trong tâm hồn anh đâu chỉ một mình.

            Và Hãng nhướng mắt nhìn ra, thấy năm chiếc xe đạp có chở va li, ba lô, cặp da. Ba cô gái! Hãng chú ý ba cô gái đi cạnh hai chàng trai. Ngay lập tức Hãng đoán là hai cô gái khá trắng trẻo kia là chị em Tre Trúc, còn Trắng Cát hẳn là cô gái có làn da bồ quân với mái tóc dài xõa ngang lưng. Ồ, sao lạ thế nhỉ, cô nào cũng có dáng dấp khá đẹp, và sao cái tên Trắng Cát lại của cô gái có làn da bồ quân!

            - Chắc nhóm sinh viên trọ học đấy - anh Mai Tự nói, giọng khá bình thản.

            Hãng nghe rộn lên trong lòng, hơi thất vọng một chút. Giá như Tre Trúc là cô gái có làn da nâu tươi tắn với mái tóc dài kia, cô gái anh cho là xinh đẹp nhất!

            Nóng lòng nhưng phải đợi anh Mai Tự uống xong li sữa đậu nành, Hãng mới rủ anh Mai Tự vào biệt thự Sen Trắng . Lúc này hẳn mười sinh viên đều đến đủ, nếu kể cả hai cô cậu Việt kiều vừa đến bằng tắc xi.

            Hãng bấm chuông. Một tiếng chuông chùa ở sân thượng tầng hai vang lên, khẽ ngân trên ngực anh. Một gương mặt hiện ra ở ô vuông trên cánh cổng. Cô gái tóc dài, đôi mắt to đen láy trên khuôn mặt đẹp! Trong một thoáng, Hãng nghĩ, suốt tháng nay lẽ ra anh nên mơ mộng về Trắng Cát nâu giòn này.

            - Các anh tìm ai? - cô gái với chất giọng Quảng Trị hơi pha - Có phải... hai anh là sinh viên đến trọ học?

            Còn bàng hoàng sau cảm giác hụt hẫng, hụt hẫng về một Tre Trúc trắng mịn đã thoáng gặp ngoài hẻm, lại sượng vì tự thấy ý tưởng vừa rồi thật đáng xấu hổ, nhưng anh kịp ứng biến:

            - Tôi muốn gặp cô sinh viên có mái tóc dài mới đến trọ tại đây - Hãng đùa - da nâu, đôi mắt to nữa...

            Cô gái hơi giật mình, ngơ ngác, luống cuống kéo then. ''Kịch bản'' của Hãng xem như hỏng song anh không lúng túng trước tình huống quá khác với dự đoán. Đã bảo đừng vẽ vời trước làm gì! - Hãng thoáng nghĩ. Cổng mở. Cô gái xuất hiện. Ít ra cô gái cao bằng hoặc nhỉnh hơn Hãng một, hai phân. Hãng mất tự tin ngay với tâm lí của phái mạnh và cũng của người suốt tháng trời nay mộng tưởng. Nếu cô gái trước mặt không hớp hồn Hãng tức khắc, chiều cao của cô có nghĩa gì với anh, cho dẫu cao hơn anh cả một cái đầu theo nghĩa đen. Cũng trong một thoáng chỉ vài giây, Hãng nhận ra anh quá tiếc, Tre Trúc không phải là cô gái này!

            Chợt cô gái gọi, với nét mặt rạng rỡ, khi có tiếng xe đạp thắng nhẹ sau hai chiếc xe gắn máy của Hãng và của anh Mai Tự:

            - Chị Tre Trúc!

            Hãng ngạc nhiên, cùng anh Mai Tự quay mặt lại. Hãng mở to mắt rồi giữ được vẻ bình thản, tuy đã rối lòng thật sự. Cũng một cô gái da nâu tươi tắn, xinh đẹp, nhưng nụ cười lại có thêm chiếc răng khểnh, má lúm đồng tiền! Tre Trúc đây sao? Hãng sững sờ. Tre Trúc thật là cô gái mới vừa đến đây sao?

            Bốn người chào nhau. Quên bẵng câu nói đùa hồi nãy của Hãng, bước vào sân, cô gái vừa rồi mở cổng hơi ngỡ ngàng khi thấy hai người dắt xe máy quá tự nhiên như người nhà của biệt thự này. Thật ra, lúc này Hãng quá bàng hoàng, bối rối, hơi thiếu tự tin thêm một mức. Anh Cơ Dân, ông Hương Chữ đứng trên hành lang trước phòng khách với hai nụ cười niềm nở và cơ chừng đang dò đoán tình cảm Hãng.

            Bước song song với Tre Trúc, xách giùm cô chiếc va li nhỏ, Hãng cũng kịp nhận ra Tre Trúc vẫn cao hơn anh khoảng một, hai phân, cũng tóc dài, và có phần xinh đẹp với nét duyên mặn mà hơn cả cô gái mở cổng (lúc này đã biết chắc cô ấy là Song Mây). Khi ngồi quán, khi đứng ở cổng, Hãng lầm to, đến hai lần lầm!

            - Sao Tre Trúc lại không đến cùng một lúc với hai em? Song Mây bảo, chị Tre Trúc còn phải đợi bà chủ nhà trọ cũ về, để trao chìa khóa lại đã, đúng không? - anh Cơ Dân nói thay lời chào đáp và đón tiếp.

            Ông Hương Chữ, anh Cơ Dân đã bố trí phòng ở cho mười sinh viên trọ học. Tất cả đều ở tầng dưới. Tầng trên, chỉ hai ông bà cụ chủ nhà ở, phía sau gian phòng rộng rinh làm nơi đặt bàn thờ theo Đạo Hiếu Nghĩa tự nghìn xưa.

            Chị em Tre Trúc, Song Mây được sắp xếp ở chung với Trần Thương Trắng Cát, ngay tại phòng có cửa sổ bốn lá mở ra bể nước với hai cụm tượng xương rồng.

            Phòng khách được thay vào một chiếc bàn dài đến ba mét thường dùng để dọn tiệc cùng mười sáu chiếc ghế. Tất cả đều bằng gỗ đen bóng, như lan can cầu thang lên lầu với các nét chạm tinh tế cạnh đó, ngay trong phòng khách.

            Khi đặt va li vào phòng cho Tre Trúc, Hãng bặt thiệp làm quen ngay mặc dù trong lòng đã hơi buồn, và tự thấy mình không nên trao gửi tình yêu không đúng chỗ.

            - Tôi là Phùng Hãng. Còn đây chắc chắn là Song Mây, phải không? Tre Trúc, tôi cũng đã biết tên từ ngoài cổng - Hãng nhìn qua cô gái có làn da trắng đang ửng hồng - Anh Cơ Dân mới gọi là Trắng Cát... Tôi biết tên cả rồi đấy nhé - Hãng cười.

            - Cái tên của anh gợi nên một xí nghiệp cỡ lớn, một công ty cỡ ''đại gia'' - Song Mây cười khúc khích hồn nhiên.

            Trắng Cát cũng che miệng cười. Riêng Tre Trúc chỉ mỉm môi, ý tứ lay nhẹ tay áo em để nhắc em đừng suồng sã quá đáng.

            Hãng đỏ mặt, vẫn phớt tỉnh đùa tếu cái tên của mình:

            - Hãng là hãn cộng với g, toát mồ hôi và có cái đuôi kinh tế. Lũ bạn tra tứử điển ''Cười'', trêu tôi vậy.

            Anh Cơ Dân bước vào:

            - Tốt quá, quen hồi nào mà nhanh vậy? Tôi giới thiệu thêm nhé. Song Mây học khoa kinh tế, cùng khoa với Trắng Cát. Tre Trúc thuộc khoa ngữ văn Việt. Còn Phùng Hãng sắp sửa là kiến trúc sư đấy - anh Cơ Dân kín đáo nháy mắt với Tre Trúc khiến cô cúi đầu giấu nụ cười mỉm - Thôi, ra gặp mặt chung một chút đi - rồi anh nói bâng quơ - Được đấy chứ?

            Trong lúc ông Hương Chữ, anh Cơ Dân họp mặt cùng mười sinh viên ở trọ, Hãng và anh Mai Tự thấy nên bước ra sân, đến ngồi ở ghế đá dựa lưng vào vách thành trước, dưới bóng râm của giàn hoa leo nở hoa màu tím ngan ngát.

            Cái cúi đầu, nụ cười mỉm thẹn thùa của Tre Trúc bỗng làm niềm tự tin trong Hãng đầy lại. Hãng mỉm cười thích thú với một chút băn khoăn còn sót đâu đó trong tim anh. Anh thấy rõ mình vừa xao xuyến, vừa buồn cười và hơi ngài ngại. Lâu nay, trong giao tiếp, Hãng đâu chú ý đến chiều cao vì anh cũng không phải thấp: một mét sáu mươi chẵn. Nhưng hai chữ xứng đôi bây giờ như hai khúc dây thép quăn queo đâm nhói vào lòng anh. Rõ là anh cần phải cao hơn hoặc tối thiểu phải cao bằng Tre Trúc. Hãng lại đỏ mặt với ý nghĩ của mình.

            Nói chuyện với anh Mai Tự, Hãng không một lời nhắc đến cô gái đã làm anh rung động. Còn sớm để quên cô ấy trước khi đã muộn.

            Những tia nước lóng lánh vẫn phun, xòe tròn như một cây cau xòe lá ra tứ phía từ chậu kiểng, lá cành và chậu đều bằng thủy tinh trắng trong vắt, long lanh nắng. Hãng nhìn đăm đăm, nghe lòng trở lại bình thản.            

            Anh Mai Tự tinh ý, nhưng chờ mãi không thấy Hãng bày tỏ cảm nghĩ về Tre Trúc, anh gợi mở:

            - Tre Trúc xinh đẹp quá, lại có duyên nữa chứ - và anh không ngờ mặc cảm mới chớm lên ở Hãng - Hãng ''gạ gẫm'' được Tre Trúc thì quá đẹp đôi - anh tếu để thăm dò Hãng.

            Hai chữ xứng đôi như hai con sâu đo bò nhột nhạt trong ngực Hãng. Uẵa, sao một con có bốn khúc, một con chỉ ba khúc!

            - Yêu thế khổ lắm anh à - Hãng bỗng buồn cười, giễu mình với chút cường điệu - Cô ấy cao quá, ''dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng'' không được đâu. Với Hãng này, còn chán khối cô gái xinh đẹp - Hãng bật cười - Bây giờ em mới hiểu vì sao trên khung báo tìm bạn của những người cô đơn, người ta lại chú ý đến chiều cao cơ thể đến vậy. Cũng đúng chứ! - ý tưởng ấy làm tiếng cười anh mỗi lúc mỗi vang giòn nhưng vẫn gượng gạo.

            Anh Mai Tự ngạc nhiên thật sự:

            - Ồ, Hãng quên đôi giày cao gót to cồ dưới chân Tre Trúc sao!  ''Mốt'' mới mà! Hãng có tâm lí phái mạnh hơi quá ngưỡng rồi! Hãng chỉ thấp hơn cô ấy về tâm lí thôi.

            - Đàn ông, con trai phải chấp đàn bà, con gái cả guốc, giày cao gót chứ! Thôi, băn khoăn làm chi cho mệt. Bàn chuyện này là sa vào phạm trù thẩm mỹ cái thô kệch rồi ! Không thơ mộng, trữ tình chút nào cả! - Hãng lại cười, mặc dù không vui.

            Hãng chợt nhận ra ở Tre Trúc có chút gì đó vốn rất hài hòa đã bị thời trang làm lệch đi. Đôi giày cao kều ấy chỉ khiến thẩm thức của cô thấp đi dăm phân tương ứng! Hãng lại giễu chính anh, đó là ý tưởng của người có chiều cao một mét sáu mươi phân chăng? Hãng muốn bật cười với chuyện vặt và rởm này.

            Anh Mai Tự lại hình dung ra một đôi bạn yêu nhau, Hãng và Tre Trúc, rất dễ thương, đẹp đôi. Anh mỉm cười hồn hậu trong mộng tưởng giùm họ. Bất giác anh thở dài xua đi những khó chịu về người vợ luôn mồm thét lác của anh.

            Hãng bỗng lặng lẽ, buồn bã. Ngồi im một lúc, nhìn nắng trải vàng rực trên hai lối sỏi trắng dẫn từ tòa nhà lớn và từ nhà anh Cơ Dân đến bể nước, cảm thấy trĩu nặng nỗi bồn chồn trong lòng, chắc hẳn đó là nỗi bồn chồn khó chịu của niềm chán nản, Hãng muốn về nhà hay đi đâu đó một mình. Nhưng rồi Hãng vẫn quay cái nhìn từ nhà anh Cơ Dân vào phòng khách biệt thự. Anh bắt gặp cái nhìn của Tre Trúc trong một thoáng. Cô lại hướng mặt về phía đầu bàn, lắng nghe anh Cơ Dân đang dặn dò gì đó. Ánh mắt của Tre Trúc ở quá xa, Hãng không thể hiểu được. Anh cho rằng đó là ánh mắt của sự thờ ơ, dửng dưng. Hãng thở dài nhè nhẹ. Lại nhìn những khung cửa đã đóng kín ở nhà anh Cơ Dân, Hãng biết hai đứa nhỏ, Y Cao và Cơ Nguyên, đã theo mẹ ra hiệu may ngoài phố. Hãng thấy cần phải nói vu vơ một câu gì đó để không nghĩ đến nỗi buồn nặng nề của sáng chủ nhật này, ngỡ thất vọng về Tre Trúc, hóa ra lại tự thất vọng!

            - Chị Bến Mai sáng nay có đi dạy thêm không, anh Mai Tự? - Hãng hỏi nhưng đang dẫn mạch nghĩ trốn khỏi nỗi bi hài.

            Anh Mai Tự lắc đầu:

            - Lâu nay cô ấy than mệt, cứ phải đi đến các phòng khám hoài. Có điều sáng nay thì ở nhà với thằng nhỏ - anh lại buông ra một câu nói dạo này thường chực sẵn trên môi anh - ọể làm gì nhỉ! Hoang tưởng bị bệnh chắc?!

            Hãng hơi ngạc nhiên, nhưng anh biết bốn chữ ''để làm gì nhỉ!'' của anh Mai Tự không có nghĩa gì cả, chỉ là câu nói quen miệng thế thôi, và cũng chỉ trong vài năm gần đây.

            Riêng Hãng, sáng nay anh chợt thấm hiểu, nỗi đau có thật về ngoại hình của con người là muôn thuở. Loài người không muốn là sản phẩm đồng loạt giống hệt nhau, tiêu chí thẩm mĩ cũng phải khác nhau, ở từng người, tùy từng thời, từng xứ, và bi kịch lẫn hài kịch cũng diễn ra từ đó? Hãng cũng nhận ra anh còn quá cảm tính. Có phải còn cảm tính không nhỉ? - Hãng tự hỏi. Và cũng tự hỏi, sao đôi khi, anh tự chế giễu mình một cách ác độc đến vậy?!

 

 

 

7

 

 

 

            Với mười sinh viên đến trọ học, cứ ngỡ biệt thự Sen Trắng sẽ ồn ào và rối lên, nhưng rồi chính không khí yên tĩnh vốn có, với không gian xưa nay vẫn lặng lẽ tỏa hương sen của tứ thơ được thể hiện bằng kiến trúc, biệt thự này chỉ trẻ trung hơn. Nền nếp sinh hoạt, học tập của mười sinh viên đồng hương đã tạm ổn định. Anh Mai Tự nhạy cảm hiểu ra bằng chính kinh nghiệm của mình, lòng tốt của ông Hương Chữ cũng là một thứ hương quê, giúp cho các ''đấng'' sinh viên dẫu cho tinh quái, hiếu động thế nào chưa rõ, cũng phải biết điều. Họ đều là sinh viên, chứ có phải đùa đâu!

            Đã một tháng trôi qua, nhưng chỉ một tuần nay, thầy giáo Mai Tự đã bốn lần đến dạy kèm thêm cho hai sinh viên Việt kiều. Phạm Nữ Hoài Hương và Bùi Văn Hoàng đang học lớp tiếng Việt cho người nước ngoài, trước khi chính thức vào năm thứ nhất của bậc đại học. Song Mây học khoa kinh tế song rất mê điện ảnh. Cô rất vui khi biết bà Lụa Hà mấy mươi năm nay là diễn viên, đã thấy bà nhiều lần trên truyền hình, trên màn ảnh. Song Mây rất thích trò chuyện với bà, nhưng vẫn thích nhất là lúc ngồi bình phim, bình truyện với anh Mai Tự. Từ khi anh Mai Tự nhận dạy kèm cho Hoài Hương và Hoàng, cô hồn nhiên bày tỏ niềm thích thú được dịp gặp gỡ anh Mai Tự nhiều hơn. Anh Mai Tự cũng xao xuyến xen lẫn cả thích thú được chuyện trò với một cô sinh viên tự tin đến thế, mặc dù anh vẫn có trực cảm Song Mây hơi xốc nổi, bồng bột, hơi thiếu kìm chế những cảm xúc trong tâm hồn mình. Đã nhiều lần, ở nhà riêng, thầy giáo hai mươi bảy tuổi này bắt gặp lòng mình bâng khuâng. Những lúc đó, anh phải chụp lấy cuốn sách hoặc tờ báo để dúi mặt vào những con chữ. Anh Mai Tự đọc và đọc, để giữ được sự thanh thản, trong sáng của tâm hồn, tất nhiên đọc những bài anh cho là ''sạch sẽ''.

            Đêm nay, sau hơn một tiếng rưỡi đồng hồ giảng giải thêm cho Hoài Hương và Hoàng về từ loại, kết cấu chủ - vị tiếng Việt với các khái niệm tương tự trong ngữ pháp tiếng Anh, anh Mai Tự cùng hai người Mỹ có huyết thống rất thuần Việt này với cả Song Mây nữa, ra ngồi ở các ghế tròn như những cái đôn quanh chiếc bàn tròn, tất cả đều bằng xi măng tô đá mài. Bộ bàn ghế này ông Hương Chữ mới mua từ cửa hiệu nào đó về, hơn nửa tháng nay.

            Vừa ngồi xuống ghế, Hoài Hương vỗ tay lên bàn, hát một khúc nhạc rốc (rock), bất chợt rụt tay lại, im bặt, ngượng ngùng, nhìn anh Mai Tự đang mỉm cười. Hoài Hương sực nhớ đến phong thái Phương Đông, kín đáo và đằm thắm.

            - Không sao! Cứ hát. Hoài Hương hát nghe vui lắm - anh Mai Tự tỏ ra thông cảm với chất Mỹ ở cô.

            Hoài Hương nhoẻn miệng cười. Mái tóc cắt kiểu con trai rất ngắn, thả cái đuôi nòng nọc chừa lại giữa gáy, trông rất ngổ ngáo. Với kính cận gọng tròn lấp lánh trên sống mũi nhỏ, áo thun cổ tròn in các dòng chữ tiếng Anh trên ngực và sau lưng, rộng thùng thình, luôn luôn với quần cộc, phơi cặp giò dài, Hoài Hương còn nói tiếng Việt pha âm sắc Mỹ, có nhiều chữ lơ lớ, giọng mũi. Nếu Hoài Hương to con hơn, Hoàng nhỏ con hơn so với vóc dáng thật của họ, thoáng nhìn, không biết được trong hai người có một người là con gái. Lúc này, Hoài Hương còn dè dặt vì nghe ba mẹ trước khi cho cô về nước học đã căn dặn. Hình như trong đầu Hoài Hương đang đọng sâu các ý niệm với cái nhìn cách đây vài thập niên về phong thái châu Á và bản sắc Việt Nam. Không. Có lẽ đúng hơn, đó là cái nhìn riêng của ba mẹ cô, chỉ thiên về nội dung!

            Song Mây lại tiếp tục hát nho nhỏ khúc hát Hoài Hương vừa bỏ dở! Hoàng nhìn cô, cười cả bằng mắt.

            Anh Mai Tự muốn tỏ ra cởi mở:

            - Hai bạn về nước, đã đến các nơi có khiêu vũ chưa? Mấy năm gần đây, lại rầm rộ mọc lên các vũ trường, cũng rốc, ráp (rock, rap) ra trò - anh Mai Tự nói, muốn hai bạn trẻ này hiểu anh không khắc khổ lắm, nhưng rồi chợt ngượng vì trót nói khác với quan niệm tự do, cởi mở của mình.

            - Dạ, mới vài lần. Việt Nam cũng vui, anh hở? - Hoàng đáp - Người Việt mình ở Mỹ nghĩ sai về sinh hoạt trong nước nhiều lắm.

            - Người ở trong nước cũng không ngờ sự thay đổi lại nhanh chóng đến thế - đặt ngón cái trên mặt bàn, anh Mai Tự xoay nửa vòng tròn bằng ngón trỏ, cánh tay với bàn tay tạo thành một dấu hỏi ngược rất bất giác - ọúng là xoay một trăm tám mươi độ - anh Mai Tự lặp lại câu cuối hai lần, cố nói thật chậm, rồi buột miệng - Để làm gì nhỉ!

            Song Mây cười khúc khích bởi câu nói cửa miệng của riêng anh Mai Tự. Hoàng và Hoài Hương cười theo, mặc dù không hiểu hết. Cả hai người Mỹ gốc Việt này dẫu sao vẫn còn hơi ngơ ngác, vẻ ngơ ngác của những ai rơi vào môi trường văn hóa và ngôn ngữ khác với nơi họ sinh trưởng. Anh Mai Tự hiểu sự ngơ ngác này. Anh chả nói với họ ở giờ dạy kèm đầu tiên là gì, ngôn ngữ không chỉ để hiểu, vì hiểu cũng không đủ, phải cảm cả lượng thông tin ngoài nghĩa thực, nghĩa tường minh của câu chữ bằng văn hóa bản địa - văn hóa ở dạng cụ thể mà mơ hồ nhất, mơ hồ đến mức rất khó mô tả thành lời.

            Những dè dặt của Hoài Hương, của Hoàng hình như tan biến. Họ thấy cần thoải mái với nếp sống vốn có. Ai cũng thế, sống giữ kẽ, tập thích nghi quả là hơi nặng nề. Rất vô thức, Hoàng và Hoài Hương muốn cả thế giới đều là một cả cho xong, cả thế giới đều Mỹ hóa như họ đã hóa Mỹ (!).Yằ tưởng này loáng thoáng đâu đó trong ý thức họ nhiều lần. Hoài Hương hơi chột dạ, chợt hiểu sâu sắc các dòng chữ nhỏ xem ra rất vớ vẩn dưới hai chữ lớn: One World (một thế giới), trên áo Hoàng và trên áo cô.

            Anh Mai Tự nhếch môi, cười mũi rất nhẹ. Anh hỏi hai người bạn Mỹ, thuần Việt về huyết thống, nơi định cư của họ:

            - Hai bạn đều ở Ca-li (California) cả sao?

            - Vâng - Hoàng đáp - nhưng ở tại một khu ít người Việt.

            - Hình như, đã quen nhau từ bên ấy? - anh Mai Tự cười cho nhẹ những câu hỏi.

            - Vâng - Hoàng nhìn Hoài Hương - Học cùng lớp, chỉ khác khi đã vào đại học.

            - Tôi biết Hoàng là kĩ sư điện tử, còn Hoài Hương đã xong cử nhân thương mại. Các bạn chắc có ý định sẽ làm cho một công ti Mỹ ở Việt Nam trong vài năm tới?

            - Không biết có thuận lợi không? - Hoài Hương trả lời bằng một câu hỏi - Một số người đoán trước, sẽ qua Việt Nam để kinh doanh. Riêng bọn em, chỉ vì thích học tiếng Việt...

            Song Mây nhạy cảm hiểu ra chuyện, cô cúi mặt, im lặng. Anh Mai Tự cười với nụ cười khô, đôi môi như vô cảm.

            - Ờ, cũng tốt - anh Mai Tự buông ra hai chữ cộc lốc sau tiếng ''ờ'' kéo dài.

            Chỉ mỗi Song Mây hiểu anh nói vậy nhưng không phải vậy.

            Nói chuyện vu vơ thêm một chốc, anh Mai Tự bảo:

            - Ba bạn ngồi chơi nhé. Mình vào chào anh Cơ Dân rồi phải về nhà thôi. Ngày mai còn phải lên lớp.

            Bất giác anh Mai Tự cắn vào môi trên, suy tư, bước trên lối sỏi trắng. Tiếng sỏi lạo xạo nghiến vào nhau dưới đế giày anh. Cũng bất giác, anh dừng lại, thầm bảo: Để làm gì nhỉ!

            Anh Cơ Dân đang gõ nhịp bằng ngón tay trên mặt bàn, môi huýt sáo khe khẽ một trường canh nhạc mới viết. Anh Mai Tự đứng ở sân nhìn vào, biết bạn đang chú tâm, say sưa xướng âm, anh quay gót, ra chỗ để xe. Tre Trúc đang viết gì đó cạnh Trắng Cát sau cửa sổ, đứng dậy chào đáp bàn tay anh Mai Tự đưa lên khi thấy cô chợt nhìn ra.

            Song Mây ra mở cổng để anh Mai Tự dắt chiếc xe bảy tám ra đường hẻm. Niềm cảm động xua mất nỗi hư vô trong anh.

            Nụ cười của hai người lúc này đều làm xao xuyến lòng nhau. Anh Mai Tự bắt gặp ánh mắt long lanh, quyến luyến của cô gái vừa bước vào ngưỡng cửa đại học. Anh run lên. Bất giác, sau một cánh cổng còn khép lại, bên vệ đường hẻm đã vắng, ngồi trên yên xe gắn máy, anh không hiểu vì sao anh chìa tay ra cho bàn tay với những ngón thon tròn, mềm mại của Song Mây đặt vào. Anh cũng không hiểu sao anh lại giữ bàn tay cô gái mới mười chín tuổi khá lâu trong tay mình đến thế. Song Mây bối rối, cô thấy rõ ràng là cô có rụt tay về nhưng cũng chả hiểu sao lại xúc động đến sững sờ, để yên trong tay anh Mai Tự! Song Mậy rơm rớm nước mắt. Anh nghe máu dồn lên đầu, ngây ngất như đang cơn choáng váng. Cả hai đều hiểu đây không phải là cái bắt tay giao tiếp bình thường.

            - Anh về nhé - Anh Mai Tự chợt nhận ra trái tim anh đã thật sự sống lại.

            - Dạ. Mai mốt gặp lại nghe anh Mai Tự... - Song Mây hơi ấp úng.

            Anh Mai Tự gật đầu trong niềm vui rộn rã mãnh liệt, quả thật lần đầu anh nếm trải. Anh khởi động xe gắn máy, ngoái lại với cái nhìn quyến luyến, rồi lên nhẹ tay ga.

            Đến đầu hẻm, anh dừng xe lại, ngoảnh nhìn cánh cổng Sen Trắng. Anh vừa sung sướng đến ngẩn ngơ, vừa hối hận vì chợt nhận ra mình là một thầy giáo tồi tệ. Anh tỉnh táo lại khi thấy trước cổng Sen Trắng không còn bóng dáng Song Mây - cô gái đa cảm, lãng mạn như biển, sóng cứ mãi khát khao tràn bờ. Anh bổi hổi chạy xe rất chậm về nhà. Anh tự bảo, anh có lỗi gì đâu, chẳng một ai, cả lương tâm anh, kể cả đạo lí lẫn kỉ luật sư phạm có thể kết án được anh, ngoài một tội duy nhất, ấy là tội anh đã trót có vợ con! Song Mây đâu còn là học sinh trung học! Anh bàng hoàng sống lại trái tim đang tuổi hai mươi chưa được sống bao giờ  với ý nghĩa chân thật nhất.

            Anh đâu biết Song Mây đã vội đóng cửa, đi nhanh vào nhà, bước nhanh trên lối đi giữa hai dãy phòng, bước xuống bậc cấp cửa sau, đứng úp mặt vào hai cánh tay như bấu chặt vào bức tường cuối biệt thự, khóc lặng lẽ dưới ánh đèn từ dưới bao lơn tỏa xuống. Mái tóc dài đen mượt của Song Mây run nhẹ trong niềm cảm xúc đến mức phải nghẹn ngào, bàng hoàng khóc. Cô cũng không thể hiểu nổi, không cách nào cưỡng được trái tim chứa đựng cả mênh mông biển rộng của cô, với những ngọn sóng dạt dào khát vọng mãnh liệt - khát vọng tràn bờ, khát vọng của những giọt nước mắt mặn mòi muốn được tràn vào mênh mông đại lục của yêu đương. Song Mây tin vào mầu nhiệm của tình yêu đương. ọất liền không chết, biển không khô. Biển có tên là Song Mây sẽ hóa ngọt, xanh biếc một dòng sông thơm ngát giữa dải đất liền có tên là Mai Tự. Như một truyện phim Song Mây đang ấp ủ, tình yêu đương chân thật không có tội lỗi gì cả, bởi tình yêu đương ấy chân thật. Đơn giản là vậy. Anh Mai Tự ơi, chúng ta không có tội gì cả, nếu anh với em chân thật yêu nhau. Yêu đương chân thật chắc chắn là yêu đương duy nhất - Song Mây lặng lẽ khóc trong nỗi day dứt xen lẫn với niềm say ngất hồn nhiên, thầm tự bảo với mình - Không hối hận, ăn năn và không hối tiếc.

            Ánh đèn vẫn nhẹ tỏa ánh sáng trên mái tóc dài mười chín tuổi của cô sinh viên năm thứ nhất - kiểu tóc một thời nào, cũng gần đây thôi, là biểu tượng của lời thề thủy chung, duy nhất. Song Mây chợt ngừng khóc khi nhớ một định nghĩa về tình yêu đương trong tiểu thuyết ''Chuyện tình'' của I-ríc-k Sơ-gân (Erick Segal): ''Yêu là không bao giờ phải nói rằng em rất hối tiếc''. Câu thoại ấy đã vang lên trên màn hình nhỏ một buổi tối nào trên cao nguyên, nơi đã trở thành nguyên quán của trái tim cô. Song Mây chớp mắt, và chợt xấu hổ nhớ lại thời trung học...

 

 

 

8

 

 

 

            Hãng chỉ đến thăm biệt thự Sen Trắng một, hai lần trong thời gian qua, từ khi gặp Tre Trúc lần đầu tiên vào buổi sáng của ngày nghỉ cuối tuần, người ta quen gọi là chủ nhật đó. Anh chỉ đến thăm gia đình anh Cơ Dân và ông bà Hương Chữ. Anh Mai Tự tế nhị, không nói nỗi mặc cảm rất con trai, đầy nam tính của Hãng với một ai. Nếu sáng đó Hãng không tự giễu, cũng không một ai biết. Làm sao người ta có thể ngờ được Hãng mặc cảm vì so chiều cao thật, trừ độ cao của guốc, của giày, Tre Trúc còn thấp hơn Hãng đến ba phân! Hãng, một mét sáu mươi chẵn. Tre Trúc, một mét năm mươi bảy lẻ. Nhưng đấy là mặc cảm có thật trong tim Hãng, từ buổi sáng chủ nhật ấy. Đúng hơn, cũng không phải mặc cảm, chỉ thấy không xứng đôi và đẹp đôi. Nét tâm lí này chỉ một mình Hãng có trên đời này, có lẽ vậy. Tình yêu đương đích thực, tình yêu đương ấy sẽ san bằng tất cả mọi cao, thấp theo mắt nhìn thiên hạ bằng sức mạnh nhiệm mầu của nó, nữa là!

            Một hôm, anh Mai Tự nói riêng với Hãng bằng tất cả chân thành:

            - Hãng chưa biết yêu đương là gì đâu nhé - anh Mai Tự cười với nụ cười khiến Hãng không cảm thấy bị xúc phạm - Hãng yêu Hãng nhiều quá. Hãng dám cãi ca dao sao? ''Dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng'' mà, kể cả chiều cao, chiều sâu trí tuệ và địa vị xã hội. Ồ, mình cũng chả dám nghĩ rằng chồng thấp vợ cao là thuộc phạm trù thẩm mỹ cái hài... ọó là cái hài phi nhân bản, nên nó không thể thuộc phạm trù thẩm mỹ. Thẩm mỹ, trước hết và cuối cùng là nhân bản. Có những độ lệch làm cảm động, làm thăng hoa lòng người, đó là độ lệch của cái đẹp... Ồ, mình không ngờ Hãng cao ngạo với phụ nữ đến thế, yêu bản thân đến vậy. Hãng có máu làm hoàng đế đấy. Hãy xem chừng - anh Mai Tự bật cười, Hãng cũng cười - Lạ một điều, Tre Trúc xinh đẹp, duyên mặn mà đến thế, cũng không giúp hãng bớt yêu bản thân Hãng... Vả lại, cô ấy thấp hơn Hãng đến ba phân hẳn hoi. Hãng biết rõ điều ấy mà!

            Hãng gật đầu, mỉm cười. Hãng vớt vát:

            - Em không rõ em có quá nhiều chất đàn ông không!

            - Chất trịch thượng! - anh Mai Tự ném mạnh ra ba chữ, như thể ba chữ ấy từ trong lòng tay anh đang vỗ xuống bàn.

            Thật sự, Hãng hiểu chính mình. Anh Mai Tự không hiểu Tre Trúc đã hớp hồn Hãng, biến Hãng thành kẻ ngẩn ngơ như thế nào. Nếu anh có bệnh nam tính kẻ cả, muốn mọi cô gái đều phải quỳ mọp hay lùn tịt dưới chân mình, thì cũng đã khỏi rồi, bởi anh yêu Tre Trúc thật lòng. Nếu anh có bệnh căm ghét cái thô kệch, nếu đó là bệnh, thì cũng khỏi rồi, vì cô ấy và cả Song Mây đều ném hai đôi giày to cồ vào sọt rác - hai đôi giày vốn là quà tặng của bạn bè, khiến dáng đi uyển chuyển, nhẹ nhàng thành lóng ngóng, cứng cỏi, nặng nề.

            Thật sự, dẫu sao đi nữa, Hãng lập luận, phân tích cách nào, anh vẫn thấy trước tình yêu đương nếu thành giữa anh với Tre Trúc vẫn là một tình yêu sẽ khiến anh vừa đau đớn vừa say đắm, vừa dằn vặt vừa thăng hoa, vừa buồn tủi vừa hạnh phúc. Cơ hồ là tình yêu của nghệ sĩ với cái đẹp của nghệ thuật. Không bao giờ thỏa mãn khát vọng. Không bao giờ có thể chiếm lĩnh ở mức tuyệt đối. Cũng có thể Hãng đang tự huyễn bằng những khái niệm. Nhưng Tre Trúc, cô sinh viên năm thứ tư khoa ngữ văn Việt ấy, đâu phải là khái niệm! Cũng có thể không phải vậy. Hãng rung cảm trước Tre Trúc bằng những rung cảm rất thật, đâu phải trước một bức tượng với sự chiêm ngưỡng nghệ thuật. Hãng vốn thầm tự hào với bao lời khen, về ngoại hình của chính anh, từ trong ánh mắt của bao bạn gái, kể cả sự cảm phục về năng lực, phẩm cách Hãng. Có thể chăng, Tre Trúc có một ma lực hay thánh lực nào đó Hãng hoàn toàn không hoặc chưa hiểu nổi, song Hãng đã thấy rõ niềm tự tin, tự hào của anh trước Tre Trúc, chỉ trước Tre Trúc thôi, đã trở nên vô nghĩa!

            Hai tháng rồi, Hãng ít đến biệt thự Sen Trắng. Hồi Tre Trúc chưa đến trọ ở đấy, mỗi tuần có khi đến năm lần Hãng ghé chơi, mặc dù chỉ để nói chuyện phiếm trong chốc lát. Dạo này, đã ít đến, Hãng còn ngần ngại khi nghe Lúa Ngọc bảo, ông Hương Chữ muốn nhờ Hãng gì đó về kiến trúc! Nhưng nỗi nhớ về Tre Trúc trong tâm hồn Hãng cứ như nỗi đau của khát vọng không nguôi. Có khi, anh tự rủa mình là rởm! Nhiều lần, anh tự hỏi một cách khá ngây ngô: Có thật ở Tre Trúc, và cả ở Song Mây nữa, đã toát ra ma lực hay thánh lực? Có ma lực, thánh lực thật không? Chẳng lẽ cái đẹp thường gây nên sự cuốn hút và nỗi đau? Hãng cũng tự nhủ, là con trai, dằn vặt về ngoại hình, thật quá tầm thường!

 

 

 

9

 

 

 

            Buổi sáng, các sinh viên đã đến trường, Y Cao và Cơ Nguyên đến lớp, chị Y Sông cũng tới hiệu may. Mặc dù ở trên tầng lầu, ông Hương Chữ vẫn cảm nhận cảnh vắng hoe của tòa nhà rộng lớn. Ông biết, chỉ còn Cơ Dân sáng này ở nhà một mình, vì nếu đi đâu, đến phòng thu âm hay tập hát cho một ca sĩ nào đó, anh đã lên nhờ ông hoặc bà Lụa Hà đóng cổng hộ. Bà Lụa Hà cũng chưa đến giờ đi chợ, cái chợ mới xây dựng rất gần nhà. Mênh mông là thế, biệt thự này  giờ chỉ còn vỏn vẹn có ba người!

            Thức giấc từ sớm tinh mơ, tập chung với bà bài dưỡng sinh ngoài bao lơn, vào phòng khách bên cạnh gian thờ nhấm nháp cà phê, đọc tờ báo Tre Trúc thường lấy từ hộp thư và báo gắn bên trong cánh cổng - người đưa báo đã đút vào khe mỗi sớm - để mang lên cho ông, và cũng đã điểm tâm xong, ông Hương Chữ cảm thấy cần gặp anh Cơ Dân để chuyện trò một chốc, bàn về việc nhờ Hãng xem lại cái sân, bể nước. Ông nhìn bà Lụa Hà đang mang kính lão đọc chuyên san điện ảnh. Mỉm cười, nhấc ống nói điện thoại, ông bấm số nội bộ, ngón tay chấm vào hai phím, vội đặt ống nói vào vị trí cũ. Chuông reo, bà Lụa Hà nhướng mắt nhìn ông, lại cúi xuống đọc. Ông vội nhắc ống nói lần nữa. Ông bảo anh Cơ Dân lên lầu cho ông gặp.

            Nghe tiếng chân ở cầu thang, ông quay lại, mỉm cười. Anh Cơ Dân chào ba má nuôi rồi ngồi xuống. Ông Hương Chữ hỏi:

            - Sao? Hãng chưa đến à? Gọi điện thoại hoài vẫn không gặp được nó. Dạo này chắc nó bận việc gì - ông nói.

            Bà Lụa Hà tháo kính, cười:

            - Cái thằng dại quá! Ngốc ơi là ngốc! Tre Trúc thế mà không biết ''tranh thủ''!

            - Ngốc thật! - ông Hương Chữ cười lớn.

            - Lẽ ra chính ông phải ''mách nước'' cho nó!

            Ông Hương Chữ lại cười lớn hơn, nhớ thời trẻ của ông với bà ở Hà Nội, trước Cách mạng Tháng tám, mối tình đầu trong sáng không bao giờ quên được. Ông chớp chớp mắt, nói lảng:

            - Này, anh Cơ Dân, năm ngoái Hãng bảo nên chữa lại cái sân, đặt thêm cái tượng đúc hoa sen gì đó ở bể nước, ba quên bẵng đi mất vì thấy cũng không cần thiết. Nay lại sực nhớ, thấy chẳng tốn kém bao nhiêu mà cũng hay đấy.

            - Theo như Hãng nói, cũng khá đẹp và có ý nghĩa. Con đã nhờ Lúa Ngọc nhắn nó rồi.

            Anh Cơ Dân ngồi thêm một chốc, thấy chẳng có chuyện gì ngoài sự gặp mặt cho vui. Những điều anh nghe, thật ra ông cũng có thể nói qua điện thoại. Anh càng thấm thía nỗi quạnh hiu của ông bà Hương Chữ. Nhưng cũng chẳng biết chuyện trò thêm điều gì, anh xin phép được xuống nhà, sau khi nhận thấy, trong bộ quần áo thể thao màu trắng bà mua về diện cho ông, nom ông có phần trẻ trung hơn, và dáng người bệ vệ, thấp đậm, nước da nâu sẫm vẫn tươi tắn với tiếng cười rất vang một cách hồn hậu. Anh đã yên tâm, định đứng dậy.

            Ông Hương Chữ gật đầu, có vẻ không bằng lòng về sự vội vã của anh. Ông bảo anh nhớ nhắn Hãng một lần nữa, rồi đưa tay lên chào. Ông bỗng dưng cảm thấy buồn buồn, hụt hẫng.

            Khi bà Lụa Hà đã đi chợ, ông Hương Chữ ngả đầu vào lưng ghế xa lông có bọc nệm mút, bâng khuâng với hồi tưởng. Ông nhớ phố Khâm Thiên ở Hà Nội, nhớ ngôi nhà nhỏ của gia đình ông trước đây đã bị bom dội nát. Ông nhớ người vợ cũ và ba đứa con, hai trai, một gái, đã chết tức tưởi dưới gạch đá đổ sập. Lẽ ra, ông đã có dăm đứa cháu nội, đến năm nay chúng cũng mười lăm, mười bảy tuổi. Ông thở dài. Ông cau mặt như đang chịu đựng một nỗi đau thân xác. Nỗi đau buồn, thương nhớ quả là có móng vuốt độc ác của nó. Đầu óc ông chợt trống vắng như đang có cả một trời hư vô trong hộp sọ. Rồi ông chẳng thể nào không cúi gục đầu vào hai lòng bàn tay. Ông lại nhớ đến hai người con khác, có lẽ họ đang sinh sống ngoài Trung. Cả hai đều đã có vợ, có chồng. Thật sự, ông cũng có một đàn cháu nội, ít ra là bốn đứa. ọó là con và cháu của một cuộc tình ngoài hôn thú hồi ông còn đội bom đi phát hành sách báo ở ngoại thành Hà Nội. Bố cô gái Gia Lâm ấy không cho con nhận ''chồng hoang'' là chồng! Hai con ông lớn lên cũng chả muốn trong khai sinh họ có tên ông! Ngoài những lí do xã hội vốn rất phiền phức, chính ông cũng đã hiểu vì sao ''vợ'' ông và con cháu dòng thứ hai của ông đến nay vẫn muốn quên ông đi. Mấy chục năm nay, nhất là sau khi vợ con chính thức của ông mất một thời gian, ông có nhiều lần tìm cách liên lạc với họ, họ vẫn một mực cắt đứt mối dây huyết thống. Ông mang dòng máu tư sản, lại thừa kế tài sản được xem là bóc lột! Đúng rồi. Và còn gì nữa? Có lẽ là lòng tự trọng, là danh dự của gia đình ''vợ'' ông... Mãi đến những năm cuối của thời bao cấp, ông hoàn toàn bặt tin họ. Họ đã chuyển đến tỉnh nào đó, có thể người tỉnh này, kẻ tỉnh kia với gia đình riêng, và ông cũng chả biết ''vợ'' ông hiện còn sống hay đã mất, sống thì ở với người con nào. Ông đã đăng báo nhắn tin, cũng không ai trả lời! Có tai họa nào đổ xuống cho họ không? Ông không rõ! Ước chi ông có thể tìm được ''vợ'' và con cháu để giúp đỡ họ, trao cho họ quyền thừa kế ngôi biệt thự này cùng số vàng khá lớn còn ở ngân hàng, ở cả nơi cất giấu của ông! Ông thở dài, bỗng mỏi mệt hẳn. Ờ nhỉ, chỉ còn bà con họ tộc ngoài Quảng Trị, đã xa xôi quãng cách. Ông lại thở dài, ngán ngẫm cho mình...

            Đắm chìm trong nỗi buồn, nỗi hiu quạnh, ông thấy chỉ tổn hại sức khỏe. Đứng dậy, bước sang chỗ đặt tủ thờ, ông thắp một nén nhang. Tay bỗng lóng cóng, run nhẹ, ông thầm thì lời tâm nguyện và tưởng nhớ những người đã khuất. Ông nghe cảm giác nóng hổi của hai dòng nước mắt chảy dài trên hai cạnh mũi, mằn mặn trên môi. Cắm nhang vào lư xong, ông rút khăn tay lau nước mắt, tay chạm vào những chân râu hôm nay chẳng hiểu sao quên cạo.

            Ông lại ngồi trước bàn nước, tự rót một chén đầy trà, lại quên bẵng đưa chén lên môi.

            Ông ngồi vậy cho đến khi nghe một tiếng chuông chùa từ trên sân thượng. Bà Lụa Hà đã về. Ông tỉnh táo trở lại, muốn múa một bài quyền Bình Định. Bao lơn phía trước đã ngập nắng. Ông bước ra bao lơn phía sau. Ông đi quyền, chuẩn xác từng động tác bằng một sự cố gắng nặng nề, uể oải ban đầu, cho đến lúc mồ hôi toát ra, cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản. Ông thấy mình còn khỏe lắm.

            Ông Hương Chữ bước vào nhà, gặp nụ cười của bà Lụa Hà bên bếp ga ở phòng nấu ăn.

            - Sao sáng nay ông chăm tập thế?

            - Ờ, cho đỡ oải người.

            Ông đi ra phòng khách, ngồi xuống, với tay bưng chai nước khoáng, mở nắp, rót đầy li, uống một hơi. Gió từ quạt máy hóa ra nãy giờ chưa tắt. Ông mỉm cười, đứng dậy bước đến chỗ treo chiếc đàn bầu, lấy đàn xuống.

            Đẩy khay trà sang một bên, đặt đàn, ông chỉnh lại dây và bắt đầu gảy bản ''Nhạc rừng'' (2) quen thuộc.

            Chơi đàn được một lúc, ông lại cảm thấy nhẹ lòng hẳn, ngả lưng vào nệm ghế. Không muốn nhớ lại dĩ vãng, nhưng ông không thể không buồn, khi chuyện cũ lại chợt hiện ra trong óc!

            Thuở ấy, cô gái của huyện Gia Lâm tuy đã vụng trộm với ông suốt ba năm trời, có với nhau hai mặt con, cô vẫn không được bố mẹ cho hợp thức hóa không giá thú. Bố mẹ cô vẫn phao tin với xóm giềng người yêu tội lỗi của cô là một anh nông dân ở huyện khác, nay anh ấy đã vào bộ đội, chiến đấu trong Nam. Năm năm sau khi sinh đứa thứ hai với ông, cô ấy lại lấy chồng, và chồng là một thương binh, cũng từng chiến đấu trong Nam, cũng ở huyện khác. Hai đứa con ông đã được điều chỉnh giấy khai sinh, khoảng trống bỏ trắng được điền vào tên người thương binh ấy! Cô ấy đã quên ông với nỗi đau hóa đá trong lòng, chỉ thỉnh thoảng cồn lên khiến cô trào nước mắt, rồi đâu cũng vào đó.

            Trên ba mươi năm, ông lấn cấn mãi, cũng cố tìm cách nối lại liên lạc, tuy biết thế là tàn nhẫn với người thương binh kia, nhưng chút tàn nhẫn của ông cũng vô ích! Và còn bà Lụa Hà, người con gái yêu ông, chờ đợi ông suốt hai mươi mốt năm chia cắt! Tình xưa tươi đẹp, mối tình đầu ấy làm sao ông nỡ phụ, bởi không đành với bà, cũng không đành với trái tim ông, đa đoan, hệ lụy!

            Ông Hương Chữ lại cố chơi một bản nhạc vui trên chiếc đàn bầu một dây độc nhất. ọộc nhất, vẫn ngàn giai điệu, vạn âm thanh huyền diệu. Cái độc nhất của độc huyền cầm tuyệt vời là thế. Cái độc nhất của số phận ông chỉ là cô độc! May sao vẫn còn có bà Lụa Hà, gia đình đứa con nuôi Cơ Dân, và con cháu của ông bạn đồng hương già Phùng Xứ dưới Hóc Môn thường xuyên ghé thăm ông.

            Ông Hương Chữ gảy đàn, lại nhớ hồi những năm tám mươi, ông Phùng Xứ hay nhắc nhở ông ''kiếm'' một thằng nhóc nối dõi. Hồi đó, lấn cấn quá nhiều điều, cảm thấy cũng chẳng cần thiết nữa. Vừa gảy đàn, ông vừa lan man bao ý tưởng. Ông lại mỉm cười.

            Rồi ông Hương Chữ thấy mình hóa thân thành chiếc đàn bầu một dây. Một nhưng phong phú đến lạ lùng! Phong phú của thanh âm không nắm bắt được bằng tay, không nhìn được bằng mắt!

            Thôi, quên đi, quên đi - ông tự nhủ trong tiếng đàn bầu đang ngân vang, lúc hồn nhiên, lúc gượng gạo.

            Không biết đây là lần thứ mấy trong đời, quá khứ với niềm đau thương, nỗi tủi nhục đã xòe nanh vuốt, cào cấu, cắn phập vào trái tim ông. Ông thầm tạ ơn âm nhạc đã xoa dịu, cứu rỗi bao cơn nhức nhối trong lồng ngực do trái tim phiền muộn, phiền muộn vì đa mang, vì thời thế! phiền muộn vì số phận! Những cơn nhức nhối ấy, bao bác sĩ đã bảo với ông, là ảo giác của những nỗi niềm có thật.

            Trong tâm trạng đau buồn, vẫn cộm lên nỗi tủi nhục vì bị gia đình bên ''vợ thứ'' xua đuổi một cách ôn hòa mà quyết liệt, bởi lòng yêu kính người thương binh, lòng tự trọng và sự lo âu cho tương lai mình của hai đứa con ngoài giá thú. Họ đã chùi cái tên Đặng Hương Chữ trong ý niệm huyết thống của họ như chùi một vết bẩn đạo lí, một tai ương lí lịch!

            Lúc này, chuỗi hồi ức đã tê điếng, vô cảm trong ông, tiếng nhạc vẫn réo rắt, thanh thoát dưới tay ông. Cả hai xô đẩy, chế ngự nhau, tạo nên một tâm trạng luẩn quẩn, rồi cuối cùng âm nhạc ríu rít niềm vui sống đã lấn át, vượt thắng. Vốn là một người rất thích nhạc buồn, viết về nỗi đau sâu thẳm và lớn lao của con người, nhưng ông biết, sẽ tự giết chết dần mòn chính mình nếu cứ mãi đắm chìm vào đó!

            Một lần nữa, ông Hương Chữ ao ước, và cảm nhận rõ, ông được hóa thân thành độc huyền cầm dân dã mà cao diệu. Ông là cây đàn bầu hạnh phúc, hạnh phúc vì tự vượt thắng.

            Ông mê mải đàn cả lúc những tiếng chuông chùa  trên sân thượng cách quãng vang lên. Những sinh viên đã về. Họ đã cất sách vở để tự lo cơm trưa ở nhà bếp phía góc vườn, trước đây, thuở còn phải nấu bằng than củi, là nhà bếp chính của biệt thự.

            Lúc ăn cơm trưa, bên li rượu nhỏ thuốc bắc, nhìn bà Lụa Hà ngồi đối diện - chỉ riêng hai người trong phòng ăn khá rộng kế sau phòng khách trên tầng lầu này - ông nghe bà nói:

            - Sáng nay, trông ông, nghe tiếng đàn của ông, tôi biết ông lại trở cơn không vui. Quên đi ông ạ - bà nói lảng, không để ông trả lời - Hãng mới điện thoại đến, hình như ông không bắt máy. Ở trong bếp, tôi nghe qua máy phụ, sáng chủ nhật sắp tới nó sẽ cho thợ đến, còn tối nay nó sẽ đến trước để bàn với ông - bà Lụa Hà trở đũa, gắp rau, chấm vào chén mắm.

            - Lâu nay, tôi cảm thấy hơi nhớ nó. Cái thằng! - ông cũng ăn bằng hai đầu đũa, gắp một miếng thịt kho đặt vào chén cơm - Nghe đâu ông Phùng Xứ, nội của Hãng, dạo này hơi yếu. Tội nghiệp ông ấy! Chính ông Xứ đã dạy tôi cái thú đàn bầu với sáo, lại giác ngộ cách mạng cho tôi năm xưa... - tay cầm đũa của ông Hương Chữ khẽ run - Tội nghiệp! Còn Cơ Dân, lẽ ra tôi mất xác lâu rồi, nếu hôm ấy, ở Tây Nguyên... Nó sinh ra tôi lần thứ hai đấy, bà ạ... - hình như cơn buồn khiến ông lẩm cẩm.

            - Biết rồi! Sao nói hoài vậy ông! - bà Lụa Hà mỉm cười, gắp thêm cho ông một miếng chả rim, giục ông ăn cơm kẻo nguội.

 

 

 

10

 

 

 

            Hơn một tuần nay, Hãng bối rối, xao xuyến, náo nức, bâng khuâng và có cả thất vọng, hồi hộp. Anh hồi hộp mong có Tre Trúc ở nhà, bởi ngoài giờ ở giảng đường, ở lớp, cô thường xuyên đọc sách tại thư viện. Anh hồi hộp mong được chuyện trò với cô gái xinh và duyên ấy. Hãng cũng nhiều lần thất vọng, vì hình như rất khác với em là Song Mây, Tre Trúc hơi dè dặt, kín đáo, ngại với người trong nhà khi chuyện trò cùng Hãng. Có lần, suốt buổi, ngồi ở sau khung cửa sổ mở ra sân, nhìn anh lúi húi với thợ đang uốn, chặt các loại sắt bê tông, cô chỉ mỉm cười hoặc cười với nụ cười đã phần nào hiểu lòng nhau - Hãng hi vọng là thế - khiến anh sung sướng đến rộn ràng lồng ngực. Đôi lúc, anh lại đoán chắc, ấy chỉ là những nụ cười giao tiếp sau dăm lần chuyện trò thoáng chốc, khiến Hãng buồn bã, rã rời!

            Trong tuần rồi, Lúa Ngọc và Vũ Thương Hoài - Đào Hải cũng một đôi lần đến chơi. Những người trẻ tuổi đã quen nhau.

            Lúa Ngọc và Thương Hoài đã khá thân với năm cô bạn gái, trong đó có cả Cái Thị Ô Châu - cái tên Ô Châu rất đỗi sử học với họ Cái quen thuộc, tuy ít người mang họ ấy.

            Với Hãng, thời gian này, tất cả các cô gái trên đời đều trở nên vô nghĩa, duy một mình Tre Trúc đã chiếm lĩnh tâm hồn anh. Hãng không lưu tâm đến những giao tiếp của các cô gái ấy.

            Hãng chỉ thấy không yên lòng khi biết quanh Tre Trúc còn có bốn chàng trai nom cũng tốt mã mà anh vừa đùa vừa thật gọi họ là các ''ông kẹ''. Đó là Nghị, chàng da nâu cao ráo, săn chắc với đôi mắt rất sáng, nói giọng Long Xuyên. Đinh Nghị đã học năm thứ ba Đại học Bách khoa. Đó là Đào Điện, da trắng xanh mặc dù suốt thời tuổi nhỏ và bảy năm trung học hít thở không khí mặn  mòi Phan Thiết. ọó là Gió, Trần Ngát Gió, cái tên rất thi sĩ nhưng Gió lại học cơ khí - chế tạo máy ở ọại học Kĩ thuật, cùng năm thứ nhất với Điện. Gió, gương mặt cương nghị, những nét mặt đầy chất nam tính, đẹp trai rất châu Á, nói giọng Quảng Trị đậm đà. Còn Hoàng nữa! Trong bốn chàng tuổi trẻ ấy, Điện như một con kinh kông, cao đến một thước tám, lúng túng vì cảm thấy mình thừa kích thước ở mọi lúc, mọi chỗ. Tuy không yên lòng, Hãng vẫn đã lấy lại niềm tự tin, tự hào thầm kín. Anh đã dự cảm được Tre Trúc không thể là của ai khác!

            Đôi lúc, Hãng nhận ra trong anh có nhiều ý tưởng và tâm trạng khá buồn cười với những so sánh vớ vẩn như thế.

            Thật ra, từ khi gặp được Tre Trúc, Hãng như sống một đời sống khác. Anh vẫn miệt mài với khoa học, công nghệ và nghệ thuật kiến trúc, thậm chí miệt mài hơn nhưng lại bị phân trí hơn. Hai tháng vừa qua là cả trăm vực sâu, trăm đỉnh cao trong tâm trạng Hãng.

            Công việc ở mảnh sân hình chữ nhật mượt cỏ và xanh cây kiểng, cách vách phòng có cửa sổ bốn lá kép của Tre Trúc một hành lang, một lối đi lát đá, cũng chẳng có gì nhiều. Vốn tâm của mảnh sân bên phải mặt tiền nhà là bể nước có vòi phun với hai lối sỏi hình chữ V, giao điểm là vòi phun ấy, nay Hãng mở thêm ba lối sỏi nữa. Ba lối sỏi trắng mới mở rẽ ra ba hướng, về phía giàn hoa màu tím, bên dưới là bàn ghế đá, về phía lối đi từ cổng vào tòa nhà, về phía góc của khuôn viên biệt thự, nơi có một bể cá kiểng lớn bằng thủy tinh, bên trên được che bằng một lá sen bên đóa sen bằng bê tông màu trắng. Năm lối đi rải sỏi trắng đều có các lá sen, đóa sen dọc hai bên, cũng màu trắng tuy nhỏ, thấp hơn. Giữa bể nước, ngay vòi phun, Hãng đang cho thợ đúc một lá sen với một đóa sen màu đỏ, cao vượt lên tầm phun của vòi nước, vượt cả hai cụm tượng xương rồng trên bờ bể.

            Lá sen đỏ, đóa sen đỏ!

            Đóa sen đỏ nở ra mười cánh đỏ, chung quanh gương sen vàng. Trên gương sen vàng là hai cuốn sách mở, nhìn lên trông như đôi chim bồ câu xòe cánh. Đó là đôi chim bồ câu màu đỏ, nhưng cũng là hai cuốn sách tươi thắm sắc đỏ.

            Hãng định sẽ để hai cọng sen ngay giữa ''cây nước'' xòe bao nhiêu là tia nước lóng lánh ra tư bề. Cả nhà đều thích thú với bản vẽ thiết kế của Hãng. Hãng đã mấy lần ''tranh thủ'' tham khảo ý kiến của Tre Trúc! Có lẽ Tre Trúc cũng hiểu đó là cái cớ hơn là ý định tham khảo thật của anh, bởi lắm lúc cô nói, anh có nghe gì đâu! Trong khi cô đang chỉ tay vào bản vẽ, nói lên cảm nghĩ của mình, anh lại sững sờ nhìn gương mặt cô. Cô đang cúi xuống với cái nhìn vào đóa sen trên giấy can, nhưng cô cũng biết bằng trực cảm, cả bằng vài lần ngước lên, anh đang ngắm cô say đắm! Tre Trúc đỏ bừng mặt, thẹn thùng, nhưng ánh mắt thêm long lanh, những khi bắt gặp ánh mắt say đắm của anh!

            Chiều qua, khi trong cốp pha đã đông cứng bê tông mác cao, thường dùng cho các công trình thủy điện và cầu cống có nước chảy xiết (khúc cốp pha ở chân cọng sen có đường kính khá lớn là bằng ống chất dẻo màu đỏ, sẽ để nguyên), Hãng chợt thấy bóng Tre Trúc, Trắng Cát, Ô Châu ở phòng khách nhà anh Cơ Dân.

            Hãng vui mừng bước vào. Sau những tiếng chào, anh Cơ Dân lại chơi nốt bản nhạc mới của anh trên dương cầm.

            Con gái là chúa tinh ý. Trắng Cát, Ô Châu đến bên dương cầm ngắm ngón đàn anh Cơ Dân, chỉ còn Hãng và Tre Trúc ở ghế xa lông. Tre Trúc hơi đỏ mặt rồi vội trấn tĩnh, còn Hãng, anh vui sướng lạ lùng.

            Trong tiếng đàn thánh thót có âm sắc dân ca quan họ, Hãng nhìn Tre Trúc, khẽ nói:

            - Tre Trúc thích âm nhạc không? - Hãng hỏi và tự biết anh đã vớ vẩn vì chẳng biết nói gì.

            Tre Trúc gật đầu, cũng chẳng biết nói gì.

            - Học tập dân ca rồi sáng tạo mới vẫn khó lắm, vì dễ lặp lại. Biết vậy, anh Cơ Dân vẫn kiên trì, và rất thành công, những thành công đáng giá. Những nhạc sĩ nước ngoài quen biết anh Cơ Dân rất thích - Hãng nói, sau một lúc ngập ngừng.

            - Em nghĩ sen và xương rồng cũng rất dân gian. Lần đầu tiên Tre Trúc đến đây, có lẽ do nắng hay do gì nữa chẳng rõ, không nhìn ra hai cụm xương rồng, mặc dù ngắm rất lâu bể nước - Tre Trúc thấy khơi được mạch chuyện.

            - Ồ, hai cụm xương rồng trên bờ bể nước, khá lớn chứ đâu phải nhỏ - Hãng cũng đã thoát sự ngượng ngập ban đầu.

            - Biết vậy, nhưng không nhìn ra, kể cũng lạ - cô nói.

            Hãng chợt hiểu:

            - Vì chỏi quá, phải không? ọầm sen mà có giếng phun và xương rồng! Xương rồng không thể mọc trên bờ giếng giữa đầm được. Xương rồng chỉ chịu đất khô. Có lẽ là do vậy?

            Tre Trúc hiểu, đôi khi cái nhìn bị chi phối bởi nhận thức, kiến thức và kinh nghiệm. Lúc ấy, cô đang lo âu, ngại vô cùng, bởi đã hết chỗ trọ theo lời ông Hương Chữ, và bởi Song Mây! Cô rất ngại vì tính em gái rất bồng bột, xốc nổi, thiếu kìm chế xúc cảm... Quả thật lúc ấy, cô không nhìn thấy hai cụm xương rồng bởi những lẽ mà sau đó cô mới hiểu, bây giờ càng hiểu rõ thêm.

            - Lúc này anh mới thấy tính phi lí, phi thực của tứ thơ trong kiến trúc Sen Trắng! - Hãng như đang cùng cô phát hiện ra điều đó, anh nói thêm - Cả những cây kiểng như các lá buồm nữa...

            Tre Trúc mỉm cười:

            - Thơ mà! Theo anh, với sự kết hợp phi lí, phi thực ấy, ông kiến trúc sư nào đó muốn chuyển tải điều gì?

            - Giếng phun, phun từ mạch đất, gợi ý niệm tuôn trào từ nơi sâu thẳm, tinh khiết nhất. Nước đầm chưa hẳn sạch, thường là không sạch. Xương rồng, loài cây chịu gian khổ nhất, loài cây của sa mạc. Sen sẽ vô nghĩa nếu không mọc từ bùn, thơm gần bùn... Có lẽ cần phải làm một số động tác tổng hợp, tìm ra ý nghĩa chung? Tứ thơ không nên quá thật...

            - Xương rồng sống giữa đầm sen là sống được ở một nơi ngỡ không sống được - Tre Trúc ngẫm nghĩ, chợt nói chêm vào.                  Hãng cười. Anh không muốn nói gì hết về cụm sen đỏ và ba con đường mới mở của anh trên bài thơ ''siêu thực'' với nhiều yếu tố tượng trưng, biểu tượng được viết bằng cây cỏ, xi măng, sắt, đá và nước ấy, có điều không phải ''viết'' bằng vô thức.

            Chỉ những gợi mở, cả hai đã cảm nhận thật sâu tổng thể kiến trúc này.

            - Triết lí, tư tưởng của nhà kiến trúc chẳng kém gì thi sĩ! Ngành của anh hay quá - Tre Trúc lại nói.

            - Ngành ngữ văn học lại bao trùm lên bao ngành khác. Văn chương, triết học rất rộng, kiến trúc chỉ một bộ phận thôi.

            Hãng nói, rồi chợt thấy chẳng lẽ chờ mong có dịp gặp Tre Trúc, để động não và thù tạc thế này, cho dù được động não với Tre Trúc là cả một hạnh phúc. Nhưng phải chi đừng xã giao như thế, xem có vẻ ''hữu nghị'' quá. Hãng im lặng, nhìn Tre Trúc với ánh mắt trong sâu thẳm trái tim mình. Ngồi im trong tiếng nhạc của anh Cơ Dân, Tre Trúc cũng chẳng biết nói gì!

            - Tre Trúc nói gì đi chứ!

            - Anh nói gì đi!

            Cả hai cùng phá ra cười giòn tan.

            Anh Cơ Dân, cả Ô Châu, Trắng Cát cười thầm trong lòng với họ, nhưng cả ba người đều ra vẻ đắm mình theo tiếng dương cầm, mê mải nhìn các phím ngà và các dòng nhạc.

            Những câu nói vô nghĩa của hai người bắt đầu cảm mến, rung động trước nhau vẫn là những câu hay nhất.

            Đó là buổi chiều đẹp nhất trong đời Hãng và Tre Trúc, mặc dù sau đó họ có nói gì có nghĩa với nhau đâu!

            Mãi đến khi Lúa Ngọc đi làm ở một cơ quan nông nghiệp về, ghé vào thăm, rồi cùng Hãng về nhà, Hãng cứ ngẩn ngơ với niềm vui đến ngây ngất trong lòng. Đúng là ngây ngất dù chỉ nhìn nhau như thế. Ngây ngất, đến mức Lúa Ngọc cứ hỏi chuyện  Hãng về Gió, Hãng chỉ trả lời qua loa rồi lại nói về Tre Trúc! Lúa Ngọc chẳng thấy thú vị gì khi nghe anh ruột của mình cứ nói mãi về cô ấy. Lúa Ngọc im bặt cho đến khi  về tới nhà. Hãng cụt hứng rồi cũng im lặng với niềm ngây ngất trong tâm hồn. Đến lúc tắm xong, thay quần áo, ra đứng trước hiên nhà, Hãng mới tiếc rằng sao trên đường về anh không để Lúa Ngọc hé lộ những gì trong lòng cô, mặc dù Hãng biết em gái anh cố giấu giếm. Hãng cảm thấy yêu thương và rộng lòng với tất cả cõi người ta, lúc này.

 

 

 

 

Xem tiếp:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/sen_dbthbinh-2.htm

 

Cũng có thể xem tại:

 

http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/

Trở về trang

danh mục tác phẩm -- muc lục:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/danhmtphamtxa_googlepcreator.htm

 

bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01 & 02-5 HB7 (2007) = 15 & 16-3 Đinh hợi HB7