r.a. Bài phụ của bài 18 - Tl.1 - Trần Xuân An - Về từ "quốc phục"

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

 

BÀI PHỤ (18-p)

TRẦN XUÂN AN

VỀ TỪ “QUỐC PHỤC”

 

(ý kiến)

 

 

Về từ "quốc phục": Theo "Từ điển tiếng Việt", Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, Nxb. KHXH. & TT. Từ điển học, Hà Nội, 1994, tr. 783: "Quần áo theo kiểu riêng từ xưa truyền lại của dân tộc một nước, thường mặc trong những ngày lễ, ngày hội".

 

Tuy vậy, tôi vẫn phân vân ở sự giới hạn (áo quần trang trọng trong lễ hội) trong định nghĩa này. Trong thực tế, người Việt, nam cũng như nữ, mặc áo dài không nhất thiết là trong ngày lễ, ngày hội.

 

Cách đây khoảng trên ba mươi năm, ở Huế, Quảng Trị, tôi thấy, khi khách đến nhà, theo thông lệ, chủ nhà phải mặc áo dài để tiếp; người bán chè rong cũng mặc áo dài; phụ nữ đi chợ hàng ngày cũng mặc áo dài... Ngay cả khi có việc khẩn cấp, phải ra đường, thì như một phản xạ, người thuộc lứa tuổi 30, 40 ngay lập tức vơ lấy chiếc áo dài treo sẵn ở cửa buồng, vừa chạy vừa mặc. Còn việc nữ sinh đi học dĩ nhiên là phải mặc áo dài, đến nay không còn bị lạ lẫm hoá, bởi đã được phục hưng trong khoảng 20 năm Đổi mới.

 

Nói chung, người nam cũng như người nữ, mặc áo dài là để bày tỏ phép lịch sự (giữ lễ), không kể áo gấm hay áo vải, áo lành hay áo vá. Chiếc áo dài khi còn mới, thuộc loại vải tốt, thì dùng làm lễ phục, khi hơi cũ, sờn rách hoặc vải thường, thì dùng để giữ lễ; thực chất cách may, kiểu may không khác nhau. Ngoài ra, nhân dân không có lễ phục nào khác để "thường mặc trong ngày lễ, ngày hội" (phân biệt áo quần để dự lễ hội của đại đa số với áo tế lễ dành cho những người chủ tế, phụ tế ở đình làng, ở nhà thờ tộc họ). Mặt khác, nếu xét về đặc trưng, "quần áo theo kiểu riêng từ xưa truyền lại của dân tộc một nước", thì không chỉ áo dài nam, áo dài nữ lịch sự, nghiêm túc, chắc hẳn thường phục Việt Nam cũng có những nét căn bản rất đặc sắc, độc đáo, so với thường phục các dân tộc khác ở các quốc gia lân cận, ở mọi châu lục. 

 

Do đó, tôi dùng từ "quốc phục" theo nghĩa "Việt phục", bao gồm:

 

1. lễ phục Việt Nam cũng là áo quần dài đàng hoàng của người Việt Nam để giữ phép lịch sự;

 

2. thường phục Việt Nam, áo quần dùng để mặc ở nhà hay khi lao động tay chân (áo cánh, áo cộc, áo bà ba với quần đùi cho phái nam và quần dài cho phái nữ).

 

Có lẽ cũng không thừa khi nhắc lại ở đây để chúng ta cùng nhau ghi nhớ trong tinh thần tương kính và tự trọng:

 

Khi một dân tộc đánh mất bản sắc, trong đó bao gồm cả những giá trị văn hoá cụ thể như quốc phục, có nghĩa là dân tộc ấy không những không đóng góp được gì cho văn hoá nhân loại, mà còn thảm hại hơn nữa, chỉ là chiếc bóng mờ, theo đuôi dân tộc khác.

 

TRẦN XUÂN AN

 

_______________________

 

MỘT ĐIỀU AI CŨNG BIẾT:

HỌC LỊCH SỬ, KHÔNG NÊN HỌC TẬP KHÍA CẠNH HẠN CHẾ CỦA NHÂN VẬT LỊCH SỬ, VÀ KHÔNG PHẢI VÌ NỂ NANG NHÂN VẬT LỊCH SỬ ĐỂ RỒI ĐI ĐẾN CHỖ ĐÁNH MẤT MỘT GIÁ TRỊ NÀO ĐÓ CỦA VĂN HOÁ DÂN TỘC.

TXA.

 

 

Xem thêm:

Hình ảnh sưu tầm minh hoạ:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/hinhanhquocphuc

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/quocle_hinhanh.htm

 

 

 

Xem tiếp: Bài thứ mười chín:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta_b19.htm

 

Trở về: Trang mục lục của tập bài viết "Luận về thời chúng ta...":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta

 

Trở về trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

 

Google page creator /  host

  Ngày đưa lên trang web này: 28-4 HB7

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE