n. Trần Xuân An -- Vài nét tổng luận -- lịch sử cổ đại nước ta - Tệp 14

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

       12 tháng 3 HB6 (2006) / 19 tháng 3 HB6 (2006)

07/01/09

           

 

 

       Lời thưa

 

       Bài 1

 

       Bài 2

 

       Bài 3

 

       Bài 4

 

       Bài 5

 

       Bài 6

 

       Bài 7

 

       Bài 8

 

       Bài 9

 

       Bài 10

 

       Bài 11

 

       Bài 12

 

       Bài 13

 

       Bài 14

 

       Bài 15

 

  Phụ lục thơ

 

    Phần cuối

 

 

 

 

 

 

 

                               

  

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

( Bài 14 )

 

Xem:

Website Giao Điểm:

http://www.giaodiem.com       

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

 

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

                

 

 

 

 

 

SUY NGHĨ

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ

TRONG

LỊCH SỬ CỔ ĐẠI

NƯỚC TA

 

                             

 

 

 

VÀI NÉT TỔNG LUẬN

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG LỊCH SỬ CỔ ĐẠI NƯỚC TA

 

Sau hơn hai nghìn năm hình thành nền văn hiến sơ khai, tiếp tục sinh sôi, phát triển trong độc lập, tự do, dân tộc Việt chúng ta bị thực dân, bành trướng Hán tộc phong kiến cổ đại đặt ách thống trị với sự chiếm đóng của chúng, tổng cộng hơn một nghìn năm. Một số nhà sử học chia thời kì Hoa thuộc (“Bắc thuộc”) này ra làm ba giai đoạn chính:

1. Giai đoạn Hoa thuộc thứ nhất ([-207] – [+40]): Từ Triệu Đà xâm lược cho đến cuộc khởi nghĩa Trưng Trắc – Trưng Nhị.

2. Giai đoạn Hoa thuộc thứ hai (43 – 544): Từ sau cuộc khởi nghĩa Trưng Trắc – Trưng Nhị cho đến cuộc khởi nghĩa Lý Bôn – Triệu Quang Phục – Lý Phật Tử.

3. Giai đoạn Hoa thuộc thứ ba (602 – 938): Từ sau cuộc khởi nghĩa Lý Bôn – Triệu Quang Phục – Lý Phật Tử cho đến cuộc nổi dậy của Khúc Thừa Dụ – Dương Diên Nghệ – Ngô Quyền (chiến thắng trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền là dấu mốc lịch sử).

Phân chia như vậy để thấy rằng, suốt thời gian dài đằng đẵng ấy, dân tộc ta không phải không có những năm tháng sống trong độc lập, tự do đích thực. Hoàn toàn không phải phân đoạn như vậy là chỉ đề cao những cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40 – 43), Tiền Lý – Triệu (544 – 602), Khúc – Dương – Ngô (906 – 938), lại xem nhẹ các cuộc khởi nghĩa hiển hách khác do những vị anh hùng khác lãnh đạo, như Khu Liên (thuộc tộc người về sau tự gọi là người Chăm, 137), Triệu Thị Trinh (248), Mai Thúc Loan (772), Phùng Hưng (791)… Phải thấy rằng tất cả các cuộc khởi nghĩa ấy, mặc dù chính quyền về tay cọâng đồng người Việt Nam chúng ta (gồm nhiều nhân tộc), có khi rất ngắn ngủi, có khi chỉ là một vùng đất (như Tượng Quận [tỉnh Quảng Nam ngày nay] sau cuộc khởi nghĩa của Khu Liên), cũng đã làm bừng dậy ý thức dân tộc độc lập, chủ quyền đất nước và nuôi dưỡng tinh thần quật cường không bao giờ lụi tắt của tổ tiên các nhân tộc Việt Nam chúng ta. Các cuộc khởi nghĩa ấy là những mắt dây chuyền nối liền nhau trong quan hệ nhân quả, là tiền đề đồng thời là kết quả của nhau.

Chiến thắng Bạch Đằng (938) do Ngô Quyền lãnh đạo thực sự đã mở ra một kỉ nguyên mới – kỉ nguyên độc lập, tự do phong kiến trung đại. Sau khi nghiên cứu thêm triều Đinh (967 – 970 – 979) và triều Tiền Lê (981 – 1009), hai triều đại kế tục, củng cố vững chắc nền độc lập, tự do đó (hai triều đại này thực sự đã bước qua kỉ nguyên khác), chúng ta tự hỏi: Nhờ đâu dân tộc Việt Nam đã tự giải phóng được chính mình khỏi ách thống trị, chiếm đóng bành trướng của nước Trung Hoa khổng lồ, tàn ác và thâm độc nhường kia, trong khi có hàng trăm dân tộc, hàng chục vương quốc khác không phải là bé nhỏ (như Hồi Hột, Nữ Chân, Sa Đà, Khiết Đan…; Liêu, Kim, Mông Cổ [Nguyên], Tây Tạng, Mãn Châu [Thanh]… chẳng hạn) lại tiêu vong? Trong ba thời kì Hoa thuộc tổng cộng hơn một nghìn năm kể trên, dân tộc Việt chúng ta đã Việt hoá được gì? Bản lĩnh dân tộc được tôi luyện đến mức nào mà quật cường đến vậy? Và mặt khác, những di căn thời Hoa thuộc dài lâu như di chứng bệnh tật kinh niên của dân tộc là gì? Phải chăng đó là bệnh tật nô lệ, vọng ngoại, sùng ngoại, vong bản ít nhiều còn tồn tại, tồn tại đồng thời với tinh thần quật cường, bất khuất, ý chí chống ngoại xâm mãnh liệt trong huyết thống dân tộc ta? Đến nay, đầu thế kỉ XXI, phải chăng thứ bệnh tật nô lệ, vọng ngoại, sùng ngoại, vong bản ấy chưa phải đã được lọc khỏi huyết thống Việt? Làm sao khắc phục di chứng bệnh tật đó? Làm sao để ngày càng nâng cao tinh thần quật cường, bất khuất, ý chí chống ngoại xâm mãnh liệt vốn đã thành truyền thống nghìn đời?

 

I. Tinh thần dân tộc của dân tộc Việt Nam:

 

1. Tinh thần dân tộc không phải hình thành trong một sớm, một chiều. Phải trải qua hàng chục nghìn năm mới có thể từ các nhân tộc rời rạc hình thành, cố kết nên một dân tộc. Tinh thần dân tộc lại là kết quả cao đẹp nhất, quý báu nhất của một cộng đồng dân tộc trong hàng trăm cộng đồng dân tộc trên thế giới. Dân tộc Việt Nam chúng ta, gồm 54 nhân tộc, cũng hình thành, sinh sôi, phát triển trong quy luật chung ấy.

Không phải không có người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam tỏ vẻ nghi ngờ về con số phỏng chừng 4.000 năm lịch sử Việt Nam. Họ bảo ta cần khiêm tốn hơn, bớt tự huyễn hoặc, khoác lác về chính dân tộc mình. Thực ra, số ít người Việt ấy, phải cực lòng mà nói, là thiếu kiến thức. Chính các cuộc khai quật khảo cổ học của các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng đều xác định bằng khoa học thực nghiệm về niên đại của các di chỉ tiền cổ đại và cổ đại Việt Nam. Không chỉ 4.000 năm lịch sử, mà gấp năm, gấp mười lần như thế. Các di chỉ người vượn hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn) với việc xác định niên đại tuyệt đối bằng phương pháp ESR là 475.000 năm (sai số 10%) (1). Di chỉ núi Đọ (Thanh Hoá) cũng cho thấy những vật phẩm đặc trưng thời đồ đá cũ cách đây hàng chục vạn năm (300.000 ?). Văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn với vết tích chủ nhân của nền văn hoá ấy tìm thấy khắp các vùng từ Tây Bắc đến Quảng Trị, có niên đại từ 17.000 đến 7.500 năm. Gần hơn, khoảng 4.000 năm, có di chỉ của các cư dân thời kì đồng thau – tiền Đông Sơn, như di chỉ Phùng Nguyên, lưu vực sông Lam, sông Mã. Giới khảo cổ học và sử học còn xác định thời Hùng vương gồm có 4 giai đoạn cụ thể: Phùng Nguyên và Đồng Dậu (khoảng 1455 +/- 100 năm; 1380 +/- 100 năm; 1120…); Gò Mun (nửa đầu thiên niên kỉ I tr. c. ng.); Đông Sơn (2820 +/- 120 năm; 2415 +/- 100 năm…). Và hàng chục di chỉ khảo cổ khác về thời đại đồ đồng, đồ sắt ở địa bàn Việt cổ (Bắc bộ và Bắc Trung bộ) (2) đã được giới khảo cổ học quốc tế công nhận. Trong đó nổi tiếng nhất, đặc trưng nhất của văn hoá Lạc Việt, Âu Việt là trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ, thạp đồng Đào Thịnh, mũi tên đồng Cổ Loa cùng hệ thống mộ táng Lũng Hoà (Phú Thọ), Làng Cả (Phú Thọ), Thiệu Dương (Thanh Hoá), mộ táng có hình thuyền Việt Khê (Hải Phòng)… (3).

Cộng với các bằng chứng di chỉ khảo cổ học không có gì hùng hồn hơn ấy là hệ thống các di tích tín ngưỡng (thờ kính anh hùng dân tộc) cùng truyện cổ (thần thoại, truyền thuyết về tín ngưỡng, lịch sử, kinh tế, xã hội – thể chế chính quyền, phong tục, tập quán…) và ca dao, dân ca (gồm các thể tài, làn điệu), trong đó nổi bật lên là các truyện Thần Trụ Trời, Họ Hồng Bàng – Lạc Long Quân – Âu Cơ, Thánh Gióng, Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, Trầu cau, Bánh chưng bánh dầy, Tiên Dung – Chử Đồng Tử, An Tiêm, An Dương vương…

Di sản quý báu nhất trong văn hoá Việt từ thuở cổ sơ ấy truyền lại đến ngày hôm nay vẫn là ngôn ngữ Việt (*).

Với một số cứ liệu văn hoá vật thể và phi vật thể ấy, mặc dù chỉ sơ lược dẫn chứng, cũng có thể nói rằng: cộng đồng dân tộc Việt Nam đã hình thành tự lâu đời, do đó dĩ nhiên, tinh thần dân tộc đã hình thành, trưởng thành từ lâu, ngay từ trước và trong thời Hùng vương dựng nước, với một bản sắc văn hoá Việt Nam đặc sắc, nhất thống nhưng vẫn đa dạng, gồm nhiều màu sắc nhân tộc, một bản lĩnh văn hoá Việt Nam kiên định, càng ngày càng tốt đẹp.

 

2. Trong cuộc chiến đấu không cân sức, giữa một đế quốc bành trướng Hán – Hoa khổng lồ, thâm độc và tàn bạo nhất lịch sử loài người với cộng đồng Bách Việt, rồi sau đó với một dân tộc chưa đông đảo, một đất nước không mênh mông như Văn Lang – Âu Việt, tinh thần dân tộc Việt Nam ấy đã thể hiện bằng quá trình đấu tranh bền bỉ, bất khuất, lúc bình thường thầm lặng, lúc quật khởi mãnh liệt, để đạt cho được mục đích thiết yếu nhất: độc lập, tự do dân tộc trên lãnh thổ của mình. Không chỉ trên lĩnh vực khởi nghĩa vũ trang, mà ngay trên lĩnh vực văn hoá.

 

a. Văn hoá:

 

Tiêu vong văn hoá là mất tất cả, ngay chính bản thân dân tộc cũng tiêu vong. Hẳn rất ý thức điều này, nên dân tộc ta vẫn tồn tại trước chính sách đồng hoá văn hoá và đồng hoá huyết thống với mưu đồ thâm độc, trắng trợn từ thời Tần Thuỷ hoàng mà Mã Viện thời Hán đã công khai tuyên bố một cách đầy thách thức: “đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (trụ đồng đổ, người Giao Chỉ tiệt nòi [trở thành người Hán tất thảy]). Có một điều rất đỗi kinh ngạc, là với chủ trương thực dân – đồng hoá huyết thống của bọn bành trướng Hán tộc, người Việt vẫn là người Việt. Chúng thực thi chính sách đồng hoá huyết thống bằng sự cưỡng bức (như tuyển 30.000 người nữ Việt [Hán?] để “may áo” cho 15.000 quân viễn chinh Tàu nhằm định cư số lính tráng đó), hoặc bằng những cách thức tiệm tiến hơn; và không chỉ một lần vào thời Tần Thuỷ hoàng, mà khá nhiều lần thực thi chính sách đồng hoá như vậy (như vào thời Hán, thời Đường, Mã Viện và Cao Biền lập nhiều làng ấp cho binh lính viễn chinh, lưu dân Hán – Hoa trên đất Việt); hoặc những đợt di dân Hán – Hoa có nguyên nhân là chạy loạn (thời Vương Mãng cướp ngôi Hán…), cũng ở trong quỹ đạo di thực – đồng hoá ấy. Về thời gian, không phải một ngày, mà cả một nghìn năm như thế, nhưng dân tộc ta vẫn là dân tộc Việt với ngôn ngữ Việt, phong tục Việt, ý chí quật cường Việt, với khả năng tiếp nhận văn hoá ngoại lai để Việt hoá nên Việt vẫn rất Việt.

Ngay trong thời Hoa thuộc, dưới ách thống trị, chiếm đóng và với sự bố trí lưu dân sống xen kẽ để kìm kẹp của bọn lưu dân Hán tộc, người Việt vẫn thầm lặng hoặc công khai xây đền, lập miếu thờ kính các anh hùng dân tộc quật cường của mình. Các phong tục như ăn trầu, nhuộm răng để phân biệt ai Hán ai Việt vẫn tồn tại, và tồn tại cho đến nửa đầu thế kỉ XX.

Phải chăng với bản lĩnh và ý thức đấu tranh để bảo vệ huyết thống Việt, văn hoá Việt Nam ấy, nên dần dần lưu dân Hán – Hoa tự rút về hoặc bị đẩy về vùng đất Quảng Châu và trung nguyên Trung Hoa cổ đại? Câu hỏi xin nêu lên như thế.

Nhìn chung, nói một cách khái quát, theo quy luật giao lưu văn hoá, một nền văn hoá thấp hơn sẽ bị nền văn hoá cao hơn cải biến, đồng hoá. Nếu nền văn hoá cao hơn lại có vũ lực quân sự, bạo lực chính quyền đô hộ bảo vệ, thì sự tiêu vong của nền văn hoá thấp hơn của dân tộc bị trị là điều khó tránh được. Thậm chí, sức mạnh thu phục của văn hoá là nó có thể khiến các dân tộc có văn hoá thấp nhưng vũ lực tạm thời mạnh cũng dần dần tiêu vong. Nói rõ hơn, như các dân tộc Khiết Đan, Sa Đà từng thống trị trung nguyên Trung Hoa, nhưng rồi Khiết Đan, Sa Đà tiêu vong vì bị văn hoá Hán ở trung nguyên nhiếp phục (Nguyên – Mông, Mãn – Thanh về sau cũng vậy!). Nhưng văn hoá Việt Nam, trước sự thách thức lâu dài như Mã Viện tuyên bố, với điều kiện bi thảm nhất là bị trị nữa, vẫn tồn tại và ngày càng bản lĩnh để dân tộc ta quật khởi thành công. Đó không phải là một sự thật lịch sử đáng kinh ngạc và đáng tự hào sao!

Khi đã thật sự củng cố, giữ gìn nền độc lập thành công với chiến công lừng lẫy, Lý Thường Kiệt dõng dạc công bố tuyên ngôn:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

 

Tạm dịch:

Nước non Nam quốc, đế Nam quản

Dứt khoát đã định ở sách trời

Giặc nghịch cớ sao còn cướp chiếm?

Chúng mày đánh thử, chuốc thua thôi!

 

Sông núi nước Nam, Nam đế quản

Rõ ràng định ở sách trời rồi

Cớ sao giặc nghịch còn xâm phạm?

Ngươi, Tống! Đánh xem! Chuốc bại thôi!

Đến thế kỉ XV, Nguyễn Trãi tuyên cáo thay Lê Thái Tổ: “Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng nên văn hiến đã lâu; núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc [:Hán] – Nam [:Việt] cũng khác”.

 

b. Vũ trang:

 

Không những đấu tranh thầm lặng bằng văn hoá để chống lại sự đồng hoá với mục đích làm “tiệt nòi” Việt của giặc Hán – Hoa, dân tộc ta ý thức rất sâu sắc rằng, cái quyết định vẫn là vũ lực đối chọi với vũ lực, mặc dù ở thế không cân sức.

Chiến đấu để chiến thắng là mục đích tốt đẹp nhất, nhưng đôi khi mục tiêu chiến đấu chỉ giới hạn, là hâm nóng lại, nuôi dưỡng thêm ý chí bất khuất cho dân tộc dưới ách thống trị, chiếm đóng và xen kẽ, kìm kẹp, của bọn giặc Hán – Hoa ngoại xâm và của dân Hán – Hoa di dân cổ đại, sau những năm tháng dài uất nghẹn, ngậm hờn.

Từ thuở Hoa thuộc đó, việc bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, tôi rèn bản lĩnh dân tộc là cả một quá trình thường xuyên, hằng ngày, để có thể nổ ra những cuộc khởi nghĩa ở quy mô toàn châu (toàn quốc) trong những lúc thời cơ thuận lợi xuất hiện. Ngược lại, chính các cuộc khởi nghĩa vũ trang đã làm ấm lại hồn nước, mài sắc thêm ý chí căm thù giặc xâm lược, nung nấu thêm ý thức bảo vệ văn hoá và bảo tồn nòi giống Việt.

Sử sách chỉ ghi lại những cuộc khởi nghĩa có quy mô toàn quốc, rúng động đế chế Hán – Hoa xâm lược, do các anh hùng dân tộc Việt Nam lãnh đạo, như Trưng Trắc – Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Lý Bôn – Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ – Dương Diên Nghệ – Ngô Quyền và dăm cuộc khởi nghĩa khác, nhưng hẳn không chỉ ít ỏi như thế suốt thời gian hơn một nghìn năm đằng đẵng. Phải chăng khởi nghĩa quy mô như thế (tuy nhiều cuộc thành công ngắn ngủi) mà số lượng như thế thì không phải ít? Tuy nhiên, ai cũng biết rằng có những cuộc khởi nghĩa có quy mô nhỏ, có thể giấu giếm được, bọn thái thú các quận, thứ sử châu hẳn đã giấu nhẹm, cấm đoán phổ biến thông tin. Những cuộc khởi nghĩa rúng động “thiên triều”, không thể giấu giếm được, mới còn lại trong sử sách Trung Hoa, mới còn lại trong kí ức nhân dân!

Sử sách cũng không cho hậu thế được thấy mối quan hệ biện chứng văn hoá – vũ trang trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc ta, nhưng vô hình trung đã phản ánh được sự thật lịch sử đó. Nói cách khác, ta thấy sự thật lịch sử ấy sau khi tổng hợp lại những gì còn lại đến hôm nay.

 

3. Chính yếu tố địa lí cũng góp phần cùng truyền thống văn hoá – lịch sử giúp dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển, tự giải phóng được dân tộc mình trước sự xâm lược, thống trị, chiếm đóng Hán – Hoa và sự bố trí lưu dân Hán – Hoa định cư xen kẽ, kìm kẹp. Lê Văn Hưu từng nói: “có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương” (4). Núi Ngũ Lĩnh đã hiểm yếu, mà cả núi rừng Việt Bắc hình cánh quạt cũng hiểm yếu không kém. Trường Sơn dọc Ái Châu, Cửu Chân, Nhật Nam (Bắc Trung bộ) còn là nơi có thể dùng làm căn cứ kháng chiến trường kì. Sử gia Ngô Sĩ Liên cũng đã viết về yếu tố địa lí, nhưng nhấn mạnh đến Ngũ Lĩnh, lúc lãnh thổ nước ta đã bị bọn thực dân phong kiến Trung Hoa Tây Hán chia cắt: “Ngũ Lĩnh đối với nước Việt ta là ải hiểm cửa ngõ của nước cũng như Hổ Lao của nước Trịnh, Hạ Dương của nước Quắc. Làm vua nước Việt tất phải đặt quân chỗ hiểm để giữ nước, không thể để cho mất được. Họ Triệu [Đà – ct.] một khi đã không giữ được đất hiểm ấy thì mất dòng tuyệt, bờ cõi bị chia cắt, nước Việt ta bị phân ra cái thế Nam – Bắc vậy. Sau này các bậc đế vương nổi dậy, chỗ đất hiểm đã mất rồi, khôi phục lại tất nhiên là khó. Cho nên Trưng nữ vương tuy đánh lấy được đất Lĩnh Nam, nhưng không giữ được nơi hiểm yếu ở Ngũ Lĩnh, rốt cuộc đến bại vong…”. Thật ra, như đã nói, mặc dù Ngũ Lĩnh đã vĩnh viễn thuộc về Trung Hoa, nhưng dãy núi hình cách quạt Việt Bắc và Trường Sơn cũng hiểm yếu không kém. Lịch sử về sau với các trận chiến thắng hiển hách đã chứng tỏ điều đó.

Các yếu tố văn hoá – lịch sử truyền thống cộng với yếu tố địa lí tự nhiên đã trở thành sức mạnh của dân tộc Việt.

 

II. Năng lực Việt hoá của dân tộc Việt Nam:

 

1. Tôi vẫn ngờ rằng, số lượng lưu dân Hán – Hoa được bọn phong kiến Hán tộc đưa sang nước ta phần lớn không phải định cư tại Giao Châu ([Giao Chỉ], Bắc bộ) và càng không phải tại Ái Châu, Cửu Chân, Nhật Nam (Bắc Trung bộ) mà chủ yếu là ở các vùng Quảng Châu (Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay). Trừ đi đa số người Hán – Hoa ở Quảng Châu ấy, số còn lại không nhiều, chắc hẳn phần nhiều ở tại Bắc bộ, vì đất đai Bắc bộ màu mỡ hơn (5). Điều này, chính GS. Nguyễn Tài Cẩn cũng chứng minh như vậy, thông qua ngữ âm học (tiếng và giọng Nghệ – Tĩnh – Bình – Trị – Thiên còn giữ nhiều từ cổ, âm cổ hơn ở Bắc bộ) (6).

Mặc dù vậy, người Việt chúng ta vẫn phải đương đầu với số lượng lính viễn chinh và lưu dân Hán – Hoa không ít. Đào Duy Anh viết: “Hiện nay rất nhiều làng ở Bắc bộ và Thanh Nghệ còn tương truyền là do Cao Biền sáng lập, tức là do tướng sĩ của Cao Biền khai canh lập ấp” (7). Theo Đại Nam nhất thống chí, riêng tỉnh Thanh Hoá đã từng có đến 300 đền thờ Cao Vương như vậy (8)! Đó là chỉ riêng thời Cao Biền (đời mạt Đường), chưa kể thời Triệu Đà xâm chiếm, thời Mã Viện (đời Hán), thời Vương Mãng chiếm ngôi nhà Hán, thời khởi nghĩa Hoàng Sào (cũng thuộc đời mạt Đường)…

Dẫu sao, một điều chắc chắn là số lượng Hán – Hoa thực dân ấy không ở tỉ lệ áp đảo so với cư dân Việt bản địa, nếu không muốn nói là rất chênh lệch. Người Việt đông hơn. Mặt khác, số người Hán – Hoa ít dần đi, vì bị người bản xứ tẩy chay một cách thầm lặng, do bản năng tự vệ, tự tồn dân tộc (cụ thể là bằng phong tục ăn trầu nhuộm răng, tín ngưỡng vật tổ, tổ tiên, anh hùng dân tộc Việt, để phân biệt ai Tàu ai Việt).

Với số lượng đông hơn, với bề dày, chiều sâu văn hoá truyền thống bản xứ, hun đúc qua cả hàng ngàn năm trước đó, nhất là trong thời Hùng vương, người Việt đã Việt hoá người Hán, thay vì bị Hán hoá như mục tiêu của bọn phong kiến Trung Hoa đặt ra. Điều đó có thể điều tra thực tế trong các làng thôn, thành phố Việt Nam ngày nay: trừ một vài điểm ở thành phố lớn, ngoài ra, rất ít có bóng dáng người Hoa.

Đó là về mặt huyết thống.

 

2. Về văn hoá, đã có rất nhiều công trình bàn sâu về vấn đề này. Nhìn chung, Nho giáo và Lão giáo, khi được truyền bá sang Việt Nam, theo quy luật chung là sẽ bị “khúc xạ” (như thể một luồng ánh sáng khi chiếu vào một thùng nước, chính môi trường nước sẽ bẻ gãy luồng ánh sáng ấy). Độ “khúc xạ” ấy càng mạnh, càng rõ nét đối với dân tộc Việt. Không tẩy chay tuyệt đối về văn hoá ngoại nhập, lại biết tiếp thu những cái hay, cái đẹp của văn hoá Hán – Hoa để bồi đắp vào nền văn hoá Việt theo cách của người Việt. Đặc biệt, Bà La Môn và nhất là Phật giáo đã đến Việt Nam trước cả Trung Hoa. Chính người Việt lại chọn Phật giáo như một quốc giáo để chống lại, điều hoà bớt Nho giáo và Lão giáo Hán – Hoa. Không những GS. Trần Văn Giàu (9) mà cả GS. Nguyễn Đăng Thục (10) cũng nghiên cứu về “Phật giáo như một quốc giáo” thời Hoa thuộc và thời Lý – Trần về sau.

Đó cũng chính là nhờ ý thức, năng lực Việt hoá của người Việt Nam chúng ta, mặc dù không phải không có chỗ khiến người ta nghi ngờ văn hoá Việt Nam trong đời sống, trong sách vở, chỉ là bản sao chụp nguyên xi văn hoá Ấn Độ và văn hoá Hán – Hoa! Sự thể ấy phải chăng là cơ sở xuất hiện danh ngữ “bán đảo Ấn Độ – Trung Hoa (Indochine)”? Phải chăng đó là hạn chế của cộng đồng dân tộc Việt Nam chúng ta? Hạn chế ấy ở mức độ nào? Phải chăng người châu Âu thuở mới tiếp xúc cũng không tinh tường lắm, như thể đã gọi người bản địa châu Mỹ là “Indian” (người Ấn Độ)? Dẫu không đến mức trầm trọng đến nỗi không tạo dựng được bản sắc văn hoá Việt Nam đa dạng mà nhất thống, độc đáo, không thể lẫn lộn, để có thể đóng góp cho sự phong phú của nhân loại, ta cũng không thể không khắc phục hạn chế.

 

III. Tàn dư, di căn còn sót lại suốt “một nghìn năm nô lệ giặc Tàu”:

 

Dẫu sao, sự thể dân tộc ta bị nô dịch về văn hoá, khiến văn hoá dân tộc bị kìm hãm, thui chột, kể cả chữ Việt thời Hùng vương, chữ Nôm sau này bị lép vế, là sự thật. Một phần sự thật khác là người Việt chúng ta khá sùng Tàu (cũng như sau này sùng Tây) và cũng có một số người, đôi khi lại tỏ ra tự ti dân tộc hoặc vọng ngoại. Thêm vào đó, điều này có thể giải thích bằng phân số huyết thống “vô tổ quốc” của số lưu dân Hán – Hoa chăng: một khi họ đã là người Việt gốc Hoa lâu đời, nhưng cũng không hoàn toàn là người Việt thuần tuý, bản thân họ lại không muốn xoá bỏ nguồn gốc Hán – Hoa của mình, thành ra họ sẽ dễ dàng rơi vào bi kịch, trong những cuộc chiến tranh Việt – Hoa (và cả Việt – Pháp, Việt – Mỹ sau này). Thiết tưởng đó là lẽ tất nhiên (tuy cũng có ngoại lệ). Mặt khác, tự trong vô thức người Việt thuần tuý, tàn dư, di căn văn hoá nô lệ vẫn còn sót lại, vướng vất đâu đó một cách khó nắm bắt.

Phải dũng cảm tự phản tỉnh để nhận thấy di căn, di chứng đó. Như đã trình bày, di căn, di chứng ấy tồn tại đồng thời, xen kẽ với ý thức tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam chúng ta.

Chính nhờ những trận thắng hào hùng, hiển hách trong suốt nghìn năm Hoa thuộc ấy, nhất là những chiến công lừng lẫy thế giới vào thời Lý, Trần và Hậu Lê, Tây Sơn… đã khiến di căn, di chứng nô lệ ấy bị triệt tiêu, nhưng rõ ràng là chưa “khỏi bệnh” hẳn.

Cũng đã trình bày, thử làm một sự so sánh với các dân tộc, các vương quốc (như Khiết Đan, Sa Đà, Nữ Chân, Tiên Ti; Liêu, Kim, Mông Cổ, Mãn Châu, Tây Tạng), ngay cả số Việt tộc (thuộc Bách Việt đồng bào) ở Quảng Đông, Quảng Tây, ta thấy ra một điều phi thường của dân tộc Việt Nam chúng ta. Ta vẫn tồn tại vĩnh viễn, liên tục chiến thắng Hán – Hoa về sau, trong khi đó các dân tộc, các nước kể trên đã tiêu vong ngay trong vòng vây của bạo lực chính quyền Hán – Hoa và văn hoá Hán – Hoa.

Do đó, để giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, bản lĩnh dân tộc và ý chí độc lập, tự do, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, không gì bằng văn hoá (bao gồm giáo dục, khoa học, văn học nghệ thuật). Và chỉ văn hoá tinh thần không chưa đủ, mà phải chính bằng văn hoá vật chất, văn hoá kinh tế: giàu, mạnh, văn minh – giàu, mạnh, văn minh bằng cách hiện đại hoá, công nghiệp hoá tất cả mọi lĩnh vực – mới có thể khỏi bệnh mặc cảm nhược tiểu.

 

TP.HCM., khởi viết lúc 12 giờ 55 phút,

viết xong lúc 20 giờ 31 phút,

ngày 25. 07. 2004 (09. 06 Giáp thân HB4).

TRẦN XUÂN AN

 

 

Cước chú của bài Vài nét tổng luận…:

 

(1) Xem: Nhiều tác giả (GS. Trương Hữu Quýnh, GS. Đinh Xuân Lâm, PGS. Lê Mậu Hãn chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, toàn tập, Nxb. Giáo Dục, 2001, tr. 13: cước chú của PGS. Nguyễn Cảnh Minh: “Về hình thái kích thước răng người vượn Thẩm Khuyên và Thẩm Hai giống với răng người vượn Bắc Kinh, tuy cùng một loài Homo Erectus, song không phải là con cháu trực tiếp của nhau mà là hai phụ loài địa lí (Sorusespèce géographique) (Nguyễn Khắc Sử). Có ý kiến cho rằng người vượn Thẩm Khuyên, Thẩm Hai cách ngày nay trên dưới 250.000 năm (Nguyễn Lân Cường, Tạp chí Khảo cổ học, số 3 – 1998, tr. 17)”. TXA. in đậm (iđ.).

 

(2) Xem Đại cương Lịch sử Việt Nam, sđd., tr. 14 – 16, 24 – 26, 28 – 29, 34 – 35, 38 – 42: Có thể kể thêm những di chỉ các nhân tộc về sau thuộc cộng đồng dân tộc Việt Nam ở Đàng Trong: di chỉ tiền Sa Huỳnh; di chỉ Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai; di chỉ An Lộc, tỉnh Bình Phước; di chỉ Óc Eo, tỉnh An Giang…

 

(3) Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, 6 tập, Nxb. TP. HCM. tái bản, 1992. Trong tập 1, sđd., Nguyễn Đăng Thục chứng minh rằng, các hình thức tín ngưỡng cổ truyền đặc sắc nhất, thuần Việt nhất của dân tộc ta là tín ngưỡng Trống Đồng, tín ngưỡng Mộ cổ – Thiên động, tín ngưỡng Đạo Nội…

 

(*) Cho đến nay, theo các tư liệu, hiện có 54 nhân tộc thuộc cộng đồng dân tộc Việt Nam, gồm 08 nhóm ngôn ngữ với nhiều màu sắc văn hoá (trong đó, tiếng Việt vẫn là tiếng phổ thông, văn hoá nhân tộc Việt [Kinh] vẫn là văn hoá chủ đạo, theo quy luật khách quan về xã hội như bất kì cộng đồng dân tộc nào trên thế giới (+).

++ Nhóm Việt – Mường có 04 nhân tộc: Việt (Kinh), Chứt, Mường, Thổ (không phải người Tày, Thái, Khơ-me Nam bộ vốn cũng có tên là Thổ).

++ Nhóm Tày – Thái có 08 nhân tộc: Bố Y, Giáy, Lào, Lự, Nùng, Sán Chay, Tày, Thái.

++ Nhóm Môn – Khơ-me có 21 nhân tộc: Ba-na, Brâu, Bru – Vân Kiều (hoặc chỉ gọi tắt là Bru), Chơ Ro, Co, Cơ-ho, Cơ-tu, Gié-triêng, Hrê, Kháng, Khơ-me, Khơ-mú, Mạ, Mảng, M’Nông, Ơ-du, Rơ-măm, Tà Ôi, Xinh-mum, Xơ-đăng, Xtiêng.

++ Nhóm Mông – Dao có 03 nhân tộc: Dao, Mông, Pà Thẻn.

++ Nhóm Ka-đai (Kadai) có 04 nhân tộc: Cờ-lao, La-chí, La-ha, Pu-péo.

++ Nhóm Nam Đảo có 05 nhân tộc: Chăm, Chu-ru, Ê-đê, Gia Lai, Ra-glai.

++ Nhóm Hán có 03 nhân tộc: Hoa, Ngái, Sán-dìu.

++ Nhóm Tạng có 06 nhân tộc: Cống, Hà Nhì, La Hủ, Lô-lô, Phù La, Si-la.

Ngoài ra, còn có một trong những chi nhân tộc thuộc nhân tộc Chứt mới được phát hiện ở Quảng Bình vào khoảng đầu những năm 1970: chi nhân tộc Rục (chỉ còn khoảng bốn chục [40] nhân khẩu), tất nhiên thuộc nhánh ngôn ngữ Việt – Chứt (nhóm Việt – Mường).

 

(+) Trong 08 nhóm ngôn ngữ trên, tỉ lệ tộc người Việt (Kinh) là 86,2% (65.795.718), các tộc người thiểu số là 13,8% (10.527.455). Trong các tộc người thiểu số đó, tỉ lệ người Hán – Hoa là chưa đến 0,82% với số lượng nhân khẩu là 862.371. (Số liệu năm 1999).

(Tổng hợp từ nhiều tư liệu dân tộc học, ngôn ngữ học và các tạp chí Văn hoá – dân tộc, Xưa & Nay, phụ san Văn nghệ Dân tộc và miền núi…, chủ yếu từ tư liệu: GS. Đặng Nghiêm Vạn, Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia TP. HCM., 2003, tr. 213 – 337 (trong đó, có “Bảng các tộc người ở Việt Nam” với các loại tên gọi từng nhân tộc: tên chính thức, tên thường gọi…)).

 

(4) Đại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), bản in nội các quan bản (1697), bản dịch (3 tập), tập 1, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003, tr. 215 (NK. [ngoại kỉ], q. III, tờ 3a), tr. 211 (NK., q. II, tờ 18a). Xin xem thêm phụ lục thơ phía sau.

 

(5) Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 2, sđd., tr. 53: dẫn Lã Sĩ Bằng, Bắc thuộc thời kì đích Việt Nam, Đông Nam Á nghiên cứu chuyên san, tập 3, tr. 47 – 50.

 

(6) Nguyễn Tài Cẩn (GS.), Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), Nxb. Giáo Dục, 1995, tr. 278, 325, 328, 330 – 331.

 

(7) Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2002, tr. 152.

 

(8) Xin nhấn mạnh lại chú thích này:

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, bản dịch, Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr. 289: có đến ba trăm (300) đền thờ về y ở các địa phương trong tỉnh Thanh Hoá, chưa kể ở các tỉnh khác như Nghệ An, Hải Dương v. v… với sự tôn xưng là Cao vương [sic!]. Xem thêm: sđd., tập 3, tr. 425 (sự tích Cao Vương). Chắc hẳn sự tôn thờ phi lí này là do “ma thuật” lừa bịp của Cao Biền và do mệnh lệnh của nhà Đường, một phần khác là do tướng tá trong đội quân viễn chinh của y lưu trú, trực tiếp phỉnh gạt và cưỡng bức nhân dân ta. Vả lại, dẫu không đặt chân đến để chăm lo hương khói, nhân dân cũng không dám đập phá vì tâm lí mê tín, sợ “thần” ngại quỷ. Xin trích một vài đoạn nguyên văn từ sđd., tập 3, tr. 425 [TXA. iđ. & chua thêm (ct.)]:

“[…] Vương người tỉnh Bảo Sơn, thuộc quận Quảng Nam ở Trung Quốc, họ Cao tên Hiển […]. … khi chết được [vua Tống – ct.] tặng [hàm tước – ct.] đại vương, khiến [:ra lệnh cho – ct.] các chư hầu đều lập đền thờ. […] Nay xét triều Tống không có chức đại thừa tướng, mà danh thần liệt truyện trong sử cũng không có người nào họ Cao tên Hiển. Vả Khánh Lịch là niên hiệu Tống – Nhân Tông, ngang với đời Lý Thái Tông nước ta. Nếu Cao vương có công với nhà Tống thì [nhà Tống – ct.] thờ là đáng, cớ gì mệnh lệnh lập miếu lại sang cả nước ta? Duy Cao Biền nhà Đường phong làm Bột Hải quận vương, từng làm tiết độ sứ ở nước ta, hoặc giả trước kia tướng tá [của y – ct.] có lập đền, rồi dân sở tại nhân đấy mà thờ, bèn [lưu – ct.] truyền sai đi mà thôi. Nhưng việc này vẫn chưa khảo cứu được, vậy chép ra đây, để chờ đính chính”.

 

(9) Trần Văn Giàu (GS.), Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam: chủ nghĩa yêu nước, Nxb. Tổng hợp Hậu Giang, Nxb Văn Nghệ TP. HCM., 1983, tr. 39 – 58 và tr. 60 – 72.

 

(10) Nguyễn Đăng Thục, sđd., tập 2 & tập 3…

 

TXA.

 

 

(  xem tiếp bài 15

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

               Cập nhật: 07/01/09

               (tháng / ngày / năm)

  

Google page creator  /  host