b. Trần Xuân An - Có một nơi lá mãi xanh - Tệp 2

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

 

 

TRẦN XUÂN AN

có một nơi lá mãi xanh

 

CHƯƠNG HAI

 

 

 

1

 

 

            Chủ nhật, thành phố với những con đường như mắc cửi cơ hồ không còn giờ cao điểm, thời khắc dễ ùn tắc giao thông. Cơ hồ nhiều người dậy muộn hơn một chút vào ngày cuối tuần này.

            Vẫn tám giờ sáng, Niên dừng xe gắn máy ở góc đường, ngã ba rẽ vào hẻm lớn, con hẻm đã trở nên thân thương với anh. Niên phân vân, không biết có nên vào Lá Xanh, hay kiếm một người bạn văn nghệ nào đó nhâm nhi cà phê, tán gẫu chuyện đời. Dạo này, anh thấy tất cả mọi người bạn thơ văn của anh đều nhạt! Chỉ có mỗi một Cúc Tần, chỉ cô ấy mới thu hút hết tâm trí anh, cho anh biết bao cảm xúc, hưng phấn tràn trề và trầm cảm nghẹn ngào. Cũng lạ lùng sao, chỉ Cúc Tần thôi, chỉ cô ấy mới thanh lọc giúp được trong anh những gì bụi bặm, ồn ã. Có điều anh cũng âu lo, rồi biết đâu sẽ nhàm nhạt với Thiên Đường ấy. Niên càng âu lo hơn, rồi biết đâu Thiên Đường ấy sẽ hững hờ, lạnh lẽo khi gặp mặt anh!

            Lúc này, Niên dừng bánh đã mấy phút rồi, cũng chưa quyết định gì cả. Đi thẳng hay rẽ vào? Âu lo về phía mình, chỉ là nói cho ra lẽ, cho tận cùng đó thôi. Không. Cúc Tần là một Thiên Đường đã tìm thấy và chẳng bao giờ Niên có thể khát vọng một tâm hồn nào nữa. Anh vẫn đinh ninh với trái tim mình điều đó, bởi ở tuổi bốn hai anh đâu còn ngây ngô. Âu lo trĩu nặng là về phía Cúc Tần. Cô giáo xinh đẹp, dịu ngọt ấy rồi sẽ vỡ dần, mòn dần những cảm tình về anh? Liệu ở tuổi ba mươi hai, Cúc Tần có còn ảo tưởng về một người đàn ông? về một nhà văn đang hồng hộc, bấm chân xuống gai góc, sỏi đá để leo dốc, dốc cao dựng đứng ngất trời, đầy đe dọa sẽ vô vọng, tuyệt vọng?

            Anh phân vân, âu lo cho sự lui tới quá thường xuyên, quá dày của anh. Chẳng lẽ bỗng dưng anh đã đánh mất hết mọi kinh nghiệm sống ở tuổi bốn hai? Nóng lòng gặp gỡ, tiếc nuối chia tay giã từ, khát khao được bên nhau không rời, nhưng có lẽ tình cảm của Cúc Tần chưa đủ chín, nên việc anh cứ đến ngày cách ngày với Lá Xanh sẽ khiến tình cảm ấy bị chín ép, hoặc xanh sượng mãi mãi. Liệu có ai bảo mình thừa kinh nghiệm với tình yêu?

            Niên định lên ga xe, lao vút tới thẳng, nhưng rồi chẳng cưỡng được lòng mình, anh rẽ vào con hẻm của Lá Xanh.

 

 

2

 

 

            Tình yêu là cả một quá trình thao thức, khám phá, sáng tạo, Niên chợt nghĩ thế. Và thoáng buồn, vì không phải Cúc Tần, với nụ cười rất sáng, với đôi mắt như cũng cười, đón tiếp anh. Hòa Bình, mặc bộ áo quần bà ba, tay áo ngắn ngang khuỷu, cổ áo tròn, may bằng loại vải gì vừa bóng vừa mềm mại, dịu mát, màu hồng tươi, cười thật niềm nở chào anh.

            Quán vẫn chỉ khoảng vài người khách như mọi buổi sáng.

            Hồi nãy, trước khi dắt xe ra khỏi nhà, lúc phân vân ở ngã rẽ, Niên suy nghĩ, chút suy nghĩ chả có gì phức tạp, nhưng bị cộng với cảm xúc âu lo, ngượng ngập, hóa ra quá căng thẳng. Bây giờ, biết Cúc Tần mới đi chợ về, đang ở dưới bếp, anh thở phào, khe khẽ kìm lại nửa chừng tiếng thở.

            Niên ngồi một mình với ý định để đầu óc thật trống rỗng. Được vài phút, anh lắng tai nghe nhạc. Niên cố gắng xua hết khỏi trái tim anh bao nỗi phân vân, âu lo. Cũng chả cố gắng gì, cứ buông thả mình trôi đằm theo nhạc. Thư giãn, thư giãn đi nào... - Niên tự nhủ vậy.

            Hòa Bình tính tiền cho khách, pha chế, bưng ra bàn cho những người mới đến các loại thức uống họ yêu cầu. Cô vừa pha trà đen cho Niên, vừa nhìn ngoái vào cửa sổ:

            - Cảo Thơm! Bác Niên đến kìa cưng!

            Cảo Thơm đang loay hoay với các đồ chơi lắp ghép xây dựng, đứng vụt dậy, chạy ra với Niên.

            - Cảo Thơm uống gì, bác Niên mời.

            Cảo Thơm đáp nhanh:

            - Nước ngọt! Nước ngọt nghen bác - nó nhìn Niên.

            Niên vuốt tóc nó, bước vào quầy. Mặc Hòa Bình phản đối vì sợ hư con, Niên vẫn yêu cầu cô cho nước đá vào li, anh tự khui một chai cô ca, rồi mang ra bàn.

            - Cảo Thơm sáng nay đang làm gì đó? - Niên rót nước ngọt đầy li cho chú nhỏ.

            - Cảo Thơm xây nhà cho cô Cúc Tần với chú Điệp, nhưng cổ không chịu. Thì cứ xây để vậy! - Cảo Thơm hồn nhiên.

            Niên nghe đắng trong cuống họng.

Hòa Bình bước tới, ngồi một bên con trai:

            - Sáng chủ nhật, anh Niên không đi đâu sao?

            Niên nhìn gương mặt trắng hồng của người đàn bà có quê gốc của bên ngoại ở tít tận một bản mường nào đó ngoài Bắc. Một gương mặt dễ nhìn, với nhiều nét trẻ thơ khó mất: môi hồng, mắt đen hồn hậu, tóc mây huyền mượt. Niên cười:

            - Chẳng biết đi đâu. May có Lá Xanh của cô giáo Hòa Bình, và Cúc Tần...

            Aằnh nắng đâu đó trên tán lá khế xanh thẫm nhảy múa, lấp lóa trên mặt bàn.

            - Có cuốn phim hay lắm, anh Niên xoay ghế lại xem nhé! - cô nhớm chân định đến quầy mở máy băng hình.

            Niên chưa kịp cản Hoà Bình, Cảo Thơm nói ngay:

            - Phim hai phe đánh nhau. Aằc liệt lắm, tội nghiệp lắm. Bác Niên coi đi. Bác đừng khóc à nghen!

            Niên cười, lắc đầu, nói như gọi:

            - Thôi, Hòa Bình để đó, hôm sau...

            Hòa Bình cười, khi quay về bàn:

            - Phim hay thật đấy. Anh Bảo mua hẳn cuốn băng. Lẽ ra nhóc này đừng coi... Phim chiến tranh nhưng rất nhân bản. Cảm động lắm.

            Cảo Thơm nhanh nhẩu:

            - Cuối cùng phe ông ngoại thắng phe ông nội mẹ hén? Sao ông ngoại thắng mà khóc hả mẹ?

            Hòa Bình cười, nhìn Cảo Thơm:

            - Con buồn cười thật! Mẹ đùa đấy mà. Ông ngoại có đi bộ đội bao giờ đâu. Ông ngoại suốt đời dạy học mà.

            Cảo Thơm ngước mắt nhìn mẹ:

- Sao hôm coi phim với ba, mẹ nói?

- Thì đã bảo là đùa! - Hòa Bình nhìn Niên - Chuyện phim như thế thật. Một thiếu tá cách mạng, vốn dân miền Nam tập kết, tấn công một tiểu khu của lính Sài Gòn, bắn chết một thiếu tá ngụy, hóa ra là ông sui, bố vợ của con trai mình, thời điểm sắp thống nhất, năm bảy lăm. Ngày sum họp vừa mừng vừa khóc... Phim Việt Nam mình bây giờ sâu lắm, thật, và quá nhân bản.

            Niên bất giác cũng cay cay sóng mũi. Anh vẫn hài:

            - Đả đảo chiến tranh, bảo trọng hòa bình!

            - Ba Bảo quý trọng mẹ hở bác? Đúng rồi! - Cảo Thơm nhảy tưng - Ba Bảo quý trọng mẹ!

            Niên và Hòa Bình cười thật vui. Niên nói:

            - Đừng có ai sẽ là ngụy nữa, trăm nghìn năm sau. Một đại gia đình dân tộc chia làm hai phe, đau lắm.

            - Anh Bảo cũng nói vậy! - Hòa Bình gật đầu.

            Cúc Tần bước ra, cười chào Niên, nựng má Cảo Thơm. Cô ngồi xuống ghế.

            Trong đầu Niên thoáng nghĩ, nếu ông nội Cảo Thơm là lính ngụy, sao cô của Cúc Tần là công an cách mạng được! Chẳng lẽ hai ông bà, một cách mạng, một ngụy? Nhưng Niên tự xua ngay ý nghĩ ấy, quan tâm điều đó làm gì! Cô ruột, cô họ, nhiều quan hệ bà con chứ đâu phải một. Anh mỉm cười, cố nén niềm vui trào dâng trong ngực khi nhìn thấy Cúc Tần. Aằnh mắt của Cúc Tần khiến anh nghe ran trong tim. Niên rất sợ khả năng trực cảm của Hòa Bình, anh cố giữ vẻ tự nhiên, không còn thân mật với Cúc Tần như khi hai người ngồi riêng với nhau. Anh tin Cúc Tần thừa thông minh để khỏi giận anh, ngỡ anh đã nhạt, rồi sẽ hành anh như hôm nọ hay hơn thế nữa cho bõ ghét! Chắc chắn Hòa Bình chưa thể đọc thấy tình cảm giữa Cúc Tần và anh, chút tình cảm ngay cả anh lẫn Cúc Tần cũng chưa định rõ mức nào ở nhau - Niên hi vọng vậy.

 

 

3

 

 

            Lúc hai người đã được riêng với nhau, Niên nhìn Cúc Tần, nhìn sâu vào mắt cô, muốn nói một điều gì đó. Chạm ánh mắt anh, Cúc Tần cúi xuống, có lẽ một phần do cô ngại Hòa Bình từ trong quầy nhìn ra sẽ bắt được những gì trong mắt cô. Niên đang ngồi quay lưng lại, nên yên tâm nói bằng mắt.

            Bỗng một chiếc xe dừng lại, tắt máy ngay ở cổng quán. Niên thấy Điệp bước vào. Niên cố giữ vẻ niềm nở tự nhiên, đưa tay phải lên chào với một nụ cười. Cúc Tần quay mặt nhìn ra, hơi bối rối.

            - A! Bác Điệp, bác Điệp tới kìa, cô Cúc Tần ơi! - Cảo Thơm hét toáng lên.

            Điệp khoảng ba mươi lăm tuổi, ăn mặc khá tươm tất, hiện là bác sĩ của một bệnh viện trong thành phố này. Anh hơi sựng khi thấy Niên đang chuyện trò với Cúc Tần, nhưng đã lỡ rồi, đành gượng mỉm cười chào hai người. Điệp hỏi Cảo Thơm: ''Mẹ đâu rồi?'' và cùng chú nhỏ xuống bếp chào Hòa Bình. Quan hệ giữa Điệp và Cúc Tần đã dứt khoát từ năm kia, sau lần từ hôn của Cúc Tần. Bẵng đi hai năm anh không lui tới, nhưng rồi sau đó vẫn đến thăm Lá Xanh. Lúc này, anh lúng túng. Chẳng lẽ để Hòa Bình tiếp anh dưới bếp, lúc cô đang bận tay? Chẳng lẽ xen vào câu chuyện giữa Cúc Tần và Niên?

Ở bàn cà phê, Niên cũng đọc thấy vẻ lúng túng của Cúc Tần, anh nói, và đưa mắt dò hỏi:

            - Em xuống mời Điệp lên đây uống nước với chúng mình - Niên nhìn đồng hồ - Cũng đã chín giờ rưỡi rồi, anh lát nữa phải về.

            Cúc Tần phân vân, muốn khẳng định giữa cô và Điệp thật đã không còn gì, dứt khoát hẳn rồi, nhưng thấy khẳng định vậy để làm rõ quan hệ giữa cô với Niên... không phải là không được, cũng không thể. Cúc Tần xuống căn bếp, mời Điệp lên uống nước. Điệp không còn cách nào chối từ, đành dắt tay Cảo Thơm lên.

            Niên mỉm cười bắt tay Điệp:

            - Anh Điệp vẫn công tác ở bệnh viện? Có mở thêm phòng mạch riêng chứ anh?

            - Chúng tôi giờ ai cũng vậy - Điệp gượng cười - Tranh thủ thêm, ngoài giờ ở bệnh viện... - Điệp tìm trong xách tay một hộp danh thiếp đã vơi nửa, đưa một tấm cho Niên. Niên cảm ơn, nhưng chẳng biết trao lại gì cho Điệp. Niên nói:

            - Hôm nào anh Điệp có dịp đến nhà tôi chơi, tôi sẽ tặng anh một vài cuốn truyện, tôi mới xuất bản mấy năm gần đây - Niên đề nghị Điệp đưa cho anh một tấm danh thiếp của Điệp nữa, để anh ghi địa chỉ và số điện thoại của anh vào mặt trắng phía sau, rồi trao lại Điệp.

            - Vâng, xin cảm ơn anh trước. Tôi không ngờ anh là nhà văn Phan Cát Niên. Tôi đã có đọc truyện của anh. Hồi nãy, cũng có nghe Hòa Bình giới thiệu... Làm nhà văn sướng thật đấy, tha hồ cưỡi mây lướt gió, tình cảm dạt dào như sóng biển, được khối người yêu mến - Điệp cố gắng giữ giọng nói đừng sa vào ngữ điệu châm chọc, và anh chừng như thoáng buồn vì thấy mình không phải không có chút khó chịu, chua cay.

            - Người ta hay định kiến như thế. Tâm hồn người cũng có bệnh, anh à. Y lo phần xác, văn lo phần hồn. Có điều... Cũng như bác sĩ, như nông dân, nhà văn vừa chữa bệnh, vừa nuôi sống con người, nhưng trái tim nhà văn cũng bệnh, cũng đói khát... - Niên ngừng lại, chợt thấy mình vừa cao ngạo, vừa đạo đức giả, vừa chân thành.

            Khi Cúc Tần bưng nước ra, Niên tỏ ý muốn ra về. Một cảm giác ân hận lẫn với chua chát thoảng qua trong tâm hồn Niên.

            - Anh Niên và anh Điệp dùng nước. Cảo Thơm qua đây với cô - Cúc Tần chìa tay kéo Cảo Thơm về phía mình. Có lẽ cô muốn nhờ Cảo Thơm để che giấu chút bối rối. Lần đầu tiên rơi vào tình huống này, Cúc Tần đối phó trong ứng xử một cách máy móc. Nụ cười sáng trên gương mặt cô biến mất. Đã có gì đâu, có vấn đề gì đâu, sao cô ngường ngượng.

            Niên đọc thấy ở Cúc Tần tâm trạng đó. Điệp cũng vậy. Cả ba người, mỗi người một cách, đều thấy chính mình mới chẳng có lí do nào để ngồi đây. Cúc Tần chẳng công khai trả nhẫn hứa hôn cho Điệp cách đây ba năm rồi đó sao. Chưa bao giờ Điệp chua cay về điều đó như lúc này. Gương mặt lấm tấm dăm vết mụn của Điệp cơ hồ tím lại vì niềm chua cay ấy. Cúc Tần hơi tái mặt vì lúc này cô hiểu cả Niên và cả cô đều bị tình yêu dẫn dụ vào cái bẫy ngoại tình vừa ngọt ngào vừa tủi thẹn. Không. Đã là ngoại tình đâu. Nhưng sao tự mù được trước cảm xúc không cưỡng được của lòng mình. Đôi mắt bên trong tâm hồn cô thấy hết, nhìn rõ hết một tình cảm rất thật của chính cô. Với Điệp, cô không còn gì, còn với Niên, đã gần như Niên là tất cả. Niên cũng cảm thấy quả là Điệp với Cúc Tần rất xứng đôi.  Còn Niên, anh có quyền gì để yêu cô giáo xinh đẹp, dịu dàng, trong sáng đến lạ lùng này. Anh nghèo, danh vị nhà văn thật mơ hồ, anh lớn tuổi, và điều quan trọng nhất là anh đã có vợ con! Làm sao anh có thể mang đến hạnh phúc cho Cúc Tần, người anh yêu quý như chưa từng yêu quý ai đến thế. Anh có cảm tưởng Thiên Đường có tên gọi là Cúc Tần sẽ bị anh hủy hoại bằng chính lòng yêu dấu, ngưỡng vọng cao độ nhất của anh. Thiên Đường chỉ để nuôi lòng khát vọng, không bao giờ anh được quyền chạm đôi tay của anh vào đó! Có phải Niên chỉ được ''hồn bướm mơ tiên'' (2)!

            Cả ba người đều khó xử theo cách thế của riêng từng người. Có lẽ, một anh, hoặc một Điệp, hoặc cả hai, đành phải rút lui - Niên nghĩ vậy.

            Và Niên đứng dậy chìa tay. Điệp, rồi Cúc Tần, cả hai lần lượt bắt tay anh.

            - Anh Niên không ngồi chơi đã? - Cúc Tần nói khẽ.

            - Thôi, trưa rồi, anh phải về. Tôi phải về, anh Điệp ạ. Hy vọng được gặp anh vào dịp khác. Vui mừng được chuyện trò với anh hôm nay - Niên nói.

            - Đã chuyện trò gì đâu! - Lúc này, Điệp bỗng có cảm tình với Niên.

            Niên cũng bắt tay Cảo Thơm, cười với chú nhóc, rồi ra gần căn bếp chào vọng vào Hòa Bình. Thật ra Hòa Bình không thể không biết tình huống oái oăm này. Cô chẳng hiểu vì sao, và cũng chẳng biết làm sao để gỡ giúp.

            Niên thấy trái tim mình cứng lại. Nỗi đau xót như cứa vào tim anh, buộc trái tim ấy phải hóa thép để tự bảo vệ.

            Theo quán tính, Niên mộng du ngồi lên xe máy và về nhà. Ở tuổi bốn mươi hai, qua quá nhiều cay đắng, lẽ nào anh đành rũ rượi bỏ bữa cơm trưa! Nhưng quả thật, ba chén cơm trôi vào miệng anh thật nhạt nhẽo. Nhìn gương mặt vợ bình thản đến vô tư, Niên cảm thấy anh thật đáng trách. Anh tự phạt mình bằng cách gắng nhai thêm một chén cơm đắng ngắt, vị đắng của nỗi đau xót và niềm ân hận. Bông Trang hiền lành, cùng anh bao năm chia ngọt sẻ bùi, lẽ nào anh trao trái tim anh cho người khác? Anh không có quyền yêu dấu người nữ nào ngoài Bông Trang nữa!

            Khi ngồi trông hàng cho vợ rửa dọn, nghỉ trưa, Niên nhìn ra đầu hẻm, mặt đường phố ngược xuôi xe cộ, anh lại nghĩ, anh chưa hề có một mảy may ý định phản trắc với người vợ thương mến. Có phải trái tim con người to rộng hơn, chẳng nhỏ hẹp như lâu nay vẫn tưởng? Có phải chẳng tình yêu nào giống tình yêu nào, dù khởi từ một trái tim? Và chẳng hiểu sao ở tuổi bốn mươi hai, anh lại có một tình yêu với Cúc Tần tinh khiết như thời mới lớn? Phải chăng chiếc đầu đang phân tích đồng thời đang biện minh cho trái tim? Anh không dám nhìn thẳng vào tâm thức anh sao? Con người với mỗi số phận phải chăng đã được định sẵn?

 

 

4

 

 

            Đã mấy hôm rồi, từ buổi sáng khó xử giữa Điệp, Niên và cô, Cúc Tần bị xáo động tâm tư. Có khi, nửa khuya cô thức giấc, trăn trở, rồi ngủ thiếp đi với giấc ngủ mệt mỏi trong không khí oi bức bởi hiện tượng En-nô (Elno) (3), thứ không khí nóng hực, quay và quẩn trong phòng do quạt máy. Có buổi chiều đến trường, giảng văn cho học sinh, cô bỗng bị phân trí, phải đứng nghẹn một chốc. Cúc Tần thấy thương gần như thương hại Điệp. Đã dứt khoát rồi, sao Điệp còn đeo đuổi làm chi? Nhưng Cúc Tần đâu phải lấy niềm đau của Điệp làm nỗi kiêu hãnh của cô! Cúc Tần cũng nào phải vô tâm. Cô hiểu Điệp bằng chính tình cảm hiện đang dằn vặt trái tim mình. Biết có những tình yêu vô vọng, chỉ làm tổn thương chính mình, và người mình yêu nữa, có thể như thế, song người ta vẫn cứ không cách nào buông bỏ. Tình yêu đương chỉ là một thứ bản năng đã được con người sáng tạo thêm cùng với nền văn minh, nhưng chẳng bao giờ được các máy móc tin học tối tân  nhất phân tích, dự trù, bởi không thể. Cúc Tần cũng hiểu chính cô đang rắc rối, đa đoan. Đã ba mươi hai tuổi rồi! Làn da trắng mịn đã bắt đầu có nếp nhăn mờ ở đuôi mắt, ở khóe cười. Cúc Tần cảm nhận sự vô tình của thời gian cùng với nỗi lẻ loi của cô.

            Ngồi thẫn thờ một mình nơi cô và Niên thường ngồi, mắt nhìn lơ đãng, xa xăm, Cúc Tần nghe mấy người khách trẻ đang hào hứng và thiết tha bàn về một cuốn phim đang được giải lớn, trở thành thời thượng trên báo chí, trong câu chuyện phiếm của nhiều lớp người.

            - Cũng như thời trang áo quần, hết ống loe đến ống thẳng, rồi trở lại ống túm, hết cộc lại phủ gót! - một người nói giọng Quảng Nam bàn luận.

            - Đúng, En-nõ hay No-ẽn gì đó làm trái đất nóng hầm hập, đến cuối tháng tư Sài Gòn vẫn chưa mưa. Chủ nghĩa lãng mạn thế kỉ mười chín phải quay trở lại làm mưa thay trời cho nhân gian bớt rộp da - một người khác, rõ là giọng Bình Định.

            - Thế kỉ mười sáu với Rô-mê-ô - Giyu-li-ét (4)! Thực ra lãng mạn là thuộc tính của con người, đã có trong ca dao nghìn xưa. Khi có tuyên ngôn, cương lĩnh, nó trở thành chủ nghĩa. Ti-ta-nic (5) có đoạn vẽ tranh khỏa thân và đoạn ra rít thít thà trên xe hơi thích quá, nhưng tao sợ em gái tao nó hỏng thì hết thuốc chữa - một giọng đâu dưới Tiền Giang - Phạm Thái với Trương Quỳnh Như cũng lãng mạn khiếp (6)!

            - Hỏng hay hổng hay không? - một giọng Nghệ An với tiếng cười.

            - Hư hỏng đôi khi đồng nghĩa với ''sống hết mình''! - một giọng Hà Nội - Nhưng im bớt, nhỏ bớt, hình như cô chủ quán đang nghe, mắc cỡ lắm.

            - Chị chủ quán xinh chứ nhỉ? Đang suy tư gì thế? - một giọng Thanh Hóa - Có thể ấy là một nửa của Sơ kính tân trang (6)!

            Cúc Tần nhìn xa, lơ đãng, và vờ nghiêm nét mặt, muốn chứng tỏ cô chẳng nghe gì cả. Cô nghĩ, nhóm khách này có lẽ là sinh viên. Tinh quái lắm, những kẻ chỉ chịu đứng sau quỷ và ma!

            Khi nhóm sinh viên ra về, Cúc Tần mỉm cười tiễn chân.

Bưng khay li tách ấm chén xuống chỗ gần căn bếp, nơi có một vuông sân lát gạch men, được xây gờ, để rửa với vòi nước máy bên trên, Cúc Tần nghe lòng mình nguội lạnh. Nước tuôn xuống thau nhôm. Cô muốn mình tỉnh lại. Cô chợt thấy cảm giác nghèn nghẹn của kẻ đạo đức giả đã biết giật mình. Cúc Tần tự hỏi, cô có xứng đáng là nhà giáo không nhỉ, giữa thời buổi mọi giá trị tinh thần đang được báo chí đánh động đã xuống cấp, ý thức tự phê phán của mỗi người hầu như kém đi. Tại sao báo chí mâu thuẫn thế? Có phải nghịch lí luôn diễn ra giữa ý thức và tình cảm? Không. Cô có quyền yêu đương chứ! Nhưng tại sao cô yêu Niên, một nhà  văn đã có vợ có con? Anh ấy lớn hơn cô mười tuổi, nhưng dẫu có lớn hơn cô ba mươi tuổi, cô vẫn có quyền yêu đương, nếu anh ấy cũng độc thân như cô. Cô ý thức rõ tình yêu của cô sẽ làm Bông Trang và bé gái Ca Dao đau buồn. Cô phải chịu trách nhiệm về nỗi đau buồn của họ. Đúng là vậy. Phải lẽ là vậy. Nỗi đau của Điệp? Cúc Tần cắn môi khi rửa li tách, đồ lọc cà phê, muỗng và bình trà. Không. Cô có quyền trả nhẫn hứa hôn. Hơi xót xa cho Điệp, nhưng cô có quyền suy nghĩ lại, đưa ra sự chọn lựa cuối cùng, trước lễ cưới. Điệp hãy tha thứ cho cô và mong Điệp quên cô đi, hơn nữa, có tàn nhẫn lắm không khi bảo Điệp hãy buông tha cô. Điệp đừng dìm cô vào nỗi ân hận nữa. Điệp hiểu giùm cho, có những điều phải cố quên đi cho nhẹ lòng. Cúc Tần lạnh lùng nghĩ, phải quên Niên, như Điệp phải quên cô. Nhưng tại sao lại lấy các chuẩn mực đạo đức, trong đó có ý thức trách nhiệm và ý thức không chịu trách nhiệm để thắt siết trái tim? Nhà giáo, nhà giáo là cái gì vậy mà khổ tâm đến thế? Hãy sống bừa đi, thây kệ cuộc đời! Trung thực trong lời giảng văn, với chân, với thiện, với mĩ làm gì  cho héo úa, tàn phai, cằn cỗi? ''Tấm gương sáng cho học sinh noi theo'' ư? Có thể nào người ta phải cắn răng từ bỏ một nửa của tâm hồn mình, thân xác mình đã mỏi mòn tìm, và tìm thấy! Không một Cúc Tần trên bục giảng thì đất nước này vẫn thế. Có hề chi một con-người-bé-nhỏ muốn chạm tay vào hạnh phúc của tình yêu đương. Có người còn dám từ bỏ cả ngai vàng hoàng đế vì tình yêu đương cơ mà!

            Quán lại vắng khách sáng nay. Cúc Tần lại chỗ cô và Niên thường ngồi. Cô chợt thấy rơi xuống vực sâu vô vọng khi nỗ lực leo lên đỉnh cao của hạnh phúc. Cô có quyền gì, không, cô không thể có thứ quyền độc ác là cướp đoạt hạnh phúc hay ít ra là sự ổn định gia đình của Bông Trang và bé Ca Dao! Cúc Tần lạnh lùng tự  dùng những từ ngữ nặng như chì để bắn vỡ niềm ước vọng của chính cô!

            Không! Tôi nào dám độc ác với ai! Tôi độc ác với chính tôi rồi đó! - Cúc Tần muốn bật khóc phân trần.

 

 

5

 

 

            Nhân hai ngày lễ lớn, cuối tháng tư, đầu tháng năm, Niên có những cuộc rượu vui với bạn bè. Anh cũng muốn quên, cố gắng quên Cúc Tần và quán Lá Xanh. Đôi ngày, Niên đã hoàn toàn tỉnh hẳn: Chuốc thêm một niềm đau để làm gì.

            Trong những lúc khuya vắng, nằm bên cạnh Bông Trang, Niên nhắm mắt vờ ngủ nhưng vẫn thao thức. Niên lạnh lùng lục vấn chính mình. Anh đã gọi đích danh tình cảm của anh dành cho Cúc Tần: ngoại tình! Hai chữ ấy vang lên nghe rờn rợn. Tại sao Niên yêu Cúc Tần? Anh biết bất kì hành vi, tâm trạng, tình cảm nào cũng có lí do của nó. Thậm chí, Niên nghĩ, người ta có thể nêu ra muôn vàn nguyên nhân hay động cơ, có thể có những lí do bỉ ổi, đê mạt, tục tĩu. Cũng có thể người ta tìm ra một ngàn lẻ một đến hằng hà sa số lí lẽ để biện minh. Là nhà văn, anh có quyền, mặc nhiên được thừa nhận, trong việc trải nghiệm không chỉ một mà năm, bảy cuộc ngoại tình để thấu hiểu chính mình và trái tim người khác!? Là một con người gặp một cuộc hôn nhân do hoàn cảnh xô đẩy, không vừa ý, không phải với người anh yêu bằng tất cả con người mình, nên anh mãi hoài muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân ấy? Anh muốn thử nghiệm sức hút của chính anh? Hay bản năng độc ác nào đó đã vô thức điều khiển anh để anh vấy bẩn vào cô giáo xinh đẹp, dịu ngọt với giọng nói Sài Gòn dễ thương có tên là Cúc Tần?

            Niên quằn quại với những câu hỏi độc ác nhất, thâm hiểm nhất có thể có trên đời này, được lấy ra từ những tâm hồn đầy nọc rắn, được rèn từ các bễ lửa của lòng ghen tị hừng hực, trở thành những cái móc cắm sâu vào trái tim của anh.

            Niên đang đối chất với chính anh. Và anh tự thanh thản trở lại để trả lời với mình: Không. Anh muốn khẳng định: Cúc Tần là Thiên Đường đã tìm thấy của anh. Anh muốn hét lớn: Anh yêu cô ấy vì cô ấy là cô ấy, mặc cho cô ấy có những quan hệ gia đình, họ tộc, quê quán nào, dẫu gốc gác xa tít tận Cần Thơ xa xôi. Nhưng tại sao anh lại tự đặt những câu hỏi cắc cớ và độc ác ấy làm gì cho đen tối niềm yêu thơ mộng của tình cảm anh!

Vấn đề đơn giản là anh phạm tội với ý thức rất rõ về tội  ngoại tình! Trong cuộc ngoại tình ngọt ngào này, chỉ có bốn người phải đứng trước bước ngoặt của đời họ: Bông Trang, Ca Dao, Cúc Tần, và kẻ cuối cùng trong bốn người ấy, là anh. Ai là kẻ đau đớn nhất? Ai là kẻ không đáng chịu mảy may đau đớn nào trong cuộc này? Ai là kẻ bị trừng phạt?

            Trong giấc mộng mị, chìm sâu rồi lại lờ mờ ý thức, nửa khuya về sáng, Niên thấy tổ ấm được gầy dựng bằng sách báo các loại như rác rến phế thải của anh bốc cháy. Bao cuốn sách diễm tình tay ba, tay tư ba xu bốc cháy. Bốc cháy hết những tiểu thuyết, bài thơ ngoại tình ''tam giác'', ''tứ giác'' được xếp vào văn chương kinh điển. Tại sao mảng đề tài ngoại tình trong các kiệt tác thế giới xưa nay lại nhiều đến thế? Những sách báo ấy đang cháy cả gia đình bé nhỏ của anh bằng ngọn lửa của ngoại tình.

            Ràn rụa mồ hôi, anh trở mình ôm chặt Bông Trang.

            Bông Trang tỉnh ngủ, ngồi dậy, xoay chiếc quạt hướng vào người anh cho ráo mồ hôi. Không, lửa ấy ở trong trái tim anh, không ở đâu hết. Không tắt được đâu. Không ngọn gió nào có thể thổi tắt dù hóa thành mưa bão. Nhưng cũng chỉ một số nào trong kho sách rác rến ấy, dẫu là văn chương kinh điển. Không, không... Cũng không phải vậy...

            Niên nghe Bông Trang làu bàu: ''Trời năm nay sao nóng quá! Rán ngủ đi anh!''. Âm sắc giọng làng quê nào ở Sa Đéc. Lúc này, Bông Trang trở lại nguyên cô gái phù sa miền châu thổ, với giọng nói chân quê đậm tình, làm anh lơ mơ mỉm cười mệt mỏi. Niên ôm chặt Bông Trang, ngỡ đấy là bình chữa cháy đời nhau. Anh mong Bông Trang ghì chặt lấy anh và cũng nghĩ một cách thiết thực đến thô thiển như vậy. Nhưng Bông Trang có biết gì đâu!

 

 

 

6

 

 

            Sáu giờ sáng Niên mới thức dậy. Bông Trang cũng muốn để Niên dậy muộn thêm. Cô biết hồi hôm có chút rượu với bạn bè nên anh mệt. Chắc anh hơi quá chén.

            Trong khi Bông Trang chuẩn bị bữa sáng cho con gái, là lại áo quần đã có nếp gấp, Niên lúi húi pha cà phê, rồi làm vệ sinh và tập thể dục.

            Niên vào đánh thức Ca Dao, ẵm cô bé ra trao cho mẹ. Ca Dao ngái ngủ, nhõng nhẽo.

            Niên bực mình vì thế là chẳng viết thêm được trang nào. Cuốn tiểu thuyết còn dở dang lại muộn thêm một ngày. Nhưng nhìn vợ và con gái cưng, anh không muốn làm phiền cho dù là một lời càu nhàu.

            - Ăn sáng đi cưng - Niên nói với con.

            - Hôm nay ba má ăn sáng với con luôn - Ca Dao nói.

            - Ngoan quá! - Bông Trang vuốt tóc Ca Dao.

            Niên nhai khúc bánh mì Bông Trang hé cửa mua hồi nãy. Dẫu đăng đắng do còn men rượu, anh cũng gật gù. Niên thấy hạnh phúc giản dị có thế, với ý thức chấp nhận những gì trong tầm tay, trong việc thực hiện ước vọng cao xa không gây phiền cho ai, không lạy lục cầu xin ai. Hạnh phúc gia đình với anh dẫu sao cũng là chuyện vặt... Ờ, chuyện vặt...

            Niên thấy lòng mình bình thản trở lại. Anh thầm cảm ơn sự đảm đang, tảo tần của Bông Trang, sự ngoan ngoãn, chăm học của con gái.

            Thế là êm ấm rồi, anh còn mơ mộng, ước ao gì nữa! Vấn đề là cái đỉnh văn chương kia, cái anh còn phải leo dốc đến cuối đời, lúc thở hơi thở cuối, chắc vẫn còn vừa mở đường vừa leo. Cái đáng sợ hãi là hăm hở, hồng hộc, cắm cúi mở đường leo dốc lại gặp lối mòn ai để lại.

            Anh vừa ăn bánh, uống cà phê, vừa đọc thầm trong óc  câu kinh mới: Thế là êm ấm rồi, quên Thiên Đường đi!

            Thế là êm ấm rồi, quên Thiên Đường đi - Niên đọc hơn một trăm lần, chỉ trái tim anh nghe tiếng nói của bộ óc. Trên đường chở con đến trường tiểu học, Niên cũng thành khẩn đọc thầm câu kinh buồn cười ấy.

            Đến cổng trường, Ca Dao xuống xe, Niên buột miệng nhưng kịp kìm lại. Câu nói nghẹn trong ngực anh:

            - Cảm ơn Ca Dao. Cảm ơn Quyền Trẻ Thơ.

            Cô bé cười thật tươi, thấy ba Niên sáng nay ngồ ngộ. Niên cũng há miệng cười.

           

 

7

 

 

            Chiếc xe gắn máy tắt từ ngoài cổng.

            Cúc Tần nhìn ra, cười khi nhận ra hai học sinh cũ.

            - Vào đây đi! - Cúc Tần vui trong giọng nói.

            Hai người trẻ tuổi, một nam, một nữ, thay nhau chào cô giáo, khi đang bước vào sân.

            - Biển và Thạch Na dạo này chững chạc quá. Hai em ngồi đây đi, cô lấy nước uống. Na với Biển uống gì nào?

- Dạ - Biển, người con trai thưa - Bọn em lâu rồi mới đến thăm lại cô, thấy cô vẫn khỏe...

            - Dạo này cô vẫn vui, và chắc có gì vui hơn hở cô? - Na, cô sinh viên có nước da nâu rất duyên, nói trong tiếng cười.

            Cúc Tần cười với hai học sinh cũ vốn là hai học sinh giỏi nhất lớp mười hai, năm kia cô phụ trách giảng dạy và chủ nhiệm.

            Lúc ba người uống nước, Cúc Tần để ý ngắm Thạch Na như một người chị âu yếm nhận xét em gái:

            - Thạch Na trông duyên hơn hồi học phổ thông. Nhưng sao Na lại cắt ngắn tóc uổng vậy! Tóc mây đen nhánh, quá duyên, rụng một sợi tiếc một sợi, thế mà chẳng để xõa ngang lưng cho đẹp.

            Na cười thẹn, cúi đầu.

            - Na sợ các hãng dầu gội đầu mướn làm quảng cáo đó cô! - Biển lém lỉnh nói.

            - Hai em có học thêm gì không? Hay chỉ môn văn?

            Na thưa:

            - Hai chúng em quyết tâm theo gót cô, nhưng học thêm ngoại ngữ.

            - Giỏi quá! - Cúc Tần mừng.

            Nói chuyện một lúc, Biển sực nhớ, bối rối vì một điều gì, hất cằm ra hiệu cho Thạch Na. Thạch Na hơi đỏ mặt.

            - Có gì, nói đi! Cô trò mình vẫn thân thiết như ngày nào mà! Cúc Tần thấy hai em ngần ngại nên mở lời.

            Chờ nhau, cuối cùng Biển phải thưa:

            - Thưa cô, bọn em... - Biển rút từ túi xách ra một phong bì lớn, nhìn qua, biết ngay là thiệp cưới.

            Cúc Tần ngạc nhiên:

            - Đám cưới ai đây? Bộ... - Cúc Tần mở phong bì Ủ Trời đất! Vui vậy! Hai em tính toán bao giờ mà hay thế? Xin chúc mừng! Hay thật!

            Hai người trẻ tuổi cười thật tươi nhìn nhau.

            - Thưa, bọn em còn một số nơi phải đưa thiệp. Em kính gửi cô chuyển giúp thiệp này đến cô Hòa Bình, thầy Niên - Biển đưa hai phong bì bằng cả hai tay.

            - Chúc mừng hạnh phúc trước nhé. Hôm đám cưới dù nắng đổ lửa cô cũng có mặt. Như vậy là tiểu đăng khoa trước đại đăng khoa ở trường đại học. Cũng hay! Hay đó nghen!... Ờ - Cúc Tần gật đầu - Cô sẽ chuyển thiệp tận tay...

            Lúc cùng ra cổng, Na cố tình đi chậm lại với cô giáo, nắm lấy bàn tay thon thả của cô.

            - Bọn em mới học năm thứ hai. Hơi vội cô há?

            - Không - Cúc Tần nói, siết chặt tay Thạch Na - Mười tám tuổi cũng được, nữa là hai mươi. Có điều, các em đã rất chín chắn để quyết định. Năm, bảy năm sau hẵng có nhóc tì, lo gì! Này, vẫn theo lễ cưới Khơ-me chứ Na?

            - Dạ, nhưng làm lễ trước ở tận Châu Đốc lận, sau đó mới ra mắt trên này.

            Cúc Tần siết tay Na lần nữa: Tốt quá! Hạnh phúc nhé Na, Biển! - và cô bỗng bâng khuâng.

            Cô giáo ngẩn ngơ đứng nhìn theo hai học trò cũ. Cúc Tần cũng không ngờ. Khi không, cô đưa tay sờ lên nếp nhăn mờ trên đuôi mắt. Cúc Tần mỉm cười, kìm lại tiếng thở dài. Cô chẳng hiểu vì sao. Thật lòng Cúc Tần chẳng hiểu vì sao, và bất giác sợ hãi hai chữ: ''muộn màng'', nỗi âu lo muôn đời của bao cô gái. Cúc Tần lóe lên ý tưởng buồn phiền: sách vở, những văn chương, triết học, cuối cùng cũng tầm thường đến thế sao? Có phải cô tự khinh mình tầm thường để bày tỏ với mình một niềm cao ngạo, cũng chỉ nhằm vuốt ve chính mình? Điệp đó, Cúc Tần còn chọn lựa gì nữa? Còn Niên, chỉ là tuyệt đối của tương đối, trong mắt cô, với mắt cô. Điệp không phải là một nhà sáng tạo, không có khát vọng sáng tạo trong khoa học, dẫu bao lần cô đã khích lệ anh ấy. Nhưng người sáng tạo chỉ có mỗi một hạnh phúc: sáng tạo. Thường là thế. Còn hạnh phúc gia đình bé nhỏ của những đôi lứa? Ở tuổi này, cô còn bị huyễn hoặc bởi điều gì nữa! Hình ảnh bao người nữ như thiên thần bên đời các nhà sáng tạo, nhất là các nhà văn, đã nuôi sống trái tim cô suốt thời tuổi nhỏ, cả thời mới lớn, đến tuổi ba mươi hai này, theo tháng năm, đâu còn thật đến lung linh, cái lung linh làm say ngọt lòng cô!Cúc Tần thấy cô chưa nỡ nào bóp chết chút mơ mộng, dẫu cô thừa biết mình đã mất lâu rồi chút ngây ngô huyền ảo trẻ con. Cúc Tần rùng mình hình dung hình tượng cô gái tóc trắng, bạc phơ, trinh trắng, còm lưng bởi ước vọng như khối đá nặng oằn, một mình lẻ loi trong chiều hôm. Có lẽ không còn là ước vọng, khối đá ấy là cô quạnh! trong hoàng hôn đời người!

            Cúc Tần bước vào nhà, trên tay cầm ba tấm thiệp, đến bên chỗ cô và Niên thường ngồi. Nắng trưa dăm đốm nhảy múa như chút mộng ảo chợt có chợt không trên bàn. Không. Cúc Tần tự biết cô xinh đẹp, trí thức, trinh trắng, khỏe mạnh. Tuổi ba mươi hai chưa già đâu nhỉ - Cúc Tần tự nhủ. Cô nhìn sững sờ dăm đốm nắng không ngừng chơi trò biến ảo. Trêu nhau đấy chăng?

 

 

8

 

           

Phân vân mất hai hôm, Cúc Tần cũng phải trao thiệp cưới của Biển và Thạch Na cho Niên bằng cách của cô.

            Trước ngày cưới của hai người trẻ tuổi đang còn là sinh viên này, Niên đang ngồi trông hàng sách báo cũ để vợ đi chợ, chợt nghe điện thoại reo. Niên buông bản thảo cuốn tiểu thuyết nhỏ anh viết lại những gì đã viết cách đây hai mươi ba năm hơn, anh cầm ống nói. Nghe đằng kia dây một giọng quá thân quen, anh suýt reo lên, nhưng ngữ điệu và ngôn từ lạnh lùng cũng của giọng nói ấy làm tiếng reo khựng lại trong cuống họng anh.

            - Xin vui lòng cho tôi gặp ông Phan Cát Niên.

            Niên hy vọng đấy là trò đùa tinh nghịch, anh cũng đóng kịch:

            - Thưa, tôi là Niên đây. Vui lòng cho tôi biết, là ai đằng kia dây nói ạ?

            Vẫn lạnh lùng:

            - Chúng tôi định gửi thiệp mời dự đám cưới qua đường bưu điện đến ông. Tuy nhiên...

            Niên nghe nhói ở tim.

            - Sao vậy? - Niên ấp úng, anh buột miệng, rồi cố giữ bình tĩnh - Thưa, vậy là sao ạ?

            Vẫn lạnh lùng:

            - Xin ông vui lòng đến nhà chúng tôi. Biết vậy là bất nhã. Có điều chẳng lẽ ông không vui lòng sao?

            Niên muốn hét lên qua máy: Vui lòng? Vui lòng nỗi gì! Sao khéo chơi chữ như đóng đinh vào ngực nhau thế! Anh nghẹn ngào, im lặng. Một lúc, anh nói:

            - Thưa cô, dẫu thế nào... tôi cũng phải vui lòng. Vâng, đành thế...

            Giọng đằng kia dây ngắt lời, không muốn để Niên nói:

            - Một lần nữa, xin ông vui lòng. Tôi là Cúc ở quán cà phê Thanh Diệp. Kính chờ ông. Xin cảm ơn ông trước. Xin lỗi ông về sự bất nhã này bởi chúng ta là chỗ quen biết lâu năm trong phường. Xin ngừng máy.

            Niên cầm ống nói, vẫn áp vào tai, sững sờ. Trò kịch, rõ rồi, với ngôn từ, ngữ điệu khách khí rất đỗi trưởng giả, khó thân thiện. Nhưng ẩn nghĩa, có lẽ không thể là kịch, mà sự thật.

            Niên gác máy, bước tới chỗ ngồi, lóng cóng cầm xấp bản thảo cũ định chữa lại đôi chút để đưa Cúc Tần đọc, như đã hứa, nhưng anh đã dặn lòng thôi, và bây giờ rõ là phải thôi thật rồi. Đúng rồi, dẫu có trục trặc, nhưng Điệp và Cúc Tần chỉ còn cần một lễ cưới. Họ thành hôn với nhau đâu phải là đột ngột. Có điều, sao Cúc Tần trở lòng nhanh thế! Cúc Tần đóng kịch tài tình thế ư?

            Niên cay đắng đến mức muốn đập vỡ một cái gì đó.

            Cúc Tần không ngờ màn kịch cô chủ động để không xuống nước trước Niên, cũng tránh sự nghe lén của ai đó, và để đối phó với Bông Trang, vì Bông Trang có thể có máy phụ, hoặc đoán qua nửa kia cuộc điện, màn kịch ấy lại gây hiểu lầm tai hại đến vậy. Lúc Cúc Tần phấn khởi, thích thú ở Lá Xanh là khi Niên cười nhạt một mình, trong nỗi buồn rầu như chấp chóa bao phủ quanh anh, với niềm đau nơi ngực anh.

            Niên thấy không nên đến Lá Xanh nữa. Nhưng anh không là người chịu chết vì một sự xem ra còn là phỏng đoán. Niên mơ mộng đến chơi vơi, nhưng không bao giờ    tin chắc một điều gì, nếu không đi tới tận cùng của việc  kiểm chứng. Cúc Tần chơi một trò đùa khá đau đầu! Niên lại nghĩ, dẫu sao cũng không nên để cô giáo này xúc phạm nữa. Nhưng chẳng lẽ không dự tiệc cưới của Cúc Tần? Anh đâu thiếu bản lĩnh hay lịch sự. Gạt hết mọi rắc rối, thật lòng anh muốn gặp Cúc Tần lắm vì Niên biết anh chưa yêu ai đến thế. Trong những ngày dằn vặt gần đây, gương mặt trắng hồng với nụ cười tươi, trắng ngời hàm răng đều đặn, nhất là đôi mắt to đen long lanh ánh cười như nét duyên thầm, vẫn không ngớt hiện ra trong đầu anh, lúc ngủ, cả khi thức.

            Có điều, liệu người ta có thể trở lòng nhanh đến thế sao, hoặc đóng kịch nghề đến vậy sao?

            Chưa bao giờ Niên buồn cho Tình Yêu đến vậy!

            Cuối cùng, Niên quyết định gọi điện cho Cúc Tần. Cúc Tần giữ kẽ, còn xưa nay anh có sợ gì cơ chứ!

            Sáng hôm sau, anh nhấc ống nói và bấm số.

            - Cúc Tần, em đùa chi ác thế! Thiệp cưới của ai vậy?

            Đằng kia dây:

            - Thưa ông, tôi là Cúc ở hiệu cà phê Thanh Diệp. Ông quên rồi sao?

            - Không có Bông Trang và Ca Dao ở nhà. Chỉ một mình anh. Nói thật đi, đừng kịch nữa, đau đầu lắm. Hôm trước anh trượt theo đà màn kịch, đau quá trời cái đầu của anh - Niên hạ giọng, thầm tự động viên, hạ mình trước người nữ một chút có sao đâu.

            - Thưa ông, ông nhầm số rồi. Hay ông điên rồi chăng?

            - Không, thiệp cưới của ai vậy? Nói thật đi em.

            - Thưa ông, chúng tôi tổ chức cho hai nhân viên cũ của chúng tôi. Tôi là Cúc, vẫn độc thân. Kính chờ ông đến.

            Và máy bị ngắt bởi đầu dây bên kia. Niên cười. Anh muốn cười ha hả. Yêu một người giữ kẽ thật là mệt óc. Niên nghĩ thế, nhưng anh đâu hiểu giúp Cúc Tần, yêu Niên, Cúc Tần còn mệt óc gấp ngàn lần. Cô ngại với cả Hòa Bình, Cảo Thơm, với bất kì ai quen biết. Yêu anh, cô đã liều lĩnh thế nào, sao anh không thèm biết tới!

            Quên hết mọi rắc rối, phần lớn do lương tâm tưởng tượng ra, Niên lại hí hửng đến với Lá Xanh. Anh có ý định làm cách nào để nói cho Cúc Tần hiểu, cả hai có lẽ đã qua tuổi chơi trò ú tim lâu rồi. Không, phải nói rõ điều đó với cô ấy...

           

 

9

 

 

            Sau buổi tiệc cưới vào chiều chủ nhật của Thạch Na, cô sinh viên có vẻ đẹp mặn mà, khỏe khoắn lại rất sâu lắng như một diễn viên nổi tiếng của Đn Độ, với Biển, người cùng lớp với cô bé, chính gốc dân Sài Gòn, Niên chạy xe song song với xe của Hòa Bình và Cúc Tần. Niên thấy hai cô giáo, dưới ánh sáng trắng của đèn cao áp dọc đường đi, với hai chiếc áo dài làm nổi rõ hai thân hình thon tròn, chín mọng, thật kín đáo, mềm mại, gợi nên một cảm xúc thanh khiết trong anh. Cúc Tần ngồi một bên phía sau Hòa Bình. Cô mỉm cười với Niên, rồi quay mặt giấu một ý nghĩ về anh: Niên dự đám cưới vẫn mặc đàng hoàng một cách giản dị đến khác người, nhưng chắc chắn không lập dị, chỉ có thể đó là một người tự tin, quan tâm đến cái gì khác hơn là vẻ hào nhoáng. Niên chạy xe một tay, tay kia ôm Cảo Thơm vào lòng, mỉm cười với cô.

Hai chiếc xe chạy chầm chậm trên đường Đinh Bộ Lĩnh, sắp đến đường Bạch Đằng, bỗng Hòa Bình xem đồng hồ tay, chạy vọt lên trước một quãng. Hòa Bình nói với Cúc Tần trước khi dừng lại ở ngã tư chờ đèn xanh:

            - Chị Cúc Tần! Đi chơi với anh Niên đi, cho có kỉ niệm. Dẫu sao, kỉ niệm sau này cũng quý lắm.

            Cúc Tần véo nhẹ vào vai Hòa Bình:

            - Kì lắm!

            - Hãy có những kỉ niệm đẹp trong đời! Vậy nhé?

            Đợi Niên dừng xe bên cạnh, Hòa Bình nói:

            - Anh Niên! Mới sáu giờ. Em phải ghé qua nhà ông ngoại Cảo Thơm, nhờ anh chở giúp chậu hoa tím ngát trữ tình này nhé. Cảo Thơm qua mẹ đi cưng... Gió sông Sài Gòn mát lắm!

            Niên không ngờ Hòa Bình có thể giúp anh một niềm vui quá mong ước của anh như vậy. Anh cố gắng không để niềm vui rộn rã lộ vẻ bối rối để Cúc Tần bối rối hơn. Và nhanh nhẹn áp xe vào lề, dựng xe, rồi bồng ngay Cảo Thơm qua xe Hòa Bình, không để Cúc Tần đổi ý.

            Cúc Tần cũng bất ngờ nhưng chịu để cho hai người thừa kinh nghiệm sắp xếp!

            Và Niên lập tức rẽ phải, định bụng xuống Xô Viết Nghệ Tĩnh, trái đường với Hòa Bình, trước khi hỏi ý Cúc Tần.

            Đi một quãng, Niên nói trong niềm phấn khích ghìm lại:

            - Xuống quán Tre Xanh hay Sông Trăng ở Thanh Đa hóng gió sông nghe Cúc Tần! - và anh nói thêm cho Cúc Tần yên tâm - Ở hai nơi đó rất sạch sẽ, sáng sủa, rất thơ.

            Cúc Tần đành giữ vẻ tự nhiên:

            - Vâng! Mùa này sao Sài Gòn nóng quá - cô bâng quơ.

            Gởi xe xong, Niên và Cúc Tần sóng vai nhau tìm một

bàn nước để có thể nhìn ra mặt sông khi nắng chiều sắp tắt.

            - Đêm nay trăng rằm, đẹp lắm! - Niên nói.

            - Vâng. Thật bất ngờ!

            Niên hỏi ý Cúc Tần khi đặt tấm danh mục thức uống từ tay người tiếp tân của quán xuống trước mặt cô.

            Khi tiếp viên bưng thức uống ra, mặt sông còn loang loáng nắng. Gió sông rười rượi, lồng lộng thổi khiến cả hai người yêu nhau và chưa hề chính thức nói lời yêu nhau này có cảm giác mát mẻ đến ngây ngất.

            - Trăng trên sông mới thật là trăng, Cúc Tần à.

            - Vâng. Thật bất ngờ...

            Niên sực nhớ một bài thơ của Phan: Sớm của muộn:

 

                        đóa trăng tuổi bốn lăm

                        mới thật rằm thắm vội?

                        bóng lả sương lá rối

                        khỏa ngạt trời hoa râm!

 

            Anh muốn chia sẻ với Cúc Tần vầng trăng thứ hai trong đời người, vầng trăng của dang dở... Niên liên tưởng đến Điệp một thời của Cúc Tần. Anh ái ngại cho Điệp... Anh cũng không thể không tự thấy, từ thơ, anh liên hệ khá khiên cưỡng! Sao trong khung cảnh rất thơ này, anh tầm thường thế! Anh không thể cao thượng một cách vớ vẩn lúc này. Phải biết quên. Quên. Quên Điệp đi. Và phải biết chấp nhận một người đàn ông suýt nữa đã bước vào đời người anh yêu, yêu đến đau đớn. Quả là Cúc Tần xinh đẹp, dịu dàng đến đau lòng, bởi anh ý thức rõ giới hạn của mình... Niên biết Niên lẩm cẩm trong suy tưởng. Hãy sống nhẹ nhõm hơn. Vầng trăng thứ hai hiểu như biểu trưng sắp lên! Và làm sao Niên hiểu hết Cúc Tần. Anh giả định một khả năng đáng tiếc, và chấp nhận giả định ấy về sự trinh trắng. Niên nghe nghèn nghẹn, dẫu không muốn làm hỏng đêm trăng bên sông này! Chấp nhận sự thật có thể buồn, hay gây men ảo giác nhỉ? ''Sớm của muộn'', họ vẫn còn quá trẻ để yêu nhau!

            - ''Gió đưa cơn buồn ngủ lên bờ'' hay sao vậy anh Niên? - Cúc Tần khẽ khàng. Cô ngỡ Niên đang rất thơ, có thể thoát tục.

            Niên cười, thoáng xấu hổ vì ý tưởng rất thật vừa rồi:

            - Buồn thức! Muốn thức. Lần đầu tiên mình có một kỉ niệm bên ngoài Lá Xanh, phải vui thức chớ!

            Cúc Tần chợt nhớ câu nói của Hòa Bình khi ở ngã tư hồi nãy.

            - Có nhiều người chắt chiu kỉ niệm đến thế! - Cúc Tần nói.

            - Có kỉ niệm mới là sống. Sự giàu có của đời người đích thực là vốn liếng kỉ niệm, và là kỉ niệm đẹp.

            - Nhỡ kỉ niệm xấu, đáng buồn thì sao, dẫu biết chả ai muốn thế? - Cúc Tần nhẹ nhàng cười, mong Niên đừng hiểu lệch.

            - Thì phải biết tự bù đắp kỉ niệm đẹp. Tâm thức, kể cả vô thức, tiềm thức là một ống kính vạn hoa. Có ai ném vào đó những mảnh đen tối, bẩn thỉu thì phải biết chủ động gom góp, chắt chiu những kỉ niệm đẹp, lóng lánh tình yêu, tình bạn, tình người, để tất cả đều chuyển hóa thành ánh sáng nhiều màu. Một cuộc đời rỗng tuếch, không có kỉ niệm, sao bằng một cuộc đời đầy ắp kỉ niệm đẹp, dẫu có thể có dăm ba kỉ niệm tệ hại. Hãy biết làm đẹp tâm thức bằng kỉ niệm đẹp.

            - Như vậy, sao anh Niên nhỉ, cứ sống hết mình để có nhiều kỉ niệm đẹp, và đừng sợ bị lẫn vào dăm kỉ niệm xấu có thể gặp phải? Làm đẹp cả vô thức một cách chủ động?

            - Ờ, đúng rồi. Đừng sợ. Phải biết chủ động.

            - Một nghệ sĩ lớn có nói: ''Đừng sợ sống!'' (7). Thế thì phải bản lĩnh lắm. ''Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn'' và nghèo kỉ niệm nữa. Nhưng kỉ niệm nào đẹp nhất?

            Niên giật mình:

            - Cũng tùy - anh đáp qua chuyện. Anh muốn quên hết bao khát vọng văn chương của người dạy văn, viết văn, và bao khát vọng to lớn cho đời (cho con người, cho thiên nhiên) của bao người khác - Lúc này, những cảm xúc chờ trăng bên sông, với chỉ riêng hai người, là đẹp nhất - Niên chỉ dám phiếm chỉ, nói tiếp.

            Cúc Tần im lặng. Đêm tối dần trên sông. Mặt sông đen sẫm. Aằnh sáng từ nhà thủy tạ, từ bờ sông hắt xuống, lấp loáng. Đèn từ tàu thuyền thắp lên ngoài xa kia. Khu biệt thự đang xây dựng bên kia sông sáng đèn cho ca đêm. Cầu Sài Gòn như chiếc cầu vồng bảy sắc vắt ngang trời, nhưng lúc này rất huyền ảo vì trời đang đêm. Người tạo hóa đẹp hơn trời tạo hóa đấy nhỉ! Và trăng mười lăm tinh khiết, rạng rỡ nhô dần lên phía trước mặt. Trăng rằm tháng ba trên sông! Cúc Tần chợt nhớ hai câu ca dao có lẽ từ quê hương yêu dấu của Niên: ''trăng lên tới đó rồi tề, nói chi thì nói mà về kẻo khuya''. Cô thú vị một mình về niềm khao khát bày tỏ của chàng trai, cô gái nào xưa.

            Nơi đây, khuôn viên của tiệm cà phê này, rộng gấp mươi, mười lăm lần Lá Xanh, với bao nhiêu là cây xanh, cỏ xanh, với bao nhiêu loại hoa nữa, với nhiều lối đi trải sỏi, lát gạch, với cơ man nào bóng đèn ẩn và hiện, với hàng rào hay lan can sơn trắng. Khách tha hồ chọn cho mình cõi riêng. Tiếng nhạc dịu nhẹ lan tỏa. Người vào đây quên ý niệm thời gian.

            - Này, Từ Thức, theo lịch mặt trời hôm nay là mấy, anh nhớ không?

            - Quên rồi. Biển và Thạch Na nhớ giùm.

            - Gọi là ''Ngày Biển - Thạch Na'' đi, nghen anh Niên! - Cúc Tần khẽ rùng mình vì gió sông hay vì điều gì không rõ. Cô vội lãng tránh:

            - Anh Niên, lạc vào huyền thoại, khi về buồn lắm đó nghen.

            - Đừng cả lo - Niên thầm thì - Rồi  Từ Thức sẽ quay lại, nếu Giáng Hương cứ ở đây hay thỉnh thoảng ở đây.

            - Ngày xưa, người ta chán đời ghê nhỉ, anh Niên? Cứ muốn bỏ trần gian!

            - Người xưa giàu mộng mơ hơn bây giờ. Họ thèm sống, muốn không còn thời khắc, tuổi tác. Sự thật là họ cần thư giãn bằng huyền thoại. Bây giờ, huyền thoại là sự thật mình đang ngồi với nhau, lúc này, tại đây. Cúc Tần có thích sáng tạo huyền thoại cho mình lúc này, tại đây, và lúc khác, nơi nào đó không? - Niên thầm thì.

            Cúc Tần giấu một thoáng rùng mình ngỡ đang đọc một bài thơ tình như kinh tình yêu. Cô không ngờ câu nói của cô đã rất táo bạo.

            - Rồi trở về với sự thật sẽ buồn lắm. Sẽ bạc tóc vì buồn, và hối tiếc, tủi giận! - Cúc Tần chữa lại với một chút xấu hổ.

            Niên chợt hiểu ý hồi nãy của Cúc Tần. Anh nhíu mày, tỏ vẻ không hài lòng vì sự đính chính của cô:

            - Sự thật này là huyền thoại này.''Cái gì đến, sẽ đến'', Cúc Tần à! Sự thật chưa làm bạc tóc, đã thấy âu lo quá xa làm bạc màu huyền thoại!... Trước đây, có lúc anh ngỡ Lá Xanh là Thiên Đường. Sau đó, chỉ có người yêu mến mới là Thiên Đường. Người ấy ở đâu, Thiên Đường ở đó! - Niên nói thành lời điều lâu nay chỉ nằm trong đầu anh.

            Cúc Tần mỉm cười. Niên thấy ánh sáng long lanh trong mắt cô, và chan hòa dìu dịu trên gương mặt cô, xinh đẹp, huyền ảo. Bên kia sông, trăng đã nhô cao, tỏa sáng khắp mặt sông đầy sóng. Niên sững sờ. Anh muốn giữ chắc trong mắt, trong tay vẻ đẹp huyền thoại của một cõi thiên đường, bồng lai hiện tại. Niên ngơ ngẩn với ý tưởng này. Anh hồi hộp, ngần ngại.

            - Giá như cách đây hơn mười năm, hồi em còn sinh viên, anh chưa lập gia đình, mình gặp nhau, anh Niên hén? - Cúc Tần nghèn nghẹn, tiếc nuối.

            - Đừng ''giá như'' nữa mà! - Niên nói như vỗ về - Kỉ niệm, phải biết chắt chiu, nhưng kỉ niệm vẫn còn nhiều lắm ở tương lai... - thật ra Niên cũng dối lòng mình. Chẳng biết sự lo xa có là nữ tính không, và có phải thực tế đến rầu lòng, lúc này, trường hợp này, khung cảnh này, cũng là nữ tính? Nữ tính ấy đang thể hiện ở Cúc Tần?

            Niên nói:

            - Đừng sợ. ''Đừng sợ sống'', nghe Cúc Tần.

            Và Niên nghiêng người nắm chặt tay cô đang đặt trên bàn. Anh nghe tay cô mềm hẳn trong tay anh. Bàn tay ấy chừng như run lên nhè nhẹ. Vẫn nắm lấy tay Cúc Tần, Niên rời khỏi ghế. Anh quỳ một chân trong thế ngồi trên gót của chân ấy, hai tay nâng bàn tay cô.

- Đừng. Đừng anh, Niên!

- Cúc Tần! - giọng Niên như van vỉ.

- Không! Đừng, anh Niên!

            Niên ngước mắt lên nhìn gương mặt xinh đẹp của Cúc Tần, với một niềm ngưỡng vọng xen lẫn với say đắm. Chẳng hiểu sao anh không thể liều lĩnh trước gương mặt ấy. Cơ hồ anh nhìn thấy ánh trăng trong mắt cô, ánh trăng tình yêu.

            Niên có cảm tưởng anh ngồi mãi vậy, nắm bàn tay cô với cả hai tay như nâng niu. Anh đánh bạo đặt bàn tay ấy xuống hai đầu gối cô đang khép lại trên ghế. Anh thấy cô rùng mình như thể sắp gập thân hình xuống trên vai anh. Anh chờ giây phút ấy để dang vòng tay, vừa đứng dậy ôm lấy, vừa đỡ cô cùng đứng dậy.

            - Đừng. Niên. Anh nghe không! - giọng Cúc Tần nghiêm lại.

            Cúc Tần nghe lời cô năm nào dặn dò Thạch Na: ''Cái gì đến, sẽ đến, và đến đúng lúc của nó''. Ngạn ngữ ấy đang vọng lại cho chính Cúc Tần. Cảm giác run rẩy, nóng bừng trong cô dịu lại, lạnh đi.

            Niên trở về chỗ ngồi. Thật ra, Niên chỉ muốn đọc trái tim Cúc Tần bằng chính đôi tay, bằng chính bờ môi của anh trên gương mặt cô như một người mù. Có ai không mù trước trái tim người mình yêu? Để thật tin mình được yêu, mắt đọc vào mắt chưa đủ! Hay đấy chỉ là kinh nghiệm của những thị dân mấy thập niên trước, lúc cái cầm tay, nụ hôn đã là tất cả? Hay đấy là bản chất của người đàn ông muốn chiếm hữu người mình yêu dấu, muốn khẳng định bản năng của phái mạnh - một cách biểu lộ mang tính thời thượng? Có phải chất men say của tình yêu đã vượt quá liều lượng của cảm giác cầm tay, cảm giác của ánh mắt chạm vào ánh mắt? Và cơ chừng không thể đọc bằng cảm giác nào được nữa, dù đã đến mức cuối cùng của cường độ cảm giác? Tất cả đều sáng mắt nhưng đều mù trước tình yêu...

            Lúc ấy, đầu óc Niên trống rỗng. Tất cả những câu hỏi như mớ bòng bong trắng xóa đến vô hình, vô nghĩa làm nên sự trống rỗng. Niên đâm ra mất tự tin đến buồn rầu. Và sự từ chối một nụ hôn có khi rất nhiều ý nghĩa, trong đó có nghĩa nào đó cũng tầm thường! Niên cảm nhận tất cả bằng sự trống rỗng.

            Niên cũng tầm thường ngồi đó. Anh ấp úng xin lỗi Cúc Tần. Cúc Tần cũng thấy sự tầm thường của Niên? Niên trống rỗng một cách rối rắm.

            Thôi nhé, đừng cảm nhận tính chất tầm thường của mọi sự nữa, Niên tầm thường nghĩ vậy và tầm thường mỉm cười.

            - Xin lỗi Cúc Tần... Anh chỉ muốn đo lường tình cảm ở em... Anh xin lỗi vì sự thô lỗ của anh... - Niên ấp úng.

            Cúc Tần im lặng. Niên nhìn qua, thấy Cúc Tần đã ngồi lùi sâu vào ghế, khuỷu tay chống lên bàn, tì gương mặt vào lòng bàn tay, mái tóc dài buông xõa che hết. Cô không còn ở tư thế hồn nhiên, vừa ngồi, vừa như thể vươn ra trước để đón lấy vầng trăng đang cao dần trên sông. Niên muốn hiểu lúc này Cúc Tần đang nghĩ gì về anh.

            Niên chờ đợi một câu nói từ cô. Sự im lặng của Cúc Tần khiến anh rơi về ý nghĩ hồi nãy. Chẳng lẽ mặt trái của phút giây lãng mạn huyền thoại là cả một mớ những câu hỏi duy lí phũ phàng! Niên cố gắng xua đi bao dấu hỏi truy tìm, phân tích lạnh lùng đến thô bạo trong anh. Đấy là mặt trái đáng buồn trong anh đó sao!

            Cúc Tần khe khẽ đứng dậy. Không nhìn Niên, cô bước ra lan can bên mé sông. Bây giờ, Niên mới nghe rõ  tiếng sóng nước vỗ vào kè xi măng trong tiếng nhạc thanh thoát. Cúc Tần tựa vào trụ sắt trắng, nhìn ra xa. Trong chiếc áo dài màu tím sáng, dáng cô cao lên, thon thả và đầy đặn, tóc đen mướt, lóng lánh ánh đèn, đang bay bay với gió.

            Niên ngẩn ngơ ngồi ngắm. Nơi này, khuôn viên quá rộng nên đông khách vẫn như vắng khách. Niên ngỡ như chỉ hai người trong căn nhà của nhau. Niên nghe dâng lên trong anh cảm xúc về vẻ đẹp của Tình Yêu, một cảm xúc huyền thoại.

            Anh đứng dậy, khẽ bước đến bên cô. Dãy đèn từng chiếc nhỏ như giọt mưa từ mái quán rơi xuống vì thay nhau chợt sáng chợt tắt, ngỡ chợt có chợt không, lung linh ánh sáng trên gương mặt cô. Cúc Tần vẫn hiền dịu nhưng mắt xa vời.  Niên run lên vì thương mến. Một lần nữa, anh muốn gọi thầm tên cô, áp hai lòng bàn tay vào đôi má trắng mịn có thêm chút son phấn đêm nay, và khẽ cúi hôn lên môi cô nụ hôn đầu say đắm và cuống quýt nhất. Có lẽ kinh nghiệm bảo anh rằng, anh không nên đứng yên như vậy, người nữ đang chờ bản năng phái mạnh ở anh để khẽ vùng quẫy, rồi lịm đi trong vòng tay anh, rồi có thể trào nước mắt xúc động, rồi có thể lại ôm chầm lấy anh như bày tỏ sự phó thác cuộc đời lên vai anh, không bao giờ còn chia lìa nhau được nữa. Nhưng Niên vẫn đứng yên. Gió sông lồng lộng thổi. Niên cúi xuống nhìn những cụm lục bình nhuộm ánh đèn, dập dềnh với củi rều từ thượng nguồn về bên kè xi măng, có vài mảng đã bong lở phơi bày đá khối.

            - Cúc Tần! - giọng  Niên bỗng da diết.

            - Em nghe anh Niên đây! - Cúc Tần hồi hộp.

            - Anh xin lỗi em... - Niên hiểu mình lặp lại câu xin lỗi quá thừa. Cúc Tần thở dài, vẫn nhìn ra xa.

            Lát sau, Cúc Tần nói nghèn nghẹn:

- Anh coi thường em... Không thể trắc nghiệm mức độ tình cảm ở nhau như vậy... Anh thừa biết tình cảm gì em dành cho anh mà! Nhưng rất tiếc... - cô ngừng lại, muốn nói rõ để anh yên tâm - Chúng ta yêu nhau... Thật lòng, dẫu anh đối với em bằng loại tình cảm gì đi nữa, em vẫn yêu anh. Em yêu anh. Em nói điều đó đâu cần anh hỏi! Nhưng chúng ta, không cách nào khác, vẫn cứ là bạn bè với nhau... - Cúc Tần cắn chặt môi nhìn ra xa như nhìn trừng trừng vào bóng tối lẫn với ánh trăng rằm trên sông. Cô không muốn là Xúy Vân bên sông (8)!

            Niên tê điếng đứng tì vào lan can, tay bấu vào thanh sắt.

            - Anh Niên, vậy nghen anh! - giọng cô dịu lại, buồn buồn - Anh Niên nhớ không, những chuyện tình như chuyện chúng mình, ở những tác phẩm văn chương kinh điển, đều kết thúc bằng... tự tử... Đấy là tình yêu đích thực, đạo nghĩa đích thực, do đó không lối thoát. Véc-te của Gớt, An-na của Tôn-x-tôi, Bà Bô-va-ry của Phơ-lô-be (9)... Tình yêu đương là tình của hai người, chỉ của hai người. Người này là tất cả của người kia...

            - Thôi, quên đi, Cúc Tần... - Niên ngắt lời. Niên bực bội cảm nhận Cúc Tần muốn nói anh chỉ là kẻ giả dối, anh chưa hiểu thế nào là tình yêu, anh yêu cô như một trò đùa, và anh thiếu dũng cảm để dứt khoát chọn lựa. Anh cũng hiểu cô không thiếu thông minh trước tình huống oái oăm của trái tim, và trái tim cô không thiếu nhân hậu. Niên cũng nghĩ theo cách của anh: tình cảm cũng chịu sự ước định xã hội, sự chứng tỏ tình yêu đích thực bằng tự tử là ngu ngốc!

            - Trái tim đàn ông rộng lớn hơn em tưởng! - Niên buột miệng một điều thầm kín, dằn vặt suy nghĩ đã lâu và từ lâu bế tắc.

            - Không! - Cúc Tần bỗng quyết liệt - Không thể!

            Cúc Tần quay phắt lại, cố dịu giọng:

            - Mình về đi anh. Mặc cho trái tim của anh, của em, chúng ta là bạn. Hãy đo lường, trắc nghiệm tất cả bằng thời gian.

            - Khoan đã, Cúc Tần!

            Trở về với thực tế, Cúc Tần nói:

            - Về thôi, anh. Đêm nay chỉ mẹ con Hòa Bình ở nhà. Không biết có mở cửa bán cà phê không. Sợ buổi tối, một mình, Hòa Bình sẽ lúng túng, không bưng dọn kịp... Thật bất ngờ, không ngờ tối nay lại... lạ lùng như vậy.

            Niên đành gật đầu. Anh có dự cảm về một sự tan vỡ, Cúc Tần mãi là một khát vọng.

            Niên quay lại, bấm vào nút báo hiệu cho tiếp viên tính tiền. Đợi Niên cho tấm hóa đơn vào túi áo, Cúc Tần bước ra lối đi lát gạch, rồi chậm bước chờ Niên.

            - Quên sách vở đi, cô giáo ơi. Tình cảm và hôn nhân chỉ là khế ước xã hội, tùy nơi, tùy thời đại, tùy vào quy luật tự nhiên của giới tính. Thôi đừng huyền thoại lãng mạn nữa, nếu nói rõ, với khả năng của bệnh viện Từ Dũ hiện nay, đàn bà đã thắng quy luật tự nhiên về giới tính. Họ biết họ có con với người chồng nào vì họ làm chủ được sự thụ thai và sinh nở. Đa thê và đa phu.

            Cúc Tần sửng sốt. Cô muốn chạy thoát gã đàn ông được gọi là nhà văn này để gọi một chiếc tắc xi về nhà. Nhưng Niên nắm chặt tay cô trước khi thực hiện ý định.

- Em hãy khinh anh đi, Cúc Tần! Trong anh có một phần kinh tởm của sự trắng trợn ngu ngốc. Nói vậy, nhưng anh biết bằng chính lương tri anh, là không thể như vậy... -  Niên   thở hắt - Cảm ơn em đã dạy anh làm một con người chân chính. Cảm ơn em đã mở cho nhau một lối thoát chính đáng. Phải bản lĩnh hơn để thanh thản cùng nhau bước trên lối thoát ấy.

            Tay Cúc Tần mềm lại trong tay anh.

            - Về thôi, anh. Chúng ta không còn ở tuổi khó nói với nhau những điều như vậy. Thôi, quên, quên, quên. Về thôi, anh Niên! Đừng đứng ở đây thế này, kì lắm. Có nhiều người nhìn rồi đấy, anh!

            Niên siết tay anh vào chính tay anh:

            - Vẫn yêu nhau với giao ước chúng ta là bạn, nghe Cúc Tần?

            Cúc Tần gật đầu. Cô im lặng.

            - Yêu nhau với hai trái tim của hai người tình, nhưng chúng ta vẫn là bạn trong giao tiếp? - Niên muốn khẳng định rõ tình cảm yêu đương của anh, dù đấy là ý kiến của Cúc Tần, và mong cô đừng đổi ý, hoàn toàn xa lánh anh.

            Hóa ra những lối thoát tình yêu muôn đời vẫn cũ. Khẳng định với nhau về một giao ước đã cũ ấy, nhưng thật lòng Niên không vững tin. Rồi một mai Cúc Tần sẽ lấy chồng, chẳng lẽ vẫn yêu nhau như ''hồn bướm mơ tiên''! Có nên hoàn toàn xa lánh nhau cho nhẹ lòng nhau?

            Khi xe chạy qua cầu kinh, Niên nói:

            - Kiếm một quán ăn để ngồi với nhau chốc nữa nghe Cúc Tần?

            - Thôi, về đi anh. Tội nghiệp mẹ con Hòa Bình.    

            Niên buồn rã rời. Chiếc xe máy của anh chầm chậm về Tân Bình. Đường Bạch Đằng nối dài bằng Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, khá thẳng với xe cộ ngược xuôi dưới ánh đèn.

            - Anh đã ngu ngốc, từ ngu ngốc này đến ngu ngốc khác. Đừng giận anh nghe Cúc Tần.

            - Anh không hề ngu chút nào. Em quý sự thành thật và đúng mức, ngốc à!

            Niên thử lại tình cảm của Cúc Tần:

            - Mai anh lại đến Lá Xanh với em nghen?

            - Mai, và mốt, và kia, và bất kì lúc nào. Yên tâm đi, ông mãnh! - Cúc Tần cười trong trẻo, hồn nhiên.

            Mừng quá, Niên buột miệng:

            - Cảm ơn, bà mãnh! Bà mãnh muôn năm!

            Cả hai cười rất giòn. Có vài người đi xe gắn máy kề bên quay lại nhìn họ. Cúc Tần bỗng sợ có người quen hay học sinh nhìn thấy cô đang ngồi sau lưng Niên.

            Đêm đó, sau khi rửa dọn li tách, dồn bàn ghế vào căn bếp, đẩy tủ có bánh xe đựng máy truyền hình, máy băng hình vào phòng khách, đóng cổng và đóng cửa, Cúc Tần cùng Hoà Bình xem lại giáo án. Những công việc thường lệ cuối mỗi ngày vẫn chấm dứt lúc mười một giờ. Hòa Bình nằm bên con và chị họ của chồng, mỉm cười với những hình dung dí dỏm trong đầu. Cúc Tần cực kì xúc động, thao thức đến gần lúc nửa đêm, cố giấu những giọt nước mắt.

            Đêm đó, Niên cứ đi lui đi tới trong phòng ngủ. Đặt lưng xuống giường anh vẫn không ngủ được. Anh ngồi trong mùng tập khí công để điều hòa những xáo động trong hồn, đến khi đổ gục xuống cạnh Bông Trang. Bông Trang vẫn vô tư ngủ với gương mặt quá đỗi hồn nhiên của một cô giáo trung học tỉnh lẻ đã mười năm ném viên phấn khỏi tay, quên hết chữ nghĩa, bởi rắc rối do bà con ruột thịt, và theo cơm áo chồng con. Một cô gái phù sa miền châu thổ đã cằn cỗi dần giữa phố phường đắt đỏ, lo toan, duy nụ cười vẫn trẻ thơ, hồn hậu ngay cả lúc đang ngon giấc.

 

 

 

Xem tiếp:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/co_mnlmxanh-3.htm

 

Cũng có thể xem tại:

 

http://tranxuanancmnlamaixanh.blogspot.com/

http://tranxuanancmnlamaix2.blospot.com/

Trở về trang

danh mục tác phẩm -- muc lục:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/danhmtphamtxa_googlepcreator.htm

 

bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

______________________________________________________________________________________________________________

 

Trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 

01 & 02-5 HB7 (2007) = 15 &16-3 Đinh hợi HB7