BÀ THUỴ KHUÊ VIẾT VỀ BỘ SÁCH “PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG” CỦA TÔI (TRẦN XUÂN AN)

BÀ THUỴ KHUÊ VIẾT VỀ BỘ SÁCH “PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG” CỦA TÔI (TRẦN XUÂN AN):

“Ở trong nước, Trần Xuân An, hậu duệ đời thứ năm của Nguyễn Văn Tường có viết bộ truyện ký tựa đề Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (nxb Văn Nghệ tpHCM, 2004) theo lối lịch sử tiểu thuyết, dựa trên những sự kiện có thật ghi trong Đại Nam Thực Lục, tiếc rằng bộ sách này không mấy giá trị”. — (http :// thuykhue. free. fr / thumucindex. html).

Câu văn của bà Thuỵ Khuê khiến người đọc phân vân không hiểu là bộ sách do tôi viết và xuất bản hay bộ sách “Đại Nam thực lục”, theo bà, là“không mấy giá trị”!

Mục đích của tôi là làm sáng tỏ oan khuất của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886). Do đó, tôi đặt nặng tính sử học, nên sau quá trình nghiên cứu, khảo luận (3 cuốn sách khác của tôi, cùng đề tài, hoàn tất bản thảo, 1999-2000 & 2002, Nxb. Thanh Niên 2006 & 2008), tôi không viết tiểu thuyết lịch sử như dự định ban đầu mà chuyển sang viết truyện kí lịch sử (bộ sách 4 tập này, hoàn tất bản thảo 2003, Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004).

Tôi nhận thấy, trong “Đại Nam thực lục” (tập 36 và tập 37, tính theo bộ sách do Nxb. KHXH. xuất bản lần thứ nhất) có những tư liệu thuộc loại văn kiện rất có giá trị sử học, đủ để thanh minh cho Nguyễn Văn Tường (1824-1886). Những tư liệu dưới đây, nhất là cáo thị (ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH., 1976, tr. 247) của giặc Pháp khi bắt Nguyễn Văn Tường (1824-1886), đặc biệt là bản án chung thẩm (ĐNTL.CB., tập 37, Nxb. KHXH., 1977, tr. 35), chưa được các nhà nghiên cứu trước tôi khai thác, vì họ không ngờ trong tập 37 (kỉ Đồng Khánh) lại có nó! Họ cứ đinh ninh là hành trạng của Nguyễn Văn Tường đã chấm dứt ở tập 36 (kỉ Kiến Phúc – Hàm Nghi).

Đạt mục đích yêu cầu về sử học là thanh minh trọn vẹn cho nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886), bằng các tư liệu có giá trị, là bộ sách 4 tập của tôi đã có giá trị rồi. Việc này, trước tôi, chưa ai làm được như thế.

NHỮNG TƯ LIỆU RẤT CÓ GIÁ TRỊ TRONG BỘ SÁCH “ĐẠI NAM THỰC LỤC” (KỈ KIẾN PHÚC – HÀM NGHI & KỈ ĐỒNG KHÁNH):

1) Mật dụ của Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) từ Tân Sở gửi về Nguyễn Văn Tường, cùng một ngày phát Dụ Cần vương, 02.6. Ất dậu (13.6.1885):

“… Tôn Thất Thuyết còn giữ giá vua còn đóng ở Phòng Quảng Trị, đã kèm vua ra Lệnh dụ Thiên hạ cần vương, lại sẽ dụ bảo Nguyễn Văn Tường và yên ủi những người họ mạc ở trong kinh, đều một đạo, do đường dịch lộ chuyển chạy về kinh. (Khi ấy tự Phòng đến kinh ống trạm còn chuyển đệ được). Đó đều là việc từ mồng 7 tháng này trở về trước.

Ngày mồng 2 dụ Văn Tường, lược nói:

“Y [Cô-ra-xy (De Courcy) – TXA. ct.] thấy ta càng khuất, y càng ngày càng lấn, khiến Triều đình không còn mặt mũi nào, vạn bất đắc dĩ mà ta mới phải làm cái kế bỏ thành đi ra ngoài. Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng ta cùng quanh quẩn, còn ngươi là phụ chính đại thần thì ở lại mà thương đàm, kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước lo dân làm căn bản. Trời đất thực cũng chứng giám. Ngươi nên khéo thể tấm thịnh tình của tiên hoàng đối với nước láng giềng rất có thuỷ chung và cùng y giảng rõ về lý thế, cân nhắc về lợi hại, hết lòng thoả hiệp [:hiệp bàn thỏa mãn đôi bên, không phải “thỏa hiệp vô nguyên tắc” – TXA. ct.], phàm những khoản gì bách thiết, chung nhau bàn đổi, cốt khiến cho 2 nước như anh em, vinh nhục cùng quan hệ, vui lo cùng chung nhau mười phần chân thành, không còn dùng đến uy thuật. Lúc này ta mệnh cho hồi loan, trên để phụng dưỡng ba cung, dưới để yên lòng thần dân, khanh cùng với Tôn Thất Thuyết trung trinh chói lọi, muôn thuở cùng sáng, những phường nịnh tử gian phu, đều phải lặn hình giấu bóng. Nam triều ta há chẳng hân hạnh ư, nước Đại Pháp chắc cũng vui vẻ mà cùng giữ lấy cường thịnh vậy.

Nếu không như thế thì các miếu xã lăng tẩm và các vương công không kịp đi theo ấy thì hết thảy uỷ cho khanh. Ta duy có chọn đất lánh ở, sợ trời vui trời, rường cột cương thường, cả nước cùng thế, không đâu không phải là Triều đình và không phải là tôi con vậy. Trẫm quyết không cùng với họ tranh được thua vậy.

Tình thế ví lại không thôi, trẫm nguyện phái thêm cán viên, lấy đường đi khắp các nơi, nghiêm sắc cho Ninh Bình trở về phía bắc, bao nhiêu quan tỉnh, phủ, huyện đều để ấn lại mà đi, người nào như có trung nghĩa tài lược không kể quan hay dân, đều cho được tiện nghi làm việc [nhân dân, sĩ phu khởi nghĩa – TXA. ct.], cốt không phụ tấm lòng tốt của triều đình dưỡng dục, tác thành, yên được bóng thiêng liêng ở trời của liệt thánh, và đáp phó được nguyện vọng [khởi nghĩa chống Pháp – TXA. ct.] tha thiết của thần dân trong nước. Khanh nên nghĩ cho kỹ nhé, có muốn nên tâu đối, thì gởi theo đường trạm chờ xét cũng chẳng hại gì””.

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH., 1976, tr. 225 – 226).

2) Mật dụ của Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) từ Tân Sở gửi về hoàng tộc, ngày 07.5 Ất dậu (18.7.1885):

“Ngày mồng 7, dụ các người trong họ, đại lược nói:

“Dụ Thọ Xuân vương, phụ chính Hoài Đức công và các bọn hoàng phiên, công chúa nghĩ coi: Nước Nam ta nhiều lần bị kẻ khác bức hiếp nhiều khoản, phàm có tai mắt khí huyết không ai là không uất ức buồn rầu, chẳng riêng người trong họ ta mà thôi. Trẫm vâng di mệnh của tiên quân, và các vương công phụ thần cùng suy tôn lên quyền giữ việc nước. Phàm có trăm điều đều duy kiến nghị, phải ấy thì theo. Trẫm tuổi trẻ, kiến thức chưa rộng, dám đâu chuyên trái việc gì, cho nên hễ khi tiếp được thư của nước Đại Pháp gửi đến khoản gì, nếu quá lăng nhục và yêu sách quá đáng, nhân tình không thể chịu được, mật nghe vương công và các phụ chính khuyên bảo, không đâu là không cưỡng tự đau đớn nín náu, chịu theo êm việc, vì muốn bảo toàn xã tắc, để họ mạc lâu dài hưởng tôn quý giàu sang vậy. Không ngờ sứ Pháp ngang ngược ngày thêm, không còn được chút quốc thể, cúi xuống đất, ngửa lên trời, xiết bao hổ thẹn, vạn bất đắc dĩ mà phải làm ra việc này; quay nhìn nơi lăng miếu và các bậc ý thân, thực không biết bao nhiêu là tưởng nhớ, chả biết trong tôn tộc từng có tin đến sự lo xuôi nghĩ ngược của ta không? Nay đã có phụ chính huân thần là Nguyễn khanh [tức là Nguyễn Văn Tường – TXA. ct.] ở lại giảng nói, che chở nhiều việc, hơi được yên ổn; huân thần tâm sự như thế, cáng đáng như thế, thực là đau khổ quá chừng. Nhân vật nước ta, những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được. Trẫm cũng dụ cho đại thần ấy hết lòng bàn tính công việc, tâu chờ quyết định. Vương công đều là cốt nhục chí thân, đều nên thương ta khổ tâm, thể tất ta vô cùng. Phàm việc gì cùng với Nguyễn khanh châm chước thoả đáng, cốt không trái với cương thường của trời đất. Nên được nền bình trị lâu dài của quốc gia, ngõ hầu để được tiếng thơm muôn đời, thế là lành lắm, tốt lắm. Trời đất dài lâu, gặp nhau có hẹn. Nước nhà suy thịnh, gặp hội đổi thay, càng nên trân trọng di dưỡng, để yên tấm lòng xa của người tuổi trẻ. Còn ra sẽ uỷ cho Nguyễn khanh sẽ vì ý thân điều đình cho thoả đáng, vụ được như thường. Phàm người họ ta, cần tin lời ta nhé, thế thì ta mới yên lòng””.

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH., 1976, tr. 226 – 228).

3) Dụ của Từ Dũ và 2 cung, đánh giá cao cuộc Kinh Đô Quật Khởi, tháng 7 Ất dậu (cuối tháng 8 bước sang đầu tháng 9.1885):

“… Từ điều ước tái định [Patenôtre – TXA. ct.] đã được phân minh, khiến nước Pháp trước tự bại hòa gây biến, thì phàm ai ở đất vua, cũng đều thù ghét [giặc Pháp – TXA. ct.], ai bảo là không nên. Không gì bằng cuộc nghĩa cử đêm 22 tháng 5 năm nay …”.

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH., 1976, cuối tr. 244).

4) Bản án của thực dân Pháp về Nguyễn Văn Tường, do De Courcy, De Champeaux cáo thị, ngày 27.7 Ất dậu (05.9.1885):

“Đô thống Đại Pháp là Cô-ra-xy [De Courcy – TXA. ct.] bắt thái phó, Cần Chánh điện đại học sĩ, lãnh Lại bộ thượng thư, kiêm sung Cơ mật viện đại thần, Kì Vĩ quận công, là Nguyễn Văn Tường xuống tàu thủy chạy đi Gia Định.

Cứ theo lời cáo thị của khâm sứ Tham-bô [De Champeaux – TXA. ct.] nói: Văn Tường từng đã chống cự nước ấy [nước Pháp – TXA. ct.] thực đã nhiều năm. Từ khi cùng Tôn Thất Thuyết sung làm phụ chánh, chỉn [: vốn – TXA. ct.] lại đổng suất quan quân nổi dậy công kích quan binh nước ấy [nước Pháp – TXA. ct.]; và Văn Tường do đô thống ấy xin [chính phủ Pháp – TXA. ct.] cho hai tháng [nhằm để – TXA. ct.] lo liệu việc nước cùng Bắc Kỳ cùng được lặng yên vô sự; [kì thực – TXA. ct.] đến ngày 27 tháng ấy hết hạn, mà các tỉnh Tả kỳ về phía nam, có nhiều nơi nổi quân chém giết dân giáo. Đến đây đô thống ấy định án, ƯNG [:NÊN ; PHẢI – TXA. ct.] kết tội lưu.

Hôm ấy chở đem Văn Tường đến cửa biển Thuận An. Buổi chiều Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình đi tàu thủy Pháp cũng về đến cửa biển ấy.

(Thuyền Pháp chở Văn Tường đến Gia Định, sau chở gồm cả Phạm Thận Duật, Lê Đính đem về nước ấy [thuộc địa Tahiti – TXA. ct.]; Thận Duật trong khi đi đường bị ốm chết ở trong tầu, buông xác xuống biển) …”.

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH., 1976, tr. 247).

5) Bản án chung thẩm của ngụy triều Đồng Khánh (có chữ kí của De Courcy) về Nguyễn Văn Tường và 3 thành viên khác của nhóm chủ chiến Triều đình Huế, tháng 8 Ất dậu (tháng 9.1885):

“Tôn nhân phủ và đình thần dâng sớ tâu bày tội trạng của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, xin tước hết quan tước và tịch thu gia sản; tham tri Trương Văn Đễ đã quá cố, và chưởng vệ Trần Xuân Soạn, đều là bè đảng làm loạn, cũng tước cả quan chức. Trong bọn ấy, thì Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, xin do quan địa phương xét bắt bằng được và chém ngay, để tỏ rõ hiến pháp trong nước. Vua nghe theo”.

(ĐNTL.CB., tập 37, Nxb. KHXH., 1977, tr. 35).

Xem thêm tư liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn:

6) Về năm mất của Nguyễn Văn Tường:

“Nguyễn Văn Tường, người xã An Cư, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị […]; làm quan tới chức Cần Chánh điện đại học sĩ, phụ trách đại thần, tấn phong Kì Vĩ quận công. Sau sự biến năm Ất dậu (1885), chết ở bên Tây” [*].

(Cao Xuân Dục và Quốc sử quán triều Nguyễn, “Quốc triều hương khoa lục”, bản dịch, Nxb. TP.HCM., 1993, tr. 297).

[*] Đảo TAHITI, thuộc địa của Pháp. Xem thêm: Aldophe Delvaux, bài “Cái chết của Nguyễn Văn Tường, cựu phụ chính An Nam”, Những người bạn cố đô Huế (BAVH.,1923), bản dịch, sđd., tr. 478 – 485. Chúng tôi (Trần Xuân An) đã có ý kiến ở bài nghiên cứu “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi 05.7.1885” về bài báo xuyên tạc và đầy thù hận này, đồng thời vẫn tiếp nhận để sử dụng các tư liệu gốc (ở đây là văn bản hành chính) của thực dân Pháp trong bài báo ấy. TXA.

Xem các tư liệu trên tại đây:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/nvt-mot-nguoi-trung-nghia/tep-9

Cũng nên xem thêm hai mật dụ vua Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) gửi về từ Tân Sở:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/nvt-mot-nguoi-trung-nghia/tep-8

.

.

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE