a. Trần Xuân An - Hát với đời ơi thương mến - Tệp 3

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

06/30/09

 

           

 

 

        Phần 1

 

        Phần 2

 

        Phần 3

 

 

12 tháng 3 HB6 (2006)

                              

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

     h á t 

     v ớ i  đ ờ i

     ơ i

     t h ư ơ n g 

     m ế n

 

tập thơ

 

 

nnhà xuất bản trẻ 1996

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TRĂNG Ở NHÀ THƯƠNG

 

mây ơi trời còn thênh thang

khéo bay cho nhé

đừng choàng bóng đêm

đen lên giấc mộng êm đềm

người điên đang thoát ra thềm

với trăng.

 

 

 

 

NHÌN RA ĐƯỜNG PHỐ

 

máu hồng thủy từ đâu ngập cả Tiền Đường

những đóa Kiều đắm chìm đang vút lên bừng sáng

từ giọng hát khổ đau

                   sớm nay

                   giữa lòng phố nắng

nắng đỏ lòa mặn đắng mắt tôi?

 

máu hồng thủy từ đâu ngập bát cơm ôi

người mù quờ tay run rẩy

từ màu áo cô dâu chói lên lộng lẫy

xe hoa lướt bên ai lê lết thều thào

 

máu hồng thủy ngập lút niềm tin xót đau

tình yêu cuộc đời trong mắt trẻ

máu hồng thủy sớm nay tang thương

                                             và rực rỡ thế

chảy tràn ướt đẫm môi cười!

 

máu hồng thủy trào dâng lụt đời

từ mỗi người cho mỗi người sống lại

Chúa sai lầm vẫn sai lầm, có phải

sai vườn trái cấm! sai thuyền Nô-ê!

 

tội tổ tông truyền

              máu vượn bừng mê

sôi dòng đời Tiền Đường

              lặn hụp bao tâm hồn đang lễ rửa?

Chúa ban Tự Do – Tội Lỗi – Lời Hứa

Giê-su cũng thấm thía kiếp người!

 

ôi Giê-su, cứu rỗi bằng Tình Thương,

        Phán Xử Cuối Cùng!

       và Khát Vọng Phục Sinh! (*) Tôi tin vào Mồ Hôi

Chất Xám và Thơ cao hơn cỏ cây và thú

máu hồng thủy cuốn phăng

                             nọc tanh rắn dữ

trong tim em tim tôi trôi theo Tiền Đường. 

 

 

 

 

 

NỤ CƯỜI ƯỚT MƯA SAU DỐC MẠ ƠI

 

cổ thụ chết đứng lau tre quắt

rừng già còn ngấm chất da cam

tứ thơ sao để trơ và trụi

mưa xối hồn ào ạt thét gầm

 

lá rụng ngàn năm đất tơi xốp

mưa nhào dẻo quánh dọc triền sông

sên vắt nhảy búng xuyên vào ngực

tim hoài rỉ máu, thác ghềnh hồng

 

thác ghềnh ghềnh thác chảy xé đá

bom xô trái núi suối lệch nghiêng

mấy mùa mưa dội lên trang sách

thì đọc nỗi đời trong mắt hiền

 

mưa xanh rừng lửa, mưa làng mới

sũng mũ-tập-kết, nón bài thơ

già nua bủng và con gái bẫm

bầm cuồng sĩ ngố, beo giáo khờ

 

mưa chiến khu thời-chưa-hậu-chiến

trạm xá lán tranh sắp lớp nằm

mưa kháng chiến chống rách và đói

cấm vận, giặc phương bắc, tây nam!

 

mưa bom mưa truyền đơn, thuốc độc

tuổi nhỏ nhìn bay đặc góc trời

và mưa. Mười lăm năm ngẫm lại

ơn Nụ Cười sau dốc nghẹn Mạ Ơi.

 

 

 

 

PHÁC THẢO BÊN BỜ XUÂN HƯƠNG

 

sóng đan nắng đan dọc ngang

rộng trải mênh mông tấm chiếu…

lẻ loi thuyền lá nâu vàng

lưới kéo đỏ một dải voan…

 

ai như cô bé hoạt hình

rơi vào chiếc giày cổ tích…

khăn màu đất hồng lung linh…

trên giấy ô li bình minh

 

cơ hồ chú nhóc mê đời

ra thủy tạ ngồi sưởi nắng

bóng ngã lên manh chiếu ngời:

sóng vổ mơ màng giấc tôi

 

bóng ngã trên trang hừng đông

gối đầu cánh lá óng ánh

dập xóa ảo thực ngợp lòng…

(ai có đánh lưới tôi không?)

 

toan sáng nay dệt xong rồi

xin lưới ai vào tranh nhé

bầy sói xa xăm xa xôi…

hát lên nàng tiên cá ơi…

 

 

 

 

THOÁNG MỘT MÌNH LÔNG BÔNG

GIỮA BẠN BÈ ĐÀ LẠT

 

gió khơi vơi phố mây trôi

hương con gái núi, ngát trời hoa hương

sớm leo dốc cõi thiên đường

nắng thơm lụa mát khói sương ấm dần

 

dăm người xứ Thượng thánh thần

đen tượng trầm mọng vú trần nguyên sơ

nhớ mẹ hòa bình Âu Cơ

trứng trăm lẻ một bây giờ nở tôi

 

bàn trống đồng, trà lọc, rơi

mưa xưa thả hạt nghe vời vợi vang

tôi khuất chìm rừng ba dan

suốt nghìn năm, nay say đàn đá em

 

(các em ngọt bốn sắc kem

từ trăm miền tới, tuyệt thêm nẻo trời

gót hồng du học, rong chơi

mắt ai trinh nữ vạn nơi in vào!)

 

bồng lai bồng bềnh trên cao

văn minh miền hạ ồn ào trĩu tim

cỏ hồng ru thiếp lim dim

tiên bác sĩ Kơ Ho tìm tôi không?

 

ngân hà thơ vẫn lông bông

thuở nào sao chẳng bắt chồng là tôi

vì đời, Trời ngoại tình Đời!

ta phàm, trót lạc nhau rồi, buồn ơi

 

thương bao kinh sách xa xôi

chia dòng, khác tiếng! con rơi, đâu nhà!

khác, chia, càng khác màu da

cha đâu? trìu mến gọi cha xanh trời!

 

chuyện Trời của Đất đó thôi

em rất tiên trong thơ tôi rất tình

vẽ duyên giòn bồ quân xinh

cưỡi đĩa băng, khắp nước mình, giọng nâu!

 

 

 

 

LẬP XUÂN

 

gió cao nguyên về chơi đây?

thoảng heo may rét ngọt ngày hanh se

cuối năm vàng buốt nắng hè

áo khoác bay, len ven lề màu hoa

 

lập xuân? hôm nay, chiều qua?

hay sớm nào thơm chút quà thiên nhiên?

cho Sài Gòn rất cao nguyên

tháng chạp chưa, đào đang giêng hai hồng?

 

phố mai này có say không?

đôi môi ngỡ chạm hừng đông Tết rồi

anh thèm hôn cả đất trời

Sài Gòn nhẹ bổng cao vời cao xanh!

 

ơi cao nguyên ở trong anh

thoang thoảng lạnh đã ngát quanh mắt nhìn

lâng lâng thử dễ yêu tin

ai lụa đào, ngỡ lấp ló vin hoa đào!

 

 

 

 

THĂM NGƯỜI BẠN LỚN TUỔI

 

chiều hôm lên núi cao

tìm gọi thân quen nào

bóng thông đêm thêm đậm

bừng thắp nhấp nhánh sao

 

bao nhiêu năm, chiêm bao!

mừng giọng chưa khô khao

đồi vắng, đèn vàng úa

nhòa lu cho nơi nao?

 

gió lạnh vắng xôn xao

rượu thịt xa sôi trào

bạn và tôi cười ngất:

bớt tanh đời, lao đao!

 

thơ đắng cay, ngọt ngào

chút lòng hoài giảng rao…

xách trĩu như tay nãi…

thầy ơi, xin cúi chào!

 

phố mây thôi gầy hao

sông trời đâu tiêu dao

thơ ta còn dấn bước

ngủ trong sóng lao nhao.

 

 

 

 

EM KHẮP ĐẤT TRỜI

 

ngỡ về với núi và mây

sương bờ suối, rượu ngút say trăng rừng

quanh em hoa nở bập bùng

ngát trăm sắc lụa giữa mung lung trời

 

nhưng một tôi thầm lặng đời

bước rong ruổi rất rong chơi, miệt mài

em thoang thoảng thoáng hương lài

đường xa, vẳng hát rộng dài ngày đêm

 

tưởng ai xóm thợ khói lem…

heo may gió, tóc xanh thêm, ngấn bùn…

mực rưng đầu ngọn bút cùn

bóng em lóng lánh ngời, hun hút nhòa

 

xanh xưa giờ chấp chới hoa

điện ven lối nhớ thắp qua nẻo nào

trôi trôi biêng biếc ngọt ngào

em nơi nơi, man mác, xao xuyến và…

 

 

 

 

NHÀ ƠI

 

I

trái tim ra sao trong ngực

cứ thôi thúc anh bay bổng những phương xa

lạc sương tím và phiêu lưu gió biếc

lại thầm ru khi mỏi bước về nhà

 

ngày xưa, anh đoán là chim trời rộng

bị giam cầm lồng chật, buồn rầu

như thân phận con người, lóng ngóng

rất thèm bay nhưng chẳng biết tới đâu!

 

ơi trái tim, hóa chú chim từ lâu đã mến

theo tiếng sáo liệng bay, bay lả bay la

bay nhảy bên anh, líu lo lảnh lót

mắt trải đời vẫn lóng lánh lá hoa

 

trái tim vất vả, già nua

                để hồn nhiên, thơ dại

ríu rít ngân vang và thích lang thang

mai sau,

        anh còn khung lồng xương trắng

dưới đất đen, nghe thánh thót mênh mang

 

 

II

 

nhà ta ở Sài Gòn

          lại giống lồng chim thoáng đãng

anh cũng loài chim thôi!

thênh thênh cùng non nước

cần mẫn rong chơi, nhưng nào phải rong chơi  

 

sông đỏ, biển xanh,

               đồi hồi, rừng đước

bao giấc trọ say, đường dài xa xôi

bay bay về em –

               căn nhà đích thực

hát mê: Nhà ơi!

 

 

 

 

NHỮNG KỈ NIỆM VĂN NGHỆ

 

Dưới đây là các trích đoạn những bài báo mang đậm dấu ấn cảm nhận riêng của các anh em văn nghệ. Là tác giả của các tập thơ được giới thiệu, đánh giá, tôi chỉ thích mình như một độc giả, trước những bài báo này, kể cả những bài tựa, bạt. Chỉ thế, bởi lẽ, xưa nay, thẩm thức vốn có tiêu chí, chuẩn mực khách quan, nhưng cũng thật vô cùng, và lắm chủ quan bất ngờ! Trích in lại những bài báo viết riêng về thơ tôi, ở đây, trước hết, để bày tỏ niềm cảm ơn đối với những tấm lòng thơ ca ấy, và hơn nữa, là sự lưu giữ, trân trọng kỉ niệm văn nghệ…

 

I. Mưa nắng của đồng quê

 

… Trần Xuân An làm thơ về mẹ, về vợ, cho con, cho những người thân mà Trần Xuân An mang ơn như chính cuộc đời… Ai đó, người Quảng Trị đi xa, được cầm trên tay tập thơ của Trần Xuân An sẽ nghe lòng hoài vọng về xứ sở mình, về cái làng Kẻ Diên, nghèo khó, trơ vơ xương rồng cát trắng, và sẽ thấy ngay trong những bài thơ chỉ khắc họa bóng dáng Kẻ Diên, ngọn nguồn Thạch Hãn, vẫn là dáng dấp quê nhà Quảng Trị, Miền Trung với bao ngày mưa tháng nắng, bao chớp bể mưa nguồn. Đọc, và bâng khuâng thương nhớ, bởi lẽ, đi đâu, ở đâu, không riêng gì Trần Xuân An, ai trong chúng ta cũng đau đáu về mái tóc sương mẹ già xế bóng, canh cánh một quê nghèo lặn lội suốt tháng năm, đeo đẳng cùng kí ức những kỉ niệm tuổi thơ, những buồn vui bao kiếp người ở một nơi xứ vốn chịu quá nhiều khốc liệt của chiến tranh…, giữa nghiệt ngã dòng đời và thử thách của số phận. Trong mạch nguồn liên cảm ấy, “Nắng và mưa” của Trần Xuân An là cây xương rồng Kẻ Diên trên khô cằn nắng hạn, giữa trùng điệp sa ngàn, vẫn lặng lẽ cho đời một đóa tinh khôi muốt trắng…

 

(LÊ ĐỨC DỤC

báo Quảng Trị,

số 99, 25. 05. 1991)

 

II. Một bài thơ thao thức nỗi quê nhà

 

… Sống ở Kẻ Diên hay dạy học ở Tây Nguyên, rồi vào sinh sống tại Sài Gòn… Trần Xuân An vẫn hoài vọng tìm kiếm một chất đời tinh hoa cho kiếp thi sĩ. Thơ anh là nỗi đau dịu ngọt của sự tha hương và nhập thế, là niềm tin thảng thốt giữa hiện thực và tương lai, là lời tạ ơn, sám hối với cõi quê nhà cùng trời rộng…

Tóc bay sương trắng là một ài thơ anh viết về cõi quê nhà trên nền phương trời lưu lạc của đứa con trai mười bảy tuổi…

… Giọng thơ Trần Xuân An tinh khiết, huyền ảo…

… Đó chỉ là tượng trưng của một thế giới nội tâm, của nhân cách con người, là bất chợt lóe sáng trong thường trực của một tâm trạng…

… Nỗi lòng cố hương của Trần Xuân An sao mà lo âu khắc khổ. Anh thương Mẹ, thương quê đến đau đáu mà bi quan. Cái bi quan quý báu, da diết mà không làm tàn lụi hi vọng, chỉ với thân phận thi sĩ, mới nắm bắt và thể hiện được, đâu phải dễ dàng đơn giản gì?

Viết về Mẹ và Quê hương, đó là đề tài và trách nhiệm cao cả của thi sĩ muôn đời. Viết được như Trần Xuân An, là vơi đi niềm ân hận – cái ân hận của phận làm con khi phải đi xa nơi mình tôn thờ và hằng tưởng niệm.

Tóc bay sương trắng, đó chính là Mẹ và Quê hương Quảng Trị, dù có đi xa, đời đời đầu còn ngoảnh lại. Một vùng quê nắng chát mưa cay sao mà yêu đến thế, thương đến thế!

 

(NGUYỄN TIẾN ĐẠT

báo Quảng Trị

03. 1994)

 

III. Bao giờ mơ cỏ thành hoa

 

… Buổi trưa yên tĩnh, dưới tàn cây trứng cá nhà mình, tôi thú vị vì những bài thơ đọc được. Tháng mười hai, trời cuối năm vốn dễ làm con người bâng khuâng, vậy mà: Bao giờ đá cuội làm tim, Để tôi hờ hững như em bây giờ… … Bao giờ mơ cỏ thành hoa, Cho em biết khổ để mà thương tôi… (Bao giờ) – cú chơi ngược ý từ ca dao Bao giờ rau diếp làm đình, Gỗ lim ăn ghém “cho mình thương ta”…

… Tôi bỗng nghĩ về cô gái không có chân dung ấy. Cô là ai mà sự hờ hững dửng dưng khiến người đàn ông ấy phải kêu lên tiếng kêu oán trách nhưng vẫn dịu dàng, lặng lẽ nhưng đầy đau đớn…? … Chiếc nón ngà trên vai Nguyên Ngân, Vầng trăng xưa che nghiêng thì thầm… … Loanh quanh chim bay rừng vạn cổ, Bỏ không lồng ngực mưa ngàn dâng, Trôi đi, trôi đi, về châu thổ, Hương tàn phai lá mục đầy lòng… (Nguyên Ngân). Một cách nói tượng trưng, hỗn độn, không thời gian, không gian nhưng vẫn rất thơ, vẫn đọng lại cái gì đó để cảm được. Thơ không chỉ để hiểu, có khi cũng chẳng cần hiểu…

Tập thơ 86 bài hầu hết là thơ lục bát. Có lẽ Trần Xuân An thích thể thơ rất Việt Nam này. Thực sự không phải bài nào cũng hay nhưng bài nào cũng có thể nhặt ra được một vài câu gợi cảm: Nắng mê thiêm thiếp giấc trưa, Nắng vàng kí ức, khế mưa tím lòng… (Sài Gòn, trưa đi lạc).

Thế rồi trong cái gam màu trữ tình của những bài thơ tình lục bát, đột ngột có một cú nhập đồng kì dị: Ngày trầm hương thơ ca… … Những hình ảnh lấp lánh ngũ sắc xen kẽ với những lời lầm thầm lạ lùng: Thương thơ vùi đắng, hồn trơ đá…

… In đậm vào thơ anh là dấu ấn của một miền đất quê nhà. Thơ anh còn là hình ảnh của một miền quê chung…

 

(ĐỖ TRUNG QUÂN

báo Tuổi Trẻ, TP. HCM.,

số 145/92, ngày 10.12.1992)

 

IV. Trần Xuân An hát chiêu hồn…

 

… Trần Xuân An tự biểu lộ một con người trữ tình, luôn biết rung động và đầy cảm xúc trước thiên nhiên, khi hoài niệm, với bao tình tự ngập tràn, xốn xang. Qua bao tháng ngày lưu lạc, tâm thức lãng mạn trong anh càng cháy bùng rồi với bao trăn trở, nó đọng lại thành những suy niệm mang chút dáng dấp tâm linh

… Nỗi nhớ của anh cứ bàng bạc khắp lời thơ, nó cuồn cuộn với hoài niệm, với tình quê để làm nên bản chất trữ tình của anh. Khám phá thơ anh chính là khám phá bản chất ấy…

… Người đọc nhận ra dáng dấp, khuôn mặt của một người đã trải qua những ưu tư, trăn trở…

… Có thể hiểu đó là những giây phút lắng lòng để tự phản tỉnh, để tra hỏi, để tìm về cái ngã sau khi thả hồn chơi vơi trong nhiều thế giới. Và bi kịch bản thân đến với anh từ đó…

… Anh đã từng chập chững giữa hai biên giới: Lòng tôi hồ điệp thoảng trầm vô vi, Là người, là bướm từng khi… Để rồi anh kêu lên thảng thốt: Cho tôi sống lại với đời! Và khi anh trở lại với đời, anh cảm nhìn mình là một kẻ xa lạ.

… Một người như thế làm sao không khỏi buồn cô độc… … Và cứ thế, hình ảnh cuối cùng mỗi khi ta nhìn về Trần Xuân An vẫn là cái hình ảnh chông chênh trong cuộc đời của một kẻ đi tìm chính mình sau bước đường lưu lạc…

 

(NGUYỄN PHÚ YÊN

báo Vũng Tàu Chủ Nhật,

số 94, ngày 14. 02. 1993)

 

V. “Tôi vẫn ở trên đường”, lặng lẽ một nụ cười

 

… Như một hành giả mải miết trên đường, khát khao những bến bờ tin yêu của niềm vui và hạnh phúc, anh luôn cố vượt qua chính mình, vượt qua nỗi đau và bao niềm trầm uất, khắc khoải. Anh vọng về “một thuở xa xăm”, về một cõi vô biên, mơ hồ, xa vắng. Anh hướng về phía “chân trời yêu thương”, bồi hồi hi vọng. tất cả những thể nghiệm tâm hồn ấy, phải chăng, với anh, là để quên đi bao đắng cay và giông bão giữa cuộc đời thường… Nụ cười lặng lẽ tin yêu ấy, cùng những khát khao tìm kiếm lời giải đáp cho những câu hỏi của thế giới nội tâm và tâm linh sâu thẳm, đã cuốn hút để Trần Xuân An không còn quá bận tâm về câu chữ, khiến thơ anh vì thế hầu như có một chất giọng riêng… Tôi vẫn ở trên đường mở ra trước chúng ta những trang nhật kí thơ của một tâm hồn mẫn cảm. Tâm hồn ấy khát khao hòa nhập nhưng chưa thể hội nhập trọn vẹn với đời, vẫn còn có chút nỗi riêng nào đó u uất buồn phiền như của Tam Lư Đại Phu Khuất Nguyên hay chút cười cợt, khinh bạc, chua chát, xót xa như của Lỗ Tấn. Và phải chăng, có những nghịch lí nào trong tâm thức anh cũng là điều dễ hiểu thôi, một khi, Trần Xuân An quá thiết tha yêu mến cuộc đời và đồng thời lại thiết tha cái Vô Cùng, Vĩnh Cửu.

… Dù sao cũng mừng là sau tất cả mặn, đắng, chua, cay, vẫn còn vẹn nguyên: “Niềm tin yêu vào Con Người, khát vọng làm người, Thiêng liêng hơn ngàn thiêng liêng khác”…

 

(CAO QUẢNG VĂN

báo Người Lao Động TP. HCM.,

số 137, ngày 17 – 24. 09. 1993)

 

VI. Kẻ bị ném vào bão

 

Những năm gần đây, với cơ chế thị trường, sáng tác văn học đã tạo được dung mạo mới mẻ với sự xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm của nhiều tác giả. Tính tích cự của hiện tượng này ở chỗ người đọc có thể phát hiện những giọng điệu mới, những phong cách đa dạng của văn học hiện đại. Và cũng chính từ trong bối cảnh này, những khuôn mặt trẻ xuất hiện mang theo cả ngôn ngữ và hơi thở của mình. Trong số họ, có thể kể đến nhà thơ trẻ Trần Xuân An.

Với ba tập thơ đã xuất bản mấy năm trước đây (Nắng và mưa, Hát chiêu hồn mình, Tôi vẫn ở trên đường), Trần Xuân An đã khẳng định được giọng điệu và vị thế riêng trong làng thơ trẻ. Đọc thơ Trần Xuân An, người ta nhìn thấy cả một thế giới hoài niệm luôn mở ra những hình ảnh hiền hòa của thiên nhiên và quê nhà yêu dấu mang đậm chất trữ tình. Cùng với sự đổi thay của cuộc sống và tâm hồn, thế giới thơ của anh hôm nay cũng đã biến đổi theo. Điều đó thể hiện rõ nét trong tập thơ vừa mới ra đời của anh: Kẻ bị ném vào bão (NXB. Trẻ, 1995).

Nhan để tập thơ đầy hình tượng dường như đã báo trước với người đọc một bước ngoặt mới, bỏ lại đằng sau anh những con chữ hiền hòa, tỉnh táo cùng cái nhạc điệu du dương của con đường quê, mái lá quê nhà. Từ đây, vẫn dòng đời lặng lẽ trong sáng tạo song đã nghe ra hết nỗi niềm buồn vui khi anh chiêm nghiệm bao nhiêu chuyện vật đổi sao dời, sự chiêm nghiệm đôi khi muốn bước qua ranh giới của triết lí.

Khi anh trở lại với đề tài dân dã, anh vẫn còn rung động trước Đồng không, bông súng, Đất cát, Mùa lụt, Mùa hạn, Đồng dao cò trắng quê nhà… Không chỉ dừng lại đó, thế giới của anh mở rộng hơn: Khỏa thân sống, Từ vệ tình ảnh không lời…, Trò chơ điện tử, Địa cầu bùng nổ thông tin, Những không ảnh từng cù lao, Tem điện tử và yêu…Một khuynh hướng thơ cũng đã lôi kéo anh nhiều lần: anh thích bước vào triết lí với nhiều chủ đề mới: Tượng Phật tánh trong chùa nguyên thủy, Tuổi bỗng triệu năm và tươi trẻ, Phân thân, Mũi tên, sống của chết, Nhịp điệu vỉa hè, kinh điển…

Đặc biệt với tập thơ xuất hiện lần này, hầu như Trần Xuân An muốn giới thiệu hầu hết những bài thơ “tứ tuyệt” và tứ tuyệt của anh, trong đó có nhiều trang có bốn bài liền mạch.

Nỗ lực sáng tạo, khám phá cái mới bằng hơi thở riêng độc đáo, đó là một Trần Xuân An mới mẻ qua tập thơ này.

 

(BÙI NGỌC ÁNH

báo Bà Rịa – Vũng Tàu,

số 429, ngày 04. 07. 1995)

 

VII. Mắt nhìn trong cơn bão

 

Thơ bốn câu là cách nói chủ định của Trần Xuân An ở tập thơ Kẻ bị ném vào bão. Phải chăng tác giả muốn hòa vào nhịp điệu nhanh gắt của đời sống hiện tại, hay anh muốn tìm một cách thể hiện phù hợp và độc đáo khả dĩ thay cho một vài thể thức đã trở nên thông thường?

Thơ Trần Xuân An kén người đọc, ở chỗ ngôn từ thơ anh có khi mang một vẻ phức tạp, khó hiểu đối với người đọc. Lẽ nào sự nắm bắt và thể hiện ngôn ngữ vốn tinh tế, phong phú của Trần Xuân An có lúc lại trở thành những “ẩn ngữ” đối với người đọc?!

Thơ Trần Xuân An vẫn chất chứa tình mẹ, tình quê, nỗi buồn về những điều bất như ý, tiếng kêu phản kháng thân phận con người… … Ngoài ra còn có mảng thơ hòa vào nhịp sống thị thành hiện nay với những đề tài khá đặc trưng… … Dù với đề tài nào, thơ Trần Xuân An vẫn thể hiện sự gặp gỡ giữa thế giới nội tâm với vũ trụ khách quan thông qua liên tưởng, trí tưởng tượng, sự so sánh… Những suy nghĩ, cảm xúc trước đời sống cộng hưởng với vũ trụ thiên nhiên khiến thơ Trần Xuân An gần với hồn thơ Phương Đông, mang chất triết lí…

… Thơ Trần Xuân An tạo nơi người đọc một ấn tượng có thể hình dung như những nhát cắt trong tranh lập thể, thường mang sức gợi về những điều muốn nói – những hình ảnh biểu đạt ý tưởng, cảm xúc, cả những chớp lóe của tiềm thức.

Cái nhìn mềm mại như sông, Khuấy bùn dao chém vẫn trong không rời… (Đôi mắt bốn nghìn năm, tr. 54)…

Rốt cuộc, hình như chính thơ lại giúp cho người làm thơ vượt qua được cơn bão xoáy cuồng của cuộc đời và của chính mình?

 

(TÔN NỮ THU THỦY

báo Văn nghệ TP. HCM.,

số 234, ngày 11 – 17. 04. 1996)

 

 

NHƯ TẤT CẢ LOẠI HÌNH LAO ĐỘNG KHÁC,

LÀM THƠ LÀ TRẢ NỢ CUỘC ĐỜI

 

như mồ hôi lóng lánh…

hạt sương thơ ca sẽ vô nghĩa biết mấy

nếu chỉ long lanh

bằng cái long lanh riêng tư

và chỉ cho riêng tư!

hạt sương thơ ca lóng lánh

bằng cái lóng lánh của triệu triệu vì sao

giữa bình thường thinh lặng

đó là sự Hiện Hữu

bi đát hoặc hạnh phúc…

tâm thức đã và đang

trĩu nặng hay nhẹ nhõm những công án

tự nghìn xưa, trong hôm nay…

hạt sương thơ ca nhỏ bé

nhưng không vô nghĩa

vì không muốn vô nghĩa!

hạt sương mãi hoài khắc khoải mối nợ

– có mặt ở đời

là đã mắc nợ –

với cả cõi đời

long lanh triệu triệu vì sao…

như mồ hôi

hạt sương lóng lánh…

                           

TRẦN XUÂN AN

                  

 

 

 

KHÔNG THỂ CHẠY TRỐN HƯ VÔ

THÌ PHẢI VƯỢT THẮNG

 

nàng rằng: “Vì chút nghề chơi

đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu…” (*)

          (Nguyễn Du, Kiều: 3211 – 3212)

 

Ném cái nhìn ra mênh mông xa xăm, từ vô cực này đến vô cực kia, chỉ chạm phải Hư Vô? Ném cái nhìn vào những gì gần gũi, thiết thân: Hư Vô vẫn thấp thoáng, ẩn hiện trong từng vật-thể-hằng-trao-đổi-chất (**), cả trong từng cảm giác, từng ý nghĩ của từng thân phận Con Người? Dẫu chiêm nghiệm suốt một trăm năm – cái trăm năm ước lệ, tuổi của một đời người cộng với ước muốn có thể, vốn chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi – vẫn Hư Vô? Không thể chạy trốn Hư Vô, dẫu Thời Gian thì vô cùng?

Chưa, và đôi khi cảm thấy không thể vượt thắng vẫn với nỗi băn khoăn, say đắm, lao vào, bước tới và sống hết mình với cuộc sống. Yêu, yêu đến khổ đau Cuộc Sống - Cuộc Sống với tình yêu, phẩm giá làm người, ý nghĩa kiếp người và cõi đời, hi vọng, hoài niệm, bi đát tận cùng, hạnh phúc chan chứa, máu và mồ hôi nước mắt, lịch sử kí và huyền tượng dân dã, tiến hóa, dân tộc, đất nước, nhân loại, quả đất, vũ trụ, nghệ thuật và nghệ sĩ, chính trị, kinh tế và thời cuộc, khát vọng đổi mới và đổi mới… Yêu Cuộc Sống và sống cùng Cuộc Sống vốn phong phú, bề bộn mà có quy luật với cả tầm rộng, độ cao, chiều sâu của chính Cuộc Sống, trong một nỗ lực rất riêng. Nỗ lực, hết mình. Có thể đạt và chưa.

Làm thơ là ôm ghì Cuộc Sống – như người tình – trong cảm giác đứng bên bờ vực thẳm Hư Vô, đương đầu với trời xanh Hư Vô. Trải qua bao bàng hoàng, sợ hãi, tủi nhục, dự phóng khoa học đã vượt thắng. Cái phi lí không phải là thân phận Con Người và Cuộc Sống mà chính là quan điểm Hư Vô bế tắc và huyền thọai siêu hình phản ánh ước vọng siêu thoát bi đát (***).

Làm thơ, in thơ như một sự trả nợ cuộc đời, cho dẫu vay nhiều nhưng chỉ trả toàn những vô nghĩa và vô ích? Phải chăng, vô nghĩa, vô ích vẫn không phải Hư Vô? Phải chăng, nỗ lực một đời vẫn còn đâu đó trong vô thức trần gian với những tương tác biện chứng, dẫu giấy và chữ và người cùng thời, cùng sẻ chia, sẽ trở về cát bụi trong chuỗi hóa sinh sinh hóa ngẫu nhiên – tất yếu, nhân quả luân hồi, tự vô cùng đến vô cùng, là quy luật khách quan? Hơn nữa, tại sao không hát mãi với vô tận, vì cho dẫu tận thế, một cõi thế khác sẽ lại sinh thành từ những vụn vỡ tan tác, vì sinh rồi diệt và từ diệt lại sinh, mãi mãi? Mãi mãi không tan mất, dẫu một thoáng giai đệu bâng quơ. Thoáng ấy mãi lưu trong phần chìm trí nhớ và ngấm ngầm chi phối cả một đời người. Đời người ấy còn tương tác với bao người khác nữa, với cả Dòng Sống mãi mãi trôi chảy, lặng lờ, cuồn cuộn. Khái quát hơn, quả (hiện thực đời người, xã hội) được (hay bị) gieo bởi chính ta? hoặc ngoài ta? do cả nội tâm lẫn ngoại giới? Một bàn tay gieo lúa, vạn bàn tay gieo cỏ, hoặc ngược lại, trên một thửa đất, và còn nhiều tỉ lệ, điều kiện, tình huống khác nữa, sẽ nhận được quả nào? Gieo lúa có thể ăn cỏ nếu… (…). Đẩy xa hơn cái quy luật nhân quả vào Vô Cùng, quả ấy được (bị) gieo truyền qua sóng sinh điện với bao tín hiệu (kì quái?) đã mã hóa từ nhân ai gieo trong chu kì vũ trụ từng có trước đây (một vũ trụ vật chất cách đây hàng tỉ năm đã hình thành và đã hủy diệt, chỉ còn các nguyên tố và mã tín hiệu cho vũ trụ hiện có)… (****).

Hát với đời ơi thương mến! Mãi mãi không tan mất, dẫu không từng có một thượng đế và vô vàn linh hồn như ảo vọng đáng thương của Con Người! Góp với đời tiếng hát vượt thắng, hi vọng! (*****).

Sáu tập thơ được in ra, có một số bài như chia sẻ niềm đau và niềm vui vượt thắng – cuộc vượt thắng ngay giữa lòng mình – với bạn bè và những quê hương, với bao người chưa quen và bao vùng đất chưa đến. Ôi, sự khốc liệt của khía cạnh này có thể chả là gì cả với ai đó. Những trăn trở này, xem ra cơ chừng vớ vẩn, mà cực kì nghiêm trọng, và là lí do tồn tại của bao nhiêu loại triết học, đặc biệt là triết học siêu hình. Sự vượt thắng này có thể chỉ là vượt thắng của một người thơ vốn là người tù của đủ các thứ trường phái văn chương – tư tưởng, lại rất coi trọng khoa học thực nghiệm. Với ai đó, có thể xem đây như một trong những cứ liệu để phản chứng, tuy chỉ là một khía cạnh nhỏ trong sáu tập thơ.

 

Viết tại Tịnh xá Tâm Không

Tháng chạp năm Ất hợi (giêng 1996)

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

 

 

HÁT VỚI ĐỜI, ƠI THƯƠNG MẾN

tập thơ thứ sáu (1973 – 1996)

TRẦN XUÂN AN

 

² Phụ bản: Trần Xuân An

 

1.   CẢM ƠN MÙA XUÂN

2.   TỪ CÁNH LÁ VÀNG, BẾN VẮNG

3.   KHI NHÌN XUỐNG BÓNG MÌNH

4.   ĐÓA LAN Ở MIỀN ĐẤT MÙA THU XANH

5.   GẦN XA LÃNG ĐÃNG

6.   VỚI NHỮNG HÀNH GIẢ CỦA TÌNH YÊU

7.   NHẠC BIỂN VÀ THÚY KIỀU TÌNH CỜ QUEN BIẾT

 

² Phụ bản: Trần Xuân An

 

8.   HÁT LÊN VỚI MỖI ĐỜI THƯỜNG TỎA SÁNG

9.   HI VỌNG MÙA XUÂN

10.   BIỂN TRĂNG HUỲNH THỊ PHÚ

11.   NHÌN THẲNG

12.   GẶP LẠI GIỌNG XƯA

13.   TRẢI NGHIỆM

14.   BIẾT ĐÂU NGỌN NGUỒN LẠCH SÔNG…

15.   TRƯỚC BIỂN, NHỚ VỀ

 

² Phụ bản: Trần Xuân An

 

16.   NHẬT THỰC

17.   GIỮA THIÊN HÀ NƯỚC MẮT

18.   ĐẮM SAY VÀ RẤT TIẾC

19.   TƯỞNG TIẾC

20.   CỤM TƯỢNG HƯ VÔ

21.   TÌNH YÊU CHÍNH MÌNH!

 

² Phụ bản: Trần Xuân An

 

22.   GỬI MỘT NGHỆ SĨ

23.   TẶNG MỘT NGƯỜI LỠ VẬN

24.   QUY LUẬT TRỜI ĐẤT ĐIÊN KHÙNG! VỚI THIÊN NHIÊN, LOÀI NGƯỜI VỐN BÌNH TÂM 

25.   PÔ SHA-NƯ

26.   MÙA XUÂN TRẺ THƠ

27.   (chung tiêu đề: 26 & 27):

I. chơi cờ du lịch trên bản đồ cõi đời

II. quốc tế ngữ với đồ chơi phát sóng

 

² Phụ bản: Huỳnh Thị Phú (*)

 

28.   NGƯỜI DƯNG KHÁC HỌ

29.   THĂM MÙA XUÂN TRÊN ĐỈNH XANH

30.   ĐIỆU MÚA HÁT THƠ NGHÌN MẮT NGHÌN TAY MỚI

31.   CÔ HÀNG SÁCH

32.   CHIỀU MƯA ĐÀ NẴNG

33.   VỐN DĨ, NGÀN ĐỜI

 

² Phụ bản: Huỳnh Thị Phú (*)

 

34.   HÃY YÊN TÂM VỀ QUÊ

35.   NGÔI NHÀ BÊN THUNG LŨNG SƯƠNG

36.   KHÚC VÀO MÙA

37.   DỐC MẠ ƠI

38.   HOA DẠI VÀ BÃO TÁP TRÊN ĐẤT NƯỚC

         MỘT TRĂM BA MƯƠI NĂM ĐÁNH GIẶC

 

² Phụ bản: Huỳnh Thị Phú (*)

 

39.   GẶP NGƯỜI QUEN Ở KON TUM, NGHE CHUYỆN

40.   RỪNG TRĂNG

41.   HÁT TẶNG BÀI TÌNH YÊU MỚI

42.   ĐẤT GỌI THẦM

43.   HÁT LÙA BÒ VÔ BƯNG

44.   CÔ GÁI ĐẸP ƠI, XIN ĐÀNH VÔ TÂM YÊU EM…

 

² Phụ bản: Trần Xuân An

 

45.   TRĂNG Ở NHÀ THƯƠNG

46.   NHÌN RA ĐƯỜNG PHỐ

47.   NỤ CƯỜI ƯỚT MƯA SAU DỐC MẠ ƠI

48.   PHÁC THẢO BÊN BỜ XUÂN HƯƠNG

49.   THOÁNG MỘT MÌNH LÔNG BÔNG GIỮA BẠN BÈ ĐÀ LẠT

50.   LẬP XUÂN

51.   THĂM NGƯỜI BẠN LỚN TUỔI

52.   EM KHẮP ĐẤT TRỜI

53.   NHÀ ƠI

 

² Phụ bản: Nguyễn Thái Tuấn

² Phụ lục: NHỮNG KỈ NIỆM VĂN NGHỆ

² Phụ bản: Nguyễn Thái Tuấn

²  Phụ lục: NHƯ TẤT CẢ LOẠI HÌNH LAO ĐỘNG KHÁC,

         LÀM THƠ LÀ TRẢ NỢ CUỘC ĐỜI

²  Phụ lục: KHÔNG THỂ CHẠY TRỐN HƯ VÔ THÌ PHẢI VƯỢT THẮNG

² Phụ bản nhạc: Trần Đức Tâm

² Phụ bản nhạc: Nguyễn Trung Ngạn (2 bài)

² Mục lục

 

 

 

DANH MỤC

TÁC PHẨM, SOẠN PHẨM, BIÊN KHẢO

 CỦA TÁC GIẢ

(tính đến 2005)

 

TRẦN XUÂN AN

sinh ngày 10. 11. 1956 tại Huế;

dân tộc: Kinh (Việt Nam);

quê gốc: Quảng Trị;

tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Việt,  Đại học Sư phạm Huế

(khóa 1974 – 1978);

dạy phổ thông trung học ở Lâm Đồng (1978 – 1983);

hiện chuyên sáng tác, nghiên cứu tại TP. HCM.

(hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.)

 

● Tác phẩm đã xuất bản và đã đăng kí bản quyền tại Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam:

 

1.  Nắng và mưa, tập thơ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991

2.  Hát chiêu hồn mình, tập thơ, NXB. Đồng Nai, 1992

3.  Tôi vẫn ở trên đường, tập thơ, NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 1993

4.  Lặng lẽ ở phố, tập thơ, NXB. Trẻ TP. HCM., 1995

5.  Kẻ bị ném vào bão, tập thơ, NXB. Trẻ TP. HCM., 1995

6.  Hát với đời, ơi thương mến tập thơ, NXB. Trẻ TP. HCM., 1996

7.  Quê nhà yêu dấu, trường ca thơ, NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 1998

8.  Có một nơi lá mãi xanh, tiểu thuyết, NXB. Hội Nhà văn, 1999

9.  Ngôi trường tháng giêng, tiểu thuyết, NXB. Thanh Niên, 2003

10.  Sen đỏ, bài thơ hòa bình, tiểu thuyết, NXB. Thanh Niên, 2003

11.  Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ bốn tập, NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 2004

 

● Tác phẩm đã hoàn tất bản thảo (*):

 

12.  Mùa hè bên sông, tiểu thuyết, 1997; bản đã sửa chữa, bổ sung, 2001 & 2003

13.  Thơ những mùa hương, tập thơ

14.  Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên, tập thơ

15.  Nước mắt có vị ngọt, tập truyện ngắn liên hoàn, 1999

 

● Soạn phẩm, biên khảo đã hoàn tất bản thảo (*):

 

16.  Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (biên soạn, nghiên cứu, phản bác, và tập hợp một số bản dịch, bài nghiên cứu văn học, sử học về NVT.), 2000

17.  Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp”, (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.

18.  Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp… (Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), chọn lọc, phần II, 2001

19.  Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, 2002

20.  Suy nghĩ về một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta, khảo luận sử học, 2003

21.  Ngẫu hứng đọc thơ, phê bình thơ, 2003

 

● Tặng thưởng, giải thưởng:

 

1.  Báo Văn Nghệ giải phóng, 1975

2.  Giải sáng tạo trẻ Hội VHNT. Quảng Trị

 

 

(*) Tất cả các tác phẩm, soạn phẩm biên khảo đã được xếp chữ vi tính, ấn hành với phạm vi từ 10 đến 20 bản sách (gửi các nhà xuất bản, các nhà nghiên cứu, các người bà con và một số bạn thân), trong khi chờ giấy phép và điều kiện để có thể xuất bản rộng rãi. TXA.

 

Cước chú của bài Nhìn ra đường phố:

(*) Xin xem thêm tiểu thuyết Mùa hè bên sông (Nỗi đau hậu chiến), các bản 1997, 2001 &2003.

                                 (Chú thích ngày 25. 03. 2005).

Cước chú của bài  Không thể chạy trốn hư vô thì phải vượt thắng:

 (*) nàng rằng: “Vì mấy đường tơ

lầm người cho đến bây giờ mới thôi!...”

      (Nguyễn Du, Kiều: 3193 – 3194)

(**) Bất kì vật thể nào cũng đang trong quá trình trao đổi chất với các thực thể khác, đang trong quá trình sinh hóa (vật chất đang trong quá trình vận động của nó…)…

(***) Những bất công, phi lí của hiện thực xã hội có thể cải thiện được trong quá trình tiến bộ của loài người.

                         (Chú thích vốn có trong bản đã xuất bản, 1996).

       Ghi chú thêm vào ngày 26. 03. 2005: Chính loài người sẽ ngày mỗi tiến bộ, cải tạo được cả quy luật tất yếu của thế giới tự nhiên (sát sanh, loạn luân [mà kết quả của sự tiến bộ về ý thức đạo đức văn minh là đã trở thành sự tố cáo kinh hoàng:  “người ăn thịt người”, “người cưỡng hiếp người”]…). Thế giới tự nhiên bao gồm tất cả các chủng loại sinh vật từ cấp thấp đến cấp cao, trong đó có loài người; nhưng cho đến nay, chỉ loài người mới đạt được trình độ đạo đức văn minh đó. Chính sự phấn đấu cho mục đích văn minh ấy đã làm cho lịch sử loài người có ý nghĩa sâu sắc. Sống và lao động một cách rất có ý nghĩa nhân văn như thế, đâu phải là một tiến trình phi lí!

       Xem thêm: tập thơ Tôi vẫn ở trên đường (1993) với phụ lục mới bổ sung (2005) và tiểu thuyết Mùa hè bên sông (bản 1997, bản 2001 & bản 2003).

(****) Hiện tượng thần giao cách cảm và sóng sinh điện đang được giới khoa học thực nghiệm ghi nhận và nghiên cứu. Ngôn ngữ cõi âm (!).

(*****) Hát, với nghĩa tượng trưng, tổng quát, bao gồm các hình thức nghệ thuật diễn xướng thơ ca (ngâm, đọc diễn cảm, tấu, nói, hát nhạc phổ thơ…).

               (05 chú thích trên vốn đã có trong bản xuất bản 1996).

Cước chú của Mục lục, Phụ bản: Huỳnh Thị Phú:

(*) TXA. (Chú thích ngày 25. 03. 2005).

 

Để tìm hiểu một giai đoạn lịch sử

và một nhân vật lịch sử:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG

(1824 – 1886),

kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp”,

“những người trung nghĩa từ xưa,

tưởng không hơn được”,

XIN TÌM ĐỌC:

 

PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN

NGUYỄN VĂN TƯỜNG

(1824 – 1886)

truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử

trọn bộ bốn tập

(985 trang, cỡ 16 x 24 cm)

 

tác giả: TRẦN XUÂN AN

 

Hội đồng Tư vấn, Phản biện và Giám định

thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam giám định;

Tổng thư kí Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

DƯƠNG TRUNG QUỐC

viết lời giới thiệu

 

NXB. Văn Nghệ TP. HCM. ấn hành, 12. 2004

PHÁT HÀNH TẠI CÁC NHÀ SÁCH THUỘC Cty FAHASA

62 Lê Lợi, Quận I

40 Nguyễn Huệ, Quận I

TP. HCM.

 

 

 

 

 

HÁT VỚI ĐỜI, ƠI THƯƠNG MẾN

tập thơ thứ sáu (1973 – 1996)

TRẦN XUÂN AN

 

NHÀ XUẤT BẢN TRẺ TP. HCM.

1996

 

 

Chịu trách nhiệm xuất bản:

LÊ HOÀNG

Biên tập:

CHINH VĂN

 

Trình bày: NGUYÊN MINH & PHAN HUYÊN ĐÌNH

Sắp chữ vi tính: MINH TRIẾT, LƯƠNG BẰNG VINH

& TRÂM ANH

Sửa bản in: Tác giả & PHAN NGỌC

 

 

 

TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN

từng chữ từng ý tưởng của mình

 

 

 

In 800 cuốn, cỡ 13 x 19 cm tại Xưởng in Công ti Văn hóa Tổng hợp Quận 11, TP. HCM. Số kế họach xuất bản: 181 / 230, Cục Xuất bản cấp ngày: 16/ 4/ 1996. In xong và nộp lưu chiểu: 7. 1996

 

 Bìa 3

Phần gấp bìa 4:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

chân dung

Trần Xuân An tự biếm họa

1996

 

 

● đăng thơ trên các báo từ giữa những năm bảy mươi đến nay;

● có thơ trong các tuyển thơ xuất bản ở Huế, Đà Lạt, TP. HCM., Hà Nội, Đà Nẵng… (Thơ tình bốn phương, Hai thập kỉ thơ Huế, Thơ Miền Trung thế kỉ XX…).

 

 

Bìa 4

 

TRẦN XUÂN AN

sinh ngày 10. 11. 1956 tại Huế

quê quán: Gio Linh, Quảng Trị

 

● đã xuất bản:

1. NẮNG VÀ MƯA,

Hội VHNT. Quảng Trị, 1991

2. HÁT CHIÊU HỒN MÌNH,

NXB. Đồng Nai, 1992

3. TÔI VẪN Ở TRÊN ĐƯỜNG,

NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 1993

4. LẶNG LẼ Ở PHỐ,

NXB. Trẻ TP. HCM., 1995

5. KẺ BỊ NÉM VÀO BÃO,

NXB. Trẻ TP. HCM., 1995

6. HÁT VỚI ĐỜI, ƠI THƯƠNG MẾN,

NXB. Trẻ TP. HCM., 1996

 

● sẽ xuất bản:

SÀI GÒN YÊU DẤU

 

 

Cước chú ở tr. A (phần gấp bìa 4):

(*) Đúng ra, quê quán đời thân sinh là Gio Linh, Quảng Trị; quê gốc của thân sinh là An Cư, Triệu Phước, Triệu Phong, Quảng Trị.

(*) Khi xuất bản, đổi tên là Quê nhà yêu dấu.

                                   (Chú thích ngày 25. 03. 2005).

 

 

 

( hết tập )

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

              Cập nhật: 06/30/09

              (tháng / ngày / năm)

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7