h. Trần Xuân An - Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Tệp 8 / tập I

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

07/01/09

           

 

TẬP I

 

 

Tệp 1

 

Tệp 2

 

Tệp 3

 

Tệp 4

 

Tệp 5

 

Tệp 6

 

Tệp 7

 

Tệp 8

 

Tệp 9

 

Tệp 10

 

Tệp 11

 

Tệp 12

 

Tệp 13

 

Tệp 14

 

Tệp 15

 

Tệp 16

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                               

  

Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

 

Trần Xuân An,

nội hậu duệ thế hệ thứ năm.

 

 

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

Xem:

Tạp chí điện tử Giao Điểm tháng 11-2005:          

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm

Blogger (Google) tháng 12-2005

http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/

   & các trang tiếp theo: … 2a … 2b … 2c …

 

 

 

TỆP 8

Phân đoạn 1

Truyện kí thứ năm

 

 

PHẦN THỨ BA

(1866 – 1873)

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

BANG BIỆN KHÂM PHÁI HUYỆN THÀNH HOÁ VÀ NHÀ NGOẠI GIAO CHỦ CHIẾN

 

Truyện kí thứ năm

(phân đoạn 1)

 

  

      1

      Quan nguyên phủ doãn Nguyễn Văn Tường vừa chấm xong bài kinh nghĩa cho cậu con trai. Ông đặt bút vào ống, sau khi chao rửa trong chén nước sạch, vuốt nhẹ những sợi lông thỏ bằng một tấm vải nhỏ. Nhìn lại những khuyên đỏ, những dòng chữ phê sửa ngoài lề, thấy hi vọng nhiều ở đứa con thứ ba này, cũng như đã hi vọng ở cậu cả Thiều, ông mỉm cười. Lấy dăm viên cuội chặn giấy, chia đặt lên từng trang vừa ráo mực, ông lại nhìn ra sân.

      Mảnh sân khá rộng được bao quanh bằng hàng rào chè tàu, một loại chè lá nhỏ, người dân kinh đô Huế này thường trồng làm giậu. Trên hàng giậu được xén phẳng, mới đó, quên bẵng đi một vài tháng, đã thấy loài tầm gửi có cái tên rất thuỷ chung, gắn bó là “tơ hồng” quấn quýt, đan vào nhau. Tháng chín, đã cuối thu, trời vẫn còn vàng rực nắng để dăm bữa, nửa tháng nữa, sẽ mưa dầm dề đến giêng hai. Nguyên phủ doãn Nguyễn Văn Tường cảm thấy hơi se buồn khi bỗng dưng nghĩ đến những tháng mùa đông.

      Ngôi nhà xinh xinh này ông vừa mua năm ngoái, gần cửa Đông Gia (1). Đó là cửa phía đông của kinh thành, dân Huế vẫn quen gọi bằng tên cũ là “Đông Ba” (2). Với ý định, để đưa vợ con từ quê nhà ngoài An Cư vào ở và học hành, ông dốc hết tiền bạc dành dụm mới mua được ngôi nhà nhỏ có khoảng sân rộng thế này. Không ngờ với khoảng sân ấy, trong hai mươi ngày bị cách chức vừa qua, ông có việc để thư giãn, như bây giờ đây. Mặc dù đầu óc cứ băn khoăn nghĩ ngợi, nhưng đôi tay ông vẫn thong thả xới đất, trồng hoa. Ông hi vọng Tết Nguyên đán với mùa xuân tới, sân nhà này sẽ tràn ngập những hoa là hoa, hoa trên luống và hoa trong các chậu sứ.

      Khi bước ra sân, xắn tay áo, định cầm cái cuốc chét nhỏ với cán ngắn để vun lại một luống đất, ông chợt nghe tiếng rung của chiếc chuông treo trước ngõ. Một người bõ già giúp việc ở nhà dưới vội bước ra đón khách.

      Người bõ già cầm dây cương dắt ngựa vào. Hai người lính hầu cận cũng đã xuống ngựa, dắt hai con ngựa họ cưỡi đi theo bõ già. Một người khác, chòm râu cằm đã khá bạc, ăn vận kiểu quan viên, mới nhìn, nhận ra ngay là quan quản đạo Quảng Trị Nguyễn Quang Quýnh (3), vì trùng chữ huý nên chỉ gọi gọn hai chữ tên và họ (4).

      - Chào quan quản đạo!

      - Không dám, kính chào quan phủ doãn.

      - Ông bỏ mất chữ “nguyên” hoặc “cựu” rồi! – Vừa phác cử chỉ mời khách vào nhà, Nguyễn Văn Tường vừa cười lớn, nói tiếp –. Đúng nhất là gọi phủ doãn bị cách chức!

      - Không dám! – Nguyễn Quýnh cũng cười vui, thân thiện –.

      Hai người ngồi đối diện ở bộ tràng kỉ bằng gỗ gõ. Người nhà vội châm nước sôi vào bình sứ.

      - Hôm qua tôi mới vào Bộ Lại, may mắn được gặp quan thượng thư Vũ Trọng Bình. Cụ thượng họ Vũ rất tiếc về việc quan phủ doãn đây không còn tại chức. Cụ Vũ nói, Viện Cơ mật đang điều nghiên bản sớ Nguyễn Quýnh tôi đã kính đệ trình lên hoàng thượng.

      - Mời quan quản đạo dùng trà!

      - Xin vâng.

      Hai người đặt chén xuống đĩa, sau khi nhấp ngụm trà đầu tiên, thơm ngát, đậm đà.

      Nguyễn Quýnh vốn người làng Bàn Thạch, huyện Duy Xuyên, tỉnh tả trực kì, đỗ cử nhân từ năm Minh mạng thứ mười lăm, Giáp ngọ (1834). Ông đã trải qua chức bố chính sứ, nhưng bị cách, lại mới được phục chức quản đạo nhờ lời tâu xin của Nguyễn Văn Tường hồi năm ngoái. Lúc Nguyễn Văn Tường còn đương chức phủ doãn kinh sư, Nguyễn Quýnh được ông tâu xin phục chức, chỉ vì vị quản đạo lớn tuổi hơn phủ doãn cả một giáp này đồng lòng với kế hoạch cũ đã được Nguyễn Văn Tường vạch ra ở huyện Thành Hoá.

      Quan quản đạo lại nói, với giọng gốc Quảng Nam:

      - Thăng, giáng, cách, phục là chuyện hoạn lộ…

      - Như lên đèo xuống vực, xuống vực lại lên đèo!

      Cả hai người cùng cười thật giòn. Trong một thoáng, Nguyễn Văn Tường cảm thấy hơi se lòng:

      - Cũng có khi, có người vĩnh viễn chìm đắm, không còn đường nhập thế, dấn thân.

      - Vâng, cũng có thật. Nhưng… Bản thân tôi cũng đã bị cách tuột chức.

      - Luôn luôn an bần lạc đạo, cho dù có thế nào đi nữa! Thế này, thôi gác lại chuyện lên đèo xuống suối đó đi, cho tôi hỏi thăm Quảng Trị…

      - Kế hoạch của quan phủ doãn tôi đã viết thành sớ để dâng. Và đức vua đã châu phê, Viện Cơ mật cũng có ý kiến… – Quan quản đạo hơi thoáng buồn –.

      Ông ngoắt người lính hầu cận đang đứng ngoài cửa, bảo lấy ống tre sơn son đựng giấy tờ ra. Sau khi cho phép người lính ra, ông nói:

      - Xin quan phủ thử xem. – Nguyễn Quýnh đưa tập bản sớ đã sao lục –.

      Quan nguyên phủ doãn đọc đi đọc lại những dòng chữ:

      “Một khoản: Xin dời kinh đô.

      Một khoản: Xin đem các tỉnh [thành] lên thượng du.

      Một khoản: Xin khai khẩn miền thượng du từ Nghệ An trở vào Nam, [đồng thời] đưa dân miền xuôi lên để mở mang” (5).

      Và ông bần thần, buồn bã trong niềm thất vọng khi đọc lui đọc tới những dòng châu phê:

      “Dời các tỉnh thành sợ [tạo ra] nhiều việc hoang mang; hoặc làm dần dần, mới khỏi tiếng tăm, mà [cũng] khỏi chia quân đi đóng giữ. Di dân thì không tiện. Việc dựng kinh đô, trước đã có người nói, [trẫm thấy] cũng ngại tiếng tăm; nhưng xét kĩ lúc có việc khác với lúc không có việc. Nước Trung Quốc có hai kinh đô, nhà Thanh đóng đô ở Yên kinh, lại có Thịnh kinh là đất khởi nghiệp cũ. Nước ta từ nhà Lê về trước, cũng có hai kinh đô, làm kế lâu dài. [Lẽ ra ta] cũng nên tính trước, nhưng động làm tất [sẽ có] nhiều lời nói không có căn cứ, [vì vậy trẫm thấy] chưa hợp thời thế” (5).

      - Thật đáng buồn quá sức! – Nguyễn Văn Tường lắc đầu, lại nói –. Bọn Pháp hăm he, chuẩn bị súng đạn đánh ta; tình hình nghị “hoà”, việc xây dựng Vạn niên cơ lại dẫn đến những vụ biến mà sự thể đã xảy ra như thế; lẽ nào đức kim thượng cứ ngại bọn bàn ra tán vào, thực chất chỉ thích ung dung yên toạ ở chốn kinh đô đài các, vốn sợ nơi rừng sâu nước độc! Quan tổng đốc Bình – Phú cũng đã dâng sớ, “đây là lúc bệ hạ phải nằm gai nếm mật” (6). Thế mà…

      - Chắc quan phủ doãn đã đọc câu của Viện Cơ mật?

      - Đã đọc rồi. Thật buồn!

      - “Nay tiền của đã thiếu thốn, vả lại người nghe thấy [sẽ] lấy làm lạ. Xin tạm để bàn dần” (5). Thật là đáng chán! Các quan ở Viện Cơ mật cứ bàn lui cho khoẻ người, rỗi việc!

      - Chắc quan quản đạo đã biết tình hình ở Viện Cơ mật?

      - Vâng, có biết. Bốn, năm người nhưng chia hai phe (7). Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ, kể cả Phan Huy Vịnh, là một phe chuyên chủ “hoà”, do lây nhiễm hai tên giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, vốn mị dân, mị nước. Phe chủ “chiến” nhưng hơi mất khí thế là Nguyễn Tri Phương, Vũ Trọng Bình. Trước sau gì rồi cụ thượng Nguyễn, cụ thượng Vũ cũng bị phe kia tìm cách đẩy đi xa.

      - Quả đúng như vậy. Hơn ai hết, tôi hiểu sự thể đó, nhưng chẳng biết làm thế nào được. Chức vụ còn thấp, vả lại lúc này, lại đang thất thế, bị cách chức, tôi rất đau lòng… Thôi, nói khẽ với nhau thế thôi. Ở đâu cũng tai vách mạch giừng. – Nguyễn Văn Tường nhìn Nguyễn Quýnh –. Quan quản đạo giữ kín những gì ta bàn bạc nhé.

      - Quan phủ doãn khá lo! Nhưng, vâng, mọi sự nên kín đáo là hơn.

      Quan nguyên phủ doãn trầm ngâm suy nghĩ. Mắt ông nhìn ra ngoài sân đang ngập nắng, nhưng thật ra tâm trí ông đang tìm cách thuyết phục nhà vua chấp thuận kế hoạch mà từ những năm mới nhận chức tri huyện ở Thành Hoá ông đã vạch ra, đã dâng tâu, nhưng bị gác lại, rồi năm ngoái, lúc làm phủ doãn kinh sư, ông cũng đã có lần xin dâng sớ kèm với lời tình nguyện từ chức để thực hiện kế hoạch (8), vẫn không được chuẩn y. Ông biết khuynh hướng chủ “hoà” đang thắng thế. Nhưng khốn thay, người ta không chịu thấy rằng, “hoà” cũng không thể không thủ. “Hoà” mà không thủû cho thật chắc, hẳn là cam khoanh tay bó gối chịu làm nô lệ. Không thể như thế! Chiến rồi mới có thể hoà, để hoà nhưng không phải lép vế, nhân nhượng quá đau xót như thế. Hoà là để thủ, và thủ để mưu chiến (9). Chiến là phương cách đầu tiên cũng là phương cách cuối cùng để giữ được Đất nước, thoát khỏi sự xâm lăng của bọn Pháp và “tả đạo” đội lốt tôn giáo. Nguyễn Văn Tường biết rõ vua Tự Đức quá tin cậy vào mồm mép bọn cận thần chủ “hoà” với chiêu bài nhân nhượng để canh tân, kiểu như Phan Thanh Giản mà Nguyễn Tri Phương cũng chỉ trích. Phan Thanh Giản từng nói: “Hoà nghị xong rồi, cứ ngồi yên mà trông giàu mạnh” (10)! Giàu mạnh thế nào được trong khi thực dân đòi món tiền ngược ngạo rất khổng lồ được gọi là “bồi thường chiến phí”, đến mức triều đình cạn kiệt kho tàng, phải đem tượng Phật bằng vàng để nộp (11)! Cạn kiệt đến mức phải đánh thuế thuốc phiện thay vì cấm ngặt! Canh tân, giàu mạnh thế nào được trong khi ở Nam Kì, bọn Pháp ấn định tiền lãnh trưng thuế thuốc phiện ở mức rất cao, quá cao, và buộc mọi tầng lớp dân phải tiêu thụ thứ thuốc nàng tiên nâu ấy (12)! Bọn Pháp bóc lột tàn bạo đến thế, ta giàu mạnh thế nào được, canh tân thế nào được! Ngay “những thợ của ta cho đi theo thuyền để học tập, chúng lại không chịu dạy cho, tức như gần đây tàu Thuận Tiệp bị hư hỏng lại phải thuê thợ người Tây sửa chữa, chúng đòi tiền nhu phí đến năm vạn (50.000) đồng” (13)! Đến mức như vậy đấy! Cơ mật viện còn nhận định: “Thế mà lại uỷ phái người sang Tây, cầu chúng giúp đỡ, [để] sẽ mua các thứ máy tốt, thuê các thứ thợ khéo, [và] tuy tự ta muốn mở rộng việc học tập, mong chóng có công hiệu phú cường, [nhưng] trộm nghĩ phí tổn không thể chịu nổi, học không thể thành tài. Đến lúc muốn thôi, đi lại biện thuyết rất mất quốc thể. Nếu lại ẩn nhẫn chịu thuê, [chấp nhận] hư phí tiền của, thì tiền phí tổn phải làm việc rất cần [khác], không biết lấy vào đâu” (13)! Trường học chúng mở ra là để đào tạo tay sai, nhằm phục vụ đắc lực và hữu hiệu cho chúng, vì mục đích xâm lược của chúng!

      Không! Không thể “hoà” được! Nhưng biết bao sĩ phu và quan chức như Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Quýnh, Thân Văn Nhiếp biết làm thế nào được! Đối với các cuộc khởi nghĩa lừng lẫy của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Trương Tuệ ở Nam Kì lục tỉnh, triều đình đi từ chỗ ủng hộ, trượt xuống kế “lưỡng toàn” (vừa “hoà” với Pháp, vưà ngầm ủng hộ kháng chiến) (14), rồi sợ áp lực của Pháp, rớt xuống đến tận mức “đoạn tuyệt” (15), bắt nộp các nghĩa sĩ yêu nước cho chúng! Hai vụ biến Hồng Tập và Đoàn Trưng chỉ như sự đánh động ý thức chính trị cho cả nước: Bằng mọi giá phải đánh Pháp, đánh Tây Ban Nha và bọn “tả đạo” đội lốt tôn giáo và xuyên tạc tôn giáo. Ông đã quá khổ tâm, khổ tâm cả trong ý thức hành xử cương trong nhu, bởi không biết làm thế nào được.

      Nguyễn Văn Tường suy nghĩ, trong khi Nguyễn Quýnh đang nghiền ngẫm lại tập bản sớ với các dòng châu phê và ý kiến các đại thần.

      - Ta vẫn phải vừa tuân sắc chỉ, vừa kính thuyết phục đức vua.

      - Nhưng làm thế nào…

      Nguyễn Văn Tường đáp:

      - Tôi đã nói, bằng mọi cách vừa không phạm lỗi tày trời là kháng chỉ, vừa tìm mọi cách để nhà vua nghe ra, mà lo đánh và giữ, hoà chỉ là cơ nghi. Đánh, phải tìm mọi cách chi tiền, thu tiền để mua vũ khí của bọn da trắng, tìm cách học tập theo chúng để chế tạo. Thủ, thì như chúng ta lâu nay đã bàn. Nhưng… – Quan nguyên phủ doãn nói khẽ –, thế này, ta không khăng khăng giữ kế hoạch lớn như cũ, mà chỉ kính đề nghị lên đức vua việc nhỏ thôi. Nhà vua chấp nhận việc nhỏ ấy, chuẩn cho, ta cố thực hiện cho có hiệu quả, rồi từ đó, ta sẽ đề nghị thêm, nới rộng dần kế hoạch. Như thế là chúng ta vẫn kiên trì, kiên tâm thực hiện cho được kế hoạch thủ (giữ) để chiến (đánh) của chúng ta.

      - Nghĩa là, lại dâng sớ, nhưng chỉ xin thực hiện việc nhỏ thôi. Làm cho có thành hiệu việc nhỏ đó, rồi dần dần, ta lại dâng sớ nới rộng kế hoạch ra như kế hoạch cũ?

      - Đúng như vậy! – Nguyễn Văn Tường rạng rỡ hẳn khi được người đồng chí vong niên chia sẻ, thấu hiểu mình –. Quan quản đạo nghĩ thế nào?

      - Ồ, thật quá hữu lí. Đúng, phải như thế…

      - Tôi rất vui mừng… Thế này, bây giờ cũng đã cuối giờ thìn rồi, quan quản đạo ở lại nhà tôi dùng bữa cơm thân tình nhé. Như thế sẽ có thì giờ bàn tiếp.

      - Vâng, xin đa tạ trước.

      Sáng và trưa hôm ấy, quan nguyên phủ doãn và quan quản đạo Quảng Trị đi đến việc dứt khoát chọn kế hoạch nhỏ bé nhưng rất then chốt là lại dâng sớ xin lập đồn Ba Xuân ở huyện Thành Hoá (cách thành luỹ Thành Hoá một ngày đường), phái quan quân đến đóng ở đấy, sau đó chiêu tập dân đến ở (16). Dần dần, dân ta ngày càng đông vui, chan hoà với người Thượng, mới cho quan quân đi kinh lí, đóng đồn lớn. Từ đó, sẽ vạch sang các bước kế hoạch khác…

      Khi bàn bạc, Nguyễn Văn Tường đã nhấn mạnh, lập đồn với lực lượng không nhiều, vì ngại dễ gây kinh động, nghi ngờ cho nước Cao Mên. Nhưng có thể Nguyễn Quýnh chủ quan, viết sớ chưa rõ ý, hoặc Viện Cơ mật không có vốn thực tế ở vùng đất ấy nên chưa hiểu hết. Viện Cơ mật những tưởng đưa dân đến, không cần có ít quan binh đi tiền trạm và quân binh cùng ở đấy để bảo vệ, thì dân dám đến khai khẩn để lập làng dựng xóm chắc! Do đó, lần này Viện không bác bỏ đề nghị nhưng vẫn căn dặn rất cẩn trọng, cẩn trọng và trọng hậu như trước đây Nguyễn Văn Tường đã tâu xin. Nửa tháng sau, vua Tự Đức chuẩn y.

      Vua Tự Đức phê son đỏ: “Trước [đây] Nguyễn Văn Tường cũng xin nhận làm việc ấy, tất phải làm theo lời nói; [vậy] chuẩn cho làm bang biện huyện Thành Hoá để làm việc, cấp cho ấn “khâm phái quan phòng”, cho được tự ý tư tâu [trực tiếp tâu riêng lên vua]” (16).

      Một buổi chiều gần cuối tháng mười nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ mười chín, Bính dần (1866), Nguyễn Văn Tường nhận được tin vui mừng ấy. Ông vẫn thong thả chăm sóc những luống hoa, chậu hoa trước sân nhà. Đứa con trai đầu lòng của bà Ý, người vợ họ Nguyễn Khoa (17), mới sáu tuổi, vừa được cậu cả Thiều (17) dạy vỡ lòng Tam tự kinh, chiều nay tập viết xong, đang lon ton chạy nhảy đuổi theo mấy chú chuồn chuồn bay ngang mái nhà, thỉnh thoảng sà xuống. Ông cũng rất hài lòng về sự sáng dạ của đứa con trai thứ năm này.

      - Tấn (17), mai mốt cha lại ra Thành Hoá, con ở đây với anh Thiều, anh Dị (17) nghe. Hay con muốn về ở bên mạ hoặc bên dì Thận (17)? – Ông ngồi trên hai gót chân, cầm tay con, âu yếm hỏi –.

      - Con ở đây thôi, không ở với con bé Như (17) bên nhà mạ mô.

      - Cậu giáo hay phạt con à?

      - Cậu thầy giáo đánh roi đau lắm. Còn con bé Như lại giành mạ mất rồi. Nó làm nũng lắm!

      - Giỏi! Rứa là giỏi. Ở đây với anh Thiều, anh Dị để học chữ chứ!

      Cậu bé Tấn lại chạy theo một chú chuồn chuồn mới sà xuống. Ông nhìn theo con trai, mỉm cười. Ông định ngày mai sẽ xuống Bao Vinh (18) thăm hai chị em nhà họ Nguyễn Khoa, trước khi ra vùng đất núi rừng trùng điệp, nơi ông sẽ bắt tay thực hiện kế hoạch phòng thủ và thanh dã kế (vườn không nhà trống), chuẩn bị sẵn sàng cơ sở ở thượng du để kháng chiến chống bọn Pháp.

      Nguyễn Khoa Thị Thận, Nguyễn Khoa Thị Ý (17) là hai chị em. Cả hai cô gái Huế ruột thịt này ông quen biết từ hồi còn trẻ, lúc vào kinh đô này để học nghề thuốc đông y. Hai chị em đều yêu chàng trai Nguyễn Văn Tường “chung thân bất đắc ứng thí” hồi đó. Khác với Thuý Kiều, Thuý Vân, một sắc sảo và một phúc hậu, Thận và Ý đều là Thuý Vân cả. Chính bà vợ họ Dương ngoài quê nhà đã cưới hỏi cho chồng là ông một lúc hai chị em ấy, không một chút phân vân, ghen tuông như nền nếp đa thê tự nghìn xưa. Vả lại, dòng họ ông cần ngày một đông vui, như triều đình xưa nay luôn nhắc nhở khuyến khích nâng cao số dân tráng đinh khắp toàn dân trong thời khai hoang Nam tiến thuở trước, thời chiến chinh và dịch lệ liên miên gần đây. Ông vẫn thầm biết ơn những bà vợ của mình.

      Vừa vui mừng vì được tin ấy, tin nhà vua đã chuẩn y kế hoạch phòng thủ, chuẩn bị kháng chiến, ông vừa bâng khuâng nghĩ đến ngày rời Huế, kinh đô tập trung văn hiến cả nước và là nơi nhạy cảm thời sự nhất, rời những mái ấm gia đình của riêng ông, nơi có những người vợ thương yêu, phúc hậu.

      Chiều nay, với Nguyễn Văn Tường là buổi chiều hạnh phúc.

      Ông thực sự cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ đến ngày được trở về huyện miền núi Thành Hoá để trực tiếp thực hiện kế hoạch thủ để chiến. Nguyên phủ doãn với hàm chánh tam phẩm, chỉ được phục chức bang biện (bang tá), hàm lục phẩm, rất thấp so với nguyên hàm! Bang biện chỉ là một chức tham mưu, không có thực quyền. Nhưng may thay ông được quyền trực tiếp tâu lên vua bất kì lúc nào, không phải qua cấp trung gian theo hệ thống! Chính đó mới là điều khiến ông vui mừng. Như thế, tiếng nói của ông qua các tấu sớ có đóng ấn được vua ban cấp riêng (ấn khâm phái quan phòng), không còn bị các nha, bộ, Viện Cơ mật duyệt trước, tâu thay.

      Ông bước ra phía sau hè nhà, rửa tay bên giếng nước được xây bằng gạch vồ, cũng thầm cảm ơn viên quản đạo Quảng Trị người Quảng Nam có tên Nguyễn [Quang] Quýnh. Viên nguyên án sát Cao Bằng, nguyên bố chính sứ Khánh Hoà ấy trước đây bị cách chức, vì bị viên quan án sát đồng sự Lê Cán vu oan, mặc dù đã được Khoa đạo (Viện Đô sát) điều tra, chiêu tuyết. Nguyễn Quýnh vẫn bị cách chức về nguyên tịch cử nhân với quy kết là không làm nổi việc (19)! Không làm nổi việc? Làm sao đảm đương được chức vụ một khi đồng sự lại một mực vu khống tham ô, ăn của lễ đến hai trăm lạng bạc! Nguyễn Quýnh phải vặc lại y, và kiệt lực bởi quá đau đầu nhức óc khi thanh danh bị vu khống. Bấy giờ, phủ doãn Nguyễn Văn Tường hiểu ông, thấy ở ông một người đồng chí chủ chiến, đã tâu xin được chọn ông làm quản đạo Quảng Trị, thuộc cấp cho mình. Và ông cũng tự hào mình đã không chọn nhầm người.

      Niềm cảm ơn Nguyễn Quýnh và tự hào không chọn nhầm người ấy cũng đã cho ông  thêm cảm giác hạnh phúc trong chiều nay.

      Kéo lên gàu mo cau đầy nước, đổ xuống chậu đất nung màu hồng ngả đỏ, thấm nước, thêm tươi màu, ông thấy nước giếng trong vắt chung chiêng rồi phẳng lặng, in soi gương mặt ông với bộ râu năm chòm đen nhánh, với búi tóc đầy đặn chưa có sợi nào nhuốm bạc. Một lần nữa, ông mỉm cười.

 

      2

      Hơn chín năm, một huyện miền núi ấy! Sau ba năm, Nguyễn Văn Tường lại trở về nơi chốn thân thương cũ, vào một chiều mùa đông, ngày gần cuối tháng mười nguyệt lịch.

      Ông rời kinh đô Huế lúc nhà vua và Viện Cơ mật đang trở lại với kế “lưỡng toàn”, lại ngầm giúp những nghĩa sĩ Nam Kì lục tỉnh, lấy danh sách người mộ nghĩa ở Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên để thưởng chức hàm với ý khuyến khích, để chờ cơ hội (20). Bang biện Nguyễn Văn Tường hi vọng phái chủ chiến của thượng thư Bộ Binh Nguyễn Tri Phương, thượng thư Bộ Lại Vũ Trọng Bình sẽ dần dần được vua Tự Đức nghe theo hơn, chứ không phải chủ yếu nghe theo cánh chủ “hoà” của thượng thư Bộ Công Trần Tiễn Thành, thượng thư Bộ Hộ Phạm Phú Thứ và thượng thư Bộ Hình Phan Huy Vịnh. Ông hi vọng thượng thư Bộ Lễ Nguyễn Văn Phong sẽ ngã hẳn sang phía chủ chiến. Nhưng dẫu sao, điều mong ước lớn nhất đối với riêng ông hiện nay là không bị lời sàm tấu nào để ông phải bị cắt quyền tự ý tư tâu trực tiếp với vua. Với chức năng khâm phái, ông đang là đặc phái viên của vua. Nhưng thế nào đức vua lại không bàn bạc với các đại thần lục bộ, trong đó, bốn thượng thư cũng là Cơ mật viện đại thần.

      Đó là niềm vui, nỗi âu lo của ông khi đặt chân đến Thành Hoá với ấn “khâm phái quan phòng” trong tay.

      Việc đầu tiên là ông cùng những thuộc cấp đi thăm xét, điều tra thực tế về âm mưu bọn Pháp đang ngược sông Khung (Mê Kông) lên đất Lào, lên Vân Nam. Và không chỉ riêng Pháp, mà hình như có cả bọn Anh! Chúng đang cướp chiếm đất hoang chưa khai khẩn bên kia núi thuộc đồn Trấn Lao (21).

      Sau khi chiếm hẳn Ấn Độ vào năm Tự Đức thứ hai (1849) (22), bọn Anh đã buộc Xiêm (Thái Lan) “mở cửa”, lép vế, hầu như chịu “bảo hộ” (04.1855), mặc dù vương quốc này khôn ngoan thực thi “kế chân vạc” (tạm gọi thế!), chấp nhận cho Mỹ, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Bồ Đào Nha… xâu xé, không để riêng Anh độc chiếm (23). Bốn mươi năm trước (1826), thời vua Minh Mạng, quân Anh đã vây bức kinh đô Ngưỡng Quang (Rangoon), cắt chiếm Miến Điện (Mianma), buộc Miến bồi thường chiến phí (24). Cách đây mười lăm năm (1851), năm Tự Đức thứ tư, bọn Anh còn cắt chiếm thêm nước Miến, buộc vua Miến phải dời đô đến Mãn Đắc Lặc (Mandalay). Bọn Pháp đã nuốt trọng Cao Miên (Campuchia), từ hai năm trước (1864). Hai nước thực dân này thế nào lại không tìm cách thôn tính, trực trị Lào, một nước Lào bị Xiêm kềm kẹp từ thời tiên đế Gia Long còn bôn tẩu, chỉ mới kịp khôi phục Gia Định (1779). Lào hiện vẫn bị đè nát bởi tầng Âu Mỹ, bên trên tầng Xiêm, ngay cả lúc này, khi Xiêm còn giữ được chút sức tàn!

      Không còn nghi ngờ gì nữa, vài ba tháng trước (05.6.1866), đoàn thám hiểm Pháp do tên quan năm (trung tá) hải quân Doudart de Lagrée cầm đầu đã khởi hành từ Sài Gòn. Trong đoàn này còn có tên An Nghiệp Ngạc Nhe (FranÇis Garnier)! Sớm hơn cả Pháp, sau khi Anh buộc nhà Thanh (Trung Quốc) kí “hiệp” ước lần thứ hai vào năm Canh thân (Tự Đức thứ mười ba), Hàm Phong thứ mười (25.10.1860), chúng đóng chốt ở Hán Khẩu (Hankeou), hiện đang khảo sát khu vực Dương Tử giang. Trong đó có tên lái buôn Pháp làm việc cho Anh là Jean Dupuis. Bọn Anh từ Xiêm, Miến và từ Hán Khẩu đang lăm le khu vực dọc sông Khung (Mê Kông). Jean Dupuis cũng nom nhòm Vân Nam với tuyến sông Hồng chảy xuôi qua vùng châu thổ Bắc Kì như nhiệm vụ FranÇis Garnier đang được bọn đầu sỏ tướng lĩnh Pháp giao phó (25).

      Nhân dân đã phản ảnh đúng như tin thám báo, triều đình ở kinh đô Huế hẳn đã biết? Họ thấy rõ tàu thuyền Pháp đang ngược sông Khung (Mê Kông), có thể sẽ chiếm đất ta chưa kịp khai khẩn ở đồn Trấn Lao.

      Sau khi cùng những người tuỳ tùng thăm xét về, chỉ vội tắm rửa, ăn uống qua loa, bang biện khâm phái Thành Hoá huyện vụ Nguyễn Văn Tường vội chong dĩa đèn dầu phụng để mài mực, viết tập tâu kính gửi vào đức vua Tự Đức:

      “Đồn Trấn Lao hơi có lam chướng, nhưng đất rộng, dân thuần, không khác gì trung châu. Lại nghe người Tây sắp phái người chiếm giữ đất hoang ở đằng sau núi. [Do đó] nên phải tính ngay.

      Xem ra, mạo lam chướng, vỡ đất hoang, giữ gìn đời sống có nhiều cách [thức], chỉ có người nhà Thanh là hơn cả. Lũ đầu mục giặc ở Cao Bằng, nếu có [ở các trại tù], xin đem hai trăm, ba trăm người [vào], và [đưa] người khách [tức là người Tàu] ở gần phủ, đạo [Quảng Trị…] đến các [địa] phận rừng vùng ấy khai khẩn dần dần. [Sau đó] thì cho khai mỏ lập thành hộ để thêm [người] giữ giúp [vùng đất này]. Trong hai, ba năm, tưởng cũng thành hiệu.

      Đầu mục giặc đã bỏ sào huyệt, [ta đưa vào đây để] chia bè lũ, thì thế dễ đề phòng; mà đất bỏ không ở biên giới, [nếu được thêm các hạng người, hạng tù ấy, thì ta] đều có chia giữ.

      [Kết lại, tất thảy các tính toan ấy] cũng là việc cần phải chiếm đất, khai hoang trước [bọn Tây]” (21).

      Tháng mười một, năm Tự Đức thứ mười chín, Bính dần (1866).

      Đó là những suy nghĩ trong suốt cả mười mấy ngày qua của bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường, khi còn trèo đồi lội suối đi vào các xóm thôn, các châu, các ven (vel: làng) đồng bào Kinh, Thượng và dọc lưu vực sông Khung (Mê Kông). Ông đã đắn đo rất nhiều. Đất ta đấy, nhưng người đâu để khai hoang? Hạng người nào quen với lam sơn chướng khí? Người thiểu số thuộc đất Trung Quốc nhà Thanh xiêu tán qua biên giới phía bắc nước ta không ít, trong đó có bọn tàn quân Thái Bình thiên quốc của Hồng Tú Toàn đã biến chất thành giặc Cờ, mấy năm vừa qua nhân dân biên giới điêu đứng, tang tóc bởi chúng, triều đình ta hao quân tổn tướng không ít bởi chúng! Những người Kinh phù nhà Mạc ở Cao Bằng, mà quản đạo Nguyễn Quýnh có thời làm án sát ở ngoài ấy có lần kể cho ông nghe, rằng họ lâu ngày “Kinh già hoá Thổ”. Bọn trai tráng phù Mạc ở đấy, ba, bốn đời làm phỉ, chống vua Lê chúa Trịnh, cùng các cung tần mĩ nữ và cả tôn nữ nhà Mạc cũng Tày, Nùng hoá, cũng rất quen sinh sống ở các vùng miền núi (26). Các bọn đầu mục phỉ ấy đúng là rất cần phải phân tán chúng, cách li chúng khỏi biên giới phía bắc, vốn là địa bàn quen thuộc của chúng. Và thêm vào đó là những người Hán được gọi là “Minh hương”, Hoa kiều (khách trú gốc Hoa), cũng rất nên đưa họ lên đây khai khẩn, bởi họ rất cần cù, chịu khó. Bù lại, ta tha thuế đồng niên cho những người khách ấy.

       Bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường đã suy nghĩ, đắn đo nhiều.

      Bọn tàn quân Thái bình thiên quốc, thực chất là trung thành với nhà Minh, phù Hán diệt Mãn Thanh. Có điều, chúng tự xưng: Thiên Chúa của Thái bình thiên quốc là đứa con thứ hai của Thượng đế Giê-hô-va giáng thế, có tên là Hồng Tú Toàn! Mục tiêu của họ là chính nghĩa, mặc dù đã đập nát chùa Phật, tượng Khổng, đền miếu Lão giáo, đòi san định lại tứ thư, ngũ kinh cho phù hợp với Thiên Chúa họ Hồng (!) (27). Khác với Nho giáo hiện thời, chúng đề xướng tôn trọng nữ quyền, bình quân ruộng đất. Có điều, chính nghĩa phù Hán và ít nhiều có tính đổi cũ thay mới mà xưa nay người ta gọi là cách mạng của chúng đã vợi đi một nửa bởi chúng dựa vào lực lượng Âu Mỹ ngoại xâm, đang trực tiếp xâm lược Tổ quốc Đại Hán lẫn Mãn Châu. Vả lại, chúng đã biến chất như vương tướng của chúng, lại sát phạt nhau, mưu toan chiếm đất ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hưng Hóa nước ta để xưng hùng, xưng bá, với các màu cờ, thứ Cờ đen, thứ Cờ vàng. Ngoài ra, còn có bọn giặc Hồi Cờ trắng của bè lũ Bàn Văn Nhị (28)! Quan quân ta đã bao lần phủ dụ, mong chúng trở về Tàu quy phục nhà Thanh, hoặc ăn yên ở yên, chúng vẫn ngoan cố giở trò cướp bóc, chiếm cứ, giết chóc, thậm chí còn câu kết với bọn Pierre Tạ Văn Phụng như tên đầu sỏ Tô Tứ (29)! Tập đoàn Thái bình thiên quốc đã thành tàn quân, tràn sang nước ta, vốn bị Anh, Pháp lợi dụng và bỏ rơi sau khi chúng đạt được mục tiêu tạm thời. Giặc Cờ vàng Tô Tứ, là một bộ phận của tập đoàn này, đã “bắt tay” với bọn Pierre Phụng phản quốc, phi nghĩa, cũng bị Pháp và “tả đạo” lợi dụng rồi sẽ bị bỏ rơi như chúng! Bị lợi dụng rồi bị bỏ rơi như thế, hẳn trong thâm tâm chúng sẽ rất căm hận bọn Pháp, bọn Anh, mặc dù có thể bề ngoài chúng vẫn muốn kiếm chác vũ khí từ các nước da trắng bạch tạng đó, nếu còn kiếm chác được.

      Còn người khách? Người khách (kiều) Minh hương cũng trung thành với Hán tộc như bọn giặc Cờ, có điều, họ hoàn toàn theo tam giáo Trung Quốc, không dính líu gì đến đạo Cơ Đốc (Tin Lành…) và lí thuyết xã hội đại đồng viễn tưởng Tây Âu đã biến tướng ở Hồng Tú Toàn.

      Và, đối tượng khác, tàn dư của nhà Mạc ở Cao Bằng cũng thuộc loại trung thành, gốc gác vốn từ Thăng Long (Hà Nội), Hải Dương, đã mấy đời “Kinh hoá thành Thổ” rồi, mà điệu hát, ngón đàn, bài múa, đường gươm, ngọn cước vẫn lưu truyền điêu luyện. Họ vốn căm hận vua Lê chúa Trịnh. Họ cũng người Kinh xứ Bắc như dân mười sáu phường ở tổng Bái Trời (Cồn Tiên, Đất Đỏ, thuộc huyện Do Linh), vốn là quân binh Mạc Lập Bạo, bị tiên đế Gia Dụ thái tổ Nguyễn Hoàng đánh bại, cho định cư từ mấy trăm năm nay (30). Chỉ khác là Kinh – Mạc kia hoá Thổ, còn Kinh – Mạc này là Thuận Hoá hoá.

      Lòng trung thành của họ đối với nhà Minh Hán tộc Trung Quốc, đối với nhà Mạc nước ta sẽ chuyển hoá thành lòng trung thành với nhà Nguyễn? Có thể hi vọng như thế?

      Và như thế, ba đối tượng ấy, trong đó có đến hai là tù khổ sai, vẫn có thể sử dụng được trong việc khai hoang giữ đất.

      Dần dần, năm, bảy trăm người thuộc ba hạng người trên, họ sẽ chan hoà, đồng hoá vào cộng đồng Kinh, Thượng ở Trấn Lao. Bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường đoan chắc như vậy. Phải “lấy nhân nghĩa mà thắng hung tàn, đem chí nhân mà thay cường bạo” như Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô đại cáo.

      Đó là cách ổn định cuộc sống cho các đối tượng ấy một cách nhân đạo, cũng là cách giữ đất khỏi bị bọn Pháp, bọn Anh xâm chiếm.

      Đến canh ba, khi tiếng điêu đẩu bằng đồng báo hiệu đổi phiên tuần canh của đồn bảo Trấn Lao vang hồi lâu, quan bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường mới tắt đĩa đèn, đi ngủ. Mưa mùa đông và gió rừng lạnh buốt.

 

      3

      Tập tâu và những điều kính đề nghị ấy đã được nhà vua chấp thuận, chuẩn y. Đồng thời, vua Tự Đức đã ra sắc dụ cho Bộ Binh, Bộ Hộ và quan tỉnh Cao Bằng, Quảng Trị triển khai thi hành. Bang biện khâm phái nhận được ống tre sơn đỏ đựng công văn với nội dung ấy theo đường binh trạm dịch lộ tối mật, vào cuối tháng mười một. Ông vội chuẩn bị cơ sở để tiếp đón những người khai khẩn kia.

      Bất chợt mấy hôm sau, ông lại nghe tiếng vó ngựa binh trạm.

      Lần này là một công văn đề nghị bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường xét xử một mối thù giữa những người Thượng, đồng bào châu bạn (cống sơn nhân) và đồng bào châu mường (thuế sơn nhân). Người ta cũng gọi là “hoang nhân” và “thục nhân”, với nghĩa là người hoang sơ và người nhân ái (31).

      Bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường cùng những binh lính tuỳ tùng đội mưa, lên ngựa, phóng đi ngay. Ông trở về châu Tá Bang của thổ tri châu Lĩnh Tuấn (32).

      Lĩnh Tuấn mừng rỡ đón tiếp quan nguyên tri huyện Thành Hoá, nay là bang biện huyện vụ. Nguyễn Văn Tường cũng xúc động, nhưng ông chỉ biết bóp thật chặt vào cánh tay Lĩnh Tuấn.

      Sau phút chào hỏi, ông bảo những người lính của mình:

      - Năm người ở lại đây với ta! Mười người còn lại, ngay lập tức phóng về Động Ngang, vào trình với quan tri huyện, cho giải những người “hoang sơn nhân” châu Mang Bổng, Ba Lan, Tầm Bồn và châu Ba Ngạn tới huyện lị. Lát nữa, ta sẽ đến.

      - Bẩm, thưa quan khâm phái, chúng tiểu tốt xin tuân lệnh.

      Họ lên ngựa phóng đi ngay trong mưa gió.

      Khi ngồi với thổ tri châu trong ngôi nhà sàn lớn nhất châu Tá Bang này, vừa hút rượu cần, nhấm nháp chút khô nai nướng trên bếp than đỏ rực, ấm áp giữa tháng chạp núi rừng rét mướt, những kỉ niệm cũ lại trở về. Ông nhớ thương biết mấy người đồng sự tài năng, phó quản cơ Nguyễn Bằng, và cả thông lại Nguyễn Công Đạo, tri bạ Trần Hựu (33). Ông không ngờ Trần Hựu đã chết vì sốt rét rừng! Còn Nguyễn Bằng đã ra Bắc tiễu phỉ. Nguyễn Công Đạo đã về làm việc ở phủ quản đạo Quảng Trị.

      Nhìn gương mặt nâu hồng, mái tóc đen xoăn gợn sóng bềnh bồng của Lĩnh Tuấn, bang biện hỏi đầu đuôi câu chuyện.

      - Bây chừ, ta cùng thổ tri châu sẽ đến huyện lị để phân xử. Không nên để mối thù này dằng dai, không tốt, hại đến hoà khí núi rừng.

      - Bẩm, vâng.

      Giã từ ché rượu nồng, bếp lửa ấm và những miếng khô nai nướng thơm lựng, họ và những người lính phóng ngựa trong mưa rét, về phía huyện lị ở Động Ngang.

      Cửa thành huyện vẫn có hai người lính định biên đứng nghiêm chào với hai ngọn giáo sáng quắc. Trao dây cương ngựa cho người tuỳ tùng, bang biện khâm phái bước vào tiền sảnh công đường. Sau khi họ thi lễ chào nhau, ông ngồi vào chiếc ghế trường kỉ, đối diện với quan huyện Nguyễn Duy Tự. Nguyễn Duy Tự đỗ phó bảng khoa Giáp thìn (1844), người xã Bảo An, huyện Diên Phước, Quảng Nam (34). Vốn đã quen biết và là thuộc cấp của nguyên phủ doãn Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Duy Tự rất vui mừng.

       Cơm trưa xong, uống hết bình trà nóng, Lĩnh Tuấn cùng hai tri huyện cũ và mới chợt thấy người lính hầu cận vào thưa, đã có mặt những thủ lĩnh ba châu “ngoài cõi giáo hoá” của triều đình.

      Nguyễn Văn Tường cho phép họ được trình bày tất cả những gì đã dẫn đến sự tranh chấp. Người châu Mang Bổng nói:

      - Bẩm, chúng tôi đã khai hết rồi.

      - Hãy khai lại, cho mọi người cùng nghe.

      - Bẩm, người Ba Ngạn cho trai tráng sang ba châu chúng tôi ve vãn con gái. Nhưng ba châu chúng đã ăn thề, không cho phép con gái chúng tôi lấy con trai bên nớ. Cấm chúng đi sim, poọc xu (tìm hiểu, chuyện trò ở nhà xu) bên chúng tôi.

      Bang biện khâm phái mỉm cười:

      - Bà con có nhớ bài hát “đi sim” của trai tráng Tà Ôi mình không?

“Bóng em lấp lánh như sao mới mọc

Dáng em lấp lánh như vầng trăng non

Hình em vằng vặc như trăng đêm mười sáu

Ta đi tìm gặp người ơi!

Tình em vời vợi như trăng đêm mười bảy

Ta lần tìm đến người…” (35)

      Mọi người có mặt hiểu được ngay bài dân ca quen thuộc ấy, chưa kịp bày tỏ lời xúc động, bang biện Nguyễn Văn Tường lại nói:

      - Rất tiếc là ba châu các ngươi chia tách ra khỏi cộng đồng chín châu… Nhưng thôi, ta chỉ hỏi: Sao lại chiếm đoạt ruộng rẫy bắp đậu và cả heo bò châu Ba Ngạn?

      - Bẩm, để bù lại chớ! Con gái chúng tôi lỡ dại, có bắt về nhà lại, thì cũng không ai lấy!

      - Các ngươi có biết xa xưa kia, người Bru Vân Kiều, người Tà Ôi ở Quảng Trị, Thừa Thiên, và cả người Cơ Tu ở Thừa Thiên, cũng là một không? Như cây một gốc, rồi cây rụng hạt rừng tây, rụng hạt rừng nam, sinh ra rừng, ra núi. Như gà một mẹ, gà sinh con bầy, con đàn, có bầy vào buôn, vào chiềng thành gà nhà, có gà ở rừng, thành gà trời. Người Thượng ta cũng rứa. Nhưng trai châu này phải lấy gái châu kia. Vậy đó, đời này sang đời khác. Người Thượng ta cũng như người Kinh. Người Kinh cũng từ một bọc trứng trăm con trai của Âu Cơ, người châu mường chim Lạc, mà thành. Trăm con trai đó cũng chia nhau đi lấy vợ khắp các châu bản miền ngược, xóm làng miền xuôi. Các người có biết rứa không? Trai châu Ba Ngạn phải ve gái các châu Mang Bổng, Tầm Bồn, Ba Lan chớ? Tại làm răng mà cấm đoán?

      Những người ba châu “hoang man” cúi mặt, không muốn nói uẩn khúc trong lòng họ. Một không khí im lặng trong rét buốt đầy ắp tiền sảnh.

      - Bẩm, ba châu chúng tôi chỉ cà lơ (kết nghĩa) với nhau thôi. Chuyện cây một gốc, gà một đàn xa xưa rồi. Chúng tôi ở “ngoài cõi giáo hoá của triều đình” mà, chúng tôi là “hoang man” mà! Còn chúng nó ở châu Ba Ngạn là “thục man” thì chúng tôi thù, chúng tôi hận, không chịu cà lơ (kết nghĩa) với chúng!

      - Vào “cõi giáo hoá của triều đình” hay ki mi (cởi mở) thì tuỳ các người. Nhưng phải cho trai ven (vel) ni lấy gái ven (vel) tê, tức là làng ni cà lơ (kết nghĩa) với làng tê. – Quan bang biện mỉm cười thân thiện –. Dù răng đi nữa cũng không nên thù nhau, hận nhau. Chín châu người Thượng ở Thành Hoá, Quảng Trị với các châu ở Thừa Thiên cũng một gốc thôi. Không nên thù nhau, không nên hận nhau. Ta thấy cũng nên nhắc lại chuyện xa xưa. Tổ tiên các người là Nam Nội Ổi Nô. Nam Nội sinh ra Long Uất, Sa Hôn, Sa Khô, Phì Xương (36). Rứa là một gốc cây mọc trái, rụng hạt ra bốn châu. Tổ tiên châu Mường Vang là Sa Hôn. Tổ tiên châu Na Bôn (Sê Pôn) là Long Uất. Tổ tiên châu Thượng Kế (Mường Nong) là Phì Xương. Tổ tiên châu Tầm Bồn (Mường Phong) của các ngươi là Sa Khô! Còn châu cũ của Nam Nội đã bị chồng cô em cai quản. Thế là mới có bốn châu mới, vậy năm châu khác từ chỗ nào tới? Thế này, Sa Khô sinh ra con cả là Pha Nô Khâm Mang, lập ra châu Mường Bổng (Nam Nan) các người! Con thứ tư của Sa Khô là Sa Kiệu, lập ra châu Ba Lan (Pha Lan) các người! Con thứ ba của Sa Khô là Sa Khâm, lập ra châu Tá Bang (Pha Bang). Pha Nha Cứ Hùm là con thứ hai của Sa Khô, ông này lập ra châu Xương Thịnh (Xiêng Hem). Còn châu Làng Thìn (Mường Phin)? Các ngươi biết là do ai lập ra không?

      Họ ngỡ quan bang biện trả lời luôn, nào ngờ quan hỏi thật. Im lặng, họ đang chờ quan bang biện nói tiếp. Nhưng quan vẫn hỏi:

      - Ta hỏi các người, tiên tổ châu Làng Thìn là ai, chẳng lẽ các người quên mà ta còn nhớ?

      - Bẩm, tiên tổ nớ tên là Pha Nha Nhó, con thứ của Long Uất ạ. – Một người châu Mang Bổng  trả lời –.

      - Rứa là các ngươi nhớ rõ đó. Các ngươi thấy tiếng Bru Vân Kiều giống tiếng Tà Ôi, giống tiếng Cơ Tu không?

      - Bẩm, một là tiếng Tà Ôi so với tiếng Bru Vân Kiều, mười phần giống hết bảy phần; hai là tiếng Cơ Tu so với tiếng Bru Vân Kiều, mười phần giống hết gần sáu phần; ba là tiếng Tà Ôi so với tiếng Cơ Tu, mười phần giống hết hơn năm phần (36).

      - Thì vậy là quá rõ, ba châu Tầm Bồn, Mang Bổng, Ba Lan đều là con cháu của Sa Khô. Và nói chung cả chín châu đều là con cháu nhiều đời của Nam Nội Ổi Nô từ đất Lào sang định cư ở huyện nhà, cả ở Thừa Thiên. – Ngẫm nghĩ một lúc, quan khâm phái lại nói –. Lâu nay, truyền thuyết vẫn vẫn chẳng nói thế này là gì, chín châu người Thượng ta cũng như tất cả người Kinh ta, đều là con Rồng cháu Tiên với bọc trứng một trăm cái của Mẹ Âu Cơ đó thôi. Sao lại thù nhau, hận nhau đến nỗi không cà lơ (kết nghĩa) (36) với nhau bằng cách cho trai gái buôn ni lấy trai gái bản tê! Đó là cách kết nghĩa đậm đà nhất, cà lơ như thế là tốt nhất!

      Sau một lúc im lặng, một người ở châu Ba Lan nói:

      - Nhưng chúng tôi trót thề rồi. Giàng sẽ phạt, nếu trái lời thề.

      - Vậy châu Ba Ngạn và các châu tê có thề không?

      - Bẩm, không. Chúng tôi vẫn theo luật tục nghìn đời từ tổ tiên Nam Nội Ổi Nô. – Người châu Ba Ngạn nói –. Chỉ có ba châu kia tách riêng ra mà thề bồi riêng rứa thôi!

      - Thế thì không có giá trị. Đó là Giàng chưa hỏi ý kiến Nam Nội Ổi Nô. Phải theo luật tục nghìn xưa! Đó là nguyên tắc hôn nhân một chiều và dây chuyền (36) của các ngươi. Nếu con trai Mu Bleng (dòng họ thờ vật tổ [totem] là con ong vàng) lấy vợ Mu Xôm (dòng họ thờ vật tổ là con hổ), thì con trai Mu Xôm không được lấy vợ ở Mu Bleng mà chỉ lấy vợ ở các Mu khác. Theo đó, nghĩa là không chấp nhận sự trao đổi hôn nhân qua lại giữa hai dòng họ, mà họ Nhất lấy vợ ở họ Nhị, họ Nhị lấy vợ ở họ Tam, họ Tam lấy vợ ở họ Tứ, họ Tứ lấy vợ ở họ Ngũ, họ Ngũ lấy vợ ở họ Lục, họ Lục lấy vợ ở họ Thất, họ Thất lấy vợ ở họ Bát, họ Bát lấy vợ ở họ Cửu, họ Cửu lấy vợ ở họ Nhất. Đó cũng là nguyên tắc hôn nhân khác họ. Các tiên đế triều Nguyễn đã ban cho mỗi châu một họ rồi, nào là họ Lâm, họ Thạch, họ Khưu, họ Hướng, họ Cốc, họ Đồng, họ Lĩnh, họ Sơn, họ Thiết. Các ngươi cứ theo thế… Nói tóm lại ba châu Mang Bổng, Tầm Bồn, Ba Lan không nên tách ra thành một giống, một cõi riêng, đặt ra nguyên tắc riêng. – Bang biện Nguyễn Văn Tường chợt nói tiếng Cơ Tu –. “Tunghi saypiroi hêlêl oh crưct ter’lung oh kring, hau nghê tapắt katiec mưu ânlung crung mữu ưng coh…”: Vụ việc này hai bên phải tự bàn bạc giải quyết; ở chung một đất, một rừng thì phải chung một bụng (36)… Người Cơ Tu trong Thừa Thiên nói như rứa, bà con Bru Vân Kiều, Tà Ôi mình cũng nghĩ nghư rứa, cũng thường nói gần như rứa. Vấn đề này có hội đồng già làng, chủ làng… (36) Ta chỉ bàn như thế…

      - Bẩm, rứa thì…

      - Cứ nói hết đi!

      - Phải bồi thường lại cho Ba Ngạn những cái chi chúng tôi đã chiếm, đã trót chiếm để bù cho con gái chúng tôi…

      - Trả lại hết. Ta mong rằng các ngươi hãy trả lại hết. Sau đó, làm lễ cưới, lễ hỏi đàng hoàng. Các ngươi chỉ có lỗi là, một bên thì chưa cưới mà đã ve vãn con gái người ta về nhà, và một bên thì dùng vũ khí để cướp rẫy nương người ta rồi bắt con gái mình về nhà mình.

      - Bẩm, phải đền bù trinh tiết cho con gái chúng tôi chứ! Thật ra, không có gì đền bù nổi!

      - Rất đúng, nhưng sao không kiện quan mà lại dùng dao rựa, cung nỏ, bức chiếm ruộng rẫy, để mang lỗi là cướp! Các ngươi coi thường pháp luật và các quan! Nói tóm lại cả hai bên đều lỗi! Châu Ba Ngạn phải chịu phạt, ba châu Mường Bổng, Tầm Bồn, Ba Lan cũng chịu phạt! Phạt đều nhau!

      Sau một lúc ngẫm nghĩ, cả bốn châu đều thưa: “tuân lệnh”.

      - Vậy thì bắt đầu ngày mai, phải cử tráng đinh đến phía sau núi thuộc đồn bảo Trấn Lao, phát hoang để làm lán trại, chờ đón dân Minh Hương, đầu mục Cao Bằng vào! Chúng ta phải luôn ở quanh đó, rồi ở xen kẽ với đám người mới đến. Ta sẽ lập những cái làng tự tân, nghĩa là tự đổi mới, hướng thiện (37)! – Quan khâm phái bang biện huyện vụ bỗng nhấn mạnh –. Thật ra không chỉ bốn châu các ngươi, mà toàn dân trong huyện. Chỉ có điều là bốn châu các ngươi chịu sai dịch nặng hơn tí chút mà thôi…

      - Bẩm, xin tuân lệnh. – Một người thuộc châu Tầm Bồn đại diện nói –.

      - Ta thấy chuyện xử phạt các ngươi vẫn là chuyện nhỏ, điều quan trọng nhất là: Tráng đinh chín châu, gồm cả bốn châu các ngươi, cùng cả mấy vạn dân Kinh trong huyện hãy nhớ là bọn Pháp, bọn Anh có thể sẽ chiếm đất phía sau núi thuộc đồn bảo Trấn Lao để tấn công chúng ta!

      Buổi xử phạt chấm dứt. Ngoài trời vẫn mưa gió rét buốt. Thổ tri châu Lĩnh Tuấn (người đứng đầu châu mường Tá Bang) và những người thuộc bốn châu kia đã ra về sau khi thi lễ.

      Đêm đó, bang biện Nguyễn Văn Tường và tri huyện Nguyễn Duy Tự lại tiếp tục bàn bạc các việc trong địa hạt. Nguyễn Văn Tường vẫn suy tư về kế hoạch thủ để chiến, và muốn gắn liền tất thảy mọi việc vào kế hoạch ấy, kếâ hoạch mà ông đang tiếp tục thực hiện. Đúng vậy, từ năm Tự Đức thứ sáu (1853), ông đã bước đầu thực hiện được ít nhiều…

 

Truyện kí thứ năm (còn tiếp)

                                 

                            Viết đến dòng chữ này lúc 17 giờ 14 phút,

Ngày 16.09.2002 (10.08 Nh. ngọ, HB.2).

Chú thích xong vào lúc 17 giờ 02 phút, 20.9.2002

(Tiết Trung thu, 14.8 Nh. ngọ, HB.2).

TXA.

 

(1)        Theo Chi tộc phả Nguyễn Văn làng An Cư, Triệu Phong, Quảng Trị. Xem thêm: Cuốn Các báo cáo khoa học (15 tác giả), Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), Huế, 02.7.2002, trong đó có tham luận của Hồ Vĩnh, bài “Bước đầu khảo sát các di tích tại Huế có liên quan đến Nguyễn Văn Tường”, tr. 139.

(2)        Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), tập 23, bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., Hà Nội, 1970, tr. 139.

(3)        Quốc sử quán triều Nguyễn và Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục (QTHKL.), bản dịch: Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Thị Lâm, hiệu đính: Cao Tự Thanh, Nxb. Tp. HCM., 1993, tr. 178.

(4)        ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 42 – 43: Một số chữ phạm huý, kể cả chữ đệm tiếp liền sau họ, như Công, Thế… Chữ Quang có lẽ cũng trong trường hợp này.

(5)        ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 86 – 87.

(6)        ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 83.

(7)        Xem các chú thích (55), (56), (57), (58).

(8)        ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 171 – 172.

(9)        Nguyễn Văn Tường, bản tấu, năm Tự Đức thứ 21 (1868), dẫn theo GS. Đoàn Quang Hưng, bài “Tìm hiểu chủ trương của Nguyễn Văn Tường sau cuộc binh biến Ất dậu 1885” trong Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, kỉ yếu Hội nghị Khoa học lịch sử, ĐHSP. TP. HCM., 20.6.1996, tr. 101. Xin xem thêm: Trần Xuân An (biên soạn), Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, thơ, vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng, bản in vi tính, 2000 (chưa có điều kiện xuất bản).

(10)    ĐNTL.CB., tập 29, sđd., 1974, tr. 322.

(11)    ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 236.

(12)    ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 294 – 297.

(13)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 93.

(14)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 49.

(15)    ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 162 – 163.

(16)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 86 – 87.

(17)    Theo Chi tộc phả Nguyễn Văn làng An Cư, Triệu Phong, Quảng Trị.

(18)    Tập san Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des amis du vieux Huế), R. Morineau (linh mục Hội truyền giáo Paris tại hải ngoại), bài “Bao Vinh, thương cảng Huế”, tập 3 (1916), Đặng Như Tùng dịch, Bửu Ý hiệu đính, Nxb. Thuận Hoá, 1997, tr. 221.

(19)    ĐNTL.CB., tập 28, sđd., 1973, tr. 372.

(20)    ĐNTL.CB., tập 29, sđd., 1974, tr. 87 – 88.

(21)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 89.

(22)    Nguyễn Văn Hồng, Vũ Dương Ninh, Võ Mai Bạch Tuyết, Lịch sử cận đại thế giới, tập 3, Nxb. KHXH., 1985, tr. 25.

(23)    Nguyễn Văn Hồng, Vũ Dương Ninh, Võ Mai Bạch Tuyết, Lịch sử cận đại thế giới, tập 3, Nxb. KHXH., 1985, tr. 392.

(24)    Phan Khoang, Trung quốc sử lược (TQSL.), in lần thứ ba, ấn quán Hồng Phát, Chợ Lớn, 1958, tr. 398.

(25)    Dương Kinh Quốc, Việt Nam, những sự kiện lịch sử (VN.NSKLS.), tập 1, Nxb. KHXH., 1981, tr. 91 – 92.

(26)    GS. Trần Quốc Vượng, Việt Nam, cái nhìn địa – văn hoá (VN.CNĐVH.), Nxb. Văn hoá Dân tộc, 1998, tr. 23.

(27)    TQSL., sđd., 1958, tr. 363 – 368, 376. Tác giả Phan Khoang viết: “Anh, Pháp đã hoà hảo với Trung Quốc rồi bèn bỏ Thái bình thiên quốc mà trước kia họ biểu đồng tình, quay lại giúp Thanh triều đánh dẹp giặc ấy”. Phan Khoang còn chú thích: “Theo Grousset trong Histoire de la Chine thì vì Thái Bình sửa soạn đánh Thượng Hải là hải cảng người Âu Mỹ có nhiều hàng hoá, nên các công sứ Âu Mỹ có tổ chức một đạo quân giao cho hai người Mỹ là Ward và Burgevine chỉ huy, hợp tác với nhà Thanh để đánh Thái bình. Sau người Anh là Gordon chỉ huy đạo quân ấy, được gọi là “Đạo quân Vạn Thắng” (Armée toujours victorieuse), hợp tác với Lý Hồng Chương, lấy lại các đất đai bị Thái bình chiếm”. Thật ra, đấy là một sự kiện tiêu biểu cho thủ đoạn tạo nội phản, dùng người bản xứ Trung Quốc tiêu diệt người bản xứ Trung Quốc, của bọn thực dân Âu Mỹ trong quá trình xâm lược của chúng. Tất cả mọi thủ đoạn cũng chỉ để phục vụ cho mục tiêu thực dân của chúng mà thôi!

(28)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 191.

(29)    ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 284.

(30)    Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC.), bản dịch Phạm Trọng Điềm, hiệu đính: Đào Duy Anh, tập 1, Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr. 140.

(31)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 100.

(32)    ĐNTL.CB., tập 29, sđd., 1974, tr. 48.

(33)    ĐNTL.CB., tập 28, sđd., 1973, tr. 271, 324.

(34)    QTHKL., sđd., 1993, tr. 235.

(35)    Nguyễn Văn Mạnh (chủ biên), Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Hữu Thông, Luật tục của người Tà Ôi, Cơ Tu, Bru Vân Kiều ở Quảng Trị, Thừa Thiên, Nxb. Thuận Hoá, 2001, tr. 134, 27, 267, 191, 353, 358, 31…

(36)    ĐNNTC., tập 1, sđd., 1992, tr. 103 – 109.

(37)    Tập san Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des amis du vieux Huế), tập 1 (1914), Đặng Như Tùng dịch và Bửu Ý hiệu đính, Nxb. Thuận Hoá, 1997, tr. 224 – 234: bài “Một kinh đô phù du: Tân Sở” của Henry Pirey (linh mục Hội truyền giáo Paris tại hải ngoại). Trong bài viết này, tên thực dân đội lốt cố đạo Henry Pirey đã trấn áp công luận bằng cách xuyên tạc sự thật lịch sử, nhất là y dám bịa ra cái được gọi là “ý nghĩ quần chúng thấp cổ bé miệng”, mặc dù làm ra vẻ khách quan để tự bảo vệ lớp vỏ linh mục: “Tôi không dám bảo đảm những tin tức thu thập được là hoàn toàn xác thực […]. Sau này kiểm tra lại hết và rũ bỏ những chi tiết nào nhận thấy là sai lệch” (tr. 225). Nhưng y lại dám “bổ sung” về Nguyễn Văn Tường: “Khi lịch sử phán quyết chung thẩm về con người này mà nước Pháp đày cho chết thì cũng nên xét tới những lời suy nghĩ về con người này của những người đã sống cùng và chịu khổ vì chính sách của ông” (tr. 234)!?! Đó là chính sách kháng chiến chống Pháp, Henry Pirey đã xuyên tạc sự thật lịch sử một cách tinh vi, thâm độc và đầy thù hận đằng sau câu chữ. Tuy vậy, y cũng thừa nhận là chính các linh mục Mathey, quản trị giáo xứ Trí Bưu (Cổ Vưu), và Patinier, ngay trong tháng 9.1885, đã theo quân Pháp (do tên đại uý Bastide chỉ huy) lên Tân Sở để đốt phá những gì còn có ở đó, đến mức cả nhà cửa của nhân dân ba làng Mai Đàn, Mai Lộc, Bảng Sơn mà chúng xem là cơ sở kháng chiến Cần vương, chúng cũng đã đốt sạch, phá sạch, để phục hận. Xem thêm: Nhiều tác giả, Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, kỉ yếu Hội nghị Khoa học lịch sử, ĐHSP. TP. HCM., 20.6.1996: Trần Viết Ngạc, bài “Nguyễn Văn Tường qua châu bản triều Nguyễn”, tr. 216; tạp chí Xưa & Nay, số 100, tháng 9.2001, tr. 14 – 16 xem tiếp tr. 32: Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, về sau, nhân dân ở các làng tại huyện Thành Hoá đều có lập đền, miếu thờ Nguyễn Văn Tường, để bày tỏ lòng biết ơn. Xin lưu ý thêm một điều: Thành Tân Sở (được xây dựng về sau, 1883), đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào tháng 9.1995, tuy hiện nay chỉ còn là phế tích, chưa được tôn tạo (theo cuốn Di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị, Bảo tàng Quảng Trị ấn hành, 1995, với các trang trích trong tư liệu của Trường PTTH. Lê Thế Hiếu, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ gồm: Bản báo cáo đề dẫn Hội nghị phân cấp di tích; Danh mục di tích lịch sử – văn hoá và danh thắng trên địa bàn huyện Cam Lộ, tlđd., tr. 14). Mặc dù công cuộc chống Pháp do triều Nguyễn lãnh đạo, khác về hệ ý thức, nhưng vẫn trên nền tảng chung là chủ nghĩa yêu nước, nếu đặt một gạch nối với công cuộc kháng chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ về sau do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Không phải là ngẫu nhiên lịch sử, trong kháng chiến chống Mỹ, 1973, Cam Lộ lại là nơi được chọn để xây dựng Khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam. Chúng tôi chú thích rõ như vậy để khẳng định Thành Hoá (Cam Lộ, Hướng Hoá, Đắc Krông) đúng là căn cứ kháng chiến đích thực vì đã được xây dựng từ đầu với mục đích đó. Chú thích này nhằm vạch trần sự xuyên tạc lịch sử của tên thực dân đội lốt linh mục Henry Pirey.

 

 

Hết phân đoạn 1

truyện kí thứ năm

(còn tiếp)

 

XIN XEM TIẾP TỆP 9

phân đoạn 2

truyện kí thứ năm

 

 

(  xem tiếp tệp 9  ) 

 

Trở về trang chủ

Cập nhật: 07/01/09

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7