h. Trần Xuân An -- Bố Cái đại vương - một tôn hiệu rất Việt -- lịch sử cổ đại nước ta - Tệp 8

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

        12 tháng 3 HB6 (2006) / 19 tháng 3 HB6 (2006)

07/01/09

           

 

 

       Lời thưa

 

       Bài 1

 

       Bài 2

 

       Bài 3

 

       Bài 4

 

       Bài 5

 

       Bài 6

 

       Bài 7

 

       Bài 8

 

       Bài 9

 

       Bài 10

 

       Bài 11

 

       Bài 12

 

       Bài 13

 

       Bài 14

 

       Bài 15

 

  Phụ lục thơ

 

    Phần cuối

 

 

 

 

 

 

 

                               

  

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

( Bài 8 )

 

Xem:

Website Giao Điểm:

http://www.giaodiem.com       

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

 

 

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

                

 

 

 

 

 

 

SUY NGHĨ

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ

TRONG

LỊCH SỬ CỔ ĐẠI

NƯỚC TA

 

                             

 

 

BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG,

NGƯỜI ANH HÙNG KHỞI NGHĨA (791)

ĐƯỢC TÔN VINH BẰNG MỘT TÔN HIỆU RẤT VIỆT

 

1

Vài nét về bối cảnh lịch sử

 

Bấy giờ, ở Trung Hoa, mặc dù cuộc khởi nghĩa của tộc người Phiên do An Lộc Sơn chỉ huy (755) đã trôi qua khá lâu, nhưng ở các vùng biên giới, các phiên trấn, các tộc người phi Hán – Hoa vẫn không chịu sáp nhập vào trung nguyên, thậm chí dân tộc Thổ Phồn còn thừa cơ để chiếm cứ dần đất đai, tấn công vào tận kinh đô Trường An như An Lộc Sơn dạo trước. Theo lệnh vua Đường, Quách Tử Nghi phải chiêu dụ dân tộc Hồi Hột đem quân đánh binh đội của người Thổ Phồn. Thổ Phồn đành xin hoà nhưng vẫn thỉnh thoảng tiến quân vào trung nguyên. Đồng thời, quân của nước Nam Chiếu (tỉnh Vân Nam) cũng muốn xâm lấn.

Cộng vào đó, thời trung Đường (713 – 823) này, các tiết độ sứ ở các phiên trấn lại liên minh với nhau để chống lại triều đình nhà Đường, khiến vua Đường không yên trên ngai vàng xây bằng xương máu, phải mấy lần bỏ kinh đô để chạy thoát thân.

Ở nước ta, năm 758, Đường – Huyền Tông lại đổi An Nam đô hộ phủ thành Trấn Nam đô hộ phủ, với ý định trấn áp mạnh mẽ hơn những cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta. Tất nhiên, chúng cũng tăng cường sự mị dân như ban chiếu cho hai người đến hầu nuôi, quan đóng ở sở tại của chúng đến thăm viếng mẹ của Đào Tề Lượng (*) ở Giao Châu (767)!

Đến năm 768, chúng lại lấy tên cũ: An Nam đô hộ phủ.

Năm 783, vua nhà Đường là Đức Tông (Lý Quát), gặp phải biến động, phải rời kinh thành. Oái oăm thay, người tham mưu có hiệu quả cho Đức Tông trong việc đối phó với cuộc biến động này lại chính là một tiến sĩ sinh trưởng ở đất Cửu Chân nước ta: Khương Công Phụ. Y được Đức Tông phong đến hàm tước gián nghị đại phu, đồng trung thư môn hạ bình chương sự! Phải chăng Khương Công Phụ là tên ngụy quan học thức nhất, sau Lý Tiến, Lý Cầm, Trương Trọng (1)?

Theo Đào Duy Anh, thuế phú vẫn là cái khổ nặng nề nhất đối với dân ta. Thời sơ Đường, chế độ thuế phú của giặc ngoại xâm nhà Đường hẳn vẫn là tô dung điệu như ở Trung Hoa. Tô, đánh thuế trên từng suất ruộng. Dung, ngày công lao dịch phải đóng góp hằng năm. Điệu, số hàng hoá, sản vật phải nộp. Đến thời trung Đường, chúng thay bằng phép lưỡng thuế. Đó là hai thời điểm vụ hạ và vụ thu, dân ta phải nộp thuế, và nộp bằng tiền. Trên cơ sở tính số chi phí trong địa phương và số phải nộp về triều đình, quan chức đô hộ cứ tính toán thành định ngạch mà bổ vào đầu dân, chiếu theo số dân đinh và mức tài sản. Nông dân chỉ có lúa và vải, không có tiền, do đó quan lại tha hồ tuỳ tiện định giá, bọn phú hào đại thương tha hồ thao túng. Nhân dân rất khổ (2).

Trong bối cảnh đó, Phùng Hưng đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, kháng chiến.

 

2

Cuộc khởi nghĩa, kháng chiến lâu dài,

và cuối cùng đã thành công, nhưng…

 

Đại Việt sử kí toàn thư (1) chép: “Tân mùi, [791], (Đường, [Đức Tông: Quát – ct.], Trinh Nguyên năm thứ 7). Mùa xuân, An Nam đô hộ phủ là Cao Chính Bình làm việc quan bắt dân đóng góp nặng. Mùa hạ, tháng 4, người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc (3)) là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết. Trước đây Phùng Hưng vốn là nhà hào phú, có sức khoẻ, có thể vật trâu, đánh hổ. Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766 – 780), đời Đường – Đại Tông, nhân Giao Châu có loạn, cùng với em là Hãi hàng phục được các ấp bên cạnh, Hưng xưng là Đô Quân, Hãi xưng là Đô Bảo, đánh nhau với Chính Bình, lâu ngày không thắng được. Đến đây dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ. Chính Bình lo sợ, phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết. Hưng nhân đó vào đóng ở phủ trị, chưa bao lâu thì chết. Con là An tôn xưng làm Bố Cái đại vương (tục gọi cha là Bố, mẹ là Cái, cho nên lấy [Bố Cái] làm hiệu). Vương thường hiển linh, dân cho là thần, mới làm đền thờ ở phía tây phủ đô hộ, tuế thời cúng tế (tức là Phu hựu chương tín sùng nghĩa Bố Cái đại vương. Đền thờ nay ở phường Thịnh Quang (4), phía đông nam (5) ruộng tịch điền).

Tháng 5, ngày tân tị, nhà Đường đặt quân Nhu viễn ở phủ trị. Mùa thu, tháng 7, ngày Canh thìn, nhà Đường lấy Triệu Xương làm đô hộ. Xương vào cõi, lòng dân bèn yên. Xương sai sứ dụ An, An đem quân hàng. Xương đắp thêm La Thành kiên cố hơn trước, ở chức 17 năm, vì đau chân xin về. Vua Đường chuẩn cho, lấy lang trung Bộ Binh là Bùi Thái thay Xương” (6) (7).

Cuộc khởi nghĩa và vây phủ thành, khiến tên giặc đầu sỏ Đô hộ phủ Cao Chính Bình phải bệnh mà chết, thực ra đã kéo dài suốt mười mấy năm trời, ít ra là từ 780 đến 791. Đó là quãng thời gian lâu dài, khởi nghĩa, kháng chiến rất cam go, gian khổ và cuối cùng đã thắng lợi. Rất tiếc là tới lúc đã thành công, Phùng Hưng chưa kịp thực hiện những thay đổi để cải thiện đời sống của nhân dân sau khi đã giành được độc lập, tự do, thì ông đã qua đời. Không phải như Toàn thư đã chép, rằng chính Phùng An đã tôn vinh cha là Bố Cái đại vương, mà chính như Cương mục đã điều chỉnh lại: “Dân chúng lập con là An lên làm Đô phủ quân, tôn Hưng làm Bố Cái đại vương” (8).

Nhưng rất tiếc Phùng An không kế tục được sự nghiệp cao cả đó, thậm chí chỉ nghe lời chiêu dụ của giặc là đã đầu hàng!

Có người sẽ cho rằng: Sự thể cha anh hùng, con hèn nhát tuy rằng không phải là chuyện lạ, nhưng dẫu sao, Phùng An cũng thật đáng trách, một khi đã nhận lấy trách nhiệm do nhân dân giao phó. Tuy nhiên, cũng phải thấy, cả Toàn thư lẫn Cương mục đã ghi rõ: “Xương vào cõi, lòng dân bèn yên. Xương sai sứ dụ An, An đem quân hàng” (6); “Theo sách An Nam kỉ yếu, bấy giờ Giao Châu chưa yên, Triệu Xương đến nơi, vỗ về phủ dụ, lòng dân mới yên. Triệu Xương sai sứ đến dụ Phùng An, Phùng An đem quân ra hàng” (9).

Theo tư liệu gốc của Trung Hoa, vốn do sử gia của nước họ ghi lại, là như thế. Cứ giả định, nếu quả thật sự thực lịch sử là vậy, thử đặt lại vấn đề! Chẳng lẽ lòng dân thuở bấy giờ đã đầu hàng trước, sớm hơn cả Phùng An? Tên giặc ngoại xâm Triệu Xương cũng quá thâm độc: y biết cách phỉnh phờ nhân dân trước, sau đó y mới chiêu hàng Phùng An! Nhân dân đã đầu hàng trước, Phùng An biết dựa vào đâu để chiến đấu? Nhưng chẳng lẽ là một vị vua, lại chính do nhân dân tôn lập để kế tục sự nghiệp kháng chiến, giành giữ độc lập, tự do cho dân tộc, lại không biết cách lãnh đạo quần chúng nhân dân? Ba khía cạnh của một vấn đề là ở đó (1. thái độ, lòng dân Việt; 2. sự mị dân của tướng giặc Trung Hoa; 3. thái độ, ý chí của Phùng An). Phải chăng tất cả đều có sự tương tác – liên quan và tác động lẫn nhau? Đây là một vấn đề cần suy nghĩ.

 

TP. HCM., sau những ngày bệnh cảm sốt,

khởi viết từ lúc khoảng 14 giờ và hoàn tất lúc 16 giờ 55 phút,

trong chiều ngày 15. 07. HB4 (28. 05 G. thân HB4).

TRẦN XUÂN AN

 

Cước chú của bài Bố Cái đại vương, người anh hùng…:

 

(*) Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, bản dịch Văn hoá Á châu, VHAC. xb., 1960, tr. 67: “Một người dân Giao Châu là Đào Tề Lượng họp đảng đánh cướp thành ấp” (dẫn theo GS. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. TP. HCM. tái bản, 1992, tr. 191). Căn cứ vào hành động “đánh cướp thành ấp” (+), và sự kiện vua Đường mị dân (đối xử với mẹ của Đào Tề Lượng rất mị bởi bà ta đã ngăn cản, tuyệt nghĩa với người con khởi nghĩa họ Đào này), ta thấy tất nhiên thành ấp là thành ấp của quân ngoại xâm chiếm đóng; từ đó, có thể nêu vấn đề: Phải chăng có thể cho rằng Đào Tề Lượng hoàn toàn không phải là đầu sỏ bọn cướp lục lâm thảo khấu thuộc loại xã hội phạm đáng trừng trị, mà chính là thủ lĩnh lực lượng khởi nghĩa chống ngoại xâm, áp bức. Và mọi hành vi của triều đình ngoại xâm (nhà Đường), dẫu bề ngoài thấy như là nghĩa cử tốt đẹp, thực chất đều là thủ thuật chính trị, ẩn giấu ý đồ xấu xa, vì quyền lợi thực dân của chúng. Nói chung, cần phải mổ xẻ tất thảy mọi sự kiện trong các bộ sử theo quan điểm sáng suốt nhất (công lí của dân tộc thống nhất với công lí nhân loại trong vấn đề chống ngoại xâm). Không phải tất thảy mọi trường hợp đều nhất nhất thế này hoặc nhất nhất thế khác một cách máy móc, trong việc xử lí tư liệu của giặc ngoại xâm (ở đây là sử Trung Hoa).

Nhân đây, xin nói rõ hơn, bao quát cả sử cổ – trung đại lẫn cận đại (từ khởi thuỷ đến trước thế kỉ XX): Có trường hợp gọi là giặc thì chỉ là giặc cướp xã hội phạm mà thôi; ngược lại, tuy bị gọi là giặc, nhưng lại là “giặc chính trị phạm”. Trong loại “giặc chính trị phạm” đó, phải phân biệt ra làm hai thứ: những lực lượng khởi nghĩa chống ngoại xâm (chính nghĩa) và những lực lượng phản động, phản dân hại nước (phi nghĩa).

Về trường hợp Đào Tề Lượng thời cổ đại, xin dè dặt nêu vấn đề như trên. Cần phải có nhiều tư liệu gốc (“Tứ khố đại thư” v.v…) được khai thác, tham khảo với quan điểm, lập trường đúng đắn, mới có thể đi đến kết luận khoa học và xác thực.

 

(+) Về chi tiết này, Ngô Thì Sĩ trong cuốn “Việt sử tiêu án” viết gần giống nhau về 3 nhân vật lịch sử: Lương Long, Triệu Thị Trinh và Đào Tề Lượng. Xin trích và in đậm để đối chiếu: “Người trong châu là Lương Long nhân thế mà tụ tập đến vài vạn người cướp bóc quận huyện”, “Mán Lương Long…” (sđd., tr. 45); “Sách Giao Chỉ chí chép: trong núi quận Cửu Chân có người con gái là Triệu Ẩu, cao 1 trượng 2, vú dài 3 thước, không lấy chồng, kết đảng cướp bóc quận huyện, thường mặc áo lụa vàng mỏng, đi dép sừng, cỡi voi ra trận chiến đấu…” (sđd., tr. 50); “một người dân Giao Châu là Đào Tề Lượng họp đảng đánh cướp thành ấp” (sđd., tr. 67). Tất nhiên ở trường hợp Triệu Thị Trinh, còn có nhiều chi tiết cụ thể rõ ràng hơn, để xác minh, kết luận chắc chắn về hành trạng của người con gái yêu nước, lãnh đạo kháng chiến, rất đỗi anh hùng này. Về Lương Long, xin xem thêm chú thích (4) của bài “Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí và nhà Tiền Lý…” của tác giả.

Sách được đặt tên là “Việt sử tiêu án”, nhưng ở hai trường hợp Đào, Lương trên, nghi án sử học tồn đọng vẫn chưa triệt tiêu bằng cách làm rõ!

 

(1) Đại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), bản in nội các quan bản (1697), bản dịch (3 tập), tập 1, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003, tr. 223 – 224 (NK. [ngoại kỉ], q. [quyển] III, [tờ] 8b – 9b).

 

(2) Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2002, tr. 146 & tr. 155.

 

(3) Lời chua của Quốc sử quán triều Nguyễn (Cương mục, Tb. IV, 26): “Phong Châu. Sử cũ chép lầm là Giao Châu, nay sửa lại”. Xin lưu ý: từ năm 679, nhà Đường chia nước ta ra làm 12 châu. Giao Châu là một trong 12 châu ấy. Giao Châu gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, Hà Đông, Nam Định. Xem: Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2002, tr. 145. Cước chú của dịch giả Ngô Đức Thọ (Toàn thư, sđd., tr. 271 [NK., q. V, 6a – 6b]): Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc, châu Phong [Châu], nay là xã Cam Lâm, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.

 

(4) Cước chú của dịch giả Ngô Đức Thọ: nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội.

 

(5) Cước chú của dịch giả Ngô Đức Thọ: có lẽ là đông nam hay đông bắc.

 

(6) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 271 – 272 (NK., q. V, tờ 6a – 6b). TXA. in đậm (iđ.) & chua thêm (ct.).

 

(7) Xem thêm: Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884) (gọi tắt là Cương mục), tiền biên và chính biên, bản dịch (2 tập), tập 1, Nxb. Giáo Dục, 1998, tr. 192 (Tb. [tiền biên], q. [quyển] IV, [tờ] 26 – 27): lời chua của Quốc sử quán triều Nguyễn: “Xét Đường thư, bản kỉ, đời Đức Tông, năm Trinh Nguyên thứ 7 (791), chỉ chép rằng tù trưởng An Nam là Đỗ Anh Hàn làm phản, chứ không chép việc Phùng Hưng, có lẽ vì ở cách xa nước ta, nên không rõ có việc Phùng Hưng”.

 

(8) Cương mục, sđd., tr. 191 (Tb. IV, 26). TXA. iđ..

 

(9) Cương mục, sđd., tr. 192 (Tb. IV, 27).

 

TXA.

 

 

(  xem tiếp bài 9

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

              Cập nhật: 07/01/09

              (tháng / ngày / năm)

  

Google page creator  /  host