e. Trần Xuân An - Nước mắt có vị ngọt - Tệp 5

 

   

trần xuân an

NƯỚC MẮT CÓ VỊ NGỌT

 

                     author's copyright

               (ALL RIGHTS RESERVED)

 

                                                                                 06/30/09

 

 

05-11 HB6 (2006)

 

truyện ngắn 1

 

truyện ngắn 2

 

truyện ngắn 3

 

truyện ngắn 4

 

truyện ngắn 5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                             

 

TRẦN XUÂN AN                                       

NƯỚC MẮT CÓ VỊ NGỌT               

 

                 tập truyện ngắn                    

liên hoàn

 

                                    Nhà Xuất bản           

 

         

 

 

Đã đăng trọn vẹn TẬP TRUYỆN LIÊN HOÀN này

trên Tạp chí điện tử Giao Điểm, 10-2005: 

search:

http://www.giaodiem.com   

link trực tiếp:

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_txa_nuocmatI.htm

 

 

 

“XUẤT GIA”

 

 

a

 

 

            Buổi tối, ánh đèn từ mái nhà bát giác lợp bằng lá dừa nước tỏa xuống hai chiếc bàn trống và một bàn đôi ngổn ngang li chén. Vẫn chín người trẻ tuổi quanh hai chiếc bàn ghép lại. Cuộc tiệc nhỏ đang vào những phút gần vãn. Hát và Trúc Xinh ngồi bên nhau, mỉm cười, nâng li, nhận những lời chúc hạnh phúc.

            - Tròn một năm ngọt ngào! Đáng kể hơn, phải tròn một đời mãi ngọt ngào như vậy! - Đợi các bạn chúc xong, Thôn nói, khi đứng dậy, nâng li -.

            - Vâng! Xin ham hố một chút: Muôn năm hạnh phúc ngọt ngào! - Hát cười vang, một lần nữa cụng li với bạn bè, em gái, em rể và cả chị vợ -.

            Khoảng chín giờ, những người trẻ tuổi bước xuống bậc cấp của nền nhà bát giác, ra chỗ gửi xe. Nghiệm ôm một chồng quà được gói bằng giấy nhũ óng ánh các màu hoa đi sau Hát và Trúc Xinh. Quế Sương dắt xe thay Nghiệm, đợi anh trao chồng quà cho chị dâu ngồi sau anh trai trên xe gắn máy của hai người.

            Ở quận nội thành này vẫn có mấy con phố tên Hương Lộ, mỗi đường được thêm một con số sau cái tên chung ấy. Cùng đi với nhau một quãng, họ chia tay nhau để về nhà riêng. Hát và Trúc Xinh rẽ qua đường khác, vào một lối hẻm khá rộng. Căn phòng Hát và Trúc Xinh thuê để sống chung, thuộc căn nhà trước mặt.

            Đó là đêm kỉ niệm một năm ngày cưới của đôi vợ chồng trẻ. Năm ngoái, vào ngày áp cuối tháng năm như thế này, Hát đã cùng Trúc Xinh ra cơ quan Uẵy ban Phường đăng kí kết hôn. Cũng trong ngày đó, vào buổi chiều, một cuộc tiệc cưới được tổ chức với khá đông bạn bè, những người lớn tuổi ở cơ quan. Đó là tiệc cưới vắng bóng ba mẹ hai bên của cô dâu, chú rể.

            Đến lúc này, tròn đúng một năm chung sống vợ chồng. Vừa chia tay bạn bè, người thân trẻ tuổi sau bữa tiệc kỉ niệm, Hát và Trúc Xinh ngồi bên nhau ngắm những món quà nhỏ đã mở giấy gói. Cả hai ngẩn ngơ trong cảm động. Trúc Xinh và Hát vẫn thấy có gì đó thật chưa ổn, hơi phiêu lưu và rất nhiều áy náy trong hạnh phúc của họ, nhưng không ai muốn nói ra những băn khoăn ấy. Chút men bia vừa rồi vẫn còn ngây ngất, giúp họ vừa dễ say với hạnh phúc hơn, vừa dễ nhớ hơn những gì chưa thật yên lòng. Cả Trúc Xinh lẫn Hát chưa bao giờ thấm thía ân nghĩa bạn bè, ân nghĩa từ những người thân trẻ tuổi đến vậy. Riêng với Trúc Xinh, có lẽ cảm tưởng này rõ hơn ở Hát, là không ngờ cuộc sống và hạnh phúc lại giản dị đến thế. Trước ngày cưới, với sự bất đồng gay gắt của ba mẹ hai bên, cả sau ngày cưới nhiều tháng, chỉ gần đây nỗi niềm mới nhạt bớt, trong tâm tư Trúc Xinh. Nỗi niềm ấy là một trời cay đắng, âu lo, trăn trở, đôi khi run lên vì sự cả gan đến liều mạng của chính cô và của Hát. Tất cả chỉ vì họ dám vượt khỏi lệ đời: tự họ, không cần sự đồng ý của ba mẹ hai bên, họ dám cùng nhau kết hôn, sau khi dẫn nhau đi làm thủ tục xét nghiệm y tế, một nghi thức hiện đại hóa lễ lại mặt cổ truyền.

            Nằm bên nhau trong đêm kỉ niệm một năm thành thân, niềm băn khoăn vẫn còn thoảng qua giấc ngủ của Trúc Xinh và Hát. Có điều, tự trong sâu thẳm suy nghĩ, họ tự biết với nhau, họ không hề bất hiếu.

            Thức dậy sớm hơn chồng, Trúc Xinh cắm phích điện đun nước. Ngoài cửa sổ, ánh nắng ngày nghỉ cuối tuần đã hừng sáng.

            Nghe tiếng động của li tách và phin lọc cà phê, Hát mở mắt, nằm im một lúc rồi choàng dậy. ọánh răng, rửa mặt, cùng vợ tập thể dục xong, Hát nhấc phin, quậy đường, mỉm cười với vợ một lần nữa, khi cùng vợ ngồi vào bàn viết cũng là bàn ăn. Trúc Xinh nhìn vào tờ lịch đỏ hôm nay ở lốc lịch trên tường: ba mươi tháng năm, tròn đúng một năm cộng với một đêm tân hôn lần thứ hai.

 

 

b

 

 

            Tháng ba năm ngoái, cuộc li dị của Quế Sương với Gián khiến ba má Hát - ông Khoảng và bà Bông Súng - xây xẩm, choáng váng, chới với. Cũng cách đó không lâu, trước Tết nguyên đán, giữa tháng giêng mặt trời, Hát thưa với ba má việc xin cưới Trúc Xinh. Chẳng hiểu sao lại ba dồn bảy dập như vậy. Cưới, thoắt lại li hôn là chuyện kinh hoàng, từ cô con gái với chàng rể nhà giàu đang bệnh hoang tưởng trở thành thần linh. Hát lại chen vào cái kinh hoàng ấy cái kinh hoàng khác, đối với ông Khoảng và bà nhà. Nhưng đâu phải Hát lẫn Trúc Xinh không nhận thấy khi sự cố diễn ra, thậm chí nỗi kinh hoàng ở họ còn kinh hoàng hơn. Tất cả đều nằm ngoài dự đoán.

            Dự định của Trúc Xinh và Hát về lễ hỏi, lễ cưới đã có từ lâu, không ngờ Quế Sương và Gián lại tổ chức trước họ. Tưởng việc của em gái đã ổn, Hát mới thưa việc mình với ba má. Ba má cho Hát biết, Quế Sương đang bị lừa phỉnh. Hai ông bà đang rối ruột về chuyện Quế Sương không chịu sống chung phòng với chồng. Gián đang bị bệnh, lờ đờ, uể oải, chuyện trò với ảo ảnh thần tiên. Ba mẹ Gián chưa chịu và chắc hẳn không bao giờ chịu tiến hành làm giấy tờ ủy nhiệm tài sản như đã hứa cho vợ chồng Quế Sương. Ông Khoảng nói với Hát:

            - Chuyện hỏi cưới không có gì khó, một năm tổ chức mười cái cũng được nếu ba má có mười đứa con. Đám cưới Quế Sương rình rang, bởi nhà chồng nó giàu. Còn con muốn cưới vợ, nếu chịu chỉ một mâm trầu cau để lễ gia tiên hai họ, việc đó dễ ợt. Nhưng con xem đó, phải tìm hiểu Trúc Xinh và gia đình nó thật kĩ, kẻo rồi rắc rối như chuyện Quế Sương!

            Hát đã hơi chùn lại ý định khi hiểu chuyện của vợ chồng em gái. Anh chợt thấy mình quá vô tâm. Nhưng từ rất lâu, thuở còn học trung học phổ thông đến khi tốt nghiệp đại học, suốt hai năm đi làm ở một xưởng in, Hát ít khi để ý đến chuyện nhà. Vả lại, cũng chẳng có chuyện gì xảy ra trong căn nhà vỏn vẹn chỉ bốn người, ba má và hai anh em Hát. Việc ai người ấy lo. Mỗi người bằng cách của mình, đóng góp chung vào ngân khoản gia đình. Hát và Quế Sương đều phải tự đi làm thêm sau giờ học ở trường, khi mỗi người đến tuổi mười sáu. Bây giờ, nghe ba nói về em gái, Hát mới giật mình. Ngần ngừ một lúc, anh thưa:

            - Việc hỏi cưới, bọn con tự lo liệu. Cũng chẳng có gì rườm rà đâu ba. Cho dù hoãn lại việc của con và Trúc Xinh, cũng chẳng giải quyết được việc của Quế Sương với gia đình ba má Gián. Không ngờ chuyện của Quế Sương lại như vậy! - Hát bỗng chạnh lòng thương em. Anh cau mày -. Tính nết con nhỏ Quế Sương gặp khổ là phải. Con gái gì lại quá cứng cỏi! Nó khôn lỏi lắm, cho nhiều vào, bất ngờ lại bộp chộp lấy thằng Gián! - Hát không nỡ trách em gái ham chồng nhà giàu. Anh chợt ngừng lại, im lặng -.

            Ông Khoảng sửa lại cái nút cà vạt, có lẽ cho dễ thở. Ông đứng dậy, sau khi nhìn đồng hồ tay.

            - Nó cứng cỏi, ba đỡ lo. Chuyện đâu còn có đó. Còn con, hãy từ từ. - Ông Khoảng cầm mũ, bước ra cửa -. Con phải ra Đà Nẵng thêm một lần nữa, xem gia đình Trúc Xinh làm ăn sinh sống ra sao, có tử tế không. Ăn Tết xong, hẵng tính chuyện -. Ông Khoảng bước hẳn ra hẻm -.

            Hát nhìn theo dáng ba trong bộ đồng phục của hãng tắc xi X., khẽ thở dài.

            Hát dắt xe gắn máy ra hiên, lấy chùm chìa khóa và ổ khóa mắc trên tường, đóng cửa sổ, tắt đèn ống, khóa chặt cửa. Anh lại đẩy xe ra, dựng lên, khóa cổng.

            Chạy xe ra đầu hẻm, thấy má đang uể oải  với gói xôi sau quầy báo, anh khẽ chào và giao chìa khóa nhà. Hát nẫu ruột, không muốn nói thêm một điều gì nữa. Anh đến xưởng in.

            Tết nguyên đán xong, ông Khoảng xin phép hãng tắc xi, được nghỉ mươi ngày. Ông liền ra thăm Huế.

            Hơn một tuần lễ sau, cuối buổi chiều, Hát đi làm về, gặp ba đã từ Huế vào.

            - Tắm rửa đi, ra đây ba nói chuyện.

            Hát dạ. Lát sau, ngồi trước mặt ông Khoảng, anh hỏi chuyện ở Huế, về sức khỏe ông bà nội và gia đình chú Khoát. Rồi câu chuyện lại quay về chuyện cưới hỏi của anh với Trúc Xinh. Hát thấy hình như nét mặt ba sa sầm, tối lại. Anh mong anh đã nhìn nhầm tâm trạng của ông.

            - Ba có ghé Đà Nẵng. - Ông không nhìn Hát, hơi nghẹn lại. Hát hồi hộp. Ông Khoảng phân vân, rồi cơ chừng dứt khoát hẳn -. Nhà đó bậy bạ lắm. Ba không hiểu sao Trúc Xinh và Muống Xanh xem ra cũng đàng hoàng!

            Hát không ngạc nhiên. Anh mấp máy môi, định hỏi ba. Ông Khoảng nói:

            - Tội phạm hình sự! Sợ thật. Chòm xóm người ta rõ hết! Ba của con nhỏ Trúc Xinh chuyên chở ma túy! Trưởng tàu, đã bị kỉ luật, rớt xuống làm nhân viên ở ga. Còn kinh hơn, là má Trúc Xinh chích thuốc dỏm, gây sốc chết một bà lão, lại thường bắt chẹt bệnh nhân, câu móc về nhà để bán thuốc chui! Hồi năm tám mốt, bị tù, đến tám tư mới được thả. Nghe đâu Trúc Xinh còn có thằng em trai trời đánh thánh vật nữa, đã vượt biên từ hồi đó. - Ông Khoảng kể một mạch, thở dài -. Cái gì cũng cho qua, nhưng ác đức quá là không được! - Ông nhìn Hát -. Không được. Con nghĩ sao? Ba sợ cái ác đức thất nhân lắm!

            Hát đã biết chuyện, anh không nao núng:

            - Thưa ba, con cưới Trúc Xinh, đâu có cưới gia cảnh của Trúc Xinh. Thời này, có ai làm rể, làm dâu đâu mà lo!

            Ông Khoảng tròn mắt:

            - Nhưng... Nhà này chỉ có một mình con là con trai! - Hơi bất ngờ vì câu nói của Hát, ông Khoảng lúng túng -. Mày... Con nghĩ gì lạ vậy! Mày điên rồi chắc! Tao không muốn chuyện vãn, thăm viếng, kết thông gia với bọn tội phạm hình sự! Thôi! Không thể được, nghe chưa? Quả báo đến muôn đời! Không được là không được! - Ông Khoảng ghìm tiếng nói giận dữ, nghe như rít lên -.

            Hát ngồi chết sững.

            - Ba đau đầu với vụ con Quế Sương đến vỡ não đây. Má của con e cũng đứt mạch máu mà chết! - Ông Khoảng ngả đầu ra tựa ghế -. Đúng là nhà này sắp điên hết cả rồi!

            Bỗng đến tháng ba, Quế Sương ra tòa xin li hôn với Gián. Ông Khoảng và bà Bông Súng điếng hồn. Quế Sương bình thản đi thuê một căn phòng để ở riêng, lại sang được một quầy mĩ phẩm ngoài chợ. Tất cả diễn ra như những tai họa của nhiều tai họa. Ông Khoảng vốn xem đường phố là nhà, sợ cảnh ghẻ lạnh của gia đình từ nhiều năm nay, giờ lại càng coi nhà như quán trọ qua đêm. Ông hoàn toàn phó mặc, thây kệ con cái. Bà Bông Súng cơ chừng nhạt với sự đời, với gia đình, chỉ biết ngày ngày ngồi buồn bã sau quầy báo. Bà nghĩ, hồi thi tú tài hai xong, mới mười tám tuổi, cha mẹ mất, chỉ một mình bước vào đời kiếm sống, tiếp tục học đại học, có hề hấn gì đâu. Bà thở dài, con cái đã lớn, cử nhân cả rồi, lo lắng làm gì, và lo nhiều cũng chả giúp được gì! Nghĩ vậy, nhưng đâu khác gì ông Khoảng, bà Bông Súng đang trong cơn xây xẩm, choáng váng, chới với kéo dài. Bà thương Quế Sương, lo âu cho Hát đến đứt ruột, nhưng cả hai chừng như vẫn bình tĩnh đương đầu với bước ngoặt đời bất ngờ. Quế Sương như thể vẫn ra riêng, tránh tai tiếng với láng giềng, cũng không muốn phiền lụy ba má! Do bản tính và vì yêu mến Trúc Xinh, Hát vẫn cứng lòng không kém!

 

 

c

 

 

            Ánh đèn từ phòng khách hắt ra một vuông sân nhỏ trước nhà. Trên mái hiên đúc, buông xuống dăm dò hoa phong lan. Trong ánh sáng xen hòa với bóng đêm, đôi cánh hoa nở vàng, trở nên huyền ảo. Bên trong hàng rào, cũng sáng mờ một dãy chậu kiểng xanh lá. Hát và Trúc Xinh hơi hồi hộp trông ra cổng nhà.

            Rất đúng giờ, ba má Trúc Xinh đến. Hát chạy ra mở cổng ngay. Anh tỏ ra niềm nở, thật lòng đang âu lo. Ông Tiễn và bà Đặng hơi dè dặt, cũng tỏ ra vui vẻ, bước vào. Đợi chiếc xích lô đạp trở đầu xong, Hát cảm ơn anh thanh niên đạp xe, rồi đóng cổng lại.

            Ông Khoảng, bà Bông Súng, hai chị em Trúc Xinh và Quế Sương đang chào hỏi ba má vợ tương lai của Hát.

            Chuyện trò một lúc, những người trẻ tuổi bưng thức ăn, li chén ra bàn. Họ vẫn để bình hoa hồng ngay tâm của mặt bàn tròn đã phủ khăn trắng.

            Bốn người lớn tuổi và bốn người đang tuổi hai mươi đã bắt đầu nâng li vào tiệc.

            - Con cái đã lớn rồi, cũng mừng là đều có việc làm cả. Hát nhà tôi mới đó đã hai mươi sáu tuổi, kể thêm tuổi mụ nữa, là hai bảy. Trúc Xinh đã hai mươi tư, nếu theo cách tính tuổi ta. - Ông Khoảng cố giữ vẻ tự nhiên, cởi mở -. Rất mừng là anh chị có dịp từ Đà Nẵng vào đây, nhân thể, cùng bàn chuyện thêm cho hai cháu.

            - Anh cũng đã hai lần ra nhà. Thế cũng đã quen biết nhau rồi. Nhưng lần này vợ chồng chúng tôi vào đâu phải theo giao ước gì đâu. Nhân tiện thăm nhau thôi mà. - Ông Tiễn, mái tóc đã ngả bạc, gương mặt tròn đỏ lựng men bia, từ tốn nói, theo cách giữ kẽ của phía nhà gái -.

            Vốn có định kiến và hơi ác cảm với vợ chồng ông Tiễn, ba của Hát thấy nóng người. Ông trấn tĩnh một lúc rồi nói:

            - Vợ chồng chúng tôi đã điện thoại ra mời anh chị...

            Ông Tiễn cười:

            - Vâng. Tôi cũng quên mất... - Ông vờ cau mày, như thể gắng nhớ lại cuộc điện thoại ấy -.

            Sáu người còn lại đều hiểu màn giáo đầu thường gặp này. Quế Sương cười thầm cho sự đời. Cô sực nhớ cách đây không lâu, với tư cách nhà gái, ba của cô cũng phải giữ kẽ như vậy. Nhà gái luôn luôn sợ bị xem rẻ! Bà Bông Súng ngồi cạnh bà Đặng, trò chuyện khẽ với nhau, cố ý để chuyện hôn nhân được xem là chuyện lớn cho hai người bố bàn bạc.

            Đã không bằng lòng từ trước, nhưng Hát vẫn khăng khăng giữ vững ý định làm lễ thành hôn, ông Khoảng rất bực mình. Nể vợ, chiều theo ý con trai, ông Khoảng mới dự cuộc tiệc nhỏ này. Ông bỗng trầm ngâm không nói gì nữa. Bữa ăn bị trùm lên một không khí nặng nề. Cảm nhận sự khó chịu này rõ nhất là ông Tiễn. Thật lòng ông cũng không muốn cất công từ Đà Nẵng vào đây đáp lễ. Qua Trúc Xinh, vợ chồng ông đã hiểu thái độ của ông Khoảng. Muốn không khí bớt nặng trên đầu mọi người, bà Bông Súng liên tục mời khách, gắp thức ăn đầy cả chén bà Đặng. Bà Bông Súng chợt nhận ra bà hơi vụng về, chừng như cô giáo Bông Súng lịch thiệp ngày xưa đã rời khỏi bà từ lâu lắm rồi.

            Ông Tiễn uống khá nhiều bia, hầu như không nuốt nổi miếng nào. Ông bực quá, nhưng chả lẽ lại đon đả.

            Chuyện trò vớ vẩn một hồi, vừa muốn dứt khoát ngay, vừa tránh đả động đến chuyện cưới hỏi, ông Tiễn nói:

            - Anh Khoảng à, lần này vợ chồng tôi chỉ vào thăm cho biết, chuyện gì thì để từ từ rồi tính. - Ông Tiễn cũng không ngờ chính ông lại nói ra như vậy. Ông ngập ngừng, định nói lại, nhưng chẳng biết nói sao -. Chắc anh khinh vợ chồng chúng tôi! - Hóa ra, ông lại bất ngờ dằn dỗi -.

            Ông Khoảng và mọi người có mặt đều sững người.

            - Thôi, vậy là dẹp chuyện cưới hỏi đi. Khinh người quá thể! Hai lần trước, gặp mặt nhau ở Đà Nẵng, tôi biết trước cơ sự rồi. - Ông Tiễn nói to, kéo ghế đứng dậy. Như trào ra sự giận dữ đã không thể kềm chế được, ông bất chấp phép lịch sự, văng ra luôn những lời lẽ thô tục -. Thôi, dẹp. Về, về thôi bà! - Ông quát lớn -. Con Trúc Xinh, con Muống Xanh, về, về khỏi nhà này ngay! Đồ trí thức cùn! Đồ kĩ sư bị sa thải!

            Ông Khoảng kinh ngạc, vô thức cười khẩy:

            - Đúng là thứ... thứ... tiền án tiền sự!... Ối...

            Hát cuống lên:

            - Thôi. Thôi. Ba thương con. Hai ba hãy thương chúng con.

            Nhưng ông Khoảng đã ôm miệng, máu từ kẽ tay chảy ra, sau một tiếng kêu ối và tiếng thủy tinh vỡ trên nền nhà. Ông Tiễn đã ném vào ông Khoảng chiếc li rượu cao chân ấy, cắt ngang câu rủa của ông Khoảng. Mọi người rời ghế, bâu quanh ông Khoảng.

            Ông Tiễn nắm tay vợ, như lôi bà Đặng ra cửa. Bà Đặng đã bật khóc hoảng hốt, giằng tay lại.

            Không nói thêm một lời, ông Tiễn bước vội ra cổng, tự mở cổng, đi nhanh ra hẻm một mình. Hát trông thấy, anh chạy ra sân, rồi đứng sững ở đó. Anh không ngờ cơ sự lại tồi tệ đến vậy.

            Trong ánh đèn từ phòng khách hắt ra, Hát thấy tay mình ướt máu. Anh tỉnh người, bước ngay vào. Ba anh đã được đỡ vào phòng trong, đang nằm trên giường. Má anh và Quế Sương đã giặt khăn trong thau nước nóng, lau mặt cho ba anh. Chiếc áo sơ mi trắng của ông đỏ những vệt máu.

            Trúc Xinh, Muống Xanh và bà Đặng chỉ biết đứng khóc, sửng sốt, bàng hoàng, chẳng biết làm gì lúc này. Nỗi tủi nhục dâng lên, nghẹn cả ngực họ. Trúc Xinh nấc lên từng hồi. Cô cố gắng không để khóc ra thành tiếng.

 

 

d

 

 

            Hai vợ chồng trẻ rời khỏi tiệm mì Quảng, chủ tiệm vốn là chỗ bà con xa với Trúc Xinh. Hát chở vợ đến chợ. Anh nói với Trúc Xinh, anh chờ cô ở đầu con hẻm bên hông chợ như mọi khi. Trúc Xinh mỉm cười với Hát trước khi bước vào nhà lồng bán cá. Hát chạy xe chậm đến điểm chờ. Ngồi trên yên xe, tắt máy, anh lơ đãng ngó quanh. Mắt anh ngừng lại ở tờ lịch đỏ - tập lịch khổ lớn - trên tường quán, giữa hai bình lá xanh: ba mươi tháng năm, tròn một năm cộng mười mấy giờ, kể từ ngày cưới. Hát mỉm cười bâng quơ, rời mắt khỏi quán cà phê đang xập xình nhạc. Sáng chủ nhật cuối tuần, khách nhâm nhi khá đông.

            Nửa giờ sau, Trúc Xinh ngồi sau lưng Hát, với xách thức ăn đã mua ở một bên tay. Mặc dù là vợ chồng, Trúc Xinh vẫn ý tứ không ngồi sát vào lưng Hát. Hát lái xe gắn máy men theo những con phố, rẻ vào hẻm nhà cho thuê phòng ở dài hạn.

            Lên lại phòng thuê, Hát và Trúc Xinh thay áo quần, rửa mặt. Ra phố một chốc, da mặt đã nhám cả bụi!

            - Trưa nay, mình với nhau thôi. Cũng tình ra phết, Trúc Xinh nhỉ! - Hát cười -.

            - Tình tứ gì! Cứ như là cặp nhân tình nhân ngãi lén lút. Một năm ở đây rồi, mấy người đầu hẻm vẫn nghi mình bất chính đấy! - Nói vậy, nhưng Trúc Xinh vẫn mỉm cười, ánh mắt long lanh nhìn Hát -.

            - Thây kệ thiên hạ. Hơi đâu lo bò trắng răng. Đâu phải ở giữa sa mạc. Mình đã làm thủ tục các thứ rồi mà, Trúc Xinh lo ngại gì! - Hát lại nhìn vợ, mỉm cười cho cô yên tâm  -.

            Hát mở nhạc vừa đủ nghe. Anh định nói thêm, ''mọi sự thể xem bề ngoài gần giống nhau, nhưng thực chất bên trong lại một trời một vực'', song Hát không muốn cứ nhắc mãi một câu ấy với Trúc Xinh. Anh đến giường, với tay chất mấy chiếc gối lên nhau, ngả người kiểu nửa nằm nửa ngồi, tựa đầu vào vách. Hát thấy thương vợ thật nhiều. Anh hiểu cô ở miền trung vào, chưa quen với nếp sống thành phố lớn. Ở thành phố lớn nào cũng vậy, đa số là dân góp tứ xứ, áp lực phong tục sau lũy tre xanh, của các thị xã bé bằng lòng tay, trở nên giảm thiểu. Thành phố lớn, ưu tú đấy, cặn bã đấy, nơi người này xa lạ với người kia, chẳng ai để ý đến ai. Thành phố lớn, cửa ngõ của văn hóa xa lạ. Tất cả, càng xa lạ với những người tạm trú, mới nhập cư, chưa có hẳn một căn hộ hoặc mái nhà riêng. Hát mỉm cười, nhận ra vợ chồng anh đang rơi vào trường hợp ''du cư''! Ngoái nhìn Trúc Xinh đang tì một tay lênbàn, ngồi song song với chiều dọc mặt bàn, hướng mắt nhìn về anh, Hát không muốn để nỗi băn khoăn trong lòng vợ chồng anh dấy lên thành đề tài câu chuyện của hai người trong ngày hôm nay. Hôm nay, kỉ niệm một năm ngày cưới, phải ngọt ngào hạnh phúc như lời chúc của Thôn hồi hôm.

            - Trưa nay, đã có một bữa ăn ngon. Anh quên mua vài lon bia. Phải có chút men cho vui chứ!

            - Lát nữa, để em ra ngoài phố mua, luôn tiện ghé chỗ nào đó kiếm vài viên nước đá. Hôm nay, mình ăn mì sợi đó nghe, cho lạ miệng.

            - Ờ, cũng hay. Đến đây ngồi chơi với anh.

            - Thôi! - Trúc Xinh cười -. Sao hôm nay tình vậy! - Nói thế, nhưng Trúc Xinh cũng đến ngồi cạnh chồng, cong môi, tỏ vẻ âu yếm -.

            Hát chợt say đắm nhìn gương mặt trắng hồng với những sợi tóc mai đen mượt của vợ. Mái tóc cắt ngắn, chấm vai, trông thật đáng yêu. Anh nắm lấy bàn tay của Trúc Xinh, siết khẽ.

            - Lẽ ra, hôm nay, hai đứa mình phải qua nhà, thăm ba má chứ anh! - Trúc Xinh buồn buồn nói -.

            Hát hơi nhói lòng. Im lặng một lúc, anh nói hơi nghèn nghẹn:

            - Nhắc việc đó làm gì! Cứ xem như thể con cái lấy vợ lấy chồng, ra riêng, làm ăn xa vậy mà! - Hát gượng cười -. Ba má còn trẻ, lo gì em! Ông bà bây giờ cũng xem như son rỗi, hệt vợ chồng mình! - Hát cười lớn -. Em có điện tín ra ba má ngoài Đà Nẵng, điện tín về nhà ba má anh là được rồi.

            - Lẽ ra phải viết thư! Điện thoại thì... khó nói chuyện quá! Em định điện thoại rồi đó.

            Hát sực nhớ bức thư dài đến tám trang giấy, anh cắm cúi viết, trút hết suy nghĩ của mình thành chữ, gửi cho ba má Trúc Xinh và ba má anh, như một cuộc ''giải trình'', trước khi cùng Trúc Xinh quyết định ''ra riêng hẳn'' thế này. Trong suy nghĩ của anh, Hát không phải không nhiều lần khẳng định với chính mình, mỗi con người không chọn lựa được sự ra đời trong gia đình nào, nên phải có quyền được xã hội và tự bản thân nhìn nhận như một số phận độc lập, độc lập đến mức có thể. Ai làm nấy chịu và ai làm nấy hưởng, khi đã đủ trí khôn, khi đã đến tuổi ''ra riêng''.

            Anh chợt bật cười:

            - Mình đã ''xuất gia'' để tu đạo, đạo vợ chồng. Em không nhớ hôm nào đã nói với nhau sao! Đạo lí Việt Nam ấy mà! 

            - Vậy sao anh không vào chùa, đi tu luôn! Tu hành đắc đạo, thành nhà sư để làm gương diệt dục, cứu trợ xã hội cho chúng sinh! Sao lại ''xuất gia'' kiểu này! - Trúc Xinh nén tiếng cười trêu, vờ vênh mặt, lườm Hát. Cô cũng gắng đùa một chút với chồng -.

            - Ừ nhỉ! Lỡ yêu mất rồi... - Hát cũng vờ phớt tỉnh, nhưng thật lòng không cười nổi -.

            Trúc Xinh cười khẽ. Cô nhìn vào mắt Hát. Cô hơi bàng hoàng khi thấy trong đôi mắt anh bóng của hai tháp Chăm. Đó là bóng của bức phù điêu bằng đá, khá lớn, treo trên vách, in vào đôi con ngươi đen nhánh của Hát. Cô bâng khuâng, bỗng buột miệng:

            - Thế này rồi chúng mình trở thành những người xa lạ, hoàn toàn mất gốc! Cũng không phải Chăm, cũng không phải Kinh! Cũng không còn bà con, dòng họ, quê quán!

            Hát giật mình:

            - Em nói gì kì vậy! Ồ­, thôi, bớt băn khoăn đi!

            - Em đùa ấy mà! Xin lỗi nhé, ông cưng! - Trúc Xinh mỉm cười -. Vẫn còn có Quế Sương, chị Muống Xanh đấy chứ...

            Bỗng dưng, cả hai đều rơi vào im lặng. Họ mơ hồ biết, ở họ, trong trái tim mỗi người có một đóa hoa Chăm-pa - hoa sứ trắng (*). Có khi họ muốn quên, có khi họ thao thức tìm cách để giữ được cội rễ. Nhưng đã bao đời rồi, họ không biết rõ, đóa hoa Chăm-pa kia có thật hay không trong tim họ. Sống tách hẳn các làng Chăm thuần tộc, ông bà tổ tiên họ dần dần Kinh hóa lúc nào không hay. Nếp nghĩ, tâm lí, cả phần tâm linh sâu thẳm, họ và cha ông họ đã rất Việt Nam, nhưng nghiêng về Kinh hóa với ý thức trong văn hóa Kinh vốn có văn hóa Chăm-pa cổ. Không phải rất Chăm-pa một cách Việt Nam! Họ đã trót lai đến mức tận cùng, tận bản thể, chiều sâu tâm thức. Trong dòng máu của họ, có bao nhiêu phần trăm huyết thống Chăm, họ không rõ. Họ chỉ rõ một điều là họ không biết một từ tiếng Chăm nào, từ ba mẹ họ. Hát bỗng cười với ý tưởng vu vơ.

            - Anh cười gì vậy! - Trúc Xinh khẽ khàng hỏi -.

            - Hôm nay là ngày hạnh phúc. Quên mọi chuyện gốc gác đi. Tất cả đều hoang đường! Chuyện gốc gác chỉ là huyền thoại thôi mà! Gốc Chim Lạc, Rồng Tiên hay gốc... gì nhỉ... gốc Hoa Sứ Trắng (hoa Chăm-pa)..., cũng không rõ có phải không, đều là huyền thoại cả mà! Hãy rất Kinh – Chăm – Môn - Khơ-me... trên đất nước mình. Hãy rất Việt, nghĩa là rất Nam. Sợ gì mất gốc! Chúng ta gốc Việt Nam mà! - Hát cười, đùa với vợ -. Chỉ sợ mất em thôi!

            Trúc Xinh âu yếm nhìn chồng, nhắc lại lời chúc của Thôn:

            - Một đời, trọn đời ngọt ngào hạnh phúc, nhớ nghe...

            Hát kéo vợ sát vào mình. Anh hôn lên trán, lên đôi mắt, lên mũi, lên đôi bầu má và hôn vào đôi môi Trúc Xinh. Trúc Xinh khẽ đẩy gương mặt Hát ra bằng đôi tay mềm mại.

            - Năm năm sau, có nhà cửa, rồi mới có con nghe, anh! - Trúc Xinh thầm thì trong hơi thở đã rối -.

 

 

____________________________

 

(*) Quốc hiệu ''Hoa Sứ Trắng'' này do vua Khu Liên (Chăm) đặt, năm 192.

 

 

Viết xong vào ngày mười tám,

tháng mười một, năm một

ngàn chín trăm chín mươi chín (ngày

mười một tháng mười, năm Kỉ Mão)

tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

 

         Bản phác thảo, chép tặng Nghiệm và Quế Sương, hai nhân vật của tôi, lúc họ suýt rơi vào cảnh chia tan, như một lời chúc hàn gắn và hạnh phúc.

 

                        ĐÔI MẮT EM

 

                        là hai quả đất và hai vòm trời!

                        nhân hai bóng hình tôi,

                                                thuở em trìu mến

                        nắng ngời tươi đôi vầng trăng tròn

                                                long lanh, quyến luyến

                        hay đôi bong bóng bay,

                                    tôi tìm tôi, níu giữ giữa vô cùng

 

                        bong bóng ảo vỡ tan,

                                                thành mưa, mưa,

                                                mặn đắng đôi quả đất,

                                                và đôi vòm trời dưới

                                                                        vầng trán em,

                                                bao giọt xé cay, vụn vỡ

                        bóng hình tôi nát tan, chia trăm mảnh thơ

                                                                                        buồn

                        trôi giạt ngoài chân không,

                                     theo hạt lệ hư huyền cùng tuyệt vọng

                        làm sao về,

                                        trong đôi lòng mắt người thương?

 

                                                            TRẦN XUÂN AN

 

 

Chú thích bổ sung

 

1. Chú thích (**) cuối truyện ngắn III (Ân sủng của tư nhiên):

            Về chi tiết Đức Mẹ Ma-ri-a (Maria) Trọn đời đồng Trinh:... Hoặc vẫn ''đồng trinh'' nhờ kĩ thuật thụ tinh gián tiếp, nhân tạo, thô sơ, thuở xa xưa ấy, theo sự ''báo mộng - thiên khải'' ở những người có niềm tin tôn giáo (niềm tin vào Cựu Ước), tại đất nước Do Thái (Israel) cổ đại.

            Có thể giải mã mẫu đề (motif) ''con Trời (thiên tử) - hoang thai - chữ trinh'' theo khuynh hướng này cho các truyền thuyết, cổ tích: Thánh Dóng, Mai Hắc Đế, Pô Rô-mê (Po Rome), Thạch Sanh...

            Dẫu sao, cách giải mã ấy cũng chỉ là giả thiết - một giả thiết hợp lí và có luân lí.

 

2. Chú thích (3) của truyện ngắn IV (Huyết thống nhân tộc ấy thơm mùi hương hoa sứ trắng):  các chữ ''Môn - Khơ-me'' in nghiêng hoặc đứng [khác kiểu]):

            Các nhân tộc Môn - Khơ-me: Cụm từ tạm dùng để gọi chung các nhân tộc cùng ngữ hệ Môn - Khơ-me ở Trường Sơn và ở Tây Bắc (Khơ-mú...). Đó là các nhân tộc đồng bào thiểu số, hẳn ít nhiều có quan hệ nhân chủng với nhân tộc Khơ-me tại Căm-pu-chia (Campuchia) và với nhân tộc Môn ở Mi-an-ma (Miến Điện - Myanmar), Thái Lan...''Ngữ  hệ Môn - Khơ-me'' là thuật ngữ chỉ chung cho cả trăm ngôn ngữ ở Đông Nam Á, có thể gồm cả nhánh ngữ căn Kinh - Mường.

            Ngữ căn Kinh - Mường là một dạng biến thái, phát triển theo hướng chi biệt hóa của hệ ngữ căn Môn - Chứt. Ngữ căn Môn - Chứt lại là một nhánh biệt phái của ngữ hệ Môn - Khơ-me. 

                                              (Theo tư liệu ngôn ngữ học của Ts. HD.).

 

3. Trích Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch Viện Sử học, tập 35 & tập 36, Nxb. KHXH., 1976):

            “Bãi bỏ binh đội Lạc Hoá phủ Lý Nhân (thuộc Hà Nội). Tiên tổ nước ấy trước là 2 đội Chiêm Hậu, Xiêm Hậu (đều là người man) [có] tài bắn súng nỏ. Trước khi dẹp yên cả nước, chúng hết sức theo việc nghĩa, sau để đóng ở Bắc Thành. Khoảng năm Gia Long phái đến trấn Sơn Nam. Khoảng năm Minh Mệnh đổi tên đội thuộc vào trấn ấy, sau đổi trấn làm phủ, vẫn theo phủ sai phái. Đến nay con cháu không có nghề bắn giỏi, mà vỡ đất lập phường, cùng với người Kinh không khác, bèn bỏ đi, cho vào sổ đinh chịu thuế ở phường Quy Lưu. (Năm Minh Mệnh thứ 20 đội man ấy có đơn xin trưng 20 mẫu đất đất lậu. Năm Tự Đức thứ 3, chuẩn cho đặt là phường Quy Lưu)”.

                                                 (ĐNTL., tập 35, đề mục tháng 10 âm lịch

                                                 [1881], sđd., tr. 75).

            “Nguyên phân sáp, an trí những người Man, người Lạp làm dân, làm nô ở từ các tỉnh hữu kỳ về phía nam, trừ người nào đã thành sản nghiệp, tình nguyện xin lưu ở lại nên cho, ngoài còn dư, đều được thả, về quê cũ yên nghiệp”.

                                                 (ĐNTL., tập 36, sđd., đề mục tháng 11

                                                 âm lịch [1883], tr. 27).

            

            Trên đây là hai đoạn trích từ bộ sử thời Nguyễn do sử gia phong kiến biên soạn. Do đó, trong hạn chế lịch sử – cụ thể, quan điểm miệt thị nhân tộc (sô-vanh nước lớn) thể hiện rõ.

             Riêng đoạn thứ hai, chúng tôi không chỉ đọc thấy một lần. Ở kỉ đệ tứ, đệ ngũ, đệ lục, hầu như các tờ chiếu ban ân (ân chiếu) trong các dịp đại khánh, đăng quang đều có điều khoản khoan hồng ấy. Chúng ta thừa hiểu rằng:

 

a)      Theo luật nhà Nguyễn, tội lưu đày có nhiều mức: tội càng nặng, đày càng xa quê hương bản quán. Trong đó, có nhiều đoàn người Chăm (Chiêm), Xiêm (Thái Lan), Lạp (Chân Lạp, tức là Miên, Cam-pu-chia, Kh’Mer) bị đày tít tận các tỉnh ở hữu kì về phía bắc (từ Thanh Hoá ra đến Cao Bằng, Lạng Sơn). Và những người bị đày xa như thế đã không được khoan hồng, phải vĩnh viễn ở lại ngoài đó, và dần dần đã Kinh hoá. Ân chiếu chỉ khoan thứ cho các đoàn “tội nhân” bị mức án nhẹ, bị lưu đày từ các tỉnh hữu kì về phía nam (từ Thanh Hoá trở vào), nhưng vẫn có bộ phận đã xin ở lại, trở thành người Kinh, vì họ đã có cơ ngơi, sản nghiệp, chung sống thắm thiết.

 

b)      Thật ra, nói là “tội” cũng không đúng. Đó là các đoàn dân, lính Chăm, Xiêm, Lạp bị bắt làm “chiến lợi phẩm” [!], tù binh với hai mục đích:

 

- Hoán vị dân cư (đưa lính, dân Kinh vào phía Nam; đưa lính, dân Chăm, Xiêm, Lạp ra phía Bắc) để khai hoang, lập ấp …

 

- Ổn định tình hình ở các vùng đất mới xâm lược được (từ Đèo Cả trở vào Cà Mau).

 

                                                                        (Chú thích 3 này mới bổ sung

                                                                        vào tháng 8.2002).

 

  (*) Thời Nguyễn, lấy Thừa Thiên làm kinh đô (có một thời gian dài dưới thời Tự Đức, gồm cả đạo Quảng Trị), lấy Quảng Nam làm tả trực kì, Quảng Bình làm hữu trực kì, lấy các tỉnh từ Quảng Ngãi trở vào làm tả kì, các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra làm hữu kì).

 

 

TƯ LIỆU

tham khảo 1

 

54 NHÂN TỘC THUỘC CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC VIỆT NAM:

 

Gồm có 08 nhóm ngôn ngữ:

1. Nhóm Việt – Mường có 04 nhân tộc: Việt (Kinh), Chứt, Mường, Thổ.

2. Nhóm Tày – Thái có 08 nhân tộc: Bố Y, Giáy, Lào, Lự, Nùng, Sán Chay, Tày, Thái.

3.  Nhóm Môn – Khơ-me có 21 nhân tộc: Ba-na, Brâu, Bru – Vân Kiều (hoặc chỉ gọi tắt là Bru), Chơ Ro, Co, Cơ-ho, Cơ-tu, Giẻ-triêng, Hrê, Kháng, Khơ-me, Khơ-mú, Mạ, Mảng, M’Nông, Ơ-du, Rơ-măm, Tà Ôi, Xinh-mum, Xơ-đăng, Xtiêng.

4.  Nhóm Mông – Dao có 03 nhân tộc: Dao, Mông, Pà Thẻn.

5.  Nhóm Ka-đai (Kadai) có 04 nhân tộc: Cờ-lao, La-chí, La-ha, Pu-péo.

6.  Nhóm Nam Đảo có 05 nhân tộc: Chăm, Chu-ru, Ê-đê, Gia Lai, Ra-glai.

7.  Nhóm Hán có 03 nhân tộc: Hoa, Ngai, Sán-dìu.

8.  Nhóm Tạng có 06 nhân tộc: Cống, Hà Nhì, La Hủ, Lô-lô, Phù La, Si-la.

Ngoài ra, còn có một nhân tộc mới được phát hiện ở Quảng Bình vào đầu những năm 1990: nhân tộc Rục (chỉ còn khoảng bốn chục [40] nhân khẩu), có lẽ thuộc nhánh ngôn ngữ Việt – Chứt (nhóm Việt – Mường).

 

Theo Tạp chí Xưa & Nay,

số 216, tháng 07. 2004, tr. 40 và các tư liệu khác.

 

 

03.8.2004

(18.06 G. thân HB4)

 

 

 

 

TƯ LIỆU THAM KHẢO 2

(bổ sung vào năm 2001 & 2005)

 

 

1)  Dương Văn An, Ô Châu cận lục, số A. 263, Thư viện Khoa học trung ương, Bùi Lương dịch, Nxb. (?); Trần Đại Vinh, Hòang Văn Phúc dịch, Nxb. Thuận Hóa, 2001.

 

2) Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. KHXH., 1964; Nxb. Thuận Hoá tái bản, 1995.

 

3)  Lê Quý Đôn, Phủ Biên tạp lục, bản dịch Lê Xuân Giáo, UB.DT.PQVK. ĐTVH. xb., 1972.

 

4)  Nguyễn Đình Đầu, Việt Nam, quốc hiệu và cương vực qua các thời đại, Nxb. Trẻ, 1999.

 

5)  Nguyễn Kiên, Nguyễn Cao Lũy, Lịch sử 6, tái bản lần thứ 12, Nxb. Giáo Dục, 1999.

 

6)  Phan Khoang, Việt sử: Xứ Đàng Trong, Nxb. Văn Học tái bản, 1996.

 

7) Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, bản in lần thứ 2, Nxb. Thanh Niên, 1995.

 

8)  Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (chính biên, sơ tập), tập 2, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Thuận Hoá, 1993.

 

9)  Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản dịch Phạm Trọng Điềm, Đào Duy Anh hiệu đính, tập1 & tập 2, Nxb. Thuận Hoá, 1992.

 

10)  Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tiền biên & chính biên (trọn bộ), bản dịch Viện Sử học, Nxb. Thuận Hoá, 1964 – 1978.

 

11)  Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884) (gọi tắt là Cương mục), tiền biên và chính biên, bản dịch (2 tập), Tổ Biên dịch Viện Sử học (Hoa Bằng, Phạm Trọng Điềm, Trần Văn Giáp), Nxb. Giáo Dục, 1998.

 

12)  Quốc sử viện triều Trần & Sử quán triều Hậu Lê, Đại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), bản in nội các quan bản (1697), bản dịch (3 tập), dịch giả Ngô Đức Thọ, hiệu đính: GS. Hà Văn Tấn, giới thiệu: GS. VS. Nguyễn Khánh Toàn, khảo cứu văn bản: GS. Phan Huy Lê, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003.

 

13)  Trần Quốc Vượng, Việt Nam, cái nhìn địa – văn hoá, Nxb. Văn hoá Dân tộc, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật liên kết xuất bản, 1998.

 

14)  Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, bản in lần thứ 5, Nxb. Tân Việt, 1954.

 

15) Từ điển triết học, bản tiếng Việt, Nxb. Tiến Bộ, Mát-x-cơ-va (Moscou) và Nxb. Sự Thật, 1986.

 

16)  Tạp chí Cửa Việt (TcCV.) [liệt kê theo thứ tự số ấn hành]:

 

a)  Nguyễn Văn Ngọc, bài “Xứ Cửa Tùng”, TcCv., số 9, 1991, tr. 72 – 77.

 

b)  Nguyễn Cửu Sà, bài “Về nguồn gốc các giếng cổ ở Gio Linh”, TcCV., số 9, 1991, tr. 78 – 80.

 

c)  Nguyễn Văn Ngọc, bài “Sự thành lập các làng cổ ở Quảng Trị”, TcCV., số 10, 1991, tr. 70 – 76.

 

d)  Mai Lĩnh, Tư liệu về Quảng Trị, số 11, 1991, tr. 89 – 90.

 

e)  Nguyễn Lương, bài “Mấy ý kiến về bài “Sự thành lập các làng cổ ở Quảng Trị””, TcCV., số 15, 1992, tr. 88 – 89.

 

f)   Lê Văn Thuyên, bài “Di tích Chăm-pa ở Quảng Trị”, TcCv., số 16, 1992, tr. 84 – 86.

15) Tạp chí Văn hoá các dân tộc, số 9, 1999, chuyên đề: Văn hoá Chăm.

 

 

 

DANH MỤC

TÁC PHẨM, SOẠN PHẨM, BIÊN KHẢO

CỦA TÁC GIẢ

(tính đến 2005)

 

TRẦN XUÂN AN

sinh ngày 10. 11. 1956 tại Huế;

dân tộc: Kinh (Việt Nam);

quê gốc: Quảng Trị;

tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Việt,  Đại học Sư phạm Huế

(khóa 1974 – 1978);

dạy phổ thông trung học ở Lâm Đồng (1978 – 1983);

hiện chuyên sáng tác, nghiên cứu tại TP. HCM.

(hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.)

 

● Tác phẩm đã xuất bản và đã đăng kí bản quyền tại Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam (trước 2004):

 

1.     Nắng và mưa, tập thơ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991

 

2.     Hát chiêu hồn mình, tập thơ, NXB. Đồng Nai, 1992

 

3.     Tôi vẫn ở trên đường, tập thơ, NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 1993

 

4.     Lặng lẽ ở phố, tập thơ, NXB. Trẻ TP. HCM., 1995

 

5.     Kẻ bị ném vào bão, tập thơ, NXB. Trẻ TP. HCM., 1995

 

6.     Hát với đời, ơi thương mến tập thơ, NXB. Trẻ TP. HCM., 1996

 

7.     Quê nhà yêu dấu, trường ca thơ, NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 1998

 

8.     Có một nơi lá mãi xanh, tiểu thuyết, NXB. Hội Nhà văn, 1999

 

9.     Ngôi trường tháng giêng, tiểu thuyết, NXB. Thanh Niên, 2003

 

10. Sen đỏ, bài thơ hòa bình, tiểu thuyết, NXB. Thanh Niên, 2003

 

11. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ bốn tập, NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 2004

 

12. Ngẫu hứng đọc thơ, phê bình thơ, 2003; NXB. Văn Nghệ TP.HCM., 2005

 

● Tác phẩm đã hoàn tất bản thảo:

 

13. Mùa hè bên sông, tiểu thuyết, 1997; bản đã sửa chữa, bổ sung, 2001 & 2003

 

14. Thơ những mùa hương, tập thơ

 

15. Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên, tập thơ

 

16. Nước mắt có vị ngọt, tập truyện ngắn liên hoàn, 1999

 

● Soạn phẩm, biên khảo đã hoàn tất bản thảo:

 

17. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (biên soạn, nghiên cứu, phản bác, và tập hợp một số bản dịch, bài nghiên cứu văn học, sử học về NVT.), 2000

 

18. Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp”, (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.

 

19. Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp… (Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), chọn lọc, phần II, 2001

 

20. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, 2002

 

21. Suy nghĩ về một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta, khảo luận sử học, 2003

 

● Tặng thưởng, giải thưởng:

 

1.     Báo Văn Nghệ giải phóng, 1975

 

2.     Giải sáng tạo trẻ Hội VHNT. Quảng Trị

  

(*) Tất cả các tác phẩm, soạn phẩm biên khảo đã được xếp chữ vi tính, ấn hành trong phạm vi từ 10 đến 20 bản sách (gửi các toà soạn, nhà xuất bản, cơ quan khoa học lịch sử và một số nhà nghiên cứu, bà con, bạn văn thân thiết), trong khi chờ giấy phép và điều kiện để có thể xuất bản rộng rãi. TXA.

 

NƯỚC MẮT CÓ VỊ NGỌT

tiểu thuyết

(năm truyện ngắn liên hoàn)

TRẦN XUÂN AN

1999

 

1. Tổ kiến màu đất (mở và kết).                                                 7

 

2. Trên chuyến tàu lửa ra miền Trung.                                    22

 

3. Ân sủng của tự nhiên.                                                          36

 

4. Huyết thống nhân tộc ấy thơm mùi hương hoa sứ trắng?  58

 

5. “Xuất gia”.                                                                             97

 

*  Và một vài trang phụ lục.                                                    115

 

 

GHI CHÚ THEO THỦ TỤC:

 

Xin được tạ ơn sự liêm khiết của trí tuệ…

Xin hãy bảo vệ, yêu thương, trân trọng những giọt mồ hôi của chất xám và của trái tim trên trang viết …

 

TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN TỪNG CHỮ, TỪNG Ý TƯỞNG CỦA MÌNH.

TRÂN TRỌNG

VÀ THÀNH  THẬT BIẾT ƠN.

 

 

NƯỚC MẮT CÓ VỊ NGỌT

tập truyện ngắn

của TRẦN XUÂN AN

 

NHÀ XUẤT BẢN:

2002

 

CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN:

BIÊN TẬP:

BÌA:

CHỮA BẢN IN:

 

In 1.000 cuốn, khổ 13x19 cm,

tại xí nghiệp in:

Số đăng kí kế hoạch xuất bản:

do Cục Xuất bản cấp ngày:

Quyết định xuất bản:

In xong và nộp lưu chiểu trong tháng:

 

 

GIÁ:

 

 

 

N G O À I   S Á C H

 

 

N h ữ n g  d ò n g  d ư ới  đ â y  c h ỉ  đ ư ợ c  g h i  c h ú  đ ể  n h ớ, 

c ầ n  b ỏ  đ i  k h i  đ ă n g  b á o, t ạ p  c h í, 

v à  c ũ n g  k h ô n g  i n  v à o  s á c h :

      

           INRASARA thân mến,

       Năm truyện ngắn này, như Inrasara biết, mình nhờ anh Lê Ký Thương xếp chữ vi tính. Bấy giờ, mình chưa có máy vi tính ở nhà.

     Nay mình cũng chỉ sao bản từ đĩa mềm cũ và dàn trang lại, đồng thời chữa những chữ cái khác “phông” (font). Vì không rành “phông” VnTimes, mình chữa bằng “phông” VNI-Times. Đó là các chữ:

       Đ (ọ), Ồ, Á ([]), Ú ([]) và Ù.

       Vì vậy, có thể chỉnh lại giúp (hoặc nhờ chính anh Thương, khi xếp chữ cho Tagalau). Tuy nhiên, thế này cũng in và đọc được.

       Inrasara đã có bản photocopy từ bản gốc vi tính của mình, tiện thể nên đối chiếu lại giúp.

       Thân mến. Cảm ơn.

      

       06.08.2002

       TRẦN XUÂN AN

 

 

N H ẬT   K Í   X  Ế P C H Ữ  &  S Ử A   C H Ữ A

 

·     Bản vi tính thứ nhất do anh Lê Ký Thương và chị Cao Thị Kim Quy xếp chữ từ bản thảo viết tay của Trần Xuân An, vốn theo hệ QuartXpress, font VnTimes. Nay tác giả tự chuyển sang hệ Word 2000, vẫn giữ nguyên font VnTimes (và những dòng như thế này, theo font VNI-Times), để tiện dụng.

 

·     Trên trang đầu cuốn tiểu thuyết gồm 5 truyện ngắn liên hoàn này, xin trân trọng đề thêm lời tặng. Ở những trang cuối, cũng đã bổ sung thêm danh mục sách tham khảo và danh mục sách đã được tác giả biên soạn, nghiên cứu, viết thêm trong các năm: 1999 – 2002.

 

·     Tháng 4-2005, tác giả (TXA.) tự chuyển sang hệ mã Unicode, font Arial.

 

      Ngoài ra, tất cả đều y nguyên bản 1999.

 

Kính ghi.

TXA.

 

BỔ SUNG NGÀY 24 THÁNG 04, 2005

CHO TRUYỆN THỨ NHẤT (TỔ KIẾN MÀU ĐẤT):

 

      Nghiệm có cảm giác đang nổi da gà. Anh đâm sờ sợ cái nhìn của vợ. Chẳng lẽ loài người lúc nhúc và sống chui rúc như đàn kiến kia sao! Kiến vàng, kiến đen, kiến trắng! Nhưng… - Nghiệm chợt khẽ giật mình khi liên tưởng trượt xa thêm một chút -, loài kiến không thể chung sống với nhau, nếu khác màu! Chúng hơn loài người ở ý thức hoà bình, không gây chiến tranh xâm lược, nhưng kém loài người rất xa ở chỗ không thể sống chung giữa các chủng tộc vốn khác nhau về màu da. Làm gì có một tổ kiến chung sống hoà bình giữa các loại kiến vàng, kiến đen, kiến trắng! Tuy vậy, Nghiệm lại mỉm cười, tự bảo, ồ, cái nhìn của Quế Sương cũng có khía cạnh lạc quan đấy chứ! Nghiệm định chia sẻ ý nghĩ vừa rồi với vợ, và đọc cho Quế Sương hai câu thơ Xuân Diệu rất được nhiều người nhớ đến: “Không phải anh yêu đôi mắt, Anh yêu cái nhìn của em”, để khuyến khích cô, hướng cái nhìn của cô về phía tươi sáng, cho dù “lạc quan tếu” một chút, nhưng Quế Sương chợt hỏi:

            - Mặt trời đâu anh?

            - Trên bàn đó! - Bất giác, Nghiệm chỉ tay vào chiếc mũ đỏ khá rộng vành của Quế Sương, chiếc mũ thường hắt xuống gương mặt cô một sắc hồng mỗi khi đội lên -.

            - ­Ồ! Tuyệt! - Quế Sương reo lên -. Nhưng anh có vẻ lạc quan hơi quá đáng.

 

26-8-2005, BỎ BỚT VÀI DÒNG ĐỀ TỪ Ở CÁC CHƯƠNG, SỬA CHỮA THÊM MẤY CHỖ …

 

 

H  Ế  T

Tháng 9 năm 2005,

gửi đăng trên Tạp chí điện tử GIAO ĐIỂM

–  www.giaodiem.com  --

 

 

(  xem lại : truyện ngắn 1 )

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/30/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7