l. Trần Xuân An - Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Tệp 12 / tập I

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

07/01/09

  

Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

 

Trần Xuân An,

nội hậu duệ thế hệ thứ năm.

 

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

Xem:

Tạp chí điện tử Giao Điểm tháng 11-2005:          

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm

Blogger (Google) tháng 12-2005

http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/

   & các trang tiếp theo: … 2a … 2b … 2c …

 

TỆP 12

phân đoạn 2

truyện kí thứ sáu

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

VỚI NGỌN BÚT, THANH GƯƠM,

RA BẮC TIỄU PHỈ

 

Truyện kí thứ sáu

(phân đoạn 2)

 

 

      4

      Mười bốn tháng nữa đã trôi qua.

      Suốt mười bốn tháng qua, Nguyễn Văn Tường và Vũ Trọng Bình rất thân thiết với nhau. Hầu như trong công việc nào hai vị quan này cũng đều đồng lòng chung sức. Giữa họ, là tình cảm bạn bè, mặc dù Vũ Trọng Bình lớn hơn Nguyễn Văn Tường đến mười hai tuổi và phẩm hàm cao hơn.

      Giữa họ có những kỉ niệm chung trong nhiều lần tham mưu và hội quân chiến đấu với tướng Phùng Tử Tài nhà Thanh.

      Hồi tháng bảy năm Tự Đức thứ hai mươi hai (1869), án sát Hải Dương Tôn Thất Thuyết mới được sung chức tán tương quân thứ Thái Nguyên chưa đầy một tháng (35). Đó là lúc bọn phỉ Tàu vây hãm phủ Phú Bình thuộc tỉnh Thái Nguyên, tán tương quân thứ Tôn Thất Thuyết, quyền đề đốc Nguyễn Văn Nhuận chia đường tiến đánh, lấy lại được phủ thành (35). Đó cũng là lúc, để cùng phối hợp, Vũ Trọng Bình và Nguyễn Văn Tường ở Lạng Sơn liền bàn với Phùng Tử Tài tiến quân về Thái Nguyên, Bắc Ninh, Sơn Tây, Tuyên Quang để cùng đánh một loạt cứ điểm sào huyệt của bọn phỉ (35). Lần tham mưu cho tướng Thanh Phùng Tử Tài ấy là lần quân Thanh dốc toàn lực mười sáu doanh đánh đồng loạt. Nếu không đánh đồng loạt, chúng cứ như chuột, chạy từ tỉnh này sang tỉnh kia, không bao giờ tiêu diệt sạch chúng được. Địa phận miền núi với địa hình hóc hiểm rất khó truy kích. Đó là một trận lớn, thắng khá giòn giã. Và giòn giã nhất, bất ngờ nhất, là khi quân Thanh, quân Việt đánh tổng lực trên vùng miền núi, bọn phỉ Ngô Côn lẻn thoát về xuôi, vây sát thành Bắc Ninh với khí thế rất mạnh và bị đánh tan (35). Chúng tưởng trong thành thiếu quân, bởi dò la, chúng thấy tất cả quân tiễu phỉ đã lên biên giới. Nguyễn Văn Phong, Bùi Tuấn cố giữ thành, cho lính kị binh phi báo. Ông Ích Khiêm từ huyện Kim Anh liền đem tượng binh, bộ binh tiến về trong khuya. Trong thành bắn ra, quân Ông Ích Khiêm từ sau bắn tới, bọn phỉ Ngô Côn tan tác. Trong trận đó, Ngô Côn trúng đạn lạc (35). Mấy tháng sau, vết thương không chữa nổi, tên tướng phỉ giảo quyệt nhất nhì ấy mới chết.

      Đó là lần chiến thắng vang dội nhất, từ sau chiến thắng đánh chiếm lại thành Cao Bằng do Vũ Trọng Bình, Nguyễn Hiên, Đinh Hội chỉ huy (36)! Hai trận thắng cách nhau chỉ hai tháng.

      Sau khi chiếm lại được thành Cao Bằng hồi tháng năm năm ngoái (1869), tổng thống Lạng – Bằng Vũ Trọng Bình bận rất nhiều việc. Vì vậy, vua Tự Đức hầu như giao hẳn việc thám xét, tâu báo, kiến nghị khắp địa phận thuộc cánh quân chính đạo phụ trách cho Nguyễn Văn Tường, Đặng Toán, Trần Đôn Phục (37). Do đó, trong trận tháng bảy giòn giã vừa qua, thật sự là đợt tấn công chính Nguyễn Văn Tường và hai quan tỉnh họ Đặng, họ Trần vạch ra và hầu như tự đề xuất với tướng Thanh Phùng Tử Tài.

      Tháng chín năm ngoái (1869), lúc Phùng Tử Tài đem quân về Bắc Ninh nghỉ (38), ông ta viết bút đàm:

      - Ngô Côn đã chết thật rồi phải không?

      - Đúng vậy. Y bị thương hồi tháng bảy, nay đã chết tại trại Na Hựu, tỉnh Thái Nguyên (39). Tin thám báo lần này rất chính xác. – Nguyễn Văn Tường bút đàm đáp –.

      - Chiến trận ngộ nghĩnh thế đấy. Tướng giặc không chết vì đại quân tiền phương lại chết do tiểu quân hậu phương!

      - Không phải tiểu quân! Chúng tôi luôn dự bị quân ở hậu phương. Ông Ích Khiêm là một tướng tài của chúng tôi. Vả lại, địa bàn Bắc Ninh có bọn giặc trốn Lê Văn Khuông, còn gọi là Lê Khuông hoặc gọi gọn lỏn là Tịch, rất tàn ác và xảo trá (40). Dưới trướng hắn còn có các tên gian ác kinh khủng là Đỗ Chuyên, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Nhiễm, Nguyễn Đình Chích (40), cùng hai tên khác cũng giết dân đốt nhà không gớm tay khác là Đỗ Văn Đạo, Nguyễn Văn Năm (40)! – Nguyễn Văn Tường bút đàm đáp –. Do đó, không thể không dự bị quân.

      - Đúng như quan Nguyễn tán tương nói! Nhưng còn phải thấy, dẫu sao cũng nhờ uy lực của ba mươi mốt doanh quân, gồm non một vạn viên lính nhà Thanh của Phùng tướng quân, mới làm nên chiến thắng đó (41). – Vũ Trọng Bình cầm bút viết trên xấp giấy đối thoại –.

      - Cảm ơn! Cảm ơn! – Phùng Tử Tài cười ha hả, tỏ ra khoái trá, lại cầm bút viết –. Tiền phương và hậu phương là một mà! Tôi cũng thành thật khâm phục tướng quân Đoàn Thọ. Ông ấy xin chế ống phụt lửa để trị tên Ngô Côn, bởi lẽ tên phỉ họ Ngô này khi xung trận mang cả súng lục, súng trường, sử dụng cả hoả mù (lựu đạn khói), cỡi ngựa phóng như chớp (42)! May là hắn đã chầu Diêm vương! Cái đầu của Ngô Côn một thời cũng có giá đấy, hai nước Nam – Thanh phải treo giải chung từ một ngàn đến tám ngàn, rồi đến mức mười một ngàn lạng bạc (43)!

      - Bọn Pháp và Anh viện trợ vũ khí thường xuyên cho chúng mà! Cho nên càng đáng phải chết! Kĩ nghệ chế tạo ống phụt lửa, chế tạo đạn toé (đạn công phá), triều đình Nam quốc chúng tôi đang cho nghiên cứu và tìm dùng người am hiểu (44), nhưng trước mắt là vũ khí chúng tôi còn kém chúng. Theo thiển kiến, Đại Thanh quý quốc cũng đang nghiên cứu “Tây học vi dụng” để “cầu cường”, hướng tới hùng mạnh! – Nguyễn Văn Tường bút đàm –.

      - Đa tạ, đa tạ. Quả là phải “cầu cường” bằng Tây dương học. Hàng trăm năm trước chúng học ta, nay ta phải học lại! – Phùng Tử Tài bỗng quay lại vấn đề tiễu phỉ –. Về lũ phỉ… Bọn phỉ này lẽ ra phải chết sạch. Nhưng cũng nên tha cho những tên lính bị bắt ép phải theo. Chúng ra hàng cả hàng vạn tên (45).

      - Mong Phùng tướng quân cho chúng về nước Thanh, quê hương bản quán của chúng. – Nguyễn Văn Tường viết –.

      Ngẫm nghĩ một lúc, Phùng Tử Tài gật đầu, cầm bút viết:

      - Tôi sẽ cho dẫn chúng về.

      - Xin cảm ơn.

      - Việc này là việc nước Thanh chúng tôi, để lây sang quý quốc, tôi thật áy náy.

      - Mong Phùng tướng quân tiếp tục truy kích, quy phục bọn phỉ và dẫn độ chúng về nước cho kì hết. Như thế quý Thanh quốc và bản quốc mới yên ổn được. – Nguyễn Văn Tường ghi lên giấy –.

      - Tôi xin hết sức.

      Sau đợt dưỡng quân ngắn hạn ấy, Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường động viên Phùng Tử Tài tiến quân về Tuyên Quang, ngang qua Thái Nguyên. Quan tổng thống Lạng – Bằng và tán tương quân thứ Lạng Sơn tiễn chân Phùng đến tận Thái Nguyên, lại trở về Bắc Ninh. Đó là đợt hành quân thu được thắng lợi khá lớn của quân họ Phùng.

      Khi Phùng Tử Tài đến Tuyên Quang theo như yêu cầu của Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường, quân Thanh dưới quyền họ Phùng hội quân với quân ta tại đấy. Quân Thanh đóng trại ở xã Linh Hồ, ngoài thành (46). Phùng phàn nàn lương thực và đạn dược tiếp vận chậm. Nguyễn Bá Nghi, Đào Trí liền bị vua Tự Đức cách chức, phát đi quân thứ làm việc chuộc tội.

      Sau đó, Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường phải lo việc vận lương tiếp tế thay tổng đốc Sơn –Hưng – Tuyên Nguyễn Bá Nghi, thống đốc Đào Trí. Thự tuần vũ Hà Nội Trần Bình ngay lập tức được điều động làm hộ đốc Sơn – Hưng – Tuyên. Nhưng chẳng bao lâu Nguyễn Bá Nghi, Đào Trí được phục chức bố chính Sơn Tây, lãnh binh quan cùng tỉnh (47).

      Vua Tự Đức liền gửi dụ ra mặt trận: “Ngợi khen [Vũ Trọng] Bình, [Nguyễn Văn] Tường giỏi về ứng đối [với tướng nhà Thanh], cho chuyên sung việc hộ dẫn, theo bàn công việc mưu kế đánh dẹp, vỗ về” (48).

      Mười bốn tháng ấy đã trôi qua.

      Dưới ánh nắng tháng sáu, năm Tự Đức thứ hai mươi ba, Canh ngọ (1870), vẫn ánh nắng cuối mùa hè khá gay gắt ở Lạng Sơn, tán tương Nguyễn Văn Tường theo sắc dụ của vua Tự Đức, sung làm khâm mạng đến đại bản doanh của tướng nhà Thanh Phùng Tử Tài để phúng điếu tổng trấn Quan Tùng Chi nhà Thanh mới chết bệnh và các chiến sĩ trận vong của họ với số tiền tượng trưng là hai trăm lạng bạc cùng nhiều lễ vật khác, đồng thời ông cũng uỷ lạo các doanh quân Thanh bằng số bạc ba ngàn lạng, để tiễn chân quân Thanh hợp lực tiễu phỉ về nước (49).

      Hôm ấy, gặp Phùng Tử Tài, hai người cùng thi lễ chào nhau. Họ ngồi đối diện, giữa bàn là hai xấp giấy và bút nghiên. Nguyễn Văn Tường đã nhiều lần bàn bạc việc quân với ông ta bằng bút đàm. Lần này, lại là những câu viết chia tay.

      - Đức vua của bản triều từ kinh đô Huế có gửi ra tặng Phùng tướng quân hai thanh kiếm vàng và một cái như ý nạm ngọc, đồng thời cũng tặng thêm chiếc quạt có đề ba bài thơ của chính đức vua Tự Đức, cùng các quà lưu niệm khác. Mong rằng tình bạn láng giềng hai nước được bền vững.

      - Đa tạ, thật lòng kính đa tạ đức vua Tự Đức. Nhưng tôi tự xét nghĩ, việc tiễu trừ tàn quân Thái bình là việc của Thanh triều nước chúng tôi. Cuộc phản loạn Thái bình thiên quốc không may mà gây binh đao cho hai nước. Đã thế, lẽ nào tôi dám nhận tặng vật quá quý báu này của đức vua Tự Đức.

      - Thật lòng chúng tôi vẫn chỉ muốn chính thanh gươm của quân tướng nhà Thanh quý quốc trừng phạt bọn phỉ Thái bình. Mặc dù chúng tràn qua cướp phá, chiếm cứ nhiều bản mường, xưng hùng xưng bá, câu kết và che chở cho bọn phỉ người Việt chúng tôi, chúng tôi vẫn mong như thế. Thực chất đó là nội loạn của quý quốc, quý quốc tự giải quyết là tốt nhất. Nhưng dẫu sao hai nước chúng ta chung biên giới, ngọn cỏ dây leo cũng bò lan sang nhau, tiếng chuông, canh gà bên này, bên kia cũng nghe, nên nước tôi phải ra tay. Hơn nữa, nếu đợi quân tướng quý quốc qua nước tôi tiễu trừ bọn chúng, thì nhân dân biên giới chúng tôi không còn một nóc nhà, một người sống sót. Nói tóm lại, vì là việc cần kíp phải bảo vệ nhân dân Đại Nam, kể cả nhân dân Đại Thanh phía biên giới quý quốc, nên chúng tôi phải ra tay và đồng thời kêu gọi sự ra tay của quý quốc. – Tán tương Nguyễn Văn Tường mỉm cười, bút đàm tiếp –. Dẫu sao, mong Phùng Tử Tài tướng quân nhận những tặng vật của đức vua chúng tôi ban tặng để giữ tình hữu nghị chiến đấu và để lưu niệm.

      - Thật không dám nhận kiếm vàng và như ý nạm ngọc. Tôi tự thấy không xứng đáng. Mặc dù bọn phỉ vẫn còn ít nhiều, nhưng quân binh nước Thanh chúng tôi tử trận, bệnh ốm quá nhiều, chúng tôi đã tâu xin vua bản triều nhà Thanh cho rút quân về nước. Như vậy, thật xấu hổ nếu nhận hai thanh kiếm vàng và cái như ý nạm ngọc này. – Tướng Thanh Phùng Tử Tài bút đàm –. Chỉ xin nhận những quà lưu niệm nho nhỏ thôi.

      Không thể ép Phùng Tử Tài được, tán tương Nguyễn Văn Tường đành chia tay ông, sau khi viết câu chúc sức khoẻ và tình bang giao tốt đẹp. Mặc dù bọn tàn quân Thái bình vẫn còn lén lút quấy nhiễu nhưng viên tướng nhà Thanh Phùng Tử Tài đã mỏi mệt, tâu xin với vua Thanh để rút quân và đem hàng vạn tên hàng binh về! Thế là quân ta còn phải tiếp tục đương đầu với số bọn phỉ còn lại! 

      Trong lúc đó, Vũ Trọng Bình đang chỉ đạo trực tiếp việc xây đền Chiểu trung ở phía ngoài thành Lạng Sơn để tưởng niệm các tướng tá, binh lính nhà Thanh tiễu phỉ chết trận trên đất nước ta. Tiếp đó, triều đình còn cho tổ chức đàn tế ở Sơn Tây, Bắc Ninh (49). Những công việc bày tỏ tình hữu nghị này, Nguyễn Văn Tường và Vũ Trọng Bình vẫn phối hợp với nhau.

      Sau khi chia tay với tướng họ Phùng nhà Thanh, Nguyễn Văn Tường không thể không hồi nhớ suốt mười bốn tháng đã trôi qua, ông và tổng thống quân thứ Lạng – Bằng Vũ Trọng Bình đã thường xuyên làm việc với viên tướng nhà Thanh ấy.

 

      5

      Mười bốn tháng ấy còn có biết bao những sự việc, những nếm trải không thể quên.

      Ngoài những trận đánh tán tương Nguyễn Văn Tường trực tiếp xung trận, ông còn thu thập, nghiên cứu nhiều trận đánh tiễu trừ bọn phỉ ở các quân thứ khác trên khắp núi rừng biên giới phía Bắc. Trận quân Thanh phối hợp với thảo nghịch tả tướng quân Nguyễn Hiên ở Kỳ Lừa, Chu Quyển, Đồng Đăng cũng rất đáng nhớ (50). Đáng nhớ nhất là bọn phỉ Thái bình thiên quốc đã chia rẽ nhau đến mức trầm kha. Phỉ Cờ vàng do Hoàng Sùng Anh (Hoàng Anh) làm đầu sỏ đang quyết đánh với phỉ Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc (51). Giữa chúng với nhau đã nhiều phen máu đổ thịt rơi. Lưu Vĩnh Phúc từng toan chiếm cứ Cao Bằng, giết chóc dân ta ở biên giới không ít, nhưng nay chừng như muốn quy thuận quan quân ta. Hắn quyết đánh Hoàng Sùng Anh để lập công chuộc tội. Hắn không dám về nước Thanh, sợ sẽ bị xử tử hình (52)! Tuy nhiên, có lẽ không việc nào gây xúc động cho ba quân, và chắc hẳn không bao giờ phai nhạt trong trí nhớ Nguyễn Văn Tường, trong kí ức quan binh như cái chết tử tiết dũng cảm của đề đốc quân thứ Thái Nguyên Phan Bân (53). Phan Bân người huyện Hải Lăng, thuộc tỉnh Quảng Trị. Vị tướng này vốn là quan chưởng vệ, lãnh đạo một vệ quân lớn ở Hải Dương – Quảng Yên. Dân làng quê ông thường gọi là Ông Chưởng. Tướng Phan Bân, trước đây sung làm đề đốc quân thứ Lạng – Bằng, sau đó được điều chuyển qua quân thứ Thái Nguyên để truy kích tên tướng phỉ Ngô Côn. Năm ngoái, Phan Bân bị giặc bắt sống được, khi ông dẫn quân đánh đồn Chợ Mới. Vua Tự Đức rất buồn khi được tin, liền chuẩn cho các quan quân thứ tìm cách đòi về cho bằng được. Nhưng, cảm phục thay người đã giữ tiết tháo! Phan Bân đã không chịu khuất phục bọn phỉ Tàu, quyết tự tử để khỏi chịu nhục. May là các quan quân đã tìm được hài cốt mang về. Vua Tự Đức thương tiếc, truy phong hàm thống chế.

      Ngoài án sát Hải Dương Tôn Thất Thuyết sung chức tán tương quân thứ Thái Nguyên, ở Lạng Sơn mới có thêm một tán lí quân thứ vốn đương chức hiệp lí hải phòng cũng thuộc tỉnh ven biển ấy. Đó là Hồ Trọng Đĩnh (54). Điều vui mừng nhất là hai người con trai của cố thượng thư Trương Đăng Quế là viên ngoại lang Bộ Binh Trương Văn Đễ, tú tài Trương Quang Đản đã tình nguyện đến Sơn Tây, Bắc Ninh mộ quân tiễu phỉ và đã được nhà vua chuẩn y (55). Mặt trận biên giới phía Bắc đã có thêm tướng tá bổ sung, để đánh dẹp cho sạch bọn phỉ Tàu, phỉ Việt.

      Và một hôm tháng bảy, Kỉ tị năm ngoái (1869), Nguyễn Văn Tường còn nhớ Vũ Trọng Bình đến án thư ông, buồn bã báo tin:

      - Nguyễn Tri Phương cũng bị hãm hại rồi! Cụ thượng thư Vũ hiển điện đại học sĩ họ Nguyễn ấy tâu về vụ đánh giá lại Nguyễn Văn Chất của ông thế này: “Việc này chắc có người tâu mật muốn hại thần” (56)! Mình đã đoán trước sự thể! Vua xử quan lớn họ Nguyễn phải bị giáng hai cấp, phải trả việc Bộ Công, chỉ còn được chuyên sung bàn việc Cơ mật viện, việc hải phòng, dự đình nghị. Ngay sau đó, bọn Phan Huy Vịnh, Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ xin vua đưa Nguyễn Tri Phương ra Bắc sung chức Bắc Kì kinh lược đại sứ. Bọn họ muốn đẩy Nguyễn Tri Phương ra Bắc lâu rồi, trước đó đã nhiều lần tâu xin nhà vua, nhưng ngay cả lần này nhà vua cũng chưa đồng ý chuẩn y (56).

      Nguyễn Văn Tường không ngạc nhiên nhưng thật tâm rất buồn. Ông đã hiểu ít nhiều về vụ Nguyễn Tri Phương đánh giá lại biện lí Bộ Công Nguyễn Văn Chất.

      - Chắc quan tán tương còn nhớ Nguyễn Văn Chất, viên biện lí nổi tiếng tàn nhẫn, hà khắc với thợ thầy ở xưởng thợ Dương Xuân khi xây dựng Vạn niên cơ? – Vũ Trọng Bình lại khẽ hỏi –.

      - Vâng, tôi còn nhớ chứ!

      - Khi mới về triều sau vụ Đoàn Trưng, một lần với mình, cụ thượng họ Nguyễn chỉ trích biện lí Nguyễn Văn Chất rất nặng về thói tàn nhẫn, hà khắc. Nay làm việc với Nguyễn Văn Chất, lại khen. Vua cho là “trước ghét, sau yêu”, bất nhất (56)!

      - Có lẽ do nguyên nhân sâu xa hơn?

      - Đúng! Người ta chỉ muốn đổ bớt tội, quy cho Nguyễn Văn Chất, rằng một phần là do y hà khắc, tàn nhẫn với thợ thầy mới nổ ra vụ Đoàn Trưng!

      - Vâng, tôi hiểu từ lâu! Thân Văn Nhiếp đã chỉ trích đức vua, vạch rõ nguyên nhân chính lâu rồi. Nói rõ hơn, đơn giản hơn, là nếu không xây Vạn niên cơ, không nghị “hoà” thì không có vụ Đoàn Trưng! – Tán tương Nguyễn Văn Tường nói –.

      - Dẫu sao thì trong triều từ nay thật không còn người chủ chiến nữa!

      - Nhưng cụ thượng Nguyễn Tri Phương cũng không gây ảnh hưởng gì được so với Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ, Phan Huy Vịnh! Có khi cụ ra Bắc Kì lại có tác dụng hơn. “Phó vương” Bắc Kì còn có ảnh hưởng hơn là giữ vai trò bị lép vế ở triều, tâu nói chẳng được vua nghe theo! – Tán tương Nguyễn Văn Tường lại nói –.

      Nguyễn Văn Tường khẽ thở dài. Ngẫm nghĩ một lúc, tổng thống quân thứ Lạng – Bằng Vũ Trọng Bình ngẩng mặt nhìn người bạn nhỏ tuổi hơn ông, khẽ nói:

      - Những ý tưởng ông nhận xét về các quan ở triều và quân thứ, trong đó có mình, theo yêu cầu tham khảo của nhà vua, cứ khiến mình suy nghĩ mãi.

      - Nhưng tôi nào dám gửi vào kinh, dâng lên nhà vua đâu. Tôi cứ để lần lữa mãi.

      - Thật ra, cũng phải nhận thức cho đúng thực trạng phe chủ chiến, phe chủ “hoà”. Quan tán tương hẳn thấy cánh nào thắng thế!

      - Đúng hơn, những tay chủ “hoà” lúc này có dịp để phát huy năng lực hơn. Những người chủ chiến có điều kiện phát huy đâu mà bảo không lép!

      - Quan hiệp biện có nhận thấy việc đánh bọn phỉ Tàu Thái bình thiên quốc này vừa khó về địa hình miền núi, sơn lam chướng khí, vừa khó về súng đạn, lại vừa có chút lấn cấn lương tâm thế nào đó, thật là vừa giận vừa thương?

      - Nhưng Hán tộc hay Mãn tộc gì cũng xâu xé nhau đã nhiều trăm năm, chúng oán trách ai được. Ta cũng đã nhân nghĩa, cấp bạc, lại sắp xếp cho chúng chỗ sinh sống, nhưng chúng vẫn cứ cướp bóc, giết chóc dân ta, câu kết với bọn phỉ người Việt, thế thì còn lấn cấn cái chi! Chín giận nhưng chỉ một thương thôi.

      - Tôi ngờ Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ có cảm tình với bọn phỉ Hán tộc Thái bình thiên quốc phù Hán diệt Mãn Thanh này!

      Vũ Trọng Bình giật mình, vỗ tay xuống đùi:

      - Thật không còn nghi ngờ gì nữa! – Và quan họ Vũ lắc đầu chua chát –. Gốc Hán tộc, Minh Hương mà!

      - Hay chúng ta đồng tâu xin, kiến nghị nhà vua cử quan Vũ hiển điện đại học sĩ Nguyễn Tri Phương ra làm kinh lược sứ Bắc Kì? Như thế các quan quân thứ hầu như chỉ nhận lệnh của cụ Nguyễn mà thôi. Như vậy tiện hơn chăng?

      - Đúng, nhưng để nghĩ lại xem sao…

      Mười bốn tháng trôi qua, kể từ ngày xuất quân ở kinh đô ra Bắc, có nhiều điều thật khó quên. Trong hồi ức của Nguyễn Văn Tường còn những mẩu tin tức ở triều, trong ấy đưa ra. Ông biết vào tháng tư năm Tự Đức thứ hai mươi ba (1870) này, Phan Huy Vịnh, thượng thư Bộ Lễ kiêm chưởng Bộ Hình đã bị giáng, cho về hưu, và Bùi Thức Kiên, Nguyễn Chính cũng bị giáng, nên Nguyễn Tri Phương lãnh thượng thư Bộ Lại thay Bùi Thức Kiên, lại kiêm cả Bộ Công thay Nguyễn Chính (57). Cũng ngậm ngùi khi tán tương Nguyễn Văn Tường biết tin cả Nguyễn Bá Nghi ở Sơn Tây (58), lẫn nhà thơ Miên Thẩm ở Huế đã chết (59), và Đào Trí trước đây cũng ở Sơn Tây, nay đã xin vềâ hưu (60)… trong tháng tư ấy.

      Mười bốn tháng ấy còn có biết bao những sự việc, những nếm trải không thể quên!

 

      6

      Sau nhiều ngày đi thám xét mặt trận, nghiên cứu các bản báo cáo của các quân thứ, tán tương Nguyễn Văn Tường suy nghĩ để viết tập tâu đệ trình vào vua Tự Đức.

      Đêm trung tuần tháng sáu ở miền cao xứ Lạng, trời trong xanh với ánh trăng vằng vặc sáng, khói sương lãng đãng nhưng lạnh buốt. Tán tương Nguyễn Văn Tường nhớ những đêm hồi còn ở huyện Thành Hoá, tỉnh Quảng Trị, hồi ở Phủ Thừa Thiên, ông cũng suy nghĩ viết những tập tâu thế này. Nhưng khác với hồi phụ trách địa bàn một huyện, rồi một tỉnh kiêm thêm một đạo, lúc này ông chỉ làm tán tương một quân thứ nhưng vẫn phải tổng hợp tin tức về tình hình toàn cõi Bắc. Hơn nữa, lúc này, ông đang chuẩn bị để viết một tập bản sớ với những nhận định, kiến nghị việc xếp đặt ở Bắc Kì.

      Tán tương Nguyễn Văn Tường đặt đầu bút lông xuống trang giấy:

      “Nam Kì, Bắc Kì là căn bản của nước. Theo sự thế, trong Nam, nên tính thư thả; trước hết, [việc] giữ Bắc Kì, [thần xin] cho là việc cần [kíp]. [Ta nên lo] giữ phên giậu ở Cao, Lạng, Thái, Tuyên; giữ rừng biển ở đông, tây, nam, bắc. Hà Nội ở giữa, [ấy] là nơi hình thế danh thắng, trong khi vô sự phải rất chú ý, huống chi [bọn] giặc trốn coi thường chiến tranh [lấy việc gây máu lửa, cướp bóc làm nghề kiếm sống] còn nhiều đứa lọt lưới. Giặc trước về Tầu [:Tàu], gián hoặc [chúng còn] mến tiếc sào huyệt, [ta] chưa nên cho là việc đã yên mà bỏ qua.

      Hiện nay kho tàng [cả] công [lẫn] tư đáng phải thương xót, sức lực quân dân cũng gọi là đã kiệt. [Nếu cứ như thế], đợi đến lúc ấy [lúc nguy cấp, bọn giặc trốn ngóc đầu dậy, bọn phỉ Tầu [:Tàu] lại tràn qua], sợ không có cách gì [cứu vãn]. Người đảm đương công việc thường hay cẩu thả, hình như không để ý tới, [khi] bỗng chợt có biến, chỉ [còn nước] lấy quân nhát, dân ngu tự gỡ.

      [Ngoài ra], ai chịu cái lỗi làm cho dân nhọc, dân oán? Muốn tâu bày thẳng tệ ấy thì nói không thể xiết được. Muốn dùng pháp luật để sửa chữa, lại sợ không thể cậy được. Người xưa có nói: “Được một quan huyện tốt, hơn là có ba vạn quân tinh nhuệ”, là vì không có chính sự hà khắc thì không có phản nghịch lớn.

      Xin chọn quan văn võ [chỉ gồm những] người thanh liêm, tài giỏi, [điều động đến bốn phía] đông, tây, nam, bắc, mỗi tỉnh đều hai (2) người, sung làm tổng đốc, đề đốc, lại giao cho [mỗi tỉnh] năm trăm (500) quân tinh nhuệ (lính thú, mỗi tỉnh Đường Ngoài năm trăm (500) tên, [gồm] một nửa lính kinh, một nửa lính Thanh, Nghệ). Ở Hà Nội thì lấy quan đại thần có lòng công bằng, trung trực, biết xếp đặt việc nước, uy vọng rõ rệt, như quan Võ hiển Nguyễn Tri Phương, sung làm kinh lược đại sứ, [và xin] giao cho [kinh lược đại sứ] hai ngàn (2.000) quân tinh nhuệ để giúp việc đàn áp [bọn phỉ Tàu, bọn giặc trốn người Việt]. Các tỉnh ở Bắc Kì, việc chỉnh [đốn] bờ cõi, đốc suất việc binh, xét hỏi quan lại, vỗ yên nhân dân, đều ủy cho [kinh lược] đại sứ chuyên việc trông coi. Quy chế cũ ở Hà Nội cũng nên theo thời sửa đổi.

      Như thế, [một khi] quan chính đính thì dân chẳng ai dám chẳng chính đính. Mà [nhờ vậy, là sẽ tạo được điều kiện để giúp] Trung châu [có] thế mạnh, đủ để trấn áp bọn gian, [và cũng từ đó, ở] các tỉnh ven biên giới, [ta] mới tính dần được công việc xếp đặt về sau. [Sau đó], đợi một vài năm công việc được xong, quân [tăng viện] có nên rút [hay chưa], [xin] do quan [kinh lược] đại sứ xét nghĩ, thi hành. Không thế thì đại binh ca hát trở về, chưa khỏi lại phải chú ý xếp đặt công việc lần nữa.

      Không dám nói hết, sợ làm tăng sự ngày đêm lo nghĩ của hoàng thượng” (61).

      Năm Tự Đức thứ hai mươi ba, tháng sáu (6) Canh ngọ (tháng 7.1870).

      Khi viết tập bản sớ này, tán tương Nguyễn Văn Tường ý thức rất rõ ông đang thể hiện quan điểm chính trị của mình trong sự vận dụng quan điểm ấy vào tình hình thực tế ở Bắc Kì và trong cả nước. Đó là quan điểm chính trị nhân trị, đức trị, chứ không phải chỉ dùng hình pháp đơn thuần. Ông vẫn luôn suy nghĩ và tự tâm đắc với ý tưởng:

      “Muốn dùng pháp luật để sửa chữa, lại sợ không thể cậy được. Người xưa có nói: “Được một quan huyện tốt, hơn là có ba vạn quân tinh nhuệ”, là vì không có chính sự hà khắc thì không có phản nghịch lớn”.

      Tán tương Nguyễn Văn Tường vẫn thường chiêm nghiệm, suy ngẫm về câu ngạn ngữ: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Quả thật, chân lí ấy rất giản dị mà vô cùng sâu sắc: Người làm quan chức hay bậc phụ huynh sống và hành xử một cách bất chính, chắc chắn nhân dân hay con em phải nổi loạn bằng hình thức này hoặc hình thức khác, chứ không thể tốt lành được. Do đó, vấn đề gương mẫu phải luôn luôn khắc ghi và thể hiện trong mọi mặt đời sống, ở mọi khi, mọi chốn. Chính tấm gương sáng của quan chức trong xã hội, của bậc phụ huynh trong gia đình là có sức giáo dục cảm hoá mạnh mẽ và sâu sắc nhất. Rõ ràng sự gương mẫu về đạo đức, về công tác hay về làm ăn sinh sống với các nghề nghiệp, mặc nhiên tạo ra uy lực, khiến không phải dùng hình pháp, các cách răn đe, người dưới quyền cũng phải nể sợ, kính trọng bằng tâm cảm:

      “[Một khi] quan chính đính thì dân chẳng ai dám chẳng chính đính”.

      Vị quan có uy vọng bởi chiến công và đạo đức ấy không ai khác hơn là Nguyễn Tri Phương!

      Nhưng Nguyễn Văn Tường không thể cho phép mình ảo tưởng trước tình hình thực tế ở Bắc Kì. Trước mắt, bọn phỉ Tàu, còn gọi là giặc Cờ, một số lớn hàng vạn tên đã đầu hàng, được dẫn độ theo Phùng Tử Tài về nguyên quán ở Trung Quốc, một số khác sau khi bị truy quét mạnh, chúng đang im hơi lặng tiếng chờ cơ hội được Pháp, Anh hà hơi tiếp sức. Tên đầu sỏ Ngô Côn, nguyên là quân Cờ đen, y đã chết, còn tên đầu sỏ giặc Cờ vàng Hoàng Sùng Anh, hắn đã trốn về Trung Quốc (62). Và cũng trước mắt, bọn giặc trốn người Việt (Tày, Thái, Kinh…), bọn “giậu đổ, bìm leo” ấy, vốn là tàn quân của Pierre Tạ Văn Phụng và những kẻ xem ra như thể cuồng trung với nhà Lê, thực chất chỉ mượn chiêu bài phù Lê, hoặc đa số trong đó là bọn lấy cướp bóc, giết chóc làm nghề kiếm sống, chúng nhân lúc hàng vạn tên phỉ Tàu tràn qua chiếm cứ, cướp phá, lại ngóc đầu dậy, “duồng gió bẻ măng”. Cả hai loại phỉ ấy làm quan quân không một chút rảnh tay để đối phó với bọn Pháp ở Nam Kì, bọn “tả đạo” rải rác trong cả nước. Lúc này, nhìn chung, tình hình cũng mới tạm yên, nhưng còn phải cảnh giác, luôn chuẩn bị quân lực, vật lực để còn đối phó trong những tháng năm tới.

      Ông đã phân tích rõ thực trạng quan lại:

      “[Ngoài ra], ai chịu cái lỗi làm cho dân nhọc, dân oán? Muốn tâu bày thẳng tệ ấy thì nói không thể xiết được”.

      Từ đó, tán tương Nguyễn Văn Tường đề xuất việc tuyển chọn các quan văn võ thanh liêm, tài giỏi, đề xuất cải tổ cơ cấu quan chức toàn Bắc Kì, đổi mới quy chế ở Hà Nội (vốn là thủ đô Thăng Long).

      Ông cũng phân tích rõ tình hình bọn phỉ và đề ra kế hoạch quân sự cụ thể để đối phó.

      Tán tương Nguyễn Văn Tường đặc biệt nhấn mạnh vai trò, chức năng, quyền hạn của quan đại thần sung kinh lược đại sứ toàn cõi Bắc Kì. Kinh lược đại sứ Bắc Kì lãnh đạo toàn diện trên toàn cõi ấy như một vị phó vương, chỉ đứng sau hoàng đế (quốc vương).

      Như vậy, quan điểm chính trị nhân trị, đức trị phải đi đôi với việc củng cố quân đội chủ lực thiện chiến và quân tỉnh (quân địa phương) để trấn giữ.

      Đồng thời, nhưng trên hết, ông xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trước mắt, và quyết tâm dứt điểm, tạo cơ sở cho việc tiến tới mục tiêu, thực hiện nhiệm vụ sau: Phải củng cố Bắc Kì, tạo cơ sở cho việc tái chiếm Nam Kì. Như thế mới tránh được tình trạng ôm đồm, “xôi hỏng bỏng không”.

      Đêm đã khuya, vẫn với hai dĩa đèn dầu phụng, tán tương Nguyễn Văn Tường ngồi sau bàn án thư trong thành luỹ Lạng Sơn, ngẫm nghĩ để viết tập bản sớ. Ông hi vọng vua Tự Đức, thượng thư Bộ Lại, kiêm lãnh Bộ Công Nguyễn Tri Phương sẽ đọc duyệt thật kĩ.

      Khuya tháng sáu miền cao xứ Lạng se lạnh.

     

Hết phân đoạn 2 truyện kí thứ sáu (còn tiếp)

                                                             

Viết đến dòng chữ này lúc 16 giờ kém 10 phút,

  ngày mùng ba tháng mười, năm 2002

(27.8, Nh. ngọ, HB.2),

tại thành phố Hồ Chí Minh.

TXA. 

 

                    

(35)     ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 350; tr. 357.

(36)      ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 339.

(37)      ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 370 – 371.

(38)      ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 371.

(39)      ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 10 – 11.

(40)      ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 94, 98, 126, 141, 143, 174, 205, 298. Trích nguyên văn: “Trước đây bọn giặc ra hàng lại vây thành Lạng, giặc trốn ở Bắc Ninh là tên Tịch (xưng bậy là đại nguyên soái) lại nổi lên…” (tr. 94); “Trạm Bắc Lệ tỉnh Bắc Ninh có tên Lao Nhị là bè lũ của Tô Quốc Hán chia đi quấy nhiễu hạt Kim Anh, Đông Ngàn, bọn thổ phỉ là tên Chuyên, tên Tịch cũng thường đến quấy nhiễu, cướp bóc” (tr. 98); “Dò thám được tên tù trưởng dân Mèo ở động Suối Bốc là người chủ chứa chấp tên giặc Hoàng Anh, giặc Hoàng Anh lại là người chứa chấp các giặc trốn ở tỉnh Bắc, tỉnh Thái” (tr. 143).

(41)     ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 32.

(42)     ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 328 – 329.

(43)     ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 331.

(44)     ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 373.

(45)     ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 373.

(46)      ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 10 – 11.

(47)      ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 15.

(48)      ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 11.

(49)      ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 29 – 30, 30 – 31.

(50)      ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 328 – 329.

(51)      ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 338.

(52)      ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 42.

(53)      ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 11; Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (ĐNLT.), bản dịch Viện Sử học, tập 4, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 395 – 396.

(54)      ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 347.

(55)      ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 357.

(56)      ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 355 – 356.

(57)      ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 19.

(58)      ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 20.

(59)      ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 23.

(60)      ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 29.

(61)      ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 31 – 32.

(62)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 31.

 

 

 

Hết phân đoạn 2

truyện kí thứ sáu

 

XIN XEM TIẾP TỆP 13

phân đoạn 2

truyện kí thứ sáu

Trở về trang chủ

Cập nhật: 07/01/09

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7