c. Trần Xuân An - Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Tệp 3 / tập IV

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

07/01/09

13-04 HB6

( 2006 )           

 

TẬP IV

 

 

Tệp 1

 

Tệp 2

 

Tệp 3

 

Tệp 4

 

Tệp 5

 

Tệp 6

 

Tệp 7

 

Tệp 8

 

Tệp 9

 

Tệp 10

 

Tệp 11

 

________

 

Hình ảnh:

 

Tệp 12

 

Tệp 13

 

Tệp 14

 

Tệp 15

 

Tệp 16

 

________

 

 

TẬP I

 

TẬP II

 

TẬP III

 

TẬP IV

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

 

Trần Xuân An,

nội hậu duệ thế hệ thứ năm.

 

 

 

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

 

 

Xem:

Blogger (Google) tháng 12-2005

http://tranxuananpcdtnvt4a.blogspot.com/

   & các trang tiếp theo: … 2a … 2b … 2c …

 

 

 

Truyện kí thứ 11

được chia ra làm 4 tệp

 

 

Tệp 3 –  Tập IV  

(phân đoạn 3, truyện kí thứ 11)

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

THẾ TRẬN

“TOẠ SƠN QUAN SONG HỔ ĐẤU”

 

Truyện kí thứ mười một

(phân đoạn 3)

     

      12

 

      “HOÀ” ƯỚC GIÁP THÂN (1884)  (94)

 

      “Chính phủ nước Pháp cộng hoà và triều đình vương quốc Đại Nam (*),trên tinh thần mong muốn chấm dứt vĩnh viễn sự tái diễn các vụ việc đã xảy ra trong thời gian gần đây, và thắt chặt các quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt, đã quyết định kí một hiệp ước nhằm đạt mục đích đó và đã cử các đại diện toàn quyền cho mỗi bên như sau:

       [Đại diện] tổng thống nước Pháp cộng hoà: ông Jules Patenôtre…

       [Đại diện] đức vua vương quốc Đại Nam: các ông Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan (chánh phó toàn quyền đại thần); ông Nguyễn Văn Tường (dự thương)…

      Các vị trên, sau khi đã trao đổi giấy uỷ toàn quyền của đôi bên và nhận thấy là đúng thể thức, đã cùng nhau thoả thuận các điều khoản như sau:” (95)

      +++ “Điều khoản I: Nước Đại Nam tự nhận nước Pháp giúp đỡ, nghĩa là nước Đại nam có giao thông với nước nào, thì nước Đại Pháp giúp đỡ công việc, và nhân dân nước Đại Nam có ở nước ngoài thì Đại Pháp cũng giúp đỡ.

     +++  Điều khoản II: Quân Đại Pháp đóng lâu ở đồn cửa biển Thuận An. Từ cửa biển ấy lên tới kinh thành, các đồn luỹ ở ven sông và công việc phòng bị, nước Đại Nam cần phải triệt bỏ.

      +++ Điều khoản III: Địa giới nước Đại Nam, từ giáp tỉnh Biên Hoà, [thuộc] Nam Kì, về phía bắc, cho đến giáp tỉnh Ninh Bình, [thuộc] Bắc Kì, các quan viên ở tỉnh đều làm chức tự trị dân như cũ. Trừ ra các nha thương chính và cục tạo tác, nên có quan Pháp trông coi. Còn việc thường mà có ứng dụng quan bác vật, hãy dùng người Pháp để trông coi.

      +++ Điều khoản IV: Nước Đại Nam tự giáp tỉnh Biên Hoà đến giáp tỉnh Ninh Bình, những tỉnh ở khoảng giữa ấy, trừ ra cửa biển Thi Nại đã mở buôn rồi, nay Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam, Xuân Đài thuộc tỉnh Phú An [:Yên], hai cửa biển đó nên mở thêm bến buôn ra. Còn dư các cửa biển khác, sau này xét có ích lợi thì họp bàn mở thêm việc buôn. Nước Pháp cũng có đặt quan ở những chỗ bến buôn mở thêm ấy. Nhưng những quan ấy phải theo lệnh của quan khâm sứ đại thần ở kinh.

      +++ Điều khoản V: Quan khâm sứ đại thần [Pháp] đóng ở kinh chuyên về giữ công việc ngoại giao nước Đại Nam với nước ngoài, không có dự kịp tới công việc các tỉnh ở trong giới hạn [đã ghi tại] khoản thứ III. Khâm sứ đại thần, lại được thẳng vào tâu với đại hoàng đế nước Đại Nam. Quan khâm sứ đại thần ấy ở trong kinh thành, có quân Pháp theo hầu.

      +++ Điều khoản VI: Các tỉnh nước Đại Nam từ giáp Ninh Bình trở về phía bắc, tỉnh nào có sự cần cấp, thì nước Đại Pháp [thấy] nên đặt công sứ hay bọn phó công sứ, đều theo lệnh quan khâm sứ ở kinh. Tỉnh nào có công sứ hay phó công sứ, thì trong các tỉnh ấy, gần chỗ quan tỉnh ở thì cùng công sứ, phó sứ đó, có lính Pháp hay lính Nam theo hầu.

      +++ Điều khoản VII: Quan công sứ nước pháp đặt ở tỉnh nào ở Bắc Kì, quan công sứ ấy không được dự làm những việc dân chính trong tỉnh ấy. Các quan tỉnh ấy, không kể là hạng quan nào, cứ cai trị hạt dân như cũ. Như quan Pháp có kiểm được quan Nam nào nên làm hoán cách, có xin hoán cách ấy, tức làm hoán cách.

      +++ Điều khoản VIII: Nước Đại Pháp không kể viên dịch nào, như có việc gì nên tư báo với các quan nước Đại Nam thì do quan công sứ nước Pháp tự báo mà thôi.

      +++ Điều khoản IX: Nước Đại Pháp sẽ dựng một con đường điện báo từ Sài Gòn đến Hà Nội, chuyên do người Pháp trông làm. Khoản này nếu được tiền lời bao nhiêu, nước Pháp trích lấy một phần giao cho nước Nam tiêu dùng, vì nước Nam có nhường phần đất để đủ chỗ làm. Do đó những nhân viên điện báo mới có thể dựng được những buồng bếp, nhà cửa để ở.

      +++ Điều khoản X: Các người ngoại quốc ngụ ở nước Đại Nam từ giáp Biên Hoà đến giáp Ninh Bình và địa hạt Bắc Kì, thì đều chịu dưới quyền nước Đại Pháp xử đoán. Như người nước Nam cùng người nước ngoài, hay như người nước ngoài cùng nước Nam có việc gì tranh kiện nhau, thì đều do quan nước Pháp phân xử.

      +++ Điều khoản XI: Nước Đại Nam từ giáp tỉnh Biên Hoà đến giáp tỉnh Ninh Bình, thì quan bố chánh chiểu thu thuế lệ về cho triều đình nước Đại Nam như cũ, không có quan Pháp kiểm cố tới đó. Đến như địa hạt Bắc Kì thì các quan công sứ hợp với quan bố chính, tóm các thuế lệ mỗi tỉnh một xứ, khiến cho tiện việc kiểm cố, biết được số sở thu và sở chi. Khi thu xong, quan nước Đại Pháp và quan nước Đại Nam hội đồng chuẩn định sự chi phí các nơi và các số công nhu tiền kẽm bao nhiêu, số chi còn bao nhiêu, quy nộp vào kho ở kinh của triều đình Đại Nam.

      +++ Điều khoản XII: Các sở thương chính ở trong nước Đại Nam, [Pháp] lại muốn bàn định giao hết cho quan Đại Pháp chuyên biện. Những sở thương chính có nên xây dựng thì chỉ ở những nơi ven biển và biên giới mà thôi. Lấy [:căn cứ vào] các sở thương chính trước, quan võ nước Pháp đã làm như thế nào, nước Đại Nam ngày nay cũng nên thôi bàn. Đến như điều lệ các sở thương chính và các lệ thuế ngoại ngạch, kịp các khoản lệ cấm các thuyền không được vào ra cửa biển trong khi có dịch khí, thì trong nước Đại Nam và các sở Bắc Kì cũng y như điều lệ sáu tỉnh Nam Kì.

      +++ Điều khoản XIII: Trong địa hạt Bắc Kì, nước Đại Nam và những người Pháp mở buôn ở các sở và những người được nước Pháp bảo trợ, đều được đi lại buôn bán, mua đất dựng cửa hàng, thung dung tự tiện. Lại khoản các giám mục, linh mục giảng giáo cho giáo dân đã ước định ở ngày 15 tháng 03 năm 1874, tức ngày 27 tháng 01 năm Tự Đức thứ 27 (khoản thứ chín [IX]), nay hoàng đế nước Đại Nam cũng phê chuẩn y như khoản ấy.

      +++ Điều khoản XIV: Như người nước ngoài muốn đi trong nước Đại Nam có công việc gì, thì phải xin giấy thông hành ở quan khâm sứ tại kinh, hay quan tổng thống Gia Định, đến trình quan nước Đại Nam [để được] phê chữ, đóng ấn vào hai chữ “dĩ trình” mới có thể đi được.

      +++ Điều khoản XV: Nước Đại Pháp tự hứa rằng, từ sau đi, xin giúp đại hoàng đế nước Đại Nam hoàn toàn tốt đẹp và trong nước khỏi phải giặc cướp trong ngoài. Do đó mà nước Đại Pháp chiểu cho là ở trong nước Đại Nam, hoặc Bắc Kì hay nơi nào cần kíp, có nên đóng quân thì được dùng quân đóng để bảo trợ.

      +++ Điều khoản XVI: Đại hoàng đế nước Đại Nam cai trị trong nước, trừ ra những điều đã định ở trong hoà ước, [thì] ngoài [ra] còn đều theo như cũ.

      +++ Điều khoản XVII: Nước Đại Nam còn thiếu số bạc của nước pháp (tức món nợ Y Pha Nho) sau sẽ bàn định tính giả [:trả]. Nước Đại Nam đừng đi vay mượn nước ngoài. Nếu nước Pháp không đồng ý, thì nước Đại Nam không được vay nước ngoài.

      +++ Điều khoản XVIII: Sau khi quan của hai nước hội đồng chia định giới hạn các nơi mở buôn, và việc nhường đất cho người mở bến buôn, trong đó có bàn dựng [các] cây đèn pha ở nước Đại Nam, từ ven biển Biên Hoà đến giáp Ninh Bình cùng địa hạt Bắc Kì, và định thuế khai các mỏ, lệ dùng tiền bạc, [thì lại] hội đồng định chia các sở thương chính và những lợi tạp thuế và thuế điện báo, và chia các khoản thuế chưa cho liệt vào khoản thứ mười một [XI], trích giao cho nước Đại Nam dùng. Điều ước ấy đệ về, đưa tới triều đình Đại Pháp và tiến lên đại hoàng đế nước Đại Nam phê chuẩn, tuỳ tức trao đổi.

      +++Điều khoản XIX: Tờ ước này thay thế cho các tờ ước kí ngày 23 tháng 11, ngày 30 tháng 08 và ngày 15 tháng 03 năm 1874. Khi nào hai bên như có thay đổi ý kiến gì ở trong tờ ước đó thì cứ lấy bản chữ Pháp làm chính. Toàn quyền đại thần hai bên đã kí tên đóng ấn ở tờ ước ấy làm bằng. Tờ ước ấy đã lập ở kinh vào ngày 13 tháng 05 năm Kiến Phúc thứ nhất, tức là ngày 06.06.1884.

 

      Dự thương: Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường,

      Toàn quyền đại thần: Phạm Thận Duật,

      Phó toàn quyền đại thần: Tôn Thất Phiên [:Phan],

      đều đã kí tên đóng ấn” (94) .

  

      Khi đã bàn định trên cơ sở dạng bản “hoà” ước mười chín khoản, Pháp đã soạn sẵn với ý đồ áp đặt, xem ra hai bên cũng tạm đồng thuận, tên khâm sứ đương chức Parreau nói:

      -  “Cái ấn cũ nhà Thanh phong cho nước Đại Nam, chỉ có khi nào gửi quốc thư sang nước Thanh thì mới dùng, còn dư không cần [thiết] chi cả. Nay nước Đại Nam đã nhận nước Pháp bảo trợ, không làm phiên phục nước Thanh nữa, thì cái ấn nhà Thanh ấy nên lấy ngày trao đổi lại để trả nước ấy” (96) .

      Toàn quyền đại thần Phạm Thận Duật hơi bất ngờ. Ông nhìn sang phó toàn quyền đại thần Tôn Thất Phan, thấy ông ấy chỉ lắc đầu, không nói gì cả.

      - Vấn đề phiên phục nước Thanh như thế nào, chúng tôi thấy không bàn cãi ở đây nữa. Các ông đã quá rõ là trước đây, đối với nhà Thanh, nước Đại Nam vẫn hoàn toàn tự chủ, hoàn toàn độc lập, nhưng phải giữ “lễ nghi ngoại giao” với nước lớn là nước Thanh. Chỉ như thế thôi. Quan phụ chính Nguyễn Văn Tường đã nói với các ông rất nhiều lần và rất rõ ràng, minh bạch từ mười một năm trước. – Quan họ Phạm lại tiếp lời –. Nói cụ thể hơn, cái ấn ấy chỉ là sự công chứng tính chính thống của triều Nguyễn về mặt ngoại giao ở châu lục và trong quan hệ với các nước trên khắp thế giới mà thôi.

      - Nhưng từ nay nước Pháp đã thay chỗ của nhà Thanh. Xin xem lại “hoà” ước mới ráo mực! – Patenôtre nói –. Chúng tôi không nói “bảo trợ” (hay phiên phục) với mức độ nào! “Bảo trợ” (hay phiên phục) với mức độ nào thì cũng  là “bảo trợ” (hay phiên phục)!

      - “Bảo trợ” khác với “phiên phục”! Hai chữ “bảo trợ” hoặc hai chữ “bảo hộ” tạm thời bị quy định ý nghĩa của nó, vốn rất khác với nguyên nghĩa. Chúng tôi không bàn nữa. Còn hai chữ “phiên phục” có nghĩa là nước láng giềng bên ngoài biên giới thuận theo quan hệ tốt đẹp, không chống lại hoặc mưu toan đánh chiếm. Nước Đại Nam là láng giềng lãnh thổ nhỏ hơn, ít dân hơn Trung Hoa, không chống Trung Hoa, không đánh chiếm Trung Hoa, và nước Trung Hoa tự xưng là “thiên triều” lại có nghĩa vụ bảo vệ nước phiên phục nếu nước phiên phục ấy bị nước nào đó đánh chiếm, làm sức ép. Chỉ thế thôi. – Quan phó toàn quyền Tôn Thất Phan nói tiếp, không muốn để các tên Pháp tiếp tục kéo dài vấn đề ấy –. Tôi thấy cuộc nghị bàn sáng nay nên ngừng lại. Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến quan phụ chính Nguyễn Văn Tường và triều thần, Tôn nhân phủ đã, rồi sẽ bàn định tiếp.

      Cuộc họp ngừng lại. Phái đoàn ta ra về, trên chiếc thuyền trang trí rất đẹp chèo ngang sông Hương.

      Khi gặp quan phụ chính Nguyễn Văn Tường, hai quan họ Phạm và họ Tôn Thất trình bày lại yêu sách ngang ngược của phái đoàn Pháp.

      - Chúng nó lâu nay vẫn muốn nước ta đoạn tuyệt hẳn với nước Trung Hoa về ngoại giao. Việc đòi lấy chiếc ấn “An Nam quốc vương” ấy còn là một cách để bọn Pháp khoe với các nước về bằng chứng xác lập quyền “bảo hộ” độc quyền của chúng trên nước ta. – Quan phụ chính Nguyễn Văn Tường nói từ tốn nhưng rắn giọng –. Chúng ta dứt khoát không chịu trao ấn “An Nam quốc vương” để chúng làm bằng chứng như thế. Vả lại, khi chúng “bảo hộ” độc quyền thì nước Thanh không có cớ gì giúp ta được nữa! Thêm vào đó, chúng một khi đã “bảo hộ” độc quyền, thì biết đâu, chúng lại làm sức ép với triều Nguyễn bằng cách thức cũ, là chúng sẽ doạ phong vương cho hậu duệ nhà Lê hoặc bất kì họ nào! Nước ta nhỏ, yếu, bị bại trận liên tiếp, nên chịu lép quá nhiều, thật đau đớn!… Nhưng… Nói tóm lại, với bốn lẽ trên, không đời nào chúng ta chịu trao ấn “An Nam quốc vương”cho bọn Pháp, dẫu có ra sao thì ra… – Quan phụ chính Nguyễn Văn Tường nói hơi chậm lại –. Chúng ta còn có trách nhiệm với di chiếu, di chúc của tiên đế. Đức vua Kiến Phúc còn trẻ… Hai vị nên hỏi xin thêm ý kiến của các vị ở Thế miếu, ở Điện Hoà khiêm tại Khiêm lăng và ý kiến quan đệ nhị phụ chính Tôn Thất Thuyết… Còn với tư cách quan đệ nhất phụ chính, tôi không đồng ý, dứt khoát không đồng ý trao ấn “An Nam quốc vương”  cho bọn Pháp.

     Lần thứ hai, hai quan chánh phó toàn quyền đại thần gặp quan phụ chính Nguyễn Văn Tường, quan họ Phạm nói:

     - Bọn Pháp đe doạ sẽ dùng biện pháp quân sự! Parreau nói,  “không thì viên ấy [Patenôtre…] giao cho quan võ chiểu biện [tức là sẽ dùng vũ lực tấn công], và châm chước các lẽ ở trong tờ ước cũng đình [hoãn], [xin vua] chuẩn cho kính cáo” (96) !

      - Ý của các vị tại Thế miếu (đại diện hoàng tộc) và tại Điện Hoà khiêm (hoàng thái hậu Vũ thị) thế nào?

      - Các vị xin tuỳ các quan phụ chính và triều thần!

      - Ý của quan đệ nhị phụ chính Tôn Thất Thuyết có thay đổi gì không?

      - Quan Tôn Thất Thuyết vẫn bảo ông ấy là quan võ,  “võ tướng chỉ biết có đánh chớ không biết “hoà”” (97) !

      Quan phụ chính Nguyễn Văn Tường ngẫm nghĩ. Một lúc, ông nói với chánh phó toàn quyền đại thần Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan:

      - Tôi đã tâu với đức vua sau khi bàn với quan Tôn Thất Thuyết, quan Hồng Hưu. Tôi vẫn dứt khoát không đời nào trao ấn ấy cho bọn Pháp. Nguy cơ chúng ủng hộ bọn “phù Lê” rất rõ! Tôi quyết định,  “bảo [chúng] không thôi, thì phá đi, để [ta] lại đúc cái khác mà thôi” (96) . Lấy ống bễ thợ kim hoàn, thợ rèn, thổi cho tan thành nước, cho đông lại một thỏi bạc, ngay tại chỗ hoà nghị! Kiên quyết không trao cho bọn Pháp cái ấn ấy. Tôi nói lại, tôi quyết định,  “bảo [chúng] không thôi, thì phá đi, để [ta] lại đúc cái khác mà thôi” .

       Nhà vua trẻ Kiến Phúc, quan đệ nhị phụ chính Tôn Thất Thuyết, phụ chính thân đại thần Hồng Hưu và các vị hoàng thân ở Thế miếu, hoàng thái hậu ở Điện Hoà khiêm đều đồng ý như thế (96). Tất nhiên chiếc ấn được áp vào nhiều bản giấy để lưu mẫu. Triều đình cũng đồng ý trao cho Pháp một bản mẫu để đem về nước (96)!

      Sau hai, ba lần bàn thảo, cuối cùng Pháp cũng đành phải thuận theo ý kiến của quan phụ chính Nguyễn Văn Tường (96)! Chiếc ấn “An Nam quốc vương” đã bị ống bễ lửa thổi tan thành nước, rồi đông lại thành một thỏi bạc khá lớn, ngay tại phía trước, gần chiếc bàn “hoà” nghị ở Sứ quán Pháp (96)! Hôm cuối cùng ấy, có cả quan đệ nhất phụ chính Nguyễn Văn Tường. Sau đó là lễ kí tên vào bản “hoà” ước Giáp thân (1884). Ông cảm thấy thật đau đớn khi phải cầm bút kí tên, áp ấn triện của mình vào bản “hoà” ước quá nhiều thua thiệt và tủi hận ấy.

      Hôm ấy sắp vào ngày chính giữa mùa hạ, nắng ở Huế như muốn nổi lửa và tiếng ve nghe vui tai bỗng trở nên đau buồn hơn bao giờ hết.

      Dẫu sao, đối với phía Đại Nam, trong thời điểm bấy giờ, “hoà” ước Giáp thân (1884) cũng là một thắng lợi, nếu so với “hoà” ước Quý mùi (1883)! Tất nhiên, một khi Đất nước bị giặc xâm lược, chúng lại mạnh hơn, buộc Đất nước bị chiến bại vào thế phải kí “hoà” ước, thì “hoà” ước nào cũng phải chịu ít hoặc nhiều thua thiệt, cay đắng, nhục nhã!

      Khi quan phụ chính Nguyễn Văn Tường và phái đoàn ta ra về, Patenôtre, Rheinart, Parreau mới thật sự hiểu ra, cơ chừng bản “hoà” ước mới kí kết ấy không có giá trị gì hết, mà chỉ là một sự phủ nhận “hoà” ước Quý mùi (1883)! Cả ba tên thực dân Pháp điên tiết muốn chửi đổng lên!

      Hôm sau, theo thông lệ, Nha Thương bạc nhận được tặng phẩm ngoại giao của phái đoàn Pháp. Tất nhiên, Nha Thương bạc cũng chuyển tặng những phẩm vật ngoại giao của triều đình nước ta đến phái đoàn Pháp và tổng thống toàn quốc Pháp theo thông lệ ấy. Khi mở những tặng phẩm của Pháp, mọi người đều kinh ngạc và hiểu ra bọn Pháp căm hận quan phụ chính Nguyễn Văn Tường như thế nào! Ngoài những tặng phẩm cung tiến lên vua Kiến Phúc, các quan thấy:

       “… Hồng Hưu: một bộ chén nậm bằng pha lê, ba tấm lụa, một chiếc áo mưa, một chiếc mục kỉnh bằng vàng, tám chai rượu Ma La Gà (?), tám chai rượu Mác Ten (Martel); Nguyễn Văn Tường: một thùng đạn máy (98); Tôn Thất Thuyết: một bộ nậm chén uống rượu bằng pha lê, gương soi, áo mưa, mâm đựng rượu (đều như trước [:trên]); Phạm Thận Duật: mục kỉnh bạc hai chiếc, vũ đoạn một tấm, áo mưa hai chiếc, rượu Ma Chi (?) sáu chai, rượu Ma La Gà sáu chai; Tôn Thất Phan và Chu Đình Kế: mục kỉnh bằng bạc một chiếc, vũ đoạn một tấm, áo mưa hai chiếc, rượu Ma Chi một chai, rượu Ma La Gà hai chai, gương…; [Tôn Thất] Lương Thành: áo vũ đoạn (như trước [:trên]), rượu Ma Chi hai chai, rượu Ma La Gà hai chai; Lê Thận (hiệp lí thuỷ sư): gương, vũ đoạn, áo mưa (như trước [:trên]), rượu Ma La Gà sáu chai…” (98) .

      Ngoài ra, còn bốn mươi hai và hai mươi tư viên quan lính khác được nhận tặng phẩm ngoại giao!

      Có người vẫn bảo, bọn Pháp biết tính cách quan phụ chính Nguyễn Văn Tường là không thích dùng rượu cùng những đồ vật xa xỉ (98)!

      Cũng từ ngày đó, Rheinart ở lại Huế, thay Parreau, làm khâm sứ thêm một lần nữa. Từ độ ấy, không như trước, người ta thấy Rheinart không giấu giếm lòng thù hận đối với quan đệ nhất phụ chính Nguyễn Văn Tường! Trước đây, dẫu sao y còn nuốt hận vào lòng. Nay y nói thẳng với những nhân viên trong Sứ quán và một vài quan ở Nha Thương bạc về lòng căm hận đó!

      Tôn Thất Phan từ nay cũng nhận thêm chức trách quản lí Thương bạc sự vụ đại thần (99). Phạm Thận Duật được nhận thêm nhiệm vụ kiểm duyệt bộ sách  “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”  do tập thể các nhà làm sử ở Quốc sử quán đã biên soạn (99).

 

      13   

 

      Những ngày cuối tháng năm Giáp thân (1884), lãnh sự Pháp lại đến cửa biển Thi Nại tỉnh Bình Định, để lại cùng các quan ta thu thuế thương chính (100)! Chúng không hề biết mắc cỡ lúc trắng trợn bóc lột, nhất là sau khi chỉ vì lòng dạ tham lam của chúng ngày càng thêm, chỉ bởi những áp lực đánh đấm tàn bạo và ác độc của chúng ở Bắc Kì, dẫn đến sự “sứt mẻ” trong quan hệ “ngoại giao”, trong những tháng ngày qua! Nhưng, nói thế cũng là xuất phát từ ý nghĩ cho rằng bọn thực dân Pháp còn biết xấu hổ, và cái được gọi là quan hệ “ngoại giao” của chúng còn có chút chân tình! Thật ra, mục đích đầu tiên cũng là cuối cùng của chúng chỉ là xâm lược, bóc lột, lúc có chiêu bài hay khi vứt bỏ chiêu bài thì cũng đều trắng trợn như thế!

      Cho đến nay, Pháp mới trao trả cho triều đình quản lí kho đúc tiền ở Hà Nội (101)!

      Tháng năm nhuận Giáp thân (1884) lại tới.

      Dẫu tình hình khó khăn, kì thi hội năm nay vẫn được tổ chức (102). Thượng thư Phạm Thận Duật nhận chức trách giám khảo cùng với Nguyễn Thuật, Vũ Nhữ [:Nhự]. Bộ Hộ của ông cũng đã đổi thành Bộ Hội vì kiêng huý (trường hợp gần đồng âm: [Ưng] Hỗ # Hộ). Vả lại, về mặt chiết tự chữ Hán và về ngữ nghĩa, chữ Hội (tụ họp [thị trường, kinh tế xã hội]) hay hơn, phù hợp với mức độ phát triển của thời đại hơn chữ Hộ (cái cửa [gia đình, kinh tế tự cung tự cấp]) (102).

      Một vài công việc bình thường nhưng rất thiết yếu như thế vẫn diễn ra, trong khi đó, tình hình chiến tranh Trung – Pháp vẫn không phải đã chấm dứt. Chính thái độ kiên quyết không chịu đoạn tuyệt với nhà Thanh của thượng thư Nguyễn Văn Tường, thể hiện trong việc không chịu trao ấn “An Nam quốc vương” cho Pháp, là một trong những nguyên nhân chính tác động cho cuộc chiến tranh Trung – Pháp thêm dữ dội. Và lần này, không chỉ diễn ra trong lãnh thổ nước ta! Nếu lòng dạ nhà Thanh thật ra là cùng Pháp xâu xé nước ta chứ không phải giúp ta với cái tâm trong sáng, thì nói cách khác đi, đó cũng là một cách để thúc đẩy thế trận “toạ sơn quan song hổ đấu”.

      Hai quan phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đã cùng triều đình biết tin nhà Thanh đã nghị xử bằng quân luật các quan tướng Thanh bị thất trận tại Bắc Kì nước ta (103). Trong khi đó, cuộc chiến vẫn tiếp tục, mặc dù tạm tước Fournier – Lý Hồng Chương đã được kí kết tại Thiên Tân ngày mười tám tháng tư Giáp thân (17.05.1884): sự kiện cầu Quan Âm bùng nổ (104)!

      Mặc dù quân Thanh có lệnh dụ không được đánh trước vì đang nghị hoà ở Thiên Tân. Nhưng đấy là lệnh dụ… Trong thực tế chiến trường, quan quân binh dõng Đại Nam vẫn đem quân đến Lạng Sơn, đệ gửi các tập tâu về triều đình tại kinh đô Huế, với lời xin  “hoặc sung ứng tiếp, hoặc sung điều khiển, đều lệ thuộc vào quân Thanh” (104) , nghĩa là được mượn danh nghĩa quân Thanh để giữ đất. Đó là quân của tuần phủ Lạng Sơn Lã Xuân Oai, tán tương Đông thứ Nguyễn Thiện Thuật, đề đốc Tạ Hiện, ngự sử Phạm Huy Quang và mười tám viên quan khác vốn thuộc tỉnh Hải Dương, cộng với số quân Thanh đến mười bảy doanh do thự đề đốc Quảng Tây Tô Nguyên Chương thống lãnh…

      Đến canh tư  (01 – 03 giờ khuya về sáng), ngày mùng hai tháng năm nhuận, Giáp thân (24.06.1884), hơn bảy, tám trăm (700 – 800) quân Pháp dưới sự chỉ huy của trung tá Dugenne, tiến quân ngang tàng qua sông Hoá (còn gọi là sông Qua Hoá, một nhánh của sông Thương), cách cầu Quan Âm khoảng tám, chín dặm (425 m, mỗi dặm ta) (104). Chúng bắt đầu nổ súng. Quân ta và quân Thanh  đua sức, phối hợp chiến đấu quyết liệt. Trận chiến diễn ra đến giờ thân (15 – 17 giờ) mới tạm ngớt tiếng súng. Quân ta và quân Thanh chiến thắng,  “được trận, bắt được một tên quan tư, hai tên quan hai, hai mươi người lính, hơn một trăm (100) lính ma tà, và bắt được áo, mũ, lừa, ngựa rất nhiều; và [quân Pháp] chết đuối ở sông Hoá Giang không biết đâu mà kể. Quân Pháp lui giữ Bắc Lệ” (104) .

     Ngày mùng bảy tháng năm nhuận, Giáp thân (29.06.1884), tri huyện Hữu Lũng Hoàng Đình Kinh, được nhà Thanh cấp bằng tán tương quân vụ,  “và những viên nhân thuộc vào quân ngạch [:quân chính quy], đốc [thúc] quân nghĩa dũng [:lực lượng dân quân, hương binh khởi nghĩa, quyết chiến đấu], đánh lấy lại Bắc Lệ” (104) . Đó cũng là một trận thắng của quân dân ta! Trong trận thắng này, bắt được một quan hai, một quan một và chém được sáu, bảy chiếc đầu của quân giặc Pháp (104).

      Bốn ngày sau, ngày mười một (03.07.1884), quân nghĩa dũng nước ta được lệnh tri huyện Hoàng Đình Kinh, tiến quân chặn giặc ở núi Thiên Cần (104). Cuộc chiến đấu quyết liệt đưa đến kết quả: năm mươi (50) tên giặc bị bắn hoặc bị chém bằng vũ khí thô sơ, tự tạo. Quân Pháp do đó phải lui về chốt giữ ở phía dưới nhà trạm Bắc Cần khoảng mười dặm (104). Dân quân, hương binh vốn rất anh dũng, khởi nghĩa kháng chiến chống Pháp, mặc dù dưới ngọn cờ nhà Thanh, nhưng vẫn lập được chiến công rất đáng kể.

      Tên thống tướng Millot hay tin quân Pháp đại bại ở Bắc Lệ, lập tức ra lệnh cho thiếu tướng De Négrier đem hai đại đội quân đánh bộ và hai đội pháo binh cùng một toán công binh tiến theo đường Phủ Lạng Thương, hành quân đến làng Kép (Bắc Cần). Sau đó, phối hợp với quân của Dugenne (105).

      Quân Pháp vẫn cầm cự trong khi chờ viện binh từ Pháp sang.

      Ngay giữa tháng năm nhuận Giáp thân (1884), sau khi nghe tin chiến thắng của quân nghĩa dũng và quân Thanh tại biên giới phía bắc, nhân dân Quảng Trị được nhìn thấy một trận mưa đá trong cơn bão lớn (106). Những thi sĩ ở đất này gọi đó là trận mưa “trời vãi ngọc”. Ngọc là những hạt mưa đông lạnh, trong sáng, chói ngời như kim cương, thạch anh.

      Ở thượng du Bắc Kì, dẫu vậy, vẫn còn có những đám thổ phỉ, thảo khấu nguyên là giặc Cờ được vỗ yên năm nào, nay chúng lại nổi dậy.  “Tình thế càng ngày càng lao lướt, quan tỉnh [lẩn tránh] chưa về hết” (107)  phần lớn do bọn lục lâm thảo khấu này…

      Bấy giờ, tên quan thượng thư Pháp Parreau đang ở Bắc Kì. Còn Nguyễn Hữu Độ? Y đã bộc lộ sự dựa dẫm vào bọn Pháp để vượt quyền bổ nhiệm quan chức… Không những Nguyễn Hữu Độ, còn có Nguyễn Trọng Hợp. Nguyễn Trọng Hợp từ lâu ngã dần và rồi ngã hẳn về phía thân Pháp, được lòng tướng giặc Millot!

       “Khởi phục cho Nguyễn Trọng Hợp làm hồng lô tự thiếu khanh, quyền thự lí tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên. Tướng Pháp [Millot] gửi thư xin sung, nên có mệnh này!” (108) .

      Tên công sứ Pháp ở Hải Dương lại bàn việc, xin trích sáu trăm tên lính tỉnh giao cho y chi cấp lương tiền và huấn luyện! Lãnh tổng đốc Hà Văn Quan tâu về kinh.

       “Viện thần [Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật] tâu [lên vua Kiến Phúc], nói: “Quân ta mà chịu quân Pháp trả lương thì rồi sau đây sai phái, họ chịu để cho ta dùng chăng? Nên bàn nói lại. Nếu [Pháp] có ý tốt, thì sai quan đến hội đồng [với quan ta] rèn tập, lương tháng do ta chiểu cấp là hơn”. [Vua] chuẩn như lời tâu dể để bàn [với Pháp]” (109) .

       Rõ ràng, ngoài việc chấn chỉnh lực lượng quân binh, tăng cường vũ trang, xây dựng Tân Sở và mở thượng đạo xuyên Trường Sơn ra đến Việt Bắc với hệ thống sơn phòng, triều đình bị tình thế đặt vào tình huống là phải một mặt, ủng hộ lực lượng khởi nghĩa chống Pháp, cho dù dưới ngọn cờ quân Thanh, một mặt khác, vẫn phải vừa “thoả hiệp” vừa đấu tranh với thực dân Pháp! Một tình huống lịch sử rất khó khăn, phức tạp! Thực dân Pháp không phải không biết điều đó. Chúng nhìn nhận theo quan điểm địch – ta rất rõ ràng của chúng:

       “Những toán địch [(nghĩa quân)] tới hoạt động ngay ở các xã dưới họng đại bác của thành quách chúng ta [Pháp], và các đồn binh phải luôn luôn xuất trận với sự cộng tác của pháo thuyền” (110) .

       “Chúng ta [Pháp] sẽ không nói đến những cuộc hành quân phụ thuộc ở các vùng của miền trung châu chống những toán thổ phỉ [(nghĩa quân)] và dư đảng của Cờ đen, những toán này được sự ủng hộ bí mật của triều đình Huế, làm cho chúng ta [Pháp] phải luôn luôn lo lắng.

      Các cuộc hành quân này rất là mệt nhọc cho quân đội của ta [Pháp]” (110) .

      Thật ra, tiếc thay, yêu nước, chống Pháp, nhưng chiến đấu dưới ngọn cờ quân Thanh, vẫn không phải không tổn hại đến quốc thể và tất nhiên không được quần chúng ủng hộ, hưởng ứng nhiều! Trong thời buổi khó khăn, phức tạp và có thể nói là vàng thau lẫn lộn ấy, để hưởng ứng, ủng hộ hay phê phán, tuần dẹp, người dân và triều đình sáng suốt phải căn cứ vào hành tung (quá trình hoạt động với tính chất, ý nghĩa, mục đích của quá trình hoạt động đó) để xác định lực lượng, cá nhân nào là thật sự yêu nước, chống Pháp, đánh Pháp với lực lượng, cá nhân đích thực nào là thổ phỉ (giặc Cờ vàng, Cờ trắng, một ít Cờ đen không hướng thiện; Hán gian; giặc trốn nước Thanh vốn là bọn đầu trộm đuôi cướp; “tả đạo”(vô lại); phù Lê” vốn được vỗ yên, lâu nay cho làm ăn sinh sống, đã ngóc đầu dậy; và bọn thừa cơ nước đục thả câu để giết người, cướp bóc, vơ vét tiền bạc, tài sản của nhân dân và của các công sở thuộc triều đình…). Ngay tại Hà Nội, ở Mỹ Đức chẳng hạn, một tháng sau, vào tháng bảy nguyệt lịch, Cao Xuân Dục và Hoàng Cao Khải phối hợp với Pháp để tiễu trừ các đám “giặc cướp” loại đích thực là cướp (111). Pháp cũng muốn ổn định trật tự, trị an; triều đình tất nhiên cũng muốn  “trừ dứt mầm ác, cho yên địa phương” (111) . Đối với bọn giặc cướp đích thực là cướp, thực dân Pháp lúc này cũng muốn tiêu diệt!

      Đầu tháng sáu nguyệt lịch, bản dụ với sách lược vừa “thoả hiệp” vừa đấu tranh với  bọn xâm lược Pháp được ban bố:

       “Dụ sai các tỉnh Bắc Kì: Tự nay phàm các công sứ [Pháp] đóng ở tỉnh như có tư báo khoản gì quan trọng ấy, thì do tỉnh ấy giữ theo điều ước (khoản thứ sáu [VI] nói: “chánh, phó công sứ nước Pháp đều theo lệnh khâm sứ ở kinh”). [Theo đó, các quan  ta ở các tỉnh phải] bàn bạc [với công sứ Pháp] rồi tư về quan khâm sứ [ở Huế], cùng Viện – Bạc phúc y, rồi mới tuân làm. Đến như việc do ở tỉnh khác, khoản khác mà tư vắn tắt ấy [:tư tắt, không theo hệ thống, quy trình như thế], tức thì bác [bỏ], khước [từ], không được suất nhận, [kẻo] tự mắc lỗi” (112) .

      Trong khi đó cuộc chiến tranh Trung – Pháp bên ngoài lãnh thổ nước ta đã bùng nổ! Thế trận “toạ sơn quan song hổ đấu”  đang khiến Pháp phải đổ máu không ít trên sông biển Trung Hoa! Và dẫu sao, máu quân Thanh đánh Pháp cũng sáng tươi sông biển Phúc Châu, Đài Loan nước họ! Phải chăng là thế?

      Sau khi trận chiến tại cầu Quan Âm và Bắc Lệ (thuộc Lạng Sơn) diễn ra, tại Paris, tên tổng thống Pháp Ferry đã điện cho Lý Hồng Chương một điện văn thách thức:

       “Chúng tôi đã kí một hiệp ước nghiêm túc. Mực mới ráo thì hiệp ước bị vi phạm. Chính phủ Thiên triều [nhà Thanh Trung Hoa] phải chịu trách nhiệm [một cách] kinh khủng. Đô đốc Courbet [đang] dẫn hai sư đoàn chiến hạm lên phía bắc” (113) .

      Courbet, với quân hàm trung tướng hải quân Pháp, thật sự đã chỉ huy tàu chiến sang biển Trung Hoa, neo lại gần thành Phúc Châu, tỉnh lị của Phúc Kiến (113). Chính phủ Pháp gồm những tên thực dân ở vị trí chóp bu, do Ferry làm đầu nậu, cũng đã ra lệnh cho Patenôtre (tên công sứ Pháp tại Bắc Kinh vừa từ kinh đô Huế nước ta trở lại nhiệm sở), phải nhận lãnh nhiệm vụ yêu sách Trung Hoa phải bồi thường hai trăm rưỡi triệu (250.000.000 franÇ) tiền binh phí, chiến phí do chiến tranh Pháp – Hoa tại Bắc Kì của Đại Nam (113). Vụ mặc cả bẩn thỉu này do Mỹ Lợi Kiên (USA.) làm trung gian vì quyền lợi buôn bán của các đế quốc thực dân da trắng (113)! Tất nhiên Lý Hồng Chương không chịu cái gọi là tiền “bồi thường”. Mức đòi tiền “bồi thường” một cách ngược ngạo được Pháp hạ xuống vào ngày đưa tối hậu thư, hai mươi chín tháng sáu Giáp thân (1884): Tám mươi triệu (80.000.000 franÇ), trả trong mười năm (113)! Tất nhiên, không ai lại chấp nhận một cách nhục nhã như thế. Vả lại, triều đình Đại Nam và quan phụ chính Nguyễn Văn Tường cũng không chịu giao ấn “An Nam quốc vương”  cho Pháp với câu nói của ông:  “bảo [bọn Pháp] không thôi, thì phá đi, để [ta] lại đúc cái khác mà thôi” (96) . Quan hệ Trung Hoa – Đại Nam trong trường hợp này còn là sỉ diện của nhà Thanh “thiên triều”! Do đó, nhà Thanh và Lý Hồng Chương chiến tranh với Pháp cứ việc nổ ra (113).

      Ngày rằm tháng sáu Giáp thân (05.08.1884), hải quân Pháp bắn phá pháo đài Cơ Long (thuộc Đài Loan) (113). Quân đánh bộ từ hạm đội tràn vào đảo, bị phản công mạnh mẽ bởi quân của Lưu Minh Truyền. Quân Pháp phải rút xuống tàu. Tên Ferry tuyên bố thắng trận hoá ra lại thất bại nhục nhã (113)!

      Ngày mùng ba tháng bảy Giáp thân (1884), Courbet được lệnh tấn công Phúc Châu (113). Các pháo đài, cơ xưởng đóng tàu đúc súng của Trung Hoa ở Phúc Châu, tàu thuyền Trung Hoa trên sông Mân Giang (Min) đều bị hạm đội hải quân Pháp bắn phá. Bắn phá xong, Courbet cho hạm đội rút ngay, khiến quân Thanh trên đất Thanh không kịp tổ chức phản công và phục kích hai bên bờ sông Mân (Min) (113).

      Courbet liền cho hạm đội hải quân thuộc quyền chạy ra vây đảo Đài Loan. Lần này, sau ba ngày chạm súng, Pháp chiếm được ngoại vi Cơ Long (tại Đài Loan) vào ngày mười ba tháng tám Giáp thân (01.10.1884), nhưng lại thua trận ở phía tây đảo (vùng Tam Thuỷ). Cuộc phong toả ngoài khơi Đài Loan của hải quân Pháp dài đến ba tháng (113)!

      Sau đó, quân Pháp vây bủa cả cửa sông Trường Giang thuộc nước Thanh (113).

      Vào lúc ấy, Pháp – Trung Hoa vẫn đang mặc cả với nhau qua môi giới Mỹ về nhiều điều khoản, trong đó có một khoản là nếu Pháp cứ chiếm giữ Cơ Long, Tam Thuỷ thuộc Đài Loan, thì Trung Hoa vẫn chiếm giữ Lạng Sơn, Lao Kay của Đại Nam ta, hoặc hạ đường biên giới Việt – Hoa xuống tận phía dưới Lạng Sơn (113), theo một đường gạch từ Diến Điện (Myanmar) đến biển Đông, và triều đình Đại Nam vẫn tiếp tục triều cống Trung Hoa theo tôn ti trật tự bất bình đẳng về dân tộc lớn, dân tộc bé, nước lớn, nước bé thời cổ – trung đại (113)!

      Hải quân xâm lược Pháp cứ vây bủa Đài Loan và các cửa bể Trung Hoa nhà Thanh cho đến tháng sáu Ất dậu (07.1885) (113), tức vào khoảng gần hai tháng sau khi thêm một lần nữa Pháp – Hoa lại kí kết hiệp ước tại Thiên Tân, ngày hai mươi bảy tháng tư Ất dậu (09.06.1885). Ngày kí hiệp ước ấy cũng là ngày tên trung tướng thực dân Courbet bị bệnh hoạn làm chấm dứt cuộc đời của y, tại một nơi gần đảo Đài Loan (114).

      Thật ra, sau sự kiện ngoại giao tại Huế, tạm gọi là  sự kiện “chiếc ấn bạc “An Nam quốc vương”” , và sau  sự kiện “cầu Quan Âm, Bắc Lệ” , chiến tranh Pháp – Hoa không chỉ nổ ra ở Phúc Châu, Đài Loan, kể cả việc Pháp phong toả sông Trường Giang thuộc Trung Hoa. Cuộc chiến Pháp – Hoa ấy còn tiếp tục diễn ra, từ tháng bảy Giáp thân (1884) đến thời điểm ít ra là tháng hai Ất dậu (1885), trên lãnh thổ nước ta, ở Chu, Kép thuộc xứ Bắc Giang tỉnh Bắc Ninh và tại Lạng Sơn, Tuyên Quang…

      Trên nhiều nguyên nhân, nguyên cớ xa và gần, của Pháp lẫn của nhà Thanh Trung Hoa, có một sự kiện đã tác động mạnh đến cuộc chiến Pháp – Hoa suốt gần một năm trời trên đất, trên biển Trung Hoa, và trên lãnh thổ Đại Nam, đó chính là việc quan phụ chính Nguyễn Văn Tường và triều đình Huế không chịu giao chiếc ấn bạc “An Nam quốc vương” cho phía phái đoàn Pháp (để chúng chuyển về chính phủ thực dân Pháp), với câu nói của ông:  “bảo [bọn Pháp] không thôi, thì phá đi, để [ta] lại đúc cái khác mà thôi” (96) .

     Nhưng đó là chuyện về sau…

     Lúc này, đang là tháng sáu Giáp thân (1884)…

 

      14

 

      Tháng sáu Giáp thân, năm Kiến Phúc thứ nhất (1884), theo nguyên tắc, không cách nào khác, để giữ kỉ cương và quân luật, triều đình phải nghị xử  “các quan thất thủ ở quân thứ các tỉnh Sơn, Bắc, Hưng, Tuyên, Thái, Đông [Hải Dương] [phải bị] giáng chức, cách chức [hoặc] được miễn nghị có sai [biệt], [phân] bậc” (115):

      “Trước đây, đình thần tâu lên, đã qua phụ chính [Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] duyệt y, [vua Kiến Phúc] chuẩn như lời phúc đáp [để] thi hành” (115) .

      Trong đó, năm viên quan lớn Hoàng Tá Viêm, Lương Huy Ý (Lương Tư Thứ), Ngô Tất Ninh, Nguyễn Đình Nhuận, Trương Quang Đản tuy đã bị kết án đúng mức, nhưng được gia ân giảm án:

       “Duy năm viên ấy, hoặc tuổi cao, làm việc lâu, tình [trạng] cũng đáng thương, hoặc tuổi hơi mạnh khoẻ, có thể mưu đồ ở sau [cho đại cục]…” (115).

      “Đó là những ơn đặc biệt, chưa có thể vin đấy mà làm lệ được” (115) .

      Hai quan phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết vẫn phải chấp hành luật pháp, nhất là quân luật, nhưng trong thực tế, vẫn gia ân giảm nhẹ mức án để bảo tồn lực lượng, nhất là những viên tướng, viên quan có năng lực thao lược và có chiến công chống Pháp.

     Triều đình còn bình công, cấp tiền tuất và tâu xin chuẩn cho việc di táng trọng thể di hài cố thự tuần phủ Hưng Yên Nguyễn Văn Thận. Ông vốn bị giặc Pháp bắt, bắn chết. Ông đã chết với một cái chết lẫm liệt, bi tráng, đạt tới mức dũng khí của thánh nhân: “hay hăng hái không chịu khuất, thung dung tới chết” (116).

      Một vài việc thuộc hình sự thường phạm cũng được xét xử: vụ thái giám Trần Đạt với tội  “trước đây [Trần] Đạt ngầm lấy đồ dùng ở trong nội đình (nồi hộp các thứ), thái hoá các hạng (dầu, lụa, vân vân) đem về nhà dùng riêng” (117) ; vụ Hữu quân kiêm quản thái giám Hồ Văn Hiển:  “(nguyên xử cách li)” [hẳn là bị liên đới trách nhiệm?] (117) … Cả hai vụ đều được quan phụ chính phúc duyệt, gia ân (117). Trần Đạt phải ra sơn phòng Quảng Trị để hiệu lực, chịu sai phái; Hồ Văn Hiển được giảm ở mức cách chức nhưng cho lưu dụng (117).

      Tháng sáu nguyệt lịch, một bản dụ nữa được ban hành:  “Chuẩn cho bớt quan lại, tăng lương bổng” (118).

      “… Đặt quan, cốt được người giỏi; hậu lương lộc, cốt để khuyến khích người làm quan… […]… Ôi! Quan lại đặt nhiều, khó bề cầu [mong] trị yên được; bổng lộc ít ỏi, chửa có thể bắt giữ được thanh liêm. Người xưa nói thế, thực đã sâu rõ mối tệ…” (118) .

      Trong bối cảnh khó khăn đến mức gay go, và rất phức tạp, đầy thách thức ấy, mọi việc đang được các quan phụ chính, triều thần ra sức giải quyết, bất ngờ thay, một cái đại tang nữa ập xuống triều đình nước ta: Vua Kiến Phúc băng hà (119)!

       “Vua không khỏe, tháng tư trước, ngọc thể vi hoà, đình thần đã xin vua tĩnh dưỡng, và chia nhau đi cầu đảo các linh từ. Sau đó đã khỏe, nhưng chưa được bình phục như cũ. Đến ngày mồng bảy tháng này, ngày kỉ mão, [vua] mới ngự Điện Văn minh, chịu lễ chầu mừng, ban thưởng lụa hoa cho các bầy tôi có sai bậc. Rồi sau lại không được khỏe. Thái y tiến thuốc, không thấy công hiệu. Ngày mồng mười, nhâm ngọ [31.07.1884], bệnh [trở nên nguy] kịch. Giờ ngọ [11 – 12 giờ] hôm ấy, vua mất ở chính tẩm Điện Kiền thành.

      Hoàng thái phi bèn vời bọn Tôn nhân phủ Miên Định, phụ chính phủ thân, đại thần Hồng Hưu, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và Hộ bộ thượng thư Phạm Thận Duật, truyền bảo hoàng đế di chúc rằng:

      “Hoàng đế đức mỏng, có em là Ưng Lịch có học, có hạnh. Hoàng đế như có mất đi, [hãy] truyền bảo tôn nhân, phụ chính nên lấy Ưng Lịch vào nối ngôi lớn, để phụng tôn miếu. Lại đại lễ tiên hoàng đế chưa xong, và lấy của dùng chưa sẵn, vậy hợp thành tang lễ, châm chước làm được bốn, năm phần mà thôi, chớ cầu thể lệ” (119).

      Bấy giờ, Miên Định công và phụ chính thân, đại thần [Hồng Hưu, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] truyền lệnh cho biết. Tôn nhân phủ, văn võ đình thần bèn hợp từ tâu lên Từ Dụ thái hoàng thái hậu. Hoàng thái hậu [Vũ thị] rước công tử Ưng Lịch (là con thứ năm Kiên Thái vương Hồng Hợi, biện phụng vương ấy), vào nhà tang xưng là tự quân, phàm việc tâu xin tuân hành; chọn ngày lành làm lễ tấn tôn (đó là vua Hàm Nghi)…” (119) .

      Vua Kiến Phúc mất lúc mười lăm tuổi rưỡi. Tang lễ được cử hành trọng thể theo nghi thức hoàng đế, nhưng vẫn giản dị như di chúc truyền lại.

      Hai tháng sau, vào vài ngày đầu tháng tám nguyệt lịch Giáp thân (1884), triều đình và Phủ Tôn nhân làm lễ tấn tôn tên thụy và tên hiệu: Giản tông Nghị hoàng đế (120).

      Sắc mệnh viết:

       “Kính nghĩ:

      Đại hành hoàng đế [cách gọi vua mới mất] anh minh chất tốt, hiếu hữu tinh kiêm. Ngày chửa lên ngôi, người đều mong đợi. Kịp khi kính nối nghiệp lớn, ngửa theo chí xưa, tấc dạ tiếng lo, dựng làm trăm việc. Kính sợ trời trong khi biến chuyển, bắt phép tổ, đốc chí nối noi… […]… Kinh diên ngày ngự, nghiên cầu học thuật đế vương. Sử yếu sửa sang, xem xét việc làm sau trước… […]… Vả lại thời sự đương nhiều gian nan, ngày cùng với phụ chính thân thần và đại thần [viết rút gọn là: phụ chính thân, đại thần], đo đắn cơ nghi, tính kĩ công việc, làm cho ngoại tình thiếp phục [:tình hình bên ngoài ổn định, thuận theo], chuyển nguy làm yên. Chưa kịp một năm mà thiện chính không sao xiết kể! Đương cho là mặt trời mới mọc, thị thính duy tân, không ngờ đám mây che khắp mặt hồ [:vua chết], mọi người gào không kịp nữa! Than ôi, đau thương thay!”…

      “Kính nhớ đại hành hoàng đế, lòng chuộng cao xa, đạo theo khiêm tốn. Khi chưa tức vị, tiếng nhân hiếu đồn khắp mọi nơi. Lúc đã lên ngôi, lời ca ngợi hầu vang khắp chốn. Buổi mặt trời mọc, gặp biên [thuỳ, triều] đình đa gian, lo lắng một niềm, sửa sang trăm việc. Đem lòng kính để thờ trời, thì đặt đàn giao tế lễ… […]… Mở kinh duyên [:diên; kinh diên: nơi vua học tập], để tìm xem chính trị dở hay. Chép sử yếu, để xét việc xưa nay suy thịnh…” (120) .

      Theo lệ cổ truyền, triều đình định hạn mặc áo tang cho cả trong ngoài kinh thành (121).

 

      15

 

      Công tử Ưng Lịch là anh em cùng cha khác mẹ của vua Kiến Phúc (122). Mẹ là bà Phan Thị Nhàn (122). Ưng Lịch được chào đời vào ngày bính tí, mười bảy tháng sáu năm Tự Đức thứ hai mươi bốn (1871) (122). Chỉ bảy hôm nữa, kể từ ngày vua Kiến Phúc mất, mới đến sinh nhật thứ mười ba của Ưng Lịch. Nhưng tính thêm một tuổi trong lòng mẹ, Ưng Lịch sắp tròn mười bốn. 

      Ưng Lịch được các triều thần rước vào Điện Cần Chính vào ngày quý mùi, mười một tháng sáu Giáp thân (1884), và lên ngôi hoàng đế tại Điện Thái Hoà vào ngày hôm sau (122).

      Cũng như định lệ xưa trước, “sắc phiến tấu ở Các, Nha, sáu Bộ và chương sớ ở bốn phương, trước hết phải do phụ chính Cơ mật viện đại thần [Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] duyệt biện, rồi sau tấu lên cho vua nghe” (122) .

      Tiếp đến,  “Thương bạc thần ở Cơ mật viện cho rằng lễ tấn quang đã thành, [nên] đưa thư cho khâm sứ Pháp là Lê Na [Rheinart], chuyển tư [báo] cho tướng Pháp là Mi Lô [Millot] và gửi về quốc trưởng Pháp” (123) .

      Sự việc bỗng trở nên rắc rối, phức tạp đến mức trầm trọng!

      Triều đình và kinh thành Huế cũng như cả nước phải trải qua một tình huống gay gắt đáng ra không có, nếu tên khâm sứ Rheinart không căm tức, thủ tướng thực dân Pháp Jules Ferry không ra lệnh cho tên thống tướng Millot, và trực tiếp là tên đại tá Guerrier, y đừng hùng hổ kéo tàu chiến và quân viễn chinh đến Huế làm sức ép (124)!

      Tại sao lại hùng hổ, gay gắt đến thế?

      Bản văn thư thông báo của Viện – Bạc về việc vua Kiến Phúc mất, vua Hàm Nghi đã được triều đình, hoàng tộc làm lễ đăng quang, được trao đến Sứ quán Pháp tại Huế bởi viên tham biện Ti Hành nhân (thông ngôn) Nguyễn Hữu Cư, vẫn là linh mục, chứ không phải là  “một thầy dòng đã bỏ đạo”. “Rheinart phản đối và báo cho ông phụ chính [Nguyễn Văn Tường] biết là nếu không có sự tấn phong của chính quyền “bảo hộ” thì hoàng đế mới đừng mong trị vì” (124) . Thật là xấc láo! Về Jules Ferry?  “… Ferry xét thấy tình trạng khẩn cấp, nhất là sợ Nguyễn Văn Tường đưa ông vua mới cùng với triều đình vào sâu trong núi non, đã ra lệnh cho tướng Millot gửi gấp một trung đoàn đến Huế để mà chiếm lĩnh thành phố và tấn phong vua mới” (124) .

      Chính Millot đã viết văn thư phúc trình cho bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa tại Paris:

       “Mệnh lệnh của ngài đã đến Hà Nội ngày 07 [08.1884], đã được vâng lời ngay: Một đoàn đặc phái quân tám trăm (800) người, kể cả bộ binh và pháo binh đã được đưa tới Hải Phòng cùng với tham mưu trưởng dưới quyền tôi là đại tá Guerrier. Tất cả sẽ xuống thuyền vận tải Tarn mà tôi đã trưng dụng để hướng về Thuận An. Và tại đây, đại tá sẽ làm công việc chỉ huy tối cao đoàn quân lính để hỗ trợ tích cực cho ông khâm sứ Pháp” (124) .

     Thật sự là số lượng tàu binh và quân lính sau khi phối hợp với số túc trực sẵn tại Thuận An là gần gấp đôi. Không chỉ tàu Tarn, còn có thuyền chiến cận duyên La Javeline (chạy được ven bờ biển). Các tên dẫn đầu lực lượng Pháp: đại tá Guerrier, thuyền trưởng Mallarme (chỉ huy tàu hạng trung), khâm sứ Rheinart, hai thiếu tá Chopuis và Martr. Quân lính Pháp: một ngàn năm trăm (1.500) tên (124).

      Chiều ngày 11.08.1884, Guerrier đã có mặt tại Sứ quán Pháp tại Huế, và đã gặp tên khâm sứ Rheinart. Bọn quan quân thực dân Pháp ở cấp thấp hơn đến Huế muộn hơn, do phải đi bộ từ cửa Thuận An lên, vào ngày 13.08.1884 (124).

      Văn thư phúc trình của Rheinart gửi về Pháp, y viết:

 

       “Huế, 13.08.1884,

      Thưa ông thứ trưởng,

      […] Ngày 12 [08.1884], trong khi lính đổ bộ lên Thuận An, thì chúng tôi cũng gửi cho quan phụ chính [Nguyễn Văn Tường] một tối hậu thư, mà bản sao được gửi theo [thư này về Pháp].

      Cuộc nói chuyện [giữa đại diện Pháp và phái đoàn Đại Nam] rất lịch sự và ngắn gọn. Chúng tôi rút lui để cắt đứt ngay mọi ý đồ bàn luận, sau khi đọc tối hậu thư. Tối hậu thư không định rõ ngày giờ, và chúng tôi đã nói miệng với quan phụ chính [Nguyễn Văn Tường] là nếu không được thoả mãn, thì chúng tôi sẽ tấn công kinh thành buổi sáng ngày mười bốn [14.08.1884]. Chúng tôi có ý định thực hiện một sự thúc bách sau cùng, [vào] chiều ngày mười ba [13.08.1884] để chỉ ngày giờ nhất định.

      Chúng tôi đã báo là quân Pháp lên Huế ngày mười ba [13.08.1884], và mọi sự bố trí sẽ được thực hiện nhằm vào cuộc tấn công như đã được dự tính.

      Có một điểm mà chúng tôi đã sắp xếp tuỳ nghi nhượng bộ, nếu cần thiết, bởi vì chúng tôi rất muốn đi đến một thoả hiệp mà không cần dùng sức mạnh. Và điểm đó là sự hiện diện của chúng tôi, cùng với một đoàn người Pháp hộ tống vào ngày tấn phong… […]…

      Chúng tôi [được thoả thuận để] chiếm lĩnh nhượng địa bên trong thành nội [:Mang Cá, tức Trấn Bình đài] vào buổi chiều và hôm sau [14.08.1884 (?)]. Lễ tấn phong vua mới [Hàm Nghi] tiến hành ngày mười bảy [17.08.1884]… […]…

      Chúng tôi có ý định đi vào cái cửa vốn dành riêng cho vua. Mãi cho đến lúc này triều đình đã nhượng bộ mọi đòi hỏi của chúng tôi, mặc dầu chẳng ưa ý chút nào, và nhất là bởi chúng tôi có đủ sức mạnh (1.500 binh sĩ)…

                   Khâm sứ tạm thời: Rheinart (kí tên)” (124) .

 

      Với giọng điệu thực dân lớn lối của y, Rheinart viết về việc chúng gửi tối hậu thư đe doạ tấn công kinh thành Huế và về sự nhượng bộ của triều đình Đại Nam ta như thế đó! Thật ra, yêu sách của thực dân Pháp, cụ thể là của Rheinart, còn ghê gớm hơn, nhưng không được hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và đình thần, hoàng thân đồng ý. Đó là yêu sách đưa phụ chính thân thần Hồng Hưu, một kẻ thân Pháp đồng thời là một kẻ phạm tội về đạo đức, luân lí chưa kịp xét xử, lên ngôi hoàng đế thay vì Hàm Nghi (125)! Thực dân Pháp cũng phải hậm hực nhượng bộ sau khi triều đình đã thoả mãn cho chúng một yêu sách về  “nhượng thổ trong kinh thành” , lâu nay hai phụ chính chưa chịu cho Pháp thực hiện, mặc dù vốn đã ghi vào điều khoản thứ năm (V) “hoà” ước Giáp thân (1884), và về việc làm lễ tấn phong cho vua Hàm Nghi như sứ Tàu ngày trước, kể cả việc đi cửa giữa hay cửa bên Ngọ môn, theo nghi thức đã cố định, nay phải châm chước!

      H. Cosserat trần thuật lại lời Lucien Huard một cách thực dân xấc xược trước khi phê phán theo quan điểm của y:

       “… Đúng pháp luật mà nói, thì ông Tường ra khỏi kinh thành là để trình diện trước tòa án binh [vì “vi phạm “hòa” ước”!!!] […]; nếu khôn ngoan hơn, thì ta không nên để một con người [:Nguyễn Văn Tường] rõ ràng là kẻ thù của chúng ta cầm Triều đình, một con người luôn đã và sẽ chống phá nền đô hộ của chúng ta theo cách này hay cách khác, không chịu chấp nhận nó.

      Nhưng chúng ta đã tin, đã làm bộ tin sự thành thật trong những lời phản đối của ông ta [về các biến động trong triều đình], và đã chấp thuận những lời khôn khéo của ông ta như là bằng chứng của ý nghĩ tốt. […]” (124).

      “Mặc dầu có bài tuyên bố của tướng Millot với dân An Nam mà đại tá Guerrier đã thủ sẵn trong túi, và tiếp đó thì tung ra để loan truyền, nhưng cũng chẳng có gì thay đổi ở Huế, ngọai trừ cái tên hoàng đế.

      “Thay vì Kiến Phúc thì nay là Mệ Tríu [:Hàm Nghi]”, và luôn vẫn là Nguyễn Văn Tường trị vì.

     Thật sự, thì nay lá cờ Pháp phất phơ trên kinh thành, bên cạnh cờ nước Nam [vì Pháp đã đóng quân ở Mang Cá], và quan phụ chính [Nguyễn Văn Tường] không thể tha hồ bày mưu tính kế để chống lại chúng ta […]” (124) .

      Và Rheinart viết phúc trình vào ngày 21.08.1884:

       “… Khi đi ra, thì người ta bảo chúng tôi theo con đường và cổng bên phải (đường của quan văn). Cửa giữa không được mở ra nữa. Điều này trước đây cũng như vậy đối với sứ thần Trung Hoa phụ trách chuyển đệ tấn phong. Những người này chỉ xuyên qua cửa giữa lúc vào. Tôi thoạt có ý muốn đi ra cũng vẫn theo cửa giữa, nhưng nghĩ lại là trước đây đã không yêu sách, thì bây giờ cũng nên bằng lòng với kết quả đã đạt được…” (124) .

      Sử gia của nước ta ghi nhận về sự kiện đó:

      “Trước đây đem việc làm lễ tấn quang, [triều đình] gửi thư sang giám quốc [tổng thống] Đại Pháp. Đến đây, [tổng thống Pháp] gửi thư trả lời nói: Chính thể ở nước ta, nước ấy đã chẳng biết gì, duy việc đại lễ tấn quang và việc đặt phụ chính thần, nước ấy cùng tri phương [:danh thơm được biết đến] đã hợp biết sự thể.

      Viện thần [:Cơ mật viện đại thần] đã chuẩn y rồi, cho nên [vua] chuẩn cho [Guerrier, Rheinart và quân lính của chúng] tiến yết [:được vào yết kiến vua].

      Sứ [Rheinart] ấy lại yêu cầu xin cho quan quân nước ấy vào đóng ở Trấn Bình đài. Vua [Hàm Nghi] cũng y cho.

      (Trấn Bình đài [được] làm ở ngoài cửa [thành, có tên là cửa] Trấn Bình. Thành cao một tầng, chu vi 246 trượng 07 thước 04 tấc [ta], tục gọi là thành Mang Cá).

      Nay cho quan quân ấy vào đóng. Đó là nơi nhượng thổ” (126) .

      Đến trung tuần tháng chín Giáp thân (1884), cách thời điểm tên Guerrier kéo quân vào Huế khoảng ba tháng, vụ việc càng được làm sáng rõ. Không ai khác, chính quan đệ nhị phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, trong tháng chín về sau đó, đã viết bản tấu, đọc giữa triều đình, trình bày rõ và chi tiết hơn về sự kiện Guerrier kéo tàu chiến, đại binh vào hăm doạ tấn công kinh thành Huế ấy (125):

 

        “PHỤ CHÍNH THÂN THẦN GIA HƯNG VƯƠNG KIÊM SUNG TÔN NHÂN PHỦ HỮU TÔN CHÍNH HỒNG HƯU BỊ TỘI, CÁCH CHỨC TƯỚC, PHẢI AN TRÍ Ở PHỦ CAM LỘ” (125):

 

      “Trước đây, Chấn Tĩnh quận công là Miên Trí tâu hặc vương ấy vì nhân việc tư bỏ việc công, tiết lộ quân quốc trọng sự, gia dĩ thêm thói dâm dục (cùng với công chúa Đồng Xuân can tội tước tịch, đổi theo họ mẹ là Hồ Thị Đốc, thông gian sinh con). Mọi khoản giao cho Tôn nhân phủ hội đồng, phụ chính đại thần xét nghĩ; bèn giao Sở Túc vệ giam xét. Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết lại đem đủ tình trạng vua ấy [:Gia Hưng vương (127)] tâu bày, xin cùng xét nghĩ một thể.

      (Tâu nói:

      “Ngày tháng sáu, Giản tông Nghị hoàng đế [Kiến Phúc] mất, bọn chúng tôi vâng tuân lời di chúc, chọn lấy ngày mười ba (13) làm lễ tấn quang. Trước một ngày đó, sứ cũ Pháp là Lê Na [Rheinart] uỷ cho ký lục Hinh tới dinh bọn tôi nói: Nếu tôn Gia Hưng vương lên làm vua thì y thuận nghe, bằng không thế thì y gây chuyện, đem hết gia quyến bọn tôi bắt tội. Bọn tôi trộm nghĩ vì việc lớn của Nhà nước, không dám đoái riêng, một mặt cứ y ngày làm lễ tấn quang, một mặt nói với vương ấy, bằng không tình gì [:nếu không có tham vọng cướp ngôi vua], thì nên uỷ cho báo với sứ ấy đình chỉ [cho] bớt việc, đừng nên ngăn trở [việc tấn quang], sinh ngờ. Nhưng vương ấy để lòng đã lâu, không chịu uỷ báo cho sứ ấy. Chước đó không thành, [Rheinart] mới đưa thư cho quan binh ấy đóng ở miền Bắc [Millot]. Ngày 22 tháng ấy, quan tham tán đóng ở miền Bắc [Guerrier] xuất đem hơn mười (10) chiếc thuyền quân, đến Sứ quán đó. [Chúng] đe dọa, toan muốn sinh chuyện [với triều đình ta], và vào thành đóng giữ [tại Mang Cá]. Bọn tôi bất đắc dĩ phải nhấn nhún để định ngôi lớn, xin chuẩn cho quan ấy vào làm lễ tiến yết và cho quan binh ấy vào thành.

      Từ đó đi, Hồng Hưu lấy bịnh nằm rền trong phủ đệ, không để ý gì đến việc công. Trong các hàng thân phiên đã có nhiều người cùng biết.

      Chấn Tĩnh quận công thửa nói thế cũng do lòng công phẫn. Nay [vụ Hồng Hưu] phát ra việc này, tội án thật là sâu nặng, thế mà còn dám kéo dằng dai gần được một ngày. Lê Na [Rheinart đã có lệnh tạm thôi chức vụ khâm sứ, Lemaire thay thế, nhưng Rheinart còn chờ tàu] hiện đóng ở cửa đồn Thuận An, liền về [lại] Sứ quán, uỷ người tới dinh chúng tôi, bảo phải khoan tha cho Hồng Hưu về phủ, không thì y gửi điện về nước ấy, không khỏi lại sinh chuyện lôi thôi. Hôm qua tôi (128) và Nguyễn Văn Tường đi đến Sứ quán ấy (Lê Na [Rheinart] về rồi), sứ mới [Lý Mai (Lemaire)] bảo rằng: “Trước đây về khoản làm lễ tấn tôn và việc Hồng Hưu, có người không bằng lòng (ám chỉ vào Lê Na [Rheinart]), đưa tin gièm pha đã nhiều. Nước ấy [:Pháp] hẳn cũng sinh lòng thiên lệch. Nay nên xử trí cho khéo. Vả, nước ấy bảo hộ quý quốc [:Đại Nam], việc triều đã chẳng hề can dự. Duy có việc lớn là lễ tấn tôn cùng với phụ chính đại thần đều là việc quan trọng, nên cho viên ấy [khâm sứ đương chức] dự biết, thế mới hợp thể, rồi về sẽ báo tin về nước ấy, hẳn sẽ bằng lòng. Còn tội án của Hồng Hưu, mặc dầu quý quốc xử đoán, viên ấy không dám nói các lẽ. Vả, Hồng Hưu hệ thuộc là người ý thân của nhà vua, chung lòng nghĩa vui lo”.

      Xem như sứ Pháp thửa nói thửa làm, thì mối tình thông quan [loạn luân của Hồng Hưu, câu kết với Pháp], thực đã không thể che được, duy đương lúc Nhà nước có tang, lòng người chưa định, Cung [thái hoàng thái hậu Từ Dũ, hoàng thái hậu Vũ thị, hoàng thái phi Nguyễn Văn thị] đương lúc đau thương, bọn tôi không dám vào tâu, sợ phiền lòng thánh lo nghĩ, mà làm cho dân chúng ngờ hoặc, [chỉ] nín náu lựa theo để nên việc lớn. Nay [Hồng Hưu] can khoản ấy, vốn không dung giết, mà còn dám như thế, thực đáng khá sợ. Bọn tôi cùng bàn, nghĩ theo lời xin của sứ mới, do Viện tôi nghĩ soạn tờ tư, đệ giao cho sứ ấy, và đem cái án của Hồng Hưu để tuân làm”).

 

      Bèn chuẩn như lời tâu. Đến đây án thành, [Hồng Hưu phải bị] cách bỏ chức tước, phát đi an trí ở phủ Cam Lộ, Quảng Trị. Phòng (nhà) vương ấy [Gia Hưng vương Hồng Hưu] có bảy công tử, [bị] giáng làm tôn thất, chia giao cho các tỉnh quản thúc. (Tôn Thất Huy, Tôn Thất Diễn an trí ở Cam Lộ; Tôn Thất Chuân, Tôn Thất Dũng, giao về Nghệ An; Tôn Thất Linh, Tôn Thất Tân, Tôn Thất Vệ, giao về Hà Tĩnh)” (125) .

 

      Lời tâu hặc của Chấn Tĩnh quận công Miên Trí, quá trình điều tra, nghị xử của Sở Túc vệ, Tôn nhân phủ, bản tấu của đại thần Tôn Thất Thuyết (ghi rõ sự câu kết của Hồng Hưu với Rheinart, lời bàn thảo của Lemaire có trình bày rõ về mưu đồ, hành vi đen tối của Rheinart), và những tang chứng, nhân chứng, tất cả đã làm sáng tỏ vụ việc.

      Sau Hồng Bảo, Dục Đức, Hiệp Hoà, đây là vụ thứ tư thực dân Pháp thực hiện âm mưu lũng đoạn ngai vàng triều Nguyễn để nắm lấy quyền lực, nhằm khuynh loát, đẩy dân tộc ta vào vực thẳm nô lệ.  

      Người ta đã đặt vấn đề, căn cứ vào lô-gích (logic, logique) của chuỗi vụ việc trong sự kiện này:

+++ 1. Tại sao Kiến Phúc chết? Phải chăng Hồng Hưu giết Kiến Phúc một cách mờ ám theo sự câu kết với thực dân Pháp?

+++ 2. Phải chăng không thể không nghi ngờ Pháp muốn đưa Dục Đức trở lại ngai vàng, sau khi Dục Đức sai người giết Kiến Phúc một cách ám muội? (Lúc này Dục Đức và gia đình riêng vẫn còn sinh sống và học tập tại Giảng đường Viện Thái y).

+++ 3. Tại sao thực dân Pháp muốn đưa Hồng Hưu, vốn là một tội phạm loạn luân lên ngôi hoàng đế? Phải chăng do phong tục của người Pháp là người ruột thịt trong họ tộc (anh chị em họ chẳng hạn) có quyền kết hôn, mà theo phong tục nước ta như thế là loạn luân? Đây cũng là một mắc mứu của “tả đạo”?

      Sự thật, vua Kiến Phúc chết vì bệnh (tái phát trầm trọng sau khi đã khỏi). Nếu nghi vấn, thì chỉ có thể đặt một giả thuyết duy nhất, ấy là do một chất độc nào đó của Pháp, Pháp đã trao cho Hồng Hưu hoặc người thân tín của Dục Đức, mà các quan ngự y (vốn giỏi nhất nước) trong Thái y viện không giám định pháp y được. Còn những câu hỏi khác đã được làm sáng tỏ bằng chính văn bản, trong đó quan trọng nhất, có tính chất đúc kết là bản tấu của Tôn Thất Thuyết, bản án của Tôn nhân phủ (mà về sau, chính  triều thần và Đồng Khánh khi đã lên ngôi, cũng vô hình trung [đúng hơn là đã tảng lờ về chính trị] và khá minh nhiên [về đạo đức] xác định lại bản án đó là hoàn toàn đúng sự thật).

      Thực dân Pháp không thể không tức giận khi vua Hàm Nghi, chứ không phải Hồng Hưu hoặc Dục Đức được đưa lên ngai vàng.

      Sau khi đưa Hồng Hưu đi an trí, vào tháng chín nguyệt lịch, Miên Lâm và Miên Trữ đã được cử thay vào chức trách bị trống:

       “Lấy người tả tôn nhân Phủ Tôn nhân Hoài Đức quận công là Miên Lâm đổi quyền hữu tôn nhân Phủ ấy; sung phụ chính thân thần Tuân quốc công là Miên Trữ kiêm tả tôn nhân Phủ ấy” (129) .

      Hai quan phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và triều đình, hoàng tộc, Tam cung (thái hoàng thái hậu Từ Dũ, hoàng thái hậu Vũ thị, hoàng thái phi Nguyễn Văn thị) đã có giải pháp đúng đắn, bình tĩnh, khi đứng trước thủ đoạn xâm lược (lũng đoạn nội bộ triều đình, hăm doạ tấn công kinh thành) với chiêu bài “bảo hộ” của thực dân Pháp.

 

       “Đã yên rồi nỗi Tây kia

       Bây giờ mấy kẻ hiềm nghi lo trừ” (130)        

         

      Ai là những kẻ đáng bị  “hiềm nghi” ? Câu trả lời cũng đã rõ: Hồng Hưu và Dục Đức! Hồng Hưu đã bị xử lí, còn Dục Đức? Sự thật dẫu vẫn thế, nhưng dưới lăng kính chủ “hoà”, bảo hoàng ngu trung, cố nhiên đã mang màu sắc khác!

      Còn  “nỗi Tây kia”  chỉ mới tạm yên sau khi Rheinart bị triệt hồi về Pháp, để Lemaire, một viên quan văn Pháp có cá tính ôn hoà hơn, thay y làm khâm sứ tại Huế. Trong khi đó, cuộc chiến Pháp – Hoa vẫn rất dữ dội ở Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) và ở Đài Loan, hai nơi ấy đều thuộc lãnh thổ Trung Hoa. Tình hình ở Bắc Kì vẫn rất căng thẳng.

      Rõ ràng là thực dân Pháp vừa tấn công Trung Hoa bằng súng đạn, vừa tấn công vào nội bộ triều đình nước ta bằng sự lũng đoạn, áp lực.

 

      16

 

      Tháng sáu nguyệt lịch Giáp thân (1884) vẫn tiếp tục trôi qua trong tình hình đó. Bấy giờ, Pháp vẫn tiếp tục phong toả, cấm vận kinh thành Huế. Nguồn lương thực vốn được vận tải bằng tàu thuyền cũng bị chúng ngăn cản. Các tàu thuyền ta, Pháp đã tháo dỡ máy móc và các vũ khí bảo vệ. Do đó,  “phụ chính đại thần [phải] bàn với quan khâm sứ [Pháp] đóng ở kinh, xin cho thuê người nước ấy quản coi ba chiếc tàu thuỷ là Thuận Tiếp, Thuận Ổn và Lợi Đạt để chạy đi Hải Dương, Hải Phòng, chở gạo về kinh” (131) !

      Mặt khác, tên “quan thượng thư Pháp” Sinh Bích  (Silvestre) ở Bắc Kì còn yêu sách triều đình phải rút quân ở tỉnh, chỉ để lại lính tuần thành, lính lệ, phu trạm (132). Nhưng ngay cả các loại lính này cũng phải làm thay những việc lẽ ra theo bình thường triều đình chỉ mướn thuê dân làm. Như thế, hầu như không còn lính chính quy chuyên nghiệp! Pháp đã vin vào hoà” ước để cưỡng buộc!

      Hai quan phụ chính đại thần từ lâu nhận thấy Nguyễn Hữu Độ ngày càng đốn mạt, dựa vào bọn thực dân cướp nước để tạo thế thần, quyền lực. Trước đây, mặc dù vẫn để cho y làm quyền tổng đốc Hà – Ninh, nhưng phải bị giáng xuống hàm cửu phẩm (một hàm thấp nhất trong ngạch quan). Cửu phẩm, lại giữ quyền tổng đốc là cả một sự mỉa mai, và rất bấp bênh, bấp bênh một cách khôi hài trên quan trường (133)! Vì vậy, thay vì với mức hàm bị giáng là cửu phẩm, Nguyễn Hữu Độ được khai phục hàm hồng lô tự khanh (chánh tam phẩm), nhưng phải về kinh đô làm biện lí Bộ Lại (134). Thay vào chức vụ quyền lí tổng đốc Hà – Ninh là Nguyễn Trọng Hợp, kẻ đang làm quyền tổng đốc Sơn Tây. Chính Nguyễn Trọng Hợp cũng chỉ được khai phục không lâu trước đây với mức hàm là hồng lô tự thiếu khanh (chánh ngũ phẩm) (134)! Nhưng tên tướng Pháp Millot hai lần thương thuyết với triều đình, do đó, phải cho cả Nguyễn Hữu Độ lẫn Nguyễn Trọng Hợp lưu lại chức cũ (134). Chả là Millot cần tay sai đắc lực! Hai quan phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết rất ghét thói xu thời của Hợp và Độ, tồi tệ nhất là Độ, nhưng đành nhân nhượng Millot. Tuy thế, hai phụ chính vẫn phải  “đặc biệt đem câu “xem gió chuyển buồm” trách Hữu Độ” (134) , cũng là để nhắc nhở y và các quan khác, như Hoàng Cao Khải, Nguyễn Huy Lân, kể cả Cao Xuân Dục, những kẻ đang có khuynh hướng cộng tác với Pháp (ban đầu còn dè dặt, chỉ tự giới hạn trong việc giữ an ninh, trật tự xã hội ở Bắc Kì…).

      Vẫn tháng sáu nguyệt lịch này, Ê Mô Ni Ê (Aymonier) (135), một tên người Pháp thực dân, nhưng là thực dân về văn hoá, xin giấy phép thông hành đi du khảo trong nước, trừ những vùng đất cấm. Y là nhà nghiên cứu thuộc Sở Bác vật Pháp.  “Sở Bác vật ấy học [:nghiên cứu] những môn về truyện cổ tích lưu truyền ở dân gian và những vật kiến tạo của bản quốc” (135) . Thực sự đến khoảng mấy tháng sau (có lẽ đầu năm mới theo lịch Chăm), Aymonier mới bắt đầu chuyến du khảo từ Bình Thuận ra Bắc Kì, thực chất là cướp đoạt các bức tượng, phù điêu, bia kí, trống đồng (136)… Trong đó, mưu đồ truyên truyền về chính trị, quân sự thực dân không phải không là mục đích chính…

      Cuối tháng sáu, việc chấn chỉnh quân binh vẫn được tiến hành tại hai vệ Thượng Tứ, Khinh Phi với mục đích yêu cầu  “đặt trường diễn võ, diễn tập võ nghệ, và cách bắn súng mở bụng; cấp thêm cho mỗi tháng một quan tiền, được miễn việc công dịch, khiến cho chuyên [việc luyện] tập, để phòng bị lúc cần dùng” (137) . Và khoá thi hương võ khoa tháng bảy, tháng mười tại Bình Định, Thừa Thiên, Thanh Hoá được vạch kế hoạch tổ chức (138).

      Đến tháng bảy nguyệt lịch, kinh diên lại được khai giảng để vua Hàm Nghi học tập, trau dồi, bổ sung kiến thức, và luôn có quan giảng tập để giảng kinh sử cho vua và túc trực bên vua để vua hỏi han kiến thức khi cần. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường cũng là một trong các quan giảng tập ấy (139).

      Tháng bảy với những công việc trong triều ngoài tỉnh như thế, trong tình hình như thế, lại được tin Ông Ích Khiêm đã chết trong ngục tại Bình Thuận (140)!

      Không phải nhầm lẫn, chính là Ông Ích Khiêm, thần đồng văn chương, danh tướng trận mạc và cũng là một quái kiệt “tâm hoả” . Ông đã trở thành phạm viên (người vi phạm luật pháp) , bị xử án lưu đày vào Bình Thuận để sung quân (140). Mức lưu đày nhưng được sung quân là tương đối tự do, thoải mái, như một viên lính mới nhập ngũ, và đến khi mãn hạn chấp hành án sẽ được khai phục (như Nguyễn Công Trứ trước kia chẳng hạn, với câu nói nổi tiếng:  “Khi làm quan ta không lấy làm vinh, khi làm lính ta không lấy làm nhục” ). Nhưng vì Ông Ích Khiêm chống đối các quan thi hành pháp luật, nên bị giam vào ngục. Tại ngục Bình Thuận, ông đã chết!

      Việc các quan chức vi phạm luật pháp, bị án, không có gì đáng ngạc nhiên. Ông Ích Khiêm cũng đã nhiều lần bị trói, khoá tay, giải về kinh nghị xử, nhưng đều được miễn nghị. Lần này, Ông Ích Khiêm mới thực sự bị án. Việc Ông Ích Khiêm bị án chẳng có gì là lạ! Điều gây sửng sốt cho các quan tại triều, là Ông Ích Khiêm đã chết như thể là tự sát!

 

        “PHẠM VIÊN  LÀ ÔNG ÍCH KHIÊM CHẾT Ở NHÀ NGỤC BÌNH THUẬN” (140):

 

      “Ông Ích Khiêm, [vào tháng năm nguyệt lịch] mùa hạ năm ấy, vâng mệnh phải đi khám Sơn phòng Quảng Nam, bị bọn chưởng ấn là Đào Hữu Ích, Nguyễn Doãn Tựu đem việc chỉ hặc (tự tiện bắt lính kinh hơn năm mươi (50) tên hộ tống, và lấy công nữ, đuổi dân cư, xây nhà riêng), giao cho đình nghị. Sau thành án: cách bỏ chức tước (nguyên Binh bộ thị lang, phong tước nam), phát đi Bình Thuận sung quân (theo về khoản tự tiện bắt người hỏi tội), thu hết ấn quan phòng cấp cho cũ [:trước đó], khóa tay giải đến chỗ đi đày. Khi đi đường đến Quảng Ngãi, bị bệnh, nghỉ.

      ([Ông Ích Khiêm] nói: “Đi theo việc bắt giặc, trải một trăm năm mươi (150) trận, mình bị trọng thương; nay đi đường bị nóng, nhức đau, xin nghỉ lưu lại”).

      Tỉnh thần là Trần Nhượng y cho hạn xin ở lại. Bộ Hình cho rằng, vì tình riêng, khinh thường pháp luật, [nên] tâu hặc, phạt Nhượng bị giáng hai cấp, lưu lại làm việc; sai [Ông Ích Khiêm] mỗi ngày phải đi hai trạm, hạn cho đi tới các tỉnh (Bình Định, Phú An [:Yên], Khánh Hòa), không được hạn lưu lại một khắc. Kịp khi tới chỗ đày, phủ thần là Lê Liêm an trí xuống ngục. [Ông] Ích Khiêm tháng ấy chết ở trong ngục. 

      [Ông Ích Khiêm được] gia ơn miễn tội sung quân, khai phục Hàn lâm viện thị độc, chiếu hàm cấp tiền tử tuất” (140)

 

      Người ta còn kể một giai thoại về Ông Ích Khiêm, không biết có xác thực hay không. Giai thoại thường do người sáng tác, truyền khẩu thêm thắt, thậm chí hư cấu, nên dẫn đến tình trạng có nhiều dị bản. Có truyện thuộc loại này xem ra cũng phần nào phù hợp với tính cách riêng của nhân vật lịch sử.

      Giai thoại ấy được kể rằng (141): Có một lần, Ông Ích Khiêm mời một số đường quan đến nhà riêng dự tiệc. Trong bữa tiệc ấy, những món ăn đều có vị lạ nhưng rất ngon miệng. Các quan đa số đều là nhà nho, chỉ một ít có thiện cảm với Phật giáo, Lão giáo hoặc số ít ấy vừa là nhà nho, vừa sùng tín một trong hai tôn giáo kia. Với các món ăn Ông Ích Khiêm thiết đãi, nhiều quan biết ngay và tất nhiên rất thích. Họ gọi đó là món “ngu trung”. Ngu trung là trung thành một cách mù quáng, không phân biệt kẻ được mình trung thành là ác hay thiện. Nhà nho vốn duy lí, vốn xem câu nói của Mạnh Tử là kinh điển:  “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân là quý, Đất nước thứ nhì, vua chúa chỉ đáng xem nhẹ) . Kẻ sĩ nho giáo luôn luôn xem “dân vi bản”, lấy dân làm gốc. Nhưng món “ngu trung” ấy, một vài quan không từng được nếm, và tất nhiên các món ăn trên bàn đều được trình bày khác với món “ngu trung” bình thường, cho nên không nhìn ra. Nếu trình bày theo cách bình thường, dẫu chưa từng nếm nhưng cũng có thể biết đó là món gì. Do đó, các vị quan vốn kiêng ăn món “ngu trung” thành thật không biết món ăn có vị lạ và cách trình bày cũng lạ mắt đó.

      Một người hỏi:

      - Các món ăn nấu bằng thịt gì ngon đáo để! Quan gia chủ có thể cho tôi biết được không?

      Ông Ích Khiêm đáp tỉnh bơ:

      - Đều là chó cả! Đâu cũng chó cả!

      Các quan hơi tái mặt hoặc hơi đỏ mặt, tuỳ theo phản ứng bẩm sinh của từng người. Nhưng tại sao Ông Ích Khiêm lại vô ý đến thế! Vả lại chừng như qua ngữ điệu, ông ta muốn nói xỏ xiên gì đây. Sỉ nhục nhau chăng? Cá tính Ông Ích Khiêm vốn thế, cho nên, chấp trách làm gì! Thôi, bỏ qua. Đến vua Tự Đức cũng bỏ qua cho Ông Ích Khiêm cơ mà! Hẳn mọi người đều nghĩ thế, cho dẫu họ hiểu Ông Ích Khiêm chửi họ “ngu trung” như chó! Được trung thành với ông chủ có đạo đức, có tri thức, được mọi người kính trọng, ngưỡng mộ mà không cần tô son vẽ phấn, đó là con chó may mắn. Cái may mắn ấy con chó không tự chọn lựa, vì nó vô tri, chỉ có mỗi một bản năng trung thành. Con chó trung thành với bất kì ông chủ nào đã nuôi nó từ nhỏ, kể cả loại ông chủ là kẻ cướp của giết người, đầu trộm đuôi cướp. Loại thứ hai này đúng là không may mắn tí nào! Kẻ sĩ, những trí thức luôn luôn tự nhắc nhở “dĩ dân vi bản”, phải tâm niệm chữ trung (trung quân một cách sáng suốt), lẽ nào không biết chọn vua để phụng sự? Ông thừa hiểu, hiểu một cách sâu sắc, hai phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và các quan chủ chiến không ngu trung một chút nào, mà trung thành với triều Nguyễn, với Đất nước, với nhân dân bằng tất cả sự sáng suốt đã được minh chứng bằng hành động! Ông Ích Khiêm cũng tự chửi mình đấy sao?

      Dẫu bữa tiệc mất ngon vì sự vô ý, vô tứ của Ông Ích Khiêm, nhưng các quan vẫn cố vui vẻ với nhau và với Ông Ích Khiêm.

      Bỗng có một vài viên quan khác đến trễ, được gia nhân mời vào. Tất nhiên người đến trễ lại là quan không phải nhỏ, cũng biện lí, chủ sự, tham biện tại kinh đô. Ông Ích Khiêm đã dành sẵn một mâm ở bàn riêng. Bàn liền được gia nhân bưng vào, đặt ở vị trí cao nhất, có thể gọi là bàn thượng. Các quan vừa mới được đón vào thấy thế, đâm ngại. Một người nói, sau khi đảo mắt nhìn quanh:

      - Chúng tôi có lỗi thất lễ đã đi trễ giờ, vả lại… Thật không dám vô phép ngồi ở bàn trên đó!

      Ông Ích Khiêm liền nói như chửi:

      - Tất cả đều là chó! Ngồi trên bàn thượng cũng chó, ngồi dưới bàn hạ cũng chó!

      Lần này, Ông Ích Khiêm cố ý nói sai hai chữ “trên”, “dưới”. Các lần trước thì thôi, bỏ qua, hơi đâu chấp trách Ông Ích Khiêm, nhưng lần này rõ là Ông Ích Khiêm phạm thượng, khi quân (khinh vua)! Tội khi quân là tội chết, với mức án lăng trì xử tử!

      Các quan dứt khoát đứng dậy, kẻ trước người sau nói lời cáo từ. Ông Ích Khiêm cản tay lại, không để các quan về. Ông nói:

      - Tôi xin các quan vui lòng ngồi lại để uống nước đã chứ!

      Ông Ích Khiêm gọi gia nhân:

      - Nước đâu? Thật là bọn vô tích sự! Ăn rồi chỉ lo mỗi việc nước cũng không xong, cứ vục đầu mà ăn rồi chơi nhởi thôi!

      Các quan không thể nói Ông Ích Khiêm không có ý xỏ xiên, chơi khăm, sỉ nhục đồng sự. Rõ ràng Ông Ích Khiêm mắng nhiếc các quan đều là chó, vua cũng chó, tôi cũng chó, không chăm lo việc nước, chỉ vục mặt lo ăn!

      Tất nhiên với ngữ cảnh đó, ngữ điệu đó, cộng với tính hệ thống, ai cũng có thể kết án Ông Ích Khiêm, đều có thể bắt trói ông giao cho Bộ Hình xử án đúng luật. Mọi tội có thể châm chước, khoan tha, nhưng tội lần này, nhất là tội phạm thượng, khi quân, làm sao khoan tha, châm chước được!

      Nhưng rồi mọi người vẫn khoan tha, châm chước cho Ông Ích Khiêm. Không ai dâng sớ đàn hặc con người rất tài năng, văn võ kiêm toàn nhưng “tâm hoả” ấy (141).

      Dẫu sao, đó cũng là giai thoại, không rõ có xác thực hay không!

      Không chỉ giai thoại, người ta con truyền tụng nhau một vài bài thơ, câu đối “động thời văn” của Ông Ích Khiêm. Đây là bài thơ phê phán các quan thời vua Tự Đức còn sống, vì bấy giờ quan ta phải phối hợp với quân Thanh do tướng Phùng Tử Tài thống lãnh để tiễu phỉ, và sử dụng cả quân Cờ đen đã quy thuận, đánh Pháp:

 

 “Áo chúa cơm vua hưởng bấy lâu

Đến khi có giặc phải thuê Tàu

Từng phen võng giá mau chân nhảy

Đến bước chông gai thấy mặt đâu?

Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp

Trâu dê hiến mãi đứa văng bầu (*)

Ai ơi hãy chống trời Nam lại

Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu!” (141).

 

      Ông Ích Khiêm lo âu dân tộc ta phải bị đồng hoá thành người Thanh cạo nửa đầu trước, đánh tóc nửa đầu sau thành hình con rết!

      Trong nhiều giai đoạn lịch sử, có khi người ta cần có một nhân vật nào đó, thường là đã chết, để gán vào những điều người ta không dám nói, dám viết, hoặc chỉ để hả lòng ghét, khoái miệng chửi, thoả mãn thói đời thích công kích, châm biếm, trào lộng, có khi nhắm đến chính nhân vật ấy… Ai đi bắt tội người đã chết! Mặt khác, đó chỉ là truyền khẩu, mà  “khẩu thiệt vô bằng” (miệng lưỡi không có bằng cứ) , đâu phải giấy trắng mực đen, ai bắt tội được người truyền khẩu!

      Chuyện văn chương truyền miệng, khẩu thiệt vô bằng với nội dung như thế, dẫu sao, cũng độ lượng cho Ông Ích Khiêm. Tình cảm thơ ca, ngôn từ thi sĩ nhiều khi rất cảm tính! Nhưng còn những tội khác như các quan Khoa đạo Đào Hữu Ích, Nguyễn Doãn Tựu đã tâu hặc thì đâu phải là chuyện văn chương khẩu thiệt!  “Luật pháp bất vị thân” (luật pháp không thiên vị người thân), kể cả đồng chí chủ chiến!  Hai quan phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết làm sao bênh vực cho Ông Ích Khiêm được!

      Sự thật về án phạm, về cái chết ở ngục Bình Thuận của Ông Ích Khiêm là đúng như bản án Bộ Hình đã nghị xử, đã tuyên bố, cho thi hành án, và do chính bản thân Ông Ích Khiêm.

 

 

Hết tệp 3

(PHÂN ĐOẠN 3)

TRUYỆN KÍ THỨ 11

(còn tiếp)

 

Khởi viết từ 07 giờ 30 sáng ngày 06.01.2003

(04.12 Nh. ngọ HB.3)

            Viết đến dòng chữ này vào lúc 09 giờ kém 10 phút

ngày 16.01.2003 (14.12 Nh. ngọ HB.3)

tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

(95) Trong ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 113 – 120, nguyên văn “hoà” ước Giáp thân 1884 không chép phần mở đầu. Tôi trích phần mở đầu “hoà” ước ấy, theo phần phụ lục trong “Phạm Thận Duật, sự nghiệp văn hoá, sứ mệnh cần vương”, Hội KHLS.VN xb., 1997, tr. 361. (Cuốn sách tham khảo về Phạm Thận Duật kê trên, tôi đã có dịp phê phán ở phần chú thích tập III của bộ truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử này).

 

(96) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 119.

 

(97) Nguyễn Văn Mại, Lô Giang tiểu sử (LGTS.), Nguyễn Huy Xước dịch, bản in ronéo, 1961, tr. 28. Về cuốn LGTS. này, chúng tôi đã tiếp thu và đã phê phán (một thao tác khoa học cần thiết trong việc tham khảo bất kì tư liệu nào, cuốn sách nào); xin xem: Trần Xuân An, Nguyễn Văn Tường, “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, sắp xuất bản (2002).

 

(98) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 120.   

 

(99) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 124.  

 

(100) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 125.

 

(101) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 125.

 

(102) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 126.

 

(103) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 127 – 129.

 

(104) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 128 – 129.

 

(105) VNSL., Nxb. Tân Việt, bản 1964, sđd., tr. 543 – 544.

 

(106) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 130.

 

(107) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 129 – 130.

 

(108) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 131.

 

(109) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 130 – 131.

 

(110) CXL., Nxb. Tp.HCM. tái bản, sđd., 2001, tr. 476; GS. Nguyễn Văn Kiệm, bài viết tham luận trong Kỉ yếu Hội nghị Khoa học lịch sử với đề tài “Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường", ĐHSP. Tp.HCM., 20.6.1996, tr. 7 - 17. Đây là một bài nghiên cứu sử dụng rất nhiều tư liệu gốc của Hội Truyền giáo Bắc Kì (chủ yếu do Mgr. Puginier viết và báo cáo mật), đã được in thạch bản từ những năm cuối thế kỉ XIX tại xưởng in Kẻ Sở…

 

(111) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 159.

 

(112) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 139.

 

(113) VNSL., Nxb. Tân Việt, bản 1964, sđd., tr. 543 – 544; CXL., Nxb. Tp.HCM. tái bản,  sđd., 2001, tr. 470 – 476.

 

(114) VNSL., Nxb. Tân Việt, bản 1964, sđd.,  tr. 548.

 

(115) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 139 – 142.

 

(116) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 143.

 

(117) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 142 – 143.

 

(118) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 143 – 150.

 

(119) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 150 – 151.

 

(120) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 165 – 169.

 

(121) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 154 – 155.

 

(122) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 153 – 154.

 

(123) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 155.

 

(124) H. Cosserat, bài “Người ta viết sử như thế nào: Đón tiếp đại tá Guerrier tại Triều đình nước Nam ngày 17.8.1884”, Tập san Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des amis du vieux Huế, Cadière làm chủ bút.), [BAVH., 1924], tập XI, Phan Xưng dịch, Nguyễn Vy hiệu đính, Nxb. Thuận Hoá, 2002, tr. sđd., tr. 373 – 397, đặc biệt các tr. 379, 381, 384, 387 – 388, 393…

 

(125) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 176 – 178.

 

(126) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 156 – 158.

 

(127) Đúng ra vẫn để là “vương”, chứ không phải dịch như chữ “đế [vua]”: Gia Hưng vương.

 

(128) Căn cứ vào câu này (với đại từ nhân xưng chủ thể là “tôi”): “Hôm qua, tôi và Nguyễn Văn Tường đi đến Sứ quán ấy…”, để xác định bản tấu do Tôn Thất Thuyết viết và đọc.

 

(129) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 178.

 

(130) Nguyễn Nhược Thị Bích, Hạnh Thục ca (HTC.), (Trần Trọng Kim sưu tầm, phiên âm ra bằng chữ quốc ngữ, viết tựa, hiệu đính, chú thích), Nxb. Tân Việt, 1950, tr. 33; xin xem: Trần Xuân An, Nguyễn Văn Tường, “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, sắp xuất bản (2002).

 

(131) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 157.

 

(132) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 157.

 

(133) HTC., Nxb. Tân Việt, sđd., 1950, Trần Trọng Kim chú thích ở tr. 47: Tờ sắc có câu: “Nguyễn Hữu Độ, tùng cửu phẩm, lĩnh Hà – Ninh tổng đốc”.

 

(134) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 157 – 158.

 

(135) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 158.

 

(136) Inrasara (sưu tầm, phiên dịch, giới thiệu), Văn học Chăm II – Trường ca (VHC.II. TC.), Nxb. Văn hóa dân tộc, 1996, tr. 161 – 193. Trong cuốn sách này, có trường ca Ariya Po Parơng (Trường ca “Quan lớn Pháp”) do Hơp Ai viết. Đây là một trường ca được viết theo dạng kí sự bằng thơ. Tác giả Hơp Ai là “một người Chăm ở Ninh Thuận, ghi lại chuyến du khảo các di tích văn hóa Chăm với Po Parơng” (sđd., tr. 161). “Po Parơng” đó là E. Aymonier. Xem chú thích (135).

 

(137) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 158.

 

(138) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 158.

 

(139) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 140.

 

(140) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 163 – 164.

 

(141) Nguyễn Đắc Xuân, Hương giang cố sự (HGCS.), giai thoại “Vạ miệng”, Tủ sách Sông Hương xb., 1886, tr. 31 – 33.

 

Chú thích xong vào lúc 10 giờ kém 15 phút,

ngày 19.02.2003 (19.01 Quý mùi HB.3).

 

TRẦN XUÂN AN

 

Hết tệp 3

(PHÂN ĐOẠN 3)

Trọn TRUYỆN KÍ THỨ 11

 

Xin xem tiếp tệp 4

(Phân đoạn 4 truyện kí thứ 11)

Trở về trang chủ

Cập nhật: 07/01/09

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7