f. Tiểu mục 32 - Giao lưu đoàn kết - Trần Đại Vinh

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

 

Phụ trang:

Bài viết được dẫn toàn văn trong bài viết của Nnc. Nguyễn Đắc Xuân:

Trần Viết Điền viết “phản biện” công trình “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” của Nguyễn Đắc Xuân trong tâm cảnh nào ?

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/nguyendacxuan-phphantranvdien.htm

 

 

Trần Đại Vinh

 

Thêm một vài cứ liệu mới cho phép khẳng định lăng Ba Vành là lăng cũ của Lê Quang Đại

                                                                                    

            Tháng 2-1961, ở Sài Gòn, Tạp chí Bách Khoa số 99 đã công bố bài Lăng Hoàng đế Quang Trung của Nguyễn Thiệu Lâu, mở đầu cho việc thảo luận công khai về vấn đề lăng vua Quang Trung. Đó là một bài viết dưới dạng hồi ký kể lại chuyến đi tìm lăng vua Quang Trung vào năm 1941 của tác giả, do lời gợi ý của Linh mục L. Cadière: “Lăng Nguyễn Huệ ở miền núi phía tây Huế. Anh hãy tìm đi và tiến hành khảo cứu” (La tombeau de Nguyên Huê est dans la région montagneuse à l’ouest de Hué. Cherchez le et vous enferez une étude). Linh mục dùng chữ phía tây Huế (à l’ouest de Hué), Nguyễn Thiệu Lâu cho là nhầm, mà phải là phía nam Huế. Sau đó, ông đi điền dã và tìm thấy một ngôi lăng hoang phế, có ba vòng thành khá lớn hình tròn, nấm mộ xây bằng vôi mật, có một lỗ hổng nhỏ, có bia đá mà chữ bị búa rập đi, nằm tại phía nam Tu viện Thiên An. Qua cảm nhận của mình ông đã đinh ninh đó là lăng vua Quang Trung.

 

            Sau khi đọc bài này, Bửu Kế đã lên Thiên An khảo sát và công bố bài Từ lăng Sọ đến lăng Ba Vành (Bách Khoa số 102, ngày 1-4-1961). Trong đó, ông nói qua về việc Quang Trung cho đào mồ mả, lăng tẩm của các chúa Nguyễn cùng như lăng thân phụ vua Gia Long và việc vua Gia Long lại khai quật lăng mộ Tây Sơn. Tác giả đã mô tả về lăng Ba Vành, trong đó đáng lưu ý là đoạn ghi nhận này: “Giữa bức thành và ngôi mộ lại có cái bàn thờ xây bằng gạch, phía trước có một cái bia nhỏ để bốn chữ  “sơn nhạc chung linh”. Và quan trọng hơn, ông đã đưa ra một tài liệu lưu trữ ở Thư viện dòng Thiên An, nơi Linh mục L. Cadière đã tặng biếu sách vở, di cảo của mình. Tài liệu đó gồm một bức thư của L. Cadière gởi R. Orband, đang giữ chức Hội lý Hộ và cũng là trợ bút tập san BAVH:

 

            "Nhờ bộ Lễ hỏi giúp làng Cư Chánh: Ai đã chôn trong lăng gọi là lăng Ba Thành? Tại sao người chôn trong lăng ấy lại bị đào và đốt đi? Ngôi mộ chôn lại sao cũng trong lăng đó là của người nào ? Và vì sao bia lại bị búa rập?".

 

            R. Orband đã phúc đáp bằng một dòng viết thêm vào bức thư của L. Cadière: «Thưa cha, sau đây là những điều mà tôi hỏi được». Câu trả lời đó đính kèm một văn bản của bộ Lễ triều đình Huế, như sau:

 

            "Tiếp Hộ chánh tòa Hội biện quan đại nhân hỏi sự tích mộ Ba Vành và con cháu hiện nay ở xứ nào, Bộ tôi đã tư Thừa Thiên phủ chuyển hỏi làng Cư Chánh. Nay cứ xã ấy khai rằng: Ngôi mộ chôn ai và con cháu thuộc xã thôn nào thì chưa được rõ, chỉ biết mộ ấy là mộ xưa, nguyên đắp ba lớp thành, tục xưng Ba Vành, bỏ phế đã lâu, chỉ lưu lại một tòa bia đá, tự tích bị phá hủy. Năm Thành Thái thứ 13 (1901), Lý trưởng lúc bấy giờ là Nguyễn Bút (nay đã chết) cho Cơ Mật viện Thừa biện Võ Bá Khương (nay Chủ sự Phụ chính phủ) đem thân nhân vào chôn trong lăng ấy.

 

            Bộ tôi hỏi viên Chủ sự Võ Bá Khương thì viên ấy khai rằng: “Ngôi mộ Ba Vành là của Chánh dinh Hộ bộ kiêm Binh bộ tặng Tá lý công thần đặc tiến Trụ quốc Kim tử vinh lộc đại phu Chính trị thượng khanh Ý đức hầu Lê quý công chi mộ".

 

            Có một người làng Đồng Di là Đinh Như Nghi khai rằng năm Thành Thái thứ bảy (1895). Con cháu của ngôi mộ là Lê Xuân (nay đã chết) cải táng hài cốt trong mộ đem qua chôn ở núi Ngự Bình (...).

 

            Đinh Như Nghi khai thêm rằng: «Lúc Lê Xuân cải táng hài cốt ở mộ Ba Vành đem sang chôn ở núi Ngự Bình bị dân làng Cư Chánh nghiêm trách dữ dội, nên Lê Xuân hoảng sợ bỏ làng vào ở tại Đà Nẵng làm nghề thợ thiếc, nay đã từ trần».

 

            Từ tài liệu trưng dẫn đó, Bửu Kế kết luận: “Theo những tài liệu trên này ta có thể tạm tin rằng lăng Ba Vành không phải là lăng vua Quang Trung».

 

            Đến năm 1974, trên Tạp chí Đại Chúng số 1 ở Huế, Hồng Hoài Lê Văn Hoàng đăng bài Nói về lăng Ba Vành trình bày việc phát hiện tập hồ sơ trong dịp sưu tầm, phân loại lập sách thủ ở Viện Văn hóa năm 1940, mà ông làm thư ký hội đồng. Hồ sơ bao gồm bản sao thư của L. Cadière gởi Orband, tờ phúc bẩm của Lý trưởng làng Cư Chánh, và tờ khai của Đinh Như Nghi. Chỉ có một số sai khác về năm tháng và tên người được chôn: năm Ất Tỵ (1905), Lê Xuân cải táng và Võ Bá Khương đem chôn thân nhân là Chính dinh Hộ bộ kiêm Binh bộ.

 

            Từ đó ông kết luận: «Xem đó, chúng ta thấy rõ theo những tài liệu trên đây, thì ngôi mộ Ba Vành chắc chắn trăm phần trăm không phải là ngôi mộ của Quang Trung mà cũng không phải là ngôi mộ của chúa Nguyễn như chúng ta đã lầm tưởng lâu nay». 

 

            Sau giải phóng, từ năm 1982 có các bài viết của các tác giả Đỗ Bang, Phan Thuận An và Mai Khắc Ứng tiếp tục xác nhận lăng Ba Vành là lăng Lê Quang Đại.

 

            Năm 1983, qua tập khảo luận « Lăng » vua Quang Trung ở đâu, gửi cho Tỉnh ủy Bình Trị Thiên và Viện Sử học Hà Nội, Nguyễn Hữu Đính chứng minh lăng Ba Vành thực chất là lăng vua Quang Trung được triều Quang Toản ngụy trang dưới tấm bia của Lê Quang Đại.

 

            Đến năm 1988, Trần Viết Điền đã công bố một phần công trình của mình trên Sông Hương số 30, luận giải lăng Ba Vành là lăng Quang Trung. Cách lập luận của anh khác cụ Đính, ở chỗ anh xác định lăng ấy không phải là ngụy trang dưới tên Lê Quang Đại mà ngôi bia vốn đề danh hiệu vua Quang Trung, nhưng bị người sau hủy phá. Chính ý kiến của anh Điền đã thu hút một số người nghiên cứu trở lại tìm hiểu lăng Ba Vành.

 

            Qua khảo sát thực địa, chúng tôi thấy đó là một lăng có một số yếu tố hình thức dễ khiến người khác ngỡ là lăng vua Quang Trung, như:

 

            - Bia bị băm xóa chữ, 

            - Nấm mộ bị đào một góc,

            - Qui mô lăng khá lớn...

 

            Nhưng đi sâu nghiên cứu thì vấp phải những vấn nạn chứng tỏ đó không thể là lăng vua Quang Trung.

 

            Một là yếu tố chính sử triều Nguyễn về việc quật phá lăng mộ vua Quang Trung của Gia Long.

 

            Đại Nam liệt truyện ghi rõ:

 

Thị đông xa giá hoàn thành cáo miếu hiến phù, tận pháp trừng trị, quật phá Nhạc Huệ mộ, đảo khí hài cốt u kỳ đầu vu ngục thất...” (Mùa đông năm ấy, xa giá trở lại kinh thành làm lễ hiến phù cáo tôn miếu, trừng trị hết phép, đào phá mộ Nhạc Huệ, giã nát hài cốt rồi vứt bỏ, giam đầu của chúng vào nhà ngục).

 

            Nếu người nghiên cứu ý thức được ngòi bút chính xác chọn lọc của sử quan thời phong kiến, đặc biệt là triều Nguyễn ở Việt Nam, thì sẽ lưu ý đến những từ: tận pháp trừng trị, quật phá, có nghĩa là trừng trị đến mức tận cùng của pháp luật, khai quật và phá vỡ. Từ đó, có thể hình dung được rằng không thể tồn tại một ngôi lăng gọi là của vua Quang Trung với ba vòng thành như vậy và ngôi bia chỉ băm phá chữ. Nhất là nấm mồ không thể chỉ đào một góc để kéo quan quách của một hoàng đế mới chôn trong vòng mười năm.

 

            Cần lưu ý rằng trong bài chiếu làm lễ hiến phù, Gia Long đã tuyên bố: «Trẫm vì chín đời mà trả thù ».

 

            Hai là, kết hợp với các yếu tố thực tế và các lăng mộ của gia tộc Tây Sơn ở Nghệ An và Qui Nhơn đều bị khai quật, hủy phá đến mức chỉ trơ hố huyệt sâu, khiến người sau phải gọi là « giếng huyệt », đủ cho thấy lăng vua Quang Trung sau quật phá không thể tồn tại như lăng Ba Vành.

 

            Ba là, hai ngôi bia của lăng Ba Vành không thể tiêu biểu cho lăng một hoàng đế, chứ chưa nói là bia lăng vua Quang Trung.

 

            Về hình thức, ngôi bia trước mộ chỉ là một bia sa thạch được dùng nhiều ở thời các chúa Nguyễn (khi đất nước chưa thống nhất chưa thể lấy được đá Thanh), kích thước khiêm tốn (1m25 x 0m70 x 0m21), không hoa văn, không đầu triệu, không đường viền. Ngôi bia bên trái ngoài vòng thành hai cũng thế (0m96 x 0m54 x 0m15), chỉ cắt gọt ba mặt trước và hai bên còn nguyên mặt lưng vồ, đầy vết gọt đẽo thô phác. Mặt trước cũng không chạm đường viền, chỉ có hai gờ thấp ở hai mép. Hình thức đó không tương xứng ngôi bia lăng của hoàng đế do vị vua con lập để phụng tự.

 

            Về nội dung văn tự, chỉ cần thấy chữ « chi mộ », người nghiên cứu phải hiểu đấy không phải là bia lăng của hoàng đế, thân vương hay hoàng phi, vì với những đối tượng này phải dùng từ « tẩm » chứ không phải là “mộ”.

 

            Bốn chữ «sơn nhạc chung linh» (núi non un đúc sự thiêng liêng) ở ngôi bia trái, chữ viết đẹp, nhưng khắc cạn, chỉ chạm viền sâu quanh chữ. Có người cho là chữ dùng đế vương. Thật ra, thành ngữ đó cũng như thành ngữ «sơn nhạc chung anh» (núi non un đúc tinh anh) là một thành ngữ quen thuộc trong các văn bản cầu cúng, thờ tự ngày xưa của dân gian.

 

            Bản văn tế thần của làng Xuân Hòa, xã Hương Long, Huế, mở đầu bằng câu: «Sơn nhạc chung anh, hải hà dục túy». Câu đối thờ ở miếu Bà chúa Phổ Minh, xã Phủ Thượng, Huế ghi:

 

   "Sơn nhạc chung linh thiên thượng nữ

   Hoàng cư thanh giá ngọc trung nhân"

 

đều là những lời xưng tụng quen thuộc ngày xưa.

 

            Nếu cho ngôi bia này án thờ Thổ thần của lăng Ba Vành như mô tả năm 1961 của Bửu Kế là bia thờ vua Quang Trung thì rõ ràng Quang Toản đã phạm tội đại bất hiếu khi dùng tên húy của hoàng bá phụ Thái Đức hoàng đế (Nguyễn Nhạc).

 

            Không thể là lăng vua Quang Trung, vậy thì chủ nhân của ngôi mộ lăng Ba Vành là ai mà nấm bị đào một góc, bia bị băm chữ và qui mô to lớn như vậy ?

 

            Nếu chỉ căn cứ theo phúc thư của bộ Lễ Nam triều gởi cho Orband, thì có hai nguồn tư liệu xác nhận lăng đó là lăng Ý đức hầu Lê quý công.

 

            Một là Võ Bá Khương, Chủ sự phủ Phụ chính, người đã xin và đem thân nhân của mình chôn vào trong khuôn thành lăng đó...

 

            Hai là Đinh Như Nghi, người làng Đồng Di, cùng quê với Ý đức hầu.

 

           Thế nhưng có lập luận hoài nghi rằng có sự ngụy tạo trong hồ sơ này của bộ Lễ Nam triều. Ai ngụy tạo? Vào thời điểm nào? Bằng cớ đâu? Người nêu nghi vấn chưa thấy nêu cụ thể, hoặc nói là Phạm Quỳnh, hoặc nói là Sogny.

 

            Cần lưu ý về thời điểm phúc đáp của bộ Lễ. Căn cứ vào danh mục nhân sự [1] của Hội đô thành hiếu cổ thì R.Orband quản lý các sở hành chánh tại Huế, Chủ tịch Hội đô thành hiếu cổ từ tháng 9-1914, đã nghỉ hưu từ tháng 9-1919 và về Pháp làm chủ tịch danh dự đồng thời là đại diện tại Pháp của Hội.

 

            Hơn nữa, căn cứ vào chức Chủ sự phủ Phụ chính của Võ Bá Khương, thì muộn lắm hồ sơ này cũng lập trước thời Khải Định. Tuy không xác định được năm cụ thể, những hồ sơ này phải lập sau 1901 và trước 1916.

 

            Việc Đinh Như Nghi khai báo và trích sao gia phả họ Lê cũng bị hoài nghi. Thế nhưng như có người đã tìm hiểu qua thân nhân hiện nay của Đinh Như Nghi, thì được biết rằng Đinh Như Nghi “có làm thầy cò, thầy kiện, thường lui tới cửa quan”, nên việc ông ta sốt sắng khai báo, trích sao gia phả cũng không có gì lạ, chỉ là việc làm tâng công để được chiếu cố mà thôi.

 

            Còn việc Lê Xuân cải táng năm 1895, bị làng Cư Chánh nghiêm trách, như lời khai của Đinh Như Nghi, cũng bị hoài nghi. Nhưng nếu chúng ta biết rằng cha của Ý đức hầu chỉ là con nuôi của Tuấn đức hầu, ngoài ra còn có người con ruột, và dòng trực hệ của Ý đức hầu sau này đứt đoạn, chứng tỏ rằng Lê Xuân là con cháu trong hệ khác, xét về mặt huyết thống thực sự, không phải là thân ruột của Ý đức hầu. Và trong hoàn cảnh tha hóa trước đồng tiền, ông ta đã cải táng để lấy của chôn theo, cho nên tiến hành vội vã, nghi lễ không tương xứng, làm cho dân làng Cư Chánh sở tại nghiêm trách. Cũng chính vì thế mà không đủ điều kiện để mang bia, nên đành băm chữ, tạo nên nghi án cho đời sau.

 

            Ngôi bia bị băm tự tích đó, lại bị Võ Bá Đàm, con của Võ Bá Khương cho trét vữa xi măng để khắc thêm những dòng:

 

            ... “phủ quân chi mộ; Nhâm Tuất mạnh đông; tự tôn Võ Bá Đạm phụng lập” với hai chữ “Phú, La” ở trên hai góc, càng tạo ra nghi án. Chữ “la” bị hiểu là ám chỉ “thiên la địa võng”, quy là chữ mà Gia Long dùng để yểm. Và Nhâm Tuất được suy là 1802, năm Gia Long yểm mộ sau khi đã khai quật. Về điều nầy trong hội nghị về vấn đề lăng Quang Trung, tháng 9 vừa qua [2]  tại Huế, chúng tôi đã đưa ra kiến giải: Hai chữ Phú, La ở góc trên bia là ghi chữ đầu của tên huyện và tên làng của Võ Bá Đạm. Nhâm Tuất là năm 1922. Kiến giải đó bị xem là suy diễn. Thế nhưng, tháng 10 vừa qua chúng tôi đã tìm ra dòng họ của Võ Bá Khương tại làng La Ỷ, huyện Phú Vang, nay thuộc xã Phú Thượng, thành phố Huế.

 

Võ Bá Khương sinh năm Tân Mùi (1871), mất năm Đinh Tỵ (1917), từng trải qua các chức vụ: Thừa biện viện Cơ Mật, Chủ sự phủ Phụ chính. Hồng lô tự khanh, là người đã xin và đem chôn tiên nhân của mình vào trong khuôn thành lăng Ý đức hầu.

 

Võ Bá Đạm là con trưởng của Võ Bá Khương, sinh năm Ất Mùi (1895), mất năm Quý Mùi (1943) hàm Hàn lâm viện biên tu, là người đã cho trét vữa xi-măng lên ngôi bia cũ của Ý đức hầu để khắc dòng chữ “Phú, La”... “phủ quân chi mộ”, “Nhâm Tuất mạnh đông”, “Tự tôn Võ Bá Đạm phụng lập”. Đồng thời, trong khi khảo sát thực địa những lăng mộ của gia đình Võ Bá Khương chúng tôi phát hiện thêm một cứ liệu thú vị nữa là: Một số mộ tiên nhân của gia tộc này chôn ngay trước (tiền đoạt hướng) các lăng mộ lừng danh là “cát địa” của người khác. Dòng chữ bia cũng đều ghi đúng quy cách “Phú”, “La”, trên góc với năm tháng “Nhâm Tuất mạnh đông”, “Võ Bá Đạm phụng lập”. Bởi tháng 10 âm lịch (1922) là thời điểm Võ Bá Đạm tiến hành dựng bia cho nhiều ngôi mộ trong gia đình mình. Ví dụ hai bia mộ tằng tổ khảo, tằng tổ tỉ của Võ Bá Đạm ở núi Kim Lung. Điều đó chứng minh rõ ràng sự kiện Võ Bá Khương từ năm 1901, đem chôn thân nhân của mình là có thực, từ đó xác định rằng hồ sơ phúc đáp của bộ Lễ là chân thực.

 

            Cũng nên lưu ý là lời khai của Võ Bá Khương không xác định được Ý đức hầu tên gì, ở đâu. Điều này lại chứng tỏ Võ Bá Khương không quan hệ gì với Đinh Như Nghi, và ông chỉ biết được lăng Ba Vành và lăng Ý đức hầu chính là do ông đọc được qua tự tích đã bị Lê Xuân băm phá ở ngôi bia lăng Bà Vành vào năm 1901.

 

            Lời khai của Võ Bá Khương hoàn toàn phù hợp với một văn bản lâu đời đó là Hương phổ làng Đồng Di, lập đời Gia Long và phụng sao năm 1969 [3]. Hương phổ ghi đầy đủ chức tước của Lê Quang Đại, nhưng lại không rõ tên húy của ông là gì và mộ táng ở đâu.

 

            Hai cứ liệu này đã đủ để xác minh lăng Ba Vành là lăng Lê Quang Đại, nếu như dòng chữ bia đá ấy không đọc ra. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm được một việc hơi thừa là đã đọc ra dòng văn bia nguyên thủy đó. Chúng tôi đã trình bày cách đọc trong hội nghị về Quang Trung vừa qua, nay chỉ xin tóm lược.

 

            Vết khắc chạm dòng chữ nguyên thủy là vết sâu nhất. Vết búa rập chỉ băm phá mặt ngoài của các nét chữ, chứ không xóa hết đáy sâu của chữ nhưng lại bị người sau trét lên một lớp vữa xi măng. Đến nay, mưa gió đã bào mòn cạn dần lớp vữa và làm cho đường vữa giáp mép chữ rạn nứt tạo thành đường viền từng nét chữ, từ đó cho phép bất cứ ai quen kiểu chữ triện viết lồng bia có thể hình dung các đường nét mà nhận ra mặt chữ. Dòng chữ nguyên thủy ở bia ghi được như sau:

 

            - Mặt chính: “Việt cố Hộ bộ kiêm Binh bộ, tặng Tá lý công thần đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Chính trị thượng khanh Ý đức hầu Lê quý công chi mộ”.

            - Mặt phụ: “Cảnh Hưng thất niên tứ nguyệt sơ bát nhật...”.

 

            Chính sự phù hợp giữa hai cứ liệu:

            1. Lời khai của Võ Bá Khương;

            2. Hương phổ của làng Đồng Di với cứ liệu gốc cụ thể: ngôi bia lăng Ba Vành

tự thân đã cho phép khẳng định: LĂNG BA VÀNH là LĂNG MỘ CŨ của LÊ QUANG ĐẠI của làng Đồng Di, huyện Phú Vang cũ, Hộ bộ kiêm Binh bộ tại Chính dinh Phú Xuân, thời chúa Nguyễn Phúc Khóat, mất vào mùa đông năm 1745, được dựng bia ngày 8 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ bảy 1746.

 

            Gần đây, có giả thiết cho rằng lăng mộ Lê Quang Đại là ngôi lăng sau miếu khai canh làng Xuân Hòa, xã Hương Long, Huế. [Nhưng] Chỉ cần lưu ý dòng bia ngôi lăng ấy ghi: Bổn thổ Hộ bộ kiêm Binh bộ Thượng thư hành hạ Thuận Hóa Quảng Nam đằng xứ, cũng đủ thấy bia ấy chỉ thị một nhân vật sống trước thời Lê Quang Đại, cụ thể là đời Lê, thay mặt nhà vua đi kinh lý, xem xét (hành hạ) hai xứ Thuận - Quảng.

 

            Lăng Ba Vành chính là lăng mộ cũ của Lê Quang Đại. Vậy chúng ta phải tìm phế tích lăng vua Quang Trung ở chỗ khác. Chúng tôi đi đến kết luận lăng Ba Vành là lăng Lê Quang Đại không chỉ có ý nghĩa xác định chủ nhân của lăng này mà chính là để chúng ta khỏi giẫm chân vào một địa chỉ nhầm lẫn, phải vượt qua nó, mở rộng địa bàn tìm kiếm khảo sát nhằm truy cứu một địa điểm đã từng là lăng tẩm vua Quang Trung.

            Theo thiển ý, địa điểm đó phải thỏa mãn điều kiện ắt có sau đây: là một nơi có dấu tích khai quật, tàn phá còn dấu vết hố huyệt sâu, chung quanh có đá, gạch, ngói, vỡ nát từ những công trình kiến trúc của lăng bị tàn phá như điện thờ, bi đình, bái đình, nhà hộ lăng...

 

            Để có thể tìm được một điểm như thế, chúng ta cần mở rộng sưu tầm, điều tra trong dân gian, và điền dã trên thực địa. Đề nghị cơ quan hữu trách phát động cuộc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung trong giới phụ lão và nông dân tại bốn xã vùng gò đồi của Huế: Thủy Xuân, Thủy An, Thổ Bằng, Hương Thọ và phường Trường An.

 

            Trong phạm vi thông báo một kiến giải về vấn đề lăng tẩm vua Quang Trung, chúng tôi đã trình bày thiển kiến của mình. Điều đó không có nghĩa chúng tôi chỉ biết lập luận của mình mà không xem xét kiến giải của chiều hướng khác. Nếu cần góp ý đầy đủ về kiến giải đó, chúng tôi xin trình bày nơi khác. Riêng ở đây để bớt ngộ nhận, tôi xin góp ý một ý nhỏ về cách khai thác bài thơ Khâm vãn Đan Đương Lăng.

 

            Anh Trần Viết Điền, trong bài Lý giải của công trình nữa thế kỷ, Sông Hương số 30, đã xây dựng cơ sở lập luận của anh qua sự cảm nhận của anh về bài thơ Khâm vãn Đan Đương Lăng của Ngô Thì Nhậm.

 

            Người nghiên cứu nắm vững chữ Hán, và kết cấu thơ Đường luật có thể thấy bài thơ đó không phải là một bài thơ mô tả lăng vua Quang Trung, mà chỉ là một bài thơ trữ tình nói lên sự ngưỡng vọng, hoài niệm vua Quang Trung của một cận thần.

 

            Đây là một bài có nhan đề dễ gây ngộ nhận, nhất là lại được dịch là: “Kính viếng Lăng Đan Đương”. Nếu không chú ý, dễ ngỡ rằng bài thơ làm sau khi đi viếng thăm lăng. Thật ra, từ “vãn” ở đây có nghĩa là “ai điếu, viếng người chết”. Và trong cách gọi của tác giả, phải hiểu cụm từ “Đan Đương Lăng” là biểu trưng cho vua Quang Trung đã quá cố. Vì thế phải hiểu thực chất của bài là “Kính hoài niệm vua Quang Trung”. Thực chất đó đã được Ngô Thì Nhậm trình bày trong lời tiểu dẫn. Ngô Linh Ngọc dịch như sau:

 

            “Đại để vua tôi chủ ở nghĩa, cha con chủ ở ơn, cái luân lí lớn của đạo làm người thì chỉ là một. Nhưng vua biết tôi, cha biết con, đối với sự cảm kích cái ơn, nghĩa lại phải thế nào? Bài thơ trước của tôi có câu... “vọng Đan Dương” do bởi được đề cử đi sứ mà thành thơ. Nay được thơ của ông (chỉ Phan Huy Ích) lại chợt có cảm nghĩ: gần đến ngày giỗ của ông thân tôi, bồi hồi xót thương làm được hai bài Khâm vãn và Cung ức theo nguyên vần trình ông xem”.

            Mặt khác câu thơ mà anh Điền viện dẫn lại là câu thứ 2 trong cặp luận: "Trắc giáng hoàng linh khâm tại tả”, được anh hiểu là : "Anh linh nhà vua lên xuống ở bên trái", là một cách hiểu không phù hợp với cú pháp và tinh thần câu thơ. Nó chỉ có nghĩa là: "Anh linh nhà vua lên xuống, tôi kính cẩn ở bên trái". Câu cuối mà anh khai thác để quy kết rằng nó chỉ thị cấu trúc của lăng vua Quang Trung theo quẻ Khôn ... lại phải hiểu trong toàn bộ câu kết:

 

      Tài bồi thiên đức lư thù báo,

      Khôn đạo vô tha lợi trực phương

 

            Có nghĩa là: "Đức trời (đức của nhà vua) bồi đắp (như thế) phải nghĩ tới sự báo đáp. Tôi nguyện theo đạo của quẻ Khôn, không gì bằng trung trực, đoan chính".

 

            Đó là câu kết nói lên sự báo đáp ơn vua bằng cách giữ mình ngay thẳng.

 

            Từ việc khai thác xa rời nội dung một bài thơ hoài niệm, tán dương công đức vua Quang Trung, để suy luận đó là một bài thơ ám thị về cấu trúc, phương hướng lăng vua Quang Trung, anh đã đi đến việc lập một mô hình lăng trong dự tưởng, rồi đối chiếu với cấu trúc lăng Ba Vành, và cho là phù hợp lẫn nhau. Những viện dẫn tiếp theo như dịch học, phong thủy... cũng là những luận giải đầy nhiệt tình nhưng không kém mơ hồ.

 

            Cách đặt vấn đề trong bài viết trên có thể là một cách mới, nhưng từ nền tảng của luận cứ đã không chính xác để dẫn người nghiên cứu đi quá xa sự thực một cách vô tình mà không tự biết. Hãy trả lại bài thơ hoài niệm xót thương của Ngô Thì Nhậm trở về với nỗi bồi hồi xót thương chân chúa của ông.

                                                                        

                      Huế, tháng 10 năm 1988

Trần Đại Vinh

 

Chú thích 

[1]. Le Bulletin des Amis du Vieux Hué 1914-1923, H. 1926, p.302.

[2]. Năm 1988.

[3]. Bản sao do các tộc trưởng Phạm Quang Chăn, Lê Quang Thức và Đinh Như Tào ký.

 

 (Trích từ phụ lục: Nguyễn Đắc Xuân, “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung”, Nxb Thuận Hoá, Huế tháng 10-2007, từ tr.235 đến tr.248).  

 

 

(WebTgTXA. nhận từ Nnc. Nguyễn Đắc Xuân qua Gmail, 01-12 HB7)

 

 

 

Các bài liên quan:

 

1. http://tranxuanan-giaoluu-nnct-nguyendacxuan.blogspot.com/

2. http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/nguyendacxuan_sach-quangtrung.htm

3. http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update

4. http://tranvietdien.x10hosting.com/Phan_bien_GTNDX_TVD.html

5. http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/thutraodoi-langmoquangtrung.htm

6. http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/nguyendacxuan-bve-lmoqtrung.htm

7. http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/trandaivinh_langbavanh.htm

 

Sách điện tử về lịch sử để tham khảo:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/sachlichsu

 

 

 

 

Trở về

 

THÔNG BÁO CẬP NHẬT Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update

 

TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

&

trang mục lục Giao Lưu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

TRANG "NGÀN WEBs CỦA NGÀN NHÀ":

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/webcacnha

Trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

Host: GOOGLE PAGE CREATOR

Ngày đưa trang này lên web: 01-12 HB7 (2007)