j. Trần Xuân An - Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Tệp 10 / tập I

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

07/01/09

           

 

TẬP I

 

 

Tệp 1

 

Tệp 2

 

Tệp 3

 

Tệp 4

 

Tệp 5

 

Tệp 6

 

Tệp 7

 

Tệp 8

 

Tệp 9

 

Tệp 10

 

Tệp 11

 

Tệp 12

 

Tệp 13

 

Tệp 14

 

Tệp 15

 

Tệp 16

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                               

  

Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

 

Trần Xuân An,

nội hậu duệ thế hệ thứ năm.

 

 

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

Xem:

Tạp chí điện tử Giao Điểm tháng 11-2005:          

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm

Blogger (Google) tháng 12-2005

http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/

   & các trang tiếp theo: … 2a … 2b … 2c …

 

 

 

 

TỆP 10

Phân đoạn 3

Truyện kí thứ năm

 

TRẦN XUÂN AN

 

BANG BIỆN KHÂM PHÁI HUYỆN THÀNH HOÁ VÀ NHÀ NGOẠI GIAO CHỦ CHIẾN

 

Truyện kí thứ năm

(phân đoạn 3)

 

      9

      Cuối hạ tuần tháng năm, Đinh mão (19.05 nguyệt lịch, 20.06.1867), những ngư dân và các gia đình sống trên sông nước ở bến thuyền Vĩnh Long thấy xuất hiện nhiều tàu chiến Pháp sau những loạt súng trường và đại bác nổ ở phía cửa biển.

      Nhân dân và binh lính nháo nhác, chuẩn bị tản cư. Nhìn cảnh tượng đó, quan kinh lược sứ Phan Thanh Giản lập tức ra lệnh trấn tĩnh dân chúng và quân binh. Ông cho người xuống bến thuyền để gặp người Pháp. Pháp cũng đã chuẩn bị một phong thư viết bằng chữ Hán. Chúng trao cho lính của kinh lược sứ. Họ tức tốc phóng ngựa về thành luỹ Vĩnh Long.

      Phan Thanh Giản bóc phong thư niêm kín, bối rối đọc. Thì ra, bọn Pháp ở phủ suý Gia Định nhắc lại, chúng đã nhiều lần cho sứ giả đến kinh đô Huế thương thuyết, để triều đình Đại Nam giao hẳn cho chúng ba tỉnh Miền tây Nam Kì, nhằm vun đắp “tình hoà hiếu lâu dài (!)”, nhưng nước ta không đồng ý (49). Nay bọn Pháp cũng vin vào cớ cũ rích của chúng là nhân dân lục tỉnh thường xuyên “quấy rối” (nhân dân gọi là “khởi nghĩa”) chống lại chúng, để buộc Phan Thanh Giản giao ngay cho chúng Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

      Kinh lược sứ Phan Thanh Giản biết rõ ý định của chúng từ rất lâu: kế tằm ăn lá dâu, người ta hay dùng chữ Hán là “tàm thực”. Chúng những muốn nuốt trọng cả sáu tỉnh Nam Kì từ trước, nhưng khó bề một lúc lại nuốt gọn. Do đó, chúng tính toán phải nuốt ba tỉnh Miền đông (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường) trước. Nuốt được ba tỉnh ấy, chúng hoàn toàn cô lập ba tỉnh Miền tây, nhất là khi hai năm sau (1864) chúng nuốt được Cao Miên với chiêu bài “bảo hộ”, thực chất “mọi việc đều do nước Phú Lãng Sa trông nom, tô thuế sai quan coi thu rất nặng” (62). Ba tỉnh Miền tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) nằm cheo leo giữa hai hàm răng cọp dữ là bọn Pháp.

      Không phải đến lúc này Phan Thanh Giản mới hiểu ra ông và cả Lâm Duy Thiếp đã ngu ngốc như thế nào khi đặt bút kí vào “hoà” ước Nhâm tuất (1862) và cũng vô ích biết bao khi triều đình nhiều lần đòi đổi ba tỉnh Miền tây để lấy lại ba tỉnh Miền đông, hoặc ít ra là lấy lại Biên Hoà, Gia Định, hoặc ít nữa cũng lấy lại được mỗi một Biên Hoà, và khỏi phải nộp hằng năm số tiền “bồi thường chiến phí” ngược ngạo và khổng lồ (51). Pháp biết chắc ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên “hình [thể] cách [lìa], [địa] thế cấm [ngặt]”, “cheo leo, trơ trọi” kia chúng chưa nuốt nhưng gần như đặt sẵn trước mồm cọp của chúng rồi. Chúng không ngu gì lại đổi chác, trả Miền đông lấy Miền tây. Phan Thanh Giản hiểu rõ, khi ông đặt bút kí “hoà” ước Nhâm tuất (1862) là vô hình trung ông đã kí vào giấy nhượng đứt cả sáu tỉnh. Hơn nữa chấp nhận “bồi thường chiến phí” là chấp nhận cho thực dân Pháp vét cạn kho tàng ngân sách của triều đình và bóp nặn hầu bao nhân dân, nghĩa là vô phương sắm sanh, chế tạo vũ khí, đạn dược cùng các thứ quân nhu khác để kháng chiến. Chưa kể điều khoản cho chúng tự do truyền “tả đạo” để mê hoặc nhân dân ta bằng thứ tôn giáo đã bị xuyên tạc nhằm tạo nội phản.

      Phan Thanh Giản trong mấy năm gần đây càng thấm thía cái được gọi là “hoà” ước Nhâm tuất (1862). Tất cả đại hoạ của nước Đại Nam khởi đầu từ “hoà” ước Nhâm tuất (1862) đó, cho đến khi mất luôn cả nước từ Cà Mau đến Nam Quan. Thế thì ba tỉnh Miền tây này đúng là đã mất từ năm Nhâm tuất (1862) kia, chứ đâu phải đến tháng năm năm Đinh mão (1867) này!

      Phan Thanh Giản đã già, không còn cưỡi ngựa được nữa. Ông ra hiệu cho lính hầu cận mang võng đến. Nằm trên võng, một phương tiện di chuyển khá sang trọng của quan chức già và các phú hào, ông bỗng thanh thản đến lạ lùng. Chẳng còn gì để bàn luận nữa! Ra lệnh cho quân binh chống cự lại Pháp ư? Vô ích! Cơ mật viện chả để nghị từ hồi tháng chín năm ngoái (1866) đó sao: “Tướng nước Pháp hoặc uỷ điều ước [mới], bức lấy ba tỉnh, thì đối với ta đã là vô tình, tưởng cũng không thể trách bằng giấy tờ [mà] được. [Việc chúng bức chiếm] chỉ khiến ba tỉnh ấy một lòng chống giữ, hoặc sinh việc ngại khác. Xin tư cho quan kinh lược không đánh nhau với quân Pháp, [mà] tự phải rút lui. [Khi] việc đã rõ ràng, thì lấy ngay việc ấy cũng đủ làm cớ để nói. Nếu người Pháp bức lấy tỉnh Vĩnh Long, thì còn hai tỉnh An Giang, Hà Tiên, có thể dời đóng, hoặc bị người Pháp bức lấy tất cả, thì tất phải chuyển về Bình Thuận để đợi lệnh triều đình. Đến khi ấy sĩ dân sáu tỉnh tức giận lũ lượt nổi lên, bấy giờ ta sẽ tuỳ cơ định liệu. Lũ tôi nghĩ đi nghĩ lại, sự thế đến thế, tưởng phải nên như thế” (52). Vua Tự Đức vẫn một mực dụ cho ông phải đòi lại cho được ba tỉnh Miền đông, không để mất thêm ba tỉnh Miền tây: “Trẫm ngày ngày mong tin ngươi thu lại ba tỉnh ấy, báo cho trẫm. [Lấy lại được] thì ngươi giả sử có chết cũng nhắm được mắt, trẫm [có chết] cũng yên tâm. Không thế thì [trẫm] cùng [với] ngươi cùng mang tội đến muôn đời, không bao giờ chuộc được. [Khi chết xuống] hồn vía không tan cũng làm hùng kiệt loài quỷ để mong báo [thù] mới hả. Nói đến đau lòng không thể viết được nữa. Tuy cách xa muôn nghìn dặm, [trẫm] như nói trước mặt ngươi. [Thế mà] ngươi còn không tin [lòng trẫm], tự để lụy hay sao? Từ sau có trông thấy, nghe tiếng [về việc gì] và trù tính việc gì đều tâu vào [tập tâu] cả, chớ lại [toàn quyền định đoạt] như trước” (54), (63). Đó là dụ của vua hồi tháng hai năm nay (1867)! Thật vô vọng!

      Xuống tàu chiến của giặc Pháp, Phan Thanh Giản cũng nói dăm điều may chăng vớt vát, mong chúng đừng cướp luôn kho tàng của ba tỉnh, để lấy đó bù vào số tiền phải nộp khoản “bồi thường chiến phí” năm nay (1.000.000 đồng bạc) (64). Ông lên võng về lại dinh. Giặc cũng đã ập vào bốn mặt thành. Ông ra lệnh cho quân binh không một ai được nổ súng, rút gươm chống cự giặc Pháp.

      Tướng Pháp liền chiếm gọn tỉnh An Giang vào ngày kế đến, hai mươi tháng năm (22.06.1867). Ba ngày sau, kể từ ngày mất Vĩnh Long, hôm hai mươi ba (24.06.1867), cũng không một tiếng súng, đường gươm, chúng nuốt luôn tỉnh Hà Tiên một cách rất khoẻ khoắn. Quan chức hai tỉnh đều bị bắt về thành tỉnh Vĩnh Long. Và Pháp cho tàu thuỷ chạy ra Huế báo tin cho triều đình biết (64)! Kẻ nhận nhiệm vụ báo tin ấy, lại chính là cố đạo Trường (Legrand de la Liraye) (65). Đó là tên thực dân đội lốt tôn giáo, trước đây cùng Charles Duval làm quân sư, cố vấn cho tên Pierre Tạ Văn Phụng ở Bắc Kì!

      Quan kinh lược sứ Phan Thanh Giản chỉ còn viết sớ trần tình, nhận lỗi, và xin gửi trả áo mão, sắc phong chức tước ra Huế. Ông quay mặt ra Huế, lạy tạ, nhịn ăn để chết.

      Vua cùng các quan bàn kế đánh giữ. Cứ ngỡ sự thể sẽ diễn ra y như dự kiến của Cơ mật viện: dân sáu tỉnh Nam Kì lũ lượt nổi dậy và triều đình lần này quyết tâm đánh bật bọn Pháp ra khỏi Nam Kì. Nhưng, rất tiếc là không một phản kháng nào! Tại sao? Phan Thanh Giản đã hiểu thị cho dân Nam Kì lục tỉnh thế nào? Đình thần chỉ mong vua xuống dụ cho quân binh các tỉnh chỉ tăng cường phòng thủ các tỉnh còn lại, từ Bình Thuận đến Cao Bằng, và giấu nhẹm nhân dân cả nước sự kiện đó.

      Thật ra, trong khi đó, nhân dân lục tỉnh Nam Kì “trông tin vua như trời hạn trông mưa” (66)! Nhà vua cũng chỉ biết bảo quan đạo Phú Yên (ở tả kì) cứ ứng xử bằng cách khuyên họ nên theo đúng phép tắc, khi được tâu rằng, giám mục, linh mục và tín đồ “tả đạo” kiêu ngạo, khinh lờn, xin đuổi đi! Khi được tâu tàu thuỷ Pháp do thám Bình Thuận, vua cũng đành phải bảo, cứ ứng xử cho “thản nhiên” (67)!

       Phải tự cứu lấy danh dự của mình, theo như lời khẳng khái và quyết liệt của Nguyễn Trung Trực, “bao giờ còn một ngọn cỏ mọc trên đất Nam Kì, thì Nam Kì vẫn còn người đánh Pháp”, phó đốc binh Lê Đình Đường đã lãnh đạo ba trăm nghĩa binh căn cứ Long Điền (thuộc tổng Bình Trị Thượng) phản công cuộc tập kích của thực dân Pháp (68). Lê Đình Đường hi sinh trong chiến thắng. Sự kiện lừng lẫy đó đã dẫn tới “sự nổi dậy của toàn thể dân chúng” Trà Vinh, như chính bọn Pháp nhận định. Ngay sau đó, Pháp tấn công Cầu Ngan, cũng kề Long Điền. Nghĩa binh xông thẳng vào đội hình giặc, phản công và rút lui. Nghĩa quân Trà Vinh còn kháng chiến chống Pháp đến những năm sau dưới sự chỉ huy của tán lí Lê Văn Quân, đề đốc Triều, đốc binh Say… “khiến cho người Âu sống ở đó phải kinh hồn táng đởm đến cực độ” (68) mà bọn Pháp phải ghi lại để nhớ!

 

      10

       Bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường lại được chỉ dụ của nhà vua cho người do thám hành tung của bọn Pháp ở sông Khung (Mê Kông), điều mà từ tháng mười một năm ngoái, Bính dần (1866), ông đã tâu vào kinh và có biện pháp khai hoang giữ đất. Thì ra, đoàn thực dân đi thám hiểm để thăm dò địa hình, lưu lượng và dân tình ấy nay đã đến Nghệ An! Thổ mục Trấn Ninh (Nghệ An), tên là Thiệu Ứng, ông ấy đã đi thám thính về, tâu vào triều: “Người Pháp đi đến đâu [cũng] vỗ về, hậu đãi nhân dân”. Dân tỉnh Quảng Bình tâu báo: “Người Pháp đóng [neo] thuyền ở bến sông Khung Giang; [tại] chỗ ấy [vốn có] đóng đồn [, trước đây vua] sai canh giữ nghiêm mật, thổ man không dám [cho] chúng đi” (69).

      Những tin tức về ba tỉnh Miền tây Nam Kì ập đến cùng với sắc dụ do thám bọn Pháp do tên Doudart de Lagrée và FranÇis Garnier cầm đầu không phải quá bất ngờ. Tuy có cái ông đã biết trước nhờ tin thám báo, nhưng cũng khiến Nguyễn Văn Tường bị chấn động trong đau xót và căm giận bọn Pháp quỷ quyệt, giở trò mua chuộc dân để cướp nước.

      Tình thế của Đất nước không còn có thể phản công trừng phạt lũ ngoại xâm nữa sao! Nguyễn Tri Phương còn nắm giữ Bộ Binh, Vũ Trọng Bình còn nắm giữ Bộ Lại, hai bộ quan trọng bậc nhất, cũng chả làm gì được nữa sao! Không thể được, nếu trên Tổ quốc Đại Nam này, ai cũng dễ dàng trao dân, trao Đất nước cho bọn thực dân rồi tự sát như Phan Thanh Giản, thì vận mệnh của Tổ quốc Đại Nam có còn tồn tại đến ngày nay với niềm tự hào như Loa thành, như lời thề Hai Bà Trưng, như ý chí Bà Triệu, như bài thơ Nam quốc sơn hà, như Hịch tướng sĩ, như Bình Ngô đại cáo, như câu nói khẳng khái và quyết liệt của Nguyễn Trung Trực?

      Nguyễn Văn Tường vẫn kiên trì kế hoạch ba điểm và sáu điểm của ông và Nguyễn Quýnh. Nó đã trở thành kế hoạch của triều đình, vua chuẩn y và cho triển khai. Ông đang chủ trì ở Thành Hoá này, nhưng luôn theo dõi các tỉnh từ Bình Định đến Nghệ An, xem các tỉnh ấy đã phân đoạn thượng đạo để phối hợp khai mở như thế nào. Đã nhiều lần ông với những người lính tuỳ tùng phóng ngựa vào Thừa Thiên, tiếp xúc, vận động đồng bào Cơ Tu ở A Sao, A Lưới, ra Quảng Bình, Hà Tĩnh bàn bạc với tổng đốc An – Tĩnh Hoàng Tá Viêm, với bố chính sứ Ngụy Khắc Đản, cả với thuộc cấp trực tiếp đang tiến hành. Ngụy Khắc Đản vốn là người thổ trước (người chính gốc địa phương) Nghệ An, vì tình hình lương – giáo cực kì mâu thuẫn ở tỉnh ấy, nhà vua phải đặc biệt sử dụng ngoài lệ hồi tị để giải quyết. Hồi tị là lệ không bổ nhiệm người chính gốc địa phương đảm nhiệm chức quan ở địa phương ấy, nhằm tránh được tình trạng thiên vị, khó xử, thiếu công bằng, khách quan. Nhưng, Ngụy Khắc Đản cũng như ông, trong trường hợp tình hình đặc biệt, phải ngoại lệ. Ngụy Khắc Đản cũng đang làm việc ở biên giới, lo mở thượng đạo xuyên Trường Sơn (70)…

      Ông mở tấm bản đồ, nhìn rõ biên giới nước ta ở vùng Quảng Trị đến Thanh Hoá, đất đai bản triều sát liền với sông Khung (Mê Kông). Những địa danh khởi đầu từ chữ Cam: Cam Lộ, Cam Linh, Cam Môn, Cam Cát… và Trấn: Trấn Ninh ở Nghệ An, Trấn Lao ở Thành Hoá này. Ông dừng mắt ở Động Phướn, Động Ba Màn và Núi Mang [Gông] (71). Hình dung những đỉnh núi cao chọc trời, thác liền thác đổ xuống như phướn trắng treo cao, tưởng tượng lại từ kí ức không thể quên một mảy nào các vách đá có vằn thớ, như sợi dọc sợi ngang của những tấm màn ngăn, những chiếc mùng tránh muỗi sốt rét, và ông liên tưởng lại những người tù khổ sai vốn là đầu mục giặc, mỗi lần đi làm ở công trường, ngang qua một vùng cây cối rậm rạp, khe động gập ghềnh đều phải mang lại gông, qua khỏi mới được mở ra, hầu như thành tục lệ (71).

      “Tìm người dũng cảm, nên tìm ở đám tội đồ”! Các sách binh pháp viết vậy. Vua Tự Đức cũng có lần nói thế (72). Ngẫm cho sâu mọi lẽ, quả thật là đúng, nếu ta biết “lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Nhưng phải biết phân loại những kẻ tội đồ, không biết phân loại là sẽ hỏng bét… Quan bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường thấy thương biết mấy, tiếc biết mấy những tội đồ như hai người học trò làng Tiên Lễ, làng Lệ Sơn của huyện Minh Chính, tỉnh Quảng Bình năm nào. Ông chợt muốn chữa lại câu binh pháp: “Tìm người dũng cảm, trí tuệ vượt người thường đương thời, nên tìm ở đám tội đồ”!

     Những ngày tháng sau sự kiện thực dân Pháp bức chiếm ba tỉnh Miền tây Nam Kì, vốn gây chấn động lớn trong tâm trí ông và bao người khác, vẫn phải trôi qua theo công việc cụ thể hằng ngày, những suy tư thường nhật! Trần Đình Túc vẫn phải ngày ngày lo khoi lại sông Vĩnh Định, tuyến đường thuỷ nối Thừa Thiên với Quảng Bình, chảy ngang qua quê nhà, nhưng lần này là khoi đền bù vì lần trước khoi thiếu kĩ thuật trị thuỷ (73)! Hoàng Tá Viêm cũng khoi thêm đường thuỷ từ cửa biển Quảng Tuần đến bến đò Linh Giang (sông Gianh), từ Man Khê đến bến đò Thuế Trường, Vĩnh Cảng ngoài Quảng Bình, Hà Tĩnh (74)…

      Sau trận bão tháng tám theo lịch mặt trăng (nguyệt lịch) ở các tỉnh phía Bắc và ở Thừa Thiên, Quảng Trị (75), khâm phái Nguyễn Văn Tường lại nghe tin triều đình đang tiến hành nghị xử vụ lục tỉnh Nam Kì! Vua Tự Đức ban dụ tiến hành nghị xử theo nhận định bước đầu của chính nhà vua:

      “Dụ rằng:

      Sáu tỉnh ở Nam Kì bị mất [là do]: Bọn Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Hạp, Phạm Thế Hiển, Nguyễn Bá Nghi đánh giữ bất lực để mất trước. Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp nghị hoà coi nhẹ, bỏ mất, hỏng ở quãng giữa. Kế tiếp lại lũ Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản vâng mệnh đi sứ lại không được công trạng gì, bỏ mất ở sau. Từ đấy về sau lũ Phan Thanh Giản, Trương Văn Uyển, Nguyễn Hữu Cơ, Trần Hoán nhân theo cẩu thả, hèn kém, mất ở sau cùng. [Nay] giao nghị xử ngay, chờ quyết định!” (76).

                            “Khâm thử (hãy kính vâng dụ này)”.

     Bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường dẫu biết sự thể nước mình cũng như Nhật Bản (các “hoà” ước 1842, 1858…) (22), cũng như Triều Tiên, Trung Quốc nhà Thanh, Tây Tạng, Ấn Độ, Xiêm, Miến, Hạ Châu (Mã Lai), Lữ Tống (Phi Luật Tân), cũng như các nước Hồi giáo Trung Á, Quách Nhĩ Kỳ (Népal), Bố Đan (Brutan), Triết Mạnh Hùng (Sikkim), Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư (Iran) (22)… Nhưng không thể không tiếp tục tiến hành kế hoạch thủ để chiến, phòng thủ để sẵn sàng chiến đấu, và chỉ có chiến đấu mới có thể giành lại nhân dân và một phần Đất nước ở Nam Kì. Nghị “hoà” chỉ là cầm cự, và cũng chỉ là cầm cự, hoặc chỉ sa vào ảo tưởng!

 

      11

      Vua Tự Đức rất đau xót và căm phẫn bọn Pháp về việc chúng bức chiếm ba tỉnh Miền đông hồi năm Nhâm tuất (1862), rồi mới đây (Đinh mão, 1867), lại bức chiếm cả ba tỉnh Miền tây Nam Kì. Nhà vua thấy cần phải chước nghị lại “hoà” ước Nhâm tuất (1862) để mong còn gỡ gạc lại hai tỉnh Biên Hoà, Gia Định!

      Chọn người để lập phái bộ, vua suy nghĩ, lấy ý kiến của các đại thần. Thượng thư Bộ Công Trần Tiễn Thành vừa thoát khỏi danh sách nghị xử, mặc dù ông ta bị nhóm chống đối nghị “hoà” Hồng Tập (1864) kết tội tử hình, chỉ đứng sau Phan Thanh Giản! Đó là một điều lạ. Nhưng ngẫm lại, cũng may cho Trần Tiễn Thành vì ông ta chỉ có vai trò thứ hai trong việc bàn thảo rồi đi đến nhân nhượng tục ước Aubaret (1864), tục ước “bảo hộ” lục tỉnh Nam Kì (77), mà đình thần, thân phiên thấy còn đáng quan ngại hơn cả “hoà” ước Nhâm tuất (1862), nên cuối cùng bãi bỏ, vẫn giữ nguyên “hoà” ước Nhâm tuất (78)! Khi tục ước Aubaret không thành thì Trần Tiễn Thành vẫn xem như được vô can! Vả lại, vua Tự Đức hình như có một thiên vị rất đặc biệt với kẻ chủ “hoà” này (79)!

      Do đó, Trần Tiễn Thành được chọn làm chánh sứ. Vua Tự Đức vẫn theo phương châm quân bình dịch học, muốn giữ tính cân bằng giữa “hoà” và thủ với chiến và thủ chăng, nên theo ý của chính vua và cũng theo đề nghị của Cơ mật viện, đình thần, nhà vua chọn bang biện huyện vụ Thành Hoá Nguyễn Văn Tường làm tuỳ biện. Vua Tự Đức vốn đã biết rất rõ về Nguyễn Văn Tường từ hồi ông còn làm tri huyện và phủ doãn, lại rõ hơn trong hai năm làm khâm phái bang biện gần đây.

      Vua Tự Đức gặp mặt hai sứ thần của mình với lời dặn kĩ lưỡng:

      “Nước ta giao hoà với nước Pháp có định ước cũ. Nay việc bờ cõi Nam Kỳ nên phải chước nghị. Giấy tờ đi lại không bằng bàn ngay trước mặt”. “Đi chuyến này không phải là toàn quyền. Mọi việc không được tự tiện quyết định. Theo từng khoản bàn định thế nào, [phải] biên rõ, [để] khi về trả lời” (80).

      Vua Tự Đức lại bảo các quan hội đồng biên [chép] đúng điều ước mới “để hoà hiếu được lâu dài” (!) (80). Sau đó, căn cứ vào chức trách được giao phó, nhà vua ban cho mỗi người một món bạc để chi phí riêng.

      Vua Tự Đức bảo Nguyễn Văn Tường:

      - Trẫm đã biết tiếng của ngươi từ lúc ngươi còn làm tri huyện ở Thành Hoá. Ngày ấy, thượng thư Vũ Trọng Bình hiện có mặt ở đây còn đảm đương chức phủ doãn kinh sư, họ Vũ đã chuyển trình cho trẫm nhiều bản tấu, sớ của ngươi. Sau này, lúc ngươi làm biện lí Bộ Binh, kinh doãn, rồi mới hai năm khâm phái bang biện gần đây, trẫm đã gặp mặt, đã đọc và phê tất cả các tấu, sớ ngươi đệ trình. Trẫm rất mong ngươi tiếp tục phát huy ngày càng cao, càng tài, chứ đừng thụt lùi lại. Như vậy là đã tri ngộ, chứ không phải là vị ngộ, chưa biết, chưa gặp. – Vua Tự Đức mỉm cười, lại bảo –. Trẫm luôn tâm niệm lời cầu hiền, cần tìm người hiền tài giúp nước, nhất là trong lúc khó khăn, cam go này, ấy là “ai tiến cử được người hiền tài, sẽ được thưởng hậu; kẻ nào che giấu người hiền tài, tất sẽ bị giết” (81)… Mong rằng ngươi đi sứ chuyến này sẽ không phụ ân tri ngộ của trẫm. Ngươi cố ra sức đàm phán bằng tất cả tài năng ứng đối giỏi xưa nay của ngươi… Nay ngươi đang bị cách tuột chức hàm, ta chỉ cho ngươi được làm chức năng tuỳ biện. Đây là trường hợp rất đặc biệt, phó sứ của sứ bộ một triều đình mà không có chức hàm nào tương xứng! Thường thường, theo lệ, ít ra cũng phải cho ngươi được mượn hàm tham tri!… Tuy vậy, vẫn cứ làm thật xứng với nhiệm vụ được giao. Ngươi hãy tuỳ theo bản điều ước dự thảo của trẫm và thân phiên, đình thần mà biện thuyết với bọn rợ Tây dương. Nhớ thật kĩ lời dặn của trẫm.

      - Tâu hoàng thượng, thần xin làm hết sức mình vì quốc thể và để đền đáp ân tri ngộ của hoàng thượng. – Nguyễn Văn Tường thi lễ và đáp tạ –.

      Theo ý vua, đây chỉ là cuộc đàm phán sơ bộ, sau đó sứ đoàn sẽ sang Paris, thủ đô nước Pháp, đàm phán tiếp. Nhà vua đã rút kinh nghiệm về Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp, hồi ấy, hai kẻ đó đã quá lạm dụng quyền hạn “toàn quyền đại thần”. Từ nay về sau, không thể “toàn quyền” như thế được!

      Ngoài ra, cần người thông dịch, phải đành tìm ở các tín đồ Gia Tô. Người được chọn là Nguyễn Đức Hậu, cửu phẩm hành nhân (82).

      Những ngày cuối tháng chạp nguyệt lịch năm Tự Đức thứ hai mươi, vì yêu cầu quá bức thiết của phía Pháp, không thể hoãn được đến sau Tết Nguyên đán, phái đoàn sứ bộ gồm khâm sai đại thần Trần Tiễn Thành, tuỳ biện Nguyễn Văn Tường cùng những người tuỳ tùng với một thông dịch viên đã lên tàu thuỷ chạy bằng máy hơi nước của triều đình, vào Gia Định. Tàu cập bến Vũng Tàu (bấy giờ vốn thuộc tỉnh Biên Hoà) vào ngày đầu năm mới, Tết Nguyên đán Mậu thìn, mùng một, tháng giêng (25.01.1868) (82).

      Đô đốc De Lagrandière đón tiếp sứ bộ một cách lịch sự. Biết đó chỉ là phép lịch sự trong nghiệp vụ ngoại giao, Nguyễn Văn Tường và chánh sứ của phái đoàn cảm thấy không khí thật gượng gạo, không thể không bày tỏ đây là một việc bất đắc dĩ. Cũng có người đã không thể kìm lòng, thốt lên những lời cay đắng.

      - Hình như các ngài có điều gì bận tâm phiền muộn? – De Lagrandière nói, khi y và hai sứ thần Đại Nam đang ngồi đối diện –.

      Người thông ngôn của y dịch ra tiếng Việt.

      - Làm thế nào để có thể vui, trong khi tình cảnh thật bất lợi và thất thế đối với chúng tôi! Chúng tôi chỉ có thể vui, không phải bận tâm phiền muộn, một khi ngài đô đốc De Lagrandière và nước Pháp của ngài thật sự công bằng! – Nguyễn Văn Tường thấy Trần Tiễn Thành hơi lúng túng, vội xin phép đỡ lời –.

      Người thông ngôn của ta dịch ra tiếng Pháp.

      De Lagrandière hơi nhếch bộ râu vàng hoe của y, nhưng kịp giấu nụ cười nhạt.

      Sau đó, bước vào buổi đàm phán thứ nhất.

      Trong buổi này, Trần Tiễn Thành tố cáo sự bức chiếm ba tỉnh Miền tây Nam Kì của Pháp. Cũng như mọi người, ông cho rằng Pháp đã vi phạm điều ước Nhâm tuất (1862). De Lagrandière lại giở luận điệu cũ rích và ngược ngạo. Y vẫn vin cớ nghĩa sĩ Nam Kì nổi dậy, nói theo ngôn từ của y là “bọn phiến loạn luôn quấy nhiễu” (82) và các quan Đại Nam luôn bao che, hỗ trợ “chúng”! Và do đó, y cũng như các nguyên suý Pháp tại Gia Định trước đây quyết tâm phải chiếm cứ ba tỉnh Miền tây Nam Kì ấy.

      Như phương án đã sắp xếp, phân công trước của vua Tự Đức và triều đình, trong buổi thứ nhất này, chỉ một mình chánh sứ Trần Tiễn Thành sẽ tranh luận với phía Pháp. Lập luận của chúng, ta đã rõ từ lâu. Lí lẽ của ta, chúng cũng không phải mới biết.

      - “Rằng các quan Đại Nam đã đoán trước từ rất lâu, trước khi sự việc xẩy ra lâu lắm, là sẽ không giữ được ba tỉnh Miền tây, [nhiều lắm cũng] chỉ còn giữ một thời gian rất ngắn nữa thôi, bởi vì đô đốc muốn bảo hộ xứ Campuchia mà lâu nay ông (83) vẫn đặt nhiều hi vọng. Đã thế thì sớm muộn gì ông cũng thấy việc chiếm ba tỉnh [ấy] là thuận tiện và rất có lợi, để dễ quan hệ với Campuchia và kiểm soát vương quốc này dễ dàng hơn. Tuy nhiên, triều đình Việt Nam được yên tâm phần nào vì lời lẽ của hiệp ước Nhâm tuất 1862. Hiệp ước này cho phép Đại Nam trông cậy vào sự bảo vệ của Pháp để giữ gìn ba tỉnh chống lại ngoại xâm bất cứ từ đâu” (82). – Chánh sứ Trần Tiễn Thành nói, và ông ta nói tiếp –. “Dù sao đi nữa việc đô đốc chiếm ba tỉnh [Miền tây Nam Kì] là sự đã rồi. Các quan Đại Nam không hề có chút oán hận nào đối với một sự việc mà họ đoán biết từ lâu. Tuy vậy, sự thật vẫn là: sự kiện ấy là tổn thất rất lớn cho Đại Nam…” (82). – Và chánh sứ Trần Tiễn Thành yêu cầu người Pháp phải tôn trọng sự công bằng và lẽ phải, từ đó sẽ đền bù cho Đại Nam một cách xứng đáng…

      - Các ngài có thể nói thẳng những gì các ngài và đức vua của các ngài yêu cầu! – De Lagrandière nhìn vào chánh sứ, phát biểu –.

      - Đức vua và triều thần chúng tôi mong các ngài sẽ trao trả lại tỉnh Biên Hoà!

      - Không thể được, thưa ngài chánh sứ! Chúng tôi chỉ đề nghị nước Đại Nam nhận số tiền đền bù là hai triệu đồng. Trong hiệp ước mới bản thân tôi đã đề nghị như vậy.

      - “Cái tiền bạc hữu hạn, còn thổ địa thì lại vô cùng” (82). – Trần Tiễn Thành nói nhanh –.

      De Lagrandière lại xoay qua luận điệu cũ, rằng không thể trả lại cho Đại Nam một tấc đất nào hết, vì “bọn phiến loạn sẽ lại quấy nhiễu”… Cuối cùng y đề nghị lại một điều đã có trong hiệp ước Nhâm tuất (1862), là sẽ giúp Đại Nam tiễu phỉ. Tiễu phỉ trên biển bằng tàu hơi nước chi phí không phải nhỏ!

      Thấy chánh sứ Trần Tiễn Thành đã hơi xiêu lòng, Nguyễn Văn Tường liền tỏ ý muốn nói, và ông nói ngay:

      - Tôi xin được phát biểu. – Tuỳ biện Nguyễn Văn Tường nói –. Về nạn giặc Tàu Ô trên biển, lực lượng thuỷ hải quân chúng tôi thừa sức để trừng phạt chúng (82). Thật không nên đem điều khoản đã có từ hiệp ước cũ để gọi là đền bù cho việc bức chiếm ba tỉnh Miền tây! Và xin trở lại vấn đề từ đầu, ai vi phạm hiệp ước Nhâm tuất ngay cả điều khoản này? Thử hỏi người Pháp đã giúp gì cho Đại Nam trong việc tiễu phỉ từ năm Nhâm tuất 1862 đến nay? Đó là chưa nói sự vi phạm bức chiếm ba tỉnh gần đây là quá tày trời…

      - Tôi xin sẽ chiết tính phí tổn của mỗi lần tiễu phỉ theo yêu cầu của Đại Nam. Và mặt khác, khi phía chúng tôi nhận được yêu cầu thì quá muộn. Tàu chiến Pháp đến nơi, chúng đã bị dẹp tan hoặc đã tẩu thoát rồi. – De Lagrandière nói –. Xin các ngài thông cảm.

      - Nói lại là không nên đem điều này để đặt vấn đề nữa! Chúng tôi hiểu ý ngài đô đốc De Lagrandière nói, phải chăng ngài muốn nhân việc đền bù bằng cách tiễu phỉ ấy mà yêu cầu được thường xuyên tuần tiễu trên bờ biển của chúng tôi chăng? Thế là các ngài đền bù một cách quá khôn ngoan, rất có lợi cho các ngài, và bờ biển chúng tôi lại bị vi phạm chủ quyền. Xin nhấn mạnh, như thế là Đất nước chúng tôi bị vi phạm chủ quyền lãnh hải! Xin chấm dứt việc bàn bạc vấn đề tiễu phỉ trên biển này. Chúng tôi chỉ muốn được giữ trọn vẹn Tổ quốc của chúng tôi, lấy lại cả sáu tỉnh Nam Kì, mà quan khâm sai toàn quyền Phan Thanh Giản lỡ kí nhượng ba tỉnh Miền đông một cách thất lợi và thất thế, hay yêu cầu thấp hơn là đổi ba tỉnh Miền đông lấy ba tỉnh Miền tây, hoặc giữ nguyên hiệp ước Nhâm tuất 1862, hoặc ít ra phải trả cho nước Đại Nam hai tỉnh Biên Hoà, Gia Định, chí ít cũng một tỉnh Biên Hoà! Chúng tôi vì yếu thế trước liên quân của các ngài, nên đành phải nhân nhượng, từ nhân nhượng này rơi xuống nhân nhượng khác một cách đau lòng. Các ngài phải biết dừng lại tham vọng bất chính!

      Buổi đàm phán thứ nhất đành phải tạm ngưng vì lí lẽ đanh thép của Nguyễn Văn Tường và chủ yếu là vì đã quá trưa, vượt giờ giấc quy định.

      Trong buổi đàm phán thứ hai, phía Pháp đề nghị cho một số “nhân sĩ” cam tâm làm tay sai cho chúng được vào bàn luận, trong đó có tên nhà thơ đã bị thi sĩ cử nhân Phan Văn Trị dùng bút chiến để vạch trần bản chất của y là làm nô bộc cho bọn ngoại xâm, ấy là tên đốn mạt Tôn Thọ Tường. Ngoài ra, còn có một số tên tay sai người Việt mới được thực dân Pháp đào tạo làm “viên chức” cho chúng (82).

      Ngay phút đầu, chánh sứ Trần Tiễn Thành giới thiệu tuỳ biện Nguyễn Văn Tường như một phó sứ và là nguyên phủ doãn kinh sư Thừa Thiên – Quảng Trị! Ông ta đề nghị những người tham dự đàm phán nghe Nguyễn Văn Tường nhắc lại các điều khoản của cái gọi là hiệp ước Nhâm tuất 1862 và các điều khoản trong hiệp ước dự thảo mà vua Tự Đức cùng thân phiên, đình thần đã biên soạn sẵn (82).

     Một cách khúc chiết và gãy gọn, tuỳ biện Nguyễn Văn Tường trình bày dõng dạc với một giọng nói và cách nói dễ gây thiện cảm cho mọi người. Trên môi ông luôn luôn có một khoé cười nhẹ, biểu thị bản lĩnh và tự tin. Khoé cười của sứ giả thuyết khách chỉ bất giác tắt đi, trong những khi thấy cần mở rộng các điều khoản cho dễ hiểu với giọng nói biện luận, ngữ điệu trở nên hùng hồn hoặc bi tráng. Nguyễn Văn Tường cũng nhắc lại những điểm thương lượng mà Trần Tiễn Thành quên, không nhớ hết. Thật ra, đó là những điểm Trần Tiễn Thành bị hớ hoặc quá chịu lép vế trước đối phương.

      - Quan chánh sứ của sứ bộ chúng tôi, Trần Tiễn Thành, trong buổi thứ nhất có nói: “Dù sao đi nữa, việc đô đốc chiếm ba tỉnh [Miền tây Nam Kì] là sự đã rồi. Các quan Đại Nam không hề có một chút oán hận nào đối với một sự việc mà họ đã đoán biết trước từ lâu”. Đó là một câu nói mà chúng tôi đã góp ý ngay cho chánh sứ Trần Tiễn Thành sau buổi đàm phán thứ nhất. Xin nói: Không thể là “chuyện đã rồi” được và càng không thể “không oán hận” một khi Tổ quốc chúng tôi bị xâm chiếm, và phải nhân nhượng, trót kí hiệp ước, rồi lại bị vi phạm hiệp ước! Do đó, những cái gọi là hiệp ước chỉ là giao ước trong thế yếu tạm thời và chắc các người Pháp đứng vào địa vị người Đại Nam chúng tôi cũng nghĩ là chúng chỉ có giá trị giao ước tạm thời. Mong rằng các vị hãy thử hình dung nước Pháp của các ngài bị xâm chiếm và bị bọn ngoại xâm buộc phải kí các hiệp ước như thế!

      - “Cá lớn nuốt cá bé”! Đời vốn thế, thưa ngài phó sứ Nguyễn Văn Tường! – De Lagrandière trắng trợn nói –.

      Những tên thực dân Pháp và các tên tay sai cho chúng thảo luận từng điều khoản của hiệp ước mới và chúng bác bỏ cả nội dung lẫn hình thức của văn bản dự thảo ấy!

      Trần Tiễn Thành chỉ còn biết nói bằng giọng điệu van nài thảm hại. Ông ta nhắc lại hình ảnh trong câu nói của vua Tự Đức hồi mới kí kết “hoà” ước Nhâm tuất 1862: một người cha mất con, con tìm về, lại bị buộc phải giao nộp cho kẻ bắt chúng (84) (82)!Người cha ấy là vua Tự Đức và con cái chính là nhân dân tìm ra tị địa Bình Thuận, là nghĩa binh Nam Kì. Nguyễn Văn Tường thấy đó là một hình ảnh cảm động mà chính ông cũng ứa nước mắt, nhưng vội kìm lại nỗi yếu mềm trước đối phương đang lạnh tanh những nét mặt sắt đá. Điều đề nghị cuối cùng của Trần Tiễn Thành là mong Pháp đồng thuận chính sách “bảo hộ” ở sáu tỉnh Nam Kì, thay vì chính sách thuộc địa do người Pháp trực trị. Với chính sách “bảo hộ”, quan Việt cai trị người Việt bằng pháp luật Việt, thu thuế cho Pháp, không thiếu một xu, như chính người Pháp trực tiếp thu (82). Với chính sách trực trị kiểu thuộc địa, và luật pháp của thực dân Pháp, nhân dân Nam Kì không thể chịu nổi sự hà khắc và nhục nhã (82). “Bảo hộ”, đó chính là nội dung tục ước Aubaret 1864! Trong thời điểm 1864 ấy, ta chưa bị mất cả ba tỉnh Miền tây!

      Tuỳ biện Nguyễn Văn Tường thấy đến thế là đã cùng cực ô nhục cho quốc thể. Đường đường sứ bộ của một nước có bốn ngàn năm văn hiến, từng đánh bại đế quốc Nguyên – Mông hung hãn bá quyền cả thế giới, lúc này lại phải van nài cho dân như thế. Nghĩa là cả quan lẫn dân đều làm trâu ngựa cho Pháp! Nhưng ông cũng chẳng biết làm thế nào được! Trong thời điểm Mậu thìn (1868) này, nội dung tục ước Aubaret 1864 lại xem ra còn dễ được sĩ dân chấp nhận tạm thời, vì mới xem ra, nhân dân Nam Kì đỡ tủi nhục hơn, theo cách nói thà người Việt làm đầy tớ người Việt, còn hơn làm đầy tớ bọn da trắng bạch tạng, bọn dạy người khác quên tổ tiên nguồn cội, chỉ biết tôn thờ Nhi Nhu (Giê Su, Jésus) xa lạ! Ông thấm thía một lẽ đơn giản: Phải chiến để đàm vì mọi đàm phán cũng vô ích nếu không có lưỡi gươm, viên đạn quân lực trên chiến trường làm hậu thuẫn.

      Tất nhiên De Lagrandière và những tên Pháp có mặt tại đó đều phản đối, bác bỏ đề nghị phương án “bảo hộ” cho lục tỉnh! Chúng đang hớn hở vì vớ bẫm túi tiền nhân dân Nam Kì, một phần nhét vào túi riêng mỗi đứa, một phần đưa về nước Pháp để tâng công, thăng chức. Bọn Pháp ở Paris đang cụng chén sâm banh (Champagne) trước chiến thắng trong việc xâm lược ba tỉnh Miền tây Nam Kì tại Viễn Đông, chiến thắng mà không tốn đến dăm, bảy viên đạn!

      Chúng không chấp thuận một nhân nhượng nào cho phía Đại Nam, ngoài việc De Lagrandière hứa hẹn với Trần Tiễn Thành rằng chúng sẽ chỉ giảm cho số tiền “bồi thường chiến phí” (82) khổng lồ và ngược ngạo, số tiền ta phải trả cho kẻ xâm lược ta, bắn giết ta, gây nên cảnh nồi da xáo thịt trong nước, và trước mắt là chúng uy hiếp, khống chế để bóc lột nhân dân Nam Kì, đồng bào ruột thịt của ta, tận xương tuỷ!

      Sứ bộ Đại Nam đã biết trước kết quả sẽ bằng không, nhưng biết làm thế nào được! Nguyễn Văn Tường chợt thấy nực cười đến muốn khóc lên trước cái gọi là nghị “hoà”!

      Sứ bộ lên tàu thuỷ về Huế vào những ngày đầu tháng hai theo lịch mặt trời, lịch Nhi Nhu (Jésus), 1868. Đó là những ngày Tết Nguyên đán chưa hạ cây nêu!

      Khi xuống tàu, một người dân ở bến thuyền nói như hét:

      - Trần Tiễn Thành! Nghe đây! “Người khách” thì lo làm khách, chớ tranh làm chủ! Nước Đại Nam này không phải thiếu người! Hãy nhớ thuyết chính danh định phận!

      Kẻ vừa bắc loa tay nói như hét ấy chạy nhanh vào chợ, biến mất. Toán lính toan chạy theo bắt lại, nhưng quan chánh sứ Trần Tiễn Thành chỉ lắc đầu, đỏ bừng mặt, nghẹn giọng, bởi ông ta biết chạy theo để bắt người ấy là vô ích! Là một người khôn ngoan, ông không muốn để cái sảy nẩy cái ung! Ông chỉ biết hăm doạ những người lính theo hầu cận phái đoàn với giọng rất khẽ:

      - Về kinh đô Huế, chúng mi đừng bao giờ kể lại chuyện ni nghe! Hãy liệu cho cái đầu trên cổ mỗi đứa chúng mi!

      Thật ra, chánh sứ hiệp biện đại học sĩ, thượng thư Bộ Công Trần Tiễn Thành còn ngầm răn đe những quan chức khác trong sứ bộ Đại Nam.

      Khi tàu thuỷ ra đến biển khơi, quan hiệp biện đại học sĩ cũng chẳng nói gì. Ông ta đăm chiêu nghĩ ngợi. Không phải lần đầu tiên ông nghe đến hai chữ “người Khách” hoặc “Hoa kiều”. “Kiều” có nghĩa là khách trú mà thôi. Chính bản thân ông và người Hoa, kể cả số người Hoa được gọi là Minh Hương, đều nói thế, và luôn tâm niệm “nhất thịnh phạn, bất vong cố quốc”, không bao giờ quên nước cũ, Tổ quốc của mình là Trung Hoa. Thế mà… Cứ hình dung người Đại Nam cho mình ở trọ, với sự xác định rõ chủ là chủ, khách là khách, bỗng dưng mình đòi làm chức này, vai nọ, thậm chí có nhiều kẻ còn khuynh loát trong nhà người ta! Vậy cũng thật khó coi, thật vô đạo lí! Nhưng, ông biết rõ có những Hoa kiều đã bảo nhau: “Đời mà! Ở đâu, kiếm chác được gì, cứ ở! Lúc nào kiếm chác được gì, cứ kiếm chác!”. Trần Tiễn Thành nhếch mép cười một mình! Ông cảm thấo”những Hoa kiều ấy thật đáng trách. Bản thân ông, ông tự nhủ, Tổ quốc mình là Trung Hoa, nhưng dân và nước Đại Nam này cho tổ tiên mình và chính mình làm khách trú, ở trọ, chỉ chừng đó thôi mình cũng phải sống cho đúng ân nghĩa. Và ông tự hỏi, sao mình và những Hoa kiều không giữ đúng thuyết chính danh định phận? Chính tuyệt đại đa số người Việt mới yêu Tổ quốc Đại Nam này của họ một cách sâu sắc nhất.

 

      12

      Thời điểm đàm phán bị Pháp bức ép, ngay ngày Tết Nguyên đán, chứng tỏ chúng thiếu tinh thần tôn trọng văn hoá của dân tộc khác. Nội dung cuộc đàm phán cũng không mang đến một kết quả nào. Thực dân Pháp chỉ muốn chúng hoàn toàn có lợi và ngày càng có lợi nhiều hơn!

      Non hai tháng sau, Trần Tiễn Thành bị giáng xuống một bậc, tả tham tri Bộ Công. Tuy thế, ông ta vẫn được giữ chức năng thượng thư bộ ấy (85). Nhưng Nguyễn Văn Tường lại được vua và thân phiên, đình thần đánh giá cao. Đó là nghị luận, bình xét về cuộc đi sứ, đàm phán vào dịp áp Tết và đúng ngày Tết cổ truyền mừng năm mới của nước ta.

      Vua Tự Đức thấy cần chủ động đặt vấn đề tiếp tục đàm phán, nhưng chưa biết phải tiến hành thế nào để khỏi tốn công vô ích.

      Phủ suý Pháp tại Gia Định từ sau ngày bức chiếm được ba tỉnh Miền tây Nam Kì, chúng đã dự thảo “hoà” ước mới, “định lại điều ước mới, đem tờ thay đổi đến bắt ta phải đóng ấn kí tên” (86) như Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp đã làm! Phủ suý Pháp còn đề nghị triều đình Đại Nam cử luôn sứ bộ cùng y sang Paris để định ước.

      Vua Tự Đức và triều đình đã thảo luận, đề ra mục đích của chuyến đi sứ này: Trong sáu tỉnh Nam Kì bị Pháp bức chiếm, phải biện thuyết thế nào để chúng trả lại ba tỉnh, đồng thời hoàn toàn bãi bỏ điều khoản về số tiền “bồi thường chiến phí” khổng lồ và ngược ngạo. Lần này, vua cùng đình thần cũng bàn việc đề cử. Thượng thư Bộ Lễ Nguyễn Văn Phong, người Tuy Viễn, Bình Định, có văn tài rất hứa hẹn là văn tài lớn nhưng thi hoài không đỗ (87), làm chánh sứ. Tả thị lang Bộ Lễ, sung làm việc ở Nội các Phan Đình Bình, người huyện Quảng Điền, Thừa Thiên, hội nguyên tiến sĩ khoa Bính thìn (1856) (88), làm phó sứ. Và bồi sứ, nhân vật thứ ba của sứ bộ, là bang biện khâm phái Thành Hoá, cử nhân Nguyễn Văn Tường, người vừa được gia hàm thị độc học sĩ (chánh tứ phẩm) trong dịp này. Sứ bộ không những sang thủ đô nước Pháp mà còn đi các thủ đô nhiều nước ở châu Âu, như Anh, Tây Ban Nha để vận động ủng hộ Đại Nam (86).

      Khi được chiếu chỉ triệu về triều phụng mệnh sung vào sứ bộ, Nguyễn Văn Tường đau lòng cảm thấy việc đó cũng chỉ vô ích. Với kinh nghiệm sau nhiều lần chứng kiến sự đàm phán ngoại giao ở Huế cũng như trực tiếp biện thuyết ở Gia Định vừa rồi, Nguyễn Văn Tường đã đau xót thấm hiểu, không chiến và thủ, sẽ không đàm được gì hết. Thắng lợi ở bàn đàm phán là do chiến và thủ có kết quả ở mặt trận. Nguyễn Văn Tường và mọi người, từ quan đến dân, đều hiểu điều đó. Đàm phán với ý thức giữ gìn quốc thể của một nước, không thể van nài, kêu xin bọn thực dân rũ lòng thương hại được. Chính trong dịp Tết Nguyên đán Mậu thìn (1868) vừa rồi, ông đã thấy tận mắt và thấm thía điều đó. Vả lại, đây là âm mưu của bọn tướng tá Pháp và tay sai của chúng tại Gia Định. Chúng chỉ mong triều đình nước ta kí vào “hoà” ước mới để chúng được hợp thức hoá chủ quyền trên cả lục tỉnh Nam Kì. Triều đình đã bị nhân dân Biên Hoà, Gia Định, Định Tường kết án là “khí dân”, bỏ rơi dân trong tay bọn cướp nước. Nay nếu bị mắc mưu chúng lại kí tiếp, thì chứng tỏ triều đình đã cam tâm nhượng đứt, nếu không muốn nói là “bán đứt” để mua thời gian cầm cự. Thực dân Pháp cầm được “hoà” ước mới, sĩ dân ba tỉnh Miền tây Nam Kì sẽ hết đường ăn nói với bọn chúng, không biết vin vào đâu để đấu tranh bằng hình thức này hay hình thức khác với chúng. Thực ra, sứ bộ không thể đàm phán theo mục tiêu của triều đình là buộc Pháp trả lại ba tỉnh trong sáu tỉnh và xoá bỏ khoản “bồi thường chiến phí” được! Muốn đàm phán đạt mục tiêu ấy, sĩ dân phải lũ lượt nổi dậy, quân binh triều đình phải tấn công đánh bại chúng ở nhiều nơi, với nhiều trận thắng. Nhưng, thực tế trận mạc là đáng buồn!

      Dã tâm của bọn phủ suý Pháp tại Gia Định là chúng chỉ muốn ép ta, lừa ta chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán mà thôi! Ai chẳng rõ điều đó. Nhưng hơn ai hết, Nguyễn Văn Tường quá hiểu điều này. Ông xác định rõ và còn phải xác định mãi: Nếu không chiến và thủ thì đừng đàm phán, thương thuyết làm gì! Chỉ tốn công vô ích. “Hoà” nghị để lấy lại ba tỉnh đã mất và khỏi “bồi thường chiến phí”, khoản “bồi thường” theo yêu cầu ngược ngạo của chúng, chỉ là ảo tưởng! Kinh nghiệm lịch sử đã bao đời đúc kết: Đấu tranh bằng phương thức “hoà” nghị, lấy lẽ phải, đạo lí để đấu tranh với tham vọng cuồng bạo là ảo tưởng, trong tình huống cán cân lực lượng, giữa chính nghĩa chống ngoại xâm là ta và phi nghĩa thực dân là địch, quá chênh lệch!

      Vào đến Huế, ông viết ngay bản sớ kính trình vua Tự Đức, với sự đồng thuận của Nguyễn Văn Phong, Phan Đình Bình:

     “Ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên đã vào trong bụng người, hình [thể] cách [lìa], [địa] thế cấm [ngặt], ta đã khó giữ được, mà người Tây cũng coi là vật ở trong túi. Năm trước Dô Du Anh Đê [-Luy] [Drouyn de Lhuys, ngoại trưởng nước Pháp – ct.] thường cùng Phô Na [Bonard – ct.] từng đến yêu cầu ta giao cho. Gần đây Gia Lăng [De Lagrandière – ct.] lại nói là sáu tỉnh ấy không thể cắt đứt được. [Xem thế] thì mưu kế thôn tính, tưởng [vua, tướng] nước ấy cùng hội bàn [với nhau] từ lâu. Tỉnh Gia Định hiện nay, sửa sang nền nếp đã thành, nước ấy mới lấy đấy làm thế trọng yếu. Tuy ta có phí nhiều lời khúc chiết, [chúng – ct.] đâu có chịu bỏ. Nếu [chúng] hư ứng [:vờ đồng ý], nhất thời nhường giả ít nhiều, rồi [chúng] lại bội ước mà lấy, tưởng cũng như việc tỉnh Vĩnh Long trước mà thôi. Huống chi sinh việc cầu công [:gây việc hòng lập công] là thói thường của quan ở biên giới [:biên thần; ở đây, chỉ tướng Pháp tại Gia Định thuộc Pháp – ct.], mà ghen công tranh giỏi cũng là lòng người tất có. Tướng Pháp mà còn ở lại Gia Định, thì sứ thần đến thẳng [Ba Lê (Paris) – ct.] làm việc quyền nghị, hoặc [:có thể] còn có cơ; nay hắn đến [Ba Lê (Paris) – ct.] trước, thêu dệt che đậy, [vua] nước ấy tất uỷ cho hắn cùng nói [:đàm phán] với ta. Nếu hắn vẫn [còn] có lòng tốt thì trong khi bàn nói ở Gia Định, tưởng [hắn] đã làm điều hay cho người, để ơn về mình, đâu phải đợi [sứ thần nước ta] đến nước ấy mà để cho người khác cướp mất cái tốt ư? Xem thư hắn gửi đến, thứ nhất thì nói rằng: không phải nói nữa; thứ hai thì nói rằng: có hắn ở đấy [:Paris] để cùng chước định; [xem thế,] thì ý cự tuyệt [hắn] nói kín đã rõ. Về việc [ta yêu cầu Pháp] nhường trả đất đai, mười phần đã khó dắt lời. Nếu hoặc nước Tây [:Pháp] đã lợi về đất đai, mà tha hết tiền bồi thường, thì đường đường sứ bộ một nước mà cầu xin chỉ có bốn mươi vạn (400.000) đồng! [Với chừng đó], không kể không đủ tiền phí tổn, mà ý kiến [về sự] nhỏ mọn [kia] đồn vang, e [rằng sẽ đến nỗi triều đình ta] bị nước láng giềng dòm dỏ [xem thường hoặc mưu thôn tính]. Sự tình [nếu] đến thế, thực đáng ngại.

      Trộm nghĩ, từ xưa nghị hoà, yếu mà xin hoà thì có. Nước Pháp đối với ta, [chúng đang] chiến thắng, đánh đâu được đấy, thì khó gì mà [chúng] cùng ta ước hẹn [:giao ước]! [Chẳng qua] bởi vì [bọn Pháp] vượt mấy lần biển mà đến, ở đất nước ta, [chúng] thấy sĩ dân ta phần nhiều đem lòng ngờ vực [chúng], cho nên [nước Pháp – ct.] tất muốn được khoán ước [:“hoà” ước] của ta, cho khiến nước ta tự nhận là trái, [và] để [ta – ct.] cô phụ [:bỏ mặc trong cô lập – ct.] tấm lòng mong mỏi của sĩ dân. Không thế thì hoà ước năm trước, rõ ràng biết là nhường nào, mà nay [chúng] cho là hư văn hết, [chúng] lại cầu [mong] định lại [“hoà” ước]. Một lần [định ước] đã là quá lắm, còn làm lại sao được! Thà rằng [cứ để cho bọn Pháp – ct.] tạm bợ mà thành [:không có khoán ước (tức là không có “hoà” ước) – ct.], mối lo [của Pháp, khi chúng chiếm cứ ba tỉnh Miền Tây – ct.] không gì lớn bằng [vì dân lục tỉnh còn có cớ nổi dậy – ct.] .[Còn nước ta, việc chấp nhận kí kết “hoà” ước] sao bằng không thể giữ được thì bỏ đi, mà [không kí kết thì còn có lí lẽ để] lo toan về sau.

      [Xin trộm nghĩ, ngay] kinh sư là nơi căn bản, đồn luỹ đã kiên cố chưa? [Cả nước] khí giới đã sắc bén chưa? Chí quân lòng dân đã hăng hái chưa? Đường thuỷ, đường bộ phòng bị đã chu đáo, bền vững chưa? [Tỉnh Bình Thuận đương xung yếu, các tỉnh khác cũng có hải phận – ct. (86)]. Lương quân, khí giới làm sao cho đầy đủ? Hào mục, sĩ dân làm thế nào cho cố kết? Chỗ nào hiểm yếu mà phải giữ thì phải canh giữ bằng cách nào cho tất bền vững? Hoặc nên đặt viên quan chuyên trách để uỷ làm việc ấy, hoặc nên sai người địa phương để cho [dễ] am hiểu. Phàm những việc ấy tưởng nên tính kĩ, cho thi hành ngay, ngõ hầu khỏi ngại về sau. Hoặc thế của ta còn có thể đợi, xin [đức vua] làm quốc thư, [và] cả thư của viên Thương bạc, mỗi thứ một bức, đưa cho tướng [Pháp] ấy, xem nước ấy trả lời thế nào mới được” (86).

      Vua Tự Đức sau khi nghiền ngẫm, suy nghĩ và bàn bạc với Cơ mật viện, thân phiên, đình thần xong, liền vời Nguyễn Văn Tường cùng hai sứ thần kia vào điện Cần Chính để hỏi thêm ý kiến.

      - Ngươi, Nguyễn Văn Tường! Trẫm cùng các đại thần đã đọc rất kĩ bản sớ của ngươi. Trẫm nghe nói, nhiều kẻ ở ngoài cũng có ý kiến như vậy. Ngay cả tên giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ, mấy tháng trước và cách đây mươi ngày nằng nặc kiến nghị lập sứ bộ đi Pháp, bây giờ cũng đổi ý kiến, xin bãi bỏ chuyến đi sứ (89). Nhưng trẫm biết, những kẻ kia và tên Nguyễn Trường Tộ cũng nhận định tình hình là bế tắc nhưng nói điều đó với mục đích khác, ý hướng khác. Còn ngươi, ngươi phân tích rất sâu, vạch trần rất rõ âm mưu của bọn rợ Pháp ở Nam Kì. Đúng như ngươi nói, Gia Lăng (De Lagrandière) chỉ muốn lừa sứ bộ ta sang Pháp, trong khi hắn đã về trước để đấu hót trước rồi! Hắn ngỡ trẫm lại một lần dại dột nữa như hồi cử sứ bộ Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp! Đúng như bản sớ của ngươi, quả thực dã tâm của chúng là muốn ta lần này lại kí kết “hoà” ước để “khí dân” (bỏ rơi dân), “cô phụ” (bỏ mặc trong cô lập) lòng mong mỏi của dân ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, để rồi đến khi chúng đã cầm “hoà” ước mới trong tay, chúng tha hồ thao túng, bóp nặn dân, dân chẳng biết kêu ai, vin vào đâu để còn chống đỡ được chúng. Đúng như ngươi viết trong bản sớ, ta quyết không kí thêm một “hoà” ước nào nữa. Chúng bức chiếm ba tỉnh rồi cả sáu tỉnh, chứ ta không thuận, lại không kí kết gì thêm cả, để sau này ta còn có lí lẽ mà tranh biện với chúng và với công luận các nước. Trẫm còn thấy đúng như bản sớ ngươi viết, chúng nuốt vào họng rồi, ta khó bề moi ra được. Muốn lấy lại sáu tỉnh hoặc ba tỉnh ấy, chỉ còn một cách là chém đầu nước Pháp, mổ bụng moi ra! Nhưng ta chưa đủ sức! Tình hình Bắc Kì lại rất nước sôi lửa bỏng!

      Nguyễn Văn Tường thi lễ và tâu:

      - Tâu hoàng thượng, không thủ để chiến thì không thể đàm phán được. Vả lại, vận động rợ Anh Cát Lợi, rợ Tây Ban Nha và các nước Tây Âu thế nào được trong khi chúng đang liên minh với nhau để xâu xé nước ta và các lân bang da vàng máu đỏ láng giềng với nước ta. – Nguyễn Văn Tường lại tiếp tục tâu –. Nhưng thần cũng kính mạn phép trình bày trong sự ngu dốt của thần, kính mong được bệ hạ soi sáng thêm. Muôn tâu hoàng thượng, thủ để chiến và chiến được mới đàm được với bọn rợ Pháp. Điều đó thần không dám nói suông. Thần đã kính trình bày ở đoạn kết của bản sớ rồi ạ. Và, về tình hình Bắc Kì hiện nay, ít nhiều thần cũng có biết đến. Muôn tâu…

      - Trẫm và các đại thần còn biết tình hình lương – đạo ở các tỉnh, đạo thuộc hữu trực kì, hữu kì nay lại gay gắt lắm! Nay mai thượng thư Vũ Trọng Bình lại còn phải ra kinh lí, trấn dẹp, vỗ về ngoài ấy…

      Vua Tự Đức nghe theo bản sớ ấy của Nguyễn Văn Tường, sai viên Thương bạc viết thư cho tướng Pháp, rồi lại phát quốc thư đưa đến nước Pháp. Nhà vua cũng bảo  Nguyễn Văn Tường trở về Cam Lộ làm việc như cũ (86).

 

      13

      Thế là gần đúng hai năm dài, Nguyễn Văn Tường về Thành Hoá làm bang biện khâm phái.

      Dẫu sao, ông cũng mở thêm được một con đường để Thành Hoá thoát khỏi thế độc đạo và dễ bị cô lập, đồng thời đã tâu xin và được chuẩn y để cùng các tỉnh tiến hành mở con đường thượng du xuyên Trường Sơn, nối Bình Định với Nghệ An và nhiều tỉnh khác. Huyện Thành Hoá (Cam Lộ, Hướng Hoá, Đắc Krông) đã được mở rộng phạm vi địa bàn và số lượng dân cư. Cùng với thượng đạo xuyên Trường Sơn, ông đặc biệt tâm đắc với những làng gia binh, “ngụ binh ư nông, ngụ binh ư lâm” tại đây, quê hương thứ hai của ông. Những làng gia binh ấy hoàn toàn là lính tuyển mộ thuộc các cơ Định biên, võ nghệ giỏi, tư cách đạo đức và sức khoẻ tốt. Đó là lực lượng cơ bản. Ông cũng cảm thấy rất vui lòng với những làng tự tân. Thực tế cho thấy, trừ những kẻ can phạm đáng tội chết và đã bị niết ty (dinh án sát), Bộ Hình xử tử hình, thực sự những tù phạm chỉ ở mức tội đồ, án đày ải khổ sai tột bậc là ba năm, trong thực tế họ rất dễ được cảm hoá. Và cũng thực tế cho thấy, có nhiều phạm nhân ông phải giấu lòng kính trọng trí tuệ và tâm huyết của họ đối với Tổ quốc như Lương Trợ Lý, Hoàng Hữu Phu (90).

      Dẫu sao, ông đã đổ mồ hôi sôi nước mắt, đội mưa lội bùn với nhân dân và đất ruộng, núi rừng Thành Hoá.

      Dẫu sao, nơi đây đã hoàn toàn có thể là một căn cứ địa kháng chiến chống Pháp.

      Chín năm hơn, một huyện miền núi ấy!

      Gần hai năm, cũng một huyện miền núi ấy! 

      Thế mà nay mai ông phải từ giã để lần này ra Bắc, lao vào trận mạc. Luyến tiếc, thương mến, nhưng ông không thể không từ giã nơi đây để thật sự cầm gươm xung trận.

      Trong năm Tự Đức thứ hai mươi mốt, Mậu thìn (1868) này, từ tháng hai, trước khi ông được chiếu chỉ vào kinh sung vào sứ bộ mà ông đã dâng sớ xin thôi, Nguyễn Văn Tường đã biết tình hình phía biên giới Bắc nước ta rất gay gắt với nạn giặc Cờ và phỉ, trong đó các tên Ngô Côn (91), Tô Tứ là những đầu sỏ thật hung tợn, giảo quyệt, thoắt xin hàng, ăn yên ở yên, thoắt lại giết chóc, cướp phá, xưng hùng, xưng bá!

     Mới tháng tư nhuận vừa rồi, lúc huyện lị Minh Linh (Vĩnh Linh) của tỉnh nhà từ Dan Duệ dời đến Kinh Môn (92), thượng thư Bộ Lại, hiệp biện đại học sĩ Vũ Trọng Bình đã ra Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An để xử trí việc lương – đạo, mâu thuẫn giữa hai thủ lĩnh nho sĩ Văn thân là thầy trò tú tài Trần Tấn, Đặng Như Mai với các linh mục, giám mục như tên Ngô Gia Hậu (Gauthier) (93). Thực chất của các cố đạo này rất mực “tả đạo”, do đó xảy ra các vụ đốt nhà thờ Chúa, đốt nhà dân đạo. Chính các tỉnh, đạo thần Hoàng Tá Viêm, Ngụy Khắc Đản, Bùi Thái Bút cũng xin chỉ xử nhẹ cho các nhà nho Văn thân (93)… Thêm vào đó, sĩ tử chuẩn bị khảo khoá, xét hạch cho kì thi hương tháng bảy, ngay từ tháng năm, đã bị răn đe, cảnh cáo trước về những xung đột của họ với dân đạo có thể sẽ xảy ra (94)! Tình hình đến nỗi thế đó!

      Điều diễn ra ở Quảng Trị vừa qua, tháng sáu nguyệt lịch trước, với tập tâu của quản đạo mới, Trần Ngọc Lý, là về ruộng xã thương (95). Tập tâu nói rõ về tình trạng đất cao và xấu, dân nghèo trong tỉnh phần lớn sống bằng nghề đốn củi. Từ khi trích ruộng công ra là ruộng xã thương, ít người bỏ vốn ra cày cấy ruộng ấy. Vả lại, nông cụ phần nhiều lấy ở dân, thành ra làm nơi này bỏ nơi kia. Đó là việc toàn đạo Quảng Trị, phần lớn ngoài chức trách, nhưng đó là chuyện quê nhà, cũng liên quan đến huyện Thành Hoá, bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường không thể không để tâm suy nghĩ. Đúng là dân không thích cày cấy ruộng xã thương vì thu hoạch không hoàn toàn về mình, và vì làm chung, hưởng chung, tích luỹ dành cho lúc khó khăn chung lại sinh tệ nạn đùn đẩy rất đáng chán! Ruộng xã thương lập ra là để dân tự dự bị nhằm tự giúp nhau khi tháng ba ngày tám, thiên tai, dịch lệ đói kém, mà vẫn đùn đẩy nhau (96)! Trần Ngọc Lý xin bãi bỏ hình thức ruộng xã thương, nhưng Bộ Hộ xin vua tuỳ tình hình, có thể quân cấp (chia đều) hoặc cứ vẫn duy trì loại hình ruộng đất ấy (95).

      Cũng không thể không để tâm suy nghĩ đến con sông Vĩnh Định của quê hương Quảng Trị. Quãng sông chảy qua bốn xã Câu Hoan, Đa Nghi, Hội Yên, Đan Quế (thuộc Hải Lăng), đang khơi đào những chỗ bị cát đùn, lại bị mưa lụt, phải nghỉ tay (97)!

      Lại nghe Trần Tú Vạn, một người Hoa kiều Minh Hương thuộc sổ dân nội tịch của tỉnh nộp đơn xin khai hoang phục hoá ruộng ở Phan Xá, Tiên An, gần kề sông Minh Lương (Bến Hải) (98).

      Trong những chuyện tháng sáu năm Mậu thìn (1868) này, có hai điều khiến Bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường cảm thấy tự hào, rằng mình có ích cho Thành Hoá và cho kế hoạch thủ để chiến. Ấy là việc thượng thư Bộ Hộ Phạm Phú Thứ tâu xin vua duyệt y tăng thuế trường mậu dịch huyện Thành Hoá, từ bốn nghìn năm trăm quan tăng lên đến sáu nghìn quan. Nhận công văn với nội dung nhà vua muốn tham khảo ý kiến, bang biện Nguyễn Văn Tường lập tức viết tập tâu đệ trình trực tiếp lên vua:

      “Trường [mậu dịch] ấy [phải] dời đến chỗ mới, [lại phải] khai khẩn [đất đai], mở rộng thêm nguồn lợi, [rồi] mới có thể chiêu tập [dân] đến được. Nếu vội tăng thêm thuế, thì người buôn nghèo không [biết] lấy gì làm vốn, mà dân Man cũng không muốn thế. Xin [vẫn] theo giá trước [để] đánh thuế” (99).

      Vua Tự Đức đã chuẩn y theo ý của khâm phái bang biện Nguyễn Văn Tường. Dân Thành Hoá, Kinh lẫn Thượng, đều rất vui mừng.

      Việc thứ hai, không vui, lại hơi buồn, khi biết tin tổng đốc An – Tĩnh Hoàng Tá Viêm tâu vào kinh về con đường thượng du mới mở từ Hương Khê (Hà Tĩnh) đến Lũ Châu (huyện Minh Hoá, Quảng Bình), gồm cả đường thuỷ với các bến đò về xuôi, so với đường vận tải từ trước đến nay, chất lượng công trình có hơi sút kém. Ông đề xuất những biện pháp khuyến khích như treo giải thưởng. Đình thần cho có nhiều khó khăn, và lại xin ban sắc chỉ cho Vũ Trọng Bình đang đi kinh lí, ghé bàn với quan hai tỉnh ấy một cách cụ thể. Vui là vua nghe theo, buồn là vua lại cho thôi (74)!

      Nguyễn Văn Tường biết làm thế nào được! Ông chỉ biết làm hết sức mình trong phạm vi trách nhiệm của mình: khâm phái bang biện, chức năng tham mưu là chính! Những gì ông kiến nghị hoặc được vua hỏi ý kiến, và được vua nghe theo, ấy là niềm vui chính của ông.

      Dẫu sao, với kế hoạch thủ để chiến, chiến để đàm, ông đã làm được cho Thành Hoá trở nên một căn cứ địa kháng chiến chống Pháp. Chín năm hơn, một huyện miền núi ấy! Gần hai năm, cũng một huyện miền núi ấy (100)! Nay mai, ông phải từ giã Thành Hoá để ra Bắc với yên ngựa, lưỡi gươm trận mạc! Bọn giặc Cờ đang tràn sang biên giới phía Bắc, lũ phỉ Bắc lại thừa cơ “giậu đổ bìm leo”, làm sao bàn chuyện Nam Kì!                   

                                 

                         Viết đến dòng chữ này lúc 17 giờ 14 phút,

Ngày 16.09.2002 (10.08 Nh. ngọ, HB.2).

Chú thích xong vào lúc 17 giờ 02 phút, 20.9.2002

(Tiết Trung thu, 14.8 Nh. ngọ, HB.2).

TRẦN XUÂN AN

 

 

(63)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 114. Xin nhấn mạnh bức dụ này. Xem chú thích (54).

(64)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 133 – 135.

(65)    Nguyễn Đắc Xuân (biên soạn), Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành (PCĐT. Tr.TTh.), trong đó có bài viết của Đào Duy Anh, “Những thế gia vọng tộc ở Huế: Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành”, trích từ Tập san Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des amis du vieux Huế), 4 – 6.1944 [bản dịch của Bùi Trần Phượng], Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr. 46. Xin lưu ý: Đào Duy Anh viết và đăng tải trên một tập san thuộc quỹ đạo chế độ thực dân, do cố đạo Cadière làm chủ bút.

(66)    Văn tế của Nguyễn Đình Chiểu.

(67)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 136.

(68)    VN.NSKLS., tập 1, Nxb. KHXH., 1981, tr. 116.

(69)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 137.

(70)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 268.

(71)    ĐNNTC., tập 1, sđd., 1992, tr. 134, 139 – 140.

(72)    Về lực lượng Thái bình thiên quốc biến tướng thành bọn phỉ, trước quấy phá nước ta, sau được quan binh ta phủ dụ, sử dụng, Lưu Vĩnh Phúc là một trường hợp tiêu biểu. Về các phạm nhân người Việt: Trong cuộc tấn kích quân Pháp tại Sứ quán và Mang Cá, Huế, 05.7.1885, Tôn Thất Thuyết cũng sử dụng “đội quân” này.

(73)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 146.

(74)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 227 – 228.

(75)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 165 – 166.

(76)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 168 – 169.

(77)    ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 84 – 86.

(78)    ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 92 – 93.

(79)    PCĐT. Tr.TTh., xem bài viết của Đào Duy Anh,  sđd., 1992, tr. 120.

(80)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 184.

(81)    ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 267 – 268.

(82)    PCĐT. Tr.TTh., xem bài viết của Đào Duy Anh,  sđd., 1992, tr. 46 – 54.

(83)    PCĐT. Tr.TT., xem bản dịch bài viết của Đào Duy Anh, sđd., 1992. Trong bản dịch của Bùi Trần Phượng, chữ “ông” được sử dụng. Theo chúng tôi nghĩ, có lẽ chữ “ngài” phù hợp với ngôn ngữ ngoại giao thời phong kiến hơn. Thực chất, “ngài” là một biến âm khác của “người”, nhưng tỏ vẻ tôn trọng, và tuỳ theo ngữ cảnh mà có sắc thái khác nhau, có khi lại biểu thị sự tôn trọng một cách mỉa mai, châm biếm… Ở đây chúng tôi trích nguyên văn bản dịch nên hơi chỏi.

(84)    ĐNTL.CB., tập 29, sđd., 1974, tr. 302.

(85)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 194.

(86)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 202 – 204. Bản này thiếu một câu: “ … Tỉnh Bình Thuận đương xung yếu, các tỉnh khác cũng có hải phận”, nối tiếp vào câu: “Quân lương, binh lính làm thế nào cho sinh và đủ? Hào mục, sĩ dân làm thế nào cho chuyên luyện?…”.

(87)    Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (ĐNLT.), bản dịch Viện Sử học, tập 4, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 243 – 244.

(88)    QTHKL., sđd., 1993, tr. 297.

(89)    Nhiều tác giả, Nguyễn Trường Tộ và vấn đề canh tân đất nước (NTT. & VĐCTĐN.), Nxb. Đà Nẵng, 2000: phần Niên biểu, tr. 393 – 394.

(90)    ĐNTL.CB., tập 28, sđd., 1973, tr. 381 – 382.

(91)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 198.

(92)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 213.

(93)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 213.

(94)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 214.

(95)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 225.

(96)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 276. Xem thêm: VN.NSKLS., tập 1, Nxb. KHXH., 1981, tr. 77 – 79.

(97)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 228.

(98)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 236.

(99)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 221.

(100)  ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 170 – 172. Xem thêm: Nhiều tác giả (Trần Xuân An biên soạn), Thơ Nguyễn Văn Tường [Kì Vĩ phụ chính đại thần NVT. thi tập] – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng, chú thích số (16), bài thơ số 56.

 

 

Hết

phân đoạn 3

trọn

truyện kí thứ năm

 

XIN XEM TIẾP TỆP 11

truyện kí thứ sáu

 

 

 

(  xem tiếp tệp 11  ) 

 

Trở về trang chủ

Cập nhật: 07/01/09

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7