v. Bài 22-Tl.2 - Trần Xuân An - Suy nghĩ và phát triển - nội dung khổ đế trong tứ diệu đế

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác, nghiên cứu

về Phật giáo nhân dịp Đại lễ VESAK ‘’08 --- Bài 3

 

SUY NGHĨ VÀ PHÁT TRIỂN THÊM NỘI DUNG

Ý NIỆM KHỔ ĐẾ TRONG TỨ DIỆU ĐẾ –

NỀN TẢNG QUAN TRỌNG NHẤT CỦA TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO

 

Trần Xuân An

 

Từ “Nhật kí người điên”Nhật kí người điên tân biên, bài viết được triển khai theo một hướng khác trong sự giới hạn vấn đề:

- Suy tư về khổ đế (dukkha) từ hai điều kiện cơ bản trong quá trình sống và tồn tại của chúng sinh muôn loài

- Xác lập hai tiên đề của vô thần luận

- Sơ lược về con đường giải thoát theo triết học, giáo lí Phật giáo.

 

Trong bài giới thiệu cho một tập thơ của tôi, “Tôi vẫn ở trên đường”, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ có viết:

 

“Nhà thơ là người phải luôn kiên nhẫn đợi tia sáng mới. Tia sáng của sự kết tinh ấy sẽ tới, như mùa xuân thổi lại cơn gió làm xanh hơn màu lá. Nhưng nó chỉ tới với những ai biết đợi. Và tôi có cảm tưởng Trần Xuân An đã trầm tưởng để đợi chờ như vậy, trong sự kiên trì của đời sống nội tâm, và cả trong những cơn đau dữ dội của tâm hồn và thần trí anh. 

Ở Trần Xuân An, đó là kết tinh hoang tưởng. Và giải mã hoang tưởng phi lí đem đến sự giải thoát [(*): Tôi nhấn mạnh (bold). TXA.].

Tôi quen biết Trần Xuân An đã trên hai mươi năm, đủ để hiểu những giông bão đã tới trong đời anh. Có một quãng thời gian khá dài [(**): Từ 1983 đến 1985; âm hưởng đến 1991] tưởng như Trần Xuân An đã đi tới chỗ đối mặt với hư vô. Những cơn sóng ngầm u uẩn của cuộc đời đã xô đẩy Trần Xuân An vào trong bóng tối cô độc. Nhưng chính sức mạnh của tâm hồn đã đưa Trần Xuân An trở về với cuộc sống. Và trong cuộc trôi giạt định mệnh đó, Trần Xuân An đã thực sự trở thành kẻ đi, về giữa ánh sáng và bóng tối, hay nói một cách khác, do những cơn trầm cảm của mình, anh đã khám phá ra những điều kì lạ, phi lí mà thực hơn cả sự thực, trong thế giới nội tâm, chính xác hơn là thế giới tiềm thức, mà một người bình thường hẳn là khó lòng đặt chân tới (***). Có thể nói, Trần Xuân An đã đắm chìm trong những ảo giác hoang đường ghê sợ. Nhưng có điều rất lạ là, sau đó, tâm hồn anh vẫn giữ được sự trong sáng. Chính nhờ vậy mà khi đọc thơ Trần Xuân An, chúng ta có thể tìm thấy vẻ êm dịu trong nỗi khổ đau của anh, và biết rằng anh đã thoát qua nỗi đau khổ ấy. Cũng chính nhờ vậy mà chúng ta sẽ lại sống trong nỗi vui mừng vì chúng ta đã cùng với anh tìm lại được niềm tin ở cuộc sống, thoát khỏi những nỗi sợ hãi và ám ảnh quằn quại đen tối của tâm trí, như được đón nhận ánh sáng hồi sinh của một mùa xuân mới” (1).

Câu tôi nhấn mạnh ở đoạn trên chính là do tôi đề nghị nguyên văn nên đưa vào để làm sáng tỏ thêm ý tưởng. Người viết lời giới thiệu đã đồng ý. Nhưng lúc bấy giờ, 1993, chắc chắn nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ cũng không hiểu hết những gì tôi muốn chia sẻ với người đọc.  

Sau 12 năm (2005), khi đưa tập thơ lên mạng liên thông toàn cầu, tôi viết thêm chú thích này để thể hiện rõ ràng hơn ý tưởng thuộc loại khủng khiếp mà rất nhiều năm tôi không muốn nhiều người biết đến, bởi ý tưởng ấy chỉ khiến loài người không muốn sống nữa, đặc biệt đối với những ai yếu bóng vía, một khi giác ngộ ra, họ sẽ tự tử.

“(***) Đó là sự phản ánh của quy luật tự nhiên, hiện thực xã hội, và quy luật, hiện thực đó đã kết tinh thành biểu tượng, như trong “Nhật kí người điên” của Lỗ Tấn (2). Ở ý nghĩa triết học, phải chăng nhân vật Người điên ấy bị ám ảnh về tội sát sanh tàn bạo có tính quy luật của thế giới sinh vật muôn loài, đến mức cho rằng địa chủ, kẻ cho vay nặng lãi, thầy thuốc cùng người anh, bà con ruột thịt, láng giềng, làng xóm và cả xã hội loài người đều lăm le ăn thịt anh ta? Anh ta sợ hãi, kinh hoàng, khủng khiếp trước sự thể “người ăn thịt người” đó. Trong tập thơ này, có một bài (1), tác giả (Trần Xuân An) đã vận dụng thủ pháp nhập thân để thể hiện ám ảnh hãi hùng, rùng rợn của một hình tượng Người điên khác (1), về quy luật “người cưỡng hiếp người”.

Cùng với việc giải mã (một cách khám phá sáng tạo) hình tượng tác phẩm trên của Lỗ Tấn, tôi (TXA.) đã bổ sung thêm một trong hai tiên đề quan trọng của vô thần luận (phủ nhận Thượng đế [hay còn gọi là Đức Chúa Trời], mặc dù vẫn hi vọng có sự tồn tại của cái ngã siêu linh [hay linh hồn] ở mỗi con người – sinh vật cấp cao).

Nói rõ ra, sát sanh (“người ăn thịt người”) và loạn luân (“người cưỡng hiếp người”) là hai quy luật tồn tại của sinh vật (nhất là ở loài người nguyên thuỷ, ở sinh vật cấp thấp từ nguyên thuỷ đến nay: chó, mèo, gà, vịt…). Do đó, không thể có một Thượng đế (Đức Chúa Trời) sinh thành ra vũ trụ với muôn loài như vậy.

       Chính loài người mỗi ngày mỗi tiến bộ, cải tạo được cả quy luật tất yếu của thế giới tự nhiên (sát sanh, loạn luân, mà kết quả của sự tiến bộ về ý thức đạo đức văn minh là đã trở thành sự tố cáo kinh hoàng: “người ăn thịt người”, “người cưỡng hiếp người”…). Thế giới tự nhiên bao gồm tất cả các chủng loại sinh vật từ cấp thấp đến cấp cao, trong đó có loài người; nhưng cho đến nay, chỉ loài người mới đạt được trình độ đạo đức văn minh đó. Chính sự phấn đấu cho mục đích văn minh ấy đã làm cho lịch sử loài người có ý nghĩa sâu sắc. Sống và lao động một cách rất có ý nghĩa nhân văn như thế, đâu phải là một tiến trình phi lí!” (3)

Có lẽ cần phải viết thêm vài đoạn nữa để làm sáng tỏ hơn điều mà tôi gọi là “Suy nghĩ và phát triển thêm nội dung ý niệm khổ đế (dukkha) trong tứ diệu đế – nền tảng quan trọng nhất của triết học Phật giáo”.

 

Tôi tin rằng bất kì là ai, ở đâu đi nữa trên thế giới này, sống vào giai đoạn nào trong suốt quá trình lịch sử của giới động thực vật trên sinh quyển này, đều thấy rõ hai khía cạnh của hiện thực sống: sát sanh và loạn luân. Đó là hai điều kiện cơ bản nhất trong phương thức sống không thể khác được của loài người (nguyên thuỷ, cổ đại) và tất cả mọi sinh vật khác (muôn thuở). Tôi xếp cả hai vào phạm trù cái bi của mĩ học, gọi tên chúng một cách cụ thể: 

 

1. Cái sát sanh: Tiến trình sống của mọi sinh vật, bao gồm cả con người, là một tiến trình sát sanh liên tục, và đồng thời, sinh mệnh bản thân bị đe doạ, tổn thương mãi mãi do các sinh vật khác gây ra, cho đến chết. Chúng ta giết thịt và ăn thịt các loài vật động vật, thực vật (đều là vật có sự sống). Chúng ta giết các sinh vật để bảo vệ môi sinh nơi ở và nơi sản xuất của chúng ta. Chúng ta giẫm đạp lên bao động vật, thực vật trong mỗi bước chân đi, mỗi vòng bánh xe ta lăn. Mặt khác, ngược lại, các loài động thực vật cũng “thịt” hay luôn sẵn sàng “thịt” chúng ta khi sống hay khi đã thành tử thi. Quá trình sống của tất cả mọi sinh vật là một quá trình giết nhau, ăn thịt nhau để sống.

 

2. Cái loạn luân: Mọi sinh vật cấp thấp đều được sinh ra rồi tiếp nối giống nòi, chủng tộc bằng hình thức loạn luân (chính xác hơn là truyền giống bất chấp loạn luân). Sự thật này ta thấy ở các loài động vật đã được thuần hoá hay còn hoang dã hằng ngày quanh ta, và ngay cả thực vật nữa, nếu ta quan sát sự truyền giống (thụ tinh, thụ phấn) của chúng. Về loài người, các công trình khoa học nghiên cứu lịch sử loài người, các huyền thoại khởi nguyên của các nhân tộc, dân tộc, kể cả “Kinh Thánh” (phần “Sáng thế kí”...) đều cho thấy khởi thuỷ là loạn luân. Tiến trình ấy kéo dài cho đến khi loài người bắt đầu có ý niệm đạo đức (dùng một từ cụ thể hơn: luân lí). Tuy vậy, cho đến hiện nay, ở Phương Tây, phạm vi xác định loạn luân của họ hẹp hơn. Nói cách khác, phạm vi ấy chỉ giới hạn trong 3 đời trực hệ; ngoài ra, quan hệ tính dục, hôn nhân giữa anh chị em họ, bà con trong họ nhưng không thuộc loại trực hệ 3 đời là không thuộc diện loạn luân. Và cũng có thể nói thêm: Tuy vậy, hiện nay, ở Phương Đông, các nước đã phai nhạt luân lí Nho giáo, cũng có chiều hướng xây dựng pháp luật về hôn nhân như Phương Tây! Nghĩa là sự thể loạn luân ở mức độ nhẹ vẫn còn tiếp diễn! Và không thể không thấy, ở Phương Đông hiển nhiên có một sự thụt lùi về luân lí! (4) (5) (6).

 

Hai điều kiện sống và nối tiếp chủng tộc, giống nòi cơ bản nhất là sát sanh và truyền giống bất chấp loạn luân, ở các loài thực vật, động vật cấp thấp, hay chấp nhận loạn luân với mức độ ngoài phạm vi ba đời, ở loài người (nhã hơn là “ăn” và “cưới”), là hai điều kiện không thể, hay lạc quan hơn là chưa thể thay thế hoàn toàn. Riêng ở Phương Tây, thậm chí ngay cả luật hôn nhân cũng chưa loại trừ được loạn luân ở mức độ nhẹ, mặc dù người Phương Tây có ý thức sâu sắc hơn trước, về phương diện luân lí, nhờ tiếp xúc với châu Á. Có thể nói như vậy, đối với những người có nghiên cứu, am hiểu, đối chiếu với văn hoá hôn nhân của các nước Phương Đông ảnh hưởng Nho giáo. Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại rằng, vẫn có nhiều người ở Phương Tây muốn áp đặt luật hôn nhân của họ vào châu Á!

 

Từ những suy tư đó, trong những năm tuổi trẻ của mình, tôi phát hiện ra một tầng nghĩa sâu sắc chưa ai thấy được, trong “Nhật kí người điên”. Có thể, nếu không muốn nói chắc chắn là Lỗ Tấn cũng không ngờ, mặc dù chính ông là tác giả truyện ngắn ấy. Đó là nhân vật Người điên bị ám ảnh về tội sát sanh tàn bạo có tính quy luật của thế giới sinh vật muôn loài

Tôi cũng đã vận dụng thủ pháp nhập thân để thể hiện bằng thơ ca và tiểu thuyết ám ảnh hãi hùng, rùng rợn của một hình tượng Người điên khác, về quy luật “người cưỡng hiếp người”. Ở bài này, chỉ xét riêng về phương diện đạo đức (luân lí): Kết quả của sự tiến bộ về ý thức đạo đức văn minh là đã trở thành sự tố cáo kinh hoàng: “người cưỡng hiếp người”. Nếu việc người ăn thịt người là bình thường trong thời cổ đại, thì sự thể loạn luân (quần hôn, tạp hôn) trong các bộ lạc thị tộc thời công xã nguyên thuỷ cũng không phải không bình thường. Thậm chí ai đó vào thời cổ đại xa xưa ấy mà dám kết hôn với các bộ lạc thị tộc khác, chắc chắn là sẽ bị tử hình. Ở nhiều bộ lạc thị tộc, điều cấm ấy đã trở thành luật pháp ở dạng sơ khai nhưng không thiếu tính chất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, theo tiến trình tiến hoá, các xã hội loài người mỗi ngày một văn minh hơn, trên cơ sở số lượng nhân khẩu đông đúc hơn, tử suất thấp hơn sinh suất, và các phương tiện giao thông phát triển, mọi quan hệ giao lưu văn hoá, kinh tế mở rộng hơn, kéo theo sự mở rộng quan hệ xã hội, bao gồm quan hệ hôn nhân. Đồng thời, thực tế chỉ rõ hôn nhân đồng huyết là một trong vài nguyên nhân dẫn đến tiệt nòi, tuyệt chủng hay có nhiều quái thai, hiện tượng đồng tính luyến ái, nên đã khiến các bộ lạc thị tộc cần đến sự mở rộng quan hệ hôn nhân, thậm chí chống lại, đặt ra luật cấm quan hệ hôn nhân đồng huyết. Đó là tiến trình văn minh hoá, tiến dần đến những xã hội loài người đạt được mức sống ở trình độ luân lí cao hơn. Và kết quả là khi “người ăn thịt người” trở thành tội ác, chứ không phải bình thường như thuở xa xưa cổ đại kia, thì bốn chữ ấy trở thành tiếng thét kinh hoàng với tất cả sức mạnh tố cáo tội ác. Cũng như vậy, “người loạn luân người” hầu hết đã chỉ còn xảy ra trong trường hợp cưỡng hiếp nội tộc, chứ không phải đồng thuận, đồng loã, đồng tình. Rõ ràng ở mức độ phát triển cao hơn cỏ cây muông thú, chỉ loài người mới có hôn nhân với các lễ nghi đầy tính văn hoá. Thực chất quan hệ hôn nhân là quan hệ tính dục, truyền giống, duy trì họ tộc, và đó cũng là quan hệ tính dục duy nhất được xã hội, được luật pháp thành văn cho phép (không kể các nước hợp pháp hoá mãi dâm và mại dâm hay ngoại tình – quan hệ vợ chồng ngoài quan hệ giá thú). Từ trình độ văn minh đó, “người cưỡng hiếp người”, đặt trong trường liên hệ với tầng nghĩa đen ở “Nhật kí người điên” (hay trong tâm cảnh có thể gọi là “Nhật kí người điên tân biên”, cũng ở tầng nghĩa đen), ấy là tiếng thét kinh hoàng tố cáo tội ác dâm dục, cưỡng hiếp bất chấp nội tộc hay ngoại tộc.

Tất nhiên, không chỉ dừng lại ở mức độ xã hội học như thế, mà ở tầm khái quát cao hơn, cả hai tiếng thét kinh hoàng ấy đều có hàm nghĩa triết học: tố cáo điều kiện tồn tại thứ nhất (ăn) của loài người cũng như muông thú, cỏ cây (muôn thuở), và tố cáo điều kiện tồn tại thứ hai là truyền giống (giao phối) theo kiểu loạn luân, ở loài người thời nguyên thuỷ, cổ đại, ở muông thú, cỏ cây từ khởi thuỷ đến nay, như một cách xác lập hai tiên đề của vô thần luận.  

Quả vậy, nếu không thể truy nguyên theo hướng văn học, sử học, khảo cổ học, sinh vật học, để giải đáp câu hỏi lớn của siêu hình học, có hay không có thượng đế, đấng sáng tạo ra muôn loài và trời đất, thì chúng ta có thể tiến hành khảo cứu điều kiện sống hiện thực nhãn tiền của mọi sinh vật (từ động vật cao cấp đến động vật cấp thấp và muôn loài thực vật có sự sống khác) để đi đến kết luận. Không truy nguyên ở đâu xa xôi, hãy truy nguyên ngay trong hiện thực nhãn tiền, để thấy được câu trả lời cho câu hỏi siêu hình học kia. Nói gọn hơn nữa, từ hai tiền đề xuất phát từ hiện thực sinh vật (“ăn” và “truyền giống”), đặc biệt ở loài người (“người ăn thịt người”, “người cưỡng hiếp người”, theo cách nói cường điệu trong “Nhật kí người điên”), chúng ta có thể đi đến kết luận: Không thể có một Thượng đế với tư cách là Đấng sáng tạo muôn loài và trời đất lại có ý thức độc ác đến mức cho con người và mọi sinh vật khác phải sống trong quy luật tự nhiên với hai điều kiện sống cơ bản như vậy, để rồi Thượng đế cũng chẳng cứu rỗi được gì. Chân lí không có gì giản dị hơn!

Ăn chay là chỉ ăn thực vật. Nhưng thực vật cũng có sự sống. Do đó, cũng chỉ giảm được một nửa tội ác mà thôi. Tuy thế, dẫu sao cũng là một tiến bộ lớn của loài người (một loại sinh vật thuộc hệ ăn thịt), trước hết là do công lao của Phật giáo.

Luật pháp ngăn cấm hôn nhân đồng huyết tộc, cùng họ tộc (ít ra là ngăn cấm hôn nhân trong trực hệ ba đời) là thành tựu văn minh của loài người, diễn ra theo một quá trình có tiến, có thoái.

Đó không phải là công cứu rỗi của Thượng đế (hay Thiên Chúa). Thượng đế toàn năng, việc gì phải cho tiến trình tiến hoá quá rắc rối, quá dài lâu đến thế!

Và đó chính là “khổ đế” (dukkha) trong triết học Phật giáo.

Nói chính xác hơn, Người sáng lập Phật giáo, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Gotama Siddhattha), từ quan sát, chiêm nghiệm thực tại, cũng chỉ mới phát kiến ra tội ác sát sanh, chứ Người chưa bao giờ đề cập đến tội ác loạn luân như một trong hai điều kiện cơ bản nhất trong quá trình sống của muôn loài sinh vật (ở loài người nguyên thuỷ, cổ đại; ở động vật cấp thấp như trâu, bò, chó, gà, mèo...; ở thực vật như cây lúa, cây chanh... muôn đời, muôn thuở). Không có một dòng kinh điển Phật giáo nào ghi lại sự quan sát, suy nghiệm của Đức Phật về tình trạng loạn luân của chúng sanh muôn loài. Đó là hạn chế do thời cổ đại quy định. Nói cách khác, bấy giờ, cách đây trên 2.500 năm, loạn luân không phải là một tội lỗi (không những không phải tội lỗi mà hôn nhân nội tộc còn là một phương thức để bảo vệ bộ lạc thị tộc thuở bấy giờ; và bấy giờ, hôn nhân ngoại tộc mới là tội lỗi). Hay ít ra, chính vì sống trong hạn chế của những điều kiện hiện thực thời cổ đại, Đức Phật, đấng toàn giác, không muốn nói tới tội loạn luân. Nhưng, trong thực tại nhãn tiền, chúng ta đều có thể quan sát thấy, loạn luân là phương thức duy trì nòi giống, chủng loài ở mọi loài sinh vật cấp thấp, sống bầy đàn; về động vật cấp cao, như đã phân tích...

Tôi đã nhận thức được “khổ đế” (dukkha) là như vậy, ngoài những gì Đức Phật đã thuyết pháp về thực trạng khổ đau ấy:

“Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Khổ (Dukkha): sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ; sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ; thân cận những gì ta không thích là khổ, xa lìa những gì ta thích là khổ; cầu không được là khổ; tóm lại, ngũ thủ uẩn (tạo thành một cá nhân sống thực) là khổ”.

Và về “Tập khổ đế” (samudaya):

“Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Nguồn gốc của Khổ (Samudaya): Ðó chính là khát ái (tanhà) đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm thấy lạc thú chỗ này chỗ kia: đó là Dục ái (Kàmatanhà), Hữu ái (bhavatanhà) và Phi hữu ái (Vibhava-tanhà)”.

 (Trung Bộ kinh và Đại phẩm của Luật Tạng) (7) 

Nếu đặt trong tương quan so sánh đẳng lập các ý niệm diễn tả các thực trạng: So với tình trạng sinh, lão, bệnh, tử, với các tâm trạng sầu, bi, khổ, ưu, não, với cảnh huống kề cận những gì mình ghét, xa lìa những gì mình yêu mến, với trường hợp thất vọng, với cả sự chấp thủ ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) tạo nên mỗi thực thể sinh linh người, thì “sát sanh” (hẹp hơn, ở loài người: người ăn thịt người), “loạn luân” (rộng hơn, bao hàm ý thức phản kháng: người cưỡng hiếp người) là tình trạng hiện thực nghiêm trọng hơn nhiều và không kém phần phổ biến.

Nếu đặt trong “sát sanh” (hẹp hơn: người ăn thịt người), “loạn luân” (rộng hơn: người cưỡng hiếp người) vào nội hàm của ý niệm diễn tả quá trình sống (sinh: sống): “Sinh” đã bao quát cả hai điều kiện sống ấy, vốn là cơ bản nhất và cũng là bi đát nhất của cõi hiện thực (cõi ta bà) này.

Như vậy, với giả định thứ hai (mệnh đề “nếu” thứ hai ở kề trên), có thể khẳng định được chăng, là, Đức Phật Thích Ca đã đưa ra ý niệm khái quát về “khổ đế”, trong đó mặc nhiên đã bao hàm quy luật tự nhiên là sát sanh và loạn luân (quần hôn, tạp hôn). Còn ở “tập khổ đế”, nguyên nhân cơ bản hầu như cũng là bản năng tự nhiên, ấy là tham, si (có cả “sân” nữa), và vô minh (chưa giác ngộ triết giáo). Tham, sân, si và vô minh chính là động cơ thúc đẩy ẩn chứa trong hai điều kiện sống “sát sanh” và “loạn luân” kể trên của chúng sanh muôn loài (ở loài người thì tội loạn luân – hôn nhân đồng huyết họ tộc – đã được giảm bớt rất nhiều; ở Phương Đông giảm nhiều hơn ở Phương Tây, nếu căn cứ pháp luật, phong tục vào đầu thế kỉ XX trở về trước). 

Dẫu sao thì thực trạng sát sanh (ở mọi sinh linh) và loạn luân (ở động vật cấp thấp và ở thực vật) vẫn là nghiêm trọng và phổ biến nhất. Tôi cho rằng đó là cái khổ đau muôn thuở của loài người, vì cho đến nay, chỉ có động vật người mới có ý thức đạo đức (luân lí), tình cảm đạo đức, và do đó, chỉ có động vật người mới biết khổ đau, có cảm thức khổ đau về đạo đức. Nói cụ thể hơn, loài người biết khổ đau, có cảm thức khổ đau tinh thần về phương diện đạo đức này là từ khi loài người nhận thức được tình trạng bi đát của thân phận con người và muôn loài sinh linh khác:

1. Tất thảy chúng sinh, gồm cả loại cây cỏ giăng bẫy động vật sống để ăn thịt, vẫn mãi còn sát sanh, ăn động thực vật có sự sống (sinh vật còn sống hay đã chết). Ngày nay hầu như không còn “người ăn thịt người” ở nghĩa đen của từ ngữ.

2. a). Riêng muôn loài sinh vật cấp thấp: vẫn mãi còn loạn luân (nói chính xác hơn: giao phối truyền giống bất chấp loạn luân). b). Riêng ở loài người, như đã nói, vì phạm vi xác định loạn luân bị luật pháp hiện nay quy định hẹp lại so với truyền thống Á Đông ngày xưa, để “học đòi” Phương Tây, nên mức độ loạn luân nhẹ (ngoài 3 đời trực hệ...) lại phát sinh thêm, và do đó, trên toàn cầu, tình trạng loạn luân ở loài người vẫn còn tiếp diễn! Một khi tình trạng hợp pháp hoá loạn luân ở mức độ nhẹ còn tiếp diễn thì sự chống đối vẫn phổ biến hơn sự đồng thuận, đồng tình, đồng loã, nhất là ở các nước Á Đông. Vì vậy, nếu ngày nay không còn “người ăn thịt người” ở nghĩa đen của từ ngữ, thì tiếng thét tố cáo “người cưỡng hiếp người” (nội tộc và ngoại thích...) vẫn có nội dung hiện thực toàn cầu nhất định.

Tất nhiên thực trạng thực dân, người bóc lột người, người áp bức người về kinh tế, về chính trị, về tín ngưỡng – tôn giáo, về học thuật, và về các nhân quyền khác vẫn là những trong nhiều khía cạnh quan trọng, có tính chất bức thiết nhất trong nội dung của hai tiếng thét kinh hoàng, rùng rợn, với tất cả sức mạnh tố cáo: “người ăn thịt người”, “người bức hiếp / cưỡng hiếp người”, có tính hình tượng sinh động nhưng cũng có tính khái quát cao.

 

Nội dung “khổ đế” (dukkha), trình bày cho thật đầy đủ là phải như vậy đó. Nhưng, ở bài này, xoáy sâu vào “khổ đế” chỉ chừng đó thôi, tuy không phải là trọng tâm của “Nhật kí người điên”Nhật kí người điên tân biên, có thể tạm gọi như vậy, cũng đủ thấy địa ngục chính là cõi trần gian (cõi ta bà) này.

 

Tuy nói là “chỉ chừng đó thôi”, nhưng bàn về hai điều kiện sống ấy, là bàn về bi kịch thường hằng của sinh quyển này. Đối với bi kịch thường hằng, phổ biến có tính quy luật chung đối với tất cả chúng sinh muôn loài, vốn không tha một động thực vật nào (về nhu cầu ăn và nhu cầu giao phối truyền giống), phải chăng nhận thức được tất yếu tự nhiên (và tất yếu xã hội), mới có thể đạt được trạng thái tinh thần tự do, một trạng thái giải thoát trong đời sống thực tiễn, mới tìm thấy niết bàn tại tâm? Tăng sĩ xuất gia, tu tập khổ hạnh cũng không thể tuyệt đối loại bỏ nhu cầu về lương thực, thực phẩm và nhu cầu nước uống. Đức Phật đã trải nghiệm và chứng minh khổ hạnh là con đường sai lầm không kém gì con đường dục lạc. Tất nhiên loài người không thể không luôn luôn khát vọng và góp phần mình vào tiến trình tiến hoá của muôn loài, trong đó có loài người chúng ta. Loài người chúng ta sẽ còn tiến hoá theo đà tiến với những bước tiến có thể, như đã từng tiến hoá từ nguyên thuỷ, cổ đại đến hôm nay.

 

Ăn chay và nhận thức rõ giá trị luân lí truyền thống để sống là một cách tự giải thoát phần nào trong cuộc sống hiện tại. Có lẽ đó là tâm niệm của nhiều người, cho dù là đệ tử của Đức Phật Thích Ca hay không. Trường chay, đối với tăng sĩ xuất gia, cư sĩ tại gia, trong nhiều ý nghĩa và tác dụng, có một điều là nêu gương thanh tịnh cho xã hội. Nhưng trong lịch sử xã hội loài người, chưa từng có một dân tộc nào tuyệt đối trường chay. Phải chăng bi kịch của loài người là thuộc hệ động vật ăn thịt?

 

Cái ngã siêu linh hay bổn lai diện mục (gương mặt xưa nay, muôn đời) của mỗi sinh linh, một khi thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, không tái sanh trong địa ngục trần gian này với kiếp này kiếp khác nữa, chính là lối thoát của người có niềm tin Phật giáo. Đó cũng là một niềm tin có cơ sở khoa học (thành tựu, khám phá về sinh điện, sóng điện từ...) (8).

 

Bài viết đã được mở ra bằng “Nhật kí người điên” (người ăn thịt người) và Nhật kí người điên tân biên (người cưỡng hiếp người); để từ đó, suy nghĩ đến một hướng khác (xin nhấn mạnh sự triển khai theo hướng khác này), ấy là hai điều kiện sống cơ bản của tất thảy mọi chúng sanh muôn loài (ăn / sát sanh và truyền giống / loạn luân), nhằm xác lập hai tiên đề của vô thần luận; đồng thời gợi mở những con đường giải thoát; trong đó, tuy sơ lược nhưng vẫn chú trọng con đường Phật giáo. Con đường Phật giáo đã được Đức Phật chỉ dẫn từ hơn 2.500 năm trước, với ví dụ “ngón tay chỉ mặt trăng” và lời khuyên “mỗi người hãy tự thắp đuốc mà đi”.

 

Tôi tin có nhiều người đã, đang và sẽ đi trên con đường ấy với ý chí “đại hùng, đại lực, đại từ bi” ngời sáng – thành quả tiếp nhận Phật giáo theo bản lĩnh và bản sắc dân tộc Việt Nam; hoặc cùng đồng hành, nhưng trên con đường thuần tuý Việt Nam, giữ gìn, phát huy, nâng cao bản lĩnh, bản sắc, truyền thống Việt Nam, không ngừng đổi mới Việt Nam theo hướng lành mạnh, chống suy đồi hoá, không khuyến khích hôn nhân với người ngoại quốc, chúng ta không thể không tiếp biến và chia sẻ ánh sáng soi đường cho nhau.      

 

TP.HCM., từ khoảng độ 06 giờ 45 đến 11 giờ 29 phút,

 ngày 02-01 HB8 (2008)

& từ lúc 14 giờ đến 16 giờ 31’ cùng ngày

Trần Xuân An

 

______________

 

(1) Trần Xuân An, “Tôi vẫn ở trên đường” (tập thơ), bài giới thiệu của Tần Hoài Dạ Vũ, Nxb. Văn Nghệ, 1993, tr. 11-12.

Trong tập thơ này có một bài được viết trong tâm cảnh “Nhật kí người điên”, có thể tạm gọi là “Nhật kí người điên tân biên”, nguyên văn đầu đề là: “Ám thị ‘hoang tưởng bị cưỡng hiếp và bị bôi nhọ’”, sđd., tr. 64-65. Đây là một bài thơ thể hiện thủ pháp nhập thân trong tâm trạng điên cuồng, đau đớn vì một hình tượng Người điên khác (hư cấu tưởng tượng như thật, đến mức ảo tưởng là thật, để phản ánh sự thật), trên cơ sở vận dụng triệu chứng tâm thần mà các cuốn sách tâm thần học gọi là “song trùng bản ngã”. Từ “ám thị” theo từ điển, có nghĩa là điều khiển ngầm. Các bác sĩ thuộc trường phái phân tâm học, ở Âu Mỹ, thường kết hợp với biện pháp thôi miên (đưa vào trạng thái ngủ) để điều khiển bệnh nhân, truy vấn bệnh nhân (nhưng không có kết quả bao nhiêu, phần lớn là sai lạc, không điều khiển được, kể cả những người dễ bị ám thị), gọi là “ám thị thôi miên”. Trong cuộc sống thực tế, những kẻ xấu cũng có thể điều khiển ngầm (“giật dây”) người tỉnh táo sáng suốt bằng các thủ đoạn li gián, tung tin thất thiệt, xuyên tạc, làm sức ép... Thông tin tuyên truyền với các phương tiện nghe nhìn hiện đại (radio, cassette, TV., internet...) cũng có thể gọi là ám thị (điều khiển ngầm) xã hội. Trong đầu đề bài thơ này, từ “ám thị” cũng nhằm chỉ các thông tin tuyên truyền miệng, các dư luận xã hội.

Tóm lại, tôi đã có những ngày tháng sống và viết, kể cả vào bệnh viện tâm thần, để trải nghiệm tâm cảnh điên cuồng, đau đớn vì một hình tượng Người điên khác, điển hình cho một xã hội điên, cho cả thế giới điên.

Nhưng dẫu sao, tôi (Trần Xuân An) vẫn là một người bình thường, luôn luôn tỉnh táo, nên nhiều bài thơ, kể cả một số chương tiểu thuyết của tôi, khi viết về đề tài “Nhật kí người điên tân biên” này (chủ yếu thiên về nỗi đau bị áp bức về chính trị, xã hội, học thuật, và hệ tư tưởng, mà “bị cưỡng hiếp” chỉ là một biểu tượng), thì lại luôn luôn tỉnh táo, trong sáng, chứ không phải rối loạn tư duy, rối loạn cảm xúc và rối loạn ngôn ngữ như những người điên thật sự mà chúng ta đã biết (những tập thơ điên của Bùi Giáng, những bài viết rối loạn của Nguyễn Ngu Ý...).

Thủ pháp nhập thân trong sáng tác văn học thường gây nhiều ngộ nhận về tác giả đối với những người đọc không quan tâm đến các thủ pháp nghệ thuật.

(2) Lỗ Tấn, “Truyện ngắn”, truyện “Nhật kí người điên”,  Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2004, tr. 35-52.

http://tranxuanan.writer.3.googlepages.com/lo-tan_nhatkinguoidien_web-vnthuquan.htm

Theo tôi, hình tượng Người điên trong “Nhật kí người điên” chính là hình tượng của một con vật luôn luôn sợ hãi bị ăn thịt, như gia súc, gia cầm hay các thú rừng trước nạn săn thịt của con người. Xin hãy hình dung ra tâm thế của các loài động vật này! Do đó, “người ăn thịt người” không những là biểu tượng về xã hội con người chưa thành người, hay xã hội của loài thú-người, xã hội loài người bị thú-vật-hoá, mà còn là tiếng kêu đòi của chúng sinh muôn loài trước nạn sát sanh, ăn thịt, kể cả ăn rau (ăn động vật, thực vật có sự sống) trước quy luật tự nhiên tàn bạo. Khi phát hiện ra thực trạng đó, chúng ta lập tức nhận ra loài người và muôn vạn sinh linh luôn luôn và mãi mãi sống trong tình cảnh hoàn toàn bế tắc.

Đây là một sự triển khai tác phẩm theo hướng khác, bởi ai cũng biết rằng nội dung chủ yếu của “Nhật kí người điên” của Lỗ Tấn là chính trị - xã hội. Đối với Nhật kí người điên tân biên của tôi (thực chất chỉ là tâm cảnh, tâm thế trong “Nhật kí người điên” nguyên bản, nhưng thay hai chữ “ăn thịt” bằng “cưỡng hiếp” mà thôi), thì cũng có sự triển khai tác phẩm theo hướng khác tương tự như thế. Cả hai đều được khai thác ở khía cạnh dung tục, máu me và tởm lợm, nhằm mục đích để người đọc nhận thức ra thực trạng sống trong điều kiện sống vĩnh cửu của con người và của các chúng sinh khác (nhận ra quy luật tàn bạo của tự nhiên và xã hội), đồng thời đề nghị một trong vài lối thoát: Con đường giải thoát của Phật giáo.

Để tránh những ngộ nhận, xuyên tạc đáng tiếc, xin nhấn mạnh như thế.

Tưởng cũng cần lưu ý thêm: Khai thác tác phẩm chỉ ở tầng nghĩa đen là hạ thấp giá trị của tác phẩm ấy, đồng thời cũng thể hiện một thẩm thức dung tục, tầm thường. 

(3) Nguyên văn dòng cuối chú thích trên: “Xin xem thêm: Trần Xuân An, “Mùa hè bên sông”, tiểu thuyết, bản 2003; và phụ lục (trích “Từ điển văn học” (****) ở cuối tập thơ này 

                 (TXA. chú thích ngày 07 & 26. 03. 2005)”.

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/toi_votduong.htm

 

(****) Nhiều tác giả, Từ điển văn học, mục từ “Nhật kí người điên”, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984, tr. 111 – 112: mục từ 156, bài viết của GS. Lương Duy Thứ. Hoặc: Từ điển văn học, bộ mới, Nxb. Thế Giới, 2004, tr. 1258: cũng bài viết trên.

 

(4) Xem: Trần Văn Thắng (Ths., Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), “GIA ĐÌNH HÀN QUỐC: TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI” (Cập nhật: 1/10/2007), Tạp chí Cộng sản (điện tử):

 

Trích nguyên văn: “... Do những quy định luật lệ cứng nhắc [(!) – ct.] về hôn nhân được thiết lập theo chế độ hôn nhân ngoại tộc, những người trong một thị tộc không được phép lấy nhau. Do đó, một chức năng quan trọng của thị tộc trong hệ thống thân tộc ở cấp độ thứ tư này là xác định rõ các nhóm tộc người để cho phép họ có thể thiết lập quan hệ hôn nhân với nhau hay không. Những quy định này mãi tới tận những năm đầu của thế kỷ XX mới được sửa đổi. Luật Hôn nhân và Gia đình Hàn Quốc chỉ cấm nam, nữ trong cùng dòng họ lấy nhau trong phạm vi ba đời”.

 

http:// www. tapchicongsan. org. vn/details.asp?Object=6&News_ID=11051365

 

(5) “LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 1959” & “LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2000”, Website Quốc hội Nước CHXHCN. Việt Nam:

 

Trích nguyên văn những điều khoản cần thiết đối với bài viết:

 

-- LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 1959:

 

Điều 9. Cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa cha mẹ nuôi và con nuôi.

Cấm kết hôn giữa anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Đối với những người khác có họ trong phạm vi năm đời hoặc có quan hệ thích thuộc về trực hệ, thì việc kết hôn sẽ giải quyết theo phong tục tập quán.

 

-- LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2000:

 

Điều 8. Giải thích từ ngữ:

 

 12. Những người cùng dòng máu về trực hệ là cha, mẹ đối với con; ông, bà đối với cháu nội và cháu ngoại;

 

 13. Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra: cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chị em con chú con bác, con cô con cậu, con dì là đời thứ ba;

 

Điều 10. Những trường hợp cấm kết hôn:

 

Việc kết hôn bị cấm trong những trường hợp sau đây:

 

3. Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

 

4. Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

 

http:// www. na. gov. vn /sach_qh/vkqhtoantap_1/nam1959/1959_18.html

http:// vietlaw. gov. vn /LAWNET/docView.do?docid=10891&type=html

 

(6) Cũng nên lưu ý về thực tế con người, xã hội: Ai cũng sợ hãi cái chết về thể xác (man rợ: sát sanh muôn loài >>>>> văn minh: “người ăn thịt người”) và ai cũng sợ hãi cái chết về sinh mệnh đạo đức (man rợ: loạn luân – quần hôn, tạp hôn >>>>> văn minh: “người cưỡng hiếp người” bất chấp luân lí). Tuy vậy, trong thực tế xã hội hiện nay, vẫn có sự đồng tình, đồng lõa trong hành vi loạn luân của một số ít người phạm tội ấy, và vẫn có sự đồng tình, đồng lõa trong cái chết thể xác, như một số giáo phái chủ trương sai lầm do nhận thức bế tắc về hiện thực trần gian (bi kịch cá nhân, bất công xã hội): Tín đồ nên tự nguyện chết về thể xác (đồng tình, đồng lõa với nhau trong việc tổ chức tự sát tập thể…) để linh hồn được lên thiên đàng, xem cái chết thể xác tự nguyện ấy là hạnh phúc, là niềm hoan lạc thiêng liêng.

 

(7) Dẫn nguyên văn kinh điển Phật giáo theo:  H. W. Schumann, “Đức Phật lịch sử” (1982), M. O'C. Walshe dịch ra tiếng Anh (1987), Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch ra tiếng Việt (1997), Nxb. TP.HCM., 2000, tr. 163 và 311; Đối chiếu trực tiếp vào nguyên bản kinh điển: Web Quảng Đức, Web Việt Nam thư quán, Web Đạo Phật ngày nay:

 

http:// www. quangduc. com /DucPhat/35dpls-00.html

 

http:// vnthuquan. net /truyen/truyentext.aspx?tid=2qtqv3m3237nnnvnvnnn31n343tq83a3q3m3237nvn

http:// www. quangduc. com /kinhdien/Trungbo/trungbo00.html

 

http:// www. buddhismtoday. com /index/kinh.htm

 

(8) Từ ý niệm “vô ngã” trong triết học Phật giáo, theo nhiều tác giả, cái ngã không phải là “linh hồn bất tử”, tồn tại sau khi đã chết. Các tác giả này cho rằng, “linh hồn bất tử” chỉ là khái niệm của đạo Bà La Môn. Xem: H. W. Schumann, “Đức Phật lịch sử” (1982), M. O'C. Walshe dịch ra tiếng Anh (1987), Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch ra tiếng Việt (1997), Nxb. TP.HCM., 2000, tr. 324 và 328.

 

Trích:

 

Có tái sanh nhưng không có một linh hồn luân chuyển đầu thai”.

 

“Chúng ta không nên suy tưởng: "Ta sẽ tái sanh", nhưng đúng hơn, phải tư duy: "Vòng sanh tử này diễn tiến tùy theo nghiệp (karma). Tất cả mọi cá thể hiện hữu trong vòng này sẽ cảm thọ về ngã tánh, song cái ngã sống thực này không phải là vật thường hằng, một linh hồn bất diệt, nó không đồng nhất với các đời sống quá khứ và hậu lai". Cái ngã chỉ là một hiện tượng cảm thọ sống động, không có căn bản nội tại, không phải là một thực thể bất biến”.

 

TXA. chú thích bổ sung,

từ khoảng 07 giờ đến 09 : 46’, ngày 03-01 HB8 (2008)

 

Đây là bản đã hoàn chỉnh:

06 : 00 -- 10 : 50, ngày 07-01 HB8 (2008)

 

Ảnh minh hoạ (nguồn: 24h.com): Loại thực vật ăn thịt động vật 

 

 

Ảnh minh hoạ (WebTgTXA.):

1.  Link: ảnh kích cỡ lớn

2.  Link: ảnh kích cỡ lớn

 

________________________________________________________________________________________________

 

Trở về

 

THÔNG BÁO CẬP NHẬT Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update_mucluctrang

 

TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

&

trang mục lục Giao Lưu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket_mucluctrang

(mục lục của mục này -- các trang Giao lưu)

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

(trang 1 Giao lưu)

TRANG "NGÀN WEBs CỦA NGÀN NHÀ":

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/webcacnha

Trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 

Ngày đưa bài này lên web ở dạng pdf.: 02-01 HB8 (2008)

 Ngày đưa bài này lên web ở dạng word-htm: 01-5 HB8 (2008)

Bổ sung chú thích (6); chú thích (6) trước đây, nay thành (7)...