f. Trần Xuân An -- Lý Bí - Triệu Quang Phục - Lý Phật Tử -- lịch sử cổ đại nước ta - Tệp 6

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

       12 tháng 3 HB6 (2006) / 19 tháng 3 HB6 (2006)

07/01/09

           

 

 

       Lời thưa

 

       Bài 1

 

       Bài 2

 

       Bài 3

 

       Bài 4

 

       Bài 5

 

       Bài 6

 

       Bài 7

 

       Bài 8

 

       Bài 9

 

       Bài 10

 

       Bài 11

 

       Bài 12

 

       Bài 13

 

       Bài 14

 

       Bài 15

 

  Phụ lục thơ

 

    Phần cuối

 

 

 

 

 

 

 

                               

  

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

( Bài 6 )

 

Xem:

Website Giao Điểm:

http://www.giaodiem.com       

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

 

 

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

                

 

 

 

 

 

SUY NGHĨ

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ

TRONG

LỊCH SỬ CỔ ĐẠI

NƯỚC TA

 

                             

 

 

 

          CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA LÝ BÍ (NHÀ TIỀN LÝ),

CUỘC TRƯỜNG KÌ KHÁNG CHIẾN CỦA TRIỆU QUANG PHỤC

(NHÀ TRIỆU – VIỆT),

VÀ VÀI NÉT VỀ LÝ PHẬT TỬ (NHÀ HẬU TIỀN LÝ) (*)

 

1

Bối cảnh lịch sử

 

Sau cuộc khởi nghĩa của Triệu Thị Trinh vào năm Mậu thìn (248), lịch sử nước ta về phương diện chống xâm lược, chống sự thống trị của các thế lực phong kiến Trung Hoa lại rơi vào khoảng trống trong sử sách. Giao Châu rơi vào giữa hai gọng kìm: phía bắc vẫn là các thế lựïc Trung Hoa; phía nam lại là Lâm Ấp (Chiêm Thành).

 

          a. Ách đô hộ và gọng kìm Trung Hoa:

 

Ở Trung Hoa, thế tam phân của thời Tam quốc (**) đã thay đổi. Trước đó, Tư Mã Ý đã khuynh loát nhà Ngụy; tiếp đến, Tư Mã Chiêu tiêu diệt được nước Thục (263); đến đời Tư Mã Viêm, Viêm đã ép vua Ngụy nhường ngôi, để lập nên nhà Tấn (264). Nhà Thục và nhà Ngụy tiêu vong, chỉ còn nhà Ngô và nhà Tấn chia nhau thống trị nước Trung Hoa. Tôn Hạo là con cháu của Tôn Quyền, vẫn kế tục ngai vàng nhà Ngô ở vùng đất phía đông nam Trung Quốc. Giao Châu ta vẫn là xứ thuộc địa của Ngô triều này.

Từ cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, mãi đến 15 năm sau (263), ở Giao Châu ta mới bắt đầu có một biến động thể hiện rõ sự phản kháng của nhân dân. Đó là sự kiện Lữ Hưng, vốn là một quan lại cấp thấp của quận Giao Chỉ, nhân tình thế đó, đã triệt hạ tên thái thú gian ác Tôn Tư và cả tên Đặng Tuân (1). Cả hai quận Cửu Chân và Nhật Nam đều hưởng ứng. Tuy nhiên, đây chỉ là sự hưởng ứng của nhân dân đối với một viên quan lại không gian ác để tiêu diệt những tên quan lại gian ác kia mà thôi. Nhà Ngụy (264 (2)) ở Trung Hoa vẫn phong Lữ Hưng làm An Nam tướng quân, đô đốc việc quân ở Giao Châu!

Tiếp theo đó là những năm Giao Châu thành vùng đất tranh giành lẫn nhau giữa nước Ngô và nước Tấn (cả hai đều là Trung Hoa)! Cho đến năm Canh tí (280), Trung Hoa mới nhất thống dưới ngai vàng duy nhất của nhà Tấn (265 – 317)!

Sau đó, nhà Tấn bị Ngũ Hồ (năm nước Hồ [sử cũ thường gọi là rợ Hồ] ở tây bắc Trung Hoa) xâm lấn. Hậu duệ nhà Tấn lại trung hưng, lập kinh đô ở Kiến Khương (Nam Kinh ngày nay). Do đó, nhà Tấn sơ (265 – 317) được gọi là nhà Tây Tấn; nhà Tấn trung hưng (317 – 420) được gọi là nhà Đông Tấn. Nhưng nhà Đông Tấn không còn nhất thống toàn cõi Trung Hoa nữa, mà chỉ còn giữ được vùng đất đông nam.

Giao Châu ta lại chịu ách đô hộ của Đông Tấn (317 – 420)!

Năm 420, ở Trung Hoa, cục diện lịch sử cũng đã đổi khác: thời kì Nam (420 – 589) – Bắc triều (386 – 531)!

Phía bắc Trung Hoa, các triều vua tranh đoạt, nối tiếp nhau là: Hậu Nguỵ (người Mãn Châu; về sau, chia ra Đông Ngụy, Tây Nguỵ), kế theo Đông Nguỵ là Bắc Tề, kế theo Tây Ngụy là Bắc Chu, cuối cùng Bắc Chu diệt cả Bắc Tề (577). Bắc Chu tồn tại đến năm 581.

Phía nam Trung Hoa, các triều Tống (420 – 479), kế đến là Tề (479 – 502), rồi tiếp đến là Lương (502 – 556), Trần (557 – 589) thay nhau cầm nắm vương quyền (3)!

Giao Châu ta phải chịu lệ thuộc vào các vương quyền Nam triều Trung Hoa đó!

Mãi đến năm Mậu thân (468) [Tống, Minh đế, năm Thái Thuỷ thứ 4], ở Giao Châu mới khởi dậy một sự kiện có thể nói là gây phấn chấn cho nhân dân dưới ách đô hộ của các vương triều Hán tộc. Cương mục chép: “Người trong châu là Lý Trường Nhân giết những bộ thuộc của Lưu Mục đem từ Trung Quốc sang, rồi chiếm giữ đất Giao Châu…” (4). Lý Trường Nhân tự xưng là thứ sử; chống cự cả thứ sử người Tàu, tên Lưu Bột, do nhà Tống bổ nhiệm. Sau đó, tự biết thế lực, Lý Trường Nhân nhún nhường xin hàng, “tự giáng chức mình xuống làm người chấp hành công việc Giao Châu. Vua Tống y cho” (4). Nhưng trong thực tế, Nhân vẫn giữ cương vị thứ sử. Sau Nhân, nhà Tề thuận cho người họ hàng là Lý Thúc Hiến thay chân thứ sử (479). Nhưng 6 năm sau (485), Lý Thúc Hiến không chịu cống nạp, nhà Tề sai Lưu Khải dẫn quân binh sang đánh. Hiến phải xin bãi binh; Lưu Khải làm thứ sử.

Sau đó, năm Ất dậu (505), lại diễn ra cuộc tranh chống giữa quan lại nhà Tề với quan lại nhà Lương, khi nhà Tề đã bị tiêu vong ở Trung Hoa (5)! (6).

 

           b. Gọng kìm Lâm Ấp (Chiêm Thành)

 

Thêm một nỗi khổ hoạ nữa cho xứ Giao Châu, đó là xâm lấn của nước Lâm Ấp ở phía nam. Sau cuộc khởi nghĩa của Khu Liên (năm Đinh sửu, 137) ở huyện Tượng Lâm, thuộc quận Nhật Nam, nước Lâm Ấp bắt đầu lập quốc. Đến nay, Lâm Ấp muốn bành trướng lãnh thổ của mình, bằng cách đánh vào nước Phù Nam phía Nam (vùng Nam bộ Việt Nam ngày nay) và liên tục đánh ra phía bắc (Nhật Nam, Cửu Chân và Giao Chỉ [Thừa Thiên – Lạng Sơn ngày nay])! Các cuộc xâm chiếm khốc liệt nhất của Lâm Ấp vào Cửu Chân, Giao Chỉ là vào các năm: Kỉ hợi (399), Quý sửu (413), Ất mão (415); cho đến năm Canh thân (420), thứ sử Giao Châu (Đỗ Tuệ Độ, người Tàu (***), nhà Tấn) đánh Lâm Ấp, giết chóc nhân dân Lâm Ấp đến quá nửa dân số (7). Tuy vậy, tham vọng bành trướng lãnh thổ của Lâm Ấp vẫn chưa thôi. Đây là bi kịch chua xót nhất trong quy luật về sự tồn sinh của mọi sinh vật, nhất là sinh vật cấp cao là động-vật-người (****)!

Trận Lâm Ấp đánh phá Cửu Chân lại diễn ra tiếp theo vào năm Tân mùi (431). Trận này thứ sử Giao Châu Nguyễn Di Chi (người Tàu) phản công và tiến công, nhưng không thể thắng Lâm Ấp, đành rút quân về. Sau đó, vua nước Lâm Ấp là Phạm Dương Mại lại sai sứ sang Trung Hoa, xin nhà Tống cho Lâm Ấp cai quản cả Giao Châu ta. Đó là sự kiện diễn ra vào năm Quý dậu (433) (*****). Tất nhiên vua Tống không chịu! Năm Bính tuất (446), Lâm Ấp lại bị Đàn Hoà Chi, thứ sử Tàu cai quản Giao Châu, đánh bại. Họ Đàn kéo quân vào đến tận kinh đô Lâm Ấp, vơ vét, giết chóc.

Nước ta bị siết chặt giữa hai gọng kìm lịch sử. Một khổng lồ, một sắc nhọn! Dẫu sắc nhọn, gọng kìm Lâm Ấp (về sau là Hoàn Vương, Chiêm Thành) khởi đầu và chung quy vẫn là vấn đề nội bộ của lịch sử Việt Nam. Trung Hoa, bấy giờ và mãi đến mấy trăm năm sau, còn là một cái ách đô hộ nặng nề, đầy đau đớn, tủi nhục.

 

2

Cuộc khởi nghĩa Lý Bí (Lý Bôn)

và việc thành lập triều đại Tiền Lý (544 – 548)

 

Theo Toàn thưCương mục, Lý Bí còn có tên gọi là Lý Bôn, vốn có gốc gác là người Trung Hoa. Từ 6 đời trước, thời Tây Hán ([-206] – [+ 8]), tổ tiên Lý Bí đã tránh loạn trên đất Hán, sang cư trú tại nước ta, dòng dõi là hào trưởng. “Đến Lý Bôn là đời thứ bảy, đã trở thành người Phương Nam (8). Lý Bôn tài kiêm văn võ, làm quan triều Lương, coi đạo quân Cửu Đức. Vì bất đắc chí, nên về Thái Bình khởi binh. Tù trưởng huyện Chu Diên (9) là Triệu Túc cũng đem quân theo Lý Bôn. [Thứ sử triều Lương – ct.] Tiêu Tư biết rõ việc ấy, đem tiền đút lót cho Lý Bôn rồi chạy về Quảng Châu (10). Lý Bôn liền giữ thành Long Biên” (11). Ngoài Triệu Túc, một người thuần Việt (làm tù trưởng), còn có Tinh Thiều, một người học giỏi, lại có tài văn chương, đã lặn lội sang đến kinh đô nhà Lương để ứng tuyển làm quan. Bấy giờ, ở Trung Hoa, dưới triều Lương, thể chế tuyển dụng căn cứ vào dòng dõi (sĩ tộc: quan muôn đời làm quan; hàn tộc: dân muôn đời chân lấm tay bùn!). Hơn nữa, cho dù bất kì ai có gốc gác là sĩ tộc Trung Hoa, nhưng di cư sang Giao Châu, cũng bị liệt vào loại hàn tộc. Do đó, ở trường hợp Thiều, thượng thư Bộ Lại triều Lương căn cứ vào lí lịch họ Tinh, thấy không có ai hiển đạt, nên chỉ bổ cho Tinh Thiều làm Quảng Dương môn lang, một chức việc trông gác cổng thành có tên là cửa Dương Quang! Thiều xấu hổ, trở về, mưu việc khởi binh với Lý Bôn. “Giữa lúc đó thứ sử Giao Châu là Tiêu Tư vì tàn bạo, khắc nghiệt, mất lòng dân. Hai người, Lý Bôn và Tinh Thiều, nhân đấy liên kết với mấy châu; các hào kiệt đều hưởng ứng, theo cả” (11).

Cuộc khởi nghĩa này, có một nguyên nhân, như Toàn thư và Cương mục đã ghi rõ, Đào Duy Anh đã trình bày thêm: “Người Trung Hoa đã di cư sang Giao Châu lâu đời thì dù có phải nguồn gốc sĩ tộc cũng bị xem là hàn tộc, cho nên người Giao Châu, trừ những thời Trung Quốc có loạn, từ thời Tam Quốc về sau không được bổ chức quan cao nữa – không như thời Hán, thỉnh thoảng có người sinh trưởng ở Giao Châu, như Lý Tiến, Trương Trọng, được bổ quan lại cao cấp. Đó là một nguyên nhân tăng thêm mâu thuẫn giữa tầng lớp hào trưởng bản quốc đối với quan lại Trung Quốc. Phần tử lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa quan trọng này đa số chính là thuộc thành phần ấy” (11).

Với nguyên nhân như thế, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra.

Sử cổ cũng chép, cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (Bôn) giành chính quyền không gặp phải sự chống cự của thứ sử người Hán là Tiêu Tư (họ Lương, thân thuộc vua Lương) và quân binh của y.

Sau đó, nhà Lương sai quan tướng sang tái chiếm. Toàn thư chép, vào năm Nhâm tuất (542), vì khí độc, nên: “bọn Tử Hùng đi đến Hợp Phố, 10 phần chết đến 6, 7 phần, quân tan rã mà về. Tiêu Tư tâu với vua Lương rằng Quỳnh và Tử Hùng dùng dằng không chịu đi, đều bị buộc phải tự tử” (12).

Đơn giản là thế. Tuy vậy, Lý Bôn vẫn rèn luyện quân binh, lo việc phòng thủ. Trận chiến đấu đầu tiên xảy ra vào hai năm sau (Quý hợi, 543), lại gặp đối phương chính là quan tướng Lâm Ấp! Phạm Tu, một viên tướng của Lý Bôn, đánh tan quân Lâm Ấp ngay tại Cửu Đức (Hà Tĩnh).

Năm Giáp tí (544), “Tháng giêng, mùa xuân. Lý Bôn tự xưng là Nam Việt đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, tên nước là Vạn Xuân […]. Dựng điện Vạn Xuân để làm chỗ triều hội. […] Đặt ra trăm quan. Dùng Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ ” (13).

Cương mục chép tiếp: “Năm Ất sửu (545). ([Tiền] Lý, năm Thiên Đức thứ 2; Lương, năm Đại Đồng thứ 11). Tháng 6, mùa hạ. Triều Lương sai Dương Phiếu, Trần Bá Tiên sang đánh. Nam Việt đế Lý Bôn chạy sang Gia Ninh” (14).

“Năm Bính dần (546). […]. Tháng giêng, mùa xuân. Bọn Dương Phiếu đánh được thành Gia Ninh, Nam Việt đế Lý Bôn chạy đi Tân Xương. […] Mùa thu, tháng tám. Nam Việt đế Lý Bôn đóng đồn ở hồ Điển Triệt. Quân Lương đến đánh, quân Lý Bôn bị vỡ, rút vào giữ động Khuất Lạo. […] Sử cũ chép: Nam Việt đế Lý Bôn lại rút lui, giữ trong động Khuất Lạo, điều chỉnh binh lính, mưu tính chiến đấu về sau; giao cả cho tả tướng quân Triệu Quang Phục [con trai của Triệu Túc – ct.] giữ nước, cầm quân chống nhau với Bá Tiên” (15).

“Năm Mậu thìn (548). ([Tiền] Lý, năm Thiên Đức thứ 5; Lương, năm Thái Thanh thứ 2). Tháng 3, mùa xuân. Nam Việt đế Lý Bôn mất ở động Khuất Lạo. Nam Việt đế Lý Bôn ở động Khuất Lạo, bị cảm mạo khí lam chướng, đến năm này mất” (16).

Như vậy, nhà Tiền Lý chỉ tồn tại được 5 năm (544 – 548).

Có lẽ lời châu phê của Tự Đức cũng đã rộng rãi lắm về Lý Bôn: “Nam đế nhà [Tiền] Lý dẫu sức không địch nổi giặc Lương đến nỗi công cuộc không thành, nhưng đã biết nhân thời cơ vùng dậy, tự làm chủ lấy nước mình, đủ làm thanh thế mở đường cho nhà Đinh, nhà Lý sau này. Vậy việc làm của Lý Nam đế há chẳng hay lắm sao?” (17).

Phải chăng tài năng của Lý Bôn là đã phân tích nhạy bén, chính xác về thời thế, cụ thể là sự suy yếu trước mắt và suy vong tất yếu sẽ xảy ra không xa của nhà Lương, và đã biết chớp lấy thời cơ. Ngoài ra, nguồn gốc, nguyên nhân của khởi nghĩa và tài thao lược của Lý Bôn là không có gì đáng ca ngợi.

Lý Bôn (Lý Bí) chính là một nguỵ quan của bọn phong kiến nhà Lương (Trung Hoa) xâm lược, cho dù chỉ là nguỵ quan cấp thấp. Lý Bôn “bất đắc chí” trong quá trình làm nguỵ quan, hay nói như Toàn thư, “làm quan không được vừa ý” (18). Tinh Thiều cũng có ý muốn và đã thực sự dấn thân vào con đường làm nguỵ quan cho giặc xâm lược, nhưng chua xót thay, lại bị vướng phải thể chế lí lịch (hàn tộc chứ không phải sĩ tộc, lại là lưu dân Trung Hoa sang đất Việt đã bị Việt hoá), không lên cao được trên con đường quan chức Trung Hoa. Cả hai đều tầm thường. Họ là điển hình của bi kịch lưu dân, vừa bị chính nước tổ (nước gốc Trung Hoa) bạc đãi vì thiếu tin tưởng, vừa bị chính nhân dân nước ngụ cư (Giao Châu [nước Việt]) nghi ngại. Cuộc nổi dậy của họ chỉ xuất phát từ bất mãn cá nhân trước bọn chóp bu xâm lược và thể chế lí lịch của chúng.

Tuy nhiên, phải thấy thêm phân số Việt hoá trong huyết thống và bản chất văn hoá cá nhân của họ. Không những một thế hệ, mà đến bảy thế hệ gắn bó với người Việt, dẫu họ thế nào chăng nữa cũng có tình cảm gắn bó máu thịt với Giao Châu của người Việt.

Toàn thư vẫn ghi nhận với ngọn bút khoan dung: “Vua có chí diệt giặc cứu dân, không may bị Trần Bá Tiên sang đánh chiếm, nuốt hận mà chết. Tiếc thay!” (19) .

Chính tù trưởng Triệu Túc và nhất là con trai của ông, Triệu Quang Phục, mới là nhân vật đáng nể trọng.

 

3

Cuộc trường kì kháng chiến của nhân dân ta,

do Triệu Quang Phục lãnh đạo:

triều đại Triệu Việt vương (549 – 570)

 

          a. Triệu Quang Phục, nhân vật lịch sử hay huyền thoại?

 

Triệu Túc? và Triệu Quang Phục?

tù trưởng huyện Chu Diên (ở khoảng huyện lị Phả Lại, tỉnh Hải Hưng (20)), chắc chắn Triệu Túc là người thuần Việt.

Sử học không cho phép chúng ta suy diễn. Tuy nhiên, vẫn có thể chấp nhận những giả thuyết có một vài luận cứ khả dĩ (mặc dù chưa hội đủ luận cứ khoa học để kết luận khoa học). Nếu chi tiết Trần Trọng Kim đưa ra trong Việt Nam sử lược sẽ được kiểm chứng lại là đúng, chúng ta có thêm dữ liệu để làm luận cứ. Chi tiết ấy là: “Về sau, vua Nam đế nhà Tiền Lý khen [Triệu Thị Trinh] là người trung dũng, sai lập miếu thờ, phong là: ‘Bật chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân’ ” (20). Như vậy, Lý Bôn đã thể hiện lòng yêu nước (Giao Châu) trong việc sắc phong Triệu Thị Trinh cũng như việc dùng tù trưởng Triệu Túc làm thái phó, tướng võ của triều đình nước Vạn Xuân. Một luận cứ nữa, về nguồn gốc dân tộc Triệu Quốc Đạt (anh ruột của Triệu Thị Trinh), theo ghi nhận của Cương mục: “Đến khi giặc Man Di quận Cửu Chân đánh và hạ được các thành ấp, Giao Châu náo động” (21). Rõ ràng bọn Tàu thực dân ghi nhận anh em Triệu Quốc Đạt – Triệu Thị Trinh là Man Di (cách gọi ngạo mạn của chúng). 

Khẳng định như vậy, để đi đến ý tưởng sau đây: Tôi không có ý suy diễn điên rồ rằng, Triệu Quang Phục chính là hậu duệ của tên giặc Triệu Đà (kẻ giương cờ Tần Thuỷ hoàng xâm lược nước ta), nay muốn quang phục (khôi phục sự vẻ vang) cơ nghiệp cũ của tổ tiên. Tôi bình tâm tin tưởng, chính tù trưởng Triệu Túc muốn khôi phục lại sự vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Triệu Thị Trinh, một nữ anh hùng (người Mường?) đã vì nước, vì dân tộc mà tổ chức, lãnh đạo, chiến đấu chống bọn phong kiến Trung Hoa xâm lược, chiếm đóng.

Vả lại, thật sự trong tâm thức dân gian, ở di tích tín ngưỡng, quần chúng nhân dân lại đồng nhất Triệu Quang Phục với truyền thuyết lịch sử An Dương vương: không phải đồng nhất hoá Triệu Đà với Triệu Quang Phục, mà lạ thay, ngược lại, nhân dân đã đồng nhất An Dương vương với Triệu Quang Phục! Không những thế, truyền thuyết từ thời vua Hùng (trước công nguyên Tây lịch) là truyện Tiên Dung (công chúa) – Chử Đồng Tử (ngư dân nghèo khổ) lại được phục hiện ở nhân vật lịch sử Triệu Quang Phục (ở ngôi: 548 – 570), thế kỉ thứ VI, với sự phù hộ của Chử Đồng Tử đối với Triệu Quang Phục.

Có điều gì lạ lùng ở lớp sương mù huyền thoại bao phủ lên nhân vật lịch sử này? Cũng chính vì sự oái oăm, trái ngược nào đó trong lớp sương mù huyền thoại ấy, nên một số nghi ngại về tính xác thực nẩy sinh:

Toàn thư ghi chú ngay dưới đầu đề kỉ Triệu Việt vương: “(Xét Sử cũ không chép Triệu Việt vương và Đào Lang vương, nay nhặt trong dã sử [sử do dân dã lưu giữ trong kí ức, ở thần tích – ct.] và các sách khác, bắt đầu chép vị hiệu của vương và phụ chép Đào Lang vương để bổ sung)”  (22).

Cương mục lại ghi lời chua dẫn “theo sách Thanh nhất thống chí, Dạ Trạch thuộc huyện Đông Kết, phủ Kiến Xương. Thời Lương Vũ đế, Trần Bá Tiên đánh Lý Bôn, Lý Bôn trốn vào trong chằm [trằm – ct.] này, đêm đến đem quân ra đánh; nhân thế gọi là Dạ Trạch. Huyện Đông An trước gọi là Đông Kết” (23). Chẳng lẽ Lý Bôn chính là Triệu Quang Phục? Hay Lý Bôn còn có một cái tên khác, đó là Triệu Quang Phục?

Cương mục lại ghi lời cẩn án: “Sử cũ chép việc Triệu Việt vương được cái móng rồng của Chử Đồng Tử cho; việc Nhã Lang sang gửi rể rồi lấy trộm móng rồng; việc Triệu Việt vương vì mất cái móng rồng mà bị thua. Đem những chuyện ấy mà kháp với truyện Thục An Dương vương và Triệu Trọng Thuỷ trước kia, giống nhau như hệt, kì quái tưởng không cần biện bạch cho lắm. Nhưng Sử cũ chép phần nhiều trùng điệp nhau, sai hẳn sự thực, đại loại như thế đấy. Nay muốn tìm ở Sử cũ lấy chuyện có thể tin ở đời này và truyền lại đời sau, thật cũng khó lắm” (24).

◘ Theo Đào Duy Anh, nhà nghiên cứu sử học người Pháp H. Maspéro cũng đã từng nêu vấn đề nghi hoặc về Triệu Quang Phục: Triệu Quang Phục là nhân vật lịch sử có thật hay chỉ đơn thuần là huyền thoại, là sản phẩm của tưởng tượng, của tín ngưỡng. Nhưng Đào Duy Anh phản bác lại: “Maspéro lại nói rằng sử sách Trung Quốc không hề biết đến tên Triệu Quang Phục. Đó cũng không phải là lí do xác tạc, vì thời gian hoạt động của Triệu Quang Phục chính là thời mà nội tình Trung Quốc rất rối loạn, rất có khả năng rằng sử sách Trung Quốc bấy giờ không biết hết những sự việc xảy ra ở Giao Châu […]. Vậy thì, trong khi vấn đề chưa giải quyết dứt khoát được, chúng ta hãy tạm thời cứ bằng vào sử cũ mà chép chuyện Triệu Quang Phục ở giữa chuyện Lý Bôn và chuyện Lý Phật Tử” (25). Đào Duy Anh còn xác định trước: chuyện Lý Bôn và Lý Phật Tử sử ta và sử Trung Quốc đều có chép cả, duy trừ chuyện Triệu Quang Phục là sử Trung Quốc không chép mà thôi (25).

Rốt lại, có ba khía cạnh quan trọng của vấn đề đặt ra:

▪ Nguồn gốc dân tộc của Triệu Quang Phục?

▪ Tại sao nhân gian lại đồng nhất Triệu Quang Phục với An Dương vương?

▪ Triệu Quang Phục là nhân vật lịch sử hay sản phẩm của tưởng tượng?

Thử trả lời:

▪ Triệu Quang Phục là người bản xứ, cha ruột là tù trưởng bộ lạc (trưởng tộc của một họ tộc trong làng thôn Việt Nam cổ [Giao Châu]); không thể là người Hán – Hoa được. Toàn thưCương mục đã xác quyết điều đó bằng hai chữ “tù trưởng”. Triệu Quang Phục cùng cha ruột muốn khôi phục sự vẻ vang của nữ tướng Man Di Triệu Thị Trinh (người Mường?).

▪ Triệu Quang Phục chính là hình ảnh An Dương vương bị mất vương triều vào tay Lý Phật Tử (họ hàng của Lý Bôn). Nhân dân xác quyết như thế để đánh tan sự nghi ngờ do cái tên gợi ra. Người ta rất dễ suy diễn Triệu Quang Phục là hậu duệ Triệu Đà và mưu toan quang phục cơ nghiệp của Triệu Đà. Vì vậy, nhân dân phải xác quyết ngay rằng Triệu Quang Phục chính là An Dương vương, chứ không phải Triệu Đà, mặc dù ông có trùng họ với Triệu Đà. Lý Phật Tử (gốc Hán tộc) mới chính là Triệu Đà (người Hán chính cống).

▪ Như chúng ta đã trích dẫn và đã biết, “theo sách Thanh nhất thống chí, […]  Trần Bá Tiên đánh Lý Bôn, Lý Bôn trốn vào trong chằm [trằm – ct.] này, đêm đến đem quân ra đánh; nhân thế gọi là Dạ Trạch” (23). Như vậy, sử Trung Hoa cũng có ghi nhận về hành trạng kháng chiến của Dạ Trạch vương, nhưng ngỡ rằng Lý Bôn chưa bị cảm mạo mà chết. Chính nhân vật Lý Bôn trong Thanh nhất thống chí là Triệu Quang Phục, còn Lý Bôn thật đã chết vì bệnh trước đó, và trước khi chết, Lý Bôn đã trao binh quyền cho Triệu Quang Phục.

Kết luận: Triệu Quang Phục là nhân vật lịch sử có thật. Lớp sương mù truyền thuyết thời vua Hùng – An Dương vương (trước c. ng.) đã được nhân dân phục hiện quanh Triệu Quang Phục (thế kỉ thứ VI) với ý nghĩa và mục đích như đã trình bày. Hãy cởi bỏ lớp áo khoác (truyền thuyết phục hiện) bên ngoài ấy, sẽ thấy hiện ra con người lịch sử Triệu Quang Phục thuần Việt, có thật.

Phải nói thêm rằng: Thế kỉ thứ VI không còn là thời đại huyền sử nữa. Thời kì huyền sử đã chấm dứt từ sau bi kịch An Dương vương (năm Giáp ngọ, 207 tr. c. ng.). Tuy nhiên yếu tố thần thoại, truyền thuyết bao giờ cũng còn, ngay giữa thời vi tính điện tử (thế kỉ XXI này), như một chất thơ với những ẩn dụ, hoặc như một thủ pháp nghệ thuật (chủ nghĩa hiện thực huyền ảo lành mạnh). Do đó, Triệu Quang Phục không phải là hình tượng huyền thoại, truyền thuyết lịch sử mà chính là nhân vật lịch sử được điểm tô thêm bằng ẩn dụ lấy từ truyền thuyết lịch sử xa xưa.

 

b. Tư liệu gốc của ta về Triệu Quang Phục:

 

Toàn thư viết: Lý Bôn “uỷ cho đại tướng là Triệu Quang Phục giữ việc nước, điều quân đi đánh Bá Tiên. Đinh mão [Thiên Đức] năm thứ 4 [547], (Lương, Thái Thanh  năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 1, nhật thực. Triệu Quang Phục cầm cự với Trần Bá Tiên, chưa phân thắng bại. Nhưng quân của Bá Tiên rất đông, Quang Phục liệu thế không chống nổi bèn lui về giữ đầm Dạ Trạch. Đầm này ở huyện Chu Diên, chu vi không biết bao nhiêu dặm, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ nước mới có thể đến được. Nhưng nếu không quen biết đường lối thì lạc, không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết. Quang Phục thuộc đường đi lối lại, đem hơn 2 vạn người vào đóng ở nền đất trong đầm, ban ngày tuyệt không để lộ khói lửa và dấu người, ban đêm dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của quân Bá Tiên, giết và bắt sống rất nhiều, lấy được lương thực để làm kế cầm cự lâu dài. Bá Tiên theo hút mà đánh, nhưng không đánh được. Người trong nước gọi là Dạ Trạch vương” (29).

Toàn thư ghi chú: đó là nơi Tiên Dung và Chử Đồng Tử sống bên nhau: đầm Nhất Dạ (29).

Toàn thư viết tiếp: “… Kỉ tị, năm thứ 2 [549] […]. Từ đó quân thanh lừng lẫy, đến đâu không ai địch nổi (tục truyền rằng thần nhân trong đầm là Chử Đồng Tử bấy giờ cưỡi rồng vàng từ trên trời xuống, rút móng rồng trao cho vua, bảo cài lên mũ đâu mâu mà đánh giặc)” (30).

“Canh ngọ, năm thứ 3 [550]. Mùa xuân, tháng giêng, nhà Lương cho Trần Bá Tiên làm Uy minh tướng quân Giao Châu thứ sử. Bá Tiên lại mưu tính cầm cự lâu ngày khiến cho ta lương hết quân mỏi thì có thể phá được. Gặp lúc nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, gọi [Bá Tiên] về, uỷ cho tì tướng là Dương Sàn đánh nhau với vua. Vua tung quân ra đánh. Sàn chống cự, thua chết. Quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Nước ta được yên. Vua vào thành Long Biên ở” (31).

Trong khi đó, Lý Thiên Bảo (anh của Lý Bôn) đã lập ra nước Dã Năng ở vùng đất của người Di Lạo. Một thời gian, ông qua đời, không có con nối ngôi, nên trao quyền chức lại cho người bà con cùng họ là Lý Phật Tử.

Lý Phật Tử kéo quân về đánh Triệu Quang Phục (Triệu Việt vương). Nội chiến nổ ra qua 5 trận đánh! Lý Phật Tử xin hoà. “Vua nghĩ rằng Phật Tử là người họ của Lý Nam đế, không nỡ cự tuyệt, bèn chia địa giới ở bãi Quân Thần (nay là hai xã Thượng Cát, Hạ Cát ở huyện Từ Liêm) cho ở phía tây của nước, [Phật Tử] dời đến thành Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, huyện Từ Liêm, xã ấy có đền thờ thần Bát Lang, tức là đền thờ Nhã Lang vậy)” (32).

Chuyện lại diễn ra y hệt như bi kịch An Dương vương. Trọng Thuỷ chính là Nhã Lang! Tuy nhiên, dẫu sao Trọng Thuỷ còn biết hối hận đến mức tự sát; còn Nhã Lang, sử sách không ghi một dòng nào như thế. Rõ ràng, Trọng Thuỷ còn được thờ để còn nhớ chút lòng hối hận của một tên giặc nội gián. Nhưng Nhã Lang? Nếu y không biết hối hận như Trọng Thuỷ, sao lại còn được thờ phụng? Chỉ có thể trả lời: Dân gian đâu phải việc gì cũng đúng! Vả lại, trong dân gian còn có sự phân hoá chính kiến! Phe nhân dân ủng hộ Lý Phật Tử thờ Nhã Lang chăng? Trong lời bình, Ngô Sĩ Liên cung cấp một chi tiết: “Nhã Lang thì chết trước, bản thân [Lý Phật Tử – ct.] cũng không khỏi làm tù” (33). Như vậy, phải chăng chính Lý Phật Tử ra lệnh lập đền thờ Nhã Lang, chứ không phải nhân dân? Dẫu sao, cũng lưu ý, không phải mọi thần tích (di tích tín ngưỡng), ca dao lịch sử đều chính xác tất thảy. Nhân dân cũng có phân số mù quáng.

Khía cạnh khác, Toàn thư và Cương mục đều ghi nhận một chi tiết rất thật: hai địa danh Thượng Cát, Hạ Cát nguyên tên cổ là Thượng Cát Giới, Hạ Cát Giới với chữ “cát” có nghĩa là “cắt” (ranh giới) (34). 

Và như Triệu Đà thuở xa xưa, Lý Phật Tử lên ngôi, tự xưng là Hậu Nam đế, triều đại kéo dài đến ba mươi hai năm (571 – 602). Cuối cùng, “Năm Nhâm tuất (602), […], nhà Tuỳ sai Lưu Phương sang xâm lấn. Đế Phật Tử ra hàng” (35)! Cương mục còn viết: “Phật Tử sợ, xin hàng” (35). Nếu chưa chiến đấu mà đã xin hàng thì thật ô nhục!

Như đã trình bày, sự thật lịch sử về Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử đã được nhân gian phủ lên một lớp sương mù huyền sử. Nói chính xác hơn, Triệu Quang Phục là nhân vật không còn thuộc thời kì huyền sử, nhưng là nhân vật lịch sử được điểm tô thêm bằng ẩn dụ lấy từ truyền thuyết lịch sử xa xưa.

Gạt đi các ẩn dụ lấy từ truyền thuyết, sẽ còn lại sự thật lịch sử.

 

          a. Các sử gia bình luận về Triệu Quang Phục:

 

Toàn thư đã viết: “Vua giữ đất hiểm, dùng kì binh để đánh giặc lớn, tiếc vì quá yêu con gái đến nỗi mắc hoạ vì con rể”; “Vua họ Triệu, tên huý là Quang Phục, là con Triệu Túc, người Chu Diên, uy tráng dũng liệt, theo Nam đế đi đánh dẹp có công, được trao chức tả tướng quân” (36).

Có thể nói, Triệu Quang Phục là vị tổ của chiến thuật du kích.

Về việc mắc mưu kế hôn nhân – nội gián, Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Đàn bà gọi việc lấy chồng là “quy” thì nhà chồng tức là nhà mình. Con gái vua đã gả cho Nhã Lang thì sao không cho về nhà chồng mà lại theo tục gửi rể của nhà Doanh Tàn để đến nỗi bại vong” (37)!

Mưu kế hôn nhân – nội gián ấy, thời nay, đa số vợ chồng trẻ đều ra riêng (sống ở nhà riêng), hẳn cũng khó lòng cho lực lượng thù địch, ngoại xâm trong việc “cài người”, nhưng vẫn là bài học kinh nghiệm lịch sử.

 

4

Kết luận

 

Trong tình thế bị kẹp giữa hai gọng kìm lịch sử (Trung Hoa, Lâm Ấp) và dưới ách đô hộ tàn bạo (Trung Hoa) như thế, dẫu sao, Lý Bí (Lý Bôn), Triệu Quang Phục vẫn bẻ gãy được gọng kìm nhỏ nhưng sắc nhọn là Lâm Ấp, đập tan cả gọng kìm lớn và ách đô hộ nghiệt ngã Trung Hoa, để xây dựng được một triều đại tự chủ, độc lập cho dân tộc, kéo dài đến gần 60 năm (544 – 602). Trong đó, có ba mươi hai năm (571 – 602) Lý Phật Tử nắm ngai vàng, thực ra cũng là nhờ công lao kháng chiến gian khổ và oai danh của Lý Bôn (5 năm) và của Triệu Quang Phục (22 năm). Toàn thư và Cương mục đã phê phán Lý Phật Tử thật đích đáng, tôi thấy không cần phải trích dẫn ở đây.

Tôi chỉ đề cao mỗi một Triệu Quang Phục.

Triệu Quang Phục mãi mãi là một nhân vật lịch sử cao đẹp, uy dũng và bi tráng.

Tôi muốn được một lần nữa lặp lại để nhấn mạnh điều này: Triệu Quang Phục là nhân vật không còn thuộc thời kì huyền sử, nhưng là nhân vật lịch sử được điểm tô thêm bằng ẩn dụ lấy từ truyền thuyết lịch sử xa xưa.

Triệu Quang Phục mãi mãi là một chiến tướng lớn, vị tổ của chiến thuật du kích, một vị vua kháng chiến thắng lợi của người Việt Nam chúng ta.

 

TP. HCM., viết xong lúc 16 giờ 01 phút,

ngày 09. 07. HB4 (22 .05 G. thân HB4).

TRẦN XUÂN AN

 

 

Cước chú của bài Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (nhà Tiền Lý)…:

 

(*) Gọi là nhà Tiền Lý và nhà Hậu Tiền Lý để phân biệt với nhà Hậu Lý (Lý Công Uẩn) về sau. Gọi là nhà Triệu – Việt để phân biệt với nhà Triệu – Hán (Triệu Đà) thuở trước.

 

(**) Xem thêm: La Quán Trung, Tam quốc diễn nghĩa, tiểu thuyết lịch sử, viết theo quan điểm phù Hán.

 

(1) Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884) (gọi tắt là Cương mục), tiền biên và chính biên, bản dịch (2 tập), tập 1, Nxb. Giáo Dục, 1998, tr. 144 (Tb. [tiền biên], q. [quyển] III, [tờ] 10).

 

(2) Năm sau, Ất dậu (265), mới là năm Thái Thuỷ thứ 1 của nhà Tấn, đời Vũ đế. Lúc này (264) vẫn còn là niên hiệu nhà Ngụy.

 

(3) Kể thêm hai triều Ngô (222 – 280), Đông Tấn (317 – 420) trước đó, sử sách thường gọi là Lục triều. Cương mục, sđd., tập 1, tr. 166 (Tb. [tiền biên], q. [quyển] III, [tờ] 33): Cước chú của dịch giả Tổ Biên dịch VSH.: “Theo Tống sử, truyện Trương Thủ, […], sáu triều đại này kế tiếp nhau đóng đô ở Kiến Khang, tức Nam Kinh bây giờ”.

 

(4) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 162 (Tb., III, 29). Cương mục và Toàn Thư (Đại Việt sử kí toàn thư [gọi tắt là Toàn thư], bản in nội các quan bản [1697], bản dịch [3 tập], tập 1, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003), hai bộ sử của nước ta đều chép Lý Trường Nhân là người Giao Châu. Trường hợp Lý Trường Nhân cũng như Lương Long (khởi nghĩa năm Tân dậu [181], xem: Cương mục, sđd., tập 1, tr. 126 [Tb., II, 23 – 24], hiện nay, chưa có tư liệu để xác định cụ thể về nguyên quán và dân tộc của hai nhân vật này. Tôi đoán rằng, đó là hai người Bách Việt ta trên vùng đất phía bắc thuộc lãnh thổ Giao Chỉ bộ (Giao Châu). Lý Trường Nhân (năm 468) có lẽ có quê quán cụ thể là quận Hợp Phố (Tượng Quận, về sau gọi là Liêm Châu), tức là Quảng Đông (thuộc Trung Quốc) ngày nay. Xin xem thêm cước chú (10).

 

 

(5) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 164 (Tb., III, 31).

 

(6) Xem thêm: Phan Khoang, Trung Quốc sử lược, ấn quán Hồng Phát, Chợ Lớn – Sài Gòn, 1958.

 

(***) Lê Tắc, An Nam chí lược (thuộc Tứ khố toàn thư, Trung Hoa), bản dịch của Uỷ ban Phiên dịch sử liệu Viện Đại học Huế (GS. Trần Kinh Hoà cố vấn), Viện Đại học Huế xb., 1961; Nxb. Thuận Hoá, TT. Văn hoá – Ngôn ngữ Đông Tây tái bản, 2002, tr. 266 – 267: Lê Tắc xác định Đỗ Tuệ Độ là con trai của Đỗ Viện, người huyện Chu Diên (xem (9)) thuộc quận Giao Chỉ, đồng thời ghi lại ý kiến khác: Đỗ Viện người Kinh Triệu (Trung Hoa), ông nội Viện làm thái thú Hợp Phố rồi định cư ở Giao Chỉ. Tôi nghĩ, họ Đỗ này phải là người Hán mới được bổ nhiệm nhiều đời làm quan đến chức thái thú các quận, và cả chức thứ sử Giao Châu.

 

(7) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 158 (Tb., III, 24).

 

(****) Xin nhắc lại ý tưởng: vấn đề Lâm Ấp (Hoàn Vương, Chiêm Thành) khởi đầu và chung quy vẫn là vấn đề nội bộ của lịch sử Việt Nam (+) từ cổ đại (kể từ thời điểm Khu Liên kháng chiến chống nhà Hán [Trung Hoa], tách ra khỏi cộng đồng dân tộc để lập vương quốc riêng, vào năm Đinh sửu [137] ((()) cho đến khi lại sáp nhập hoàn toàn vào Việt Nam cận đại (thời chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong, cũng năm Đinh sửu [1697] (++). Trong những triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê, Nguyễn về sau, số lượng người Chăm ra Bắc Trung bộ, Bắc bộ định cư khá lớn.

 

(+) Nỗi đau lịch sử Chiêm Thành là nỗi đau nhập thân của Chế Lan Viên, đồng thời đó cũng là nỗi đau thời Pháp thuộc với nhận thức, tín niệm về nhân quả – nghiệp chướng của ông, thể hiện trong tập thơ Điêu tàn. Nỗi đau Điêu tàn ấy được cảm nhận:

đức tin nghiệp chướng ngây ngô

niềm mất nước hoá giấc mơ kinh hoàng

thơ ai trên gạch tháp Chàm

mười bảy tuổi, vội Điêu tàn tóc xanh

bóng ma gào khóc chiến tranh

đau trong đau, đã kết thành, triệu năm…

                                                                        TXA.

(++) Không phải là năm 192 như nhiều sách viết. Xem: Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2002, tr. 121; Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. Tân Việt, 1964, tr. 328. Xin xem thêm phụ lục thơ của người viết ở cuối sách.

 

(*****) Lê Tắc, An Nam chí lược, sđd., tr. 157 – 158 & tr. 60, 284: Xem bài biểu của vua nước Lâm Ấp đệ gửi vua Tống (Trung Hoa) với ý muốn cai quản cả Giao Châu, trong cuốn sách này, số trang đã dẫn. Lê Tắc xác định nước Lâm Ấp thành lập trên vùng đất nguyên là huyện Tượng Lâm, nhưng chắc hẳn đã nhầm khi cho rằng huyện Tượng Lâm ấy chính là quận Bố Chính thời Trần (nay là hai huyện Quảng Trạch, Bố Trạch ở phía bắc Quảng Bình). Thật ra, theo Đào Duy Anh (sđd., (***), tr. 122 – 125), huyện Tượng Lâm là đất tỉnh Quảng Nam ngày nay (và kéo dài đến đèo Đại Lãnh, tỉnh Khánh Hoà hiện tại?!?), kinh đô của nước Lâm Ấp là Trà Kiệu. Xem thêm: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, tập 2, Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr. 5 – 14.; chú thích (*) của phần phụ lục chương II, sách này.

 

(8) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 168 (Tb., IV, 2). TXA. iđ & ct. Theo lời chua & cước chú: Đền thờ Lý Bôn (Lý Bí) ở xã Từ Đường, huyện Thuỵ Anh, phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định, nay là thôn Tử Các, xã Thái Đô, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Hẳn quê hương ông là ở đấy.

 

(9) Cương mục, sđd., tập 1, 114 (Tb., II, 10): Lời chua của Quốc sử quán triều Nguyễn: Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây (cước chú của dịch giả: tỉnh Vĩnh Phúc).

 

(10) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 144 (Tb., III, 10): “Năm Giáp thân (264) […].Năm ấy, nhà Ngô cắt ba quận Nam Hải, Thương Ngô và Uất Lâm đặt làm Quảng Châu, châu lị ở Phiên Ung; Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố làm Giao Châu, châu lị ở Long Biên. Việc chia ra Giao Châu và Quảng Châu bắt đầu từ đấy”. Xem thêm: Cương mục, sđd., tập 1, tr. 168 (Tb., IV, 2): lời chua. TXA. iđ & ct.

 

(11) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 167 (Tb., IV, 1). TXA. iđ & ct.

 

(11) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 167 – 168 (Tb., IV, 1). TXA. iđ & ct. Xem thêm về thể chế tuyển dụng này trong cuốn Lịch sử Việt Nam của Đào Duy Anh, Nxb. VHTT, 2002, tr. 135.

 

(12) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 252 (NK., q. IV, tờ 15a – 15b); Cương mục, sđd., tập 1, tr. 169 (Tb., IV, 3). TXA. iđ & ct.

 

(13) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 168 & 169 (Tb., IV, 1 & 3). TXA. iđ & ct.

 

(14) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 169 (Tb., IV, 3 – 4 ). TXA. iđ & ct.

 

(15) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 170 – 171 (Tb., IV, 4 – 5). TXA. iđ & ct.

 

(16) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 173 (Tb., IV, 7). TXA. iđ & ct.

 

(17) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 173 (Tb., IV, 7). TXA. iđ & ct.

 

(18) Toàn Thư (Đại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), bản in nội các quan bản (1697), bản dịch (3 tập), tập 1, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003, tr. 251 (NK. [ngoại kỉ], q. [quyển] IV, [tờ] 15a).

 

(19) Toàn Thư, tập 1, sđd., tr. 250 (NK., q. IV, 14b).

 

(20) Toàn Thư, tập 1, sđd., tr. 251 (NK., q. IV, 15a): cước chú của dịch giả Ngô Đức Thọ. Trích: Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. Tân Việt, 1964, tr. 52 – 53. TXA. iđ. & ct. Xem: Lý Tế Xuyên (Chư Cát thị hiệu đính, bổ sung), Việt điện u linh, Trịnh Đình Rư dịch, Đinh Gia Khánh hiệu đính và bổ sung bản dịch, Nxb. Văn Học tái bản, 1972, tr. 125: Lý Bôn phong Triệu Thị Trinh là Giản chính phu nhân; nhà Hậu Lý gia phong chữ Quý, truy tặng là Anh liệt phu nhân; nhà Trần lại gia phong: Hùng tài, Vĩ tích, Anh mẫn, đến năm Hưng Long thứ 21 (triều Trần Anh Tông, 1313), lại thêm một lần gia phong là Trinh nhất phu nhân.

 

(21) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 143 (Tb., III, 9). TXA. iđ & ct. Trần Trọng Kim hầu như cũng xác định “giặc Man Di quận Cửu Chân” ấy chính là lực lượng do Triệu Quốc Đạt làm thủ lĩnh (xem (20)).

 

(22) Toàn Thư, tập 1, sđd., tr. 256 (NK., q. IV, 17b).

 

(23) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 172 (Tb., IV, 7). TXA. iđ & ct.

 

(24) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 178 (Tb., IV, 12 – 13). TXA. iđ & ct.

 

(25) Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2002, tr. 137 – 138. Đào Duy Anh căn cứ vào nghi vấn: H. Maspéro, “La dynastie des Lý antérieurs = Nhà Tiền Lý”, BEFEO. (Bulletin des l’Êcole française d’Extrême-Orient), XVI; và phản biện của Đào Duy Anh.

 

(29) Toàn Thư, tập 1, sđd., tr. 254 – 255 (NK., q. IV, 17a – 17b). TXA. iđ & ct.

 

(30) Toàn Thư, tập 1, sđd., tr. 257 (NK., q. IV, 18b – 19a). TXA. iđ & ct.

 

(31) Toàn Thư, tập 1, sđd., tr. 257 – 258  (NK., q. IV, 19a). TXA. iđ & ct. Không lâu về sau, Trần Bá Tiên chính là kẻ cướp ngôi nhà Lương để lập nên nhà Trần (557 – 590). Trần Hậu Chủ, tác giả bài Hậu đình hoa (“đêm đêm còn hát Hậu đình hoa”), chính là con cháu Trần Bá Tiên. Xem bài: “Bạc Tần Hoài” của Đỗ Mục, đời Đường (Trung Hoa).

 

(32) Toàn Thư, tập 1, sđd., tr. 258 – 259  (NK., q. IV, 19b – 20a). TXA. iđ & ct.

 

(33) Toàn Thư, tập 1, sđd., tr. 261  (NK., q. IV, 21b). TXA. iđ & ct.

 

(34) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 177 (Tb., IV, 12): lời chua của Quốc sử quán triều Nguyễn và cước chú của dịch giả Hoa Bằng, Phạm Trọng Điềm, Trần Văn Giáp (Viện Sử học).

 

(35) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 179 (Tb., IV, 13 – 14). TXA. iđ & ct.

Toàn Thư, tập 1, sđd., tr. 262  (NK., q. IV, 22a): Nguyên văn bản dịch trong Toàn thư có ghi nhận rõ: “[Lưu Phương, tướng Tàu – ct.] đến núi Đô Long gặp giặc cỏ, Phương đánh tan hết, rồi tiến quân sang đến cạnh dinh vua [Lý Phật Tử – ct.], trước lấy hoạ phúc mà dụ. Vua sợ, xin hàng, bị đưa về Bắc [tức Trung Hoa – ct.] rồi chết”. Cước chú của dịch giả: “Nguyên văn [chữ Hán nguyên tác – ct.]: ngộ thảo tặc; hai chữ “thảo tặc” đáng phải sửa lại là vì soạn giả dùng sử liệu của Trung Quốc, không chỉnh lí. Thông giám và Tuỳ thư, Lưu Phương truyện nói rõ đó là quân của Lý Phật Tử, hơn hai nghìn người” (bản dịch, sđd., tr. 262). TXA. ing., iđ & ct.

Như vậy, đội quân 2.000 viên lính ấy có thể là lính trấn thủ của Lý Phật Tử, cũng có thể là quân được Lý Phật Tử phái đi chặn giặc xâm lược. Nếu ở trường hợp thứ hai, chứng tỏ Lý Phật Tử có ra lệnh chiến đấu, khi đã thất bại mới đầu hàng. Trường hợp này, đỡ ô nhục hơn.

 

(36) Toàn Thư, tập 1, sđd., tr. 256  (NK., q. IV, 18a).

 

(37) Toàn Thư, tập 1, sđd., tr. 259  (NK., q. IV, 20b).

 

TXA.

 

 

(  xem tiếp bài 7

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

             Cập nhật: 07/01/09

             (tháng / ngày / năm)

  

Google page creator  /  host