j. Trần Xuân An - Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Tệp 10 / tập III

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

07/01/09

14-04 HB6

( 2006 )           

 

TẬP III

 

 

Tệp 1

 

Tệp 2

 

Tệp 3

 

Tệp 4

 

Tệp 5

 

Tệp 6

 

Tệp 7

 

Tệp 8

 

Tệp 9

 

Tệp 10

 

________

 

hình ảnh:

 

Tệp 11

 

Tệp 12

 

Tệp 13

 

Tệp 14

 

Tệp 15

 

Tệp 16

 

________

 

 

TẬP I

 

TẬP II

 

TẬP III

 

TẬP IV

 

 

 

 

 

 

Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

 

Trần Xuân An,

nội hậu duệ thế hệ thứ năm.

 

 

 

 

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

Xem:

Blogger (Google) tháng 12-2005

http://tranxuananpcdtnvt3a.blogspot.com/

   & các trang tiếp theo: … 4a … 4b … 4c …

 

 

Tệp 10 –  Tập III 

(PHÂN ĐOẠN 4 TRUYỆN KÍ THỨ 10)

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

BI KỊCH Ở ĐỈNH ĐIỂM MÂU THUẪN

VÀ SỰ CHIẾN THẮNG

CỦA NHÓM CHỦ CHIẾN YÊU NƯỚC TẠI TRIỀU ĐÌNH

 

Truyện thứ mười

(phân đoạn 4)

 

      9

 

      Trong bốn tháng vừa qua, nhất là sau khi thành Trấn Hải và các thành luỹ, đồn trại hải phòng tại Thuận An bị thất thủ, phải nhục nhã kí kết “hoà” ước Quý mùi 1883 với bọn thực dân Pháp thắng trận, vua Hiệp Hoà bộc lộ rõ bản chất đầu hàng, vun quén cá nhân, còn cánh chủ “hoà” trong triều đình, hoàng tộc lại tăng lên. Vì thế, ít nhiều nhóm chủ chiến bị lép vế, yếu thế.

      Đại thần Tôn Thất Thuyết không cách nào khác, phải tự ý buộc Trần Tiễn Thành thôi việc. Từ đầu tháng bảy nguyệt lịch, Trần Tiễn Thành “xin” khỏi vào chầu khi thiết triều. Sau đó, lúc biết tin Pháp sắp tấn công Thuận An, ông ta cố lấy lại uy thế, có tham gia vài cuộc họp. Đến cuối tháng tám, ông ta bị buộc phải nghỉ việc hoàn toàn, về hẳn tại nhà riêng ở ấp Doanh Thị trung bên kia cầu Gia Hội (Huế). Thượng thư Tôn Thất Thuyết không muốn Trần Tiễn Thành tiếp tục chi phối vua Hiệp Hoà như đã chi phối vua Tự Đức, mặc dù vua Tự Đức không dễ bị chi phối như Hiệp Hoà. Trước sức ép của Tôn Thất Thuyết và bên cạnh Tôn Thất Thuyết còn có sự ủng hộ mạnh mẽ của thượng thư Nguyễn Văn Tường cùng một số các quan chủ chiến khác, vua Hiệp Hoà cũng đồng ý cho Trần Tiễn Thành bãi chức, về hưu.

      “Phụ chính đại thần là Trần Tiễn Thành vì tật cũ lại phát ra, hai chân đau buốt khó đi. Tháng trước [tháng bảy nguyệt lịch], [ông ấy] đã xin miễn cho không phải vào chầu, [chỉ] lưu ở công đường làm việc. Đến bấy giờ [cuối tháng tám nguyệt lịch] lại xin nghỉ việc Cơ mật, về ở nhà trọ [:bệnh xá] để chữa bệnh. Vua cho nghỉ việc” (105) .

      Thật ra, từ những ngày trước hạ tuần tháng tám Quý mùi (1883), trước khi đoàn khâm sai ra Bắc Kì, Trần Tiễn Thành rất nhiều đêm đến dinh thự của tham tri Bộ Lại Hồng Phì (phó khâm sai, con trai Tùng Thiện vương Miên Thẩm), cùng Hồng Tu, Hồng Sâm (con trai Tuy Lý vương Miên Trinh), để bàn mưu tính kế nham hiểm (106), nham hiểm chỉ vì quyền lợi cá nhân, bè cánh chủ “hoà” vị kỉ, mặc kệ vận mệnh nhân dân, Đất nước và mặc thây cả danh dự triều Nguyễn, triều đại mà họ đang được hưởng ân sủng hoàng tộc hoặc đang phục vụ, phụng sự (106).

      Tuy Lý vương Miên Trinh cũng là một trong những kẻ chủ “hoà”. Ông ta đồng mưu với những kẻ nham hiểm vị kỉ kia, cố sức câu kết với thực dân Pháp, thông qua tên khâm sứ De Champeaux. Trước hết, Tuy Lý vương giả vờ đến Sứ quán xin thuốc chữa bệnh! Xin thuốc kẻ thù xâm lược để chữa bệnh cũng là một điều lạ, chưa từng thấy! Bày tỏ thiện chí và sự tin tưởng ư? Hay là thuốc gì vậy?

       “Tuy Lý vương Miên Trinh đến Sứ quán [Pháp] xin thuốc chữa bệnh, quan Cơ mật viện và Thương bạc [:chỉ gồm Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] đem việc tâu lên. Vua cho triệu Miên Trinh vào Nhà Duyệt thị, truyền chỉ bảo rằng: “Sở ấy [:Sứ quán ấy], không nên đi lại luôn luôn”. Vua lại phê bảo quan Viện Cơ mật: “Thân vương ấy tuổi cao, đức tốt, lại có học thức, thực là người yêu nước trung thành, tưởng không ngại gì. Trẫm đã hỏi, về sau có việc gì bàn bạc hay hỏi thăm viên [khâm] sứ ấy thì sai cùng đi với đình thần [để] cùng đến Sứ quán [Pháp], có được không? Vương [Tuy Lý] đã bằng lòng. Chuẩn cho về sau có hỏi thăm hay bàn bạc khoản gì, chuẩn cho thân vương ấy cùng đi với đình thần”” (107) .

       Không những tuổi cao, lại có học thức, Tuy Lý vương Miên Trinh còn là một trong hai nhà thơ nổi tiếng của hoàng tộc và kinh đô Huế. Nhưng người chú ruột của vua Tự Đức này lại được Hiệp Hoà bảo là “yêu nước trung thành”, hẳn đó là lòng yêu nước trung thành theo quan niệm của cánh chủ “hoà”, đầu hàng, thoả hiệp, thật ra đang câu kết với kẻ thù là thực dân đang xâm lược Đất nước, bọn thực dân những muốn xô đổ hoặc chí ít cũng tròng cho được ách “bảo hộ” lên triều Nguyễn! Chưa bao giờ có một loại tình cảm  “yêu nước trung thành”  kì quặc, ngược đời như vậy!

      Hai đại thần Viện – Bạc Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết biết rất rõ âm mưu câu kết phản dân, hại nước, âm mưu hành động một cách nham hiểm đối với nhóm chủ chiến ấy. Và đồng thời, họ biết rõ vua Hiệp Hoà đang cùng Tuy Lý vương bước đầu thực hiện điều khoản thứ XI, điều khoản nhục nhã nhất của “hoà” ước Quý mùi 1883,  “Trú sứ [:khâm sứ, résident] Pháp tại Huế sẽ được quyền một mình vào diện kiến vua nước [Đại] Nam; nhà vua không thể từ chối không tiếp, nếu không có lí do chính đáng” (68) :

      “Sứ Pháp cho mời Tuy Lý vương Miên Trinh đến Sứ quán. Vua nhân thể sai đem các việc ở quân thứ về Sơn Tây thương thuyết.

      Lúc bấy giờ sứ Pháp đưa thư đến, yêu cầu ta [triệt] bỏ các quan quân thứ ở Sơn Tây [Hoàng Tá Viêm…], Bắc Ninh [Trương Quang Đản, Bùi Ân Niên…], cho nên vua sai đi thương thuyết bỏ việc ấy đi [vì sợ quan chức và sĩ dân cả nước phẫn nộ; vả lại, đó không phải là vấn đề then chốt…]. Sứ Pháp nhân [dịp ấy], xin vào chầu vua.

      Tuy Lý vương đem việc tâu lên. Vua lại sai Tuy Lý vương đi bàn định về nghi lễ triều yết; lại sai tham tri Bộ Lễ là Nguyễn Văn Thuý, tham tri Bộ Binh là Hà Văn Quan, tham biện Nội các là Hoàng Hữu Thường cùng sung làm tiếp hộ sứ.

      Rồi sau sứ Pháp vào yết kiến vua ở Điện Văn minh, cất mũ vái một cái. Vua hỏi han, yên ủi (hỏi thăm sức khoẻ của giám quốc [:tổng thống toàn quốc] nước Pháp và yên ủi viên sứ ấy)” (108).

      Sự thật của việc câu kết, chầu yết ấy không thể là gì khác ngoài việc mưu hại nhóm chủ chiến tại triều đình, và bàn định việc thoả hiệp triệt để giữa vua tôi chủ “hòa” với kẻ thù xâm lược. De Champeaux trước đây đã từng toan tính âm mưu  “đập tan tành” thượng thư Bộ Hộ, đại thần Viện – Bạc Nguyễn Văn Tường. Nay bên cạnh ông còn có đại thần Tôn Thất Thuyết, nên hơn bao giờ hết, De Champeaux quyết hạ bệ và hạ sát cả hai đại thần đứng đầu nhóm chủ chiến và đứng đầu đại bộ phận nhân dân quyết tâm chống Pháp trong cả nước. Vấn đề then chốt và chủ chốt là ở hai đại thần phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết chứ không phải là ở các quan tướng trên mặt trận như Hoàng Tá Viêm, Trương Quang Đản, Bùi Ân Niên… Do đó, De Champeaux nhiệt thành một cách man rợ trong sự câu kết mà Tuy Lý vương là con thoi qua lại! De Champeaux liền báo cáo ra Bắc Kì cho Harmand, báo cáo vào Gia Định cho Thomson.

       “Theo một điện tín của thống đốc Nam Kì gửi bộ trưởng Hải quân ngày 10 tháng 12 năm 1883, Hiệp Hoà bày tỏ trong mọi lúc cảm tình của ông ta đối với Pháp. Ông đã bí mật phái chú là Tuy Lý vương đến Toà Sứ Pháp để hỏi De Champeaux là, nếu trong trường hợp có biến động, ông có được Pháp giúp đỡ không? De Champeaux trả lời có, và nhiệt thành khuyến khích ông chống lại cận thần. Cuộc viếng thăm này làm triều đình lo ngại, họ làm đủ mọi cách để biết nội dung câu chuyện nhưng vô ích” (109) .

      Bức điện tín ấy được đánh đi trong thời điểm mười một hôm sau cuộc đảo chính tại triều đình, vào ngày mười một tháng mười một nguyệt lịch Quý mùi (1883).

      Mâu thuẫn giữa chủ “hoà” với chủ chiến, thực chất là giữa bọn xâm lược, bọn tay sai với những người yêu nước, chống Pháp, chống bù nhìn, đã bị đẩy lên đến điểm đỉnh. Không thể không nổ ra cuộc đảo chính. Dẫu sao, cuộc đảo chính ấy ít nhiều vẫn phải đẫm máu và đẫm thuốc độc thi hành án!

     

       “TÔN THẤT THUYẾT LẬP PHẤN NGHĨA QUÂN” (110):

 

      “Lúc đó, [Tôn Thất] Thuyết muốn lập lính chân tay [:thủ túc chi binh] riêng mình, bèn thương lượng với Nguyễn Văn Tường, nói rằng:

      “Tiến hành vào ngày 29 tháng 10 là quan trọng nhất [đó là ngày nhóm chủ chiến triều đình Huế tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Hiệp Hòa cùng những kẻ đồng mưu, câu kết với giặc Pháp]”.

      Hai viên quan này [:hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] cùng với những đình thần đã dự biết trước nên ai nấy giao cho những người thân thuộc tham dự vào việc hiểu dụ các thân hào sĩ dân kết đảng làm theo. Lần này, qua chọn lọc số người trong đó mà ban thưởng. Ngoài ra tuy [nhiều người] chưa được dự vào phái cử, nhưng đều vui lòng đáp ứng.

      Gần đây [tháng chạp Quý mùi (1883)], nhiều người làm theo, nay các binh ngạch thiếu nhiều, nên nhân tình hình ấy mà thu dụng họ, xin hội đồng Binh bộ xét tuyển dụng được bao nhiêu lính (nhưng không được khấu giản), chia làm vệ đội, lượng mà thiết lập quản suất, tùy số mộ được nhiều hay ít mà thưởng phẩm hàm, đặt tên là “Phấn Nghĩa quân”. Số quân đó được khao thưởng và đặt tên riêng; chiểu theo thứ tự, tuyển hai vệ tiên phong, nhưng vẫn lệ thuộc vào các viên quan mà hai vị thần đó [:hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết]  ủy nhiệm cho, để luyện tập và phân phái.

       Theo thời kì này thì hữu dụng, nên ([Nguyễn Văn] Tường) cho phép.

       Sau đó [Tôn Thất] Thuyết cho Trần Xuân Soạn lãnh [nhiệm] số quân ấy” (110).

 

      “NGÀY ĐINH SỬU, NGUYỄN VĂN TƯỜNG, TÔN THẤT THUYẾT PHẾ VUA VÀ GIẾT ĐI, VÀ GIẾT CẢ ĐẠI THẦN TRẦN TIỄN THÀNH; LẬP HOÀNG TỬ THỨ BA LÊN LÀM VUA” (111):

       

      “Trước đây, phế đế [:vua Hiệp Hoà] đã nối ngôi, [hai đại thần Nguyễn Văn] Tường, [Tôn Thất] Thuyết cậy công tôn lập lên, việc gì cũng chuyên quyền làm bậy [chủ chiến là làm bậy ư?!?]. Vua ghét hai người ấy, muốn tước bớt quyền đi. Cho nên ngoài mặt vẫn hậu đãi, mà trong ức chế [:đè nén, áp chế] cũng nhiều, (như việc đổi [Tôn Thất] Thuyết sang Bộ Lại, không cho giữ binh quyền; lại tờ tâu của sáu bộ, đều giao cho Nội các duyệt tâu, không chuyên giao cho hai người ấy). Gặp khi những người thân tín của vua là tham tri Bộ Lại Hồng Phì, tham biẹân Nội các Hồng Sâm mật mưu việc ấy [:việc giết hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết], Tuy Lý vương Miên Trinh, huyện công Hồng Tu đều có dự mưu (Hồng Tu, Hồng Sâm đều  là con Tuy Lý vương). [Hai đại thần Nguyễn Văn] Tường, [Tôn Thất] Thuyết đã biết việc ấy. Vua lại muốn dùng mẹo để hai người giết nhau. Triệu [Nguyễn] Văn Tường vào nói chuyện, thì [vua Hiệp Hoà] bảo [Nguyễn] Văn Tường là người trung thành, vẫn rất tin cậy; còn [Tôn Thất] Thuyết rất là ngang ngược, dặn [Nguyễn] Văn Tường tìm cách [giết] bỏ [Tôn Thất] Thuyết đi. [Tôn Thất] Thuyết vào hầu, vua cũng nói thế.

      Hai người lại ra, đều đem lời nói ấy mật bảo nhau. Nhân [thế, hai đại thần càng phải quyết tâm] mưu việc [truất] bỏ vua [Hiệp Hoà] mà lập vua khác.

      [Tôn Thất] Thuyết bèn lấy cớ là Thuận An sau khi thất thủ, phủ hạt Thừa Thiên nên tự tìm cách bảo vệ gia hương, [ông sai] phát hổ phù ra, [hổ phù là tín hiệu để trưng triệu quân lính], [bí] mật sai mộ nhiều hương dũng để phòng sai khiến. (Nhưng [đại thần Tôn Thất Thuyết đặc biệt] sai người thân tín là Kỳ Nội hầu Hồng Chuyên, phò mã Đặng Huy Cát, [cùng] chia nhau cai quản). Người ngoài chưa ai biết cả.

      Gần đây phái viên nước Pháp [De Champeaux] nhân hoà nghị đến xin chầu yết, hai người [:hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] kiếm cớ tránh mặt, không dự việc ấy. Vua lại đặc cách sai Tuy Lý vương chuyên đi lại Sứ quán bàn bạc. Hai người [:hai đại thần phụ chính] ngờ vua đem mưu ấy dặn Tuy Lý vương cầu cứu với người Pháp. 

      Bèn vào ngày bính tí là ngày hai mươi chín (29) tháng ấy, lúc canh hai [khoảng từ 19 – 21 giờ khuya], các cửa hoàng thành, kinh thành đã đóng kín, [đại thần Tôn Thất] Thuyết thu hết cả chìa khoá cửa. Bèn trước nói dối là, đêm ấy, nghe nói ngoài thành có bọn bậy bạ họp kẻ dị dạng [:bọn ăn mặc khác thường], [nên] xin tự kiểm biền binh, [bí] mật phòng bị sẵn. [Ông] biên ra, giao cho quan trực hầu tâu lên. Rồi ngoài thì [đại thần Tôn Thất Thuyết ra lệnh] phát ra hổ phù, sai họp tất cả [quân] mộ dũng ở bờ phía nam sông Hương; trong thì [ông cho] đòi gọi các quân [chủ lực] đều mang khí giới, do các viên Ông Ích Khiêm, Trương Văn Đễ đi trước, dẫn đến đóng ở Sở Tịch điền. [Đồng thời, hai đại thần] cho mời văn võ đình thần, người nào hiện ở ngoài hoàng thành cũng đến công đường Bộ Hộ (chỗ [thượng thư Nguyễn] Văn Tường ở).

      Hai người [:hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] bảo rằng:

      “Lãng quốc công [:Hiệp Hoà] nối ngôi đến nay, làm việc phần nhiều trái phép cũ, lại gần gũi người bậy (ngầm chỉ bọn Hồng Phì, Hồng Sâm, Hồng Tu), người đều không phục. Nay nên xin bỏ đi, đón hoàng tử thứ ba [Ưng Đăng] lên nối nghiệp lớn”.

      Lúc bấy giờ các quan đều vốn sợ uy lệnh của hai người ấy [:hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết], không ai dám nói điều gì khác. Hai người bèn một mặt dự làm tờ tâu, một mặt đem văn võ đình thần chuyển đến Sở Tịch điền, (duy có thượng thư Bộ Công là Đoàn Văn Hội cáo ốm không đến). [Hai đại thần phụ chính lại] sai đem tờ tâu lấy chữ các quan kí tên.

      Lúc bấy giờ đã trống canh tư [khoảng từ 01 – 03 giờ khuya về sáng].

      [Hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] bèn sai Hậu quân là Nguyễn Hanh, thị lang Bộ Binh là Lê Đại, trích phái biền binh đi đến nhà Dưỡng Thiện ở Khiêm lăng [:lăng vua Tự Đức].

      (Hoàng tử thứ ba [Ưng Đăng] nguyên ở Dưỡng Thiện đường, ở bên hữu nhà Duyệt Thị gần đấy [gần Sở Tịch điền]; [trước đây, khi] rước linh cữu tiên đế [Tự Đức, lên] để ở Điện Hòa khiêm tại Khiêm cung, hoàng tử thứ ba theo [lên,] đến ở nhà quan xá ngoài cửa Vụ Khiêm [để cư tang]; nhân thể cũng gọi [nhà quan xá ấy] là Dưỡng Thiện đường).

      [Nguyễn Hanh và Lê Đại cùng biền binh lên đến đó để] đón hoàng tử thứ ba. Lúc mờ sáng, [đoàn đón rước mới] về đỗ [kiệu, võng lọng] ở Điện Quan canh Sở Tịch điền. Hai người [:hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] cùng các quan ở Sở ấy đều lần lượt lạy mừng.

       (Khi ấy bọn [Nguyễn] Hanh mới đến đón, hoàng tử thứ ba rất sợ hãi; bọn [Nguyễn] Hanh ôm lên võng rước đi.

      Đến khi về đến nơi, hai người [:hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] nói với hoàng tử thứ ba là xin lập lên làm vua.

      Hoàng tử thứ ba nói rằng:

      “Ta còn bé, sợ không làm nổi”.

      Hai người [:hai đại thần phụ chính] nói rằng:

      “Tiên đế đã có ý ấy, nhưng chưa kịp làm. Nay là mệnh trời vậy. Xin nghĩ đến tôn miếu, xã tắc là quan trọng”).

      Đến sáng rõ, (tức ngày đinh sửu là ngày ba mươi [30] tháng mười [10]), hai người [:hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] thông báo cho các quan hiện túc trực đêm ấy ở trong Nội (văn trực thần là tham tri Hà Văn Quan, võ trực thần là quyền chưởng doanh Hùng Nhuệ Trần Văn Cư, tham biện Viện Cơ mật là Hồ Lệ, tham biện Nội các là Lê Duy Thụy, thị vệ sứ đại thần là Tiền quân Tôn Thất Thạ). [Họ] đều đến họp. (Lúc bấy giờ Đoàn Văn Hội cùng đến).

      Khi đồng hồ 5, 6 chuyển, vua [Hiệp Hoà] mới biết là có sự biến. [Hiệp Hoà] hỏi đến những người trực thần, thì chỉ có vài người [thuộc hạ nội] cung, thái giám. [Vua Hiệp Hoà cảm thấy] vội vàng thất thố, không biết làm thế nào, chỉ phải dự phê tờ chiếu nhường ngôi, để đợi.

      Đến giờ mùi [13 – 15 giờ chiều], hai người [:hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] đón hoàng tử thứ ba vào Viện Cơ mật tạm nghỉ; và đem tờ tâu bỏ vua cũ, lập vua mới, tâu lên Từ Dụ thái hoàng thái hậu, lấy ý chỉ để thi hành. [Hai đại thần phụ chính] lại sai mở cửa mạn tây nam (ngày hôm ấy cửa bốn mặt kinh thành đóng kín cả ngày); [đồng thời] cho gọi các hoàng thân. [Hoàng thân] cũng lục tục vào Tả vu. Đến nơi thì ai cũng im lặng, chỉ trông nhau mà thôi.

      (Duy Tuy Lý vương, Hồng Tu, Hồng Sâm ở ngoài, nghe biết tin, sợ bị vạ lây, bèn đem gia quyến đến chỗ phái viên Pháp đóng ở Thuận An cầu cứu. Hoằng Hoá công Miên Triẹân, Hải Ninh quận công Miên Tằng cũng sợ hãi đi mất. Sau đấy vài ngày, Hồng Phì đi công sai ngoài Bắc về, đến đầu địa giới Quảng Trị, nghe biết tin, tự cho là nguy, lập tức thuê thuyền đến hội với Tuy Lý vương [tại tàu binh Pháp ở cửa Thuận An]. Sau vì phái viên Pháp giao trả về, [Hồng Phì] cùng với Hồng Tu, Hồng Sâm, đều bị nạn).

      Lúc bấy giờ, vua [Hiệp Hoà] sai thái giám là Trần Đạt đem tờ chiếu nhường ngôi, yêu cầu lui về chỗ phủ cũ. Hai người [:hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] giả cách nhận lời, sai Tôn Thất Thạ đem võng đưa vua cùng phi tần nội cung cho về phủ cũ (ở địa phận xã Phú Xuân), nhưng mật dặn riêng [Ông] Ích Khiêm, [Trương] Văn Đễ trực [:chực] trước ở ngoài cửa Hiển Nhân, đón đường, [rồi] sai đưa [vua Hiệp Hoà] đến nhà Hộ thành, cho uống thuốc độc giết đi.

      (Hộ thành nha, nguyên trước là Dục Đức đường, mới đổi tên. Lúc bấy giờ, những phi tần đã cho về [phủ cũ] trước, [và] để hộ vệ đưa vua [về Nha Hộ thành]. Khi [đưa phế đế Hiệp Hoà] đến đấy, [Ông] Ích Khiêm, [Trương] Văn Đễ cho thuốc độc vào nước chè, dâng lên. Vua [Hiệp Hoà] không chịu uống.

      [Trương] Văn Đễ ra lạy, khóc, khuyên rằng:

      “Vua tôi đến lúc biến, không thể làm thế nào được”.

      Vua nói rằng:

      “Ta lại không được bằng Thụy quốc công à?”[Ý nói: Xin được xử như Ưng Chân (Dục Đức)].

      [Vua Hiệp Hoà] còn lần chần không uống. [Ông] Ích Khiêm bèn đem nước chè ấy đổ vào miệng vua. [Vua Hiệp Hoà] lập tức phát lên như người phải gió.

      Một lúc lâu, Trần Xuân Soạn ra truyền nói rằng:

      “Nếu để chậm quá, sẽ phải tội nặng”.

      [Phó đề đốc kinh thành Trần Xuân Soạn] lập tức lấy tay bóp họng [Hiệp Hoà]. Vua lè lưỡi, lồi mắt ra, rồi vua mới chết. Đến lúc đưa vua về phủ, thấy chỗ cổ họng vua [Hiệp Hoà] sưng như cái cung giương lên, ai cũng lấy làm lạ).

      [Ông] Ích Khiêm, [Trương] Văn Đễ vào bảo rằng:

      “Lãng quốc công đến đấy đã uống thuốc độc chết rồi”.

      Hai người [:hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] bèn rước hoàng tử thứ ba vào ở Điện Hoàng phúc, đợi sẽ chọn ngày tốt, tôn lên làm vua” (111).

      Còn về Trần Tiễn Thành?

      “Trần Tiễn Thành cùng hai người ấy [:hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] vẫn không bằng lòng nhau. Trước đây, vì việc tuyên chiếu [Trần Tiễn Thành mắc tội “truyền tả chế thư sai lầm”], đã bị hai người [:hai đồng phụ chính] tham hặc, diếc móc [:nhiếc móc], [nên ông ta] giận không quên được. Bọn Hồng Phì mật tâu xin bỏ cường thần, [Trần] Tiễn Thành cũng có đi lại mật với nhau. ([Trần] Tiễn Thành đêm thường ngầm đến dinh thự Hồng Phì bàn kín với nhau). Hai người đã biết. Cho nên việc [Trần] Tiễn Thành cáo ốm, xin về nhà riêng, đều do hai người [:hai đồng phụ chính] bắt buộc (106).

      Đêm hôm trước họp nhau ở Sở Tịch điền, hai người [:hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] cùng có đem bản thảo tờ tâu đến [để trình bày tỏ] tường với [Trần] Tiễn Thành, yêu cầu [ông ta] phải theo làm việc ấy. [Trần] Tiễn Thành lại khước từ, nói rằng:

      “Bỏ vua nọ lập vua kia, sao có thể làm mãi? Tôi đã bãi chức về nhà, không dám dự việc ấy”.

      Hai người [:hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] lại càng ngờ mà ghét. Nhân thể đêm ấy, [hai đại thần đồng phụ chính] cũng sai người đến giết [Trần] Tiễn Thành ở nhà riêng (nhà ở ấp Doanh Thị trung) (106).

      Ngày hôm sau (tức là mồng một [1] tháng mười một [11]), hai người tâu xin chôn vua [Hiệp Hoà] bằng lễ nghi quốc công, giao cho phủ Tôn nhân chiểu lệ chôn cất.

      Còn [Trần] Tiễn Thành thì do phủ Thừa Thiên khám biên cho là bị kẻ cướp giết chết. Đến lúc việc phát ra, ai cũng biết là do hai người ấy [:hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] sai người giết, mà chả ai dám nói ra” (106).

      

      CHI TIẾT VỀ CÁI CHẾT CỦA TRẦN TIỄN THÀNH  (112):

 

      “… Trần Tiễn Thành ra lệnh cho gia đình lập tức về quê. Ông chỉ ở lại với một người thiếp, bà thiếp thứ tư tên là Lê Thị Như, và vài tên gia nhân, để chờ sự việc xảy ra.

      Sau khi giết Hiệp Hoà, ngay đêm hôm đó, Tôn Thất Thuyết ra lệnh cho một toán quân trong đội cận vệ riêng của ông, đi giết Trần Tiễn Thành và Tuy Lý vương. Đó là một đêm cuối tháng, trời tối đen như mực. Cũng như các đường phố khác lúc bấy giờ, đường phố Chợ Dinh không có đèn đường. Quân Phấn Nghĩa cầm gươm giáo, do Hường Hàn [:Hồng Hàn, con trai của Miên Dần], Hường Chức và Hường Tế (cả ba đều trong hoàng tộc và là cháu nội Minh Mạng) chỉ huy. Họ đến trước nhà quan đệ nhất phụ chính vào khoảng canh ba (quá nửa đêm). Đó là một căn nhà như những ngôi nhà đến nay ta vẫn còn thấy trên đường Gia Hội. Nó gồm một căn nhà trệt ba gian nằm ngoài mặt đường, trước đây có lẽ đã dùng làm cửa hàng. Gian giữa có cửa hai cánh, mỗi cánh xây trên [:gắn vào] một loại trụ trát vữa. Một hàng hiên bên cánh trái sân nối liền căn nhà ấy với một căn nhà tầng kiến trúc xoàng xĩnh. Quân Phấn Nghĩa đứng trước nhà và ngoài đường, khoảng mười tên [:viên] đến đập cửa đùng đùng bằng chuôi vũ khí của họ. Sự ồn ào làm cả khu phố tỉnh giấc, mấy hàng xóm tưởng là quân cướp. Có người còn mở cửa để thét bảo bọn [:đoàn] người ngỡ là trộm cướp ấy rằng, đấy là nhà quan đệ nhất phụ chính, họ chớ dại mà đụng vào. Nhưng quan phụ chính đang nghỉ trên tầng gác căn nhà bên trong thì không nhầm lẫn. Gia nhân không dám mở cửa, và trong phút chốc, bọn lính đã phá cửa, vì chỉ cần dùng lưỡi kiếm ẩy lên là cửa mở toang. Vài tên [:viên] lính xông vào nhà, đèn trong nhà leo lét, đi đầu bọn lính là một người trong tay chiếc tráp đỏ thường dùng để đựng sớ tấu. Bọn [:nhóm] chỉ huy hét lên là hội đồng phụ chính mời đại nhân xuống có việc khẩn cấp. Vị lão thần khoác chiếc áo đen do người thiếp yêu trao cho và bước xuống, bà thiếp đỡ bên trái. Đến giữa cầu thang, khi tay phải ông còn giơ lên để chỉ cài cúc áo, nhiều tên [:viên] lính xông vào đâm ông bằng giáo. Người thiếp có phản ứng đáng khâm phục là lao về phía trước, cố gắng bảo vệ cho “phu quân và phu tướng” của mình bằng cánh tay mảnh mai và vì vậy, bị thương ở tay phải. Nhưng vị lão thần đã gục xuống thở hắt ra trong tay người thiếp của ông mà ông đã cố tình giữ lại bên mình để bà có mặt trong những giây phút cuối đời.

      Bọn hung thủ [:những người nghĩa phẫn] rút lui để sang làm nhiệm vụ tàn khốc [:xử tội] của họ ở nhà Tuy Lý vương. Nhưng trong số thủ lĩnh của bọn chúng [:họ] cũng có người còn ái ngại, muốn cứu vị hoàng thân dù sao cũng là chú ruột y, nên trùng trình làm cả bọn [:đội] bị trễ. Khi chúng [:họ] đến nơi, trời đã gần sáng. Vả lại, Tuy Lý vương đã trốn trước và đi lánh nạn ở Thuận An [trên tàu binh La Vipère do tên thực dân viễn chinh Picard Destelan làm thuyền trưởng], như ta đã biết” (112).

      Đến tháng mười hai nguyệt lịch Quý mùi (đầu năm 1884), cái chết của Trần Tiễn Thành vẫn được xác định:  “Đêm ba mươi tháng mười năm [nay], trước [đây], bị cướp giết chết”! “Lại giáng Cần chính điện đại học sĩ [quá] cố là Trần Tiễn Thành làm Binh bộ thượng thư”, “giáng xuống hàm ấy và chiểu theo hàm mới mà cấp tuất” (113) .

      Hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết cùng nhóm chủ chiến tại triều đình đã thừa lòng dũng cảm, sự quyết đoán, táo bạo để truất phế vua Dục Đức, thi hành án vua Hiệp Hoà theo lệ  “tam ban triều điển” , thì còn ngại gì không thừa nhận việc xử tội Trần Tiễn Thành, kẻ đã chủ mưu cùng đồng bọn giết để họ, nhằm mục đích thoả hiệp với Pháp, làm tay sai cho bọn xâm lược ấy! Rõ ràng, không nghi ngờ gì nữa,  “bọn Hồng Phì mật tâu xin bỏ cường thần, [Trần] Tiễn Thành cũng có đi lại mật với nhau. ([Trần] Tiễn Thành đêm thường ngầm đến dinh thự Hồng Phì bàn kín với nhau)” (106). Việc gì không thừa nhận? Thượng thư Nguyễn Văn Tường cảm thấy có một nỗi băn khoăn nào đó về chút ân nghĩa cũ trong việc tiến cử của Trần Tiễn Thành trước đây, mặc dù việc tiến cử ấy là nghĩa vụ, trách nhiệm, theo sắc dụ thể hiện phương châm  “tiến cử được người hiền, sẽ được thưởng hậu; che giấu người hiền, sẽ bị giết” ? Chỉ một mình Tôn Thất Thuyết ra lệnh hạ sát Trần Tiễn Thành? Hay chính Hồng Hàn, Hồng Chức, Hồng Tế đã tự động, không thừa lệnh ai hết? Những thủ lĩnh hoàng tộc thế hệ Hồng ấy đã tự giác, tự nguyện thực thi bản án tử hình Trần Tiễn Thành mà trước đó mười chín năm, nhóm Hồng Tập đã tuyên án!

      Hơn một tháng sau, vào hạ tuần tháng mười một Quý mùi (1883), vụ án Hiệp Hoà và những kẻ đồng mưu vẫn được tiếp tục xét xử, theo tinh thần  “luật pháp bất vị thân”  vốn đã thành truyền thống tốt của triều Nguyễn:

       “Đến lúc đó bèn tra xét, tam vương công [Tuy Lí, Hoằng Hoá, Hải Ninh…] xưng là nghe nhầm Hồng Tham [:Sâm], Hồng Tu (đều là con Tuy Lý vương) dẫn đến cuồng vọng… […]… [nên từ nay ba vương, công ấy] không được tham dự triều chính và giao thiệp với người [nước] ngoài. Hồng Tham, Hồng Tu, Hồng Phì phải tội chém… […] … Sau đó, phân đặt tam công ở các tỉnh ([…] Quảng Ngãi, […] Bình Định, […]Phú Yên). Con cháu chư công cũng đi theo […]. Hai con của phế đế là Ưng Hiệp, Ưng Bác cùng thị vệ là Nguyễn Duy Thiện (cháu [bên] ngoại phế đế) nên ban rằng không nên giao giam như bình thường. Thời gian sau, phát về Sơn phòng Quảng Trị thúc khẩn” (114) .

      Tuy nhiên, vẫn nhân hậu với Hiệp Hoà:

       “Gần đến kì tang sự phế đế, (vua [Kiến Phúc]) mệnh cho tôn thất và các quan văn võ ai nấy được ban tế một lần” .

      Và về vụ án người dân mượn rượu nói “quốc sự”:

       “Lúc bấy giờ [thượng tuần tháng bảy nguyệt lịch Quý mùi], người xã Long Hồ (huyện Hương Trà) là Nguyễn Văn Thịnh đi đến bến đò Vạn Xuân (gần [kinh] thành, ngoài cửa Tây nam), nhân say rượu, nói liên thanh, nói đến việc tự tiện bỏ vua này, lập vua khác, nói nhiều câu bất tốn. Bọn [Nguyễn Văn] Tường, [Tôn Thất] Thuyết tâu xin đem chém bêu đầu ở chỗ phạm tội. Vua không nghe, cho đổi làm trảm giam hậu. (Sau vua [Hiệp Hoà] bị truất bỏ, [Nguyễn] Văn Thịnh mới được [hai đại thần phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] tha)” (115) .

      Trong khi đó, Dục Đức (Ưng Chân) với thê thiếp, con cái, vẫn được chỉ định cư trú trong giới hạn quản chế, được chu cấp mọi mặt để sinh sống, học tập, tại Giảng đường Viện Thái y.

       Từ đầu hạ tuần tháng sáu đến cuối tháng mười nguyệt lịch, nói tròn số là bốn tháng trời, không dài, nhưng triều Nguyễn phải trải qua đến ba vị vua: Dục Đức (Ưng Chân), Hiệp Hoà (Hồng Dật), Kiến Phúc (Ưng Đăng)!  “Tứ nguyệt tam vương”! Dẫu có những tác dụng tích cực cho công cuộc chống thực dân Pháp, đó cũng là một nỗi đau lịch sử. Trong giai đoạn lịch sử ấy, ý hệ bảo hoàng vốn lại bị nhồi nhét thêm lòng trung quân mù quáng, do đó, trong tâm thức sĩ phu cũng diễn ra một sự giằng xé, phân thân, dao động. Vì thế, vẫn thấy về sau có xuất hiện hai câu thất ngôn khá bảo hoàng, mê tín, ngu trung, phản động:

 

 “Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết

Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường”!

 

Một sông hai nước nạn nhiều thuyết

Bốn tháng ba vua điềm chẳng lành!

 

“Nhất giang lưỡng quốc ngôn nan thuyết

Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường”!

 

Một sông hai nước, lời – khôn [:không thể] nói

Bốn tháng ba vua, điềm – chẳng rành [:hay]!

 

Hai nước một sông, lời khó nói

Ba vua bốn tháng, điềm không hay! (116)

 

      Nhưng bi kịch ở đỉnh điểm mâu thuẫn còn bị tình huống đẩy đến một mức khác. Bởi mâu thuẫn nội bộ triều đình tự bản thân nó là một biểu hiện rõ nét mâu thuẫn giữa thực dân Pháp, “tả đạo”, tay sai với những người chủ chiến yêu nước, trung nghĩa với triều Nguyễn một cách sáng suốt, cho nên, thật không đơn giản! Mâu thuẫn ấy chỉ được giải quyết một khi,

     +++ hoặc những người tích cực chống Pháp trong triều đình Huế và dân tộc ta,

     +++ hoặc “tả đạo”, tay sai và thực dân Pháp,

một trong hai, sẽ hoàn toàn thắng thế, nghĩa là tình huống hoàn toàn ngã ngũ…

      Đỉnh điểm mâu thuẫn khác sẽ xảy ra trong thời điểm từ tháng sáu đến tháng chín Giáp thân (1884)…

      Đỉnh điểm mâu thuẫn ở mức tột độ: cuộc Kinh đô Quật khởi hai mươi ba tháng năm Ất dậu (05.07.1885), phát động sự bùng nổ phong trào Cần vương…

      Bi kịch cùng bản anh hùng ca dưới ngọn cờ phong kiến triều Nguyễn, từ nỗ lực chiến đấu, cầm cự đến bại vong, phân hoá, đã và sẽ cất lên, vang vọng suốt gần bốn mươi năm (1858 – 1896)…

 

Hết tệp 10 (trọn t ập III)

     

Khởi viết truyện thứ mười này vào lúc khoảng 07 giờ

ngày 01.01.2003.

Viết đến dòng chữ này lúc 18 giờ 05 phút,

ngày mùng 04.01.2003 (02.12 Nh. ngọ HB.3)

tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

(105) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 240.

 

(106) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 259 – 260.

 

(107) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 253 – 254.

 

(108) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 255.

 

(109) Cao Huy Thuần, Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt Nam (1857 – 1914), luận án tiến sĩ tại Pháp, bản dịch ronéo của Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1973, tr. 31 (bức điện tín trên được lưu trữ tại Thư khố Bộ Hải ngoại Pháp, mang kí hiệu thư khố: A 30 (58), hộp 16).

 

(110) ĐNTL.CB., tập 36, 1976, sđd., tr. 63 – 64.

 

(111) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 255 – 259.

 

(112) PCĐT. Tr.TTh., (trong đó có in lại bài viết của Đào Duy Anh trên Tập san Những người bạn cố đô Huế [Bulletin des amis du vieux Huế (BAVH.), linh mục Pháp Cadière làm chủ bút, số 4 – 6/ 1944], bản dịch Bùi Trần Phượng), Nxb. Thuận Hóa, 1992, sđd., tr. 77 – 79.

 

(113) ĐNTL.CB., tập 36, 1976, sđd., tr. 68.

 

(114) ĐNTL.CB., tập 36, 1976, sđd., tr. 54 – 55.

 

(115) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 219.

 

(116) Phan Trần Chúc có chép lại hai câu thơ khuyết danh này trong cuốn Vua Hàm Nghi (VHN.), Nxb. Chính Ký, Hà Nội, 1951, Nxb. Thuận Hoá tái bản, 1995, tr. 52: “Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết, Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường” với bản dịch là: “Một sông, đôi nước, khôn đường nói [Thuyết]; Bốn tháng, ba vua, điềm chẳng lành [Tường]”. Nhà văn Thái Vũ đã chép một dị bản khác: “Nhất giang lưỡng quốc ngôn nan thuyết”. Xin lưu ý về phép tiểu đối. Chữ “thuyết” (nói) là động từ, do đó, chữ “tường” cũng phải là động từ, có nghĩa là rành rẽ, hay biết. Tạm dịch nghĩa: Một sông, hai nước, lời [thì] khó nói; Bốn tháng, ba vua, điềm [báo trước, mà] chẳng biết. Về điềm báo trước, sử gia Quốc sử quán ghi nhận: “Ngày ất hợi, làm lễ tấn tôn tại Đền Thái hòa. Khi các quan đương sắp hàng lạy, có một con chim đậu trên ngọn cây trước Đền kêu lên bốn tiếng lớn. Đến khi đọc di chiếu, lại có một đòan dê đi qua cầu Kim Thủy. Người ta cho là điềm không tốt” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu, bản dịch tiếng Việt của Quốc sử quán, Nxb. Thuận Hóa, 1998, tr. 543 – 544). Như vậy, theo bản sưu tầm của nhà văn Thái Vũ, phải hiểu câu thơ ấy như sau: Bốn tháng, ba vua, điềm [báo trước là không tốt, mà nhiều người] chẳng biết. Quả là rất hàm súc (kiệm lời, nhưng gộp được nhiều ý, kể cả ý của Quốc sử quán)! Ai bảo thơ ca hò vè phản động, mê tín, ngu trung không có những câu, những bài hay (hình thức nghệ thuật không điêu luyện)!?!

 

Chú thích xong lúc 11 giờ 17 phút,

ngày 15.01.2003

(15.01 Q. mùi, năm thứ hai công nguyên Hòa Bình [:HB.3]).

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

MỤC LỤC

(tập III)

 

1. Truyện thứ chín: Bắc Kì, tưởng chừng lặp lại.

2. Truyện thứ mười: Bi kịch ở điểm đỉnh mâu thuẫn và sự chiến thắng của nhóm chủ chiến yêu nước tại triều đình.

 

Mục lục.

Danh mục sách của tác giả

 

 

 

Ghi chú : So bản in vi tính với bản xuất bản:

Đổi font từ VNI-Times sang VNI-Centur, sửa lỗi sắp chữ và bổ sung một vài chi tiết (như vượt thành…):

13.02.HB.4 (23.01. Giáp thân HB4).

 

 

TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN

TỪNG CHỮ, TỪNG Ý TƯỞNG CỦA MÌNH.

 

 

NHÀ XUẤT BẢN VĂN NGHỆ TP.HCM

2004

(trong bản đã xuất bản,

tạm thời gác lại một vài đoạn chú thích)

 

 

Hết tệp 10

(phân đoạn 4)

 

– trọn truyện kí thứ 10 –

thuộc TẬP III bộ sách “PCĐT. NVT.”.

 

                         XIN XEM TIẾP TẬP IV

                          (TRỌN BỘ BỐN TẬP)

                          ________________________________

 

XEM HÌNH ẢNH, TỪ TỆP 11, TẬP III

& TỪ TỆP 12, TẬP IV

 

Nếu máy vi tính của người đọc đang vận hành với ADSL.,

quý vị có thể mở các trang hình ảnh để xem.

Các hình ảnh ấy có xuất xứ như sau:

 

 

1. +++ Amiral Kranz cung cấp

+++ Nguyễn Thị Oanh cung cấp

+++ Chassniol cung cấp (bản kẽm)

http : //members.cox.net/luanlac/vanhoa/nvt&slcp.htm

(webpage Nguyễn Quốc Trị).

 

2. +++ Không rõ tên tác giả tấm ảnh:

http : // www.hue.vnn.vn/cuocsongvaconnguoi/2005/10/107295/

(website Huế).

 

3. +++ Không rõ tên tác giả tấm ảnh:

http://www.viettouch.com/nguyen/

http://www.viettouch.com/whois/ttthuyet.jpg

(website Chi D. Nguyen).

 

4. +++ Không rõ tên tác giả tấm ảnh:

http://www.nguyenphuoctoc.com/images/tthai.jpg

(website Nguyễn Phước tộc).

 

5. +++ Nhiều tác giả không rõ tên; NĐX. (Nguyễn Đắc Xuân ?) & Hocquard (phần lớn hình ảnh do bác sĩ này chụp hay sưu tập):

http : //nguyentl.free.fr/

(website Nguyễn Tấn Lộc).

 

6. +++ Lương An, 2 bản đồ Huế, trong cuốn “Vè chống Pháp”; TXA. ghi chú thêm

(Trần Xuân An đi scan lại tại tiệm dịch vụ vi tính, 17-04 HB6 [2006]).

 

7. +++ Hình ảnh Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, trong cuốn “Kỉ yếu Hội nghị khoa học lịch sử về “Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường”, ĐHSP. TP. HCM., 20-06-1996.

(Trần Xuân An đi scan lại tại tiệm dịch vụ vi tính, 17-04 HB6 [2006]).

 

8. +++ Vài tấm ảnh khác không rõ tên tác giả, nhưng được ghi rõ nguồn (xuất xứ) & links

(tìm thấy trên Google Search, MSN Search, Yahoo Search).

 

Tôi đã ghi chú, ghi links cụ thể dưới mỗi tấm ảnh.

Ghi chú thêm theo thủ tục (19-04 HB6 [ 2006 ]):

Tôi không chịu trách nhiệm về những trang web, địa điểm web được dẫn links (để rõ xuất xứ) kể trên.

Trân trọng & cảm ơn.

TXA.

 

 

(  XEM HÌNH ẢNH, TỪ TỆP 11, TẬP III  

& TỪ TỆP 12, TẬP IV  )

________________________________

Đọc bộ truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử này, xin đối chiếu với:

TIỂU SƯ BIÊN NIÊN KỲ VĨ PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 - 1886)

http://c.1asphost.com/TrXuanAn/an/tieu_sbnpcdtnvtuong.htm

Trở về trang chủ

Cập nhật: 07/01/09

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7