i. Trần Xuân An - Mùa hè bên sông - Tệp 9

author's

copyright

 

trần xuân an

MÙA HÈ BÊN SÔNG

tiểu thuyết

1997 & 2003

 

 

06/29/09

        

   

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

m ù a 

 h è

 b ê n

  s ô n g 

    

(nỗi đau hậu chiến)

 

tiểu thuyết

 

 

nnhà xuất bản  

 

1997 & 2003

 

 

     

 

CHƯƠNG IX

 

 

1

 

 

Sáng sớm, nắng giữa mùa hè hồng tươi chiếu tràn vào nhà. Cô Bân và Hiền Lương đứng ở chái đầu hồi tiếp giáp với mái trước nhà ngang, vừa trò chuyện với thím Cận, vừa trông chừng ngoài ngõ. Như đã định với nhau hôm trước, ông giáo Hiền và Hành sẽ qua nhà rồi cùng lên chùa. Trưa nay, sư Tâm Tự mời một bữa cơm chay, bữa cơm theo triết lí của sư, sư đã nhờ một vài đạo hữu sẽ nấu giúp. Sư đã bày tỏ ý mong muốn mọi người đến sớm để có cả một buổi sáng đàm đạo cho vui. Bây giờ cũng đã hơn bảy giờ. Nắng đã rực rỡ lắm. Trận mưa rào hai hôm trước ngỡ chừng chưa mưa.

Nhác thấy hai ông cháu, cô Bân và Hiền Lương chào thím Cận, bước ra ngõ.

Bốn người niềm nở chào nhau, rồi cùng bước trên đường làng. Bóng tre hóp mát rượi, co tràn, chao đưa từng vạt nắng vàng óng.

Ở chùa, sư Tâm Tự đã tưới cây xong từ lâu, đang ngồi chuyện trò với ông Nộp cùng ông Hiệu Điên, trên chiếc chiếu trải giữa nền xi măng. Khay chén, bình ấm nước chè xanh đặt trước mặt. Khi thấy khách đến, ba người bước ra đón. Nhưng vì nạng gỗ hơi bất tiện, ông Nộp chỉ đứng vin tay vào khung cửa trông ra.

Sư với sáu vị khách ngồi xếp bằng trên chiếu uống nước chè xanh. Sực nhớ, nhà sư đến góc phòng bưng lại một mâm quả chín.

Bao giờ cũng vậy, khởi đầu là chuyện nắng mưa dưa lúa. Thời điểm này, sau vụ gặt, đã cấy xong, ngoài ruộng chỉ còn ít người vừa hò vừa nhổ cỏ đợt đầu cho lúa hè thu. Tiếng hò đối đáp đâu đây văng vẳng. Hiền Lương nghe giọng hò gió sớm đưa thoảng lại từ phía sau lưng chùa giữa những câu chuyện trò, thấy thật thú vị.

Lát sau, chú Tập dắt xe vào. Mọi người nhớm dậy, đã thấy chú Tập đưa tay ngăn và nói:

- Thật vui! Các vị đến sớm, tôi phải lỗi vì còn bận trao đổi với bên Uỷ ban xã, giờ ni (này) mới tới được đây. Xin lỗi, xin lỗi.

Khi chú Tập dựng xe, bước vào, cởi giày, ngồi lên chiếu, sư Tâm Tự rót nước chè xanh bốc khói vào chén, mời chú Tập. Nhà sư nói với nụ cười:

- Lẽ ra, chẳng dám mời các vị sớm thế ni (này). Mời cơm chay bữa trưa, giờ chừ (bây giờ) còn quá sớm. Chẳng qua, có cô Bân, cháu Hiền Lương về thăm, nghe đâu chuẩn bị vào lại Thủ Dầu Một, lại nghe cháu Hành cũng sắp đi học để chuyển sang công tác khác, và những người già cả, - Nhà sư cười, nhìn ông giáo Hiền, ông Hiệu Điên, ông Nộp -, gặp nhau cho vui, nên mới dám rứa (vậy). Lại được chú Tập nhận lời, hay quá. Thật ra, cơm canh nhà chùa đạm bạc, chỉ rau quả trong vườn chùa, nhờ một vài đạo hữu nấu giúp... Bây chừ (giờ), mời các vị dùng chút hương mật hoa quả.

Chú Tập uống hết chén nước vừa nguội bớt, bật lửa châm điếu thuốc.

- Xin lỗi cô Bân, cháu Hiền Lương, các vị không hút thuốc lá... Nhân đây, cũng xin thưa với nhà chùa, Đảng ủy xã vừa rồi đã nhất trí với Uỷ ban xã, định vụ đông xuân tới, sẽ cấp thêm cho quỹ đất ruộng vườn chùa một ít sào, để có thêm ngân quỹ tu bổ, tôn tạo chùa. - Chú Tập nhìn ông Nộp -. Tôi cũng đã trình bày việc ni (này) với các bác trưởng tộc, cũng để tôn tạo đình, và hương khói, tế lễ tổ tiên, thành hoàng.

- Việc này là việc của hàng nghìn năm trước, nay được lưu tâm lại như ri (vầy), thật quý hóa. - Nhà sư cười niềm nở, nhìn mọi người, nhưng chủ yếu nhìn Hành, cái nhìn đầy niềm gửi gắm, rồi dừng mắt ở Hiền Lương, người trẻ tuổi nhất -. Bây giờ, xin được dài dòng một chút.

Sư tiếp tục nói, giọng chậm rãi (II. 15):

- Chữ Bụt hay Phật vốn được phiên âm từ chữ Bu-đa, trong tiếng Phạn, có nghĩa là người giác ngộ. Theo tín ngưỡng dân gian hóa, Phật là Trời, Bụt có khi đồng nhất với Tiên, và cũng là Thần linh. Ngoài niềm tin vào Phật tánh (tính Phật), tín ngưỡng ấy còn tin có cái ngã siêu linh ở mỗi sinh mệnh, tồn tại ngay sau khi sinh mệnh ấy đã chết. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam còn đồng nhất Mẫu với Phật bà: Quan Âm Thị Kính. Do đó, nên dân gian thờ lạy, xin giải oan, cầu an, cầu siêu, cầu khẩn nhiều việc khác ở trần gian ta bà này. Thật ra, Đức Phật chủ trương diệt dục. Diệt dục thì vô cầu. Không cầu xin ai hết, chỉ coi trọng nỗ lực bản thân. Ngay tu cũng tự tu, chứ chẳng ai tu thay ai được. Mỗi người tự tu, ước nguyện tốt sẽ đạt. Tín ngưỡng dân gian có nghi lễ thờ lạy, cầu xin, xem ra phù hợp với đại chúng. Tuy nhiên, đạo Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn. Con số ấy tượng trưng cho số lượng chúng sanh, hằng hà sa số. Nguyên lí chung nhưng trình độ, thể tạng (căn cơ) riêng, ai tu ở mức nào, bằng cách nào, với pháp môn nào cũng có lợi chung cho xã hội và bản thân. - Nhà sư lại nhấp giọng -. Thực tế, cũng có rất nhiều người chỉ tin Đức Phật Thích Ca là triết nhân, là người thầy, cũng là người bạn không có tuổi, nghĩa là muôn thuở: người bạn, người thầy muôn thuở, như Đức Khổng Tử. Những người ấy chỉ tạc tượng Phật, đặt ngồi trên đất, và cùng với mọi đạo hữu (bạn cùng tu đạo) đàm luận, thiền định, như chúng ta đang ngồi với nhau đây. Tiếc là chưa có tượng Phật ngồi cỡ bằng người thật đặt bên cạnh chúng ta. Phật Thích Ca vốn ngồi trên đất dưới gốc bồ đề mà tìm ra được Lẽ Đạo, không tòa sen, không bệ thờ, cũng cầm bình bát đi khất thực để tiện cho việc truyền đạo. Ngài từ bỏ ngai vàng cao sang nhất để làm người cùng khổ nhất vì khổ đau và vô minh của chúng sanh. Vì tôn chỉ của Đức Phật như thế, Ngài không  bao giờ muốn được thờ lạy, nhang khói gì cả (II.9). - Nhà sư Tâm Tự lại khẽ khàng, ôn tồn nói -. Do đó, ước muốn của bản thân tôi là ngoài hình mẫu chùa truyền thống, với nghệ thuật kiến trúc Thiền tông, rất đạm, kị nồng, còn có một ngôi chùa như nhà ngang này, được xây theo kiểu một thư viện Phật học, khoa học kĩ thuật, một câu lạc bộ tinh thần. Như vậy, phù hợp với hai loại căn cơ chính. Trong hai hình thức, cách thứ hai rất dân chủ, bình đẳng, phù hợp với tôn chỉ của Đức Phật. Và Phật Thích Ca, vốn người Ấn Độ, da nâu đen, tóc xoăn, cũng gần như người châu Phi, da đen, tóc xoăn tít. (Ai Cập ở Bắc Phi là cái nôi văn minh nhân loại). Người Ấn Độ ở châu Á, nâu đen, - Sư nhấn mạnh -, chứ không phải vàng như người Việt, người Hoa. Vậy không lẽ gì tượng Phật không đen! Như thế là xóa phân biệt chủng tộc, “hàng rào màu da”. Nhà chùa cũng mơ ước kinh sách phải được dịch ra tiếng Việt một trăm phần trăm, sách báo dễ hiểu, ai cũng đọc được, hiểu được. Ngoài ra, còn tập khí công, dưỡng sinh, sinh hoạt thanh thiếu niên. Các Mác, cũng là triết gia. Mác và Phật cũng là bạn bè, anh em. Có thể có cả tượng Mác trong chùa.

Khi sư nói đến đây, mọi người đều thấy lạ. Sư Tâm Tự quả là cởi mở, khoáng đạt về tư tưởng khác thường.

Chú Tập nói:

- Tư tưởng của sư quá hiện đại! - Và chú liên tưởng đến Mai Hắc đế, vị vua anh hùng cứu nước có làn da nâu đen.

Nhà sư lại nói đến sự độc đoán của "đêm trường trung cổ", văn minh khoa học kĩ thuật của Phương Tây từ thời Phục hưng, và đặc biệt về Chúa Giê-su, Chúa vốn là người thợ mộc, người cùng khổ, người nô lệ dưới ách đế quốc La Mã.

Nhà sư trầm ngâm, mỉm cười nói:

- Phật giáo, Lão giáo là hai đạo hơi lánh đục về trong, xa cách cuộc đời, không dấn thân vào đời, tuy nhiên vẫn nhập thế (dấn thân vào đời) bằng cách xuất thế (thoát khỏi sự phàm tục). Xuất thế, nói rõ ra là đi tu ở chùa, để đồng thời nhập thế, hành đạo, giúp đời cải hóa đời theo lẽ thiện, hòa nhưng không đồng. Chữ xuất này khác với chữ xuất của nhà Nho, về phương thức. Lẽ xuất xử (hành, tàng: làm quan, ở ẩn) ngày xưa của kẻ sĩ là xuất (ra khỏi nhà, ra trường để vào đời, dấn thân) theo Nho giáo, còn xử (ở nhà, không tham chính, hoặc đã tham chính, về hưu) theo Phật và Lão. Lão cũng nghiêng về xử, dẫu có bàn chuyện chính trị, quân sự, nhưng thế là tham chính gián tiếp thôi. Không thể tham chính trực tiếp bằng Đạo Đức Kinh. Xưa, phải chăng, - Nhà sư nói -, chủ yếu trị nước bằng hữu vi, còn vô vi chỉ là một cách làm cho hữu vi mềm dẻo bớt. Nay, Phật phải khế cơ, dung hợp với Mác, trên tinh thần lấy chủ nghĩa yêu nước, văn hóa Việt Nam làm nền tảng, cốt lõi. Đó là thể theo như xưa, cũng trên tinh thần Việt Nam mà Phật giáo dung hợp với Nho và Lão giáo. Phật - Mác - tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng tinh hoa các triết thuyết của các tôn giáo khác, dung hợp lại... Nhưng đạo Phật vẫn là Phật giáo Việt Nam, nghĩa là vẫn giữ đặc trưng của một tôn giáo đã có truyền thống yêu nước, đi đôi với một trường phái đạo đức học thực hành, thực nghiệm.

Sư Tâm Tự vẫn mỉm nụ cười cố hữu, nhìn quanh mọi người. Sư nói dài, mọi người vẫn im lặng lắng nghe, bởi có nhiều ý tưởng mới mẻ đến bất ngờ khiến phải chú tâm.

- Hay quá, thưa sư. Thật là thú vị. - Hành nói, nét mặt đăm đăm lắng tai đã giãn ra rạng rỡ với nụ cười.

Ông giáo Hiền nói với giọng rất vui:

- Tôi, tôi có Đạo của tôi. Một mình một Đạo. Thú thật là mười lăm năm nay tôi có chiêm nghiệm lại những điều đã đọc trước đó, những điều đã trao đổi với sư Tâm Tự hồi dạy học ở Đông Hà, thời đang còn chiến tranh. Tôi chỉ mơ ước sẽ xây một cây cầu bắc ngang sông Bến Hải, thật hiện đại, thật nghệ thuật, tất nhiên cũng rất Việt Nam. Trên cầu ấy, có những hình tượng của tôi, những hình tượng mà giờ đây, là ông giáo ăn lương hưu còn túng thiếu, tôi chỉ có thể “tạc” bằng cây kiểng - chè lá nhỏ.

Băn khoăn lâu nay, Hiền Lương hỏi ngay:

- Thưa ông giáo, những hình tượng ấy có ý nghĩa gì ạ?

Ông giáo Hiền tủm tỉm cười, nhìn Hiền Lương, trìu mến, cố ý làm giảm nhẹ tính hệ trọng của vấn đề vì lòng khiêm tốn cố hữu:

- Đùa cho vui, chứ có chi bí mật mô (đâu). Cuốn sách thứ nhất là Từ Điển Bách Khoa Toàn Thư Thế Giới, tập hợp mọi công trình khoa học, nghệ thuật... tự cổ chí kim, gồm tất cả mọi trường phái, của mọi quốc gia, dân tộc. Xin nhấn mạnh là bách khoa, gồm mọi lĩnh vực, đã được ghi lại. Quả tròn là Quả đất, hành tinh của chúng ta. Nghĩa là tôi muốn tôn vinh những triết gia, nhà toán học, vật lí học, y học, vân vân, đã có công với nhân loại, đồng thời tôn vinh những sự nghiệp chung. Thích Ca, Lão, Khổng, Giê-su, Các Mác, mỗi người một mục từ mà thôi. Hồ Chí Minh cũng vậy. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du cũng mỗi người một mục từ. Trần Hưng Đạo cũng thế. - Ông nói -. Tất nhiên trong cuốn sách bách khoa này, có cả Võ Nguyên Giáp nữa. - Ông giáo Hiền cười -. Có gì ghê gớm đâu. Có gì bí mật đâu. Và cuốn thứ hai là Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, riêng về Việt Nam, với các mặt, các lĩnh vực, tự cổ chí kim... Nói chung là văn minh thế giới, trong đó có Việt Nam, và văn minh Việt Nam, riêng Việt Nam, tất nhiên như văn minh của các dân tộc khác, có ảnh hưởng, tiếp nhận văn minh thế giới. - Ông giáo Hiền cười -. Bản đồ, rõ rồi: Hình tượng Đất nước Việt Nam! Còn Thánh Gióng, ấy là biểu tượng chiến sĩ vô danh, là biểu tượng chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Việt Nam, từ xưa đến nay. Vấn đề là tôn vinh không chỉ các danh nhân tư tưởng, triết học, tôn giáo... mà còn tôn vinh các nhà khoa học - kĩ thuật thuộc các khoa tự nhiên... và chú trọng việc tôn vinh các chiến sĩ vô danh...

Hiền Lương cũng đã đoán được phần nào điều này. Nhưng cô nghĩ, như vậy, đó là hai hình tượng sách của hai cuốn sách có chữ chứ, sao lại vô ngôn vô tự? Chưa kịp hỏi, ông giáo Hiền đã gật gù nói tiếp:

- Về hình tượng Thánh Gióng... - Cũng như lúc nãy, ông giáo Hiền tuy tỏ ra đùa vui, nhưng trong thâm tâm rất tâm đắc, xem đây là vấn đề hệ trọng, do vậy, ông giáo hơi ngập ngừng, đôi khi lúng túng - ..., đó là huyền tượng kì vĩ, tuy dân dã, đã có nhiều sách vở nghiên cứu, ca ngợi. Đó là bậc thánh dân gian, có công không kể công, có danh không lưu danh (tên Gióng chỉ là tên làng). Đó còn thuộc mẫu đề, tức là mô-típ, Người con của Thần linh, của Thượng đế, như Thánh Giăng, như chúa Giê-su. Đã là con Trời, sao không trên trời rơi xuống? Sao không bước ra từ núi nứt làm hai? Thật ra, đó là con người chí thánh, cứu dân cứu nước, kì tài, nên nhân dân không thể tin là do máu huyết người cha phàm trần mà sinh ra đời được. (Theo quan niệm phụ hệ, bây giờ vẫn còn tồn tại, gốc gác con người, họ tộc, dân tộc là theo người cha, còn người mẹ không đáng kể, mặc dù mang nặng đẻ đau!). Đó có thể là con người có thật, được huyền thoại hóa, nên chỉ còn một nửa sự thật, cái lõi hiện thực, nghĩa là không huyền thoại một trăm phần trăm, cũng chẳng mười mươi hiện thực. Chỉ các nhân vật từ trên trời rớt xuống mới thuộc huyền thoại trăm phần trăm. Cũng có thể, như đã nói, nhân vật không có quốc tịch, vì cha đâu biết là ai, mà là Trời! - Ông giáo Hiền mỉm cười, nhấp một ngụm chè xanh -. Cũng có thể, truyền thuyết ấy phản ánh bi kịch vô sinh, hiếm muộn, con hoang, con cầu tự. Trong đó ý nghĩa con hoang là hay nhất: Đứa con hoang vĩ đại, chí thánh. Đấy là chủ nghĩa nhân đạo, không phải nhân đạo với người mẹ mà với bào thai vô tội. Mẹ tội lỗi... nhưng con xứng đáng làm người, có quyền làm người, và hơn thế, là người chí thánh nữa, có điều không thể đảm nhiệm chức vụ gì, vì không rõ dân tộc, gốc tích của người cha. Không thể có một Hồ Quý Ly thứ hai, lấy tên nước Ngu của ông ta bên Tàu để đặt quốc hiệu nước mình, dù là Đại Ngu. Ấy là biểu hiện của ý thức xâm lược. - Ông Hiền cười trước sự bàng hoàng của mọi người -. Đó là nói tận cùng. Tôi rất sợ sự phản bội của hình tượng đối với ý đồ của tác giả... Tôi vẫn nghĩ, những vĩ nhân không làm chính trị, không xây dựng sự nghiệp chính trị mà thành vĩ nhân, hoặc thành vĩ nhân trong các lĩnh vực không liên quan đến an ninh, quốc phòng, họ đã thuộc về nhân loại rồi, không cần thuộc về dân tộc nào, quốc tịch nào, màu da nào, thời đại nào... Thánh Gióng ngày xưa, nói theo ngôn từ ngày nay, vậy là cũng đã tham gia quốc phòng, nhưng chỉ là tướng mặt trận, chỉ huy lực lượng dân quân... Thánh Gióng đánh tan giặc Ân, là đánh tan quân xâm lược. Chống sự xâm lược của ngoại bang, đấy là giá trị nhân văn toàn cầu, dân tộc nào, quốc gia nào cũng đồng tình, nhất trí. Xin đẩy tới tận cùng ý nghĩa của hình tượng! Thánh Gióng, suốt ba năm từ lúc lọt lòng đến khi vươn vai trở thành tráng sĩ, không nói, cũng không khóc cười, chỉ biết lặng nhìn tình cảnh mất nước và lắng nghe tiếng gọi cứu nước. Như vậy là cậu bé làng Gióng đã tiếp thu bằng mắt, bằng tai văn hóa Việt, tinh thần yêu nước Việt, xứng đáng là vị thánh Việt Nam, vị thánh của mọi dân tộc bị áp bức, xâm lược trên thế giới. Thánh Gióng lại được nhân dân nuôi dưỡng bằng cà, xôi, rất dân dã, rất dân tộc, đậm đà tính nhân dân... Tóm lại, chỉ thần linh hóa một con người rất Việt Nam, đồng thời rất nhân loại.

Hiền Lương buột miệng:

- Thưa ông giáo, nhưng người mẹ của hai mẹ con Thánh Gióng là nhân dân làng Gióng, nhân dân Việt Nam chứ!

Ông giáo Hiền cười ha hả:

- Hay! Cực hay, rất hay! Nhân dân Việt Nam sinh nở ra hai mẹ con Thánh Gióng. Rõ hơn, dân tộc mình sinh nở ra truyền thuyết ấy là đã sinh nở ra hai mẹ con làng Phù Đổng ngày xưa. Thánh Gióng xứng đáng là hình tượng chiến sĩ vô danh, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam và chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam. Phải nói lại: nên lật ngược, lật xuôi các chi tiết, vì tôi rất sợ sự phản bội của hình tượng nghệ thuật đối với ý đồ sáng tạo của tác giả. Nhưng tác giả đây là nhân dân Việt Nam.

- Thực ra, làm gì có chiến sĩ vô danh! - Hành nói -. Ai cũng có tên, nhưng vai trò đóng góp khác nhau ở mức độ và quy mô thôi. Nếu kể gia đình thương binh liệt sĩ chống Pháp, riêng về loại chống Pháp, phải kể từ người hi sinh bởi phát súng xâm lược đầu tiên vào thời điểm một tám năm tám tại Đà Nẵng, từ nghĩa sĩ Cần Giuộc, chứ đâu phải từ liệt sĩ Việt Nam Cộng sản đảng hoặc chỉ kể từ các liệt sĩ năm bốn lăm đến năm tư! Ai tặng bằng liệt sĩ cho nghĩa quân Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, binh lính của Đội Cung, đồng chí của Nguyễn Thái Học...? Chiến sĩ vô danh, mở rộng ra từ nghìn xưa đến nay, chỉ là ý niệm về những liệt sĩ có tên, nhưng vai trò bé nhỏ, do đó, bị quên mất, bị thời gian làm cho vô danh. - Hành muốn nói về ba và mạ của anh, chú Học và o Ngoan, liệt sĩ chống Mỹ, nhưng kịp dừng lại vì lòng khiêm tốn. Một lúc, anh nói tiếp -. Chiến sĩ vô danh không chỉ là liệt sĩ với nghĩa “tử sĩ” mà còn là những chiến sĩ hiện đang còn sống...

Ông giáo Hiền cười ngậm ngùi:

- Vậy nên phải có biểu tượng Chiến sĩ vô danh, trong đó kể cả quân tình nguyện quốc tế. Với lại, bây giờ, còn có sách in tên tuổi, đĩa vi tính...

Hiền Lương hỏi ông giáo Hiền:

- Sao lúc cháu mới về, ông bảo đó là cuốn sách Vô ngôn Vô tự?

Ông Hiền nhìn Hiền Lương, gật gù:

- Nghĩa thứ nhất, cả hai cuốn là sách Hữu thức, có chữ, có các mục từ, về đủ mọi lĩnh vực, như đã nói, kể cả mục từ như thể “Chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ nhất của nhân dân Việt Nam (Đại Việt)”. Nghĩa thứ hai, cả hai cuốn đồng thời là hai cuốn sách Vô thức, như thể vô thức cộng đồng. Không có gì đã có mà mất đi, cho dẫu một ý nghĩ tốt hoặc xấu trong đầu, bâng quơ hay nung nấu. Vì sao? Vì những ý nghĩ ấy sẽ ngấm ngầm chi phối một đời người, đời người ấy tương tác cùng bao người khác nữa, cũng là nhân, sinh ra quả, tùy chất, tùy lượng mà tốt hay xấu, theo một tiến trình biện chứng. Ví như một sợi khói thuốc lá cũng đủ gây thêm một chút ô nhiễm làm hỏng tầng ô-dôn, dẫu người ấy hút thuốc một mình trong đêm tối, ngỡ chỉ tự hại phổi. Ví như đọc một câu thơ hay trong óc cũng có tác dụng tự kỉ ám thị, làm tốt đẹp hơn cái tâm, cái tình người đọc ấy, rồi sẽ gián tiếp ảnh hưởng sang các hành vi khác ngỡ chẳng liên quan, hay liên quan trực tiếp đến câu thơ là một số hành vi nào đó, và hành vi ấy, những hành vi ấy, sẽ tác động ít đến nhiều tới cộng đồng, với mức độ, quy mô, từ nhỏ đến lớn... Hai cuốn sách ở nghĩa thứ hai, Vô ngôn Vô tự, là vậy. Không có gì đã có mà mất, có thể nó tồn tại ở dạng khác. Mọi người nghĩ tốt, tích lũy cái tốt, phê phán sâu sắc và triệt để cái xấu, sẽ sống tốt.

Hiền Lương, Hành, nhất là sư Tâm Tự, ông Hiệu Điên, quá chừng xúc động. Khoa học, sâu sắc, Hiền Lương thấy ý tưởng của ông giáo Hiền đúng là như vậy.

Lúc này, ba đạo hữu đã đến. Chín giờ sáng rồi. Nắng trên những luống hoa rất tươi thắm. Ba người đạo hữu xuống bếp lo bữa cơm chay. Sư Tâm Tự chỉ dẫn cho họ, rồi lên lại phòng khách. Sư ngồi xuống chỗ cũ, nói:

- Tôi phải thừa nhận đó là Đạo hay nhất, bao trùm nhất, dân tộc nhất, cũng nhân loại nhất. Nhà khoa học tự nhiên, như nhà vật lí, khoa nguyên tử chẳng hạn, phải là nhà cứu thế, đừng biến công trình của mình thành vũ khí giết nhân loại, tan nát hành tinh, mà dùng năng lượng nguyên tử vào các công trình nhân sinh, dân sinh, vì sự sống, vì hạnh phúc của nhân loại. Tôi đề nghị ông giáo Hiền bàn với các bác trưởng tộc trong làng, với ông Nộp hiện có ở đây, để vận dụng cụm hình tượng đó vào đình. Cái đình là cái quốc túy, quốc hồn. Nói cho rõ, cái đình là cái tinh túy và thuần túy của Đất nước, là hồn thiêng Tổ quốc Việt Nam mình.

Ông Nộp cười:

- Tôi có là gì đâu! Chỉ là ông từ lừ đừ vào đình, thắp nhang quét bụi, giữ ba đứa con nít phá bậy!

- Nhưng phải có ông giữ gìn chứ! Này, anh Hành, anh nên viết báo phổ biến rộng khắp đi. Hay lắm! - Nhà sư nói.

Hành trình bày quan niệm về cái đình của mình như đã nói với Hiền Lương hôm trước. Mọi người khen hay. Ai nấy đều rạng rỡ gương mặt.

- Hồn thiêng Sông núi, Tổ quốc. Đúng vậy. - Chú Tập nói.

Ông Nộp buông ra bốn chữ của câu thành ngữ:

- “Xưa bày nay làm”!

Nhà sư cười, vỗ vai thân mật Hành:

- Rồi chúng ta, kể cả Hiền Lương và Hành, sẽ thành cái gọi là Xưa. Phải có người xướng lên, rồi mới có người đóng góp ý kiến, ủng hộ. Cái gọi là Nay sẽ là thế hệ của ba, bốn mươi năm sau, một trăm, một vạn năm sau. - Sư Tâm Tự lại nói, lần này cố ý lớn giọng, nghiêm túc -. Cuốn sách Ghi công Thế giới (có thể ghi cả tội), cuốn sách Việt, gồm làng và nước, sẽ chẳng bao giờ bất biến. Chúng sẽ được sửa chữa, chỉnh lí, bổ sung theo trí tuệ từng thời đại, theo một hệ giá trị bất biến mà cốt tủy là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam, tức là nhân nghĩa Việt Nam. Cụm hình tượng chỉ là biểu tượng. Biểu tượng ấy, tất nhiên là bất biến. Nếu phát hiện ra một, biết đâu, những hành tinh nào có sự sống, có văn minh trao đổi văn minh với Quả đất này, cụm hình tượng sẽ được người đời sau bổ sung thêm! - Nhà sư lại nhìn ông Hiền -. Nếu truyền bá ra thế giới, Bản đồ và Chiến sĩ vô danh phải tùy từng nước chứ? Cả cuốn sách thứ hai cũng vậy? Xin thầy giáo Hiền cho ý kiến.

Ông giáo Hiền cười ha hả. Ông Nộp thấy ngài ngại. Đó là chuyện lớn, chuyện tâm linh, ảnh hưởng đến nghìn năm sau! Thật hay, nhưng táo bạo, mới mẻ quá. Ông Nộp lo là phải. Nhân gặp nhau, bàn chuyện Đạo cho vui thôi. Ông thấy cần suy nghĩ lại.

Sư Tâm Tự nói:

- Phải bàn bạc rộng rãi lúc tế đình làng. Ngày Hội làng sắp đến rồi. Quyết là làm, nếu được đa số đồng tình, đồng ý. Xin thực hiện ngay tại làng mình. Có cấp ủy Đảng đây.

Chú Tập gật gù nhưng vẫn hơi dè dặt.

Hiền Lương, cô Bân thấy Đạo của ông giáo Hiền hơi gần với các tôn giáo hòa đồng của người dân Nam Bộ, rộng mở và đoàn kết. Có lẽ đấy là tinh thần của người Việt thoát khỏi sự trì trệ của đất Bắc đầy rẫy định kiến vì định cư một chỗ quá lâu. Người Nam bộ từ Trung, Bắc vào nhưng rất hào phóng, cởi mở. Tinh thần ấy có được là nhờ Đất, nhờ thoát khỏi những trói-buộc-sinh-ra-cục-bộ-địa-phương-chủ-nghĩa. Đạo của ông Hiền đúng là tinh thần Nam bộ, nhưng bao quát hơn, khoa học hơn, rất xem trọng khoa học - kĩ thuật, quân sự, chính trị nhưng không thể xem nhẹ tâm hồn, tư tưởng, văn hóa.

Chú Tập gật gù nãy giờ, khẽ ngẩng đầu nói:

- Vấn đề “đầu tiên”, xin thưa, ấy là “tiền đâu”. Tôi nghĩ, chùa và đình nhận thêm ruộng rồi mời người (đạo hữu, dân làng) nhận làm khoán, tính bao nhiêu phần trăm lợi tức, tỉ lệ sao cho hợp lí, thỏa thuận đôi bên bốn bề. Sư già rồi, đâu cày ruộng được nữa. - Chú Tập ngừng lại -. Vấn đề Đạo, chắc phải còn bàn lui bàn tới, lật ngược, lật xuôi nhiều bề, xong nhờ cháu Hành viết giúp một loạt bài báo, gửi đăng khắp nước để lắng nghe ý kiến phản hồi, có thể có ý kiến của Việt kiều, của người này kẻ nọ, rồi sau đó mới thực hiện. Phải khoa học và cách mạng, đồng thời không thể để truyền thống bị xói mòn được. Nói như Hành, phải cách tân, nhất định phải cách tân để duy trì, phát huy truyền thống, cụ thể là cái đình.

Mọi người bày tỏ sự nhất trí. Chú Tập lại nói:

- Đấy là chuyện Đạo. Xin tạm gác lại. Bây chừ (giờ) tôi xin các vị vài phút bàn chuyện đời. Đời và Đạo. Đạo là Đời. Đó là những điều chú Nông nói sơ sơ hôm nọ, về vấn đề Mở cửa, Đổi mới. Tôi suy nghĩ nhiều về vấn đề này. - Chú Tập ngừng lại -. Thật ra, chẳng có gì mới nhưng hóa ra mới. Lẽ ra, nên gửi thanh niên ra nước ngoài du học, tiếp thu khoa học - kĩ thuật tiên tiến, biết đón đầu khả năng phát triển. Lẽ ra, phải vay vốn quốc tế, tranh thủ viện trợ, vân vân, để tự xây dựng, tự phát triển kinh tế. Lẽ ra, phải được trả tiền bồi thường chiến tranh. Lẽ ra, nếu cần, mời (hoặc thuê) chuyên gia nước ngoài. Và lẽ ra, chỉ buôn bán, mậu dịch với các nước tại cửa khẩu thôi. Lại lẽ ra, phải dẹp hết các tập đoàn tư bản liên quốc gia, nước nào tự phát triển tại nước đó. Cạnh tranh, buôn bán chỉ tại cửa khẩu hữu nghị. Không cạnh tranh quốc tế quyết liệt, nhưng nếu nhà cộng sản, nhà tư sản trong nước có ý thức tự cường dân tộc, nếu có chính sách tôn trọng chất xám, khoa học - kĩ thuật vẫn tiến bộ, vẫn phát triển, vì đã đến thời bùng nổ thông tin toàn cầu, du lịch toàn cầu. - Chú Tập nhếch môi cười -. Đúng là chấp nhận đầu tư của các tập đoàn tư bản liên quốc gia là chấp nhận bóc lột bởi chủ nghĩa đế quốc về kinh tế, trong đó có sức lao động, tài nguyên, kể cả chất xám... Hình tượng con đỉa hai vòi do Ăng-ghen ví von, Bác Hồ có nhấn mạnh lại rất lâu rồi. Nhưng đó là chuyện “lẽ ra”. Thực tế đâu khỏe khoắn và tốt đẹp vậy! Đế quốc là bóc lột. Bóc lột các nước chậm phát triển về kinh tế mới là thực dân mới, đế quốc kiểu mới. Nhưng, “gặp thời thế, thế thời phải thế”!? Vấn đề đau đầu là ở đó! Chúng giàu mười, mình khá lên một, trong lĩnh vực chấp nhận đầu tư! Và vấn đề nước quá giàu, nước quá nghèo vẫn phải còn mãi, nhân loại vì thế còn đau khổ và vô minh mãi! - Chú Tập hơi chua chát, nói tiếp -. Thế giới đại đồng, xem ra còn lâu lắm, xa lắm, vài ngàn, vạn năm nữa. - Chú Tập ngừng lại, và thấy cũng cần nói rõ thêm -. Chuyện hòa chủng, hòa trộn màu da, lâu lắm, xa lắm, mặc dù chuyện hòa chủng này tuyệt đối không nên nói tới, vì nói tới sẽ gây tác hại khôn lường, chẳng khác gì biện minh cho sự đồng hóa dân tộc của bọn xâm lược, bành trướng!... Ước mơ của tôn giáo, của chủ nghĩa cộng sản dân tộc - liên minh quốc tế khá cam go...

Trong câu chuyện, thật ra, có nhiều danh từ, nhiều vấn đề nghe còn lạ tai với một số người, nhưng tinh thần chung ai nấy đều hiểu và đều băn khoăn. Không dưng, cuộc gặp mặt, dùng cơm chay thân mật trở thành như một cuộc hội thảo với các tham luận! Những người có mặt hôm nay có lẽ còn bị lôi cuốn với nhiều ý kiến táo bạo, mới mẻ nhưng cũng tạm gọi là chín chắn, có suy nghĩ. Hiền Lương có nhiều thắc mắc. Cô Bân cũng vậy. Ôi, thế Chúa Giê-su cũng có một mục từ trong cuốn sách của ông giáo Hiền cộng sản sao! Cô Bân thấy cũng là lạ, vì xưa nay cô chỉ hiểu về Chúa Giê-su theo tinh thần thần học La Mã.

Nhưng bữa cơm chay rau dưa tương đối đẹp và ngon mắt, mặc dù đạm bạc, như tôn chỉ tu hành, đã được đề nghị  bưng lên.

Nhà sư nói:

- Thôi, xin quý vị bớt động não. Chuyện vui hóa ra nghiêm túc cũng hay. Ai cũng định nói sơ sơ, hóa ra ai nói cũng rốt ráo. Bây giờ, xin mời dùng cơm chay với nhà chùa đã.

Mọi người mỉm cười, hầu như nụ cười nào cũng phảng phất chút băn khoăn. Chẳng hiểu tại sao suốt buổi ông Hiệu Điên chẳng nói gì. Ngỡ ông vẫn im lặng, không nói, nhưng bây giờ ông bỗng cất giọng ngâm nga:

 

Đàn vang tích tịch tình tang

Ai đem công chúa dưới hang lên lầu?

 

- Thạch Sanh! - Ông Hiệu Điên nói tiếp -. Thạch Sanh cũng là con của Trời đấy! Dũng sĩ trong truyện cổ này cũng thuộc mô-típ ấy. Mô-típ, tức là mẫu đề? Chất liệu mẫu ấy rất phổ biến trong truyện cổ trên thế giới. Họ Thạch, chắc người Khơ-me Nam bộ quá? Cũng... và cũng... - Ông Hiệu Điên nói với giọng trầm bổng như hát bội.

Mọi người có dịp cười ngặt nghẽo. 

Hành hiểu ý, đế vào:

- Cũng... và cũng... gì ạ?

- Cũng biết kể công, mặc dù chỉ kể công trong khuya khoắt. Nhưng chỉ một mình hay cố ý để ai đó nghe? Chỉ để minh oan? Và rồi Thạch Sanh cũng được làm phò mã, làm vua, đánh tan mười tám nước xâm lược chỉ bằng tiếng đàn nghệ sĩ! Ôi, tiếng đàn là vũ khí!

Giọng điệu ông Hiệu Điên như kép, như lĩnh xướng dàn đồng ca, không, như lời bình sau hậu trường sân khấu. Bỗng, ông cắt đứt tiếng cười thoải mái của mọi người bằng cung cách rất nghiêm trọng:

- Xin thưa quý vị. Tôi, lão Hiệu Điên, xin long trọng xác quyết với quý vị: Thánh Gióng, xưa nay người Kinh Việt Nam không biết cha là ai, nhưng theo tôi, đích thực có cha là người Việt lai Chăm ở đất châu Ô này! Ngày xưa ngày xửa, châu Ô, thuộc bộ Việt Thường của nước Văn Lang. Việt Thường là một trong mười lăm bộ của nước ta hồi đó, sau Chiêm Thành đánh chiếm, ta mất cả Ô, cả Lý, chỉ còn từ châu Hoan trở ra! Như vậy, Thánh Gióng có mẹ người Bắc Ninh, cha Quảng Trị, mà là con một người Việt gốc Chăm (không phải người Quảng Trị nào cũng có hòa máu huyết với Chăm!).

Ông giáo Hiền cười giòn giã:

- Rất hay! Nhưng, có cái đúng, như chủ quyền châu Ô xưa, có cái hơi diễn dịch kiểu... đùa!

- Thì khi hồi (lúc nãy), ôông chẳng đùa răng, ôông Hiền? - Ông Hiệu Điên cười, hỏi lại.

- Phải khoa học! Đùa mô (đâu) được. Vấn đề tôi tâm đắc bao năm, vấn đề tâm linh chứ đùa bỡn thế nào! - Ông Hiền tỏ ý bất bình -. Lúc trình bày, tôi xúc động quá, nên lúng búng, chưa thật rạch ròi, minh xác, đôi ý bỏ lửng... - Ông giáo Hiền ngừng lại, tự trấn tĩnh -. Tôi nhất trí Thạch Sanh có thể gốc Khơ-me Nam bộ, ngay cả cốt truyện cũng gốc ấy. Cái này đã được khoa học nghiên cứu, có cơ sở mười mươi. Và truyện Thạch Sanh trở thành máu thịt của cả năm mươi tư nhân tộc Việt Nam, trở thành máu của máu, thịt của thịt của toàn dân tộc rồi, nghĩa là cũng rất Việt Nam. Đấy là kết quả của sự giao lưu văn hóa khu vực. Xin mở ngoặc đơn ở đây, rằng Thạch Sanh cũng có thể thuộc gốc Việt, lai Khơ-me, rồi mang họ Khơ-me trở về Việt. Tuy nhiên, xin thưa, vấn đề là Thánh Gióng!

Sư Tâm Tự đành nói:

- Xin mời các vị dùng cơm đã. Cơm canh sắp nguội hết. Hồi nãy, tôi đã xin bớt động não để ăn cơm, bảo đảm sức khỏe. Bỗng dưng, không khí sôi nổi mà căng quá.

Mọi người cười xòa. Cơm canh còn nóng sốt. Nhà sư nhìn thấy còn khói tỏa từ mâm đặt trên chiếu, nên cũng yên lòng.

- Xin mời ba đạo hữu luôn thể. - Nhà sư nói.

Bữa cơm chay đạm bạc nhưng vẫn ngon miệng, Hiền Lương và cô Bân thấy vậy.

Sư mỉm cười khi một đạo hữu nói:

- Ba chị em, o cháu tui (tôi) không trình bày món ăn theo kiểu giả mặn. Thầy đây không cho. Có nhiều người nấu chay lại trình bày y như cá, tôm, thịt sườn, chả lợn. Sợ quá. Hoa quả rau dưa phải là hoa quả rau dưa. Giả mặn là còn thị dục, tâm chưa chay!

Hiền Lương thấy món nào cũng trình bày như quả chín, kể cả đậu phụ, mì căn. Triết lí gì đây? Chỉ toàn quả chín, kể cả cơm. Cơm được nén lại thành quả như quả vú sữa, nhưng không nhuộm màu. Hiểu ý, một đạo hữu nói:

- Hơi gấp, bầy tui (chúng tôi) chưa kịp giã, vắt lá dứa thơm, lá dứa hương í (ấy), để nhuộm màu cho khéo (đẹp, tinh tế).

Ông Hiệu Điên cười to, vui vẻ:

- Hôm nay nhà chùa với bà con mình được lên cảnh giới bồng lai, được làm Tiên nơi cực lạc, chỉ dùng toàn trái cây, thật sung sướng, nhẹ nhàng, thanh khiết.

Sư Tâm Tự nói, mỉm cười:

- Ảo thôi! Khát vọng cực lạc như rứa thật. Nhưng ở cõi trần gian ta bà này, thế nào cũng phải còn sát sanh, cho dù chỉ sát sanh thực vật. Thực vật cũng là sinh vật, có sự sống! Mô Phật! Nhân loại sẽ tiến hóa, cây cỏ sẽ tiến hóa, nhờ thời gian và khoa học - kĩ thuật, nhờ nỗ lực bản thân. Tương lai, loài người sẽ ăn toàn quả chín cây, kính cẩn nâng hạt sự sống gieo lại vào đất. Tạm chấp nhận, ở thời điểm tiến hóa này như vậy đã. Thôi, thôi, xin quên đi. Xin ở mỗi chúng ta có cái quên của cái hiểu, cái nhớ. Xin mời dùng cơm canh nhà chùa, đạm bạc, vẫn ngon, vẫn bổ dưỡng, bảo đảm sức khỏe. - Nhà sư chợt khựng lại -. Nhưng trước mắt và còn lâu dài, có thể đến ngàn, vạn năm sau, cần đẩy mạnh sản xuất, nuôi và trồng, kẻo lệch hướng khoa học - kĩ thuật... Có điều, tôi xin thành tâm suy nghĩ, nghiên cứu ăn chay cũng là một hướng! Và tôi cũng thành tâm ước nguyện, sẽ có các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo giống cây trồng, tạo ra những loại cây có quả, có củ thay được thịt, cá, và bổ dưỡng hơn cả thịt, cá, giúp con người thông minh, sống lâu hơn và không bệnh tật. Đó không phải là hoang tưởng, mà chính là khả năng của hiện thực! Trần gian sẽ thành tiên cảnh!

Hiền Lương bàng hoàng xúc động, nhưng vẫn gắng ăn cho mọi người vui. Hiền Lương thực sự ngộ ra cái ăn là cái ác. Cô những muốn vẽ ngay ý tưởng sâu sắc về triết lí nhân đạo bi đát mà lạc quan này.

Ông Hiệu Điên đã pha trò để mọi người vui vẻ ngon miệng, như chuộc lỗi trót làm căng thẳng hồi nãy.

Cơm nước xong, tám người thấy chưa nên chia tay ra về. Nhiều người còn muốn nán lại một chốc để bàn luận tiếp, nhất là Hiền Lương. Cô đã cùng mẹ chuẩn bị điện thoại vào Đông Hà, nhờ bạn của chú Cận mua vé tàu lửa giúp, để vào lại Bình Dương, cô đâu còn dịp đàm luận gì ở đây nữa. Riêng cô Bân đã thấy nặng đầu.

- Thưa sư, thưa các ông, mẹ và anh Hành. Cháu thấy còn thắc mắc, vướng víu, mắc mứu nhiều khía cạnh. - Hiền Lương thưa.

Cô Bân cũng băn khoăn, nhưng gượng rầy con gái:

- Hiền Lương, các vị còn phải về nghỉ trưa. Mắc míu (mứu) gì, vào Thủ Dầu Một, con xin phép được gửi thư ra cho ông giáo, hoặc mọi người ở đây.

Nhà sư nói, lòng vui lắm nhưng giọng vẫn nhỏ nhẹ, ôn tồn:

- Cháu cứ nêu ra. Xin mạn phép các vị. Chúng tôi gần đất xa trời rồi, chỉ hi vọng ở lớp trẻ như cháu, như Hành. Cứ nêu!

- Vấn đề Thánh Gióng, vấn đề Thạch Sanh ạ. - Hiền Lương nói.

Hành đỡ lời:

- Chuyện Thánh Gióng là truyền thuyết lịch sử, có cơ sở lịch sử, có lõi hiện thực, có nửa phần sự thật lịch sử. Thạch Sanh chỉ là chuyện hư cấu. Hư cấu, đối chiếu với lịch sử bốn ngàn năm, chỉ thấy là hư cấu. Và đấy cũng là tâm thức... Tâm thức gồm cả khát vọng nhân bản, ít nhiều có khả năng hiện thực, và dẫu sao, khát vọng cũng là hiện thực tâm lí... Đấy cũng là tâm thức Việt, gồm năm mươi bốn sắc tộc Việt Nam. - Hành bỗng mở ngoặc đơn -. Dân tộc Việt Nam gồm năm mươi bốn nhân tộc (sắc tộc), gồm cả Chăm, Khơ-me Nam bộ và Hoa kiều. Riêng người Hoa sinh sống lâu đời ở Việt Nam, nhân dân vẫn gọi là khách. Năm mươi ba nhân tộc Việt là chủ, Hoa kiều là khách. Nói thật, lịch sử bốn ngàn năm của Việt Nam, luôn luôn buộc phải đối phó với Trung Hoa để tồn tại. Nước nhỏ, phải đề phòng nước lớn, mà Trung Hoa luôn muốn đồng hóa, thống trị ta. Nên người Việt không hẹp hòi, vốn không hẹp hòi, vẫn phải cảnh giác với Trung Hoa. Chỉ vậy thôi. Còn năm mươi ba nhân tộc khác, kể cả Chăm, Khơ-me Nam bộ, vẫn Việt Nam. Xin nhấn mạnh. - Hành mỉm cười - . Xin trở lại vấn đề Thánh Gióng. Truyền thuyết ấy chỉ dừng lại ở ý nghĩa Con Trời. Theo trình độ tư duy cổ, chỉ như thế. Trời sai người xuống giúp rồi lại về trời, được vua truy tặng danh hiệu Phù Đổng Thiên vương, lập đền thờ để tưởng nhớ công đức. Danh hiệu ấy có nghĩa là: Vua (vương) của Trời (thiên) giúp đỡ (phù) và chỉnh đốn lại (đổng), hiểu rộng ra là lập lại công lí của Sách Trời (định tại thiên thư). Như vậy là vua Hùng thứ sáu cũng tôn xưng rồi. Nhưng, - Hành ngừng lại, hơi xúc động vì điều mình nói -, có điều, nếu đẩy đến tận cùng ý nghĩa ẩn chứa trong hình tượng Thánh Gióng về phía hiện thực, ta thấy, như mọi người nhất trí hồi nãy với ông nội... - Hành muốn gọi “ông giáo Hiền” cho có vẻ khách quan hơn -. Tuy nhiên, vẫn sợ có người muốn hiểu huyền tượng theo hướng thấp hèn của sự dung tục, muốn dùng khái niệm li-bi-đô để giải mã. Tất nhiên phải dè chừng! Theo văn bản lưu truyền, truyền miệng và được ghi thành sách, mẹ Thánh Gióng nghèo khổ, góa bụa, già rồi vẫn neo đơn, một hôm bà ra vườn cà, giẫm phải dấu chân ông khổng lồ Thần linh (Thần Trụ Trời chẳng hạn), liền mang thai, sinh ra Thánh Gióng. Phụ nữ già mà mang thai là chuyện phi thực.  Đấy là chốt khóa để khỏi nghĩ bậy. - Hành nghĩ ngợi trong một thoáng, lại nói -. Và, tại sao Thánh Gióng không lưu danh, không lưu cả tên của mẹ Thánh Gióng? Thánh Gióng là đứa con của quan hệ tội lỗi, ví như ngoại tình, ví như hiếp dâm và bị hiếp dâm, bản thân Thánh Gióng cũng hoang dâm nhưng có công với dân, với nước chăng? (II.15).

Mọi người tái mặt, duy ông giáo Hiền mỉm cười.

- Tư duy thần thoại cổ sơ đã biến người mẹ trẻ thành người mẹ già lão chăng? Đàn bà già làm sao sinh con? Ngày xưa, phụ nữ mấy tuổi thì già? Thánh Gióng lại con đầu lòng nữa! Thực tế sản khoa cho thấy, mẹ Thánh Gióng còn trẻ. Và chàng thanh niên dũng sĩ ấy được biến thành đứa trẻ lên ba, một anh nhi trong sạch tuyệt đối, mới ba tuổi đã trở thành anh hùng trận mạc! Lịch sử nước ta cũng như của các nước cho thấy, có nhiều anh hùng, danh nhân thuộc các lĩnh vực có đời tư chẳng ra gì, phẩm chất đời tư thật đáng nguyền rủa... Nhưng lịch sử đích thực là lịch sử, một khoa học khách quan, sẽ công bằng... Sơn tinh, Thủy tinh, kể cả Mỵ nương (đọc theo âm cổ là Mệ nường) cũng không có tên, ngay cả vua Hùng suốt mười tám đời hầu hết cũng vô danh. Ngày xưa, thuở bộ lạc thị tộc, ý niệm cá nhân chưa hình thành chăng? Phần nào có lí. Yằ thức cộng đồng đã lấn lướt ý thức cá nhân. Nói chung tất cả đều vô danh, dẫu trước đó đã có Lộc Tục, Sùng Lãm, vẫn có Tiết Liêu... Cổ tích vẫn có tên các nhân vật như trong truyện Trầu Cau chẳng hạn... Xin trở lại vấn đề! Tôi xin phép được nêu ra vấn đề này: Cả làng Gióng đã lấy tên làng, nghĩa là danh dự của làng, để đặt tên cho người anh hùng ấy. Cả triều đình lấy danh dự của triều đình để truy tặng danh hiệu, và danh hiệu Phù Đổng chính thức thành tên làng. Làng Phù Đổng vẫn mấy nghìn năm nghi ngút khói hương tôn kính Cậu Gióng hay Ông Gióng, Thánh Gióng, triều đình lại tế lễ hàng năm, gần như quốc lễ. Như vậy, rõ ràng là vấn đề ý thức cộng đồng đã lấn lướt ý thức cá nhân. Và có khả năng hiểu, Thánh Gióng là Con Nhà Trời, hoặc chính Thánh Gióng là thánh nhân, mẹ Thánh Gióng cũng thánh nhân, họ muốn vô danh như thế, để vinh quang của mình thành vinh quang làng nước. Hơn nữa, Thánh Gióng và mẹ ý thức sâu sắc rằng: dẫu sao một cá nhân cũng chẳng thể làm nên chiến công (trong thực tế hiện thực), do đó họ không muốn tầm thường theo kiểu vơ hết vinh quang về cá nhân mình (“dãi thây trăm họ nên công một người”), dẫu dân làng dồn hết công cho Thánh Gióng với bụi tre đằng ngà. Đấy là đẩy đến tận cùng ý nghĩa của hình tượng... Tóm lại, Thánh Gióng chỉ là biểu tượng với ý nghĩa: người anh hùng chí công vô tư, sinh ra bởi yêu cầu lịch sử, và về trời (về ẩn dật, phục viên...) sau khi hoàn tất nhiệm vụ lịch sử. - Hành nhẹ giọng lại -. Ông giáo chỉ sợ hình tượng bị xuyên tạc, thế thôi. Nói chung, sáng tác hay cảm thụ phải đặt các chi tiết, các điểm sáng thẩm mĩ trong văn cảnh, trong chỉnh thể hình tượng. Nói cách khác, tổng thể hình tượng được tạo nên bởi các chi tiết cố định, các chi tiết ấy là của tổng thể ấy, và ẩn nghĩa (chìm) thống nhất với hiện nghĩa (nổi). Không thể tách biệt một chi tiết để diễn dịch tùy tiện, phản lại nội dung ý nghĩa toàn bộ hình-tượng-tác-phẩm.

Ông Hiệu Điên cười ngất, khoái trá:

- Xin ngâm thơ, Hiệu Điên với bài thơ Dáng Đứng Việt Nam:

... Anh chết rồi, nhưng lòng dũng cảm

vẫn đàng hoàng nổ súng tiến công

... Anh tên gì hỡi Anh yêu quý

chẳng để lại gì cho Anh trước lúc lên đường

không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

... Tên Anh đã thành tên Đất nước...

 

Mọi người cười ra nước mắt, vì vừa vui, vừa cảm động với sử thi bi tráng qua giọng ông Hiệu Điên. Ông Hiệu Điên vẫn cười ngúc ngắc:

- Tôi hiểu rồi, nhưng vẫn thích xuyên tạc thế này: Thánh Gióng đã tử thương trên ngựa sắt như anh Giải phóng quân, và cũng về trời trên lưng ngựa sắt ấy. Sao không tiếp tục giúp nước? Đuổi giặc rồi phải lo gìn giữ, xây dựng Đất nước chứ! Về ở ẩn là tiêu cực! Nếu còn sống, còn cống hiến. Tài như Thánh Gióng ít ra cũng làm tể tướng để phục hồi kinh tế hậu chiến! Còn chỉ có tài quân sự, lẽ ra Thánh Gióng cũng phải làm tướng để bảo vệ Tổ quốc, ngay cả trong thời bình! Kết luận: Thánh Gióng tiêu cực! Và, anh Giải phóng quân vô danh, chí công vô tư mười mươi, sao Lê Anh Xuân lưu danh hậu thế?

Mọi người chỉ biết ông Hiệu  Điên thích đùa.

- Phải lưu danh để chịu trách nhiệm về tác phẩm! Đúng. Sao anh Giải phóng quân không lưu danh? Biết đâu anh ấy có tiền án, tiền sự đang cần điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự? Ông Hiệu nói tiếp.

Mọi người cười ầm với ông Hiệu Điên. Ông Hiệu Điên hôm nay đùa hơi dai và đắng quá. Hiểu sử thi anh hùng ca như thế, chết cả thơ lẫn nhà thơ! Thật ra, ông ấy đã bảo: “Tôi hiểu rồi !” cơ mà.

Ngoài sân chùa, nắng xế trưa vàng óng. Có lẽ mọi người không thể không mệt mỏi mặc dù không khí vẫn còn hào hứng lắm. Nhà sư nghĩ vậy, liền nói:

- Thật không ngờ có một buổi, không, phải nói là quá một buổi, họp mặt vui thế này. Nhưng ý cuối cùng, tôi mong ông giáo Hiền bổ sung thêm vào cụm hình tượng: biểu tượng Người mẹ Việt Nam. Bây giờ...

Nhà sư Tâm Tự vui vẻ tiễn chân bảy người tận cổng chùa.

Ông Hiệu Điên chưa chịu thôi, trong khi mọi người nhất trí ý kiến của sư.

- “Sông có khúc, người có lúc”! Và nói chi gốc gác thêm trói buộc người đời! “Đảng của ta trăm tay nghìn mắt”. Ở đâu cũng có Đảng, sợ gì Trọng Thủy! - Ông nhớ ai đã nói với ông như vậy -. Đau quá, Trọng Thủy người Việt!

Mọi người bỗng thấy câu nói của ông Hiệu Điên đã chuyển sang giọng bi kịch - cha giết con, vì con là “giặc ngồi sau lưng đó”...

Hiền Lương hơi chạnh lòng bởi cái tên Trọng Thủy. Cô nghe thương quá Mỵ Châu và vua cha An Dương vương...

Một buổi sáng và bữa trưa, lại nán thêm mấy tiếng đồng hồ đàm đạo, có lẽ cả tám người đều thấy ý tưởng chưa gút lại! Ý tưởng hay nhưng tản mạn, ngổn ngang!

Trên đường về, xế trưa ngả chiều đang nắng, Hiền Lương vẫn nghĩ: Nếu Thánh Gióng là con trai Nhà Trời thật, nghĩa là Thần linh, sao còn “xui khiến” người đời thờ phụng, tế lễ và bái lạy làm chi! Như thế hóa ra Trời, Thần cũng thích sùng bái cá nhân! Sao Trời, Thần tầm thường thế! Có thật có Trời, Chúa Trời, Thượng đế, Thần linh chăng? Đạo Tin Lành không thờ ảnh tượng nhưng vẫn khác gì thờ ảnh tượng, vì vẫn hát thánh ca ca tụng Chúa, vẫn sùng bái cá nhân Chúa Giê-su và Chúa Cha Giê-hô-va theo cách của họ! Không, Thánh Gióng chỉ là người, một tráng sĩ, một Con người Anh hùng cứu nước. Nhân dân Việt Nam chúng ta chỉ hương khói, tế lễ để tưởng niệm Người Anh hùng, theo quan niệm truyền thống, kính Nghìn xưa vì Nghìn sau, cho cả Hiện tại. Mọi cách tế lễ, thờ phụng là sản phẩm của trần gian, vì trần gian, bởi lòng biết ơn Anh hùng và ý thức lưu truyền, giáo dục hậu thế, trước hết tự người hôm nay giáo dục người hôm nay, tự mình giáo dục mình. Mọi cách tế lễ, thờ phụng đều có tính cụ thể - lịch sử. Không thể chê cười sao người xưa quỳ mọp, sấp mình, lom khom cúi lạy. Vấn đề là hiện đại hóa, trong đó có dân chủ hóa, bình đẳng hóa. Tất cả đều là con người! Vấn đề hơn kém nhau là công lao đối với xã hội, Đất nước và thế giới (gồm mọi chúng sanh, và có thể kể cả mọi hành tinh...), là nhân cách, phẩm chất đạo đức. Dân tộc Việt Nam chúng ta vẫn phải ca tụng, thờ kính Thánh Gióng với cả tâm hồn, vẫn phải tạc tượng cho dù chỉ tượng trưng về Thánh Gióng với cả trí tuệ, tài năng, với niềm cảm xúc lớn lao, sâu thẳm trong ý hướng ấy. Kính Nghìn xưa, vì Hôm nay và vì Nghìn sau! Vâng, còn phải dân chủ hóa, bình đẳng hóa như sư Tâm Tự nói sáng nay. - Hiền Lương vừa đi vừa trầm ngâm nghĩ ngợi... -. Vua Hùng, Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo... đã trở thành thiên cổ, đã không còn hay biết gì nữa, không có phép mầu gì, không hề “xui khiến” ta ca tụng, thờ phụng họ bao giờ. Họ chỉ là con người xương thịt như ta. Con cháu ca ngợi là tự ý thức con cháu. Vấn đề thờ kính chỉ đơn giản thế thôi mà vô cùng sâu sắc là vậy. - Hiền Lương vừa bước về nhà vừa bâng khuâng nghĩ (II. 15).

Đi bên cạnh Hiền Lương, Hành khẽ đọc thơ của Trần Nguyễn Phan, bạn anh:

 

                                1. Gióng, người con của Trời

 

nỗi uất nghẹn, đứa trẻ câm

bỗng vang hồn nước, đỏ tầm tre vung

sạch thù, soải vào vô cùng

lòng dân - xanh rộng; anh hùng - cánh chim.

 

                                2. Thạch Sanh, đứa con của Đất

 

hòa bình vang ngát, lắng im

tiếng đàn cho giặc trái tim con người

nồi cơm độ lượng không vơi

nàng tiên câm bỗng hát lời nhân gian.

 

                                3. Khất thực và tóc thiền xanh

 

chay trong chất mặn, nguyên sơ

ánh đạo vàng thoảng khắp bờ tre tranh

núi trưa chuông mõ trầm thanh

trên tay tôi  Đức Phật xanh tóc thiền.

 

                                4. Tượng Phật Tánh trên nền chùa nguyên thủy

 

nghe mênh mang sợi khói tro

bé trăm tượng Phật đất thô mỉm cười

cơ hồ giáp mặt cuộc đời

tôi ngồi bệt xuống ngó tôi trên nền.

 

Con đường làng bỗng như ngắn lại. Bốn người cùng đường về đã đến ngang ngõ nhà thím Cận. Bông Bưởi cười toe chạy ra đón.

 

TXA.

 

CƯỚC CHÚ chương IX: không có cước chú.

 

 

 

( xem tiếp chương X )

 

 

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/29/09                                                                   

Trở về trang chủ

                                                                 

 

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE