c. Trần Xuân An - Mùa hè bên sông - Tệp 3

author's

copyright

 

trần xuân an

MÙA HÈ BÊN SÔNG

tiểu thuyết

1997 & 2003

 

 

06/29/09

        

   

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

m ù a 

 h è

 b ê n

  s ô n g 

    

(nỗi đau hậu chiến)

 

tiểu thuyết

 

 

nnhà xuất bản  

 

1997 & 2003

 

 

     

 

CHƯƠNG III

 

 

1

 

 

Thấy bóng Hành ngoài ngõ, Hiền Lương vớ lấy túi xách bước ra ngay. Cô đã xin phép chú thím Cận rồi. Thím Cận vin cửa đứng ngó ra, mỉm cười khi thấy cô và Hành sánh vai bước bên nhau.

Tháng sáu, nắng vàng giòn tan. Những quãng đường có tre hóp rợp bóng, thật râm mát, nắng lọt qua một vài chỗ, lại ngỡ như đọng vũng, sóng sánh, chao đưa. Những quãng men bờ ruộng, nắng tràn rực rỡ. Hành dừng lại, vờ nhìn nắng, khi cảm thấy đã thoát khỏi tầm mắt của thím Cận.

- Mình lên thăm chùa nghe Hiền Lương?

- Thì như đã định hôm qua.

- Nắng quá. Sợ Hiền Lương ngại nắng.

- Hiền Lương chịu khó lắm.- Cô cười sau câu nói -. Về thăm quê mà ở trong nhà trốn nắng, em đã vào một lần với ba rồi.

- Rứa phải có nhiều bức tranh đẹp mới bõ công. Anh tin làng quê hẩm hút này không chỉ được biết đến như xưa nay người ta đã biết: Súng, đạn, máu, lửa, và dòng sông như một vết thương của Tổ quốc. Không biết có phóng đại tô màu không, có người còn ví như một vết thương của thế giới, ranh giới của một thế giới bị hay được cắt làm đôi.

- Chẳng ai nói “được” như thế. Được? Được một vết thương! Nghe khiếp quá.

- Anh bệnh hoạn thật. - Hành cười -. Nhưng theo anh biết, tư tưởng phân liệt, chia cắt Tổ quốc đã có một thời một số người nồng nhiệt hưởng ứng. - Hành cố ý tạo vẻ trung tính trong quan điểm để tự phê phán.

- Em tên Hiền Lương. Em sợ bị cắt, bị chém làm hai khúc lắm. - Hiền Lương lại cười, đẩy ý tưởng mình theo mạch chuyện -. Hiền Lương chỉ là chiếc cầu hẩm hút!

- Nhưng, như vậy từ nay Hiền Lương phải mặc áo quần một màu nhé. Cầu Hiền Lương ngày xưa hai phía sơn hai màu đó.

Hiền Lương hơi sựng lại, sực nhìn xuống mình. Hành vờ ném tầm mắt ra xa. Hôm nay cô mặc nguyên bộ màu xanh, kiểu áo quần công nhân đã cách điệu, vừa bay bướm vừa chắc gọn, lại mang giày thể thao cũng xanh nữa chứ! Cô cũng láu lỉnh không kém:

- Mình bị biểu tượng và ngôn từ lôi đi rồi! Đề nghị anh dừng cái mạch này lại, nhưng chân cứ bước. Anh em mình sáng nay sẽ lên chùa.

Cả hai cười thật giòn. Nhiều người đang cấy giặm dưới ruộng ngẩng nón nhìn lên. Có lẽ họ tưởng thầy giáo Hành đang đi với một cô giáo nào đó, vì nom Hiền Lương không có vẻ gì lạ lẫm cả. Nhưng thật ra, sáng nay Hiền Lương đẹp lắm, một cái đẹp khỏe mạnh, cân đối, thon tròn và không thể khiến ai ngợp mắt, lạ mắt - một cái đẹp tươi trẻ, bình dị, gần gũi.

- Hiền Lương thích vẽ. Anh bảo cứ một màu, làm sao nên tranh.

- Thế giới của hội họa là thế giới màu sắc, chưa nói về đường nét và hình khối. Vấn đề là hòa hợp, hài hòa. Chính tính chất hòa hợp, hài hòa, không chỏi, tạo thành “gam”, “âm giai”, “hòa điệu” màu sắc, làm nên tính thống nhất. Anh dốt về hội họa, đừng đẩy anh xuống vực dốt. Nhưng nói vậy có phải không? - Hành nói tiếp -. Đấy là đùa. Mình lại bị ngôn từ lôi đi. Trong văn, mỗi từ có ngữ cảnh của nó, văn cảnh của nó. Trong hội họa, chắc có họa cảnh?

Hiền Lương tỏ ý muốn Hành nói tiếp.

- Tính thống nhất của một chỉnh thể hội họa, nhiều màu sắc tạo thành. Vấn đề là ở đó. Anh chỉ nhấn mạnh về màu sắc.

- Em sợ bị từ ngữ đánh lừa. Nhưng đã là Hiền Lương thì số phận buộc phải thích thống nhất rồi. Em muốn sống.

- Ồ, vấn đề có vẻ nghiêm trọng. Em kí tên vào tranh là gì? Vẫn Hiền Lương chứ?

- Em chưa thành danh, chưa nổi tiếng. Nhưng, trở lại ý tưởng ban đầu. Anh Hành sợ chạm tay vào vết thương cũ à? Em muốn vẽ về vết thương và cả sự lành lặn, cả hạnh phúc của sự hồi sinh.

- Sợ. Đôi khi vẫn sợ đụng vào vết thương, dù vết thương đã vĩnh viễn lành hẳn rồi, hay cứ ảo tưởng đã lành. Nói theo ngôn ngữ ma-phi-a, xoa ma túy vào vết thương, và chỉ thế, điều đó có nên không? Nhưng, hồi nãy, ý anh muốn nói là, xin làng quê này, những làng quê ven sông Bến Hải này nổi tiếng bằng khoa học, nghệ thuật, bởi khoa học, nghệ thuật hướng thượng, dù nghiên cứu vết thương, sáng tác về vết thương, cũng vì sự thật, vì sự lành, sự sống, và vì niềm hạnh phúc. Nói như rứa, cũ rích cũ rang. Khát vọng Cái Đẹp ở nghĩa bao quát nhất, với mục đích chân, thiện chứa đựng trong Cái Đẹp, khát vọng đó chả phải là mới. Điều đó quá cũ, rất cũ, nhưng bao giờ cũng mới, khi mô cũng mới.

- Có phải anh Hành nói không? Hay sông Bến Hải nói đấy?

Cả hai người cùng cười, tiếng cười tự dưng nghẹn lại, như còn băn khoăn với ý tưởng vừa rồi. Và họ đã đi ngang qua một ngôi nhà có kiến trúc của một nhà thờ tộc. Hai người dừng lại. Hành mỉm cười một mình, tự nghĩ đã để câu chuyện miên man trên đường nhiều khi nặng nề quá. Hiền Lương đang nhìn với cái nhìn quan sát cảnh quan ngôi nhà tộc bé nhỏ, mới xây. Anh lặng lẽ hướng mắt vào cô. Hành chợt nghe trong tim mình hình như còn âm hưởng của những nhói thắt hồi nãy. Không biết có phải là tình cờ, ngẫu nhiên chăng, sao có nhiều câu nói của Hiền Lương ngỡ vui miệng mà đau đớn đến thế. Nếu quả thật, một niềm đau đớn đến bi thảm đã trở nên hồn nhiên, bông đùa như thế, thì hoặc niềm đau ấy đã quá sâu thẳm, quá thường trực trong tâm hồn Hiền Lương, hoặc Hiền Lương thường xuyên sống trong khí hậu ấy, như cây thông xanh non, xanh tươi trong giá rét quanh năm. Bên ngoài hay bên trong Hiền Lương, niềm bi thiết ấy?

- Đây là nhà thờ tộc họ Bùi? - Hiền Lương khẽ hỏi.

- Đúng rồi. Họ của anh đấy. - Và một liên tưởng kéo ý nghĩ của Hành từ chỗ u ám, buồn nặng sang nơi tươi tắn, buồn cười, nhẹ nhõm -. Bùi, rất thuần nôm, thuần Việt (4). Bùi Ngọt, bút hiệu của anh đấy.

Hiền Lương bật cười. Cái tên! Cái tên! Vận vào người không? - Cô nghĩ.

- Chẳng có gì cổ kính cả. Nơi đây, tất cả đều mới xây dựng lại theo túi tiền của bà con xa gần, trong và ngoài nước. Chỉ may là đã giữ gìn được, phục hồi được cái tinh thần ngày xưa. - Hành nói -. Hiền Lương có thích vào trong không? Cũng chẳng khác gì với nhà thờ tộc Hoàng của Hiền Lương đâu. Chưa có gì đặc sắc. Lẽ ra phải có những đặc sắc riêng trong truyền thống chung.

- Tại sao là họ Bùi? - Hiền Lương nhắc lại với một khóe mắt tinh nghịch.

- Trong trăm trứng nở ra trăm con trai của mẹ Âu Cơ, có một cậu con trai, như chín mươi chín anh em trai khác, đi tạo nghiệp và chan hòa với các bộ lạc khác, để gầy dựng nên trăm họ đồng bào, thích ăn chất beo béo, như đậu phọng, như nhân trái bàng chẳng hạn, hoặc như sắn nướng, cũng bùi bùi, nên trở thành tổ của họ Bùi.

- Hay là cái tim bắt lửa?

- Bùi nhùi? Có thể như rứa thiệt. Bùi Văn Nhùi!

- Thật nghiêm trọng và căng thẳng giữa mùa nắng lửa thế này!

Đến lúc không thể nín cười được nữa rồi, cả hai cười ngặt nghẽo, đến chảy nước mắt.

 

 

2

 

 

Cũng như đình làng, chùa làng được xây dựng trên nền chùa cổ đã bị bom đạn san bằng. Đó là hai cuộc đất cao ráo nhất. Ở Quảng Trị, thường hay lụt lội. Theo lịch mặt trăng, “tháng bảy nước nhảy lên bờ”. Việc chọn đất, cũng vì lụt, và hơn nữa, vì người xưa rất quan tâm đến mức mê tín quan niệm phong thủy: Một làng có thể phát hoặc tàn là do chỗ dựng đình chùa có đắc địa hay không. Thật ra, những quan niệm thần bí có thể làm xấu đi hoặc đẹp hơn cảnh quan, lại cũng tùy vào ông thầy địa. May là đình lẫn chùa của làng nội Hiền Lương ở hai vị trí rất đẹp. Và tan tác cũ, chỉ vì chiến tranh!

Khi bước trên những bậc cấp bằng đá xếp lại, có viên đã bị miểng bom pháo làm sứt vỡ, phải trám bằng xi măng, Hiền Lương mới cảm nhận hết sự tàn phá của chiến tranh. Nơi đây, hầu như tất cả đã bị giết chóc, không chỉ cây cỏ mà cả đất đai, gạch đá cũng bị giết. Vành đai trắng - vùng đất chết -, thật kinh sợ.

Ngôi chùa cũng mới được xây dựng bằng xi măng và gạch cách đây mấy năm - vẫn xây trên nền cũ khá rộng, nhưng còn quá thô sơ, dở dang. Có lẽ nhà chùa vẫn theo câu nói cửa miệng - một tục ngữ khá quen thuộc của Quảng Trị: ăn lần, mần dọi (dõi = theo). Các thanh tiếng Việt, nơi đây, trĩu xuống, nhọc nhằn. Và âm thì tắc, cụt, nghẹn, nặng, chắc. Câu tục ngữ ấy đẫm chất Quảng Trị cả về ý nghĩa lẫn những gì chuyên chở ý nghĩa ấy. Nhà chùa cũng như nhà dân, nghèo, không đủ tiền để làm một lúc. Mỗi mùa lúa gặt vào, làm thêm một chút. Lần hồi, mùa này sang vụ khác, cũng xong. Quảng Trị và nói chung cả Khu Bốn cũ (5), là nơi bảo tồn, gìn giữ, sử dụng nhiều từ cổ trong ngôn ngữ Việt (6), nhưng ven đây, nhất là làng này, chẳng còn viên gạch cổ nào nguyên vẹn! Nếu hình tượng Tổ quốc là gánh lúa vàng, chiếc đòn xóc để gánh ấy đã gãy, nơi đây, suốt gần hai thập niên. Chín rạn và bầm huyết, nơi này, chỗ đòn gánh kê vai!

Khi Hiền Lương đứng lặng trước cổng chùa, Hành thấu hiểu niềm hụt hẫng của cô. Không ngạc nhiên, nhưng sao vẫn hụt hẫng. Nói đến chùa, người ta nghĩ đến những gì cổ kính, thăm thẳm nghìn xưa. Và chùa, dẫu rất hiện đại, vẫn lưu giữ trong kiến trúc nét cổ kính ấy, như những chùa ở Sài Gòn mà cô có đến viếng.

Hành chợt nói thật khẽ:

- Quê hương mình rứa đó. Từ tay trắng, đất chết, xây dựng lại cả.

Nhà sư đã già, trên tuổi bảy mươi hay ít hơn một chút, đang xách bình tưới những luống hoa, các gốc dưa hoặc loại dây leo gì đó dưới giàn, nhìn ra, nét mặt tươi lên.

Sáng nay, khác với hôm dự đám giỗ, sư Tâm Tự mặc bộ bà ba nâu. Sư thả tay áo, ống quần, vuốt lại, bước nhanh, vẫn nhẹ nhàng ra đón Hiền Lương và Hành. Cái nhìn của sư đầy trìu mến, vui tươi.

- Kính chào sư. - Hành nói và Hiền Lương chắp tay trước ngực, khẽ cúi đầu chào.

Sư cũng chắp tay trước ngực:

- Nhà chùa đón chào hai trí thức trẻ.

Và cả ba thầy cháu cùng cười.

Nắng sớm mùa hè đã vàng chín. Mấy luống hoa tị ngọ đã nở sớm. Hiền Lương nhìn đồng hồ tay: mới tám giờ rưỡi.

Vị sư già khoác vai Hành rất thân tình, trẻ trung. Hiền Lương bước sau một bước, thấy nhà sư không có gì già nua cả, có lẽ nhờ dáng đi, tóc đã gọt nhẵn.

Ngôi nhà ngang ở cạnh chùa được bài trí rất giống nhà dọc, mặc dù vẫn cất theo kiểu ba căn với hai băng gỗ có vài kèo. Hai gian trước thông thoáng, nền xi măng, trên tường có treo một bức chân dung Phật Thích Ca. Hai gian này thành một phòng tiếp tân.

Nhà sư đến góc phòng, lấy một trong năm, sáu chiếc chiếu đã được cuốn lại, bước tới giữa phòng, trải ra.

Nhà sư mỉm cười:

- Mời hai cháu ngồi chơi. Nhà chùa vốn đạm bạc.

Sư Tâm Tự bước xuống gian cuối. Khi ra, ông đã mặc vào chiếc áo bình nhật dài màu nâu, bê một ấp nước được làm bằng trái dừa khô khoét rỗng. Hành vội chạy ra sau, bưng vào khay chén.

Nước chè xanh ấm và ngát thơm hương gừng được rót ra ba cái chén men sứ thường dùng để đựng chè ăn, nhỏ thua chén ăn cơm. Nước sóng sánh rất đẹp mắt, tỏa một làn hơi mỏng.

- Xin mời dùng nước. Cháu Hiền Lương có dùng được nước chè xanh không? Uống thử đi, nhưng chưa quen thì dùng ít thôi. Say lắm đó.

- Dạ. Kính cảm ơn sư. - Hiền Lương nói khẽ -. Cháu đã quen dùng mấy hôm nay rồi.

Hiền Lương định nói cô rất thích, nhưng chỉ mỉm cười, nâng chén bằng cả hai tay, nhấp từng ngụm nhỏ. Quả là Hiền Lương thích thật. Cô cảm thấy nước chè tươi, vò lá và chế nước để hãm kín, thêm vài lát gừng già, có vị chát ngọt, màu vàng xanh rất đẹp mắt, thơm nồng ngan ngát - ngan ngát, thoảng thôi, vẫn có cảm giác nồng ấm. Nhưng, đúng như sư nói, nước chè say lắm. Cô thường chỉ uống nước sôi để nguội, nên nhìn chú Cận mỗi lần nghỉ tay bào tay cưa, uống nguyên cả tô đặc sánh mà sợ và thèm.

Bất giác, trong cuộc chuyện vãn, Hiền Lương bắt gặp ánh mắt rất trìu mến của sư dành cho Hành. Cô cảm thấy là lạ. Có gì đó, cơ chừng một nỗi niềm thăm thẳm trong ánh mắt, từ đôi mắt hơi đục đi theo năm tháng và tuổi tác. Cô mơ hồ trực nhận một tình cảm vừa thương yêu, vừa hối hận, vừa vời vợi, xa xăm, vừa tha thiết, gần gũi. Cô mỉm cười tự bảo mình hơi vớ vẩn. Cô thường hay có những trực giác kì lạ như thế và cô nghĩ do cô quá nhiều tưởng tượng. Đã có nhiều lần, nằm ngẩng mặt lên trần nhà hoặc nhìn vách tường, loang lổ vệt nước mưa, cô tưởng tượng ra biết bao điều, bao dáng hình, câu chuyện. Ba cô đùa, cô có tư chất nghệ sĩ. Nghệ sĩ thường nhạy cảm, mạnh trực giác. Ấn tượng trực giác thường lưu trong trí nhớ lâu bền, và chỉ giúp ích cho sáng tạo nghệ thuật, còn sẽ gây phiền trong ứng xử ở đời. Ba cô còn bảo, trực giác ấy còn tùy thuộc ở sự tích lũy kinh nghiệm sống, để thành trực giác thiên tài, tất nhiên chỉ giúp ích cho nghệ thuật.

Như một kẻ dở hơi biết tự dè chừng mình, cô trực nhận ra cái gì đó là lạ rất con người ở ánh mắt nhà sư đáng kính, nhưng tự dặn mình, không nên điên do muốn khăng khăng bảo trực giác là đúng.

Không để trực giác quấy nhiễu mình, cô khẽ nói:

- Xin phép sư lên thăm chùa đi, anh Hành.

Sư Tâm Tự cười thật hiền:

- Chùa làng mình đơn sơ lắm.

Đúng như lời nhà sư già nói, chùa rất đơn sơ. Trên bệ thờ gian giữa, chỉ một bức tượng Phật Thích Ca bằng thạch cao trắng. Xa trước bệ thờ, là một lư nhang lớn bằng đất nung tráng men, và tượng Phật bà Quan Âm đứng, nhỏ thôi, cũng trắng thạch cao. Hai gian bên là tên hoặc ảnh những người đã mất, vốn được thân thích trong làng - vì con cháu đã đi xa -, hoặc do gia quyến - theo ý nguyện lúc sinh thời - mang đến để nhờ thêm hương khói chùa chiền. Hai gian này được buông rèm bện bằng tre vót tròn với mây rừng chẻ nhỏ. Trước hai tấm rèm cũng có hai lư hương, nhỏ hơn lư hương giữa. Và những bình hoa cắm hoa tươi - những loài hoa bình dị dân dã - đặt trên cả ba bệ thờ.

Nhìn theo động tác của Hành, thắp nhang, đứng suy niệm, chắp tay vái khẽ, Hiền Lương cũng làm thế.

Khi bước ra khỏi ba gian thờ, hơi âm u và rất mực trang nghiêm, ba thầy cháu đi quanh chùa.

Cảnh vật cũng đơn sơ. Những luống hoa. Những giàn dây leo. Những khóm bông trang. Những cây mai mọc tự nhiên. Bốn góc khuôn viên chùa là bốn cây ngọc lan lớn, lá xanh mướt thật mát mắt.

- Cháu Hiền Lương có thấy chùa đạm bạc, đơn sơ lắm không?

- Thưa sư, thật như vậy ạ. Chắc sẽ chỉnh trang thêm.

- Nhà chùa làng mình vẫn chủ trương theo tôn chỉ của Đức Phật, đạm chứ không nồng, đạm và giới là uy nghi. Nhưng như vậy không có nghĩa là thô sơ, dở dang thế này. Sau này, giá như có điều kiện, khuôn hội sẽ xây chùa kiên cố, hiện đại mà vẫn cổ kính. Chùa phải rất mĩ thuật và là mĩ thuật thiền tông, với những sắc nâu và trắng, xanh thiên nhiên và lam khói mây... Đạm mà đẹp, mà uy nghi.

Như được sắc màu chạm vào trái tim vốn mẫn cảm, Hiền Lương buột miệng nhắc lại:

- Xanh thiên nhiên và lam khói mây...

Sư Tâm Tự cười khẽ thành tiếng:

- Đúng rồi. Và nâu của đất. Vàng nữa chứ, nhưng phải là màu vàng truyền thống. Đây là sắc vàng của thóc chín. Màu lúa chín đẹp lắm, không hoe hoắc. Ánh Đạo Vàng mà. Dân nông thôn làm nên màu ni, nhà chùa cũng thích màu ni, rứa Hiền Lương có ưng màu no ấm nớ không? Ngoài ra, cũng không thể thiếu màu đỏ của ngọn lửa ấm. Nói chung nghệ thuật thiền là đạm, tốt lành, và không lạnh lẽo - nồng trong đạm, nồng của đạm (II.4).

- Còn màu trắng? Sư nói về màu sắc hay quá. - Hiền Lương xúc động.

Sư khẽ máy môi rồi yên lặng.

Sao sư lại yên lặng nhỉ, Hiền Lương hơi thắc mắc.

Lát sau, sư Tâm Tự nói, nét mặt nghiêm và buồn:

- Có chứ, màu trắng của tâm hồn, màu ấy phải tẩy rửa luôn.

 

 

3

 

 

Hành kéo chiếc chiếu ra gần cửa lớn phía đầu hồi nhà ngang cho đủ ánh sáng. Trong lúc sư Tâm Tự xếp bằng nói chuyện, Hiền Lương rút một cuốn sổ giấy trắng và bút chì, xin nhà sư cho phép cô kí họa làm phác thảo. Sư chỉ mỉm cười.

Chú Nông với Hiền Lương về làng, khiến sư nhớ lại thời xa xưa. Người đi xa về hay đánh thức dĩ vãng - dĩ vãng thường ngủ vùi trong nhịp sống thường ngày. Có dịp như thế, người ta nhớ lại, có thể để hàn huyên, có thể để im lặng suy ngẫm.

Trí nhớ của người già là trí nhớ của quá khứ, thường là quá khứ xa, thời tuổi nhỏ, thời trai tráng.

Hiền Lương, con gái thứ ba của Nông đó kia!

Năm một ngàn chín trăm bốn mươi bốn, năm sư về trụ trì chùa làng sau nhiều năm xuất gia, vào Huế tu học. Năm ấy, sư mới mười chín tuổi.

Không làm sao sư quên được thằng cu Nông con nhà nông, nghèo cực như mọi nhà nông khác trong làng. Nông, tóc hơi xoăn, da ngăm đen, năm ấy mới hai tuổi.

Những năm đói, rồi kháng chiến. Nông vẫn là thằng Nông đen trùi trũi, nghịch ngợm, lanh lẹ. Nghe đâu khi được giáo Hiền kèm cặp dạy dỗ, Nông học khá lắm.

Rồi Đất nước chia cắt. Rồi Nông lớn lên, vẫn nghịch và vẫn học giỏi. Có nhiều lần Nông trộm cả buồng chuối, hái ổi chùa nữa chứ, và cũng chỉ để nghịch thôi.

Bẵng đi một thời gian, nghe đâu, Nông đã vào thị xã Quảng Trị để học trung học. Thỉnh thoảng, thấy cu cậu đạp xe về làng để lấy gạo chở vào cho người đỡ đầu, cũng gốc dân làng, theo Thiên Chúa giáo. Ở thị xã, Nông cũng vẫn màu da ngăm ngăm đen ấy.

Một hôm, gặp nhau dọc đường làng, Nông xuống xe, dắt xe đạp đi với sư một đỗi đường. Nông bấy giờ chững chạc hẳn ra. Nông mười chín tuổi rồi, học đệ tam. Ngực đã đeo một cây thánh giá rõ to. Lớn rồi, đỗ trung học rồi, Nông bấy giờ ăn nói đường hoàng, từ tốn. Sau một hồi chuyện quanh chuyện quất, Nông tỏ vẻ bực bội, nói khẽ:

- Thưa sư, chẳng hiểu vì răng Phật giáo với chính phủ của Ngô tổng thống cứ xích mích nhau hoài?

Nhà sư, dạo ấy đã ba mươi sáu tuổi, nghiêm mặt:

- Cái đó hỏi ở tổng thống, ông Nhu, ông Cẩn, và trên nữa, xa nữa, là La Mã, gần hơn, là ông giám mục Thục - anh em của tổng thống.

Nông quay mặt sang sư Tâm Tự:

- Sư nói rứa nghĩa là răng?

Sư trầm tĩnh:

- Vấn đề rắc rối lắm. Tu hành ở nhà quê, tôi chỉ biết như rứa thôi, chỉ muốn Đạo Phật nghìn năm không bị dồn vào chỗ mạt pháp.

Nông chào, đạp xe đi thẳng. Nông cảm thấy thật khó xử và khó nói, có lẽ vậy, vì trong cách cư xử của Nông, sư Tâm Tự thấy Nông dẫu đã theo Thiên Chúa giáo, được linh mục di cư từ Quảng Bình vào đỡ đầu, giúp đỡ, Nông vẫn quý mến nhà chùa.

Một lần khác, năm một chín sáu ba, khi Nông đã đỗ tú tài phần một (7), chính quyền Ngô Đình Diệm - cái gọi là đệ nhất cộng hòa, gia đình trị - đã sụp đổ, Diệm và Nhu đã bị bắn chết, Nông ghé chùa thăm sư.

Sư không ngờ cu cậu Nông nghịch ngợm năm nào giờ đây đã là một thanh niên cao lớn, chững chạc, lại có vẻ cương nghị nữa, và quan tâm tới thời cuộc đến thế.

Trên ngực Nông, vẫn sợi dây chuyền có thánh giá, nhưng dây bằng kim loại trắng, thánh giá nhỏ.

Nông uống một ngụm nước chè xanh, đặt chén xuống, trầm ngâm.

- Anh Nông đã thành ông tú đơn rồi, lại chuẩn bị tú kép. - Sư nói, mỉm cười.

- Gia đình khó khăn, chắc cháu phải xin đi dạy thôi.

- Vừa dạy, vừa học, thi theo diện “tự do”.

- Dạ, chắc phải rứa.

- Thời buổi mới, vấn đề bằng cấp lại quan trọng như xưa kia.

Nông cười, cũng tự hào đã đỗ tú tài một.

- Dạ, nhưng tú đơn thì chưa là chi cả.

- Cả làng ni, chưa ai đạt được như rứa (8).

- Nhưng thời buổi rối rắm dữ.

Sư thở dài. Nông nói tiếp:

- Căng thẳng lắm. Làng mình mấy ông du kích, giải phóng có nhiều không? “Ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” chắc còn nhiều.

Sư nhìn thẳng vào Nông, rồi không nói gì, chỉ buông hai tiếng nhỏ:

- Không biết.

Nông buồn buồn:

- Cộng sản, thực hiện đấu tố đã mệt, đã khổ, rồi dân vẫn cực. Dân ngoài Bắc cực lắm, có một số người dân còn vượt tuyến. Chính phủ ngoài nớ lại vô thần nữa, tôn giáo hết đất sống (9). Ông tổng thống Diệm không hiểu sao lại o ép Phật giáo làm chi. Chia rẽ là chết.

Sư Tâm Tự lặng lẽ uống nước, không nói gì. Sư lúc này đã ba mươi tám tuổi, Nông hăm mốt. Sư nhận thấy ý tưởng về thời sự trên một phần do đài và báo của chính phủ đệ nhất cộng hòa, một phần có thể do linh mục người Quảng Bình di cư tuyên truyền, một phần khác hẳn từ nhận thức riêng của Nông. Chẳng lẽ Nông cho địa chủ là tốt?

- Muốn đất nước hai miền yên mà làm ăn cho rồi, nhưng thấy vẫn khó yên quá. Lứa bọn cháu thật lao đao, không khéo lại đi lính bắn nhau. Bắc tiến rồi Nam tiến, mệt quá. Bên mô cũng cộng hòa, chung sống là khỏe, miền nào yên miền đó.

- Thì nghe đâu, - Sư dè dặt lặp lại chữ “nghe đâu” -, ngoài nớ cũng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, trong ni cũng Việt Nam Cộng Hòa, cũng hô hào dân chủ. Tôi đi tu, chẳng rõ. Anh cần suy nghĩ thêm.

- Chẳng hiểu sao lại Bắc tiến, Nam tiến làm chi!

Thấy nhà sư ngại, không khí mùa đông nắng hanh, hơi uể oải, Nông cũng mệt mỏi xin cáo từ. Sư Tâm Tự tiễn Nông ra ngõ, cũng thông cảm ít nhiều cho tâm tư của Nông, nhưng tự nghĩ vấn đề không đơn giản như vậy. Ở trong Nam này, sư biết rõ có bàn tay người Mỹ nhúng vào, và những người lãnh đạo không chính danh, cùng đa số sĩ quan là của thực dân Pháp để lại, dạng như ông Nộp, nhưng giàu có, cậy quyền thế Tây, cha cố đạo, hống hách và chữ nghĩa hơn. Ông Nộp làng này, cũng lính khố đỏ của thực dân Pháp. Nói chung, là ngụy! Tuy nhiên, sư không dám nói với Nông. Có lẽ Nông chỉ muốn yên thân, muốn hòa bình, muốn giữ được Đạo Chúa, dù sao cũng lỡ theo rồi và đang nương thân vào đó. Thật ra, không có Thiên Chúa giáo, cụ thể là người bà con với ông linh mục giúp đỡ, làm sao Nông học hành đến đó được. Nhà Nông cực lắm, sư biết.

Từ dạo mùa đông năm một chín sáu ba đó, sư không gặp Nông nữa.

Cuối năm sáu sáu, đầu năm sáu bảy, sư vào tu trì ở thị trấn Đông Hà vì Mỹ đã dồn dân, lập vành đai trắng dọc bờ nam sông Bến Hải

Tại chùa ở Đông Hà, vào năm bảy mươi, có một hôm gần ngày rằm, lúc cùng một nhà sư khá trẻ khác đang đi thỉnh kinh về, sư Tâm Tự nhác thấy một người quen mặc đồ lính, buột miệng:

- Ai như Nông?

Người lính ấy ngồi sau chiếc xe hon-đa sáu bảy do người khác lái. Nhà sư trẻ nói:

- Đúng Nông rồi. Một hoa mai vàng, rứa là thiếu úy.

Sư trẻ này hóa ra là bạn đi dạy với Nông, nhưng Nông trước khi bị “động viên” vào Trường Sĩ quan Thủ Đức, dạy ở Thánh Tâm, còn sư trẻ dạy ở Bồ Đề, cũng tại thị xã Quảng Trị.

Mấy hôm sau, lúc rảnh rỗi, sư Tâm Tự mới có dịp hỏi thăm về Nông. Sư trẻ nhìn lên vầng trăng đang mười sáu, khi hai người ngồi trên thềm chùa bên gác chuông.

- Hóa ra Nông cùng làng với sư chú. Sư chú có bà con chi với Nông không?

- Không. Nông họ Hoàng, tôi họ Đặng. Nhưng đã cùng làng xóm sao không biết nhau được. Nghe thầy nói, thầy cùng bạn dạy với Nông?

- Dạ. Hai người, hai trường. Nông là tay chân cật ruột của ông linh mục Quảng Bình di cư. Về sau, nó có vẻ ham chính trị. Chẳng hiểu sao nó mê ông Nguyễn Thái Học. Mê ông Nguyễn Thái Học thì quá tốt - ông ấy, anh hùng chống Pháp, danh nhân lịch sử. Nhưng sau này đấu tranh nghị trường, người Mỹ không ủng hộ Quốc dân đảng, vẫn ủng hộ Thiên Chúa giáo và bọn “thực dân nội địa” - mấy ông sĩ quan của Pháp mà Việt Minh gọi là Việt gian, ngụy tặc. Quốc dân đảng cũng như Đại Việt đảng đều lép, lại biến chất, xôi thịt dần, hỏng hết cả rồi. Nhất Linh cũng bị bức tử rồi. Nông hình như sa vào “cờ thế” hay sao đó. Nó chống cộng cũng ghê gớm. Nó ở thế không chống cộng, thế nào cộng cũng xử nó. Đất nước mình khổ quá. Nông nỗi này là do Thiên Chúa giáo, Tây Ban Nha, Pháp, rồi Nhật, rồi Mỹ, với lại Nga sô, Trung cộng nữa. - Sư nói theo suy nghĩ của mình (10) -. Theo thuyết nhân quả nghiệp báo, chắc ngày xưa mình lấn dần đất của Chàm, nên chừ phải khổ!

- Thầy nói chi lạ! Nói Nga sô, Trung cộng là chỉ nói riêng về ý thức hệ, nên gác lại khía cạnh đế quốc đỏ, vì hai nước nớ chỉ giúp mình đánh giặc các loại thôi (11). Còn vấn đề xâm lược kiểu cũ, Tàu phong kiến thì răng? Mỹ thì răng? Nga Sa hoàng nữa, và nhiều nước nữa, từ ngàn xưa đến đầu thế kỉ đều xâm lược nhau! Cá lớn nuốt cá bé. Nhân quả là nhân quả chung, răng lại riêng Việt Nam! Gần đây, trước hết, rứa nước Pháp đầu têu phải bị nghiệp báo chi đây!

- Dạ, xin thỉnh ý sư chú.

- Nông bây giờ ở trong Nam?

- Dạ, cũng nghe rứa. Có vợ có con trong Nam rồi. Chắc về phép.

Sư Tâm Tự cũng ngẩng mặt nhìn trời. Sư trẻ nói:

- Lòng dạ thằng Nông xấu. Nói vậy, mô Phật, là theo một vài đồng nghiệp dạy học nói. Nông hại con của thầy giáo dạy tiểu học của hắn. Mô Phật. - Sư trẻ bị kích động do chính điều mình nói ra.

Sư Tâm Tự giật mình, lặng người. Lát sau, sư hỏi:

- Thật không? Mô Phật! Nếu như đúng là vậy, thì kinh sợ thật cho lòng dạ người ta! Thằng Nông! Không ngờ!

Sư Tâm Tự nhớ đêm trăng ấy, vào năm một chín bảy mươi. Suốt đêm sư không thể ngủ, miên man suy ngẫm thời cuộc và lòng dạ con người. Đêm Đông Hà dạo đó, cứ mãi tiếng pháo đại bác cầm canh, ầm ì.

Sư biết là biết vậy, đâu dám quả quyết điều gì, sợ mang thêm nghiệp báo. Chuyện Nông, sư giữ kín mấy mươi năm nay.

Sư mải chìm trong hồi tưởng. Hiền Lương hí hoáy vẽ, Hành ghé mắt xem. Hành thầm phục tài của Hiền Lương. Cô gái này, xinh đẹp, khỏe mạnh, sâu sắc, tài hoa quá. Trong khi sư nhìn ra cửa, như tham thiền quán thế - quán thế, chiêm nghiệm lẽ đời thì đúng hơn -, và Hiền Lương mê mải vẽ, Hành lén ngắm cô. Hành nghe lòng mình xao xuyến quá.

Ngoài kia, mặt trời lên khá cao rồi. Những luống hoa mười giờ đã nở hết.

Sư Tâm Tự vẫn ngồi lặng yên để chiều ý Hiền Lương. Không hiểu sao, ban đầu sư có ý định chỉ quán tưởng một lẽ Đạo, như ý niệm Hư vô chẳng hạn, để đạt tới sự rỗng không của tâm, gạt bỏ hết mọi tạp niệm ở cõi ta bà này, nhưng Hiền Lương đó kia, gợi sư liên tưởng đến Nông và Học. Suốt sáu mươi năm hơn, sư tu niệm để làm chủ tư duy, cảm xúc của mình, ngỡ có thể ngồi trong lửa đỏ mà tâm vẫn tịnh, xúc vẫn bình, nhưng sáng nay, sao chuỗi hồi tưởng cứ không ngớt miên man? Một gương mặt thanh thản, mỉm cười tràn đầy ánh sáng của Phật tánh, của Giác ngộ, hay một gương mặt trầm tư, đau niềm đau của chúng sanh, trong đó có chính bản thân mình, và tìm cách hóa giải cụ thể, hài hòa lẽ Đời, lẽ Đạo, như bồ tát Quán Thế Âm, chư vị bồ tát khác? Hai gương mặt ấy, chọn gương mặt nào? Dần dần, như cảm được khuynh hướng nghệ thuật của Hiền Lương, một cách chủ động chăng, sư hướng về phương thức quán thế - thấu Đời. Sư liên tưởng đến các vị La hán chùa Tây Phương.

Những bức phác thảo khác nhau của Hiền Lương đều phản ánh được ít nhiều chuyển biến trong tâm tưởng sư. Có nhiều lúc cô hết sức bối rối, phải ngừng lại, cảm thấy xốn xang tim mình.

Giọt nước mắt cũ, hai mươi bảy năm trước, trong đêm trăng Đông Hà ở sân chùa, trên thềm bên gác chuông, lại ứa ra, chảy len vào những nếp nhăn khóe mắt sư. Đêm ấy, nên nhớ lại không nhỉ, sư đã khóc thầm, trăn trở, thương Học biết bao, ghê sợ Nông biết bao. Hình ảnh Học qua hồi ức sư là cả một nỗi niềm! Nhưng cả Nông và Học đều là phận người trong biển khổ.

Giọt nước mắt như chắt ra trên khóe mắt tuổi già làm Hiền Lương xúc động đến run tay bút, và khiến Hành ngạc nhiên. Sư bảo, nước mắt ấy chỉ do tuổi già, mắt kém. Mặc dù sức nhìn vẫn còn sáng lắm, sư cũng đành phải nói thế. Nhưng Hiền Lương không tin thế.

 

 

4

 

 

Từ buổi sáng hôm lên chùa thăm sư Tâm Tự, mê mải đến hai ngày sau, Hiền Lương không cách nào rời khung vải. Chú Cận cứ đục cứ bào, chốc chốc nghỉ tay, phì phèo điếu thuốc sau khi ực một hơi bát nước chè xanh, đứng nhìn Hiền Lương vẽ. Đứa bé gái mười lăm tuổi ở nhà lo cơm nước, cháo heo - một nái với bầy heo con ủn ỉn trong chuồng - cũng rảnh tay là đứng xem. Thím Cận ra đồng cấy giặm về cũng thế. Ai cũng khen đẹp, nhưng Hiền Lương thật lòng chưa vừa ý. Có điều gì đấy ở vị sư già này, người đã sống suốt bảy mươi hai năm biến động, có những quãng sục sôi, những bước ngoặt lớn lao nhất của Tổ quốc, mà Hiền Lương chưa thật sự nắm bắt được. Có bí ẩn nào nữa chăng? Rõ ràng với trực cảm nghệ sĩ, Hiền Lương chỉ mơ hồ, rất đỗi mơ hồ, cảm thấy. Không thể định hình được cảm nhận, Hiền Lương cứ dập xóa mãi. Đã mấy lần cô suýt khắc họa được gương mặt nhà sư với bối cảnh xa xa mờ nhòa là chùa cũ, chùa mới, chẳng hiểu sao có cả dáng hình cao gầy thanh thản và cũng rất băn khoăn của Hành, chẳng hiểu sao có cả lửa, dây thép gai, lô cốt, lỗ châu mai, lau, tranh trắng xóa bời bời...

Và Hiền Lương đã vẽ ước mơ của nhà sư nữa, về một ngôi chùa hiện đại mà cổ kính, rất Việt Nam - không diêm dúa kiểu Tàu, cũng không phải kiểu Ấn sặc sỡ còn đậm chất Bà La Môn -, với một nghệ thuật rất thiền, bình dị, trí tuệ mà dân dã.

Nhưng, như một đau đớn tự hành hạ, tự tra tấn của người nghệ sĩ, Hiền Lương quẳng cọ và bảng màu, ngồi nhìn đăm đăm ra ngoài khung cửa sổ, xanh cây và lá, nhưng thực ra chẳng nhìn đâu cả. Không biết vô cớ chăng, Hiền Lương thấm thía niềm đau đớn.

 

TXA.

 

 

CƯỚC CHÚ chương III:

 

(4) Về họ của người Việt Nam, trong thời bị bọn phong kiến Trung Hoa đô hộ, dưới chính sách đồng hoá của chúng, phần lớn đã được viết theo chữ Hán với âm tương tự, do đó đã bị lệch với âm thuần Việt, hầu như đồng nhất với họ của người Hán, và một phần khác, bọn phong kiến Trung Hoa cải hẳn họ người Việt nguyên gốc thành họ người Hán, nhằm mục đích xoá bỏ cội nguồn của người Việt Nam chúng ta. Theo một số tư liệu, người Hán cũng có họ Bùi.

 

(5) Sáu tỉnh Bắc Trung Bộ: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.

 

(6) Xem: Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (biên soạn), Từ điển Mường - Việt, Viện Ngôn ngữ học và Nxb. Văn hoá dân tộc xuất bản, 2002.

 

(7) Bằng tú tài có hai phần, cuối lớp 11 (trước 1968, gọi là đệ nhị) thi phần 1 (tú đơn), cuối lớp 12 (đệ nhất) thi phần 2 (tú kép).

 

(8)  Tính theo học vị đạt được dưới chế độ Diệm, sau nhiều năm tháng chiến tranh, truyền thống học hành của làng bị gián đoạn.

 

(9) Để phản ánh trung thực lịch sử, ở đây, tác giả sử dụng thủ pháp tự nhiên chủ nghĩa (khái niệm mở rộng), "ghi lại" đúng quan điểm, nhận thức của nhân vật Nông. Những câu kế tiếp, tác giả đã chỉ rõ nguồn gốc của thứ quan điểm, nhận thức đó, đồng thời đã phê phán. Xin chú thích rõ.

 

(10) Ở đây, để phản ánh trung thực lịch sử, tác giả "ghi lại" cách suy nghĩ, nhận thức thời thế theo quan điểm riêng của nhân vật. Nhân vật nhà sư này, thường được xếp vào loại lực lượng thứ ba (danh từ báo chí trước 1975), chống Thiên Chúa giáo, Tây Ban Nha, Pháp, Nhật, Mỹ - ngụy, nhưng không thuộc khuynh hướng cộng sản.

 

(11) Sư Tâm Tự cũng thuộc lực lượng thứ ba, nhưng có khuynh hướng thiên tả hoặc còn gọi là thân cộng, tư tưởng gần gũi với khối cộng sản (danh từ báo chí trước 1975).

 

TXA.

 

( xem tiếp chương IV )

 

 

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/29/09                                                                   

Trở về trang chủ

 

 

 

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE