e. Trần Xuân An - Ngẫu hứng đọc thơ - Đọc thơ Nguyễn Tấn Sĩ - Tệp 5

author's

copyright

trần xuân an

ngẫu hứng đọc thơ

 

 

phê bình thơ

Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005

06/30/09

 

 

Bài 1

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

Bài 7

 

Bài 8

 

Bài 9

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

                             

       

   Bài 5

 

ĐỌC THƠ NGUYỄN TẤN SĨ

 

1

Không phải mươi ngày, vài tháng, thấm thoắt đã ba mươi bốn năm, kể từ ngày tôi và Nguyễn Tấn Sĩ cùng nhau học chung một lớp (9. 1970), thân nhau từ thuở đó đến bây giờ (*a). Ngoảnh lại, ngẫm nghĩ với sự bình tâm, khách quan, vẫn thấy trong số những bạn thơ cùng lứa ở khắp nơi, Nguyễn Tấn Sĩ là một trong vài nhà thơ có phong cách rất riêng về ngôn từ thơ, mặc dù ngôn từ thơ là một mặt cực kì quan trọng, nhưng chưa phải là tất cả đối với thi ca.

Bản thân từ phong cách không là gì cả, nhưng khi nó được sử dụng như một thuật ngữ văn học, người viết nào cũng không thể không cần cân nhắc, nhất là khi thuật ngữ ấy có kèm theo một vài định ngữ nào đó.

Tuy vậy, không còn phân vân, nghi ngại gì nữa vào sự thẩm định của mình, tôi có thể cầm lên hai tập thơ Nguyễn Tấn Sĩ đã xuất bản (1) để nói thật nghiêm túc với mọi người điều đó. Thật ra, cũng chẳng cần tôi khẳng định ngay điều này khi bắt đầu bài viết về thơ anh. Thơ Nguyễn Tấn Sĩ từ lâu đã tự trình bày ra trước người đọc bằng giấy trắng mực đen; và ai cũng biết rằng, người đọc uyên bác, có tài thẩm thơ và hoàn toàn vô tư trên đời này không phải là hiếm hoi.

Vâng, phong cách thơ Nguyễn Tấn Sĩ là rất riêng, xét về khía cạnh ngôn từ thơ. Điều đó, có thể nhận ra một cách dễ dàng khi đọc một hoặc cả hai tập thơ của anh. Ngôn từ thơ Nguyễn Tấn Sĩ hầu như khởi xuất từ tố chất bẩm sinh của riêng anh, lại được anh khai phá, sáng tạo. Phong cách ngôn từ thơ ấy định hình từ lâu, và vì thế, có thể nói là nhất quán.

Mặt trời và cơn khát (1991), Lời hát khẽ (2003) được Nguyễn Tấn Sĩ xuất bản ở hai thời điểm cách nhau đến 12 năm. Có chùm thơ anh viết từ những ngày còn cầm súng ở chiến trường Campuchia và về những ngày giỗ đồng đội đã hi sinh ở đó, vốn đã được in ở tập Mặt trời và cơn khát, lại được sửa chữa, bổ sung, in lại ở tập Lời hát khẽ. Ngoại trừ chùm thơ ấy, những bài thơ giữ tỉ lệ cao hơn ở hai tập hầu hết là thơ tình yêu đôi lứa và cảm xúc về những gì trong anh, quanh cuộc sống anh.

Mặt trời và cơn khát, ngay tên của tập thơ đầu tay, ta có thể thấy một Nguyễn Tấn Sĩ rất trẻ trung với những khát vọng cháy bỏng giữa một không gian, thời gian tràn ngập ánh mặt trời. Ở tập thứ hai, dày dặn hơn, số lượng bài thơ nhiều hơn, có cái tên rất trầm tĩnh của một nhà thơ tự nhận ra mình không còn trai tráng nữa, mặc dù vẫn còn chan chứa tình yêu cuộc sống: Lời hát khẽ.

 

2

Tôi vẫn còn nhớ những câu thơ đăng báo của Nguyễn Tấn Sĩ hồi anh còn học những năm cuối của bậc trung học:

sáng hôm nay trên tường vôi hạnh phúc

chút lá xanh đã mọc tự bao giờ

ta nghe lòng mình vui hơn thuở trước

một thuở, ô hay, quá dại khờ! (*b)

Đó là những câu thơ học làm người lớn của một người thơ mười bảy tuổi! Nếu lúc này, anh in lại, không đề năm sáng tác cuối bài thơ, người đọc sẽ ngỡ Nguyễn Tấn Sĩ mới viết. Nhưng điều tôi có thể cảm nhận được, là bốn câu thơ ấy như một dấu hiệu báo trước, đời thơ Nguyễn Tấn Sĩ không thiếu vắng hạnh phúc riêng tư. Không thiếu vắng hạnh phúc riêng tư, nhưng Nguyễn Tấn Sĩ vẫn chưa bao giờ nguôi cơn khát về hạnh phúc chung, về một tình yêu đương nào đó chăng?

Trong cả hai tập thơ, đặc biệt về mật độ, tần số xuất hiện ở tập đầu tay, hai chữ “cơn khát” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở nhiều bài khác nhau với nhiều ngữ cảnh, cung bậc không phải là một.

anh đã sống như những bài thơ ấy / thắp cho em ngọn lửa trái tim mình / để em mãi nghìn năm còn bốc cháy / thơ không tan, ngọn lửa ấy không tàn / ôi suốt đời da diết gọi mênh mang / em mãi mãi trong lòng anh cơn khát / con lạc đà đi qua sa mạc / đi qua phận mình, giọt nước hoá đời em // cháy qua ngày cháy qua đêm / qua tháng năm vô tận / bao người đi trong cuộc đời hữu hạn / đăm đắm nhìn ngọn lửa thắp cho em / cháy qua ngày cháy qua đêm / qua năm tháng hỡi người xuyên sa mạc / anh với mặt trời và cơn khát / anh đi suốt đời hừng hực lửa tim em // cháy qua ngày cháy qua đêm…

                                                                       (Mặt trời và cơn khát (2))

Thoạt đầu, tôi nghĩ “cơn khát” ấy không thể là gì khác, mà chỉ có thể là khát vọng tình yêu đương, một tình yêu đương tuyệt vời nhất, bao giờ cũng ở phía chân trời, càng đi càng không bao giờ đến. Tôi cứ phân vân mãi, và cuối cùng nhận ra nghiệm số sờ sờ ngay trước mắt. Đó chỉ là tình yêu thơ ca, khát vọng về một lí tưởng thẩm mĩ của chính Nguyễn Tấn Sĩ. Với cách diễn đạt của mình, anh đã gọi cái đẹp tuyệt đối ấy là “em” – nàng thơ yêu dấu suốt đời anh khát vọng, mãi hoài tìm gặp. Nàng thơ của Nguyễn Tấn Sĩ huyền ảo, phi lí nhưng lại rất thật đối với anh: Nàng thơ sống trong lửa cháy, cháy không nguôi, cháy không bao giờ tắt, “cháy qua ngày cháy qua đêm”, cháy cho đến vô tận. Tất nhiên nàng thơ ấy chỉ có thể sống trong những ngọn lửa từ trái tim anh, thứ lửa mầu nhiệm mà chỉ con người mới có thể sáng tạo ra, ấp ủ trong lồng ngực mình. Tôi liên tưởng đến vũ điệu có hình tượng nàng tiên múa lửa, thuở trung học tôi từng xem trên phim ảnh hay từ một bức tranh trong phòng triển lãm nào đó.

Với hình tượng biểu đạt ấy, thơ anh trong khát vọng anh là vĩnh cửu, và cái đẹp vĩnh cửu ấy sẽ không chỉ là khát vọng của riêng anh, mà của mọi kiếp người vốn ngắn ngủi, vốn muôn thuở cô đơn giữa sa-mạc-cuộc-đời: “bao người đi trong cuộc đời hữu hạn / đăm đắm nhìn ngọn lửa thắp cho em / cháy qua ngày cháy qua đêm / qua năm tháng hỡi người xuyên sa mạc”.

Và hình ảnh “mặt trời” kia nữa! Tất cả mọi từ ngữ, ẩn dụ đều có ngữ cảnh cụ thể của nó. Nhưng loại trừ đi nhiều trường hợp, hình ảnh “mặt trời” với số lượng không ít trong thơ Nguyễn Tấn Sĩ vẫn là ẩn dụ về một tất yếu và thiết yếu của cuộc sống: “thiếu mặt trời mấy ai còn thấy bóng”! (3). Mặt trời, nhất là mặt trời giữa sa-mạc-cuộc-đời, là nguồn sáng không thể thiếu cho sự sống, đồng thời là nhân tố làm tăng nhanh cấp độ của “cơn khát” vốn đã không bao giờ dịu bớt trong Nguyễn Tấn Sĩ.

Phải chăng Nguyễn Tấn Sĩ là nhà thơ luôn luôn cháy bỏng cơn khát dưới nguồn sáng thi ca về cái đẹp thi ca?

Tuy nhiên, có khi mặt trời đồng nhất với em (nàng thơ, cái đẹp thi ca): “anh giữ lửa để mặt trời em cháy” (4), và cũng có khi, nàng thơ không chỉ là giọt nước giữa sa-mạc-cuộc-đời, mà là cơn mưa Mùa hạ (5): “mặt đất anh cồn cào cơn khát / cơn mưa em còn xa// em giễu cợt / thách đố loài ve phổ nhạc / thách đố tán cây lửa rớt / mỗi ngày đi qua chỉ thấy mặt trời cười”. Nụ cười thách đố tinh quái hay quái ác nữa, của chính mặt trời! Vì thế, đối với người thơ, cho dù anh cùng mặt đất khô khốc, anh đồng nhất với mặt đất khô khốc, tất cả, kể cả cơn mưa đã đồng nhất với em (nàng thơ, cái đẹp thơ ca), cũng chỉ là hư ảo, hoài vọng trong cổ tích: “em không có thật trên đời / mùa hạ ấy anh và mặt đất / tìm cơn mưa đã mất / sáng bóng đổ bên này, chiều bóng ngả bên kia…” (5). Những ẩn dụ ấy còn biến hoá: “gió khát nước qua sông làm sóng vỗ / cho đôi bờ thương nhớ chẳng hề nguôi // ẩn trong anh có nụ cười / phượng mặt trời tươi rói / em ở lại…” (6). Càng biến ảo hơn, các ẩn dụ có thể nói là cùng hệ thống ấy, ở một bài khác, Mùa đông (7): “những ngọn lửa ngỗ nghịch / trốn đâu rồi để rét cho em […] // có phải em là nơi trời đất gởi / anh và giá buốt mùa đông / xoáy thành tâm bão”. Ấy là khi người thơ song hành với mùa mưa rét, gió bão, lửa trong trái tim anh không đủ sức để giúp nàng thơ sưởi hồng, hong ấm.

Một điều khá lạ lùng nữa, khi vào chiều ba mươi Tết (hay là chiều sinh nhật?), năm anh vào tuổi 30, khoảnh khắc của hoài niệm quá khứ trước phút giao thừa, đón chào năm mới tương lai, Nguyễn Tấn Sĩ chân thành nhận ra suốt cả cuộc đời mình, từ bé đến bấy giờ, lúc đã 30 tuổi, anh cũng chỉ là hư ảo, không thật, chưa hề hiện hữu:

chiều ba mươi

rót mươi giọt nắng thầm

tôi uống cạn say một đời không thật

tôi uống cả những gì đã mất

chiều ba mươi

tôi uống chiều ba mươi.

                (Chiều ba mươi tuổi (8))

Thì ra, thế giới thơ của Nguyễn Tấn Sĩ, chỉ là thế giới hư ảo, kể cả người thơ – cái tôi trữ tình trong thơ anh!

Có phải như vậy không? Không, không hoàn toàn như vậy!

Bài thơ có tên Mặt trời và cơn khát, được Nguyễn Tấn Sĩ chọn làm tên chung cho cả tập, chắc hẳn đó chính là bài thơ đề từ. Tại sao trong bài đó, ở câu mở đầu, Nguyễn Tấn Sĩ viết: “anh đã sống như những bài thơ ấy”? Nhưng cũng phải đặt vấn đề ở điểm mâu thuẫn này, khi anh lại viết: “tôi uống cạn say một đời không thật / tôi uống cả những gì đã mất”. Những gì đã mất cũng thuộc về “một đời không thật” ấy!

Phải chăng, một câu này (sđd., tr. 9) là tất cả chân thành, một câu kia (sđd., tr. 22) chỉ là lời giận dỗi với chính mình, muốn phủ nhận mình?

Tôi cũng không thể tin được, nếu các nhà thơ bảo rằng suốt cuộc đời sáng tác thi ca của họ, họ chưa bao giờ viết một bài thơ trữ tình nào đúng như sự thật trong đời sống đến mức có thể gọi là tái hiện y nguyên theo kiểu chụp ảnh, quay phim, chứ không phải tái tạo (tinh lọc, nhào nặn lại sự thật). Tôi biết rằng, trong cuộc sống của các nhà thơ nói chung, hay của bất kì ai, đều có những quãng thời gian, không gian (những hoàn cảnh cảm xúc, sáng tác) và con người (chủ thể, khách thể sáng tác) vốn đã rất nên thơ (không hẳn là thơ mộng), chứa đựng sẵn những tứ thơ sâu sắc; và nhà thơ may mắn phát hiện được, nhờ vốn liếng thi nghiệp, tài năng sẵn có, rồi chỉ việc viết ra trên trang giấy, như thể xuất thần ngay tức thì hay ở lúc nào đó về sau. Như vậy, phải chăng khi Nguyễn Tấn Sĩ bảo rằng, “tôi uống cạn say một đời không thật / tôi uống cả những gì đã mất”, ta cần phải hiểu anh: Nguyễn Tấn Sĩ muốn giấu mình, đánh lẫn những bài thơ rất thật kiểu tái hiện vào những bài hư cấu kiểu tái tạo, cho rằng tất cả đều là hư cấu kiểu tái tạo. Bởi lẽ, nhà thơ cũng có vợ, mà trên đời này, người vợ nào chẳng ghen tuông hoặc buồn đau vì những thoáng “ngoại tình”, cho dù chỉ “ngoại tình” trong tâm tưởng của chồng! Thậm chí, có nhiều người vợ ghen tuông hoặc buồn đau về kỉ niệm riêng của chồng trước ngày cưới! Đó là về thơ tình, còn thơ có tính xã hội, tính thế sự cũng thế, chúng phải chịu sự soi mói bên cạnh sự thưởng ngoạn của nhiều thành phần công chúng khác nhau về sự “nhạy cảm”. Cho nên, để tự bảo vệ bản thân trong yên ổn, nhà thơ đành xem tất cả thơ mình là hư cấu.

Hoặc là, phải chăng chúng ta cần lí giải vấn đề, căn cứ vào kinh nghiệm nội quan tâm lí bình thường và căn cứ vào tâm lí học sáng tạo văn chương nghệ thuật? Sống, đối với nhà thơ, ấy là lúc nhà thơ thật nhất với tâm thức mình trong khi sáng tác, cho dù thơ ca vốn được các nhà lí luận văn học trên thế giới nhất trí xếp vào loại hình hư cấu (fiction). Chính với thế giới hình tượng hư cấu (trong điều kiện có tự do sáng tác ở gia đình, ở xã hội), nhà thơ mới có thể sống thật với tất cả tâm thức mình. Khi sáng tác, nhà thơ khóc thật, cười thật, cùng bao cảm xúc, trạng thái tình cảm rất thật khác nữa, trước hình tượng, ngôn từ của chính mình, đó đâu phải là chuyện lạ. Mặt khác, thế giới hình tượng – cảm xúc – tư tưởng trong thơ không phải hoàn toàn là hiện thực y nguyên như nó diễn ra, tồn tại, mà chính là hiện thực được đãi lọc, kết tinh. Ai bảo Nguyễn Gia Thiều và Cung oán ngâm khúc, Đặng Trần Côn và Chinh phụ ngâm khúc (qua bản dịch Phan Huy Ích – Đoàn Thị Điểm) là không thật? Ai bảo Nhớ rừng của Thế Lữ là không thật? Có điều, khái niệm chân thật ở văn chương phải được hiểu một cách biện chứng giữa chủ thể sáng tạo và đối tượng sáng tạo, trên cơ sở kinh nghiệm nội quan tâm lí của mỗi người và tâm lí học sáng tạo văn chương nghệ thuật.

Ngoài ra, nhà thơ trước hết là một con người có tính xã hội, vốn được thừa hưởng một nền văn hoá, giáo dục nhất định, do đó, nhà thơ phải tự giác “kiểm duyệt” chính tác phẩm của mình, ngay trong khi viết. Và, thử bàn cho hết lẽ, nếu nhà thơ nào đó cứ trắng trợn phơi bày phần bản năng thấp hèn, thú tính của chính mình (cũng là hằng số “con” trong mọi “con người”) ra trước thiên hạ, hẳn nhà thơ chỉ biết chân, mà không biết gì đến thiệnmĩ, trong khi chân – thiện – mĩ phải gắn bó hữu cơ thành một chỉnh thể nghệ thuật. Cái điểm trực tự động, có tính phản xạ của thiên lương có chức năng “kiểm duyệt” ấy (*c) (phần được giáo hoá bằng văn hoá, giáo dục) cũng thuộc về bản chất chân thật đến mức hồn nhiên nhi nhiên của nhà thơ.

Về đối tượng (khách thể) sáng tạo, ở tập thơ thứ hai của Nguyễn Tấn Sĩ, Lời hát khẽ, anh còn có một bài tứ tuyệt lục bát rất hay, vô hình trung thể hiện điều đó:

“Tìm vầng trăng / mọc chân cầu / Để vầng trăng / ở trên đầu / lẻ loi // Sống một nơi / nhớ một nơi / Suốt đời tìm / suốt đời rơi / để tìm”

                                                                 (Tìm trăng (9))

Vầng trăng mọc chân cầu cố nhiên là vầng trăng hư ảo. Suốt đời nhà thơ thả rơi chính chiếc bóng hư ảo của mình và bóng dáng hư ảo của cõi sống hiện thực quanh mình xuống mặt sông, để tìm lấy, căn cứ vào đó để sáng tác. Lấy cái ảo để nói về cái thực. Nhờ vậy, thế giới hình tượng sẽ lung linh hơn, đa thanh, đa tầng, đa nghĩa hơn. Tất nhiên, tâm thức nhà thơ không phải là mặt nước vô tri. Tâm thức nhà thơ vốn sâu sắc, nên phản ánh không phải là phản ánh máy móc, mà là phản ánh có chọn lọc, theo kiểu kết tinh hoá.

Và còn phải thẩm định một cách toàn diện, không chỉ về nội dung tư tưởng – hiện thực của tác phẩm mà còn gồm cả hình thức nghệ thuật của tác phẩm. “Phong cách” không chỉ thể hiện ở ngôn từ, mà còn ở kết cấu, đề tài quan tâm, lí tưởng thẩm mĩ… Phong cách văn chương thể hiện ở mọi khía cạnh, mọi mặt của một loạt tác phẩm của một tác giả. “Bút pháp (hay phong cách văn chương), ấy là con người” (style, c’est l’homme)! Một định nghĩa của một tác giả Phương Tây, hầu như ai cũng biết, là một hướng tiếp cận để hiểu rõ hơn vấn đề này.

Ồ, nhưng tại sao tôi phải rườm rà lí giải những vấn đề sơ đẳng như thế, khi đọc thơ? Tôi hiểu, đúng là tôi rườm lời, quá nặng phần luận, phần cảm lại nhẹ quá. Nhưng chính thơ của Nguyễn Tấn Sĩ đã đặt tôi vào chỗ phải “khảo” luận trước khi cảm thụ thơ anh. Chẳng qua, Nguyễn Tấn Sĩ thành thật quá, thật thà quá, hoặc “tự bảo vệ” quá, đến mức dám nói thẳng là thật hay không thật ở thơ mình!

 

3

Nếu ở tập thơ đầu tay, Mặt trời và cơn khát, cấu trúc chung là gồm hai phần: tình yêu đương và lính giải phóng, thì ở tập thứ hai, Lời hát khẽ, cấu trúc thi phẩm gồm: tình cảm riêng tư (đôi lứa, gia đình, tuổi nhỏ), tâm cảm về cuộc đời (đất nước, lịch sử, thế sự – xã hội hiện tại, kiếp người) và tâm trạng người lính giải phóng giúp nước bạn (thời sang Campuchia).

Tuy vậy, mặc dù Nguyễn Tấn Sĩ không chia phần và đặt tên từng phần trong tập Lời hát khẽ, tôi vẫn thấy rõ: Phần Ia, Xuân (bài 1 – bài 15). Phần Ib, Xanh (bài 16 – bài 28). Phần II, Cõi sống (bài 29 – bài 44). Phần III, Cứu láng giềng (bài 45 – trường ca 55). Tôi không nói bố cục này rất rạch ròi, mà chỉ nói là khá rạch ròi, vì còn có sự linh hoạt đan xen các yếu tố vào nhau trong một tổng thể.

Nguyễn Tấn Sĩ có thể sẽ cáu lên, bảo tôi dám tự tiện, tự thị. Tôi chỉ biết cười, bảo lại anh, hai chữ “Xuân”“Xanh” là của chính anh với tần số xuất hiện đến mức chỉ đọc lướt qua là thấy chính anh, chứ không ai khác, đã cố tình lặp lại rất nhiều lần, như một thủ pháp nghệ thuật. Xuân xanh vốn là một từ ghép trong thơ cổ, nhưng anh tách ra, mỗi chữ trở nên không cũ (xuân) và mới hẳn (xanh), nhất là ở từng ngữ cảnh nghệ thuật cụ thể.

 

Xuân

Xuân, mùa xuân, đôi khi là Tết hoặc tháng giêng, với nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ, đã thật sự trở nên một biểu tượng trữ tình chiếm lĩnh cả tâm hồn anh. Sao anh yêu mùa xuân đến thế? Mùa xuân (mùa tươi đẹp, mùa xinh giòn, mùa nắng mới, mùa hương ngát, mùa hoa thắm, mùa lộc biếc), ai chẳng yêu. Nhưng Nguyễn Tấn Sĩ vẫn là người yêu mùa xuân một cách say đắm, bền lâu, chung thuỷ nhất. Hình tượng cổ điển ấy, được biểu đạt dưới ngọn bút tài hoa, sáng tạo mới ngôn từ theo một hệ thẩm mĩ hiện đại rất riêng, thêm vào đó là cấu trúc ngôn ngữ mới và nhiều thủ pháp nghệ thuật mới (tân thức) rất Nguyễn Tấn Sĩ.

Phải nói là nhìn chung, thơ Nguyễn Tấn Sĩ rất đều tay, không có bài nào quá “lép”, cũng không có bài nào trội hẳn lên. Mức độ chênh lệch về chất lượng giữa các bài, nếu so sánh trong cả hai  tập, là không đáng kể. Vì thế, tôi rất phân vân, không định được bài nào là hay nhất của Nguyễn Tấn Sĩ. Nói vậy, tôi đã tính đến tạng chất riêng (thẩm thức, thị hiếu thưởng ngoạn thi ca riêng) của người cảm thụ. Theo tôi, thơ phải đẹp và giàu chất suy tưởng, cũng như thể nàng thơ, phải vừa xinh đẹp, đoan trang, vừa sâu sắc, trí tuệ và dĩ nhiên phải có tình, tình nghĩa thắm thiết. Bức tranh chiều xuân (10) là một bài như thế trong mảng thơ Xuân của Nguyễn Tấn Sĩ.

“Em là bức tranh xuân / Chiều ba mươi lạnh ngắt quán bên đường / Vội vã gió / Vội vã người / Vội vã / Rao bán nỗi buồn Cúc tím / Huệ và tôi // Tôi như trang lịch / Run rẩy đợi tay người / Bức tranh xuân / Nghiệt ngã mím môi cười / Chầm chậm chiều trôi / Lần lữa ba mươi / li rượu / chực tràn // Em và tôi / Tất cả muộn màng / Như là / Nắng rớt / Như là xuân / Rượt đuổi những mùa xuân // Em và tôi / Bức tranh chiều, trang lịch / Bủa lưới mùa xuân mắc cạn giữa đời chiều / Giãy giụa”.

Thơ Nguyễn Tấn Sĩ có nhiều bài đẹp hơn, mới hơn về ngôn từ, nhưng thơ anh đa số đều thể hiện tài hoa của anh, tuy rất ít chiều sâu suy tưởng. Ưu thế của anh là cảm  chứ không phải nghĩ. Thơ tình anh chung quy cũng chỉ là những nỗi niềm thương nhớ thường tình. Ngoài ra, có một nỗi đau bị người yêu nào đó xin phép anh để đi lấy chồng, chứ chưa hẳn là phụ rẫy, hay là “phụ rẫy” một cách lịch sự và trí thức. Trong đó, hình như ẩn chứa niềm mặc cảm bản thân của anh là bị thất thế, thua thiệt, gồm cả sự thua thiệt của một người thầy giáo nhiệt tình, quyết tâm chấp nhận hi sinh, tình nguyện gửi lại viên phấn trắng để cầm lấy khẩu súng ra trận. Tuy vậy, anh cũng giấu đi, mượn một hình ảnh cổ điển trong dân ca để thể hiện niềm đau uất nghẹn, chấp nhận, bất cần, cam đành, câm nín một cách cao thượng của mình, ở cả nhạc điệu: “đời bao nhiêu dặm đường dài / ngựa ô khớp bóng trăng, phai bóng mình // về dinh thì cứ về dinh / sóng không động biển lặng thinh một đời” (11). Nỗi đau ấy còn thể hiện ở một tứ thơ rất hay, sự khăng khít không thể chia lìa của câu lục và câu bát trong thể thơ truyền thống này, nhưng trong thực tế đã bị chia lìa, hẳn cũng về người yêu phải vâng lời cha mẹ đi lấy chồng ấy: “ai đưa câu bát sang sông / để cho câu lục khóc ròng ngày xuân  […] // ai đưa vó ngựa về dinh […] // một câu, thơ chỉ một câu / một câu ở lại nát nhàu tuổi xuân […] // … một câu ở lại tơi bời…” (12).

Đó là sự cao thượng và nỗi đau của một chiến sĩ bộ đội đang lao vào trận mạc, biết rằng người yêu mình không thể kiên tâm chờ đợi mỏi mòn, không thể không vâng lời cha mẹ… Có lẽ phải hiểu người thơ trong thơ Nguyễn Tấn Sĩ đôi điều như thế, để hiểu anh, hiểu thêm trái tim anh bị tổn thương, sinh ra đa đoan, đa mang, và từ đó, hiểu thêm một bài thơ đã trích nguyên vẹn.

Từ nỗi đa đoan, đa mang do trái tim bị tổn thương, Nguyễn Tấn Sĩ đã nhập thân vào hiện thực với bao nỗi niềm của cuộc đời… Ở Bức tranh chiều xuân, lại là xuân muộn, hai người (emtôi) như hai thứ hàng ế ẩm chiều cuối năm, cận Tết, chiều ba mươi, chiều ngoài phố vắng ngắt người xe, để tập họp thân thích trong nhà, đón rước tổ tiên về vui Tết theo phong tục. Rao bán, nào ai thèm mua thứ hàng đại hạ giá. Chiều, được nhân hoá, thành kẻ nghiệt ngã mím môi cười. Tôi (hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ) và em (nàng thơ), thân phận chỉ là nắng rớt, là xuân rượt đuổi bao mùa xuân cũ, thậm chí muốn rượt đuổi những mùa xuân mới khỏi cuộc đời này, vì xuân thiên hạ đến, xuân mình thêm đau lòng. Cuối cùng, anh nhận ra tình trạng bi đát nhất: “bủa lưới mùa xuân mắc cạn giữa đời chiều / giãy giụa”. Có một điều khá lạ, là Nguyễn Tấn Sĩ không nói gì thêm về Cúc, Huệ, hai trong nhiều loại hoa thừa, hoa mới cao giá đó đã thành rác, bị vứt bừa bãi dọc lề đường vào chiều ba mươi áp Tết. Anh không nỡ nhẫn tâm chăng?

Ở bài này, một lần nữa, Nguyễn Tấn Sĩ đồng nhất chiều ba mươi với đời ba mươi tuổi, chiều cuối năm với chiều của đời người con gái. Chính đó là thời điểm xuân non sẽ thoắt hoá xuân già của những Cúc, những Huệ!

Bài Bức tranh chiều xuân sở dĩ tạo được ấn tượng ở người đọc là nhờ tình huống bi kịch được thể hiện trong đó.

Nguyễn Tấn Sĩ còn có nhiều bài rất xuân theo cá tính sáng tạo của anh. Tuy nhiên, ở các bài ấy, mặc dù câu chữ đẹp, ý thơ không tầm thường, không sáo mòn, nhưng vẫn dễ bị người đọc lướt qua bởi vẫn còn nhàn nhạt. Nếu tách ra từng bài, hiệu quả tạo được ở người đọc hẳn cao hơn. Khi đứng chung trong tập, hiệu quả ấy giảm thấy rõ. Nói cách khác, thơ Nguyễn Tấn Sĩ vẫn còn thiếu tính độc đáo trong từng tứ thơ, dẫu bài nào cũng khá hay.

 

Xanh

Đây là phần thơ nói về tuổi nhỏ với những kỉ niệm ở một làng quê, và gồm cả những bài thơ về tình yêu đương được miêu tả theo gam màu một thời xanh của danh hoạ Picasso. Em xanh (13), tên một bài thơ của anh, lại được miêu tả một cách khá độc đáo. Nhà thơ lấy vật thể vốn tự bao giờ trở thành biểu tượng trong trí óc, tình cảm ta là xanh (nói cách khác, nhắc đến nó, ta liên tưởng ngay đến màu xanh), để rồi nhận ra, khi mặt trời tắt, nó đen sẫm, trong khi đó, có vật thể nhờ bóng tối mới sáng xanh lên tuyệt đẹp. Anh viết:

“Biển không xanh / Trời xanh không xanh / Em bay như thế ngủ sao đành / Cháy ngọn lửa của loài đom đóm / Đêm nghiêng mình, rượu gạo lẫn vào em”

Ta chưa hiểu hết tứ thơ, thì đây, xin đọc tiếp: “Giật mình thành phố lênh đênh / Áo em xanh để anh quên lối về”. Phải chăng, đó là nàng thơ trên một chuyến bay đêm?

Có hai bài khác, Nguyễn Tấn Sĩ dùng chỉ một khổ thơ 4 câu làm đoạn kết cho cả hai. Bài Bỏ quên (14) (thuộc mảng Xanh này) và bài Khúc phố (bài chuyển mạch sang phần Cõi sống) cùng được kết:

“Ngày tháng mãi rộng lòng / Em thì chẳng bao giờ rộng lượng / Nên sông suối suốt đời vay mượn / Một chút trời xanh, để xanh”.

Hoá ra, sự thật giản đơn đến thế nhưng ta cứ bị nhầm. Nước sông, nước suối vốn không có màu. Màu xanh ấy là phản quang nhận từ trời xanh. Đó là màu xanh vay mượn. Nguyễn Tấn Sĩ đã đến tuổi không còn có thể gọi là thanh niên (năm xanh) được nữa, cho dù thơ anh vẫn dạt dào như sông, như suối?

Trong một bài thơ khác, ánh trăng tràn ngập, và có cả hôm trăng tắt lịm. Nguyễn Tấn Sĩ không viết ánh trăng xanh hay ánh trăng vàng, nhưng tôi không thể không cam đoan với mọi người rằng, ánh trăng trong bài Người thứ ba (15) phải là ánh trăng xanh. Hỏi, sao dám cả quyết thế? Xin đáp, bởi chỉ có ánh trăng xanh mới huyễn hoặc thế này:

“Bất chợt / Ánh trăng ngọn gió / Người ấy bắt đầu hư ảo lênh đênh / Người tìm nhớ để quên / Người tìm quên để nhớ / Người thứ ba lảng đảng vô hình // Bất chợt ánh trăng ngọn gió / Quần thảo trái tim / Nhuộm lá con đường / Có người bị thương có người lá nhuộm / Người thứ ba thoang thoảng mùi hương // Bất chợt / Có một lần bất chợt / Vầng trăng treo ấn kiếm giữa trời / Mỉm nụ cười nham hiểm / Và ba người / Ngã xuống ở ba nơi / Nếu kể vầng trăng là bốn / Người thứ ba / Bản nhạc không lời”.

Một người bị phân thân trong ánh trăng xanh, được biểu đạt thành hình ngườibóng người. Người thứ ba, thật ra, chỉ là người được người ấy (tôi) gọi bằng ngôi thứ hai (em) duy nhất của anh ta. Tưởng chừng cuộc đời cứ mãi huyền ảo trong ánh trăng xanh với niềm thương nhớ (lúc cố quên lại là lúc nhớ nhất, và khi cố nhớ một lần nữa để rồi quên nhưng biết sẽ chẳng bao giờ quên được)! Tưởng chừng cứ đau mãi niềm đau của trái tim bị quần thảo, hành hạ – “có người bị thương, có người lá nhuộm”! Thế rồi, ánh trăng xanh gác kiếm và treo ấn. Tắt lịm. Chỉ còn độc nhất bóng tối khoả tràn. Gục ngã. Tất cả đều gục ngã. “Người thứ ba thoang thoảng mùi hương” yêu dấu kia chỉ còn lại là âm thanh của những nhạc cụ, im vắng tiếng người, nhưng thật ra tiếng người vẫn vang lên trong âm nhạc không lời ấy! Em vẫn tồn tại, cao sang hơn cả mùi hương.

Xanh của Picasso là giai đoạn cổ điển tuyệt vời nhất của ông, hơn cả giai đoạn lập thể sau này. Xanh của Nguyễn Tấn Sĩ không phải cổ điển, mà tân thức, tuy chưa vang xa, vang rộng nhưng đã khiến quê hương Quảng Nam của anh và bạn bè anh khắp nơi trong nước yêu mến.

 

Cõi sống

Những gì tôi yêu mến ở thơ Nguyễn Tấn Sĩ trên kia, anh không bằng lòng. Anh chỉ thích Hồn quê (16) Nhớ mùa thu Thanh Tịnh (17). Thôi thì mặc bạn, mặc mình. Tôi cứ thích theo cách của tôi. Có điều này, tôi và Nguyễn Tấn Sĩ lại trùng nhau ý thích ở hai bài thơ trong phần Cõi sống.

Tôi thích Chiều đi qua cổ tháp (18) xuất phát từ chỗ khác với tác giả của nó là Nguyễn Tấn Sĩ. Anh như một Chế Lan Viên, không muốn làm người dưng với tháp Chăm, thấy hối hận vì tâm thức anh một thời cứ như là “li khách” với tháp cổ trên quê hương Đất Quảng, ở gần mà thực sự lìa xa, lạ lẫm với những tháp cổ ấy. Tôi thích vì bài thơ đẹp, có những ý tưởng vốn là sử kí được biểu đạt bằng thơ ca một cách nhuần nhị.

“Tôi như đất sét / chưa thành gạch / Đâu quách thành cho kẻ đốt đền / Vẫn cứ ngu khờ làm li khách / Con đường mộng mị ngõ không tên // Thương nhớ phù điêu chiều say khướt / Vết nứt thời gian vũ điệu Chàm / Lỡ một bàn chân nghìn năm bước / Lá đổ chiều xưa, chiều nay buồn // Mới hay gạch đỏ màu lưu lạc / Thắp chuyện giang hồ mây trắng bay / Để linh hồn đất như là lửa / Tôi và gạch ủ những cơn say // Tôi với tôi với chiều khôn dại / Ai có điêu tàn mới hiểu nhau / Một phút trầm si nên ngậm ngải / Tháp thì đứng lại tôi thì đi // Tháp thì ở đấy, ngày không ở / Quanh quẩn chiều buông nhuộm dấu Chàm / Lưng chừng tháp cổ về ai đó / Hát điệu ơi hời ru tháng năm?”.

Nếu được Nguyễn Tấn Sĩ bằng lòng, tôi sẽ cho in hai chữ bằng kiểu chữ khác với toàn bài và đồng thời viết hoa hai chữ ấy, lại bỏ một chữ và thêm một chữ, để câu thơ không lạc vần mà lại diễn đạt nhiều điều hơn (nhớ tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên [Phan Ngọc Hoan]; cảm chút ngẩn ngơ trong chiều bên tháp cổ quê nhà, vốn được sách địa lí – lịch sử nhà Nguyễn ghi lại địa danh dân gian là Kẻ Chàm, người Pháp phiên âm là Kacciam). Đoạn thơ ấy phải được sao – dán (copy – paste)  lại một lần nữa: “Tôi với tôi với chiều khôn dại / Ai có Điêu tàn mới hiểu nhau / Một phút trầm si nên ngậm ngải / Tháp thì đứng lại tôi đi đâu”. Nhưng khó gì mà không tìm ra chữ “đâu”! Hẳn là Nguyễn Tấn Sĩ cố tình lạc vần để biểu đạt bản thân như thể anh đang lạc lõng, lạc loài! Và hai hư từ “thì” trong câu ấy cùng hư từ “thì” thứ ba ở đoạn dưới, nghe thật quá thật thà, mộc mạc đến nao lòng.

Tôi thích Chiều đi qua cổ tháp cũng bởi lẽ tôi đã viết nhiều bài thơ, chương truyện, trang sử về đề tài này (*d).

Trong mảng tôi mạn phép anh đặt tên là Cõi sống, bài Đêm Thuý Kiều (19) là một thành công đáng kể khác của anh. Đó không phải là đêm của thời đại Nguyễn Du (1765 – 1820) và tác phẩm “Tiếng kêu đứt ruột mới” (Đoạn trường tân thanh).

Tôi chú ý đến Đêm Thuý Kiều không chỉ bởi sự táo bạo là Nguyễn Tấn Sĩ dám kéo một thi hào vào đêm-đào-nương, đêm-con-hát với máy móc điện tử cuối thế kỉ thứ XX (karaoke), mà còn vì một “luận đề”, ngày xưa, cách đây khoảng 30 năm, với Nguyễn Tấn Sĩ, là một luận đề nghiêm trọng: linh hồn, theo ý nghĩa siêu hình tôn giáo. Đây là là thơ xưng tội trước Thiên Chúa, sám hối trước Đức Phật chăng? Tôi cũng đã từng băn khoăn, thao thức về nhà thơ – con người nói chung với hai mặt thiện – ác (tốt – xấu), về chức năng của thơ ca: liệu thơ ca có cứu rỗi (cứu độ, thiện hoá) được loài người nếu thơ ca thể hiện được chân lí nghệ thuật muôn đời là chân – thiện – mĩ? Tôi đã viết trong niềm trăn trở ấy:

thơ là nén hương sám hối?

thơ là toà giải tội?

cho người thơ tự cứu rỗi chính mình

cho con người trong sạch lại niềm tin

trước trái tim mỗi người và cõi sống.

                                          TXA.

Văn chương, nghệ thuật có khả năng làm ô nhiễm, thậm chí là đầu độc xã hội. Nhà thơ cũng như các nhà nghệ thuật khác phải tự cứu rỗi chính mình, không thể nhờ vào đấng siêu hình, thần linh, chúa phật nào. Từ đó, họ tạo ra được một không khí văn chương nghệ thuật thật – tốt – đẹp. Chỉ trong không khí văn hoá, văn nghệ lành mạnh, mỗi người trong xã hội mới có điều kiện tốt để tự cứu rỗi chính họ.

Đến bao giờ mới thật sự không còn tiếng nguyện hứa trước nén hương nghi ngút khói trong bao ngôi chùa, hoặc với chuỗi hạt mân côi, trước toà giải tội trong bao thánh đường? Tội lỗi luôn luôn đồng hành với con người mãi mãi đến vô tận…

Nhà thơ cũng là con người, anh ta có thể phạm tội hát ả đào, lả lơi cùng đào nương lắm chứ. Thi sĩ đạo cao đức trọng Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) ngày xưa, nói về tội lỗi ấy mà như không hề xem đấy là tội lỗi, trong một bài thơ khóc bạn thống thiết, sâu lắng nhất, nghiêm trang nhất (Khóc Dương Khuê (*e)):

… Cũng có lúc chơi nơi dặm khách

Tiếng suối reo róc rách lưng đèo

Có khi tầng gác cheo leo

Lúc vui con hát lựa chiều cầm xoang

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp

Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân!...

Xin mạn phép cụ Tam nguyên Yên Đổ, tôi chép lại lần nữa: “Có khi tầng gác cheo leo/ Lúc vui con hát lựa chiều cầm xoang!...”.

Nhưng, từ thời Đồng Khánh (9. 1885 – 1888) đến thời Bảo Đại (1926, 1932 – 1945), nhất là sau vài ba năm phong trào Cần vương bùng nổ mạnh mẽ rồi bị dập tắt dần, ấy là thời đoạn đảo điên của xã hội Việt Nam; trong đó sĩ phu, quan lại tại chức dưới ách thực dân, hay như cụ Nguyễn Khuyến, đầu hàng sớm, thua non giặc Pháp (1884) (*g), cáo quan về ở ẩn, hầu hết đều tiêu dao, hành lạc, cười mình và cười đời, còn nói làm gì!

Còn đây, bản tự phê và phê bình của Nguyễn Tấn Sĩ:

“Đêm Thuý Kiều / em bày vẽ cuộc vui / anh bày vẽ cuộc buồn li rượu đắng // Nếu cầm được linh hồn ra phơi nắng / em chẳng còn vui / anh chẳng còn buồn // Đêm không tên/ hồ dễ mấy ai quên / Nào Mã, nào Kim, này Lan, này Cúc / Này Thúc Sinh tàn đêm cạy cục / đời muốn buồn âm nhạc bị đòn oan // Hát đi em! Kim trỗi giọng thính phòng / Mã rối rít năm ba bài nhạc sến / Bác Nguyễn Du chạnh lòng tắt nến / Quờ đôi tay… / Anh bắt gặp tay mình // Quờ đôi tay đời anh bắt gặp chúng sinh / gặp bóng tối che nụ cười trơ tráo / Chưa qua “tam bách dư niên hậu” / thập loại bây giờ như hoá điên // Đêm Thuý Kiều ai bảo chẳng linh thiêng / đêm chếnh choáng Đạm Tiên đành bỏ cuộc / đêm tính sổ đỏ lừ tàn thuốc / Có một dòng sông đành cạn nước, sông Tiền”.

Sông Tiền Đường bây giờ không còn là nơi thanh tẩy cho Kiều đổi kiếp, trở lại làm người lương thiện nữa!

Liệu sự hiện hữu có thật của linh hồn, giả định theo thần học, có cứu rỗi được con người? Thực trạng sa đoạ, suy đồi về lĩnh vực này ở các quốc gia Thiên Chúa giáo, từ cổ đến kim, từ Tây sang Đông, nhất là thời hiện đại, không chứng minh điều đó.

Liệu Đêm Thuý Kiều có phải là một bài thơ tự vấn mình và nêu vấn nạn về đời với tất cả niềm thành khẩn? Tôi thấy Nguyễn Tấn Sĩ tài hoa, rất tài hoa ở phương thức sáng tác trữ tình tự phê và phê phán với nhiều từ ngữ sắc bén. Ở bài Khúc phố (1­4), anh bảo đó là “sự trải nghiệm”, “niềm vui hắc ín”, và anh biết rõ như một nhà khoa học hình sự, “bánh xe qua điểm chỉ ngày hè”, nhưng ở đoạn kết trùng lặp y nguyên như ở bài Bỏ quên (14) là cả một ý thức… đáng phàn nàn (vay mượn một chút xanh… của trời xanh ở những quán cà phê “trải nghiệm”!). Nhưng dẫu sao, nhà thơ cũng chỉ là con người với hằng số chung: dục vọng song hành tồn tại với điểm trực vô thức – hữu thức của thiên lương. Nhà giáo cũng thế chăng? Không ảo tưởng về con người, tôi vẫn tin rằng, có thật nhiều tấm gương không tì vết! Tất nhiên giới nhà giáo trên khắp hành tinh này cũng chỉ là con người, có điều, hơn những con người tầm thường khác là biết sám hối, biết ăn năn tội, biết tự phê và phê bình, để sáng lên tấm gương mẫu mực (mô phạm) về sự chiến đấu và chiến thắng dục vọng thấp hèn? Đấy là điều các nhà đạo đức học gọi là tính người ở con người, thiên chức giáo dục ở nhà giáo; nhà lí luận văn học gọi là tính hiện thực chân thật nhưng là sự thật được nhìn nhận, thẩm định, phản ánh dưới ánh sáng của thiện năngmĩ học ở nhà thơ và ở các nhà văn học nghệ thuật khác.

Đêm Thuý Kiều là một tiêu biểu của sự gắn bó hữu cơ, biện chứng của thật – tốt – đẹp? Hi vọng và hi vọng vậy thay… 

Phần Cõi sống của Nguyễn Tấn Sĩ không chỉ có thế. Suy tư, cảm xúc của anh hướng về nhiều sự vật, con người khác trong đời sống chung quanh, trong chiều dài thời gian, và đã được thể hiện một cách rất thơ ca. Đó là vùng đất mũi Cà Mau, là phế tích Phật viện Đồng Dương và Tháp Lạn, là suối Tiên và huyện Giằng trên đất Quảng Nam, là người thầy (cũng là người anh, người bạn). Đó là cuộc thi hoa hậu, là nghĩa địa – cái chết…

 

Cứu láng giềng

Lẽ ra, phải viết cho đầy đủ là Cứu nước láng giềng, nhưng tôi muốn dùng chỉ ba chữ ấy để gần gũi hơn, đậm thêm tình hữu nghị với Campuchia.

Nguyễn Tấn Sĩ trải qua đến gần mười năm tuổi trẻ trong bộ đội, hầu hết thời gian tại ngũ là ở trên đất nước bạn, đất nước của Nụ cười Ăng-co (Angkor Thom, Angkor Vat). Với bẩm tính thi sĩ, trong tình yêu đương, anh đã trải nghiệm bằng cả trái tim; trong cõi đời chung quanh, anh trải nghiệm bằng tất cả tâm hồn, tất cả ý thức (ý thức hoà hợp, hoặc ý thức phê phán); trên nước láng giềng Campuchia, chiến đấu vì sự an lành của đồng bào dọc biên giới Tây Nam, vì mục tiêu đánh bại cái ác diệt chủng Pôn-pốt – I-iêng Xa-ry (Polpot – Ieng Sary), anh trải nghiệm bằng tất cả sự dũng cảm, ý chí, nghị lực và bằng tất cả lương tâm con người.

Về những trải nghiệm với ý thức nghĩa vụ trên đất nước láng giềng Campuchia, Nguyễn Tấn Sĩ đã viết ít ra là 10 bài thơ và một trường ca thơ (gồm 8 khúc (20)). Đó là những bài thơ anh viết ngay tại mặt trận, nhưng cũng gồm cả những bài được viết sau khi anh xuất ngũ, về lại Quảng Nam quê hương, cầm lại viên phấn trắng trước bảng đen, cầm lại cây bút đỏ trước bao trang vở trắng học trò. Ngoài ra, cũng có đôi bài anh cảm nghĩ về cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ. Ở những bài viết về Campuchia, lạ một điều là anh ít nhắc đến súng đạn, gươm dao, mặc dù không thể không nhắc đến chúng. Tôi là người chưa từng mang súng, cầm gươm bao giờ, nhưng hình như tôi cảm tình với khẩu súng, kể cả họng súng và viên đạn, nhưng rất ớn lạnh khi nhìn lưỡi lê hoặc dao găm. Mức sát thương của lưỡi lê đâu có bao nhiêu, so với súng đạn! Biết vậy, nhưng hình ảnh lưỡi lê máu me vẫn gây cảm giác rợn người cao hơn. Vốn rất yêu mến câu thơ “đầu súng trăng treo” trong bài Đồng chí của Chính Hữu, tôi lại thấy không thú vị gì, thậm chí hơi rờn rợn về hình ảnh “chiều mỉm cười trên đầu lưỡi lê” trong bài Thao thức trăng suông (21) của Nguyễn Tấn Sĩ, mặc dù anh bảo tôi, đó là một bài nhiều người khen hay, cảm động. Vâng, đó là một bài rất cảm động, nhưng có mỗi một câu thơ ấy là tôi thấy … không ổn!

Ít nhắc đến súng đạn, gươm dao, mà thường suy tư, liên cảm về các di tích lịch sử – văn hoá Kh’mer, chừng như anh chàng nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ này luôn xác định cho chính mình và trước mọi người, anh chiến đấu chống bọn diệt chủng Kh’mer Đỏ là vì sứ mệnh bảo vệ văn hoá, văn hoá không chỉ là các di tích, mà văn hoá ở từng người dân Campuchia cụ thể. Và hơn thế nữa, mãi đến năm 2003, khi xuất bản tập Lời hát khẽ, anh trang trọng đề từ ngay ở trang đầu tập:

“… Tôi đã ngủ đâu

trời cơ man giông bão

đời cơ man tiếng thét gọi không lời

Nuôi kỉ niệm màu xanh rừng trên áo

tôi sống ở trong đời

người lính sống trong tôi…”

Tôi càng quý mến Nguyễn Tấn Sĩ khi đọc Trò chuyện cùng tượng đá. Đây là một bài thơ được cấu trúc với 3 phân đoạn, mỗi phân đoạn có tiêu đề riêng, do đó người đọc có thể tập trung cảm nhận của mình vào từng phân đoạn một, không bị chiều dài của bài thơ làm lan man. Có một điều, tôi thích bản cũ trong tập Mặt trời và cơn khát hơn. Nhưng bản cũ chỉ gồm 2 đoạn. Tôi đành mạn phép Nguyễn Tấn Sĩ để làm một sự lắp ghép (22).

“ĐÁ // cười chi đá ơi / bóng thời gian mưa nắng / đi qua cay đắng / đi trong câm lặng / đá cười / Bay-on, tôi chưa hiểu hết Người / khi chưa hiểu đá / những ngọn lửa chiến tranh nghiệt ngã / thịt xương tơi tả / đá cười? / Bay-on, thà Người nói bằng lời / như giọt thốt nốt ban mai ngọt nửa chiều men đắng / nhưng đá hỡi cứ hoài nín lặng / điệu múa quanh Người bí ẩn cả đôi tay // NGƯỜI // Bay-on, tôi có người mẹ khô gầy / bồng con đợi ngàn năm / nụ cười hoa trái mọc / nước mắt rơi suối nguồn tuôn / vô tận nỗi buồn / thành đá // Bay-on, Người như quen như lạ / năm tháng binh đao gởi lại nụ cười / Bay-on, tôi không đến đây để làm người chiêm ngưỡng / bao triều đại đi qua / nụ cười còn mãi… // NỤ CƯỜI // tôi chỉ là người lính thôi / đang rượt đuổi tận cùng cái ác / chặn bàn tay hoả thiêu tiếng hát / bàn tay chôn nụ cười / và Bay-on, tôi đã gặp người / trước khi gặp đá / có em bé Khơ-me đói lả / có người mẹ tìm con vừa gục xuống đêm qua / hạt gạo tôi mang từ khó nhọc mẹ già / kịp nhỏ xuống bờ môi khô giọt cháo / và tôi gặp đôi môi Bay-on trong nụ cười tái tạo / bàn tay xưa trên mạch đá lần tìm…”.

Chính hai dòng thơ, “Bay-on, tôi chưa hiểu hết Người / khi chưa hiểu đá”, cái mốc Nguyễn Tấn Sĩ dựng lên trong mạch cảm nhận của người đọc, để từ cái mốc ấy, ta cùng anh liên cảm đến người mẹ già ở quê hương và hình tượng Mẹ Bồng Con (23), tên một ngọn đèo ở dải đất Miền Trung. Đó là hình tượng của người phụ nữ Việt Nam nhẫn nại, kiên tâm, chung thuỷ, người phụ nữ của một đất nước luôn phải đứng trước thách thức sống còn, phải tiến hành những cuộc chiến tranh chống xâm lược từ mọi phía, suốt bốn nghìn năm lịch sử. Mặc dù anh không nhắc đến tên ngọn đèo này, nhưng hòn vọng phu Mẹ Bồng Con không thể là một hình tượng khác trong tâm thức anh, khi Nguyễn Tấn Sĩ viết: “Bay-on, tôi có người mẹ khô gầy / bồng con đợi ngàn năm / nụ cười hoa trái mọc / nước mắt rơi suối nguồn tuôn / vô tận nỗi buồn / thành đá // Bay-on, Người như quen như lạ / năm tháng binh đao gởi lại nụ cười”. Nguyễn Tấn Sĩ hiểu chất đá, thực ra là bản chất của hình tượng Nụ cười Bay-on của Campuchia, bằng cái hiểu của một người Việt Nam, có quê hương là Tam Kỳ, thị xã tỉnh lị của Quảng Nam, vốn ở ngay chính giữa đường sắt thống nhất xuyên Việt. Khi đã hiểu chất đá đó, hiểu theo tâm thức riêng của anh, anh cho rằng anh đã hiểu Nụ cười Bay-on. Tôi muốn nhấn mạnh sáu chữ được chia làm hai dòng này: “vô tận nỗi buồn / thành đá”, như đã mạn phép nhấn mạnh hai dòng trên kia, tôi xem là cái mốc trong mạch cảm xúc, suy tưởng của Nguyễn Tấn Sĩ.

Không ai trách Nguyễn Tấn Sĩ cố tình chủ quan khi hiểu Nụ cười Bay-on như vậy. Có lẽ anh không quan tâm lắm đến Phật học? Không quan tâm đến Phật học với nụ cười Đức Phật Thích Ca, làm sao anh hiểu nổi Nụ cười Bay-on? Nhưng hỏi thế là tôi đùa với anh đó thôi. Hình tượng Jésus Christ buồn bã cúi xuống, giang hai cánh tay với hai bàn tay ngửa ra như ban phát, như đón chờ, như phân trần, hoặc ngước nhìn lên Trời cao (Jéhova) với ánh mắt tôn thờ, ngóng trông, cam chịu, có lẽ Nguyễn Tấn Sĩ hiểu sâu sắc. Cũng có thể Nguyễn Tấn Sĩ có bề sâu hơn khi ngẫm nghĩ về Nụ cười La Joconde của Léonard de Vinci. Nhưng rốt cuộc, Nguyễn Tấn Sĩ vẫn giũ bỏ, lãng quên hết tất cả mọi thứ triết lí, triết học, tôn giáo, chỉ lấy hình tượng Mẹ Bồng Con chờ chồng đi đánh giặc ngoại xâm trở về đoàn tụ trong độc lập, tự do của Việt Nam để hiểu Nụ cười Bay-on!

Nhà thơ cho phép mình chủ quan một cách đầy sáng tạo như vậy. Nhưng cũng vì mang bản tính thi sĩ, anh quên đi một vài câu cước chú cần thiết.

Về hai tập thơ của Nguyễn Tấn Sĩ, tôi đã cố gắng cảm nhận trong chừng mức có thể. Cũng như thơ của nhiều nhà thơ danh tiếng khác, số lượng bài hoàn chỉnh tuyệt đối của Nguyễn Tấn Sĩ hầu như rất hiếm, nhưng vẫn còn nhiều câu thơ hay, tứ thơ đẹp trong hai tập thơ ấy, bên cạnh nhiều câu, nhiều bài chưa thể gọi là hay, mặc dù tất nhiên là không thể bảo là dở hoặc trung bình. Tuy vậy, làm sao tôi có thể trình bày hết trên trang giấy tất cả những gì tôi đã cảm nhận về cái hay, cái đẹp trong thơ anh. Có một điều tôi thấy cần khẳng định lại: Trong các bạn thơ quen biết, thân tình, Nguyễn Tấn Sĩ là một trong vài nhà thơ có phong cách rất riêng về ngôn từ thơ, mặc dù ngôn từ thơ là một mặt cực kì quan trọng, nhưng chưa phải là tất cả đối với thi ca.

Tôi thấy bài viết cũng không cần phải tổng kết…

Tôi đoán rằng, Nguyễn Tấn Sĩ rất sợ “tổng kết” về thơ ca của mình, vì như thế rất “tổn thọ” cho một đời thơ đầy sáng tạo, còn mãi khát vọng và năng lượng sáng tạo như anh. Nguyễn Tấn Sĩ vẫn còn nhiều tập thơ chưa xuất bản, và nhất là còn nhiều tập thơ khác trong trái tim anh.

 

TP. HCM., khởi viết từ 14 giờ 12 phút, ngày 03. 10. HB4 (20. 8 G. thân HB4);

viết xong vào lúc 11 giờ 12 phút ngày 05. 10. HB4 (22. 8. G. thân, HB4).

TRẦN XUÂN AN

 

 

(*a)  Xin xem thêm: Trần Xuân An, Giữa vòng tay Tam Kỳ và bè bạn, bút kí, Kỉ yếu 40 năm (1955 – 1995) thành lập Trường Trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ, Quảng Nam – Đà Nẵng, 1995, tr. 58 – 70. Trong bút kí này, nhân vật S. là Nguyễn Tấn Sĩ.

(1) Nguyễn Tấn Sĩ (Sỹ), Mặt trời và cơn khát (MT. & CK.), tập thơ, Hội Văn học – nghệ thuật Quảng Nam – Đà Nẵng xuất bản, 1991; & Lời hát khẽ (LHK.), tập thơ, Hội Văn nghệ Quảng Nam xuất bản, 2003.

(*b) Chữ đầu dòng thơ viết hoa hay không, tôi giữ nguyên theo văn bản của tác giả. Xét về ngữ pháp, viết hoa chữ đầu dòng thơ hay không, đều sai. Đây chỉ là cách trình bày bài thơ trên giấy cho đẹp, tuỳ theo mỗi tác giả.

(2) MT. & CK., sđd., tr. 9.

(3) Đọc Trò chơi của Bônđarep, MT. & CK., sđd., tr. 23.

(4) Không đề, MT. & CK., sđd., tr. 5.

(5) MT. & CK., sđd., tr. 12 – 13.

(6) MT. & CK., sđd., tr. 14.

(7) MT. & CK., sđd., tr. 17 – 18.

(8) MT. & CK., sđd., tr. 21 – 22.

(*c) Điểm trực tự động, có tính phản xạ của thiên lương có chức năng “kiểm duyệt” ấy, gọi tắt là điểm trực thiên lương (phần được giáo hoá bằng văn hoá, giáo dục, trở thành bản năng cao đẹp, có sức đề kháng tự giác kiểu phản xạ, phản ứng trước cái xấu, cái ác trong mỗi con người, trong xã hội) được Phật học gọi là a lại gia thức, được Sigmund Freud gọi là le sur-moi (siêu ngã). Tôi không muốn dùng nhóm thuật ngữ cùng hệ thống khái niệm của S. Freud, bởi có nhiều kẻ đã vận dụng chúng với mưu toan diễn dịch, xuyên tạc (giải mã các hình ảnh được mã hoá, do bị siêu ngã kiểm duyệt!), với mục đích quy về libido (ẩn ức tình dục).

(9) LHK., sđd., tr. 40.

(10) LHK., sđd., tr. 25 – 26.

(11) MT. & CK., sđd., tr. 7.

(12) LHK., sđd., tr. 19 – 20. Theo quan niệm dân gian về hồn vía, người nam có 03 hồn 07 vía, tương ứng với câu lục; người nữ có 03 hồn 09 vía, tương ứng với câu bát.

Trên đây, tôi chỉ phân tích theo hình tượng thơ trong 02 tập thơ của anh. Trong thực tế ngoài đời, tôi được biết Nguyễn Tấn Sĩ cũng có một người yêu xin phép anh để đi lấy chồng như vậy. Đó là một cô giáo, giảng viên trường cao đẳng, rất xinh đẹp, trí thức, chủ động biến tình yêu đương thành tình bạn. Tôi cũng được biết rằng, suốt hơn 20 năm nay, Nguyễn Tấn Sĩ đã chung sống hạnh phúc với một người vợ xinh đẹp, đảm đang, đức hạnh.

(13) LHK., sđd., tr. 37.

(14) LHK., sđd., tr. 33 & tr. 56. Nguyễn Tấn Sĩ điện thoại cho tôi biết rằng, đoạn kết này chỉ thuộc bài Khúc phố. Anh thấy cũng không cần phải đính chính lỗi in ấn này.

(15) LHK., sđd., tr. 43 – 44.

(16) LHK., sđd., tr. 45 – 46.

(17) LHK., sđd., bài Nhớ mùa thu Thanh Tịnh, tr. 51. Lẽ ra, bài này Nguyễn Tấn Sĩ phải chú thích cho đầy đủ: Bài Tôi đi học, Anatole France (1844 – 1924), nhà văn Pháp, là tác giả. Thanh Tịnh chỉ là dịch giả tài hoa. Thiết tưởng, ta cũng cần nhớ nhà văn Pháp ấy, người đã dùng ngọn bút của mình để vạch trần chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt Nam.

(18) LHK., sđd., tr. 75 – 76.

(*d) Trần Xuân An, Nước mắt có vị ngọt (tập truyện liên hoàn, 1999); Suy nghĩ về lịch sử cổ đại nước ta (khảo luận sử học, 2004).

(19) LHK., sđd., tr. 71 – 72.

(*e) Dương Khuê (1839 – 1902).

(*g) Thơ Nguyễn Khuyến: “… Cờ đang dở cuộc, không còn nước / Bạc chửa thâu canh, đã chạy làng / Mở miệng nói ra, gàn bát sách / Mềm môi chén mãi, tít cung thang / Nghĩ mình mà gớm cho mình nhỉ / Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng”.

(20) Như đã nói, đây là phần thơ đã in ở tập MT. & CK., lại được tác giả Nguyễn Tấn Sĩ chọn lọc, bổ sung, sửa chữa, in lại ở tập LHK.

(21) LHK., sđd., tr. 3.

(22) MT. & CK., sđd., tr. 35 – 36; LHK., sđd., tr. 92 – 94.

(23) Ở đây, chắc chắn Nguyễn Tấn Sĩ không nói đến nàng Tô Thị, vốn là một hình tượng cổ tích mang ý nghĩa giáo dục luân lí. Anh đã có một bài khác viết về Tô Thị. Xem: LHK., sđd., bài Nàng mới ra đi, tr. 69 – 70.

 

 

Đã gửi:

 

1.    Nguyễn Tấn Sĩ (06. 10. 2004).

2.    Tạp chí Đất Quảng (06. 10. 2004).

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/30/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7