c. Trần Xuân An - Sen đỏ, bài thơ hòa bình - Tệp 3

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

 

TRẦN XUÂN AN

SEN ĐỎ, BÀI THƠ HOÀ BÌNH

 

 

Chương 3

 

1997

 

 

1997

 

 

 

18

 

 

           

            Vầng trán của Hãng nhướng lên dưới chiếc mũ nhựa công nhân. Anh khẽ cắn vào môi dưới của mình. Cúi nhìn bản vẽ dưới ánh nắng chói chang của công trường xây dựng, hai quai hàm của Hãng lại bạnh ra. Những đường kẻ, những con số trên bản vẽ cắt dọc so với những ghi chép các kích thước trên thực địa ở trang sổ tay là cả một sự dối trá đến mức đáng sợ. Thế mà công ti của anh, dưới sự chỉ đạo của giám đốc Vũ Hồng Ngà, đã xây dựng xong hai lô nhà dân dụng trên sự dối trá đó!  

            Đến bây giờ Hãng mới hiểu vì sao lâu nay, gần sáu tháng trời công tác tại công ti này, anh không được phép ra công trường. Ông Vũ Hồng Ngà chỉ thử thách anh bằng một đống bản vẽ. Hãng cứ ngỡ ông cần phải kiểm tra lại cái bằng kiến trúc sư của anh trên mớ bản vẽ ấy. Đến bây giờ, sau một vài cuộc nhậu tay đôi, chỉ ông Ngà và Hãng, ở nhà riêng sang trọng như cơ ngơi của các ông hoàng bà chúa, và ở nhà hàng bên bờ sông lộng gió, với những câu chuyện ngỡ chừng như đùa bỡn, phù phiếm, ngỡ chừng rất ''đời'' về công việc của công ti này, công ti khác, Hãng mới hiểu nhậu không phải để nhậu, nhậu như thế để chuẩn bị bố trí Hãng tạm thời thay thế một kĩ sư bị tai nạn giao thông. Nội dung của các cuộc nhậu ấy là sự dối trá này đây!

            - Bản vẽ và thực tế thi công khác nhau lắm cậu ạ. Thời bao cấp, phải bớt, phải xén vật liệu để tồn tại, chưa nói để sống. Thời thị trường, cũng phải xén, phải bớt vật liệu, tiền công, ngày công để cạnh tranh, để đối phó với cơ chế đấu thầu. Chúng hạ giá thầu đến mức chóng mặt, xây xẩm mình cũng phải tụt giá để có việc mà làm. Công ti nào, tay thầu khoán nào cũng phải vậy - ông Ngà ghé vào tai Hãng, phun ra mùi rượu và thức ăn khiến Hãng phải nín thở để nghe.

            Trong tiếng gió sông lồng lộng, tiếng nhạc cũng bị bạt đi, ông Ngà yên tâm nói ''tào lao'' với Hãng rồi chen vào chuỗi tào lao ấy những điều định nói. Hai mươi sáu tuổi, thời báo chí đã dám phản ánh các mặt tiêu cực, chứ không phải tuổi hai mươi sáu của thời đầu óc đầy nhóc sự tô hồng, và dù mới hơn nửa năm đi vào thực tiễn công tác, Hãng cũng đã hiểu sự thể cuộc đời. Hơi ngà ngà vì rượu, nên chút choáng váng, ít nhiều còn có ở một  người tuổi trẻ, cũng như thêm vài cốc cay cay. Hãng cũng thấy ông Ngà ưu ái nhân viên là mình đến thế này, nên thật lòng anh cũng nghe trong cái say của rượu, cái choáng như say của chất ''đời'' thật, không tô hồng, có cả cái say vì cảm động. Hãng gật đầu, và dạ vâng, lại gật đầu, và dạ vâng trước lời ''bảo ban'', ''chuẩn bị tư tưởng'' của thủ trưởng.

            Gương mặt đỏ lựng, bóng nhẫy mỡ, vầng trán hói bóng láng và đôi mắt hơi ngầu đỏ vì rượu thịt, bỗng xa vắng, trầm ngâm, rồi chợt quay qua Hãng :

            - Tớ đã bảy năm học ở Liên Xô, hai mươi mấy năm công tác trong ngành. Tớ thấy cậu cũng khá lắm, với mắt nhìn của tớ. Chung quy ở đời, là cái bụng. Cậu phải hiểu điều đó. Nếu cậu hiểu cái bụng đầy phân của con người ta, cậu sẽ khá thêm một chút. Và đừng bao giờ dại dột để ruột ngoài da, Hãng ạ.

            Hãng nín thở vì sự kín kẽ của giám đốc Ngà. Gió lồng lộng, nhạc vang vang, thế mà ông Ngà vẫn chỉ dám nói thầm vào tai.

            Sau vài ''đợt tập huấn'', ông Ngà đã yên tâm về Hãng. Hãng cũng hiểu cụm từ ''hỗ trợ lẫn nhau'' xem ra rất bình đẳng, dân chủ của ông Ngà là ''câu kết bè cánh, tạo ê - kíp'' trong cơ quan, với những cơ quan khác trong ngành và liên ngành, cả với các công ti tư nhân. Chữ ''tớ'' ông Ngà dùng, khiến Hãng hơi nhột nhạt, thấy ngược đời, nhưng Hãng đâu dám tự xem là ''cậu'' chủ, hoặc là ''cậu'' em! Hãng chỉ đáng tuổi bằng con cái của ông Ngà. Mặc dù đại từ ''tôi'', theo một nhà nghiên cứu, và phần lớn người Việt đều mơ hồ hiểu, cũng là tôi tớ, nhưng nghe quen tai hơn. Chữ ''tớ'' cũng chả lạ lùng gì, có điều trong trường hợp quan hệ này, Hãng mới sực nhận ra tính khiêm tốn kỳ lạ bên cạnh ý chí tự cường, phẩm chất anh hùng vào bậc nhất nhân loại của người Việt Nam mình xưa nay. Hóa ra, nói như Chúa, ai cũng là tôi tớ của nhau cả nhỉ! Trong ngôn ngữ một số nước, đại từ ngôi thứ nhất thể hiện ra cái tôi tự xưng rất to, phải viết hoa nữa kia! Thoáng nghĩ vậy, Hãng lại chú tâm nghe giám đốc ''tập huấn'' tiếp. Hãng cũng không thật hiểu mình. Cơ hồ nhận thức thực tế qua con chữ trên báo, trên sách và qua lời nói khác với nhận thức thực tế trước mắt về mức độ phản ứng tiếp nhận. Giờ đây, Hãng cũng không ngờ mức độ dối trá lại đến thế này trong thực tế công trường. Cũng có thể bởi tình cảm ''ưu ái'' nên lúc nhậu, Hãng dễ đồng tình, đồng lõa hơn. Và cũng có thể hôm nay anh đã được chút thiện căn trong tâm đánh thức.

            Hãng quên mất nắng gần đứng bóng tháng ba này đang nổ lửa trên nón lao động, trên lưng áo xanh công nhân đang mặc. Những người thợ đã vội vã lấp đất lên chân móng ! Thế là nguy cơ lún, sập, nứt hay chí ít cũng giảm thời hạn sử dụng đã  hiển nhiên! Kết cấu sắt đã thế, tỉ lệ xi măng như thế, móng được cừ nén như thế, nguy cơ làm sao tránh khỏi. Và án mạng, sự tan hoang tiền của vì nhà cửa làm ẩu sẽ bắt đầu từ thực trạng bớt xén này : ''Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi!''.

            Hãng bước vào hiện trường thi công:

            - Tôi đề nghị các anh, các bác ngừng tay đã.

            Đội trưởng đang phì phèo thuốc lá, đầu lọc giữa hai hàm răng kẹp lại:

            - Sao anh lại bảo kỳ vậy! Công việc đang phải gấp...

            - Vì kĩ thuật. Tôi thấy không ổn, không yên tâm.

            - Kĩ thuật đến thế thôi. Mọi công trình đều như thế, chứ riêng gì ở lô nhà này - anh ta biết đang phải làm việc với một kiến trúc sư mới ra trường - Anh em cứ làm tiếp đi - lại quay qua Hãng - Chúng ta ra chỗ râm kia bàn chuyện nhé anh - anh ta vừa kẻ cả kiểu ''anh chị'', vừa làm ra vẻ nể nang chức trách của Hãng.

            Hãng nén tự ái. Hai người bước ra chỗ hành lang của lô nhà mới xây xong, cùng ngồi chồm hổm trước bản vẽ.

            - Bản vẽ khác, thực tế xây cất, thi công khác.

            - Nhưng sao lại quá mức cho phép đến thế này?! - Hãng đối sánh các con số.

            - Cái đó anh hỏi giám đốc. Tôi chỉ huy anh em công nhân theo lệ và lệnh của giám đốc. Mấy ông kĩ sư kiểm tra kĩ thuật trước đây cũng du di như thế.

            Hãng cau mặt, nghẹn họng. Chiếc điện thoại di động mới được bàn giao đang nằm trong túi áo Hãng. Bất giác, anh thò tay vào ngực phải áo. Nhưng phải rã rời buông thõng. Không thể trao đổi chuyện này qua máy được!

            Gấp vội bản vẽ, Hãng nói chào, ra chỗ để xe gắn máy. Cho bản vẽ vào túi xách, anh khởi động xe, đi về cơ quan với nỗi bàng hoàng, cay đắng lẫn niềm chua chát đến muốn bật cười, như tiếng cười ai lộng óc, ma quái anh đã nghe ở đâu đó - tiếng cười xé ruột xé gan mà trào lộng trước thói đời!

            - ''Dỏm để phải sửa chữa, mới có việc mà làm chứ!''.

            - ''Để làm gì nhỉ!''.

            Và tiếng cười, tiếng cười chảy máu mắt ở đâu đó cứ lộng óc, vang rền, cất lên từ công trường, đuổi theo Hãng đến tận văn phòng giám đốc Vũ Hồng Ngà.

            Hãng gõ cửa, đẩy cửa kính, bước vào. Hãng sửng sốt khi thấy ông Ngà đang gục đầu trên bàn làm việc. Chai rượu ngoại đắt tiền đang cười hô hố. Đích thực tiếng cười hô hố khoái trá vang lên từ chai rượu này! Và tấm lịch in hình cô gái khỏa thân đã ''bán mình'' cho tiệm nhiếp ảnh nào cũng hô hố cười, nhưng nghe sao thê thảm mà trơ tráo, ở bên cạnh ông Ngà, giám đốc!

            Hãng đứng sững. Chợt nhớ phải gọi người ở phòng làm việc bên cạnh sang để cùng giúp ông Ngà dã rượu, anh bước ra. Anh cũng chợt thấy rõ chính anh đã vừa bị chất rượu độc của sự thật cuộc đời đầu độc. Anh cũng giật mình nghĩ, anh vừa nhìn sự thật đó bằng ống kính cường điệu của điện ảnh chăng?

 

 

 

19

 

 

 

            Nhưng đâu phải lịch khỏa thân treo tường ở căn nhà năm tầng lầu này! Trên các bức vách ở các phòng đều có gắn phù điêu người nữ khỏa thân. Xem ra rất văn hóa, căn nhà nguy nga Hãng đang phải trực tiếp chỉ đạo thi công theo bản thiết kế của chính anh, do sự đặt hàng của khách! Hãng đã bị biến thành cái máy của Thượng đế là đồng tiền. Anh đau đớn đến bật khóc. Biết làm thế nào được ! Nhan nhãn khắp các sạp báo là ảnh con gái cởi truồng... với áo quần buông trễ, với vài mảnh nhỏ gọi là, cho thêm phần mời mọc, lôi cuốn! Hãng phải nặn óc để thủ thế, thủ thế mà vẫn chiều ý khách hàng, tuân lệnh giám đốc. Và anh tìm ra được lối thoát, rất ngoạn mục, cao đạo. Trong di sản rực rỡ, đồ sộ, thiêng liêng, huyền bí của Chăm, Ấn Độ, Hãng tìm được các mẫu vật thiếu nữ khỏa thân. Văn hóa cổ đại, trung đại của dân tộc, của châu Á đây rồi! Trong di sản chói lọi thời Phục Hưng với các danh họa, điêu khắc gia châu Âu, tên tuổi đã được khảm vàng dát ngọc, Hãng cũng tìm được các danh tác lõa thể. Tất cả đều mơn mởn, tròn mọng, thon mịn, và uốn éo, lả lơi, gợi tình bằng nét vui, mời yêu bằng nét buồn, sầu mộng. Văn hóa đích thực của Phương Tây cổ đại, cận đại đây rồi! Nhân loại Đông với Tây gặp nhau ở chỗ khỏa thân này đây. Ồ, những hình tượng sống quá... Chử Đồng Tử, Tiên Dung đang gặp nhau ở bãi sông, trong gian lều che vội, với thân thể đôi bên không manh vải! Và A-đam với E-va hồn nhiên, nhởn nhơ không ngọn lá che thân! Thêm cả loài người nguyên thủy! Ồ, văn hóa khỏa thân! Không còn nghi ngờ gì nữa, e ngại gì nữa! Khỏa thân, ơ-rê-ka (euréka) (9)!

            Hãng trang trí với những phù điêu do anh tạo mẫu phục chế, chỉ đạo các nghệ nhân thực hiện. Hầu hết là vậy.

            Từ bậc cấp thứ nhất vào căn nhà này, cho đến tận sân thượng lầu năm, đâu đâu cũng văn hóa khỏa thân! Tất cả đang trong điệu vũ, làm cả căn nhà thành bồng lai đầy tiên nữ của Thần Dâm hay động nhà thổ của Ngài!

            Hãng được giám đốc Vũ Hồng Ngà khen rối rít với một xấp tiền thưởng dày cộm có phong bao. Bắt thật chặt tay Hãng, ông Ngà lắc lắc hoan hỉ, khi trong văn phòng chỉ hai người:

            - Cậu là một tài năng! - ông Ngà hết mình ca ngợi.

            - Dạ, cháu phục chế là chính, sáng tạo theo truyện cổ vài cái, rồi sắp đặt lại, không theo thứ tự niên đại kiểu viện bảo tàng. Cháu cứ xem như mọi người đẹp lõa thể đều không có tuổi. Nếu tính tuổi, kinh lắm! Có cô gái đã hai nghìn tuổi, vài vạn tuổi!

            Ông Ngà cười ha hả:

            - Cậu cũng hóm đấy chứ! Chúng ta đang sống ở giai đoạn mà mọi giá trị xác thịt và tình dục được phục hưng. Sao cậu không sáng tác phù điêu theo thơ Hồ Xuân Hương nhỉ? Tranh làng Đông Hồ - ông chỉ tay vào màng tang, cố nhớ - hình như cũng có cảnh đàn bà tắm ở trần, Hãng ạ. Khoái ra phết.

            - Thưa chú...

            - Không chú cháu gì cả. Tôi và thủ trưởng, hoặc ''sếp''! Xưng hô thế, cho thoải mái trong cái chuyện này.

            - Dạ, nhà cháu bảo khỏa thân ở chữ khác với khỏa thân ở tượng, phù điêu! Một bên còn trừu tượng, kí hiệu hóa, một bên lại trực quan sinh động - Hãng thưa, hơi ngượng với chữ ''sếp'' (chef).

            - ''Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên''! Kiều của Nguyễn Du đấy. Nguyễn Du tạc tượng ở truồng bằng chữ, ta tạc, ta đúc bằng thạch cao, xi măng. Khác gì nào! Cậu khéo sợ vợ. Vợ thế là tệ! Ai lại đi kìm hãm chồng bằng mớ lí luận giẻ rách ấy! Thế là phải thay vợ thôi! - ông Ngà cười hăng hắc, rít cái đuôi của tiếng cười vào cổ họng, ra vẻ khoái khẩu với mấy câu nói rất văn học của mình - Hóa ra cậu sợ vợ, ối giời! - ông Ngà lại vẫn ''cậu'' và tự xưng trổng - Ồ... Dày dày! Dùng từ thích thật!

            Hãng bỗng trầm ngâm:

            - Thưa thủ trưởng, thật lòng là cháu vâng lệnh thủ trưởng và chiều theo ý ''thượng đế khách hàng'' thôi. Văn hóa, văn nghệ kiểu này dễ cuồng dâm quá. Gia đình chủ nhà, từ nhi đồng cho đến cụ lão, ngày đêm sống trong sự kích dục thế, thì ra sao! Đó là rác rưởi của văn hóa, văn nghệ loài người thôi! Khiêu dâm với nghệ thuật cởi truồng, quả là tận chân, tận mĩ, nhưng không có chút thiện nào!        

            Ông Ngà nhíu mày:

            - Cậu này! Lạ nhỉ! Văn hóa được xếp loại, đánh giá vào bậc nhất của thế giới chứ lị! Đâu phải đùa! Cả gia đình sống giữa các biểu tượng, hình tượng về vẻ đẹp xác thân thì thêm sắc bén, tinh tế về thẩm mỹ, xác thân do đó cũng đẹp lên, sớm nẩy nở hoặc trẻ lại. Cậu buồn cười! Năng lực tốt thế, sao gàn thế! Lại chính cậu tạo tác, sắp đặt nghệ thuật!

            - Thưa thủ trưởng, cháu bị chất độc màu da cam về văn hóa do tiền. Tiền! Do đó, sinh đứa con quái thai là bộ sưu tập phù điêu khỏa thân này, đúng hơn, là bộ phục chế phù điêu đàn bà, con gái ở truồng! - Hãng muốn phân trần, thú nhận.

            - Thôi, nghỉ đi. Thế là xong. Nhà người ta, kệ người ta. Tiền đã giao, cháo đã múc. Cậu cũng có phần rồi. Vậy thôi nhé. Còn một số hợp đồng phải lo nữa, Hãng ạ.

            Hãng cảm ơn, nói vâng, rồi lặng lẽ bước ra khỏi văn phòng giám đốc. Số tiền khá lớn cồm cộm trong túi quần anh. Hãng tự rủa thầm cõi đời và cả chính mình. ''Để làm gì nhỉ !'', câu nói cửa miệng của anh Mai Tự, gần đây đã thường xuyên ở trên môi Hãng.

            Bước vào phòng thiết kế, Hãng rơi phịch xuống ghế.

            - Kính chào đồng chí Vũ Như Tô!

            Những người bạn cùng phòng làm việc nhìn Hãng, cười ha hả, khúc khích và cười ruồi, cười nhạt - những kiểu cười khác nhau cố mạ lên môi lời chúc mừng. Nghe ba chữ ''Vũ Như Tô'', Hãng giật mình, chột dạ, ngỡ đang bị những cái bay, cái búa của cánh thợ bập vào sọ trong sự nổi dậy của họ, ngỡ ngàn chiếc chày giã vôi vữa của công nhân Đoàn Trưng, Đoàn Trực nện vào ngực bằng tất cả căm hờn, tất cả phẫn uất của sự phản kháng, ngỡ bao bộ xương cốt vùi lấp vào đất xây Vạn Lí Trường Thành của phu phen, với nghìn giọt nước mắt đỏ máu của công trình sư người Việt có tên Nguyễn An, rùng rùng nổi dậy đòi mạng (kìa, những xương khô!) và xưa đến nay vẫn còn chảy (kìa, những nước mắt đỏ máu!), ngay trong cơ quan này (10). Thoáng cảm nghĩ đó như điện giật trong tim Hãng, ngỡ loé chớp ảnh ảo trước mắt anh.

Cuối buổi, Hãng cùng Thắp, bạn thân của anh, ra trường trước Hãng hai năm vì không phải đi nghĩa vụ quân sự, lên xe gắn máy đến một quán nhậu. Trong phòng thiết kế, vẫn còn những tiếng rì rầm bàn tán, ghen tị lẫn đắc thắng trước thành công cũng là nguy cơ của Hãng.

            Tìm một phòng máy lạnh, hai người bạn ngồi nhìn nhau. Một thùng bia lon được bưng vào ngay. Cô gái tiếp viên cười đưa tình rất nghề nghiệp với tờ thực đơn, hai khăn mặt ướp lạnh đã phong lại bằng bao ni lông.

            Hãng trả lời một câu mời ''tình'' bằng cái lắc đầu. Thắp cũng đã bảo Hãng chỉ cần một nơi để tán gẫu thôi.

            - Vào chốn này là phí. ''Chay'' mà vào cõi ''mặn'' làm gì! - Thắp cười.

            - Thây kệ! Khùng một chút - Hãng nói - Trời tháng này oi bức quá, phải ngâm Triệu Nắng Thắp vào phòng lạnh!

            - Bọn mình trúng ''quả''. Kể ra, công trình khỏa thân vừa rồi, ông thiết kế, phối trí rất đạt. Cuộc này mình phụ tá ông, trả hết nợ cuộc trước, ông phải lẽo đẽo theo giúp mình. Huề nhé! - Thắp chìa tay qua bàn.

            Hãng bắt tay Thắp. Lát sau, anh rủa:

            - Đời chó má thật, Thắp à. Tre Trúc ngăn mình đến rớt nước mắt, mình phải trốn nhà để làm đấy.

            - Biết rồi. Đời nó thế, mình phải thế. Lương thiện đến cực đoan như Tre Trúc, chắc phải đói rã họng. Phải thừa nhận Hãng ''lách'' giỏi đấy. Mấy ông ''cớm'' văn hóa làm gì được! Hơn nữa, khỏa thân đã thành dịch rồi. Đùi và ngực trắng hếu cả thành phố, sợ gì - Thắp cười, đỏ mặt - Cứ xem như ta vừa làm xong một viện bảo tàng văn hóa chuyên về tạo hình lõa thể - Thắp nâng li, chạm nhẹ vào li Hãng đang được nâng lên.

            Cả hai uống sạch lon bia đầu tiên.

            - Nếu gọi là bảo tàng lõa thể  thì rõ là Tre Trúc lạc hậu. Nhưng vợ mình tinh lắm, biết ngay là nhà ở của tay hãnh tiến - Hãng gắp thức ăn, nhai khẽ, trầm ngâm rồi giục - Uống đi, Thắp!

            - Muôn năm Tre Trúc - Thắp cười, sau ngụm bia.

            - Nhưng ông Ngà còn bảo mình phỏng theo tranh làng Hồ, thơ Hồ Xuân Hương nữa kia! Chỉ khai thác hai trong Tứ Bất Tử, Tiên Dung và Chử Đồng Tử, là bạo rồi.

            - Chơi cả Nhã ca của Kinh Thánh luôn, với ''ổ gà'', ''nương long'' (hĩm và vú). Khai thác, sáng tạo tuốt.

            - Tre Trúc bảo chi tiết tắm ở bãi sông, gặp nhau trong cảnh huống ấy, giữa một thanh niên nghèo khó, có tâm hồn trẻ thơ như bổn lai diện mục, với  công chúa rất tiên, người xưa chỉ kể qua loa, nhằm những ngụ ý triết học cao cả. Điều đó hoàn toàn khác với việc khai thác có tính khiêu dâm bằng phù điêu, một trời một vực !

            Thắp gật đầu rồi thầm lắc đầu:

-          Đúng! Nhưng quên bà xã đi. Nghe này:

-           

                        cởi hết rồi tạm bợ

                        cát trôi, bãi Tự Nhiên

                        cao sang và cùng khổ

                        trong tâm nhìn, tiên thiên.

 

            Tay nhà thơ nào đó đồng hương với Hãng khá lắm. Nhưng thể xác hoặc tinh thần bất túc thì sao? Có lẽ chỉ nhìn bằng cái tâm, không bằng mắt thịt, mới thấy sự bình đẳng tiên thiên về nhân phận. Rồi! Lại nghe nhé, khung cảnh đền miếu, với một bức tranh thờ toàn là hình tượng cách điệu cả đấy nhé:

 

                        trầm hương sương ngát miếu đền

                        phiếm thần khẽ cúi hôn lên đóa hồng

                        ngàn xưa đèn tỏa nhớ mong

                        hòa xương thịt yêu trong đất trời.

 

            Đấy! Tôn giáo hóa, thiêng liêng hóa tình dục, như ở phù điêu làm tình trên thạp đồng Đào Thịnh, trên cửa võng đình làng Đình Bảng, hay như Lin-ga - Do-ni (Linga - Yoni) của Ấn, Chăm, thì có gì bà con với Thần Mày Trắng đâu. Triết học đấy. Tình dục vì sự sống, giống nòi, và vì no ấm, lại bớt dâm!

            - Nhưng vũ nữ Chăm chỉ là xếch-xi sô (sexy show) kiểu cung đình của những tay vua chúa dâm ô, đồi trụy thôi. Câu thơ tả Kiều tắm cũng đầy nhục cảm của nhà thơ lớn sáng tác ''dâm thư''. Tranh tắm trần của làng Hồ cũng vậy. Hồ Xuân Hương vừa vĩ đại vừa thấp hèn. Bà Hương này không dâm sao lấy đến bộn chồng và thơ hai nghĩa rất dâm như thế! Thách thức lễ giáo phong kiến à? Dâm là chính! Chán gì cách phản kháng. Tình dục là một nhu cầu cơ bản, nhưng hoàn toàn kiêng khem vẫn khỏe mạnh. Bà Hương này dâm, những dâm một cách thi sĩ với trí tuệ sâu và sắc, ít nhiều có giá trị nhân bản.

            - Tre Trúc của cậu giỏi thật đấy.

            Hãng đỏ mặt, hiểu ý Thắp. Một lúc, anh thành thật bày tỏ lòng quý vợ:

            - Mình học được ở vợ mình nhiều lắm. Tre Trúc có những phát kiến mới mẻ kì lạ. Chúng mình là một, hai nửa của nhau thật, ông à - Hãng hơi mắc cỡ - Thôi, uống đi. Xin chúc mừng vàng ngọc lẫn rác rưởi của văn hóa nhân loại và dân tộc!... Ừ nhỉ, để có ý niệm thân thể đẹp, còn khối cách!

            Sau vài lon bia, Thắp nói:

            - Hãng nghĩ sao về ông Ngà, thủ trưởng?

            - Cũng gặp bi kịch nghề nghiệp như chúng mình thôi.

            - Nhưng lão dốt và quá tham tiền. Công ti mình ẩu xỉ, bậy bạ, dối trá nhất nước. Không có công ti nào sa sút đến mức làm tha hóa công nhân trở lại như ở công ti mình!

            - Ông Vũ Hồng Ngà có bằng đỏ kiến trúc sư ở Nga đấy. Chẳng lẽ là bằng ''hữu nghị''? Thực chất ổng cũng khá chứ!

            - Khá kiểu ranh ma! Trăm người đi du học nước ngoài, vẫn có vài kẻ được hưởng cái nhục của ân huệ ''hữu nghị'' ấy. Mình làm ở công ti ông Ngà gần ba năm rồi, mình biết.

            - Thế là bi  kịch của bi kịch, lão đồng hương ơi!

            - Dẹp cái Sen Trắng với lại chủ nghĩa đồng hương của Hãng đi! Dẹp cả lão Ngà tập kết ra Bắc từ bé của chúng ta nữa!

            Hãng gục gặc cái đầu đã say ngất ngư:

            - Phải trừ ra Tre Trúc của mình! Không, không, đừng để vợ mình dính vào cái cục bộ lẫn cái bẩn thỉu của đồng tiền mua và bán sự dâm ô, rác rưởi này - Hãng lè nhè, sờ túi phồng căng phong bao tiền thưởng.

            - Lại Tre Trúc chủ nghĩa! Về Hóc Môn của Hãng, kiếm mảnh đất, dựng lều cỏ với Tre Trúc mà sống! Hãng quá gàn rồi đó!

            Một lát sau, chợt vang lên tiếng lè nhè:

            - ''Tăng'' (temp) hai nhé! Làm Thúc Sinh, Từ Hải nhé!

            - Ừ, thì ''tăng'' hai.

            - Rồi đen đỏ nhé!

            - Say mèm rồi, bữa khác.

            Có lẽ đã ngà ngà men bia, Thắp lại lè nhè triết lí, quên bẵng lời rủ rê vừa rồi:

            - Với cái nhìn của cái tâm, Tre Trúc của Hãng, cả người yêu mình cũng là con người như các cô bán dâm thôi, Hãng à. Uả quên, phải lập hai vế so sánh ngược lại chứ nhỉ! Ồ, đúng rồi. Tất cả đều bình đẳng ở thân phận làm người. Con bạc và kẻ không đánh bạc có giống nhau không? Về nhân phận vẫn vậy, với mắt nhìn nhân bản. Tội phạm, thằng điên đều là người. Đúng vậy không, hở nhà kiến trúc duy vật chủ nghĩa? Thế thì...

            - Ừ, cũng đúng. Hãy nướng hết số tiền này sao? Cả mấy tháng trời cật lực! Vợ mình sắp sinh nở... Cô ấy còn phải rảnh việc để nghiên cứu nữa... - nghe chữ được chữ mất, Hãng lè nhè, đôi mắt đờ đẫn, vô hồn, chực khóc, vì ý tưởng vụt sáng lên trong anh, về sự trong sáng cần giữ gìn cho Tre Trúc, đã thốt ra hồi nãy.

            - Nếu Hãng đủ dũng cảm và bản lĩnh làm người lương thiện, hãy đốt hết số tiền ấy! Hãy đốt sự bẩn thỉu, tha hóa, hay cả bản chất dâm ô, sa đọa của chúng ta đang có cơ hội ngóc đầu dậy. Đừng để viện mồ côi, viện nuôi dưỡng người tàn tật, già cả neo đơn nào  bị làm bẩn bởi sự bẩn thỉu của chúng mình. Hãy đốt. Đừng làm bẩn Tre Trúc và đứa con đầu lòng của ông, Hãng à. Chúng ta đừng biện minh cho sự dâm ô của văn hóa, văn nghệ, thứ rác rưởi của nhân loại, của dân tộc và cả của chúng mình!

            - Không ngờ Thắp cao đạo vậy - Hãng cúi gục đầu trên bàn rượu thịt bia bọt - và hình như cũng hơi dốt nát nữa?

            Những rượu thịt bia bọt cất tiếng cười hô hố khoái trá vào hai bậc thầy kiến trúc trẻ tuổi, vừa cao đạo, vừa thấp hèn, vừa thông thái, vừa u mê,vừa đúng đắn,vừa sai lầm, lúc chữ nghĩa say ríu trong óc. ''Để làm gì nhỉ!'' - Hãng lẩm bẩm.

            Thắp ngâm nga lộn lạo thơ tự biếm họa của Tú Xương:

 

                        ... cao lâu thường ăn quỵt

                        thổ đĩ lại chơi lường...

 

            - Thôi đi chứ ! - Hãng ngắt ngang - Đừng vừa ăn chơi trụy lạc vừa phê phán trụy lạc ăn chơi nữa! Cứ như thể tắm rửa bằng nước bùn! Làm sen trong bùn này là ốm đòn đấy! Thôi, đi về nhé Thắp! Khùng như thế đủ rồi! Làm lấm lem, tanh tưởi đời nhau ''để làm gì nhỉ !''.

 

 

 

20

 

 

 

            Trên khoảng đất rộng hơn mười ngàn mét vuông, những cọc, những rãnh chia lô, vạch rõ khu trung tâm xây dựng nhà máy chính, vành đai phân xưởng, và văn phòng, theo đúng bản vẽ mặt bằng đã được duyệt. Một số chiếc xe hơi bóng láng đậu bên lề đường quốc lộ, cách khoảng đất kia vài chục mét. Cỡ hai chục người, chia ra từng nhóm, đang bàn bạc với nhau. Nhóm của Hãng, chỉ gồm có anh cùng ông giám đốc Vũ Hồng Ngà với Thắp. Bản vẽ trên tay và trong cặp da, ông Ngà bàn cùng hai cộng sự trẻ tuổi về cuộc đầu thầu nay mai.

            Một người Úc cùng một người Việt đi đến gần, tỏ ý muốn trao đổi công chuyện. Hãng biết ngay người đàn bà nói rất sõi tiếng Anh theo giọng Uằc này là Việt kiều. Cô ta cỡ ba mươi tuổi, với nụ cười nhã nhặn, có lẽ đã tự tập luyện một mình trước gương soi trên bàn trang điểm rất lâu, tự giới thiệu là Thủy Lê Thị, cũng giới thiệu luôn người Úc kia là Gion (John), thuộc về một công ti xây dựng Uằc tại Việt Nam.

            Năm người đi về phía chiếc xe màu cánh gián, song chưa đến nơi thì cùng đứng lại.

            Ông Ngà chỉ biết tiếng Nga, hoàn toàn nghe ông Gion nói qua lời phiên dịch của cô Thủy. Hãng và Thắp hơi khó nhận nhiều từ lóng, cách nói tắt, cố phát âm chệch của ông người Úc này. Họ cũng đành trao đổi qua cô Thủy.

            Cô Thủy dịch lời ông Gion:

            - Một công ti chế xuất nước ngoài đã có giấy phép đầu tư tại tỉnh này, hiện đang xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng cho nhà máy của họ, như chúng ta đã biết. Họ không muốn người Việt chúng ta trúng thầu. Họ không muốn trễ thời hạn. Họ không tín nhiệm về cách xây dựng của các công ti xây lắp Việt Nam. Họ muốn trao cho công ti của chúng tôi trách nhiệm đó và sẽ bồi thường thua thiệt cho công ti của ông. Ông nghĩ thế nào?

            Ông Ngà đỏ mặt, vẫn mỉm cười:

            - Thưa bà, tôi chưa trả lời ngay câu hỏi của ông Gion. Xin hỏi riêng bà, theo cách nói của bà, thì bà là người nước nào, dân tộc nào? Riêng về đề xuất của ông Gion, tôi xin nói, chúng tôi không khó gì để xây dựng với chất lượng cao. Vấn đề là tiền.

            - Chúng tôi không có ý đôi co. Chỉ mong vào ngày đấu giá thầu, ông hãy để chúng tôi thắng. Nếu đồng ý vậy, ông sẽ nhận được một khoản tiền chắc chắn lớn hơn khoản lãi sau quá trình thi công hoàn tất.

            Ông Ngà dịu giọng, hấp háy mắt:

            - Khoảng bao nhiêu, thưa bà?

            - Năm chục ngàn đô la Mỹ, thưa ông?

            - Nói với ông Gion, để chúng tôi suy nghĩ và trả lời sau. Hẹn gặp lại - ông Ngà rút danh thiếp, trao cho ông Gion.

            Họ bắt tay nhau xem ra rất niềm nở. Hãng và Thắp theo ông Ngà ra xe. Người tài xế đã chờ sẵn. Xe quay đầu theo hướng về lại thành phố Hồ Chí Minh.

            Trên xe, ông Ngà cười sằng sặc đến chảy nước mắt. Thắp và Hãng ngơ ngác, chỉ nhếch môi cười vô nghĩa, bởi không lẽ mím môi hoặc cũng sằng sặc cười như thế.

            - Bọn Tây mất dạy thật, coi thường chúng mình quá đáng. Con mụ trẻ con Việt kiều đúng là cùng bọn... xoàng! - ông Ngà định chửi một câu thật độc địa nhưng rồi nói nhẹ bớt - Đâu phải mình không biết xây dựng! Muốn chất lượng nào, kiểu cỡ nào, ta đều làm tốt. Vấn đề là tiền! Còn không tín nhiệm ư? Thì cử người giám sát thi công sát ràn rạt, và nghiệm thu thật kĩ. Mẹ kiếp! Láo toét!

            Hãng sực nhớ các công trình xây dựng dối trá của công ti, anh bất giác rùng mình, nhìn lảng ra các xóm nhà ven đường đang vun vút lùi lại phía sau.

            - Vâng, đúng thế. Nhưng công nghệ chúng ta còn kém nữa.

            - Trong lĩnh vực này, có gì bí hiểm đâu. Có điều kiện, ta tiếp thu công nghệ mới trong một loáng. Nói theo cánh thợ, có nghề rồi, ta ''cướp nghề'' rất chóng.

            Hãng muốn nói, vấn đề nữa là chúng ta hám tiền, tư lợi, kiểu tủn mủn hay ngồi mát chờ ăn chia và vô trách nhiệm.

            - Chất xám của các nhà khoa học, công nghệ bị tư sản nắm trong tay! Chúng keo kiệt, bo bo giữ lấy để bóc lột các nước nghèo - Hãng nói, không kìm được - Cũng phải tự trách mình dốt, lười nghiên cứu, sáng tạo ra vật liệu mới, kĩ thuật mới.

            - Thôi, suy nghĩ cụ thể đi - ông Ngà gạt ngang.

            Chiếc xe mới tinh vẫn bon bon chạy êm ru về hướng thành phố. Nắng trưa chói chang, mặt đường ướt láng ảnh ảo trước mặt. Trong xe, máy lạnh vẫn phả hơi mát như thể tháng giêng Đà Lạt hay Buôn Ma Thuột, quê hương  thứ hai của Tre Trúc, đã mấy lần Hãng lên thăm.

            Bất giác, Hãng thở dài. Cả một mặt bằng mênh mông với nhiều hạng mục xây dựng rất đáng trổ tài, học tập thêm, vận dụng mới, bỗng trở thành nơi mơ ước thôi sao! Tuổi trẻ mình rồi sẽ khom lưng làm thuê cho người nước ngoài ngay trên Tổ quốc mình! Sao sự phi lí đến kinh ngạc kia lại diễn ra được! Hãng đắng họng, ngồi lặng lẽ bên cạnh Thắp. Ông Ngà trầm ngâm nghĩ ngợi. Người lái xe vẫn như một pho tượng bằng đá sau vòng tay lái, im lặng một cách biết điều.

            Ông Ngà rút máy tính bỏ túi, bấm lia lịa các phím số, lẩm bẩm rồi nói lớn dần:

            - Năm chục ngàn! Gần bảy trăm triệu! Bố khỉ cái sự tiền! Như thể trên trời rơi xuống! Chả bao nhiêu nhưng khác gì trúng số độc đắc. Công ti phen này lại trúng số chăng?

            Ông Ngà lại cười sằng sặc, vẫn rít vào cuống họng cái đuôi của chuỗi cười như một tật nhỏ đặc biệt.

            Hãng ngạc nhiên chua xót, trực nhận ra sự tính toán rất quái gở và nông nổi của ông giám đốc trước thực trạng sống còn, thách thức như thế. Thắp lắc đầu ngán  ngẩm, nhưng kịp ngừng lại, ngồi im, sợ cái kính chiếu hậu đang in gương mặt im lìm của người lái xe.

            Bất chợt từ mạch suy nghĩ, đắn đo của ông Ngà, hai câu rồi lại hai câu khác trong một bài thơ thế sự đau đời của Tố Hữu vọt ra, ngắc ngứ:

 

                        ... làm, ăn - hai chữ quen mà lạ

                        thế cuộc, nhân tình, rõ trắng, đen!

 

                        ... dòng đời cứ chảy, tan bèo bọt

                        thế trận lòng dân dậy tiếng kèn!

 

            Ông Ngà lại nói như thể đang một mình, nhưng để cả ba người trên xe nghe, với giọng ngán ngẩm, uể oải, cay cú:

            - Giá thầu hạ, chất lượng cao, tín nhiệm rộng! Quy luật cạnh tranh tư bản chủ nghĩa đấy! Nghe ra rất lợi cho khách hàng, người tiêu dùng, sử dụng. Nhưng bọn tư bản cũng ''lách'', cũng cáo già được. Chúng phỉnh khách, bắt tay nhau, mua chuộc nhau, ăn cánh, toa rập với nhau để bóc lột khách hàng. Lại thêm sự nhích lên, hạ giá của bọn tư sản ngân  hàng về đồng tiền nữa, mà chủ yếu là đô la Mỹ đế quốc. Thế thì thế nào nhỉ!

            Xe đã vào thành phố, len giữa cơ man là xe các loại. Hãng và Thắp thấy ông Ngà rất đỗi thuộc bài. Họ cũng mừng thầm, mong ông Ngà có cách đối phó với món tiền năm chục ngàn đô Mỹ, của giời ơi đất hỡi khá nặng túi. Riêng với Thắp, anh chỉ thoáng mừng rồi cảm thấy trước,  ông Ngà lại vẫn vậy thôi, như mấy năm nay ở công ti, Thắp đã biết. Sự thể cũng như anh và Hãng rất thuộc truyện Kiều của cụ Nguyễn (nhất là các câu tự nhiên chủ nghĩa rác rưởi!) (11) nhưng  vẫn nướng tiền bẩn vào chỗ bẩn một đôi khi đó thôi. Hai người bạn trẻ từng rất mặc nhiên ''noi gương'' khách làng chơi hào hoa, bốc trời Thúc Sinh, khách làng chơi Từ Hải được anh hùng hảo hớn hóa, không ''trăng gió vật vờ'', cả khách làng chơi thi sĩ Tản Đà (với đào nương bàn chuyện non nước trong thời Pháp thuộc), hoặc cũng ''noi gương'' ấy với một triết lý ''cao đạo'' để lừa phỉnh lương tâm và những đôi mắt thiên hạ, kiểu Tất Đạt (Siddhartha) của Hét-sơ (Hermann Hesse) - thành tâm trải nghiệm, dấn thân vào bùn đời để trái tim sáng đỏ búp sen đạt đạo cúi rũ trong lồng ngực! Đang chán nản, lại chạnh nghĩ, Thắp chợt nhận ra, chẳng hiểu sao, anh lại đánh đồng các nghịch lí vốn khác nhau về chất trong con người!

            Chiếc xe hơi chở họ đã vào đến cổng cơ quan.

 

 

 

21

 

 

 

            Hãng chống hai khuỷu tay lên mặt bàn, ôm cái đầu đang chua chát như đã bị khoan thủng để rót giấm và nước ép trái sung vào. Hãng cũng ngỡ như dung dịch chua và chát ấy đang sôi sùng sục trong hộp sọ. Căm giận, nhục nhã không cách nào cho vơi bớt. Hai ngày nay, Hãng phải chịu đựng nỗi sượng sần đến nỗi muốn lồi cả hai tròng mắt dưới cặp lông mày hình chữ nhất đã dựng ngược, với cánh thợ, với cả cơ quan. Lúc này, chỉ duy nhất một người may ra hiểu giúp Hãng là Thắp, Thắp lại ra hiện trường thi công mất rồi. Còn Tre Trúc, cô ấy, người yêu dấu nhất đời anh, nào đã hiểu gì đâu, chỉ biết anh đang gặp một chuyện đau đầu vớ vẩn.

            Hãng thật không ngờ. Tuần trước, vào văn phòng giám đốc để bàn bạc, Hãng và Thắp phải tranh cãi với ban lãnh đạo công ti về vụ năm mươi ngàn đô Mỹ. Hãng vẫn không chịu nhân nhượng, bị mua chuộc bởi công ti Úc, nên bị giễu là ''ngựa non háu đá''. Rồi hôm kia, anh suýt phải nổ bùng như quả bong bóng bị chích gai. Gai lại là gai của chính cô gái xinh đẹp lâu nay vẫn cười duyên kín đáo và lộ liễu với anh. Hôm ấy, mới gõ cửa, chờ tiếng của ông Ngà cho phép vào, anh đã có cảm giác không ổn.

            - Cứ vào đi - giọng của Hoài Nhớ, thư kí giám đốc.

            Hãng bước vào, lại cảm thấy vui vui. Ông Ngà mới đó đã đi đâu mất, còn chỉ một mình cô thư kí đang nháy mắt chào anh:

            - Anh ngồi chờ bác Ngà một lát nghe anh.

            Cô Hoài Nhớ cười rất tình khiến Hãng nao nao cảm giác xao lòng. Hoài Nhớ đến gần Hãng, lại cười tình. Đôi môi đẹp với lớp son có mùi hương rất ngọt của loài hoa nào đó chúm chím cười mời mọc. Hãng rờn rợn cảm giác nóng rất đỗi xác thịt. Đang lúc không thể cầm lòng được nữa, Hãng choáng váng bởi tiếng hét bất ngờ của Hoài Nhớ:

            - Cứu tôi với! Cứu tôi với! Hiếp dâm! Hiếp dâm!

            Và Hoài Nhớ tự giựt phăng ngực áo đến đứt cả cúc, rồi đâm bổ ra cửa. Hãng đứng chết lặng. Ngoài cửa phòng xôn xao tiếng hỏi gấp gáp, giận dữ. Cửa bật mở. Mười mấy người ở tầng hai này, có cả ông Ngà và Thắp, bước vào với vẻ ngạc nhiên, khinh bỉ. Hãng chết điếng bởi trò đơm bẫy, sỉ nhục, vu khống có sắp đặt này. Hãng chợt hiểu ra tất cả.

            - Thôi! Ai về chỗ nấy. Trò trẻ con! - ông Ngà nói với giọng bao dung có chút khinh miệt rất kịch.

            Từ buổi chiều đó, đôi môi Hãng như thể bị vài ổ khóa với các gióng sắt chữ U xuyên qua, bấm lại và kéo trệch xuống, máu ròng ròng chảy, còn đầu anh sôi sùng sục chất nước chua và chát, như thể hộp sọ là bình nước trên bếp lửa. Không có ai làm chứng cho oan khốc của anh để có thể giải oan. Hãng gầm lên dữ dội cũng vô ích, vì diễn viên kịch còn gầm xuất sắc hơn thế trên sân khấu. Chả thế mà có sự tích Quan Âm Thị Kính! Cái trò Thị Mầu này cũ rích nhưng nỗi nhục vẫn thế. Gieo được sự nghi ngờ thôi, trước một nhân cách, là đã có hiệu quả rồi! Trò đơm bẫy để vu khống ''quấy rối tình dục'' lan ra cả cơ quan, có lắm người tin, lắm người không tin. Dấu hỏi như lưỡi câu cắm vào tim Hãng mấy chục chiếc. Cử chỉ cố ý hay vô tình của ai đó cũng như thể động vào cần câu cắm và dây cước, khiến con cá mắc hàng chục lưỡi câu ngạnh là trái tim Hãng nhức nhối, tức tối đến điên cuồng. Khác với dây cước vừa đủ sải tay ở các bờ ruộng, dây cước ở cơ quan kéo căng từ phòng này, phòng khác, tầng trên, tầng dưới đến bàn làm việc của Hãng, đến tận trái tim oan khốc bẫm máu, sưng vù của anh.

            Cái trò Thị Mầu vì tiền, vì thủ đoạn bịt mồm, khóa miệng này, chứ không phải vì yêu đương, vì dâm dục, khát tình, buộc cưới, giao con, vẫn đẩy được Hãng ra khỏi cơ quan, công ti xây lắp của giám đốc đồng hương Vũ Hồng Ngà. Hãng nhớ sáng qua, ông Ngà nói:

            - Chưa hết hợp đồng lao động mà Hãng! Cậu sao yếu vậy! Đã lỡ cầm lòng không đậu thì viết kiểm điểm, xin lỗi Hoài Nhớ, là xong thôi. Hoài Nhớ có khiếu tố gì đâu - ông Ngà với giọng đầy thông cảm, nhưng phác một cử chỉ, chụp tay vào thóp trán, cố cho Hãng hiểu là ông đã nắm được Hãng - Nếu cậu muốn nghỉ, cứ xuống phòng tài vụ lĩnh trước ba tháng lương. Không nói gì chuyện cậu bỏ ngang, lẽ ra phải bị phạt theo luật hợp đồng, tớ cứ xem như phải bồi thường cho cậu vì phải thôi việc ngoài ý muốn. Nhưng nghĩ việc hẳn ở đây đi, thì tốt hơn, Hãng ạ.

            Đểu cáng đến thế là cùng! Hãng vẫn phải đắn đo, đắn đo mãi đến lúc này. Đã hai ngày, cứ ngồi ôm đầu thế này sao? Tre Trúc lại đến kề ngày sinh nở. Lại nhờ ba má ư? Rồi phải thất nghiệp, phải hốc hác, chạy bay tóc trán để xin việc sao? Người ta đuổi, trước khi đuổi phải bịt miệng ''nhẹ nhàng'' có tính toán mức độ một cách quỷ quyệt. Kiện tụng ư? Trò vớ vẩn đó có ai làm to chuyện đâu, chỉ Hãng tự xé ra to thôi. Cái dửng dưng, xem nhẹ ấy càng tăng độ đau cho Hãng và vô nghĩa trước cơ quan pháp luật. Nào ai giữ tang chứng, vật chứng gì đâu, chỉ khẽ đụng như vô tình vào các cần câu, các dây cước vô hình ấy thôi! Hãng bị đặt vào tình huống càng làm lớn chuyện chỉ càng chuốc lấy sự đồn đãi. Hãng im, người ta cũng im. Hãng làm lớn chuyện, người ta cũng im, nhưng mừng thầm lớn hơn. Phải nhẫn nhục, vâng lời, chịu lụy. Hoặc bỏ việc. Và người ta muốn Hãng bỏ việc. Ở lại? hay bỏ việc đây? Hãng thương Tre Trúc quá, cũng sợ cô ấy biết chuyện khó bề thanh minh này.

            Đầu Hãng người ta đã khoan thủng, rót vào nước giấm chua và nước sung chát, cả nước ớt cay, nước mật lợn đắng, đang sôi sùng sục. Cơ chừng khủng khiếp như vậy. Tất nhiên, nếu quả thực như vậy, Hãng đã chết từ hôm kia mất rồi. Chết đâu có đau và nhục. Sống, đành cắn răng chịu đựng. Thù ư? Làm gì được nhau! Hành hung Hoài Nhớ cho bõ tức ư? Thêm nhục, lại thêm nặng tội, dù không phải tội trước đó, chỉ là ''tội'' đã trót sa bẫy.

            Hãng đành phải cao thượng chào ông giám đốc Ngà, chào cô gái có máu đặc nọc rắn, Hoài Nhớ, cô gái hám tiền, hại người có kĩ thuật, có tay nghề, Hoài Nhớ, để vĩnh việt công ti xây lắp này? Đành phải nhẫn nhục sao? Triết học nhà Phật sao đau đớn, chua chát, cay đắng và cầu an đến vậy! Cầu an như thế là khôn ngoan, sáng suốt, tỉnh táo, từ bi sao?! Nhưng quá dễ minh oan, chiêu tuyết như Thị Kính (Thị Kính và cả Thị Mầu đều là đàn bà!), người thôn nữ vốn bị miệt thị cả dòng họ là ''liu điu chỉ nở ra dòng liu điu'' ấy, cũng phải cắn răng ngậm miệng, vì sẽ phải đến cửa quan, chắc chắn phải bị điều tra lí lịch bản thân, gốc tích, lòi ra án oan do chính chồng và bố mẹ chồng đặt lên số phận Thị Kính: án giết chồng! (Chính người chồng yêu dấu lại đa nghi, kết án! Cả nhà chồng không thể không tin, và nhân cớ đó, tha hồ bươi móc, xỉ vả!). Hãng nghĩ đến chuyện khởi tố ông Ngà, Hoài Nhớ, nhưng ở cơ quan thanh tra đã có con gái ông, Vũ Thương Hoài, và có cả chàng rể đính hôn, Đào Hải. Khởi tố lên cơ quan thanh tra cao hơn chăng? Rồi sẽ bể ra khối chuyện, nào là xây dựng nhà cửa trên dối trá, trang trí mĩ thuật lõa thể cho nhà ở , nào là bán quyền dự thầu, khác chi rước người nước ngoài vào lộng hành, độc quyền trên đất nước, hay gọi cách khác như nhà thơ bộ đội nào đó mới đây đã báo động là ''bán nước từng phần''. Như thế, dính vào cả cơ quan, dính cả Hãng và cả Thắp. Liệu cái bằng kiến trúc sư của Hãng có còn hay sẽ bị thu hồi? Liệu ông Ngà có chơi trò thâm độc của bọn ma giáo trong truyện chưởng của Tàu, trò ma-phi-a (mafia) của Tây, sẽ diệt khẩu Hãng bằng một vụ ngộ sát như thuê bọn giết mướn đụng xe? Liệu có lộ ra chuyện ông nội có tham gia kháng chiến nhưng đã li khai dưới sức ép của bọn tố cộng thời Diệm, giữa đám đông, bằng cách bước qua cờ đỏ sao vàng và chân dung Bác Hồ? Liệu có lộ ra ba Hãng, ông Phùng Thứ, đã có thời bị bắt lính, mang quân hàm thiếu úy ngụy, dẫu sau đó đã đào ngũ, chạy giấy tờ ma để được hoãn dịch, viết báo đối lập chống Mỹ, Thiệu? Ồ, bứt dây động rừng, được vạ má sưng. Đành nhẫn nhục. Vả lại, ông Ngà đã tính liệu rồi mới hạ độc thủ thằng oắt tì là mình! Hãng uất nghẹn, chua xót, cay đắng nghĩ ngợi. Đang chìm vào nỗi hận, Hãng bỗng giật mình, tự bảo, chẳng lẽ ông Ngà lợi dụng mình để minh họa cho sự tích Quan Âm Thị Kính?! Hãng suýt bật cười đau đớn. ''Để làm gì nhỉ!''.

            Hộp sọ Hãng ngỡ như sôi sùng sục. Đôi môi Hãng bị các gióng sắt chữ U của các ổ khóa số, chả ai thèm nhớ số mã để mở, xâu qua, kéo trễ xuống, ròng ròng máu me. Cặp lông mày chữ nhất dựng ngược trên hai con mắt muốn lồi tròng vì hận.

            Hãng đành ngồi ôm đầu, chống hai khuỷu tay lên bàn, bất động. Dẫu sao, anh trót rơi vào hang ổ kinh sợ nhất, và hy vọng là duy nhất, trên đất nước. Nếu có mười Vũ Hồng Ngà thôi, cả thành phố này không ai còn sống nổi! Vậy thì, im lặng là tốt nhất sau khi xin thôi việc!

            Hãng đứng dậy, bước ra hành lang. Cơn mưa chiều tháng sáu đang rơi xối xả. Anh nhớ đến Tre Trúc, và nghĩ đến đứa con đầu lòng sẽ ra đời trong mươi ngày nữa. Hãng bước xuống cầu thang, đến phòng tài vụ, nhẫn nhục kí nhận ba tháng lương thôi việc. Những lưỡi câu ngạnh vẫn mắc sâu, đau đớn, trong trái tim bẫm máu, sưng vù. Nhức nhối.

            Khi dắt xe ra cổng, Hãng liên tưởng đến một vụ đụng xe vờ ngộ sát. Anh thầm nghĩ, có lẽ anh phải viết một tờ giả tự thú, cứ nhận bừa hết mọi tội của công ti mà anh trót biết, như thể là đồng lõa chủ mưu với ông Ngà, để khỏi bị bịt mồm bằng cái chết oan  khốc? Không. Như thế là tự sát. Cáo già Vũ Hồng Ngà đã tính toán cả rồi. Đằng nào anh cũng dính díu đến tội ác của ông ấy, viết tờ giả tự thú cũng bằng thừa.

''Để làm gì nhỉ!'' - Hãng thầm nhủ, mỉm  cười buồn rầu, lo âu.

            Thắp đang trùm kín áo mưa cánh dơi, ướt đẫm, bỗng phanh xe trước mặt Hãng khi Hãng mới gài số xe của mình:

 

                        ... năm xưa khi ở giữa đồng

                        thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng?

 

            Giai thoại ghẹo gái sàm sỡ và cái mo cau che ''mồm thế gian'' (như cái ''cửa hậu'' con bò!) về Nguyễn Công Trứ bắn ra từ miệng Thắp như một phát pháo sáng, vẫn không giúp cả bầu trời đen kịt sáng lên và giúp Hãng cười được. Hãng hiểu chuyện nào ra chuyện đó thôi. Chực vin vào người khác để thanh minh, chỉ thêm rối việc và thêm ô danh mình! Ồ, Hãng chợt ngộ ra một điều đã thấu hiểu từ lâu. Người ta vin níu vào ý nghĩa khái quát của hình tượng trong sự tích, giai thoại ư? Nếu thế, Quan ÂmThị Kính, Đức Mẹ Ma-ri-a (Maria) (12) đã đầy đủ thang thuốc cho bao nỗi oan, bao lầm lỡ của loài người rồi, còn bày vẽ ra lắm chuyện ''để làm gì nhỉ!''! Bi đát và buồn thay cho thân phận con người và bụng dạ con người!

            Hãng đi xe chậm sát lề đường trong chiều mưa tầm tã, hiểu mình suy diễn thêm một cách vớ vẩn như người hoang tưởng. Không. Chuyện nào ra chuyện ấy thôi - anh tự nhủ.

 

 

22

 

 

 

            Một tuần lễ ở nhà, không bước chân ra khỏi cổng, Hãng sốt ruột, hồi hộp chờ cơn chuyển bụng của vợ, sự ra đời của đứa con trai đầu lòng. Tre Trúc và ba má, ông bà nội Hãng cùng cả nhà Sen Trắng đều biết từ một hai tháng trước, Tre Trúc sẽ sinh con trai, vì Hãng đã chở vợ đi bệnh viện siêu âm một vài lần. Hãng cảm thấy niềm vui ấy đã bị nỗi buồn hận, không yên lòng do từ phía ông Vũ Hồng Ngà dập tắt. Hãng cố bình tĩnh, không muốn Tre Trúc buồn. Tre Trúc cũng cố vui, không dám rầu rĩ, vì sợ ảnh hưởng đến con trai trong lòng sắp ra đời. Hãng bắt chước ông Hương Chữ tập dưỡng sinh, cũng đôi khi uống thuốc an thần, nhưng chỉ một vài viên suốt cả tuần lễ, vì sợ phải nghiện. Còn việc đi chợ, may thay lâu nay vẫn nhờ Song Mây... Hãng cố tự trấn tĩnh, nhưng lại thấy thêm chút hèn, vô trách nhiệm của mình. Phải đấu tranh chống tội ác, chống sự toa rập với tư sản nước ngoài. Cái chính là phải báo động sự mất chủ quyền, lệ thuộc kinh tế. Viễn cảnh giới chủ nước ngoài sẽ làm chủ kinh tế đất nước khiến Hãng quên hận, quên vui, anh nóng bừng phẫn nộ. Bình tĩnh ngẫm nghĩ, Hãng thấy không có chọn lựa nào khác, phải xác định mục tiêu đấu tranh, đối tượng chính là tư sản xuyên quốc gia! Nhưng đấu tranh cách nào? Phải chăng đó là nếp mòn của tư duy cũ, chưa đổi mới? Đổi mới là phải chấp nhận thỏa hiệp đến mức đánh mất cả quyền làm chủ đất nước, biết đất nước thành thị trường tiêu thụ, nơi bị khai thác, hút kiệt tài nguyên, đẩy nhân dân đến chỗ phải bán sức lao động với giá rẻ mạt? Tư duy cũ đúng hay tư duy đổi mới đúng? Hãng tự hỏi và cảm thấy Vũ Hồng Ngà, những Vũ Hồng Ngà, vừa đáng căm ghét vừa đáng thương hại. Có lẽ nào Vũ Hồng Ngà không hiểu những vấn đề trong Đổi mới?

            Lúc chở vợ đến bệnh viện, ngồi chờ phút con trai đầu lòng ra đời, Hãng đọc báo. Và chợt nảy ý định viết tạp bút để báo động vấn đề nhức nhối ở công ti ông Ngà. Đúng rồi, phải tách ra từng khía cạnh, mỗi khía cạnh viết một bài, chỉ phiếm chỉ. Ồ, đấy là lối thoát. Không đụng đến ông Ngà và công ti, không dẫn chứng cụ thể, vâng, chỉ phiếm chỉ, và kí bằng một bút hiệu nào đó. Không thể không viết. Không viết là đồng lõa. Nhưng viết thế nào đây? Chính trị một cách sống sít ư? Hãng vẫn dè dặt tự hỏi, liệu anh có cường điệu quá không?

            Lúc má Hãng reo lên, biết Tre Trúc đã sinh nở mẹ tròn con vuông, Hãng cũng reo lớn đến mức anh không ngờ. Hai niềm vui cùng một lúc ùa vào tâm hồn Hãng. Trái tim Hãng bỗng lại lành lặn, đỏ thắm, nguyên vẹn. Ngọn lửa của hai niềm vui nung đến tiêu sạch các lưỡi câu ngạnh độc ác trong đó. Phải rồi, phải viết bài báo!

            Hãng bước vào phòng trẻ sơ sinh. Đứa con trai bụ bẫm, rất giống Hãng, đỏ hỏn trong nôi. Trên giường, Tre Trúc thiêm thiếp sau cơn đau xé ruột, bỗng mở mắt, nhìn Hãng trìu mến. Anh siết nhẹ tay vợ, muốn truyền cả sức mạnh của mình vào thân thể mệt lả dưới tấm ra trắng. Tre Trúc bỗng xúc động, ứa nước mắt. Hãng chẳng hiểu sao anh không khóc được, chỉ mở miệng cười ngờ nghệch, nói với Tre Trúc một câu mừng rỡ về con trai. Cô lại mỉm cười với nụ cười thoảng sáng, hơi yếu ớt. Hãng cũng thoát khỏi nỗi hèn, nỗi sợ và thế kẹt. Anh như một đứa trẻ, do sự nung nấu, nghĩ ngợi, khổ tâm của chính anh sinh ra, mới cách đây mươi phút.

            Hãng ngập ngừng, rồi cố gắng tếu một chút:

            - Tre Trúc này, vậy là phần em xong rồi, còn lại là phần anh nhé.

            Tre Trúc chợt nhớ hôm nào hai vợ chồng đã đùa với nhau, cô suýt bật cười nhưng không cười nổi, chỉ lắc đầu, hơi nhếch môi, thoáng chút nũng nịu. Hãng thấy thương vợ lạ lùng. Hãng nhìn con trai đang ngủ say trong nôi, chợt nhận ra mình hoàn toàn khác trước.

            Khi người hộ lí, điều dưỡng viên mời Hãng, bà Hồng Tĩnh, bà Lụa Hà ra khỏi phòng, Hãng chỉ nói thêm:

            - Tre Trúc yên tâm nghe.

            Đứng ở hành lang bệnh viện, anh nhìn xuống những thảm cỏ xanh mượt, các lối đi lát đá. Hoa huỳnh anh nở vàng, và tím sáng trong nắng chiều của mùa hạ mưa phương nam là hoa hoàng hậu, còn có tên móng bò dân dã. Hãng nghe bao căng thẳng trong mình, đau cực độ, vui cực điểm, chợt chùng xuống, rã rời. Đầu óc anh bỗng trống rỗng và dịu lại.

            Suốt một tuần sau đó, má Hãng cùng Lúa Ngọc, Song Mây và cả bà ngoại của con trai Hãng từ Buôn Ma Thuột về đảm đương hết mọi chăm sóc, bới xách. Hai bầu vú xinh đẹp của Tre Trúc đã căng tròn những sữa. Đôi lần, nhìn đôi môi đỏ rất háu bú của con trai, vừa nhắm mắt ngủ hoặc vừa mở sáng, tròn xoe, đen láy vừa bú, rất thiêng liêng, Hãng cảm nhận được niềm mầu nhiệm của cõi người.

            Hóa ra, Hãng bảo ''còn lại là phần anh'', cũng chỉ là đùa. Anh không thể tranh được quyền làm mẹ của Tre Trúc!

            Giờ đây, Hãng mỉm cười khi nhìn dây phơi bên hông nhà mình trắng những tã lót. Những chiếc tã hình tam giác, chị Y Sông may tặng, bay bay nhè nhẹ như đàn cò trắng trong nắng buổi sáng. Tất cả những gì của con trai bé bỏng đều quý báu và tinh khiết với Hãng. Hãng buồn cười nhận ra, anh yêu cả phân loãng vàng tươi lợn cợn xác sữa mẹ của con mình! Hãng nhớ, đêm nào nằm bên nhau, anh đùa với Tre Trúc:

            - Thấy Tre Trúc mang bầu, nặng nhọc, anh muốn mang giùm em quá à.

            - Thôi, đừng đểu miệng nghe. Sinh xong, em giao con cho anh chăm sóc đấy, từ tã lót đến việc tắm rửa cho con. Chỉ tiếc cặp vú trên ngực đàn ông là quá thừa và vô duyên - Tre Trúc cười khúc khích.

            Hãng bật cười:

            - Ừ nhỉ ! Chắc chỉ có ý nghĩa trang trí thôi.

            - Đúng rồi! "Trang trí ngoại thất" cho vòm ngực - Tre Trúc cũng bật cười - Mọi cái còn lại đều có chức năng, tác dụng thiết thực. Em nghĩ, cặp vú đàn ông đã bị thoái hóa. Giống đực các loài động vật đều vậy. Ở loài người, còn vì chất gia trưởng của các "đấng" đực rựa!

            - Chẳng lẽ mấy vạn năm về trước, đàn ông cho con bú sao?

            - Em đùa đấy. Nhưng biết đâu là đúng vậy. Đàn ông phải chia sẻ chức năng sinh dưỡng với vợ chứ. Thế mới xứng là cha đẻ - Tre Trúc cười - ''Người nữ là người nữ vì bị xã hội quy định'', một nhà văn nữ bảo thế, nhưng em nghĩ, sự hình thành nữ tính trước hết là do chức năng sinh nở. Sinh nở khiến người nữ nhỏ con hơn người nam, bị cấm đoán, áp bức đủ điều. Thử tưởng tượng, nếu phụ nữ không phải sinh nở, chắc họ cũng to con, vì không mất sức từ đời này qua đời khác, và chắc họ cũng lao động nặng nhọc như đàn ông, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không sinh nở, cũng làm lụng việc nặng, không phải ''chồng cày, vợ cấy'' mà cả hai đều cày đều cấy như nhau, người nữ sẽ hoàn toàn giống đàn ông, trừ cái nõn, cái nường (13) bên dưới. Họ tự do như đàn ông trên mọi lĩnh vực, nếu giả định ấy đã là sự thật từ xa xửa xa xưa.

            - Cả về lĩnh vực tình dục? - Hãng giật mình, hơi nóng đầu.

            Tre Trúc đỏ mặt, bối rối, rồi cười:

            - Đúng. Nhưng đây là nói chuyện khoa học mà anh.

            - Cũng có  thể với giả thuyết ấy chứ nhỉ! Đúng là do chức năng sinh nở quy định nữ tính, về tinh thần và cả thể xác, cả tập tục, đạo đức xã hội. Cơ sở ấy là cơ bản nhất. Nhưng chẳng lẽ phụ nữ cũng có râu à? - Hãng cười to.

            - Nếu hóc-môn (hormone) sinh dục cân bằng hai loại, thì sẽ có râu. Và quan niệm thẩm mỹ cũng đã khác. Với giả định đó, người nữ nào không có râu là thuộc loại bị thiếu sót, loại có khuyết tật nhỏ, sẽ bị xem là xấu tướng.

            - Đúng. Sao mèo cái xinh đẹp vẫn có râu đấy!

            Cả hai đều cười ngất. Đang mang bầu, tiếng cười tràn ra từ sự đùa tếu làm Tre Trúc hơi mệt. Lát sau, Tre Trúc nói:

            - Mọi cái đều do thân xác vật chất quy định, kể cả quan hệ vợ chồng, gia đình. Và đến lượt ngược lại, do sự phân công lao động, nên sinh ra óc gia trưởng phụ hệ, có thể cả sự thoái hóa vú ở đàn ông, thoái hóa vóc dáng, trọng lượng ở đàn bà, kể cả râu.

            - Đó là tào lao cho vui. Nhưng điều này lại chắc chắn: sau khi em sinh xong, anh sẽ chăm sóc con, ngoài khoản cho con bú. Em sinh, anh dưỡng. Đến năm con ba tuổi, lại chia đều việc chăm sóc con. Này nhé, em mang bầu chín tháng, nhưng trải qua hai năm. Còn anh, tắm rửa, ru con, dỗ con, thuốc thang... đến ba năm. Vậy là huề, là bình đẳng. Được chưa? Sữa mẹ vẫn tốt nhất, Tre Trúc à. Nếu không, sinh xong, em giao con cho anh lo toàn bộ, còn em hoàn toàn được giải phóng... Rồi sẽ có sữa nhân tạo tốt hơn sữa mẹ! Bây giờ đã có chú cừu Đôn-li (Dolly). Sẽ sao bản, tăng bản người, trong tương lai ! Phụ nữ mất sạch mọi đường cong nữ tính tuyệt vời, sẽ thô tháp! Và bấy giờ thô tháp sẽ là nét đẹp, nét duyên của người nữ! - Hãng bật cười, vờ dọa vợ - Phụ nữ sẽ được khoa học và công nghệ giải phóng đến mức đó đấy! Phụ nữ, một nửa lực lượng lao động của xã hội chứ đùa đâu!

            Tre Trúc cười, nghĩ đến đề tài nghiên cứu mới của mình:

            - Nhưng đừng bó chân em như người Tàu thời xưa, cũng đừng giải phóng em khỏi luân lí, phẩm hạnh phụ nữ, cho dù có người đang kêu đòi "giải phóng" cả trinh tiết, tình dục - Tre Trúc nói - Trong các nhu cầu cơ bản của con người như ăn, uống, bài tiết, thở, mặc, ngủ, ở, được chăm sóc lúc sơ sinh và lúc bệnh, lúc già lão, ... cả nhu cầu tình dục, thì tình dục được đáp ứng đến thừa thãi trong quan hệ vợ chồng, nếu kiêng luôn vẫn khỏe mạnh, cho dù ăn mặn. Anh có bảo em đạo đức giả không?

            - Anh vẫn thích là người đàn ông quý trọng phụ nữ vì giá trị trinh tiết. Người ta phạm tội tình dục vì thích "của lạ" thôi, và vì chú ý đến nó quá đáng, vì xã hội đang bị dịch kích dục. Anh yêu em thêm một nửa là vì trinh tiết. Trinh tiết có cái lí nhân bản rất người của nó. Người khác thú vật là ở trinh tiết. Đó là nhân phẩm. Vả lại, không ai thích đồ cũ, người khác xài rồi, hoặc đồ xài chung ở lĩnh vực này. Vợ chồng là hai nửa của một chỉnh thể. Hai của một, trọn vẹn... Đứa con là máu huyết chung, một của hai. Vợ chồng mình chỉ có một tên, là tên con đầu lòng.

            - Nó đang đạp chân trong bụng em nè anh.

            Hãng đặt tay lên bụng vợ, mỉm cười sung sướng.

            Hãng đang mỉm cười nhớ lại những buổi tối hạnh phúc. Anh vừa giặt tã lót cho con xong. Nếu anh không bị đuổi việc vào thời gian này, có lẽ bà ngoại của Cây Bàng - tên tạm gọi của con trai anh - chắc còn ở lại đây, hoặc Song Mây sẽ bận bịu hơn. Đứng nhìn đàn cò  trắng bằng vải đang bay bay, đang khẽ vỗ đôi cánh, Hãng nghĩ ngợi bâng quơ, anh lại vào nhà. Tre Trúc đã cùng Cây Bàng rời khỏi bệnh viện được vài hôm. Hai mẹ con đang ở trong phòng với tiếng nhạc rất ngọt dân ca của anh Cơ Dân, với nắng trời lan vào từ cửa sổ. Hơn ai hết, là người làm nghề kiến trúc, Hãng hiểu rõ, nhu cầu ánh sáng mặt trời cũng là nhu cầu cơ bản của sự sống. Mọi nhu cầu đều dễ thoả mãn vì nguồn cung thừa thãi. Bức thiết vì còn khó khăn vẫn là ăn, mặc, ở. Đang thất nghiệp, còn phải lo cái ăn, cái mặc đây - Hãng mỉm cười một mình. Trừ đi cái hận vì ông Vũ Hồng Ngà, Hãng mừng thầm thấy mình vẫn tốt số.

            Hãng cứ lan man với các ý tưởng bất chợt, dắt díu nhau trong đầu cho đến khi bước hẳn vào nhà.

            Hãng ngồi vào ghế xa lông, nghe nhạc, lại nghĩ về việc làm. Sau một tuần phân tích lại vụ việc ở công ti cũ, Hãng giật mình thấy nguyên nhân sâu xa có lẽ là do thằng Tây, tự xưng là Úc, cố ý nói tiếng Anh rất bồi ấy, trong việc anh bị đuổi khỏi công ti chăng? Hôm đầu gặp, anh có nói vài câu khá gay gắt không, Hãng cũng quên mất, và có thể có. Hay ông Ngà đã bán mình cho quỷ dữ từ lâu? Quỷ đô la rất mạnh. Thằng Tây ấy là Pháp hay Yằ? Làm sao biết, vì mới đôi lần gặp. Còn cô gái tự xưng là Việt kiều ấy, biết đâu là Nhật hay Đài Loan, rất sõi tiếng Việt, sõi hơn cả người Việt ít học! Đúng là ông giám đốc Vũ Hồng Ngà đã trở thành tay sai cho đô la, một thứ ngụy đời mới mặc dù có "mác" đỏ. Thằng Tây nọ, cô gái Á Đông nọ chỉ là điển hình trực tiếp nhưng mơ hồ của một thế lực xuyên quốc gia? Đến các lãnh tụ chóp bu ở Đông Âu cũng bị tham, sân, si và vô minh làm biến chất nữa là! Hãng sực nhớ đến đồng lương cán bộ, ba cọc ba đồng. Với nguồn thu nhập nào, ông Ngà lại có cơ ngơi như ông hoàng như thế? Hãng thấy ''cái bụng'' (lòng tư hữu vô độ và tham vọng quyền lực) ở ngay trong mỗi người là cơ sở của mọi cơ sở. "Cái đuôi kinh tế" chưa hề rụng bao giờ.

            Hãng nhớ năm anh học lớp mười hai, tám bảy - tám tám, đó là thời điểm xã hội xáo trộn tư tưởng dữ dội. Hai năm tiếp theo, khi vào quân đội, đóng quân ở Trường Sa xa xăm, Hãng nghe sóng biển của Tổ quốc gầm thét theo những cơn địa chấn do sự sụp đổ của các Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Cầm khẩu súng có hơi muối mặn của sóng gió biển khơi, anh hiểu kẻ thù của loài người là tham, sân, si và vô minh. Đó là tư hữu tư bản, là thù hận, căm giận, ganh ghét và mê đắm khoái lạc, hưởng thụ. Đó là sự đồng lõa hay chủ tâm xem bóc lột là lẽ sống, xem quy luật "người ăn thịt người" (mồ hôi, chất xám), "người là chó sói của người" (theo quy luật "văn minh" tàn bạo) là lí tưởng. Kẻ thù, là thế lực tư sản bên ngoài. Kẻ thù cũng là  lòng tư hữu chỉ chực có thời cơ là thành óc tư sản trong bản thân mỗi người, kể cả bên trong ông Ngà, bên trong Hãng? Đúng ư, thằng giặc ở bên trong mỗi người: "giặc tư bản chủ nghĩa"? Có phải trong tim đen mỗi con người đều có ít ra là một "con đĩa hai vòi''? Con người - với bản chất tham, sân, si và vô minh - còn do cơ chế xã hội nữa. Thằng Tây, cô gái tự xưng Việt kiều kia, có lựa chọn cơ chế xã hội để sống được đâu. Chỉ là hai con ốc của một guồng máy! Chỉ là hai kẻ làm thuê! Ông Ngà cũng bán mình cho lòng tư hữu tư bản, óc địa vị, có thể còn nuôi tham vọng với ý định ''trở gió'', cơ hội để vọt lên địa vị xã hội cao hơn, như các cán bộ ở Đông Âu, ở cả Liên Xô!  Nhưng dù với cơ chế nào, cũng có kẻ tốt người xấu. Không thể đánh đồng tất cả mọi người được. Đâu phải mọi cán bộ đều là Vũ Hồng Ngà! Vũ Thương Hoài có biết thực chất của bố mình không nhỉ?

            Đang miên man suy tưởng, Hãng nghe tiếng con khóc, tiếng vỗ về, ru à ơi của vợ trong phòng, anh đi nhanh vào.

            - Em nghỉ đi. Để anh ru con cho - Hãng âu yếm nói.

            Tre Trúc mỉm cười, gương mặt đã phần nào hồng hào trở lại. Hãng nhìn vợ, lại nhìn con, khẽ ru bằng một bài thơ của bạn anh Cơ Dân. Hãng liên tưởng đến màu vàng gương Sen Đỏ và năm ngả đường trước sân biệt thự Sen Trắng, màu vàng vầng trăng đêm tỏa ngời thắm nắng! Chẳng hiểu sao trong Hãng, từ tấm bé đã nói giọng Nam Bộ của quê hương Hóc Môn, Bà Điểm, lại vẫn còn điệu hò ru con Quảng Trị của ba, với giọng Hà Tĩnh của mẹ. Điệu hò, giọng ru ngọt ngào, vàng óng bao ngọn nắng mật ong bỗng ngời trắng những chéo vải từ câu đố dân gian:

 

                        ... rồi mơ ngọn nắng thật vàng

                        ba phơi tã lót thành đàn cò bay

                        cò từ đồng rộng về đây

                        nắng vàng nhuộm sáng cho ngày sáng tươi...

 

            Với liên tưởng riêng, anh hiểu đêm của điệu ru cũng vàng cả nắng của những ngôi sao khuya! Sao, trăng, cả quả đất và tất thảy không ngời sáng ánh nắng của mặt trời là gì! Ngày lẫn đêm của người mẹ ru con vàng ngập nắng! Nắng từ nguồn sáng đỏ! Mặt trời đỏ, vầng mặt trời rực rỡ trên trống đồng Đông Sơn, nguồn sáng duy nhất của vũ trụ! Hãng mỉm cười, vừa ru vừa thấy mình suy tưởng thật ngộ về ngọn nguồn của nắng mật ong, vàng óng trong thơ và ngoài sân phơi tã lót bên hông nhà, cuối chái bếp. Thật ra, anh biết, trong bài thơ, đó chỉ là màu nắng của niềm vui, và màu mưa cũng của niềm vui. Hãng chỉ giỏi lan man, suy diễn vớ vẩn, không khéo lại ''chụp mũ'' bạn anh Cơ Dân. Anh lại ru:

 

                        ... con đáng yêu biết bao

                        với điệu ru muôn thuở

                        cho chiếc nôi bé nhỏ

                        như trôi trên vô cùng

                       

                        có chi là lạ lùng

                        con chưa tròn giọng nói

                        sao tiếng ru nguồn cội

                        cứ hồn nhiên à ơi...

 

            Hãng đã ru cả bằng thơ năm chữ với điệu ru lục bát! Anh ru tiếp bài thơ năm chữ ấy:

 

                        ... mấy phần tâm hồn người

                        đã tượng từ lòng mẹ

                        mấy phần xa hơn thế

                        tự nghìn xưa, bao đời

                       

                        cứ ru đi, à ơi

                        đến búp bê bằng nhựa

                        cũng có tim rực lửa

                        tỏa chất thơ tình người...

 

            Hãng ru, ngỡ Cây Bàng đã lớn, đang chơi trò ru em với búp bê bằng nhựa. Anh ru lại tuổi thơ mình. Tre Trúc nằm mỉm cười sau lưng anh. Cô đã tắt máy băng nhạc từ hồi nãy. Tre Trúc biết con trai đã ngủ trong tiếng ru của chồng. Cô cảm thấy yêu chồng đến lạ lùng. Hạnh phúc giản dị, mà sâu thẳm vô ngần!

            Sau những bài thơ ru ngọt ngào, Hãng lại giật mình suy nghĩ về gương sen màu vàng giữa những cánh Sen Đỏ. Ồ, phải cách điệu gương sen như một bán cầu thành một quả đất tròn màu đỏ. Quả đất tròn, đúng như trong tiểu thuyết của bạn anh Cơ Dân. Ồ, còn bản đồ Tổ quốc hình chữ S nữa chứ! Hãng bỗng thấy ngại với những ngộ nhận vô lối, mặc dù vầng trăng vàng giữa mười cánh Sen Đỏ chỉ là một hình tượng thơ ca. Hãng đang ở trong tâm trạng lo sợ nơm nớp đủ điều!

 

                        một đàn cò trắng phau phau

                        ra sông tắm mát, rủ nhau lên sào. Là...?

 

            - Đàn cò ấy không phải là hình tượng những phụ nữ nông thôn chứ em! - Hãng đọc rồi nói với vợ.

            - Cò gắn với ruộng. Ví với gì thì tùy, anh à - cô mỉm cười.

 

 

 

23

 

 

 

            Gần đến ngày đầy tháng Cây Bàng, Vũ Thương Hoài - Đào Hải vẫn chưa tới thăm mẹ con Tre Trúc và Hãng. Họ chỉ điện thoại đến chúc mừng, nhờ Lúa Ngọc mua ở chợ giúp hai chiếc giò heo mang tới làm quà, theo quan niệm dân gian, để Tre Trúc thêm nhiều sữa. Thương Hoài bảo qua dây nói, cô đang phải công tác ở tỉnh Cà Mau. Mặc dù giữa Hãng với hai người bạn đã đính hôn này đâu có những sứt mẻ tình cảm nào, cả ba vẫn thấy ngường ngượng. Hãng sợ ông Ngà sẽ bôi nhọ Hãng trước mặt bà Hồng Ngọc và con gái để phân trần cho ông. Nếu như thế, Hãng ê mặt quá. Hãng hoàn toàn giấu bặt, cố nói khác đi, cả với Tre Trúc, lí do anh nghỉ việc. Vũ Thương Hoài thật ra chẳng đi công tác tận Cà Mau, vẫn ở tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng ngại gặp Hãng và thân thuộc của anh, nên nói dối như thế. Cô cho đó là sự nói dối vì tế nhị. Thật lòng, Hãng cũng không muốn vì ông Ngà, quan hệ bạn bè giữa họ lâu nay rất dễ thương, chân tình, phải bị đen tối theo. Theo lí trí, nếu vì thế sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ vốn đẹp, thì phi lí quá. Nhưng con người luôn bị bủa vây bằng các mối tình cảm chằng chịt, trong đó nặng nhất vẫn là quan hệ cha con ruột thịt. Chẳng lẽ anh phải tố cáo ông Ngà trước mặt con gái của ông để phân trần, thanh minh cho mình? Hãng đã từng lo lắng, anh sẽ bị cả Thương Hoài - Đào Hải toa rập với cha để bịt miệng anh. Thế triệt buộc! Ai yếu thế hơn, kẻ đó phải làm nạn nhân! Có điều, ấn tượng về Thương Hoài, cô gái một thời anh có yêu thầm, trong Hãng xưa nay vẫn là một cô gái tốt bụng, hồn nhiên, vô tư. Và điều Hãng băn khoăn mãi, lẽ nào Thương Hoài không biết thực chất bố mình! Cô không thể không biết nhờ đâu ông Ngà giàu có đến vậy. Nếu biết bố mình tham ô, móc ngoặc, ''bán quyền'' cho tư sản nước ngoài, cùng những thói xấu, sự thâm độc khác, sao cô lại xin bố cho Hãng vào làm ở công ti do ông làm giám đốc?

            Hãng băn khoăn nhưng rồi anh cố lãng quên, chú tâm vào việc vợ sinh nở, con đầu lòng chào đời, đăng ở mục rao vặt trên báo để xin việc, rồi hí hoáy viết dăm bài báo như dự định để chứng tỏ mình không cầu an, nhẫn nhục kiểu tiêu cực. (Tinh thần Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thân Văn Nhiếp, Vũ Trọng Bình đâu? "Hạnh phúc là đấu tranh'' mà! Các Mác (Karl Marx) chả nói thế là gì! Hai nhà giáo vĩ đại, ông quan liêm khiết ngày xưa có phải chịu bi kịch do ý chí đấu tranh nội bộ nào đâu? Các Mác đấu tranh quyết liệt, ngay trong lòng xã hội tư bản, cũng không phải hi sinh chút nào cả). Trong trường hợp của Hãng, thật lòng anh cũng sợ bị làm nhục thêm, không khéo lại bị ''chụp mũ'', bị cả ''diệt khẩu''. Và Hãng đã bình tĩnh, quên được chuyện "sự cố" ấy một cách nhanh chóng. Thời của Hãng sống, có quá nhiều chuyện dơ dáy, tục tĩu trên báo chí, nên việc anh suýt hôn Hoài Nhớ, bị cô ấy làm nhục có tính toán, có kĩ thuật, nào đáng gì. Báo chí sau Đổi mới đã phần nào làm xã hội "chai" đi! Hãng cũng chua chát nhận ra, anh đành làm ngơ trước những sa đọa, nhũng nhiễu...

            Không ngờ sáng nay Vũ Thương Hoài lại điện thoại đến. Cô cũng chỉ hỏi thăm sức khỏe cháu bé và vợ chồng Hãng, hoàn toàn không tỏ ý tiếc là Hãng đã bỏ việc như hai lần trước. Ấn tượng về Vũ Thương Hoài tốt bụng, thật ra làm sao bỗng chốc lại bị xóa nhòa trong Hãng được. Anh chỉ hơi lo ngại, dè dặt khi chuyện trò với cô qua điện thoại.

            Một tiếng chuông chùa chợt vang lên trên sân thượng biệt thự. Hãng ra mở cổng. Anh vừa lo ngại vừa vui mừng khi thấy bên cạnh Lúa Ngọc là Vũ Thương Hoài - Đào Hải. Sau một thoáng bối rối, họ xem như chưa có sự cố gì xảy ra.

            Vào thăm Tre Trúc và cháu Cây Bàng, Thương Hoài không kiêng cữ như thói tục xưa, khen rối rít.

            Lúc ra lại phòng khách, ngồi ở ghế xa lông trước tủ thờ, bên trên có bàn thờ tổ tiên, Thương Hoài vẫn hồn nhiên, chỉ có Đào Hải không được tự nhiên lắm.

            - Anh Hãng hạnh phúc quá! Cây Bàng quá kháu, giống anh như đúc! - Thương Hoài nói với ánh vui ở mắt.

            Hãng mỉm cười ngường ngượng:

            - Cảm ơn hai bạn. Mong hai bạn sẽ hạnh phúc hơn.

            Lát sau, sau những câu thường lệ, Thương Hoài nói:

            - Anh không thích làm ở chỗ bố em, em sẽ xin cho anh chỗ khác - cô không thay từ "cho" bằng từ ''giúp'', một cách vô tình tuy hồn hậu.

            - Thôi ! Cảm ơn nhé ! Anh sợ phiền Thương Hoài thêm.

            Hãng khiêm tốn, không muốn nói lên sự thật. Mọi người cứ ngỡ chính anh đã gây phiền ở công ti ông Ngà!

            - Em muốn trao đổi riêng với anh Hãng về công việc một chút. Chúng ta ra ghế đá ở sân Sen Đỏ đi.

            Không từ chối được, Hãng cùng cô xin lỗi rồi bước ra. Lúa Ngọc cũng qua biệt thự để gặp Trần Ngát Gió, sau khi Đào Hải hiểu ý bạn, rút mấy tờ báo dưới sàn bàn nước lên, cúi đầu đọc với dáng vẻ thư thả, tỏ ý muốn được một mình.

            Trên bàn đá mài, vài chiếc lá từ giàn dây leo rụng xuống còn ướt nước. Cơn mưa chiều qua đã trôi hết bụi bặm. Hãng ngồi đối diện với Thương Hoài. Anh thấy sau vẻ hồn nhiên, vui vẻ của cô, rõ ràng vẫn lộ nét dè dặt.

            - Em muốn hiểu rõ nguyên nhân anh bỏ việc.

            - Bố không nói với Thương Hoài sao? - Hãng cảm thấy bị chọc vào vết thương tuy đã được gây tê.

            - Có. Nhưng em không tin anh lại tệ vậy. Hoài Nhớ cũng đã có chồng con.

            - Thật là anh đã tệ, suýt hôn cô ta vì cô ta gợi tình, chìa môi cho anh - Hãng đỏ mặt, cúi đầu nói - Nhưng cả cơ quan không ai tin anh dám làm hành vi thô bạo ngay tại văn phòng giám đốc, lúc cơ quan đầy đủ nhân viên đang làm việc. Họ nghĩ cô ta dùng chữ "hiếp dâm" là quá lời - Hãng thấy kinh sợ quá việc Hoài Nhớ tự bứt cúc rồi hô hoán - Anh có lỗi, anh chịu. Em cũng đừng nên nói với ai nữa. Chừng đó, anh cũng đủ nhục rồi. Lỗi tại anh mọi sự. Thương Hoài à, lẽ ra, để tình bạn chúng ta trong sáng mãi, đẹp mãi, em đừng giới thiệu, xin cho anh vào làm ở cơ quan bố em. Chúng ta thiếu kinh nghiệm ở đời - Hãng không ngờ anh nói trôi chảy đến vậy.

            Thương Hoài im lặng suy nghĩ. Hãng chợt cảm thấy sự nhẫn nhục vừa rồi lại bùng lửa trong anh. Bất giác, anh buột miệng:

            - Em nghĩ sao về bố?

            - Câu hỏi nặng quá - Thương Hoài giật mình, nhìn xuống mặt bàn.

            - Thôi. Anh xin lỗi. Chỉ buột miệng thôi - bỗng Hãng không kìm được, như một phản ứng tự vệ cho nhân phẩm mình - Em biết bố không tốt chứ? Tại sao bố giàu thế?!

            Thương Hoài lại giật mình, ngơ ngác, rồi chợt hiểu:

            - Đời nó thế. Em cũng muốn anh khấm khá tiền bạc. Không chỉ sống bằng đồng lương được. Phải kiếm thêm - cô bỗng bực mình - Chuyện gì ra chuyện ấy. Chẳng lẽ anh moi các chuyện không dính líu gì đến vụ Hoàng Hoài Nhớ?

            Hãng nghe lạnh sống lưng, biết đã lỡ lời.

            - Tiền kiếm thêm và vụ Hoài Nhớ chỉ là một - Hãng vẫn không nén được - Hãy hiểu giùm anh như thế. Đừng bình luận nữa. Chúng ta vẫn là bạn bè. Để còn là bạn bè, hãy hiểu giùm anh như thế. Đừng nói nữa, thêm sứt mẻ.

            Hãng đi vội vào nhà. Thương Hoài ngồi lặng một lúc khá lâu dưới giàn hoa tím, lá xanh dày mượt. Thương Hoài hơi bất ngờ. Cô mơ hồ hiểu ra. Có điều, cô không thể hiểu được sự nhùng nhằng giữa lương tâm với bàn tay bẩn vì tiền. Có điều, cô cũng không ngờ việc nhận tiền mua chuộc của người nước ngoài đối với Hãng lại nghiêm trọng đến thế. Đó chỉ là việc làm ăn thôi, cơ hội, thực dân gì ở đó! Hãng làm ra vẻ giác ngộ cách mạng quá đáng! Hãng khẳng định lập trường giai cấp vô sản đến mức sống sượng và thiếu thức thời chăng? Ngôn ngữ và cách tư duy hơi quá ''tả''  chăng? Thương Hoài hiểu nhiều chuyện của bố hơn Hãng hiểu, và vấn đề là cách đánh giá, nhìn nhận các "chuyện" như thế nào. Cô nhìn nhận, đánh giá khác Hãng. Cô hối tiếc, thấy lòng tốt của mình lại giúp cho kẻ dở hơi là Hãng. Theo cô, Hãng đã gàn, đã moi chuyện để đỡ mặc cảm vì vụ Hoài Nhớ. Đúng là vớ vẩn! Cần quên đi chuyện vặt này. Thương Hoài không giận, không sợ Hãng. Cô chỉ hơi thất vọng về Hãng, cảm thấy, rồi thấy rõ, Hãng có tính thù vặt rất nhỏ nhen, muốn gỡ gạc vụ Hoài Nhớ! Thương Hoài cười nhạt một mình, thương hại và hơi khinh Hãng.

            Thương Hoài đi vào nhà Hãng. Họ lại cố xem như chưa có sự cố gì xảy ra, cố hàn gắn lại tình bạn lâu nay.

            - Ngày khẳm tháng cháu sắp đến rồi. Anh Hãng có mời

chúng em không ? - Thương Hoài nói một cách vui vẻ.

            Hãng mỉm cười, cảm thấy yên lòng trước cung cách của bạn.

            - Không thì mời ai nữa. Có nghe bảo, ở nông thôn, tự nghìn xưa đến giờ không phải mời vào dịp đó. Ai thích, cứ đến thôi, và cỗ cứ nấu, cứ bày cho đến khi hết khách... ờ...

            - Nhưng khách phải đem gà, đem nếp đến chứ. Em có nghe người lớn nói vậy mà! - Thương Hoài cười rất vui.

            Hãng cũng cười vui với em gái và hai bạn.

            - Ấm áp tình làng nghĩa xóm thật đấy! - Đào Hải xúc động về một phong tục đẹp.

            - Nhưng... Có điều ở thành phố không duy trì được. Ngay cưới hỏi, sinh nở cũng khác vài nét. Thành phố là dân góp tứ xứ mà - Hãng thấy trót gợi thêm chuyện, cố tự nhiên trong cách nói - Hai bạn nhớ đến nhé. Chủ nhật tuần tới.

            - Em sẽ đến nấu nướng giúp cháu Cây Bàng.

            - Thay mặt Cây Bàng, cảm ơn cô Thương Hoài - Hãng cảm thấy thật lòng vui trở lại, khách sáo với giọng tếu.

            Khi tiễn em gái và Thương Hoài - Đào Hải ra cổng, khép cổng lại, cài then, Hãng cảm thấy nhẹ nhõm hẳn. Hóa ra con người dẫu thế nào vẫn còn tốt. Ngay cả Vũ Hồng Ngà, cho dù thâm độc, tham tiền thế nào, cũng không dễ nhẫn tâm. Làm việc ác cũng khó lòng chứ đâu phải dễ ! Loài người đã vạn năm vươn lên làm người chứ ít gì đâu. Hãng chỉ khéo tưởng tượng bi quan, nhìn với cái nhìn của kẻ bị dồn đến vực thẳm về con người. Vũ Thương Hoài lại không thể xấu như bố được, tuy nhận thức của cô còn sai lầm và hạn chế, đến mức thỏa hiệp nguy hại. Quay vào nhà, Hãng bước chậm, mừng cho tình bạn. Anh chợt thấy dạo này, anh đâm ra thích suy nghĩ về thiện, ác của lòng người và quả báo.

            - Hãng! Lên phòng ông bảo cái này!

            Nghe tiếng gọi, Hãng ngước lên bao lơn toà biệt thự. Ông Hương Chữ một tay tì lan can, một tay vẫy Hãng. Hãng cười, thấy ấm áp, tin cậy:

            - Dạ vâng. Chuyện gì vậy ông?

            - Lên đây! Có chuyện hay lắm.

            Hãng quay lại phòng khách nhà lớn, đưa tay chào Ô Châu, Trắng Cát và Nghị đang học tập ở chiếc bàn dài. Anh bước lên cầu thang có lan can gỗ được chạm trổ đen bóng.

            Ngồi đối diện với ông Hương Chữ, Hãng thấy ông dạo này có phần hồng hào hơn trước. Có lẽ mùa mưa dễ chịu hơn đối với ông. Nhận tách trà ông mới đẩy tới trên mặt kính, đặt vào lòng tay, Hãng nói chuyện thời tiết, nhưng sốt ruột chờ "chuyện hay" của ông. Cũng đã mấy lần thế này, nhưng chẳng bói đâu ra chuyện hay, mà chỉ toàn chuyện tầm phơ đỡ buồn của người già rỗi. Đã nhiều lần Hãng nhẫn nại ngồi nghe với lòng thương kính cảnh già rỗi của ông, chạnh nghĩ cũng như tuổi xế chiều bị cuộc sống chung quanh ''lướt qua, bỏ rơi'' của ông nội mình.

            - Này Hãng, con bé Thương Hoài với chồng chưa cưới của nó mới đến phải không?

            - Dạ, thưa ông.

            - Sao chẳng thèm lên thăm ông bà lão này!

            - Dạ, làm sao cháu biết.

            - Thôi, đừng vờ nữa. Nó xin lỗi thay bố nó về vụ cho cháu thôi việc chứ gì. Thằng bố nó tệ lắm, ông biết quá lâu rồi.

            Hãng ngạc nhiên nhìn ông, nghĩ thầm, được thế đã quý. Anh thưa :

            - Làm gì có chuyện xin lỗi, xin phải. Cháu thấy không thích thì xin thôi việc, chỉ có vậy.

            - Thằng Vũ Hồng Ngà ai lạ gì! Tay đó là dân mánh mung ngoài Lai Châu, chạy chọt đi Liên Xô học lõm bõm vài tiếng Nga rồi giỏi bốc phét. Nó trốn đi B chiến đấu!

            Hãng ngạc nhiên thật sự:

            - Uẵa, thưa ông, chú Ngà là dân Quảng Trị tập kết ra Bắc với ông thân của chú ấy chứ.

            Ông Hương Chữ cười khẩy:

            - Làm gì được thế! Nó người Lai Châu chính gốc. Vợ nó người Hà Tĩnh. Tập kết cái con khỉ mốc. Chúng là cán bộ chi viện, lẽ ra phải ra Bắc lâu rồi. Chi viện cóc gì đến hai mươi hai năm! Hai mươi hai năm nay, đào tạo cán bộ từ dân Miền Nam mấy không có. Lẽ ra phải đào tạo cán bộ để thay chúng lâu rồi. Cán bộ chi viện mà cứ ở lì trong này như Tây xâm lược! Kì cục! Mang tiếng quá!

Hãng chỉ ngồi cười. Hóa ra sự đời là vậy.

            - Chúng làm bẩn hai chữ "giải phóng".

            - Nói gì nặng thế, thưa ông.

            - Chứ còn gì nữa. Con em gia đình thương binh, liệt sĩ cách mạng, học sinh, sinh viên, trí thức chống Mỹ, Diệm, Thiệu cả hàng triệu người. Sao chúng không đào tạo để họ làm chủ? Làm chủ là phải quản lí Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phải để cho sự nghiệp giải phóng Miền Nam hoàn toàn trong sáng! Giải phóng Miền Nam là để nhân dân Miền Nam làm chủ, chứ có phải để làm nô lệ bọn Miền Bắc đâu! Lẽ ra, trên Miền Nam này, phải không còn một người dân, một cán bộ dân chính Miền Bắc nào, chỉ có quân đội, công an là còn người Miền Bắc, sau khi Mỹ cút, ngụy nhào. Lẽ ra, phải giải quyết nội bộ cho xong, rồi mới "mở cửa". Lẽ ra, cũng không nên "mở cửa" kiểu này, cũng không nên giải quyết bằng HO. Không "mở cửa" kinh tế, chỉ ''mở cửa'' về báo chí, văn hóa, khoa học - công nghệ và du lịch; Việt kiều chỉ học tập, làm ăn ở nước ngoài, chuyển giao công nghệ về giúp nước; đó là hai điều kiện đủ; còn điều kiện ắt có là, quân đội, công an trong tay cách mạng. Hội đủ những điều kiện ấy, thì ai làm gì được chế độ này nào?

            Hãng chỉ biết ngồi cười, nghe ông Hương Chữ rủa. Thật lòng anh không muốn đụng đến chuyện "cái bụng" này, mặc dù từ năm mười tuổi đến giờ, anh đã nghe bao tiếng rủa như ông Hương Chữ rủa. Anh tin mọi điều xảy ra đều được ghi vào lịch sử của Tổ quốc. Lịch sử sẽ nghìn đời nguyền rủa "cái bụng". Hãng không ngờ hôm nay, lại vẫn chuyện "cái bụng"! Anh cứ ngỡ ông nói chuyện hay gì khác. Nhưng đúng là hay thật - Hãng lại tự bảo - Ừ nhỉ, sao không để trang sử cách mạng vốn rất oai hùng được chói sáng thêm bằng sự trong sáng như ông Hương Chữ  hi vọng trong nỗi đau xót, đã thốt ra hồi nãy nhỉ? Ồ, ông cũng quên mất một thời bị Mỹ cấm vận, bị các sức ép...

            Lúc xuống cầu thang để về nhà, anh thấy ông Hương Chữ hoàn toàn đúng. Có những điều rất đúng nhưng khó nói. Chửi người ta là "cái bụng", vẫn sợ người khác nghĩ lời chửi ấy cũng xuất phát từ "cái bụng" của mình. Không. Không nên chửi. Chửi một cách ba que xỏ lá với tâm địa ti tiện, ngụy tặc lại càng hạ cấp. Phải bằng mọi cách, bình tĩnh và tri thức, nhân nghĩa và đoàn kết, kiến nghị với Đảng, để đạt và giữ sự trong sáng ấy, trong giai đoạn cực kì phức tạp nhưng rất ổn định hiện nay.

            Đã mười giờ rưỡi, Hãng còn phải nấu cơm, chờ Song Mây về làm thức ăn. Anh chợt băn khoăn về Lúa Ngọc, lúc gặp Gió ở hành lang biệt thự...

            ... Trong khi lúi húi vo gạo, đặt lên bếp ga, Hãng sực nhớ đến cuốn phim thuộc loại hay nhất của điện ảnh thế giới, "Cuốn theo chiều gió". Phim đã làm sinh động hình tượng tiểu thuyết của Ma-gơ-rét Mít-sen (Margaret Mitchell). Ma-gơ-rét đứng về phía Miền Nam bại trận để phản ánh cuộc nội chiến Nam - Bắc nước Mỹ (14). Hình tượng X-ca-lét (Scarlette) quá đỗi cương nghị, chấp

nhận hết mọi tủi hổ (!) để khẳng định mình và xây dựng lại trang trại. Nỗi đau bại trận đã hoàn toàn thay đổi tính cách X-ca-lét. Trong nỗi đau ấy có cả sự thù hận Miền Bắc nước Mỹ vốn tiên tiến hơn về công nghệ, về thái độ đối với nông nô, phần lớn là người da đen, so với Miền Nam nước Mỹ. Tất nhiên, đó chỉ là cuộc nội chiến của một nước mới thành lập chưa lâu, ô hợp về dân tộc, chưa có truyền thống gắn bó máu thịt của nhân dân. Dẫu sao, đó cũng là cuộc chiến tranh tư tưởng,"ai nhân bản hơn ai". Với một khoảng thời gian, lắng lại, cả Miền Nam lẫn Miền Bắc nước Mỹ đều yêu thích "Cuốn theo chiều gió", như cả dân tộc Việt Nam, cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, đều giống nhau niềm yêu thích Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Phạm Thái, Nguyễn Thiếp, Đào Duy Từ... - mấy thế hệ kẻ sĩ bị phân hóa, xâu xé trong chiến tranh! Tất nhiên cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam không giống chiến tranh Nam - Bắc nước Mỹ, chiến tranh cát cứ Trịnh - Nguyễn, cuộc chiến dai dẳng dẫn đến chiến tranh do Quang Trung tiến hành để thống nhất Tổ quốc, chống sự xâm lược của Trung Hoa, rồi chiến tranh khôi phục ngai vàng vì quyền sở hữu phong kiến về vương quốc (!!!) của Gia Long (theo quan điểm lịch sử - cụ thể, như thế vẫn là chính nghĩa, vì dưới chế độ phong kiến, Đất nước và thần dân là tài sản và nộ bộc của một hoàng tộc [!!!]) (15). Nhưng phải gác lại các khía cạnh khác. Vấn đề ở đây là cách nhìn nhận, đánh giá hiện thực chiến tranh và hậu chiến. Vấn đề là sự lắng lại của quãng cách thời gian. Hãng bỗng thấy rộng lòng hơn với tầm nhìn rộng hơn ... Đúng, rất đỗi đúng câu nói của ông Hương Chữ vừa rồi: "Phải để cho sự nghiệp giải phóng Miền Nam hoàn toàn trong sáng''. Mặt khác, mọi việc gỡ gạc của Pháp, Nhật, Mỹ và ngụy, mọi điều bôi nhọ, "đạo diễn'' để chứng minh cho "chân lí của cái bụng (lòng tư hữu tư sản, tham quyền lực, địa vị...)'' rồi sẽ được phơi bày. Hãng sáng lòng hơn với tầm nhìn xa hơn.

            Hãng thấy cần hiểu sâu xã hội thời anh sống, lại mỉm cười với câu nói cửa miệng của anh Mai Tự, "để làm gì nhỉ!"... Anh cũng hơi giật mình, tự hỏi, chẳng lẽ tứ diệu đế của nhà Phật lại sai... lẽ thật về tham, sân, si và vô minh là không đúng... Anh liên tưởng đến đề tài nghiên cứu của Tre Trúc "Những nhu cầu cơ bản của con người và bản lĩnh văn hóa dân tộc".

             Rất tình cờ, Hãng nghe Tre Trúc cười nhẹ sau lưng:

            - Cơm sôi rồi. Để đó em coi lửa cho

            - Ồ, phải cẩn thận chứ. Em cứ nghỉ đi, còn yếu mà.

            - Em khỏe rồi. Có tập thể dục nhè nhẹ nãy giờ cho mau hồi phục.

            - Con ngủ ngon quá. Rất ngoan, phải không? Em ngồi xuống đi cho khỏe - Hãng chỉ vào chiếc ghế ở sát vách bếp - Anh đang nghĩ về đề tài nghiên cứu của em, em xuất hiện ngay tức thì sau lưng - Hãng cười - Ờ, thì mình tập thể dục bộ não một chút cho vui nghe. Em có mệt không?                   

            Tre Trúc ngồi xuống, mỉm cười. Hãng nhắc lại:

            - Nhu cầu cơ bản có tính sinh vật: thở, ăn, uống, bài tiết, ngủ, ở, tình dục (truyền giống), mặc (lông, vẩy, da thích ứng, áo), ánh sáng mặt trời... còn nhu cầu có tính người là gì? Được chăm sóc (lúc bé, lúc bệnh, già lão), học hành, lao động (việc làm), nói, sự nghiệp, luật pháp (tổ chức sinh tồn), gia đình, phong tục, tâm linh, quan hệ (tình cảm cá nhân, cộng đồng, Tổ quốc, nhân loại), được tôn trọng và có quyền giữ gìn phẩm giá... Đúng không? - Hãng mở tủ lạnh, lấy ra bó rau muống, bỏ vào thau, ngồi lặt, vừa cố nhớ, vừa gợi vấn đề.

            - Đúng. Một vế nữa. Đó là bản sắc và bản lĩnh văn hóa. Trong sự xung đột của các hệ giá trị văn hóa thời Mở cửa này, phải giữ gìn bản sắc và sống có bản lĩnh văn hóa. Mọi người sống có bản lĩnh văn hóa, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn, ít dằn vặt hơn.

            - Sống có cốt cách hơn. Nghe vĩ đại quá nhỉ?

            Hãng và Tre Trúc cười, vừa vui, vừa đồng cảm.

            - Tham, sân, si và vô minh là bản chất của con người sao? "Bổn thiện" hay "bổn ác"? Trái cấm, nhất nguyên, không biện biệt thiện ác ? - Hãng nêu, dự định xới lật vấn đề cho vợ.

            - Vấn đề là nhu cầu cơ bản. Đó là nguồn gốc của cái ác. Vì chưa bao giờ thỏa mãn hết mọi nhu cầu, như vốn được thỏa mãn về không khí, ánh nắng mặt trời, nước uống, kể cả cung vượt cầu ở khía cạnh tình dục trong quan hệ vợ chồng... Con người lại ganh tị, tham lam, thích quyền lực, ham "của lạ"... nên khổ, lại giết sự sống để sống (sát sanh)... nên ''đời là bể khổ''. Đúng là ''nhân chi sơ tính bổn ác''. Vấn đề là giác ngộ, giũ hết vô minh về quy luật xã hội và tự nhiên. Tham, sân, si phải chính đáng nữa. Khoa học - kĩ thuật sẽ chế được thực phẩm không có sự sống của sinh vật, kể cả thực vật. Theo hướng đó, bi kịch của nhân loại và của mọi sinh vật được giải quyết bằng niềm hi vọng vào khoa học tự nhiên và kĩ thuật, bằng lí tưởng nhân văn mới. Cơ chế xã hội chủ nghĩa về kinh tế sẽ khống chế, loại trừ sự bóc lột tư bản chủ nghĩa. Đó là vấn đề diệt dục, cái dục vọng tư hữu. Phật giáo và chủ nghĩa xã hội khoa học gặp nhau ở đó, trên bình diện hiện thực trần gian, chỉ khác nhau ở tư tưởng khổ hạnh và không khổ hạnh - Tre Trúc bỗng mở rộng về khía cạnh khác - Văn hoá Việt Nam, cái cốt lõi vẫn là cái đình làng và đạo thờ cúng tổ tiên, là chủ nghĩa yêu nước, là phong tục Việt Nam đã được cách tân... - Tre Trúc thấy mình khỏe hẳn, nói khá nhiều vẫn không mệt, tuy diễn đạt chưa được trôi chảy như trước - Chính văn hóa sẽ chế ngự cái ác trong nhu cầu của con người, những nhu cầu bản năng - cô lại nói.

            Tre Trúc hiểu những ý tưởng vừa rồi của mình, khi nói ra, lủng củng như thế, có gì đó chưa ổn, xem ra khá nguy hiểm, có thể dẫn đến những kích thích động não, nhưng có nguy cơ dẫn đến ngộ nhận nhiều hơn. Tre Trúc vẫn mỉm cười sau lưng Hãng, thử chờ xem anh suy nghĩ thế nào. Cô biết, đâu phải mỗi điều đưa ra lại cần phải giải quyết rốt ráo ngay. Rồi sẽ có lúc, một hôm nào đó gần đây, nhưng chưa phải tức khắc bây giờ.

            Hãng đang bưng nồi cơm nhỏ đã chín xuống, đặt soong nước sôi lên bếp. Anh lại vặn cao nút chỉnh lửa.

            Theo đà câu chuyện, Hãng quên bẵng vợ mới sinh nở dậy, anh tiếp tục đặt ngược vấn đề:

            - Tự do và tư hữu, sự chiếm hữu tư bản tư nhân tư liệu sản xuất và sự chiếm hữu tư bản tư nhân các bộ não tuyệt vời của các nhà khoa học kĩ thuật, vẫn là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội (!). Thực tiễn cho thấy các nước tư bản giàu hơn, khoa học - kĩ thuật phát triển nhanh hơn, hàng hóa tốt, đẹp, phong phú hơn, tự do hơn, dân chủ hơn, mặc dù xã hội suy đồi và nhiều bạo lực hơn. Phải cạnh tranh và phải tôn trọng, đề cao sáng kiến, chủ kiến cá nhân. "Lí luận màu xám và cây đời mãi mãi xanh tươi" mà. "Thực tiễn là thước đo chân lí", em không nhớ sao? Hãy đọc chân lí ở cuộc sống, ở xã hội, chứ không chỉ ở sách vở! Tự do, dân chủ là nhu cầu người nhất!

            Tre Trúc ngạc nhiên về chồng mình:

            - Sao anh còn làm cụm tượng Sen Đỏ và Ngã năm Hòa Bình? - cô cũng chợt nhớ gần đây Hãng đã có thay đổi, xáo trộn về tư tưởng, nhưng cũng có thể anh ấy đang đùa.

            - Bây giờ anh thấy "cái bụng" loài người rất tởm nhưng có lí trong thực tiễn - Hãng vẫn nhặt rau.

            - Anh nói khiêu khích hay nói thật lòng?

            Hãng cười xoà, quay mặt lại nhìn vợ:

            - Nếu thật lòng thì sao?

            - Em vẫn thấy Sen Đỏ và Ngã năm Kinh tế là đúng. Đó là bài thơ hòa bình - Tre Trúc nói đầy đủ hơn - Sen Đỏ: Văn hoá Dân tộc Việt Nam và Ngã năm: Kinh tế năm thành phần, trong đó, kinh tế quốc doanh xã hội chủ nghĩa là chủ đạo. Trong nền kinh tế năm thành phần ấy, cũng đã có sự cạnh tranh lành mạnh, tương tác, phối hợp với nhau... Về sự giàu có, phát triển nhanh của chủ nghĩa tư bản, đó chỉ là sự phồn thịnh của kẻ cướp bóc, đế quốc cướp bóc, kể cả cướp chất xám cho "cái bụng" của nó... Anh thấy không, như vậy, phải cắt vòi bạch tuộc xuyên quốc gia mới có hòa bình thật sự, vĩnh cửu. Còn tư sản xuyên quốc gia như hiện nay là còn cách mạng, còn chiến tranh chống đế quốc - Tre Trúc nói - Thực tiễn của cách mạng vô sản còn vận động đến nghìn sau. Và không có tiến trình vận động nào không có thoái trào, thăng hóa. Nếu hiểu Đạo là con đường, thì chủ nghĩa cộng sản vẫn là Đạo. Đó là em mượn cách nói của tôn giáo, không phải tôn giáo hóa chính trị. Anh thử hình dung tương lai của toàn thế giới, nước nào cũng có nền kinh tế năm thành phần như vậy xem... Và nhân số thế giới được hạn chế một cách nhân đạo, vì nhân đạo, nhất là ở các nước quá đông dân số. Chế độ xã hội chủ nghĩa vẫn là chế độ ưu việt nhất, nếu chế độ sáng tạo mới những giá trị mới trên cơ sở những nguyên lí của chủ nghĩa xã hội khoa học, đồng thời trên cơ sở tiếp thu, thừa kế, phát huy cho bằng hết, một cách tốt nhất, có đãi lọc, các tinh hoa của chủ nghĩa tư bản, nhất là cơ chế dân chủ, chấp nhận mâu thuẫn không đối kháng, và tính vượt trội, hơn hẳn về năng suất, hiệu quả sản xuất sản phẩm vật chất cũng như sáng tạo giá trị, sản phẩm tinh thần... - Tre Trúc nhận ra cô đã hơi xúc phạm chồng khi nêu ra một vấn đề quá sơ đẳng và rất cổ điển như thế. Cô cười xòa - Ồ, anh đã quá tâm đắc, đã tạo hình theo ý hướng đó... Nhưng sao bây giờ... - Tre Trúc ngập ngừng, giọng nói bất chợt như hướng vào bên trong mình, như muốn xua đi một thoáng đen tối của ý nghĩ. Cô nói tiếp những ý tưởng theo mạch chuyện - Rất cần đề cao, khích lệ sáng kiến, chủ kiến cá nhân! Rất cần phê phán thói giáo điều, minh họa chính trị một cách rẻ tiền! Điều đó cần thiết biết bao! Nhờ thế mới phong phú, đa dạng... Em rất thích một câu nói của văn hào Von-te (Voltaire): "Mặc dù khác ý kiến với bạn, tôi vẫn đấu tranh đến chết để giúp bạn nói lên tư tưởng của chính bạn"... - Tre Trúc lại cảm thấy, thoáng đen tối đã cố xua đi đang khiến cô vừa xấu hổ, vừa bực mình. Cô như thể buột miệng, mặc dù ý thức rõ, thoáng đen tối ấy cơ chừng là ghen tị - Em thấy Vũ Thương Hoài đã làm anh dao động. Thương Hoài thật lòng không kính yêu bố mẹ đâu. Nó chỉ cùng tư tưởng tư lợi, thứ tư tưởng bóc lột kiểu quan lại và tư tưởng lừa gạt, xảo trá của bọn mánh mung, để lợi dụng bố mẹ thôi. Nó từng bảo "cướp ngày là quan" như trong ca dao mà!

            Hãng giật mình, ngừng lặt rau, quay nhìn Tre Trúc:

            - Em nói thật chứ? Kẻ cướp thực dân, đế quốc, rồi kẻ cướp quan lại...

            Một tiếng chuông chùa vang ngân từ sân thượng biệt thự. Tre Trúc nói:

            - Song Mây có lẽ đã về.

            Hãng vội lau tay, đi nhanh ra mở cổng. Chỉ một mình anh Cơ Dân với nụ cười rộng hết cỡ dưới cái bớt to đậm trên mép phải, trông thật hài hước, như thể chừa râu vểnh một bên (cái dị tật tướng mạo không hợp tính cách của anh chút nào cả!).

            - Mình xin được việc cho Hãng rồi! - anh Cơ Dân nói.

            Hãng mừng và quá cảm động:

            - Việc làm ở đâu anh?

            - Điêu khắc tại nhà một người bạn. Có điều, lương ít quá!

            - Khổ nỗi em vẫn thích kiến trúc. Điêu khắc là phụ - Hãng hơi thất vọng - Đúng ra em thích cả hai, nhưng...

            - Hiểu rồi. Thôi, chiều ghé sang em, sẽ bàn thêm.

            Hãng lững thững vào nhà. Tre Trúc đang à ơi ru con. Hãng nói Song Mây chưa về, rồi xuống bếp lặt rau tiếp. Anh lại nghĩ về Vũ Thương Hoài, không tin Tre Trúc nhận xét đúng. Có điều, con cái kẻ cướp, kể cả quan lại (bọn ''cướp ngày''), vẫn có thể là thầy tu. Hãng vẫn tin vào sự nhận thức chân lí, sự thật, chính nghĩa, của con người nói chung. Anh vẫn tin con người nói chung là tốt, biết hướng thiện, có khả năng nhận thức và nhận thức lại mọi điều. Kẻ cướp hồi tâm, có khi đức hạnh hơn cả ni sư, và ni sư lao vào thực tiễn lao động, đấu tranh trong đời thường, vẫn giữ được đức hạnh, đức hạnh ấy mới đáng giá, sáng giá. Ồ, Hãng nhận ra, lúc này anh hơi hằn học nhỏ mọn.

            Tre Trúc lại xuống bếp với chồng. Cây Bàng lại ngủ ngon. Hãng ngước lên, mỉm cười thương yêu với vợ, hơi se lòng khi thấy ngực áo của Tre Trúc ướt sữa. Bất chợt, anh thoáng nghĩ đến hình tượng người mẹ trẻ với cảm hứng tạo hình.

            - Vậy đập bỏ cụm tượng Sen Đỏ đi anh. Hãy sáng tạo hình tượng ''Cái Bụng'' chưa từng có thế vào - Tre Trúc nói dửng dưng với ý mỉa mai, đùa chồng.

            - Anh khiêu khích em đấy mà. Vẫn Sen Đỏ và Ngã năm thôi. Chẳng biết số phận mình phải đi ngả nào đây. Ngả nào cũng tốt, phải không?

            Hãng tiếp tục gọt khoai, củ dền và cà rốt, lại thầm trách mình đã ví von quá nặng về Thương Hoài, cô gái tốt bụng có một thời Hãng thầm yêu và đến lúc này, cơ hồ vẫn còn trong tim anh nỗi tình thầm ấy.

            Lại một tiếng chuông trên sân thượng. Hãng mới ra khỏi cửa nhà, đã thấy anh Cơ Dân mở cổng cho Song Mây. Song Mây dắt chiếc Sa-li vào. Không thấy nụ cười tươi tắn hồn nhiên năm ngoái trên gương mặt đẹp và duyên của cô nữa.

            Bước vào nhà, Hãng nói vui với Tre Trúc:

            - Hai vị nổi tiếng về ''Cái Bụng'', Đức Phật Di Lặc và Ông già Nô-en (Noel), chỉ là biểu tượng lạc quan và mừng vui thôi. Hai ''Cái Bụng'' ấy hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa cá nhân vị kỉ!

            Hai vợ chồng trẻ đều ngẩn người với liên tưởng. Song Mây vẫn lặng lẽ cất cặp da, chuẩn bị xuống làm bếp, cơ hồ không còn khả năng cảm nhận niềm lạc quan, vui sống lành mạnh, nữa là chuyện như đùa này. Hãng đành nói tiếp:

            - Được ban phát, sự lạc quan và niềm vui ấy có lớn lao, sâu sắc không nhỉ? Không. Người ta vui mừng vì Chúa ra đời... - Hãng lại hỏi rồi tự trả lời - Theo kinh Phật, Đức Phật Di Lặc chưa xuất hiện. ''Cái Bụng'' ấy chỉ là hình ảnh của những mơ ước trong óc một bộ phận người Trung Hoa - anh lại mỉm cười với vợ - Em biết không, các thiền sư hiện đại rất bất bình về việc tạo ra những pho tượng Đức Phật Di Lặc như thế (16).

            Bước lững thững trên hành lang, Hãng lại rơi vào suy tư. Anh nhớ lại những câu mắng mỏ của ông Hương Chữ. Thật lòng Hãng cũng chưa rõ, tình hình Miền Nam hiện nay có cần sự chi viện nhân lực là cán bộ Miền Bắc không. Có điều, anh biết chắc, không phải cán bộ chi viện nào cũng tha hóa đến thối nát như ông Ngà. Đặt vấn đề như thế, thêm mất lòng và đau lòng... Hãng thở dài, bước lui, bước tới. Nắng trưa ngoài sân chói gắt.

 

 

 

 

Xem tiếp:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/sen_dbthbinh-4.htm

 

Cũng có thể xem tại:

 

http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/

Trở về trang

danh mục tác phẩm -- muc lục:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/danhmtphamtxa_googlepcreator.htm

 

bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01 & 02-5 HB7 (2007) = 15 & 16-3 Đinh hợi HB7