g. Trần Xuân An - Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Tệp 7 / tập III

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

07/01/09

14-04 HB6

( 2006 )           

 

TẬP III

 

 

Tệp 1

 

Tệp 2

 

Tệp 3

 

Tệp 4

 

Tệp 5

 

Tệp 6

 

Tệp 7

 

Tệp 8

 

Tệp 9

 

Tệp 10

 

Tệp 11

 

Tệp 12

 

Tệp 13

 

Tệp 14

 

Tệp 15

 

Tệp 16

 

________

 

 

TẬP I

 

TẬP II

 

TẬP III

 

TẬP IV

 

 

 

 

 

 

Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

 

Trần Xuân An,

nội hậu duệ thế hệ thứ năm.

 

 

 

 

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

Xem:

Blogger (Google) tháng 12-2005

http://tranxuananpcdtnvt3a.blogspot.com/

   & các trang tiếp theo: … 4a … 4b … 4c …

 

Tệp 7 –  Tập III 

(PHÂN ĐOẠN 1 TRUYỆN KÍ THỨ 10)

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

BI KỊCH Ở ĐỈNH ĐIỂM MÂU THUẪN

VÀ SỰ CHIẾN THẮNG

CỦA NHÓM CHỦ CHIẾN YÊU NƯỚC TẠI TRIỀU ĐÌNH

 

Truyện thứ mười

(phân đoạn 1)

 

      1

 

      Vua Tự Đức qua đời vào một ngày cuối mùa hạ, để lại hai bản di chiếu, di chúc do chính tay nhà vua viết sẵn từ một vài tháng trước đó, cùng những dòng châu phê màu son đỏ trước ngày mất hai hôm, tất nhiên cũng do “chính tay [nhà vua] phê vào tờ di chiếu” (1). Thời điểm đó, tình hình ở mặt trận Bắc Kì rất dầu sôi lửa bỏng. Ở triều đình, không khí cũng dầu sôi lửa bỏng không kém.

      Ba đại thần Viện Cơ mật – Thương bạc Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đã được đọc, được vua hỏi ý kiến, và họ cũng đã dâng sớ kiến nghị xin gác lại một đoạn răn bảo hoàng trưởng tử Ưng Chân hoặc sang đoạn răn bảo ấy qua một bản dụ khác, nhưng vua Tự Đức không chịu nghe theo, cứ bảo lưu nguyên vẹn  di chiếu, di chúc như nhà vua đã viết (2).

      Trước ngày vua Tự Đức trút hơi thở cuối cùng, hai đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã kín đáo bàn bạc cùng nhau với niềm ưu tư không tránh khỏi. Trong những năm tháng trước lúc vua Tự Đức lâm bệnh và trước khi nhà vua viết di chiếu, di chúc,  “vua cho là hoàng tử thứ ba [Ưng Đăng], tuổi còn bé, [cho người] hầu hạ cẩn thận, [thấy] biết sợ [sợ trời mà lo cho đời], [vua] rất yêu, mà về hoàng trưởng tử [Ưng Chân] thì [vua] dạy bảo càng nghiêm, [và Ưng Chân] thường vì lầm lỗi bị quở. [Thượng thư Nguyễn] Văn Tường nghĩ hoàng trưởng tử tất không được lập lên làm vua, [ông] mới khinh thường hoàng trưởng tử [về tư cách đạo đức, quan điểm chính trị], mà chỉ để tâm đến hoàng tử thứ ba. Đến nay tờ chiếu để lại cho nối ngôi lại là hoàng trưởng tử, [thượng thư Nguyễn] Văn Tường trong lòng không được yên. [Cũng chung một nhận định, đánh giá, suy nghĩ như vậy về hoàng trưởng tử Ưng Chân, thượng thư Tôn Thất] Thuyết cũng không bằng lòng với tự quân [là Ưng Chân ấy]” (3) .

      Hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết vừa bàn chuyện vừa đi bách bộ trên con đường rợp bóng long nhãn trong hoàng thành. Lắng lại trong một thoáng ngẫm nghĩ, đại thần Tôn Thất Thuyết nói với giọng trầm tư:

      - Không hiểu quan thượng Bộ Hộ nghĩ sao, chứ tôi thấy hoàn toàn bất ngờ trước quyết định vào phút chót của nhà vua. Đức vua đã chọn Ưng Chân, tức là trong suy nghĩ của đức vua đã có mâu thuẫn. Chọn Ưng Chân, có nghĩa là chấp nhận đầu hàng giặc Pháp, chấp nhận bị giặc Pháp lèo lái con thuyền Đất nước Đại Nam này dưới từ ngữ mị dân là “bảo hộ”! Thế thì tại sao nhà vua lại đồng ý với chúng ta, rằng với tình hình này, rõ ràng thế cưỡi hổ đã thành; ta không đánh chúng, chúng cũng đánh ta; ai đánh trước thì thắng (4)? – Giọng quan Bộ Binh Tôn Thất Thuyết đầy buồn bực –.

      Vẫn bước chậm rãi, thượng thư Nguyễn Văn Tường cũng không giấu niềm âu lo, không yên lòng:

      - Có ai không bất ngờ trước quyết đột ngột vào phút chót như vậy. Nhưng xem ra, đức vua suy nghĩ đã kĩ. Và rõ ràng cho dẫu suy nghĩ, chọn lựa người nối ngôi đã kĩ như thế, nhà vua cũng mâu thuẫn với chính nhà vua. Đúng như quan thượng Bộ Binh vừa nói. Quan điểm chính trị của hoàng trưởng tử Ưng Chân là rất đáng phàn nàn. Chính linh mục Nguyễn Hữu Cư là thầy dạy tiếng Pháp cho Ưng Chân (5). Các khâm sứ Pháp, linh mục Pháp cũng đã o bế hoàng trưởng tử với ý đồ lâu dài, nhằm biến Ưng Chân thành một kẻ thân Pháp và “tả đạo”! Chúng đang đầu cơ về chính trị, tính toan bỏ vốn tình cảm, quan điểm để thu lãi “bảo hộ”. – Ngẫm nghĩ một lúc, thượng thư Nguyễn Văn Tường nói –. Tôi đọc kĩ di chiếu và di chúc, tự dưng có một sự so sánh giữa ba hoàng tử Ưng Chân, Ưng Kỹ, Ưng Đăng. Rõ ràng bằng giấy trắng mực đen, bằng mực son đỏ châu phê, nhà vua từ rất lâu đã muốn chọn hoàng tử thứ ba Ưng Đăng. Bản chất đạo đức, nhân cách Ưng Chân, Ưng Kỹ, theo sự nhận xét chiùnh xác cuả nhà vua như thế, thì lên ngôi cửu ngũ thế nào được. Nào là “Ưng Chân, cố nhiên là học lâu trưởng thành, chính danh đã lâu; nhưng mặt [mắt] hơi có tật, giấu kín [thì nhìn] không rõ ràng, sợ sau không sáng; tính lại hiếu dâm; cũng rất là không tốt; chưa chắc đương nổi việc lớn. Nhưng nước cần có vua nhiều tuổi, đương lúc khó khăn này, không dùng hắn thì dùng ai? (Đản vi hữu mục tật, bí nhi bất tuyệt, cữu khủng bất minh, tính phả hiếu dâm, diệc đại bất thiện, vị tất năng đương đại sự. Quốc hữu trưởng quân, xã tắc chi phúc, xã thử, tương hà dĩ tai). Sau khi trẫm muôn tuổi, nên cho hoàng tử Thụy quốc công Ưng Chân nối nghiệp lớn, lên ngôi hoàng đế” (6) . Nào là “Ưng Kỹ người yếu hay ốm, có tâm tật, học chưa thông mà kiêu ngạo, hay bới việc riêng của người khác, cho lạm thẳng, đều không phải là tư chất thuần lương, theo lời phải; sợ bọn ngươi khó lấy lời nói can được” (6) . Nào là “lại cho hoàng tử thứ ba [Ưng Đăng, từ nay chính thức] sung làm hoàng tử” (6). Nào là “duy con út là Ưng Đăng, [cho người] hầu hạ cẩn thận, [thấy] biết sợ [trời mà lo cho đời], dạy được, chưa thấy có vết gì, nhưng tuổi còn ít, đương học chưa thông, đương lúc khó khăn này chưa chắc đã am hiểu. Cho nên trẫm cắt bỏ lòng riêng, theo lẽ công, quyết thi hành mưu kế lớn, là vì xã tắc. Nghĩ ơn nuôi nấng hết lòng, không nên để cho phân biệt, nhưng chưa kịp làm, nay cho sung làm hoàng tử, cho đổi tên là Ưng Hỗ” (6) . Trong một bản dụ hồi tháng tám Nhâm ngọ (1882), đức vua còn nhận xét Ưng Đăng:  “[bản] tính cũng hơi sáng [:thông minh]” (7). Tôi cùng quan Bộ Binh đây đều thấy, theo ý đức vua, chỉ một mình hoàng tử thứ ba Ưng Đăng, nay là Ưng Hỗ, là có đủ đức tính để làm vua mà thôi. Có điều, vua bảo, tuổi còn nhỏ! Tôi thấy Ưng Đăng đã mười bốn tuổi, không còn nhỏ nữa. Các đại thần chúng ta mở kinh diên để giảng tập cho nhà vua trẻ học, phò vua trẻ tuổi thêm vài ba năm, thế là vua trẻ nối ngôi vừa đủ bản lĩnh, tri thức, và nhất là có sẵn đạo đức, nhân cách, lại được bồi dưỡng thêm, để làm hoàng đế. Ấy là cách chọn lựa tối ưu. Kiến thức có thể bồi dưỡng, tuổi tác trời mỗi ngày mỗi cho, chẳng mấy chốc là trưởng thành, chứ bản chất đạo đức như Ưng Chân, Ưng Kỹ, làm sao sửa đổi được. Sửa đổi bản tính, nhất là bẩm tính hiếu dâm, có khả năng bị mù loà, hoặc có tâm tật, không phải tư chất thuần lương, là rất gay go! Và thường thường là không sửa đổi được! – Thượng thư Nguyễn Văn Tường lại nói –. Đức vua còn viết rõ về ba phụ chính đại thần chúng ta:  “Bọn ngươi nên nghiêm sắc mặt đứng ở triều đình, giữ mình đứng đắn, đốc suất quan thuộc, mọi việc cùng lòng làm cho thỏa đáng; trên giúp vua nối ngôi điều không biết đến, dưới chữa chỗ lệch lạc cho các quan, để Nhà nước yên như núi Thái Sơn. Thế là không phụ sự ủy thác” (6) . Giữ mình đứng đắn là phương châm tu thân của kẻ sĩ, tất nhiên suốt đời. Nhưng làm sao nghiêm sắc mặt mãi với vua trên ngai vàng được! Hơn nữa, chúng ta đâu sống mãi mà làm phụ chính. Thông thường, đảm trách việc phụ chính cũng chỉ năm, bảy năm thôi! Cho nên, xét kĩ mọi điều, trông trước ngó sau, lẽ ra nhà vua nên chọn Ưng Đăng (tức là Ưng Hỗ)! Nhưng rõ ràng trên giấy trắng mực đen của di chiếu, di chúc thì nhà vua chọn Ưng Chân, mặc dù cho rằng Ưng Đăng mới xứng đáng. Thế thì… ta phải tuân theo di chiếu, di chúc một hôm nào đức vua không may không khỏi bệnh mà vội băng hà thành người thiên cổ!

      Hai đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết vừa bước chậm vừa bàn thảo. Thượng thư Tôn Thất Thuyết nói:

      - Điều quan trọng nhất, rốt lại, tôi không yên tâm là bởi hoàng tử trưởng Ưng Chân vừa hiếu dâm, có nguy cơ bị mù loà, vừa kéo bè kết cánh, mà “bọn tay chân” lại không ra gì, thân Pháp, thân “tả đạo”. Vắn tắt là vậy. Hay nhà Nguyễn bản triều đã lâm vào vận bỉ rồi chăng? Tôi thấy đau xót và lo âu quá. Quả thật, Ưng Chân là một người không thể không bị mọi người khinh thường! Thật đáng tiếc! Từ lâu Ưng Chân đã được chọn làm hoàng trưởng tử, thế mà không tu tâm sửa tính, không trau dồi chính trị đúng đắn, lại còn tự ý để bị  “bọn tay chân”  mua chuộc, tập hư, lèo lái nữa! Mới hồi tháng sáu Nhâm ngọ (1882), Hà Nội vừa bị thất thủ, ai ai cũng bàng hoàng, căm giận, sục sôi, ăn ngủ không yên, thế mà hoàng trưởng tử Ưng Chân lại chỉ hưởng lạc với thứ thiếp!  “Thị vệ hiệp lãnh là Nguyễn Văn Thành thân hành đưa con gái đến Dục Đức đường làm thứ thiếp, lạm dùng võng đỏ, bằng đầu, nói dối là được từ chỉ (lệnh của thái hậu)” , mặc dù “quan viên giao thiệp riêng với hoàng thân, hoàng tử, đã nhiều lần nghiêm cấm, cho đến việc lấy vợ lấy chồng, đều có lệ nhất định… […] … Nguyễn Văn Thành… […] … lại nói bậy  là có từ chỉ… […] … Hoàng trưởng tử cũng chuẩn cho [bị] phạt bổng hai năm” (8). Thật là cả gan, dám dối trá về từ chỉ! – Thượng thư Tôn Thất Thuyết thật sự căm giận, buồn bực, ông nói nhỏ nhưng có lúc như rít lên –. Nói chung, tội của Ưng Chân là tày trời, không bị án chém mà còn được chọn làm vua nối ngôi! Thật không hiểu nổi! Một thằng dâm đãng, một thằng mù loà thì làm vua thế nào được hỡi trời! Hay nhà vua muốn chúng ta phải truất phế Ưng Chân thay nhà vua?

      - Xin quan Bộ Binh bình tâm cho, tai mắt bọn xấu nơi nào cũng có! – Thượng thư Nguyễn Văn Tường tán đồng –.

      Nén bớt giận, thượng thư Tôn Thất Thuyết cố đổi nét mặt tươi cười nhưng trông rất cau có. Thượng thư Nguyễn Văn Tường nói tiếp:

      - Có lẽ ẩn ý của nhà vua là thế! Nhà vua muốn chúng ta truất phế hoàng trưởng tử Ưng Chân giúp nhà vua, cũng như chính vua Thiệu Trị đã truất phế hoàng trưởng tử Hồng Bảo. Hồi đó, tiên đế “Thiệu Trị cảm thấy cái chết gần kề, gọi bốn đại thần là Trương Đăng Quế, Lâm Duy Thiếp, Võ Văn Giai và Nguyễn Tri Phương đến bên giường và báo cho họ biết ý định của mình về việc chỉ định con trai thứ hai là Hồng Nhậm [tức vua Tự Đức] để kế vị, thay vì con trưởng là Hồng Bảo” (9). Lí do là bởi các lẽ: “Các con ta, Hồng Bảo tuy lớn, nhưng là con vợ thứ, mà ngu độn, ít học, chỉ ham vui chơi, không thể để cho kế thừa nghiệp lớn được. Hoàng tử thứ hai là Phước Tuy công [Hồng Nhậm] thông minh, nhanh nhẹn, chăm học, giống như ta, có thể nối ngôi hoàng đế” (10). Việc bỏ trưởng, lập thứ thuở bấy giờ đã gây ra nhiều tai tiếng, biến động, thậm chí có người còn ngờ vực rằng, các cố mệnh lương thần được tiên đế Thiệu Trị uỷ thác đã tự ý thay đổi di chiếu!… Đức vua Tự Đức rất khổ tâm về việc này. Hồi vụ Đinh Đạo, tôi đang là phủ doãn… – Thượng thư Nguyễn Văn Tường nói trong hồi tưởng, ông bỗng quay sang nhìn quan Bộ Binh –. Đúng như quan lớn Tôn Thất nói, hẳn nhà vua muốn hậu thế sẽ thẩm định lại việc bỏ trưởng lập thứ ấy, qua việc nhận xét về ba hoàng tử Ưng Chân, Ưng Kỹ, Ưng Đăng mà ai cũng biết là nhà vua nhận xét rất chính xác. Vì Đất nước, nhân dân và vì tiền đồ nhà Nguyễn, chọn ai nối ngôi, hãy tự trả lời và hẳn là đã rõ, có điều nhà vua không tiện nói thẳng chăng? Và tội lỗi Ưng Chân lâu nay đúng là tội chết, nay vua muốn các đại thần, triều thần xử giúp!

      Hai người cũng vừa bước đến nhà vuông Viện Cơ mật, phía sau chái Tả vu Điện Cần chánh.

      - Nhưng dẫu sao, – Thượng thư Nguyễn Văn Tường nói –, chúng ta cũng phải thực hiện theo minh văn của di chiếu, di chúc, tôn vua nối ngôi là Ưng Chân. Thật không dám suy diễn, ức đoán chút nào!

      - Hoá ra, quan Bộ Hộ vẫn còn dè dặt với tôi ư? Tôi đã quyết chí như thế, truất phế Ưng Chân. Không thể để Ưng Chân nối ngôi cũng như trước đây, không thể để Hồng Bảo nối ngôi!

      Đó là một ngày tháng năm nguyệt lịch Quý mùi (1883).

      Lúc này, vua Tự Đức mới băng hà vào ngày hôm qua, mười sáu tháng sáu năm Tự Đức thứ ba mươi sáu (19.07.1883). Bấy giờ, ngay sau khi tẩm liệm thi hài vua Tự Đức, đặt vào quan tài xong, di chiếu, di chúc đều được mở tại chính Điện Càn thành. Ưng Chân (Dục Đức) nhận mệnh, vào Điện Hoàng phúc cư tang.

      Đây là lúc không thể không có quyết định táo bạo và kịp thời, không thể để muộn hơn. Do đó, hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đành nén lại nỗi đau thương trước việc tang chế vua Tự Đức, vị vua vừa mới vĩnh viễn nhắm mắt lìa xa cõi đời này, để kịp thời cứu vãn đại cuộc. Mạnh Tử, một người phàm uyên bác đã được xưng tụng như một thánh hiền, một vị thầy của nhà nho, chẳng đã nói đó sao:  “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (nhân dân là quý, Đất nước thứ nhì, vua chúa chỉ đáng xem nhẹ)? Phải đặt vận mệnh nhân dân, Tổ quốc trên vai trò, kể cả tính mạng nhà vua. Truất phế một người để cứu muôn dân, Đất nước hay hi sinh muôn dân, Đất nước cho sự tồn tại của một vị vua nối ngôi tệ hại như Ưng Chân (Dục Đức)? Câu trả lời đã trở thành kinh điển.

      “Gặp khi tự quân ở điện Hoàng Phúc đem nhiều người riêng vào hầu hộ vệ ở Điện Hoàng phúc và các sở Quang Minh, ([vua nối ngôi Ưng Chân] đều sai chế bài cấp cho [bọn ấy] đeo). Bọn ấy nhân đó ra vào tự do. Các tờ tâu khẩn cấp của các quân thứ các tỉnh tâu lên, có khi để ở trong điện một đêm, vẫn chưa giao ra. Lại trong khi làm lễ điện (cúng vua mới chết) [vua nối ngôi Ưng Chân] vẫn mặc áo sắc lục cũ, hoặc sai chế ngay các đồ dùng riêng (các thứ quần áo đồ dùng).

      [Thượng thư Nguyễn] Văn Tường bảo kín [với thượng thư Tôn Thất] Thuyết rằng:

      - “Tiên đế đã bảo vua nối ngôi chưa chắc đương nổi việc lớn, lại giao cho ngôi lớn. Nay bắt đầu, cử động đã như thế, huống chi là ngày sau ư? Đó là việc lo riêng cho [kế hoạch chủ chiến của] chúng ta”.

      [Thượng thư Tôn Thất] Thuyết vốn tính cương trực, lại cậy quyền cầm quân, liền mật đáp rằng:

      - “Cứ như lời chiếu thì mưu tính là vì xã tắc, bất đắc dĩ mà làm việc nhỏ như Y Doãn, Hoắc Quang [phế lập], cũng là chí của tiên đế”.

      Nhân thế, [thượng thư Tôn Thất Thuyết] cũng có ý mưu bỏ [phế Ưng Chân (Dục Đức)] đi.

      Sau rồi vua nối ngôi lại nghĩ trong tờ di chiếu, [ý] răn bảo có những câu không tốt, không thể truyền bá cho mọi người nghe. [Vua nối ngôi Ưng Chân] triệu các phụ chính đại thần [đến, bảo] cần bớt một đoạn ấy đi, không tuyên lục ra. Trần Tiễn Thành bảo thế cũng ổn. [Còn thượng thư Nguyễn Văn Tường, thượng thư Tôn Thất Thuyết], hai người đều thưa rằng:

      - “Xin nhà vua quyết định”.

      Vua nối ngôi tin là [cả ba đại thần] cùng bằng lòng, bèn sai sao tờ di chiếu, [sau đó] tự tay xóa bỏ đoạn ấy đi. [Vua nối ngôi Ưng Chân] dặn Trần Tiễn Thành nhớ mà làm [theo kế hoạch đã bàn]. Thượng thư Nguyễn Văn Tường, thượng thư Tôn Thất Thuyết], hai người ra [khỏi Điện Hoàng phúc], bàn kín với nhau rằng: “Được rồi”.

      Mưu [kế đối phó và truất phế] ấy bèn nhất định.

      Đến lúc tuyên đọc tờ chiếu, [thượng thư Nguyễn] Văn Tường cáo ốm không đứng trong ban chầu, [thượng thư Tôn Thất] Thuyết đứng vào bên Trần Tiễn Thành. [Trần] Tiễn Thành đọc đến đoạn ấy, đọc nhỏ, hàm hồ không rõ. [Thượng thư Nguyễn] Văn Tường ở chái bên đông, làm ra vẻ quái lạ, nói rằng:

      - “Vua nối ngôi sao được giấu bớt di chiếu của tiên đế? Bậy bạ không gì to hơn nữa! Còn có thể nối theo tôn miếu xã tắc được ư?”.

      Tuyên đọc xong, hai người hỏi vặn [Trần] Tiễn Thành. [Trần] Tiễn Thành [tự bảo, “ta] biết là bị chúng đánh lừa [”],[và liền] nói chữa rằng:

      - “Có phải không đọc đâu, nhưng lão phu có bệnh ho, đọc đến đấy hết hơi, tiếng nhỏ mà thôi”.

      [Thượng thư Tôn Thất] Thuyết chứng tỏ là không phải, cho là càn bậy, cũng như lời của [thượng thư Nguyễn] Văn Tường nói; rồi nhân phái quân túc vệ canh gác trong ngoài cung thành rất nghiêm (bắt hết cả người riêng của vua nối ngôi là bọn Nguyễn Như Khuê, hơn mười (10) người, giao cho đem gông cùm lại).

      [Khi] họp hoàng thân và các quan ở Tả vu, hai người tuyên bố về việc tội lỗi của vua nối ngôi, xin bỏ đi, lập vua khác” (11).

      Hai thượng thư Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết kể đúng ba tội vừa mới phạm ngay trước mắt mọi người của vua nối ngôi Dục Dức, mỗi tội đều phải xử đúng mức án là truất chức, tử hình:

 

+++ 1. Đem bọn người riêng vào cung cấm, lại cho đeo chế bài đặc biệt, để chúng tự tiện ra vào như chỗ chợ búa. Trong đó, có linh mục Nguyễn Hữu Cư (5)! Đó là một sự vi phạm xưa nay chưa từng có! Như thế là vi phạm quy chế cung cấm (dễ bị tiết lộ việc cơ mật của triều đình, đe doạ sự an nguy của Tổ quốc).

 

+++ 2. Bê trễ việc phê duyệt các tờ tâu khẩn cấp của các quân thứ. Nếu bảo rằng vua mới nối ngôi còn bỡ ngỡ, sao vua nối ngôi không tức khắc bàn thảo với các đại thần phụ chính, đình thần, để phê duyệt cấp tốc? Rõ ràng Ưng Chân (Dục Đức) không tận tâm với Đất nước, với nhân dân! Như thế là vi phạm luật về quân cơ, đạo làm vua.

 

+++ 3. Không mang áo quần đại tang khi cúng vua cha Tự Đức vừa mới băng hà, lại còn sai chế ngay áo quần phục sức, đồ dùng có tính chất trang sức, không đúng với đạo nghĩa cha con khi vua cha mới chết. Như thế là phạm luật đại bất hiếu.

 

      “[Trần] Tiễn Thành muốn can ngăn, [thượng thư Tôn Thất] Thuyết trừng mắt nhìn, nói rằng:

      - “Ông cũng có tội to, còn nói gì!” (11). Ông thừa biết tội truyền chế thư sai lầm sẽ bị mức án nào rồi, sao còn như thế! Bây giờ lại còn can ngăn việc thi hành pháp luật nữa!

      “Trong khoa đạo có chưởng ấn là Phan Đình Phùng. [Ông ấy] tiến lên nói rằng:

      - “Vua nối ngôi nếu có lỗi, chưa thấy can ngăn, đã vội bàn như thế! Việc bỏ vua, dựng vua là việc to, lại dễ dàng quá thế”” (11) .

      Thật ra, chưởng ấn Đô sát viện Phan Đình Phùng chỉ làm chức năng phản biện để sáng tỏ việc xét xử, luận tội mà thôi. Lập ra Đô sát viện để làm gì, nếu không phản biện trước một vụ phế lập có xét xử trọng đại đến thế? Chưởng ấn họ Phan thừa biết, vì đại cuộc, hai thượng thư Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết làm đúng, về ân tình đạo nghĩa, cũng như về luật pháp.

      “[Vốn nóng tính, thượng thư Tôn Thất] Thuyết quát lên, sai tả hữu đem [Phan] Đình Phùng trói [lại], để ở trại quân Cẩm y, bảo đợi để nghiêm trị.

      Lúc bấy giờ, bốn, năm (4, 5) người theo sau [Phan] Đình Phùng nghe [thượng thư Tôn Thất] Thuyết thét trói [Phan] Đình Phùng, tức [khắc] đều lui tan. Cho nên [Trần] Tiễn Thành và hoàng thân, các quan không ai dám trái; rồi [tất cả] cùng kí tên tâu xin ý chỉ của Từ Dụ thái hoàng thái hậu, truất bỏ [Ưng Chân, tức là Dục Đức] đi.

      [Hai thượng thư chủ chiến] sai người đưa vua nối ngôi về chỗ cũ là Dục Đức đường, [dặn bảo quân lính] canh phòng rất kĩ.

      Khi mật bàn người được lập, [thượng thư Nguyễn] Văn Tường để ý đến hoàng tử thứ ba [là Ưng Đăng] mà [thượng thư Tôn Thất] Thuyết thì cho là hoàng đệ Lãng quốc công có tư chất thông minh, vốn quen biết sẵn, [nên] để ý đến Lãng quốc công” (11). Biết Tôn Thất Thuyết là người thuộc tôn thất, tất nhiên quyền chọn người nối ngôi nhà Nguyễn thường là được ưu tiên, vả lại, nhiều người còn vin cớ trong di chiếu có nhấn mạnh việc tiên đế Tự Đức chọn vua nối ngôi chỉ vì lí do duy nhất là đã lớn tuổi, cho nên thượng thư Nguyễn Văn Tường nhân nhượng, miễn là không làm hỏng đại cuộc đang hồi gay go ở Bắc Kì. “[Thượng thư Nguyễn] Văn Tường tính là không tranh nổi, cũng theo lời ấy, rồi đem ý xin lập vua nhiều tuổi tâu trước với Cung Gia thọ (tức là Từ Dụ thái hoàng thái hậu) để lãnh chỉ. Được ý chỉ truyền rằng:

      “Hiện nay trong thì lo về vua mới mất, ngoài thì có giặc ngoại xâm, người ít tuổi thực không đương nổi, nhưng thân này già cả, sao biết được, phần nhiều nhờ Tôn nhân, phụ chính, đình thần, cùng nhau chọn các hoàng đệ, ai nên lập thì lập lên làm vua”.

      [Thượng thư Tôn Thất] Thuyết bèn đến phòng Cơ mật bảo bọn thượng thư Nguyễn Trọng Hợp, thị lang Lâm Hoành, Trần Thúc Nhận [Nhẫn], Hoàng Hữu Thường, thị vệ đại thần Tôn Thất Thái rằng:

      - “Ngày nay phi [:nếu] tìm vua nhiều tuổi cho xã tắc, không ai hơn Lãng quốc công. Các ông nên phải nói”.

      Lúc bấy giờ bên ngoài nghe tin cấp báo đương gấp, chợt có biến bên trong, đều không ai biết làm thế nào. Đến khi hội bàn ở Tả vu, [thượng thư Nguyễn] Văn Tường và [thượng thư Tôn Thất] Thuyết hỏi trước các thân phiên, hoàng thân thì [tất cả] đều nói rằng:

      - “Tuy cũng ở trong tôn thống, nhưng ngày thường mỗi người ở riêng một nhà, không biết rõ được. Xin ba đại thần cùng đình thần liệu bàn”.

      [Hai đại thần Nguyễn Văn] Tường, [Tôn Thất] Thuyết lại hỏi [đình thần]. Đình thần nói ngày nay việc không thể hoãn được. [Nguyễn] Trọng Hợp bèn nói:

      - “Trong các hoàng đệ có Lãng quốc công, vốn [được] khen là [người] có học, được tiên đế [Tự Đức] cho sung chức Tôn đài. Nay hiện việc như thế, chưa biết Lãng quốc công có đương nổi không?”.

      Lãng quốc công đứng dậy, khóc, nói rằng:

      - “Tôi là con út của tiên đế [Thiệu Trị], tư chất tầm thường, thực vạn vạn phần không dám nhận”.

      [Hai đại thần Nguyễn] Văn Tường và [Tôn Thất] Thuyết đều nói rằng:

      - “Đấy thực là phúc của xã tắc, xin đừng từ chối”.

      [Hai đại thần] bèn cùng các quan kí tên tâu xin ý chỉ của thái hoàng thái hậu, lập Lãng quốc công làm vua” (11).

      Sự thể đã diễn ra như vậy, vào thời điểm “Quý mùi, năm Tự Đức thứ ba mươi sáu (1883), tháng sáu, ngày mậu thìn [ngày 20 nguyệt lịch, tức là ngày 23.07.1883]” (11). Đúng vào ngày ấy, sau ba hôm, kể từ ngày Ưng Chân (Dục Đức) nhận mệnh làm vua nối ngôi, “[hai thượng thư] Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết [đã truất] bỏ vua nối ngôi, lập em út vua là Lãng quốc công Hồng Dật” (11).

      Về Phan Đình Phùng?

      Sau đó, chưởng ấn Phan Đình Phùng, theo Bộ Hình xét xử, ông bị cách chức, trả về quê, nhưng vẫn được giữ nguyên tịch là đồng tiến sĩ xuất thân (12), vốn đỗ khoá Bính tí (1877), năm Tự Đức thứ ba mươi. Kì thi đình ấy, thượng thư Nguyễn Văn Tường làm chánh giám khảo đọc quyển. Thật ra, lúc xảy ra sự phế lập, bấy giờ, Phan Đình Phùng đã hiểu rõ vụ việc nhưng chưa thật kĩ, vả lại chức trách của ông là phải phản biện, và ông chỉ phản biện mà thôi. Sau đó vài năm, khi hiểu sâu sắc hơn rằng, không thể không truất phế một ông vua nối ngôi lại thân Pháp, “tả đạo” là Ưng Chân (Dục Đức), chính Phan Đình Phùng đã hưởng ứng rất nhiệt thành việc xây dựng Sơn phòng Hương Khê ở Hà Tĩnh do hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết quyết tâm phát động việc củng cố, xây dựng thêm để chống Pháp (13).

      Hai thượng thư Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đều biết rằng, đó là việc bất đắc dĩ phải làm, hơi tàn nhẫn, để loại trừ một tên vua chủ “hoà”, thân Pháp, “tả đạo” và có quá nhiều hạn chế không sửa chữa, khắc phục được. Hiếu dâm, mà lại hiếu dâm ở chế độ đa thê, là bản tính thuộc về bẩm chất, làm sao chữa được! Vì hoang dâm, bao tên vua đã làm tan nát cơ đồ, nước mất, dân nô lệ ngoại bang, hoặc ít ra cũng khiến triều đình rối loạn. Lê Tương Dực đời Lê là một ví dụ điển hình. Vả lại, Dục Đức còn có nguy cơ mù loà! Mặc dù đây là hạn chế, khuyết tật ngoài ý muốn, nhưng làm sao đọc tấu, sớ, làm sao phê duyệt, làm sao biết thực trạng dân tình? Nguy cơ mù loà, rồi sẽ chỉ dẫn cả dân tộc vào vòng tăm tối, để bọn tay chân lèo lái Đất nước vào vực xoáy bi thảm! Và không thể không loại trừ tên tội phạm Trần Tiễn Thành, vốn chủ “hoà”, về sau lại thân Pháp, “tả đạo”, và nhất là để Bộ Binh trì trệ, lạc hậu trong thời đoạn Đất nước bị ngoại xâm, hơn lúc nào hết phải chú trọng tối đa đến binh lực!

      Hai đại thần chủ chiến đã thấy rõ việc truất phế Dục Đức (Ưng Chân) và răn đe Trần Tiễn Thành cố nhiên sẽ ít nhiều tạo nên chấn động trong triều, ngoài tỉnh, trong lúc Pháp đang tăng cường binh lực để đánh chiếm Bắc Kì là không nên. Nhưng thà chấp nhận một chút chấn động, rồi sẽ lại nhanh chóng ổn định, còn hơn chấp nhận tình trạng Dục Đức mãi ngồi trên ngai vàng, nắm quyền lực tối thượng trong tay để buộc triều thần, quan quân cùng nhân dân phải thực thi chính kiến chủ “hoà”, thân Pháp (thực chất là đầu hàng giặc xâm lược), và bọn tay chân tha hồ thao túng, lũng đoạn theo ý đồ cuả thực dân viễn chinh, cố đạo Pháp.

      Thực chất sâu xa vụ truất phế này là do việc bọn tay chân (trong đó có giáo sĩ Nguyễn Hưu Cư) được tự do tùy tiện ra vào cung cấm, tham dự vào việc cơ mật bên cạnh vua, còn cận kề hơn cả Viện Cơ mật – Thương bạc phía sau Tả vu Điện Cần Chánh! Nếu Pháp không mua chuộc, lợi dụng Ưng Chân (Dục Đức) và Ưng Chân nhất quyết không đồng thuận, làm gì có việc phế lập ấy! Rõ ràng Pháp đã tấn công vào triều đình bằng sự đầu cơ chính trị, bằng gián điệp, Pháp muốn nắm lấy ngai vàng bằng bàn tay bọn tay chân, trong đó có linh mục Nguyễn Hữu Cư!

      Do đó, hai đại thần không thể không hành động quyết liệt, táo bạo.

      Đó cũng là chí của tiên đế Tự Đức, vì xã tắc, và cũng vì vụ Hồng Bảo mấy chục năm trước (theo ẩn ý trong di chiếu, di chúc, cần phải làm rõ cho vua Tự Đức).

      Nhìn chung, vụ phế lập đã được Từ Dũ thái hoàng thái hậu cùng triều thần hoàng tộc ủng hộ, trong hạn chế nhất định của ý hệ bảo hoàng, hạn chế của cơ chế truyền ngôi phong kiến.

 

      2

 

      Việc tang lễ vua Tự Đức vẫn được tiến hành một cách nghiêm túc, trang trọng. Trong kinh, ngoài tỉnh đều để tang tiên đế theo lệ định, có châm chước, chiểu theo tình hình chiến sự (14).

     Vị quan đã về hưu, Trần Đình Túc, xin vào bái lạy chịu tang, lúc làm lễ thành phục tại chính Điện Kiền thành (15).

     Theo thông lệ, nhiều vị quan tại triều và các tỉnh đều được thăng chức hàm trong dịp tấn tôn vua mới, Hồng Dật lấy niên hiệu Hiệp Hoà. Quản lí sự vụ Bộ Binh Trần Tiễn Thành được thăng thụ thái bảo, Cần Chính điện đại học sĩ. Nguyễn Văn Tường với chức hàm và tước dưới triều Tự Đức đã là phụ chính đại thần, thái tử thái phó, hiệp biện đại học sĩ, lãnh thượng thư Bộ Hộ, danh tước Kì Vĩ bá, nay được thăng thụ Văn Minh điện đại học sĩ, tấn phong Kì Vĩ hầu. Lãnh thượng thư Bộ Binh, Vệ chính nam Tôn Thất Thuyết: Điện tiền tướng quân, hiệp biện đại học sĩ, tấn phong Vệ chính bá… Tất cả đến mấy chục vị được thăng thưởng, trong đó, có thượng thư Bộ Lại Nguyễn Trọng Hợp, Sử quán toản tu, nhà thơ tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, phủ doãn Thừa Thiên, nhà viết tuồng Đào Tiến (Tấn) (16)…

     Việc phòng thủ càng được chú trọng. Ở Quảng Nam, tuần phủ Đặng Đức Địch tâu xin tăng cường phòng thủ. Viện Cơ mật cho là đường sông tỉnh ấy với tỉnh thành hơi xa, vả lại chống đánh quân binh nước Pháp, vì chúng có vũ khí công phá mạnh,  “không nên toàn trông cậy vào đồn luỹ” (17) , và trong chừng mức vừa đủ, tránh phiền nhọc dân,  “việc đoàn kết hương dũng, dự dồn [:chuẩn bị tập trung] võ sinh” (17) là việc nên làm. Sau đó, hai viên tướng dũng là đề đốc Bắc Ninh Trần Xuân Soạn, thương biện Thanh Hoá Trương Văn Đễ liền cho triệu về kinh, để lo phòng thủ khẩn cấp (18). Một ngàn rưỡi (1.500) quân [Quảng] Ngãi – [Bình] Định và Nghệ An được điều về kinh đô (19). Hữu quân đô thống phủ chưởng phủ sự, Kiên dũng nam Lê Sỹ được sung chức phó sứ Hải phòng cửa biển Thuận An (20).

      Lúc này, công việc ở Viện Cơ mật hầu như chỉ do hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết quản nhiệm. “Phụ chính đại thần là Trần Tiễn Thành vì tật cũ lại phát ra (hai chân đau buốt khó đi)” (21), từ tháng bảy, “đã xin miễn cho không phải vào chầu, [được] lưu ở công đường làm việc” (21). Hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết tâu lên vua Hiệp Hoà:

      “Phái viên nước Pháp từ sau trận Cầu Giấy, không ra đánh một trận nào. Quân ta thắng trận mà không thừa thế tiến đánh, lại vội rút lui, hơn một tuần không tiến đánh. Đó là quan quân thứ để cho giặc có thì giờ, thực là thất cơ lắm. Xin nghiêm sức cho quan quân thứ chia đường tiến đánh, cho chúng không dám mưu toan việc khác” (22) .

      Tất nhiên, vua Hiệp Hoà phải nghe theo, một phần vì nể nang hai quan phụ chính, một phần do khí thế tiến công đánh Pháp ở các quân thứ Bắc Kì đang lên cao. Thật sự, lúc này, người ta chưa biết rõ chính kiến vua Hiệp Hoà có thay đổi hay không!

      Bấy giờ,  “… quân tỉnh [Nam Định] chưa về [đội] ngũ hết, [mâu thuẫn] lương – giáo còn phải ngăn ngừa, cấm trấp… […]… vỗ yên nhân dân, trấn áp giặc người Kinh, hoặc chia ra từng đạo đánh [Pháp] gấp, hoặc cùng với Sơn Tây, Bắc Ninh hẹn ngày cùng đánh giặc [Pháp], há chẳng chia được thế giặc ư?…” (23)

      Hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết lại tâu:

      “Ta cùng với nước Pháp, mạnh yếu khác nhau, cho nên trước thì ba (03) tỉnh, sau rồi sáu (06) tỉnh Nam Kì đã bị chúng chiếm cứ. Vừa rồi, đến Bắc Kì lấy bốn (04) tỉnh rồi lại trả liền, nay lại lấy Nam Định, Hà Nội mà chiếm cứ. Hoà ước rõ ràng, mà chúng dám coi thường như thế, thì hoà ước cũng không đủ cậy. Ta đã chịu khuất, không dám tranh đua sức mạnh, mà chúng cũng chưa từng thương kẻ yếu. Tuy thông sang Vân Nam, là nguyện vọng của chúng, nhưng việc mượn đường chưa chắc là thực cả. (Vừa rồi nghe tin nhật báo: nói muốn đến Thuận An bắt hiếp phải hoà). Đấy là do một vài kẻ [thực dân] cầu công, nguyên không phải do [Quốc hội] nước ấy cùng bàn, mà ta chỉ lần chần nhát yếu, không dám làm gì, dần dần đến cái thế không thể làm được. Nay nhờ tiên đế đưa thư cho nước Thanh nói rõ nghĩa lớn, Lý Hồng Chương trù lượng phái quân sang, làm thanh thế cứu ứng ở xa, cho nên chúng chưa thể nuốt được. Nhưng hiện nay thế thành ra cưỡi hổ, tên đã ở cung, nếu không đánh tan sào huyệt, thì chúng có thì giờ mưu tính, không những yêu sách nhiều cách. Lý Hồng Chương ngại về điều đình, mà [quân Pháp] đến cửa Thuận An bắt hiếp phải hoà, ta cũng khó giành được phần thắng.

        Xin lại giáng dụ nghiêm sức các quan quân thứ chia quân tiến đánh, cho chúng nhọc về phòng bị, không có thì giờ mưu tính việc khác, thì ta mới giữ vững để đợi nước Thanh xử trí”.

        Vua bảo rằng trí khôn mọi người đã định, việc thành là ở quả quyết, tạm nghe theo” (24) .

      Hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, một lần nữa xác định tình thế, thế thành ra cưỡi hổ, tên đã ở cung! Không thể không lấy tấn công làm phòng thủ. Hơn nữa, qua thông tin hằng ngày từ các quân thứ, từ nhật báo, hai đại thần biết rõ âm mưu của Pháp: Pháp định tấn công vào cửa biển Thuận An, bấy giờ ta cũng khó giành được phần thắng trước hoả lực của Pháp, và Pháp sẽ bắt ức ta phải chịu “hoà”, tức là nhân nhượng, chấp nhận chúng “bảo hộ”! Trong khi đó, thực tế ngoại giao Trung – Pháp là không có kết quả như mong muốn, nhưng vẫn không phải nước Thanh không thể giữ vai trò xử trí cuộc chiến đang nổ giữa Pháp và Đại Nam.

      Do đó, không thể không lấy tấn công làm phòng thủ. Muốn triệt tiêu kế hoạch đánh Thuận An của Pháp, không còn cách nào khác là tấn công binh lực Pháp đang trú đóng tại Bắc Kì.

      Thành Hải Dương hiện gần đường sông, rất dễ bị tàu binh của Pháp tấn công. Do đó, có lệnh dời về trấn cũ ở xã Phúc Cầu, huyện Đường An.

      Đồng thời, theo đề nghị của hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, vua Hiệp Hoà có mật dụ quở trách thống đốc Hoàng Tá Viêm và tổng đốc Bắc Ninh  Trương Quang Đản, với nội dung động viên tấn công giặc Pháp là chính. Mật dụ trách thống đốc họ Hoàng  “tạm bợ dùng dằng, cho giặc có thì giờ” (25), “quân thứ Nam Định có bao nhiêu, mà còn dám khiêu chiến với chúng?” (25) , và trách tổng đốc họ Trương  “đã đảm đương một đạo quân, há không đáng tự bày mưu kế, thế mà không biết một lòng cùng lo để báo ơn nước, mà đều tự chia ra không từng tiến đánh” (25) , để rồi thúc giục:

       “Việc đánh trận lấy mưu mà thắng, [việc] lo nghĩ lấy nhất định làm mạnh. Nay quân đã mộ thêm rồi, quân các doanh đã đến thêm rồi. Thế trận đã thành, người họp đã đông. [Như thế] không phải là không thừa cơ được, cũng quyết không có lí giữa chừng lại bỏ! Nay cho Hoàng Tá Viêm lập tức cổ động tướng biền, hẹn cùng các quân thứ, hoặc chia đường tiến đánh, hoặc hợp sức đánh mạnh, hạn trong một tháng, đem các sở thương chính ở Hà Nội, Nam Định san bằng tất cả, hoặc có mưu kế gì có thể đánh cho chóng xong, cũng cho tâu lên đợi chỉ quyết định. Nếu còn kéo dài ngày để quân lính mỏi mệt thì quân luật rất nghiêm…” (25) .

      Đó là tinh thần:  “Thế cưỡi hổ đã thành. Ta không tính chúng, chúng cũng tính ta, tính trước được thì thắng. Nên cùng lòng hợp sức tính ngay, khỏi đến nỗi đắp núi còn thiếu một sọt đất” (26) , trong những ngày cuối đời của vua Tự Đức!

      Khí thế hào hùng, lấy tấn công làm phòng thủ, dâng lên rất cao ở triều đình và các quân thứ tại Bắc Kì!

 

Hết tệp 7 (phân đoạn 1, truyện kí thứ 10)

 

Khởi viết truyện thứ mười này vào lúc khoảng 07 giờ

ngày 01.01.2003.

Viết đến dòng chữ này lúc 18 giờ 05 phút,

ngày mùng 04.01.2003 (02.12 Nh. ngọ HB.3)

tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), tập 35, bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., Hà Nội, 1976, tr. 198.

 

(2) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 231; Nguyễn Đắc Xuân (biên soạn), Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành (PCĐT. Tr.TTh.), (trong đó có in lại bài viết của Đào Duy Anh trên Tập san Những người bạn cố đô Huế [Bulletin des amis du vieux Huế (BAVH.), linh mục Pháp Cadière làm chủ bút, số 4 – 6/ 1944]), Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr. 71 – 72.

 

(3) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 206.

 

(4) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 197.

 

(5) Các báo cáo khoa học (CBCKH.), bài của Trần Viết Ngạc, Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế, 02.07.2002., tr. 44; Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (VNSL.), Nxb. Tân Việt, bản 1964, tr. 566; Aldophe Delvaux, BAVH., số 1, 1941.

 

(6) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 199 – 202.

 

(7) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 147.

 

(8) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 139.

 

(9) Yoshiharu Tsuboi (dẫn theo Bùi Quang Tung), Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (NĐNĐDVP. & TH.), bản dịch Nguyễn Đình Đầu và nhóm cộng tác viên, UB.KHXH. TU. Tp.HCM. xb., 1993, tr. 157 – 158…

 

(10) ĐNTL.CB., tập 26, 1972, sđd., dẫn theo NĐNĐDVP. & TH., UB.KHXH. TU. Tp.HCM. xb., 1993, sđd., tr. 157 – 158.

 

(11) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 205 – 209.

 

(12) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 210.

 

(13) ĐNTL.CB., tập 36, 1976, sđd., tr. 184 – 185.

 

(14) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 209.

 

(15) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 209.

 

(16) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 211 – 213.

 

(17) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 210.

 

(18) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 210.

 

(19) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 210 – 211.

 

(20) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 211.

 

(21) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 240.

 

(22) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 213 – 214.

 

(23) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 214.

 

(24) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 214 – 215.

 

(25) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 217 – 218.

 

(26) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 197.

 

Chú thích xong lúc 11 giờ 17 phút,

ngày 15.01.2003

(15.01 Q. mùi, năm thứ hai công nguyên Hòa Bình [:HB.3]) .

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

Hết tệp 7

(phân đoạn 1)

 

Xin xem tiếp tệp 8

(phân đoạn 2), truyện kí 10

Trở về trang chủ

Cập nhật: 07/01/09

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7