k. Trần Xuân An - Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Tệp 11 / tập I

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

07/01/09

                               

  

Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

 

Trần Xuân An,

nội hậu duệ thế hệ thứ năm.

 

 

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

Xem:

Tạp chí điện tử Giao Điểm tháng 11-2005:          

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm

Blogger (Google) tháng 12-2005

http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/

   & các trang tiếp theo: … 2a … 2b … 2c …

 

 

 

 

TỆP 11

phân đoạn 1

truyện kí thứ sáu

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

VỚI NGỌN BÚT, THANH GƯƠM,

RA BẮC TIỄU PHỈ

 

Truyện kí thứ sáu

(phân đoạn 1)

 

     

      1

      Ba đạo binh hùng hậu với đầy đủ khí giới và các loại trang bị khác đứng theo đội ngũ trên khoảng đất rộng trước cửa Ngọ Môn, phía sau đài cột cờ hoành tráng của kinh thành Huế. Doanh Vũ Lâm đứng đối diện với vệ Tuyển Phong. Quân Trung Bảo chia làm hai cánh, cũng đối diện nhau, đứng sát luỹ thành xây bằng gạch, cao đến mấy trượng.

      Phía trước cầu Kim Thuỷ, một hương án được bày sẵn, khói trầm bay nghi ngút. Các văn võ đại thần đều mang triều phục đứng hai bên. Sắp hàng nối theo, cũng trước hương án, là các tướng lĩnh, tham tá của ba đạo quân sắp hành quân ra Bắc. Đoàn Thọ hiện là thự đô thống chưởng phủ sự Phủ Đô thống Trung quân, ông đang được sung làm bình khấu tướng quân, cầm quyền tiết chế cả ba đạo quân. Trong giờ khắc làm lễ xuất quân này, Đoàn Thọ đọc lời tuyên thệ và quyết tâm chiến thắng. Giọng An Giang vang lên trong không khí trang nghiêm sau hồi trống hào hùng. Sau đó, Trần Tiễn Thành được cử bước ra, cùng với một thị vệ, vâng lệnh vua rót ngự tửu trao tận tay từng tướng tá một.

1.      Thự đô thống chưởng phủ sự Phủ Đô thống Trung quân Đoàn Thọ: bình khấu tướng quân.

2.      Tả quân đô thống Nguyễn Hiên: thảo nghịch tả tướng quân.

3.      Thượng thư Bộ Binh lãnh tuần phủ Nam – Ngãi Phan Khắc Thận: thảo nghịch hữu tướng quân.

4.      Phó đô ngự sử Viện Đô sát Lê Bá Thận: chính đạo tham tán đại thần.

5.      Tả tham tri Bộ Hộ Hoàng Văn Tuyển: tả đạo tham tán đại thần.

6.      Chưởng vệ quyền chưởng doanh Hổ oai Trương Phúc Lý: hữu đạo tham tán đại thần.

7.      Thị lang sung biện Các vụ Nguyễn Hữu Điềm: tán lí quân thứ.

8.      Bang biện khâm phái huyện vụ Thành Hoá Nguyễn Văn Tường: tán tương quân thứ.

9.      Chỉ huy sứ Nguyễn Văn Hùng: phó đề đốc.

10. Phó vệ uý Trần Văn Hùng: lãnh binh quan Lạng Sơn (1).

      Ở vị trí thứ tư của hàng bên tả, bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường, nay sung làm tán tương quân thứ đạo quân chính, nhận chén rượu từ tay Trần Tiễn Thành, ngửa cổ dốc cạn.

      Mỗi tướng tá và quân binh trước đó cũng đã được vua Tự Đức tặng thưởng theo cấp bậc (1).

      Lệnh xuất phát đã vang lớn với tiếng trống quân hành thôi thúc.

      Đó là một buổi sáng thượng tuần tháng bảy nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ hai mươi mốt, Mậu thìn (1868).

      Cùng với đại tướng quân Đoàn Thọ, hai tả hữu tướng quân Nguyễn Hiên, Phan Khắc Thận và chính đạo tham tán đại thần Lê Bá Thận, tán tương quân thứ chính đạo Nguyễn Văn Tường dẫn đầu đoàn quân tiến ra Bắc. Đó là lần xuất binh ngay tại kinh đô với khí thế và lực lượng hùng hậu nhất, kể từ năm Nhâm tuất (1862). Đạo quân chính trong đội hình tiên phong sẽ tiến ra Lạng Sơn và cùng với đại bản doanh thống lĩnh tiết chế cả ba đạo đóng tại đó. Kế tiếp trên đường hành quân là đạo quân cánh tả. Bản doanh đạo quân này sẽ đặt tại tỉnh Thái Nguyên. Đạo quân đang rầm rập tiến ra sau cùng, cánh hữu, sẽ hạ trại chỉ huy tại tỉnh Tuyên Quang.

      Trên đường hành quân, ba đạo quân sẽ được bổ sung quân bộ binh và tượng binh của các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Sơn Tây, Hưng Yên (1).

      Tán tương Nguyễn Văn Tường điều khiển cương ngựa với tốc độ giữ nguyên đội hình hành quân. Ông đã vận binh phục, nai nịt gọn gàng, thay vì trang phục quan văn xưa nay. Phía sau lưng ông là một thanh gươm mang chéo, chuôi gỗ đen bóng với tua ngũ sắc nhô lên quá ngù vai trái lấp lánh màu đồng. Bên hông, treo một ống tre sơn đỏ đựng nghiên bút. Là quan văn đến lúc phải cầm thanh gươm tán tương quân thứ, ông làm chức năng tham mưu cho các tướng tá võ quan. Hơn nữa, trong cuộc phối hợp với quân nhà Thanh Trung Quốc để tiễu phỉ, ông vẫn còn phải mang theo những ngọn bút, thỏi mực để đàm thoại, bàn việc quân trên giấy với họ.

      Trong không khí hùng tráng của ngày xuất quân đầu tiên, tán tương Nguyễn Văn Tường vẫn cảm nhận rõ: Tổ quốc còn gánh nặng nỗi nhục bị cướp mất một phần Đất nước phía Nam, còn trĩu oằn nỗi đau bị xâm chiếm, quấy phá, bởi bọn phỉ Tàu và bởi sự câu kết để phản loạn ở các tỉnh phía Bắc! Trong trái tim ông bỗng nhiên như khẽ vang lên những câu thơ:

“Khứ tuế Gia Định nam

Kim niên Lạng Sơn bắc

Tây nhân kí chỉnh cư

Ngô đoàn diệc khổng cức…” (2)

Năm ngoái Gia Định nam

Năm nay Lạng Sơn bắc

Tây chễm chệ cướp đất

Gai góc giặc Cờ bươn…

 

“Tận diệt bỉ cừ khôi

Vô ô ngã viên bức

Dị loại tuyệt tanh chiên

Lưỡng kì đồng quách thức…” (2)

Diệt sạch lũ cầm đầu

Khỏi ô uế Đất nước

Tiệt cừu tanh khác loài

Cùng một mối Nam Bắc…

      Tán tương Nguyễn Văn Tường, cũng như tướng tá binh lính của ông, không ai không hiểu hai kẻ thù, hai lũ giặc ở hai đầu Đất nước, xét tận sâu xa, cũng chỉ là một. Phía nam, kẻ thù phơi bày trắng trợn bộ mặt thật: thực dân Pháp. Phía bắc, tàn quân Thái bình thiên quốc biến chất thành phỉ và bọn người Việt câu kết với chúng để cướp phá, chống triều đình và làm nội phản thực chất cũng là tay sai, bán linh hồn cho bạch quỷ: thực dân Âu Mỹ, trong đó, vai trò giựt dây chủ yếu vẫn là Pháp, Anh (3) và các tên gián điệp xâm lược đội lốt cố đạo!

      Tổ quốc, tả hữu Trung kì và lưỡng kì Nam Bắc, hay Đàng Trong cùng Đàng Ngoài, phải liền một dải non sông Nam – Bắc! Đó là điều hiển nhiên bao năm nay, bây giờ lại trở thành một niềm khát vọng. Và để đạt được khát vọng ấy, không còn cách nào khác, phải bằng gươm súng, máu xương!

      Đầu tháng bảy, bắt đầu vào mùa thu, tán tương Nguyễn Văn Tường vẫn nghĩ ngợi, thầm viết trong đầu những câu thơ, trong khi cùng các tướng tá và quân lính hành quân dưới ánh nắng vẫn đang chói rực.

 

      2

      Sau gần bốn tháng kể từ ngày làm lễ xuất quân, tán tương Nguyễn Văn Tường rất vui mừng và cũng rất băn khoăn đón tiếp Vũ Trọng Bình tại đại bản doanh đóng ở thành Lạng Sơn (4). Sau chuyến đi đường dài, trông nguyên thượng thư Bộ Lại có vẻ hơi mỏi mệt và già hẳn.

      Cơm nước xong, ngủ một giấc ngắn, chừng như trông ông khoẻ và trẻ lại với nụ cười tươi tắn bên bình trà mạn. Nguyễn Văn Tường mải nghiên cứu địa hình các tỉnh biên giới và các tỉnh phía bắc sông Hồng, chú ý nhất vào hai tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, nghiên cứu lại mấy lá thư công vụ của tướng nhà Thanh Phùng Tử Tài, ông quên bẵng cả giấc nghỉ trưa (5). Lúc này, rời khỏi những tấm bản đồ, ngồi đối diện với Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường muốn hỏi chuyện ông, vị quan vừa mới rời kinh đô ra chốn hẻo lánh nhưng đầy rẫy sào huyệt của đủ loại phỉ là đây. Nhấp một ngụm trà, quan tán tương nói:

      - Bẩm quan khâm sai đại thần, chắc quan lớn còn mỏi mệt vì chuyến đi đường dài?

      - Không, khoẻ hẳn rồi. Quan tán tương ra đây đã nhiều tháng, chiến trận liên miên, chắc nhớ kinh đô và quê nhà Quảng Trị lắm?

      - Vâng, cũng không thể không nhớ! Ở kinh đô chắc có nhiều sự việc khác trước? Hình như, nghe nói là lẽ ra, thay vì quan khâm sai, thượng thư Bộ Công Trần Tiễn Thành ra đây làm chiêu thảo sứ mới đúng ý vua (4)?

      - Đúng, hồi tháng chín vừa rồi, sau thời điểm triều đình nhận được công văn Phủ Thái Bình nước Thanh thông báo sẽ cùng hội quân đánh giặc Ngô Côn (5), khoảng vài chục ngày, quả thật là vua có ý ấy. Tuy vậy, cũng có thể vua chỉ muốn thăm dò ý đình thần mà thôi, nhưng đình thần ở triều lúc này nghiêng về cánh “hoà”, lại cho rằng chưa nên sai phái. Sau đó một tháng, mình phải nhận thực thụ hàm tổng đốc Hà – Ninh, đồng thời sung khâm sai đại thần với chức trách tham mưu, đốc suất ba quân thứ Tuyên – Thái – Lạng. – Quan khâm sai cười buồn –. Ra đây là nhiệm vụ, từ nan gì! Vả lại, mình trước đây đã từng làm tổng đốc Ninh – Thái, kinh lược Lạng – Bằng, địa thế, tình hình bọn phỉ ở xứ này mình biết quá rõ… Nhưng ở triều, nay chỉ còn một Nguyễn Tri Phương, đã hơi già yếu rồi. Nói thẳng ra, cánh mình đã phải lép!      

      Tán tương Nguyễn Văn Tường im lặng, băn khoăn, nhưng vẫn bày tỏ sự chia sẻ với nhận định của khâm sai Vũ Trọng Bình. Trước đây khá lâu, một lần ông và Nguyễn Quýnh, rồi  một lần khác, ông với vị quan họ Vũ, đều đã thấy sự thể sẽ như vậy.

      - Quan khâm sai có nghe tin tổng đốc Bình – Phú Thân Văn Nhiếp sẽ về triều chứ? – Nguyễn Văn Tường thử hỏi, nhưng trong lòng đã thầm nghĩ câu trả lời sẽ là “không” –.

      - Ồ, Thân Văn Nhiếp lại vừa dâng sớ thiết trách đức vua. Đó là một bản sớ cực kì hay và dũng cảm. Mình còn nhớ vài câu, thấy cũng tâm đắc lắm: “Đất cũ [phía Nam] bị mất, giặc phương Bắc tràn lan. Lụt, hạn, nạn bão, cáo cấp khắp nơi. Của hết, sức kiệt, dân không còn được nhờ để sống. [Do đó] lòng người ở nơi gần kinh kì náo động, các nơi làm loạn, cái thế yên nguy không chỉ trăm mối lo mà thôi. Thế mà gần đây, việc xây dựng, sửa sang liên tiếp, xa xỉ bừa bãi không ngớt. Làm Vạn niên cơ so với lăng Thiên thụ chẳng những gấp mười lần. Này như ngói nung già mua ở Hạ Châu, giày trò chơi mua ở nước Thanh; sa tanh, tủ rượu hàng năm phái đi mua nhiều; đàn Tây, tranh Tây hàng năm có đơn mua hàng; lại còn đi chơi thường đem cung nữ đi chèo thuyền. Đó là những việc từ trước chưa từng có, mà khoảng bốn, năm năm nay thấy luôn. Lại nay lầu ở trong cung vừa mới xong, lầu ở bãi sông tiếp tục xây dựng […]. Hoàng thượng ngày thường mong như vua Văn đế, thế mà […] lấy khổ nhọc người làm thích, lấy việc tốn tiền làm vui, cốt hơn phép trước mà khoe đẹp về sau, muốn chơi xem nhiều như thế để hưởng hết tuổi trời, chớ bảo là có tổn thương, tai hại gì đâu! [Thế] mà không biết lòng ấy đã hoá ra là phiền hoạ dao động, lòng người ta oán, đường sá xôn xao, hầu không thể cứu được. Tôi sợ lòng người tan rã, đến lúc đó dù có gác cao, lầu đẹp, còn thì giờ đâu mà du ngoạn được. Hoàng thượng có nước mà chẳng biết tiếc, tôi đâu dám tiếc chết. Tôi đã nhiều lần tâu nói, chưa được sửa đổi, nay lại xúc phạm những điều kiêng kị, xin tội chết với quan Bộ Hình, để xứng đáng cái tội không biết đem lòng thành làm cảm động vua” (6).

      Vũ Trọng Bình nghẹn ngào không nói gì nữa, Nguyễn Văn Tường cũng xúc động ngồi bóp trán suy nghĩ. Một lúc lâu, ông lại hỏi với giọng khẽ khàng:

      - Vậy đức vua không tỉnh táo lại sao?

      - Đức vua cũng thừa nhận những lời thiết trách ấy đúng với các lỗi đức vua phạm phải. Đức vua nói: “Những điều ngươi thiết trách đều là lỗi của ta, nhưng có cái ngươi chưa hiểu, còn câu nệ ở dấu trước. [Theo dấu trước] thì người làm vua nhất thiết đều phải câu thúc, không được chơi, thưởng chút nào, cử động làm gì là chuốc lấy tội lỗi. Ta nay việc bận, bệnh nhiều, không [đủ rỗi] lòng sức, không dám viện dẫn xa để phân trần, cũng không dám nói gì, chỉ một lòng uất khổ quá lắm mà thôi…”. Tuy nhiên, nhà vua “chỉ mong ở trên là thần minh, dưới là người xét mà tha thứ cho”. Nhà vua lại còn bảo rằng: “Nhưng nếu bó buộc phiền toái quá thì thân này không chịu nổi, còn sức đâu mà có thể cùng nhau làm việc. Đậy nắp quan tài thì tâm tích người hay, người dở tự khắc định được, đâu phải đợi nói. Nhưng kẻ làm tôi thường cần phải nói, để vua nghe biết điều lỗi mới phải. Riêng lòng ta tự có nắm vững, không dám sai trái, chỉ có quỷ thần biết thôi…” (6).

      Cả hai người đều ngồi lặng yên suy nghĩ. Bình trà đã nguội ngắt, họ cũng chẳng bảo người lính hầu cận châm nước, thay trà. Nguyễn Văn Tường cũng đã có lần nói, vua Tự Đức chỉ là một vị vua thủ thành, không phải là vị vua sáng nghiệp. Vua thủ thành sinh ra, lớn lên trong nhung lụa, quyền lực, làm sao chịu nổi cảnh nằm gai nếm mật, làm sao hiểu nỗi khổ nhân dân. Giữa ý thức, tấm lòng hướng thiện với thực tế hành xử có một khoảng cách không vượt được, là do thể chất ốm yếu và do chưa luyện tập được khả năng bền bỉ chịu đựng gian khổ, đói rét trong làng thôn hẻo lánh, rẻo cao xa xôi, hoang rậm, trong việc thực sự lao vào trận mạc. Nhưng, biết làm thế nào được! Ông cũng bao lần than thở như thế, dù chỉ giấu kín trong lòng mình!

      - Tôi nghĩ, nhà vua đã chân thành và cũng dũng cảm tự nhận lỗi như thế, đó là một điều cũng hết sức quý hiếm của vua Tự Đức. Vị vua khác đọc thấy thế, hẳn đùng đùng nổi cơn lôi đình, chiếc đầu rất bản lĩnh của tổng đốc Thân Văn Nhiếp chắc không còn. Đó là một đức tính của đức vua, ta phải thừa nhận. Nhưng giá như đức vua có thêm ưu điểm nữa là biết dùng người đủ sức chịu đựng gian khổ thay vua, thấu hiểu lòng dân giúp vua. Vấn đề là nhà vua chịu nghe lời can ngăn, lời tâu việc của các quan. Hơn nữa, khi kháng chiến, cho dẫu phải lên chốn rừng sâu nước độc, phải bôn tẩu nơi sóng to biển lớn, bậc đế vương vẫn có thể đủ cao lương mĩ vị, rượu ngon, nhạc ngọt. Và nếu ở kinh đô, đế vương vẫn rất đế vương mà dứt khoát không xây dựng Vạn niên cơ, dứt khoát không xây dựng hành cung thì cũng không làm chướng tai gai mắt dân, không đến nỗi làm khổ dân. Tuy nhiên, nói là nói thế…

      - Đúng, quan tán tương nói đúng. Nhưng khổ nỗi là người thế nào thì tai nghe như vậy. Xin phạm thượng nói là vua chỉ chịu nghe những kẻ như Trần Tiễn Thành thôi!

      - Thật chí lí là người thế nào thì tai nghe như vậy. Nhưng tôi vẫn ước ao một điều hơi mâu thuẫn với câu vua thế nào thì chọn quan đại thần như vậy, ấy là: Nếu như đình thần và Cơ mật viện đều là người đã từng nằm gai nếm mật và sẵn sàng nằm gai nếm mật, thì vẫn giúp vua được. – Quan tán tương Nguyễn Văn Tường ngẫm nghĩ, lại nói. – Tình hình các nước da vàng máu đỏ quanh ta như Trung Quốc, Xiêm, Triều Tiên, Nhật, Ấn, Mã Lai… cũng đang khốn đốn (7). Ở các nước đó, chẳng lẽ hoàng đế của họ đều bình thường đến mức tầm thường, không đảm đương nổi việc giữ nước?…

      Theo mạch chuyện, tán tương Nguyễn Văn Tường chợt nhớ mẩu chuyện về biến động của triều đình Nhật Bản với phái Thiên hoàng và phái Mạc Phủ suốt hai năm qua, từ cuối năm Bính dần (12.1866) đến cuối năm Đinh mão (01.1868), tức là từ sau cái chết đột ngột của cựu thiên hoàng, hoàng tử mới mười mấy tuổi lên ngôi, đến khi lật đổ hoàn toàn Mạc Phủ (8). Mạc Phủ, đó là một thế lực kìm kẹp cánh Thiên hoàng suốt hai trăm năm mươi năm, kiểu phủ chúa thu tóm hết mọi quyền hành, ngân sách, kìm kẹp triều vua bù nhìn, oèo uột như thân phận con sâu xanh trong tổ tò vò… Mạc Phủ bị lật đổ, chú bé mười mấy tuổi lên ngôi lấy hiệu Minh Trị thiên hoàng. Minh Trị thiên hoàng được các đại thần phù giúp, bắt đầu canh tân đất nước Nhật… Canh tân bằng cách nối tiếp “phong trào Hà Lan học”, học tập theo Phương Tây về khoa học tự nhiên, về công nghệ với phương châm “Đông vi thể, Tây vi dụng”, và bằng cách chuẩn bị “chinh Hàn”, đi xâm lược Triều Tiên để bóc lột tài lực, nhân lực một cách tàn ác (8)…

      Hai người đành phải bỏ lửng câu chuyện, khi trông thấy tướng quân thống lĩnh Đoàn Thọ, những vị quan cùng lính hầu cận phóng ngựa trở về, và cũng vì vấn đề trong cuộc chuyện trò rất nan giải! Ngoài trời nắng đã ngả chiều, gió miền cao se lạnh, các vị quan mới bước vào đều mặc thêm tấm áo ấm vua Tự Đức mới gửi ra ban cho tướng tá và quân lính trong tháng tám vừa qua (9) khi phi ngựa đi thám sát. Tán tương Nguyễn Văn Tường chợt nghĩ, giá như nhà vua đừng xây Vạn niên cơ, đừng rình rang thị nữ chèo thuyền mỗi lần du ngoạn thư giãn, đừng mua sắm đồ xa xỉ tốn kém, có lẽ còn ấm lòng nhân dân chốn hẻo lánh, tối tăm, và chắc chắn sẽ ấm lòng quân tướng nơi biên tái hơn vạn lần.

      Đêm ấy, sau một bữa cơm thân mật nhưng vẫn hơi kham khổ ở miền núi, với vài chén rượu chúc mừng ngày gặp mặt của các tướng tá, Vũ Trọng Bình lại được các quan hỏi chuyện ở kinh đô. Ông kể:

      - Thật ra đây cũng có thể xem là chuyện cơ mật nhưng nghĩ lại chẳng có ai đây để giấu giếm. Hơn nữa, sắp tới hẳn sẽ có thông tư mật được triều đình gửi tới các quân thứ để nắm rõ tình hình lương – giáo ở thời điểm này.

      - Lương – giáo trong ấy vẫn còn căng thẳng lắm sao? Quan lớn có thể nói rõ hơn. Tôi ngỡ chỉ ngoài này… – Đại tướng quân Đoàn Thọ nhìn vào gương mặt Vũ Trọng Bình, cất tiếng hỏi –.

      - Trường hợp này hơi lạ, còn nói chung vẫn thế. Ngay mấy ngày cuối cùng trước khi mình từ giã Tả vu điện Cần Chánh, Cơ mật viện và đình thần có họp bàn về tập bản sớ của một tên giáo dân Ninh Bình. Y là người Yên Mô thuộc tỉnh Ninh Bình. Triều thần đã cho lục lại hồ sơ về y, và thế mới biết y là một trong những tên “đầu sỏ trong đám dân đạo, từng đã [quấy rối] để hoạ từ trước” (10). Tập sớ ấy cũng có nhiều điểm là lạ. Điểm lạ nhất cũng như ở tên giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ, đó là nhờ người Anh giúp ta chống Pháp! Mình chỉ nhớ đại lược thế này: “Đặt doanh điền; khai mỏ vàng; đóng tàu thuỷ; triệu người Phương Tây đến; nhờ người Anh giúp đỡ chống Pháp; lập ti bình chuẩn [:giữ việc buôn bán] ở các nước để lưu thông bài hoá; bỏ cấm binh thư, binh pháp để được giảng tập; binh sĩ cho chuyên tập bắn, bớt làm việc, tăng lương, để chuyên cần duyệt tập; khi lâm sự, hậu thưởng phẩm trật; khi bị chết, xét dùng con cháu; khi bị thương tật, cấp dưỡng suốt đời” (10). Hôm đình thần xét bàn về tập tâu của y, mình có tham dự, còn nhớ rõ kết luận thế này: “… [Quá khứ hắn như thế] cho nên lời nói hình như phần nhiều là [để] nhòm biết, thử thăm dò [triều đình]. Nhưng xét kĩ tâm tích hắn, cũng chẳng qua muốn theo đạo giáo [Gia Tô], cho nên xướng ra lời tâu kín ấy. Vả lại, đương lúc dân lương, dân giáo chưa hết nghi kị này, túng sử muốn dùng, [e rằng] chưa hợp thời thế, sợ [trong sĩ dân, quan lại] sinh gièm pha, ngờ vực [triều đình]. Mà trong lòng [hắn] như thế, đối với ta rút cuộc không có lợi ích gì”. Do đó, “vua bèn sai bỏ [tập tâu ấy] đi” (10).

      - Bẩm, quan hiệp biện khâm sai có thể nói rõ hơn một chút? Theo tôi, nếu căn cứ vào lời nghị bàn của đình thần, thì một là, tên giáo dân Đinh Văn Điền này muốn chứng tỏ y có chính nghĩa chống Pháp để tiếp tục được theo đạo Gia Tô, hai là, y muốn triều đình đều theo đạo Gia Tô. Nhưng hẳn là y chẳng dám nói rõ. – Tán tương Nguyễn Văn Tường nói –. Thật ra, mọi kiến nghị của y chẳng có gì mới mẻ. Trong chúng ta, ai chẳng biết phải ra sức học tập công nghệ Phương Tây. Và triều đình cũng đã cử người đi học, nhưng chúng không dạy cho, chẳng học trò nào học thành tài, mặc dù phì tổn là quá lớn. Hơn nữa, tên Đinh Văn Điền này há chẳng biết bọn Anh với bọn Pháp cũng như các nước Âu Mỹ khác đều một giuộc với nhau, liên minh với nhau để xâm lược các nước châu Á Tế Á (Á), châu A Phi Lị Căn (Phi), cả các nước ở phía nam châu Mỹ Lợi Kiên (Nam Mỹ)… Bọn bạch quỷ muốn cô lập ta, khống chế ta, y chẳng rõ sao! Vậy làm sao để mở rộng giao thương ở các nước? Mục đích và cũng là điều kiện trước sau như một của bọn bạch quỷ là chịu bị “bảo hộ” và chấp nhận đạo Gia Tô là quốc giáo. Cả hai điều kiện đều không thể chấp nhận được. Chỉ có bọn vô liêm sỉ, chẳng biết quốc thể (danh dự Tổ quốc) là gì, mới chấp nhận như thế! – Tán tương Nguyễn Văn Tường căm phẫn nói –. Và dẫu bị buộc phải chấp nhận như thế thì cũng như Lữ Tống (Phi Luật Tân), Ấn Độ, Hạ Châu (Mã Lai)… mà thôi. Các nước ấy chỉ bị bóc lột sức người, tài nguyên khoáng sản, và ngu dốt hơn trước, chứ chẳng phải chịu cảnh “cố đấm ăn xôi” mà khá lên đâu! Khách thương các nước đến ta cũng nhiều, phái bộ ta, sứ bộ ta cũng ghé nhiều nơi. Trước đây, năm nào chẳng có thuyền của triều đình ta “đi thăm dò tình hình các nước phương xa” (11)! Ta quá hiểu!

      Các quan tướng tá quân thứ mải chuyện trò, bàn bạc, cho đến khi tiếng điêu đẩu vang lên báo hiệu đổi phiên tuần canh.

      - Hay là tên giáo dân Đinh Văn Điền này muốn thoát khỏi quyền lực của giáo hoàng La Mã như Anh giáo? Anh giáo là một thứ Thiên Chúa giáo (đạo Gia Tô) của nước Anh, độc lập, không có quan hệ với La Mã. Và y cũng muốn thoát khỏi nanh vuốt của Hội Truyền giáo Ba Lê (Paris)?

      - Những tên theo Thiên Chúa giáo (đạo Gia Tô) ở các nước như nước ta, giáo hoàng bạch tạng La Mã bảo gì chúng tuân lệnh răm rắp, đến mức bảo chấp nhận mất nước, làm dân nô lệ, chúng cũng vâng lời! Ngu không thể tưởng được!

      - Tên giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ vẫn như cái đuôi của con chó Ngô Gia Hậu (Gauthier). Chó bị chặt đuôi vẫn còn sống được, nhưng đuôi chó lìa khỏi đít chó thì thối rữa khác gì khúc thịt chết! Nguyễn Trường Tộ đã bao giờ rời khỏi hai tên giám mục Hậu (mgr. Gauthier), Phê Chính Hoà (mgr. Croc) đâu! Nguyễn Trường Tộ như thế, nữa là Đinh Văn Điền!

      - Việc “sát tả” ở nước ta, đâu phải chống dị giáo Tin Lành như vua Phi Líp đệ nhị (Philippe II) của Y Pha Nho và vua Lu Y đệ thập tứ (Louis XIV) của Pháp (12)! Hai hoàng đế Tây Âu ấy giết hại biết bao nhiêu người chỉ vì dị giáo! Ở nước ta, đó là vấn đề giữ nước khỏi bị xâm lược, nô dịch, sùng bái Nhi Nhu (Jésus) mà quên mất tổ tiên, anh hùng dân tộc! Ai chẳng biết những tên cố đạo như giám mục Hậu (Gauthier) (13), giám mục Hoà (Croc)  là thực dân đội lốt tôn giáo, nhất là tên giám mục Phu Nhi Chi (Puginier) ở Kẻ Sở (Hưng Yên), ở Hà Nội!

      - Giá như tên Nguyễn Trường Tộ bỏ hẳn đạo Gia Tô để đứng vào giới Văn thân nho sĩ chúng ta thì hay biết bao nhiêu! Chỉ tiếc là y không chịu bỏ “tả đạo” mà chỉ chấp nhận bỏ tổ tiên, nguồn cội mà thôi! Ta học triết thuyết Khổng Mạnh nhưng đâu có thờ lạy, sùng bái, mê muội như y sùng bái, mê muội Nhi Nhu (Jésus) đâu! Chúng ta vẫn chỉ thờ kính tổ tiên, nguồn cội và anh hùng dân tộc ta, còn lập Khổng miếu là chỉ để tỏ ra biết ơn danh nhân “vạn thế sư biểu” thôi! Hãy xem trên bàn thờ các nhà, từ dân cho đến quan, có bức tượng, tấm tranh nào tạc, vẽ Khổng tử đâu! Chẳng lẽ Nguyễn Trường Tộ chưa hiểu tiểu truyện Nhi Nhu (Jésus) trong Kinh thánh, chẳng lẽ chưa đọc Gia Tô bí lục và những chương về Cảnh giáo (một tên khác của đạo Gia Tô) do Nguyễn Văn Siêu mới viết (14)?

      - Thôi, xin phép các quan! Để bữa khác! Thế nào triều đình cũng có thông tư về tình về lương – giáo. Nhưng nhiệm vụ chính của ba đạo quân binh chúng ta là tiễu phỉ! Phải diệt cho bằng hết bọn phỉ Tàu, phỉ Bắc Kì mới rảnh tay, nhẹ đầu để lo việc lấy lại Nam Kì và làm việc khác được!

      Đêm đã bước sang canh hai. Các tướng tá chia tay nhau đi làm công việc của mình.

      Bước ra cửa, tán tương Nguyễn Văn Tường hít một hơi dài không khí lạnh buốt của miền núi rừng Lạng Sơn. Ông cảm thấy tỉnh táo hẳn. Ông vẫn đang tiếp tục suy nghĩ, tại sao nước Nhật vẫn “sát tả”, rồi cũng ít nhiều xoá bỏ việc cấm đạo Gia Tô, lại học tập được khoa học, công nghệ của Phương Tây, trong khi nước ta lại bị chúng kìm hãm, giấu nghề? Nước Nhật vốn lạc hậu hơn cả Triều Tiên, nghĩa là vốn lạc hậu hơn nước ta. Như thế, nói chung, tình cảnh như ta, thậm chí kém hơn ta về đất đai, khoáng sản, văn hoá, cũng bị bó buộc bởi các “hoà” ước nhục nhã như ta, sao nước Nhật canh tân được đất nước của họ theo khoa học, công nghệ Phương Tây?! Nguyễn Văn Tường cũng đã biết “phong trào Dương vụ”, “Tân chính tự cường” với phương châm “Trung Quốc vi thể, Tây dương vi dụng” được khởi xướng bảy năm trước đây (1961) trong sĩ dân và một số thân vương, đại thần ở nước Thanh (15)… Thể và dụng! Bản thể và vận dụng! Ai chẳng biết tàu thuỷ chạy bằng máy hơi nước, súng liên thanh, đạn công phá là tốt hơn thuyền chèo tay, lưỡi gươm, súng hoả mai bắn mỗi phát mỗi nạp đạn và đạn thần công chỉ là quả cầu sắt, bắn ra, rớt xuống, vẫn im lìm một cục! Phải học khoa học tự nhiên, công nghệ Tây dương, nhưng phải giữ bản thể Việt, nghĩa là giữ cốt cách, tâm hồn, tư tưởng Việt; nói chung là giữ gìn văn hoá Việt! Nhưng vấn đề là làm thế nào để học được ở Tây dương để chống lại sự xâm lược của Tây dương như tổ tiên ta đã học Tàu để đánh thắng Tàu, thắng bất kì triều đại hùng mạnh nào của Tàu! Vấn đề là ở đó: làm cách nào để học được Tây dương học để đánh thắng giặc Tây, giữ vững độc lập cho Tổ quốc?

      Tán tương Nguyễn Văn Tường lại bước vào nhà, khép cửa, đến ngồi ở chiếc ghế sau bàn án thư.

 

      3

      Tháng tư, trời đã bắt đầu bước vào mùa hè. Gần mười tháng rồi tán tương Nguyễn Văn Tường rời khỏi kinh sư, kinh đô Huế và Quảng Trị quê nhà! Năm Tự Đức thứ hai mươi hai, Kỉ tị (1969) này đã qua rồi mùa hoa, để bước sang mùa trái chín. Ông cũng đã đến tuổi bốn mươi sáu! Thế là đã sáu năm trong lứa tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, tuổi không dễ bị mê muội về bất kì điều gì nữa.

      Tán tương Nguyễn Văn Tường mỉm cười nhìn món quà thưởng của vua Tự Đức từ Huế gửi ra. Cùng với các quan ở đại bản doanh và các quân thứ, ông được tặng ba chỉ sâm và một thanh quế hạng tư để chống lam chướng, thêm tráng kiện, cùng một ít tiền vàng chi tiêu.

      Trong những ngày tháng qua, nhất là tháng cuối năm ngoái, trời miền núi đầy sương muối, nước gần đóng băng, lính tráng phát bệnh sốt rét, một số đào ngũ (16), nhưng vẫn có những niềm vui lớn từ những chiến thắng trên các mặt trận biên giới.

      Từ tháng chạp năm ngoái ấy, hiệp biện đại học sĩ lãnh tổng đốc Hà – Ninh, sung khâm sai đại thần Vũ Trọng Bình đã cùng thự đô thống chưởng phủ sự Phủ Đô thống Trung quân, sung bình khấu tướng quân, giữ quyền thống lĩnh tiết chế là Đoàn Thọ và các tướng tá các quân thứ đệ trình vào kinh, dâng lên vua Tự Đức tập tâu với nội dung: vỗ yên (phủ dụ) bọn phỉ, thay vì dồn chúng đến bước đường cùng. Trước khi đi đến quyết định viết tập tâu ấy, trong đại bản doanh đã có những cuộc họp bàn rất gay gắt.

      Có nhiều lần, chính tán tương Nguyễn Văn Tường đã suy nghĩ: Các tướng tá trong các quân thứ và ở đại bản doanh chúng ta ai cũng biết mâu thuẫn giữa Hán tộc với Mãn tộc ở Trung Quốc là rất căng thẳng. Mãn tộc ở phía đông bắc sau khi chiếm lĩnh trung nguyên và toàn cõi Trung Quốc, đã lập nên nhà Thanh. Suốt hơn hai trăm năm nay (1660 – 1868), họ không sử dụng người Hán. Đó là mầm mống sâu xa để bùng nổ cuộc khởi binh Thái bình thiên quốc. Nhưng tiếc thay, ngay từ đầu, Thái bình thiên quốc đã bị Anh, Pháp và các nước Âu Mỹ nói chung lợi dụng để làm suy yếu nhà Thanh. Mưu đồ của bọn Âu Mỹ là sau khi mượn tay Thái bình thiên quốc diệt Thanh, chúng sẽ diệt luôn Thái bình hoặc sẽ khống chế bọn Thái bình ấy. Nếu nhà Thanh mạnh hơn, ngã về phía Âu Mỹ, chúng sẽ quay lại giúp nhà Thanh diệt Thái bình thiên quốc. Âu Mỹ đẩy mạnh được nội chiến, đằng nào Trung Quốc cũng suy yếu. Mười lăm năm (1850 – 1864) nổi dậy phong trào Thái bình thiên quốc, Hồng Tú Toàn và binh tướng kéo quân đánh phá, chiếm lĩnh mười sáu tỉnh, đủ khiến nhà Thanh vốn suy vi từ nha phiến chiến tranh (1842), lại càng suy vi, chỉ còn chút sức tàn, phải đi từ nhân nhượng này đến nhân nhượng khác trước sự xâm lược của Âu Mỹ.– Tán tương Nguyễn văn Tường nghĩ –. Mặc dù các quan chúng ta biết rằng Hán tộc chuyên đi xâm lược, thống trị các nước lân bang, trong đó có cả Mãn Châu quốc, để bành trướng lãnh thổ. Do đó, từ thời Nguyên – Mông, Hán tộc đã một lần bị “Tây nhung”, “Bắc địch” phục hận, đánh chiếm, thống trị, lập nên nhà Nguyên suốt tám mươi chín năm (1279 – 1368). Hai trăm năm gần đây, ấy là lần thứ hai Hán tộc bị thống trị bởi dân tộc khác. Triều Thanh của Mãn tộc thống trị Hán tộc, nên Hán tộc nổi dậy lập nên Thái bình thiên quốc là đúng, là chính nghĩa. Nhưng tiếc thay chính nghĩa của Thái bình thiên quốc đã bị Âu Mỹ lợi dụng. Và càng tiếc thay Thái bình lại xướng lên tà thuyết “đứa con thứ hai của thượng đế”, “em ruột của Nhi Nhu (Jésus)”, cải biên thuyết xã hội đại đồng viễn tưởng Tây Âu bằng cách vẫn duy trì chính thể quân chủ phong kiến, phá tan chùa chiền miếu vũ, đập phá tượng Phật, tượng Khổng, tượng Lão, cấm đọc tứ thư ngũ kinh, toan san định lại các sách kinh điển ấy. Hơn nữa, Thái bình thiên quốc cách mạng, thay cũ đổi mới văn hoá, xã hội bằng bạo lực, dùng bạo lực phá huỷ sạch sành sanh văn hoá Trung Quốc. Do vậy, chính nghĩa, cách mạng của Thái bình đã mất sạch ý nghĩa (17).

      Đâu phải đến khi giáp mặt tàn quân Thái bình thiên quốc tại biên giới Bắc này, tán tương Nguyễn Văn Tường mới nghĩ ngợi về điều ấy. Từ lúc còn ở huyện Thành Hoá, quyết định tiếp nhận lũ đầu mục Cao Bằng, tiếp xúc với họ, điều động họ khai khẩn lập đồn Ba Xuân, ông đã phải tìm hiểu nhiều. Binh pháp chẳng viết đó sao: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Khi ra đến đây với chức năng tham mưu cho quân thứ, ông càng phải tìm hiểu nhiều. Ông đã vào trận, cùng quân binh vung gươm tiêu diệt chúng sau những hồi thuyết phục chúng qua tiếng loa của các mõ làng rành tiếng nhân tộc thiểu số và tiếng Hoa Quảng Đông, Quảng Tây. Mặc dù chúng thật sự thành phỉ, sống bằng nghề cướp bóc, giết chóc, toan chiếm cứ các buôn bản miền núi của ta để xưng hùng, xưng bá, nhưng tán tương Nguyễn Văn Tường vẫn mong chúng buông vũ khí, quay về đầu thú nhà Thanh. Như thế, sạch bóng chúng ở biên giới nước ta. Một khi sào huyệt của chúng không còn, bọn phỉ người Kinh, người Tày, người Thái nước ta không còn câu kết được, không còn chốn nương thân. Được như thế là yên được toàn cõi Bắc Kì.

      Chính Vũ Trọng Bình, Đoàn Thọ, hai người nắm quyền thống lĩnh ba đạo quân tiễu phỉ của triều đình nước ta, cũng nhận định và ước mong như thế. Tập tâu của hai vị quan cao cấp nhất ấy, ngay trong tháng mười hai, đã nhạân được châu phê của vua Tự Đức: “Giặc nên đánh hay nên phủ dụ, rất quan hệ đến việc trọng ở biên cương. Hôm trước [các ngươi] cứ tâu báo, [rằng] chưa nên nói đến việc phủ dụ, nay [cũng chính các ngươi] lại nói tạm phủ dụ là tiện. [Như thế] biện pháp thích đáng vẫn chưa nhất định. Vậy chuẩn cho quan quân thứ và quan khâm sai đem ngay việc ấy bàn tính, không quan ngại gì, [hãy] cùng nhau tâu xin dứt khoát, không được lưỡng lự. Lại chuẩn cho những biền binh [đã] phái đi, [nay] đều lưu lại Bắc Ninh, Hà Nội thao diễn, phòng khi [cần, lại sẵn quân để] sai phái” (18).

      Kết quả là Ngô Côn, tên tướng phỉ Tàu hung hãn, giảo quyệt nhất nhì trong đám Thái bình thiên quốc đã quy hàng. Quan quân thứ tiền nhiệm Phạm Chi Hương đã dẫn y đến cửa thành Lạng Sơn. Đoàn Thọ, Vũ Trọng Bình chấp thuận cho y đầu hàng, cấp cho y và quân lính của y đến một vạn lạng bạc, lại cho cả đoàn lũ về Cao Bằng sinh sống. Y cũng trả lại phố Cầu Phong cho ta (19).

      Một kết quả khác, Hoàng Sùng Anh, thường tự xưng tắt là Hoàng Anh, một tên tướng phỉ Tàu thuộc tàn quân Thái bình thiên quốc, từng dựng lên ngọn cờ vàng, cũng rất hung hãn, giảo quyệt, chẳng kém gì Ngô Côn, y cũng đã đầu thú ở Tuyên Quang. Y xin được sinh sống ở mỏ Tụ Long (20). Đoàn Thọ, Vũ Trọng Bình cũng mở lượng hiếu sinh tâu xin cho, và được vua Tự Đức chuẩn y.

      Không ngờ đến tháng ba, cách đây một tháng, tướng phỉ Ngô Côn lại giáo giở, thúc quân phỉ chiếm lại Đồng Đăng, Kì Lừa ở Lạng Sơn! Thế thì không còn cách nào khác hơn là phải tiêu diệt chúng! Ta đã nhân đạo với chúng, tốn mất toi một vạn lạng bạc, chấp nhận cho chúng yên nghiệp làm ăn ở nước ta, chúng vẫn một mực giữ thói phỉ (19)!

      Không còn cách nào khác, phải hợp đồng chiến đấu với tướng nhà Thanh Phùng Tử Tài để tiêu diệt chúng. Các tướng, khâm sai và Nguyễn Văn Tường đã bút đàm với Phùng Tử Tài để bàn việc hội đánh. Án sát Hải Dương Tôn Thất Thuyết cũng đã tâu xin về việc phòng thủ cả mặt biển và xin tuyển thêm lính Nghệ – Tĩnh, lính hai tỉnh ấy giỏi chịu đựng gian khổ và thiện chiến (21). Tình hình toàn mặt trận đã căng thẳng, càng ngày càng căng thẳng. Vua Tự Đức ra sắc dụ, các quan quân thứ tiễu phỉ ở phía Bắc phải mười ngày một lần tâu báo về kinh (22).

      Chính sự phân vân giữa hai biện pháp, một là quyết tâm tiêu diệt bọn tàn quân Thái bình thiên quốc, hai là mở lượng hiếu sinh cho chúng, đã dẫn đến những cuộc bàn cãi dữ dội, dữ dội nhất là sau khi tướng phỉ Ngô Côn giáo giở chiếm lại Đồng Đăng, Kì Lừa. Tháng chạp, vì tranh luận, đến lúc gay gắt quá, Vũ Trọng Bình moi cả chuyện cũ của Lê Bá Thận thời còn ở triều để chứng minh: Lê Bá Thận đã từng “doạ nạt tâu hặc người cờ bạc [để] ăn hối lộ”! Vua Tự Đức ban dụ trách: “Vũ Trọng Bình  tuổi đã già cả mà còn giữ tính thô bạo, nóng nảy. Khi [còn] ở kinh, nếu có nghe biết, sao không đem tâu hặc ngay. Nếu cho là nghe bóng, nghe gió đã bỏ thì bỏ hẳn. Nay đương uỷ cho việc quân, chính [là lúc] nên cùng lòng, hết sức trù tính làm việc, thế mà trong lúc chuyện trò, là quan đồng sự với nhau, lại riêng trách móc nhau ở chỗ đông người, cho mọi người nghe khắp cả, thì quyền lệnh hầu thi hành sao được. Quan quân thứ, quan tỉnh là bọn Đoàn Thọ, Đặng Toán, Nguyễn Văn Tường cùng ngồi ở đó, không biết khuyên giải, đều là không đúng. [Nay] đều giao cho Bộ Lại xét phân biệt giáng, phạt” (23). Nguyễn Văn Tường và họ Đoàn, họ Đặng đều oan, vướng tội lây!

      Vũ Trọng Bình nói riêng với Nguyễn Văn Tường:

      - Thật là vớ vẩn! Mình biết có kẻ gièm. Mới cách đây mươi ngày, Trần Tiễn Thành lại nắm Bộ Binh, còn Nguyễn Tri Phương già yếu, phải đổi sang quản lí sự vụ Bộ Công (24)! – Vũ Trọng Bình lắc đầu –. Sự việc là thế, nhưng vấn đề là cách tâu, tâu đúng hay tâu gièm. Về Lê Bá Thận, rồi thế nào cũng có ngày sẽ lộ chân tướng! Lê Bá Thận là tay tham lam, chiếm ruộng đất của dân, rất tàn nhẫn với con cái, dân trong làng y sợ mà không dám ở quanh nhà y (25)! Mình đã tâu, nhưng nào được xét, phải tạm gác lại!

      - Còn bình khấu tướng quân Đoàn Thọ? – Tán tương Nguyễn Văn Tường hỏi, mặc dù ít nhiều ông đã biết về vị tướng võ rất được vua sủng ái này –.

      - Cũng như Trần Tiễn Thành, Đoàn Thọ được nhà vua cất nhắc lên không theo thứ tự (26). Đó là hai người được vua chiếu cố đặc biệt. Nhưng so với Trần Tiễn Thành, viên tướng võ người Nam Kì này tâm tính tốt hơn. Viên họ Đoàn ấy rất hào sảng. – Hiệp biện Vũ Trọng Bình lại lắc đầu –. Nhưng rất tiếc viên tướng võ ấy lại ngã về phía Lê Bá Thận!

      Tán tương Nguyễn Văn Tường rất buồn lòng sau lần tranh luận đến mức cãi vã hồi cuối năm ngoái, giữa hai viên quan họ Vũ và họ Lê, khiến ông cùng hai viên khác cũng bị phạt do không can ngăn được sự mất đoàn kết. Nay lại vừa xảy ra một lần mất đoàn kết nữa, giữa Vũ Trọng Bình với Đoàn Thọ và Lê Bá Thận. Lần thứ hai này gay gắt đến mức cả ba viên quan cao cấp ấy đều tâu xin nhà vua chọn người khác thay, cam về triều chịu tội. Vua Tự Đức rất giận, đành phân nhiệm lại: Đoàn Thọ sung làm tổng thống đạo Thái Nguyên, Vũ Trọng Bình sung làm tổng thống đạo Lạng – Bằng, Lê Bá Thận sung làm tham tán đạo Thái Nguyên. Vô can, nhưng ngay cả Nguyễn Hiên, Trương Phúc Lý và quan tỉnh Mai Quý cũng bị chuyển đổi. Cũng vô can, Nguyễn Văn Tường vẫn phải sung làm tham tán quân thứ Tuyên Quang (27).

      Khi chuẩn bị qua Tuyên Quang, cũng là lúc Nguyễn Văn Tường hay tin thượng thư Bộ Lễ Nguyễn Văn Phong đã ra đến Bắc Ninh với chức trách khâm sai đại thần, Trần Đình Túc làm tuần vũ Hà Nội thay Đào Trí, để Đào Trí cũng đến Bắc Ninh bàn việc quân (28).

      Lúc ông đã mang gươm bút với một rương nhỏ đựng áo quần, cùng với toán lính tuỳ tùng, phóng ngựa qua Tuyên Quang, ở tại bản doanh quân thứ thuộc đạo quân cánh hữu đó được nửa tháng, cũng đã vài lần trao đổi công tác với tổng đốc Sơn Tây – Hưng Hoá – Tuyên Quang Nguyễn Bá Nghi, thì quan hiệp biện họ Vũ lại phóng ngựa qua Tuyên Quang, bảo tham tán Nguyễn Văn Tường:

      - Mình đã tâu xin đức vua, cứ để quan tán tương ở lại tham mưu việc quân cho quân thứ Lạng Sơn. Mặc dù chức vụ tham tán cao hơn tán tương hai bậc, nhưng cũng là tham mưu. Ông nên ở lại Lạng Sơn để bàn việc quân với mình. Lê Bá Thận đã qua Thái Nguyên với Đoàn Thọ rồi. Mình và ông làm việc với nhau, như thế hợp hơn. Chắc tán tương đồng ý?

      - Vâng, đồng ý. Làm việc với tôi, quan hiệp biện tha hồ bộc trực!

       Vũ Trọng Bình cười ha hả. Một thoáng im lặng, ông nói:

      - Quan tán tương Nguyễn cứ tin mình đi. Mình phê bình ai, kẻ ấy dứt khoát sai, trước sau cũng lộ chân tướng. Tuy nhiên, mình rất tiếc cho tướng Đoàn Thọ. Viên họ Đoàn này rất khí khái, hào sảng, nhưng chỉ là tướng lược, tài cầm quân còn sơ suất lắm. Chả là ông ta được cất nhắc lên quá nhanh (26), còn thiếu kinh nghiệm!

      - Đúng, tôi cũng thấy như vậy. Ông ấy còn hạn chế, nhưng tôi rất quý mến.  Phải nói là “Đoàn Thọ trung hậu, siêng năng, cẩn thận mà không đủ quyết đoán. Vì vậy [tướng họ Đoàn này, cũng như vài viên khác] đều là tướng lược mà không sở trường, nên khó thành tựu” (châu bản, 2 bản tấu: 07. 6 và 20.6 Quý dậu, 1873) (29). Về tham tán họ Lê, tôi thấy “Lê Bá Thận siêng năng xét kín, việc bộ làm tốt, nhưng lâm cơ ứng biến sợ hơi chậm” (29). Đối với Trần Tiễn Thành, tôi thấy thượng thư này đúng là kẻ chủ “hoà”. Tôi thật lòng không thích điều đó. Tuy vậy cũng phải thấy mặt khác của ông ấy. Theo tôi, mặt khác ấy là “Trần Tiễn Thành biết xa nghĩ sâu, đương được đại cuộc, trọng hậu, kiên nhẫn, lay chuyển chẳng rung. [Nhiều] người đều khen là có khí lượng… Xét kĩ thì tựa có nghi ngại, e sợ, hoặc là do răn mình về việc thịnh mãn nên cố thu nén, chẳng dám nỗ lực đảm đương” (29). Về mặt ưu của thượng thư Bộ Hộ hiện nay: “Phạm Phú Thứ, học thức đã giỏi, từng trải đã lâu, xử trí các việc rắc rối, chuyển xoay hiệu nghiệm; trước dự vào việc tuyển cử, có ít người nói là nối được việc chuyên giữ tính toán; công luận khá yên” (29). Đó là tôi chưa nói đến nhược điểm của những vị quan ấy. Ngoài ra, tôi cũng xin dám mạnh dạn nhận định về quan Vũ hiển điện đại học sĩ, người mà tôi rất mực kính trọng: “Nguyễn Tri Phương, trung dũng có thừa…” (29). Còn riêng quan hiệp biện, tôi cũng nhận xét là quan hiệp biện Vũ Trọng Bình, viên quan tôi đang được phụ tá đây, đúng là “thanh liêm, mẫn cán, sáng suốt, đảm đương” (châu bản, 2 bản tấu: 07.6 và 20.6 Quý dậu, 1873) (30) “cai trị dân rất xứng nhưng chẳng có tài liệu biện với giặc” (29). Giá như quan hiệp biện được nhà vua quyết định vẫn để giữ chức vụ thượng thư Bộ Lại, thì mối tệ bổ nhiệm sai lầm do tham nhũng và do không biết người biết việc sẽ giảm bớt (châu bản, dẫn theo ý 2 bản tấu: 07.6 và 20.6 Quý dậu, 1873) (30). Biết quan hiệp biện khâm sai đại thần là người bộc trực, ngay thẳng, thanh liêm nổi tiếng (31) và cũng nổi tiếng là được dân quý trọng, tôi cũng xin nói thẳng, nói thật như thế. Nếu quan hiệp biện không mích lòng khi nghe tôi nói thế, thì tôi sẽ đồng ý, đồng tâm làm việc với quan lớn ở xứ Lạng này, như hồi nãy tôi đã nói.

      Quan hiệp biện Vũ Trọng Bình ngẫm nghĩ một lúc khá lâu. Ông mỉm cười nói:

      -  “Cai trị dân rất xứng nhưng chẳng có tài liệu biện với giặc” (29). Quan tán tương nhận xét về mình như thế quả là hơi đau. Nhưng tính mình vẫn rất thích những lời nói trung thực như thế. “Trung ngôn nghịch nhĩ”, lời nói thẳng nghe rất khó, rất trái tai, nhưng có thế mới đúng là “thuốc đắng dả tật”.– Quan hiệp biện ngẫm nghĩ –. Mình cũng tự biết mình liệu biện với giặc không bằng quan tán tương, nên mới hội ý để ta cùng làm việc với nhau. Ông phải bổ sung cho mình chỗ mình còn hạn chế.

      Vũ Trọng Bình nhìn Nguyễn Văn Tường với ánh mắt cảm mến, quý trọng. Quan tán tương Nguyễn nói với giọng xúc động:

      - Thật không dám… Nhưng quan hiệp biện vốn đã rất thanh liêm, trung thực, ngay thẳng và chân thành, thì xin vâng… Vâng, tôi xin hết lòng với quan hiệp biện. – Quan tán tương lại nói tiếp với giọng trầm tĩnh –. Có điều, chẳng hiểu sao quan hiệp biện không cho ý kiến về những nhận xét mạo muội của tôi đối với các viên quan vừa nói? Xin được chỉ giáo.

      - Hoàng thượng có ban dụ tham khảo ý kiến quan tán tương và các quan khác, hôm nào đó trong tuần trước. Tôi biết đó là những ý tưởng mà quan tán tương dè dặt chưa dám phúc tâu vào hoàng thượng… Dẫu sao cũng chỉ là nhận định riêng. Nhận định như thế thì đúng là “cường tân áp chủ” (người khách mạnh lấn ép chủ nhà), có vẻ xã giao, “đãi khách” quá đáng chăng?

      - Cảm ơn quan hiệp biện. Đúng là quá “đãi khách”, đúng là “cường tân áp chủ” thật. “Đãi khách” là hiếu khách, rất tốt, nhưng ở trường hợp khác. Công lí chung là khách ra khách, chủ ra chủ, người khách không được tranh làm chủ, lấn ép chủ, người chủ không nên vì phép khiêm tốn xã giao mà hạ mình quá đáng, đến nỗi người chủ tự mất quyền làm chủ của mình. Mình là người Đại Nam phải phù vua Đại Nam để làm chủ nước Đại Nam của mình, không nên để người gốc Tàu lấn lướt, thao túng, lũng đoạn nước mình. Đúng là như vậy thật, khách hay chủ gì hẳn cũng tán thành như thế, đất nước nào chắc chắn cũng cho đó là công lí chung. – Tán tương Nguyễn Văn Tường nói –. Thật ra, chỉ có hai người gốc Tàu mà tôi nhận xét thôi, đó là Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ, ngoài ra, những viên quan khác đều là người Đại Nam mình cả. Xin cảm ơn sự chỉ giáo của quan hiệp biện. Và hôm trước cũng như hôm nay, quan hiệp biện có nói một câu tôi rất tâm đắc: Thời gian sẽ bóc trần, làm lộ chân tướng những kẻ giả trá.

      Nguyễn Văn Tường không thể quên được tiếng hét của một người dân Gia Định trong khi sứ bộ Đại Nam xuống tàu thuỷ để về Huế, sau cuộc đàm phán đúng vào dịp Tết Nguyên đán Mậu thìn (1868). Ông nhớ lại và đang chờ quan hiệp biện khâm sai Vũ Trọng Bình nói.

      - Đúng! – Quan hiệp biện Vũ Trọng Bình quả quyết hẳn –. Thật đúng như vậy: Thời gian sẽ bóc trần, làm lộ chân tướng những kẻ giả trá. Nhưng đừng ỷ y vào thời gian, để đến lúc phát hiện ra thì quá muộn! Không phải tôi là nhà tiên tri, thấu thị, nhưng tôi đoan chắc rồi quan tán tương sẽ thấy sự thực: Lê Bá Thận và hai tên gốc Hoa Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ sẽ tự rơi mặt nạ giả hình của chúng.

      - Đa tạ sự chỉ giáo của quan hiệp biện. Tôi đã sai lầm. Tuy phải tuân chỉ đức vua, mạn phép nhận xét như thế nhưng tôi cũng bổ khuyết thêm là “việc nghe thấy [nhất thời] cũng không phải là bằng cớ xác đáng” và con người “tuỳ môi trường mà đổi tiết, tuỳ chỗ dùng mà thấy sở trường, thực khó phẩm bình” (châu bản, 2 bản tấu: 07.6 và 20.6 Quý dậu, 1873) (29). “Trường đồ tri mã lực” (đường dài mới biết sức ngựa)!

      - Thật chí lí! “Dò sông dò bể dễ dò, Nào ai lấy thước mà đo lòng người”! “Đi lâu mới biết đường dài, Ở lâu mới biết lòng người ra sao”!

      - Nhưng dẫu tài cao đức tốt mấy, dẫu tài hèn đức mỏng mấy, thì chủ vẫn làm chủ, khách chỉ nên làm khách. Chính danh định phận trong trường hợp này là công lí của muôn vạn đời.

      Mươi ngày sau, theo đường bưu trạm dịch lộ tối khẩn cấp phục vụ cho việc liên lạc giữa triều đình và mặt trận biên giới Bắc, Vũ Trọng Bình nhận được dụ chuẩn y của vua Tự Đức. Ông cho toán lính phụ trách ngựa trạm phóng nhanh qua bản doanh đạo quân cánh hữu, trao bản sắc dụ cho Nguyễn Văn Tường. Thế là quan tham tán lại mang gươm bút với một rương nhỏ đựng áo quần, cùng với toán lính tuỳ tùng, phóng ngựa về lại thành luỹ Lạng Sơn.

      Cuối tháng tư năm Tự Đức thứ hai mươi hai, Kỉ tị (1969) này, tổng đốc Sơn Tây – Hưng Hoá – Tuyên Quang Nguyễn Bá Nghi chợt cảm thấy rất tiếc khi tham tán Nguyễn Văn Tường lại về Lạng Sơn với Vũ Trọng Bình. Nguyễn Bá Nghi viết tập tâu đệ vào kinh: “Tán tương ở quân thứ Tuyên Quang Nguyễn Văn Tường giỏi giang, hiểu biết, xin cất lên chức đốc phủ (tổng đốc, tuần vũ)”. Nhưng châu phê của nhà vua: “Biết người rất khó, bậc thánh cũng còn chưa chắc, huống chi trò chuyện chốc lát một lần. Ngươi chớ khinh thường, tư vị” (32).

      Tham tán Nguyễn Văn Tường rất buồn khi nhận được lá thư của tổng đốc Sơn –Hưng – Tuyên Nguyễn Bá Nghi, trong thư có chép lại hai dòng chữ phê bằng bút son đỏ ấy của nhà vua. Hoá ra, đến lúc này, vua Tự Đức cũng chưa thật tin tưởng vào Nguyễn Văn Tường! Nguyễn Văn Tường nghĩ ngợi, chẳng lẽ vụ Đoàn Trưng hồi tháng tám năm Bính dần (1866), cách đây đã ba năm dài, vua Tự Đức vẫn chưa quên? Vụ ấy đã được nghị xử: “Vì sơ suất việc canh phòng, kiểm soát” (33). Rất rõ là từ bấy đến nay, nhà vua luôn giao phó cho ông những nhiệm vụ quan trọng nhưng không có thực quyền! Những là bang biện khâm phái, bang biện chỉ là một chức hàm hư, tạm bợ, nhất thời, không có thực quyền. Những là tán tương quân thứ, tán tương cũng chỉ là chức năng tham mưu, bàn bạc việc quân với các tướng cầm quân, còn các tướng ấy có nhất trí với lời bàn của tán tương hay không là việc khác. Tán tương quân thứ không có quyền ban quân lệnh hành quân, tấn công, mai phục hoặc thoái thủ… Vua Tự Đức biết Nguyễn Văn Tường có tài chính trị, ngoại giao, quân sự nhưng không thật tin dùng? Ông hồi tưởng lại những lần được yết kiến vua Tự Đức tại điện Cần Chánh, và tự kết luận, quả thật, không phải nhà vua không tin dùng. Không, không phải như thế. Ông biết sau vụ Đoàn Trưng, ông bị cách tuột chức và cho đi làm việc chuộc tội, ấy là theo nguyên tắc, để mọi quan chức đều phải có trách nhiệm cao. Thực sự trong tình hình hiện nay, đúng như quan hiệp biện Vũ Trọng Bình đã nói: Giai đoạn này, cánh chủ chiến (chiến để thủ, thủ để chiến, hoà là cơ nghi) đang thực sự bị lép vế! Nguyễn Bá Nghi là viên quan lớn chuyên chủ “hoà”, hồi năm Nhâm tuất (1862), ông ta chỉ một mực bàn “hoà” (34)! Đúng là ông ta không hiểu Nguyễn Văn Tường bằng vua Tự Đức. Câu châu phê ấy, nghĩ cho cùng, có nghĩa là: Nguyễn Văn Tường giỏi giang, hiểu biết, nhưng cũng là người chủ chiến. Nguyễn Bá Nghi không hiểu rõ về Nguyễn Văn Tường, đã vội đề bạt làm tổng đốc, tuần vũ. Nguyễn Bá Nghi mới một lần chuyện trò, trao đổi về công tác, đã vội cảm tình và chỉ cảm tính mà thôi. Phải chăng là thế? Nghĩ ngợi, băn khoăn, ông chỉ biết mỉm cười cay đắng. Nụ cười cay đắng ấy sau một chốc, lại trở thành nụ cười trầm tĩnh, tự tin. Tán tương Nguyễn Văn Tường tự nhủ, dẫu thế nào thì mình vẫn vậy, vẫn thuộc cánh chủ chiến (chiến để thủ, thủ để chiến, hoà là cơ nghi).

      Nhưng sự mất đoàn kết trong tướng tá, sự chuyển đổi cương vị của họ, thật sự chẳng có gì nghiêm trọng. Vấn đề căng thẳng gay gắt vẫn là tình trạng bọn phỉ Tàu và giặc trốn nước ta câu kết với nhau, quân triều đình khó lòng tiêu diệt nhanh chóng như lúc đầu nhận định. Bọn phỉ này, ta càng mở lượng hiếu sinh, kêu gọi cho chúng đầu hàng, chấp nhận sắp xếp cho chúng nơi làm ăn sinh sống với số bạc trợ cấp không ít, chúng càng lộng hành!

 

 

Hết phân đoạn 1 truyện kí thứ sáu (còn tiếp)

                                                             

Viết đến dòng chữ này lúc 16 giờ kém 10 phút,

  ngày mùng ba tháng mười, năm 2002

(27.8, Nh. ngọ, HB.2),

tại thành phố Hồ Chí Minh.

TXA.

 

                   

(1)   Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), tập 31, bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., Hà Nội, 1974, tr. 238.

(2)     Trần Xuân An (biên soạn), Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, thơ, vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (KVPCĐT. NVT. T. VNVCNTH. & TT.), bản in vi tính, 2000 (chưa có điều kiện xuất bản rộng rãi), bài thơ số 1, tr. 133, 139.

(3)     Phan Khoang, Trung quốc sử lược (TQSL.), ấn quán Hồng Phát, Chợ Lớn, 1958, tr. 376. Xem thêm chú thích (27) ở truyện thứ năm.

(4)      ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 257 – 258, 262.

(5)      ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 240, 241.

(6)       ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 244, 246.

(7)     Nguyễn Văn Hồng, Vũ Dương Ninh, Võ Mai Bạch Tuyết, Lịch sử cận đại thế giới,  (LSCĐTG.), tập 3, Nxb. KHXH., 1985: về các nước châu Á.  

(8)    Nguyễn Văn Hồng, Vũ Dương Ninh, Võ Mai Bạch Tuyết, Lịch sử cận đại thế giới, (LSCĐTG.), tập 1, Nxb. KHXH., 1986, tr. 459 – 490.

(9)      ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 248. 

(10)   ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 262 – 263.

(11)   ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 130.

(12)   Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (VNSL.), Nxb. Tân Việt, bản 1964, tr. 426.

(13)   ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 306.

(14) GS. Trần Văn Giàu, Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước nhiệm vụ lịch sử (HYTPK. & STBCNTNVLS.), Nxb. TP.HCM., 1993, tr. 337 – 381.

(15)   Nhiều tác giả, Nguyễn Trường Tộ và vấn đề canh tân đất nước (NTT. & VĐCTĐN.), Nxb. Đà Nẵng, 2000, tr. 343, 365, 383; Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 4 (323), tháng VII – VIII, 2002: bài của Đào Duy Đạt, “Tìm hiểu chính sách văn hoá “Trung học vi thể, Tân học vi dụng” ở Trung Quốc trong phong trào Dương Vụ (1861 – 1894)”, tr. 70 – 78.

(16)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 279 – 280.

(17)    TQSL., sđd., 1958, tr. 363 – 368, 376.

(18)     ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 281.

(19)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 288 – 289; tập 30, sđd., 1974, tr. 315, 316 – 317.

(20)     ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 311.

(21)     ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 305 – 306.

(22)     ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 315.

(23)     ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 286 – 287.

(24)     ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 280.

(25)     ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1975, tr. 137 – 139 (tháng bảy nguyệt lịch, 1878).

(26)    Nguyễn Đắc Xuân (biên soạn), Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành (PCĐT. Tr.TT.), Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr. 120 – 123: châu phê của vua Tự Đức: “Trong tất cả những người được trẫm cất nhắc không theo thứ tự, chỉ có ngươi và Đoàn Thọ là hơn ai hết. Ngươi lại được ưu tiên nhất…”. Xem thêm châu phê: “… [Nguyễn] Trường Tộ việc gì cũng đã nghi ngờ Triều đình, ngươi lại còn theo mà tạo nghi ngờ nữa, thì mọi việc mỗi ngày mỗi hỏng không mong gì thành công được […] Trẫm sợ rồi đây ngươi không khỏi phụ ơn, cũng không tránh khỏi điều chê trách. Thế thì những hạng như ngươi đều vô ích. Nay phải rửa sạch hiềm nghi, quyết lòng lo báo, làm sao cho Nhà nước được tôn, rợ Tây phải phục. Đó là ngươi báo đáp ơn nuôi dạy của tổ khảo ta, chứ không phải chỉ rửa nhục cho một mình ta mà thôi…”. Chúng tôi (TXA.) có thay một đại từ nhân xưng cho câu dịch được nhã hơn. Đại từ “ngươi” được sử dụng trong bản dịch ĐNTL.CB. của Viện Sử học.

(27)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 315, 316 – 317.

(28)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 325.

(29)    Châu bản Nguyễn Văn Tường được trích dẫn theo ba bài viết của nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc (nguyên giảng viên ĐHSP. Tp. HCM.)., trong kỉ yếu Hội nghị Khoa học lịch sử về đề tài “Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường” (gồm 28 bài nghiên cứu của 29 tác giả), do ĐHSP. TP.HCM. tổ chức, 20.6.1996, tr. 203 – 216, và trong tập tài liệu Các báo cáo khoa học, (gồm 15 bài nghiên cứu của 13 tác giả), Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) tại Huế, ngày 02.7.2002, tr. 8 –19, tr. 42 – 58. Chúng tôi vẫn xác định chuẩn cứ là ĐNTL.CB.. Trong ĐNTL.CB. vốn có các đoạn châu bản, châu phê, sắc dụ… đã được trích dẫn. Đó là tư liệu có giá trị xác tín tuyệt đối. Còn các trang châu bản trên, trong các bài của Trần Viết Ngạc, hầu hết là ở ngoài ĐNTL.CB., chúng tôi mạn phép vẫn chỉ xem là tư liệu tham khảo (có thể chép đúng, có thể chép sai sót, kể cả nhầm lẫn ngày tháng viết trên từng bản tấu, sớ…), bởi chúng chưa được Hội đồng khoa học lịch sử và các cơ quan liên ngành giám định bằng phương pháp khoa học thực nghiệm. Trong khi chờ sự đối chiếu với các bản gốc trong Kho Lưu trữ Châu bản triều Nguyễn, sự giám định thực nghiệm và công bố chính thức của Viện Sử học, chúng tôi mạo muội xác định, phân loại tư liệu như trên. Nhân đây, xin bày tỏ lòng kính mong chờ ở Viện Sử học và các ngành hữu quan.

(30) Châu bản Nguyễn Văn Tường, dẫn theo bài viết của Trần Viết Ngạc, trong Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, kỉ yếu Hội nghị Khoa học lịch sử, ĐHSP. TP. HCM., 20.6.1996, tr. 214: “Ông [tức Nguyễn Văn Tường] nhận xét việc tuyển bổ quan lại lắm khi không đúng với khả năng như “lấy quan thái y mà cử làm quan phủ huyện, kẻ thư kí mà bổ làm học quan”. Ông đề nghị để Vũ Trọng Bình mà theo ông là “thanh liêm, cần mẫn, sáng suốt, đảm đương” phụ trách Bộ Lại để chấm dứt mối tệ hối lộ trong việc bổ dụng, làm cho sĩ phu phấn chấn hơn” (trích: bài viết của Trần Viết Ngạc). Chúng tôi nhận thấy điều này hoàn toàn khớp với mối quan hệ đồng chí, thắm thiết, tin cậy lẫn nhau giữa Vũ Trọng Bình và Nguyễn Văn Tường trong ĐNTL.CB., tập 31 – 32…

(31)  Quốc sử quán triều Nguyễn và Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục (QTHKL.), bản dịch: Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Thị Lâm, hiệu đính: Cao Tự Thanh, Nxb. Tp. HCM., 1993, tr. 177: mục về Vũ Trọng Bình.

(32)   ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 330 – 331.

(33)   ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 53 – 57.

(34)   ĐNTL.CB., tập 29, sđd., 1974, tr. 208 – 213, 226 – 228.

 

 

Hết phân đoạn 1

truyện kí thứ sáu

 

XIN XEM TIẾP TỆP 12

phân đoạn 2

truyện kí thứ sáu

 

 

 

(  xem tiếp tệp 12  ) 

 

Trở về trang chủ

Cập nhật: 07/01/09

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7