k. Tiểu mục 37 - Giao lưu đoàn kết - Trần Viết Điền

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

           CÓ MỘT CUNG ĐIỆN ĐAN DƯƠNG THỜI QUANG TRUNG KHÔNG?

 

Trần Viết Điền

(giảng viên Khoa Vật lí ĐHSP. Huế)

Vài lời của WebTgTXA.: Vấn đề “Đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung” đã tạo nên một cuộc tranh luận trải qua nhiều năm tháng giữa hai nhà nghiên cứu Trần Viết Điền và Nguyễn Đắc Xuân. Đến nay, ông Trần Viết Điền lại muốn tranh luận tiếp trong tinh thần học thuật. Ông vừa gửi vào cho WebTgTXA. hai bài viết mới của ông. WebTgTXA. trân trọng đăng tải. WebTgTXA. như trước đây, tuy người phụ trách (TXA.) là chỗ quen thân của cả hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và Trần Viết Điền, vẫn chỉ là một diễn đàn khách quan. (28-04 HB8 --- WebTgTXA.).

                     Khi vua Quang Trung mất vào mùa thu năm Nhâm Tí 1792 , triều đình Tây Sơn sớm phò Nguyễn Quang Toản lên ngôi , lấy niên hiệu Cảnh Thịnh . Sau khi an táng và xây sơn lăng cho tiên đế Quang Trung , triều Cảnh Thịnh đặt tên lăng của vua Quang Trung là ĐAN DƯƠNG LĂNG , có khi gọi ĐAN LĂNG.

                      Danh xưng  của lăng vua Quang Trung thì có sử liệu chắc chắn, nhưng cho rằng  lăng vua Quang Trung có tiền thân  là một cung điện của triều chúa Nguyễn thì quá táo bạo ! Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã  đặt giả thuyết táo bạo như thế  : Có một cung điện Đan Dương thời Quang Trung , được cải tạo từ phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn , để vua Quang Trung ở và làm việc tại kinh đô Phú Xuân. Sau khi nhà vua băng hà, triều Tây Sơn đã táng nhà vua trong cung điện Đan Dương và cung điện Đan Dương trở thành lăng Đan Dương của hoàng đế Quang Trung.

                       Không có một nguồn tư liệu lịch sử nào chép về sự kiện nêu trên, trừ một bài thơ CẢM HOÀI, có phần chú dẫn, của Ngô Thì Nhậm trong tập thơ Hoàng Hoa Đồ Phả , được Ngô Thì Nhậm sáng tác trong chuyến đi sứ Trung Quốc để báo tang và cầu phong cho vua kế vị Nguyễn Quang Toản. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân rất tâm đắc về tư liệu thư tịch này , khi ông rút ra thông tin cần thiết cho giả thuyết khoa học của mình. Để thảo luận về độ tin của tư liệu này, chúng tôi xin được chụp ảnh và phổ biến toàn bộ bài thơ CẢM HOÀI (chữ Hán , phiên âm, dịch nghĩa , dịch thơ) trong Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm , quyển I,  chủ biên Cao Xuân Huy, Thạch Can; dịch xuôi và chú thích Mai Quốc Liên, Thạch Can; dịch thơ phú Khương Hữu Dụng, Ngô Linh Ngọc, nhà xuất bản KHXH, Hà Nội , 1978: (các trang 337,338):

 

 

Hình 1: Bài thơ “CẢM HOÀI” ( chữ Hán, phần phiên âm).

        

Hình 2: Phần dịch xuôi và dịch thơ của Ngô Linh Ngọc. Đặc biệt có phần chú dẫn chứng tỏ Ngô Thì Nhậm viết Cung điện Đan Dương là viết về lăng Đan Dương, chứ tác giả không nhớ lại cung điện Đan Dương mà sinh thời vua Quang Trung từng ngự.]

(Xem ảnh lớn hơn:

 http://picasaweb.google.com/tranxuanan.writer/HinhAnhTuLieu7  )

                        Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã trích một phần của câu trong phần chú dẫn của bài thơ,  “ Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y Tiên Hoàng ta…” và tác giả khẳng định cách hiểu của mình : Có một cung điện Đan Dương thời vua Quang Trung còn sống từng ở và làm việc ; khi băng hà nhà vua  được táng trong cung điện Đan Dương  và cung điện Đan Dương biến thành lăng Đan Dương.

                        Điều khẳng định của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có cơ sở thuyết phục  không ?

                 1/ Đọc bài thơ và đọc phần chú dẫn  của Ngô Thì Nhậm , thấy tác giả rất cảm kích về sự trọng thị vua Quang Trung của vua nhà Thanh; tác giả rất xúc động khi đọc chỉ thị của vua Thanh gửi các địa phương mà sứ bộ đi qua…Vua nhà Thanh càng trọng thị vua Quang Trung bao nhiêu càng tăng nỗi nhớ thương Tiên hoàng Quang Trung của họ Ngô bấy nhiêu. Và khi phóng bút viết bài thơ CẢM HOÀI trên, tác giả đã coi sơn lăng của vua Quang Trung như một cung điện mà linh hồn nhà vua còn ngự ở đó. Khi bớt xúc động, tác giả lo người đọc không rõ ý từ câu kết “ Đan Dương Cung Điện Nhật Tam Thu”nên đã chú dẫn khá kỹ . Nếu  không chú dẫn thì người cảm thụ có thể hiểu tác giả khi viết bài thơ đã nhớ cung điện Đan Dương , nơi sinh thời nhà vua từng ở và làm việc và ý từ câu thơ của tác giả sẽ bớt hay. Vì thế tác giả mới chú dẫn để biểu tỏ lòng nhớ thương vô hạn tiên đế  và ngóng về sơn lăng của ngài .  Trong tâm cảm ấy tác giả đã coi sơn lăng Đan Dương là cung điện Đan Dương.              

                2/ Đáng tiếc là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân không trích đầy đủ câu văn dịch phần chú dẫn  của Ngô Thì Nhậm  “ Đan Dương cung điện là sơn lăng phụng chứa bảo y Tiên Hoàng ta, quan san xa cách lâu ngày không được trông coi, trông vời viên lăng không ngăn được tấm lòng: một ngày bằng ba thu.”. Đọc hết câu văn chú dẫn , rõ ràng tác giả trông vời lăng vua Quang Trung với nỗi nhớ thương khôn xiết, áy náy không được chăm sóc nơi an nghỉ của nhà vua , chứ tác giả không nhớ cung điện Đan Dương , nơi nhà vua từng ở và làm việc khi còn sống .Tác giả còn nhớ cả VIÊN LĂNG, tức vườn lăng ,  cảnh quan quanh lăng , nghĩa là chỉ nhớ đến nơi an nghỉ của tiên đế.                 

           3/ Thực ra nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân không phải là người đầu tiên phát hiện và vận dụng tư liệu nói trên cũng như tên lăng của vua Quang Trung. Cố Nguyễn Hữu Đính  vào năm 1986 , hoàn thành một công trình khảo cứu công phu, khoa học , đánh máy chữ có tên “ LĂNG VUA QUANG TRUNG Ở ĐÂU?LĂNG BA VÀNH Ở CƯ CHÁNH HUẾ CÓ PHẢI LĂNG VUA QUANG TRUNG KHÔNG?” trong dịp Huế kỷ niệm 200 năm Nguyễn Huệ giải phóng Phú Xuân . Cố Nguyễn Hữu Đính có gửi công trình đến các cơ quan phụ trách văn hóa , tuyên huấn …vào năm 1986 và đã trình bày trong hội thảo . Trong bài phụ khảo số 8 “ Lăng vua Quang Trung có tên không ?”. Cố Nguyễn Hữu Đính viết: “ Thật vậy, vì tâm trạng đầy tình cảm , thơ văn Ngô Thì Nhậm thế nào cũng sẽ bộc lộ những ý nghĩ về cái chết , nơi chôn Nguyễn Huệ. Trong thơ ông , đến nay đã xuất bản có được năm bài nói đến lăng vua Quang Trung, nhưng trong cả năm bài , ý lăng chỉ được thoáng qua, không bao giờ có một chi tiết đến hình dáng cụ thể , như khúc đường đi, phong cảnh,núi non , cây cỏ…Tuy vậy , vì mục đích chỉ để mà tìm biết tên lăng, công việc chắc được dễ dàng hơn. Nhưng việc cũng không phải dễ lắm , vì tác giả đã dùng nhiều danh từ để nói tên lăng : Kiều Sơn, Đan lăng, Sơn lăng , Đan Dương, Đan Dương. Lăng.Ngoài ra trong bài “ cảm hoài”, tác giả sáng tác khi đi sứ Trung Quốc, để báo tang và cầu phong cho Quang Toản , ở hai câu cuối , lại có bốn chữ “ Đan Dương cung điện”:

                        Trang tụng tỉ thư tăng cảm niệm,

                        Đan Dương cung điện nhật tam thu.

                        ( Ngửa đọc chiếu thư càng cảm kích ,

                        Ngày ba thu ngóng điện Đan Dương.)

                                          ( Ngô Linh Ngọc dịch)

 Thật không phải không phức tạp. Nhưng bài thơ có kèm lời chú dẫn giúp chúng ta hiểu được bốn chữ này…

            Bây giờ chúng ta lưu ý , tìm hiểu lời chú thích của Ngô Thì Nhậm về bài thơ “ Cảm hoài” trong đó có câu : “ Đan Dương cung điện nhật tam thu”. Tác giả chú thích : “ Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y Tiên hoàng ta…”. Như vậy Ngô Thì Nhậm khi dùng bốn chữ “ Đan Dương cung điện” cũng chỉ để nói đến lăng, vì vậy tác giả mới giải thích trong lời nguyên dẫn : “ Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y Tiên hoàng ta”. Nói đến lăng nghe lạnh lẽo, để  “ Cung điện Đan Dương”nghe ấm áp , lại thêm sau “phụng chứa bảo y Tiên hoàng ta” . Một cách dùng ẩn dụ tài tình , tế nhị , đầy tình cảm , của nhà thơ Ngô Thời Nhậm!” ( tài liệu đã giới thiệu, tr . 129. 130). Về mặt khoa học , nên chăng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân phải tổng quan phần nghiên cứu của tác giả đi trước, phản biện rồi mới trình bày quan điểm của mình. Rất tiếc nhà nghiên cứu Nguyễn Đác Xuân đã lờ đi ý kiến của cố Nguyễn hữu Đính về “ Đan Dương cung điện”.

           4/ Nếu quả thật , từng có một cung điện Đan Dương do triều Tây Sơn dựng gần chùa Thiền Lâm , trên nền cũ của phủ Dương Xuân , thì cung điện ấy bị vây quanh  bởi các điện các của chùa và các tháp sư của chùa Thiền Lâm, chùa Bảo Quốc, chùa Ấn Tôn. Lại thêm triều Tây Sơn đã phá lệ : Không bao giờ người Việt biến dương cơ ( cung điện vua) thành âm phần ( lăng vua). Chưa kể vua Cảnh Thịnh sẽ bị  người đời ngầm chê : Để phụ hoàng Quang Trung đi “ ở nhờ” dương cơ của “ kẻ thù không đội trời chung” sau khi băng hà.

                Vậy không có cung điện Đan Dương , dựng trên phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn, để vua Quang Trung ở và làm việc, khi băng hà thì triều Tây Sơn táng nhà vua ở cung điện ấy và công trình này trở thành lăng Đan Dương. Ngô Thì Nhậm không viết như thế. Đó chỉ là tư biện của người nghiên cứu mà thôi.

               Một vùng trũng giữa chùa Thiền lâm , cồn Bông Sứ , chùa Huệ Lâm ở Huế , trải qua nhiều biến động từ 1775 đến 1801, trở thành hoang địa, được vua Gia Long cho phép dân làng Phú Xuân vào khai phá, chưa kể một số thân vương, hoàng tử , công chúa , đại thần …được vào đây lập sanh phần, khi chết thì táng và xây tẩm ; qua các biến động như cuộc nỗi dậy của Đoàn Trưng , Đoàn Trực và  khi triều Nguyễn suy tàn thời Pháp thuộc, khiến các công trình kiến trúc như tháp sư, tăng viện, lăng mộ …bị đổ sập và bị dân sở tại tận dụng hoặc vùi lấp.Các vật liệu cổ nằm ngỗn ngang , không giám định được niên đại và chủ nhân tạo tác…được nhà nghiên cứu liệt kê cùng với tranh ảnh trong một quyển sách , khiến người đọc dễ  bị “ mê hoặc” và lầm tưởng sự dày công của tác giả ; tưởng chừng như chúng là di vật , di chứng của một cung điện Đan Dương thời Tây Sơn và cũng là lăng Đan Dương của vua Quang Trung.Thật ra , thời vua Quang Trung ở kinh đô Phú Xuân quá ngắn, lại thêm nhà vua phải ra vào Thăng Long, Quảng Nam để trực tiếp chỉ huy những chiến dịch quân sự lớn, tất cả sức người sức của dồn cho chiến tranh, thế thì các cung điện trong thành Phú Xuân được dựng thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cũng đủ cho vua Quang Trung sử dụng , không cần qua bờ nam để dựng cung điện mới  . Hơn nữa trong thâm tâm của vua Quang Trung là muốn xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An, không phải “ở tạm” trên kinh đô cũ của các chúa Nguyễn . Ngay thái sư Bùi Đắc Tuyên thời Cảnh Thịnh cũng trưng dụng chùa Thiền lâm để làm dinh của mình.Vậy vua Quang Trung không cần phải tôn  tạo cung phủ Dương Xuân , từng bị quân lính Lê-Trịnh phá dỡ , thành cung điện Đan Dương . Cung điện Đan Dương ở đây là chỉ lăng vua Quang Trung mà thôi.

 

                                                                                                  Huế, tháng 4, 2008.

                                                                                                        Trần Viết Điền.

 

____________________________________________________

Trở về

THÔNG BÁO CẬP NHẬT Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update_mucluctrang

 

TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

&

trang mục lục Giao Lưu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket_mucluctrang

(mục lục của mục này -- các trang Giao lưu)

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

(trang 1 Giao lưu)

TRANG "NGÀN WEBs CỦA NGÀN NHÀ":

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/webcacnha

Trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 

 Ngày nhận bài này từ tác giả qua Gmail & đưa lên web: 27 & 28-04 HB8