b. Trần Xuân An - Mùa hè bên sông - Tệp 2

author's

copyright

 

trần xuân an

MÙA HÈ BÊN SÔNG

tiểu thuyết

1997 & 2003

 

 

06/29/09

        

   

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

m ù a 

 h è

 b ê n

  s ô n g 

    

(nỗi đau hậu chiến)

 

tiểu thuyết

 

 

nnhà xuất bản  

 

1997 & 2003

 

 

     

 

CHƯƠNG II

 

 

1

 

 

Mặc dù suốt một đời quen với nếp sống giáo chức, nhưng khi đã lớn tuổi, ông Hiền thường dậy sớm ngồi uống trà mạn ướp lài, hoặc chè xanh vò lá rồi hãm nước, thêm lát gừng già. Không nhớ từ khi nào ông đã dậy sớm như vậy, có lẽ khi nhận quyết định về hưu. Cái ngày ấy, dẫu ông đã chuẩn bị tinh thần lẫn vật chất từ những năm trước, sao vẫn ngậm ngùi buồn. Thế là già rồi. Thế là xã hội đã xóa sổ nợ cho một kiếp người, và bỗng chốc đã trở thành đồ bỏ đi. Đêm nằm, bỗng dưng ông giáo Hiền đái dầm ướt cả quần. Tưởng bệnh gì, hóa ra các bác sĩ bảo chẳng bệnh gì cả. Ông sực nhớ, trong cuốn sách tâm lí nào đó đã đọc, người ta bảo đấy là triệu chứng nhi hóa. Ông cười buồn. Già rồi, con người như hờn dỗi với quy luật tự nhiên, một cách vô thức và hữu thức, muốn bé lại, muốn làm trẻ con, nghĩa là còn muốn sống lắm. Thời gian khủng hoảng tâm lí ấy rồi cũng nhẹ nhàng qua đi. Nhưng từ đó, ông bắt đầu thôi thức khuya, vì bài vở đâu nữa mà chấm, và bắt đầu dậy sớm trà lá một mình.

Ông giáo Hiền suốt một đời hầu như đơn chiếc, dù hai đời vợ, nhưng vẫn xem như độc thân. Với đời vợ đầu, trót lỡ trước cưới hỏi, ông có một đứa con. Đời vợ sau, chăn gối một năm chưa đầy, bà ấy phải chuyện tù đày, vì là cán bộ Việt Minh, rồi bà chết ở Côn Đảo. Ông giáo cô quạnh nuôi con, con chết, lại nuôi cháu. Tuổi già, chẵn bảy mươi, may có Hành, đứa cháu trai duy nhất, không thì buồn bã, cô độc biết chừng nào. Và bấy lâu nay ông còn vui với nghệ thuật cây kiểng để di dưỡng tâm linh.

Sớm nay, có được gói trà mạn chú Nông mang về biếu, ông giáo Hiền lấy một ít ướp lài tươi hôm qua để uống xổi. Cọng trà hơi dịu đi, nhưng được cái thơm. Chất trà đậm đà, ngát cả hương, ngòn ngọt ở dư vị, thích thật, sảng khoái cả người.

Ông giáo ra đứng trước sân. Trời đã tắt gió nồm, để lát nữa trở gió nam, se se man mát hơi sương, không, hơi đêm, đúng hơn, vì mùa này khô khao lắm. Ông tập bài thể dục vận động, rồi tập thở. Trời cũng vừa hửng sáng. Quả là tháng năm chưa nằm đã sáng. Mùa này, ngày dài, nắng lên sớm.

Lại trở vào, ông uống thật chậm, từng ngụm nhỏ, rồi cũng hết bình trà thứ hai. Ông giáo không thể không nhớ chú Học, con trai độc nhất của ông. Học và Nông chênh nhau sáu tuổi. Cái thời giữa những năm bốn mươi, gần bước sang thập niên năm mươi, chiến tranh, nạn đói bởi phát xít, Cách mạng Tháng tám, lại chiến tranh, con nít không có áo quần để mặc, người lớn đầy chấy rận, học chữ phải học lớp ghép. Nông và Học cùng chung một lớp đồng ấu.

Ba tuổi, trần truồng, Học đã theo cha đến trường làng. Nơi gọi là trường, thật ra là chái sau của ngôi đình cổ, không có bàn ghế gì cả. Mỗi trò lượm gạch đâu đó kê lên mà viết, hoặc kê trên một khúc gỗ vốn làm đòn ngồi, đòn kê. Giấy mực cực hiếm, có khi phải lấy lá chuối non phơi khô làm giấy. Những lúc khó khăn đó, chủ yếu là dạy và học bằng nền đất và que tre. Học trò đồng ấu nhưng có em cao gần bằng thầy.

Thầy giáo Hiền lúc đó là cán bộ Việt Minh, khoảng hai mươi mấy tuổi, đã đỗ tiểu học năm vừa tròn mười sáu.

Nông chín tuổi mới đi học. Thầy Hiền phải đến nhà vận động, Nông mới được đi học, chả là cha mạ Nông sợ máy bay Mỹ do Pháp lái, nả súng nện bom không kịp chui hầm. Nông cũng sáng dạ, và mến thầy giáo Hiền lắm.

Thế rồi, một chín năm tư, hòa bình. Lòng dân vui quá vui nhưng buồn quá buồn, vì đất nước bị chia cắt. Thầy giáo Hiền được lệnh ở lại. Thầy vốn bị tật bẩm sinh ở tay phải, liệt hẳn. Tổ chức cho rằng như thế chẳng ai nghi ngờ gì.

Thầy Hiền được xếp vào loại li khai Việt Minh, tiếp tục được dạy học. Thầy dạy và nâng đỡ, kèm cặp Nông, cho Nông nhảy lớp, để kịp tuổi, rồi tiễn Nông vào thị xã Quảng Trị học trung học. Sau đó mấy năm, Học cũng vào thị xã tỉnh lị ấy.

Ông giáo Hiền mỉm cười, uống trà mạn chú Nông mới mang về biếu. Trên dưới năm mươi năm rồi, kể từ độ ấy! Nhớ ba chữ “anh giáo Hiền”, ông muốn cười thành tiếng. Và những “cu Học”, “cu Nông”...

 

 

2

 

 

Học sắm được xe đạp từ sau khi đỗ được bằng trung học đệ nhất cấp, sau nhiều năm đi bộ. Vì chỉ về quê vào dịp Tết Nguyên đán, dịp nghỉ hè, nên anh cũng không cần xe đạp lắm. Học ở trọ, nhà bà con chật, sắm xe thêm phiền, mặc dù thời ấy, với đồng lương giáo viên, chỉ có một đứa con trai, thầy giáo Hiền đủ sức sắm xe cho Học... Mấy năm nay, anh cần có xe, vì Học đã nhận công tác của tổ chức. Học về quê thường xuyên, nhưng không chỉ vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Có khi, chiều thứ năm, anh vượt khoảng bốn chục cây số để ra nhà, sáng thứ sáu vào, đi học vừa kịp hai tiết học sau của buổi sáng. Hồi đó, học sinh học chạy phòng và có tiết trống trong mỗi buổi.

Sáng nay, Học mới dựng xe vào vách nhà, thấy không yên tâm, lại dắt xe ra, đạp quanh một vòng. Học hơi nghi Nông. Nông bây giờ đã là thầy giáo dạy trường Thánh Tâm của mấy ông cha đạo. Hôm qua Nông có đến tìm Học. Thế là Nông biết Học đã đi đâu đó suốt đêm. Đang năm đệ nhất, chuẩn bị thi tú tài toàn phần, Học cũng không yêu đương lăng nhăng gì, sao lại đi đêm, và đi xe đạp nữa. Chừng đó cũng đủ để Nông ngờ chăng? Nông đã thể hiện quan điểm chính trị chống cộng quá rõ, đã vào đảng Quốc dân, đang ráo riết vận động cho Vũ Hồng Khanh (mặc dù Thiên Chúa giáo hết mình ủng hộ ngầm liên danh Thiệu - Kỳ, và Thiệu - Kỳ là hai con bài chủ của Mỹ!). Nông nghi ngờ Học ném truyền đơn vào các sân trường, và Nông theo dõi Học? Học vừa đạp xe vừa hơi ngài ngại. Chính trị, không còn tình nghĩa gì nữa!

Thoáng thấy Nông ngồi ở rạp Đại Chúng, khá gần cổng trường Nguyễn Hoàng, Học vẫn cố gắng bình tĩnh. Bên cạnh Nông có mấy tên mật vụ mặc thường phục. Học biết là không chạy được nữa rồi.

Tiếng xe gắn máy, Ét-xi-a-ch (Sach) hay Gơ-ben (Goe bel) gì đó, nổ giòn sau lưng, Học vẫn đạp xe. Chiếc Gơ-ben chặn ngay trước mặt.

Không phải một chiếc, mà hai chiếc, bốn người, trong đó có Nông. Học thắng xe đạp, đứng lại. Một tên mật vụ rút súng lục. Không chần chừ được nữa, vì rõ là lộ rồi, Học vác xe ném ngang vào tên cầm súng và bỏ chạy. Do khi ấy phố lại đông (học trò đang đi về sau hai tiết đầu, đang đến lớp học hai tiết sau), và do bị phản ứng bất ngờ, có một tên mật vụ chỉ dám bắn chỉ thiên. Nghe đâu, lúc đó, Nông có cản tay tên mật vụ đang hậm hực, vì sợ trúng học trò, hay sợ trúng Học, chẳng rõ.

Học chạy vào hẻm, sau đó vào chợ, lẻn vào cầu tiêu, thay áo quần hóa trang đựng sẵn trong cặp, đốt luôn số truyền đơn còn lại. Một số ít được nhét trong ghi đông và dưới yên xe, anh đoán chắc đã bị phát hiện rồi.

Học đi dọc sông Thạch Hãn, cố ý đánh lạc hướng mấy gã “chó săn” (3), về nhà một người bạn ở một làng khá xa thị xã, vốn là cơ sở cách mạng.

Hơn một tháng trời, Học mới về lại quê, bằng cách băng ruộng.

 

3

 

Về quê, không cách nào khác, Học thoát li gia đình, tham gia du kích. Lúc ấy là đầu năm một ngàn chín trăm sáu mươi sáu, Học mới đỗ tú tài phần một, mười tám tuổi.

Mười tám tuổi, khi đã có lí tưởng, người ta say mê biết chừng nào. Học cũng vậy. Trước đó hai năm, xong lớp đệ tứ (lớp chín), đỗ trung học đệ nhất cấp, anh về nghỉ hè ở quê, được dự một lớp chính trị, phân biệt ai thù ai bạn, xác định lí tưởng cộng sản, mục tiêu, nhiệm vụ chống Mỹ và tay sai, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau đợt ấy Học được kết nạp vào Đoàn, trở thành người thanh niên cộng sản. Nhận công tác hoạt động nội thành, vừa sợ vừa thích, Học cảm thấy thú vị như chơi trò “ tim. Trong hoạt động ấy, có gì đó vừa mạo hiểm, phiêu lưu, vừa dũng cảm, mưu trí, đòi hỏi phải bình tĩnh, sáng suốt, biết nhạy bén đối phó. Học giỏi, chăm chỉ, chịu khó, nhưng công tác này chi phối tâm trí anh nhiều, nên Học thi tú tài phần một, chỉ đạt hạng thứ. Năm Phật giáo đưa bàn thờ “xuống đường” chống Thiệu - Kỳ, anh là người rải nhiều truyền đơn nhất trong tổ ba người.

Bây giờ, bị Nông chỉ điểm, suýt phải mang cùm, và khi đã bị cùm, chắc chắn còn bị tra tấn, đánh đập, bị đổ nước xà phòng, bị quay điện, không khéo trở thành như ông Hiệu Điên, Học căm Nông lắm.

Về quê, anh tìm cách liên lạc ngay với tổ chức, không dại gì chui đầu về nhà.

Một tuần sau, khi ông Hiền trên đường từ trường làng về nhà, có một đứa học trò lớp nhì đưa cho ông một mảnh giấy. Qua quãng đường vắng, ông sốt ruột muốn xem, nhưng nhìn quanh, thấy bụi tre, gốc duối, ông lại thôi. Ông bị xếp vào loại li khai Việt Minh, nhưng đó là trên hồ sơ của mật vụ, phòng nhì. Thực ra, ông vẫn còn hoạt động, theo yêu cầu của tổ chức, trong vỏ bọc giáo viên. Ông luôn luôn cảnh giác.

Tới nhà, giáo Hiền ra vườn sau, vò giấy đi vệ sinh. Ông đọc thấy nét chữ của Học:

 

“Thưa ông giáo Hiền,

Thằng Nông, học trò cũ của ông, là thằng tay sai bán nước đốn mạt, không tình không nghĩa. Hắn đã vu khống và chỉ điểm bậy bạ, nên cảnh sát chìm suýt bắt oan thằng Học, con trai của ông. Do đó, thằng Học đã thoát li, vì sợ liên lụy đến ông. Kính ông rõ.

                                                                 B.”

 

Ông giáo Hiền rụng rời. Cố thanh thản bước vào nhà, ông lên giường nằm. Ông biết ngay, B. là Bùi, Bùi Học. Thế là Học đã bị lộ, may mắn còn thoát li được. Ông đoán chắc nó lên rú, lên rừng hay đã xuống hầm rồi, hay biết đâu tổ chức đã đưa nó vào Nam? Ông buồn quá. Ông chỉ có một đứa con duy nhất. Ông giáo lại tự an ủi, may nó giác ngộ cách mạng, chứ nó theo Mỹ ngụy như thằng Nông thì sao! “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, không lường được. Ông nhủ thầm, mình không đến nỗi vô phúc.

Bỗng dưng, ông giáo Hiền ứa nước mắt. Ông bỏ luôn cả bữa cơm tối.

 

4

 

Mặc dù đã ước đoán, định liệu tình huống và khả năng này, Học vẫn cảm thấy trong tâm hồn mình có một chấn động lớn. Đôi khi, trong hầm tối, dưới gốc của khóm tre, hoặc vào những khuya ngồi canh cho đội dân quân vận chuyển hàng tiếp tế, Học bỗng luyến tiếc biết bao những tháng năm cắp sách đến trường. Thị xã Quảng Trị với hàng phượng vĩ đỏ rực xõa bóng và rắc hoa xuống các quán nước ven sông Thạch Hãn, biết mấy thương nhớ, ngậm ngùi trong trí tưởng. Thị xã Quảng Trị với nhà sách Tao Đàn, có bao giờ trống tìm đến lật giở, mân mê những cuốn sách thơm mùi giấy mới. Và những chiều xem phim với bạn bè, hay chỉ một mình, ở rạp Đại Chúng! Thời học sinh quần xanh áo trắng thật đã hết rồi! Có lẽ, những lúc luyến tiếc, ngậm ngùi ấy, anh đang dao động. Dẫu sao, anh cũng chỉ là con người với trái tim mềm ấm bình thường. Làm cách mạng, ấy là trách nhiệm, là bổn phận, Học hiểu vậy, nên anh chẳng nề hà cam go, thử thách. Hoạt động nội thành, Học chấp nhận đương đầu với cái chết rình rập bốn bề, ngày đêm. Tù đày, tra tấn nữa, có thể bất kì lúc nào cũng sẽ xảy ra cho Học. Học đủ nghị lực, thừa can đảm. Nhưng, trong hầm tối, trong khuya khoắt, anh không thể cấm lòng mình ngậm ngùi thương nhớ kỉ niệm học trò. Những mái tóc dài, nón lá, áo trắng, guốc mộc, đã bao lần khiến Học xao xuyến. Bây giờ Học mới thấy nữ sinh Nguyễn Hoàng, Bồ Đề, Thánh Tâm của Quảng Trị đẹp đến lạ lùng. Bao cô gái áo trắng ấy bỗng hóa những nàng tiên xa vời trong giấc mơ của anh du kích tên Học.

Cũng trong giấc mơ anh, hình ảnh cô bé học cùng anh ở trường tiểu học, bỗng theo tháng năm, lớn lên, dậy thì, trắng mọng, thon tròn trong chiếc quần đen Mỹ Á, áo cộc chít eo màu nâu non, với đôi mắt lá răm lúng liếng, không ngớt ám ảnh Học. Học chẳng hiểu vì sao như vậy.

Có thể trong những đêm đi giao liên, lần bước, căng mắt trong bóng tối, anh và Ngoan đã có lần chạm tay vào người nhau. Có thể đến những ngày tháng này, Học mới cảm nhận, thấu hiểu hết người bạn gái tuổi nhỏ. Một tổ nữ, năm người, hầu hết hoạt động nửa công khai nửa bí mật. Các cô ban đêm là du kích, giao liên, ban ngày vẫn cấy lúa, nhổ cỏ, xay giã giần sàng như các người con, người em trong những gia đình nông thôn. Ngoan là một trong năm o du kích ấy, lại hiền hòa, xinh đẹp nhất.

Học nghĩ, con người kì lạ thật. Đã có biết mấy lần Học đã thấy con gái, đàn bà đêm trăng tắm sông, tắm giếng, da thịt khỏa thân trắng ngần, nhưng cảm giác xác thịt không phải bao giờ cũng như nhau. Với ai đó, Học bất giác quay mặt đi, như một phản ứng vô thức, thậm chí nổi giận vì sự hớ hênh lồ lộ vô duyên. Với ai đó, Học nghe bồi hồi nóng rực, cũng một cách như phản xạ. Có lẽ do sự trực nhận ấy là người họ Bùi, thuộc về họ Bùi, hay người dưng khác họ. Cái điều khiển hai loại phản xạ ấy là gì, Học không hiểu.

Có lẽ ấy là nhờ tập quán, phong tục, học vấn, và những gì hun đúc nên cái phần văn hóa - cái siêu ngã - trong vô thức của con người (II.2).

Những đêm cùng với Ngoan ngồi trong bóng đêm, đêm chỉ nhấp nhánh sao và sao, gió nồm thoảng nhẹ, chỉ đủ lay khẽ ngọn tre, Học nghe được mùi da thịt con gái, ngai ngái, nồng nồng. Cái mùi hương thôn nữ, thoáng chút mồ hôi, không lẫn vào chút nào son phấn thành thị! Cái mùi hương rất thật của thân xác, xa xăm, phảng phất mơ hồ! Lại gần kề, như thể chạm vào làn da của Học, cái mùi hương ấy! Học kìm lại chính cảm xúc của anh, nhưng không thể không bàng hoàng, nóng rực, ran cả đầu. Học ngồi sững.

Nhiều đêm, trong trạng thái ấy, bỗng nghe tiếng rơi của cành khô, hoặc tiếng chó sủa, tiếng chuột chạy, lập tức, thần kinh và đôi mắt Học, cả Ngoan nữa, căng ra trong bóng tối, tay nắm chặt súng tiểu liên, rồi lại rơi cảm giác bàng hoàng, nóng rực, ran ran đỉnh đầu ấy. Và bóng tối có vai trò của nó!

Tình yêu của Học và Ngoan đã đến như vậy đấy. Có thể cảm giác xác thịt đã đánh thức tình yêu, biến chuyển từ tình bạn, tình người cùng làng thành tình yêu, hay một cung bậc tình cảm mà hình như một nửa là tình yêu nồng mặn, một nửa là tình nghĩa của trách nhiệm. Đó chưa hẳn là tình yêu, hay chỉ là tình yêu của lầm lỡ.

Bây giờ, trong giấc mơ Học, hình ảnh những nàng tiên nữ sinh áo trắng dáng dung không định hình rõ nét, với nhiều gương mặt khác nhau vẫn trở về, nhưng nồng cháy đam mê vẫn là Ngoan, cô thôn nữ trinh trắng có đôi mắt lá răm lúng liếng. Ngoan, nỗi cháy bỏng giấc ngủ ngày trong hầm đất ẩm, dưới khóm tre hoang, nhất là những ngày, những tuần bặt tin nhau, vì công tác.

 

5

 

 

Mùa đông năm ấy, một ngàn chín trăm sáu mươi sáu, không thể giấu được nữa, Ngoan đã có thai. Cô không thể mặc chiếc áo nâu non chít eo thon thả, nhưng cũng may, đã có áo ấm. Và bên ngoài áo ấm, có áo vải nhựa hoặc áo tơi chằm lá, nếu Ngoan ra đường. Chiếc khăn voan cũng giúp cô che những đường gân nẩy bật trên chiếc cổ ba ngấn trắng ngần. Ngoan tủi thẹn lắm nhưng cơ sự đã rồi. Biết thế nào hơn là sẽ phải cắn răng chịu đựng những tai tiếng và chắc chắn cả những la rầy của cha, nước mắt của mẹ. Còn chị em trong tổ du kích nữa, họ sẽ dè bĩu, mỉa mai. Rồi chi bộ Đảng, các cô chú ấy sẽ có biện pháp kỉ luật! Đêm đêm, cô vẫn đi công tác. Trời mưa, mưa và rét. Đường làng bùn đất trơn trợt. Du kích thoát li hẳn gia đình không thể nằm hầm dưới làng được nữa, hầm đã ngập nước, phải dời lên rú, lên những ngọn đồi xa. Ngoan cũng chìm ngập trong âu lo.

Lúc chính quyền ngụy ra thông báo dời làng để Mỹ lập vành đai trắng, hàng rào điện tử, cũng là lúc tổ chức biết ra sự thể. Bản phân tích của chị tổ trưởng, trong buổi họp có sự tham dự của đại điện chi ủy, làm Ngoan sững điếng, ngồi im. Ngoài trời, mưa dầm lạnh cóng, và gió rét vun vút thổi. Sau đó, trước ánh đèn, Ngoan ngồi viết kiểm điểm. Ngoan đã gây tai tiếng cho tổ chức, có thể làm hạn chế phong trào dân quân phụ nữ. Đi dân quân, có bầu, ai còn dám đi!

Và Học cũng bị khiển trách, phê bình như vậy. Anh ôm đầu ngồi trong hầm ẩm ướt chịu trận.

Sự thể là Học và Ngoan đã bàn với nhau, xin đăng kí kết hôn trước tổ chức bằng tờ giấy viết tay có hai chữ kí. Điều đó thì dễ. Vấn đề còn lại là chuyện sinh nở trong lúc chuẩn bị dời làng này. Nếu đành phải sinh trong hầm, thì nguy cơ quá lớn. Hoặc sinh nở công khai, vì Ngoan chỉ công tác ban đêm, ban ngày vẫn gieo cấy bình thường? Nhưng sinh nở công khai, phải chịu tiếng chửa hoang. Cái nhục này lớn quá! Cha Ngoan gầm thét, mẹ Ngoan khóc ròng khóc rã, cộng thêm sự rối bời phải bỏ làng, bỏ mồ mả, ruộng đồng mà đi!

Nhờ việc dời làng quá lớn nên vụ chửa hoang nhỏ đi.

Thế rồi, chuyện chẳng đặng đừng, Ngoan đành xin phép tổ chức được sinh nở công khai như một người dân bình thường, trong một trạm xá y tế của khu dồn dân, phía sau hàng rào điện tử Mác Na-ma-ra vào đầu năm sáu mươi bảy.

 

 

6

 

 

Ông giáo Hiền sáng nay, tập thể dục xong, uống hết bình trà mạn - món trà chú Nông biếu sau bao nhiêu năm xa quê. Ông lại thừ người trong hồi tưởng. Chú Nông và Hiền Lương về, ông Hiền không thể không nhớ lại những năm tháng ấy. Đã đành từ rất lâu rồi, ông tự nhủ phải quên đi. Hơn nữa, đã hai mươi hai năm hòa bình, thống nhất, không phải nồi da xáo thịt nữa, oán thù để trong lòng làm chi. Chú Nông cũng đã chịu mấy năm tù tàn binh. Nghe đâu, chú ấy cũng từ chối đi định cư ở Mỹ theo diện HO. Và thật ra, ông chỉ buồn, chỉ đau. Thù oán, ông đã có trong tâm bao giờ đâu! Chiến tranh mà! Chiến tranh, có những mối thù kinh rợn hơn nhiều, tàn khốc và vô luân bại lí gấp ngàn lần giữa những người cùng làng, cùng mồ mả tổ tiên: Chôn sống, chặt đầu bêu chợ, phơi thây ngay cả ở cổng chùa, sân trường người trong gia đình, huyết tộc! Đấy là chuyện người Việt với nhau, chưa kể tội ác của Pháp, Nhật, Mỹ, rồi thêm cả Tàu, Khơ-me Đỏ! Chuyện qua rồi, nhớ làm chi. Và thật ra, đâu phải mọi chuyện về chú Nông, chú Học, về chú Học với o Ngoan, ông giáo Hiền đều tường tận. Ông chỉ biết đại khái. Ngay những ngày Học chạy thoát, về tham gia du kích làng, mãi mấy tháng sau ông mới biết. Phương châm thời chiến, việc ai nấy biết, ngay cả trong nội bộ, để giữ bí mật tuyệt đối cho tổ chức... Ôi, Nông, Nông, thằng học trò bất nghĩa của ông!...

Ông giáo Hiền cầm kéo ra sân. Nắng đã lên, nhưng gió nam nóng chưa thổi. Ông ngắm nghía mấy cây chè tàu, còn gọi là chè kiểng, mà ông đã dày công uốn tỉa, tạo hình.

Ông mỉm cười, ngắm nghía, tỉa tót, buộc, mở những cành, những lá. Cụm hình tượng ông tâm đắc nhất không phải là hòn non bộ, cây mai. Ông trút hết tâm sức vào hình tượng: quả cầu tròn trên cuốn sách để mở, và, hình chữ S Tổ quốc, Thánh Gióng với cuốn sách để mở thứ hai. Ông phối trí, cụm thứ nhất, để sau bình phong cũng bằng chè kiểng, trước cụm này đặt hòn non bộ, còn cụm thứ hai, đặt gần hiên nhà.

Đấy là hai cuốn sách Vô ngôn Vô tự. Ông tin rằng không có gì trên đời này, từ khai thiên lập địa, từ thuở có Thần Trụ Trời trong huyền thoại Việt Nam đến nay, mà không được ghi trong hai cuốn sách ấy. Vâng, ông tin không có gì đã có mà mất đi, dù được ghi lại trong sách sử hay không. Sư Tâm Tự, ông Nộp đến nhà chơi, và bao nhiêu bạn bè ông, đều hỏi ý nghĩa của hai cụm hình tượng. Ông mỉm cười bí mật. Chỉ có Hành là hiểu ông. Hành cũng thú vị và tâm đắc với ông nội của mình lắm. Không phải hai ông cháu làm ra vẻ bí truyền, có điều chưa đến lúc nói!

Sáu giờ ba mươi rồi. Hành đã thức dậy, đang huỳnh huỵch tập thể dục.

Ông mỉm cười, lặng lẽ lúi húi tỉa tót, rồi lùi xa, đứng ngắm. Ông xem nghệ thuật tạo hình cây kiểng, mặc dù cây kiểng của ông còn là thứ cây dân dã ở đâu cũng có và rất dễ trồng, là một cách di dưỡng tâm linh, bởi ông tạo cho chúng những ý nghĩa để trở thành những tác phẩm hướng đến chân thiện mĩ.

Lát sau, ông giáo Hiền quay vào nhà, cất kéo, lại bước ra. Hành đã xách bình tưới đến. Hai ông cháu thong thả tưới cây như mọi sáng sớm. Nhưng sớm nay, trông Hành có vẻ hơi bồn chồn như có hẹn.

Khi ngồi vào bàn nước, Hành đã ăn mặc tươm tất như sắp đi dạy. Nhưng nghỉ hè rồi mà. - Ông thoáng nghĩ.

- Sáng nay đi họp à?

- Dạ không. - Hành cười -. Hiền Lương, con chú Nông, còn ở lại đây lâu, sẽ sang chơi, thăm ông.

Ông đang rót nước ra chén, dừng tay, rồi lại rót tiếp.

- À, ra rứa (vậy)!

Ông giáo Hiền mỉm cười, nhìn xa xăm.

 

 

7

 

 

Thầy giáo Hiền phải cùng dân làng gồng gánh, lên xe GMC. ra đi, để đến những khu dồn dân với mái tôn rào kẽm như ấp chiến lược thời Ngô Đình Diệm! Cả một dải đất bờ nam sông Bến Hải, làng xóm sầm uất, xanh tươi là thế, bỗng phải bỏ hoang, thành vành đai trắng. Hàng rào điện tử chạy dài từ biên giới Việt - Lào đến Gio Hải, xã cửa biển. Đứng trên Dốc Miếu, nhìn xuống, thấy không bóng nhà, bóng người, vì bom rải thảm đã hủy hết những gì còn lại, nhất là những đình chùa miếu vũ không thể mang đi, những mồ mả tổ tiên bao đời không thể mang đi, thầy nghe đau đứt ruột. Rồi từng ngày, từng ngày, bom pháo trút xuống, đào khoét hố bom, hố pháo dày dặc, rồi cỏ tranh, cỏ lau thi nhau mọc, bời bời, ngút ngàn. Rồi máy bay phản lực ném bom xăng, rồi trực thăng thả xăng đặc, rồi L.19 phun thuốc khai hoang vàng cả chân trời, vàng cả một dải bờ sông. Cây cháy rụi, cỏ cháy rụi, không cháy cũng chết khô, chết héo vì hóa chất. Mùa mưa, lau và tranh lại mọc, bời bời, ngút ngàn. Gió thổi thành sóng như sóng biển. Từng ngày, nỗi đau chất chứa.

Thầy giáo Hiền buồn lo đến gầy rộc người đi, vì chẳng biết chi bộ, anh em du kích ra sao, và Học, đứa con trai duy nhất, chẳng biết có sống nổi mà chiến đấu không.

Thầy giáo Hiền vẫn đi dạy trong một mái trường tạm bợ ở khu dồn dân. Ở đấy, dân cũng bỏ đi tứ tán vì sợ chất độc và súng đạn.

Nghe đâu o Ngoan mới sinh nở được hơn một năm, đã gởi con cho người chị ruột đã có chồng có con, lại thoát li biền biệt. Vì sau khi Mỹ lập hàng rào điện tử, công tác giao liên do địa phương đảm nhiệm rất quan trọng, nên o Ngoan cắn răng hy sinh tình mẹ con mới hơn đầy năm để phụ trách công tác.

Thầy giáo Hiền biết mình đã có cháu nội, lúc cháu đã vượt tuổi thôi nôi, đúng năm thầy tròn bốn mươi tuổi. Thầy mừng lắm. Cháu lại là con trai nữa chứ. Cha nó là Học thì nó là Hành. Chính thầy viết thư cho chị của Ngoan, dặn đặt tên ấy, và thỉnh thoảng mỗi tuần, hoặc năm ngày một, lại gởi sữa, gởi bột cho cháu, dù nhà chị của Ngoan ở cùng khu dồn dân với thầy. Công tác bí mật phải bí mật tuyệt đối, thầy phải đành nén lại nỗi nóng ruột được trông mặt cháu.

Có lẽ để cách li thầy giáo Hiền, cán bộ Việt Minh cũ, mặc dù thầy sống độc thân, nên ít lâu sau, Ti Tiểu học ra quyết định thuyên chuyển thầy vào Đông Hà - một thị trấn.

Thầy dạy học ngay thị trấn giới tuyến này - tuy cách Bến Hải khá xa nhưng Đông Hà vẫn được gọi thế. Trước khi vào Đông Hà, thầy đã báo với gia đình bà ngoại, dì của cu Hành, và bàn chuyện.

Chiều trước ngày rời khu dồn dân, sau khi chia tay với vài đồng nghiệp trẻ, với học trò, thầy giáo Hiền ra đứng trên Dốc Miếu, nhìn xuống làng quê, mồ mả, ruộng vườn. Lau và tranh, cùng các loại cỏ khác, mọc bời bời, ngút ngàn. Sóng cỏ như đập vào mắt thầy, nhức nhối. Thầy giáo Hiền trào nước mắt ràn rụa. Mấy tên lính Mỹ và ngụy nhìn thầy, vừa cảnh giác vừa thông cảm. Thầy nhớ Học, đứa con trai của thầy, và đứa cháu nội còn bé dại. Thầy rút khăn, bậm môi, cắn vào môi, lau nước mắt.

 

 

8

 

 

Thế là thầy giáo Hiền phải vào Đông Hà dạy học. Nhà cửa đã thành số không rồi, đã tan nát, cháy rụi trong vành đai trắng. Những gì mang theo được, cái giường, cái bàn, bộ ghế, dùng trong thời gian ở khu dồn dân, thầy tặng lại cho dì của cu Hành, dưới dạng bán lại. Thầy xách va li vào thị trấn, trong đó, chỉ vỏn vẹn có mùng, mền, áo quần, và ôm theo một hộp giấy đựng lư hương, ngai bài vị mang theo từ làng quê.

Thầy giáo Hiền đã trông thấy cu Hành, cháu nội của thầy. Nó khá bụ bẫm, giống Học quá. Cu Hành đang bú chung bầu sữa với con của dì, mới sinh ra trước hai tháng rưỡi. Thầy đã bàn chuyện rồi, thầy sẽ nuôi cu Hành như ngày xưa đã nuôi cha nó, cu Học, nhưng phải lớn lớn chút nữa đã.

Ở Đông Hà, thầy giáo Hiền khá lúng túng. Vốn hoạt động mật với công việc kinh tài và tiếp tế thuốc men, lương thực ở nông thôn theo một đường dây có sẵn từ nhiều năm trước, nay đổi địa bàn, thầy cũng khá bỡ ngỡ. Các mối dây cơ sở ở Đông Hà, vốn từ lâu có liên lạc, bắt nối, chính thầy cũng không rõ địa chỉ.

Đông Hà sau Tết Mậu thân - cái Tết mà thầy suýt bị lộ - đã có quá nhiều lính Mỹ. Sân bay Ái Tử đã được xây dựng. Máy bay các loại cứ phành phạch hoặc xé rẹt vòm trời. Súng ca-nông cứ bắn liên tục ra bốn chung quanh.

Điều nhức nhối nhất là các loại gái từ các nơi, các tỉnh nào đổ về, cả gái địa phương, hoặc bán bia lon ướp lạnh bằng nước đá trong các giỏ xách quanh các căn cứ đóng quân, hay ở các quán dạng như x-nách-ba, hoặc bán thân sặc mùi son phấn cho lính Mỹ, đen và trắng.

Điều đau lòng nhất vẫn là bọn trẻ con. Bọn Mỹ thật khinh người quá thể. Chúng đứng trên xe Díp (Jeep) lột mui, trên M.113 hoặc xe vận tải lớn như GMC., ném đồ hộp và kẹo ngọt ăn thừa xuống cho lũ trẻ nhỏ bu lại, chụp giựt, xâu xé nhau, để chúng bấm máy ảnh lia lịa, có thằng còn quay phim nữa. Đây là một trò mất dạy, vô văn hóa nhất của bọn Mỹ. Những bức ảnh ấy, những thước phim ấy, chúng gởi về nước làm gì, mục đích gì, thầy giáo Hiền đã biết. Chỉ nội thái độ mất dạy ấy, cùng những tràng cười hô hố ấy, người vô tư, bàng quan với thời cuộc nhất cũng nghiến răng phẫn uất. Chưa bao giờ lòng tự trọng dân tộc của người Việt bị xúc phạm thô bạo đến vậy. Vốn là người trầm tĩnh, thầy giáo Hiền cũng muốn gầm lên, xả súng vào bọn Mỹ. Bọn Mỹ với trò vô văn hóa như vậy là rất thường xuyên và hoàn toàn không phải cá biệt. Mà con nít mình, cũng như mọi đứa con nít các nước, nhất là ở các nước nghèo, đúng là một lũ nhóc bản năng! Để con nít trở thành người, phải giáo dục chúng!

Thầy giáo Hiền, bấy giờ, chỉ biết nghiến răng trong những đêm thao thức, chỉ biết nén lòng trước lũ học sinh trong lớp học với những bài giảng có thêm niềm tự trọng dân tộc.

Ở Đông Hà, thầy giáo Hiền đau đáu nhớ quê, nhớ Học, nhớ Ngoan, nhớ cu Hành, trong không khí máu lửa và tủi nhục ấy của thị trấn địa đầu giới tuyến.

Nếu cuộc chiến tranh này còn kéo dài, máu lửa, tủi nhục còn bao trùm trên quê hương, nửa Đất nước này, những đứa trẻ ấy, và biết đâu, cả cu Hành nữa, sẽ ra sao? Thầy Hiền chua xót nghĩ ngợi.

 

 

9

 

 

Bom càng thả xuống ruộng đồng, ca-nông càng bắn, nổ tung, chơm xuống vườn tược, lũy tre, pháo sáng càng treo lơ lửng vàng khé trời đêm ở làng thôn xung quanh, dân quê  càng dồn về thị trấn hoặc các khu tị nạn, bằng cách tự lo liệu hay được cứu trợ.

Buổi chiều nọ, nắng Đông Hà chói gắt như nung lửa, gió nóng và khô, có một người đàn bà, đội nón cời, nan tre của nón bị gãy, méo mó, tóc trên gương mặt lòa xòa, bơ phờ, hốc hác, mặc hai áo như đi cấy, vận quần đen sổ lông bạc thếch, đi chân đất, bồng một đứa bé trai rôm sảy nổi đỏ trên trán và cổ, ngồi phệt trước cổng trường. Trông thấy nãy giờ nhưng thầy giáo Hiền vẫn giả tảng lờ. Đứa bé khóc thét từng hồi. Sốt ruột, bác cai trường bên thầy giáo Hiền, chạy ra mở cổng.

- Sao không lên phố, hoặc tới trại tị nạn? Ngồi chi đây, tội thằng cu rứa! - Bác cai nói với giọng thương hại.

- Dạ, khổ quá, đi không nổi. Con tui đông quá, không nuôi ngạ (nổi). Tui lượm được thằng ni trong bụi chuối. Cha mạ hắn cà nông dập chết hết rồi. Mạ hắn ôm con, bò ra tới bụi chuối, tắt thở.

Người đàn bà nói nhưng không ngước mặt lên.

Và thế là thầy giáo Hiền xin để làm con nuôi. Cả trường, từ giáo viên đến học trò, vừa mừng vừa ái ngại cho thầy. Bốn mươi tuổi, liệt bẩm sinh tay phải, không vợ con, trơ trọi một mình, thầy lại còn nuôi con nuôi mới hơn hai tuổi nữa. Cơ khổ! - Một hai cô giáo chép miệng thương thầy. Một cô giáo lớn tuổi nhìn thằng cu, nói với thầy Hiền:

- Răng anh Hiền không lập gia đình lại? Gà trống nuôi con nuôi cực khổ trăm bề.

Không biết nói sao, thầy giáo Hiền “vận dụng” luôn cả tật nguyền của chính mình, chỉ vào cánh tay liệt:

- Có tật, không ai ưng! - Và thầy cười to, vừa giả cười cho mọi người tin vở tuồng đang đóng, vừa cười thật, đau đớn phơi ra mặc cảm tật nguyền của mình, bằng chính câu nói của mình.

Mọi người ái ngại, rồi ai lo việc nấy. Thầy xin phép gởi lớp lại cho một giáo viên giám thị trực, để bồng cu Hành về nhà - căn nhà xây sơ sài, lợp tôn, nóng hực.

Thầy Hiền ôm chặt cháu nội của mình vào lòng, với một cánh tay trái. Lần đầu tiên thầy được ôm cháu, hôn lên má cháu. Cu Hành y hệt thằng Học. Thầy nhớ lại thời nuôi Học, cũng gà trống trơ trọi với gà con mới nở thế này.

Cu Hành mở tròn xoe đôi mắt trong veo. Hình như nó cũng biết thân biết phận, biết thương ông nội, và chắc nó sẽ dễ nuôi vô cùng. Thầy giáo Hiền mừng quá. Ngắm nghía cháu, thầy lại nhớ thương Học và Ngoan, chẳng rõ chiến đấu, sống thế nào giữa vành đai trắng ấy.

Đấy là buổi chiều tháng năm, một chín sáu chín. Năm ấy, Quảng Trị đầy Mỹ và Đại Hàn. Bom, pháo ngày đêm ầm ì quanh thị trấn. Đêm các làng thôn nhoáng nhoàng chớp nổ, đỏ khé vàng khè dù hỏa châu. Có nhiều ngày, máy bay lên thẳng, phản lực, phành phạch, rú rít tưởng không bao giờ ngớt.

 

 

10

 

 

Núp sau gốc cây mưng trơ trụi, chết khô trên gò đất giữa đồng - vốn là chỗ nghỉ trưa của người cày cấy -, Học xả một loạt AK. vào đèn pha dưới bụng chiếc trực thăng. Học nói với Ngoan, cố ghìm giọng lại: Chạy phía kia. Ngoan hiểu rồi, phải tách ra để chia hỏa lực của bọn Mỹ đang ngồi trên trực thăng.

Loạt đạn vừa rồi không làm tắt được cái đèn cực sáng. Chúng có hai chiếc, một UTT. và một “cán gáo” - loại có lưới chụp, nghe đâu dùng để chăn bò, bắt những con bò đi lạc, bên Mỹ. Rốc két từ trên bắn xuống, đạn xới rảnh như những đường cày, đất tung lên.

Học và Ngoan không ngờ chúng lại chơi chiến thuật mới. Hai chiếc kèm nhau tắt đèn pha bay trong đêm, ra đến giữa đồng mới bật đèn, quét tìm mục tiêu. Có thể bọn Mỹ có thêm ra đa. Và có phải vì thế, Học với Ngoan đã bị phát hiện, trong chuyến đi đón quân, hàng hóa vượt tuyến, ngay khi hai người mới rời hầm chìm?

Bắn xong loạt đạn, hai người chạy hai ngả.

Từ đằng xa, chiếc UTT. lại quét đèn pha. Lần này, sau một hồi, Ngoan đã bị quét trúng. Ngoan cũng kịp xả một loạt AK. vào đèn. Đèn vỡ, tắt ngấm. Nhưng tên Mỹ xạ thủ đại liên trên chiếc “cán gáo” đã quạt một loạt đạn. Ngoan ngã sấp xuống, chỉ kêu lên một tiếng. Biết Ngoan trúng đạn, Học như điên lên, bắn liên tiếp một băng vào chiếc “cán gáo”, nhưng lại trật. Học chạy, sợ chúng đã phát hiện chỗ núp, cố nén tiếng gầm trong cổ họng.

Hỏa châu trong lô cốt, và cả hỏa châu từ hai chiếc trực thăng, bắn sáng rực. Bọn Mỹ lại phát hiện được Học. Học bắn ngay. Khi chiếc trực thăng “cán gáo” loạng choạng, rớt xuống, Học bị một loạt rốc két cày ngang chỗ núp. Học ngã vào mép hố bom.

Chiếc “cán gáo” bốc cháy. Học ngước mắt, thấy bùng lên một vạt lửa, lửa lem ra cỏ tranh, cháy rừng rực. Trong những giây cuối cùng, gương mặt Ngoan hiện ra, mắt lá răm lúng liếng và chiếc cổ ba ngấn trắng ngần, cả thằng bé Hành nữa, đứa con trai Học chưa hề thấy mặt - chỉ thấy qua tấm ảnh Ngoan nhờ chụp cho con hồi ở khu dồn dân, tấm ảnh đang nằm trong túi ngực với hơn mười lớp ni lông gói kĩ -, làm Học trừng trừng mở mắt. Và Học chỉ còn kịp nhớ những chiếc lon bia, cô ca, sữa, Học đã bỏ vào mỗi lon mỗi con cóc đã ngậm cứng tàn thuốc, để đồng đội làm nhiễu ra đa của hàng rào điện tử. Tất cả nhòa đi. Học trừng trừng mở mắt dưới ánh đèn dù lửng lơ và tiếng súng nổ giòn. Học há miệng, muốn gọi: Cha ơi!, nhưng không thể được nữa rồi. Tay Học bấu vào đất từ từ duỗi ra.

 

 

11

 

 

Bên bình trà, ông giáo Hiền ngồi đối diện với Hành. Hành thỉnh thoảng nhìn ra ngõ. Nắng mùa hè rực rỡ. Gió đứng để chuyển từ nồm sang nam, lặng phắc. Ngoài ngõ, một số người gánh quang gánh đi chợ huyện. Hành đang ngóng Hiền Lương.

Hôm giỗ bên nhà chú Cận, Hành thấy bàng hoàng, xao xuyến trước vẻ đẹp dịu dàng, thon thả của Hiền Lương. Hiền Lương nói năng nhỏ nhẹ, bằng giọng Bình Dương pha Bắc và còn pha lẫn vào âm sắc rắn rỏi Quảng Trị nữa. Bình Dương quá, nghe nũng nịu, nhõng nhẽo. Hà Nội quá, thì kiểu cách, đãi đưa. Quảng Trị quá, lại cứng cỏi, chắc nặng. Hiền Lương để lại trong Hành một ấn tượng, không biết gọi là gì, bởi cô ấy là cô ấy, không giống những cô gái Hành đã quen biết. Mấy hôm nay, Hành cứ bồn chồn, rồi tự cười mình.

Ông giáo Hiền sáng nay, mắt cứ xa xăm, vời vợi. Chú Nông và Hiền Lương về, gợi trong ông cả một thời quá khứ. Ông thương Học, thương Ngoan quá.

Ông giáo Hiền cứ nhìn vào cuốn sách Vô ngôn Vô tự được làm bằng chè kiểng - cuốn sách bên hình tượng Thánh Gióng và chữ S Tổ quốc. Hình như ông đang đọc vào Đất trời.

Hành bỗng đứng dậy, bước ra ngõ. Hiền Lương đã đến rồi. Cô mặc sơ mi màu vàng nhạt, bỏ áo vào quần. Cô bước vào, sóng đôi với Hành. Có lẽ bên ngoài nắng, cô chưa kịp thấy ông giáo Hiền. Hiền Lương cùng Hành đang ngắm những hình tượng của ông giáo.

- Những hình tượng này do anh Hành làm?

- Không. Ông nội uốn tỉa hết đó.

- Hay thật. Đẹp, công phu quá. Nhưng chắc có ý nghĩa gì sâu sắc lắm đây.

Trong khi Hành im lặng mỉm cười, Hiền Lương nói như reo lên về sự phát hiện của mình:

- Bản đồ Việt Nam, hình tượng Đất nước! Và Thánh Gióng, phải chưa anh Hành?

- Đố mà. Cứ tự trả lời. Sao Hiền Lương lại biết là Thánh Gióng?

Biết là Thánh Gióng ngay, nhưng nhờ đặc điểm nào, Hiền Lương chưa quả quyết. Nhìn một lúc, cô lại reo lên:

- Cây tre! Cây tre trong tay Thánh Gióng. Tre đằng ngà! Rõ quá rồi. Hay thật.

Hành lại mỉm cười. Hiền Lương lại hỏi như tự hỏi:

- Hai cuốn sách? Và quả cầu tròn? Là sao nhỉ?

Hành cười thành tiếng:

- Nắng quá, vào nhà đi, vào chào ông nội.

Hiền Lương phác một cử chỉ tỏ vẻ có lỗi, vì quá thích cụm hình tượng cây kiểng, suýt quên mất điều đó. Cô lấy tay che nắng đang chói mắt. Cả hai bước vào nhà.

- Kính chào ông ạ.

- Cháu ngồi uống nước. Sớm mà nắng quá.

Hành kéo ghế cho Hiền Lương. Hiền Lương lí nhí: Xin phép ông.

Rót nước, đẩy tách trà tỏa khói về phía Hiền Lương, ông giáo Hiền cười:

- Xứ mình không uống trà đá như trong Sài Gòn. Cháu chịu khó nghe. Nóng một chút nhưng đậm đà hơn.

- Xin cảm ơn ông. Hiền Lương đưa hai tay ra, kéo tách về phía mình.

Sau lưng ông giáo Hiền là một tủ sách đầy ắp, cỡ vài trăm cuốn. Hiền Lương thấy hầu hết là sách triết học, Đông - Tây, và sách văn học, có một phần ít là sách giáo khoa, ngoại ngữ.

- Ồ thích quá. - Hiền Lương buột miệng.

Trong khi Hiền Lương nhìn ngắm tủ sách, không bìa da nhũ vàng, một tủ sách bằng gỗ đơn sơ, không có kính - một kệ sách, đúng hơn -, ông giáo Hiền mừng thầm là cả Hiền Lương, cả Hành nữa, chẳng ai hay biết gì về chuyện Nông và Học với mật vụ, truyền đơn. Trước Ngày Thống nhất, ông chưa hề nói với Hành, vì Hành bấy giờ còn quá nhỏ, sợ bị lộ. Sau Ngày Giải phóng, Hành có hỏi, rồi những năm Hành đã băn khoăn hỏi thật chi tiết về thân thế, về cái chết của hai liệt sĩ vốn là thân sinh của anh, ông cũng không kể lại chuyện chú Nông đã tố cáo chú Học. Ông không muốn người làng với nhau nhớ về thù oán của nhau, vì chú Nông còn sống và chắc chắn còn về làng. Ông biết lòng căm thù làm nên sức mạnh, nhưng, cũng chân lí giản đơn, ấy là không có gì sâu đậm, thấm thía, bền vững bằng sức mạnh cảm hóa của lòng bao dung, của nhân hậu. Ông nhìn nhưng không đọc, vì đã đọc nhiều lần một câu danh ngôn, chạm nổi quanh chiếc gạt tàn thuốc màu nâu được sản xuất mấy chục năm trước, còn nguyên nhờ vùi đất: “Oán báo oán, oán trập trùng; ân báo oán, oán tiêu tan”. Thật ra, ông chẳng cần ai báo ân để chuộc oán, vì không còn giữ oán trong lòng, là mình đã làm ơn cho mình rồi: Mầm ân đã nở hoa trong tâm. Ông vẫn luôn tự nhủ về nghĩa trọn vẹn của câu ấy.

Hiền Lương vẫn hồn nhiên:

- Thưa ông, cuốn sách, quả cầu là chi ạ? Và còn cuốn sách bên hình tượng Tổ quốc, Thánh Gióng nữa, là chi ạ?

Ông giáo Hiền cười:

- Là hai cuốn sách! Và... bí mật.

Hiền Lương chẳng biết nói sao, cũng cười xòa.

Ông giáo Hiền cười lớn:

- “Tận tín thư bất như vô thư”. Người xưa đã minh triết đến rứa đó. Quá tin sách, chẳng bằng không có sách. Ông giáo tra (già) lão già nua ni không sùng bái sách mô! Quý sách, mê say đọc sách nhưng không hề mê tín, sùng bái sách - không tin sách đến mê muội, không thờ lạy sách (II.3).

Ông lại cười lớn. Hiền Lương và Hành cười theo. Ông nói tiếp:

- Đó là hai cuốn sách không có chữ nhưng dày đặc chữ!

Thế là thế nào nhỉ, Hiền Lương cười nhưng băn khoăn. Cô cảm thấy cách nói của ông giáo gần với cách lập ngôn của Phương Đông, gần với Thiền, nhưng chẳng thấy tượng hoặc ảnh Phật nào trong nhà cả. Ảnh tượng Khổng, Mạnh và bất kì bậc thánh nào, cô cũng không thấy treo hoặc đặt dưới mái ngói đơn sơ này.

Ông giáo Hiền rót nước mời Hiền Lương, rồi bước tới với tay lấy chiếc mũ cối bằng nhựa trắng cũ kĩ. Ông nói Hiền Lương và Hành cứ đàm đạo với nhau, ông phải đi có việc trong xóm.

Ông đi rồi, Hiền Lương ngẩn ngơ. Không phải cô thiếu tự nhiên như các cô thôn nữ đầy cảnh giác với dư luận và ngại tai tiếng. Không phải cô không sợ tai tiếng. Tai tiếng, ở đâu chẳng sợ. Nhưng ở thành phố lớn, người ta ít để ý đến nhau, do đó ít thị phi, và cũng do đó nhiều khả năng này nọ hơn. Không, cô không bợn một chút lo âu nào về dư luận đen tối, khi ở đây. Hiền Lương ngẩn ngơ vì cô thấy ông giáo Hiền sẽ là một hình tượng sâu thẳm, quý báu nhất mà cô muốn thể hiện vào tranh, nhưng biết mình chưa thể vẽ ngay được.

Ngập ngừng một lúc, Hành hỏi chuyện trong Nam. Câu chuyện tự dẫn dắt theo mạch chuyện. Bây giờ, Hành mới rõ hơn: tại thành phố Hồ Chí Minh, chú Nông có một căn nhà ọp ẹp trong hẻm nhỏ, lâu rồi vẫn để vậy, Hiền Lương học những năm đại học vẫn ở đấy, và Bình Dương, nơi hiện là chỗ ở, cũng là quê hương thứ hai của gia đình chú...

Qua cuộc chuyện trò, Hiền Lương hiểu thêm quê nội của mình. Đôi khi, cô run lên vì chạnh nhớ món nợ của ba.

 

TXA.

 

CƯỚC CHÚ chương II:

 

(3) Cảnh sát chìm của ngụy. Sở dĩ người ta gọi thế, là bởi tính chất phi nghĩa, tay sai của chế độ Diệm - Thiệu.

 

TXA.

 

 

( xem tiếp chương III )

 

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/29/09                                                                   

Trở về trang chủ

                                                                 

 

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE