d. Bài 4-Tl.1 - Trần Xuân An - Một ý nghĩ nhỏ về một truyền thống lớn và một nhân vật lịch sử lớn

 

Web. Tác giả Trần Xuân An

 

 

BÀI THỨ TƯ

 

Bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm

số tháng 6-2005

trong chương 13 [tệp 13a] tiểu thuyết MUÀ HÈ BÊN SÔNG

posted: 14.6.2005

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm

 

TRẦN XUÂN AN

(Trần Nguyễn Phan)

 

MỘT Ý NGHĨ NHỎ

VỀ MỘT TRUYỀN THỐNG LỚN

VÀ MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ LỚN

 

Kính gửi dòng sông Bến Hải

Kính gửi ông Bùi Hiền 

và thân tặng bạn Bùi Hành, [hai nhân vật tiểu thuyết của tôi]

với tất cả lòng quý mến

 

Bài viết này vốn là một ghi chú, do đó tôi không có ý định làm văn chương ở thể tài rất thông tấn này, và cũng bởi vậy, tôi thấy nên viết thẳng vào vấn đề ngay từ dòng đầu. Tôi cũng xin người đọc hãy rộng lòng thứ lỗi cho tôi, về cách diễn đạt hơi chối tai, cay mắt, buốt tim.

 

Tôi thật vô lễ khi dám bạo gan bàn đến một hạn chế "tả" khuynh của Bác Hồ: không có ban thờ gia tiên (hoặc thường gọi là bàn thờ gia tiên, thờ cha mẹ, ông bà, cố ông, cố bà và tổ tiên, cội nguồn dân tộc) trong nhà sàn (tại Hà Nội) của Bác. Phải chăng, đó là một hạn chế thuộc loại cụ thể - lịch sử trước sức ép của phong trào cộng sản quốc tế thời bấy giờ? Dẫu sao, tôi cũng thử phê phán hạn chế này, nhưng không phải vì vậy mà phủ nhận sạch trơn về những cống hiến của Bác Hồ cho sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ và chống "tả đạo", của dân tộc Việt Nam ta.

 

Quan niệm của tôi về phong tục, đạo lí dân tộc ở khía cạnh này (bàn thờ gia tiên) đã được nhiều lần nhấn mạnh ở các cuốn sách của tôi, đã xuất bản. Tuy nhiên, ở đây, xin nhấn mạnh thêm một phản đề: Thiên Chúa giáo, Tin Lành giáo thực chất cùng thuộc một loại tôn giáo chủ trương độc tài, độc chiếm đời sống tâm linh, linh hồn của tín đồ, nên ở Phương Tây (Âu Mỹ) không có mĩ tục thờ cúng ông bà (bàn thờ gia tiên). Chúng ta thấy rõ quan niệm "tả đạo" ấy là rất quái dị, cụ thể là vong bản, khi chỉ thờ Chúa Giê-su [và cha mẹ của Giê-su là Giu-se, Ma-ri-a], vốn là [các] nhân vật lịch sử của nước Do Thái cổ đại! Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã kịch liệt phê phán: "Thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn có mắt ông cha không thờ".

 

­Tôi ý thức rất rõ việc phê phán anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh ở khía cạnh này, và khẳng định đó là sự phê phán được đặt trên đạo lí - bản sắc văn hoá - lịch sử nghìn đời của dân tộc ta, vì truyền thống văn hoá dân tộc, vì tương lai của văn hoá dân tộc.

 

Xin mở rộng vấn đề:

 

Học giả Phan Ngọc, một cách rất cẩn trọng và dè dặt, ông đã đề cập đến khía cạnh tam vô (vô Tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo) của chủ nghĩa Mác (Karl Marx, 1818 - 1883 (agt)): "... Nguyễn Ái Quốc không nói đến tam vô (vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo)...". Ở đoạn kết bài nghiên cứu, Phan Ngọc còn viết: "Tôi biết có người còn hỏi tôi về những sai lầm, về cải cách ruộng đất, về nhiều chuyện khác nữa. Tôi chỉ xin các bạn ấy hiểu cho những khó khăn của một người cộng sản trong hoàn cảnh tự mình đi con đường riêng, có điểm không ăn khớp với những nguyên lí của Quốc tế Cộng sản, tự mình phải chèo chống con thuyền cách mạng giữa bao khó khăn, hiểu lầm, tự mình phải nói năng hành động sao cho có lợi cho cách mạng và dân tộc. Con người ở địa vị cao thì sự ràng buộc càng lớn. Những ràng buộc mà một cá nhân nhỏ bé như chúng ta phải chịu thực không có nghĩa gì so với những ràng buộc mà Hồ Chí Minh phải chịu"  (bgt).

 

"Sự ràng buộc" Phan Ngọc đã viết, nói cách khác, đó chính là sức ép của Quốc tế Cộng sản, một tổ chức mà những người sáng lập, lãnh đạo là người châu Âu (kể cả người có gốc Do Thái như Mác; Mác mang huyết thống của một dân tộc vốn rơi vào thảm kịch vong quốc và sau hai nghìn năm, đã thật sự vô tổ quốc, đã Âu hoá 100%). Phan Ngọc cũng đã nhấn mạnh một cách cẩn trọng, dè dặt, trong bài viết trên: Quốc tế Cộng sản không thể hiểu được một người theo Tổ quốc luận, vốn là bản sắc cơ bản nhất trong truyền thống dân tộc Việt Nam ta, như Hồ Chí Minh.

 

Ở đây, tôi chỉ đề cập đến đạo lí tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên, cội nguồn dân tộc, anh hùng, danh nhân dân tộc của người Việt Nam chúng ta. Đó là một hình thái vừa giao thoa, vừa tập trung chủ nghĩa yêu nước (Tổ quốc luận), tình cảm thương nhà (gia đình) và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nói chung (có thể gọi là một dạng thức gần như tôn giáo truyền thống, phổ biến đến mức tuyệt đại đa số trong cộng đồng dân tộc, mặc dù không có tu sĩ). Tất nhiên, nếu có sự mâu thuẫn tư tưởng giữa ba lĩnh vực yêu nước, thương nhà, thờ cúng tổ tiên nói chung, thì dứt khoát và luôn luôn lấy chủ nghĩa yêu nước làm trọng. Có điều, chỉ có thể có mâu thuẫn cục bộ (một phân số nhỏ trong một tổng thực thể [lĩnh vực], như tổng thực thể gia đình chẳng hạn) chứ không bao giờ có mâu thuẫn toàn bộ giữa ba tổng thực thể trên. Một đại gia đình thuộc loại bi kịch, nhiều lắm là có một, hai người thật sự cam tâm phản quốc hoặc đạo tặc, tham ô, chứ không lẽ tất cả đại gia đình đó đều phản quốc hoặc đạo tặc, tham ô! Vì thế, cho nên, một khi có mâu thuẫn giữa ba thực thể [ba lĩnh vực], mặc dù vẫn dứt khoát lấy chủ nghĩa yêu nước làm trọng, nhưng vẫn duy trì hai lĩnh vực kia để giữ vững truyền thống chung. Đó là cách ứng xử hài hoà, giữa quyền biến và kinh thường, tức là giữa việc phải ứng xử đối với trường hợp bất thường hằng (phi truyền thống, phi đạo lí cá biệt, tạm thời) và việc duy trì truyền thống thường hằng (hợp truyền thống, hợp đạo lí phổ biến, muôn đời). Nói một cách cụ thể, thậm chí nếu cha ruột phản quốc, hại dân, đứa con yêu nước phải giết cha để cứu nước, cứu dân, nhưng rồi cũng phải thờ cúng, kị giỗ cha cho phải đạo và để giữ vững truyền thống thờ cúng tổ tiên nói chung. Cố nhiên việc giết cha này phải ở trong phạm vi đạo lí, đại nghĩa, pháp luật, cho dù là thời chiến, chứ không phải là hành vi manh động, côn đồ.

 

 

Xin mở một ngoặc đơn:

 

Về cách ứng xử trong trường hợp có mâu thuẫn bi kịch tương tự như trên, như giữa ba cấp độ thực thể: Đất nước, vua, nhân dân, chính Mạnh Tử, một thánh hiền của Nho giáo, một học thuyết vốn đặt nặng vấn đề trung quân, đã viết: "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh""(dân là quý, thứ đến là Đất nước, vua chỉ đáng xem nhẹ). Nhân đây, tôi chỉ nhắc lướt qua về một giải pháp đê hèn, phản quốc trong lịch sử nước ta: "cắt đất cầu hoà", thực chất là cắt một phần Đất nước để mưu cầu sự tồn tại vương triều chỉ vì quyền lợi cá nhân ích kỉ của Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung. Thông thường, nếu không thể tránh được bi kịch lịch sử như thế, giải pháp khôn ngoan phải là: Đất phải gắn liền với dân, bởi vì còn dân ta ở trên đất phải cắt cho giặc, thì vẫn còn có cơ hội lấy lại cả đất lẫn dân. Giải pháp khôn ngoan trong trường hợp bất đắc dĩ là thế, chứ không thể cắt đất cho giặc để giặc đem dân của chúng đến cư trú như Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung đã làm! Giải pháp bất đắc dĩ, mặc dù dựa trên quan điểm quyền biến – kinh thường, nhưng cũng cần phải cân nhắc sâu xa. Tất nhiên dân tộc ta dứt khoát không bao giờ để bi kịch lịch sử đau thương tương tự lặp lại.

 

Như vậy, từ thuở xa xưa, mâu thuẫn giữa nhân dân, Tổ quốc với lãnh tụ, nếu có, thì đã được giải quyết.

 

Một luận đề khác: "Quân sư phụ, tam cương dả; thuyền đầy bị ngã, con cứu ai?". Vua, thầy giáo, cha ruột vốn là tam cương, ba giềng mối lớn theo đạo lí nhà nho. Ba vị cùng đi trên một chuyến ghe; ghe gặp sóng to, ghe lật, cả ba đều bị ngã; đứa con ruột của người cha, cũng là thần dân của nhà vua, đồng thời là học trò của nhà giáo, anh ấy cùng đi trên ghe, nhưng chỉ có khả năng cứu được một người; vậy đứa con (thần dân, học trò) phải cứu ai? Câu trả lời cũng phải dựa vào quyền biến, kinh thường.

 

Giả thiết phải có thêm dữ kiện để tổng hợp:

 

1. Cả ba vị đều tốt. Ở trường hợp này phải xét đến phạm vi chức trách, tác dụng xã hội của mỗi vị (ai quan trọng hơn ai đối với Đất nước, xã hội), đồng thời phải xét đến sự thể là, vua có thể thay thế hay không thể thay thế, thầy có thể thay thế hay không thể thay thế, và cha ruột bao giờ cũng chỉ duy nhất một người...

 

2. Vua là minh quân hay bạo chúa? Thầy giáo là thầy tốt, luôn thể hiện thiên chức, sứ mệnh giáo dục cao cả hay chỉ bán chữ? Người cha là cha hiền hay phản quốc, hại dân?...

 

Câu trả lời không đơn giản, nhưng cũng đã rõ về sự chọn lựa, nhất là trong trường hợp có mâu thuẫn bi kịch, đòi hỏi phải giải quyết mâu thuẫn trên nền tảng đạo lí phổ quát. Trong những câu trả lời đúng, có một câu là phải để cha ruột chết chìm, thầy giáo chết chìm để cứu vua, vì trong trường hợp cụ thể nào đó, cứu vua mới có thể cứu nước. Tất nhiên rồi đứa con ruột cũng là người học trò biết vì đại nghĩa ấy vẫn thờ cúng, kị giỗ cha và có thể kị giỗ cả thầy giáo.

 

Theo sự phân tích, đánh giá của công luận sáng suốt xưa nay, hành vi chọn lựa ấy là hoàn toàn không một chút ngu trung, cuồng trung do bị nhồi sọ, mặc dù không một ai muốn bi kịch đau thương như thế xảy ra!

 

Dẫu sao bi kịch này vẫn còn "nhẹ nhàng" hơn bi kịch giết cha để cứu nước, vốn rất "dữ dội", đã viết ở đoạn trên. Nhưng ở trường hợp nào cũng phải giữ vững mĩ tục thờ cúng, kị giỗ.

 

Ngoặc đơn xin được đóng lại với sự khẳng quyết như thế.

 

 

Trở lại vấn đề, xin nói rõ thêm về phong tục thờ cúng tổ tiên nói chung: Tiểu sử của một cá nhân, lịch sử một dòng họ, một làng thôn cũng như lịch sử một dân tộc, lịch sử cả nhân loại, đều có thăng, có trầm, có người tích cực, có kẻ tiêu cực, nhưng chúng ta đều có thể rút ra từ những thực thể cá nhân - cộng đồng quá khứ với những tiểu sử - lịch sử ấy những bài học kinh nghiệm, trong đó ngoài biết bao kinh nghiệm rất nên tự hào, còn có kinh nghiệm đau thương, thậm chí [phải dùng một từ bất nhã] là ô nhục; tất nhiên tự hào là cơ bản.

 

Không vì một lí do gì để bài trừ bàn thờ gia tiên (c.1gt).

 

Chủ nghĩa tam vô mác-xít - lê-nin-nít tất nhiên phải ép buộc tư tưởng Hồ Chí Minh phải tuân thủ "giáo điều" tam vô, trong đó cố nhiên bài trừ cả bàn thờ gia tiên, một bản sắc văn hoá - lịch sử rất cơ bản của dân tộc! Tuy nhiên, phải thấy rõ ở Hồ Chí Minh như Phan Ngọc gần đây đã viết: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh "tự mình đi con đường riêng, có điểm không ăn khớp với những nguyên lí của Quốc tế Cộng sản". Trước sau Hồ Chí Minh vẫn là một người kiên trì chủ trương ""yêu Tổ quốc, yêu đồng bào", "không có gì quý hơn độc lập, tự do"...

 

Sức ép của một tổ chức Quốc tế đề xướng chủ nghĩa tam vô mác-xít - lê-nin-nít không phải là điều suy diễn của những thế hệ sau này. Đó là sự thật lịch sử. Trong một bài viết, Đặng Văn Hồ, giảng viên khoa sử Đại học Sư phạm Huế, đã trích dẫn nguyên văn những lời phê phán của Quốc tế Cộng sản về Nguyễn Ái Quốc: Người "đã phạm nhiều sai lầm chính trị rất nguy hiểm", "hữu khuynh", có biểu hiện thuộc "hệ tư tưởng quốc gia pha trộn tư tưởng cải lương chủ nghĩa, duy tâm chủ nghĩa", "cơ hội chủ nghĩa" (*). Và Nguyễn Ái Quốc không được tiếp tục hoạt động cách mạng trong một thời gian, đến nỗi trong một bức thư gửi một vị lãnh đạo Quốc tế Cộng sản, vào năm 1938, Nguyễn Ái Quốc viết: "Đồng chí thân mến, ... Điều tôi muốn yêu cầu đồng chí, đó là đừng để tôi ở quá lâu không hoạt động, như là ở bên lề và ở ngoài Đảng" (**). Sự thể ấy đã xảy ra bởi một lẽ giản dị: con đường dẫn Bác Hồ đến với Quốc tế Cộng sản và chủ nghĩa xã hội, khởi đầu là từ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Tiếp xúc với chủ nghĩa Mác đã lâu, nhưng con đường ấy chỉ hiện rõ trong tâm trí Nguyễn Ái Quốc, khi được đọc luận cương về thuộc địa của Lê-nin. Thật sự, Bác Hồ chỉ tranh thủ sự ủng hộ, viện trợ của tổ chức Quốc tế này, và sau đó tranh thủ các nước xã hội chủ nghĩa mà đứng đầu là Liên Xô với mục đích lớn nhất là giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, phát xít, đế quốc chủ nghĩa. Đó là về tư tưởng chính trị. Còn về thế giới quan của Hồ Chí Minh, duy tâm hay duy vật, tôi mạn phép không bàn ở đây (c.2gt). Đạo lí tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, cội nguồn, anh hùng, danh nhân dân tộc là một mĩ tục rất Việt Nam, với tính chất dung hợp vốn có, không tính đến khía cạnh duy tâm hay duy vật. Nhưng với nhãn quan của các vị lãnh đạo Quốc tế Cộng sản, hầu hết là người châu Âu, ấu trĩ "tả" khuynh, quá sách vở, "hoang tưởng", "nóng vội" ngay cả trong việc tìm hiểu thực tiễn, theo họ, hẳn mĩ tục ấy là một biểu hiện chưa thực sự tam vô chủ nghĩa, thậm chí là mê tín! Có nhiều điều cũng không cần bàn thêm ở đây. Tôi chỉ nói riêng về khía cạnh mê tín. Một phong tục hình thành và phát triển từ hàng ngàn năm trước, làm thế nào không còn dấu vết mê tín! Họ không hiểu thế nào là cách tân truyền thống văn hoá? Xoá sạch nghi thức sẽ dẫn đến sự trống rỗng nội dung! Thái độ quá khích, thói phủ định sạch trơn quá khứ xuất phát từ nhiệt huyết đồng thời từ nhận thức ấu trĩ. Phải chăng là thế?

 

Dẫu vậy, nhưng Hồ Chí Minh cũng phải chịu sức ép tam vô chủ nghĩa từ Quốc tế Cộng sản, như đã trình bày, và đồng thời Hồ Chí Minh đã tìm cách tác động ngược lại. Nói cách khác, Hồ Chí Minh gia nhập Quốc tế Cộng sản, đồng sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, là để đấu tranh làm thay đổi quan điểm của các tổ chức ấy về vấn đề đặt nhiệm vụ trọng tâm vào phong trào giải phóng dân tộc, chứ không chỉ thiên về nhiệm vụ cách mạng ở các "chính quốc" (các nước xâm chiếm thuộc địa). Đó lại là vấn đề lớn khác, xin được gác qua.

 

Tuy nhiên, về vấn đề một truyền thống lớn của dân tộc ta ở bài viết này, cũng cần lưu ý, việc thiếu sót bàn thờ gia tiên ở nhà sàn của Bác Hồ đã được nhân dân, cán bộ, chiến sĩ cách mạng Nam bộ bổ khuyết bằng cách hết lòng lo việc kị giỗ, gìn giữ khu lăng mộ của thân sinh Người, tại Đồng Tháp (dgt), mặc dù ai cũng biết việc đặt bàn thờ gia tiên tại nhà và việc kị giỗ, bảo tồn, trùng tu lăng mộ, lại là các việc khác nhau.

 

Ở đoạn trên của bài này, tôi đã viết: Tôi ý thức rất rõ việc phê phán anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh ở khía cạnh [thiếu sót bàn thờ gia tiên] này, và khẳng định đó là sự phê phán được đặt trên đạo lí – bản sắc văn hoá – lịch sử nghìn đời của dân tộc ta, vì truyền thống dân tộc, vì tương lai của dân tộc. Tôi thấy cần viết thêm: Phải thấy rõ nguyên nhân hạn chế cụ thể – lịch sử của Bác Hồ để rút kinh nghiệm lịch sử, và phải cùng nhau khẳng định rằng, không thể nhân nhượng vô nguyên tắc bất kì sức ép nào, mà đạo lí tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, cội nguồn, anh hùng, danh nhân dân tộc là một nguyên tắc lớn. Đó là sức mạnh tâm linh văn hoá – lịch sử (đã luôn luôn, mãi mãi trở thành sức mạnh có tính vật chất) để giữ nước và dựng nước.

 

Tôi thành thật lo ngại rằng, cách viết phê phán mặt hạn chế của anh hùng dân tộc quá "dè dặt" như học giả Phan Ngọc sẽ khiến nhiều người bắt chước mà không cởi trói, lại càng tự trói buộc chính mình, và, tệ hại hơn, vì nhiều người bắt chước ấy có quyền lực trong tay, nên càng ra sức trói người khác. Xin thưa thêm: Giảng dạy, học tập lịch sử với ý thức noi gương để phát huy những ưu điểm, đồng thời phê phán để tránh những khuyết điểm của tiền bối là mục đích yêu cầu về giáo dục, giáo dưỡng và tiếp thụ mà nhà trường, thầy cô giáo và học sinh nào cũng không thể không biết, có điều suốt một thời gian dài lắm người vì sợ hãi mà chỉ tô hồng một chiều, thậm chí biến khuyết điểm thành ưu điểm, một cách rất tai hại...

 

Tôi thấy cần phải khẳng định lại một lần nữa, việc phê phán hạn chế cụ thể – lịch sử của anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh là sự phê phán được đặt trên đạo lí – bản sắc văn hoá – lịch sử nghìn đời của dân tộc ta, vì truyền thống văn hoá dân tộc, vì tương lai của văn hoá dân tộc. Tôi đã đặt dân tộc (Việt Nam) ở tầm cao hơn cá nhân lãnh tụ (Hồ Chí Minh). Điều đó hoàn toàn hợp đạo lí vĩnh hằng của dân tộc và nhân loại, cũng như hoàn toàn phù hợp với công lí của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bài học chính trị học, triết học sơ đẳng (về chủ nghĩa duy vật lịch sử) cũng đã đề cập đến vai trò cá nhân lãnh tụ và mối quan hệ giữa cá nhân lãnh tụ với dân tộc, chống tệ sùng bái mù quáng cá nhân lãnh tụ, một cách minh bạch, tuy ở dạng lí luận khái quát, không vận dụng cụ thể vào việc nhận định về vị lãnh tụ nào.

 

Việc phê phán anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh ở mặt hạn chế cụ thể – lịch sử (thiếu sót về bàn thờ gia tiên truyền thống) như đã nêu trên, đó là bởi yêu cầu sử học khách quan đặt ra, ngay trong việc viết tiểu thuyết, và để góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng bền vững, thắm thiết. Nói cách khác, ngoài việc chỉ ra và phê phán tả đạo Thiên Chúa giáo, thực dân, phát xít, đế quốc cùng bè lũ phản quốc đích thực trong 117 năm (1858 – 1975) và tập đoàn bành trướng, bá quyền Trung Quốc (trước 1975 (egt) và từ đó đến 1989), tính chính xác sử học trong văn học yêu cầu phải lí giải thêm một trong những tác nhân ý thức hệ về sự phân hoá, phân liệt dân tộc, gây thêm "nội chiến cách mạng" với quá nhiều xương máu trong cuộc chiến tranh chống ngoại xâm dài đằng đẵng 1930 – 1975, đặc biệt là giai đoạn chia cắt Đất nước 1954 – 1975, nhằm hàn gắn vết thương lịch sử là dòng sông Bến Hải ở chiều sâu tâm thức của dân tộc trên hai miền Nam – Bắc (I.129).

 

Quả thật, anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh có những hạn chế cụ thể – lịch sử, cần thiết phải chỉ ra nguyên nhân (sức ép tam vô chủ nghĩa của Quốc tế Cộng sản) và cần phải phê phán vì những mục đích yêu cầu trên (lí giải lịch sử, rút kinh nghiệm lịch sử, đặc biệt là để đoàn kết dân tộc, và nhất là để bảo vệ truyền thống văn hoá nghìn đời của dân tộc). Cho dẫu đáng tiếc như thế, Hồ Chí Minh vẫn là nhân vật lịch sử vĩ đại của dân tộc và của nhân loại trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ và chống "tả đạo" Thiên Chúa giáo...

 

TRẦN XUÂN AN

 

Cước chú bài  “Một ý nhỏ về một truyền thống lớn và một nhân vật lịch sử lớn”  (bàn thờ gia tiên, viết tắt là gt):

 

(agt) Đối chiếu niên đại, thấy rõ Các Mác (Karl Marx, 1818 - 1883) không thể không biết quá trình thực dân Pháp, Tây Ban Nha và "tả đạo" xâm lược nước ta. Hai nước thực dân Anh, Đức là hai nơi Các Mác sinh trưởng, cư trú, hoạt động hầu hết cuộc đời. Thực dân Anh, Đức ít nhiều cũng trực tiếp dính líu vào quá trình xâm lược ấy. Đó là giai đoạn dân tộc ta cùng triều Nguyễn phải kháng chiến, đương đầu, bằng sách lược chiến - hoà - thủ - chiến (1858 - 1885)! Cho đến nay, tôi chưa được đọc một dòng chữ nào của Mác bênh vực, ủng hộ nước ta thuở đó!

 

(bgt) Trích nguyên văn: Phan Ngọc, "Bản sắc văn hoá Việt Nam", Nxb. Văn hoá - Thông tin, 1998, tr. 465 và tr. 477.

 

(c.1gt) Xem thêm: Trần Xuân An, "Sen đỏ, bài thơ hoà bình", tiểu thuyết, Nxb. Thanh Niên, 2003.

 

(*) Chú thích viết tay của Đặng Văn Hồ cuối một bài viết (đánh máy chữ) của ông, bản pho-to-co-py: Dẫn theo Lê Mậu Hãn, “Hồ Chí Minh với ngọn cờ độc lập, dân tộc trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng”; dẫn lại trong “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người chiến sĩ kiên cường trong phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”, Nxb. Thông tin - lí luận, Hà Nội, 1990, tr. 355.

 

(**) Chú thích của Đặng Văn Hồ trong bài viết trên: Dẫn theo GS. Đinh Xuân Lâm, "Một bức thư của Nguyễn Ái Quốc năm 1938", Tạp chí Lịch sử Đảng, số tháng 3.1992, tr. (?).

 

(c.2gt)  Xin xem chương cuối tiểu thuyết.

 

(dgt) Xem: Nguyễn Đắc Hiền (chủ biên), Nguyễn Hữu Hiếu, Ngô Bé (biên soạn), ”Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”, Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc và Sở Văn hoá - Thông tin Đồng Tháp xuất bản, 1990.

 

(egt) Vào năm 1979 hoặc 1980, trên báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng đã công bố ”Bị vong lục”  về mối quan hệ Việt - Trung, tố cáo tham vọng bành trướng, bá quyền của tập đoàn lãnh đạo Trung Nam Hải (Bắc Kinh). “Bị vong lục” là sách (lục) làm đầy đủ (bị) lại những điều bỏ quên (vong), thường được gọi là sách trắng với nghĩa là nói trắng ra một cách minh bạch những chuyện tạm thời bị khuất lấp, bỏ quên trong quá khứ.

 

TXA.

 

 

Xem tiếp: Bài thứ năm:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta_b5.htm

 

Trở về: Trang mục lục của tập bài viết "Luận về thời chúng ta...":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta

 

Trở về trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

 

Google page creator /  host

  Ngày đưa lên trang web này: 28-4 HB7

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE