Ấn hành BÊN KIA DỐC 'MẠ ƠI!'

16 

Đầu sách thứ ba mươi hai của Trần Xuân An, 30-9 HB12 (2012):

Bên kia dốc “Mạ ơi!”

truyện vừa - hồi ức (tập truyện ngắn liên hoàn):

 

1) Nụ cười Suối Hương (Đạ Hương)

2) Món nợ Suối Hương (Đạ Hương)

3) Nỗi đau Suối Hương (Đạ Hương)

4) Lối thoát Suối Hương (Đạ Hương)

5) Biểu tượng Suối Hương (Đạ Hương)

 

6) Phụ lục: Thơ TXA. về Hương Lâm (Đạ Hương)

 

Hoàn tất bản thảo vào cuối tháng chín HB12 (9-2012)

 

Cấp phép ấn hành:

NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN

THÁNG 11-2012

 

Phát hành tại:

Nhà sách Chi nhánh NXB. Thanh Niên

27B Nguyễn Đình Chiểu, P. Đa Kao, Quận 1, TP.HCM.

&

Nhà sách NXB. TRẺ

161B Lý Chính Thắng, Quận 3, TP.HCM.

 

TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI

 

----------

 

 

 

 

Đã đăng trên Tttđt. Hội Nhà văn TP.HCM.,

chiều 25-12 HB12 (2012):

 

 

 

 

 

 

LIỆU ĐÃ THỂ HIỆN HẾT

NỖI NIỀM VÀ NGHỊ LỰC SỐNG SUỐI HƯƠNG?

 

Trần Xuân An

 

Suối Hương (Hương Lâm) ở bậc thềm Nam Tây nguyên, phía tây Đạ Bảo (B’Lao), chắc hẳn là một trong những vùng đất khiến tôi thường nhớ về với một tâm trạng khôn nguôi, và không thể không bận lòng suy nghĩ. Tôi viết về Suối Hương trong những ngày tháng còn dạy học ở Bảo Nghĩa (Lộc Ngãi), một vùng khai hoang lập ấp của người dân Quảng Ngãi, phía bắc Đạ Bảo. Bấy giờ, tôi chưa vào đến Suối Hương, mà chỉ có dịp dừng chân ở Mađagui, nơi có một con đường duy nhất vào vùng đất khai hoang lập ấp của người Huế ấy. Tôi lại viết về Suối Hương khi đã thật sự trải qua một niên khoá dạy học ở đó, 1979-1980. Và khi đã rời xa Suối Hương, lên Đạ Nông (Đức Trọng) tiếp tục dạy học gần trọn ba năm học, Suối Hương trong tâm hồn tôi vẫn buộc tôi phải nhiều lần cầm lấy bút và viết. Thậm chí, khoảng mười lăm năm sau, Suối Hương trở thành một thôi thúc nội tâm, không thể không viết để giải toả. Thế rồi, tưởng chừng đã nguôi quên, nhưng tôi lại một lần nữa viết về Suối Hương thuở đó, cách đây bốn tháng, 9-2012. Lần này, không phải là thơ hay bút kí, mà là truyện vừa: “Bên kia Dốc ‘Mạ ơi!’”.

 

Mỗi vùng đất ta đã sống, hay chỉ dừng chân vài hôm, đều trở thành kỉ niệm. Nhưng Suối Hương đối với tôi còn hơn là kỉ niệm. Đó là nơi tôi đã đồng cảm với người Huế rời xa Huế để đi “kinh tế mới”, nặng lòng nhớ Huế đến đau đáu ruột gan, mặc dù tôi là người Quảng Trị khởi đầu tuổi sơ sinh trong ngôi nhà của cha mẹ mình gầy dựng được ở Huế (sau vài ngày tại nhà thương – hộ sản khá gần), có ít năm ấu thơ, một năm trung học và bốn niên khoá đại học ở Huế, tất thảy các quãng thời gian ấy đều sống trong ngôi nhà đó. Huế là quê hương sinh quán của tôi, là nơi, một cách biện chứng, góp phần hình thành nên tôi, và Suối Hương là Huế của tôi ở Lâm Đồng. Đó là một khía cạnh của nỗi niềm Suối Hương của riêng tâm hồn tôi... Mặt khác, Suối Hương còn là nơi tôi đồng cảm với Huế trong tâm trạng hậu chiến nhưng thực sự vẫn còn chiến tranh ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, thuở những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80/XX, vô vàn trăn trở, thử thách, cơ khổ, vô vàn hi vọng, luôn nhủ lòng tự trấn an bằng tầm nhìn lạc quan, bằng nghị lực vượt thắng...

 

Cuốn sách “Bên kia Dốc ‘Mạ ơi!’” là một truyện vừa (gồm năm truyện ngắn liên hoàn) mới viết, cùng phụ lục là chín bài thơ, viết trong các năm từ 1979 đến 1996, gói gọn trong 128 trang sách, vừa mới phát hành (1), liệu có thể hiện được các khía cạnh, mặt này, măt kia của hiện thực thuở đó và nỗi niềm Suối Hương trong tôi hay không? Tôi tự hỏi và tự biết là không thể trả lời trong vài dòng ngắn gọn, ở bài viết này. Tôi còn hiểu rằng, bao người đọc quý mến, gồm cả những giáo viên đồng nghiệp, học sinh, các vị cán bộ, thanh niên xung kích Huế và nhân dân Suối Hương thuở đó, phần lớn vẫn còn sống, không những vẫn khoẻ mạnh mà còn rất tinh tường, chắc hẳn chưa phai mờ kí ức, có thể đọc cuốn sách này, trả lời hộ tôi. Và cuốn sách “Bên kia Dốc ‘Mạ ơi!’” tự nó cũng lên tiếng trả lời.

 

Điều tôi cảm thấy thật sự vui mừng là biết mình vẫn còn có thể đeo đuổi được một trong những mảng đề tài luôn canh cánh trong tôi, đó là về những thân phận bị thiệt thòi khi đất nước được thống nhất và cơ bản là hoà bình (còn chiến tranh ở biên giới) – những thân phận mà chính cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thấu hiểu, và viết sự thật đó thành một câu hầu hết mọi người trong nước, ngoài nước đều nhớ, đại để: Nếu có triệu người vui thì cũng có triệu người vẫn còn buồn. Tôi hiểu, vẫn có triệu người còn buồn là bởi họ không được san sẻ Niềm Vui Lớn của Đất nước thống nhất. Trước hết, đó là quyền bình đẳng, không bị “phân biệt đối xử” trên mọi phương diện (“phân biệt đối xử”, một cụm từ thể hiện một sự thật mà chính các văn kiện quan trọng của Đảng cầm quyền đã ghi nhận từ thực tế cuộc sống và đã chỉ thị chấm dứt sự “phân biệt đối xử” đó) (2). Mảng đề tài này còn chất chứa trong nó những vấn đề khác thuộc về chính luận, như kinh tế (3), văn hoá... Thơ trữ tình chính luận, truyện văn chương chính luận, hay chính xác hơn là mang màu sắc chính luận, thực chất cũng là phản ánh hiện thực, thể hiện nỗi niềm, tâm trạng về số phận nhân dân, số phận con người trong những quãng thời gian – những thời đoạn đã, đang và sẽ thành lịch sử, khắc sâu vào sử kí dân tộc... Suối Hương là một vùng “kinh tế mới”, mới hình thành từ tháng 12-1977 đến nay, và chỉ dăm nghìn dân, nhưng đâu nằm ngoài pho sử lớn của Đất nước Việt Nam vạn nghìn đời. Như đối với các tác phẩm văn chương vừa có tính kí sự vừa có tính hư cấu tương tự khác, nếu chắt lọc “Bên kia Dốc ‘Mạ ơi!’”, có thể nhặt lấy cái lõi hiện thực cho địa chí, sử kí, đặc biệt là “không khí” nói chung của một vùng đất, chứ không riêng một mái nhà nào, nhân vật nào, thuở mới khẩn hoang, khai canh, lập làng, dựng trường (1977-1980). Mái nhà này, nhân vật kia, có thể là sản phẩm hư cấu, nhưng “không khí” chung của truyện là rất chân thật, chân thật như tôi đã đi đến tận cùng hiểu biết về vùng đất ấy.

 

Tôi đã run tay khi viết truyện vừa “Bên kia Dốc ‘Mạ ơi!’”, mặc dù đây chỉ là tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết, với đặc trưng thể loại của nó, gồm cả cái lõi hiện thực cộng với tỉ lệ hư cấu nhất định. Và bây giờ, cảm thấy yên tâm khi cuốn sách đã được lưu hành. Băn khoăn còn lại là, thông qua việc khắc hoạ các nhân vật cùng với việc xây dựng tổng thể hình tượng tác phẩm, liệu tôi đã thể hiện hết nỗi niềm và nghị lực sống Suối Hương, chất Huế ở Huế và ở Lâm Đồng? Dẫu sao, cuốn sách “Bên kia Dốc ‘Mạ ơi!’” là cả tấm lòng thành của tôi khi hồi ức về Suối Hương.

 

TXA.

4:25 – 6:23, 23-12 HB12

____________________________

 

(1) “Bên kia Dốc ‘Mạ ơi!’” được cấp phép bởi Nxb. Hội Nhà văn (chi nhánh phía nam đọc duyệt); phát hành tại nhà sách Nhà xuất bản Thanh Niên, 27B Nguyễn Đình Chiểu, P. Đa Kao, Q.1, TP.HCM. và nhà sách Nhà xuất bản Trẻ, 161 Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM..

(2) Chỉ thị của Ban Bí thư, số 66 – CT./TW., ngày 26-02-1979: “Về một số công tác trước mắt đối với trí thức cũ ở Miền Nam”, Văn kiện Đảng, toàn tập, tập 40 (1979), Nxb. Chính trị quốc gia, 2005.

(3) Đề cương kết luận Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khoá IV), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IV), số 20 – NQ./TW., ngày 20-9-1979, Văn kiện Đảng, toàn tập, tập 40 (1979), Nxb. Chính trị quốc gia, 2005; Thông báo số 22 – TB./TW., ngày 21-10-1980, bộ sđd., tập 41 (1980), 2005.

 

Tác giả có chỉnh sửa dăm chữ (xác định phương hơớng địa lí, thêm chi tiết vào nơi sinh, không sai lệch nôi dung cơ bản) so với bản đã đăng --- Ghi chú, 31-12 HB12

 

Xem thêm:

Truyện ngắn "Hậu chiến, không riêng ai" của Trần Xuân An (PDF & Word):

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/tieu-luan-3/bai12

Bản khác:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-i

 

Xem bản đồ kích cỡ lớn hơn

 

Bản đồ toàn cảnh Lâm Đồng (bấm vào đây)

 

xã Hương Lâm, huyện Đạ Tẻh (trước đây thuộc huyện Đạ Huoai)

& xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm (trước đây thuộc huyện Bảo Lộc),

đều thuộc tỉnh Lâm Đồng

( Ghi chú riêng:

---- Hương Lâm = Suối Hương ----- 

----- Lộc Ngãi = Bảo Nghĩa ----- 

----- Bảo Lộc = Đạ Công ----- 

----- B'Lao = Đạ Bảo ----- )

 

 

 

 

 

 

Tiểu thuyết viết về ngôi trường ở vùng "kinh tế mới" (khai hoang lập ấp) Lộc Ngãi, Bảo Lâm (trước đây thuộc huyện Bảo Lộc), tỉnh Lâm Đồng, niên khóa 1978-1979

__________________________________________

THÔNG TIN CẬP NHẬT

03 tháng tư HB13 (2013):

Xem thêm:

HẬU CHIẾN,

KHÔNG RIÊNG AI

truyện - hồi ức gồm 9 chương

của Trần Xuân An

viết về Trường PTTH. Đức Trọng, Lâm Đồng (1980-1983)...

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-i

 

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE