c. Bài 3-Tl.1 - Trần Xuân An -- Đọc lại "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản" (1847-1848)

 

Web. Tác giả Trần Xuân An

 

 

BÀI THỨ BA

 

Bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm

số tháng 6-2005

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm

trong chương 13 [tệp 13a] tiểu thuyết MUÀ HÈ BÊN SÔNG

posted: 14.6.2005

 

 

TRẦN XUÂN AN

(Trần Nguyễn Phan: TNP.)

 

ĐỌC LẠI "TUYÊN NGÔN ĐẢNG CỘNG SẢN" (1847 - 1848)

CỦA MÁC VÀ ĂNG-GHEN (K. MARX & F. ENGELS)

 

1.

 

Hơn hai mươi bốn năm sau khi bản "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản" được khởi viết (từ khoảng tháng một, tháng chạp 1847) và xuất bản lần thứ nhất (vào tháng hai 1848), ngày 24 tháng sáu, năm 1872, Mác và Ăng-ghen lại đề tựa cho lần xuất bản bằng tiếng Đức, thứ ngôn ngữ nguyên bản:

 

"Mặc dầu hoàn cảnh đã thay đổi nhiều trong hai mươi lăm năm qua, nhưng cho đến nay, xét về đại thể, những nguyên lí tổng quát trình bày trong Tuyên ngôn này hoàn toàn đúng. Ở đôi chỗ, có một vài chi tiết phải xem lại. Chính ngay Tuyên ngôn cũng đã giải thích rõ ràng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lí đó cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt cũng phải viết khác đi.  [[...]: Trần Nguyễn Phan (TNP.) lược bớt]" (sđd., tr. 8 – 9 và tr. 21 – 22).

 

Về nền đại công nghiệp đã có sự tiến bộ vượt bậc và về giai cấp công nhân đã có chính đảng, tích luỹ được kinh nghiệm đấu tranh và nắm chính quyền (Công xã Paris 1871), Mác và Ăng-ghen viết tiếp lời tựa: "cho nên hiện nay cương lĩnh này có một số điểm đã cũ rồi"  (sđd., tr. 8 – 9 và tr. 21 – 22).

 

" [...] Việc phê phán những văn phẩm xã hội chủ nghĩa chưa được đầy đủ [...]. Và cũng hiển nhiên là những nhận định về thái độ của người cộng sản đối với các đảng đối lập (chương IV) [các đảng đối lập của chế độ tư bản TNP. chua thêm (ct.)], nếu cho đến nay vẫn còn đúng trên những nét cơ bản, thì trong chi tiết những nhận định ấy đã cũ rồi, vì tình hình chính trị đã hoàn toàn thay đổi và sự tiến triển lịch sử đã làm tiêu tan phần lớn những đảng được kể ra trong đó.

 

Tuy nhiên, Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa lại" (sđd., tr. 8 – 9 và tr. 21 – 22).

 

Mác và Ăng-ghen khẳng định: những nguyên lí tổng quát vẫn hoàn toàn đúng; phải linh hoạt áp dụng những nguyên lí ấy tuỳ hoàn cảnh cụ thể; không câu nệ vào biện pháp cách mạng đã nêu ra một cách máy móc...

 

Trên tinh thần đó, Lê-nin (Lênine) nhận định về bản "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản" (1847 – 1848): "Cuốn sách mỏng đó có giá trị bằng nhiều pho sách dày: toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh, cho đến ngày nay, sống và hoạt động nhờ có tinh thần của cuốn sách đó"  (dẫn theo sđd., tr. 102).

 

Quả thật, đó là một cuốn sách mỏng. Với bản in tiếng Việt, xuất bản lần thứ tám, của Nhà Xuất bản Sự Thật – Hà Nội, 1974, nguyên trọn nội dung thực sự của Tuyên ngôn chỉ vỏn vẹn sáu mươi trang sách, cỡ 13 cm x 18,8 cm, từ trang 41 đến trang 101. Phần trước và phần sau các trang đó là các lời tựa của những lần xuất bản và các chú thích của Nhà Xuất bản Sự Thật. Phần mục lục của Tuyên ngôn đã trình bày khái quát về nội dung của nó. Xin trích nguyên văn:

 

"I. [Chương I: - TNP. ct.] Tư sản và vô sản [tr.] 42

 

  II. [Chương II:] Những người vô sản và những người cộng sản [tr.] 66

 

  III. [Chương III:] Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa [tr.] 81

 

1. Chủ nghĩa xã hội phản động: [tr.] 81

 

a) Chủ nghĩa xã hội phong kiến [tr.] 81

b) Chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản [tr.] 84

c) Chủ nghĩa xã hội Đức hay chủ nghĩa xã hội "chân chính" [tr.] 86

 

2. Chủ nghĩa xã hội bảo thủ hay chủ nghĩa xã hội tư sản [tr.] 91

 

3. Chủ nghĩa xã hội không tưởng phê phán và chủ nghĩa cộng sản không tưởng phê phán [tr.] 94

 

  IV. [Chương IV:] Thái độ của những người cộng sản đối với các đảng đối lập [tr.] 99" (sđd., tr. 117 – 118).

 

Trong các chương mục trên, hai chương Tư sản và vô sản, Những người vô sản và những người cộng sản là cốt tuỷ nhất.

 

2.

 

Điều tôi quan tâm nhất là chủ nghĩa thực dân của giai cấp tư sản và quá trình kháng chiến, phong trào giành độc lập dân tộc ở các nước bị xâm lược.

 

Sự xâm lược, cướp bóc, chiếm đóng, bành trướng lãnh thổ và đồng hoá dân tộc về mặt huyết thống lẫn văn hoá (gồm cả tôn giáo) không phải mới xuất hiện vào các thế kỉ từ XVI đến giữa thế kỉ XIX, thời điểm Mác và Ăng ghen viết Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847). Xâm lược, thực dân (kể cả chiếm đất, bóc lột, tiêu diệt dân tộc bản xứ, di dân chính quốc đến vùng đất mới xâm chiếm) vốn xuất phát từ dục vọng tham tàn của sinh vật con người (cũng như tình trạng di thực của mọi sinh vật cấp thấp khác), kể từ khởi thuỷ đến nay, và dĩ nhiên dục vọng tham tàn ấy, ở con người, có tính giai cấp (bấy giờ là tư sản) và tính thời đại (bấy giờ là công nghiệp). Nhưng vào cuối năm 1847, lúc Mác và Ăng-ghen viết dòng thứ nhất bản thảo Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, giai cấp phong kiến quân chủ và giai cấp tư sản Âu Mỹ đã và đang tiến hành xâm lược tàn bạo các nước châu Phi, châu Mỹ và các nước Phương Đông một cách khốc liệt (riêng ở cảng Sơn Trà, Đà Nẵng của nước ta, thực dân Pháp vừa gây hấn bằng cách bắn chìm mấy chiến thuyền của quan quân triều Thiệu Trị rồi bỏ chạy), bấy giờ, Mác và Ăng-ghen có những suy nghĩ, thái độ và chủ trương chính trị gì?

 

Hầu như mối bận tâm nhất của Mác và Ăng-ghen là trình bày luận điểm "lịch sử tất cả các xã hội cho đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp" (sđd., tr. 42). Kế đó, là sự hình thành giai cấp tư sản trong lòng xã hội phong kiến châu Âu và quá trình tích luỹ tư bản của nó, gồm cả việc xâm lược, cướp bóc tài nguyên, sức lao động ở các nước châu Phi, châu Mỹ và các nước Phương Đông:

 

"Việc tìm ra châu Mỹ và con đường biển vòng châu Phi đã đem lại một địa bàn hoạt động mới cho giai cấp tư sản vừa mới ra đời. Những thị trường Đông Ấn và Trung Quốc, việc thực dân hoá châu Mỹ, việc buôn bán với thuộc địa, việc tăng thêm nhiều phương tiện trao đổi và nói chung, tăng thêm nhiều hàng hoá, đã đem lại cho thương nghiệp, cho hàng hải, cho công nghiệp một sự phát triển chưa từng có, và do đấy đã đem lại một sự phát triển mau chóng cho yếu tố cách mạng trong xã hội phong kiến đang tan rã" (sđd., tr. 44).

 

... "Nó đã tiến hành những cuộc viễn chinh khác hẳn những cuộc xâm lăng và những chiến tranh thập tự 42" (sđd., tr. 48).

 

... "Vì luôn luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những nơi tiêu thụ mới, giai cấp tư sản xâm lấn khắp hoàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi, khai thác khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi" (sđd., tr. 49).

 

... "Thay cho những nhu cầu cũ được thoả mãn trong nước, thì nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thoả mãn bằng những sản phẩm đưa từ những miền và xứ xa xôi nhất về" (sđd., tr. 49).

... "Mặt khác, bằng cách chiếm những thị trường mới và bóc lột triệt để hơn nữa những thị trường cũ" (sđd., tr. 53).

 

Cũng về tình trạng thực dân ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa, hai lãnh tụ vô sản đã viết với tư duy và cảm xúc châu Âu, gây cho người đọc vốn là nhân dân các nước bị xâm lược cảm giác khó chịu, nếu không muốn nói là bất bình, mặc dù rất đồng cảm khi thấy đồng thời Mác và Ăng-ghen hướng mũi dùi công kích chủ yếu vào giai cấp tư sản, bọn thực dân viễn chinh:

 

"Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn đến cả những dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh. Giá rẻ của những sản phẩm của giai cấp ấy là trọng pháo bắn thủng tất cả những bức vạn lí trường thành và buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất phải hàng phục. Nó buộc tất cả các dân tộc phải thực hành phương thức sản xuất tư sản, nếu không sẽ bị tiêu diệt; nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải thành tư sản. Nói tóm lại nó tạo cho nó một thế giới theo hình ảnh của nó" (sđd., tr. 50).

 

"Cũng như nó đã bắt nông thôn phụ thuộc vào thành thị, bắt những nước dã man hay nửa dã man phải phụ thuộc vào các nước văn minh, nó bắt những dân tộc nông dân phải phụ thuộc vào những dân tộc tư sản, bắt Phương Đông phải phụ thuộc vào Phương Tây" (sđd., tr. 50).

 

Nói chung, hầu như mối quan tâm nhất của Mác và Ăng-ghen, như đã nói, là trình bày về quá trình tích luỹ tư bản của tư sản châu Âu, và vừa công kích, vừa thừa nhận sự phát triển nhanh chóng không thể tưởng của giai cấp tư sản da trắng; đồng thời trình bày sự hình thành của giai cấp công nhân vô sản, nói theo cách của Tuyên ngôn, là giai cấp được sinh ra từ nền sản xuất tư bản, đồng thời cũng chính là giai cấp sẽ "đào huyệt chôn" giai cấp thân sinh mình (sđd., tr. 65), và cũng không thể không nói đến sự tha hoá, vong thân của giai cấp công nhân trong quan hệ sản suất tư bản chủ nghĩa. Khái niệm và thực chất của hai từ "dã man", "văn minh", Mác và Ăng-ghen cũng hiểu theo kiểu "châu Âu là trung tâm", là cái rốn của vũ trụ! Và lạ thay, nhưng xét cho cùng cũng không có gì lạ, khi Mác và Ăng-ghen không hề bày tỏ niềm chia sẻ khổ đau và tủi nhục cùng những dân tộc bị xâm lược, thậm chí bị diệt chủng bởi thực dân da trắng.

 

Tuy vậy, Mác và Ăng-ghen vẫn có đề cập đến sự bóc lột giữa các dân tộc, nhưng chỉ được hai câu:

 

"Hãy xoá bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xoá bỏ.

 

Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo" (sđd., tr. 76).

 

Phải chăng hai câu ấy không phải đề cập đến độc lập dân tộc và chủ quyền đất nước? Ai cũng hiểu rằng, "nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác" chưa diễn đạt đầy đủ nội hàm của hai thuật ngữ độc lập dân tộc và chủ quyền đất nước. Một dân tộc này có thể thống trị một dân tộc khác, sáp nhập đất nước của dân tộc bị trị vào lãnh thổ của nước thống trị, nhưng vẫn bình đẳng về kinh tế. Dân tộc Hán ở Trung Hoa sáp nhập cả mươi nước khác, vừa cả đất nước, vừa cả dân tộc vào tay mình là một ví dụ. Liên Xô gồm nước Nga với mười hai nước cộng hoà trước đây (vừa tuyên bố độc lập vào năm 1991) là một ví dụ khác.

 

Công xã Paris 1871, đã thực sự nắm chính quyền ở Pháp, mặc dù ngắn ngủi về thời gian, nhưng cũng kịp để trao trả Nam Kì cho Đại Nam nước ta, tuy nhiên Công xã Paris cũng không hề có nghĩa cử hợp với công lí ấy!

 

Bốn mươi tư năm trôi qua, kể từ ngày Tuyên ngôn ra đời, mãi cho đến ngày 10 tháng hai 1892, sau khi cung cấp một thông tin về sự vong bản kì quặc và bi thảm của công nhân Ba Lan là "họ thiết tha muốn Nga hoá tất cả mọi người Ba Lan" (sđd., tr. 34) vì quyền lợi kinh tế (trong sự cạnh tranh giữa giới chủ Ba Lan và giới chủ Nga), Ăng-ghen viết:

 

"Nhưng sự phục hồi nước Ba Lan tự trị hùng mạnh là điều tất cả chúng ta đều mong muốn chứ không phải riêng gì người Ba Lan. Chỉ có thể có được sự hợp tác quốc tế thành thực giữa các dân tộc châu Âu khi nào mỗi dân tộc đó là người chủ tuyệt đối trong nhà mình" (sđd., tr. 34 - 35).

 

Ngày 01 tháng hai, 1893, trong một lời tựa cho lần xuất bản “Tuyên ngôn” bằng tiếng Ý vào năm đó, Ăng-ghen viết:

 

"Không khôi phục lại độc lập và thống nhất cho từng dân tộc thì về phương diện quốc tế, không thể thực hiện được sự đoàn kết của giai cấp vô sản và sự hợp tác hoà bình và tự giác giữa các dân tộc đó để đạt tới những mục đích chung" (sđd., tr. 38).

 

Tuy có nói đến việc "khôi phục lại độc lập và thống nhất cho từng dân tộc" nhưng Ăng-ghen vẫn xem đó chỉ là việc phải thực thi để tạo được điều kiện cần thiết, mà điều kiện cần thiết ấy cũng chỉ nhằm phục vụ cho mục tiêu tối thượng là cách mạng vô sản trên toàn thế giới! Nói cách khác, cách mạng vô sản mới là chủ trương chính, là mục đích chủ yếu và nhiệm vụ trọng tâm, nhưng không thể thực thi và đạt được nếu không tạo ra điều kiện tiên quyết, đó là "khôi phục lại độc lập và thống nhất cho từng dân tộc". Mặc dù Ăng-ghen đã thấy ra điều ấy, nhưng cũng chỉ giới hạn tầm nhìn vào việc khôi phục độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cho các nước châu Âu mà thôi!

 

Mác cũng có nói về cái nhục của Ý lệ thuộc vào Áo, Đức lệ thuộc vào Nga. Cũng theo Ăng-ghen trong lời tựa trên, về ý kiến ấy của Mác:

 

"Hai dân tộc lớn đó được phục hồi và có thể thu hồi bằng cách này hay cách khác nền độc lập của mình thì theo ý kiến của Mác, đó là do chính ngay những kẻ đàn áp cuộc cách mạng 1848 [Louis Bonaparte, Pháp; Bismark, Đức – TNP. ct.] đã trở thành những người chấp hành di chúc của cuộc cách mạng đó, bất chấp ý muốn của họ là thế nào" (sđd., tr. 36 – 37).

 

Nhãn quan của Mác và Ăng-ghen cho dù sáng suốt cũng chỉ là nhãn quan của người châu Âu với tâm lí "châu Âu là trung tâm"!

 

3.

 

Điều quan tâm lớn thứ hai của tôi: chủ nghĩa tam vô (vô Tổ quốc, vô gia đình và vô tôn giáo). Có thật Mác và Ăng-ghen chủ trương như thế?

 

Chương II của "Tuyên ngôn Đảng cộng sản" (1847 – 1848) có nhiều đoạn viết về vấn đề này, sau vấn đề lớn nhất là vô sản hoá hay công hữu hoá nền sản xuất để người công nhân vô sản thành người cộng sản vừa nắm chính quyền, vừa quản lí nền sản xuất và điều hành tất cả mọi lĩnh vực xã hội khác. Chủ nghĩa tam vô cũng được đặt sau các vấn đề cực kì to lớn khác: tính độc lập cá nhân và cá tính, tự do, thương nghiệp, tư hữu, cái cá nhân, văn hoá, pháp quyền. Tất nhiên, biện pháp tiên quyết của cách mạng vô sản là giành chính quyền bằng bạo lực cách mạng, nhưng trong chương II này, biện pháp ấy lại được đặt sau cái thường gọi là chủ nghĩa tam vô.

 

Mác và Ăng-ghen miêu tả thực trạng của giai cấp vô sản công nghiệp Âu Mỹ dưới sự bóc lột của giai cấp tư sản ở hai châu lục đó, sau khi đã khu biệt với bộ phận "vô sản lưu manh" (sđd., tr. 60):

 

"Điều kiện sinh hoạt của xã hội cũ đã bị xoá bỏ trong những điều kiện sinh hoạt của giai cấp vô sản. Người vô sản không có tài sản; [về gia đình, TNP. nhấn mạnh] quan hệ giữa anh ta với vợ con không còn giống một chút nào với những quan hệ gia đình tư sản; [về dân tộc, TNP. nhấn mạnh] lao động công nghiệp hiện đại, tình trạng người công nhân làm nô lệ cho tư bản, ở Anh cũng như ở Pháp, ở Mỹ cũng như ở Đức, làm cho người vô sản mất hết tính chất dân tộc. [Về tôn giáo v.v., TNP. nhấn mạnh] Luật pháp, đạo đức, tôn giáo đều bị người vô sản coi là những thành kiến tư sản che giấu những lợi ích tư sản" (sđd., tr. 60 - 61).

 

Đó là thực trạng biến đổi về quan hệ gia đình (chưa xác lập vững chắc quan hệ gia đình kiểu mới, vợ chồng đều làm công ăn lương); thực trạng bị tha hoá, vong thân về tính chất dân tộc; và cũng là thực trạng, nhưng ở khía cạnh khác, về luật pháp, đạo đức, nhất là về Thiên Chúa giáo, Tin Lành giáo, lại là sự nhận thức sáng suốt của giai cấp vô sản – công nhân Âu Mỹ, thuở bấy giờ. Thực trạng đó đã được hai lãnh tụ vô sản nhìn thẳng vào sự thật. Nhưng còn ý thức hệ và chủ trương?

 

 

 

Về vô gia đình?

 

Trong "Tuyên ngôn Đảng cộng sản" (1847 – 1848), vấn đề này thực sự là những lời tranh luận của hai lãnh tụ vô sản với các giai cấp, thành phần phản động:

 

"Xoá bỏ gia đình! Ngay những người cấp tiến nhất cũng phẫn nộ về cái ý định xấu xa ấy của những người cộng sản.

 

Gia đình tư sản hiện nay dựa trên cơ sở nào? Dựa trên tư bản, trên lợi nhuận cá nhân. Gia đình, dưới hình thái hoàn toàn phát triển của nó, chỉ tồn tại đối với giai cấp tư sản thôi, nhưng nó lại kèm theo sự bắt buộc phải thủ tiêu mọi gia đình đối với người vô sản và kèm theo nạn mãi dâm công khai.

 

Gia đình tư sản dĩ nhiên là sẽ tiêu tan cùng với cái kèm theo nó, và cả hai cái đó [gia đình kiểu tư sản, lợi nhuận cá nhân (hoặc sự thủ tiêu tính gia đình tạm bợ kiểu vô sản, nạn mãi dâm công khai) – TNP. ct.] đều mất đi cùng với tư bản.

 

Các ông trách chúng tôi là muốn xoá bỏ hiện tượng cha mẹ bóc lột con cái chăng? Tội ấy, chúng tôi xin nhận.

 

Nhưng các ông lại bảo rằng chúng tôi đập tan những mối liên hệ thân thiết nhất bằng cách đem giáo dục xã hội thay cho giáo dục gia đình.

 

Thế nền giáo dục của các ông, há chẳng phải cũng do xã hội quyết định đó sao? Há chẳng phải do điều kiện xã hội trong đó các ông nuôi dạy con cái các ông, do sự can thiệp trực tiếp hay không trực tiếp của xã hội, do nhà trường v.v. quyết định là gì? Người cộng sản không bịa ra tác động xã hội đối với giáo dục; họ chỉ thay đổi tính chất của tác động ấy và kéo giáo dục ra khỏi ảnh hưởng của giai cấp thống trị mà thôi.

 

Đại công nghiệp càng phá huỷ mọi liên hệ gia đình trong giai cấp vô sản và càng biến các trẻ em thành chỉ là những món hàng mua bán, chỉ là những công cụ lao động, thì những lời huênh hoang của giai cấp tư sản về gia đình và giáo dục, về những mối liên hệ thân thiết gắn bó con cái với cha mẹ, lại càng trở nên ghê tởm.

 

Nhưng bọn cộng sản các anh, muốn thực hành chế độ cộng thê [vợ chung – TNP. ct.]. Toàn thể giai cấp tư sản đồng thanh tru tréo lên như vậy.

 

Đối với người tư sản, vợ hắn chẳng qua chỉ là một công cụ sản xuất. Cho nên nghe nói công cụ sản xuất phải được đem dùng chung thì tự nhiên là hắn kết luận rằng chính đàn bà rồi cũng phải chịu cái số phận chung là bị xã hội hoá.

 

Hắn không ngờ rằng vấn đề ở đây chính là kéo đàn bà ra khỏi vai trò hiện nay của họ là một công cụ sản xuất đơn thuần.

 

Vả lại, không có gì lố bịch bằng sự ghê sợ quá ư đạo đức của những nhà tư sản đối với cái gọi là cộng thê chính thức mà hình như những người cộng sản sẽ chủ trương. Những người cộng sản không cần phải du nhập chế độ cộng thê; chế độ ấy hầu như đã luôn luôn tồn tại.

 

Các ngài tư sản chưa thoả mãn là đã sẵn có vợ và con gái của vô sản để dùng, đó là chưa kể chế độ mãi dâm công khai, các ngài ấy còn lấy việc cắm sừng lẫn nhau làm một thú vui đặc biệt.

 

Hôn nhân của giai cấp tư sản thật ra là chế độ cộng thê. Quá lắm thì người ta có thể buộc tội những người cộng sản là muốn đem một chế độ cộng thê công khai và chính thức thay cho chế độ cộng thê che đậy một cách giả nhân giả nghĩa mà thôi. Nhưng với sự xoá bỏ chế độ sản xuất hiện tại [nền sản xuất tư bản chủ nghĩa TNP. ct.] thì dĩ nhiên là chế độ cộng thê do chế độ sản xuất ấy đẻ ra, tức là chế độ mãi dâm chính thức và không chính thức, cũng sẽ biến mất" (sđd., tr. 73 – 75).

 

Quả thật, Mác và Ăng-ghen khi bàn đến tự do, hai ông viết trong Tuyên ngôn một cách rất mỉa mai về cá tính, tính độc lập và tự do cá nhân tư sản, sau đó, lại viết tiếp:

 

"... Trong những điều kiện hiện tại của sản xuất tư sản thì tự do có nghĩa là tự do buôn bán, tự do mua và bán.

 

[...]

 

... những luận điệu và lời nói đó không còn ý nghĩa gì nữa, khi vấn đề đặt ra là chủ nghĩa cộng sản phải xoá bỏ buôn bán, xoá bỏ chế độ sản xuất tư sản và xoá bỏ ngay cả giai cấp tư sản nữa" (sđd., tr. 70).

 

Cách viết đầy tính tranh luận với thủ pháp mỉa mai thường thấy (phủ định bằng cách khẳng định với cấu trúc câu tuy bình thường nhưng ngữ nghĩa "nghịch lí", đặt trong một văn cảnh nhất định), khiến nhiều người có thể liên hệ là chủ nghĩa cộng sản sẽ lấy "chế độ cộng thê công khai và chính thức" (xã hội thừa nhận vợ chung một cách công khai trong đời sống và chính thức trên pháp luật) để thay thế "chế độ mãi dâm chính thức và không chính thức" do chính nền sản xuất tư bản – buôn bán đẻ ra, một khi mua dâm và bán dâm "cũng sẽ biến mất" (bởi "chủ nghĩa cộng sản phải xoá bỏ buôn bán", kể cả buôn bán tình dục, nghĩa là không còn có gái đĩ bán dâm lấy tiền, các tú bà buôn thịt bán người). Nói cách khác, "quan hệ sản xuất tư bản – buôn bán" vốn phản ánh vào các quan hệ xã hội của xã hội tư bản chủ nghĩa, ngay trong việc mại dâm và mãi dâm; còn "quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa – xoá bỏ buôn bán" thì phản ánh vào các quan hệ xã hội của xã hội xã hội chủ nghĩa, nên trong lĩnh vực tình dục ngoại hôn dâm dãng cũng sẽ cho không biếu không, hoặc được phân phối theo tem phiếu! Nói vắn tắt, như thế là cách mạng tình dục đến mức "thả giàn [thả ràn]", do đó xã hội không còn đĩ điếm nữa! Thật là một sự hiểu lầm hoặc xuyên tạc khủng khiếp và nguy hại?!? Chẳng lẽ sau mấy chục ngàn năm tiến hoá và tự xây dựng nên những nền văn hiến của mình, loài người lại trở về với đời sống tình dục bầy đàn, quần hôn, tạp hôn, thời công xã nguyên thuỷ?!?

 

Nếu đọc kĩ những gì Mác và Ăng-ghen đã viết về vấn đề gia đình dưới hình thức tranh luận trong Tuyên ngôn, ta thấy: Một mặt, kết án chủ nghĩa tư bản đã thủ tiêu gia đình của người vô sản. Mặt khác, khẳng định dưới chủ nghĩa cộng sản người phụ nữ sẽ được giải phóng để tham gia vào hoạt động xã hội chứ không chỉ làm chức năng sinh đẻ (máy đẻ); cha mẹ giai cấp công nhân sẽ không bóc lột sức lao động của con cái; chủ nghĩa cộng sản xem giáo dục của nhà trường là chính, so với giáo dục gia đình, "kéo giáo dục ra khỏi ảnh hưởng của giai cấp thống trị". Tuy nhiên, gia đình chỉ được đề cập đến với ba đối tượng: vợ, chồng và con. Đó là kiểu gia đình "hạt nhân" (hình thức gia đình chỉ gồm các thành viên chính, không phải hình thức gia đình tam hoặc tứ đại đồng đường, không phải đại gia đình gồm nhiều gia đình "hạt nhân" thúc bá trực hệ quây quần).

 

Có lẽ cần nói rõ hơn về khía cạnh vô gia đình. Bởi lẽ giai cấp công nhân châu Âu vốn là nông dân bị bứt khỏi ruộng đất và đồng cỏ chăn nuôi của họ để lang thang kiếm sống ở các thành thị đang mở mang nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, vì vậy đa số trong họ đều rơi vào tình cảnh vô gia đình, với nghĩa độc thân. Bởi lẽ khác, nếu có gia đình, cả hai vợ chồng và cả con cái chưa đến tuổi lao động cũng đều phải đi làm cho giới chủ công nghiệp, mỗi ngày phải lao động đến 16 hoặc 18 tiếng đồng hồ, cho nên có gia đình cũng như vô gia đình (chẳng còn chút thì giờ nào dành cho các quan hệ thân mật!).

 

... mỗi gốc cây, một xác người công nhân!...

... mỗi ngày hai bữa cơm đèn

lấy gì má phấn răng đen hỡi chàng!

 

Đó là tình cảnh gia đình người công nhân Việt Nam bị bóc lột ngày công lao động, ba giờ sáng đã dậy thổi cơm, chín giờ tối mới ăn bữa cơm chiều! Tình trạng bị giới chủ tư sản bóc lột thậm tệ của công nhân Mỹ cũng rất ghê gớm. Thiên tài điện ảnh câm Charlie Chaplin (Charlot), qua một số đoạn phim ”Thời đại tân kì (Modern times)” , đã miêu tả đời sống giai cấp công nhân Mỹ đầu thế kỉ XX, để nói lên tình cảnh tủi nhục của họ, đồng thời nhằm lên án giai cấp tư sản: con cái thất học, trộm cắp; bản thân cùng đồng nghiệp như một bầy súc vật mỗi ngày bị lùa vào nhà máy theo tiếng còi tầm, và cũng theo tiếng còi tầm, khi nhà máy nhả ra, thân thể công nhân rã rời héo rũ; có người lại bị hệ thống sản xuất dây chuyền hành hạ đến mức rối loạn tâm thần, nhìn hạt nút trên áo phụ nữ cũng ngỡ là chiếc bù loong! Tuy vậy, với hạn chế của bản thân Charlie Chaplin và của người công nhân ấy, anh ta và cô gái khốn khổ vẫn không giác ngộ giai cấp để đấu tranh cách mạng, cuối cùng dắt tay nhau đến một thiên đường huyễn hoặc xa xăm hay một vùng đất địa đàng hoang vu nào đó! Rất đáng tiếc, với họ bấy giờ, ở trần gian này, dưới Gót sắt tư sản, gia đình là cả một gánh nặng bi thảm, không lối thoát.

 

Vả lại, gia đình kiểu "hạt nhân" chỉ gồm ba thành phần chính này hình thành là bởi tình trạng người vô sản bị bứt gốc, bật gốc khỏi quê quán, không thể có các thành phần khác: cha chồng (ông), mẹ chồng (bà), anh em của chồng (chú, bác, cô), cho nên vô gia đình ở đây là tình cảnh không có bà con họ hàng thân thuộc... Vô gia đình được hiểu với các nghĩa như thế.

 

Nói một cách khái quát, nếu bản thân giai cấp công nhân châu Âu, thuộc địa Viễn Đông và các châu lục khác, ở thế kỉ XIX, vừa mang trong mình một tính cách ưu việt do phương thức sản suất công nghiệp quy định, thì cũng bởi điều kiện sống tăm tối, tồi tệ do bị bóc lột đó, họ cũng đồng thời bị hình thành một nếp cảm nghĩ kiểu vô gia đình! Không chỉ là cảm nghĩ, bởi theo Mác và Ăng-ghen, hai vị lãnh tụ vô sản này đã đọc "những tài liệu rất có giá trị để soi sáng ý thức công nhân", mà "xoá bỏ gia đình" là một trong những đề nghị tích cực tuy còn không rõ rệt và lờ mờ nên trở thành không tưởng (sđd., tr. 96).

 

Về sau, qua sự cọ xát nếp cảm nghĩ đã thành ý thức ấy vào thực tiễn đấu tranh, và một khi chủ nghĩa xã hội đã thành hiện thực, cuộc sống giai cấp công nhân thực sự được cải thiện và nâng cao, ở Liên Xô dần dần hình thành một quan điểm về nạn mãi dâm và hôn nhân - gia đình cụ thể hơn. Nếu ở xã hội tư bản, "sự mãi dâm được hợp pháp hoá trở thành cái bổ sung cho hôn nhân" (1Tng), thì ở xã hội xã hội chủ nghĩa "quan hệ hôn nhân gia đình không có sự đồi bại đó [TNP. nhấn mạnh], quan hệ dựa trên tình yêu, tình bạn và lòng tin cậy lẫn nhau, đã nảy sinh và phát triển trong giai cấp vô sản"; "tình yêu, sự tôn trọng lẫn nhau, sự chăm lo giáo dục con cái, sự săn sóc của con cái đã trưởng thành đối với cha mẹ [TNP. nhấn mạnh] – đó là những nguyên tắc đạo đức quan trọng nhất của gia đình trong xã hội xã hội chủ nghĩa" (1Tng).

 

 

 

Về vô Tổ quốc, vô dân tộc?

 

“Tuyên ngôn Đảng cộng sản (1847 – 1848)” được Mác và Ăng-ghen viết tiếp, nhưng không phải là phủ nhận lời cáo buộc của những giai cấp, thành phần đối lập:

 

"Ngoài ra, người ta còn buộc tội những người cộng sản là muốn xoá bỏ Tổ quốc, xoá bỏ dân tộc.

 

Công nhân không có Tổ quốc. Người ta không thể cướp cái mà họ không có. Vì giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc 1*, phải tự mình trở thành dân tộc, cho nên do đấy họ vẫn còn có tính chất dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu.

 

Với sự phát triển của giai cấp tư sản, tự do buôn bán, thị trường thế giới, sự đồng đều của sản xuất công nghiệp và những điều kiện sinh hoạt thích ứng với sản xuất ấy thì những sự cách biệt dân tộc và những sự đối lập giữa nhân dân các nước [TNP. nhấn mạnh] cũng đã ngày càng mất đi.

 

Giai cấp vô sản nắm chính quyền sẽ càng làm cho những sự cách biệt và những sự đối lập ấy mất đi nhanh hơn [TNP. nhấn mạnh]. Hành động chung của giai cấp vô sản, ít ra là ở những nước văn minh, là một trong những điều kiện đầu tiên cho sự giải phóng của họ 46.

 

Hãy xoá bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xoá bỏ.

 

Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo"(sđd., tr. 75 - 76).

 

Tổ quốc và dân tộc là hai vấn đề thường được và phải được kết hợp làm một, nhưng vẫn là hai vấn đề khác nhau! (Tôi cũng phân biệt hai khái niệm dân tộc và nhân tộc; một dân tộc thường là gồm nhiều nhân tộc hợp lại). Khái niệm giai cấp với nội hàm do Mác và Ăng-ghen định nghĩa, lại được hai ông đặt cao hơn cả dân tộc, trong khi giới thuyết rõ sự khác nhau giữa người vô sản với người cộng sản:

 

"Những người cộng sản chỉ khác với các đảng vô sản khác trên hai điểm: một là, trong các cuộc đấu tranh của những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau, họ [tức là những người cộng sản – TNP. ct.] đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc [TNP. nhấn mạnh] và chung cho toàn thể giai cấp vô sản; hai là, trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giữa vô sản và tư sản, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào" (sđd., tr. 66 – 67).

 

Ở một đoạn trước, trong chương I, Mác và Ăng-ghen viết rõ hơn:

 

"Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc [TNP. in đậm]" (sđd., tr. 62).

Nói cụ thể hơn, lợi ích giai cấp vô sản thế giới là tất cả và trên hết!

 

Do đó, ta không lạ gì về câu khẩu hiệu nổi tiếng cuối bản “Tuyên ngôn”, thường được xem như đặc trưng, tiêu biểu cho chủ nghĩa Mác là: "Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!" (sđd., tr. 101). Sự thiếu sót về độc lập đất nước của các dân tộc (gồm nhiều nhân tộc) bị áp bức là rất rõ ràng.

 

Vô Tổ quốc và vô dân tộc trong “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847 – 1848)” là hai vấn đề nhức nhối đối với người theo Tổ quốc luận, chủ nghĩa yêu nước. Ngay ở Liên Xô, đến năm 1975,  “Từ điển triết học”  còn có đoạn viết:

 

"Trong xã hội tư sản, giai cấp công nhân không có Tổ quốc, nhưng xét về bản tính xã hội của mình thì nó là giai cấp tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước chân chính. Trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, bản chất xã hội của Tổ quốc cũng thay đổi, chủ nghĩa xã hội đối tượng của niềm tự hào dân tộc và là Tổ quốc chân chính của những người lao động [TNP. in đậm] – trở thành yếu tố chủ yếu của nó, chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa có tính chất toàn dân được hình thành, gắn chặt với chủ nghĩa quốc tế" (2Tng).

 

Trong đoạn trích dẫn từ “Từ điển triết học” trên, tôi lưu ý đến bốn chữ "chủ nghĩa xã hội" và định ngữ của nó, được đặt trong hai dấu gạch ngang: "– đối tượng của niềm tự hào dân tộc và là Tổ quốc chân chính của những người lao động –". Nói cách khác, Tổ quốc chính là chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa xã hội là đối tượng hướng đến của niềm tự hào dân tộc. Hoặc có thể lược bớt định ngữ để hiểu đúng:

 

"... bản chất xã hội của Tổ quốc cũng thay đổi, chủ nghĩa xã hội [...] trở thành yếu tố chủ yếu của nó...  [TNP. in đậm]".

 

Đó là quan niệm của Liên Xô. Liên Xô là một liên bang gồm mười ba nước, hầu hết mỗi nước đều vốn là một quốc gia độc lập, đều có truyền thống lâu đời, đều có lịch sử riêng, nay gộp chung lại thành một liên bang, tất nhiên đứng đầu vẫn là Nga. Do đó, quan niệm về Tổ quốc của Nhà nước Liên bang Xô-viết phải trừu tượng, mơ hồ và đầy tính chất quan phương như thế.

 

Về vấn đề dân tộc, “Từ điển triết học” của Liên Xô viết:

 

"... ở Liên Xô đã hình thành một cộng đồng lịch sử mới - nhân dân xô-viết. Đó không phải là một cộng đồng dân tộc, mà là cộng đồng quốc tế [TNP. in đậm], và việc hình thành nó là sự toàn thắng của các nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa" (3Tng).

 

"Sau khi chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn thắng lợi, sự xích lại gần nhau một cách toàn diện của các dân tộc sẽ làm cho những khác biệt dân tộc dần dần biến mất. Tiêu biểu cho xã hội cộng sản phát triển sẽ là một hình thức cộng đồng người mới [TNP. nhấn mạnh] trong lịch sử, rộng hơn so với dân tộc, hợp nhất toàn bộ loài người thành một gia đình [TNP. nhấn mạnh]"  (4Tng).

 

Như vậy là trong viễn tưởng (chứ không phải viễn cảnh!) sẽ diễn ra sự đồng hoá dân tộc để đi đến sự đồng nhất dân tộc. Bấy giờ, không còn khái niệm Tổ quốc, quốc gia, dân tộc, mà chỉ còn là thế giới và loài người mà thôi!

 

Tuy nhiên, phải trở về với thực tế. Hãy nhớ lại rằng, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) chỉ trở thành người cộng sản khi Lê-nin đã bổ sung vào câu khẩu hiệu vốn đặc trưng cho chủ nghĩa Mác: "Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức [TNP. nhấn mạnh], đoàn kết lại!".

 

 

 

Về vô tôn giáo?

 

Điều này hẳn khỏi phải bàn, bởi không một ai không biết Mác và Ăng-ghen cũng như phong trào cách mạng vô sản mác-xít - lê-nin-nít đều chủ trương vô thần luận một cách công khai, minh bạch. “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847 – 1848)” có đoạn phê phán các giai cấp, thành phần phản động như sau:

 

"Những tư tưởng về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo chẳng qua chỉ nói lên thời kì thống trị của cạnh tranh tự do trong lĩnh vực tri thức mà thôi" (sđd., tr. 77).

 

"Cách mạng cộng sản chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với chế độ sở hữu cổ truyền; không có gì đáng lấy làm lạ khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những tư tưởng cổ truyền [TNP. nhấn mạnh].

 

Nhưng hãy gác lại những lời giai cấp tư sản phản đối chủ nghĩa cộng sản"  (sđd., tr. 78).

 

“Từ điển triết học” của Liên Xô có đoạn viết về tôn giáo:

 

"Chỉ trong xã hội cộng sản chủ nghĩa phát triển thì tôn giáo mới có thể hoàn toàn biến mất và bị xoá bỏ khỏi đời sống con người. Nhưng việc tôn giáo mất đi không phải là một quá trình tự động; nó đòi hỏi phải kiên trì hoạt động giáo dục quần chúng, tuyên truyền rộng rãi những hiểu biết khoa học tự nhiên, xã hội và thế giới quan mác-xít" (5Tng).

 

Như thế, về bản chất, giai cấp vô sản đại công nghiệp mang trong mình tính ưu việt của phương thức sản xuất mới, hiện đại nhất, đồng thời cách mạng nhất:

 

"Những người cộng sản không tự hạ mình mà đi giấu giếm những ý kiến và dự định của mình. Họ công khai tuyến bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ hoàn toàn trật tự xã hội hiện có. Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ khi nghĩ đến một cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ [TNP. nhấn mạnh]. Trong cuộc cách mạng ấy, họ giành được cả một thế giới cho mình" (sđd., tr. 101).

 

Nói cách khác, bởi thực trạng tam vô hoặc đa vô, giai cấp vô sản đại công nghiệp dưới chế độ tư bản bóc lột không có gì để mất, kể cả gia đình, dân tộc, Tổ quốc, tôn giáo, nhân phẩm, nên họ kiên quyết cách mạng đến cùng, vì nếu thất bại, thì chỉ mất xiềng xích mà thôi! Nói gọn hơn, được thì được cả thế giới, mất thì chỉ mất xiềng xích nô lệ!

 

Hạn chế của Mác và Ăng-ghen, như một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra, là tư duy theo kinh tế luận, chứ không phải theo Tổ quốc luận như Hồ Chí Minh. Phong trào cộng sản do Mác và Ăng-ghen lãnh đạo đấu tranh, trước hết và trên hết là vì quyền lợi giai cấp. Bản Quốc tế ca đã thể hiện điều đó:

 

"Chế độ xưa, ta mau phá sạch tan tành! Toàn nô lệ, hãy đứng lên đi! Nay mai, cuộc đời sẽ khác xưa, bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình [TNP. nhấn mạnh]!" .

 

Đối với người Việt Nam chúng ta, sẵn sàng hi sinh tất cả quyền lợi bản thân, cá nhân, gia đình, vì sự tồn vong của dân tộc và danh dự Tổ quốc, thì cũng như Bác Hồ, đó là một điều rất trăn trở. Nhưng Bác Hồ vĩ đại hơn nhiều người là ở chỗ, trong khi có người không thể chấp nhận “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847 – 1848)” và các tổ chức Quốc tế Cộng sản, thì Bác gia nhập Quốc tế Cộng sản đệ tam do Lê-nin sáng lập, và đồng thời đồng sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, là để đấu tranh nhằm hướng mục tiêu giải phóng dân tộc thành mục tiêu trọng tâm của tổ chức Quốc tế Cộng sản ấy và Đảng ấy. Hồ Chí Minh vẫn đặt quyền lợi, danh dự Tổ quốc, dân tộc lên trên quyền lợi, danh dự giai cấp công nhân. Tôi biết, có người đến hiện nay, vẫn còn đặt câu hỏi thao thức về vấn đề này: Phải chăng là thế?

 

 

 

Về biện pháp cách mạng?

 

Cũng trong chương II này, Mác và Ăng-ghen viết về biện pháp cách mạng: "bằng cách xâm phạm một cách chuyên chế vào quyền sở hữu và chế độ sản xuất tư sản" (sđd., tr. 78). Nói trắng ra là bằng bạo lực cách mạng, bằng chuyên chế vô sản (xin lưu ý: tôi dùng lại hai chữ "chuyên chế" trong bản dịch “Tuyên ngôn” – TNP.).

 

Về các biện pháp chuyên chế vô sản sẽ thực hiện ở các nước tiên tiến, xin trích nguyên văn:

 

"...

1.Tước đoạt sở hữu ruộng đất và bỏ địa tô vào quỹ chi tiêu của Nhà nước.

 

2.Đánh thuế theo mức độ luỹ tiến thật cao.

 

3.Xoá bỏ quyền thừa kế.

 

4.Tịch thu tài sản của tất cả những kẻ lưu vong và của tất cả những kẻ phiến loạn.

 

5.Tập trung tín dụng vào tay Nhà nước, bằng một ngân hàng quốc gia mà vốn liếng sẽ thuộc về Nhà nước, và ngân hàng này sẽ nắm độc quyền hoàn toàn.

 

6.Tập trung các phương tiện vận tải vào tay Nhà nước.

 

7.Tăng thêm số công xưởng quốc doanh và công cụ sản xuất; vỡ đất hoang và cải tạo đất trồng trọt, theo một kế hoạch chung.

 

8.Thực hành nghĩa vụ lao động đối với tất cả mọi người; tổ chức các đạo quân công nghiệp, đặc biệt là cho nông nghiệp.

 

9.Kết hợp lao động nông nghiệp với lao động công nghiệp; thi hành những biện pháp nhằm làm mất dần sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn 1*.

 

10.Giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả trẻ em. Xoá bỏ việc dùng trẻ em làm trong các công xưởng như hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản xuất vật chất..."  (sđd., tr. 79 - 80).

 

“Tuyên ngôn” còn viết thêm về quyền lực chính trị:

 

"Quyền lực chính trị, theo đúng nghĩa của nó, là bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác" (sđd., tr. 80).

 

Sau khi dùng biện pháp "bạo lực tiêu diệt chế độ sản xuất cũ, thì đồng thời với việc tiêu diệt chế độ sản xuất ấy, nó cũng tiêu diệt luôn cả những điều kiện của sự đối kháng giai cấp, nó tiêu diệt các giai cấp nói chung và cũng do đấy, tiêu diệt cả sự thống trị của chính ngay giai cấp mình" (sđd., tr. 80).

 

Tôi đặt câu hỏi từ mệnh đề khẳng định này: "... và cũng do đấy, tiêu diệt cả sự thống trị của chính ngay giai cấp mình"? Như thế là thiên đường cộng sản chủ nghĩa sẽ không còn sự thống trị mang tính giai cấp, có nghĩa là trước đó đã không còn tồn tại nhà nước nào, chính đảng nào thuộc các giai cấp phi vô sản, đến lượt Nhà nước chuyên chính vô sản cũng không còn, không còn cả Đảng Cộng sản (đều hoàn tất vai trò, nhiệm vụ lịch sử và đều tuyên bố giải thể). Bởi lẽ, một khi xã hội đại đồng trên toàn thế giới (L'Internationale) hình thành, "trong đó, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người" (sđd., tr. 81), thì tất nhiên bấy giờ đã không còn giai cấp (vô giai cấp), do đó không còn đối kháng giai cấp, cho nên cũng không còn quyền lực chính trị theo định nghĩa trên. Kế tục, Nhà nước L'Internationale xuất hiện. Đó là một hình thức Nhà nước tự quản, tự điều hành của toàn nhân loại đại đồng, tất cả công dân thế giới đều giác ngộ về thiên đường cộng sản chủ nghĩa, và đang vừa xây dựng tiếp tục, vừa thụ hưởng thành quả cộng sản chủ nghĩa ấy, với một tầm dân trí tuyệt vời (tối thiểu mặt bằng dân trí toàn thế giới cũng là tiến sĩ chẳng hạn), và dứt khoát phải vươn tới được cái tâm trong sáng (phải đấu tranh để triệt tiêu tham-vọng-đế-quốc-đỏ hay còn gọi là dục-vọng-cộng-sản-đế-quốc-chủ-nghĩa, chủ-nghĩa-đế-quốc-trá-hình-thành-l'internationale).

 

Nhận xét về cuốn "Đường kách mệnh", nhà nghiên cứu Phan Ngọc viết:

 

"Công trình giáo dục của Nguyễn Ái Quốc không nói đến tam vô (vô Tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo), không nói đến nhị các (ai cũng được làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu (6Tng)), không trình bày chủ nghĩa cộng sản như một thiên đường, điều mà ta thấy sau này trong các sách huấn luyện. Nếu như có một người cách mạng không lãng mạn thì người đó là Hồ Chí Minh".

 

4.

 

Như vậy, không chỉ tam vô (vô Tổ quốc, vô gia đình và vô tôn giáo), Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847 – 1848) đã trình bày một cách công khai là rất nhiều vô. Phải kể thêm: vô sản (vô sở hữu tư liệu sản xuất); vô dân tộc (chứ không chỉ là vô Tổ quốc); vô giai cấp; vô quyền lực chính trị... Dĩ nhiên, có cái vô thực hiện ngay sau khi giành được chính quyền, có cái vô phải tiến hành từng bước một, thuộc về tương lai xa, rất xa, và có thể đó chỉ là những mục tiêu trong khoa học viễn tưởng hoặc, như có những kẻ tư sản, phản động đã nói: hoang tưởng. Nói là khoa học viễn tưởng cũng đã là vô phép, nhưng ai quả quyết được những điều mới chỉ là sản phẩm của khát vọng cao đẹp hãy còn thuộc lĩnh vực lí tưởng (mặc dù có cái phải bàn thêm), là sản phẩm của quá trình nghiên cứu khoa học, hoạt động thực tiễn nhưng không phải không ít nhiều xuất phát từ sách vở, tư duy tư biện, trí tưởng tượng vẽ vời; và trên thực tế, sau khi Liên Xô tan rã, sụp đổ, người ta có thể nói là chưa có một nước nào xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội cả.

 

 “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847 – 1848)” rất có giá trị ở những trang tố cáo bản chất giai cấp tư sản trong quá trình tích luỹ tư bản, nhất là trong quá trình viễn chinh di thực (xâm lược, chiếm đóng, bóc lột, diệt chủng và di dân chính quốc đến cư trú tại thuộc địa).

 

Tuy nhiên, mọi người thuộc các thế hệ sau đều hiểu thời điểm xuất hiện Tuyên ngôn Đảng Cộng sản là ở trong bối cảnh ấy. Đó là bối cảnh trên đôi tay, mồm miệng tư sản – thực dân tàn khốc, ghê tởm đầy máu và bùn của công nhân (đa số xuất thân từ nông dân). Do đó, Tuyên ngôn không thể không chan chứa những yếu tố cực "tả", sục sôi lòng căm thù giai cấp bóc lột, vang rền tiếng thét đấu tranh cách mạng. Ngoài ra, không kể những hạn chế cụ thể – lịch sử, “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847 – 1848)” có những tư tưởng nhân văn chủ nghĩa rất tiến bộ và cao đẹp. Ngay những mục tiêu tạm gọi là thuộc về khoa học viễn tưởng cũng có tác dụng kích thích loài người hướng tới lí tưởng thiên đường cộng sản, theo cách nhìn của mỗi thế hệ phù hợp với thời đại mình.

 

Có một điều hết sức ngạc nhiên và thú vị, ấy là khi tôi đọc được một sự kiện đã được “Đại Nam thực lục chính biên” (7Tng) ghi chép lại: Ngay từ những năm năm mươi của thế kỉ XIX, chính xác là 1857 (tháng mười một âm lịch, năm Tự Đức thứ mười), tại hai làng Tiên Lễ, Lệ Sơn, huyện Minh Chính, thuộc tỉnh Quảng Bình, có hai người học trò, kẻ sĩ, đã phát hiện ra chủ nghĩa xã hội bình quân nông dân để tâu lên vua Tự Đức nhằm chống lại "tả đạo" Thiên Chúa giáo, nhưng không được vua và triều đình thấu hiểu, thậm chí còn bị phạt trượng và tội đồ. Đó là Lương Trợ Lý và Hoàng Hữu Phu.

 

Phải chăng, không nghi ngờ gì nữa, đó là lần đầu tiên người Việt nước Đại Nam đã phát hiện ra sự kết hợp giữa biện pháp cải cách kinh tế về ruộng đất theo hướng xã hội chủ nghĩa (tuy còn bình quân chủ nghĩa kiểu nông dân) và ý thức độc lập dân tộc cũng như phong trào giải phóng dân tộc, chống ngoại xâm (cho dù đến một năm sau, 1858, thực dân Pháp mới chính thức xâm lược)?

 

Chủ nghĩa xã hội Phương Tây trước Mác và chủ nghĩa Mác – Ăng-ghen, liệu có đến nước ta (Đại Nam, triều Tự Đức) từ những năm xa xưa ấy hay chỉ là trường hợp "tư tưởng lớn gặp nhau" mà người thầy chính là thực trạng xã hội, chứ không phải sách vở? Tôi tin chắc chắn chỉ là tư tưởng riêng của Lương Trợ Lý và Hoàng Hữu Phu.

 

Đã đúng 146 năm (từ 1857 đến nay, non một thế kỉ rưỡi) trôi qua...

 

Về tác động của  “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847 – 1848)”, ở đầu thế kỉ XX, nhất là sau Cách mạng Tháng mười Nga 1917, nói chung là vô cùng to lớn. Cho đến thời đoạn thoái trào cách mạng vô sản trên thế giới hiện nay (cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI), ít ra Tuyên ngôn cũng còn có tác dụng khơi dậy, thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân tại các nước tư bản chủ nghĩa, buộc các nước tư bản phải tự điều chỉnh.

 

Dẫu sao, tôi cũng chỉ học tập theo Bác Hồ: "yêu Tổ quốc, yêu đồng bào"; "không có gì quý hơn độc lập, tự do [bao hàm tất cả các quyền dân chủ]"; "tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"... Chủ nghĩa xã hội, về mặt kinh tế, cũng phải hội đủ năm thành phần kinh tế, như tổng bí thư Lê Duẩn đã vạch ra.

 

Trong những tác phẩm đã xuất bản, tôi đã thể hiện rõ tư tưởng của mình về những vấn đề này, và cả vấn đề bản sắc văn hoá dân tộc... (8Tng).

 

Tôi là một người sáng tác văn chương, không hề có một chút tham vọng chính trị, nhưng không thể không nghiên cứu, suy tư về sử học, chính trị, triết học cách mạng... Tôi tin rằng chúng ta vẫn còn thao thức tìm cho ra một mô hình, cơ chế xã hội và nhà nước xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc, thật sự tự do - nhân quyền, thật sự dân chủ - dân quyền. Xin đừng bó hẹp nhân quyền vào độc nhất một từ: tôn giáo. Việc đó chỉ phù hợp với người khác, vốn theo các tôn giáo có một lịch sử yêu nước, chống ngoại xâm, như Phật giáo chẳng hạn. Không! Không phải cứ nói đến nhân quyền là nói đến tôn giáo, nhất là loại tôn giáo phản quốc. Không có một quyền nào gọi là quyền phản quốc trong nhân quyền cả. Ngược lại, quyền tự do không tôn giáo, quyền tự do yêu nước, dựng nước, giữ nước (gồm cả quyền giữ gìn, phát huy, cách tân bản sắc văn hoá dân tộc) phải được tôn trọng và bảo vệ (9Tng). Nhân quyền gồm tất cả các quyền tự do cơ bản và chính đáng của con người: quyền được tự do học tập, nghiên cứu, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tư tưởng, tự do hội họp và lập hội, và hàng chục quyền tự do cơ bản, chính đáng, rất cụ thể khác của con người đã được ghi vào Hiến chương Liên hiệp quốc cũng như Hiến pháp xã hội chủ nghĩa nước ta.

 

Chủ nghĩa xã hội với những cải cách cần thiết, không thể không có, về mô hình và cơ chế, trong thao thức của nhiều người, như vừa đề cập, là khát vọng có thật. Tuy nhiên, xin phải hết sức cẩn trọng, không thể lãng mạn về kinh tế, càng không thể phiêu lưu thí nghiệm xã hội trên quy mô toàn Đất nước như mấy thập niên trước, cho dẫu nước ta, dân tộc Việt Nam ta vốn lấy Tổ quốc luận làm trọng, và chủ nghĩa yêu nước thương nòi đã nghìn đời là truyền thống, sức mạnh chống ngoại xâm và đề kháng đối với mọi mưu toan đồng hoá dân tộc, là sức sống, sức bật của dân tộc Việt Nam ta (gồm nhiều nhân tộc) trên mọi lĩnh vực, và đặc biệt cần nhấn mạnh ở đây, đó là khả năng Việt hoá tất cả mọi giáo thuyết ngoại nhập, sau khi đã đãi lọc, loại trừ các thành tố độc hại trong các giáo thuyết ấy, kể cả chủ nghĩa Mác – Lê-nin.

 

Tuy phải cẩn trọng trong Đổi mới, nhưng cũng không thể để muộn hơn được nữa, nhất là về cơ chế tự do, dân chủ (nhân quyền và dân quyền)!

 

TRẦN XUÂN AN

 

Cước chú của bài tiểu luận “Đọc lại "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản" (1847 - 1848) của Mác và Ăng-ghen (K. Marx & F. Engels)” (“Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”, viết tắt là Tng):

 

42 Ở đây có một chú thích cuối sách, sđd., của Nxb. Sự Thật, Hà Nội, mang kí hiệu 42. Để ngắn gọn bớt, tôi mạn phép Nxb. không trích lại nguyên văn. Tôi chỉ xin nói thêm: Khác với mọi cuộc thập tự chinh ở các thế kỉ XI - XIII tại Trung Đông, những đoàn quân xâm lược giương cao lá cờ thập tự Thiên Chúa, ở giai đoạn thuộc các thế kỉ XVI - XIX, tại các nước Á, Phi, Mỹ la tinh và riêng ở Việt Nam, thực dân viễn chinh không cần ngụy trang thành giáo sĩ (tuy ít nhiều cũng có), giáo sĩ không cần ngụy trang thành thực dân viễn chinh, mà trắng trợn hơn nhiều. Nét khác hẳn nữa, ấy là giáo sĩ cùng thương nhân đi truyền đạo, buôn bán để thăm dò, tạo nội phản trước.

 

 (1Tng) "Từ điển triết học", bản tiếng Việt, Nxb. Tiến Bộ, Mát-x-cơ-va (1975), liên kết với Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1986, tr. 205.

 

1* Chú thích trong bản sách, sđd., Nxb. Sự Thật, Hà Nội, mang kí hiệu 1*: Bản tiếng Anh năm 1888 dịch: "tự xây dựng thành giai cấp thống trị trong dân tộc".

 

46 Chú thích của Nxb. Sự Thật, Hà Nội, mang kí hiệu 46: "Luận điểm này đúng trong thời đại Mác và Ăng-ghen sống. Trong điều kiện lịch sử mới, trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, V.I. Lê-nin đã tìm ra quy luật phát triển không đều của các nước tư bản; và, xuất phát từ luận điểm này, đã chứng minh khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản thoạt đầu ở một số nước hoặc thậm chí ở riêng một nước. Lần đầu tiên điều đó đã được Lê-nin trình bày trong bài "Bàn về khẩu hiệu liên bang châu Âu". (Xem V.I. Lê-nin, Toàn tập, Nhà Xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1963, tập 21, tr. 399) - (BT.)". Tr. 76 (của sách đang được trích dẫn - TNP. ct.).

 

(2Tng) "Từ điển triết học", sđd., tr. 712 - 713.

 

(3Tng) "Từ điển triết học", sđd., tr. 659 - 660.

 

(4Tng) "Từ điển triết học", sđd., tr. 121 - 122.

 

(5Tng) "Từ điển triết học", sđd., tr. 588.

 

1* Có một chú thích trong bản sđd., mang kí hiệu 1*, nhưng không có gì quan trọng, có lẽ không cần trích ra ở đây.

 

(6Tng) Làm hết năng lực, hưởng theo nhu cầu ("các tận sở năng, các thụ sở nhu"). Theo đó, mọi người đều ra sức làm việc cho hết năng lực của mình một cách hoàn toàn tự giác, và tất nhiên mọi người đều được hưởng thụ theo nhu cầu tối đa của bản thân cũng một cách hoàn toàn tự giác. Đây là một điều quá lí tưởng, nên trong cuốn "Đường kách mệnh", Nguyễn Ái Quốc không nói đến. Về sau, trong tinh thần "không sợ thiếu thốn, chỉ sợ [phân phối] không công bằng", còn có câu: Làm theo lao động, hưởng theo phân phối (các tuỳ sở nghệ [?], các thụ tuỳ phân [?]), có nghĩa là làm theo nghiệp vụ được đào tạo, và hưởng thụ theo sự phân phối (trong thời chiến tranh, thường là kham khổ, không đúng sở thích), chứ chưa phải được hưởng theo nhu cầu. Câu thứ nhất áp dụng vào giai đoạn cộng sản chủ nghĩa (xã hội đã phát triển cao). Câu thứ hai áp dụng vào giai đoạn xã hội chủ nghĩa (xã hội còn ở mức phát triển thấp).

 

(7Tng) Quốc sử quán triều Nguyễn, "Đại Nam thực lục", chính biên, tập 28, bản dịch Tổ Phiên dịch Viện Sử học, Nxb. Khoa học xã hội, 1973, tr. 381 - 382.

 

(8Tng) Xem thêm: Trần Xuân An, "Sen đỏ, bài thơ hoà bình" & "Ngôi trường tháng giêng", Nhà Xuất bản Thanh Niên, 2003 (cùng xuất bản một lượt). Nhiều vấn đề khác, cùng vấn đề chủ nghĩa xã hội với năm thành phần kinh tế và vấn đề bản sắc văn hoá dân tộc đã được đề cập tập trung nhất trong hai tiểu thuyết này.

 

Hai cuốn tiểu thuyết ấy, tác giả đã viết xong vào hai năm 1998 và 1999.

 

Hai bài "Một ý nghĩ nhỏ về một truyền thống lớn và một nhân vật lịch sử lớn", "Đọc lại Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847 - 1848) của Mác (Karl Marx) và Ăng-ghen (F. Engels)" , tác giả tiểu thuyết (Trần Xuân An) mới viết trong hai tháng 11 & 12.2003 (10 & 11. Quý mùi HB.3). Tuy vậy, lần sửa chữa, bổ sung cuốn "Mùa hè bên sông" này, tác giả vẫn đưa vào, để giải quyết trọn vẹn hơn những vấn đề mà "Mùa hè bên sông" đặt ra, mặc dù thời điểm diễn biến câu chuyện trong ”Mùa hè bên sông”  là năm 1996. TXA.

 

(9Tng) Nguyên văn về quyền giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc: "Không được xâm phạm thuần phong mĩ tục" (khi thực hiện các quyền tự do, dân chủ). Quyền tự do yêu nước, giữ nước, dựng nước là một quyền đương nhiên, chỉ có ý nghĩa và giá trị khi được thể hiện bằng hành động cụ thể thông qua việc thực hiện các nhân quyền tự do, các dân quyền dân chủ cơ bản và chính đáng khác.

 

TXA.

 

 

Xem tiếp: Bài thứ tư:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta_b4.htm

 

Trở về: Trang mục lục của tập bài viết "Luận về thời chúng ta...":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta

 

Trở về trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

 

Google page creator /  host

  Ngày đưa lên trang web này: 28-4 HB7

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE