m. Trần Xuân An -- Những bình luận - Lê Đại Hành -- lịch sử cổ đại nước ta - Tệp 13

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

       12 tháng 3 HB6 (2006) / 19 tháng 3 HB6 (2006)

07/01/09

           

 

 

       Lời thưa

 

       Bài 1

 

       Bài 2

 

       Bài 3

 

       Bài 4

 

       Bài 5

 

       Bài 6

 

       Bài 7

 

       Bài 8

 

       Bài 9

 

       Bài 10

 

       Bài 11

 

       Bài 12

 

       Bài 13

 

       Bài 14

 

       Bài 15

 

  Phụ lục thơ

 

    Phần cuối

 

 

 

 

 

 

 

                               

  

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

( Bài 13 )

 

Xem:

Website Giao Điểm:

http://www.giaodiem.com       

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

 

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

                

 

 

 

 

 

 

SUY NGHĨ

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ

TRONG

LỊCH SỬ CỔ ĐẠI

NƯỚC TA

 

                             

 

 

 

Phụ lục chương III:

 

NHỮNG BÌNH LUẬN CỦA CÁC SỬ GIA

VỀ HÀNH TRẠNG CỦA LÊ ĐẠI HÀNH

TRONG QUÃNG THỜI GIAN 980 – 1005

 

1

Lê Hoàn, người khởi đầu nhà Tiền Lê (981 – 1009), về sau thường được gọi là Lê Đại Hành. Lê Hoàn là một trong vài nhân vật lịch sử khiến hậu thế không thể không nghĩ ngợi khi đọc lại lịch sử nước ta. Các sử gia thời phong kiến cũng không phải hoàn toàn nhất trí trong sự bình luận về ông, mặc dù họ nhận thức về hành trạng của ông không khác nhau. Nói cách khác, lượng thông tin khách quan về ông trong Toàn thư (1) và trong Cương mục (2) không những về cơ bản, mà ngay cả những chi tiết thuộc các sự kiện lớn, hầu như không khác nhau chút nào; nhưng đánh giá về ông cùng những nhân vật quan trọng khác quanh đời ông, như Dương Vân Nga chẳng hạn, lắm khi không thể đồng nhất, thậm chí phản bác nhau. Đó là chưa kể đến thái độ của nhân dân hai châu Hoan – Ái thuở bấy giờ trước vai trò của ông, và một luồng “bình luận” khác cực kì hệ trọng, đó là các truyền ngôn, cách thờ phụng của nhân dân ở cố đô Hoa Lư (Ninh Bình)… Ở đây, còn có những thái độ khác nữa, cũng được hai bộ chính sử trên ghi chép: thái độ của nhà Tống (Trung Hoa) và Chiêm Thành, hai lực lượng ngoại xâm, lân bang bị ông đánh bại, nhưng cũng là hai thế lực thừa nhận vương triều của ông là chính thống.

Trong thế kỉ XX vừa qua và những năm đầu thế kỉ XXI này, các ý kiến về Lê Đại Hành (940 – 1005) trong việc tạo lập triều Tiền Lê và quan hệ với thái hậu Dương Vân Nga của triều nhà Đinh lại có phần trái nghịch nhau đến mức ngược chiều. Đó là sự thật trên sách báo, hoàn toàn giấy trắng mực đen. Tuy vậy, không khí học thuật vẫn rất bình thường một cách tốt lành (*).

Năm Kỉ hợi (939), Đất nước ta lại mở ra kỉ nguyên độc lập, tự chủ sau ngót một ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ, kể từ thảm kịch An Dương vương và Mỵ Châu – Trọng Thuỷ đến “vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lừng lẫy một thời”, như lời tán tụng của Ngô Thì Sĩ (3), về chiến thắng chống xâm lược trên sông Bạch Đằng do Ngô Quyền lãnh đạo. Sau đó, lại xảy ra nội loạn: nội chiến Mười hai sứ quân! Đinh Bộ Lĩnh đã thống nhất non sông đất nước về một mối, đặt quốc hiệu đầy niềm tự hào với yếu tố thuần Việt: Đại Cồ Việt.

Vụ ám sát hai cha con hoàng đế, thái tử Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liễn bởi tên cận thần Đỗ Chích, vào tháng 10 năm Kỉ mão (979), đã đẩy triều đình nhà Đinh và dân tộc ta vào một bước ngoặt nghiêm trọng. Chắc hẳn chỉ vì quý trọng nền độc lập, thống nhất và hoà bình, nhân dân căm hận Đỗ Chích đến độ xem y là một con thú dữ cần phải bị ăn thịt (một quan niệm trừng phạt thời trung cổ!) (4). 

 

2

Phải chăng Lê Hoàn tư thông với thái hậu Dương Vân Nga để cướp ngôi nhà Đinh? Việc Đinh Toàn, vị vua nối ngôi ở tuổi nhi đồng, mới lên sáu, bị truất phế, và không những thế, từ đó nhà Đinh hoàn toàn, vĩnh viễn bị mất vương quyền, cùng với việc Lê Hoàn khởi đầu nhà Tiền Lê, là sự thật lịch sử. Đó là cách diễn đạt nhẹ nhàng. Sử gia viết một cách rõ ràng, thẳng thừng hơn. Toàn thư chép: “Phế đế tên huý là Toàn, con thứ của Tiên Hoàng, ở ngôi 8 tháng. Họ Lê cướp ngôi, giáng phong là Vệ vương, thọ 18 tuổi [974 – 991]. Vua còn thơ ấu phải nối nghiệp lớn gian nan, cường thần nhiếp chính, người trong nước lìa lòng, nhà Đinh bèn mất” (5); Lê Hoàn, Dương Vân Nga “về đạo vợ chồng có điều đáng thẹn” (6); [Dương – ct.] hậu là vợ của Tiên Hoàng, mẹ đẻ của Vệ vương Toàn. Khi vua lấy được nước, đem vào cung, đến đây lập làm hoàng hậu” (7).

Vụ việc Lê Hoàn cướp ngôi, tư thông với vợ tiên đế (là Dương Vân Nga) ấy đã dẫn đến phản ứng của các đại thần Nguyễn Bặc, Đinh Điền và Phạm Hạp, nổ ra một cuộc nội chiến. Đó là một cuộc chiến thực sự, mặc dù ngắn ngủi. Ba trung thần của nhà Đinh đều bị tử tiết (chết tại mặt trận hoặc bị hành hình).

Lời bình luận của của sử gia Ngô Sĩ Liên: “Chu công là người vương thất rất thân, giúp vua nhỏ tuổi còn không tránh khỏi những lời gièm pha phao truyền. Lê Hoàn là đại thần khác họ, nắm giữ binh quyền, làm công việc như Chu công, thường tình còn ngờ vực, huống nữa là Nguyễn Bặc ở chức thủ tướng và Đinh Điền là đại thần cùng họ hay sao? Bọn họ khởi binh không phải làm loạn, mà là một lòng phù tá nhà Đinh, vì giết Hoàn không được mà phải chết, ấy là chết đúng chỗ. Nay xem lời Đại Hành kể tội Nguyễn Bặc tựa như vạch tội mình. Khi Bặc chết, ắt phải có nói một lời để bày tỏ chính nghĩa, nhưng không thấy sử chép, thế là bỏ sót” (8).

Về sự tử tiết của các trung thần nhà Đinh, Lê Văn Hưu lại có nhận định khác với Ngô Sĩ Liên: “Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy một vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp, chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được…” (9).

Ngô Sĩ Liên phản bác: “Tam cương là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày rối loạn. Khi Đại Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ vương tuy nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành tự xưng là phó vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì ắt phải giết. Đó là phép của sách Xuân Thu, người người đều được nêu lên mà thi hành. Nguyễn Bặc, Đinh Điền sao có thể nhẫn tâm điềm nhiên mà nhìn? Rồi lui vềâ dấy quân hỏi tội, mưu giữ xã tắc, thế là bầy tôi trung nghĩa đấy. Việc không xong mà chết, thế là bầy tôi tử tiết đấy. Lời bàn của Văn Hưu lại đánh đồng với hàng loạn tặc [:tướng Tàu], khiến cho đạo nhân luân không được sáng tỏ với đời sau, gây mầm mống tiếm đoạt, để cho những kẻ có quyền lực tranh nhau bắt chước, quét sạch cương thường, vì thế không thể không biện bác” (10).

Sử gia Ngô Sĩ Liên lại lên án gay gắt về việc tư thông bất chính: “Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, đầâu mối của vương hoá. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải mở đầu mối hoạ đó sao?” (11).

 

3

Tuy nhiên, đó là chỉ là một mặt. Thật thiếu công bằng khi không nhận định thật toàn diện về con người Lê Đại Hành.

Trước hết, phải thấy rằng, chính cái chết của Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn, do bị Đỗ Thích ám sát, là đầu mối của bước ngoặt lịch sử đen tối này. Biến động ở triều đình nhà Đinh nước ta liền được vua tôi nhà Tống (Trung Hoa) nắm bắt, xem như đó là một thời cơ xâm lược tốt. Ngô Nhật Khánh, một thân vương của triều đình Ngô Quyền, trước đây là một trong mười hai sứ quân cát cứ, lâu nay tìm cách mượn vây cánh ở Chiêm Thành để chiếm lại vương quyền đã mất, cũng không thể không tranh thủ vận may hiếm có. Nhưng may thay, chỉ có nhà Tống là đáng phải quan tâm hơn hết. Tri Ung châu Hầu Nhân Bảo, quan nhà Tống, tâu với vua Tống: “An Nam quận vương cùng với con là Liễn đều bị giết, nước ấy sắp mất, có thể nhân lúc này đem một cánh quân sang lấy. Nếu bỏ lúc này không mưu tính, sợ lỡ mất cơ hội…” (12). Một quan nhà Tống khác, Lư Đa Tốn, tâu: “An Nam bên trong rối loạn, đó là lúc trời làm mất, triều đình nên bất ngờ đem quân sang đánh úp…” (12). Quả thật, ý đồ xâm lược của nhà Tống (Trung Hoa) là rất rõ, và càng rõ hơn: “Khi ấy nhà Tống muốn trách hỏi vua [Lê Hoàn – ct.] về việc xưng đế, đổi niên hiệu, lại có ý chiếm lấy nước Việt ta…” (13).

Vấn đề đòi hỏi phải được làm sáng tỏ: Có phải tất cả nguyên nhân đưa đến tình huống đen tối này cho Đất nước ta là chỉ bởi mỗi một Đỗ Thích hay không? Ngô Sĩ Liên bình luận: “Liễn lại nhẫn tâm, đến nỗi giết em…” (14), giết để tranh ngôi thái tử! Đúùng là ở Đinh Liễn, “… thiên luân mất hết, chuốc hoạ cho thiệt thân, còn liên luỵ đến cả cha nữa, há chẳng rùng rợn lắm thay! Không thế thì tội ác của Đỗ Thích do đâu nảy ra để hợp với lời sấm được?” (14). Khi Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liễn đã bị ám sát chết, nếu Lê Hoàn đích thực là một đại thần trung nghĩa với nhà Đinh, không “tự xưng là phó vương”, không mắc lỗi “đạo vợ chồng có nhiều điều đáng thẹn” (ấy là “thông dâm” với Dương Vân Nga), không “rắp tâm” thoán đoạt ngai vàng, thì tình huống vốn đen tối liệu có sáng sủa lên không? Thật là mỉa mai khi sử gia ví Lê Hoàn “làm công việc như Chu công” (người hiền), nhưng lại “tự xưng là phó vương” và lại đúng là “cường thần nhiếp chính”!

Phải chăng bởi dục vọng tình ái, tham vọng chiếm lấy ngai báu, và quả thực, có sự rắp tâm như thế ở Lê Hoàn, mặc dù bước đầu Lê Hoàn chỉ tự xưng là phó vương, nên Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp buộc lòng phải khởi binh giành lại ngai vàng cho nhà Đinh? Và bởi vậy, đất nước càng thêm rối loạn. Tình huống đã tồi tệ hơn. Thử hỏi, nếu Lê Hoàn và Dương Vân Nga không có dục vọng, tham vọng xấu xa, chắc hẳn tình huống sẽ êm đẹp trở lại, sẽ không có cuộc khởi binh của các trung thần Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp? Rõ ràng, việâc phụ chính giúp ấu chúa và việc rắp tâm cướp ngôi là một trời một vực!

Phải chăng Lê Hoàn và Dương Vân Nga phải chịu trách nhiệm về việc quân nhà Tống sang xâm lược nước ta, gây cảnh binh đao cho dân tộc ta? Dương Vân Nga có phải là một người mẹ đức hạnh, người vợ thuỷ chung, một thái hậu yêu nước và quyết giữ gìn vương triều nhà Đinh do chồng xây dựng? Lê Hoàn có phải là một kẻ phản bội nhà Đinh?

Toàn thư đã trả lời điều đó bằng những thông tin khách quan cũng như những lời bình luận của sử gia.

Xin trích nguyên văn Toàn thư để rộng đường bình luận: “Vua nối ngôi khi mới 6 tuổi. Lê Hoàn nhiếp chính, làm công việc như Chu công, tự xưng là phó vương. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc, ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp ngờ Hoàn sẽ làm điều bất lợi cho vua nhỏ, bèn cùng nhau dấy binh, chia hai đường thuỷ bộ, muốn tiến về kinh đô giết Hoàn, nhưng không đánh nổi, bị giết. Trước đó, khi Điền và Bặc cất quân, Thái hậu nghe tin, lo sợ bảo Hoàn rằng: ‘Bọn Bặc dấy quân khởi loạn làm kinh động nước nhà ta. Vua còn nhỏ yếu chưa kham nổi nhiều nạn, các ông nên liệu tính đi chớ để tai hoạ về sau’. Hoàn nói: ‘Thần ở chức phó vương nhiếp chính, dù sống chết biến hoạ thế nào, đều phải đảm đương trách nhiệm’” (15). Khi bắt được Định quốc công Nguyễn Bặc, trước lúc chém đầu đem bêu, Lê Hoàn nói: “Tiên đế mắc nạn, thần người đều căm thẹn. Ngươi là tôi con lại nhân lúc tang tóc bối rối mà dấy quân bội nghĩa. Chức phận tôi con đâu có thế?” (15). Chính Ngô Sĩ Liên đã vạch trần thực chất: “Nay xem lời Đại Hành kể tội Nguyễn Bặc tựa như vạch tội mình” (xem (8)).

Phải chăng người ta có thể nói: Lê Hoàn đạo đức giả; và cũng có thể kết án Dương Vân Nga, yêu chuộng gian thần đến mức vô đạo đức, mở mối cho gian thần đánh diệt các đại thần trung nghĩa với nhà Đinh? Trong khi đó, tang chồng (Đinh Tiên Hoàng) còn quá mới!

Về vụ việc sử gia viết ở câu tiêu đề là “họ Lê cướp ngôi”, được diễn đạt một cách chi tiết như sau:

“Khi [triều đình – dịch giả ct.] đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người rằng: “Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn’. Quân sĩ nghe vậy đều hô ‘vạn tuế’. Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi hoàng đế. Từ đó Hoàn lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu [980 – dịch giả (dg.) ct.], giáng phong vua [đế Toàn – TXA. ct.] làm Vệ vương” (16).

Lí do Phạm Cự Lạng đưa ra trước ba quân thực chất cũng rất tầm thường, mặc dù có thể biện minh là rất thực tế.

Dẫu sao, Lê Hoàn, Dương Vân Nga, Phạm Cự Lạng đều không phải là những tấm gương xả thân vì đại nghĩa một cách hoàn toàn trong sáng.

Có điều, phải thấy rõ mặt tích cực của họ.

Lê Hoàn đã biết gánh vác trách nhiệm, đã lãnh đạo ba quân chiến đấu chống sự xâm lược của quân binh nhà Tống đang hùng hổ thừa cơ kéo sang cướp nước ta.

Mùa xuân năm Kỉ mão (979), Đinh Tiên Hoàng bị ám sát; tháng 7 năm sau (980), Lê Hoàn lên ngôi, truất Đinh Toàn; đầu năm Tân tị (981), Lê Hoàn kháng chiến và chiến thắng.

Toàn thư viết: “Vua tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông. Quân Tống lui, lại đến sông Chi Lăng. Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, nhân đó bắt được Nhân Bảo, đem chém. Bọn Khâm Tộ nghe tin quân thuỷ thua trận, dẫn quân về. Vua đem các tướng danh [chính xác là: đánh – ct.], quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chết đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Từ đó trong nước rất yên. Bầy tôi dâng tôn hiệu…” (17).

Lê Hoàn đúng là một danh tướng, như Lê Văn Hưu ngợi ca: “tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy một vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp, chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được…” (9).

Ngoài công đánh Tống, Lê Hoàn còn đích thân kéo quân sang Chiêm Thành để trừng phạt về tội bắt giữ sứ giả, khiến cho hai mặt nam và bắc cùng yên. Ngô Sĩ Liên cũng hết lời ca ngợi: “Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy” (18).

Cả Lê Văn Hưu lẫn Ngô Sĩ Liên đều so sánh Lê Hoàn với Lý Công Uẩn (người khởi nghiệp cho nhà Lý khi nhà Tiền Lê đã quá thối nát dưới triều Lê Long Đĩnh [Ngoạ Triều]) về sau:

Lê Văn Hưu: “Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên nói [noi – ct. (**)] theo họ Lý” (19).

Ngô Sĩ Liên: “… [Lê Hoàn – TXA. ct.] có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy. Song khi làm nhiếp chính mà tự xưng phó vương, dẫn đến việc bọn Điền, Bặc phải khởi binh, lên ngôi vua thì phải nhờ bọn Cự Lạng đem binh đến uy hiếp, làm cung điện thì lấy vàng bạc mà trang sức. Phàm những việc như thế đều không bằng Lý [Thái – dg. ct.] Tổ biết nghĩ xa hơn. Văn Hưu nói lấy đức của nhà Lý mà soi đức của nhà Lê thì [đức của Lý – dg. ct.] dày hơn, há chẳng đúng sao!”  (20).

Ngô Sĩ Liên phê phán cả thói xa hoa của Lê Hoàn nữa!

Nhưng điều trước hết, về phương diện trừ giặc ngoài của Lê Hoàn, chúng ta đã thấy rõ tài năng của ông. Còn về mặt “trừ dẹp gian trong”, Ngô Sĩ Liên đã phản bác bình luận của Lê Văn Hưu để bênh vực Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp. Không thể Ngô Sĩ Liên không chí lí. Nhưng “gian trong” còn có những bọn giặc khác, trong đó có người Hà Động, Cử Long. Khi đích thân đi đánh dẹp ở Hà Động, Cử Long, Đinh Toàn đã tử trận, khiến Lê Hoàn (bố dượng) phải “kêu trời ba tiếng rồi thúc quân đánh, giặc tan vỡ” (21). “Gian trong” còn là Dương Tiến Lộc cùng một bộ phận không ít nhân dân hai châu Hoan, Ái (Nghệ – Tĩnh, Thanh Hoá). Đây lại là một việc không thể lướt qua được, nếu liên hệ với thói xa hoa (cung điện giát vàng lợp bạc) kể trên!

Toàn thư viết, vào mùa xuân năm Kỉ sửu (989): “Dương Tiến Lộc lấy hai châu Hoan, Ái làm phản. Vua thân đi đánh, Tiến Lộc bị giết. Bấy giờ vua sai viên quản giáp là Tiến Lộc đi thu thuế hai châu Hoan và Ái, Tiến Lộc đem người hai châu ấy xin theo về với Chiêm Thành. Chiêm Thành không nhận. Vua nghe tin, đem các quân đến đánh châu Hoan, châu Ái, đuổi bắt được Tiến Lộc và giết người hai châu ấy không biết bao nhiêu mà kể” (22).

Vì sưu thuế ở mức độ nặng nề, đến độ viên quan quản giáp thu thuế cũng phải nổi dậy cùng nhân dân chống lại triều đình chăng? Sử sách không viết rõ hơn! Có điều, sao nhân dân lại cùng Dương Tiến Lộc dựa vào ngoại bang bấy giờ là Chiêm Thành? Như thế là theo ngoại quốc để phản quốc? Thật ra, tôi hiểu, đấy chỉ là tìm thêm vây cánh nhưng vẫn giữ được sự tự chủ, chứ không phải dựa vào một cường quốc để bị lệ thuộc, thậm chí bị nô dịch. Trung Hoa từ thời trước Tần đã là cường quốc bành trướng, bá quyền, chứ từ khi Khu Liên lập quốc đến lúc này, và mãi đến những thế kỉ sau, kể cả thời Chế Bồng Nga lừng lẫy nhất, Chiêm Thành chưa bao giờ là cường quốc so với nước Đại Cồ Việt (Việt Nam) ta. Việc tìm thêm vây cánh nhưng vẫn giữ được sự tự chủ và việc dựa vào một cường quốc để bị lệ thuộc, thậm chí bị nô dịch là hoàn toàn khác nhau về chất.

Do đó, không thể gọi một số không ít nhân dân hai châu Hoan, Ái bấy giờ là phản quốc được.

Ý kiến của hai sử gia Lê Văn Hưu (Đại Việt sử kí, 1272, thời Trần), Ngô Sĩ Liên (Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ chỉnh lí, 1479, thời Hậu Lê trung hưng) (23) có những điểm khiến chúng ta lưu ý. Lê Văn Hưu không phê phán mạnh mẽ và gay gắt về quan hệ bất chính giữa Lê Hoàn với Dương Vân Nga (“về đạo vợ chồng có điều đáng thẹn”; “khi vua lấy được nước, đem vào cung, đến đây lập làm hoàng hậu”); về tham vọng và sự thể “cường thần nhiếp chính”, “cướp ngôi”; và Lê Văn Hưu còn không muốn phán xử cho công bằng về Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp. Phải chăng Lê Văn Hưu bị hạn chế bởi thời đại (triều Trần) (***)? Do đó, Ngô Sĩ Liên phê phán gay gắt việc “thông dâm”, “cướp ngôi”. Cũng do đó, Lê Văn Hưu bị Ngô Sĩ Liên phản bác: “… dấy quân hỏi tội, mưu giữ xã tắc, thế là bầy tôi trung nghĩa đấy. Việc không xong mà chết, thế là bầy tôi tử tiết đấy. Lời bàn của Văn Hưu lại đánh đồng với hàng loạn tặc…”. Nhưng cả hai đều ca ngợi Lê Hoàn là anh hùng, hơn cả Hán, Đường trong việc đánh thắng ngoại xâm, khiến nhà Tống phải nể sợ, khiến Chiêm Thành phải thần phục…

 

4

Các sử gia từ thời Trần cho đến thời Hậu Lê trung hưng, qua hai trăm lẻ bảy năm (1272 – 1479), đã ghi chép, khảo cứu và bình luận như thế về Lê Đại Hành – Dương Vân Nga trong Toàn thư. Sử gia triều Nguyễn đã khảo cứu, bình luận như thế nào về hai nhân vật lịch sử này?

Cương mục (24) viết về vụ tư thông – cướp ngôi:[Cương: – ct.] Thập đạo tướng quân Lê Hoàn tự xưng là phó vương. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc, ngoại giáp Đinh Điền và Phạm Hạp dấy quân đánh Lê Hoàn, không được, đều tử tiết. [Mục: – ct.] Nhà vua nối ngôi, mới lên sáu tuổi. Bọn Nguyễn Bặc đều là phụ chính đại thần; còn Lê Hoàn trong tay giữ cả binh quyền, tự do ra vào nơi cung cấm. Thái hậu phải lòng Hoàn, rồi cùng nhau tư thông, cho Hoàn quyền tạm làm công việc của Chu công khi trước. Lê Hoàn cậy có thái hậu cưng yêu, không kiêng sợ chi cả. Bọn Nguyễn Bặc bàn với nhau: “Lê Hoàn sẽ bất lợi cho nhụ tử; chúng ta chịu ơn dày của nước, nếu không tính trước đi, giữ cho xã tắc được yên thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng nữa?”. Họ liền cùng nhau khởi binh, chia hai đường thuỷ bộ cùng tiến, định kéo thẳng đến kinh đô để giết Lê Hoàn. Thái hậu nghe tin, bảo Lê Hoàn: “Bọn Bặc nổi loạn, quan gia hãy còn thơ ấu, cáng đáng sao nổi giữa lúc quốc gia lắm nạn này! Ông nên tính đi”. Lê Hoàn thưa: “Tôi đây làm phó vương, quyền giữ việc nước, dù sống chết cũng xin gánh lấy trách nhiệm”…” (25).

Ngoài ra, trong Cương mục còn có một lời bình của Ngô Thì Sĩ, tác giả Việt sử tiêu án, được trích dẫn, bàn về việc phong mĩ hiệu cho Dương Vân Nga: “Đại Thắng Minh là tên hiệu của Đinh Tiên Hoàng. Đại Hành lấy hiệu vua cũ đặt cho vợ mình: Thật là không còn kiêng nể chút gì cả! Sử sách ghi chép, để cười nghìn thu!” (26).

Nói chung là Cương mục không khác với Toàn thư; về các vụ việc khác trong phần này cũng vậy. Chỉ trích thêm một vài chi tiết ghi nhận những thắng lợi của Lê Hoàn (và cho đến triều Lê Long Đĩnh) trên phương diện ngoại giao: “Khi đến Trường Châu, nhà vua [Lê Đại Hành – ct.] ra đón sứ giả [nhà Tống – ct.] ở phía ngoài đô thành, cùng nhau giong ngựa đi song song. Đến cửa Minh Đức, nhà vua đón lấy bài chế văn nhưng không lạy, nói vì năm mới rồi, đi đánh giặc Mán, ngã ngựa đau chân. Bọn Tống Cảo tin là thực. Ngày hôm sau, đặt tiệc đãi sứ, nhà vua bảo Tống Cảo rằng: “Đường sá xa khơi, núi sông hiểm trở, sau này nếu có quốc thư, xin cứ giao nhận ở đầu biên giới, khỏi phiền sứ giả đến đây”. Tống Cảo đem việc này về tâu, vua Tống ưng thuận” (27). Ngoài ra, Cương mục còn đối chiếu với sách Đông tây dương khảo (27) của Trương Nhiếp nhà Minh, về sự việc này, và ghi nhận thêm, bấy giờ, Lê Hoàn khi đón sứ giả, có bày binh bố trận để thị uy… Tất nhiên có cả việc Lê Hoàn nhận chiếu nhưng không lạy. Không chỉ có thế, rất nhiều chi tiết khác, chứng tỏ mọi yêu cầu của triều Tiền Lê đều được sự chấp thuận của vua Tống, vì oai danh chiến thắng của Lê Hoàn. Chỉ khác một điều, Cương mục không chép, nhưng Toàn thư có ghi việc Lê Hoàn cho một vị sư họ Đỗ, hiệu là Pháp Thuận, giả dạng làm người quản lí sông (giang lệnh), để xướng hoạ thơ chữ Hán với Lý Giác, sứ nhà Tống (28), khiến Lý Giác rất nể trọng dân trí nước ta! Đó là một thủ thuật giặc Tàu không ngờ đến, và chúng hết sức nể sợ trong việc ngoại giao với nước ta. Thắng lợi về ngoại giao của một nước nhỏ đối với nước rộng đất đông dân như Tàu sau ngót một ngàn năm bị chúng đô hộ, áp bức, bóc lột, như thế cũng là đáng kể. Đó là nhờ chiến thắng quân sự và sự góp công của các sư tăng về chữ nghĩa (bấy giờ, giới trí thức nhất vẫn là tăng sĩ Phật giáo); tuy nhiên, uy lực quân sự là chính (hùng mạnh về quân sự mới có thể thắng thế về ngoại giao). Chẳng hạn, “vì sờn nỗi Tôn Toàn Hưng bại trận, vua Tống cũng ưng thuận…” (29) và ưng thuận…

Nếu so sánh với Toàn thư, Cương mục đã đối chiếu, khảo chứng với rất nhiều sách khi biên soạn. Sự việc và bình luận, về cơ bản, hai bộ sử không khác phần viết về Lê Đại Hành – Dương Vân Nga và triều đại Tiền Lê.

 

5

Có một chi tiết không thể không lưu ý trong Toàn thư: “Về sau, tục dân lập đền thờ, tô tượng hai vua Tiên Hoàng và Đại Hành và tượng Dương hậu cùng ngồi; hồi quốc sơ [đầu thời Lê – dg. ct.] vẫn còn như thế. Sau An phủ sứ Lê Thúc Hiển mới bỏ” (30).

“Tục dân”! Phong tục của nhân dân? Hay phải chăng các sử gia Toàn thư đã hàm ý chê trách khi xác định những người tô tượng ấy không phải là những người dân tốt lành vốn được gọi là nhân dân, nghĩa dân? Họ chỉ là dân phàm tục, dung tục? Và phải chăng Lê Thúc Hiển, Ngô Sĩ Liên cũng dựa vào nho giáo để phê phán mối quan hệ bất chính vốn bị ngộ nhận là “đạo lí truyền thống dân tộc”?

Thế nào là luân lí? Thiết tưởng vấn đề đã rõ.

Việc “cướp ngôi”? Phê phán việc cướp ngôi như thế là căn cứ vào giáo điều trung quân, phi dân chủ?

Thế nào là dân chủ?

Đất nước và nhân dân là của nhân dân, đâu phải sở hữu của cá nhân nào, hoàng tộc nào. Cho nên, một cách hồn nhiên, quân dân bấy giờ cho rằng ai làm được việc, người ấy làm vua; không việc gì phải phù ấu chúa. Đó là chân lí dân chủ. Phải chăng bấy giờ quân dân ta ý thức như thế? Nhưng thử hỏi, tại sao Lê Hoàn lại truyền ngôi cho con ruột, thuộc huyết thống mình, chứ không chọn một vị tướng tài nào đó không thuộc huyết thống dòng họ mình để giao lại ngai vàng (chưa nói là bầu cử dân chủ!)? Không nghi ngờ gì nữa, Lê Hoàn vẫn như quân dân nước ta và các nước khác, tại thời điểm bấy giờ, là đang ở trong giai đoạn tiến lên chủ nghĩa phong kiến quân chủ (thậm chí ở nhiều nơi, còn đang khởi đầu nền phong kiến quân chủ sơ khai). Làm sao vượt được thời gian! Do đó, không thể cưỡng bức lịch sử cách đây cả ngàn năm theo tiêu chí dân chủ của vài thế kỉ gần đây.

Mọi sự việc đều phải được nhận định với quan điểm lịch sử – cụ thể, tuỳ từng thời đại mà sự việc diễn ra; xét tất cả khía cạnh, đạo đức lẫn chính trị, xã hội, theo các tiêu chí cụ thể của mỗi thời đại nhất định.

Không thể nói khác hơn, Lê Hoàn và Dương Vân Nga đã phản bội nhà Đinh, cướp ngai vàng nhà Đinh cho tộc họ nhà Lê! Tuy vậy, ngoài Lý Công Uẩn mà Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên đã so sánh với Lê Hoàn, chúng ta thử so sánh Lê Hoàn với những người cướp ngôi về sau, Trần Thủ Độ (cho dòng họ Trần), Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung, kể cả Trịnh Tùng (dù họ Trịnh chỉ giữ ngôi chúa, cạnh ngôi vua Hậu Lê, và áp chế vua). Hẳn ai cũng thấy Lê Hoàn ít gian ác hơn trong việc tiêu diệt, áp bức cựu thần, hoàng tộc triều đại cũ.

Dẫu có những điểm xấu xa về đạo đức, Lê Hoàn vẫn là anh hùng đánh Tống, bình Chiêm, khiến oai danh của Đất nước được tỏ rõ, cả về quân sự lẫn về ngoại giao (Tống, Chiêm phải nể sợ), để nền độc lập của Tổ quốc Đại Cồ Việt được vững bền.

Có một điều không thể không băn khoăn: Mặc dù Lê Hoàn chịu trách nhiệm về hậu quả do việc tư thông – cướp ngôi, và ông có tài thao lược của một danh tướng lỗi lạc để lãnh đạo quân binh trấn áp thành công phản ứng của các vị trung nghĩa với nhà Đinh, nhất là đánh bại Tống, Chiêm, đồng thời dập tắt những cuộc khởi nghĩa, nổi loạn khác, nhưng sự thể sẽ không đổ xương máu, nếu Dương Vân Nga và chính ông không có dục vọng tình ái, nhất là tham vọng quyền lực cho cá nhân ông và dòng họ Lê của ông. Mặt khác, phải thấy rằng, qua việc giải quyết được hậu quả việc tư thông – cướp ngôi, vô hình trung oai danh của Đất nước được tỏ rõ trong việc thắng Tống, bình Chiêm… Oai danh ấy là rất cần thiết cho việc giữ vững nền độc lập, tự chủ của Đại Cồ Việt sau một ngàn năm Hoa thuộc, có điều, cái giá xương máu quá đắt, và vẫn bị hoen ố bởi dục vọng, tham vọng cá nhân của Lê Hoàn – Dương Vân Nga (****).

 

Tp. HCM., khởi viết lúc 15 giờ bốn mươi phút, ngày 21. 06. HB4

(04. 04. Giáp thân HB4);

viết xong lúc mười lăm giờ linh chín phút, ngày 22. 06. HB4

(tiết Đoan ngọ, 05. 05 G. thân HB4).

TRẦN XUÂN AN

 

 

Cước chú của bài Những bình luận của các sử gia về Lê Đại hành (980 – 1005):

 

(1) Đại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), bản in nội các quan bản (1697), bản dịch (3 tập), tập 1, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003.

 

(2) Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884) (gọi tắt là Cương mục), tiền biên và chính biên, bản dịch (2 tập), tập 1, Nxb. Giáo Dục, 1998.

 

(*) Tuy không khí học thuật tốt lành là thế, nhưng có người vẫn cho rằng, cái được gọi là tốt lành ấy đã ngầm chứa những bất đồng quan điểm về lịch sử rất gay gắt trong xã hội, đến nỗi đã xảy ra vụ trọng án sử học một cách oan uổng cho một nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng, khi đóng vai thái hậu Dương Vân Nga, vào cuối thập niên bảy mươi của thế kỉ XX gần đây! Theo luồng dư luận đó, người ta rất bất bình về phương diện luân thường đạo lí khi Dương Vân Nga được ca ngợi. Sự thật thế nào, tôi (TXA.) không rõ. Dẫu sao, quả thật là có một luồng dư luận như vậy; không ít người không xem đó là vụ án bắt cóc, tống tiền và giết người, hoặc có tính chất thời sự – chính trị, trong thời điểm chống xâm lược ở biên giới phía bắc và phía tây nam. Thông tin trên báo chí đến nay vẫn không xem đó là vụ án sử học. Xem thêm: Hồng Hạc & Võ Khối, Lật lại hồ sơ những vụ án nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ, Báo Thanh Niên, từ số 156 (3086), 04. 5. 2004 đến số 165 (3095), 13. 6. 2004.

 

(3) Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, bản dịch của Hội Việt Nam nghiên cứu – liên lạc văn hoá Á châu, Văn hoá Á châu xb., Sài Gòn, 1960, tr. 80. Trích dẫn theo Cương mục, sđd., tập 1, tr. 222 (Tb. [tiền biên], q. V, tờ 19).

 

(4) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 310 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 6a).

 

(5) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 312 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 7a). Những chỗ in đậm (iđ.) trong các đoạn trích nguyên văn, ở bài này, là do người viết (TXA.) muốn nhấn mạnh.

 

(6) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 321 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 13a). (TXA. iđ.).

 

(7) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 324 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 15b). (TXA. iđ. & chua thêm [ct.]).

 

(8) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 313 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 8a). (TXA. iđ.).

 

(9) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 323 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 14a – 14b). (TXA. iđ.). Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân là tướng Tàu (Tống) xâm lược.

 

(10) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 323 – 324 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 14b – 15a). (TXA. iđ. & ct.).

 

(11) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 324 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 15b – 16a). (TXA. iđ.).

 

(12) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 314 – 315 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 9a – 9b). (TXA. iđ.).

 

(13) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 320 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 12b). (TXA. iđ. & ct.).

 

(14) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 309 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 5b). (TXA. iđ.).

 

(15) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 312 – 313 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 7a – 7b). (TXA. iđ.).

 

(16) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 315 – 316 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 9b – 10a). (TXA. iđ. & ct.).

 

(17) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 322 – 323 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 14a). (TXA. iđ. & ct.; đã đối chiếu; xem cước chú (**)).

 

(18) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 341 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 25a). (TXA. iđ.).

 

(**) Đối chiếu với bản dịch tập 1, cùng dịch giả, như sđd., nhưng do Nxb. KHXH. ấn hành, 1998, tr. 221: noi theo [noi không có dấu sắc] chứ không phải nói theo [nói có dấu sắc].

 

(19) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 323 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 14b). (TXA. iđ.).

 

(20) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 341 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 25a – 25b). (TXA. iđ. & ct.).

 

(21) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 338 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 23b). (TXA. iđ.).

 

(22) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 332 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 19a – 19b). (TXA. iđ.). Các sử gia không phải đều bình luận đúng tất cả mọi điều. Đào Duy Anh sau này cũng vậy. Có thể Đào Duy Anh sai lầm nhiều chỗ, nhưng riêng chỗ này, hẳn ông có lí: “Xem việc Lê Hoàn giết hại vô số nhân dân miền Ái Hoan trong cuộc nổi dậy của Dương Tiến Lộc và việc Long Đĩnh đốt chết nhân dân trong cuộc đánh dẹp ở Hoan Châu, thì đủ biết cha con Lê Hoàn là người tàn ác thế nào” (Lịch sử Việt Nam, Nxb. VHTT. tái bản, 2002, tr. 179).

 

(23) Toàn thư, tập 1, sđd., bài của GS. Phan Huy Lê, “ĐVSKTT., tác giả, văn bản, tác phẩm”, bảng đối chiếu, tr. 53.

 

(***) Xem: Toàn thư, sđd., tập 2 (Hoàng Văn Lâu dịch và hiệu đính), tr. 7, 9, 10, 19 – 21, 30 – 32… (BK. [bản kỉ], [quyển] V, [tờ] 1a, 2b, 3a – 3b, 9b – 11a, 17a – 18a…). Triều Trần thường bị các sử gia lên án về vụ việc Trần Thủ Độ bức tử Lý Huệ Tông, lấy Thiên Cực (vợ của thượng hoàng này, cũng là chị họ của Độ) làm vợ, lại cướp đoạt vợ của Trần Liễu (Yên Sinh vương) để áp đặt làm vợ Trần Cảnh (Trần Thái Tông), bất chấp luân thường đạo lí (“chốn buồng the cũng có điều hổ thẹn” [sđd., tập 2, tr. 7 (tờ 1a)], y hệt câu phê phán Lê Đại Hành). Và dĩ nhiên, sử sách đồng thời lên án “chủ trương” bảo vệ nội bộ bằng hôn nhân đồng huyết (đồng tộc họ (+)) của nhà Trần. Ngô Sĩ Liên phê phán mạnh mẽ: “Hôn nhân không lấy người khác họ mà lấy người cùng họ, thì chỉ có nhà Trần làm thế” (sđd., tập 2, tr. 32 [tờ 18a]). Quốc sử quán triều Nguyễn, qua Cương mục (tập 1, sđd., từ tr. 439… [Chb., V, 41…]), cũng phê phán mạnh mẽ. Như thế, rõ ràng dân tộc ta không có hủ tục đó và cũng không chấp nhận thói tục hủ bại đó, “chủ trương bá đạo” ấy chỉ có trong nội bộ hoàng tộc nhà Trần mà thôi (++).

Đây là một vấn đề cần phải nêu lên: Làm sao một triều đại ghê tởm như thế lại đủ uy tín để lãnh đạo nhân dân lập nên những chiến công lừng lẫy thế giới (3 lần đánh bại đế quốc Nguyên – Mông)? Làm sao Trần Hưng Đạo, một danh tướng anh hùng bậc nhất, nhưng đồng thời cũng là người tôn thất nhà Trần, ở trong quỹ đạo của “chủ trương” hôn nhân đồng tộc họ ấy [sđd., tập 2, tr. 30 – 32 (tờ 17a – 18a)], lại được nhân dân tôn vinh là Người cha của dân tộc (“Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ [Liễu Hạnh]”)?

Sự thật lịch sử là đế quốc Nguyên – Mông 3 lần chiến bại trên đất nước ta, chính Lê Tắc (kẻ đầu hàng chúng, quãng đời lưu vong sống nhờ vào chúng) cũng thừa nhận sự thật chiến bại đó, mặc dù chỉ dám “nhẹ nhàng” thừa nhận. Nhưng Lê Tắc cũng không viết một chữ nào về “chủ trương” bá đạo, ghê tởm của nhà Trần về hôn nhân đồng họ tộc nói trên.

Xin nêu vấn đề như thế.

(+) Xin hiểu đồng tộc họ là cùng một nhà thờ họ. Ở nước ta, mỗi làng thôn đều có từ vài đến mươi tộc họ, mỗi tộc họ đều có một nhà thờ họ; và câu tục ngữ thường được nhắc nhở là “mười đời chưa rời cẳng tay” (bà con mười thế hệ vẫn là ruột thịt gần gũi). Nói chung là người cùng tộc họ như thế, theo văn hiến Việt Nam là không được kết hôn.

(++) Xin mở một ngoặc đơn: Phải chăng “hôn nhân không lấy người khác họ mà lấy người cùng họ” của triều Trần nước ta cũng gần giống tục lệ hôn nhân đồng huyết (trừ trường hợp ba đời trực hệ) của người Phương Tây (Âu Mỹ)? Ngay chính phong tục của Phương Tây cũng bị nhân dân ta, nhất là sĩ phu, phê phán là Phương Tây mọi rợ, hủ bại, khi thực dân Phương Tây truyền bá Thiên Chúa giáo (cái được gọi là “tả đạo”), đồng thời tiến hành chiến tranh xâm lược, trong các thế kỉ gần đây.

 

(24) Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884) (gọi tắt là Cương mục), tiền biên và chính biên, bản dịch (2 tập), tập 1, Nxb. Giáo Dục, 1998.

 

(25) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 244 (Chb. [chính biên], [quyển] I, [tờ] 9 – 10). TXA. ct., đặc biệt là hai chữ: cương (đề, tiêu đề của mỗi mục trong sách) và mục (thuyết, nội dung chi tiết của cương).

 

(26) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 253 (Chb., I, 18). Về hai chữ lâu nay ta quen gọi, ngỡ như là vương hiệu của Lê Hoàn, sử gia Lê Văn Hưu nhận xét: “Thiên tử và hoàng hậu khi mới băng, chưa chôn vào sơn lăng, thì gọi là đại hành hoàng đế, đại hành hoàng hậu. Đến khi lăng tẩm đã yên thì hợp bầy tôi xem đức hạnh hay dở để đặt thuỵ là mỗ [:trổng – TXA. ct.] hoàng đế, mỗ hoàng hậu, không gọi là đại hành nữa. Lê Đại Hành thì lấy Đại Hành làm thuỵ hiệu mà truyền đến ngày nay là làm sao? Vì Ngoạ Triều là con bất tiếu [:không giống cha ông, tức là không phải người hiền – dg. cước chú.], lại không có bề tôi nho học để giúp đỡ bàn về phép đặt thuỵ cho nên thế” (sđd., tr. 340 – 341 [BK., q. I, tờ 24b – 25a]).

Về tôn hiệu, khi mới thành công trong việc đánh dẹp các sứ quân, danh hiệu của Đinh Bộ Lĩnh là Vạn Thắng vương (Cương mục, sđd., tập 1, tr. 234 (Tb., V, 32)), khi lên ngôi xưng đế, tôn hiệu là Đại Thắng Minh hoàng đế (Cương mục, sđd., tập 1, tr. 237 (Chb. [chính biên], q. I,  tờ 3)).

 

(27) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 258 (Chb., I, 24 – 25). TXA. ct.. Về việc khảo chứng tư liệu, tôi thấy quan điểm của Quốc sử quán triều Nguyễn là thoả đáng nhất. Xin trích một đoạn ở phần khác, thể hiện quan điểm đó: “Lời cẩn án: Sử cũ [của ta – TXA. ct.] chép Nam Tấn vương Xương Văn xin mệnh lệnh chúa Nam Hán; còn Ngũ đại sử [sách của Trung Hoa – TXA. ct.] chép tên là Xương Tấn: việc hơi giống nhau, nhưng tên gọi mỗi đằng một khác. Có lẽ bấy giờ Xương Văn đổi tên là Xương Tấn để giao thiệp với nhà Nam Hán, mà người chép Ngũ đại sử ở đương thời không biết được rành mạch tường tận nên mới trái ngược nhau như thế. Việc này thuộc về nước ta, nên theo Sử cũ [của ta – TXA. ct.] là phải…”. Nói một cách khái quát, khi tham khảo sách của nước đối phương, phải lấy tư liệu gốc của ta làm chuẩn cứ để tiếp nhận những gì xem ra phù hợp.

 

(28) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 328 – 331 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 18a – 18b).

 

(29) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 262 (Chb., I, 28 – 29).

 

(30) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 324 (BK. [bản kỉ], q. I, tờ 18 a – 18b). (TXA. iđ.). Mấy chữ của dịch giả Ngô Đức Thọ trong hai dấu móc vuông, chính xác là: đầu đời Hậu Lê.

 

(****) Xem thêm: Lê Tắc, An Nam chí lược (thuộc Tứ khố toàn thư, Trung Hoa), bản dịch của Uỷ ban Phiên dịch sử liệu Viện Đại học Huế (GS. Trần Kinh Hoà cố vấn), Viện Đại học Huế xb., 1961; Nxb. Thuận Hoá, TT. Văn hoá – Ngôn ngữ Đông Tây tái bản, 2002, tr. 228 – 231. Lê Tắc viết rất kĩ về Lê Hoàn, Lê Long Đỉnh, nhưng hầu như không đề cập gì đến Dương Vân Nga trong sự kiện thông dâm – cướp ngôi, cũng chẳng viết gì về tội ác của Lê Long Đỉnh (Lê Ngoạ Triều); do đó, cũng không phê phán gì.

Xin lưu ý: Lê Tắc làm quan trong triều nhà Trần vào khoảng thời gian từ 1275 – 1285. Đại Việt sử kí (tham khảo Việt chí của Trần Tấn) được Lê Văn Hưu và Quốc sử viện triều Trần soạn xong vào năm Nhâm thân (1272), niên hiệu Thiệu Long thứ 15. Suy ra, ít nhiều Lê Tắc cũng biết nội dung Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu và Quốc sử viện triều Trần.

Vấn đề nêu lên như thế.

 

TXA.

 

 

(  xem tiếp bài 14

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

              Cập nhật: 07/01/09

              (tháng / ngày / năm)

  

Google page creator  /  host