r. Trần Xuân An (bs. & kc.) - Thơ Nguyễn Văn Tường (1824-1886) - Tệp 18

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

 

Trần Xuân An

biên soạn (tổ chức nội dung, khảo luận, bị chú các bài khảo luận của các tác giả,

chú giải thơ, chuyển ra ngôn ngữ thơ

trên cơ sở Thi tập chữ Hán do Nnc. Trần Viết Ngạc sưu tầm,

bản phiên dịch của Nnc. Trần Đại Vinh, Nnc. Vũ Đức Sao Biển, Nnc. Nguyễn Tôn Nhan

[Ts. Ngô Thời Đôn hiệu đính các bản dịch]).

 

Xem phần nguyên tác chữ Hán (hình ảnh quét chụp [scan]):

http://www.tranxuanan-writer-3.blogspot.com

http://www.tranxuanan-writer-4.blogspot.com

 

LỜI THƯA CUỐI SÁCH

(NGÀY 04-5 HB7)

 

Kính mến và thân ái gửi đến người đọc,

Cuốn sách này đã được in vi tính từ năm HB0 (2000) với số lượng bản in trong giới hạn cho phép. Năm HB3 (2003) & HB4 (2004), sau khi sửa chữa bổ sung, tôi cũng đã in vi tính với số lượng như vậy.

Tuy ít ỏi, nhưng cuốn sách cũng đã được đọc bởi những nhà nghiên cứu (nnc.), đặc biệt là các vị đã có nhiều công phu, tâm huyết đối với "Thi tập Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886)", như Nnc. Trần Viết Ngạc, Nnc. Trần Đại Vinh, Nnc. Vũ Đức Sao Biển, Nnc. Nguyễn Tôn Nhan, Ts. Ngô Thời Đôn, PGs.Ts. Võ Xuân Đàn (*), đồng thời bởi các biên tập viên thuộc các nhà xuất bản và một số hậu duệ của nhân vật lịch sử -- tác giả Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886).

Từ tháng 8 năm HB5 (2005), cuốn sách đã được công bố rộng khắp trên mạng liên thông toàn cầu (internet) với hình thức sách điện tử (e-book), nhờ sự quan tâm đến văn học, sử học nước nhà nửa sau thế kỉ XIX, của Nhóm Giao Điểm và ông Nguyễn Văn Hoá, chủ biên của Tạp chí điện tử Giao Điểm lúc bấy giờ. Qua đó, tôi nghĩ cuốn sách đã được nhiều người đọc có cùng mối quan tâm, trên khắp hành tinh đọc đến, cho dù quan điểm, tâm thế đọc có thể trái ngược nhau do chính kiến.

Cũng như các người biên soạn sách khác, tôi vẫn mong có nhiều sự góp ý, nhất là sự góp ý của các bậc uyên thâm Hán học Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay tôi vẫn chưa nhận được sự chỉ giáo nào về các sai sót không thể tránh khỏi ở phương diện chuyển ngữ Hán -- Việt trong cuốn sách, ngoài một số lời khen ngắn ngủi về các phương diện khác.

Một điều nữa, xin khiêm tốn trong tinh thần thực sự cầu thị, thưa rằng: Tôi chỉ là người vốn có chút đỉnh tri thức, kĩ năng soạn giáo án, gồm mảng văn học cổ Hán -- Nôm, văn học chữ Hán cận -- hiện đại trong văn học sử Việt Nam, để giảng dạy ở bậc phổ thông trung học (còn gọi là trung học đệ nhị cấp, ở Miền Nam trước 1975, hay phổ thông cấp III, ở Miền Bắc, rồi cả nước, trong khoảng dăm năm sau Ngày Thống nhất). Tri thức, kĩ năng ấy được đào tạo với một vài học trình về phân môn Hán -- Nôm trong trường đại học (vì còn phải học tập, nghiên cứu nhiều phân môn ngữ văn khác); và chủ yếu do công việc chuyên môn, soạn giáo án, giảng dạy trên văn bản phiên dịch ra âm và nghĩa tiếng Việt (**) trong sách giáo khoa phổ thông cũng như trong hầu hết các sách chuyên môn sâu ở nước ta.

Mở một ngoặc đơn: Việc các tác giả Việt Nam trước tác bằng chữ Hán, việc sĩ phu, trí thức (giáo sư trung học đệ nhị cấp, giảng viên đại học...), học trò, người đọc Việt Nam nhiều thế hệ học tập, nghiên cứu, giảng dạy mảng văn học Việt có nguyên tác chữ Hán là một đặc điểm rất đáng nói... Đặc điểm này do lịch sử hàng nghìn năm quy định: Người Việt cảm thụ văn học chữ Hán, tiêu biểu là thơ văn Lý -- Trần, Lê sơ, Nguyễn thế kỉ XIX (Việt Nam), thơ Đường (Trung Hoa) với một bản năng văn hoá giao lưu lâu đời tiềm ẩn. Điều đó hẳn khiến người nước ngoài ngạc nhiên, nếu họ không để ý ngay cả người châu Âu cũng có bản năng văn hoá tương tự đối với văn học Hy -- La, với tiếng La-tinh. So sánh như thế, tất nhiên cũng phải thấy mức độ có khác nhau.

Ngoặc đơn được đóng lại để nói rằng, trên nền tảng văn hoá tiềm ẩn chung, cộng với quá trình học tập, nghiên cứu, giảng dạy văn học chữ Hán nhà trường, chỉ cần có bản phiên âm, bản dịch nghĩa, một vài cuốn từ điển và tự điển để tra cứu nguyên bản, nhiều người đều có thể tiếp cận ở mức độ sâu các tác phẩm chữ Hán và truyền thụ, chia sẻ với người khác.

Ngoài ra, tôi còn là một người suốt đời sống chết với việc sáng tác thơ ca tiếng Việt mẹ đẻ, nhưng không thể không tìm hiểu thơ cổ chữ Hán, nên cũng khá thuận lợi trong việc chuyển ra ngôn ngữ thơ tiếng Việt từ các bản dịch nghĩa, cho dù với yêu cầu nghiêm ngặt về niêm luật.

Cũng thưa rằng, khiêm tốn nhưng tôi vẫn rất tự tin vào tri thức văn học sử, sử học Việt Nam, với sự tự giới hạn trong giai đoạn nửa sau thế kỉ mười chín (XIX).

Đó là một số mặt yếu, mặt mạnh của chính người biên soạn là tôi. Tôi ý thức rõ thực trạng đó, và cũng tin chắc rằng, một thi sĩ có nội lực tri thức nếu biết phối hợp với một nhà ngoại cổ ngữ, ngoại sinh ngữ uyên thâm, thành thạo, có thể sẽ cùng tạo ra những bản dịch tuyệt vời (đạt, tín, nhã). Cuốn sách này chỉ là bước đầu, may chăng là đặt cơ sở cho những bản dịch trong tương lai. Biết đâu, sẽ có những bản dịch tuyệt vời hơn? Tôi vẫn ao ước được đọc những bản dịch tuyệt vời hơn. Nếu ai có những bản dịch như tôi ao ước, xin vui lòng công bố và mách bảo cho tôi được biết để tôi tỏ lòng ngưỡng mộ. Hi vọng cuốn sách này sẽ được bổ sung bằng những bản dịch đạt về ý, khả tín về ngữ nghĩa và nhuần nhị về tiếng Việt của các dịch giả danh tiếng (vốn bao hàm cả năng lực thi sĩ) hay của các nhóm liên kết thi sĩ, dịch giả.

Thêm một điều cuối lời thưa này, một cách thiết thực, có triển vọng nhất: Tôi vẫn kính mong được sự chỉ giáo của các nhà Hán học uyên thâm, để hoàn thiện hơn cuốn sách. Chính tiến sĩ Ngô Thời Đôn, người hiệu đính các bản phiên âm, dịch nghĩa cho "Thi tập Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886)", cũng đã khích lệ tôi trong việc tranh thủ mọi sự chỉ giáo từ nhiều người, nhiều nơi. 

Mong một ngày gần đây cuốn sách sẽ chính thức xuất bản với hình thức sách in giấy, để bấy giờ, dưới dòng chữ in "Kính cảm ơn sự góp ý của ...", tôi sẽ trân trọng kí tặng sách, gửi sách đến tận tay những bậc Hán học uyên thâm đã có lòng chỉ bảo như một sự đáp tạ.

Thành thật cảm ơn.

Trân trọng.

 

Việt Nam, TP.HCM., lúc 17 giờ 30', ngày 04 tháng 5 năm HB7 (2007).

Người biên soạn:

Trần Xuân An.

 

__________________

 

(*) Rất tiếc là tôi không liên lạc được với Gs. Đoàn Quang Hưng, tác giả của một bài tham luận sử học trong "Kỉ yếu Hội nghị khoa học về đề tài 'Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886)'", ĐHSP.TP.HCM., 1996.

 

(**) Đối với di sản văn học Việt Nam được viết bằng chữ Hán, đã có quy định có tính luật pháp, là không thể, cũng không nên học và dạy song ngữ Hán -- Việt đại trà, mà phải dùng tiếng Việt mẹ đẻ với tư cách là một chuyển ngữ chính thống và duy nhất ở nhà trường, ngay cả ở hệ đại học và sau đại học. Dĩ nhiên, từ lâu cũng đã có những lớp chuyên ngành Hán - Nôm đào tạo những chuyên gia Hán -- Nôm... Và cố nhiên, thời nào, ngành nào cũng có những cá nhân xuất sắc về Hán -- Nôm do năng khiếu riêng.

 

 

 

NGƯỜI BIÊN SOẠN GIỮ BẢN QUYỀN TỪNG CHỮ, TỪNG Ý TƯỞNG CỦA MÌNH

 

 

Xem lại:

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/tho_nvt-vnvcnthvttuong_1.htm

 

Cũng có thể xem tại:

http://www.tranxuanan-writer-5.blogspot.com  

http://www.tranxuanan-writer-6.blogspot.com

Trở về trang

danh mục tác phẩm -- muc lục:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/danhmtphamtxa_googlepcreator.htm

 

bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

     lên đầu trang (top page)   

 01 & 04-5 HB7 (2007) = 15 & 18-3 Đinh hợi HB7

05-5 HB7