z+b. Bài 27-Tl.3 - Trần Xuân An -- Để khỏi bị Nguyễn Hoàn lừa dối bằng ngụy biện

ĐỂ KHỎI BỊ NGUYỄN HOÀN LỪA DỐI BẰNG NGỤY BIỆN, XẢO NGÔN

(sau khi đọc bài Thông tin thêm sau loạt bài viết về Nguyễn Văn Tường” trên Phong Điệp – Nét)

 

Trần Xuân An

 

Xin được trực khởi, đi vào các điểm cần giải thích cho nhà báo Nguyễn Hoàn rõ:

 

1. Điểm 1: Nguyễn Hoàn cho rằng bài viết “Nghĩ từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường” của anh “không phải là một bài ‘quyết toán’, tính công, tính sổ”.

 

Khi tôi ví von bài viết ấy với việc tổng kết một công trình thủy lợi, thì đó cũng chỉ là ví von, và ví von nào cũng khập khiễng. Vả lại, Nguyễn Hoàn cũng không đủ tư cách để làm công việc tổng kết ấy. Cái lõi của sự ví von này: Cho dù từ chuyện giải oan cho Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Hoàn nghĩ đến điều gì từ đó, thì chưa nói, nhưng cũng phải bắt đầu từ chuyện giải oan ấy. Mà một khi đã đặt cơ sở suy nghĩ từ chuyện giải oan cho Nguyễn Văn Tường, anh cũng cần phải nhận thức cơ sở đó cho toàn diện với cái nhìn toàn cục. Tôi đã giải thích cho Nguyễn Hoàn trong một bài viết rồi, sao Nguyễn Hoàn không chịu hiểu?

 

Tôi đã viết trong bài “NGHĨ VỀ CÁCH BIỆN GIẢI, NHỮNG NGỘ NHẬN CỦA NHÀ BÁO NGUYỄN HOÀN VÀ VỀ MỘT Ý HƯỚNG TỐT CHO KHU DI TÍCH TÂN SỞ” (1): “Đành rằng có nhiều đầu đề không thâu tóm hết nội dung, chủ đích bài viết. Nhưng ở trường hợp này, lại quá rõ. Một khi đầu đề đã là Nghĩ từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường”, thì cho dù chỉ “từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường” ấy, anh nghĩ đến những chuyện khác có liên quan, anh vẫn phải xuất phát từ cơ sở đó.  Quả thật là như thế. Nếu chỉ tính từ đoạn bắt đầu bằng câu lẩy Kiều “Thế rồi, cũng có ngày “Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” (Nguyễn Du)” cho đến “Người Việt kiều cho dẫu ở đâu đều cùng chung dòng máu Lạc Hồng càng phải làm như vậy” trong bài viết của Nguyễn Hoàn, ai cũng thấy anh đã dành đến 6 phần 10 bài viết để nói đến chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường”. Trong đó, chủ yếu Nguyễn Hoàn đề cao công lao tìm kiếm tư liệu của bà Ngọc Oanh và cô Từ Vân cũng như nỗi niềm và dăm bảy câu thơ của ông Nguyễn Bưa”.

 

Trong điểm này, Nguyễn Hoàn thắc mắc vì sao chỉ riêng mình tôi lên tiếng về sự thiên lệch của anh? Rất dễ hiểu, bởi vì tôi đầu tư quá nhiều công sức vào đề tài này, là người duy nhất nghiên cứu, biên khảo và viết đến bốn đầu sách về đề tài Nguyễn Văn Tường (1824-1886). Hơn nữa, điều quan trọng nhất là tôi cần phải bảo vệ quan điểm sử dụng tư liệu của tôi: “Đại Nam thực lục chính biên” các kỉ có liên quan đến đề tài là tư liệu chuẩn cứ, chứ không phải là tư liệu của phía thực dân Pháp.

 

2. Điểm 2. Nguyễn Hoàn viết là tôi “đã bất chấp cả những kết luận của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam”.

 

Tôi thật không hiểu nổi đầu óc của Nguyễn Hoàn. Tôi đã viết để Nguyễn Hoàn hiểu, trong bài viết trước. Đây, tôi đã giải thích cặn lẽ thế này: “Và cũng chính Nguyễn Hoàn Viết: “Về những tư liệu mà mẹ con bà Oanh sưu tầm được, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổng kết Hội thảo khoa học năm 2002 đã khẳng định: ““Hội nghị đánh giá rất cao những thông báo mới về mặt tư liệu của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh - hậu duệ của Nguyễn Văn Tường. Những tư liệu này càng củng cố thêm cho những lập luận để có thể giải thích được thời gian hai tháng Nguyễn Văn Tường ở Huế trong khi Tôn Thất Thuyết và Hàm Nghi ở Tân Sở. Để giải quyết được bản chất mối quan hệ giữa Nguyễn Văn Tường và chính quyền thực dân là sự hợp tác hay là một sự phân công “kẻ ở người đi” như dụ của Hàm Nghi gửi cho Nguyễn Văn Tường””. Tôi nhấn đậm 4 chữ càng củng cố thêm. Như vậy, không phải là số tư liệu của bà Ngọc Oanh, cô Từ Vân tìm kiếm được (và phần nào họ đã dịch ra tiếng Việt với sự hợp tác của ông Nguyễn Tuấn Khanh) chỉ có giá trị bổ trợ hay sao? Tôi lại nhấn đậm từ bổ trợ. “Củng cố thêm” và “bổ trợ”, trong ngữ cảnh này, có khác gì nhau đâu. Rõ ràng, mức độ định giá của nhà sử học Dương Trung Quốc và của tôi là không khác”.

 

Ở bài “GIẢI THÍCH MỘT SỐ ĐIỂM TRONG BÀI VIẾT CỦA NGUYỄN HOÀN” (2) gần đây nhất, tôi lại phải viết: “Tôi vẫn cho rằng ý kiến của nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc và ý kiến tôi về số tư liệu bà Oanh, cô Từ Vân tìm kiếm được, cơ bản, cốt yếu là giống nhau. Tôi đã nhấn đậm các cụm từ: càng củng cố thêm (DTQ.) và “có giá trị bổ trợ” (TXA.). Cho dù các từ ngữ quanh hai cụm từ trên khác nhau ở mức độ biểu cảm về sự tin cậy nhưng cốt lõi là xếp loại giá trị giống nhau. Cụm từ “có giá trị bổ trợ” tôi sử dụng chỉ đặt trong điều kiện là, nếu tư liệu bà Oanh mang về có chứng thực của các trung tâm lưu trữ tại Pháp và Tahiti”.

 

Chẳng lẽ Nguyễn Hoàn không hiểu nổi hai đoạn trên hay sao?

 

Như vậy, nhận định về tư liệu bà Oanh, cô Từ Vân mang về, ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc (TTK. Hội KHLS. VN.) và ý kiến của tôi về cơ bản là không khác nhau. Nói dễ hiểu hơn, cho dù đánh giá, xếp loại ở mức độ nào đi nữa, thì cũng chỉ có giá trị “củng cố thêm” hay “bổ trợ” mà thôi. Vì tư liệu chủ yếu vẫn là từ trong nước. Tôi cũng đã viết về điều này: “Đọc lại bài tổng kết Hội thảo 2002, tôi thấy tổng thư kí Hội KHLS. Dương Trung Quốc cũng nhận định không khác tôi về định kiến sử học sai lầm lưu cữu và thái độ không đúng đối với “Đại Nam thực lục”. Định kiến sử học sai lầm và thái độ sử học vô lí ấy “đã che khuất mọi khả năng biện hộ hay làm sáng tỏ nhiều tư liệu lịch sử đã từng có và không xa lạ với giới sử học” (Dương Trung Quốc, “Nhận thức lịch sử là một quá trình”, trong cuốn “Nguyễn Văn Tường [1824-1886], cuộc đời và lời giải” do PGS.TS. Đỗ Bang làm chủ biên, Nxb. VHTT., 2006, tr. 239). “Đại Nam thực lục” (kỉ IV, V, và cả kỉ VI) do Viện Sử học dịch ra tiếng Việt và do Nxb. Khoa học Xã hội xuất bản chứ đâu phải từ trên trời rơi xuống!”.

 

Một lần nữa, xin hỏi Nguyễn Hoàn: Chẳng lẽ Nguyễn Hoàn không hiểu nổi các đoạn trên hay sao?

 

3. Điểm 3.

 

3.1. Nhà báo Nguyễn Hoàn cho rằng tôi tự nhận tôi sai lầm: “Qua tranh luận, ông Trần Xuân An đã ít nhiều “ngộ” ra và tự nhận là ông đã “nóng giận, mất khôn”, ông “cũng đã tự cười mình”, đã “nghiêm khắc tự phê bình”. Đặc biệt, mới đây, ông còn nhận rõ ông đã “thiếu khiêm tốn khi khẳng định về mình”. Vậy là ông Trần Xuân An dần dần đã thấy được mình sai, nhất là cái sai thiếu khiêm tốn, tức là “tự đề cao mình nhất và phủ nhận sạch trơn người khác” mà tôi đã phê phán”.

 

Nguyễn Hoàn lại tỏ ra khá ngụy biện, xảo ngôn! Những cụm từ tôi sử dụng để tự phê, tự trào ấy thực chất chỉ nhắm đến những gì chung quanh vấn đề cốt lõi của cuộc tranh luận này. Đó là thái độ nóng giận, bất đắc dĩ phải lên tiếng đối đáp với Nguyễn Hoàn trong thế trận “lục súc tranh công” và ý thức tự phê về thái độ ấy, còn các vấn đề cốt lõi trong cuộc tranh luận này làm sao tôi lại sai được.

 

Qua đó, hẳn mọi người đều thấy lập luận của Nguyễn Hoàn là ngụy biện, xảo ngôn, nhằm đánh lừa người đọc.

 

3.2. Nguyễn Hoàn lại viết “… thế mà ông lại cho rằng số tư liệu này bà Oanh, cô Từ Vân “đem về nước vào năm 2003, 2004”, nghĩa là ông đã đẩy lùi thời gian muộn hơn một cách có dụng ý”.

 

Tôi lại phải giải thích cho Nguyễn Hoàn rõ thế này: Hội thảo 2002, tư liệu bà Oanh, cô Từ Văn mang về chỉ trình lên lãnh đạo Hội KHLS. VN. Và Hội KHLS. Thừa Thiên – Huế mà thôi. Ông Trần Viết Ngạc cũng được biết đến số tư liệu này, nên có công bố ít trang trên Tạp chí Xưa & Nay, khoảng 2002-2003. Ai đó được biết nữa, tôi không rõ. Nhưng bản đã được bổ sung, hiệu đính trong hai năm 2003, 2004, tôi mới được anh Nguyễn Hạnh (nay là phó TBT. Tạp chí Xưa & Nay cho mượn vào cuối năm 2004, lúc tôi đã xuất bản cuốn sách “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường [1824-1886]”, qua Nxb. Văn Nghệ TP.HCM.).

 

Điều ấy tôi đã viết trong bài trước rồi, sao Nguyễn Hoàn không chịu nhớ?

 

3.3. Nguyễn Hoàn còn cho rằng tôi tự mâu thuẫn. Anh ta trích dẫn từ một bài viết của tôi: “Tất nhiên, tư liệu bà Ngọc Oanh, cô Từ Vân mới kiếm tìm, mang về, nếu được chứng thực bởi các trung tâm lưu trữ tại Pháp, Tahiti vẫn có giá trị hơn”.  Và anh ta lại viết: “Xin lưu ý, “vẫn có giá trị hơn”, có nghĩa là ông Trần Xuân An hiểu rằng số tư liệu này mặc nhiên vốn đã “có giá trị”; “… Thế nhưng, lúc khác, ông lại tự mâu thuẫn khi cho rằng: "Số tư liệu ấy chỉ có giá trị bổ trợ, nếu chúng đã được chứng thực, giám định khoa học thực nghiệm”, với chủ định chứng minh tôi tự mâu thuẫn.

 

Thật là “trông gà hóa cuốc” rồi, Nguyễn Hoàn ạ! Đó là những câu chữ tôi đã đính chính liền sau đó, trên Điểm mạng Trúc Sơn Trang và trên Trang Thông tin Hội Nhà văn Việt Nam, chứ đâu phải tự mâu thuẫn! : Lúc 15:33, chiều ngày 04 tháng 3 HB9 ( 2009 ): Để rõ ý, tôi mới thêm vào mấy chữ “là chưa được chứng thực” và một câu: Và cho dẫu chúng đã được chứng thực, thì “Đại Nam thực lục” (kỉ IV, V, và cả kỉ VI) vẫn là tư liệu chuẩn cứ”. Xin đọc đầy đủ, trọn nghĩa là: Tất nhiên, tư liệu bà Ngọc Oanh, cô Từ Vân mới kiếm tìm, mang về, nếu được chứng thực bởi các trung tâm lưu trữ tại Pháp, Tahiti vẫn có giá trị hơn là chưa được chứng thực. Giá trị của việc chứng thực này là quá hiển nhiên, đơn giản, sao chúng ta lại tranh cãi đến thế, thật quá vô lí!. Và cho dẫu chúng đã được chứng thực, thì “Đại Nam thực lục” (kỉ IV, V, và cả kỉ VI) vẫn là tư liệu chuẩn cứ”. Xin thành thật cáo lỗi. ---- TXA. ---- Tôi chỉ thêm vào cho rõ ý hơn, theo văn mạch và văn lí của toàn bài và nhất quán với những bài khác: BAO GIỜ TÔI CŨNG XEM "ĐẠI NAM THỰC LỤC" (KỈ IV, V VÀ CẢ KỈ VI) LÀ TƯ LIỆU CHUẨN CỨ”. Còn các tư liệu thuộc những nguồn khác, kể cả tư liệu từ bà Oanh, cô Từ Vân (dù mới gần đây mới được chứng thực hoặc sẽ được chứng thực), cũng chỉ là tư liệu tham khảo hoặc bổ trợ mà thôi.  --- Trần Xuân An ---” (3).

 

3.4. Nguyễn Hoàn lại cho rằng: “Ý ông Trần Xuân An cho rằng ông chỉ trần thuật các thông tin, thông báo một cách “trung tính”, “trung lập”. Kỳ thực, ông không hề trần thuật một cách “trung tính”, “trung lập” mà ông đã biểu lộ những cảm xúc không thể cầm lòng của mình trước sự kiện những tư liệu mới về Nguyễn Văn Tường do bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm được công bố”.

 

Các từ ngữ như “công khai”, “minh bạch”, “cực kỳ quan trọng” là trần thuật lại đúng như tính chất và tầm mức mà lời tòa soạn và bài báo của Từ Vân viết. Sự thể công khai, ta trần thuật là công khai; sự thể minh bạch, ta trần thuật là minh bạch; sự thể được người ta đanh giá là cực kì quan trọng, ta trần thuật là cực kì quan trọng. Trần thuật là thế đấy, nhà báo không hiểu sao?

 

4. Điểm 4. Nguyễn Hoàn viết một tiêu đề trong bài viết: “Việc bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm tư liệu về Nguyễn Văn Tường là nhận lãnh trọng trách với tổ tiên và giới sử học: Không thể phủ nhận, không thể “tranh công””. Và trong đề mục đó, Nguyễn Hoàn triển khai rồi nhận định: “Không riêng gì ông Trần Xuân An mà nhiều nhà nghiên cứu đã lấy “Đại Nam thực lục” làm tư liệu chuẩn cứ, nhưng họ đâu vì thế mà cho rằng những tư liệu của bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm được là không chuẩn cứ như ông Trần Xuân An đã nêu. Tất cả các tư liệu đã được giới sử học thẩm định đều là chuẩn cứ, đều được so sánh, đối chiếu với nhau để làm sáng tỏ vấn đề”.

 

Tôi đã giải thích khá nhiều về điều này trong những bài trước. Chỉ nhắc lại một câu: “Lẽ ra việc này phải để Viện Sử học nước ta hoặc các nhà nghiên cứu có chuyên môn cao ở hải ngoại cùng với bà Oanh, cô Từ Vân đi tìm kiếm thì ổn hơn”. Nguyễn Hoàn chịu khó đọc lại, vì nếu tôi viết lại hoặc trích lại, đưa vào bài này, thì quá dài và vô ích.

 

Chỉ có một điều cần làm rõ: “Tất cả các tư liệu đã được giới sử học thẩm định đều là chuẩn cứ, đều được so sánh, đối chiếu với nhau để làm sáng tỏ vấn đề”. Ở đây, mới quả thật là Nguyễn Hoàn sai trái so với nhận định, đánh giá của nhà sử học Dương Trung Quốc đối với tư liệu bà Oanh, cô Từ Vân mang về, mà Nguyễn Hoàn đã trích dẫn bên trên. Nguyễn Hoàn xem lại đoạn trích có các chữ “càng củng cố thêm” (tương đương với từ “bổ trợ” tôi dùng). Thế thì tư liệu nào là chuẩn cứ, Nguyễn Hoàn có thể suy ra chứ! Chẳng lẽ tôi phải giải thích cho Nguyễn Hoàn hiểu, theo đó, tư liệu gốc (“Đại Nam thực lục”, các kỉ có liên quan, và châu bản) của ta mới chính là chuẩn cứ! Rõ ràng là không thể đánh đồng cả hai nguồn tư liệu kể trên đều là chuẩn cứ, như Nguyễn Hoàn viết.

 

Tất nhiên bất kì tư liệu nào đã được giám định khoa học thực nghiệm, được chứng thực, chứ không riêng tư liệu do bà Oanh, cô Từ Vân kiếm tìm, đều có giá trị; và khi sử dụng chúng phải đối chiếu với tư liệu chuẩn cứ như tôi đã viết ở đoạn trên.

 

5. Điểm 5.  Nguyễn Hoàn vận dụng điển tích Tào Tháo cùng các người con của họ Tào.

 

Nếu Nguyễn Hoàn theo quan điểm đánh giá cũ về Tào Tháo, Tào Phi, Tào Thực, có nghĩa là Nguyễn Hoàn cùng một giuộc với ngụy triều Đồng Khánh – thực dân De Champeaux, Hector – tay sai Nguyễn Hữu Độ. Bởi lẽ, ngụy triều và thực dân Pháp và tay sai của chúng bấy giờ cũng đã kết án nhóm chủ chiến triều đình Huế, nhất là sau khi họ đưa vua Hàm Nghi xuất bôn, là Tào Tháo và Vương Mãng (xem “Đại Nam thực lục”, tập 37, Nxb. KHXH., 1977).

 

Nếu Nguyễn Hoàn theo quan điểm đánh giá sau này về cha con Tào Tháo (chỉ Tào Phi là đáng trách), thì không có gì để nói thêm ở điểm này. Khi thi sĩ Tào Thực viết được những câu thơ “củi đậu nấu đậu” thì đã là quá tốt, cũng như anh em nhà Nguyễn Tây Sơn khi tranh giành quyền lực. Hẳn Nguyễn Hoàn nhớ lời Nguyễn Nhạc đã làm Nguyễn Huệ rơi nước mắt, rút quân về lại Huế, về sau được diễn lại thành lục bát dân gian:

 

“Tội anh, anh vẫn là anh

Nồi da xáo thịt sao đành hỡi em” (*)

 

Tất nhiên Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến của ông không phải là Tào Tháo (cưỡng ép vua Hán và tạo điều kiện cho Tào Phi cướp ngôi nhà Hán), cho dù với cách đánh giá tích cực (mới) hay tiêu cực (cũ), và cũng không phải như Vương Mãng. Các hậu duệ hiện nay của Nguyễn Văn Tường trong việc giải minh vấn nạn sử học về Nguyễn Văn Tường không phải “củi đậu nấu đậu”, “nồi da xáo thịt”. Tôi cũng đã mạn phép cảnh báo trước về cảnh “lục súc tranh công”. Nhưng dẫu sao đây cũng là ý phụ của Nguyễn Hoàn. Chỉ có điều là không biết Nguyễn Hoàn thuộc loại ngụy triều Đồng Khánh, thực dân De Champeaux, Hector, tay sai Nguyễn Hữu Độ hay thuộc loại đánh giá chính xác, đề cao cha con thi sĩ Ngụy Tào? Ý chính ở điểm này Nguyễn Hoàn muốn thông báo là Di tích Tân Sở (4) đã có nghị quyết chính thức để tôn tạo. Điều này cũng là ước mong của tôi từ lâu, ít nhất là từ sau khi báo chí loan tin về việc cải táng di cốt vua Hàm Nghi. Mong mơ ước sẽ trở thành hiện thực!

 

Nói tóm lại, trong bài viết lẽ ra tôi không nên viết này, tôi cũng chỉ giải thích lại những điều đã viết. Điều cần thưa rõ lại với quý người đọc một lần nữa, là tôi thấy cũng nên viết, để chúng ta thấy rõ lối ngụy biện và xảo ngôn của nhà báo Nguyễn Hoàn, về sau khỏi bị anh ta lừa dối bằng các thủ thuật chữ nghĩa.

 

 

Trần Xuân An

# 9: -- 11:10, 09-4 HB9 (2009)

& 14:10, cùng ngày

_____________________________________

 

(1) http://hoinhavanvietnam.vn/News.asp?cat=&scat=36&id=1055

 

(2) http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6953

 

(3) http://hoinhavanvietnam.vn/News.asp?cat=&scat=36&id=1055

 

(4) Tân Sở là nơi vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phát đi, gửi về 3 văn kiện quan trọng: Lệnh dụ thiên hạ cần vương, Dụ Nguyễn Văn Tường, Dụ người trong họ (Dụ Hoàng tộc). Điều đáng lưu ý là 2 văn kiện Lệnh dụ thiên hạ cần vương, Dụ Nguyễn Văn Tường được phát đi khắp cả nước, gửi về kinh đô trong cùng một ngày (13-7-1885) (chi tiết này có ý nghĩa rất quan trọng, TXA. nhấn đậm).

 

Xem thêm: 3 văn kiện trên, bản án chung thẩm & cái được gọi là "Chiếu Cần vương - Gosselin", "Chiếu Cần vương - D'Argenlieu"...

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/phu_cdtnvtuong_tep6_IV.htm

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/tho_nvt-vnvcnthvttuong_5.htm

http://tranxuanan.writer.3.googlepages.com/vecaiduocgoila-chieucanvuong-d-argen.htm

http://tranxuanan.writer.3.googlepages.com/chieucanvuong-7al-1885-leninh.htm

 

Trích nhận định về bản án chung thẩm: “… Chú thích (11) của bài “NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824-1886) VỚI NHIỆM VỤ LỊCH SỬ SAU CUỘC KINH ĐÔ QUẬT KHỞI (05 THÁNG 7. 1885)”:

 

 Đây là loại thông tin bản án. Trong các loại thông tin, loại bản án, cáo thị, mật thư, mật dụ… hiển nhiên có độ khả tín cao nhất. Các loại thông tin này được phối kiểm và kiểm chứng bằng suốt cả quá trình hoạt động lâu dài và ở kết thúc cuộc đời nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (bị lưu đày và chết ở chốn lưu đày biệt xứ). Ở kỉ đệ tứ, đệ ngũ (các tập 27 – 36), những văn kiện trên là hoàn toàn xác tín. Riêng ở kỉ đệ lục (2 tập 37 – 38), ngoại trừ bản án về bốn nhân vật chủ chốt [*] trong nhóm chủ chiến đã được xác định độ khả tín tuyệt đối, thì số văn kiện liên quan còn lại, cần phải đãi lọc (chúng tôi đã thực hiện ở bài viết).

 

Năm 1890, Trương Quang Đản có dâng sớ chạy “tội”, kêu “oan” cho Trương Văn Đễ, do quyền lợi chính trị thời bị “bảo hộ”!? Chỉ có một trường hợp như vậy (xem “Đại Nam liệt truyện”, tập 3, sđd., tr. 425 – 426). Người viết nghĩ rằng, ngoài việc cùng chủ trương cuộc Kinh Đô Quật Khởi (05.7.1885), Trương Văn Đễ còn được trao nhiệm vụ cản hậu và đánh lạc hướng các cuộc truy kích vua Hàm Nghi mà thực dân Pháp cố quyết tiến hành. Riêng chi tiết (cản hậu, đánh lạc hướng) này, và vai trò tương tự của Đinh Tử Lượng, cần được nghiên cứu, xác minh thêm, mặc dù chúng tôi nhận thấy đã có đủ dữ kiện trong ĐNTL.CB., tập 36, tr. 223, 229, 234, 243.

 

[*] Phạm Thận Duật hóa ra chỉ là một nhân vật rất mờ nhạt, không có tên trong bản án chung thẩm này…”.

 

(*) Bổ sung bài “Để khỏi bị Nguyễn Hoàn lừa dối bằng ngụy biện, xảo ngôn”

 

Từ việc tôi đã bác bỏ sự so sánh hậu duệ Nguyễn Văn Tường hiện nay trong tiến trình minh oan cho ông là “củi đậu nấu đậu” như câu thơ của nhà thơ Tào Thực (em nhà thơ Tào Phi, con trai của nhà thơ Tào Tháo), dẫn đến sự liên tưởng tới anh em nhà Tây Sơn với khía cạnh hiềm khích do tranh giành quyền lực giữa Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc mà “Đại Nam liệt truyện” chép: “… Nhạc bèn ở trên thành gọi Huệ bảo rằng ‘Nồi da nấu thịt, lòng em sao nỡ thế’; cùng hướng vào nhau khóc rống lên hồi lâu, rồi đều giải quân giảng hòa, lấy Bản Tân làm giới hạn, từ Quảng Ngãi trở vào Nam thì Nhạc làm chủ, từ phủ Thăng, phủ Điện trở ra Bắc thì Huệ làm chủ” (sđd., tập. 2, Nxb. Thuận Hóa, 1993, tr. 501). Như tôi đã viết, về sau, câu nói của Nguyễn Nhạc đã thành lục bát dân gian: “Tội anh, anh vẫn là anh; Nồi da xáo thịt sao đành hỡi em”.

 

Đây chỉ là một ý phụ của Nguyễn Hoàn và sự liên tưởng bất chợt của tôi, nên những nhân vật lịch sử Trung Quốc và Việt Nam được đưa ra kể trên chỉ cần lướt qua. Tuy vậy, để tránh những ngộ nhận, tưởng cũng nên làm rõ thêm:

 

-- Tào Phi cướp hẳn ngôi vua Hán, tự xưng đế, ép em ruột là Tào Thực đến mức bị giam lỏng rồi uất ức mà chết.

 

-- Nguyễn Huệ không nỡ vây bức Nguyễn Nhạc đến mức giải giáp, giam tù hay giết chết Nguyễn Nhạc để quy giang sơn thành một mối nhất thống.

 

Hai cách giải quyết, một của Tào Phi, một của Nguyễn Huệ, cách nào là giải pháp đúng nhất, trong điều kiện đất nước giang sơn chỉ có một vua, như “bầu trời không thể có hai mặt trời”? Nhà thì có thể và thường là hai anh em hai nhà, nhưng đất nước giang sơn không phải là nhà riêng!

 

Trung Hoa là một nước gồm nhiều tiểu quốc, tư tưởng cát cứ thời trước Tam Quốc hay trong thời Tam Quốc bấy giờ là không có gì lạ, nhưng Tào Phi vẫn không thể để quyền lực bị rơi vào nguy cơ bị phân chia, trước hai kẻ thù là Thục và Ngô. Còn ở nước ta, tư tưởng “nhất thống toàn đồ” là truyền thống, nên việc nhân nhượng của Nguyễn Huệ, về sau bị các sử gia chê trách là chưa thống nhất được đất nước giang sơn về một mối.

 

Bi kịch ở đây là mâu thuẫn giữa cốt nhục tương tàn với nhất thống quyền lực, đất nước giang sơn. Nhận định lịch sử, như người ta thường nói là không thể đặt ra chữ “nếu”. Nhưng cũng có thể giả định, thử đưa ra giải pháp: Tào Phi nên giảm lỏng Tào Thực và tạo điều kiện tối đa để Tào Thực an trí, nếu Tào Thực vẫn muốn giành ngôi vua; nhưng Tào Thực không muốn giành ngôi vua, thì Tào Phi (chính thức là thế tứ từ khi Tào Tháo còn sống) cũng nên tạo điều kiện cho Tào Thực lập công với chức vụ nào đó không đến nỗi quá xoàng xĩnh. Còn Nguyễn Huệ, giải pháp tốt nhất là nên giải giáp Nguyễn Nhạc và tạo điều kiện cho Nguyễn Nhạc an dưỡng tuổi già. Biện pháp cuối cùng, nếu nguy cơ tranh giành quyền lực là có thật, thì không cách nào khác hơn, trong thời đại phong kiến: bức tử hoặc tử hình, như Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và các thành viên trong nhóm chủ chiến đã bức tử, tử hình Dục Đức, Hiệp Hòa. Nguyên tắc vẫn là đặt quyền lợi nhân dân, đất nước (nhất thống) trên tình máu mủ ruột rà (cốt nhục).

 

Tất nhiên mỗi việc mỗi khác: Đất nước khác với nhà ở, ruộng vườn riêng; chuyện “củi đậu nấu đậu”, “nồi da xáo thịt” khác với “lục súc tranh công”.

 

Trong truyện thơ – tuồng “Lục súc tranh công” không có bi kịch máu đổ thịt rơi, bức tử, tử hình theo kiểu cốt nhục tương tàn, mà chỉ sáu loài gia súc, gia cầm (trâu, gà, lợn, dê, chó, ngựa) tranh công, kể công với gia chủ, rồi gia chủ cũng dàn hòa, khuyên cả lục súc đều nên ra sức làm việc, chan hòa với nhau (tạm xem: “Từ điển văn học”, bộ mới, Nxb. Thế Giới, 2004, tr. 885).

 

Từ lối ví von có tính chất tự trào của tôi là “lục súc tranh công”, Nguyễn Hoàn dẫn đến bi kịch thê thảm “củi đậu nấu đậu” giữa anh em nhà thơ Tào Phi, Tào Thực là quá đáng.

 

Có lẽ trong thâm ý, Nguyễn Hoàn muốn đồng nhất Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và các thành viên nhóm chủ chiến với cha con họ Tào, mà theo quan niệm cũ trong “Tam quốc diễn nghĩa”, được viết theo quan điểm bài Ngụy phục Hán, cũng là quan niệm của ngụy triều Đồng Khánh, De Champeaux, Hector, Nguyễn Hữu Độ, là rất xấu xa, tệ hại. Nếu quả thật như vậy, Nguyễn Hoàn rất đáng trách.

 

24-4 HB9 (2009)

Trần Xuân An

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE