Trần Xuân An - Cờ đào quét giặc (kịch bản hoạt hình, hoạt cảnh)

Trần Xuân An

phỏng tác theo sử kí

CỜ ĐÀO QUÉT GIẶC

kịch bản hoạt hình

(cũng có thể dựng hoạt cảnh sân khấu)

Thời lượng: tuỳ nghi

19 – 23-7 HB12 (2012)

 

 

Lời thưa trước: Nghiên cứu lịch sử, viết văn, làm thơ về đề tài lịch sử hay giảng dạy lịch sử, có nhiều khi cũng bị mắc oan, mang họa do người đọc, người nghe có sự liên tưởng lệch lạc, cho rằng nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà giáo “ám chỉ”, “mượn chuyện xưa để nói chuyện nay”. Nhưng không thể không nghiên cứu, viết văn chương về một đề tài nào đó, cũng không thể không giảng dạy một chương, một tiết hay một học phần nào đó. Vì thế, để thoát khỏi họa, tránh được oan, người trong giới, trong ngành đề nghị phải làm thêm một thao tác, gọi là “liên hệ”, nghĩa là thiết lập mối liên hệ giữa nội dung bài nghiên cứu, nội dung bài văn, bài thơ hay nội dung chương, tiết giảng dạy với tình hình thời sự chính trị: viết thêm vài dòng, nói thêm vài câu, nhằm khẳng định quan điểm, lập trường; cụ thể hơn, là khẳng định “tôi không ‘ám chỉ’, không ‘mượn chuyện xưa để nói chuyện nay’

 

 

Trần Xuân An

phỏng tác theo sử kí

CỜ ĐÀO QUÉT GIẶC

kịch bản hoạt hình

(cũng có thể dựng hoạt cảnh sân khấu)

Thời lượng: tuỳ nghi

 

 

NHÂN VẬT:

- Bắc bình vương Nguyễn Huệ (hoàng đế Quang Trung), các thuộc tướng, Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Thiếp...

- Quân Tây Sơn...

- Lê Chiêu Thống, tướng nhà Thanh Tôn Sĩ Nghị...

- Quân giặc Thanh...

BỐI CẢNH:

Phú Xuân (Huế) – Nghệ An – Thanh Hoa (Thanh Hoá) – Thăng Long (Hà Nội), trong quãng thời gian từ cuối tháng mười một năm Mậu Thân (1788) đến đầu tháng giêng năm Kỉ Dậu (1789)

 

1) THÀNH PHÚ XUÂN – NỘI CẢNH – BAN NGÀY

(Nguyễn Huệ đang ngồi nghe tâu báo, nét mặt nghiêm trang, vẫn giữ được vẻ bình tĩnh. Đô đốc Tuyết – Nguyễn Văn Tuyết, quần áo còn lấm bùn đường xa, sau khi thi lễ, được phép đứng bẩm báo).

 

Đô đốc Tuyết:

 

Tâu chúa công, lũ thần tướng lẽ ra phải tự trói tay kéo về đây để xin chịu tội, vì không cản được bước tiến của giặc Thanh ngay tại biên ải phía Bắc. Ở Lạng Sơn, tên Phan Khải Đức vốn trấn thủ nơi đó đã đầu hàng giặc Thanh. Trước tình thế ấy, mặc dù tướng công Ngô Văn Sở đã cố chẹn giữ ở bến đò sông Xương (sông Thương), lại sai Phan Văn Lân đem hơn vạn quân tinh nhuệ đóng ở Thăng Long lên Thị Cầu chặn giặc, nhưng giặc Thanh vẫn hung hãn vượt qua. Tướng giặc Tôn Sĩ Nghị lại đánh úp đồn Thị Cầu! Phan Văn Lân cũng đã dẫn quân vượt sông Nguyệt Đức (Cà Lồ), nửa đêm vây trại của tướng giặc Tôn Sĩ Nghị. Nhưng thế giặc còn hăng mạnh, ta không thắng được. Phan Văn Lân đành dẫn số quân binh còn lại quay về Thăng Long...  Tuy vậy... (Ngập ngừng). Tuy vậy, tình thế đã đến mức tướng công Ngô Văn Sở và Lại bộ tả thị lang Ngô Thời Nhậm đành bàn với nhau là phải rút quân ra khỏi thành Thăng Long, tạm vào Thanh Hoa (Thanh Hoá). Hiện nay, quân bộ đã rút vào Tam Điệp (đèo Ba Dội) làm tuyến phòng thủ, quân thuỷ đã rút vào đóng chặn ở hải phận Biện Sơn... (Cúi đầu, hổ thẹn). Bẩm, các tướng đã cử thần phi ngựa về Phú Xuân để xin chúa công ứng cứu.

 

Bắc bình vương Nguyễn Huệ:

 

Vậy là tướng giặc Tàu Tôn Sĩ Nghị, vốn là tổng đốc Lưỡng Quảng, và quan binh của hắn đã vào thành Thăng Long cùng với Lê tự tôn Duy Kỳ, có phải không? Tự tôn nhà Lê Đàng Ngoài được ta tôn lập, đến nay cũng đã được vua giặc Thanh phong vương, phải không? Tội của các ngươi là tội chết, nếu chiếu theo quân pháp. Nhưng hẵng để đó. Ta còn cho các ngươi có cơ hội để lập công chuộc tội. Sinh mệnh của các ngươi tuỳ thuộc vào chính sự nỗ lực cuối cùng này của các ngươi. Còn thằng tướng giặc Tàu Tôn Sĩ Nghị, hãy chờ đó! Hắn viết hịch truyền đi khắp cả các thừa tuyên ngoài Bắc Hà, ta đã biết! Thanh thế binh tướng hắn ghê gớm lắm à? (Nguyễn Huệ cười to, vỗ gươm, đứng dậy). Thế là cuộc tiến quân ra Bắc lần này không thể chần chờ được nữa!

 

Một vị tướng:

 

Tâu chúa công, đúng là việc cần kíp lắm rồi. Nhưng, xin chúa công hãy vì giang sơn Tổ Quốc hai Đàng, nhọc lòng chính vị hiệu để thống nhất lòng người trước đã. Về phía Đàng Trong, lòng người vẫn đang phân tán giữa Tây Sơn vương – anh ruột của chúa công, với chúa công – Bắc bình vương... Về phía Đàng Ngoài, lòng người cũng phân vân chưa biết định về đâu...

 

Bắc bình vương Nguyễn Huệ:

 

Việc chính vị hiệu đó từ hồi tháng năm năm Mậu Thân (1788) này, ta đã nghĩ đến, khi còn ở Bắc Hà. Nhưng một ít bọn bầy tôi nhà Lê vẫn còn luyến vua cũ, nên ta biết là chưa thể nhất thống lòng người được. Bây giờ, tình thế đã như thế này, giặc Tàu đang chễm chệ ở Thăng Long... Ta đành phải quyết định. Ta không thể không nhất quyết, mặc dù Lê Ngọc Hân, người ái thiếp của ta, sẽ đau lòng... Còn ta, ta không đau lòng sao?... Đối với Tây Sơn vương, tình anh em máu mủ là trọng, nhưng không phương hàn gắn, mà chỉ có thể chia cắt như lâu nay, thì nay đành phải đặt giang sơn Tổ Quốc và lòng dân vào một mối, ta không còn chọn lựa nào khác. Ta cũng đành phải quyết định. Đúng vậy, phải nhất quyết. (Nhìn lên trời cao ngoài khung cửa. Im lặng. Không khí bỗng trầm lắng, nghiêm trọng lạ thường. Một lúc khá lâu). Ồ, nhưng các ngươi hãy bình thân. Mặc dù tình thế đã khẩn cấp lắm rồi, nhưng mọi sự cũng đang như cũ. Hãy bình thân... (Cười lớn, bỗng nghiêm giọng). Sợ thanh thế hùng hùng hổ hổ của giặc Tàu a? “Việc gì mà cuống quýt lên vậy? Chúng nó chỉ tự đến để đi tới chỗ chết thôi”... Đúng! “Ta hãy lên ngôi, làm cho danh nghĩa được quang minh chính đại để giằng buộc lấy lòng người trong Nam và ngoài Bắc trước đã, rồi sẽ ra bắt sống chúng nó cũng chưa muộn nào” (1).

 

Toàn sảnh đường:

 

Tổ Quốc giang sơn nhất thống là trên hết! Nhất thống lòng nhân dân cả nước là trên hết! Vạn tuế! Vạn tuế!

 

2) QUANG CẢNH BUỔI LỄ LÊN NGÔI TẠI NÚI BÂN (AN CỰU, HUẾ) + CẢNH LỄ XUẤT QUÂN NGAY SAU ĐÓ + ĐƯỜNG HÀNH QUÂN TỪ PHÚ XUÂN RA NGHỆ AN – NGOẠI CẢNH – BAN NGÀY + BAN ĐÊM

(Bắc bình vương Nguyễn Huệ cùng các tướng và các đoàn quân đều chỉnh tề trong trang phục ra trận. Đó thực chính là quang cảnh buổi lễ xuất quân đánh giặc, mà lễ lên ngôi chỉ là để chính vị hiệu.

Hai cuộc lễ diễn ra, vào đúng ngày 25-11 năm Mậu Thân (22-12-1788).

Tiếp đến, cuộc hành quân thần tốc ra Nghệ An. Cứ hai quân sĩ gánh võng một quân sĩ thứ ba; quân sĩ thứ ba được nằm nghỉ chân và ngủ; rồi luân phiên nhau như thế. Lương thực là bánh tráng khô nhúng nước cùng với các thực phẩm khô khác... Đó là cuộc hành quân không ngừng bước, nhưng không ai đói và mệt mỏi hay thiếu ngủ.

Tiếng tuyên đọc chiếu lên ngôi vang vọng suốt trường đoạn).

 

Bắc bình vương Nguyễn Huệ (hoàng đế Quang Trung):

(Trên nền nhạc trống, trầm hùng nhưng không để vang động, lan xa khỏi vùng núi Bân, nhằm giữ bí mật)

 

“... Trước đây, nhà Lê mất quyền, họ Trịnh và họ Nguyễn cũ chia nhau cương vực. Hơn hai trăm năm, kỉ cương rối loạn, ngôi vua chỉ là hư vị, mỗi họ tự ý gây dựng cơ đồ riêng, giềng mối của trời đất một phen đổ nát không dựng lên được. Chưa có thời nào hư hỏng quá như thời này. Vả lại, mấy năm gần đây, Nam - Bắc đánh nhau, dân sa vào chốn lầm than.

 

Trẫm là kẻ áo vải đất Tây Sơn không có một thước đất, vốn không có chí làm vua. Chỉ vì lòng người chán ghét loạn lạc mong có được một vị minh chúa để cứu đời yên dân. Vì vậy, trẫm tập hợp nghĩa binh, xông pha chông gai, mở mang núi rừng, giúp đỡ Hoàng đại huynh rong ruổi việc nhung mã, gây dựng nước ở cõi Tây, dẹp yên Xiêm La, Cao Miên ở phía Nam rồi hạ thành Phú Xuân, lấy thành Thăng Long. Ý chỉ muốn quét trừ loạn lạc, cứu dân trong vòng nước lửa, rồi trả nước cho họ Lê, trả đất cho đại huynh, ung dung áo thêu, hài đỏ, ngắm cảnh yên vui ở hai cõi mà thôi. Nhưng việc đời dời đổi, trẫm không được như chí xưa đã định. Trẫm dựng lại họ Lê, nhưng Lê tự quân không giữ được xã tắc, bỏ nước bôn vong. Sĩ dân Bắc Hà không theo về họ Lê, lại dựa vào trẫm. Đại huynh thì mỏi mệt, chỉ muốn giữ một phủ Quy Nhơn, nhún mình xưng là Tây vương. Mấy ngàn dặm đất ở cõi Nam thuộc hết về trẫm. Trẫm tự nghĩ mình lượng bạc, tài đức không theo kịp người xưa, mà đất đai rộng lớn như thế, nhân dân đông như thế, nghĩ đến việc thống nhiếp, lo sợ như cầm dây mục mà giong sáu ngựa.

 

Vừa đây, tướng sĩ văn võ, thần liêu trong ngoài đều muốn trẫm sớm định vị hiệu, để thắt chặt lòng người, đã dâng biểu khuyên mời đến hai ba lần. Các biểu vàng suy tôn, không bàn tính với nhau, mà cùng một lời. Nghiệp đế rất trọng, ngôi trời khó khăn, trẫm thực lòng lo không kham nổi. Nhưng ức triệu người trong bốn bể đều hướng vào một mình trẫm. Đó là ý của trời, đâu phải là việc của người? Trẫm ứng mệnh trời, thuận lòng người, không thể cố chấp nhún nhường mãi, lấy ngày 22 tháng 11 năm nay lên ngôi thiên tử, đặt niên hiệu là Quang Trung năm đầu.

 

Hỡi muôn dân trăm họ, lời nói của ngôi hoàng cực là giáo huấn phải thi hành. Nhân, nghĩa, trung, chính, là đầu mối lớn của đạo làm người. Nay, trẫm cùng dân đổi mới, theo mưu sáng của vua thánh đời trước để trị và dạy thiên hạ...” (2).

 

Quan tướng và quân sĩ:

 

Vạn tuế! Hoàng thượng Quang Trung muôn năm! Nhất thống giang sơn Tổ Quốc hai Đàng là điều tối thượng! Nhất thống lòng sĩ dân cả nước là điều tối thượng!

 

Tiếng hát của dàn đồng ca (Những cánh chim trời bay lượn):

(Có thể bằng một giọng nam, một giọng nữ. Thay phiên nhau, mỗi người đọc một dòng. Đọc chậm, diễn cảm. Có “echo” và nền nhạc dân tộc).

 

Các chúa Nguyễn tuy có công mở cõi phía Nam,

                                                đất nước vẫn phân tranh

Tây Sơn hạ đạo, Tây Sơn thượng đạo,

                                                toàn cõi Tây [nguyên]

Đó là đất dựng nghiệp của anh em

                       Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ

Lấy đất của người giàu san sẻ cho người nghèo

Nhưng chính thực là để thống nhất non sông

                                                Tổ Quốc hai Đàng

Xoá tan một dòng vua bù nhìn và hai chúa lăm le

                                                gây núi xương sông máu!

Vì sứ mệnh đó

Nên mới có giặc Xiêm phía Nam

Nhưng đã đánh thắng

Vì sứ mệnh đó

Nên tình máu mủ cốt nhục chia lìa

Nhưng cũng phải vượt qua

Vì sứ mệnh đó

Nên mới có giặc Tàu nhà Thanh phía Bắc

Nhưng sẽ phải đánh thắng

Vì sứ mệnh đó

Nên phía Ngọc Hân, vấp tình huyết thống riêng

Nhưng cũng nhẹ hẫng cán cân

Quyết không để vợ trẻ con thơ bìu ríu

Hoàng đế Quang Trung!

Người nhận sứ mệnh từ yêu cầu lịch sử!

Hoàng đế Quang Trung!

Vạn tuế!

Chung quy sứ mệnh của Ngài

                      là thống nhất hai Đàng non sông Tổ Quốc!

Tôn vinh văn hoá Việt!

Sự nghiệp đã gần trọn vẹn rồi

Chỉ còn giặc Tàu nhà Thanh phía Bắc...

 

3) TRÊN ĐẤT NGHỆ AN – NGOẠI CẢNH – ĐÊM VÀ NGÀY

(Cảnh gặp cống sĩ Nguyễn Thiếp. Cảnh tuyển quân ở Nghệ An. Kế tiếp, cảnh hành quân thần tốc ra Thanh Hoá).

 

Hoàng đế Quang Trung:

(Trên nền nhạc trống, trầm hùng nhưng không để vang động, nhằm giữ bí mật)

 

“Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, Phương Nam [nước Nam ta], Phương Bắc [nước Tàu] chia nhau mà cai trị. Người Phương Bắc không phải nòi giống ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hai nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ; các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về Phương Bắc. Ở các thời ấy, Bắc [quốc], Nam [quốc] riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Đinh tới đây, dân ta không đến nổi khổ như hồi nội thuộc xưa kia. Mọi việc lợi, hại, được, mất ấy, đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng. Các ngươi đều là những kẻ có lương tri lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn. Chớ có quen theo thói cũ, ăn ở hai lòng; nếu như việc phát giác ra, sẽ bị giết chết ngay tức khắc, không tha một ai; chớ bảo là ta không nói trước!” (3).

 

Quân lính (đồng thanh):

 

“Xin vâng lệnh, không dám hai lòng” (3).

 

 

 

 

 

                      

Hình 1  |   Hình 2 

 

(H.1: Trần Xuân An, chụp tại Gò Đống Đa, Hà Nội, 1997 --- Nhiếp ảnh: Nguyễn Văn Tuấn [Thái Hà, Hà Nội]) ; H.2: Bia di tích "An Khê trường", Gia Lai, 4 HB12 [2012] --- Nhiếp ảnh: TXA.)

 

4) TRÊN ĐẤT THANH HOÁ – NGOẠI CẢNH VÀ NỘI CẢNH – ĐÊM VÀ NGÀY

(Cảnh tuyển quân ở Thanh Hoá, từ ngày 20 tháng chạp năm Mậu Thân (15-01-1789). Cảnh Quang Trung cùng đô đốc Tuyết gặp lại các tướng: Đại tư mã Ngô Văn Sở, đô đốc Long [Đặng Tiến Đông?], đô đốc Bảo, đô đốc Lân [Phan Văn Lân]... Kế tiếp, cảnh khao quân, vào trước ngày 30 tháng chạp năm Mậu Thân [dương lịch đã bước sang năm 1789]. Tất cả đều diễn ra trong không khí khẩn trương và im lặng, sau lời ngắn gọn của vua Quang Trung).

 

Hoàng đế Quang Trung:

 

“... Bắc Hà mới yên, lòng người chưa phục, Thăng Long lại là nơi bị đánh cả bốn mặt không có sông núi để nương tựa. Năm trước, ta ra đánh đất ấy, chúa Trịnh quả nhiên không thể chống nổi, đó là chứng cớ rõ ràng. Các ngươi đóng quân trơ trọi ở đấy, quân Thanh kéo sang, người trong Kinh kì làm nội ứng cho chúng, thì các ngươi làm sao mà cử động được? Các ngươi đã biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của chúng, chia ra chặn giữ các nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng quân, bên ngoài thì làm cho giặc kiêu căng, kế ấy là rất đúng...” (4). Nay, thiết tưởng cũngnên làm một bức thư trá hàng, lời lẽ thật nhũn nhặn (5), để giặc Tàu càng kiêu căng khinh lờn hơn, và thậm chí giả giáp trận nho nhỏ rồi giả thua, để chúng càng kiêu căng khinh lờn hơn nữa. Nếu giặc chưa dám mò vào nước ta, ta càng thị uy, giương nanh hổ, múa vuốt rồng cho chúng sợ. Nhưng khi giặc đã vào đất ta chiếm đóng, thì giả hàng, giả thua để lập mưu thắng giặc, lại là kế hay. Đến nay, giặc Tàu, cầm đầu là tên tướng Tôn Sĩ Nghị, vốn là tên tổng đốc Lưỡng Quảng, xem ra đã trúng kế giản đơn ấy rồi đó.

 

“Ta với các ngươi hãy tạm sửa lễ cúng tết trước đã. Đến tối 30 lập tức lên đường, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Các ngươi nhớ lấy, đừng cho ta là nói khoác” (4).

 

5) TRÊN ĐẤT BẮC HÀ – NGOẠI CẢNH – NGÀY VÀ ĐÊM

(Dân chúng đang cúng Tết Nguyên đán trong dáng vẻ khổ đau, buồn bã vì giặc Tàu đang chiếm đóng; vua quan nhà Lê đã và đang tiếp tục bóc lột nhân dân để tiếp tế cho lũ giặc Tàu thưởng Tết, vui xuân.

Những cánh quân Tây Sơn đang lặng lẽ hành quân trong sự im lặng tuyệt đối và cũng với cách hành quân thần tốc).

 

6) NGOẠI THÀNH THĂNG LONG – NGOẠI CẢNH – NGÀY

(Trận tấn công đồn giặc Thanh tại Hà Hồi, Ngọc Hồi và Loa Sơn [Đống Đa].

Trận chiến diễn ra trong tiếng trống trận thúc quân, tiếng đạn nổ, khói thuốc súng mù mịt, tiếng voi gầm, ngựa hí, tiếng gươm dáo va chạm toé lửa và trong tiếng đọc hịch, đọc sử trầm hùng).

 

Tiếng Hịch:

 

“... Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để đen răng

Đánh cho nó chích luân bất phản

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ...” (6).

 

Tiếng đọc sử:

 

[Phỏng theo “Cương mục” (7):] Tôn Sĩ Nghị từ khi qua cửa ải, đến đâu được đấy, có ý khinh lờn thực lực của quân Tây Sơn. Lấy được Thăng Long rồi, Tôn Sĩ Nghị tự cho rằng thế là xong việc. Những cựu thần, thần dân Đàng Ngoài còn luyến nhà Lê ở các trấn đều đua nhau đến cửa quân xin Tôn Sĩ Nghị tiến binh, nhưng đều bị y bỏ qua, không được hỏi đến. Kịp đến khi được thủ chiếu của vua Càn Long (nhà Thanh bên Tàu) ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị phải khôi phục hết đất đai cho nhà Lê (nước Đại Việt), đặt được ách đô hộ (8), mới được rút quân về, Tôn Sĩ Nghị bấy giờ mới tính đến mưu kế tiến hành.

 

Đến lúc này, quân Tây Sơn do hoàng đế Quang Trung đã kéo đến đèo Ba Dội (Tam Điệp sơn). Lê Chiêu Thống được tin, lấy làm lo sợ, hỏi Tôn Sĩ Nghị về mưu kế. Tôn Sĩ Nghị nói: “Ta cứ lấy thế thong thả để chờ đợi ứng phó với kẻ đang nhọc mệt, cần chi phải hấp tấp đánh vội”. Thế rồi Tôn Sĩ Nghị dương dương tự đắc, không để ý đến nữa.

 

Quân Tây Sơn ruổi dài ra Bắc, không có lấy một người hay một quân kị nào chống lại cả. Khi quân Tây Sơn đã đến Sơn Nam, Tôn Sĩ Nghị sai đề đốc Hứa Thế Hanh đem quân tứ dực đi trước, chia đóng ở Hà Hồi và Ngọc Hồi để chống cự lại.

 

[Vẫn phỏng theo “Cương mục” (7):] Ngày mùng 4, tháng giêng năm Kỉ Dậu (1789) ấy, quân lưu động của hoàng đế Quang Trung đến trước, hễ đánh trận nào thì giả thua luôn trận ấy, như kế đã bàn với các tướng lúc còn ở Tam Điệp. Tôn Sĩ Nghĩ được thể, lại rất coi khinh quân Tây Sơn.

 

[Vẫn phỏng theo “Cương mục” (7):] Vào hồi trống canh năm sớm hôm sau, tức mùng 5 Tết Kỉ Dậu (30-01-1789), hoàng đế Quang Trung xắn tay áo đứng dậy, đốc thúc bản bộ kéo quân rầm rộ tiến lên. Chính Quang Trung tự mình đốc chiến, cho hơn trăm con voi khoẻ đi trước. Tờ mờ sáng, quân Thanh lùa toán quân kị tinh nhuệ ồ ạt tiến. Chợt thấy bầy voi, ngựa quân Thanh đều sợ hãi, hí lên, tế chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau. Quân Tây Sơn lại thúc voi xông đến. Quân Thanh, trong cơn gấp rút, không cứu nhau được, ai nấy rút vào trong luỹ để cố thủ. Bốn mặt đồn luỹ quân Thanh đều có cắm chông sắt, súng đạn và cung tên bắn ra như mưa. Quân Tây Sơn dùng rơm bọc những tấm ván lớn được ghép lại để che đỡ, lăn xả vào, rồi quân tinh nhuệ tiến theo sau. Kẻ trước ngã, người sau nối, thảy đều trổ sức liều chết mà chiến đấu, theo sự đốc chiến trực tiếp của hoàng đế Quang Trung. Chính tinh thần dũng cảm, can trường, vừa chỉ huy vừa chiến đấu của hoàng đế Quang Trung ngay trong trận mạc đã động viên quân tướng Tây Sơn một cách mạnh mẽ và có hiệu quả. Các luỹ quân Thanh đồng thời tan vỡ và quân Thanh đều xéo lên nhau chạy trốn. Quân Tây Sơn đuổi đến đồng Nam Đồng, thừa thắng, ập lại giết chết. Quân Thanh bị chết và bị thương quá nửa. Bọn tướng giặc Thanh như đề đốc Hứa Thế Hanh, tiên phong Trương Sĩ Long và tả dực Thượng Duy Thắng đều chết tại trận. Riêng Sầm Nghi Đống đóng đồn ở Loa Sơn (tục gọi là gò Đống Đa), bị cánh quân của đô đốc Long (Đặng Tiến Đông?) thuộc nhà Tây Sơn tấn công. Quân cứu viện không có, nên Sầm Nghi Đống phải tự thắt cổ chết. Toán thân binh của hắn cũng tự ải chết theo đến vài trăm tên.

 

[Sách “Cương mục” còn đại để cho biết (7):] Bấy giờ, Tôn Sĩ Nghị đang ở nơi màn tướng (trại trung quân Tây Long), hội bàn với Lê Chiêu Thống, thình lình được tin quân Tây Sơn do chính hoàng đế Quang Trung đốc chiến, cùng các cánh quân khác do các đô đốc Tây Sơn chỉ huy, đã tiến đến gần sát Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị không biết xoay xở ra sao, bèn bỏ đồn luỹ, cuốn cờ, vượt qua sông, chạy. Lê Chiêu Thống cũng cưỡi ngựa cùng chạy với tướng giặc Tàu Tôn Sĩ Nghị, lên phía Bắc, thoát được. Cầu phao do quân Thanh tạo nên, giăng ngang sông Hồng, bị đứt gãy, quân Thanh vì thế bị chết đuối vô kể.

 

Hoàng đế Quang Trung cùng với binh tướng nhà Tây Sơn đã quét sạch quân Thanh cùng bầu đoàn Lê Chiêu Thống ra khỏi đất nước.

 

Quan tướng và quân sĩ (hò reo tở mở):

 

Vạn tuế! Hoàng thượng Quang Trung muôn năm! Nhất thống giang sơn Tổ Quốc hai Đàng là điều tối thượng! Nhất thống lòng sĩ dân cả nước là điều tối thượng!

 

Tiếng hát của dàn đồng ca (Những cánh chim trời bay lượn):

(Có thể bằng một giọng nam, một giọng nữ. Thay phiên nhau, mỗi người đọc một dòng. Đọc chậm, diễn cảm. Có “echo” và nền nhạc dân tộc).

 

Nợ nước luôn luôn cao hơn tình nhà

Tình anh em có thể chia lìa

Tình huyết thống của người ái thiếp có thể xót đau

Nhưng Tổ quốc

Và lòng dân nhất thống

Là trên hết!

Hoàng đế Quang Trung

Thuở bấy giờ

Chính là Hiến Pháp

Hiến Pháp nhân dân

Hai trăm năm sau

Chính là Ý Chí Nhân Dân

Khi Đất Nước do dân làm chủ

Sức mạnh nhân lên muôn triệu ngàn lần...

 

 

 

Hình 3   |   Hình 4

 

(Trần Xuân An, chụp ở di tích "Tây Sơn thượng đạo", An Khê, Gia Lai, 4 HB12 [2012] --- Nhiếp ảnh: Chu Quang Mạnh Thắng [h.3] và Hoàng Bá Tòng [h.4])

 

Tiếng ngâm thơ (cũng từ hậu trường):

 

NHỮNG ĐÓA BÔNG DẤU HỎI

 

lịch sử móc vào sườn núi cao bao chùm dấu hỏi

và cắm neo xuống biển sâu những dấu hỏi đâu lưng

câu trả lời hôm nay, cho hôm nay

         (khác thuở xưa, thế giới còn mịt mùng!)

nhưng xuyên suốt sợi hồng bốn ngàn năm, không rối

 

lòng theo sợi hồng kia, có gì mông lung!

giữ biển đảo, núi sông – biên giới

không chỉ khai thác, mà giành lại

         (hòa bình nhưng hào hùng?)

câu trả lời trong vầng trán Việt Nam, chói lọi

 

không một ai Lê Chiêu Thống. Cờ đỏ sáng bừng

sáng bừng Huế, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…

cùng hướng ra Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông

         (máu xương Tổ quốc giữa muôn trùng.

                                             Đảo gầm biển dội)

lẫm liệt vượt xa thời đại Quang Trung

 

những chùm dấu hỏi đâu lưng – bao đóa bông,

                                                               hương lừng –

chung đài, cùng cội. Nối kết nhau – sợi hồng

                                                            – một tiếng nói

vững chãi trên sườn núi khai thác và chiến công

          (đỉnh cao vòi vọi)

khai thác và chiến công, đáy biển, neo chặt vào!

                                                Vạn đóa, sáng trưng!

 

TP.HCM., 15:10, 19-7 HB12 (2012)

& 23-7 HB12

TXA.

_____________________________

 

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” (Cương mục), bản dịch, Viện Sử học và Nxb. Giáo Dục tái bản, tập 2, 1999, tr. 847.

(2) Chiếu lên ngôi của vua Quang Trung, trong “Thơ văn Ngô Thời Nhậm”, do GS.TS. Mai Quốc Liên dịch từ bản chữ Hán trong sách “Hàn các anh hoa”, GS. Phan Huy Lê nhuận sắc. Dẫn theo Vũ Ngọc Liễn (chép lại từ nguồn trên) trong “Quang Trung - Nguyễn Huệ, những di sản và bài học”, Tạp chí Xưa và Nay – Nxb. Văn hoá Sài Gòn, 2006, tr. 143-145.

(3) Ngô gia văn phái, “Hoàng Lê nhất thống chí”, bản dịch & chú thích: Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch, giới thiệu: Trần Nghĩa, Nxb. Văn học, 2001, tr. 373-374.

(4) Ngô gia văn phái, “Hoàng Lê nhất thống chí”, sđd., tr. 374-375.

(5) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Cương mục”, sđd., tr. 845.

(6) Hịch của vua Quang Trung, dẫn theo nhiều sách sử.

(7) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Cương mục”, sđd., tr. 846-848.

(8) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Cương mục”, sđd., tr. 837: Ý đồ xâm lược của Tôn Sĩ Nghị và vua Càn Long nhà Thanh: “... vừa làm cho nhà Lê được tồn tại, vừa chiếm lấy được An Nam: thật là làm một chuyến mà được hai lợi”. 

 

____________________________________

 

Xem thêm:

CÁC BÀI MỚI VIẾT 3  (từ 28-1 HB12 [2012] ...)  Mới nhất!

 

 

 

 

TÁC GIẢ BÀI VIẾT 

CŨNG LÀ NGƯỜI THỰC HIỆN ĐIỂM MẠNG [WEBSITE] NÀY

GIỮ BẢN QUYỀN 

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE