Thông tin: Dự án đặt tên đường phố: Nguyễn Văn Tường (1824-1886)

DỰ ÁN ĐẶT TÊN ĐƯỜNG PHỐ: NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824-1886)

Theo Nghị quyết “Về việc đặt tên, đổi tên và điều chỉnh tên đường thuộc thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị”, số 05/2012/NQ.-HĐND. của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, khóa VI, tại kì họp lần thứ 4, do Chủ tịch Lê Hữu Phúc kí, ban hành ngày 13 tháng 4 năm 2012, nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886), “nguyên quán Triệu Phong, Quảng Trị, quan đại thần triều Nguyễn, người cầm đầu phe chủ chiến chống Pháp của triều đình Huế”(1) cùng với 46 họ tên danh nhân khác đã được nhất trí đưa vào Quỹ tên đường phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Qua điện thoại, một vài thân hữu ở Huế (tác giả Trương Thắng, nhà thơ Ngàn Thương) cho biết, cách đây gần một tháng, Đài Phát thanh – Truyền hình Huế đã đưa tin: Danh tính nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886) cũng đã được Hội đồng đặt tên đường phố Thừa Thiên – Huế đưa vào Quỹ tên đường phố. Thông tin này đã được PGS.TS. Đỗ Bang xác nhận lại qua bài viết trên tạp chí Xưa và Nay, cơ quan của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, vừa mới phát hành (2).

Tuy mới là sơ khởi của các việc cụ thể, như xã hội đã thực hiện đối với các danh nhân khác, dự án đặt tên đường phố bằng danh tính của Nguyễn Văn Tường là một sự đánh dấu kết quả bằng hình thức cụ thể, trong quá trình phục hồi thanh danh, trả lại sự công bằng cho nhân vật lịch sử này.

Việc phục hồi thanh danh nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trong lịch sử dân tộc là thành quả chung của nhiều nhà nghiên cứu đã có tham luận tại các hội nghị, hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (tại ĐHSP. TP.HCM. – 20-6-1996; tại Đại học Huế – 02-7-2002; tại Hội Khoa học lịch sử Việt Nam ở Hà Nội – 01-11-2003 (3)), sự đóng góp công sức sưu tầm tài liệu của các hậu duệ ở hải ngoại, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế, và sự đăng tải của Tạp chí Xưa & Nay, Tạp chí Huế Xưa và Nay, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử…, cùng với sự quan tâm về mọi mặt của Ủy ban nhân dân hai tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, sự ưu ái của UBND. xã Triệu Phước, của quý nhân sĩ khắp nơi và tại địa phương… 

Cùng các bài nghiên cứu của các nhà nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường trên các tạp chí, còn có sách về đề tài này. Đến nay, đã có năm đầu sách chuyên đề về Nguyễn Văn Tường đã được chính thức xuất bản (4), góp phần vào việc làm sáng tỏ những vướng mắc sử học về Nguyễn Văn Tường, trả lại sự công bằng khoa học trong lịch sử.

T.X.A.

TP.HCM., 01-6 HB13 (2013)

__________________

(1) Xem nguyên văn Nghị quyết ở cuối trang này, ở phụ lục II.

(2) PGS.TS. Đỗ Bang, “Nguyễn Văn Tường vào trang sử mới”, Tạp chí Xưa & Nay, số 428, tháng 5-2013, tr. 15 & 17.

(3) Gồm có:

3a) Kỉ yếu: 28 bài khảo luận sử học (29 tác giả), trong đó có nhiều bài viết bàn về Nguyễn Văn Tường: Gs. Nguyễn Văn Kiệm, Nnc. Trần Viết Ngạc, Nnc.  Trần Thị Thanh Thanh, Nnc. Trần Đại Vinh, Nnc. Vũ Đức Sao Biển, Nnc. Trần Thị Kim Hoa, Nnc. Tôn Thất Hào, Gs. Đoàn Quang Hưng, Nnc. Nguyễn Hữu Thông & Nnc. Nguyễn Quang Trung Tiến, Ts. Võ Xuân Đàn, Gs. Vũ Ngọc Khánh, Ts. Nguyễn Thị Đảm, Nnc. Đặng Thị Tịnh… cùng với tư liệu: bản dịch chưa trọn vẹn tập thơ của Nguyễn Văn Tường (do Trần Viết Ngạc sưu tầm) của hai dịch giả Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển (ĐHSP. TP.HCM. ấn hành).

3b) Tập các báo cáo khoa học (15 bài khảo luận của 13 tác giả), với chuyên đề về Nguyễn Văn Tường: PGs. Ts. Đỗ Bang, Nnc. Trần Viết Ngạc, Nt. Trần Xuân An, Nnc. Trần Huy Thanh, Nnc. Phan Thuận An, Nnc. Phạm Hồng Việt, Nnc. Huỳnh Kim Thành, Ts. Nguyễn Thị Đảm, Nnc. Trần Thiều, Nnc. Nguyễn Quang Trung Tiến, Nnc. Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Nnc. Hồ Vĩnh, Nnc. Lê Tiến Công (Trung tâm Khoa học xã hội & nhân văn Huế – Viện Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế chủ trì hội thảo và ấn hành, 02-7-2002). Kỉ yếu Hội thảo khoa học tại Huế, 2002, đã được xuất bản thành sách: Nhiều tác giả, PGS.TS. Đỗ Bang chủ biên, “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), cuộc đời và lời giải”, Nxb. VH.-TT., 2007.

3c) Thông tin: Hội nghị thẩm định tư liệu do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, 01. 11. 2003. Theo thông báo trên tạp chí Xưa & Nay, sô 151 (199), tháng 11-2003, đồng thời trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6 (331) tháng 11 & tháng 12-2003: Những công trình nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật tư liệu vẫn được tiếp tục, mặc dù Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã khẳng định lại sự khẳng định từ cuối thế kỉ XIX đến nay của giới sử học trong và ngoài nước: Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) là nhà yêu nước, chủ chiến. Trong các đề mục hội nghị ấy, có việc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng đã thẩm định và đã đi đến khẳng quyết về tính chân xác của các sử liệu do Nguyễn Thị Ngọc Oanh và Trần Nguyễn Từ Vân sưu tầm, được công bố trong hội thảo ngày 02-07-2002 tại Huế. Xin xem: Trần Viết Ngạc, “Những tư liệu mới về Nguyễn Văn Tường”, bài viết giới thiệu, phân tích, bổ sung tư liệu sưu tầm, dịch thuật của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, hậu duệ của cụ Nguyễn Văn Tường, và con gái bà là Trần Nguyễn Từ Vân, bns. Xưa & Nay, số 126 (174) tháng 10-2002, tr. 18 – 20. 

(4) Trong đó, có sự đóng góp của bản thân Trần Xuân An là bốn đầu sách truyện – kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, nghiên cứu – khảo luận, biên soạn về chuyên đề Nguyễn Văn Tường (đã chính thức xuất bản, Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004 [một đầu sách], Nxb. Thanh Niên, 2006 & 2008 [ba đầu sách]) cùng những bài nghiên cứu khác cũng của Trần Xuân An về ông (đã được công bố, đăng tải). Đầu sách thứ năm: Nhiều tác giả, PGS.TS. Đỗ Bang chủ biên, “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), cuộc đời và lời giải”, Nxb. VH.-TT., 2007.

Có tệp PDF ở phần đính kèm cuối trang này.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

TỈNH QUẢNG TRỊ

--------

Số: 05/2012/NQ-HĐND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 

---------------

Quảng Trị, ngày 13 tháng 4 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN VÀ ĐIỀU CHỈNH TÊN ĐƯỜNG THUỘC THÀNH PHỐ ĐÔNG HÀ, TỈNH QUẢNG TRỊ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ 

KHÓA VI, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2010/NQ-HĐND ngày 20 tháng 4 năm 2010 của HĐND tỉnh Quảng Trị khóa V, kỳ họp thứ 20 về việc Quy định đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị;

Xét đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 750/TTr-UBND ngày 27 tháng 3 năm 2012 kèm theo Đề án “Đặt tên, đổi tên và điều chỉnh tên đường thuộc thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị”; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án “Về đặt tên, đổi tên và điều chỉnh tên đường thuộc thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị”, với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu của đề án

a) Mục tiêu chung

Góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế.

b) Mục tiêu cụ thể

Thông qua việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng các đường đã được xây dựng nhưng chưa có tên để chọn đặt tên cho phù hợp với quy mô, cấp độ, điều kiện, hoàn cảnh của thành phố Đông Hà hiện tại. Đồng thời phát hiện một số tuyến đường đã được đặt tên nhưng chưa đúng hoặc chưa hợp lý để kiến nghị điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp.

2. Đối tượng và phạm vi của đề án

a) Đối tượng

- Những tuyến đường trên địa bàn thành phố Đông Hà đã được xây dựng nhưng chưa được đặt tên;

- Những tuyến đường trên địa bàn thành phố Đông Hà đã được đặt tên trước năm 2002 nhưng chưa chính xác và có nhiều bất hợp lý cần được đổi tên, điều chỉnh tên cho phù hợp.

b) Phạm vi của đề án

- Chỉ đặt tên các đường đã được xây dựng có mặt cắt đường hiện trạng từ 08 m và có chiều dài từ 200 m trở lên (không đặt tên các đường có chiều dài dưới 200 m);

- Chỉ đổi tên, điều chỉnh tên các tuyến đường mà sự thay đổi ít ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và kinh tế xã hội.

3. Nguyên tắc đặt tên, đổi tên và điều chỉnh tên đường phố

- Các đường trên địa bàn thành phố Đông Hà đã được xây dựng theo quy hoạch đô thị, được sử dụng ổn định nhưng chưa có tên thì được xem xét để đặt tên;

- Tên được lựa chọn để đặt tên đường là tên các địa danh, tên các sự kiện lịch sử trọng đại, các danh nhân tiêu biểu quốc gia và địa phương thuộc danh mục dữ liệu tên của Đề án tổng thể Quy định việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được HĐND tỉnh Quảng Trị khóa V, kỳ họp thứ 20 thông qua tại Nghị quyết số 05/2010/NQ-HĐND ngày 20 tháng 4 năm 2010 của HĐND tỉnh;

- Chỉ sử dụng tên những nhân vật lịch sử, những danh nhân đã mất để đặt tên;

- Tên danh nhân, địa danh, di tích lịch sử - văn hóa, sự kiện lịch sử và danh từ có ý nghĩa tiêu biểu được lựa chọn đặt tên đường phải thực sự tiêu biểu, rõ ràng và đã khá quen thuộc với nhân dân trên địa bàn thành phố Đông Hà;

- Tên được chọn để đặt tên đường được căn cứ vào ý nghĩa của địa danh, tầm quan trọng của sự kiện lịch sử và công lao của danh nhân để phù hợp và tương xứng với vị trí, cấp độ, quy mô của đường;

- Chỉ đặt một tên đối với đường dài và thông suốt. Khi đường bị ngắt khúc bởi các giao lộ lớn hoặc vòng xoay thì đoạn kế tiếp có thể được nghiên cứu để đặt tên khác;

- Chỉ đổi tên các tuyến đường đã đặt tên mà xét thấy ý nghĩa của địa danh, tầm quan trọng của sự kiện lịch sử; công lao của danh nhân không phù hợp và tương xứng với vị trí, cấp độ, quy mô của đường, không ảnh hưởng đến đời sống dân sinh trên địa bàn;

- Chỉ điều chỉnh tên các tuyến đường mà những lần Quyết định đặt tên trước đây không chính xác, không có hoặc không đúng tên trên thực tế hoặc có nhiều thay đổi về độ dài so với Quyết định cũ.

4. Danh mục tên đường cần đặt tên, đổi tên và điều chỉnh: Có Phụ lục kèm theo, gồm:

a) Các địa danh đặt tên, đổi tên và điều chỉnh tên đường thành phố Đông Hà: 09 tuyến đường (Phụ lục I).

b) Các danh nhân tiêu biểu để đặt tên mới đường thành phố Đông Hà: 46 tuyến đường (Phụ lục II).

c) Đường đã có tên trên thực tế nhưng không có trong các Quyết định của UBND tỉnh, cần thu hồi biển tên và xây dựng phương án đặt lại tên theo quy định: 05 tuyến đường (Phụ lục III);

d) Đường đã có quyết định đặt tên theo các Quyết định của UBND tỉnh nhưng bất hợp lý cần điều chỉnh: 16 tuyến đường (Phụ lục IV).

5. Cùng với việc đặt tên đường, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng phương án đặt số nhà, gắn biển tên đường để thực hiện công tác quản lý đô thị, hoàn thành trong năm 2012.

Điều 2. Giao UBND tỉnh chỉ đạo, rà soát lại và xác định tên cụ thể cho các tuyến đường trong tổng số tuyến đường do HĐND tỉnh thông qua.

Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND, đại biểu HĐND tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp giám sát và động viên nhân dân thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh khóa VI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 4 năm 2012 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.

 

CHỦ TỊCH

Lê Hữu Phúc

 

PHỤ LỤC I

VỀ CÁC ĐỊA DANH ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN VÀ ĐIỀU CHỈNH TÊN ĐƯỜNG THÀNH PHỐ ĐÔNG HÀ

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 13 tháng 4 năm 2012 của HĐND tỉnh Quảng Trị)

 

PHỤ LỤC II

VỀ CÁC DANH NHÂN TIÊU BIỂU ĐỂ ĐẶT TÊN MỚI ĐƯỜNG THÀNH PHỐ ĐÔNG HÀ

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 13 tháng 4 năm 2012 của HĐND tỉnh Quảng Trị)

 

PHỤ LỤC III

VỀ CÁC ĐƯỜNG ĐÃ CÓ TÊN TRÊN THỰC TẾ NHƯNG KHÔNG CÓ TRONG CÁC QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH VÀ HƯỚNG ĐIỀU CHỈNH

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 13 tháng 4 năm 2012 của HĐND tỉnh Quảng Trị)

 

PHỤ LỤC IV

VỀ CÁC TÊN ĐƯỜNG ĐÃ CÓ TRONG CÁC QUYẾT ĐỊNH ĐẶT TÊN CỦA UBND TỈNH NHƯNG BẤT HỢP LÝ CẦN ĐIỀU CHỈNH VÀ HƯỚNG ĐIỀU CHỈNH

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 13 tháng 4 năm 2012 của HĐND tỉnh Quảng Trị)

 

Nguồn: Thư viện pháp luật: http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-quyet-05-2012-NQ-HDND-dat-ten-doi-ten-dieu-chinh-ten-duong-tinh-Quang-Tri-vb185668.aspx

Nguồn: Công báo tỉnh Quảng Trị:

http://congbao.quangtri.gov.vn/webpages/newdoc/dailycontent.faces?docgaid=400&year=2012

Cơ quan ban hành: Hội đồng nhân dân tỉnh

Lĩnh vực: Tên đường phố

Ngày ban hành: 13/04/2012

Ngày có hiệu lực: 23/04/2012

Hiệu lực: Còn hiệu lực

Ngày đăng Công báo: 15/05/2012

Số trang: 13

Số Công báo: 09 + 10

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE