p. Bài 16-Tl.4 - Trần Xuân An -- Tại sao nhiều tác giả muốn vào hội nhà văn?

 

► Cập nhật (25-10 HB9): Bài mới nhất: Trần Xuân An --  TẠI SAO NHIỀU TÁC GIẢ MUỐN VÀO HỘI NHÀ VĂN?

 

... Về mặt tổ chức hội viên, các hội nhà văn cũng khôn khéo lắm …

 

Ở bài viết này, tôi cũng muốn nhấn mạnh một điều: Xin đừng căn cứ vào tấm thẻ hội viên hội nhà văn để phân loại, xếp hạng chất lượng tác phẩm. Các nhà làm văn học sử nước ta xin lưu ý giúp điều đó. Và chắc hẳn do ngôn ngữ bất đồng, ít nhà văn ngoại quốc tinh thông tiếng Việt, nên cũng mong các nhà văn, tổ chức cầm bút ở các nước lưu tâm giúp: các loại thẻ hội viên các hội nhà văn tại nước chúng tôi chỉ có giá trị như giấy chứng nhận danh nghĩa nhà văn mà thôi, chứ không phải chứng nhận chất lượng văn chương trong tác phẩm.

 

Đối với tôi, tôi vẫn xem chất lượng văn chương trong tác phẩm (tư tưởng triết học & văn hóa, lịch sử hòa quyện với sự thấu hiểu sâu sắc con người, xã hội – phong cách nghệ thuật) là quan trọng duy nhất. Tuy vậy, tôi vẫn là con người sống trong một xã hội cụ thể, tôi cũng phải thuận theo sự đời. Do đó, tôi cũng muốn vào Hội Nhà văn Việt Nam, như các tác giả khác. 

  

Viết từ khoảng 7:00 đến khoảng 9:40, ngày 25-10 HB9

Trân trọng mời đọc trọn vẹn ở các trang thông tin, báo chí in giấy và điện tử... 

 

30-10 HB9: Bài đã được đăng tải trên 2 trang thông tin điện tử Trúc Sơn Trang (XuanDuc Vn) & TranNhuong Com:

http://xuanduc.vn/baiviet.aspx?id=925&nhom=6

http://trannhuong.com/news_detail/2892/TẠI-SAO-NHIỀU-TÁC-GIẢ-MUỐN-VÀO-HỘI-NHÀ-VĂN-? 

Thành thật cảm ơn hai nhà văn.

 

Thêm ý kiến: Lẽ ra, các nhà lí luận – phê bình, nghiên cứu văn chương cũng nên tự yêu cầu phải biết sáng tác văn chương. Biết sáng tác thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút kí sẽ giúp người lí luận, phê bình, nghiên cứu hiểu sâu, hiểu đúng hơn về nhà văn, nhà thơ và lao động nghệ thuật của họ, đặc biệt là tác phẩm của họ. TXA.

 

TẠI SAO NHIỀU TÁC GIẢ MUỐN VÀO HỘI NHÀ VĂN?

 

Trần Xuân An

 

Gần đây, đọc một số bài báo viết về “mùa kết nạp hội viên mới vào Hội Nhà văn Việt Nam”, đậm chất thế thái nhân tình, đậm chất hành chính quan phương đặc thù ở nước ta, tôi cũng ngẫm nghĩ xem vì sao như vậy.

 

Có lẽ điều dễ thấy nhất, tổ chức Hội Nhà văn Việt Nam là một nơi duy nhất công nhận danh hiệu nhà văn, nhà thơ cấp quốc gia cho các tác giả. Còn các hội nhà văn địa phương như ở TP. HCM., Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… chỉ công nhận danh hiệu ấy ở cấp của mình: nhà văn, nhà thơ cấp địa phương (thành phố, vùng…). Các nhà báo khi viết bài, cũng phải căn cứ vào việc tác giả cụ thể nào đó có thẻ hội viên hay không và thẻ ở cấp nào, nếu không thì cũng bị ban biên tập của tòa soạn chỉnh sửa cho hợp lệ, hợp thể thức. Thậm chí, nhiều nhà cầm bút chân chính, sáng suốt, trình độ thẩm định văn chương thuộc loại tinh tế, cũng rất lúng túng, nên cứ gọi theo cái thẻ hội viên của tác giả theo kiểu chức vụ hành chính, cấp hàm quân đội, công an cho khỏe. Sự lúng túng chung là khi đề cập đến một số nhà văn, nhà thơ (gọi chung là nhà văn chương = nhà văn) hiện đang sống và viết, tuy thành danh từ lâu với nhiều tác phẩm giá trị, được nhiều người yêu mến, nhưng không được vào hội nhà văn nào cả. Các vị thẩm định văn chương tinh tế còn lúng túng như vậy, nữa là đại đa số trong xã hội, vốn thuộc nghề nghiệp khác, phần lớn chỉ đọc văn thơ trong khi đi học phổ thông, còn sau khi đã học xong, có thì giờ đâu mà đọc văn, đọc thơ. Trong xã hội, phần đông thấy báo chí, người viết sách gọi sao thì họ gọi vậy (1).

 

Đó là về phía ứng xử của người khác, của xã hội nói chung, đối với các tác giả được đề cập đến trong bài viết, trong cuộc họp mặt nào đó... Còn về phía các tác giả trong trường hợp như vậy thì như thế nào? Tôi thấy phần lớn là rất khó chịu. Có tác giả bực bội muốn khùng lên, khi trên một bài báo, trong một cuộc họp mặt, vài kẻ không ra gì có tấm thẻ hội viên, được gọi là nhà văn, còn ông ấy tuy đã sáng tác hàng chục đầu sách dày cộp, chỉ bị gọi như một kẻ vô danh tiểu tốt. Tác giả ấy nổi khùng trong bụng, tái mặt đi hoặc đỏ mặt lên, theo phản ứng tâm lí tự nhiên, cũng chính đáng chứ đâu phải không.

 

Vì thế, thôi thì cứ thuận theo sự đời, xem hai loại thẻ hội viên hội nhà văn như bằng cấp học vị, cấp bậc hành chính, quân đội, công an (2), làm đơn vào hội nhà văn quách đi cho đỡ bị tổn thương tâm lí (stress), có hại đến sức khỏe.

 

Điều thứ hai, báo chí của ta đều của Nhà nước. Đâu phải báo chí đăng bài chỉ căn cứ vào chất lượng bài viết. Một khi đã sàng lọc tác giả trong công tác kết nạp hội viên, thì đăng bài của hội viên chắc ăn hơn, đỡ bị “sơ sẩy” hơn. Tâm lí các ban biên tập tòa soạn là vậy. Tâm lí này hình thành từ cơ chế ấy. Chưa nói đến các lẽ khác liên quan hữu cơ với điều này.

 

Điều thứ ba, thuộc về giao lưu văn chương, học thuật giữa các nước. Nhiều chính phủ, nhiều hội nhà văn của các nước chỉ giao thiệp văn chương với các hội nhà văn nước ta, đứng đầu hệ thống là Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu họ muốn giao thiệp với cá nhân tác giả, Hội Nhà văn nước ta (với động tác lấy ý kiến ngành công an) không cho phép, họ cũng chịu. Về một số giải thưởng cũng vậy, như giải ASEAN hằng năm, đều phải được Hội Nhà văn Việt Nam đề cử (3). Trong giai đoạn hội nhập, giao tế có tính chất kinh tế hiện nay, nhiều nước muốn thuyết phục Việt Nam theo con đường tư bản, họ sợ “mất lòng” Đảng và Nhà nước, nên thấy chẳng có lợi gì khi giao thiệp với các tác giả mà bỏ qua vai trò của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngay cả vụ “thư viện Google” gần đây cũng thế. Cái hợp đồng của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC, The Vietnam literary Copyright Center) với các tác giả, thực chất xem các tác giả là con số không. Google cũng muốn chỉ tranh thủ với một nhóm người trực thuộc TTQTGVHVN. (VLCC.) hơn là với từng tác giả. Nói rõ hơn, các nước, các tập đoàn kinh tế, văn hóa có khuynh hướng muốn tranh thủ, “chuyển hóa” từ chóp, chứ không phải từ chân nền, vì như thế khỏe công, nhẹ việc hơn cho họ.

 

Trong ba điều trên, điều thứ nhất là tình trạng phổ biến nhất, xét trên các mặt cơ chế – xã hội – tâm lí.

 

Có lẽ cũng cần nói thêm một chút về thủ đoạn li gián hiện nay, cụ thể là sự tranh chấp giữa hai đối cực. Các thế lực muốn chống chế độ, lật đổ Đảng và Nhà nước hiện hành đang tìm mọi cách để đưa những tác giả dễ bảo, có thể điều khiển được hoặc hữu khuynh, đặc biệt nhắm tới loại hữu khuynh gốc đỏ, vào các hội, mặc dù họ không phải không biết hội viên hội nhà văn thuộc loại “lính trơn” (không ủy viên hội đồng, chấp hành này kia) chả bao giờ có dịp bén mảng đến cơ quan hội. Trong khi đó, những người có bản lĩnh, không dễ bị mua chuộc, sai khiến, họ tìm cách li gián, tung tin bất lợi, để không vào hội được. Mặt khác, các thế lực chống Đảng và Nhà nước còn tìm cách tạo ra một lực lượng cầm bút đối kháng trong nước. Họ nghĩ, nếu mọi tác giả đều vào hội hết, lấy đâu ra nhân lực để tạo lực lượng đối kháng ấy.

 

Điểm nói thêm này, tôi xin dè dặt nêu lên ở cuối bài vậy thôi. Có thể đúng nhưng cũng có thể sai, xin tùy nhận định trên cơ sở thông tin xác thực, có kiểm chứng, trên cơ sở văn bản tác phẩm là chính. Ở nước ta có câu, “bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng, công an nhìn đâu cũng thấy phản động”, nên nói thêm như vậy không khéo lại củng cố tâm lí nghề nghiệp của công an, loại tâm lí ở một số công an là đã trở thành bệnh đa nghi hoặc bệnh máy móc lí lịch chủ nghĩa.

 

Về mặt tổ chức hội viên, các hội nhà văn cũng khôn khéo lắm (4)…

 

Ở bài viết này, tôi cũng muốn nhấn mạnh một điều: Xin đừng căn cứ vào tấm thẻ hội viên hội nhà văn để phân loại, xếp hạng chất lượng tác phẩm. Các nhà làm văn học sử nước ta xin lưu ý giúp điều đó. Và chắc hẳn do ngôn ngữ bất đồng, ít nhà văn ngoại quốc tinh thông tiếng Việt, nên cũng mong các nhà văn, tổ chức cầm bút ở các nước lưu tâm giúp: các loại thẻ hội viên các hội nhà văn tại nước chúng tôi chỉ có giá trị như giấy chứng nhận danh nghĩa nhà văn mà thôi, chứ không phải chứng nhận chất lượng văn chương trong tác phẩm.

 

Đối với tôi, tôi vẫn xem chất lượng văn chương trong tác phẩm (tư tưởng triết học & văn hóa, lịch sử hòa quyện với sự thấu hiểu sâu sắc con người, xã hội – phong cách nghệ thuật) là quan trọng duy nhất. Tuy vậy, tôi vẫn là con người sống trong một xã hội cụ thể, tôi cũng phải thuận theo sự đời. Do đó, tôi cũng muốn vào Hội Nhà văn Việt Nam, như các tác giả khác.

 

Trần Xuân An

Viết từ khoảng 7:00 đến 9:45.

 

(1) Sau Đổi mới, nhất là khi học hàm, học vị được đặt ngay trước danh tính cá nhân (như GS.TS. Lê H. H. X…), vấn đề danh hiệu nhà văn lại càng bức xúc và do đó, cũng có “thoáng” hơn. Riêng tôi, để giải quyết lúng túng, tôi xem tất cả những ai có 2 đầu sách xuất bản là nhà văn cả, mặc dù họ chưa là hội viên hội nhà văn nào. Nếu không như vậy, thì làm mất lòng, xúc phạm nhiều người một cách vô lí quá sức.

 

Bổ sung, 28-10 HB9: Nhà văn chương không phải tương đương với từ tiếng Anh là literator (nhà văn học, thiên về nghiên cứu, giảng dạy văn chương). Nhà văn chương, gọi tắt là nhà văn, như trong cụm từ hội nhà văn, gồm cả nhà văn [xuôi], nhà thơ, nhà lí luận - phê bình văn chương. Đối với nhà văn [xuôi], nhà thơ, nếu đúng nghĩa, phải là người chuyên về sáng tác và đã có tác phẩm ít nhiều có giá trị, đồng thời cũng phải có trình độ và năng lực viết lí luận - phê bình văn chương, nghĩa là đã vượt qua trình độ sáng tác cảm tính.

 

(2) Một nhà văn trào phúng nổi tiếng ở Ba Lan đã châm biếm rất sâu cay về sự thể này.

 

(3) Các giải thưởng khác, thường có tính chất thời sự, chính trị đối kháng, cụ thể là chống chế độ, nhà nước, tôi không nói đến.

 

(4) Tôi chưa nói đến sự khôn khéo thể hiện ở cơ cấu “mặt trận”, hội tụ đủ các tác giả thuộc mọi thành phần xã hội, để không ai bắt bẻ vào đâu được. Thực chất, vấn đề là tỉ lệ thành phần.

 

 

 

 

 

 

Sáng 25-10 HB9: Bài đã được gửi đăng ở các trang thông tin điện tử, điểm mạng toàn cầu ngay sau khi viết xong: Sông Cửu Long, Phong Điệp Net, Trần Nhương Com, Trúc Sơn Trang (Xuân Đức Vn), Tcđt.&ig. Sông Hương...

Đã gửi các nhà giáo: Ngô Vưu, Võ Nguyên (nv., Võ Văn Tám), Lê Phước Sinh, Lê Thị Bác Nhã, Phạm Bá Thịnh (nsna.), Tôn Thất Dụng (ts.), Nguyễn Chiến...

 

Chiều 25-10 HB9: Bài báo cũng đã được gửi đăng ở Trang Ttđt. Hội Nhà văn Việt Nam.

 

!!?!!?!!

 

CHƯA THẤY CÓ TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ,

ĐIỂM MẠNG TOÀN CẦU HAY BÁO CHÍ IN GIẤY

ĐĂNG BÀI NÀY

 

!!?!!?!!

 

 

30-10 HB9: Bài đã được đăng tải trên 2 trang thông tin điện tử Trúc Sơn Trang (XuanDuc Vn) & TranNhuong Com:

http://xuanduc.vn/baiviet.aspx?id=925&nhom=6

http://trannhuong.com/news_detail/2892/TẠI-SAO-NHIỀU-TÁC-GIẢ-MUỐN-VÀO-HỘI-NHÀ-VĂN-? 

Thành thật cảm ơn hai nhà văn.

 

 

______________________________________

 

Các bài cùng vấn đề:

 

o. Bài 15-Tl.4 - Trần Xuân An -- Kết nạp hội viên mới, lộ trình dân chủ - công khai nên chăng cần hoàn thiện thêm

p. Bài 16-Tl.4 - Trần Xuân An -- Tại sao nhiều tác giả muốn vào hội nhà văn?

q. Bài 17-Tl.4 - Trần Xuân An -- Góp thêm lời bàn luận: Chuẩn và quyền vào hội nhà văn

r. Bài 18-Tl.4 - Trần Xuân An -- Thêm hai ý kiến nhỏ sau khi đọc bài báo của ông Phạm Thành Chung

 

 

 

HÒA NHÃ TRAO ĐỔI, ĐẤU TRANH, VỚI TINH THẦN XÂY DỰNG 

 

 

__________________________________________

_____________________________________

 

>>>>>  Trang chủ‎  >>>>>

>>>>>  ‎I. Danh mục tác phẩm Trần Xuân An‎  >>>>>

>>>>>  ‎Z.(25). Trần Xuân An - Tập tiểu luận 4 & các bài khác (mới viết)‎  >>>>> 

 

 

Google Sites / host 

 

GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE