a'. Trần Xuân An - Ngẫu hứng đọc thơ - Đọc thơ Nguyễn Công Bình - Tệp 1b

author's

copyright

trần xuân an

ngẫu hứng đọc thơ

 

 

phê bình thơ

Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005

06/30/09

 

 

Bài 1

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

Bài 7

 

Bài 8

 

Bài 9

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

                          

        

   Bài 1

 

ĐỌC THƠ NGUYỄN CÔNG BÌNH 

 

1

Thơ đến với Nguyễn Công Bình từ tuổi học trò trên mảnh đất làng quê chôn nhau cắt rốn, và thơ trong tiếng giảng bài sau luỹ tre xanh ấy, lại dẫn anh đến với lớp văn trường chuyên ở tỉnh lị Nghệ An. Lên đại học, Nguyễn Công Bình cũng vẫn cùng thơ ca một nẻo ngữ văn. Đến lúc tốt nghiệp, ra trường, trừ đi khối lượng thời gian hành chính (không trực tiếp dạy văn), anh thực sự dấn mình vào nghiệp văn chương: làm báo, biên tập ở một nhà xuất bản. Thơ đến với Nguyễn Công Bình rất sớm, nhưng cuộc sống vốn có những ngã rẽ phân trí kì lạ, nên mãi đến năm ba mươi tám tuổi, anh mới trang trọng trình ra giữa đời tập thơ đầu tay: Người gánh bóng mình (1)! Sau đó bốn năm, lần này lại in chung với một nhà thơ khác, có cái tên rất con gái – Vũ Xuân Hương – , để Nụ và quả đến với đời (trong đó, phần thơ riêng của anh là Lời quả (2)). Rồi cũng với một quãng thời gian ấp ủ và sáng tạo ngắn thua thế chút ít, tập thơ thứ ba của Nguyễn Công Bình lại dày dặn hơn, cũng đã được cuộc đời chào đón với cái tên ngỡ rất bảng lảng, xa xăm: Một người phía chân trời (3).

Thơ thường được quan niệm mỗi bài là một chỉnh thể. Cho dù có nhà thơ đã cố ý chọn lựa để cho những bài nào đó phải đặt vào tập này chứ không phải tập kia, hoặc có người nuôi ý định sáng tác cả một tập thơ chứ không phải ngẫu hứng với từng bài riêng biệt, nhưng có lẽ phần lớn các nhà thơ, kể cả thi sĩ thiên tài, vốn xem mỗi tập thơ như tập hợp của một chặng đường thơ. Ở trường hợp thứ ba thường thấy ấy, những bài thơ kết thành từng tập, lại là kết quả của sự tương tác dọc một chuỗi tháng ngày giữa nhà thơ với cuộc đời, một cách hết sức tự nhiên nhi nhiên, hầu như không chủ định. Có điều, dẫu sao thơ vẫn là từng bài như riêng mỗi số phận.

Như vậy, phải thế này không, mỗi tập thơ của Nguyễn Công Bình là một chặng đường thơ của anh?

Nhìn ở khía cạnh khác, có nhiều nhà thơ đặt tên cho tập thơ của mình, có chữ với nghĩa hẳn hoi, nhưng thực ra vẫn với ý nghĩa “vô đề”. Và hình như các tên tập thơ của Nguyễn Công Bình, anh đặt theo quan niệm riêng. Có lẽ, đó là trường hợp ở giữa “vô đề” và “hữu đề”, nhưng đều được anh tự đề tựa bằng thơ hay viết bạt bằng thơ để gửi đến người đọc.

 

2

Người gánh bóng mình là tên khai sinh của tập thơ đầu tay và của bài thơ cuối trong tập. Bài thơ bạt ấy, vào năm 1993, Nguyễn Công Bình viết ngay ở dòng đầu:

Tôi gánh bóng mình đi. Kĩu kịt. Kĩu kịt.

Đòn tre chín dạn hư vô. Bóng tôi khi tròn vo, khi dài ngoằng ngoẵng.

Và cứ thế, “tôi gánh bóng mình đi” là điệp cú cho anh mở rộng tứ thơ, về với hoài niệm tuổi nhỏ có tóc mẹ trắng bến sông, có trăng vàng như trái thị cao vời không hái nổi, với tuổi trẻ có ánh sao thương nhớ phía người con gái nào đã xa. Và “tôi gánh bóng mình đi” còn mở rộng đến một bi kịch lịch sử ở nước Do Thái xa xưa đã được nâng lên thành tôn giáo. Điệp cú ấy mở rộng đến loại tình yêu “nào biết yêu gì? đành yêu hết thảy”! Rồi cứ thế, “tôi gánh bóng mình đi”, “bóng không bao giờ có tuổi” và không biết về đâu, cũng “xin đừng hỏi, về đâu?”, để kết lại, cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Công Bình như thể là khất sĩ hành đạo, “kẻ hành khất giữa chòng chành thiện – ác; kĩu kịt hành trang chiếc bóng mình”.

Bóng không bao giờ có tuổi, Nguyễn Công Bình đinh ninh tận đáy lòng mình như vậy. Từng có ẩn dụ, bóng là linh hồn Phao-xtơ (Faust), nhân vật khát vọng chân lí cõi đời của Gớt (Gœthe). Cũng từng có ẩn dụ, bóng là người chồng đi lính thú biền biệt của Nàng Trương, họ Vũ, mỗi đêm hiện về trên phên vách. Ở nghĩa này, bóng là bản thể của “tôi” và ở nghĩa kia, bóng cũng là khách thể của “tôi”…

Nhưng làm sao không ngừng lại để đọc thật kĩ như bị hút hồn vào một bài khác, loại tứ tuyệt mới, có cái tên Vô đề, ngay trong tập thơ đầu tay này:

Có một người gánh bóng mình

Bóng đè gập nặng nề cất bước

Vực thẳm đầu, đại dương chân

Người gánh bóng nhoài lên phía trước.

1992

Bóng ở đây là tâm hồn và tài năng thi sĩ? Bóng là sứ mệnh, thiên chức nhà thơ do chính trái tim mình giao phó? Và nghiệp dĩ là phải gánh, trĩu nặng, khá kềnh càng, chứ đâu phải nhẹ nhàng hoặc nhỏ nhắn để có thể xách, cầm, đội, cõng hay vác! Nhưng trong thực tế, làm gì có bóng vừa ở phía trước mặt, vừa ở phía sau lưng, trên hai quang thúng (hoặc quang thùng) để gánh. Phải chăng một đầu, phía trước mặt kia là hư vô, một đầu khác, phía sau lưng này mới là bóng thật?

Suốt tập thơ gồm hai mươi tám bài, Nguyễn Công Bình đã cho cái tôi trữ tình trong thơ của anh bước đi từ một làng quê Hà Tĩnh, phía xứ bắc Trung bộ nghèo khó nhưng rất đỗi ân tình, với niềm đau bi kịch gia đình chia lìa giữa cha với mạ, để bước vào đời với thiên chức người gánh bóng mình, mặc dù vẫn dạy văn và công tác, ở một tỉnh cực nam miền Trung. Thuận Hải, nơi có những tháp Chàm thâm nghiêm trên đồi và bao cô gái Chàm ở bến sông lấp lánh nụ cười. Thuận Hải, với riêng Nguyễn Công Bình, là nơi có vài cuộc rượu với người bày quán sách ở đầu sân ga, nơi có một người bạn dạy học ở vùng Tánh Linh, vốn là tị địa của bao gia đình nghĩa sĩ Nam Kì thời Pháp chiếm, nơi có người bạn khác sống thu mình như cây tùng trong chậu kiểng… Bình Thuận, nơi Nguyễn Công Bình đã có mười lăm năm sống, cộng với hai mươi mốt năm trước đó ở nguyên quán Nghệ – Tĩnh, tuy vậy, thật sự anh chỉ chọn lại cho mình những bài thơ anh viết sau khi vào hẳn ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo cách nói của anh, đó là “những câu thơ muộn mằn…”. Thơ Nguyễn Công Bình muộn mằn nhưng đậm đà như thơ và truyện ngắn Võ Nguyên, Đinh Đình Chiến, những người cũng gánh bóng mình ở Bình Thuận.

Mười lăm năm ngụp lặn công danh

Mình tự vả vào mồm chảy máu

Uốn éo dài lưng tập tành áo mão

Hồn lang thang tìm sóng Mịch La.

Mịch La, một dòng sông Trung Hoa, chốn trầm mình của Khuất Nguyên, nơi Nguyễn Du của Hà Tĩnh quê anh, trong một lần đi sứ, đã đau xót cám cảnh về bao con thuồng luồng nhai thịt người ngọt xớt, kể cả xương thịt của tác giả Ly Tao.

Đó là lời tự phê, phản tỉnh thành khẩn, quyết liệt của một bản lĩnh mạnh mẽ. Đó là cảm xúc cực độ, lúc cái tôi trữ tình trong thơ anh, cái bóng của chính anh, không phải méo mó như ở “Nhà cười” (tên bài thơ đầu ở tập đầu tay), mà đang nghiêm trang, thống thiết tự quyết định ngã rẽ cho đời mình. Tâm trạng ấy có nguyên nhân trong công việc hành chính. Phút giây ấy xảy ra khi một nguyên cớ ập tới: Nguyễn Công Bình đọc được dòng tin về người bạn khác nữa, đã rời nhiệm sở để ra Hà Nội học trường viết văn Nguyễn Du:

Mười lăm năm dòng tin gặp bạn

Bỗng dưng đêm sởn da gà

Văn chương nghiệp chướng nhập qua đời mình.

Nguyễn Công Bình tự đốn ngộ, với loé sáng xuất thần giúp anh tỉnh táo, thấu suốt, và tự chấp nhận gánh vác thiên chức làm một nhà thơ của cuộc đời. Sau mười lăm năm phải làm hành chính sự vụ, loại hình công tác mà theo tạng chất thi sĩ, anh cho là “uốn éo dài lưng tập tành áo mão”, Nguyễn Công Bình đã thật sự tìm thấy bản chất đích thực của anh, vốn hình thành từ lòng mẹ, từ tuổi học trò trường làng cho đến khi anh rời khoa ngữ văn dưới mái trường đại học? Hay anh viết thay một ai đó? Nhưng dẫu viết về ai cũng thể hiện cái tâm của chính nhà thơ Nguyễn Công Bình.

Nhưng, để hết mình cho thơ, từ đó, Nguyễn Công Bình vào thành phố Hồ Chí Minh làm báo.

 

3

Phần thơ Lời quả của anh trong tập tứ tuyệt in chung với Vũ Xuân Hương này, lại hầu như rất ít chất đời, chất thông tấn. Có lẽ một phần bởi thể thơ bốn câu phải hàm súc, nhưng đúng hơn, anh ngập vào chất đời, chất thông tấn đến nỗi muốn thoát ra khỏi chúng bằng thơ, để phiêu cảm mênh mang hơn, trầm tư sâu xa hơn, và do đó, chừng như lại xa cách thế thái nhân tình với bao nỗi niềm hiện thực. Đôi khi, thơ anh ngã tựa vào chất Thiền tông, “phùng Phật sát Phật”, để “kiến tánh thành Phật”, tự khai sáng nẻo đường “xông trời thẳm”, với nội lực toả ra từ “một tiếng kêu dài khiến lạnh cả bầu trời” trong thơ Lý – Trần. Phật (Budha) với anh, đúng như kinh điển Thiền tông, là người giác ngộ bản chất cuộc đời.

Khác với thơ Vũ Xuân Hương, tứ tuyệt phá cách, thoát sự gò bó của khuôn âm thước chữ nghiêm ngặt, tứ tuyệt của Nguyễn Công Bình thiên về niêm luật với nét đẹp cổ điển, kể cả tứ tuyệt ngũ ngôn, tam ngôn và tứ tuyệt lục bát, tuy câu chữ, hình ảnh bay bướm, gần gũi với đời thực hiện tại.

Không thể điểm hết tất cả những bài thuộc phần thơ Nguyễn Công Bình trong tập, nên Quả trở thành một nét nhấn đối với người cầm trên tay tập thơ này. Quả không phải tiêu biểu nhất cho kĩ xảo niêm luật của Nguyễn Công Bình, nhất là cho tài thơ tứ tuyệt của anh về cấu tứ, dùng từ, và sáng tạo hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ…

Về quả làm sao ngược lại hoa?

Thời gian ủ chín tháng năm xa

Đắng chát ngọt dần cho kẻ hái

Chắt hạt thành cây ai nhớ ra?

Nhưng cho dù Quả cố tình thoát niêm một cách tài tử (vốn phải là “ngọt dần đắng chát cho người hái”), Quả vẫn chứa đựng một ý tưởng đã thành niềm thơ trăn trở trong anh.

Ý tưởng ấy không phải là một phát hiện, một khám phá mới, bởi có gì gần với loài người hơn là hoa trái, nhất là trái ngọt mỗi mùa hạ và mọi người đều có thể thường dùng hằng ngày; đồng thời cũng không xa lạ gì ý thức gieo hạt thành cây, để cây ra hoa và lại cho trái. Nó gợi đến nòi giống truyền đời, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia. Ở cấp độ khái quát siêu hình, từ cổ đại, người ta đã nói đến luân hồi với chủng tử, công quả, nghiệp quả, quả báo, đặc biệt là hai chữ nhân quả. Nhân quả (nguyên nhân – kết quả) là cả một phạm trù triết học. Nhưng câu thứ nhất của bài thơ vẫn cứ là một niềm tiếc nuối vô vọng đến xót xa, còn câu khép lại bài tứ tuyệt vẫn là một lời tự vấn và nhắc nhở ai đó quanh mình một cách thành khẩn. Tuy vậy, có lẽ đúng hơn, ấy chỉ là Lời [của] quả, thiết tha và dịu ngọt, bởi như mọi nhà thơ khác, Nguyễn Công Bình nào dám lên mặt dạy dỗ ai. Ngay đại từ ai trong tiếng Việt cũng đã quá tế nhị rồi.

Lời quả có đến ba mươi bài, và không chỉ duy nhất một nỗi niềm như thế. Lời quả tất nhiên phong phú hơn nhiều.

Lời quả gói hờ một chuỗi thời gian trên đường thơ anh.

Nguyễn Công Bình lại trở thành biên tập viên cho Chi nhánh Nhà Xuất bản Thanh Niên, và vẫn hoài vọng Một người phía chân trời.

 

4

Với tập thơ thứ ba này, Một người phía chân trời, nhan đề và tranh bìa, rõ ràng đã làm tỏ ý cho nhau (nếu không có sự bất đắc dĩ nào). Tranh vẽ bóng trắng một người nữ trẻ tuổi, mặc áo dài, thả tóc dài bay trong gió, nhìn về phía mặt trời lặn.

Bóng dáng ấy in lên nền trời cuồn cuộn đầy những mây trắng.

Hơn thế nữa, Nguyễn Công Bình còn viết thủ bút bốn câu thơ ngay phía dưới tranh bìa bốn (tranh bìa một cũng là tranh bìa bốn, tuy kích cỡ không bằng nhau):

Phía hư ảo ráng mây chiều rực cháy

Lấp loá bạc vàng hay lả tả tàn tro?

Bạc vàng hay tàn tro? Để cảm thông niềm thơ, cần phải đọc những bài thơ trong tập, nhất là bài gần như khúc ca chủ đạo của tác giả: “Không đề phía chân trời”.

Thế là lại một lần nữa, Nguyễn Công Bình vừa “vô đề”, vừa “hữu đề” như ở tập đầu tay, nhưng theo một cách khác!

“Không đề phía chân trời” là một bài thơ văn xuôi. Trong đó, anh viết: “Phía chân trời một người đi trong lòng giấu sóng đại dương”. Hoá ra, nhìn về phía chân trời trong tứ thơ của mình, trước tiên, Nguyễn Công Bình thấy “chiều ngõ quê mềm chảy tóc em hương”. Nhìn tiếp phía chân trời, bỗng thấy trái đất chỉ là quả bóng đá, kiếp người chỉ là ánh sao băng trong chớp mắt, và lại băn khoăn về mọi “ganh đua, lường gạt, bạo tàn”! Phía chân trời còn là màn hình vô tuyến, trên đó hiện lên một “châu Phi đói khát”, “sa mạc trắng băng tang thắt ngang trái đất; trên những nấm mồ cát nhoá vụn bánh mì nhân ái vật vờ bay”. Phía chân trời, đô-la-bom giết người và đô-la-thuốc cứu người chênh lệch nhau triệu lần, nhân quyền sơn phết cho cái ác, “tiếng thét đau thương va tiếng cốc ăn mừng”. Phía chân trời, ở nơi đâu đó, “máu nhân dân ngập trận cờ lừa”, “chim di trú trời xa còn nhớ cội tìm về”. Và cuối cùng với dấu chấm lửng, “thiện và ác vẫn song hành giữa yêu và ghét; trái đất vẫn trần xoay trong tro bụi ngọc ngà; vô định quá…”, phía chân trời trong thơ anh!

Phía chân trời trong thơ dữ dội hơn trong bức tranh bìa nhiều lắm. Và biết đâu, ngầm chứa sự dữ dội như trong truyện ngắn An-đec-xen (Andersen), cái bóng y hệt người hầu da đen châu Phi nô lệ, một hôm nào lật ngược thế cờ lịch sử – thân phận trên thế giới: người da đen làm chủ, cái bóng da trắng phải vật vờ theo sau gót như một gã bồi hạ đẳng. Có điều, không phải là phép hoán đổi vị trí, quyền lợi hưởng thụ tầm thường, nhỏ nhen, mà phải bằng cách mạng, nhân nghĩa và bình đẳng.

Nguyễn Công Bình ở chặng thứ ba đường thơ của anh, anh vẫn tiếp tục gánh bóng mình, có điều bây giờ gần như tất cả đã bị hư vô hoá, bởi hệ giá trị đã bị đánh tráo (thật – giả; xấu – tốt đều đồng nhất). Anh “Tự bạch”:

Chòng chành trĩu gánh hư vô

Dở khôn – dở dại; bên khô – bên lầy

[…]

Mặc hoàng hôn, kệ bình minh

Ngày nương bóng phố, đêm vin bóng mình

Cái bóng của Phao-xtơ, của Nàng Trương, – hiểu như biểu tượng, làø tâm hồn, là hi vọng của anh –, cái bóng ấy chỉ trở về được (chỉ tìm lại được), khi anh còn lại là chính mình trong đêm với ngọn đèn khuya khoắt. Có điều, năm nào anh còn ngã bóng cho người vợ hiền râm mát, nay anh phải nương vào “bóng phố” để tồn tại bơ thờ, lơ đãng, “ấm ớ”, “vu vơ”…

Mặc dù Một người phía chân trời là tập thơ nghiêng về đời sống phố phường với những cảm xúc hiện tại, nhưng hoài niệm ngọt ngào, ám ảnh thảng thốt vẫn thi thoảng hiện về, dậy lên. Hơn cả thảng thốt, đây là ám ảnh về một sự thật khủng khiếp, khủng khiếp vì oan khốc của những đồng chí kháng chiến trung kiên, khủng khiếp vì sự tha hoá của cô bé gái tuổi trăng rằm do khái niệm “giai cấp”, “nguồn gốc xuất thân” bị đóng khuôn một cách “siêu hình”, thiếu biện chứng, phi hiện thực:

Đường đi tới nửa chừng cơn xoáy lốc

Liềm, búa, trống, chiêng… lửa bốc rừng người

Cô đội tuổi rằm chanh chua giọng thét

Máu đồng chí trung kiên phun dấu hỏi lên trời

Ngàn tiếng rủa, một cõi lòng tan nát

Mẹ quỳ khóc bóng cha thất thểu tù đày…

Ờ chuyện cũ vết thương giờ kín rịn

Gội lỗi lầm, lịch sử thắm ngời son

Chuyện người vô vi, chuyện mình thiền định

Cha bạt núi, dựng nhà, cắn trắt, nuôi con…

Thời tuổi nhỏ của Nguyễn Công Bình và của người vợ đồng hương có một ám ảnh về nỗi đau thương, oan khuất. Theo lời anh kể, cho dù đã thuộc về quá khứ xa xăm, nhưng hình ảnh cô trưởng đội đấu tố “chanh chua giọng thét”, người cha vợ Phan Trường Lưu phải chịu tù đày, đồng chí kháng chiến của ông bị xử bắn bởi thành phần xuất thân, trong thời kì cải cách ruộng đất, vẫn đôi khi lại trở về trong trí nhớ anh, nhưng đã được phủ lên một màu sắc “vô vi”, “thiền định”, và hơn thế nữa, “gội lỗi lầm, lịch sử thắm ngời son”. Có lẽ một chút diễn giải như thế là quá thừa, nhưng thật ra rất cần thiết trong cảm thụ. Hình như người đọc không thể lướt qua, bởi suốt cả tập thơ, duy nỗi ám ảnh thảng thốt ấy đã đậm lên chất bi kịch xã hội, ở bài thơ đó – “Có một chữ nhân” – , trong khi ở các bài thơ khác, những cảm xúc khác, dung lượng phản ánh khác, chỉ đằm sâu hoặc nhẹ nhàng, thoang thoảng.

So với tập đầu tay, hai tập sau nhiều chất thị thành hơn. Tâm hồn Nguyễn Công Bình đã thay đổi khá rõ nét, và có thể nói, ngay cả hoài niệm quê nhà, nơi thường trú cũ, ngỡ không bao giờ thay đổi trong kí ức, cũng hiện về trong anh với màu sắc, ánh sáng khác. Chẳng hạn, mười lăm năm Phan Thiết – Bình Thuận lại về một lần nữa trong thơ anh:

Níu giùm chớp bạc thời gian

Mười lăm năm ấy gian nan phận người

Tha hương chao chác nỗi đời

Vịn thơ mà bước chơi vơi tháng ngày

Nợ lòng Phan Thiết thơ vay

Gỡ ra lại thắt, đau hoài trăm năm!

Đặc biệt, ở tập thứ ba, từ câu chữ cho đến cảm xúc của nàng thơ trong thơ Nguyễn Công Bình đã ngày càng bay bướm, phóng túng, ảo thuật hơn (làm xiếc ngôn từ nhiều hơn), nhưng vẫn tạo cho người đọc cảm giác tiêng tiếc thế nào đó, như thể Nguyễn Bính năm nào đã viết về một cô gái nông thôn hồn hậu, chân thành, một hôm ra phố về, chợt nhận thấy: “hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều”! Biết làm thế nào được, một khi làng mạc, nông thôn bây giờ cũng đang thành thị hoá.

Vẫn hi vọng ở tập thơ tiếp, nàng thơ (một hình ảnh ước lệ!) của Nguyễn Công Bình lại nền nã một vẻ đẹp thị thành.

Nguyễn Công Bình vẫn tự nhận mình là một người đa mang, đa tình. Anh yêu thương và căm giận, âu lo và bức xúc, luyến tiếc và bực bội trước bao loài cỏ cây hoa lá, nhiều dạng người, lắm cảnh huống. Anh không phải là một nhà thơ chuyên nhất về một đối tượng thẩm mĩ. Rất khó để gò khuôn thơ anh vào một vài đề tài với tần số cảm xúc nhất định. Rõ ràng, mỗi tập thơ của Nguyễn Công Bình chỉ là một chặng đường thơ của anh.

Tất nhiên, dẫu thế, vẫn có thể nhận ra những nét chủ đạo trong thơ Nguyễn Công Bình. Tuy nhiên, phải đợi đến lúc nào rõ nét hơn.

 

5

Cuối bài viết, tôi muốn ghi lại một chút cảm xúc có thể gọi là kỉ niệm thơ ca với một bài thơ như một chỉnh thể riêng biệt trong thơ anh.

Cuộc sống vẫn luôn có những tình cờ đáng nhớ, nhất là với bao người làm thơ luôn luôn chắt chiu hoài niệm. Một trong những tình cờ ấy của tôi, là gặp lại Nguyễn Công Bình sau lần gặp đầu tiên, cách đây hai mươi sáu năm (nếu không kể giữa chuỗi thời gian đằng đẵng đó, có một lần thoáng vội). Thuở ấy, 1977, chúng tôi còn là sinh viên năm thứ tư đại học sư phạm, anh học ở Vinh, tôi học ở Huế. Hai khối lớp kết nghĩa của hai trường kết nghĩa càng thắm thiết, khi lớp chúng tôi có một chuyến ra Vinh tham quan. Bấy giờ, lớp ngữ văn của tôi đã có hai cô sinh viên ở Vinh chuyển trường vào Huế học. Hơn hai mươi sáu năm sau, lúc này, khi đọc thơ anh, quả thật, tôi ngạc nhiên, cứ ngỡ đoá hoa hồng màu xanh mảnh mai, bé nhỏ, gầy guộc thuở bấy giờ là người yêu của Nguyễn Công Bình! Có phải vậy không? Sao mãi đến bây giờ anh còn bâng khuâng hỏi đoá bích hường ấy, như một chàng trai trong ca dao?

Bậu còn nhớ Huế chiều mô

Ta đi tìm bậu tím bờ sông Hương?

Tình chi hương ngát ngày thường

Trắng trong bậu hái bông Hường, tặng ai... 

Riêng về thơ, thoáng “hương đồng cỏ nội” ấy thật đáng yêu biết bao.

Có điều, tôi và mọi người ít nhiều quen biết anh, đến lúc này vẫn hiểu chắc chắn đoá hường xanh và Bình chỉ là bạn thân, trong veo tình nghĩa. Nhưng tại sao đọc bài thơ kia, không một ai không ngộ nhận, cứ ngỡ là họ đã yêu nhau, nhưng rồi phải chia tay, và đã chia tay bao nhiêu năm vẫn quan tâm đến đời nhau một cách rất chân tình, trong sáng. Nhưng cũng như nhà thơ Nguyễn Công Bình, tôi cũng tự hỏi, phải chăng đoá bích hường và chàng trai trong ca dao kia, đã được thi ca nâng lên đến mức trở thành hình tượng nghệ thuật, để không còn là đoá hường, là Bình trong đời thực? Phải chăng đây là trường hợp nhà thơ bị chính thơ ca hớp hồn, lôi kéo, dẫn dụ một cách vô thức? Tôi muốn tập Kiều để minh oan hộ Nguyễn Công Bình và đoá hường xanh:

“Thơ đưa lối, nhạc dẫn đường

Lại tìm những nẻo bất thường, đôi khi”.

Đây chỉ là trường hợp “đôi khi”, vô thức ngoại tình trong thơ và chỉ trong thơ, mà ngay cả tác giả cũng không ngờ!

Có điều, tôi vẫn muốn vừa tinh nghịch, vừa lãng mạn cảm nhận theo hướng ngộ nhận kia: Bình đã hoá thân thành chàng trai trong ca dao, còn cô bạn (nay là tiến sĩ) đã hoá thân thành đoá hồng xanh, và quả thật, giữa họ đã từng có một tình yêu thiết tha, trinh bạch. Lúc này, biết rằng họ không còn trẻ nữa, tôi lại hình dung: Chàng trai trong ca dao và đoá hường xanh ấy hẳn mong sao độ chênh, quãng cách giữa nỗi niềm thơ ca (chút ngoại tình “hồn bướm mơ tiên”) với đời thực bình thường (phải giữ đúng tình bạn đơn thuần), mãi là niềm khắc khoải khôn nguôi, thôi thúc phải vươn lên mãi, giữ mãi sự đúng mức, cho dù phải qua thác, qua ghềnh, để hướng tới chân trời hừng đông, trong thơ và trong đời.

Tuy nhiên, tôi vẫn biết, đó chưa phải là niềm khắc khoải cao quý hơn, tuy vẫn khôn nguôi, vẫn vốn dĩ và phổ quát, khi sống trong độ chênh, quãng cách giữa lí tưởng thơ cao quý với đời thực bình thường, thậm chí tầm thường. Niềm khắc khoải chân chính ấy bảo chúng ta luôn biết tự vấn, và bảo người gánh bóng mình hết vượt lên đỉnh dốc này lại phải nỗ lực tiếp tục vượt lên đỉnh núi khác, trên hành trình sống và hành trình thơ.

 

Tp. HCM., 22 – 23 & 27.08.2003

(25 – 26 & 30.07. Quý mùi HB.3)

TRẦN XUÂN AN

 

(1) Người gánh bóng mình, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 1994.

(2) Nụ và quả (in chung), Nxb. Thanh Niên, 1998.

(3) Một người phía chân trời, Nxb. Thanh Niên, 2001.

 

 

Đã gửi:

 

1.Nguyễn Công Bình (ngay sau khi viết xong, 2003)

2. Võ Văn Luyến (12. 9. 2004)

3. Inrasara (12. 9. 2004)

 

 

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/30/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7