g. Trần Xuân An - Mùa hè bên sông - Tệp 7

author's

copyright

 

trần xuân an

MÙA HÈ BÊN SÔNG

tiểu thuyết

1997 & 2003

 

 

06/29/09

        

   

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

m ù a 

 h è

 b ê n

  s ô n g 

    

(nỗi đau hậu chiến)

 

tiểu thuyết

 

 

nnhà xuất bản  

 

1997 & 2003

 

 

     

 

CHƯƠNG VII

 

 

1

 

 

Hai mái tóc dài đen mượt đã hong khô trong gió. Hai gương mặt với làn da mịn màng trở nên trắng hồng thêm, dưới hai mái tóc đã óng ả hơn. Hiền Lương và Bông Bưởi, cô bé mười lăm tuổi con của chú thím Cận, sáng sớm hoặc giữa trưa nào cũng đi bộ gần cả cây số ra sông để tắm, dù trong nhà đã có giếng, có phòng tắm. Trưa nay, cũng như thế. Và lúc này, bộ áo quần thun liền thân, tay áo, ống quần đều dài, bó sát người dùng để tập thể dục ở nhà và đi bơi của Hiền Lương, không chừng cũng đã khô. Cái khăn choàng rộng thùng thình không chừng cũng vậy. Gió nam lửa thổi rát cả người, cô nghe mồ hôi đã rìn rịn.

Hiền Lương, Bông Bưởi, chú Cận đã sẵn sàng, chờ Hành qua để cùng vào ga Đông Hà. Tối nay, cô Bân, mẹ của Hiền Lương, sẽ xuống tàu, về thăm quê chồng rồi sẽ cùng con gái vào lại Bình Dương như đã dự định.

Trong khi chờ, Hiền Lương nghĩ, sẽ vào chợ Đông Hà tìm mua cho Bông Bưởi một bộ áo quần tắm như của cô và một bộ áo quần may sẵn nữa. Gần tháng nay, Bông Bưởi mặc đồ bộ để bơi, Hiền Lương áy náy quá. Bây giờ, vào thị xã, Bông Bưởi cũng chỉ vận đồ bộ. Tại sao là đồ bộ nhỉ? Hiền Lương nghĩ, ngày xưa phụ nữ mặc áo, quần khác màu nhau chăng, hay khi may cái áo, lúc may cái quần, bây giờ may một lúc nguyên bộ và cùng loại vải, thường dùng để mặc ở nhà, nên gọi “đồ bộ” chăng? Bông Bưởi đã mười lăm tuổi, dậy thì trổ mã rồi, sao hồn nhiên đến thế, chả biết trưng diện gì! Bông Bưởi chất phác đến đáng yêu quá.

Đã ba giờ chiều, nắng và gió, chói và nóng.

Hành mượn đâu được chiếc xe Cúp tám mốt còn khá mới chạy qua, đang dựng xe trước sân. Hành đề nghị khởi hành luôn. Cô không chịu để Hành đổi xe. Hành chở chú Cận. Hiền Lương, với chiếc Hon-đa bảy tám của chú, đèo Bông Bưởi. Bông Bưởi chỉ chịu ngồi bỏ chân một bên. Hiền Lương vừa lái xe vừa mỉm cười một mình. Cái mũ rộng vành, loại vành cứng, che gương mặt cô, và gió lùa mát rượi.

Hết đường làng, hai chiếc xe gắn máy đã lên đến quốc lộ. Xe chú Cận cũ kĩ, được cái là chạy còn khá êm.

Hiền Lương hỏi Bông Bưởi:

- Sao em không bỏ hai chân hai bên cho cân, để xe chạy thăng bằng hơn?

Bông Bưởi cười:

- Em ôốt dôột (mắc cỡ). Chị Hiền Lương biết không, mạ (mẹ) em cứ phàn nàn một số loại yên xe, không phải loại yên xe Hon-đa bảy tám này, khi ngồi chở nhau, quá chừng dị (kì)! Cha em dặn, cách ăn, cách ngồi cũng là lễ nghĩa... - Cô bé bỏ lửng câu nói.

Hiền Lương thấy Bông Bưởi nói đúng. Cấu tạo yên xe gắn máy cũng là biểu hiện của văn hóa. Người Nhật và các dân tộc châu Á, trong đó có cả Việt Nam, Trung Hoa, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan..., vốn có nền văn minh Đông Phương sâu dày, cao rộng, nay đã lai căng về văn hóa quá rồi. Cái yên xe kiểu liền ấy phải chăng có nguồn gốc từ văn hóa du mục - sống trên lưng ngựa? Chẳng cổ hủ gì, nhưng dù là vợ chồng, lúc chở nhau, ngực cọ vào lưng, tay quàng eo, giữa đường giữa phố, trông thật chướng mắt. Thật ra, ở thành phố, cô đã quen mắt, ngỡ thường tình, nhưng nhờ chú Nông nhắc về lễ (văn hoá), giờ nghe Bông Bưởi nói, Hiền Lương càng giật mình. Chính phương tiện vật chất, hàng hóa tiêu dùng hằng ngày cũng làm biến đổi con người từ từ, dần dần lúc nào chẳng biết, tha hóa một cách vô thức. Ba của cô bảo, đấy là sự điều khiển ngầm, từng chút một, một hình thức xâm thực văn hóa. Từ cái yên xe, dẫn đến bao nhiêu hậu quả kinh khủng, có Ông trời Bà mụ mới biết!

Hành, chú Nông chạy phía trước. Hiền Lương, Bông Bưởi cũng theo sát, cách khoảng vài mét. Họ đã đến Dốc Miếu, Quán Phượng, Trúc Lâm... Cầu Đông Hà và sông Hiếu, chợ lầu thị xã như những chiếc thuyền neo bến, đã trước mặt. Hành dừng xe lại chờ. Hành hình như đã bàn với chú Nông, bốn người sẽ đi quanh thị xã tỉnh lị để Hiền Lương ngắm  Đông Hà cho biết, sau đó sẽ đi tìm chỗ ăn tối rồi ra ga chờ cô Bân.

Hành trình bày dự kiến với Hiền Lương và Bông Bưởi. Hành còn nói, sẽ đưa cả bốn người đến quán cháo bột, một loại đặc sản dân dã nhẹ tiền, của một thi sĩ Đông Hà.

- Vừa làm thơ vừa bán cháo? - Hiền Lương cười, hỏi Hành.

- Đúng vậy. Thơ khá hay, cháo tạm ngon. Cháo chỉ gồm cá lóc với bột gạo, và ném, một loại gia vị bà con với Hành!

 

2

 

 

Đêm qua, đến mười một giờ khuya cô Bân mới về đến nhà của thím Cận. Như đã dự định trước, đến Đông Hà, chú Cận mượn thêm một chiếc xe gắn máy nữa. Ở nhà, thím Cận đã chuẩn bị một nồi cháo gà. Hai bác Su cũng ngồi chờ.

Mãi đến mười hai giờ khuya, Hiền Lương mới nằm bên mẹ, thì thầm hỏi chuyện Bình Dương. Quen với nhịp thức ngủ của Thủ Dầu Một, sáng nay, sáu giờ cô Bân mới mở mắt thức dậy. Hiền Lương quen với ở đây rồi, cô đã dậy tập thể dục từ hồi nào.

Ăn sáng xong, cô Bân đang ngồi uống nước, chuyện trò với chú thím Cận, hai bác Su và các anh chị họ của Hiền Lương. Người khách đầu tiên tình cờ đến thăm là cô Hà. Bác Su giới thiệu:

-  Đây là cô Hà, vợ của bí thư Đảng ủy xã. O Hà cũng người Hà Nội, đang làm việc ở Ngân hàng huyện. Còn đây, cô Bân, người Hà Nội vào Nam lâu rồi, mẹ của cháu Hiền Lương.

Người đồng hương gặp nhau, ban đầu còn bỡ ngỡ, lát sau đã chuyện trò thân thiết. Thật ra, tuy hai người rất đàn bà này tỏ ra thân thiết với nhau, nhưng vẫn có gì đó hình như đang ngầm so đo với nhau. Đàn bà, hai chữ ấy gợi lên vẻ dịu dàng, ân cần, chịu thương chịu khó, chăm chút tỉ mỉ cho chồng con, nhưng cũng gợi nên một đôi nét khó cảm thông và khó chịu nổi, chỉ họ với nhau mới cảm thông và chịu nổi nhau? Có thể đàn bà nói chung còn bị quy định bởi nếp sống cũ, quan niệm cũ? Có thể, đấy là các biểu hiện của nữ tính với hai mặt của nó?

Nhưng rồi họ cũng mến nhau, sau lần gặp nhau sáng nay. Nhân ngày chủ nhật, cô Hà lại mời cô Bân sang nhà chơi.

Sau khi đi thăm một vài nhà bà con ruột thịt của chú Nông, đến chiều, cô Bân cùng Hiền Lương, Bông Bưởi sang nhà chú bí thư và cô Hà.

Nhà cửa cô Hà nom cũng khang trang. Trong nhà, cũng tủ thờ, bộ bàn ghế chữ H bằng gỏ bóng ngời, cũng xe gắn máy, các máy truyền hình, thu thanh, ghi âm.

Chú Tập, cô Hà rất niềm nở, ra tận ngõ để đón.

 

 

3

 

 

Sau vài lần gặp gỡ, chuyện trò, bởi cùng là người Hà Nội, cùng quê chồng bên bờ sông Bến Hải, lại chênh nhau chỉ năm, bảy tuổi, nên cô Bân và cô Hà đã có thể nói với nhau, chia sẻ với nhau những chuyện về mươi, mười lăm và cả một, hai trăm năm trước, tưởng như mãi găm vào lòng.

- Đoạn di cư vào Nam, chắc bấy giờ cô còn nhỏ lắm nhỉ? Cỡ bảy, tám tuổi chứ bao nhiêu? - Cô Hà hỏi với ngữ điệu thân thiện, không phải để hỏi.

- Vâng, cũng cỡ ấy. Hồi đó, sợ mấy ông Việt Minh lắm. Em đã có hai lần trải qua cảm giác ấy, năm tư và bảy lăm. - Cô Bân cười, phát âm s thành x, tr thành ch như cô Hà.

- Lần nào sợ hơn lần nào? - Cô Hà cười cởi mở.

- Lần thứ hai. Hồi bảy nhăm (lăm), em lớn rồi, nữ quân nhân ngụy, lại có chồng sĩ quan ngụy, lại dân theo Chúa mà di cư. Hồi nhỏ chỉ sợ theo cái sợ của cha mẹ, của giáo dân Chúa. Lớn, sợ cái sợ của chồng, của mình, lại hết đường chạy thoát. Sợ lắm. Cứ tìm mấy ông bà con giờ làm cán bộ để níu kéo, nương tựa, sợ nhỡ có tắm máu tắm miếc gì. Hóa ra không. Nhớ lại, buồn cười đứt cả ruột! - Cô Bân cười to, mắt long lanh ướt.

Cô Hà nắm tay cô Bân đang đặt trên bàn, như muốn chia sẻ. Mấy hôm trước, cô Hà thấy cô Bân sang trọng, quý phái, trang điểm rất kĩ và khéo, không giản dị như  Hiền Lương, cô Hà bỗng thấy mình quá quê mùa, sinh mặc cảm. Nhưng chẳng lẽ cùng dân Hà Nội, gặp nhau ở quê chồng, nhạt với nhau cũng khó coi, nên cố gắng niềm nở, thật lòng cô Hà ngại gặp lắm. Tuy cô Hà gượng gạo thế, rồi cởi mở với nhau cũng rất thật lòng. Cô Bân cũng không thể không mặc cảm với cán bộ. Từ Ngày Thống nhất đến giờ, niềm mặc cảm của người bại trận không thể chạy trốn, mặc cảm di cư, cứ âm ỉ, nghèn nghẹn với mặc cảm Đạo Chúa chất chứa từ hồi “Bình Tây sát tả” đến giờ. Dẫu từ đoạn Đổi mới, có hả hê đôi chút, nhưng mặc cảm ấy vẫn còn như một vết thương truyền kiếp, đôi khi lỡ chạm vào còn nhói cả tim. Vết thương ấy cô Bân biết chắc khó có thể lành lặn. Đoạn mới Đổi mới, cô ngỡ đã lành rồi chứ. Cô cũng chẳng biết chính cái cố chấp lại là phương thuốc xoa dịu vết thương mặc cảm ấy! Quả sự cố chấp chính kiến, khăng khăng cho mình đúng - di cư là đúng, thậm chí loại chính kiến “thà mất nước, chứ không thà mất Chúa” cho dù triều Nguyễn, sĩ phu “bình Tây sát tả” đến đâu, cũng đều xem là đúng -, những cố chấp ấy, trong thực tế Đổi mới, có xoa dịu thật! Và ăn mặc đẹp, phô trương vật chất, cũng là một phương thuốc hiệu nghiệm. Với cô Bân, ít ra chỉ với cô, phương thuốc ấy khá hay! Mặc dù tư tưởng còn ở dạng khá cảm tính, cô Bân vẫn có dáng dấp, cử chỉ rất trí thức, quý phái. Cô Bân lại dám nói thẳng, không biết do bản tính cởi mở hay do mặc cảm kia chi phối, nhưng lại rất chân thành.

Trong cô Hà, ngoài mặc cảm quê mùa nảy sinh, hồi mới giải phóng Sài Gòn, lúc cô từ Hà Nội vào thăm bà con, còn một mối hoài nghi những thứ lí luận mà cô luôn được củng cố bằng học tập, đài và báo. Sao Miền Nam nói chung, riêng Sài Gòn, người ta sống sướng thế! Bấy giờ, cô Hà chỉ mặc mỗi một loại quần đen thắt dải, áo cổ bẻ, tay dài gài nút, màu xanh hoà bình hay trắng, lại đi đôi dép nhựa cao gót, xách cái túi giả da xấu xí. Cô Hà choáng ngợp trước phồn hoa Sài Gòn đến muốn khóc cho hả, mặc dù nghe nói đấy là phồn hoa giả tạo.

Năm bảy tám, cô Hà có dịp vào Đà Nẵng công tác. Hồi ấy, vải để may quần chỉ có mỗi một màu đen cho phụ nữ, chất vải lại mau nhăn nhúm. Thợ quốc doanh đường kim mũi chỉ quá tệ. Cái quần cô mặc co lại quá ngắn, gần đến bắp chân. Một chị bán hàng ở Đà Nẵng nói cay độc:

- Chị giải phóng, mặc cái quần gì chó táp ba ngày không tới!

Mím chặt môi, cô Hà phang lại thật đắng:

- Chó Miền Nam đấy! Vì Miền Nam bà mới khổ thế này!

Chị Đà Nẵng không vừa, tung chưởng:

- Chó Liên Xô, Trung Quốc thảm quá, còn hàm hồ.

- Chó cố đạo, chó Pháp, chó Mỹ! - Chị Hà Nội quăng lại.

Chị Đà Nẵng điên tiết, định xuất lại một chiêu thật độc, nhưng sợ công an, đành hậm hực ngậm miệng.

Cô Hà bỏ cả một buổi họp vì đau đớn. “Gà nhà bôi mặt đá nhau” thế cho bọn nước lớn nó cười, hay hớm gì. Nhưng cô không ngờ cô cũng tệ hại đến vậy, nhỏ nhen và đê tiện đến vậy. Cô rút kinh nghiệm, cãi nhau về chuyện nhỏ nhen, đê tiện, hóa ra mình tự hạ mình xuống ngang tầm với chuyện đó. Nhưng vết thương vặt cũng đau như nhọt đinh, cô Hà mấy lần phát sốt khi nhớ lại mẩu chuyện ở chợ Cồn, Đà Nẵng. Năm ấy, cô Hà mới ba lăm, ba sáu tuổi.

Cô Hà nhìn cô Bân, nói trong thoáng hồi ức về mẩu chuyện cũ, tuy đã cố nén lòng :

- Phản loạn, chống Triều đình, “bình Tây sát tả”, chiến tranh, chia cắt Đất nước, rồi tư tưởng xung đột, đau lắm. Những người ở lại Hà Nội sau năm tư, còn đau như xé. Vết đau cả một trăm mấy chục năm rồi. Bây giờ, bọn Pháp, bọn Mỹ với mình làm lành với nhau, nhưng chúng thua trận chúng cũng đau, cũng nhục. Mấy tay cỡ như Mác Na-ma-ra thú nhận sai lầm nhưng cũng muốn gỡ gạc. Vừa hội thảo đấy.

Cô Bân hơi chột dạ, chạnh lòng. Cô  Bân cười gượng:

- Bây giờ, nói chuyện gỡ gạc thì hóa ra nhầm. Chị có thấy Liên Xô sụp đổ không. Trung Quốc cũng chấp nhận kinh tế thị trường, tức là tư bản, nhưng tránh dùng từ cũ kẻo mích lòng nhau.

- Ý tôi muốn nói, Mỹ gỡ gạc về chiến tranh. - Cô Hà nói dịu lại.

Cô Bân tấn công nhẹ nhàng:

- Chiến tranh ý thức hệ mà! Đấu tranh giai cấp gì đấy mà!

Cô Hà cũng non về chính trị, giật mình, lại cố dàn hòa:

- Ừ nhỉ, tư bản cũng có cái hay. Đổi mới, Mở cửa thấy khá hơn trước.

Cô Bân thừa thắng, cười thật tươi:

- Chỗ dân gốc thủ đô với nhau, lấy chồng cùng quê, nói thật, theo Chúa là đúng chứ! - Cô Bân lại nắm tay cô Hà đang để trên bàn -. Chị thấy không, nước nào theo Chúa đều khá cả. Chống Chúa chỉ mạnh lên một thời rồi sụp (II.15).

Cô Hà phân vân, nhìn cô đồng hương quý phái và son phấn:

- Chuyện đời bối rối thật, chả biết thế nào!

Thật ra cô Hà chỉ mới học lớp bảy hệ mười năm, gia đình cũng buôn thúng bán bưng ở Hà Nội. Cô Bân cũng lớp bảy hệ mười hai năm, hiện đang buôn bán vải, cái nghề cô phải theo từ sau bảy lăm, bây giờ yêu luôn, theo nghiệp của bố mẹ mang từ Hà Nội vào.

- Thời này cán bộ như hữu sản hóa hết rồi! - Cô Hà nói.

- Hữu sản chứ vô sản thế nào được! Tôi nghe ông Nông nhà tôi nói, tư hữu là bản tính xưa nay của con người. Ngày xưa mấy ông cha đạo, tức là linh mục đấy chị, cũng nói vậy. Cộng sản là hoang đường, huyễn hoặc! Làm sao có thiên đường trên trần gian được! Chỉ có sướng sung hơn thôi! Thiên đường thật chỉ có trên trời!

Cô Hà thấy chưa đồng ý, nhưng cũng chẳng nói gì, lòng vẫn băn khoăn. Thật ra, bực mình bởi thời cuộc đâm ra nghĩ ngợi dăm điều, cô Bân lẫn cô Hà vốn chỉ thích tin vào kết quả trông thấy, hạnh phúc chỉ là những gì rất cơm áo gạo tiền, và là, chồng con sung sướng, khỏe mạnh, được thiên hạ nể vì! Cô Bân, mắt sáng lên, trong bụng hả hê lắm khi nói chuyện với cô Hà.

Lúc ấy, Hiền Lương đang nói chuyện với Hành ở nhà ngang. Hình như Hành mới qua chơi. Bông Bưởi đang xem tập ảnh, cầm đến chỉ cho Hành xem hai người chị của Hiền Lương đã lấy chồng và đã ở riêng. Hành thấy hai chị của cô khác hẳn, chẳng tí nào giống cô. Hai chị vóc đậm, da đậm. Hiền Lương lại trắng, thon thả, không giống cha cũng chẳng giống mẹ. Hiền Lương quá xinh đẹp, tươi tắn.

Thấy Hành, cô Bân ghé tai cô Hà hỏi nhỏ về anh. Cô Hà cũng đáp khẽ. Cô Bân vừa nói chuyện, thỉnh thoảng vừa quan sát cái anh chàng đang ngồi ở nhà ngang với con gái của cô. Hai người trẻ tuổi, và cả Bông Bưởi nữa, có vẻ thân mật với nhau quá.

Thấy cô Bân bỗng dưng lơ đễnh, nói chuyện nhưng mắt nhìn vượt qua vai mình, hướng xuống nhà ngang, cô Hà hiểu ý.

- Hành được tổ chức huyện quy hoạch vào diện hạt giống đỏ, từ hồi còn trung học, mấy năm nay tạm về bám phong trào cơ sở, - Cô Hà nói khẽ -, để rồi cơ cấu vào các chức vụ chính trị quan trọng đấy.

Cô Bân hơi giật mình, sợ nghe nhầm:

- Là sao hở chị?

- Thì sao nữa! Nghĩa là tổ chức đã định hướng phấn đấu cho nó từ nhỏ! Vấn đề tổ chức mà. - Cô Hà nói rất khẽ.

Cô Bân nhíu mày. Cô Hà nói lảng qua chuyện khác rồi xin kiếu về. Hiền Lương đang bận tiếp chuyện Hành, đành nói lớn, chào cô Hà, mời cô Hà hôm nào lại sang chơi.

Cô Bân tiễn cô Hà ra tận ngõ, và cùng đi thêm một đỗi đường.

Người ta thường nói, đàn bà Bắc bộ thường sâu kín. Nhưng nhận xét ấy cũng tùy. Chính sự “chân thành, thẳng thắn” của cô Bân tạo nên sự cởi mở thật tình của cô Hà.

 

 

4

 

 

Ở Thủ Dầu Một, cô Bân suốt ngày ngồi ở sạp vải ngoài chợ. Chú Nông sớm chở ra, chiều tối rước về. Công việc nhà cửa bếp núc, sau khi Hiền Lương tốt nghiệp, cô con gái út này phải đảm đang tất. Thời giờ còn lại, Hiền Lương chỉ lo vẽ, luyện tiếng Anh, đọc sách. Lúc này, tại quê chồng, cô Bân ngồi uống nước sau khi ăn tối xong, nghe thím Cận, Bông Bưởi khen Hiền Lương, cũng thấy vui, cũng lạ cho con gái út của mình. Cô Bân thầm nghĩ, sao Hiền Lương thích nghi với đời sống nông thôn nhanh thế và hay thế, sao Hiền Lương càng lớn càng khác hẳn hai chị, mặc dù bao giờ vợ chồng cô cũng đối xử, giáo dục, phân việc cho ba chị em đều nhau hoặc như nhau. Nhưng cô Bân cũng gác lại ý nghĩ để chuyện trò với thím Cận và Bông Bưởi, gái út của thím, cho đến lúc cả nhà đều đi ngủ.

Đêm ở nông thôn, mọi nhà ngủ sớm. Hiền Lương nằm bên mẹ, thì thầm một chốc, rồi cũng ngủ mất. Cô Bân quen thức khuya, lạ nhà, không thể chợp mắt, cứ nằm nghĩ ngợi mung lung.

Hồi chiều, thấy Hành với Hiền Lương thân nhau, cô Bân cũng thấy lạ. Cô Bân cũng biết ở Thủ Dầu Một, có nhiều giám đốc trẻ của các doanh nghiệp tư nhân, thừa kế tài sản của bố, hay nhờ thân nhân Việt kiều, nửa cho hẳn, nửa cho mượn vốn, có nhiều họa sĩ nổi tiếng còn độc thân, thường săn đón Hiền Lương, sao nó chẳng yêu ai. Hai mươi hai tuổi rồi chứ ít gì.

Cô Bân chợt thấy Hiền Lương ngốc, còn ngốc. Hành chỉ là một anh giáo quèn, dẫu sau này có được cất nhắc vì là con liệt sĩ, ông bà nội đảng viên, bà nội kế cũng đã thành liệt sĩ... Nhưng đâu phải lần đầu tiên cô nghe cô Hà nói về vấn đề tổ chức. “Tổ chức là tức cái chỗ”. - Các cán bộ ngoài Bắc bà con xa với cô Bân thường nói thế. Hiền Lương yêu Hành chỉ làm chậm đường hoặc chặn đường tiến thân về chính trị mà tổ chức đã định hướng cho Hành. Cuối cùng chẳng được gì, cũng là cán bộ quèn, lương ba cọc ba đồng! Ôi, cuộc sống, cái sự so đo, tính toán, nó bẩn thỉu thế nào!

Ngày mới thống nhất hai miền, cô Bân hỏi rất kĩ các mặt của chế độ mới cho dễ sống. Và điều này, cô Bân nhớ là đã nói với Hiền Lương rồi cơ mà. Chú Nông cũng dặn dò kĩ rồi. Cô chị đầu của Hiền Lương có quan hệ với một công an viên thôi, sau khi cưới nhau, anh chàng công an ấy phải chuyển ngành. Con nhỏ Hiền Lương đầu óc cứ ở mây xanh, trăng với là sao, ru mây hát gió! Và Hành, anh chàng này chắc không thích chính trị rồi chăng! Cái ghế, ấy là vấn đề giai cấp cơ mà! Ngày xưa, môn đăng hộ đối, bây giờ, đỏ và đỏ, không trộn màu được! Hết thân thế, lại lí lịch!

Cô Bân còn nghĩ đến “diễn biến hòa bình” nữa! Ôi, cô thấy ngại quá... Phiêu lưu, tai họa! Và len lỏi, luồn lọt đê tiện!

Cô Bân vẫn không thể ngủ được. Nghiệm về cô con gái út, cô cũng thấy lạ, là càng lớn, tính tình, cách sống nó càng giống chú Nông. Nét mặt chẳng giống là tất nhiên. Cô Bân nghèn nghẹn. Hiền Lương là con gái út, hai chị đã ra riêng theo chồng. Nhờ có điều kiện trong những năm Đổi mới gần đây, nên Hiền Lương được học hành tương đối đến nơi đến chốn. Có lẽ, việc học hành cũng có ảnh hưởng nhiều đến cách nghĩ, cách nhìn của nó. Nhà trường trang bị kiến thức, giáo dục nó nhiều cái cô thấy cũng lạ. Hiền Lương có trình độ học vấn, nên chú Nông với nó trao đổi, tranh luận với nhau luôn. Nhưng, cô Bân thấy nghẹn ngào, khi nghĩ đến dòng họ. Thật ra, chẳng ai, không một ai biết gì về huyết thống của Hiền Lương, ngoài cô Bân. Nó không phải thuộc về máu mủ chú Nông, sao nó giống chú Nông về tính tình, cách sống đến vậy, và quá khác xa cha ruột của nó, một trời một vực. Lẽ ra, dòng máu cũng làm nên tính nết, cách sống, cách nghĩ, cách nhìn chứ nhỉ. Cái nòi ấy mà. Cô Bân nằm nghĩ miên man.

Đêm, làng quê đã trở ngọn nồm, mát rượi. Quen nhịp thức ngủ thị xã, lạ nhà, lại do bước qua tuổi năm mươi chăng, cô Bân không cách nào ngủ được.

Cô Bân nghèn nghẹn. Dòng máu mẹ cũng ảnh hưởng chứ nhỉ? Cô cũng có nghe người ta nói đến đồng biến và dị biến, trong mã di truyền về đức hạnh và tài năng. Nhưng giống lúa tốt cấy trên đất xấu thì sao. Hạt giống của cô với Đạc dẫu sao cũng đã gieo trên mảnh đất của cô với Nông. Giống thường quá, môi trường cũng thường. Hiền Lương lại vượt trội con cái những gia đình trí thức, quý tộc! Xuất thân từ trí thức, quý tộc cũ và mới, nhiều đứa bạn của nó chả ra gì, ngày càng rõ là dốt đặc, ăn chơi, đàng điếm. Ờ, nhưng “nước, phân, cần” còn quan trọng hơn “đất, giống”. Cô cười buồn. Có thể sức ép này nọ của thời thế cũng là “nước, phân”, và nghị lực vươn lên tạo nên “cần” chăng. Cô xấu hổ khi nghĩ đến Đạc, cha ruột của Hiền Lương. Không, không phải cô có nòi ngoại tình. Đó chỉ là một phút, cũng không phải một phút, trời ơi, cả mấy năm dài, cô Bân đã yêu điên mê và kín đáo cái anh chàng sinh viên tranh đấu người gốc Củ Chi ấy, nơi nổi tiếng là Đất thép!

... Đấy là năm bảy mươi lăm, những tháng hấp hối của chế độ ngụy Sài Gòn. Khi thiếu úy Nông bị điều đi làm nút chặn ở Xuân Lộc để các viên chức tháo chạy, chuẩn bị đầu hàng, Đạc đã được một người bạn thân nhất của cô Bân xin cho Đạc tạm thời nương thân ở nhà cô, bảo là Đạc chạy từ Trung vào, Đạc vốn là giảng viên đang dạy đại học ngoài ấy.  Đến bây giờ, chẳng hiểu tại sao chồng mới vắng nhà, trong bối cảnh rối bời, hoảng loạn ấy, tình yêu lại như sét đánh, cháy bỏng tim cô. Đến bây giờ, chẳng hiểu tại sao, cô quên bẵng hai đứa con gái mới sáu tuổi và ba tuổi đang ngủ say, để chuyện trò với Đạc. Trong trái tim mỗi người, phải chăng đã có sẵn bùa mê thuốc lú, chỉ cần một ánh mắt cùng tần số tình cảm khơi ra là bùa ngấm, thuốc vỡ, tan, hòa vào máu. Thêm vào, chính Đạc đã chơi trò đểu cáng, sở khanh, đánh thuốc kích dục vào tách nước, li cam vắt của cô? Như hai con vật ghê tởm, chả làm sao cưỡng chế được nhau, Đạc và cô Bân đã đi đến việc lăn lộn trên giường. Ban đầu, vừa kinh tởm, vừa ân ái, dần dần không thể không tìm đến nhau để hú hí trong khổ đau, dằn vặt.

Đến khi Sài Gòn được giải phóng, lo sợ, hoảng loạn, tiền lương bị cắt, chồng đi học tập cải tạo, cô Bân vẫn đắm vào cuộc ngoại tình như một thuở tân hôn! Khi sinh ra Hiền Lương - cái tên con, chồng ở trại cải tạo dặn dò để đặt -, tháng chín bảy lăm, cô Bân mới biết Đạc vốn người Củ Chi, gia đình ba đời hoạt động cách mạng, được tổ chức cấy vào phong trào sinh viên học sinh tranh đấu, hiện vừa công tác tại trường đại học vừa học nốt bậc cao học, chứ chẳng phải là giảng viên ở Trung vào, như cô bạn thân nhất giới thiệu, nài xin, gởi gắm. Đạc chỉ lớn hơn cô Bân hai tuổi, có giấy động viên tại chỗ (hoãn dịch) vì lí do gia cảnh, nhờ chạy chọt. Lúc trốn ở nhà cô,  Đạc đang bị cảnh sát ngụy săn lùng!

Đấy là tình yêu ư, hay chỉ hụt chân, và mãi quẫy vợi dưới dòng tội lỗi?

Cuộc ngoại tình đến bốn năm, chẳng ai trong xóm cô ở Thủ Dầu Một hay biết, thậm chí, không một ai nghi ngờ. Đạc chẳng bao giờ đến xóm nhà của mẹ con cô Bân. Những cái hẹn rất kín đáo, những điểm hẹn ở những nơi khác, rất xa.

Cuối cùng, cái anh chàng sinh viên tranh đấu, dao động, cơ hội từ trước bảy lăm về vấn đề chủ nghĩa chính trị, vẫn theo quán tính mà hoạt động cách mạng ấy, đã bị công an bảo vệ chính trị phát hiện ngoại tình hủ hóa với vợ sĩ quan ngụy, và đã bị khai trừ khỏi Đảng. Năm bảy chín, Đạc đã vượt biên, man khai lí lịch ở đảo tị nạn, xin định cư ở Ca-na-đa. Cô Bân nghẹn ngào khi nhớ lại cái anh chàng Đạc đa tình, đểu cáng, dao động chính trị ấy, cái anh chàng làm cô say đắm bởi nét điển trai, giọng nói ngọt như đường, cái anh chàng bôn-sê-vích lại rất tư sản ấy - gã sở khanh có nét mặt cương nghị!

Đấy là cuộc ngoại tình kì lạ duy nhất trong đời cô Bân. Và là đàn bà, cô biết chắc hạt máu nở sinh ra Hiền Lương, chính đã hình thành trong ân ái giữa cô với Đạc. Sự vụng trộm có sức lôi cuốn của nó!... Vâng, Hiền Lương chính là đứa con của cuộc ngoại tình ngọt ngào, đắng đót, nồng nàn, đầy tủi thẹn ấy.

Thật nguy hiểm biết bao nếu Hiền Lương, chú Nông và mọi người biết điều ấy: Hiền Lương là con của một anh cộng sản trí thức có ý thức phản Đảng, ngoại tình, ở nước tư bản nhờ vượt biên, man khai! Cô sợ hãi một ngày nào đó, sẽ vỡ lở chuyện cũ. Như thế không tránh khỏi sụp đổ, tan nát gia đình.

Cũng may công an chỉ biết một nửa là họ ngoại tình với nhau!

Cô Bân thấy dâng lên trong ngực cô một nỗi tủi nhục, hối hận. Nỗi tủi nhục, hối hận này không nguôi dày vò, cắn rứt lương tâm người đàn bà này suốt hai mươi hai năm nay!

Cứ mỗi khi khó ngủ, cô Bân mở mắt trong khuya vắng, lại âm thầm một mình chịu nỗi đau đớn, tủi hổ cồn lên trong tâm. Tội lỗi đó cô chưa một lần xưng tội cùng linh mục của giáo xứ, hay đến với các linh mục khác ở các giáo phận khác để được giải tội. Nhưng đã bao lần cô quỳ trước tượng Chúa và Đức Mẹ, đọc hàng vạn lần kinh ăn năn tội.

Chưa một lần đọc trọn vẹn Kinh Thánh, thường chỉ nghe các trích đoạn hay, với cách cắt nghĩa theo thần học La Mã của linh mục ở nhà thờ, cô vẫn hằng tin có Chúa, có Đức Mẹ hồn xác lên trời (!). Cô tin Chúa và Mẹ sẽ tha thứ cho cô. Cũng nhiều lần, cô nghĩ đến tu viện Con Đức Mẹ, cạnh nhà thờ tại trung tâm thị xã Thủ Dầu Một.

 

 

5

 

 

Mười một giờ khuya, với cô Bân đâu đã khuya lắm. Nhưng cả nhà chìm sâu vào giấc ngủ, lá ngoài vườn khuya xào xạc theo ngọn gió nồm, cô Bân có cảm giác giấc ngủ ở đâu đó cứ chờn vờn, hành hạ cô. Phải ngủ, ngủ như một cách chết, để ngày mai sống lại. Nhưng cô vẫn mở mắt thao láo rồi nhắm mắt thao thức.

Cô thương Hiền Lương quá. Con gái út của cô ngủ ngon với những suy tưởng cao xa, sâu sắc về thế giới hình tượng, đường nét và sắc màu của nó. Làm sao bé út Hiền Lương lại nghĩ số phận đã dành cho nó một “vết thương” tủi nhục, đau đớn. Nó cũng như chú Nông, ba của nó, không hề biết “vết thương” - thứ “vết thương” tội lỗi muôn thuở ấy -, chính cô, cô Bân, đã gieo vào tim họ. Hai cha con chưa hề biết nỗi đau đã mai phục sẵn trong tim, và sẽ không bao giờ biết. Đấy là chưa kể hai cô con gái lớn, nhiều bà con ruột thịt nội ngoại nữa! Tội lỗi của cô Bân đã thành tội ác. Hãy để cho tất cả mọi người thân ấy yên với sự không biết của họ. Chính cái biết tạo nên “vết thương”? Không. “Vết thương” có sẵn, nhưng đừng khơi dậy. Chẳng cần thiết phải khơi dậy làm gì. Có những “vết thương” cần phẫu thuật, để được cứu sống. Có những loại như “vết thương” cô Bân đã gieo cho Hiền Lương và chú Nông, không hề mưng mủ, phát bệnh. Họ vẫn lành mạnh suốt đời. Hãy để cho họ yên lành, - Cô Bân tự nghĩ -, để cho hai người thân yêu nhất của cô được yên lành bởi niềm tin tưởng không mảy may nghi ngờ về trinh tiết, đức hạnh của cô - người mẹ, người vợ đã ngoại tình!

Tội lỗi ấy đã thực sự trở thành tội ác : dòng máu lạ lạc vào gia phả của chú Nông! Cô Bân đã bao lần lạnh người khi nghĩ đến...

Cô Bân thương chú Nông quá. Cô Bân vẫn còn nhớ năm sáu tám, sau Tết Mậu thân, ở Trường Bộ binh Thủ Đức. Bấy giờ, cô đã là nữ quân nhân của quân lực cộng hòa ngụy, có người thân bán hàng giải khát ở câu lạc bộ khóa sinh, nơi thỉnh thoảng khi rảnh việc, cô ghé đến. Anh chàng Nông cao to, đen trùi trũi, nói giọng của xứ Quảng Trị vĩ tuyến mười bảy, tóc ngắn ngủn, không hề hớp hồn cô từ phút đầu, nhưng qua nhiều lần gặp gỡ, trong cô nảy sinh một niềm cảm mến. Cô có cảm giác đấy là một con người không tầm thường. Nông cương nghị và có nhiều cao vọng. Đấy là chất đàn ông, là chí làm trai, là nam tính. Cô Bân không thể chịu nổi loại con trai đàn ông ẻo lả, tóc tai bù xù hoặc thả dài óng mượt, chải chuốt như phụ nữ mà hồi ấy đang là thời trang. Rồi những ngày lễ, ngày chủ nhật, Nông về nhà Bân thăm. Rồi cưới nhau, sau khi Nông mãn khóa với quân hàm chuẩn úy.

Bấy giờ, Quảng Trị là địa đầu, súng đạn khốc liệt. Những chiếc hòm liệm xác tử trận phủ cờ vàng ba sọc đỏ được chở trên xe GMC. với hai người lính bồng súng, chạy về các đường phố, hương lộ, huyện lộ mỗi ngày, như những ám ảnh kinh hoàng. Nông không muốn lập công bằng súng đạn và chiến trận. Nông thích làm chính trị. Nông đã là tín đồ Thiên Chúa giáo, giáo sư trung học đệ nhất cấp, lại là đảng viên Quốc Dân đảng. Nông mê Nguyễn Công Trứ (18). Bân cũng thích chồng mình có chí lập công như thế. Bân đã tìm mọi cách để trở thành “vợ ngoan, làm sang cho chồng”, xin xỏ, chạy chọt để Nông ở lại Bình Dương, khỏi về Quảng Trị, lại tìm cách giới thiệu Nông đến những nơi có thế lực để hòng kiếm phiếu bầu sau này. Bước đầu, Nông sẽ ứng cử dân biểu, rồi thượng nghị sĩ.

Đấy là chí nguyện của Nông và của Bân, vì chưa biết đó là ảo vọng!

Nhưng dần dần, càng hiểu sâu về chính trường lúc bấy giờ, những năm sáu tám, bảy mươi, Nông thấy sân khấu chính trị chả hề giống với sách vở, với những bài lí luận tuyên truyền. Dưới và sau những từ ngữ hoa mĩ mị dân là tham nhũng, ăn chơi, hút sách, cả bẩn thỉu, cả thủ đoạn đê mạt nữa. Lòng yêu quê nhà, yêu Tổ quốc của một nhà giáo tỉnh lẻ từng một thời đồng nhất với chủ nghĩa chống cộng, với lí tưởng cộng hòa tư hữu, tự do, công bằng, dân chủ, đã thành nỗi đau trước Đất nước với một thứ ảo mộng ngây ngô, và đã đến lúc vỡ mộng. Bây giờ, mỗi đêm, nằm bên cô Bân, Nông đâm ra thở dài, những tiếng thở dài có mùi thời sự. Nông khinh bỉ bọn đầu cơ chính trị và chiến tranh. Đấy là các loại đảng phái như nấm mọc sau mưa từ hồi Ngô Đình Diệm lẫn Nhu bị bắn chết. Đấy là những tên hoạt đầu đội lốt hay mượn tay tôn giáo. Đấy là các gã tư sản mại bản. Đấy là những con rối, bù nhìn của chính trường sân khấu. Bây giờ, sau học thuyết “cần lao - nhân vị - duy linh”, đến thiền học dấn thân, nhập thế, đến hiện sinh nôn mửa, đồng tấu với các ca khúc về thân phận nhược tiểu, rầu rĩ, hoặc viễn mơ. Nói chung, không khí chính trị - xã hội - văn hóa - tư tưởng ấy chỉ làm cho Nông thêm đau đớn, ngán ngẩm. Không ai có thể hi sinh xương máu cho các tướng, các chính khách bù nhìn ăn chơi. Dấn thân vào chính trị với thế lực tôm tép như Nông chỉ là ảo vọng cay đắng của một anh sĩ quan cấp thấp, một anh giáo viên tỉnh lẻ đầy lí tưởng sai lầm và khờ khạo.

Bân chỉ mộng được khôn khéo để “làm sang cho chồng”, giúp chồng thăng tiến, bây giờ có con, ngấm thêm tiếng thở dài thời sự và thế sự của chồng, mộng ấy cũng êm đềm vỡ. Bân cũng dần dần an phận.

Gương mặt cương nghị ngăm ngăm đen của Nông như bất động rồi gục xuống trong tiếng đại bác, tiếng súng trường, trong âm nhạc thê lương làm tiêu ma hết mọi ý chí và nghị lực. Vầng trán thao thức, phẳng một niềm tự tin, đã cau lại những nếp hằn bất lực. Các thứ triết học, không một chút sức sống, chỉ khiến con người rã rời, sa đọa, xa lạ với cả chính xã hội mình sống, đừng nói đến cầm súng cho một lí tưởng, dù lí tưởng ấy thế nào đi nữa.

Đấy là thứ sản phẩm của bế tắc dẫn đến bế tắc. Siêu hình: Nổi loạn với hư vô. Thực tại: Tự do đến mức hủy hoại cả tự do, dân chủ đến mức làm phá sản nền dân chủ - hủy hoại và phá sản bởi không có chính nghĩa, bởi thiếu vắng những con người chính nghĩa -, mặc dù, thảm hại thay, tự do, dân chủ được ban phát!

Những loại phim, sách, báo dâm ô, đồi trụy sặc mùi  Phơ-rớt!

Rốt lại Nông thấy khẩu hiệu chiến tranh ý thức hệ của chế độ Miền Nam hoàn toàn không thể không phá sản, hoàn toàn không thể đương đầu với chiến lược đấu tranh giai cấp về mặt văn hoá - tư tưởng của Miền Bắc. Một mặt trận với đội quân cầm bút vô chính phủ không thể chiến đấu được với cái được chế độ Miền Nam gọi là văn hoá văn nghệ chỉ huy, bị hay được chỉ huy. Chủ nghĩa Hồ Chí Minh lại có sức sống và vô địch. Siêu hình, mông lung, xa rời quần chúng, làm sao chiến đấu với thực nghiệm, duy lí, có tính quần chúng, và cái cốt tủy nhất là tính dân tộc. Vân vân...

Nông bỗng ngấm đau cho cả hai miền Đất nước về chiến tranh. Đất nước phải chăng thành thí điểm giao tranh của hai khối? Đấy là sự thật? Đấy là luận điệu của những cái loa sô-vanh nước lớn? Đất nước như một vũ đài, một sới vật mà hai miền là hai võ sĩ của hai ông bầu cá độ? Sỉ nhục Tổ quốc và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam bằng luận điệu đó? Luận điệu đó của ai? Của một số bồi bút?

Nông đâm ra lừng khừng, nhất là sau khi gặp lại vị linh mục Quảng Bình. Ông linh mục di cư chống cộng, từng đỡ đầu cho Nông, đã cởi áo chùng đen tu sĩ. Ông bảo Nông, giọng xót xa, trầm lắng:

- Tôi đã đọc lại Kinh Thánh với con mắt khoa học, có phân tích, có suy nghĩ, thấy đó không thể là Lời Thượng đế. Không thể có một Thượng đế độc ác và kém thông minh như vậy. Quy luật tự nhiên giữa các sinh vật, từ thực vật, động vật (kể cả vi sinh vật) đến con người, quả là kinh tởm, kinh khủng, rùng rợn. Giê-su cũng chẳng cứu rỗi được! Không phải mới mẻ gì điều này (II.15). Tôi thành thật xin lỗi Nông, đã kéo Nông vào con đường sai lầm, tuy cũng có lắm điều hay. Hay là phụ, sai lầm là cơ bản. Tôi đau đớn và bình tĩnh xin lỗi Nông. - Vị linh mục nói, cơ hồ đang ứa nước mắt.

Thật ra, lâu nay, Nông đã đọc nhiều sách hiện sinh vô thần. Nông hiểu vị linh mục rửa tội cho Nông nói thành thật. Nhưng vì cuộc sống, vì quán tính, Nông vẫn đi nhà thờ xưng tội, rước lễ như một người tự buông xuôi theo dòng đời. Trong tâm hồn Nông đã có một sự nổi loạn.

Lừng khừng, buồn nản, bảy năm đi lính, Nông cứ theo thời hạn mà thay quân hàm, rồi lại bị phạt, bị an ninh quân đội để ý, bị cố tình làm trễ quyết định thăng cấp, cuối cùng chỉ là thiếu úy.

Có nhiều lần cô Bân nhận thấy, nhiều điều nghe Nông kể lại trong khuya khi hai vợ chồng sắp đi vào giấc ngủ mỗi tối. Quán tính của cuộc đời lôi người ta đi. Ý nghĩ có trăn trở, thao thức mấy, cũng khó trở thành một nổi loạn, một phản kháng chống lại sự cuồng dại, buông xuôi của đám đông với sức ì, đà tuột của xã hội! Đấy chỉ là ý nghĩ từ suy tư của cá nhân.

Cô Bân có cảm giác không rõ ràng về điều đó, không diễn được ra lời.

 

6

 

 

Mười hai giờ khuya.

Giờ này ở Thủ Dầu Một, cô Bân chìm vào giấc ngủ rồi, như thường lệ. Nhưng ở quê chồng, ngôi làng ven sông Bến Hải, đêm nay cô Bân khó ngủ còn vì một lẽ, ngoài những lí do khác, đó là những xúc động, những ý nghĩ trong cuộc chuyện vãn với cô Hà hồi chiều.

Cô Bân cũng tự biết, không phải mọi điều người ta nói ra, trong thâm tâm họ cho là đúng hết. Vì tự ái, cô Bân vẫn khăng khăng cố chấp một số điều mà cô đã hoài nghi và thậm chí đã chắc chắn sai mười mươi.

Thời tuổi nhỏ, những năm mới lớn, cô Bân thi thoảng còn nghe ông cố nội, ông nội và cả một số bà con ruột thịt kể lại về hiệp ước Vẹc-xay (Versailles) giữa Nguyễn Ánh với Pháp hoàng. Trong việc đó, vai trò thực dân của cha cả Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) là quá rõ. Đâu chỉ Bá Đa Lộc, về sau, rõ nhất là trong các vụ phản loạn lật đổ triều đình, còn có cả cố đạo Du (Marchand), cố đạo Trường (Legand de la Liraye), cố đạo Xuyên, cố đạo Hắc Nho (đều là người Tây, người Pháp)! Cô Bân nghe kể, các “ngài” ấy đã kích động giáo dân Nam, Bắc chống phá triều Nguyễn thế nào, hứa hẹn  thế nào về một nước Đại Nam “được” “bảo hộ”, Đạo Chúa trở thành quốc giáo! Và chẳng hiểu sao ông cố nội, ông nội cùng những bà con ruột thịt của cô Bân không thể quên được chuyện Hà Nội và mấy tỉnh lân cận thời Ngạc Nhi (Françis Garnier), thời Lí Ba Lợi (Henry Rivière) xâm chiếm, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu tử tiết, và nổi bật lên gương mặt Nguyễn Văn Tường - người mà giáo dân căm thù tột đỉnh, lần thứ nhất (1873-1874), mưu tính bắt cóc ông ta, rồi lần thứ hai về sau (1881-1885), quyết tâm hạ bệ, đánh đổ ông ta! Phu Chi Nhi (Puginier), giám mục Pháp, tên thực dân này lại trở thành ân nhân của giáo dân Hà Nội, Hưng Yên...!!! Cô Bân hiểu thực chất của vấn đề qua lời kể ngọt ngào, đầy luyến tiếc “công đức” thực chất là tội ác phản quốc, xen lẫn cảm tưởng ngậm ngùi của đức tin nô lệ ở những con người đã được tập luyện vừa đi, vừa đọc kinh, và quỳ đầu gối sùng bái trên “chặng đường thánh giá”, “chặng đường của Chúa Giê-su tử đạo”. Từ đó, thấm dần vào cô “thú đau thương”, “hạnh phúc được tủi nhục vì Thiên Chúa”, “ước vọng và tinh thần sẵn sàng chết vì Thiên Chúa” để về với Nước Chúa vĩnh hằng, còn sá gì Tổ quốc ở cõi tạm trần gian này! Cô Bân còn mơ hồ nhận thức ra sự thật : Vì tôn thờ Chúa Giê-su tử đạo, nên không có tôn giáo nào có số lượng tín đồ tử đạo lớn như Thiên Chúa giáo. Thế thì trách gì thảm họa “sát tả” của triều Nguyễn! Cô Bân đã bao lần giật mình, thức tỉnh như thế, cũng đã bao lần lại đắm chìm, mê muội trong đời sống hằng ngày với cảm thức tín đồ như thế.

Cô Bân làm sao quên được hôm thiếu úy Nông, chồng cô, mời vị linh mục người Quảng Bình, trước kia là cha đạo ở Quảng Trị, từng làm lễ rửa tội cho anh, nay đã trả lại áo chùng đen tu sĩ để về lại đời sống người thường, đến nhà vợ chồng cô ăn một bữa cơm tối. Năm ấy, một ngàn chín trăm bảy mốt, linh mục đã gần năm mươi tuổi, chẳng hiểu vì sao ông lại về với đời sống trần phàm. Ông đã làm lại cuộc đời một cách trung thực, với rất nhiều dũng cảm. Ông lập gia đình riêng và dạy học. Lần này gặp Nông, ông đã bớt xúc động.

Trong bữa cơm, hai người nhắc lại những năm tháng ở trường Thánh Tâm và thị xã Quảng Trị, với những kỉ niệm của họ. Ông nói, khi bữa cơm đã đến lúc dùng món tráng miệng:

- Nhớ năm ngoái, khi gặp lại cậu ở Sài Gòn, sau mấy năm từ độ chia tay ở Quảng Trị, mình có ý mong cậu đọc lại Kinh Thánh, với con mắt khoa học. Nói cách khác, chúng ta cần lấy khoa học rọi vào tôn giáo. Từ nhiều thế kỉ trước, các nhà tư tưởng, các nhà khoa học tự nhiên và xã hội đã làm điều này. Những vấn nạn đã được đặt ra và người ta đã từ lâu phủ nhận Thượng đế (II.15). ... Tại sao Chúa tạo ra con người như một sản phẩm sai lầm? Tại sao Chúa phạt con người bằng lụt hồng thủy, cứu gia đình Nô-ê rồi “phạt” bằng tội loạn luân như một tất yếu? Chắc cậu còn nhớ chuyện cha con ông Lót sau khi thành Sô-đôm bị Chúa thiêu hủy? Môn siêu hình học trong trường phổ thông đã gián tiếp trả lời qua việc trình bày có hệ thống các quan niệm hữu thần và vô thần, duy tâm và duy vật. Riêng về Tân ước, ngay Tin Lành giáo cũng phủ nhận Đức Mẹ đồng trinh. Trên cơ sở văn bản Kinh Thánh, có người còn nghĩ Giê-su chỉ là đứa con rơi... Và tại sao Chúa Giê-su cứu thế bằng cách rao truyền thuyết mạt thế như một báo động cấp bách, và thỏa hiệp, hay ít ra không hề chống lại chủ nghĩa đế quốc, bấy giờ là La Mã, mà chịu chết bởi quan cai trị La Mã một cách hèn yếu, cam đành đến vậy? Chính Giê-su đã góp phần đưa đến thảm họa mất nước hai ngàn năm của dân tộc Do Thái chăng? Nhiều vấn nạn nữa, trong đó có lịch sử giáo hội Việt Nam, một giáo hội vốn là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân, một giáo hội đã đẩy dân tộc mình vào chỗ mất nước. Kinh Thánh có phải là vũ khí tâm lí chiến, tư tưởng chiến để đế quốc La Mã xâm lược thời xưa? Nay các nước Phương Tây cũng dùng nó với mục đích ấy? - Ông ngừng lại, nhấp ngụm trà, hơi bối rối, nói tiếp -. Thử nghĩ, nhưng không nghi ngờ gì nữa, rõ là những tiếng chửi thề “đ.m.”, “fuck you”, đều xuất hiện từ thời nguyên thủy! Trong những huyền thoại của Cựu ước, có cái lõi hiện thực, phản ánh thực tế lịch sử các nhân chủng và nhân tộc. Cậu đã đọc chủ nghĩa Mác - Lê. Mác đã lật ngược vấn đề rất hay, phải không? Tóm lại, tôi không tin có một Thượng đế kém thông minh, độc ác đến vậy. Đạo Phật vô hình trung cũng đã phủ nhận Thượng đế khi Phật phát hiện chúng sanh ăn thịt nhau để sống, kể cả cỏ cây có sự sống. Nếu bảo quả đất này là địa ngục, rõ địa ngục này được lập ra bởi một Thượng đế quá độc ác. Thế giới này do quỷ Sa-tăng cai quản, đúng hơn. Sa-tăng sáng tạo ra quả đất này. Và Thiên Chúa, nếu có thực, vẫn bất lực trước quỷ dữ Sa-tăng? Đấy cũng là một lí lẽ để thấy Thiên Chúa không có chăng? Mác-xít đã đúng, duy vật, tiến hóa luận, vô thần luận đã đúng chăng? Tất cả mọi nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác đã có trước Mác. Mác chỉ kế thừa, phát triển thêm, Mác vẫn là nhà khoa học, nhà cách mạng lớn. Ga-li-lê, Cô-péc-níc, Căm-pa-nen-la, Xanh Xi-mông, Hê-ghen... là những tiền bối của Mác.

Nông chẳng nói gì, anh lặng nghe ông linh mục trung thực, dũng cảm ấy. Đúng là những tín điều đã bị lật lại từ bao thế kỉ... Đúng là những vấn đề lịch sử đã được xới lật, nhìn nhận lại, ở những năm gần đây, ở một vài người...

- Về chuyện cũ ở thị xã Quảng Trị, điều mà cậu băn khoăn, đó là vụ cậu đã vô ơn với thầy giáo tiểu học, tố cáo Học với mật vụ: Thật ra, sau khi cậu vào lính, tôi được bọn mật vụ cho hay, lúc chúng say rượu, rằng cậu đã trúng kế li gián của bọn chúng. Bọn chúng muốn tranh thủ cậu, nhưng cậu lừng khừng, nên đã tung tin Học sắp ám sát cậu, để cậu phải tự vệ. Bọn mật vụ tạo điều kiện thuận lợi để cậu nhờ chúng bảo vệ và tố cáo Học. Chúng buộc cậu vào thế phải hạ thủ trước. Thế là cậu phải chống cộng để tồn tại. - Ông ngậm ngùi -. Cuộc đời buồn, chính trị bẩn, là thế đấy!

Nông sững người khi nghe ông nói. Nông rợn ốc trên hai cánh tay, rợn cả vòm ngực. Sự thật quá kinh rợn. Mật vụ nắm biết Học còn rõ hơn Nông!

Đêm ấy, Nông nghiệm lại lời ông cựu linh mục từng là ân nhân. Vấn đề quy luật tự nhiên, sinh vật ăn thịt nhau, cả sự thể bầy người nguyên thủy quần hôn, tạp hôn thuở xa xưa, từ trước và từ thời gia đình Nô-ê... như một tất yếu lịch sử chả có gì phải bàn. Chỉ riêng chuyện tố cáo Học làm anh bao năm không nguôi ân hận, đau lòng, hóa ra là vậy. Vừa nhẹ nhõm vừa khắc khoải, anh nghe ngực tràn một niềm đau cay đắng, nghẹn ngào. Và Nông cứ đau đáu nghĩ ngợi về vấn đề cốt tủy nhất: lòng yêu nước, đã trở thành lẽ sống, thành triết học của người Việt, làm sao có thể dung hợp được với ý thức tự nguyện chịu chết trên cây thập giá của đế quốc với ảo tưởng về một Nước Chúa trên trời nào đó? Nông thấy mình bị lừa đến thê thảm. Anh đã ngu dốt đến thế sao! Rồi sẽ còn bị lừa gì nữa? Nông nghiền ngẫm, lật ngược, lật xuôi mãi cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, một cuốn sử được viết dưới thời thực dân.

Trong bữa cơm ấy, cô Bân lắng nghe tất cả. Cô cũng bàng hoàng. Nhưng rồi mọi người vẫn đi nhà thờ nghe giảng Kinh Thánh, rước vào miệng Mình thánh Chúa, biểu tượng của thịt và máu Chúa Giê-su, như mọi ngày. Nếu không phải là ông linh mục đã rửa tội cho Nông lúc nhỏ, cô Bân đã chẳng chịu nghe lấy nửa lời. Guồng máy của tín điều tôn giáo vẫn chạy theo quán tính với sức ám thị êm ái về sự cam chịu. Người ta vẫn hiểu Kinh Thánh theo cách của người ta xưa nay với giọng giảng thiêng liêng trong nghi thức thiêng liêng của linh mục, mục sư, trong giáo đường, nhà nguyện thiêng liêng. Tỉnh tỉnh, mê mê, lơ mơ trong sinh hoạt tôn giáo đã trở thành một nhu cầu, một tập quán nhiều đời. Ám thị với nhiều hình thức...

Rồi cô Bân cũng đã quên đi lời ông cựu linh mục. Chú Nông cũng vậy. Cái quay vẫn búng sẵn trên đời. Vâng, trên đời, chứ không phải trên trời. Con người quay theo nhịp quay của nó, cứ vô thức, hữu thức, rồi lại vô thức. Cô Bân cũng quên mất, chú Nông cũng chẳng nhớ chính lời chú dặn cô và cả Hiền Lương, rằng để chống lại ám thị phải biết cách xới, lật, ngược, xuôi mọi vấn đề! (II.15). 

 

 

7

 

 

Không giờ mười lăm. Không giờ bốn lăm.

Cô Bân dần dần chìm vào giấc ngủ mỏi mệt. Trong chập chờn: gương mặt chú Nông lại hốc hác, chớm những sợi bạc trên mái tóc, khi mới tuổi bốn mươi, từ trại cải tạo ngụy quân trở về. Trở về, vào những năm tám mươi, chú Nông thẫn thờ chiêm nghiệm. Chú toan nổi điên đưa vợ con lên một khu rừng thật hẻo lánh, xa vắng bóng người để ở ẩn. Nhưng đấy chỉ là ý nghĩ điên rồ. Biết là điên rồ, chú Nông vẫn nuôi dưỡng ý định ấy mấy năm trời. Có nhiều lần, chú đã vượt biên, khi cả nhà, khi một mình (sẽ bảo lãnh vợ con sau), với ý định xin được định cư ở một nước nào đó chẳng dính líu đến chiến tranh Việt Nam, như Thụy Sĩ, Hi Lạp gì đó. Một cách tỉnh táo nhưng cũng rất bức bối, chú Nông bảo với bạn bè cũ, kẻ thù chính là tất cả các nước dính líu đến cuộc chiến vừa qua, từ thời Pháp thực dân đến nay. Trong đó, đặc biệt là đế quốc Tây Ban Nha, phát-xít Nhật, đế quốc Mỹ. Trong đó, gồm cả các nước thực dân, đế quốc như Anh, Bồ Đào Nha, có dính líu ít nhiều! Trong đó, gồm cả Nga Sa hoàng, Liên Xô, Trung Quốc, theo chú Nông, đã dính líu! Cộng hòa Liên bang Xô-viết, đấy là đế quốc đỏ gồm Nga và mười mấy nước bị sáp nhập; có thể nói, kể cả phong trào xích hóa để trở thành thuộc địa đỏ Xô-viết Nghệ - Tĩnh! Chú Nông gần như phát rồ, tự đánh lừa, tự vuốt ve nỗi đau đã trót làm lính ngụy, trót theo “thập ác” bằng cách vin níu vào danh từ, vào sự sai lầm về hình thức - biểu trưng có tính quốc tế của phong trào cách mạng vô sản, phong trào vốn xem nhẹ biểu trưng dân tộc.

Thực ra, không phải chú Nông không hiểu rõ: Tội ác xâm lược nước ta và các nước Á - Phi - Mỹ la tinh là từ sự câu kết của Giáo hội Thiên Chúa giáo với thực dân, đế quốc. Sự liên minh ma quỷ ấy tất yếu phải dẫn đến việc tự khai sinh, lớn dậy của phong trào cộng sản trên thế giới - một liên minh đối trọng, một lực lượng chính nghĩa và tiến bộ, theo hệ tư tưởng nhân văn xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Không còn con đường nào khác!

Trong chập chờn giấc ngủ, cô Bân thấy gương mặt chú Nông cúi gầm trên sách và báo chí, mang từ chợ trời, từ nhà sách về. Dần dần, chú Nông căm thù luôn cả các nước tư sản đế quốc kinh tế với hình tượng con bạch tuộc nhiều vòi, con đỉa hai vòi - ẩn dụ về các tập đoàn tư bản liên quốc gia đối với các nước nghèo và lao động chính quốc. 

Rồi, Đổi mới, chú Nông quyết định không đi Mỹ như tự hứa bao năm trước, mặc dù công an có gọi chú lên lập hồ sơ theo diện H.O. (sự thỏa thuận của Mỹ và Việt Nam), vì đây là cuộc chiến tranh Việt - Mỹ, cũng như trước đây, chiến tranh là chiến tranh Việt - Pháp.

Con người ngăm ngăm đen, cương nghị, gân guốc, lại làm thơ, vẽ tranh. Hiền Lương và chú Nông tâm đắc với nhau dù tranh luận với nhau cũng nhiều về văn học nghệ thuật, cả về triết học, văn hóa, đặc biệt là về lịch sử. Văn chương, triết học... thời Đổi mới đã sâu rộng hơn, dân chủ hơn... và cũng không ít sai lệch, xuyên tạc nghiêm trọng, bên cạnh sự nhìn lại, đánh giá lại để đạt tới sự chính xác, chân thật hơn... Một trong những cuốn sách về sử học cả chú Nông lẫn Hiền Lương đều tâm đắc, rất tâm đắc, đó là cuốn “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa” của giáo sư tiến sĩ người Nhật T-su-boi (Yoshiharu Tsuboi), mặc dù vẫn còn khía cạnh này nọ, ở một đôi chỗ, do quan điểm tư sản, bảo hoàng chi phối, như phê phán chỗ dựa giai cấp của triều đình là nông dân nghèo, không thấy được thuế ruộng Bắc kì là ưu đãi cho thành phần đông đảo và cơ bản đó; vụ Dục Đức bị truất phế vì không đủ tư cách đạo đức để làm vua, vì sự lên ngôi của Dục Đức chỉ gây khó khăn cho nhóm chủ chiến (Dục Đức đã câu kết với “tả đạo”), lại quy kết do tham vọng của phụ chính là muốn giành ngai vàng cho Kiến Phúc; và đánh giá sai lạc về hệ thống sơn phòng, lực lượng hương binh...

Nhưng cô Bân vốn chẳng có đủ học vấn, lại thiếu thì giờ để đọc, để suy luận, cô buông mình theo đà quay của suy nghĩ cũ vốn đã hằn trên não trạng. Cô Bân biết mình hơi cố chấp, cực đoan, mặc dù chú Nông đã bao lần khuyên cô đừng tự và đừng bị khoét sâu mặc cảm. Trong các thủ đoạn chính trị, có thủ đoạn khoét sâu mặc cảm để li gián, chia rẽ. Phải chăng, người Mỹ, Pháp, Nhật... trở lại Đông Dương, cần tăng sâu độ đau mặc cảm của lính ngụy, người theo các tôn giáo, nhất là giáo dân Thiên Chúa giáo, để tạo nên hậu thuẫn trong cuộc thực dân về kinh tế trong giai đoạn Mở cửa này? Đúng hơn, vừa đánh vừa xoa, để các lực lượng mặc cảm với chế độ mới vừa yếu đi, vừa có thể làm hậu thuẫn về việc làm ăn kinh doanh, một khi chế độ mới là cộng sản đã bắt tay với Mỹ, Pháp, Nhật và các nước cựu thù? Và Nhà nước hay lực lượng tôn giáo, xã hội nào đó phải cần một đối sách thời Mở cửa, mặc dù chỉ đồn miệng? Chú Nông thấy việc đời quả thật quá bối rối! Chú Nông ngao ngán thở dài, khi tâm sự với cô Bân điều đó.

Đêm đã khuya, những ý tưởng vốn không rạch ròi, khúc chiết và rất nhiều sự việc chỉ là những hình ảnh cảm tính rời rạc chưa thành ý tưởng trong đầu óc của cô Bân lúc ban ngày, bây giờ chỉ hiện ra trong khoảng chập chờn giấc ngủ như những ấn tượng, những cảm giác lờ mờ, lơ mơ, chẳng hạn có những mẩu đối thoại giữa hai cha con, chú Nông và Hiền Lương, vẫn còn lưu lại trong kí ức cô Bân, nhưng cô cũng không thật thấu hiểu. Cô Bân cảm giác những điều trừu tượng ấy hơn là nắm bắt, thấu hiểu một cách chính xác chúng.

Đến bảy giờ sáng, cô Bân mới thức dậy. Cô đã thiếp ngủ trong trăn trở, mệt mỏi, và tỉnh dậy trong rã rời, ê ẩm. Khi mở mắt ra, theo quán tính, cô Bân ngỡ đang còn ở nhà tại Thủ Dầu Một, và ý nghĩ đầu tiên là về sạp vải ở lầu một của chợ.

 

 

8

 

 

Ăn sáng một cách uể oải, ngồi nghỉ, đi quanh trong vườn một mình cho thanh thản trở lại, cô Bân vẫn bần thần vì giấc ngủ trằn trọc, những chuỗi hồi tưởng lơ mơ trước khi ngủ đêm qua. Đúng là hồi tưởng lơ mơ của tiềm thức chập choạng, chập chờn trong không khí nóng hực của gió nam lửa và dịu nồm trở ngọn về khuya. Cô chẳng thấu hiểu, vâng, chẳng thấu hiểu những điều trừu tượng ấy, cô chỉ cảm giác về chúng, những điều ẩn khuất, đau đáu, trăn trở ở chú Nông, ở ông cựu linh mục và bạn bè chú. Buồn buồn trong trạng thái rã rượi, cô Bân trở vào nhà. Hiền Lương vẫn mê mải trước khung tranh. Chú Cận dưới nhà ngang đục đục bào bào. Bông Bưởi đang đọc sách. Thím Cận mỉm cười với cô Bân trong khi tay vẫn thoăn thoắt thái cây chuối để nấu cháo cho bầy lợn đang ủn ỉn trong chuồng.

Ngồi bên cạnh chuyện trò với thím Cận, cô Bân thấy nhói trong tâm vết thương tội lỗi ngoại tình cũ. Vết thương ấy đeo đẳng trong cô không bao giờ lành lặn.

Chuyện trò mà hồn để đâu đâu.

Thím Cận hơi áy náy. Thím đoán chừng cô Bân đã quen với nếp sống của người thành thị, suốt ngày, năm này sang tháng nọ, chỉ ngồi ở sạp vải đủ màu thơm thơm giữa chợ, khó quen với cảnh vật và nhịp sống nông thôn, cũng có thể mất ngủ vì mùa này Quảng Trị khô khao, hừng hực nóng, kể cả lúc đêm về, mà chính thím, sinh ra, lớn lên, già đi ở đây cũng thấy nhừ cả người.

Ngồi bên cạnh thím Cận, cô Bân thấy con gái út đang quay lưng về phía mình say sưa vẽ tranh. Cô Bân mỉm cười, thầm thừa nhận Hiền Lương có mái tóc dài và cái lưng, đôi vai, đôi tay, cả dáng ngồi quá duyên dáng, xinh đẹp.  Đúng là Hiền Lương đẹp mọi bề.

Cô Bân chợt chạnh lòng khi nghĩ về sự thân thiện giữa con gái út của cô với Hành. Cô quý Hành. Hành cao, gầy, gương mặt trí thức. Nhưng cô Bân thấy Hiền Lương cũng như Hành cần thực tế, tỉnh táo mà sống.

Tình yêu, hãy xem là cơn gió thoảng.

Nói thế, đúng là vô tâm như đá tảng, nhưng đó là một lời tàn nhẫn có ý nhắc nhở một cách thô bạo.

Cô Bân bỗng mừng là cô đã ra thăm quê chồng, biết được tình cảm của Hiền Lương và Hành lúc còn chưa thắm thiết, chỉ mới cảm tình chứ chưa phải tình yêu.

Nhưng, cô Bân nghĩ, mình có một cuộc ngoại tình điên dại, u mê thế, có quyền gì dạy bảo Hiền Lương nhỉ! Một cảm giác tự khinh nghèn nghẹn, đăng đắng trong cổ làm cô Bân bất giác thở hắt.

Cô Bân nhận thấy, mỗi khi khó ngủ, bần thần, rã rượi thế này, tinh thần cô hơi u uất, day dứt. Cô chuyện trò gượng gạo với thím Cận một lúc nữa rồi lên nhà trên, đứng sau lưng Hiền Lương. Hiền Lương mải mê trau chuốt lại bức tranh vẽ Bông Bưởi. Cô Bân tự nhủ thầm: Mẹ đã rơi vào bùn, sẽ biết cách ngăn con vấy phải bùn chứ!

Bông Bưởi trong đời thực và trong tranh quá chừng chất phác đáng yêu. Đấy là một vẻ đẹp thanh khiết, tràn đầy một trời hồn nhiên với những nét bình dị đến bình thường. Đấy không phải nét đẹp của gương mặt, dáng hình. Đấy là tuổi mười lăm trong sáng với nếp nghĩ của một vùng quê giản dị mà sâu sắc đã in sâu tự bao giờ, chính Bông Bưởi, phải gọi là hình tượng nhân vật Bông Bưởi, cũng không hề hay biết.

Cô Bân lặng lẽ ngắm, thấy tâm hồn dịu lại, tươi tắn lên, và cô Bân cũng chẳng hiểu tại sao.

 

 

9

 

 

Khi cô Bân quay gót, Hiền Lương mới biết nãy giờ mẹ đã đứng nhìn cô vẽ tranh. Cô mỉm cười với mẹ, và sực nhận ra mẹ cô không nhìn thấy cái mỉm cười ngô nghê của người mới chợt thoát ra khỏi cảm hứng sáng tạo ấy. Hiền Lương lại tiếp tục, hồn đăm đắm vào hình tượng Bông Bưởi, với cây cọ, với bảng màu trên tay.

Cô Bân bước ra cửa phía chái đầu hồi, đứng nhìn ra vườn, tay trái vừa níu vừa tựa vào cột xi măng sát bậc thềm lên xuống. Cô Bân nhìn cây và lá, cả khoảnh vườn đang xanh ngời lên trong nắng.

Cô Bân thương chú Nông cả tuần nay cô quạnh một mình trong Thủ Dầu Một. Cô đã dự định sửa lại nhà cửa thật kiên cố, nhất là cửa nẻo với các loại khóa bảo đảm, để khi đi xa, chẳng cần ai phải ở lại trông nhà mà vẫn yên tâm. Nhưng dự định ấy xem ra cũng khó thực hiện.

Cô Bân ngó ra vườn, bâng quơ. Cô nhớ đến anh chàng cao to, trắng trẻo, điển trai với cái răng khểnh đểu cáng, đôi môi ươn ướt đa tình đã khiến cô điên dại, khổ đau. Đạc! Cô Bân thương Hiền Lương, sợ hãi khi nghĩ đến lúc Hiền Lương biết được cha ruột của nó. Hiền Lương sẽ ra sao? Cái anh Đạc ấy, năm nay cũng đã năm mươi hai tuổi vì cô Bân đã năm mươi tròn. Đạc vượt biên, không một lá thư gửi về. Mười tám năm nay, không một chữ liên lạc. Nghe đâu, khi man khai lí lịch, Đạc bỏ hết các chi tiết đỏ trong ba đời làm ruộng, lại khác cả quê quán, tên tuổi người thân. Đạc đổi đỏ thành trắng! Ở Ca-na-đa, Đạc phấn đấu làm giàu, có được số vốn kha khá, lấy một cô vợ Tây. Nay hình như Đạc đang làm ở văn phòng đại diện của một hãng tư nhân Mỹ tại Xin-ga-po. Qua một người bạn ở trường đại học của Đạc trước kia, cô Bân biết thêm, những năm là sinh viên Đạc chẳng học hành gì, bận lo tranh đấu chính trị, và bằng cử nhân có được, cũng như giấy hoãn dịch gia cảnh, là nhờ lo lót, bằng cao học sau bảy lăm lại nhờ chiếu cố! Nếu biết được Đạc như thế, chắc Hiền Lương sẽ òa khóc tức tưởi, khóc suốt cuộc đời! Cô Bân cũng thấy không ngờ chính cô lại có một thời u mê đến vậy. Con người, đâu phải ai cũng lỡ lầm, đểu cáng như cô đã lỡ lầm, Đạc đã đểu cáng. Không phải cô ảo tưởng về con người, nhưng cô tin chắc người tốt bao giờ cũng nhiều hơn kẻ đã ít nhiều vấy bùn vào nhân cách. Cô Bân nhìn những đọt lá lay động trong nắng gió. Cô lại nghĩ, không ảo tưởng về con người, nhưng điều cô tin nhất là khả năng nhận thức được cám dỗ, cạm bẫy lẫn dục vọng trong mỗi con người, và lòng sám hối, ăn năn của kẻ có tội. Con người đích thực là con người khi biết sám hối, ăn năn với tất cả chiều sâu của thành khẩn, tận đáy lòng.

Cô Bân chẳng hiểu những ý tưởng sâu sắc, chân thành mà cô khó suy tư bằng ngôn ngữ, chỉ bằng tâm cảm kia, đã làm thanh thản phần nào cho những cắn rứt của trái tim cô.

Cô thương Hiền Lương quá. Những mảnh vườn, những thửa ruộng, những xóm nhà và dòng sông Bến Hải này, đâu phải là quê hương đích thực của Hiền Lương. Những gì Hiền Lương được hun đúc, được trao truyền một cách vô thức, hữu thức, về quan niệm sống, cách sống, từ chú Nông và cô Bân, mà đặc biệt, từ chú Nông, có lẽ phần lớn là từ làng quê này đây. Làng quê này, chưa bao giờ Hiền Lương có một thoáng nghi ngờ rằng không phải làng nội của nó. Và cái tên nó mang suốt đời nó, Hiền Lương, cũng đã trở thành máu thịt của tâm hồn nó. Hiền Lương không ngờ chính Hiền Lương đã ngộ nhận về gốc gác bên nội của mình, với ý niệm quê hương cụ thể trong chính tâm thức Hiền Lương. Quê ngoại Hà Nội của mình, Hiền Lương cũng chưa bao giờ có dịp ra thăm. Hiền Lương thực sự không có quê hương cụ thể là một làng quê, một góc phố nào. Hiền Lương là người Việt Nam, thế thôi. Nhưng những gì hình thành nơi Hiền Lương, ngoài ý niệm đã là ngộ nhận, về gốc gác nội tộc, và những gì ảnh hưởng ở cô Bân, ở chú Nông, ở thầy cô, nhà trường, môi trường Bình Dương, chắc chắn còn do chính bản thân Hiền Lương tự thân làm nên. Hiền Lương làm nên chính Hiền Lương từ ngộ nhận, ước lệ xã hội, từ tiếp nhận ảnh hưởng và đề kháng ảnh hưởng, các ảnh hưởng bởi cha mẹ, nhà trường, bạn bè, môi trường sống, một cách vô thức, hữu thức, ngấm ngầm và quyết liệt, theo những chuẩn giá trị của thời nó sống, và những chuẩn ấy cũng vô thức, hữu thức được Hiền Lương tiếp nhận, đề kháng nữa. Mã di truyền của Đạc cũng góp phần làm nên Hiền Lương sao? Biết đâu Hiền Lương giống ông cố, ông bác nào của Hiền Lương ở Củ Chi, họ Võ, mà Hiền Lương chẳng bao giờ biết. Nhưng chắc chắn không có bản sao về nhận thức, tâm hồn. Điều ấy còn tùy thuộc vào tri thức, cảm thức thế hệ, và môi trường, và vân vân, rất nhiều vân vân nữa. Hiền Lương chịu tác động và đã tác động ngược lại.

Thương Hiền Lương đã yêu một quê nội mà thật ra không phải là quê nội huyết thống của Hiền Lương. Làng quê bên sông Bến Hải này chỉ là một, duy nhất một quê nội, phải gọi đúng tên là quê hương tâm linh, của Hiền Lương, hay quê hương ân nghĩa, của Hiền Lương. Cần khẳng định chăng, cái ngộ nhận, vì không hề biết, về bản quán, không hề là ngộ nhận! Bởi văn hoá Bến Hải, tình thương Bến Hải, đã trở thành máu thịt của chính Hiền Lương, cộng với chân lí, tri thức thời đại mà thế hệ Hiền Lương sống, trong sự tiếp nhận, đề kháng ảnh hưởng. Song cái quan trọng là phần Hiền Lương làm nên chính Hiền Lương, phần ấy mới thực giá trị của Hiền Lương... Ồ, chẳng hiểu sao cô cứ lẩn quẩn ý tưởng này.

Cô Bân không thể diễn đạt nên những điều mà thật ra cô chỉ cảm. Cô Bân cảm được điều đó, ngay tận cốt lõi của vấn đề, nhưng chưa bao giờ, chẳng bao giờ lí giải thật minh bạch.

Cô Bân nghĩ, phải dặn Hiền Lương đừng bao giờ yêu những người mang họ Hoàng của Nông, Dương của cô và Võ của Đạc. Phải thật tế nhị nói với Hiền Lương điều này. - Cô Bân tự nhủ.

Cô Bân lặng lẽ nhìn ra vườn cây lá, xanh ngắt, lung linh những phiến nắng. Cô Bân bồi hồi. Cô Bân cảm thấy bản thân cô cũng như bao nhiêu người khác, cứ sống trong những điều trực cảm, chẳng bao giờ lí giải một điều gì thật đến đầu đến đũa, cứ mung lung, rối rắm, mơ hồ, vì thế, chắc chắn có những lệch lạc, sai lầm, có những đúng đắn, chính xác không ngờ chăng. Không hiểu, và chẳng thể nào lí giải, cô Bân chỉ trôi theo trực cảm. Cô Bân đang đắm vào dòng trực cảm ấy, trong khi vẫn nhìn ra vườn đang xanh cây lá và chấp chới nắng.

Cô Bân bước vào nhà. Hiền Lương mỉm cười với mẹ, hỏi mẹ có mệt trong người không, sao nét mặt hơi phờ phạc thế kia. Cô Bân cũng nhếch khẽ môi mỉm cười, lắc đầu.

Hình tượng Bông Bưởi, cô bé mười lăm tuổi, trong bức tranh Hiền Lương đang gọt sửa, lại sáng lên một ánh sáng hài hòa với những sắc độ tươi tắn, phả vào tâm hồn cô Bân một cảm giác trong sáng, tinh khiết, bình dị đến thư thả, nhẹ nhõm.

Bỗng dưng cô Bân ứa nước mắt xúc động.

 

TXA.

 

 

CƯỚC CHÚ chương VII:

 

(18) Nguyễn Công Trứ (1778 - 1859), người Hà Tĩnh, quê quán rất gần với quê quán Nguyễn Du (1766 - 1820), chỉ chênh lệch nhau 12 tuổi, nhưng hai ông đối lập nhau hoàn toàn về tính cách, tư tưởng chính trị - xã hội lẫn quan niệm sống và xây dựng sự nghiệp. Nguyễn Công Trứ là con trai Nguyễn Công Tấn, tri phủ dưới thời vua Lê chúa Trịnh. Thân sinh Nguyễn Công Trứ từng dấy binh, nổi dậy chống Tây Sơn - Nguyễn Huệ, nhưng thất bại. Bản thân Nguyễn Công Trứ đã từng dâng Thái bình thập sách (mười sách lược xây dựng nền thái bình thịnh trị) khi vua Minh Mạng tuần du ra Bắc. Năm 1819, ông thi đỗ giải nguyên, ra làm quan, trải qua hai triều Minh Mạng, Thiệu Trị. Suốt đời ông luôn tận tụy với công việc được triều đình nhà Nguyễn giao phó, cho dù có lúc thăng (hữu tham tri Bộ Hình), lúc giáng (cách tuột chức, làm lính thú), và giáng rồi lại thăng. Ông được nhân dân lập đền thờ khi còn sống. Một câu nói rất nổi tiếng của ông: "Lúc làm quan, ta không lấy làm vinh, nên khi làm lính, ta không lấy làm nhục".

 

Ở đây, chỉ là sở thích cá nhân về thưởng thức của nhân vật Nông, không liên quan đến chế độ Mỹ - ngụy. Cũng giống như trong thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hào hùng, lại có rất nhiều người thích Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm và nhiều tác phẩm có âm điệu đau thương, bi thiết khác. Xin phân biệt sự khác biệt về sở thích thưởng thức (thị hiếu thưởng ngoạn) của mỗi cá nhân với khí hậu thời đại, cảm hứng thời đại trong sáng tác. Tôi không nói đến mảng văn chương thực hiện nhiệm vụ tuyên tuyền chính trị mà dưới chế độ phong kiến hầu như rất ít, chủ yếu vì không có phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình.

(Xin xem tiếp chú thích II.23).

 

TXA.

 

( xem tiếp chương VIII )

 

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/29/09                                                                   

Trở về trang chủ

                                                                 

 

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE