v. Bài 22-Tl.3 - Trần Xuân An -- Nghĩ về cách biện giải - ngộ nhận - ý hướng tốt - di tích Tân Sở

NGHĨ VỀ CÁCH BIỆN GIẢI, NHỮNG NGỘ NHẬN CỦA NHÀ BÁO NGUYỄN HOÀN VÀ VỀ MỘT Ý HƯỚNG TỐT CHO KHU DI TÍCH TÂN SỞ

 

Trần Xuân An

 

 

1. Có phải nhà báo Nguyễn Hoàn không có sự công tâm tối thiểu khi cầm bút?

 

Sáng hôm nay, tôi lại được đọc bài viết mới của nhà báo Nguyễn Hoàn, “Công tâm hay đề cao mình nhất và phủ nhận sạch trơn người khác?” trên Phong Điệp - net. Thoạt tiên, phải thấy Nguyễn Hoàn đã đưa ra những trang viết thể hiện sự đắn đo, suy tính cẩn thận. Nhưng sự đắn đo, suy tính cẩn thận ấy được đặt trên nền tảng là lòng trung thực, chân thành hay chỉ xuất phát từ sự khôn khéo biện minh?

 

Dẫu sao bài “Nghĩ từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường” của Nguyễn Hoàn cũng đã đăng rồi, và không những trên một mà đến năm điểm mạng toàn cầu (trang thông tin điện tử, báo điện tử), và cả trên một tờ báo in giấy là “Quảng Trị” thì phải. Như vậy, cũng đã có khá nhiều người đọc. Thế nhưng, nhà báo Nguyễn Hoàn lại tự biện giải bằng cách phân tích lại đầu đề và chủ đích bài viết của chính anh theo cách khá ép uổng.

 

Đành rằng có nhiều đầu đề không thâu tóm hết nội dung, chủ đích bài viết. Nhưng ở trường hợp này, lại quá rõ. Một khi đầu đề đã là “Nghĩ từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường”, thì cho dù chỉ “từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường” ấy, anh nghĩ đến những chuyện khác có liên quan, anh vẫn phải xuất phát từ cơ sở đó.  Quả thật là như thế. Nếu chỉ tính từ đoạn bắt đầu bằng câu lẩy Kiều “Thế rồi, cũng có ngày “Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” (Nguyễn Du)” cho đến “Người Việt kiều cho dẫu ở đâu đều cùng chung dòng máu Lạc Hồng càng phải làm như vậy” trong bài viết của Nguyễn Hoàn, ai cũng thấy anh đã dành đến 6 phần 10 bài viết để nói đến “chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường”. Trong đó, chủ yếu Nguyễn Hoàn đề cao công lao tìm kiếm tư liệu của bà Ngọc Oanh và cô Từ Vân cũng như nỗi niềm và dăm bảy câu thơ của ông Nguyễn Bưa.

 

Tuy vậy, trong bài báo mới đây nhất, “Công tâm hay đề cao mình nhất và phủ nhận sạch trơn người khác?”, đăng trên PhongDiep-net, ngày hôm nay (16-02-09), Nguyễn Hoàn lại viết:

 

“Chủ đề mà bài viết của tôi hướng đến đã được nêu rõ trong nhan đề: “Nghĩ từ chuyện giải oan...”. Nghĩa là thông qua chuyện giải oan cho Nguyễn Văn Tường mà suy ngẫm về những kết quả do đổi mới tư duy sử học mang lại, về sức mạnh của ý thức cội nguồn trong huyết mạch của những người Việt cho dẫu đang sống xa xôi ở trời Tây, về việc cần phải tôn tạo, phục chế lại di tích lịch sử quốc gia Tân Sở tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị và gắn việc lưu niệm về Nguyễn Văn Tường với di tích này, vì chính Nguyễn Văn Tường là người thiết kế và chỉ đạo xây dựng thành Tân Sở (1883-1885). Tập trung vào chủ đề đã nêu, bài viết của tôi vì thế không phân tích lại hành trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường, đánh giá ai có công nhiều, công ít, ai có công lao lớn nhất, giải quyết vấn đề giải oan cho Nguyễn Văn Tường “rốt ráo nhất” (theo cách nói của ông Trần Xuân An), việc đánh giá đó thuộc thẩm quyền của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Tôi cũng không đề cập gì đến “quyền sở hữu trí tuệ” của ông Trần Xuân An như ông đã nêu đối với những cuốn sách của ông viết về Nguyễn Văn Tường, vì việc đó không liên quan gì đến chủ đề bài viết. Chủ đề như vậy có “động chạm” gì ông Trần Xuân An đâu, nhưng vì ông Trần Xuân An muốn “vu vạ” cho tôi thì tôi buộc phải nói rõ sự thật”.

 

Với tỉ lệ số trang như đã thử lướt mắt để tính, chúng ta đều thấy Nguyễn Hoàn thông qua chuyện giải oan cho Nguyễn Văn Tường mà đề cao công lao tìm kiếm tư liệu của bà Ngọc Oanh và cô Từ Vân cũng như nỗi niềm và dăm bảy câu thơ của ông Nguyễn Bưa nhiều hơn.

 

Nhưng với tôi, tôi chỉ thắc mắc một điều là ngay trong chuyện giải oan cho Nguyễn Văn Tường, sao Nguyễn Hoàn lại thiếu công tâm. Hôm qua, tôi có viết một bài trả lời ngắn gọn để gửi ra Trang thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam và Điểm mạng toàn cầu Nhà văn Xuân Đức: “Đơn cử một ví dụ, để hoàn thành một công trình thủy lợi, có 3 đơn vị chủ lực thi công và nhân lực phụ trợ của 4 tỉnh, nhưng khi tổng kết, lại chỉ kể 1 đơn vị chủ lực và nhân lực 1 tỉnh thôi; tổng kết đó chỉ gây bất bình, và sự bất bình ấy là chính đáng. Nếu không lên tiếng phản đối, các hồ sơ tư liệu về công trình thủy lợi ấy đều ghi như bài tổng kết (hay có dạng tổng kết), hẳn là nguy to, tai hại vô kể”. Tất nhiên hơn một nửa bài viết của Nguyễn Hoàn có đề cập đến chuyện giải oan cho Nguyễn Văn Tường chỉ hao hao “dạng tổng kết”, nói đúng hơn là bài viết có nội dung đến 6 phần 10 xoáy sâu vào chủ điểm ấy mà không toàn diện, không bao quát hết những ai, người nào, tổ chức, hội nghề nghiệp nào đã đã góp phần vào việc giải oan cho Nguyễn Văn Tường, một vấn nạn lịch sử trải qua hơn một trăm hai mươi năm, kể từ sau cuộc Kinh đô quật khởi và bị thất thủ (05-7-1885). Nguyễn Hoàn xoáy sâu vào chủ điểm một cách thiên lệch quá đáng.

 

Tôi không làm việc “chẻ sợi tóc làm tư, làm tám”. Nhỏ mọn quá. Nhưng nói cho ra lẽ là như vậy. Nói rõ, vì tôi không muốn mang tiếng là kết án Nguyễn Hoàn thiếu công tâm tối thiểu khi cầm bút, chỉ đề cao người có quyền chức và tiền bạc, một cách “áp đặt”, “vu vạ” (từ của Nguyễn Hoàn dùng). Tôi cũng đã tự cười mình là rơi vào tình huống chẳng đặng đừng, không lên tiếng thì không được, mà lên tiếng, lại “buộc phải đụng chạm, làm rạn vỡ những quan hệ tốt đẹp giữa tôi và một số nhà nghiên cứu sử học tên tuổi, giữa tôi và những người bà con, tuy ít hoặc không thân mật, nhưng có chung một huyết thống dòng tộc”. Tôi đã buồn phiền tự cười nhạo mình: “Ngoài phạm vi giới nghiên cứu ra, chứng minh quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân tôi là một việc tuy cần thiết nhưng cũng có thể là khá buồn cười, thậm chí là nhỏ mọn, là tệ hại, đau lòng, khác nào làm diễn ra cảnh “lục súc tranh công” trong quan hệ bà con, chung cội rễ, huyết thống…”.

 

2. Điều chỉnh lại một số thông tin trong bài viết “Công tâm hay đề cao mình nhất và phủ nhận sạch trơn người khác?” của nhà báo Nguyễn Hoàn

 

2.1. Nguyễn Hoàn, trong bài viết đăng trên Điểm mạng toàn cầu Phong Điệp sáng nay, 16-02 HB9, đã viết và nhấn đậm: “Sự thật, ông Trần Xuân An có phải là người nghiên cứu rốt ráo nhất, toàn diện nhất, người nghiên cứu đầu tiên “mở đường”, người nghiên cứu có tiếng nói quyết định cuối cùng để kết thúc việc giải oan cho Nguyễn Văn Tường không?”.

 

Đúng là tôi có viết về chính tôi: nghiên cứu rốt ráo nhất, toàn diện nhất về Nguyễn Văn Tường, và là người đầu tiên, duy nhất viết, biên soạn, xuất bản sách chuyên đề về đề tài Nguyễn Văn Tường (1824-1886), không những một mà đến bốn đầu sách. Tôi buộc phải khẳng định, mà khi khẳng định tất nhiên là phải nói thật, nói thật lại có vẻ như thiếu khiêm tốn. Dẫu sao, điều tôi khẳng định này là không ngoa. Nhưng tôi không bao giờ viết tôi là “người nghiên cứu đầu tiên “mở đường”, người nghiên cứu có tiếng nói quyết định cuối cùng để kết thúc việc giải oan cho Nguyễn Văn Tường” như Nguyễn Hoàn áp đặt. Nhưng Nguyễn Hoàn thử hỏi ông Nguyễn Nguyên, một nhân sĩ tại Diên Sanh, Quảng Trị xem, có phải ngay sau 1986, tôi đã sưu tầm tài liệu và đã bày tỏ ý định sẽ làm việc minh oan cho nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886) hay không. Đúng ra, ước muốn này đã có từ rất lâu, từ hồi tôi còn đi học và đi dạy học. Tuy vậy, thực sự “mở đường” cho việc giải oan này vẫn là công cuộc “Cởi trói” và “Đổi mới”.

 

2.2. Nguyễn Hoàn lại viết ở một đoạn khác: “Mẹ con bà Oanh đã trình những tư liệu này với Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường do Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Huế (Đại học Huế) và Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức tại thành phố Huế ngày 2-7-2002 (như vậy, mẹ con bà Oanh đã đem về nước những tư liệu này từ năm 2002 chứ không phải là năm 2003, 2004 như ông Trần Xuân An đã viết theo kiểu “đẩy lùi thời gian”). Với Hội thảo khoa học về Nguyễn Văn Tường năm 2002 ở Huế tập hợp 15 bản báo cáo khoa học và thông tin tư liệu của 16 tác giả tham gia (trong đó, ông Trần Xuân An có tham gia 1 tham luận), hành trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường xem như đã đạt đến đích”.

 

Tôi hiểu là Nguyễn Hoàn dám viết như vậy vì anh không nắm vững sự việc cụ thể này, hay anh tự mâu thuẫn trong lập luận của chính anh. Khi bà Ngọc Oanh và cô Từ Vân mang tư liệu đợt đầu về, vào tháng 7-2002, mười ba tác giả có tham luận khoa học trong hội thảo đều đã hoàn tất tham luận của mình. Những tham luận ấy đã được ấn hành thành tập “Các báo cáo khoa học” (ta quen gọi là kỉ yếu 2002) dưới dạng vi tính. Tham luận của tôi có nhan đề “Nguyễn Văn Tường (1824-1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi (05-7-1885)” trong Kỉ yếu 2002, tất nhiên cũng đã hoàn chỉnh (1). Bài viết này, tôi phải nghiên cứu, viết, triển khai, sửa chữa, bổ sung suốt 2 năm trời, không hề biết đến số tư liệu của bà Ngọc Oanh, cô Từ Vân.

 

Có điều, sau khi dự hội thảo xong, vào lại TP.HCM., tôi thấy trên Tạp chí Xưa & Nay, nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc có giới thiệu, trích đăng một số trang tư liệu do bà Oanh, cô Từ Vân mang về. Bấy giờ, tôi chưa có tập tư liệu ấy. Tôi cũng thật thà và chân thành trích lại một số đoạn đưa vào phần chú thích, xem như phụ đính bổ sung, cho bài viết “Nguyễn Văn Tường (1824-1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi (05-7-1885)”. Đây là bản tôi gọi là tự nhuận sắc thêm và có bổ sung tư liệu (2003).

 

Còn tập tư liệu do bà Oanh, cô Từ Vân tìm kiếm, có đến mấy lần bổ sung. Sau cuộc Hội thảo ở Huế, 02-7-2002, họ còn tiếp tục đi tìm kiếm tư liệu. Tập đầy đủ nhất được in vi tính là vào năm 2003 và 2004.

 

Đến khi tôi xuất bản xong đầu sách “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)”, truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ 4 tập, Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004, tôi mới được nhà báo sử học Nguyễn Hạnh, nay là phó tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay cho mượn tập tư liệu ấy. Bìa tập tư liệu rõ ràng ghi là sưu tầm: 2003, hiệu đính: 2004. 

 

Nguyễn Hoàn viết như trên đã trích dẫn: “với Hội thảo khoa học về Nguyễn Văn Tường năm 2002 ở Huế tập hợp 15 bản báo cáo khoa học và thông tin tư liệu của 16 tác giả tham gia (trong đó, ông Trần Xuân An có tham gia 1 tham luận), hành trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường xem như đã đạt đến đích”, trước hết là các con số chưa đúng: 15 bản báo cáo khoa học của 13 tác giả. Nhưng điều quan trọng ở đây là Nguyễn Hoàn đã tự mâu thuẫn. Nếu “hành trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường xem như đã đạt đến đích” thì 13 tác giả của tập “Các báo cáo khoa học” (Kỉ yếu 2002) kia khi đi đến đích, họ đâu phải nhờ vào số tư liệu của bà Oanh, cô Từ Vân. Họ viết tham luận trước ngày 02-7-2002, trong khi tư liệu bà Oanh, cô Từ Vân còn thiếu sót; vả lại, số tư liệu thiếu sót ấy cũng chỉ những người lãnh đạo các hội khoa học lịch sử tỉnh và trung ương biết đến mà thôi.

 

Đến ngày 01-11-2003, tập tư liệu đó, sau khi được bổ sung, mới trình ra giữa Hội nghị tại Hà Nội. Xin nhớ rằng, cho đến nay, nó mới được trích in một phần quan trọng trong phụ lục của cuốn “Nguyễn Văn Tường [1824-1886], cuộc đời và lời giải” do PGS.TS. Đỗ Bang làm chủ biên (Nxb. VHTT., 2006).

 

Và cũng chính Nguyễn Hoàn Viết: “Về những tư liệu mà mẹ con bà Oanh sưu tầm được, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổng kết Hội thảo khoa học năm 2002 đã khẳng định: ““Hội nghị đánh giá rất cao những thông báo mới về mặt tư liệu của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh - hậu duệ của Nguyễn Văn Tường. Những tư liệu này càng củng cố thêm cho những lập luận để có thể giải thích được thời gian hai tháng Nguyễn Văn Tường ở Huế trong khi Tôn Thất Thuyết và Hàm Nghi ở Tân Sở. Để giải quyết được bản chất mối quan hệ giữa Nguyễn Văn Tường và chính quyền thực dân là sự hợp tác hay là một sự phân công “kẻ ở người đi” như dụ của Hàm Nghi gửi cho Nguyễn Văn Tường””. Tôi nhấn đậm 4 chữ “càng củng cố thêm”. Như vậy, không phải là số tư liệu của bà Ngọc Oanh, cô Từ Vân tìm kiếm được (và phần nào họ đã dịch ra tiếng Việt với sự hợp tác của ông Nguyễn Tuấn Khanh) chỉ có giá trị bổ trợ hay sao? Tôi lại nhấn đậm từ “bổ trợ”. “Củng cố thêm” và “bổ trợ”, trong ngữ cảnh này, có khác gì nhau đâu. Rõ ràng, mức độ định giá của nhà sử học Dương Trung Quốc và của tôi là không khác.

 

Một điểm khác, tôi viết: “Tôi khẳng định là tôi không cần đến tư liệu chưa được chứng thực ở Pháp mà Từ Vân và bà Oanh tìm kiếm, đem về nước vào năm 2003, 2004 (sau khi tôi đã hoàn tất cả bốn đầu sách), mặc dù cuốn sách nào của tôi, tôi cũng liệt kê thêm cho đầy đủ sự đóng góp tìm kiếm tư liệu này (và tên tuổi các nhà sử học có tham luận)”.

 

Tôi nói như vậy là nói thành thực. Nói cho chính xác, tôi có sử dụng một ít trang tư liệu của bà Ngọc Oanh, cô Từ Vân mang về, nhưng những trang tư liệu ấy đã được đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, như trên đã kể đến. Nhưng cũng chỉ là sử dụng sau khi tôi đã hoàn tất 3 đầu sách của mình, gần hoàn tất đầu sách thứ tư (“Phụ chính đâi thần Nguyễn Văn Tường [1824-1886]”, truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử). Và tôi sử dụng một cách dè dặt.

 

Tại sao lại dè dặt?

 

Điều này cũng dễ hiểu thôi. Nếu ai đã từng viết báo, viết nghiên cứu (nhất là nghiên cứu), muốn tác phẩm của mình có giá trị lâu dài, vững bền, chứ không tự coi rẻ, xem những gì mình viết ra là “hàng chợ”, dùng một lần là vứt, là “lá cải”, chấp nhận sớm tươi chiều héo, thì mối ưu tư lớn nhất ấy là giá trị của tư liệu. Tôi sử dụng tư liệu của bà Ngọc Oanh, cô Từ Vân, trong ý thức và tâm trạng ưu tư đó. Tôi xem chúng như là phụ liệu, có cũng tốt mà không cũng chẳng sao, có giá trị cũng đáng mừng, còn vô giá trị thì không ảnh hưởng gì lắm đến công trình của mình. Do đó, tôi khẳng định: “Số tư liệu ấy chỉ có giá trị bổ trợ, nếu chúng đã được chứng thực, giám định khoa học thực nghiệm. Cường điệu, quan trọng hóa quá đáng về số tư liệu này là có dụng ý không trong sáng, là rơi vào bẫy chịu lệ thuộc cựu thù thực dân”; tôi còn viết: “Nếu chúng ta không xác định được tư liệu chuẩn cứ, chỉ trông mong vào tư liệu của phía Pháp (hoặc các nguồn tư liệu “vô bằng cớ” khác), chúng ta sẽ luôn bị động, dao động, hoang mang, bị giật dây như những con rối”. Nói rõ thêm, sở dĩ tôi khẳng định như thế là bởi tôi từng có kinh nghiệm về tư liệu không thật hoặc tư liệu trái chiều. Những cái được gọi là tư liệu vốn thuộc lĩnh vực tuyên truyền thù địch, ở thời cách biệt ngôn ngữ, địa lí giữa ta với Pháp, thời thông tin bít kín, máy ảnh mới sơ khai, máy ghi âm chưa có, là vô cùng phức tạp, khác với giai đoạn nửa đầu và giữa thế kỉ hai mươi (XX). Càng về sau, khi kĩ thuật - công nghệ của loài người ngày càng phát triển, người Việt giỏi tiếng Pháp và du học nhiều ở Pháp, sự xuyên tạc sự thật nhãn tiền bấy giờ vẫn còn nhiều, huống gì cuối thế kỉ mười chín (XIX). Tôi cũng từng nếm phải trình trạng tư liệu ấy, nên không muốn việc khảo cứu của mình khác nào “xây lâu đài trên cát”, bị tư liệu gây rối nhiễu làm mình điên đảo. Kinh nghiệm này, nhiều nhà nghiên cứu đi trước cũng đã trả với giá cay đắng. Mới đây, trên báo Tuổi Trẻ, đăng lại “Chiếu Cần vương số 3 – D’Argenlieu“, cũng là tư liệu của Pháp đấy, nhưng là tư liệu giả! Tôi phải mất công viết bài phê phán, bác bỏ, may mà được đăng trên Tạp chí Xưa & Nay. Rồi biết đâu, những tư liệu mới tìm kiếm được cũng là tư liệu giả tuy không trái chiều! Vì vậy, tôi khẳng định như trên đâu phải là “bài ngoại”! Có lẽ Lê Tiến Công và Nguyễn Hoàn không biết công kích tôi vào đâu nên kết án bằng từ ngữ lệch nghĩa thế chăng? Tôi vẫn phân loại, định giá, sử dụng tư liệu của phía Pháp, cố đạo nếu chúng đã được công bố từ lâu trong những cuốn tạp chí như “Những người bạn cố đô Huế” (Bulletin des amis du vieux Hué), trong những cuốn sách xuất bản tại Paris đầu thế kỉ XX, hay ở những luận án tiến sĩ tại Pháp đấy chứ. Nhưng dẫu thế nào, chúng ta phải xác định được tư liệu chuẩn cứ, ấy là “Đại Nam thực lục” (1847-1883, 1884-1885; 1885-1888) với các bản dụ, chiếu, cáo thị, bản án đã được châu phê. Không xác định được tư liệu chuẩn cứ, sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma”.

 

2.3. Ngoài ra, mặc dù chưa một ai trên thế giới này viết sách chuyên đề về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886), trước tôi, tôi không bao giờ cho rằng tôi không kế thừa, trong đó có tư liệu gốc được trích dẫn, từ các công trình của những nhà nghiên cứu đi trước. Không một người khảo cứu nào từ trên trời rớt xuống một cách khi không, bỗng nhiên như vậy. Vấn đề là trên cơ sở kế thừa, tôi cố gắng có những kiến giải xác đáng với các luận cứ, luận chứng vững chắc, có giá trị. Hơn ở lĩnh vực nào hết, trong nghiên cứu khoa học mà không có kế thừa (đọc, nghiền ngẫm, trích dẫn, lập danh mục sách tham khảo đúng mục đích, yêu cầu), là bị xem như không đáng bàn đến; nhưng kế thừa mà không phát kiến mới về tư liệu, xới lật, kiến giải mới, cũng chỉ là “có cố gắng học tập” mà thôi. Và tôi rất minh bạch, giữ được tính trung thực, liêm khiết trí tuệ, trong khía cạnh trích dẫn, chú thích xuất xứ tư liệu. Đơn cử, mặc dù so sánh này hơi quá khập khiễng: Để có chủ nghĩa Marx, Marx và Engel đã kế thừa và xới lật ít ra là từ di sản của Henri de Saint-Simon, Charlres Fourier và Pierre-Joseph Proudhon, Feuerbach, Hegel và có thể cả Darwin nữa… Tuy vậy, tư liệu chính tôi sử dụng vẫn là “Đại Nam thực lục” (các kỉ IV, V & VI), công trình của các tập thể sử thần Quốc sử quán triều Nguyễn.

 

3. Về quyền sở hữu trí tuệ của tôi

 

Một ý quan trọng của bài này, đó là về quyền sở hữu trí tuệ của tôi. Tôi tự xét thấy, trong bài trước, tôi đã trình bày niềm lo âu cũng như sự bất bình chính đáng của bản thân tôi, một khi “công trình đầu tiên và duy nhất đến bốn đầu sách khoảng [hơn] 2.200 trang với chuyên đề về Nguyễn Văn Tường (1824-1886) nhưng trong lễ giải oan cho ông lại không được nhắc tới”. Tôi cũng đã viết: “Tôi cũng phải lên tiếng, để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chính đáng của bản thân tôi thể hiện trong bốn đầu sách và những bài viết sau đó (2005-2008) tôi viết về đề tài Nguyễn Văn Tường (1824-1886); và cho những tác phẩm thuộc các thể tài khác của tôi”; do đó, thiết tưởng tôi không cần nhắc lại nữa. Có điều, ở phương diện khác, mong nhà báo Nguyễn Hoàn hiểu giúp, sau khi hoàn tất mỗi bản thảo, tôi đều nhờ người xếp chữ vi tính (các cuốn đầu) hay tự tôi gõ phím (cuốn sau), in ra, đem đi sao chụp (photocopy), đóng thành sách, phát hành trong giới hạn cho phép, để thăm dò ý kiến, từ 2000, 2001, 2002, 2003 và 2004. Lại có đến 3 đầu sách tôi đưa lên mạng vi tính toàn cầu từ 2005, nhưng những năm sau đó mới có thể xuất bản thành sách in giấy, qua Nxb. Thanh Niên (2006, 2008). Mặt khác, trong lĩnh vực sử học và đặc biệt là mảng đánh giá lại nhân vật, sự kiện lịch sử, đụng chạm đến bộ phận tả đạo, thực dân trong Thiên Chúa giáo, khi đã nghiên cứu, viết xong, đăng báo in giấy, mặc dù đã “cởi trói”, “đổi mới”, vẫn rất khó, và xuất bản chính thức với hình thức sách in giấy, tuy tiền túi vốn nghèo nhưng không tiếc, mà cũng khó khăn không kém. Vì vậy, tôi thấy Nguyễn Hoàn không đúng khi anh viết: “Cần nhấn mạnh ở đây rằng, bốn đầu sách của ông Trần Xuân An viết về Nguyễn Văn Tường theo ông cho biết là được xuất bản qua các năm 2004, 2006 và 2008. Như vậy, số sách này xuất bản khá muộn hơn so với thời điểm năm 2002, năm mà Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam “đánh dấu” hành trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường đã về đích”. Đúng ra, anh không nên mâu thuẫn trong biện giải, vì như anh đã biết và đã viết ở nhưng đoạn tôi trích lại bên trên, là tham luận của tôi trong Kỉ yếu 2002 đã góp phần cùng nhiều nhà nghiên cứu khác để cùng đi đến đích, nhưng tham luận ấy về sau mới được in lại trong số sách xuất bản qua hai năm 2006 và 2008.

 

4. Sự vinh hạnh được các tổ chức, hội khoa học, nhà nghiên cứu góp phần vào việc giải oan cho nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886)

 

Và ý cuối của bài này: Tất thảy các hậu duệ của Nguyễn Văn Tường (1824-1886), trong đó có tôi, đều rất vinh hạnh khi được nhiều nhà nghiên cứu sử học riêng lẻ hay thuộc nhiều trường đại học góp phần và đồng thuận qua các tham luận khoa học, dưới sự tổ chức, lãnh đạo của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện sử học Việt Nam, Hội KHLS. Thừa Thiên – Huế trong việc giải oan cho nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886). Không những thế, tôi còn muốn Chính phủ Cộng hòa Pháp, Nhà nước CHXHCN. Việt Nam cùng các trường đại học, viện nghiên cứu của hai nước tổ chức lễ minh oan cho Nguyễn Văn Tường một cách trọng thể nữa kia. Tôi chỉ là một trong những người nghiên cứu riêng lẻ có đóng góp mà thôi (sở dĩ một thân một mình lại có đóng góp đến bốn đầu sách là do bản thân có nhiều nỗ lực). Còn trong nội bộ hậu duệ của Nguyễn Văn Tường, cảnh “lục súc tranh công” đáng chê cười và đau lòng nếu sẽ diễn ra, chỉ là cái bẫy vô tình hay cố ý ai đó đơm ra giữa đường, tôi đã cảnh giác và cảnh báo trước. Trên đời này, có những cái bẫy do những ngẫu nhiên giăng ra như thế, chẳng do ai cả. Bài viết trước của nhà báo Nguyễn Hoàn, đến lúc này, thôi thì cứ tin là Nguyễn Hoàn không ngờ nó cũng là một cái bẫy như vậy.

 

5.  Nhấn mạnh vài điểm cần lưu ý

 

5.1. Tôi vẫn kiên trì quan điểm lấy “Đại Nam thực lục” (kỉ IV, V, và cả kỉ VI, có xới lật dưới ánh sáng độc lập, tự do hiện nay) là tư liệu gốc, chuẩn cứ. Đọc lại bài tổng kết Hội thảo 2002, tôi thấy tổng thư kí Hội KHLS. Dương Trung Quốc cũng nhận định không khác tôi về định kiến sử học sai lầm lưu cữu và thái độ không đúng đối với “Đại Nam thực lục”. Định kiến sử học sai lầm và thái độ sử học vô lí ấy “đã che khuất mọi khả năng biện hộ hay làm sáng tỏ nhiều tư liệu lịch sử đã từng có và không xa lạ với giới sử học” (2). “Đại Nam thực lục” (kỉ IV, V, và cả kỉ VI) do Viện Sử học dịch ra tiếng Việt và do Nxb. Khoa học Xã hội xuất bản chứ đâu phải từ trên trời rơi xuống! Quan điểm sử dụng tư liệu của tôi vẫn là sử dụng tất cả mọi nguồn tư liệu, kể cả tư liệu từ phía đối phương, đối lập (Pháp, tả đạo trong Thiên Chúa giáo, cánh chủ “hòa”, bảo hoàng, Đàng Ngoài, kể cả tư liệu bà Ngọc Oanh, cô Từ Vân mới kiếm tìm, mang về…), nhưng vẫn lấy “Đại Nam thực lục” với các tư liệu gốc, gồm sớ, tấu, dụ, chiếu, cáo thị, bản án đã châu phê trong đó làm chuẩn cứ. Tất nhiên, tư liệu bà Ngọc Oanh, cô Từ Vân mới kiếm tìm, mang về, nếu được chứng thực bởi các trung tâm lưu trữ tại Pháp, Tahiti vẫn có giá trị hơn. Giá trị của việc chứng thực này là quá hiển nhiên, đơn giản, sao chúng ta lại tranh cãi đến thế, thật quá vô lí!

 

5.2. Tôi vẫn rất ao ước như chính Nguyễn Hoàn đã viết: Di tích đã được xếp hạng bởi Bộ Văn hóa – Thông tin và nằm trong danh sách các hạng mục được bảo quản, tôn tạo của Sở Văn hóa tỉnh Quảng Trị là Tân Sở sẽ được phục chế, phục hồi. Hơn thế nữa, tôi cũng đã đề xuất là nên xây dựng lăng mộ cải táng di cốt vua Hàm Nghi tại Tân Sở, chứ không phải tại Huế. Tân Sở với Dụ Cần vương, Dụ Hoàng tộc và Dụ Nguyễn Văn Tường – thể hiện sách lược cũng là chiến lược “đánh – đàm” – là đỉnh cao chói sáng của vị vua trẻ tuổi yêu nước, kháng chiến này. Nếu không cải táng tại Tân Sở, mà tại Huế, là vô tình làm hạ thấp tầm vóc Hàm Nghi và không có nghĩa lí gì về lăng mộ cải táng của Hàm Nghi trong tương lai! Tôi sẽ đáng chê trách biết bao, nếu quên đi đề xuất này, và không đề cập đến ý hướng chủ đích trong bài viết “Nghĩ từ việc giải oan cho phụ chính đại thần  Nguyễn Văn Tường”  của nhà báo Nguyễn Hoàn. Tôi nghiêm khắc tự phê bình chính tôi đã “nóng giận, mất khôn” về điểm này. Nhưng tôi vẫn không nghĩ rằng phê phán nhà báo Nguyễn Hoàn bằng bài viết “Sự công tâm tối thiểu cần có khi cầm bút” là không đúng lúc, đúng mức.

 

5.3. Tôi biết tôi đã và đang gặp sự công kích từ phía những kẻ xấu, phía bộ phận “tả đạo” trong Thiên Chúa giáo (tôi không vơ đũa cả nắm) hiện đang tồn tại, ở trong nước hay ở hải ngoại. Những kẻ này thực sự chỉ muốn tôi phủ nhận bốn đầu sách đã xuất bản chính thức và những bài viết của tôi về đề tài này từ 2005 đến nay bằng cách gây rối, gây nhiễu, li gián hoặc chí ít là để răn đe nhằm ngăn cản tôi và những người khác muốn trung thực trong lĩnh vực sử học cận đại, nửa sau thế kỉ mười chín (XIX)... Xem dăm bảy lời bàn ngắn (comments) ở mục phản hồi trên các websites thì rõ.

 

Cuối bài, mong rằng, bài viết này, cũng như bài viết trước, kể cả 2 bài của Nguyễn Hoàn, sẽ được đăng trên các trang thông tin điện tử, báo điện tử và đặc biệt là báo chí in giấy cho rộng đường công luận và để lưu lại.

 

 

TRẦN XUÂN AN

TP.HCM., lúc 14:# -- 18:26, ngày 16-02 HB9 ( 2009 );

lúc 6:# -- 8:39, ngày 17-02 HB9 ( 2009 )

 

________________________________

 

(1) Năm 2006, “Các báo cáo khoa học” được xuất bản thành cuốn “Nguyễn Văn Tường [1824-1886], cuộc đời và lời giải” (Nxb. VHTT.), PGS.TS. Đỗ Bang chủ biên. Bài của tôi vốn đã được in như trong “Các báo cáo khoa học”, lỗi gõ phím lại để in ấn bị sai be bét, nay được in lại ở bản sách xuất bản này, nhưng bị cắt bớt phần chú thích và bị người làm sách còn để sai nhiều chữ, nhiều lỗi chính tả.

 

(2) Dương Trung Quốc, “Nhận thức lịch sử là một quá trình”, trong cuốn “Nguyễn Văn Tường [1824-1886], cuộc đời và lời giải” do PGS.TS. Đỗ Bang làm chủ biên, Nxb. VHTT., 2006, tr. 239.

 

 

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE