Trần Xuân An - HOÀ GIẢI DÂN TỘC, NHƯNG TÔI CÓ DÍNH LÍU GÌ, TRÁCH NHIỆM GÌ...

Nói thêm đôi lời:

HOÀ GIẢI DÂN TỘC,

NHƯNG TÔI CÓ DÍNH LÍU GÌ, TRÁCH NHIỆM GÌ

VỀ CUỘC CHIẾN TRANH HAI PHÍA 1945-1954-1975?

Trần Xuân An

Bài viết ngắn này xin được gửi đến các bạn trẻ tuổi Hàn Quốc, Nước Cộng hoà nhân dân Triều Tiên và cũng xin gửi đến các bạn trẻ tuổi Việt Nam…

Khi chiến tranh hai khối tại điểm nóng Việt Nam kết thúc vào ngày 30-4-1975, tôi đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Sư phạm Huế. Điều đó có nghĩa là tôi chưa từng cầm súng đạn cho bên Đỏ (Miền Bắc) hay bên Vàng (Miền Nam) – súng đạn của các cường quốc thuộc phe này hay phe kia –, với nghĩa đen, chính xác của từ.

Vậy thì tôi có dính líu gì, trách nhiệm gì về cuộc chiến tranh 1945-1954-1975 ấy?

Tuy vậy, vào tháng 4 năm 1975, tôi đã gần tròn 19 tuổi. Tuổi đó, không thể gọi là chưa trưởng thành. Tôi đã trải nghiệm chiến tranh, mặc dù chỉ với tư cách một người học trò thuần tuý tại hệ thống trường học Miền Nam vốn tương đối độc lập với chính trị.

Tôi lại là người cầm bút làm thơ, viết truyện và nghiên cứu, phê bình, từ những bước tập tành trước đó. Cho đến nay, với 24 đầu sách đã chính thức xuất bản và 10 đầu sách chưa in thành sách in giấy được (cộng với một đầu sách sưu tập sử liệu từ “Đại Nam thực lục”), tôi tự thấy bản thân mình cần phải tự giác nhận lấy trách nhiệm hoà giải dân tộc, với tư cách một người cầm bút. Đó chỉ là sự dấn thân riêng lẻ của cá nhân tôi. Tôi biết tiến trình hoà giải dân tộc không thể do một người, mà đã và đang có nhiều người khác thuộc các lĩnh vực khác tham dự vào tiến trình đầy gai góc này. Có điều, tuy cùng mục đích, nhưng không phải ai cũng giống ai, về cách thức và về nội dung.

Tuy có những cảm nhận mang tính bản sắc mỗi cá nhân, những quan điểm – lập trường còn mang tính thiên lệch của mỗi người, nhưng nội dung sự thật lịch sử về cuộc chiến tranh hai khối 1945-1954-1975 về cơ bản là giống nhau (1).

Tôi đã từng viết, công bố, và đọc vào một video của mình:

“Nói trắng ra, cách mạng đỏ vừa có tính chất tay sai Nga đỏ, Tàu đỏ *, vừa có tinh thần đấu tranh cho độc lập dân tộc (chống Pháp, góp phần chống Nhật…); phe vàng cũng vừa mang tính chất nguỵ (trước 1954) nhưng lại vừa mang tinh thần chống cộng sản xâm lược (Nga, Tàu tạo dựng tay sai, bành trướng, di dân xuống Đông Nam Á), và chống thực dân đỏ kiểu mới với sự thống trị bằng hệ tư tưởng (Stalinisme, Maoisme…), cũng trước 1954 và trước 1975”.

( https://www.youtube.com/watch?v=LSzD_pUeE0M )

Tôi muốn nói thêm: Trải qua cuộc chiến tranh 30 năm ấy, riêng trong giai đoạn 1954-1975, một vài con số thống kê cho thấy, cả thường dân và quân lính hai miền đã phải thiệt mạng ít nhất là khoảng 3.500.000 người, chưa kể số bị thương tật về thể xác và tâm hồn… Hậu quả vẫn còn đau xót, bi thảm cho đến ngày hôm nay. Nhưng từ trong cuộc chiến tranh Hai Khối, mang tính chất nội chiến đau thương đó, dân tộc Việt Nam đã có niềm tự hào là: phe Đỏ đánh thắng Pháp, góp phần đánh thắng Nhật (2), đánh thắng Mỹ với ngọn cờ cộng sản; phe Vàng đã quyết đánh cộng sản xâm lược, bành trướng, đứng đầu là Nga Sô, Trung Cộng, và phe Vàng tuy thất bại, nhưng phong trào cộng sản trên toàn cầu đã sụp đổ, đã chuyển qua kinh tế thị trường, chỉ còn mỗi một Bắc Triều Tiên là còn kinh tế hoạch định, nhưng cũng không hoàn toàn là mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa thuộc hệ thống Đỏ trước 1975. Riêng dân tộc ta, gộp chung lại, cả hai miền Nam và Bắc đều có công chống các thứ ngoại xâm, và trong đấu tranh, đã có công làm sáng tỏ, định giá đúng – sai về hai ý thức hệ chính của thời đại, đối với lịch sử. Đó là sự thật lịch sử, thoạt nhìn, có vẻ nghịch lí, nhưng thực chất là vậy: mỗi miền đều vì độc lập dân tộc, chống ngoại xâm, và đều dựa vào các cường quốc vốn đối đầu với nhau về ý thức hệ (do đó, phần nào đều là nguỵ hay đều là tay sai, mà về từ ngữ là đồng nghĩa).

Cả hai miền đã chạm trán trực tiếp hay gián tiếp, đánh bại và góp phần đánh bại Pháp, Nhật, Mỹ, Nga Sô, Trung Cộng (và Kh’Mer Đỏ của Bắc Kinh). Đó là điều tự hào dân tộc, trong và sau cuộc chiến hai khối đồng thời cũng là nội chiến, 1945-1954-1975, tại Việt Nam nước ta (3).

Tôi đã viết về ý tưởng này thành thơ:

“người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau

bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó”

(Đất vàng màu da)

Tôi cũng muốn khẳng định lại, với tôi, động cơ, ý thức và nội dung hoà giải dân tộc đó đều do sự thôi thúc nội tâm và cũng thuộc nhận thức của riêng tôi, trên cơ sở ước muốn của hàng chục triệu người Việt Nam chúng ta, và của hàng chục triệu người nước ngoài nữa.

Khát vọng hoà giải dân tộc là một yêu cầu lịch sử hết sức bức thiết và chính đáng.

Điều cần nhấn mạnh là tôi chỉ phân giải giai đoạn chiến tranh 1945-1954-1975 mà 30 năm ấy đã trở thành lịch sử. Tôi chỉ nói đến nó như một người nghiền ngẫm lịch sử về một giai đoạn bản thân mình đã trải nghiệm sống, và phát biểu bằng văn chương, đặc biệt là bằng thơ. Tôi không nói đến thời sự đang diễn ra. Tôi cũng không vẽ vời tương lai của nước ta và thế giới, rằng dân tộc chúng ta, nhân loại chúng ta sẽ đi đến đâu, tiến tới đâu. Tôi cũng chỉ là người phát biểu những nội dung hoà giải dân tộc ấy bằng các văn bản ngôn từ, chứ không phải là một người hành động, một người hoạt động chính trị, kinh tế hay xã hội.

Xin thưa rõ như thế để tránh những búa rìu công luận và gông cùm pháp luật. Không phải tôi hèn nhát, không dám đối đầu, nhưng tôi thừa hiểu công luận và luật pháp lắm khi quá bất thường, bất chấp và rất vô tội vạ. Tôi dám can đảm, nhưng cũng không liều lĩnh, và cũng biết rào đón trước, biết tự giới hạn.

Trân trọng và cảm ơn.

T.X.A.

17: – 17:37, 01-8 HB15 (2015)

Có bổ sung, làm rõ thêm vào sáng 02-8 HB15

——————————————–

(1) Nếu trong lĩnh vực văn chương, nội dung tác phẩm của tác giả này so với nội dung tác phẩm của tác giả khác phải tuyệt đối khác biệt, thì trong lĩnh vực khoa học lịch sử, sự tiếp cận, ghi chép lại sự thật lịch sử về cơ bản là giống nhau (trừ trường hợp có kẻ lạm dụng sử học để xuyên tạc hoặc vì ngây thơ mà ngộ nhận, hoặc vì lập trường địch – ta mà quan điểm cũng sai khác, đối nghịch nhau, hoặc do thiếu sót tư liệu nhưng lại vội quy kết).

(2) Chính Mỹ (trong phe Đồng Minh) tại Việt Nam đã đuổi phát-xít Nhật và hỗ trợ Cách mạng Tháng Tám 1945 do Việt Minh lãnh đạo.

(3) Chiến tranh Lạnh giữa Hai Khối trên toàn cầu: 1945-1991. Liên Xô vẫn là “hòn đá tảng” (nền móng) đối với Nước CHXHCN.VN. cho đến khi Liên Xô tự tan rã. Sự tự tan rã của Liên Xô là do quy luật kinh tế khách quan, do khát vọng dân chủ của người dân và do ý chí độc lập của các nước bị gộp vào thành Liên Xô, do nước Nga thống lãnh (do đó ở Miền Nam gọi Liên Xô là Nga Sô). 1991, Liên Xô hay Nga Sô tự tan rã còn do sự phê phán, chống lại nó vì sự bành trướng, thực dân kiểu đỏ của nó, từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam cộng hòa (Miền Nam Việt Nam, trước 1975).

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE