e. Trần Xuân An - Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa - Tệp 5: Trích & đối thoại với Gs. Trần Văn Giàu

 

trần xuân an

Nguyễn Văn Tường,

những người trung nghĩa từ xưa,

tưởng không hơn được

   author's copyright

 

07/01/09

 

A.

 

Lời thưa

 

Bài 1

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

 

B.

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

Phụ lục 3

 

 

C.

 

Ngoài sách

 

Cuối sách

 

 

____________

____________

 

Hình ảnh 1

 

Hình ảnh 2

 

Bản đồ

 

 

 

 

 

 

 

                             

TRẦN XUÂN AN

 

NGUYỄN VĂN TƯỜNG,

“NHỮNG NGƯỜI TRUNG NGHĨA

TỪ XƯA,

TƯỞNG KHÔNG HƠN ĐƯỢC” 

KHẢO LUẬN VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH SỬ HỌC

 

 

 

  

Nhà Xuất bản

2003

 (Trước và chính xác là từ 02-7-2002) 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TRÍCH ĐOẠN “ CHỐNG XÂM LĂNG”

 

                                 (VÀ NHƯ MỘT CÁCH ĐỐI THOẠI

                                 VỚI GS. TRẦN VĂN GIÀU)

    

I. LỜI THƯA ĐẦU CHUYỆN:

 

Lời người biên soạn: Chúng tôi không dám vin vào những câu khiêm tốn trong lời nói đầu (viết vào năm 1956) của GS. Trần Văn Giàu ở bộ sách Chống xâm lăng [1] để nghĩ rằng GS. không phải là nhà sử học, mà chỉ là một người học sử để làm công tác tuyên huấn của Đảng, trong hoàn cảnh thực dân Pháp thống trị, người có học lại chỉ học sử Pháp và rất mù mờ về quốc sử. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mạo muội nhận định: Quan điểm mác-xít – lê-nin-nít, GS. đã vận dụng một cách khá máy móc, không xét đến tính lịch sử – cụ thể. Lẽ ra, phần kiến thức sử học phải tuyệt đối khách quan, còn phần liên hệ (rút ra bài học từ lịch sử cho hiện tại và bản thân) vẫn bảo đảm mục đích yêu cầu tuyên huấn, nếu cần thiết phải tuyên huấn. Phải chân thực về lịch sử, tuyên huấn mới có sức thuyết phục, tức thời trước mắt và bền vững lâu dài! Ngoài việc vẫn bồi dưỡng lòng căm thù giặc ngoại xâm và tay sai, nên khẳng định ý thức không có gì quý hơn độc lập, tự do và nền dân chủ mới (xã hội chủ nghĩa đích thực [2]), hơn là bôi nhọ chế độ phong kiến trong lịch sử, một hình thái chính trị tự bản chất đã quá lỗi thời, một đi không trở lại.

Dẫu sao, chúng tôi thấy cũng cần nói rõ hơn, Đại Nam thực lục, chính biên, các kỉ IV, V, VI (1847 – 1883; 1883 – 1885; 1885 – 1888) [3], Quốc sử quán triều Nguyễn phải biên soạn trong điều kiện nước mất, Thành Thái, Duy Tân luôn bị đe dọa phải lưu đày, rồi cuối cùng cả hai vị đều bị lưu đày. Do đó, phần sử về ba kỉ trên (1847 – 1888)  đã bất lợi (không dám ghi nhận rõ tính chiến đấu, tinh thần chống Pháp…) cho Tự Đức, Nguyễn Tri Phương, nhất là quá bất lợi đối với Nguyễn Văn Tường (1824 –1886) và các thành viên khác của nhóm chủ chiến Triều đình Huế, kể cả phong trào Cần vương (khởi động từ 1883, bùng nổ sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi và bị thất thủ, 05.7.1885). Nguyễn Tri Phương vì tử tiết từ 1873, không “phạm” vào “tội” chống các tên vua thân Pháp, đầu hàng Pháp, và đã được triều đình khẳng định từ 12 năm trước khi cả triều đình lẫn toàn bộ đất nước rơi hẳn vào tay giặc Pháp, nên khó bề loại ông ra khỏi Đại Nam liệt truyện [4], mặc dù tinh thần chống Pháp của ông cũng chỉ được viết một cách quá rụt rè. Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Phạm Thận Duật, Tôn Thất Đính… lại không hề có được một trang tiểu truyện riêng trong bộ Liệt truyện ấy!

Đã thế, lẽ nào chúng ta lại càng hạ thấp, bóp méo, thêm bớt không đúng sự thật về họ, chỉ vì họ là những người yêu nước, chống Pháp nhưng lập trường lại thuộc về hệ ý thức phong kiến và là quan lại triều Nguyễn? Nhận thức thiếu sót nên đánh giá sai? Hoặc chỉ đề cao Tôn Thất Thuyết và phong trào Cần vương, bởi nhận thức không đúng về Nguyễn Văn Tường, ngỡ rằng ông đã thực sự đầu hàng? Chẳng lẽ sử học có quyền nhận thức sai, sử học không có công lí và công bằng?

Tuy thế, dẫu sao, qua “Chống xâm lăng”, GS. cũng đã gián tiếp phủ định, đả phá các dòng chữ trong vỏn vẹn chỉ hơn một trang sách và trong một đoạn khác, vốn viết sai lầm, xuyên tạc về Nguyễn Văn Tường (và Tôn Thất Thuyết trong việc phế lập), ở Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu, (thực ra là Lương Khải Siêu, một người nặng tư tưởng bảo hoàng, Đại Hán chủ nghĩa [5]).

Về tư liệu, dẫu khó khăn và thiếu thốn, bị Pháp và Diệm cướp đem vào Sài Gòn hồi 1954, GS. cũng đã tiếp cận được nhiều nguồn như GS. đã kể rõ: tư liệu của Pháp, tư liệu triều Nguyễn, các nhà ái quốc Văn thân, tư liệu Trung Quốc, Liên Xô, tư liệu của các trí thức mác-xít, tiến bộ như Trần Huy Liệu, Chu Thiên Hoàng Minh Giám, Đào Duy Anh, và cả tư liệu của Trần Trọng Kim, Phan Trần Chúc…    

GS. Trần Văn Giàu viết về tư liệu của đế quốc Pháp: “Lắm khi không tìm ra cái nguồn đầu tiên [tư liệu gốc – TXA. ct.] mà bị bắt buộc phải dùng sách nghiên cứu của bọn thực dân luôn luôn xuyên tạc sự thật”; về tư liệu triều đình Huế: “biên soạn theo quan điểm và quyền lợi phong kiến suy tàn”; tư liệu do các nhà Văn thân ái quốc ngoài Bắc, “trong phong trào cách mạng và kháng chiến nhiều gia đình bị địch đốt phá nhà cửa, mất mát giấy tờ quý báu”; và tư liệu Trung Quốc bấy giờ đang được sưu tầm… Trong số tư liệu vẫn còn ở các thư viện Hà Nội đó, dĩ nhiên có cả Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu (và của Lương Khải Siêu, một người bảo hoàng, Đại Hán chủ nghĩa hạng nặng!). “Lẽ tất nhiên là tất cả các loại tài liệu trên đều phải được đọc và xét với một ý thức phê bình cao, một quan điểm Mác – Lê vững thì mới có thể tiếp cận với sự thực khách quan của lịch sử”; “Trần Trọng Kim, Phan Trần Chúc, Văn Hà v.v… cũng đã gom góp được một phần tài liệu chính xác, song, tất nhiên là quan điểm của những tác giả này khác xa với quan điểm của chúng ta; cho nên ở nhiều nơi tôi có trực tiếp hay gián tiếp tranh cãi những quan điểm của các nhà sử tư sản, cũng như ở nhiều nơi tôi cố đả phá quan điểm của sử gia thực dân” [6].

Vấn đề còn lại là: tư liệu gốc của phía thực dân Pháp. Theo GS. Trần Văn Giàu, Pháp bảo 100 năm sau khi việc xảy ra mới công bố! Hạn giải mật lâu đến thế sao? Hay chờ nhân chứng chết hết mới công bố tư liệu gốc? Hay còn âm mưu gì khác?

Tư liệu gốc của phía triều đình Huế với những quốc thư, dụ, chiếu, tấu, sớ, cáo thị, bản án… có châu phê, thường được gọi là châu bản, và còn có cả bản án cáo thị của De Courcy, De Champeaux về Nguyễn Văn Tường, các văn bản khác của Pháp gửi triều đình Huế, được trích dẫn trong ĐNTL.CB. IV, V, VI (1847 – 1888), không phải là tư liệu gốc sao?

Xin được nhắc lại điều này: Thành Thái vẫn giữ vững tinh thần Lê Thánh Tôn (trong việc minh oan cho Nguyễn Trãi) và kiên định ý thức sử học bất vị thân trước sự đe dọa của thực dân Pháp. Vị vua yêu nước này không chịu ban dụ khắc in kỉ đệ lục (1885 –1888), vì kỉ đệ lục này vốn rất nhục nhã đối với vương triều Nguyễn. Nhưng tai hại thay, kỉ đệ lục lại được khắc in vào năm Duy Tân thứ ba (1909), lúc Duy Tân còn quá bé, và sau đó lại bị truyền bá khắp cả nước, dùng để giảng dạy trong nhà trường thực dân nửa phong kiến [7]; trong khi đó, kỉ đệ tứ (1847 – 1883), kỉ đệ ngũ (1883 – 1885), đã được khắc in từ 1894 đến 1902, lại bị cất vào kho sử (và phát hành rất hạn chế!) [8]. Một nguyên nhân quan trọng của vấn đề là ở đó!

Tuy vậy, vào năm 1916, trên Bulletin des amis du vieux Huế (BAVH.) [9], Aldophe Delvaux, trong bài viết, đã xác định ông ta là người đã sử dụng đầu tiên và là người duy nhất được sử dụng vào thời điểm đó tư liệu chính thức của Nhà nước Pháp (gồm chính quyền “bảo hộ”). Đến năm 1921, Trần Trọng Kim xuất bản Việt Nam sử lược, được viết bằng quốc ngữ. Năm 1969, Cao Huy Thuần được tiếp cận tư liệu trước đó chưa công bố của Pháp [10]. Vào năm 1982, Yoshiharu Tsuboi, giáo sư Nhật Bản, được sự tài trợ của Chính phủ Pháp, được sự hướng dẫn của GS. Georges Condominas, sự giúp đỡ của một số nhà sử học Pháp, đã công bố thêm những tư liệu chưa công bố trước thời điểm 1982; Thành ủy TP.HCM. đã xuất bản bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Đình Đầu và nhiều dịch giả khác, vào năm 1990, với các lời giới thiệu của Ban KHXH. Thành ủy TP.HCM., và của chính GS. Trần Văn Giàu. GSTS. Yoshiharu Tsuboi thể hiện trong tác phẩm tiêu chí nhận định là độc lập dân tộc, chứ không phải là thứ tiêu chí của bọn xâm lược như trong BAVH.. Nói cụ thể hơn, khác với quan điểm thực dân trong BAVH., Tsuboi xác định rõ Trần Tiễn Thành, Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình là tay sai của thực dân Pháp, và những người yêu nước, chống Pháp chính là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Hoàng Tá Viêm… Tiêu chí độc lập dân tộc ấy, đúng với đạo lí và công lí của bất kì đất nước nào trên thế giới. Nhưng Trần Trọng Kim, Cao Huy Thuần đều có sai lệch, hạn chế, GSTS. Nhật Bản Yoshiharu Tsuboi vẫn còn thể hiện trong cuốn sách sự nhận thức và sử dụng tư liệu theo quan điểm bảo hoàng, tư sản của chính Y. Tsuboi…

Rất tiếc, cho đến nay, năm 2002, Pháp, Vatican vẫn chưa công bố trọn vẹn tư liệu gốc của phía họ; châu bản triều Nguyễn, kho lưu trữ được đặt ở TP. HCM., cũng đang trong tình trạng chưa công bố!

Như vậy, rõ là tư liệu đã tương đối đầy đủ các nguồn, nhưng chưa tuyệt đối trọn vẹn. Vì thế, việc công bố trọn vẹn toàn bộ tư liệu gốc của Pháp và của triều Nguyễn, không để sót một mẩu nào, vẫn là yêu cầu bức thiết và chính đáng của việc nghiên cứu khoa học lịch sử giai đoạn này.

GS. Trần Văn Giàu trong lời giới thiệu cho cuốn sách của Y. Tsuboi còn cho rằng, kho châu bản triều Nguyễn thực ra còn quan trọng hơn cả hồ sơ tư liệu thuộc Bộ Hải ngoại và Bộ Thuộc địa Pháp, thời thực dân Pháp xâm lược nước ta. GS. đã xác định rất chí lí cái chủ yếu và cái thứ yếu, cho dù cái thứ yếu ấy không nên thiếu sót. Cái chủ yếu là điều kiện cần (ắt có, phải có), cái thứ yếu là điều kiện đủ. Có đầy đủ tư liệu gốc của phía Pháp để tham khảo, đối chiếu vẫn rất cần thiết, quá cần thiết, và vẫn tốt hơn cho việc nhận định sự kiện, nhân vật, tuy đó không phải là cái quyết định. Nói rằng tư liệu gốc của phía Pháp không phải là cái quyết định, bởi cái nhìn thực dân, ai cũng biết như thế nào rồi (thù hận, méo mó, xấc láo, đầy ác tâm…). Cũng như vậy, nhưng cũng cần tham khảo đầy đủ tư liệu của Tây Ban Nha, của Vatican (Rome), Hội Truyền giáo Paris tại hải ngoại.

Vâng, châu bản là cái chủ yếu và quyết định. ĐNTL.CB. IV, V, VI dẫu sao cũng không thể mâu thuẫn với toàn bộ châu bản từ 1847 đến 1888 còn lưu trữ trong kho.

Mặc dù thế, chúng tôi nghĩ, trong tinh thần dân chủ xã hội chủ nghĩa đích thực, phải “dân chủ vạn lần hơn dân chủ tư sản”, trên lĩnh vực học thuật, cần phải nêu vấn đề để không còn tình trạng cố tình, cố ý, chủ tâm hoặc vì lí do bên ngoài sử học nào đó mà quên đi những tư liệu gốc hết sức quan trọng về Nguyễn Văn Tường, ngay trong Đại Nam thực lục chính biên IV, V, VI (1847 – 1883; 1883 – 1885; 1885 – 1888), để đánh giá về ông một cách hết sức bất công; hoặc tái bản một bộ sách được viết từ 45 năm trước, ấy là năm 1956, mà không được tác giả bổ sung, sửa chữa lại! TXA.

 

II. TRÍCH ĐOẠN VÀ ĐỐI THOẠI:   

 

Lời người biên soạn: Trên cơ sở lấy ĐNTL.CB., chủ yếu 2 kỉ đệ tứ và đệ ngũ [11], làm chuẩn cứ, xin trích dẫn từ bộ sách Chống xâm lăng của GS. Trần Văn Giàu một số đoạn khá chính xác ở dưới đây. Những câu chữ xem ra không cần thiết, hoặc xét thấy sai lệch (diễn dịch gần như xuyên tạc, sợ rằng khiến người đọc ngỡ GS. có ác ý), hoặc nhận rõ là tuyên huấn khiên cưỡng, quá đáng và không sát hợp, xin mạn phép lược bỏ, thay bằng kí hiệu: […], [&?!?]. Ngoài ra, có chỗ chúng tôi không lược bỏ nhưng đành phải bày tỏ ý kiến riêng bằng bị chú hoặc cũng bằng các dấu biểu cảm như: [?!?] [12]… Chúng tôi hi vọng có lúc GS. sẽ xem xét lại, trên cơ sở nghiên cứu lại một cách nghiêm túc, các trang GS. đã viết về nhân vật Nguyễn Văn Tường (1824 – 1996) trong bộ sách Chống xâm lăng của mình, để đừng rơi vào trường hợp của Phan Bội Châu, bị sứt mẻ thanh danh, lại gây khó khăn cho hậu thế. TXA.

    

[…]

Ngày 26, Phi-lát [Philastre – TXA. ct.] cùng Nguyễn-văn-Tường lên đến Hải-dương. Tường lại phi tư cho Bắc-ninh, Hưng-yên trích ra 1.000 quân để chuẩn bị tiếp thu thành Hải-dương (2-1-74). Ở đây mặc dù tên võ quan Pháp là Trăng-ti-nhăn [Trentinian – ct.] cứng đầu muốn chiếm giữ mãi, mặc dầu tên ngụy tổng đốc Trương (Gác-nhê [Garnier – ct.] mới đặt lên, vốn là người thợ rèn theo công giáo) muốn mưu bắt Nguyễn-văn-Tường để phá hoại sự nghị hoà (Tường biết mưu gian đó, bàn với Phi-lát bắt Trương đem giữ ở dưới thuyền máy), Phi-lát hạ lệnh trao trả thành luỹ cho quan Nam triều và ra lệnh chuẩn bị trao trả Nam-định, Ninh-bình. Hác-măng [Harmann – ct.] và Hốt-tơ-phơi [Hautefeuille – ct.] tuy phản đối mà cũng thấy rằng như thế là chóng được thoát khỏi nguy cơ bị tiêu diệt nên chúng rút lui không mấy phàn nàn.

[…]

(sđd., tr. 317).

[…].

Chỉ cần kể lại một buổi nói chuyện giữa Phi-lát và Đuy-puy [Jean Dupuis – ct.], thì đủ trông thấy không khí xung đột trong đám thực dân lúc bấy giờ ở Hà-nội. (Nên chú ý rằng trong vụ xâm lược này, các cha cố I-pha-nho [Espagnol, Tây Ban Nha – ct.] không chịu ủng hộ bọn Gác-nhê và Puy-gi-nhê [Puginier – ct.]).

Từ mấy hôm rày, Đuy-puy tới lui tìm gặp Phi-lát một là để hỏi tại sao tàu chiến của Pháp đốt phá 28 thuyền chở gạo Bắc-kỳ sang Hương-cảng ở ngoài cửa Cấm, trong số gạo này, có vốn của Đuy-puy hùn với các nhà tư sản Hoa-kiều, hai là để kêu xin đừng trả lại thành Hà-nội cho triều đình Huế; Phi-lát không cho gặp.

Mấy hôm sau, khi gặp được Phi-lát, Đuy-puy xin đừng trả thành, xin bồi thường thiệt hại cho hắn (1 triệu quan), xin được bảo vệ cho thuyền hắn đi Vân-nam, thì Phi-lát không nhận lời nào. Đuy-puy kêu nài có vẻ hung tợn thì Phi-lát nói:

“Người bán than làm chủ cái tiệm than của mình; các quan An-nam là chủ trong nhà của họ; họ không muốn anh đến ở nhà họ thì anh lấy quyền gì mà anh cứ đến, cứ ở?”.

Đuy-puy nóng tiết lên, hỏi lại:

“Nếu tôi đến ở Bắc-kỳ trái với nguyện vọng của người An-nam thì thử hỏi người Pháp tới ở Nam-kỳ có đúng với nguyện vọng của người An-nam không?”.

Lẽ tất nhiên Phi-lát cứng họng, liền đáp:

“Chúng ta đến Nam-kỳ với tư cách của kẻ cướp, kẻ trộm. Anh và Gác-nhê cũng là kẻ cướp, kẻ trộm thôi.

Nếu Gác-nhê không chết thì hắn sẽ bị truy tố ở toà án quân sự”.

Đuy-puy đòi lấy của triều đình trong các thành để bồi thường cho hắn, thì Phi-lát trả lời rằng, đô đốc Đuy-pơ-rê [Dupré – ct.] không có dặn gì về khoản này cả; Đuy-pơ-rê lại bảo cho Đuy-puy xa lánh Bắc-kỳ đi, đi lên Vân-nam đi, đi mà không được đem theo pháo thuyền quân đội như dạo trước.

Còn giám mục Puy-gi-nhê, từ khi Phi-lát đến với Nguyễn-văn-Tường thì xuống nước hẳn đi, khóc lóc. Ông [(?!?) – iđ. & ing.] thổi phồng thêm những chuyện có thật, là các quan và các nhà nho bắt giết người công giáo đã theo Pháp đánh lại đất nước Nam; ông [(?!?) – iđ. & ing.] kể lể cho Ba-lê-zô [Balézeaux – ct.] rằng nhiều làng công giáo đã theo Pháp nay bị đốt; thì Ba-lê-zô đáp:

“Các quan An-nam cố sức ngăn cản sự trả thù được chừng nào hay chừng ấy, việc xảy ra nào phải lỗi tự họ đâu; người công giáo phải trả cái gì họ đã vay trong lúc Pháp chiếm đóng, đó là lẽ tự nhiên”.

Puy-gi-nhê than:

“Bây giờ các ông lại đổ lỗi cho chúng tôi”.

“Tôi đã mất hết uy tín đối với tín đồ công giáo rồi”.

(Evènements du Tonkin, trang 250).

Không phải Phi-lát và Ba-lê-zô cầm cân công lý đâu. Chúng vẫn là cánh thực dân cả. Song thực dân Pháp đang ở trong cái thế không thể không hòa được, vì thế mà chúng phải bóp bụng chịu vậy, chúng sáng suốt hơn là bọn Đuy-puy, Gác-nhê, chúng sợ rằng nếu đánh lúc ấy thì đã chẳng lấy được Bắc-kỳ lại còn sợ mất cả Nam-kỳ nữa.

Trong và sau khi thương nghị trả thành, ở Ninh-bình, Nam-định, Hải-dương và Hà-nội, nhất là 10 ngày theo sau các cuộc trả thành, có nhiều vụ trả thù, nhiều vụ bắt bớ, giết chóc và trục xuất cảnh ngoại. Triều đình phần thì sợ Pháp can thiệp nữa, phần thì bất lực, nên chỉ ngồi ngơ không có chính sách khoan hồng, cũng không có chính sách đoàn kết lương giáo; nhưng ta hãy ghi rằng tất cả các cha cố đã tận lực mộ nguỵ binh cho Pháp, kéo quân đi đánh phá nơi này nơi nọ, chỉ điểm cho giặc, làm thông ngôn cho giặc, đều được yên toàn cho đến khi 10 năm sau, lúc Hăn-ri Ri-vi-e [Henry Rivière – ct.] đến thì họ lại trở lại làm cái việc mà họ đã làm trong cuối 1873 và đầu 1874. Lại có một điều rất đáng được chú ý và đề cao là phe kháng chiến lúc này đã biết truyền hịch cho đồng bào công giáo, cho mã tà công giáo chớ nên nghe lời địch cầm vũ trang chống lại nước nhà, mà hãy trở lại với dân với nước, quay súng đánh Tây (Evènements du Tonkin, trang 275); lời kêu gọi đó cũng có kết quả: tin đồn quân triều đình ra gần tới Tam-điệp thì nhiều mã tà ở Ninh-bình, Nam-định bỏ hàng ngũ địch. Ngay trong số cha cố, há không có người ái quốc? Đuy-puy đã chẳng gọi cha Huân (liên lạc và thông ngôn của quan Nam triều) là mật thám của triều đình hay sao?

Lại đặc biệt chú ý đến điều này là các làng công giáo nào mà không có tham gia giúp Pháp chiếm lấy Bắc-kỳ thì không có ai đụng chạm đến, đó là trường hợp của tất cả các xứ đạo do cha cố I-pha-nho cầm đầu. Các xứ đạo này có số tín đồ trên 10 vạn, gần bằng một phần nửa số tín đồ do cha cố Pháp cầm đầu. Ngay trong các xóm công giáo có người theo Tây thì nói chung, chỉ có những kẻ tàn ác và kẻ làm lò rèn rèn vũ khí cho ngụy binh mới bị trừng trị (Lemire, L’Indochine, trang 301).

Bên phía Phi-lát thì yêu cầu làm đính ước mới trong khi trao trả thành; nhưng lúc bấy giờ thì Tường thương thuyết trên cái thế tương đối mạnh. Bên triều đình đòi lập lại tình thế trước khi xung đột rồi sẽ đính ước mới. Nhờ có thắng trận Cầu-giấy! Còn Pháp thì bối rối do dự, nên Phi-lát được toàn quyền uỷ nhiệm của Đuy-pơ-rê để giao thành trước rồi mới đính ước sau. Ninh-bình được giao trả ngày 6.1.74, Nam-định ngày 10.1. Quân viễn chinh cũng rút khỏi Hà-nội, trừ một trung đội ở lại làm hộ vệ cho viên lãnh sự Ray-na [Rheinart – ct.]. Tên con buôn côn đồ Giăng Đuy-puy bị trục xuất, tất cả tài sản của hắn bị niêm phong ở Hải-phòng. Ngày 16.2, thành Hà-nội được giao trả. Ngày 4.3, Phi-lát về Sài-gòn để chuẩn bị hoà ước.

Trải qua một trận phong ba, ai ai đều trông thấy càng rõ sự mục nát của bộ máy phong kiến, càng trông thấy rõ lòng ái quốc của nhân dân.

[…]

(sđd., tr. 317 – 320).

[…]

Dù sao đi nữa, trong triều đình Huế, Thuyết là lãnh tụ cang cường nhất lúc ấy, tiêu biểu nhất cho ý chí đề kháng; chỉ có những người hoặc là tôi đòi của thực dân, hoặc thiếu suy nghĩ kỹ, mới không chịu thấy rằng mặt tốt của Thuyết là căn bản; chỉ có những ai bị sử thực dân mê hoặc quá mới xem đạo quân Phấn-nghĩa của Thuyết tổ chức lựa lọc là để cướp phá, giết chóc, là để cho Thuyết chuyên quyền cá nhân. Thuyết là một nhà ái quốc. Từ những vụ phế vua đến ám sát Trần-tiến-Thành, các hành động đó, căn bản đều có mục đích cứu nước chống Pháp cả; tiêu diệt những phần tử thân Pháp, đầu hàng, là điều phải làm, làm khôn khéo chăng, đúng mực chăng, ấy là việc khác. Thuyết nắm binh quyền tức là thực quyền [vũ trang – TXA. ct.], cho nên không phải tên khâm sứ Pháp ở Huế muốn gì cũng được; mặc dù rằng tên Lơ-me-rơ [Lemaire – ct.] có quân đóng ngay ở Huế, bên kia sông và ngay ở Mang-cá, Lơ-me-rơ vẫn phải kiêng nể Thuyết, chưa dám bức bách triều đình một cách quá chừng mực.

[…]

(sđd., tr. 547).

[…]

Trong lúc nhân dân tự động kháng chiến thì quân đội chính quy của triều đình ở Bắc-kỳ không đánh nữa, chỉ trông chừng, chờ đợi; nhiều người ái quốc mộ binh kháng chiến mà lấy danh nghĩa nhà Thanh nên không mấy được nhân dân hết lòng ủng hộ. Còn ở triều đình thì việc phế lập biểu hiện mâu thuẫn ở hai phe chủ hoà và chủ chiến [&?!?].

[…]    

(sđd., tr. 449).

[…]

Nhắc lại Tự-Đức chết ngày 19-7-1883. Tự-Đức không con, nuôi 3 người cháu làm con nuôi, con nuôi trưởng là Thụy quốc công Dục-Đức; thứ hai là Kiến-Giang quận công Chánh-Mông; con thứ ba là Dưỡng-Thiện. Di chiếu của Tự-Đức nói rằng Dục-Đức không đáng làm vua; Dưỡng-Thiện đáng hơn, nhưng Dưỡng-Thiện còn quá nhỏ; thế nước đương nguy, cần có vua lớn tuổi, nên đành lập Dục-Đức làm vua, nhưng bên cạnh phải có một hội đồng phụ chánh gồm Trần-tiến-Thành, Nguyễn-văn-Tường và Tôn-thất-Thuyết.

Nguyễn-văn-Tường và Tôn-thất-Thuyết không chịu lập Dục-Đức là người mà họ thấy rằng không có chí cả, không mưu việc lớn được, nên bỏ di chiếu của Tự-Đức mà lập em ruột của Tự-Đức là Lãng quốc công Hồng-Dật lên làm vua, lấy niên hiệu là Hiệp-Hoà, còn Dục-Đức thì [bị chỉ định nơi ở là Giảng đường Viện Thái y; một năm ba tháng sau – TXA. ct.] bị giam, bị bỏ đói đến chết. Phan-đình-Phùng can ngăn không được việc phế lập, bị trói giam ở nhà giam Cẩm-y rồi bị cách chức đuổi về tỉnh nhà.

Sau hoà ước 1883, triều đình Huế vẫn còn chia làm hai phái, đầu hàng và kháng chiến; phái đầu hàng là đa số; phái kháng chiến là thiểu số ở triều đình; nhưng Thuyết nắm binh quyền, làm binh bộ thượng thơ, lại có một số khá đông quan quân ngoài Bắc lục đục kéo về theo lệnh triệt binh của triều đình, nên phần lớn triều đình phải nghe theo Tôn-thất-Thuyết [&?!?].

[…]

 

Lời người biên soạn: Một lần nữa, xin khẳng định rõ, chúng tôi đã gián tiếp tranh luận với GS. bằng bài viết phân tích hai câu bổ sung của bài thơ “Giải triều…”: Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi 05.7.1885. Ở đây, xin nói thêm: Từ lúc còn làm tri huyện Cam Lộ, phủ doãn Thừa Thiên, tham tán, tán lí tiễu phỉ ở biên giới phía Bắc đến lúc đảm nhiệm chức vụ thượng thư Bộ Hộ, quản lí Thương bạc đại thần, phụ chính đại thần, Nguyễn Văn Tường vẫn chủ trương “chiến đã mới có thể hòa, hòa để thủ, thủ để mưu chiến” [13]  – chiến là phương thức cơ bản, quyết định (tiên quyếât và hậu quyết). Thời điểm 1883 – 1885 và hai tháng sau ngày 5.7.1885, không thể không chiến được. Đó là lúc Tự Đức cũng cho rằng “ta không tính chúng, chúng cũng tính ta; tính trước thì thắng”, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đều xác định “thế đã thành cưỡi hổ, tên đã ở trên cung” [14].

Đọc kĩ các tư liệu gốc, chúng ta thấy rõ: Nguyễn Văn Tường bước lên thế cưỡi hổ, trước mũi tên trên cung, không phải từ 1883, mà từ hơn mười lăm năm trước đó, 1868 [15], đặc biệt từ 1873. Và Nguyễn Văn Tường luôn luôn ở trong thế cưỡi trên lưng con-cọp-kẻ-thù là giặc Pháp, trước mũi tên đã ở trên cung cũng của kẻ thù là giặc Pháp, cho đến khi bị lưu đày đến tít tận Tahiti *.

Nguyễn Văn Tường không phải là một người ngây thơ, mà là một nhà chính trị sâu sắc; ông kiên quyết, bền bỉ chống Pháp, và tất nhiên, ông hiểu rất rõ lòng căm thù sâu sắc, dai dẳng của Pháp đối với ông, chúng luôn luôn quyết đập tan tành uy thế của ông, nên ông nhận thức cũng như thực dân Pháp nhận thức, là không thể đội trời chung, cho dù trước hay sau ngày Tự Đức mất (19.7.1883), cho dù trước hay sau ngày Kinh Đô Quật Khởi (05.7.1885). TXA.

 

[…]

Hiệp-Hòa thấy Tôn-thất-Thuyết và Nguyễn-văn-Tường không chịu thi hành tân ước bảo hộ, mà cứ chủ trương kháng chiến thì sợ cho địa vị làm vua của mình, và biết chỗ khác nhau giữa Thuyết và Tường, nên vua Hiệp-Hòa tư thông với khâm sứ Pháp và mưu đổi Thuyết sang bộ lại, Tường sang bộ binh. Biết mưu gian ấy, Thuyết và Tường xin với Từ-Dũ thái hậu bỏ Hiệp-Hòa, mà lập hoàng tử Dưỡng-Thiện 15 tuổi, con nuôi thứ ba của Tự-Đức, lên ngôi vua, niên hiệu là Kiến-Phúc. Đó là cuối năm 1883. Hiệp-Hòa bị phế, việc ấy cũng đúng thôi, làm vua lại tư thông với giặc thì chỉ là giặc, bị phế rồi thì tất nhiên trong tình trạng xã hội và triều đình lúc bấy giờ không thể nào không bị  ám hại được.

[…]

Đa số đình thần và cả vua Kiến-Phúc với hoàng gia lại thường tư thông với khâm sứ Pháp ở Huế, làm trở ngại công việc của Tôn-thất-Thuyết, cho nên đến tháng 7 năm 1884 chúng ta sẽ thấy Kiến-Phúc chết bất ngờ, mờ ám, Tôn-thất-Thuyết và Nguyễn-văn-Tường sẽ chọn Ưng-Lịch, tôn lên ngôi là vua Hàm-Nghi mới 12 tuổi.

[…]

(sđd., tr. 549 – 511).

 

Lời người biên soạn: Thủ phạm, theo chúng tôi, đó là Hồng Hưu (?) [16]. TXA.

 

[…]

Ngày 27 tháng 6, tên tướng Đờ Cuốc-xy cùng với quan năm Cơ-rê-tanh [Crétin (?) – ct.] cầm đầu 4 đại đội bộ binh, đáp hai tàu chiến từ Hải-phòng vào Huế.

Khi Đờ Cuốc-xy đi vào Huế với quân đội của hắn thì tên tướng Bri-e đờ Lin-xơ [Brière de L’Ilse (L’Isle) – ct.] ở Hà-nội tuyên bố rằng:

“Tôi luôn luôn nghĩ rằng cái cách duy nhất để giải quyết hiện tình là phải bắt cóc hai người quan phụ chính”.

Hai người quan phụ chính đó là Tôn-thất-Thuyết và Nguyễn-Văn-Tường. Bản thân Đờ Cuốc-xy đã nửa úp nửa mở:

“Phải giải quyết cả vấn đề này tại Huế”.

Ch. Gốt-sơ-lanh [Charles Gosselin – ct.] có chép lại một đoạn trong bức thư của một tên thực dân viết vào ngày 1-7-1885:

“Trễ còn hơn không. Ta sẽ bắt Tường và Thuyết chăng, hay ta sẽ làm sao cho họ không còn có cách gì phá hoại ta nữa”.

(Gosselin, L’Empire d’Annam, tr. 197).

Cái điều làm cho bọn thực dân hậm hực nhất là Tôn-thất-Thuyết, Nguyễn-văn-Tường nắm cả bộ binh và bộ lại, nghĩa là thực quyền còn lại trong tay của triều đình Huế. Thuyết và Tường hành động không phải hỏi ý kiến của khâm sứ thực dân. Pháp hậm hực hơn nữa là vì Thuyết và Tường một mặt tập trung nhiều quân về Huế, đồng thời đem nhiều của cải vàng bạc, lương thực ngày càng nhiều lên các sơn phòng. Địch dự đoán rất đúng rằng “nếu một hôm nào đó, triều đình sẽ đi theo số của cải ấy, thì không có gì là lạ cả”.

Pháp nhất quyết lần này phải nắm hẳn toàn bộ hội đồng phụ chính, tẩy trừ Thuyết, Tường ra khỏi hội đồng này, và nhất là giải tán quân đội của Tôn-thất-Thuyết, tức là siết chặt nền đô hộ, làm cho triều đình hoàn toàn phụ thuộc vào thực dân Pháp.

Tường là một quan văn, trước là tri huyện Quỳnh-lôi [thực ra là Cam Lộ, nơi ông đã xây dựng thành lũy Tân Sở, thuộc tỉnh Quảng Trị – TXA. ct.], sau làm phủ doãn Thừa-thiên, từ năm 1875 vào viện Cơ Mật; ông là một nhà ngoại giao khéo léo, mềm mỏng, ngọt dịu, thường thấu tâm trạng của chính khách [&?!?]. Tường làm phụ chính thứ nhất, trước Thuyết. Vấn đề mâu thuẫn giữa Tường và Thuyết không phải là vấn đề địa vị nhất nhì như các nhà sử thực dân thường nói, mà căn bản là hai màu, hai độ khác nhau của một cánh đề kháng trong triều đình. Tường chú trọng về thương thuyết, nhờ sức mạnh của bộ đội để mà nói chuyện với Pháp, còn Thuyết thì tư tưởng đề kháng mạnh hơn, có thể đi đến võ trang tranh đấu nếu Pháp lấn lướt quá.

[…]

(sđd., tr. 549 – 550).

[…]

Thực ra không phải đợi đến khi Đờ Cuốc-xy sang thì mới có bọn thực dân muốn giải quyết mau, ăn mau, ăn trọn bằng cách bắt Thuyết và Tường, giải tán quân đội Việt-nam. Ngày 6 tháng 8 năm 1884, nghĩa là vừa hai tháng sau hòa ước 6-6-1884, tên đại tá Ghe-ri-ê [Guerrier – ct.] đã mang 600 quân, 2 đội pháo binh và chiến thuyền vào Huế với nhiệm vụ là chiếm lấy hoàng thành nếu viện Cơ mật không tuân theo tối hậu thơ của hắn; nhưng tối hậu thơ đưa đến, Thuyết không nghe; Ghe-ri-e không dám làm gì; địch xoay sang cách khác; ngày 17-6-1884 ấy, tên khâm sứ Pháp và các tên võ quan thực dân vào triều đình yết kiến nhà vua, thì Thuyết giàn giá quân lính và văn võ bá quan rất chỉnh tề; vua Hàm-Nghi chỉ ngồi trên ngai mà tiếp khâm sứ Pháp, không đi xuống đón, cũng không đứng dậy tiếp; sau lễ yết kiến, Thuyết cho quan hầu dắt cả đoàn Pháp đi ra bằng cửa hông, không cho ra cửa chính; bọn thực dân rất tức tối; song cả nước Việt-nam lúc bấy giờ phấn khởi, hoan nghênh thái độ cử chỉ của Tôn-thất-Thuyết, nhất là của vua Hàm-Nghi. Trong quyển “Le Roi Proscrit”, tác giả Mác-xen Gô-chê [Marcel Gauthier – ct.] viết:

“Như thế, vua Hàm-Nghi giữ được tính chất thiêng liêng đối với thần dân mình. Vô tình vị vua trẻ tuổi mới làm một việc mà ảnh hưởng lan dội lớn lao trong cả nước: khẳng định cái ý chí muốn giữ độc lập và dù Pháp có đóng quân ở Huế thì triều đình vẫn không qụy lụy trước họ. Cái thái độ tiêu biểu của vị vua trẻ tuổi ấy là do hội đồng phụ chính bày vẽ thôi, hội đồng phụ chính rất có lý mà tin chắc rằng quần chúng nhân dân trông vào thái độ của vua để mà noi theo, xem thái độ ấy như là một mệnh lệnh không nói ra bằng lời, để cho nhân dân kháng cự với kẻ mới đến”.

    (Marcel Gauthier, Le Roi Proscrit, trang 40 – 41).

Đó là năm ngoái. Pháp ấm ức nhưng giả như không biết bởi vì chiến tranh Trung – Pháp lúc ấy hãy còn đang cháy. Năm nay, chiến tranh Trung – Pháp dứt rồi, Pháp muốn có ở Huế một ông vua ngoan ngoãn, hay nghe, dễ bảo, muốn có một viện Cơ mật và một hội đồng phụ chính gồm toàn người thân Pháp; muốn được như vậy thì theo kế hoạch của Đờ Cuốc-xy phải bắt cóc Thuyết và Tường, giải tán quân đội Huế; Thuyết bị bắt thì, theo Đờ Cuốc-xy, cánh đề kháng sẽ tự nhiên tan rã.

[…]

(sđd., tr. 550 – 551).

[…]

Ngày 3-7, Đờ Cuốc-xy mời Tường và Thuyết qua bên kia sông để “thương nghị” tại dinh của hắn. Lẽ cố nhiên là hễ hai vị lãnh tụ của cánh đề kháng mà qua sông thì sẽ không trở lại nữa, hoặc nếu có trở lại thì đó là sau khi quân đội đã bị giải tán rồi, sau khi một hội đồng phụ chính khác đã thành lập rồi. Cuốc-xy tưởng là mưu cao, hoá ra cái âm mưu loại Hồng môn hộ yến này, ở Viễn-đông trẻ con nào lại không biết? Thuyết cáo bệnh không đi. Chỉ có Tường và Phạm Thận Duật qua sông. Bắt Tường và Duật thì không có lợi gì cả, vì binh quyền nghĩa là thực quyền [vũ trang – TXA. ct.] là ở trong tay Thuyết. Cuốc-xy nài bảo Thuyết phải đến. Thuyết càng thấy rõ âm mưu lộ liễu của giặc Pháp nên đề phòng thêm cẩn mật.

[…]

(sđd., tr. 552).

[…]

Thấy tình hình căng thẳng, Thuyết gấp rút chuẩn bị đối phó; một mặt, gởi gấp ra Quảng-trị nhiều tài sản quý báu của triều đình, cả súng đạn; một mặt khác thì làm chiến luỹ trong thành, tập trung thêm quân vào trong nội. Hoàng thành xây từ 1805 đến 1820 là một cái thành vuông, mỗi bề 2 kilômét rưỡi, một mặt giáp sông Hương, ba mặt có hào sâu; tường thành làm bằng mặt đá [gạch – ct.] cao 10 mét; trên mặt tường có dư trăm đại bác. Trong thành có dư vạn binh lính. Các cuộc phòng ngự và hoạt động này, giám mục Cát-pa [Caspar – ct.] đều biết và đều có báo cáo hàng lúc cho Đờ Cuốc-xy. Cuốc-xy vẫn khinh thường thôi.

Triều đình bị bắt buộc phải kháng cự bằng võ lực hay là phải bó tay nạp các lãnh tụ ái quốc và giải tán quân  đội; bằng không nạp Thuyết và giải tán quân đội [; nếu hoàn toàn không – ct.], thì Đờ Cuốc-xy sẽ nổ súng trước. Những việc đã xảy ra ở Hà-nội năm 1873 và 1882 với Gác-nhi-ê, với Ri-vi-e còn rành rành trước mắt; những bài học đau đớn của Nguyễn-tri-Phương, Hoàng-Diệu còn rành rành trước mắt, nay quan quân và nhân dân kinh thành sắp phải gặp cảnh tấn công man trá của địch thì phải làm sao? Cuộc đổ máu đêm 4-7-1885 ở Huế tuyệt đối không thể gọi là cái “bẫy trấp” của Tôn-thất-Thuyết mà là một cuộc chiến đấu tự vệ của quân và dân ta trước sự tấn công, trước âm mưu cạm bẫy của địch.

[…]

(sđd., tr. 553).

[…]

Trong lúc đạo quân trong nội kiềm chế sức tiến của giặc thì hữu quân đô thống Hồ-văn-Hiển và Nguyễn-văn-Tường rước vua Hàm-Nghi và ba cung bỏ kinh thành ra đi theo cửa tây nam. Thuyết rút quân ra sau cùng, hộ giá lên Trường-thi (ở La-chử); ở đây có một phần của đạo quân Tôn-thất-Lệ hộ tống. Cùng với xa giá chỉ còn có 100 quân mà thôi.

Cứ theo lời thuật của Lễ Tần Nguyễn-nhược-thị trong “Hạnh Thục ca” thì Từ-Dũ khi ra khỏi thành đã bảo Tường ở lại Huế để thương lượng với giặc Pháp.

Địch chiếm thành, cướp hết của cải quý báu trong hoàng cung, vàng bạc tơ lụa của nhà quan nhà dân, đốt cháy hai bộ binh và bộ lại mà Thuyết và Tường phụ trách. Khói lửa bốc, hai ngày trời mới hết.

[…]

(sđd., tr. 555).

[…]

Tường vào nhà thờ Hàm-long [Kim Long – TXA. ct.] tìm cố đạo Cát-pa (giám mục Lộc) xin nhờ Cát-pa dắt ra đầu thú với Đờ Cuốc-xy (5-7-85).

[&?!?]

Lẽ tất nhiên rằng Đờ Cuốc-xy dầu không thích Tường chút nào cũng trông mong nhiều rằng Tường có thể gỡ rối cho hắn bằng hai cách: cùng với hắn ký tên các tờ hiệu triệu nhân dân, và cố sức đem vua trở về Huế; Cuốc-xy ra lệnh cho Tường trong hai tháng phải vỗ yên bá tánh cho kỳ được; Tường [&?!?] vẫn bị giam lỏng ở dinh Thương-bạc, có lính Pháp canh gác.

[…]

(sđd., tr. 556).

[&?!?]

Nguyễn-văn-Tường gởi tên binh bộ thị lang Phạm-hữu-Dụng đi lên [ra – TXA. ct.] Quảng-trị tâu vua Hàm-Nghi rằng Đờ Cuốc-xy muốn mời xa giá trở về.

[…]

(sđd., tr. 557).

[…]

Nhưng giữa lúc Cuốc-xy bối rối vô cùng thì Từ-Dũ và Tam cung về Huế. [&?!?] Viện Cơ mật [&?!?], Nguyễn-hữu-Độ làm phó (Độ là phó vương Bắc-kỳ được Pháp tin cẩn), lập một số bộ, trong đó có bộ binh do tên khâm sứ Sam-pô [Champeaux – ct.] cầm đầu. Cuốc-xy ép đám hoàng thân cử Thọ-Xuân làm phụ chánh [đúng chức danh là nhiếp chánh – TXA. ct.], ép Thọ-Xuân làm bản tuyên cáo nói rằng Tôn-thất-Thuyết là nghịch đảng, rằng các quan ở Bắc, Trung phải cộng tác với quân Pháp để tiêu diệt nghịch đảng, v.v… Nhưng chính địch cũng phải thừa nhận rằng ông già Thọ-Xuân 76 tuổi “không có ảnh hưởng gì trong nhân dân cả”, càng không có ảnh hưởng gì với tầng lớp thân sĩ trí thức.

“Cái khả năng duy nhất của ông phụ chánh [nhiếp chính – TXA. ct.] chỉ là ký tên mà thôi”.

              (Gosselin, L’Empire  d’Annam [tr.? – ct.]).

[…]

(sđd., tr. 560).

[…]

Hơn nữa Cuốc-xy bắt cả những người đã đầu hàng nó [?!?– TXA. ct.] mà không làm việc được vừa ý nó, như Nguyễn-văn-Tường. Nguyên Cuốc-xy hạn định cho Tường trong 2 tháng phải “lập lại trật tự”; 2 tháng qua, Tường không lập được trật tự gì, bị Pháp bắt đưa đi Côn-lôn, rồi đi đảo Ta-hi-ti, tất cả của cải của Tường đều bị tịch thu. Tường bỏ xương [&?!?] ở hải đảo, [&?!?] minh oan với hậu thế bằng thơ:

Sơn sắc thiên trùng thương túy liễn;

Thần tâm nhất dạng luyến đan đình.

Thị phi nhiên phó thiên thu luận;

Xã tắc quân vương thục trọng khinh?

              [nhất dạng – TXA. nhấn mạnh (in đậm)].

[&?!?]

(sđd., tr. 561).

     

Lời người biên soạn: Trong bài viết tập trung phân tích bài thơ “Giải triều…” – Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi 05.7. 1885 –, chúng tôi đã làm sáng tỏ đoạn kết của cuộc đời Nguyễn Văn Tường. Cũng trên cơ sở các văn kiện gốc trong tư liệu chuẩn cứ là ĐNTL.CB. IV, V, VI (1847 –1888), chúng tôi sử dụng thêm các tư liệu, bài viết của Puginier [17], Delvaux, H. Le Marchant de Trigon…, đã được công bố từ 1890 đến 1917, và bài viết của Jabouille, “Một trang viết về lịch sử tỉnh Quảng Trị: tháng 9.1885” [18]  để minh chứng.

      Tất nhiên chúng tôi cũng đã phê phán luận điệu trong bài viết “Một kinh đô phù du: Tân Sở” (1914) của H. de Pirey [19] và trong hai bài viết “Pháp đánh chiếm kinh thành Huế” (1920) và “Cái chết của Nguyễn Văn Tường, cựu phụ chính An Nam” (1823) của Delvaux [20], là đầy thù hận, thiếu trung thực… Rất tiếc là hiện nay nhiều người, trong chừng mức nào đó, còn bị nhiễm độc từ ba bài viết vừa nêu của hai cố đạo vốn là linh mục quản hạt tại Quảng Trị này! Và, xin vô phép được nêu câu hỏi: Phải chăng GS. Trần Văn Giàu cũng phần nào bị “ảnh hưởng” các chi tiết xuyên tạc (vốn là thủ đoạn khích tướng, li gián của Pháp), bởi luận điệu của hai cố đạo ấy, mà chúng tôi đã lược bỏ? Chúng tôi cũng xin vô phép ngờ rằng các tác giả trong Đại cương lịch sử Việt Nam (toàn tập) [21] cũng ít nhiều chưa thoát khỏi “định kiến” do các bài báo của H. de Pirey, Delvaux nói trên gây ra? Thảo nào GS. Trần Văn Giàu còn gọi tên giám mục tả đạo vốn mang bản chất thực dân thâm độc, cuồng bạo Puginier là “ông”!

Mong GS. đọc kĩ  bài viết của chúng tôi một lần nữa và quan trọng nhất là kiểm chứng lại giúp tư liệu chúng tôi đã ghi rõ xuất xứ [22].

Về hiện tượng thư từ giả, chính lá “Thư gửi thống đốc Tahiti” (trong Lô Giang tiểu sử [1927] [23]) cũng đã nói đến (thư giả trong vụ Hà Văn Quan; thư chiêu binh Trung Hoa cứu viện cho kinh đô của Nguyễn Văn Tường sau 05.7.1885). Đó là một hiện tượng không có gì lạ, ngay ở thuở bấy giờ. Chúng tôi đã trích dẫn H. Le Marchant de Trigon (thanh tra hành chính Pháp tại Đại Nam) [24] để chứng minh “Thư gửi thống đốc Tahiti” cũng là thư giả. Các tư liệu của Puginier (1890), Delvaux (1916) [25] … càng chứng minh nội dung là thư ấy là hoàn toàn bịa đặt và xuyên tạc sự thật lịch sử mà chính Lô Giang Nguyễn Văn Mại – một người càng về sau càng có khuynh hướng “hòa” hóa tất cả, rất đáng phàn nàn –, chính ông cũng không biết xuất xứ lá thư ấy ở đâu. Hơn nữa, đọc kĩ Lô Giang tiểu sử, ta thấy chính lá thư trên cũng làm đảo lộn suy nghĩ của Nguyễn Văn Mại về Nguyễn Văn Tường: từ một người lãnh tụ chủ chiến yêu nước, Nguyễn Văn Tường lại trở thành một người chủ “hòa” yêu nước!

 

“Sau khi đã ký hòa ước giáp thân rồi, TÔN THẤT THUYẾT không chịu qua Tòa mà thương thuyết. Vì binh quyền trong tay, thế như cỡi cọp, không thể xuống được, y muốn liều một trận. NGUYỄN VĂN TƯỜNG, ngoài mặt tuy chủ hòa, mà bề trong một lòng với THUYẾT  [TXA. in đậm (iđ.)]. Vì vậy mà lập đồn TÂN SỞ, Cam Lộ… [… ]… Thế là hai bên không thể không đánh nhau được”.

“Trong kinh lúc ấy mới yên, mà Nam – Bắc bắt đầu khởi nghĩa. Ông NGUYỄN VĂN TƯỜNG tới Gia Định có ngâm câu tuyệt cú rằng:

Tây trư tựu trở bì do xích

Nam giáng li chi quả vị hoàng

[Lợn Tây lao thớt da nên trụi

Măng Việt lìa cành trái chửa vàng   

                            – theo bản dịch của Lương An –

                                               TXA. chua thêm (ct.)].                  

Về khoản kinh thành thất thủ năm Ất dậu, mới đây [khoảng 1927 – TXA. iđ. và ct.] ta được xem một bức thơ của Ông NGUYỄN VĂN TƯỜNG viết cho Ông Nguyên Soái Pháp TAHITI càng rõ hơn nữa [TXA. iđ.]” [26].

 

Thật ra không phải “càng rõ hơn nữa”, mà trên đường bị lưu đày, người đã ngâm hai câu tuyệt cú ấy (ám chỉ bọn Pháp xâm chiếm Huế và việc xuất bôn của vua Hàm Nghi), không thể là người viết bức “Thư gửi thống đốc Tahiti” ! Nội dung lá thư này giông giống như luận điệu của Delvaux trong 2 bài viết “Pháp đánh chiếm kinh thành Huế” [27] và “Cái chết của Nguyễn Văn Tường, cựu phụ chính An Nam” [28]! Tuy nhiên, ngay trong các văn bản Delvaux nhận được từ giám mục ở Tahiti, không hề có bức “Thư gửi thống đốc Tahiti” đó, và trong bài viết “Cái chết…” nêu trên, Delvaux cũng không một chữ đề cập đến bức thư ấy!

Để phối kiểm, chúng tôi vẫn căn cứ vào tư liệu gốc [29] (chứ không phải là thứ “tư liệu vu vơ”!):

 

1. Hai mật dụ của Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết từ Tân Sở gửi về;

2. Bản án cáo thị của De Courcy, De Champeaux;

3. BẢN ÁN CHUNG THẨM của ngụy triều Đồng Khánh (một bên, có chữ kí của De Courcy! [30]);

4. Dụ, cáo thị cho các tỉnh tả kì của Đồng Khánh, Hector, Nguyễn Hữu Độ, Phan Liêm, Phạm Phú Lâm…

[ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH., 1976, tr. 225 – 228, 247; tập 37, Nxb. KHXH., 1978, tr. 35, 138…].

 

Chỉ xin nhấn mạnh: qua cáo thị trấn áp, khuyến cáo sĩ phu, nhân dân các tỉnh tả kì này của thực dân, ngụy triều, ta còn thấy rõ lòng trung thành của phong trào Cần vương đối với Nguyễn Văn Tường sau khi ông đã bị lưu đày [31]. ĐNTL.CB. còn ghi rõ Phạm Phú Lâm, Phan Liêm đã trả với giá phải vay như thế nào trong thời gian làm khâm sai ấy [32]. Và trước đó, cuộc “sát tả” đã bùng lên ở Quảng Trị vào trưa 06.9.1885, ngay sau buổi sáng Nguyễn Văn Tường bị bắt [33].

Cũng xin đưa ra ba chi tiết sai lầm trong “Thư gửi thống đốc Tahiti”:

 

1. Nếu có sự bất đồng giữa Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, thì sao lại có hai mật dụ vừa ân tình, vừa cụ thể về công việc triều chính đến thế?

2. Chẳng lẽ Nguyễn Văn Tường không nhớ mình đã bị lưu đày sau Tôn Thất Đính, Phạm Thận Duật (hai người này bị bắt vào Gia Định trước)?

3. Chẳng lẽ Nguyễn Văn Tường nhớ nhầm ngày không thể nhầm được là ngày Kinh Đô Quật Khởi (trong thư lại ghi là đêm 23 rạng ngày 24.5 Ất dậu, 1885, nhưng đúng sự thật lịch sử chính là đêm 22 rạng ngày 23.5 Ất dậu, 1885!)?

 

Nói rõ hơn, các tư liệu đều khớp với nhau, kể cả bài thơ “Giải triều…”, chỉ ngoại trừ luận điệu của Delvaux (BAVH., 1920, 1923) và “Thư gửi thống đốc Tahiti” (không có xuất xứ trong LGTS., không giám định được bằng phương pháp thực nghiệm!). Từ sự phối kiểm đó, chúng tôi kết luận “Thư gửi thống đốc Tahiti” không phải thư thật. Để kết luận chắc chắn hơn về lá thư này, cần đọc trọn vẹn “Lô Giang tiểu sử”, ở đó, thể hiện rõ thái độ chính trị của Nguyễn Văn Mại, trong điều kiện hạn chế thời bấy giờ?

Nói rõ ra, chúng tôi tin chắc rằng lá “Thư gửi thống đốc Tahiti” đã được bịa ra, do những người chủ “hòa”, nhằm mục đích biện minh cho chính họ: người sáng suốt, có học (như Nguyễn Văn Tường) thì không thể “sát tả” được; chỉ người nóng nảy, ít học (như Tôn Thất Thuyết) mới chủ trương “sát tả” mà thôi!

Các thao tác phối kiểm, chúng tôi đã thể hiện rõ ở bài viết Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi 05.7.1885, cùng các trích dẫn trực tiếp nguyên văn các bản dịch.

Bi kịch Nguyễn Văn Tường là bi kịch của một người có tâm huyết, nhưng khi bắt đầu bước lên vũ đài chính trị thì bối cảnh lịch sử đã quá khó khăn, thất thế; khi cùng Tôn Thất Thuyết thật sự nắm lấy quyền lực bằng những hành động sáng suốt, táo bạo, thì ít nhiều cũng gây va chạm với phe bảo hoàng ngu trung, chủ “hoà”, và thực chất cũng đã quá muộn, khó bề cứu vãn tình cảnh Đất nước. Bi kịch của Nguyễn Văn Tường là bi kịch của một lãnh tụ yêu nước, chống Pháp, chống tả đạo, phải đảm đương một nhiệm vụ lịch sử rất éo le, dễ gây ngộ nhận, trong kế sách vừa đánh vừa đàm, sau khi kinh đô quật khởi nhưng bị thất thủ; rồi từ đó, Đất nước hoàn toàn rơi vào tay giặc Pháp và tả đạo, trong một thời gian quá lâu (1885 – 1954; riêng ở Miền Nam, mãi đến năm 1975), đến nỗi những tuyên truyền bôi nhọ của giặc Pháp và tả đạo đã trở thành định kiến trong não trạng của vài ba thế hệ! Đó còn là bi kịch của một phụ chính đại thần có uy tín và ảnh hưởng lớn trong một giai đoạn lịch sử mà ở đó các chính kiến, hệ ý thức va chạm nhau gay gắt, với những lăng kính khác nhau (bảo hoàng ngu trung, chủ “hòa”, thân Pháp, thân tả đạo là các khuynh hướng càng về sau càng lấn lướt, thắng thế); do đó các thứ  được gọi là “tư liệu” lại rất rối nhiễu, dễ gây hoang mang! TXA.

 

III. LỜI THƯA CUỐI CHUYỆN ĐỂ TẠM KẾT THÚC VẤN ĐỀ:

 

Lời người biên soạn: Trên đây là những đoạn, những câu trích từ bộ sách Chống xâm lăng của GS. Trần Văn Giàu (và những ghi chú của chúng tôi). Những chỗ chúng tôi mạn phép lược bỏ, vẫn còn nguyên vẹn trong hàng vạn bản sách của GS., tất nhiên GS. phải chịu trách nhiệm trước lương tâm và công luận! Theo thiển ý, chúng tôi tự thấy đã đặt các kí hiệu và dấu biểu cảm đúng chỗ, phù hợp với nguyên tắc trích dẫn.

Thật ra, chỉ với ĐNTL.CB. IV, V, VI  (1847 – 1883; 1883 – 1885; 1885 – 1888), bằng cách đọc theo quan điểm, lập trường dân tộc, nhân dân, theo đạo lí Việt Nam, công lí nhân loại chân chính, tiến bộ **, thì không một ai, kể cả danh nhân, nhà yêu nước ngây thơ nhất, có thể bị lung lạc mà vô tình tiếp tay giặc Pháp đập tan tành Nguyễn Văn Tường được. Và tuy rằng bị mắc mưu tuyên truyền bôi nhọ, cũng không một ai có thể đứng trên lập trường “bảo hoàng hơn vua”, Đại Hán chủ nghĩa, liên kết với một số tín đồ Thiên Chúa giáo, cho dù như cụ Phan Bội Châu kính mến (? vong bản?) đã trót lỡ, mà đảo ngược nổi sự thật lịch sử về Nguyễn Văn Tường, vốn đã được ĐNTL.CB. IV, V, VI ghi nhận và bảo chứng!

Ở đây, để tỏ lòng kính trọng GS. Trần Văn Giàu, chúng tôi mạn phép trích dẫn và bình chú, đồng thời xin phép góp ý với GS. trong tinh thần dân chủ mới đích thực (điều mà chúng ta vẫn đang khao khát, vì ai cũng chán ghét thái độ học phiệt trong học thuật!) ***.

Hi vọng GS. sẽ có dịp đọc những cuốn sách của chúng tôi biên soạn và viết về Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), đặc biệt là cuốn “Tiểu sử biên niên về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp”” và bộ truyện kí lịch sử (truyện – sử kí)**** Phụ chính Nguyễn Văn Tường gồm bốn tập, vốn lấy chuẩn cứ là ĐNTL.CB. các kỉ đã nói trên. Với các cuốn sách của chúng tôi, mong rằng sẽ góp phần nhỏ để chấm dứt tình trạng người nói xuôi kẻ nói ngược rất rắc rối, tà tâm, học phiệt, và khá vớ vẩn!

Tuy nhiên, để càng sáng tỏ hơn, vấn đề còn lại vẫn là kho châu bản triều Nguyễn ở TP. HCM., và làm thế nào để khai thác thêm các kho lưu trữ hồ sơ tư liệu của thực dân ở Pháp, ở Vatican (mặc dù từ đầu thế kỉ XX đến nay phía thực dân và Vatican đã đưa ra công luận phần lớn các tư liệu gốc của Pháp, Hội Truyền giáo hải ngoại Paris, và cả tư liệu gốc của Vatican như chúng tôi đã trích dẫn*****). Dĩ nhiên, vấn đề giám định thực nghiệm tư liệu với các phương tiện khoa học, kĩ thuật hiện đại, tinh vi nhất, với các phương pháp xác minh liên ngành tiên tiến nhất không thể không đặt ra! Và sự chứng kiến, xác nhận của các sử gia trên thế giới cũng hết sức quan trọng! Đó là yêu cầu chung trong phương pháp luận nghiên cứu sử học trước bất kì nhân vật, sự kiện, giai đoạn lịch sử nào.

Chúng tôi hoàn toàn tự tin về những dòng chữ đã viết về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886).

Kính mong các bài viết của chúng tôi về Nguyễn Văn Tường được đăng tải trên báo chí cho rộng đường bình luận công khai, để đi đến kết luận cuối cùng có tính khoa học nghiêm túc, đích thực.

Kính mong được chỉ giáo.

Trân trọng.                                                          

 

                                                            TRẦN XUÂN AN

 

CƯỚC CHÚ  bài TRÍCH ĐOẠN “CHỐNG XÂM LĂNG”

 (VÀ NHƯ MỘT CÁCH ĐỐI THOẠI VỚI GS. TRẦN VĂN GIÀU)

 

 

[1] GS. Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng  (CXL.), trọn bộ, Nxb. TP. HCM. tái bản, 2001.

[2] Hướng đến việc thực hiện mục tiêu lí tưởng là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đích thực: “dân chủ vạn lần hơn nền dân chủ tư sản” (Lénine), chúng tôi thấy trước hết phải nỗ lực thúc đẩy thực thi dân chủ trong học thuật, văn chương. Dân chủ trong học thuật, văn chương là minh bạch nhất, bởi không có gì minh bạch hơn giấy trắng mực đen!

[3] Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), bản dịch Tổ Phiên dịch Viện Sử học, các tập 27 – 38, Nxb. KHXH., 1973 – 1978.

[4] Đại Nam liệt truyện (ĐNLT.), tập 3, bản dịch Tổ Phiên dịch Viện Sử học, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 427 – 467.

[5] Từ điển văn học (TĐVH.), Nxb. KHXH., 1883 – 1884, tr. 346 – 347 [tập I], tr. 445 – 446 [tập I], tr. 548 – 549 [tập II]).

[6] CXL., sđd., tr. 7 – 12.

[7] Xem: tờ tâu của Quốc sử quán, ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 8.

[8] ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 5 và tr. 13.

[9] Những người bạn cố đô Huế (NNBCĐH. [BAVH., 1916]), tập 3, nhiều người dịch, Nxb. Thuận Hoá, 1997, tr. 29. Xem chú thích 25.

[10] Cao Huy Thuần, “Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân [Pháp] tại Việt Nam [1957 – 1914]” (Christianisme et colonialisme au Viet Nam, 1957 – 1914), luận án tiến sĩ tại Pháp (1969), bản dịch, in ronéo của Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1973.

Xin xem thêm chú thích (8) cuối bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi 05.7.1885” của chúng tôi.

[11] Bản dịch của Tổ Phiên dịch Viện sử học Việt Nam, Nxb. KHXH., 1973 – 1976.

[12] Xin xem ý nghĩa các kí hiệu này ở những cụm từ in nghiêng ngay các dòng bên trên. Mạn phép giới thuyết rõ hơn:

[…]: tạm cắt bỏ.

[&?!?]: còn có thêm những câu chữ đáng thắc mắc, phàn nàn.

[?!?]: vẫn trích nhưng nghi ngờ, không đồng ý.

[13] Xem: Châu bản triều Nguyễn về Nguyễn Văn Tường, gồm ba tập văn chính luận (tấu, sớ…). Nhờ được các quan ở Viện, Các tạo điều kiện, nên hậu duệ cụ Nguyễn Văn Tường đã sao chép được các tập văn này từ nguyên bản, vào những năm đầu thế kỉ XX. (Ngoài ra, còn có một tập thơ: Kì Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường thi tập; cũng do hậu duệ lưu giữ hoặc sưu tầm lại được). Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh đã sao chép, dịch và công bố những phần quan trọng.

[14] ĐNTL.CB., tập 35, sđd., tr. 197; tập 36, sđd., tr. 214 – 215; xem thêm: tập 30, sđd., tr. 170 – 171; tập 31, sđd., tr. 86 – 89, 103; đặc biệt, xin vui lòng xem kĩ tiểu mục 3.a.3 của bài Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi 05.7.1885 của chúng tôi.

[15] ĐNTL.CB., tập 31, sđd., bản tấu tháng 3 âl., tr. 202 – 204.

* Xem thêm: Tự Đức, Thơ văn Tự Đức, tập II, Ngự chế văn tam tập, bài “Đuổi viên hành nhân Nguyễn Hoằng” [linh mục], Nxb. Thuận Hóa tái bản, 1996, tr. 176 – 177; Bửu Kế, Chuyện triều Nguyễn, bài “Tòa Khâm sứ Pháp”, Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 78 – 101; H. Cosserat, bài “Người ta viết sử như thế nào: Đón tiếp đại tá Guerrier tại triều đình nước Nam ngày 17.8.1884”, NNBCĐH. (BAVH., 1924), tập XI, Phan Xưng dịch, Nxb. TH., 2002, tr. 373 – 397; và nhiều bài viết khác của thực dân, tả đạo Pháp trong BAVH. [xin xem cuối bài viết này của chúng tôi]. Dĩ nhiên ai cũng biết, cần phải nghiên cứu với cách đọc chủ yếu là đọc vào thái độ thù hận của các tác giả vốn là thực dân, tả đạo người Pháp ấy đối với Nguyễn Văn Tường, nghĩa là đọc vào thái độ thù – bạn, địch – ta của chúng.

[16] Xin xem: ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 151, 167, 176 –177 .

[17] Tư liệu Hội Truyền giáo Bắc kì, ngày 09.3.1890, dẫn theo GS. Nguyễn Văn Kiệm, Kỉ yếu Hội nghị khoa học lịch sử với đề tài “Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường”, 20.6.1996, ĐHSP. TP.HCM., tr. 14; Những người bạn cố đô Huế (NNBCĐH.) [BAVH., 1916, 1917], bản dịch, sđd.. Xin xem các chú thích 24, 25.

[18] Những người bạn cố đô Huế (NNBCĐH.) [BAVH., 1923], tập X, Phan Xưng, Hà Xuân Liêm dịch, Nguyễn Vy hiệu đính, Nxb. Thuận Hóa, 2002, tr. 434, 439…

[19] NNBCĐH. (BAVH., 1914), tập 1, Đặng Như Tùng dịch, Bửu Y hiệu đính, Nxb. Thuận Hoá, 1997, tr. 224 – 234.

[20] NNBCĐH. (BAVH., 1920, 1923), bản dịch, sđd.. Xem chú thích 27 và 28.

[21] Nhiều tác giả, Đại cương lịch sử Việt Nam, toàn tập, Nxb. Giáo dục, 2001, tr. 534 – 537.

[22] NNBCĐH. [BAVH., 1914 – 1924], 11 tập và một tập bản dẫn, bản dịch của nhiều dịch giả, Nxb. Thuận Hóa, 1997 – 2002.

[23] Lô Giang Nguyễn Văn Mại, Lô Giang tiểu sử (LGTS.), Nguyễn Hy Xước dịch, bản in ronéo, 1961, tr. 34, 38 – 39.

[24] Henry Le Marchant de Trigon, bài “Vị đại biện đầu tiên của nền bảo hộ đến Huế”, NNBCĐH. [BAVH., 1917] , tập IV, Đặng Như Tùng dịch, Tôn Thất Hanh hiệu đính, Nhị Xuyên, Lê Văn biên tập, Nxb. TH., 1998, tr. 273…

[25] Aldophe Delvaux, bài “Phái bộ Pháp ở Huế và những phái viên đầu tiên”, NNBCĐH. [BAVH., 1916], tập 3, Đặng Như Tùng dịch, Phan Xưng, Bửu Ý, Đỗ Hữu Thạnh, Hà Xuân Liêm hiệu đính, Nxb. TH.,1997, tr. 29 – 89…

[26] LGTS., Nguyễn Hy Xước dịch, bản in ronéo, 1961, tr. 34, 38 – 39.

[27] NNBCĐH. [BAVH., 1920], tập VII, Bửu Ý, Phan Xưng dịch, sđd., tr. 338 – 375.

[28] NNBCĐH. [BAVH., 1923], tập X, Phan Xưng dịch, Nguyễn Vy hiệu đính, sđd., tr. 478 – 483.

[29] Xin nhấn mạnh các tư liệu gốc này: ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH., 1976, tr. 225 – 228, 247; tập 37, Nxb. KHXH., 1978, tr. 35, 138…

[30] Theo Delvaux, “Cái chết của Nguyễn Văn Tường, cựu phụ chính An Nam”, bđd., sđd..

[31] ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 138.

[32] ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 197, 222; tập 38, sđd., tr. 12, 13.

[33] Jabouille, “Một trang viết về lịch sử tỉnh Quảng Trị: tháng 9.1885”, NNBCĐH. [BAVH., 1923], tập X, Phan Xưng, Hà Xuân Liêm dịch, Nguyễn Vy hiệu đính, sđd., tr. 434, 439…

** Xin xem lại bài viết của chúng tôi: “Cách viết sử theo tiêu chí ngược ở Đại Nam thực lục chính biên kỉ đệ lục (1885 –1888) và cách viết sử xuyên tạc bằng sự đảo ngược sự thật lịch sử ở một vài trang trong Việt Nam vong quốc sử”.

*** Trên Tạp chí Xưa & Nay, số 29, tháng 7. 1996, GS. Nguyễn Văn Kiệm đã viết trong bài “Ghi nhận về cuộc hội thảo khoa học: Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường [20.6.1996]” như sau: “GS. Trần Văn Giàu bày tỏ sự xúc động khi nhìn bức ảnh chụp Nguyễn Văn Tường nằm trên giường bệnh ở Tahiti, và tuyên bố từ bỏ những ý kiến đánh giá trước đây của mình về nhân vật lịch sử này, và kể từ nay thừa nhận Nguyễn Văn Tường là một trong số những đại quan yêu nước khác của triều đình Huế”.

Bài “trích đoạn và đối thoại” trên đây dẫu sao vẫn rất cần thiết, một khi vào năm 2001, “Chống xâm lăng” vẫn được tái bản, không sửa chữa.

Vả lại, đây chỉ là một vấn đề thuần tuý thuộc về sử học, lại là sử học về một giai đoạn đã cách đây hơn một thế kỉ. Tôi thường nghĩ: Không một ai không từng phạm sai sót nào, kể cả danh nhân, anh hùng chiến đấu và anh hùng lao động từ xưa đến nay, và không một ai có quyền tự cho bản thân cá nhân mình là đại diện tiêu biểu cho một triều đại, một chế độ. Nói trắng ra, tôi mạn phép đối thoại, phản biện với GS. về điểm này hay điểm nọ, trong sự giới hạn vấn đề, không có nghĩa là phê phán chế độ xã hội chủ nghĩa của nước ta, một chế độ đã có công rất lớn trong việc đánh bại những nước thực dân, đế quốc, bành trướng hung hãn nhất trên thế giới: Pháp, Mỹ, bá quyền Trung Quốc (có thể kể cả việc góp phần tiêu diệt phát xít Nhật). Bản thân tôi rất sợ những quy chụp ấu trĩ kiểu đó. Xin nói thêm cho rõ. TXA.

**** Truyện kí – khảo cứu lịch sử (khảo cứu lịch sử với đầy đủ các thao tác nghiên cứu khoa học, nhưng được viết dưới dạng truyện kí lịch sử).

***** - Bulletin des amis du vieux Huế, 1914 – 1944 (đặc biệt là bài của Aldophe Delveaux, Phái bộ Pháp và những phái viên đầu tiên ở Huế, 1916, và bài của Henry Le Marchant de Trigon, Vị đại biện đầu tiên đến Huế, 1917…);

- Cao Huy Thuần, “Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam, 1957 – 1914” (Christianisme et colonialisme au Viet Nam, 1957 – 1914), luận án tiến sĩ tại Pháp, 1969, bản dịch, in ronéo của Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1973; Nxb. Tôn Giáo tái bản với bản dịch mới của Nguyên Thuận, 2003;

- Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, luận án tiến sĩ tại Pháp, 1982, UB. KHXH. TU. TP. HCM. xb., 1990;

- Puginier, Tư liệu Hội Truyền giáo Bắc kì, ngày 09.3.1890, dẫn theo GS. Nguyễn Văn Kiệm, Kỉ yếu Hội nghị khoa học lịch sử với đề tài “Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường”, 20.6.1996, ĐHSP. TP.HCM.. … v. v…

TXA.

 

 

 

(  xem tiếp : bài 6  )

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 07/01/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7