g. Trần Xuân An - Ngôi trường tháng giêng - Tệp 7

author's copyright

 

TRẦN XUÂN AN

 

06/30/09

12 tháng 3 năm HB6 (2006)

           

 

        Phần 1

 

        Phần 2

 

        Phần 3

 

        Phần 4

 

        Phần 5

 

        Phần 6

 

        Phần 7

 

        Phần 8

 

        Phần 9

 

        Phần 10

 

        Phần 11

 

        Phần 12

 

        Phụ lục

 

 

 

 

 

 

 

trần xuân an

 

 

ngôi trường

tháng giêng

 

tiểu thuyết

 

 

 

 

 

 

 

 

nhà xuất bản

THANH NIÊN

 

2003

 

 

 

            

 

xem

http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/

( phần 7 )

27

 

Chiều mùng một Tết, nhóm bạn trẻ lại xin phép ba má của Lộc Biếc để đèo nhau long rong trên các đường phố, qua các tụ điểm vui xuân. Lộc Biếc chưa có ý định đến thăm người bạn nào, mặc dầu đã có vài nhóm bạn cùng lớp đến thăm cô, trong đó có nhiều bạn cũng đi dạy ở các nơi không phải thuận lợi gì. Khi chỉ họ còn lại với nhau, dẫu giữa Sài Gòn, họ thấy gần nhau hơn như những ngày ở Bảo Nghĩa. Đôi lúc, họ quên phắt cả Sài Gòn chung quanh. Ý nghĩ về cuộc trò chuyện rất thực tế giữa cô với mẹ thỉnh thoảng lại làm vẩn đục tình cảm giữa bốn người trẻ tuổi trong tâm hồn cô. Lộc Biếc không giận mẹ, cô càng thương mẹ vì mẹ có cách nghĩ, cách lo của một người mẹ gấp đôi tuổi cô, khác thế hệ, khác cả quan điểm, và dù sao cũng xuất phát từ tình thương sâu nặng khó bề đền đáp. Nam và Khoai lại thấy tự hào trong áo quần tuy xoàng xĩnh nhưng đứng đắn, lịch sự. Ấy là niềm tự hào rất chân thành của những người đã tự lột xác để chan hòa cùng nhân dân đa số còn nghèo khó của mình. Nam và Khoai biết vứt bỏ, xem nhẹ bao giá trị bên ngoài phù phiếm để say mê những giá trị to lớn, cao đẹp hơn. Phù phiếm cũng vui mắt, đẹp mắt, thậm chí phản ánh cả trình độ văn hóa ăn mặc, trong đó có thẩm mĩ. Nhưng dẫu sao cũng phù phiếm! Vả lại, đa số nhân dân chưa có được cái phù phiếm vui mắt, đẹp mắt ấy! Lộc Biếc hiểu cô đang vượt lên mình để gần gũi với hai người bạn đậm tính nhân dân này, ngay giữa Sài Gòn này. Cô đã vượt, ngỡ đã vượt qua rồi, không ngờ lại phải vượt qua một lần nữa tại môi trường thành phố.

Thật ra, đó cũng chỉ là ý nghĩ đôi lần thoảng qua giữa họ như một làn khói xe bất chợt phun đen đường phố. Ngay sự so sánh bằng hình ảnh này cũng đã phóng đại!

Buổi chiều mùng một Tết rực nắng ấy, vẫn hồn nhiên, vẫn vui, giữa hai thị dân và hai nông dân Miền Nam, cũng là bốn giáo viên trẻ tuổi về từ vùng kinh tế mới, đã hiểu nhau tận gan ruột.

Chiều mùng hai Tết, một nhóm bạn cũ cùng lớp ở Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đến thăm Lộc Biếc. Phòng khách đang vui một cuộc nhậu nhỏ của những người đàn ông đứng tuổi. Những bạn Sài Gòn, bạn Bảo Nghĩa của Lộc Biếc ngồi quanh hai chiếc bàn nhỏ ghép lại đã được trải khăn trắng. Huyện và hai người bạn Quảng Trị của mình được quen thêm hai cô gái trẻ có tên Hoa Hồng, Hoàng Lan, cùng một anh bạn trai khác cũng cùng một lứa tuổi là Tiệp.

Lộc Biếc mở nắp hộp mứt, bánh, rót trà mời các bạn. Họ cảm động nhìn nhau sau hơn năm tháng xa cách, khi đã nguôi những câu chào hỏi mừng rỡ đến rối rít. Cô giới thiệu bạn cũ, bạn mới để những cái bắt tay được xiết chặt trên mặt bàn.

- Mình không ngờ Hoa Hồng lại lên tận Đắc Lắc để tỏa hương.– Lộc Biếc cười và nói –.

- Thì cũng như Lộc Biếc thôi.– Hoa Hồng nhấp một ngụm trà –. Lộc Biếc ở xứ trà dễ thành trà bạch mao thượng hảo hạng lắm, nhưng khô giòn, chắc chắn giòn đến kêu trong hộp!

- Đầu năm đầu tháng không chúc lành gì cả vậy! Ai lại chúc khô giòn, buồn thế! Lộc Biếc phải muôn năm tươi tắn mùa xuân chứ!– Tiệp nói, cũng với nụ cười –. Đã khô giòn, lại trong hộp nữa!

- Thôi, chớ trách. Hoa hồng bao giờ cũng làm đau tay thiên hạ chút đỉnh. Nhưng thế nào rồi cũng bị cắm vào ống vố của tượng nhà mồ ở Đắc Lắc!– Hoàng Lan lại trả đũa giúp với một tiếng cười rất giòn, tinh nghịch –.

- Năm nay gặp xui xẻo là tôi oán Hoàng Lan đến chết.– Hoa Hồng vờ dọa –.

- Trong lớp mình, Tiệp may mắn nhất.– Hoàng Lan nói, nhìn qua ba người bạn mới –. Các anh biết không, Tiệp cùng lớp với bọn này, bây giờ “đột xuất” lên chức cán bộ giảng dạy, tức là bậc thầy của bọn này rồi đó.

Tiệp lắc đầu:

- Thôi, Hoàng Lan cứ “dịch” các từ ngữ vượt ra ngoài từ điển vậy thì chết thiên hạ. Mình phải học thêm hai năm …

- Dạy đại học, mà bọn này chỉ mới có trình độ đại học, thế Tiệp không dạy bọn này còn gì!– Hoàng Lan cứ bướng –.

Chợt Tiệp nhìn Lộc Biếc:

- Các thầy nói, nếu Lộc Biếc đừng khăng khăng viết luận văn “Tự do sáng tác …” đó, chắc là được giữ lại trường rồi.

Lộc Biếc cúi đầu, tiếc ngẩn ngơ. Nếu được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, cô đã được sống với ba má, hai em, đâu phải lặn lội tít tận Bảo Nghĩa đến thế. Được tiến thân về chuyên môn, vừa được ở nhà mình tại Sài Gòn, không còn gì tuyệt vời hơn! Cô đâu kẹt gì về lí lịch gia đình, chỉ hiềm một nỗi là không thể chấp nhận được làm một thanh niên cộng sản lại nghiên cứu khoa học thiếu trung thực, thiếu dũng cảm. Bây giờ, Lộc Biếc thấy mình hơi quá sách vở!

Lộc Biếc mỉm cười, không nói gì.

- Thôi, đó là một bài học khôn buồn rầu.– Hoàng Lan cười, cô quay sang những người bạn mới quen –. Ở Đại học Sư phạm Huế có vậy không các anh?

- Cũng vậy.– Nam gật đầu –. Lẽ ra một người bạn của anh Đỗ Khoai đây cũng ở lại trường, nhưng lại nghiên cứu mảng văn học Xô-viết, Liên Xô ấy, với chủ đề: “Người cộng sản phải là người trí thức trung thực; người trí thức trung thực trước sau gì cũng là người cộng sản, hay ít ra cũng là người cảm tình với chủ nghĩa cộng sản”. Và ngờ đâu cũng rơi vào trường hợp như Lộc Biếc.

- Lộc Biếc nghe anh Khoai nói chuyện này lâu rồi.– Cô thở dài, hơi ngao ngán –.

- Đề tài gọn hơn là thế này, “Hình tượng người cộng sản là người trí thức trung thực trong văn học Xô-viết”. Anh ấy dựa vào một định nghĩa về người cộng sản của Lê-nin và của thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi thuộc Khoa Toán, không rành lắm các vụ ở Khoa Ngữ văn. Theo tôi, trung thực và trí thức là hai yêu cầu đúng đắn, nếu không sẽ trở thành người máy hay là kẻ phá hoại mà không biết mình phá hoại. Nhưng còn phải biết làm việc có tổ chức, có sự lãnh đạo của tập thể nữa. Chẳng vậy, trung thực và trí thức dễ dẫn đến vô chính phủ, bất phục tòng.– Khoai chợt mỉm cười thấy mình bỗng dưng hơi sính chính trị –.

- Như anh Tiệp đây là nhất, phải khôn khéo nữa.– Huyện cười, nhìn Tiệp –.

- Mời các bạn ăn chút mứt gừng xứ Huế với chút mứt me Sài Gòn cho đủ chua, cay, ngọt ngào.– Hoàng Lan mời –.

Cô dùng sáu cây xăm găm đủ sáu lát mứt đưa tận tay từng người, lại đưa thêm cho mỗi người một cây mứt me bọc giấy kiếng. Cô cũng tự chia một phần. Mọi người đều cười với trò đùa của Hoàng Lan.

- Vậy mà Lộc Biếc vẫn được chấm luận văn với kết quả là năm phiếu A trên sáu phiếu đó.– Hoa Hồng nói –. Phiếu thứ sáu lại phiếu trắng.

- Sau khi ra trường, mình còn biết có vài bạn lớp mình thành “nạn kiều” đó.– Hoàng Lan nói –. Lộc Biếc còn nhớ A Muối Lý Hoàng không? Nó qua Mỹ rồi, với cả gia đình, khi mặt trận biên giới phía bắc nổ ra.– Cô nhìn Lộc Biếc –. Và cả gia đình Lê Phạm Quân, bị trong đợt đánh tư sản, cũng vượt biên rồi …

- Các bạn hôm qua đến đây có nói,– Lộc Biếc gật đầu –, cùng một lớp với nhau, mỗi bạn một số phận rồi đó.

Huyện rót nước cho các bạn, lại đến bàn viết của Thủ, nhấc bình thủy châm thêm nước sôi sau khi bỏ thêm trà vào bình sứ. Hoa Hồng và Hoàng Lan lén nhìn theo Huyện, người vốn tạo ra một từ trường khá mạnh đối với phái nữ. Lộc Biếc nhác tinh ý thấy, thoáng cau mày, nhìn ra khung cửa mở.

Họ lại cười nói rôm rả, thân mật. Câu chuyện vẫn xoay quanh những bạn cũ, trường cũ, các thầy cô đáng kính của họ. Họ cũng biết các thầy cô vẫn có những khó xử của giới trí thức đại học trong thời cuộc nửa chiến tranh, nửa hậu chiến lúc này.

- Bây giờ Hoàng Lan dạy học ở đâu?– Huyện cười bằng mắt một cách kín đáo trước và sau câu hỏi –.

- Hoàng Lan chưa đi dạy, đang chờ ba đi học tập cải tạo về, có điều chẳng biết bao giờ về.– Hoàng Lan cười buồn –. Có lẽ Phòng Tổ chức trường đã “phân công” cho Hoàng Lan làm “công tác thăm nuôi”, thay vì đi dạy!

- Cũng lạc quan cách mạng đó chứ.– Huyện đùa theo mạch vui của câu chuyện –. Bây giờ làm gì hở Hoàng Lan?

- Bán hàng hóa vớ vẩn ngoài chợ, tập làm cô hàng xén.– Hoàng Lan đáp –. “Cô hàng xén” của Thạch Lam tại Sài Gòn!

Huyện nói tếu:

- Đúng là Phòng Tổ chức rất “sâu sát”. Bán hàng xén vừa có tiền thu nhập khá, vừa chủ động thời gian để làm “công tác thăm nuôi”, chứ đi dạy, khó khăn, bị động.– Huyện bỗng thấy mình đùa hơi quá mức, bởi anh hiểu sau câu đùa của Hoàng Lan là cả một nỗi đau –. Chẳng hiểu họ nghĩ thế nào …

- Họ sợ Hoàng Lan thù hận.– Hoàng Lan nói thẳng –.

- Chẳng lẽ trút hận vào học trò? Đáng lẽ phải  “lấy chính nghĩa để thắng hung tàn, đem chí nhân mà thay cường bạo” (33) chứ.– Huyện lắc đầu, tỏ vẻ không hiểu nổi sự đời –.

- Trung thực và khoan dung! Không trung thực nên sợ. Không khoan dung, chuốc thêm thù hận.– Hoàng Lan cười chán chường –. Thật ra, mình có thù hận đâu! Mình và gia đình mình, bao người khác nữa, chỉ là nạn nhân của một giai đoạn lịch sử. Chính Phòng Tổ chức gieo cho mình ý tưởng về sự thù hận … Chẳng lẽ mình dạy gì, học sinh không hiểu sao!

- Nhưng ở các khoa tự nhiên, như toán, lí, hóa, sinh, cũng có nhiều người không được bổ nhiệm vì lí do lí lịch gia đình!– Khoai nói –.

- Thôi, xin van. Tết nhất, sao nói chuyện buồn quá trời!– Lộc Biếc nói –. Ừ, mà khơi nỗi đau để đời nhân hậu hơn.

- Thôi, mai mốt gì gặp nhau lại đi. Chắc cũng còn vài hôm nữa mới lên xứ trà chứ?– Tiệp hỏi –.

- Lộc Biếc định mùng năm.

- Không kiêng sao?

Lộc Biếc cười:

- Ngày kiêng là ngày dễ mua vé xe nhất.

Những tiếng cười vang lên. Họ xuống thang gác, gật đầu chào những người lớn tuổi đang uống trà. Hoàng Lan, Hoa Hồng, Tiệp chúc năm mới thêm một lần nữa và xin phép ra về. Họ tiễn chân nhau với nhiều câu chúc rất vui ở cổng nhà.

Chiều mùng ba Tết, trong khói hương nghi ngút của buổi cúng tiễn ông bà, tổ tiên đã về sum vầy mừng xuân với con cháu của gia đình Lộc Biếc, ba người bạn quá đỗi nhớ nhà. Cũng như chiều ba mươi, trong buổi cúng mời người thân quá cố về thăm, vui Tết, nỗi nhớ nhà trong tâm hồn họ chiều nay lại bồi hồi bổi hổi dấy lên, mênh mang và bâng khuâng.

Giữa bữa ăn chiều mùng ba, Nam với ông Điều nhắc lại kỉ niệm cũ về cây vú sữa, con chó bẹc-giê. Những chén rượu thắp lên ngọn lửa xanh biếc vui tươi trong câu chuyện. Lộc Biếc sững sờ nhìn Nam, người bạn tuổi nhỏ của cô! Họ vui mừng ngỡ như thuở xưa còn bé. Cuộc đời vẫn có những ngẫu nhiên cơ hồ thần thoại.

Đang nâng li rượu nhỏ lên môi, chợt ông Điều sực nhớ:

- Có nhiều người di tản sang Mỹ năm bảy lăm, một, hai năm gần đây, đã gửi thư về. Ông anh cả của cậu Nam đã gửi thư về chưa?

- Hình như ba cháu có nhận được. Cháu không rõ.

- Khi nào gửi thư qua, cho tôi gửi lời thăm nhé. Chả biết có còn nhớ tôi không. Thật ra, ông anh cả của cậu ở xóm này không lâu lắm, đâu một vài năm thôi.– Ông Điều nheo mắt xa xăm –. Ủa, mà sao ba cậu không phải đi học tập cải tạo?

- Dạ, cháu cũng không rõ. Chính quyền địa phương cho được miễn, lại đang làm hồ sơ xin đi theo diện ODP. (đoàn tụ gia đình) … Ba cháu ở lính, có điều chỉ làm hành chính dân sự …

Ông Điều lại gật gù như một thói quen.

- Tôi lại nhớ dường như cậu Nam có một đứa cháu, con của ông anh cả, cũng tên Nam, Nhị Nam thì phải. Tôi có làm chứng cho cháu ấy khi làm giấy khai sanh. Chả là theo thủ tục hồi ấy, khai sanh một đứa trẻ phải có đến vài nhân chứng.– Ông Điều chậm rãi nói –.

- Dạ, thưa chú, đúng rồi. Ông anh cả rất quý cháu, nên đặt tên cho con trai anh ấy là Nguyễn Trần Nhị Nam, tức là thằng Nam thứ hai của dòng họ. Cháu, tên vẫn gọn lỏn hai chữ.

Ông Điều vẫn gật gù.

Lộc Biếc và Nam nhắc lại một vài kỉ niệm cũ rất buồn cười của thời tấm bé xa xưa. Đã mơ hồ, không rõ nét! Duy việc có chung một năm học, cùng là láng giềng cũng đã đủ để bồi hồi, bâng khuâng. Cô cũng hiểu hình ảnh “lộc biếc” trong bài thơ mới đây của Nam chỉ là biểu tượng thơ ca, rất đỗi huyền ảo, biêng biếc xanh xưa. Lộc Biếc cũng không hiểu nổi Nam, và cả Khoai nữa, cả hai cứ mãi vun vào cho tình cảm giữa cô với Huyện! Cô hơi rối lòng mặc dầu chỉ uống một ngụm rượu nhỏ.

- Uống đi, các cậu.– Ông Điều nói –. Ngày mai mình lại phải đạp xe đi phát thư rồi. Một công việc không hề đổi khác suốt hai mươi ba năm, từ năm mươi lăm đến nay!

- Chú không bị chế độ ngụy “động viên” nhập ngũ sao, thưa chú?– Huyện hỏi –.

- Mình được miễn dịch vì gia cảnh.– Ông Điều cười khẽ –.

- Thế thì quá hạnh phúc.– Huyện nói –.

- Ừ, hạnh phúc, êm đềm thật. Đúng là thế. Bao người ao ước thế. Nhưng nhạt nhẽo vì quá suôn sẻ. Chỉ tranh thủ khi rảnh rỗi ở bưu cục để đọc sách văn chương. Nếu không có văn chương, chắc tâm hồn như không có … Thôi, cụng li này nữa đi, ai ít uống thì nhấp môi cho vui.

Ông Điều lại với tay cầm cây đàn, hát bằng một giọng trầm ấm, truyền cảm đến không ngờ, với bài thơ của bà Điều thuở xa xưa ông Điều trai trẻ đã phổ thành nhạc:

cao nguyên lòng hoài tháng giêng

rừng dâng lộc biếc cho thiêng tình hồng

em buồn, anh có thương không

tim bé bỏng, giữa mênh mông Phố Trời … (9)

Nam rùng mình vì xúc động. Khoai thoáng sững nhìn Lộc Biếc rồi cúi đầu lắng nghe.

 

28

 

Sáng nay bốn người bạn trẻ lại đèo nhau đi thăm bạn bè. Dắt xe đạp của Thuận qua đường sắt, Nam đứng đợi Khoai. Nhưng lần này Lộc Biếc lại bước đến bên Nam, cùng đứng chờ Huyện và Khoai với xe đạp của Thủ. Nam ngần ngừ, đưa mắt ngầm hỏi ý Huyện. Huyện vờ nhìn lãng.

- Đi, anh Nam.– Lộc Biếc đẩy nhẹ yên sau –.

Chẳng thể khác được, Huyện nói:

- Đi trước đi Nam. Hôm nay ông được nhẹ chân đạp một chút.– Huyện cố cười thành tiếng –.

Nam vội qua đường. Sài Gòn sáng sớm đã thấy nhiều xe cộ, tuy thời điểm khó khăn này, xăng dầu, phụ tùng xe khó nhập được, nên phần lớn là xe đạp trên đường phố. Cách ăn mặc của công nhân, viên chức cũng xuềnh xoàng đi. Có nhiều người đến cơ quan với một túi vải đựng hộp nhôm cơm, áo không bỏ vào thùng quần, chân mang dép nhựa hoặc giả da. Nam đèo Lộc Biếc, kéo ra trước chiếc mũ kép pi màu xám tro để đỡ chói nắng, nắng chói chang của ngày mùng bốn Tết. Theo đường cô chỉ, Nam thong thả đạp.

Huyện đèo Khoai phía sau. Khoai bỗng vui miệng:

- Thế là hết Tết rồi! Người ta đã đi làm lại.

- Ừ, xong một cái Tết.– Huyện vừa đạp vừa nói –. Đỡ nhớ nhà chưa Khoai? Ông có nhớ người yêu không?

- Có người yêu bao giờ đâu mà nhớ.– Khoai hơi ngượng, bỗng dưng thấy buồn –. Biết tỏng rồi còn hỏi!

- Đừng xạo nữa ông! Thơ tình ra rít vậy mà …

- Tình rất thật, còn người tình thì chỉ … chỉ là người mình yêu, chứ không phải biết mình yêu, và không yêu mình.– Khoai cố pha trò –. Con gái, biết bao nhiêu cô trên đời này, quá dễ thương, nhưng thương không dễ chút nào.

Huyện cười thông cảm:

- Thơ hay, đẹp trai …

- Cùng một gốc gác với củ khoai nữa! Nhà quê! Một làng cát trắng ven biển.

Hai người bạn bật cười, tuy hai tiếng cười khác nhau về ý nghĩa, nhưng rất chia sẻ với nhau.

- Ông ngốc! Mình phải truyền thụ cho ông khoa mục tán gái.– Huyện nói –. Đấy là nụ hôn. Tán tỉnh rồi, phải biết hôn. Nụ hôn là “á phiện”, là “ma túy” trong tình yêu. Ngày xưa các cụ chỉ cầm tay thôi, nhưng phải có vậy mới nhớ như nhớ thuốc lào! Nữa là “thuốc lào” được tăng cường độ thành “ma túy”! Phải tăng cường chất say trong nụ hôn. Có đối tượng, phải ép, phải tập. Đồng chí nữ có thể hết hồn, khóc bàng hoàng, rồi mê tít thò lò.– Huyện đùa –. Đồng chí Khoai hiểu chưa?

Cả hai lại bật cười, suýt va vào một chú bé bán báo qua đường.

- Hoàn toàn có lí. Có điều, khó lắm. Và mình thấy không lành mạnh lắm.

- Ông sợ lao phổi à? Sao không lành mạnh!

- Thôi, tôi chịu tiếng đạo đức giả. Tôi yêu kiểu cổ điển. Cổ điển là cổ lỗ sĩ nhưng cũng là mẫu mực.

- Thời buổi nó vậy, mình phải vậy. Ồ, con gái thời nay nó thế, mình không thế là cô đơn! Khoai vẫn ngốc! Trên trường có bao cô giáo trông cũng xinh, sao ông không yêu lấy một cô hở Khoai?

- Ông chỉ xúi dại. Yêu thì yêu, vẫn không thể thực hành khoa mục “nụ hôn ma túy” ấy được, dẫu tôi đọc ngàn cuốn sách, xem trăm bộ phim Phương Tây không kiểm duyệt các khoản hôn hít đó.

- Thế thì tôi không thể tin lời ông nói!– Huyện cười, tránh một ổ gà –. Chính tôi là học trò xuất sắc về khoản hôn hít ấy của phim ảnh, sách báo. Loại ấy thực chất là tởm nhưng rất thực dụng! Đừng ngây thơ cụ nữa, bớ thầy Khoai!

Khoai ngồi sau Huyện, chỉ mỉm cười, im lặng buồn.

Huyện dừng xe, suýt đụng vào vè xe Nam đang cỡi. Lộc Biếc nhìn sững vào khung cửa sắt đã khóa chặt bằng sợi xích, trên đó có tờ giấy hình chữ nhật với những dòng chữ đánh máy và khuôn dấu đỏ. Lộc Biếc không ngờ cô bạn thân cùng gia đình đã vượt biên, nhà cửa bị niêm phong.

Lộc Biếc hỏi cô bé khoảng mười tuổi đang nhảy lò cò trên vuông sân nhỏ. Cô bé nhìn với cái nhìn dò hỏi, một lúc mới trả lời:

- Cả nhà bị bắt rồi, cô ạ. Một tháng rưỡi rồi …

- Trại nào hở bé?– Lộc Biếc đã bình tĩnh lại –.

Cô bé lắc đầu, rồi lại nhảy lò cò một mình. Một người già, có lẽ là bà của cô bé, ló mặt ra nhìn rồi thụt vào. Lộc Biếc cảm ơn cô bé, lại tần ngần, cuối cùng ngồi lên yên xe.

- Bạn thời trung học của em bị bắt rồi. Vượt biên làm gì không biết! Nó muốn học đại học bên ấy rồi đó.– Lộc Biếc buồn buồn nói –. Thôi, mình đến quán cóc, chỗ hẹn với nhóm của Tiệp đi.

Đạp xe đi một đỗi, Nam nói:

- Mình đề nghị với Tiệp chỗ ấy, để gặp một số anh em luôn. Mình cũng có một vài người quen hay uống cà phê chỗ đó.

Lộc Biếc trầm ngâm hẳn. Bốn người bạn trẻ đạp xe đèo nhau qua một vài con phố dài. Họ dừng lại bên một vỉa hè. Nhóm của Tiệp vẫn chưa thấy tới. Vừa dựng xe, Nam mỉm cười gọi tên một nhà thơ vốn là người khá quen thân với Nam và Khoai ở Huế, đáp lại cái đưa tay chào.

Huyện mượn ghế ở bàn khác cho Lộc Biếc. Bốn người bạn trẻ ngồi ráp vào chỗ ba người đã ngồi từ nãy giờ. Nam thấy ba li cà phê pha bắp với hạt cau rang đều vơi quá nửa.

- Nam, Khoai cùng hai bạn đây mới ở Huế vào?– Nhà thơ Phan Huy Văn tỏ vẻ vui mừng –.

Nam trả lời, giới thiệu Huyện, Lộc Biếc. Và những người bạn trẻ mới biết qua anh Phan Huy Văn về hai người đàn ông khoảng gần bốn mươi tuổi kia. Đó cũng là hai người làm văn nghệ. Nam biết, trong đó có một người ở Hà Nội mới vào công tác trong này, khá quen tên.

- Rất vui được gặp hai anh.– Nam nói –. Em đã đọc của hai anh trên báo khá nhiều, bây giờ mới gặp.

Bốn li cà phê bốc khói được bưng tới từ một chiếc xe nước thường thấy dọc lề đường.

- Vào đây lê la kiếm sống.– Anh Phan Huy Văn trả lời câu hỏi của Khoai –. Ở ngoài mình buồn quá. Nhiều anh em ở các tỉnh về đây cũng nhiều, dựa lưng nhau mà sống.

- Lại làm Di-va-gô (Zhivago) của Pa-téc-nác (Paternak), phải không anh Phan Huy Văn?– Lộc Biếc làm quen –.

Anh Phan Huy Văn hơi sựng người, rồi mỉm cười:

- Nếu không phải là cô Lộc Biếc hỏi, có lẽ tôi đã giận đùng đùng rồi đó.– Anh nói với giọng khôi hài –.

- Mỗi người cứ là mình, dù lột xác cũng là mình.– Anh Cao Quốc với giọng Hà Nội –. Nói thế thì …– Anh mỉm cười, bỏ lửng câu nói, rồi tiếp –, vẫn là mình với một chất mới.

Lộc Biếc đỏ mặt, nhưng vội đáp, tuy biết chỉ đùa vui:

- Em xin lỗi nhé. Nhưng hoàn cảnh lịch sử na ná nhau, tâm trạng một số nhà văn Nga, kể cả Mai-a, Ê-xê-nhin, Bơ-lốc (Maiakovski, Exênhin, Blok) cũng có nét chung với các nhà văn, nhà thơ mình bây giờ, hoặc thời bốn lăm, cả thời năm tư … Vâng, Mai-a vẫn giữ phong cách vị lai như trong  “Đám mây mặc quần” .

Anh Phan Huy Văn bỗng dịu hẳn, nhìn Lộc Biếc với cái nhìn thân thiện. Anh Võ Lâm gật gù:

- Làm nhà thơ có trăm cái lưỡi, chán thật. Đi đến nơi này, gắn vào lưỡi này, tới với chỗ kia, gắn vào lưỡi kia! Không thể tưởng tượng nổi!– Anh Võ Lâm lắc đầu –. Nói có nhà văn Hà Nội mới vào đây, rằng là, xin thưa, dân Hà Nội họ chửi nhà văn nước mình thế đấy. Chắc các bạn đã nghe cái tiếu lâm truyền khẩu đó.– Anh Võ Lâm nhìn Nam –. Tôi cũng có đọc của bạn trên báo. Chính anh Cao Quốc cũng không ngờ bạn viết được như thế! Sao lại viết được như thế nhỉ!– Giọng Bắc pha Nam của anh Võ Lâm bỗng cay chua hẳn –. Tôi xin lỗi nhé. Tôi vốn hơi điên.– Anh Võ Lâm vuốt mái tóc dài xõa ngang vai –.

Nam nóng người, vẫn cố bình tĩnh cúi đầu. Khoai lúng túng, muốn gỡ cho Nam và cả mình.

- Ruộng đất, lúa khoai, đánh ngoại xâm,– Nam mỉm cười, nhưng giọng hơi đanh lại –, và cả sự thống nhất dân tộc! Đó là những gì rất nghìn đời, chỉ với tiếng thơ mới của cảm nhận mới. Có gì đâu anh! Chỉ là hòa mạch truyền thống.

- Thôi, ông điên, ông gàn! Mới gặp bạn trẻ, sao căng thẳng thế?– anh Phan Huy Văn cười đấu dịu –.

- Thử gân nhau một chút mà, Nguyễn Trần Nam với Đỗ Khoai bỏ qua nhé, hai bạn thứ lỗi nhé.– Và anh Võ Lâm chìa tay ra –.

Những cái bắt tay hơi gượng gập.

Nam chẳng hiểu sao anh Võ Lâm lại dám bất nhã đến thế. Cả mấy người ngồi cùng bàn cũng cảm thấy quá khó chịu.

Anh Võ Lâm có lẽ muốn xõa tóc như Cao Bá Quát trong “Tài tử đa cùng phú” hay như một Ta-go (Tagore) của Ấn Độ, Nam cũng chẳng rõ. Thật ra, hồi nãy, Nam nói xã giao thế thôi, chứ chưa bao giờ đọc được cái tên Võ Lâm trên báo, cả trước bảy lăm lẫn sau Ngày Thống nhất. Có lẽ anh ấy mới đổi tên, đổi bút hiệu? Chỉ có anh Cao Quốc, anh Phan Huy Văn là hai người Nam đã đọc được những dòng chữ của tâm hồn họ. Lộc Biếc, Huyện đều muốn nói một câu gì đó để anh Võ Lâm hiểu, không phải ai cũng là nhân vật phản động bị cùm, trên chuyến tàu chở gia đình bác sĩ Di-va-gô về miền quê vì cái ăn, cái sống và thơ, không phải ai cũng lăm lăm vượt biên …

Bỗng dưng, anh Võ Lâm khóc òa, nước mắt ràn rụa, tức tưởi nấc. Những người ngồi quanh cũng ngơ ngác. Chưa ai kịp nói gì, anh Võ Lâm đã rút tiền đặt trên bàn, lắp bắp “xin lỗi, xin lỗi”, vái mấy vái, rồi cúi đầu, vừa đi vừa khóc.

- Không biết có chơi thuốc kích thích hay điên thật? Dạo này, Võ Lâm sao lạ quá đi mất.– Anh Phan Huy văn lẩm bẩm, âu lo –.

- Thôi, quên đi. Đó là một tay cuồng chữ.– Anh Cao Quốc thở dài, phủi tàn thuốc lá trên quần bộ đội đang mặc –.

Lộc Biếc nhìn theo dáng người rất nghệ sĩ của anh Võ Lâm, bỗng thấy thật tội nghiệp. Con đường với hai hàng cây xòe tán giao nhau rợp bóng râm rất đẹp, trên một vỉa hè có một người cuồng chữ vô danh cúi đầu khóc tức tưởi đếm bước chân mình. Lộc Biếc tin nhà thơ Việt Nam không dễ tự sát như nhà thơ Nga. Cô cứ nhìn theo anh Võ Lâm.

- Ban đầu, ở Trường Sơn mới về, gặp Võ Lâm và một số đông người khác, tuy số đông này không điên như Võ Lâm, mình cảm thấy phũ phàng thật. Mình cứ ngỡ nhân dân mong đợi Ngày Giải phóng lắm. Thật buồn.– Anh Cao Quốc chua xót nói –.

- Hồi đấu tranh ở Huế, mình cũng không ngờ hiện thực lại thế này. Nhưng đâu phải ai cũng như Võ Lâm, và khó khăn cứ mãi như bối cảnh trong “Bác sĩ Di-va-gô” …– Anh Phan Huy văn cũng bỗng chán chường –.

- Tâm trạng không phải “vì nhân dân, quên mình”, mà vì nhân dân đã lãng quên mình, có lẽ thế sao?– Huyện đùa –. Chính bọn em ở vùng KTM.(34) về, cũng thoáng có ý nghĩ thế. Thành phố cứ ăn chơi, cười nói, hát hò, mùi mẫn … Ngày xưa, lính ngụy đi hành quân, về phố cũng phát điên, tưới rượu nổ súng vào nhau tung tóe … Thây kệ ấy mà … Đấy là triệu chứng nhẹ của chủ nghĩa công thần?

- Đó là nói cho vui! Người ta vẫn làm ăn cật lực đó chứ.– Lộc Biếc nhìn hai người đàn ông đứng tuổi, mỉm cười, ngắt ngang lời Huyện, sợ anh làm mích lòng hai người mới quen –.

Ba người bạn của Lộc Biếc – Hoa Hồng, Hoàng Lan và Tiệp – dừng xe bên lề vẫy. Lộc Biếc khẽ xin lỗi, chạy ra với bước chân chim sáo. Cô sực nhớ mình đã là cô giáo, Lộc Biếc bước chậm lại.

Một chốc, những người bạn trẻ bắt tay anh Cao Quốc và anh Phan Huy Văn.

Trong nắng Tết, cả nhóm bảy người dự định đạp xe đến thăm những nơi quen thân, ân nghĩa khác của Lộc Biếc. Sau một thôi đường, hãm xe, Nam bảo Lộc Biếc và cả nhóm đứng lại đợi, Nam phải quay lại trả tiền cà phê. Trả xong, Nam nhét tiền vào túi quần din (jean). Hai người đứng tuổi hồi nãy hơi ngạc nhiên, rồi chợt hiểu ra, họ đến bắt tay Nam, hẹn bao giờ về lại Sài Gòn, nhớ tìm gặp nhau. Nam nghĩ anh đang bắt tay hai con người có phong cách riêng, và anh tin chắc, “phong cách, ấy là con người [thật]”, nhất là trong văn chương.

Những người bạn trẻ lại đạp xe cùng nhau đến thăm một vài thầy cô giáo dạy trung học, đại học, những người bạn từ các tỉnh xa về ăn Tết. Không khí Tết vẫn vui tươi, cả rộn rã nữa, trong các nhà thân quen, ân nghĩa, mặc dầu ngoài đường phố ngày thường đã trở lại.

Ở hành lang lầu hai của một chung cư, họ tình cờ gặp một người, khiến những bạn Sài Gòn của Lộc Biếc đứng lại thân mật chào hỏi. Lộc Biếc như đứng sững. Lát sau, họ chia tay anh bạn mới gặp ấy.

- Lộc Biếc!

Mới xuống mấy bậc cầu thang, nghe tiếng gọi, cô đứng lại.

- Bọn mình xuống chỗ gửi xe đợi nhé. Cứ chuyện trò đi.– Hoàng Lan nói với nụ cười thông cảm, tinh nghịch –.

Đợi những người bạn khuất sau cầu thang, người con trai ấy lại kêu khẽ tên cô:

- Lộc Biếc! Dẫu sao … Lên lại đây cho anh hỏi thăm thêm một chút.– Anh ta nói với giọng vừa xúc động, vừa thân yêu –.

Không cách nào khác, Lộc Biếc bước lên, tựa vào lan can, nhìn xuống đường phố đang chói chang nắng. Cô cố kìm lại một tâm trạng đầy mâu thuẫn, vừa muốn thoát hẳn kỉ niệm, vừa quyến luyến những xao động, run  rẩy, bâng khuâng và tha thiết một thời.

- Lộc Biếc! Rất mừng được gặp lại …

- Em cũng không ngờ …

Hai người bỗng im lặng, bối rối. Người con trai nhìn vào những sợi tóc mai xinh đẹp, đen mướt, và nửa gương mặt hồng tươi với sống mũi thẳng một thời anh yêu thương.

- Anh nói gì, nói đi. Em phải về với các bạn.

- Hơn một năm rồi, hai cái Tết rồi, Lộc Biếc vẫn thế thôi sao?

- Vậy là sao, anh Trường? Em vẫn thế.

- Anh cũng biết, em không luyến lưu gì nữa …

- Thôi, chuyện cũ, quên đi. Em cứ ngỡ anh ra nước ngoài rồi chứ.

- Bực mình, nói vậy thôi. Anh đã đi làm ở một xí nghiệp trong thành phố.

- Anh không đi dạy?

- Dạy xa quá … Lại mất hộ khẩu Sài Gòn …

- Thôi, em xuống, các bạn chờ.

Lộc Biếc xoay người định nhớm bước. Trường vội nói:

- Khoan đã.– Trường nhìn vào đôi mắt đen láy của Lộc Biếc, chợt tiếc nuối lạ lùng –. Anh muốn mời em đi chơi.

- Thôi, đừng nữa. Thôi là thôi.

- Chẳng lẽ, đã là cô giáo, em vẫn như thời sinh viên?

- Vẫn vậy. – Lộc Biếc trả lời cộc lốc, nhưng thấy không đành lòng, cô lại nói –. Vẫn vậy thôi, anh Trường à.

Trường cắn môi, bất giác lại sờ tay lên má của mình. Cảm giác nóng ran, choáng váng, tỉnh người bởi cái tát từ bàn tay Lộc Biếc như vẫn còn đó. Trường buột miệng:

- Anh vẫn nhớ …– Trường kịp kìm lại –.

- Thôi, quên đi. Em xuống đây.– Cô không kịp hiểu –.

Và Lộc Biếc dứt khoát bước xuống cầu thang. Với cô gái nào khác, anh đã bước theo, ôm ghì vào đôi tay mình với một cái hôn chiêu phục. Trường bỗng hiểu rõ một lần nữa, anh đã mãi mãi đánh mất một đóa sen đã hóa ngọc với làn hương trinh khiết không hề vơi nhạt. Anh nhớ bài thơ “Cái tát của đóa sen hồng” ai đó viết.

Lộc Biếc đã bước xuống lề đường, mỉm cười rất tươi với các bạn rồi khẽ xin lỗi.

Phần nào, Khoai đã hiểu, tuy anh tự trọng, không tò mò hỏi ba người bạn Sài Gòn của Lộc Biếc. Và bởi chỉ hiểu phần nào, bởi tự trọng, Khoai nãy giờ bỗng buồn đến thắt lòng. Khoai thừa biết, yêu thì phải tỏ tình, dù bằng một cành thoa, một bản đàn, bằng cách tìm dịp gần kề, như trong Truyện Kiều cổ điển, nhưng không bao giờ Khoai có thể tỏ tình với Lộc Biếc. Khoai hiểu, là con trai, anh còn kém xa cô gái Thúy Kiều! Nhưng Khoai cũng thừa biết, mặc dầu người con trai anh mới gặp ở hành lang lầu hai làm anh đau thắt lòng, vẫn không phải là người làm anh lấn cấn.

Những người bạn trẻ đạp xe đi trong nắng.

Ngồi sau Nam, Lộc Biếc tự bảo, đâu phải ai cũng như Trường, đụng một tí là đòi vượt biên, và đâu phải số người vượt biên, xuất cảnh là số nhiều … Nhưng sao Lộc Biếc vẫn bâng khuâng lạ lùng … Dẫu sao, Đất nước vẫn đang mang một nỗi đau, và cô không thể không đau nỗi đau riêng …

 

29

 

Tạm biệt thành phố Hồ Chí Minh từ sáng sớm với những giọt nước mắt của Lộc Biếc, nhóm giáo viên trẻ lên đến bến xe Đa Công vào lúc giữa chiều với nụ cười gượng gạo của cô. Sau một học kì thích nghi với vùng đất mới khai hoang lập ấp, về lại Sài Gòn, sống giữa yêu thương, chăm sóc của gia đình, tình thân bè bạn, những vui buồn của đô thị, Lộc Biếc hơi ngã lòng. Bao tính toán thực dụng, vun quén cho cuộc sống riêng khiến Lộc Biếc không thể không nhận ra sự chịu đựng gian khổ của bao người cho Đất nước chỉ chuốc lấy thua thiệt cho bản thân. Lộc Biếc khóc vì niềm cay đắng đó, đâu chỉ bởi thương yêu, thân thiết. Với nụ cười gượng gạo lúc này, Lộc Biếc chợt quá ngạc nhiên cho bao nhiêu tiếng cười trong sáng của chính cô, của bạn bè tại Bảo Nghĩa. Cô đã bắt đầu nghĩ ngợi về những gì đã làm nên số phận chung, thân phận riêng.

Ngồi sau yên xe đạp do Huyện chở, Lộc Biếc cố suy nghĩ về học sinh và trường Bảo Nghĩa. Nhưng rồi Lộc Biếc vẫn thấy nỗi cay đắng ấy đôi khi lại xoáy vào lẽ sống cao đẹp cô được hình thành bởi truyền thống dân tộc, bởi nhà trường từ tiểu học đến đại học.

Trước khi lên xe về lại thành phố Hồ Chí Minh, hai chiếc xe đạp của Nam và Khoai được gửi lại nhà Hoán tại Đa Công. Sau khi ghé thăm, chúc Tết ba mẹ Hoán, với hai xe đạp ấy, họ vào Bảo Nghĩa. Hoán đạp xe song song xuống dốc, dắt xe dẫn bộ song song lên dốc, thỉnh thoảng hỏi chuyện Sài Gòn và mỉm cười. Anh cũng như ba người bạn kia, đang cảm nhận được phần nào tâm trạng của Lộc Biếc, có điều Hoán không thể nào hiểu được niềm cay đắng ấy của cô.

Bỗng một chiếc xe lam ba bánh vào ngã ba Đa Rai, chỗ rẽ vào Đa Thắng, Bảo Nghĩa, với tiếng máy rú gào nặng nhọc lên dốc từ phía sau chạy tới. Đang dắt xe đi bộ, họ nhìn vào khoang xe lam bên cạnh. Tốc độ chậm của xe lam cho họ đủ nhìn thấy một cô gái da trắng hồng, tóc hơi hoe vàng với nét mặt hơi lai Tây đang ngồi tì tay trên thanh sắt cuối băng ghế. Hoán hơi ngạc nhiên. Chợt hiểu ra, anh cười rạng rỡ chào:

- Ồ, Ka Kring! Ka Kring nhận quyết định về đâu?

Cô gái lai ngoảnh nhìn Hoán,vui vẻ:

- Bảo Nghĩa! Phải trường anh không?

Hoán nói to và gật đầu lia lịa vì sợ tiếng máy xe đã khá xa át tiếng trả lời của anh:

- Đúng rồi! Đúng rồi!

Một người con trai ngồi đối diện với Ka Kring cùng cô đưa tay vẫy chào. Xe lam đã lên đỉnh dốc. Họ vẫy chào hai đồng nghiệp mới. Xe lam khuất vội sau dốc. Nam buột miệng hỏi ngay:

- Ka Kring? Tiếng K’Hor hay tiếng Pháp vậy Hoán?– Nam tách âm –. Ca Cơ Ring, nghe hay quá!

- Cô ấy người Chiau Mạa, cũng gần gũi với người K’Hor đấy.

Nam xúc động, anh hỏi ngay, trước khi câu hỏi giống y của anh kịp thốt ra từ các bạn:

- Lai Tây, phải không? Đâu phải bạch tạng như K’Bẻo!

Họ cùng ngồi lên yên xe đạp để xuống dốc. Hoán nói:

- Không rõ. Bố mẹ hoàn toàn Chiau Mạa. K’Ring là tên một loài chim biển, mỗi năm từ duyên hải bay lên Nam Tây Nguyên vào mùa xuân hay mùa hạ gì đó.

Hoán với các bạn đang ghì chặt ghi đông để lao xe xuống dốc. Tiếng gió bên tai vù vù. Nhưng cây cà phê nở hoa trắng muốt, gợi lại mùi hương thơm ngát còn đọng trong trí nhớ Lộc Biếc, khiến cô ngỡ làn hương ấy đang tràn vào khứu giác. Hoa, hoa và hoa cơ hồ đang chuyển động trước mắt. Sự mờ nhòa của các cành hoa cà phê hai bên đường, cùng bạt ngàn trà lấm tấm hoa trắng, khiến cô lại liên tưởng đến tuyết phủ với mùa đông hàn đới trong sách và phim ảnh. Bất chợt thấy cặp kính trắng gọng thép màu trắng bạc của Nam, Lộc Biếc sực nhớ đến X-tren-ni-kốp (Strelnikov), chàng sinh viên tranh đấu chống Sa hoàng phong kiến rồi trở thành vị tướng hồng quân Nga, xuất hiện trên chuyến tàu tốc hành đặc vụ trong phim Vĩnh biệt tình em (một bộ phim nguyên có nhan đề “Doctor Zhivago”). Ấn tượng nhất là  hình ảnh X-tren-ni-kốp với cặp kính trắng gọng thép rơi trên tuyết trắng một mùa đông Nga, thuở Cách mạng Tháng mười 1917.

Ba chiếc xe đạp ráng lên một quãng dốc cho hết đà rồi đứng lại. Lộc Biếc nhảy xuống xe.

Hoán vừa dắt bộ vừa kể về Ka Kring:

- Các bạn biết không, bố mẹ Ka Kring ngày trước là giúp việc và là tài xế của một chủ đồn điền lai Pháp. Mặc dù lấy nhau từ trẻ đến lúc người đàn bà đã quá tuổi sinh nở, họ vẫn chưa có con. Khi gia đình Pháp này về nước, thấy hai người Chiau Mạa vô sinh rất quyến luyến cô bé Ka Kring, nên họ cho hẳn Ka Kring làm con nuôi. Họ bán lại tất cả sản nghiệp, chỉ chừa một ngôi nhà nhỏ, một mảnh vườn cà phê, một ít sào trà cho Ka Kring cùng cặp vợ chồng Chiau Mạa. Do đó Ka Kring trở thành cô bé Chiau Mạa da trắng. Đến khi phá bỏ ấp chiến lược dồn dân, bố mẹ Ka Kring phải về lại buôn cũ, nên họ đành bán cơ ngơi ấy cho một người Kinh, gửi luôn Ka Kring cho gia đình người Kinh ấy. Họ nghĩ, vậy sẽ thuận lợi cho Ka Kring, cả cho họ, vì nhiều lẽ. Nhưng hai vợ chồng Châu Mạ đó thỉnh thoảng vẫn ghé thăm Ka Kring ở Đa Công. Vậy đó …

Nam hỏi với niềm xúc động chính Nam cũng không ngờ:

- Có nhiều chi tiết vô lí thật! Ừ, mà cuộc sống vẫn có nhiều điều vô lí hơn thế nữa! Dẫu sao, mình vẫn rất vui khi có một đồng nghiệp như thế. Chắc cô ấy từ trường nào chuyển về?

Hoán “à!” một tiếng dài:

- Sắp tới, có thể các bạn sẽ được chuyển về trường cấp ba trung học, chẳng phải dạy ở cấp hai cơ sở nữa. Khóa cao đẳng sư phạm đầu tiên của Đà Lạt đã ra trường trước Tết. Giáo viên cấp hai về các huyện nhiều lắm, từ học kì hai này. Ka Kring và có lẽ, cả anh bạn ngồi đối diện với cô ấy trên xe lam đều thuộc diện đó. Ka Kring mới tốt nghiệp, được phân công về trường mình đấy.

Huyện vui ra mặt, buột miệng:

- Thế thì tốt quá! …– Huyện kịp kìm lại –.

Nam, Khoai, Lộc Biếc cũng khấp khởi mừng thầm, rồi cũng không rõ là vui hay buồn nữa.

Nam bâng khuâng suốt chặng đường còn lại. Lộc Biếc nghe chớm lên trong lòng niềm hi vọng được dạy ở thành phố Trên Trời cao, cũng nghe buồn buồn là lạ trong lòng. Khoai âu lo trước một bước ngoặt mới, song không thể không vui.

Dọc đường, Hoán nói Hoán sẽ thi lại vào Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh với diện cán bộ, vẫn được hưởng lương, vào kì tuyển sinh cuối năm học này. Phòng Giáo dục đã ra thông báo, Hoán ở Đa Công nên nắm rõ thông báo này trước khi được phổ biến về các trường. Họ chia sẻ niềm vui với nhau. Niềm vui của Hoán hơi nghèn nghẹn.

Về đến nhà tập thể, họ vui mừng bắt tay những người bạn của mình, đặc biệt là Ka Kring và Nghệ – tên người ngồi đối diện với Ka Kring trên xe lam hồi nãy.

Ka Kring đẹp đến bàng hoàng, nét đẹp Á nhiều hơn Âu. Nam vờ nhìn thoáng, nhưng khá kĩ, thấy đây không thể là cô gái mang chứng bệnh của học trò anh được. Mã di truyền về sắc tố da, mê-la-nin (mélanine), nơi cô là của các chủng người hình thành hàng vạn năm trước ở vùng hàn đới ít ánh nắng chói chang, kết hợp với mã di truyền Á – Phi nhiệt đới, vàng và nâu  đen, cũng do sắc tố da dưới ánh sáng mặt trời rực rỡ. Ka Kring là một cô gái khỏe mạnh, sống mũi dọc dừa châu Á, đôi mắt nâu trong vắt của Trung Đông, da trắng hồng lấm tấm tàn nhang trên gò má châu Âu, với tóc nâu hơi hoe vàng, không đen mượt hoặc xoăn tít Á – Phi.

- Ka Kring dạy ngữ văn Việt Nam sao?– Nam mỉm cười thân thiện và rung động –. Mới nghe Hoán nói Ka Kring vẽ tranh đẹp nữa.

- Vâng, Ka Kring học văn – sử, có vẽ chút ít …

Nam rúng động bởi nghe được một giọng con gái với âm sắc Bắc pha Nam, hình như thoang thoảng hương và ánh sáng của trăng cao nguyên trong đó, từ đôi môi hình trái tim có nét Phi châu, đỏ mọng.

- Tôi thất nghiệp rồi!– Nam đùa, mỉm cười chào Ka Kring vì thấy đứng lâu ở gian nhà nữ không tiện.– Rất vui mừng có người cùng chuyên môn –. Nam lại nói –. Sẽ gặp lại nhé. Rất vui, Ka Kring! Thất nghiệp, cho học vẽ với nhé!

Nam lại chuyện trò làm quen với Nghệ để Nghệ bớt bỡ ngỡ. Nghệ tốt nghiệp khoa toán – lí. Thế là gánh nặng của Khoai đã nhẹ bớt một nửa. Khoai vui mừng vì ít ra, trước mắt, anh sẽ có thì giờ để viết truyện ngắn.

- Nghệ người Đà Lạt chính gốc?– Nam hỏi –.

- Tạm gọi như vậy. Mình thuộc hậu duệ những người đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Đà Lạt,– Nghệ cười, với nụ cười có hai chiếc răng giả –, nói theo danh từ bây giờ.– Nghệ tiếp –. Dòng họ mình lên Đà Lạt lập nghiệp từ cuối thế kỉ mười chín kia, lúc Đà Lạt còn là rừng.

Lát sau, anh Quỳnh, anh Giảng, cô Phước về tới. Họ vừa đi chúc Tết Chi bộ, Ủy ban xã, Ban Quản trị Hợp tác xã Bảo Nghĩa. Hai giáo viên mới bước vào văn phòng để trình diện. Cô Lụa cũng vào báo cáo nội dung được tập huấn.

Bên gian nhà nữ, Lộc Biếc với Suối Vui, Đồi Hương, Cam Ly, tam Thu và nhị Xuân, cùng cô Lài, cô Trâm, cô Nhân, đang nhấm nháp bánh mứt mang đến. Họ vui với nhau chút Tết muộn, với thói quen ăn quà vặt của con gái.

Nam, Khoai, Huyện đều muốn hỏi anh Giảng ngay về tình hình tổ chức ở Phòng, nhưng thấy bất tiện, và họ tự bảo với nhau cái gì đến sẽ đến. Họ cũng lo sợ phải chia tay nhau khi mỗi người về một trường cấp ba, phổ thông trung học. Cho dù không như ý muốn trong hiện tại, bởi ai cũng muốn tiến thủ, nữa là về đúng hệ được đào tạo để giảng dạy, tuy nhiên, họ vẫn thấy những ngày bên nhau ở Bảo Nghĩa này đễ thương biết bao, và những học sinh đầu tay của họ, biết bao là yêu mến!

Họ bàn với nhau sẽ đến thăm gia đình anh Ruộng, gia đình cô Xinh, cả gia đình Hạ ngay tối hôm ấy.

Tối ấy, với hai người bạn mới, Ka Kring và Nghệ, nhóm giáo viên trẻ đi thăm Tết các đồng nghiệp người địa phương, nhân tiện ghé nhà một vài phụ huynh.

Khi đi về lại nhà tập thể, Nam cứ nhớ mãi cái lườm mắt của chị Huân lúc anh Ruộng chỉ lên bàn thờ gia tiên nhà anh. Trên đó, cũng có hương, hoa, quả và phẩm. Phẩm là các thứ vàng mã đủ loại còn ở dạng cổ mà có lần Nam muốn được cách tân, mĩ thuật hóa, để đậm đà bản sắc dân tộc hơn nữa. Nam cũng cảm động vì anh Ruộng còn dán cả tấm bản đồ thế giới với hình Tổ quốc màu đỏ nổi bật lên vách gỗ cuối bàn thờ. Nam đoán anh Ruộng vừa ra Đa Công mua về, trong những ngày áp Tết, bức bản đồ nhân loại ấy.

Khoai vẫn hỏi anh Ruộng bất chấp cái lườm gần như quắc mắt của chị Huân:

- Anh không thờ bàn thờ ngoài trời với ý nghĩa của bức bản đồ địa lí nhân văn, chỉ gộp vào đây luôn sao?

Anh Ruộng đưa một tay lên miệng với tiếng “suỵt” khẽ, nhầm bảo, đừng nói nữa, đừng khiêu khích chị Huân, bà ấy là đảng viên trung kiên từ năm mười tám tuổi.

Chị Huân như bùng nổ bởi cuộc “chiến tranh lạnh” từ lâu nay:

- Nửa đời làm cách mạng bỗng dưng cơ hội, phản cách mạng như ông rồ! Các thầy cô đừng bắt chước nghe.

Nhóm giáo viên trẻ, có người nóng người và buồn cười, có người ngơ ngác, chợt hiểu ra một nửa vấn đề.

Cũng trên đường về nhà theo ánh đèn pin của Lộc Biếc, Nam bỗng dưng nhớ lóng tre chẻ ra làm bốn quản bút của bé Ngoan. Anh nhớ câu nói hôm đầu năm của cô Lụa và Hoán, lúc ngồi soạn giáo án tập thể ở chái đầu hồi: Giống nhau quá, một phân bào thành hai, hai phân bào thành bốn. Và bây giờ thành tám rồi sao? Không, đó chỉ là câu nói đùa vua vơ, câu đà theo cũng đùa vu vơ. Nam cũng chỉ muốn mỗi người hãy cứ là mình. Còn sự sống, theo một định nghĩa cổ điển, mãi là một tiến trình trao đổi chất suốt lịch trình chung về tiến hóa, phát triển, kể cả về mặt tinh thần, trong đó có tâm linh – văn hóa – lịch sử, hiểu theo nghĩa biện chứng duy vật.

Và Nam nhớ cả câu hỏi của bé Ngoan nữa, khi anh đã ra đến đầu ngõ còn bị bé Ngoan cầm tay giữ lại:

- Thầy ơi, nhỡ có bề gì, ba em còn được mẹ kị giỗ, tưởng niệm không, thầy ơi?

Nam đã kịp nói khẽ với riêng Ngoan:

- Sao em cứ nghĩ mãi chuyện ấy! Kết quả thi học kì một vẫn chưa bằng các năm! Hãy đừng bận tâm. Học là chính.– Nhưng Nam biết không thể động viên suông mà được, anh tiếp –. Ba em cũng là một trong hàng triệu người vốn là nạn nhân của một giai đoạn lịch sử. Người đã chết, ai còn hẹp lòng với họ làm gì. Ba em đã chết, sao lại không được tưởng niệm, kị giỗ như một con người đã sống, như một nạn nhân lịch sử. Xét về tình người, mẹ và em có quyền đó trong nhà bố dượng, mặc dù mẹ đã tái giá. Hơn nữa, bên nội em đâu phải hết người! Cũng có thể thờ di ảnh, bài vị ba em ở gian phụ của nhà thờ họ tộc. Cứ yên tâm nghe Ngoan!

Bé Ngoan không khóc như những tháng trước lúc chạm đến điều này. Có lẽ bé Ngoan đành cam chịu với tình trạng hiện thời của mẹ. Nỗi niềm cay đắng vẫn thường trực giày vò cô bé đã vơi, lắng vào góc khuất nào trong tâm thức, với sự hòa giải của thầy Nam, cả của chính cô bé, trước thực trạng không tài nào cưỡng chống được. Cái thực trạng “nhỡ có bề gì” là sự tái giá của mẹ. Ấy là cả một thảm họa, cô bé Ngoan đành cam lòng chấp nhận!

Cô bé Ngoan, có họ ngoại xa đến mười đời với thầy giáo Nam, sao cả lo đến thế! Và cớ sao chị họ xa đến chín đời của Nam là cô giáo Xinh lại đổ đốn đến thế! Niềm cô đơn, khao khát yêu đương của người quả phụ ba mươi hai tuổi sao mênh mông, nặng trĩu đến thế! Nam tự hỏi, anh còn quá trẻ, quá sách vở, chưa nếm trải vị chát cay của cuộc đời nên còn quá khe khắt, quá đa mang chăng?

Ngày mùng năm Tết, Sài Gòn giờ đã quá xa, cùng Bảo Nghĩa nơi đây, đã ập vào tâm hồn anh bao nhiêu nỗi.

Soạn giáo án xong cho ngày mai, Nam đánh răng, rửa mặt và lên giường, chuẩn bị chờ bọ chét “chiếu cố” lại sau mấy ngày đi vắng. Thật ra bọ chét cũng chẳng có gì đáng sợ lắm!

Chẳng hiểu sao cô giáo Ka Kring hơi lai, xinh đẹp lại thoáng hiện trong giấc ngủ của Nam. Chẳng lẽ anh lâu nay thầm yêu Lộc Biếc, lại bất ngờ choáng váng yêu Ka Kring, một cô gái anh trực nhận, hoặc hơi lai Tây, hoặc tổng hòa các nhân chủng, sắc tộc! Con người kì cục thật! Và cả Sông Hương của thời sinh viên nữa, Nam đã quên đâu, mặc dù đã thật sự chia tay nhau với mỗi người một lẽ sống, phần nào do hoàn cảnh quy định, phần nào do bản tính của mỗi người.

Con người! Nam đâu phải ngây thơ để không hiểu nó. Nam hiểu con người qua sách vở, qua vốn liếng trải nghiệm đời tuy còn ít ỏi, qua cả sự phẫu thuật chính nội tâm mình.

Nam chợt nhớ lời của Khoai nói hôm nào, làm nhà giáo dục, cũng như làm nhà thơ, nhà văn, trước hết phải tự giáo dục chính mình tận trong tâm thức sâu xa. Sống, còn là một quá trình đấu tranh, tự đấu tranh. Học sinh và phụ huynh có hiểu giùm cho những ai làm nhà giáo không nhỉ! Ý tưởng bất chợt lóe sáng từ bao nhiêu lần tự suy ngẫm, tự đấu tranh của Khoai bỗng trở thành một tư tưởng lớn lao lại vô cùng giản dị!

Đó là ý nghĩ trong nửa chừng giấc ngủ của Nam, một giấc ngủ thanh thản lắng lại bao nỗi đời, sau một ngày dài dằng dặc về không gian, Sài Gòn – Bảo Nghĩa. Nam bỗng ngộ ra vẻ đẹp đích thực, nhân bản của Con Người (không phải là vẻ đẹp giả tạo, huyễn mị!), cả vẻ đẹp bi tráng của Cuộc Sống nữa: Con Người, trong Cuộc Sống, với quy luật tự nhiên – xã hội tàn bạo, bị đặt vào thế phải đấu tranh, tự đấu tranh, mãi mãi, từ vô cùng đến vô cùng. Có người thắng, có kẻ bại, nhưng loài người đã, đang, và sẽ chiến thắng.

Khuya ra giêng vẫn mênh mông lạnh buốt.

 

( xem tiếp phần 8 )

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

              Cập nhật: 06/30/09

              (tháng / ngày / năm)

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7