j. Trần Xuân An - Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Tệp 10 / tập IV

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

07/01/09

13-04 HB6

( 2006 )           

 

TẬP IV

 

 

Tệp 1

 

Tệp 2

 

Tệp 3

 

Tệp 4

 

Tệp 5

 

Tệp 6

 

Tệp 7

 

Tệp 8

 

Tệp 9

 

Tệp 10

 

Tệp 11

 

________

 

Hình ảnh:

 

Tệp 12

 

Tệp 13

 

Tệp 14

 

Tệp 15

 

Tệp 16

 

________

 

 

TẬP I

 

TẬP II

 

TẬP III

 

TẬP IV

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                               

  

Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

 

Trần Xuân An,

nội hậu duệ thế hệ thứ năm.

 

 

 

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

 

 

Xem:

Blogger (Google) tháng 12-2005

http://tranxuananpcdtnvt4a.blogspot.com/

   & các trang tiếp theo: … 2a … 2b … 2c …

 

 

 

 

 

 

Tệp 10 –  Tập IV  

(tư liệu bổ sung cho truyện kí cuối)

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

THÁNG NGÀY BỊ LƯU ĐÀY

VÀ CÁI CHẾT

Ở HÒN ĐẢO LAO TÙ BIỆT XỨ

 

(tư liệu bổ sung cho truyện kí cuối)

 

     

      I.

 

      “Năm Hàm Nghi nguyên niên, tháng năm (05), kinh thành có loạn (“!”), vua Hàm Nghi dời đi, Hai Cung [Từ Dũ, Vũ thị] đi theo đến Quảng Trị, vua [Đồng Khánh, bấy giờ là hoàng tử thứ hai] cũng lẻn ra ngoài kinh thành, trốn ẩn ở các làng bên cạnh. Bấy giờ chỉ còn một [phụ chính] Nguyễn Văn Tường lưu lại ở kinh để bàn bạc cùng quan Đại Pháp, đi đón Hai Cung hồi loan; [ông] mới phụng ý chỉ Hai Cung chia phái đi đón vua Hàm Nghi, rồi xin cho Thọ Xuân vương là Miên Định tạm coi việc nước; [ông] lại uỷ người đi tìm vua [Đồng Khánh, bấy giờ là hoàng tử thứ hai], mời vua về tạm nghỉ ở phủ đệ Tĩnh Gia quận công. Về sau đón vua Hàm Nghi không được, [phụ chính Nguyễn] Văn Tường đã có ý dự định đón vua [Đồng Khánh, bấy giờ là hoàng tử thứ hai], lập lên nối ngôi, vừa gặp lúc [Nguyễn Văn Tường, phụ chính đệ nhất của] vua Hàm Nghi bị quan Đại Pháp đem về nước ấy…” (ĐNTL. CB., tập 37, sđd., tr. 23) .

      Thực dân Pháp đã từng tung tin vua Hàm Nghi đã chết vì bị ốm, trước khi chúng quyết định, vào khoảng đầu tháng bảy nguyệt lịch Ất dậu, là sẽ lập Ưng Kỹ lên ngôi vua (Đồng Khánh)!

     

      II.

 

      Có một giai thoại về phụ chính Nguyễn Văn Tường sau ngày kinh đô quật khởi và bị thất thủ, đề cập đến tài năng, nhân cách, tư tưởng, thái độ chính trị kiên cường chống Pháp và lòng trung nghĩa của ông. Những đoạn trong giai thoại này, sau khi khảo chứng (đối chiếu tư liệu gốc, bổ cứu, loại trừ…), xét thấy không đúng với sự thật lịch sử, chúng tôi đã mạn phép lược bỏ. Mặc dù giai thoại chỉ là chuyện truyền khẩu, chứa đựng nhiều sai lệch, nhưng ít nhiều vẫn có thể đãi lọc một vài lượng thông tin nào đó, trên cơ sở khảo chứng khoa học. Xin chép lại ở cuối bộ tiểu thuyết này để tham khảo thêm như sau:

       “… Dưới thời Tự Đức, [phụ chính Nguyễn Văn] Tường làm quan nổi tiếng là một người mưu lược, những việc gì khó thì triều đình đều cử [Nguyễn Văn] Tường đảm nhiệm. Tự Đức mất, để di chiếu lại, cử [Nguyễn Văn] Tường là một trong ba người trọng thần. (Hai người kia là Trần Tiễn Thành và Tôn Thất Thuyết). Lúc Pháp xâm chiếm Việt Nam, [Nguyễn Văn] Tường và [Tôn Thất] Thuyết là hai người đứng đầu phe chủ chiến quyết tâm đánh Pháp. Sau sự kiện thất thủ kinh đô (07.1885) [đệ nhị phụ chính Tôn Thất] Thuyết đưa vua Hàm Nghi xuất bôn, tiếp tục cuộc kháng chiến lâu dài, [đệ nhất phụ chính Nguyễn Văn] Tường là người mưu lược, được cử ở lại để tìm mọi cách hạn chế bớt sự thiệt hại. Vì “nhiệm vụ lịch sử”, [phụ chính Nguyễn Văn] Tường đã bị mang tiếng phản bội, cộng tác với giặc.

      [Phụ chính Nguyễn Văn] Tường là một đối thủ đáng gờm của Pháp từ mấy mươi năm. Cho nên khi [phụ chính Nguyễn Văn] Tường đã “về hàng” mà Pháp vẫn sợ và cho một đơn vị quân đội luôn canh chừng [Nguyễn Văn] Tường. Mặt khác, Pháp muốn dùng “tên” của [phụ chính Nguyễn Văn] Tường để làm “tay sai” cho chúng, nên chúng đã tìm mọi cách để lôi kéo [Nguyễn Văn] Tường.

      Khi được linh [giám] mục Caspard cho biết [phụ chính Nguyễn Văn] Tường chính là con vua Thiệu Trị và em vua Tự Đức, Pháp đã gạ [Nguyễn Văn] Tường:

      - Ông là người có dòng máu nhà vua, lại có tài, vậy ông có muốn làm vua không?

      [Phụ chính Nguyễn Văn] Tường lắc đầu. Pháp lại hỏi:

      - Nghe ông có một người con cũng giỏi lắm. Ông có muốn cho con ông làm vua không?

      [Phụ chính Nguyễn Văn] Tường cũng lắc đầu.

      Tên đầu sỏ thực dân Pháp ở Huế [De Champeaux] cũng lắc đầu:

      - Con vua mà không muốn làm vua… Thật là một chuyện lạ! Phải chăng lòng ông còn đang mơ tưởng đến Hàm Nghi, phải không?

      Sự nghi ngờ [phụ chính Nguyễn Văn] Tường trong lòng bọn thực dân lại chồng chất thêm. Cuối cùng, khi thấy không thể tin được, bọn Pháp đã đưa [phụ chính Nguyễn Văn] Tường đi đày và ông đã chết…”.

     (Nguyễn Đắc Xuân viết theo Phan Văn Dật [thi sĩ tiền chiến, người Quảng Trị] và nhiều tư liệu khác, “Con vua mà không chịu làm vua”, trong cuốn Hương giang cố sự, Tủ sách Sông Hương xuất bản, 1986, tr. 47 – 48. Xem thêm: Nguyễn Đắc Xuân, Chuyện các quan triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hoá, (?)…).

      Chúng tôi đã viết rõ ở truyện kí thứ nhất, tập I, bộ truyện  - sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này: phụ chính Nguyễn Văn Tường không phải là con rơi của vua Thiệu Trị.

 

      III.

 

       “Sai làm hai ấn: “ngự tiền chi bảo” và “văn lí mật sát”; cùng là ấn, phòng, kiềm, bài ở các nha có bỏ mất, đều cho làm ra để dùng.

      (Ấn “ngự tiền chi bảo”, trước đúc bằng vàng, hình tròn, nay vua [ngụy Đồng Khánh] cho là ấn ấy đã bị Tôn Thất Thuyết mang đi, nếu lại theo mẫu cũ, e có sự ngại khác)”  (ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 24).

      Khi chuẩn bị đưa xa giá vua Hàm Nghi và xa giá Tam Cung ra khỏi kinh thành, phụ chính Nguyễn Văn Tường đã vội vã lục tìm các quả ấn này cùng một ít vàng bạc để mang theo. Đến lúc vâng lệnh ở lại thương thuyết, ông đã trao lại cho Hồ Văn Hiển tất cả. Sau đó, trên đường ra Tân Sở (Cam Lộ) Tôn Thất Thuyết cất giữ.

 

       IV.

 

       +++  “Chuẩn cho đội hộ vệ ở Bộ Hộ đều vẫn theo danh hiệu như cũ. Năm trước chính phủ [:Phủ Phụ chính đại thần] nghĩ hai chữ ấy cùng với tên huý [Ưng Hỗ] của nhà vua [Kiến Phúc] đồng âm (tả chữ thị, hữu chữ cỗ, nên đổi chữ hộ [Bộ Hộ] làm chữ hội [Bộ Hội], chữ hộ [hộ vệ] làm chữ cận [cận vệ]). Đến nay Bộ Hộ tâu xin: “Chữ hộ khi làm giấy tờ, cho được cứ dùng; vì lần trước câu nệ quá, nên đổi tránh ra như thế thì chữ và nghĩa chưa ổn, xin nên theo như cũ”.

      Vua [ngụy Đồng Khánh] bảo: “Sự ngu của Tường, Thuyết kể làm gì! (!). “Hộ vệ” cũng thế, đổi rất vô lí, cho nên cũng chuẩn cho cả””  (ĐNTL. CB., tập 37, sđd., tr. 36).

      Xem lại: theo chú thích (102), truyện kí thứ mười một, tập IV, bộ truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử này. Tôi đã viết: “Bộ Hộ […] cũng đã đổi thành Bộ Hội vì kiêng huý (trường hợp gần đồng âm: [Ưng] Hỗ # Hộ). Vả lại, về mặt chiết tự chữ Hán và về ngữ nghĩa, chữ Hội (tụ họp [thị trường, kinh tế xã hội]) hay hơn, phù hợp với mức độ phát triển của thời đại hơn chữ Hộ (cái cửa [gia đình, kinh tế tự cung tự cấp])”. Xin xem tiếp hai đoạn trích dưới đây:

      +++  “Bộ Lễ phụng mệnh đem những chữ huý [của ngụy vương Đồng Khánh] phải đổi tránh tiến trình:

       Xin ba chữ khi đọc phải tránh âm, giấy tờ thì đổi dùng chữ khác (một chữ: đầu là chữ nhật, giữa chữ mỗ, dưới chữ chấp [[là chữ biện (Ưng Biện)]]; một chữ: bên trái chữ đậu, bên phải chữ chi [[là chữ kỹ (Ưng Kỹ)]]; một chữ: bên trái chữ thị, bên phải chữ đường [[là chữ đường (Ưng Đường)]]).

      Bốn chữ đồng âm, một bên [chữ] giống chữ huý thì khi đọc tránh âm; [viết trên] giấy tờ phải bỏ bớt một nét (biền, biện, kiện, kỹ).

      Ba mươi chữ cùng âm khác chữ, và giống cả ba chữ hoặc [giống] nửa chữ, thì khi đọc phải tránh âm; [viết trên] giấy tờ cho phép được dùng, tên người và tên đất không được dùng liều (như các chữ biện, chữ sí, chữ đường)”  (ĐNTL. CB., tập 37, sđd., tr. 81).

      +++ Việc lập Đồng Khánh là chẳng đặng đừng, trái với di chúc của Tự Đức. Di chúc đã ghi rõ:  “Ưng Kỹ người yếu hay ốm, có tâm tật, chưa học thông mà kiêu ngạo, hay bới việc riêng của người khác cho lạm thẳng; đều không phải là tư chất thuần lương, theo lời phải; sợ bọn ngươi khó lấy lời nói can được”  (trích di chúc của vua Tự Đức, ĐNTL.CB., tập 35, sđd., tr. 200 – 201). “Lạm thẳng” là vi phạm tính trung trực, hay bẻ cong sự thật! Một tác giả thực dân Pháp đã viết:  “Chưa hề ở xứ sở nào, thời nào có ông vua bị thần dân oán ghét như vua bù nhìn Đồng Khánh”  (Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, Paris, 1904, tr. 267; dẫn theo Dương Kinh Quốc, Phan Canh, Đào Đức Chương, Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng…). Đó là nhận định của một viên sĩ quan Pháp hộ tống ngụy vương Đồng Khánh trong chuyến công du của y và Nguyễn Hữu Độ ra các tỉnh hữu trực kì, hữu kì phía bắc, với mục đích phủ dụ, trấn áp phong trào Cần vương, trong khoảng thời gian từ cuối tháng tư đến giữa tháng sáu nguyệt lịch, năm Bính tuất (1886). Đi đến đâu, Đồng Khánh và Nguyễn Hữu Độ cũng bị sĩ dân căm ghét, đến mức Đồng Khánh phải bỏ nửa chừng lộ trình, đi tàu thuỷ của Pháp để về lại Huế với lí do bị bệnh cảm! (ĐNTL. CB., tập 37, sđd., tr. 162 – 164, 176 – 177, 178 – 180, 186, 192 – 193).

      Với bài  “Giải triều…”, Nguyễn Văn Tường khẳng định lòng mình chỉ hướng đến vua Hàm Nghi.

 

      V.

 

      +++  “Chuẩn cho đình huy hiệu hoàng thái phi, còn bổng lộc chiếu vị thứ học phi chi cấp; tiết Diên Xuân và tên huý đều đình cả. Đình thần cho việc tấn tôn ấy là tự quyền thần, không phải di mệnh của tiền triều”  (ĐNTL. CB., tập 37, sđd., tr. 39).

     +++ “Gia cấp lương hàng năm và y phục mùa xuân, mùa đông cho thiện phi:

      Khi trước, lúc vua [ngụy Đồng Khánh] còn thơ ấu, đã được tiên đế [Tự Đức] sắc cho làm con thiện phi, tấm lòng báo nghĩa không thể coi nhẹ, muốn tấn phong hơn bậc thiện phi, và truy tặng tước hàm cho cha của thiện phi là Nguyễn Đình Tân, để đền ơn, mới đem việc ấy tâu lên Từ Dụ bác huệ thái hoàng thái hậu; kinh phụng ý chỉ giao đình thần bàn lại. Đình thần nói: Nước không bao giờ có hai chính thống, tôn không bao giờ có hai bậc tôn, là phép thường xưa nay. Trước đây, Giản tông Nghị hoàng đế nối ngôi, tấn phong học phi làm hoàng thái phi, là chỉ do quyền thần bàn định, nên phải chuẩn cho đình chỉ. Nay, một là theo vị thứ cũ; một là nghĩ gia tấn  phong, tưởng có điều chưa thoả đáng.

      Vả lại, mẫu hậu đã vâng theo thánh dụ rõ ràng; nay thiện phi lại được gia phong, xét đến ý nghĩa “lễ thống vụ tôn”, e có chưa hợp, huống chi huy hiệu của thiện phi, là được tiên hoàng đế phong cho, đã có mệnh trước, tưởng ở trên hai chữ thiện phi không dám thêm chữ ào nữa, và cha của phi ấy là Nguyễn Đình Tân [một vị quan tổng đốc “sát tả” nổi tiếng ở Nam Định], trước được truy phục chức thượng thư, cũng là vì cớ thiện phi ở cấp bậc hàng phi. Việc gia phong thiện phi và tặng tước cho người cha, xin nên đình chỉ. Duy đã vâng theo tờ dụ của thái hoàng thái hậu, và lòng báo nghĩa của hoàng thượng, thì bổng lệ của thiện phi (đồng niên gạo 300 phương, tiền 700 quan) nghĩ nên gia thêm gấp rưỡi, và y phục mùa xuân, mùa đông, kính xin hậu cấp, khiến cho hợp tình nghĩa mà tỏ đạo hậu.

      Vua [ngụy Đồng Khánh] bảo rằng: Đầy đủ thay lời bàn luận, dù đời xưa cũng không hơn được. Chuẩn cho theo nghĩ thi hành”  (ĐNTL. CB., tập 37, sđd., tr. 108 – 109).

      Xin xem thêm: ĐNTL. CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 216 – 217, đã trích dẫn ở chú thích (29) về thân mẫu vua Hiệp Hòa (hoàng thái phi Trương thị), cuối truyện kí thứ mười, tập III, bộ truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này.

      +++ “Tấn phong cho họ Nguyễn Hữu làm hoàng quý phi, và ban cho kim bài (khắc ngang chữ “Đồng Khánh sắc tứ”, khắc dọc các chữ “kiêm nhiếp lục viện”). Nguyễn Hữu Độ dâng sớ từ chối […].

      […] Đình thần tâu nói: […] Hữu Độ thân mang trọng trách của Nhà nước, lòng công trung [!!!] vốn đã xét biết, sợ không nên lấy tư tình mà bỏ phép công. Về việc tấn phong xin theo chỉ [dụ] chuẩn cho thi hành” … (ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 108 – 110).

      Xin lưu ý: Hoàng quý phi là chức danh cao nhất trong hàng thê thiếp thuộc nội cung vua nhà Nguyễn, vì nhà Nguyễn không có lệ lập hoàng hậu cho vị vua đang còn sống (trừ trường hợp ngoại lệ dưới triều vua Bảo Đại về sau).

      Xem thêm: Bức thư Nguyễn Hữu Độ gửi tướng Pháp Prudhomme, ngày 24 tháng tư năm Đồng Khánh Ất dậu (1885) về cuộc hôn nhân này:  “Kính gửi tướng, Tôi hân hạnh gửi bức thư này để ông xem xét [!?!]… Vì vậy mà tôi tuân theo mệnh lệnh [Hai Cung], và đã xin tiến cử con gái tôi vào ngày 13 tháng giêng âm lịch năm [Bính tuất 1886] sắp đến (16.02 dương lịch)…”  (dẫn theo H. Cosserat, NNBCĐH. [BAVH.], tập VII [1920], Nxb. Thuận Hoá, bộ sđd., tr. 581 – 582).

      Trước nhãn quan của các thế hệ trước đây (nửa sau thế kỉ XIX, trọn thế kỉ XX) và của chúng ta hiện nay (đang sống đến đầu thế kỉ hai mươi mốt [XXI]), tự thân các đoạn tư liệu trích dẫn trên đã phê phán tên ngụy quan Nguyễn Hữu Độ!…

      

      VI.

 

       “Puginier, giám mục ở Bắc Kì, và Camelbeck, giám mục ở Quy Nhơn, đã mở một chiến dịch điên cuồng tấn công chống Nguyễn Văn Tường mà theo họ là kẻ thù lớn nhất của người Pháp và đồng thời cũng là người An Nam điêu toa [!] nhất mà người ta có thể gặp… Sự hợp tác của ông ta và De Courcy là một mưu mô [của ông ta] nhằm đánh lừa người Pháp”  (Cao Huy Thuần, “Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt Nam [1957 – 1914]”, luận án tiến sĩ tại Pháp, bản dịch, in ronéo của Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1973, tr. 319).

 

      +++  “Than ôi, ngay ngày hôm sau [tức là ngày kế tiếp ngày 29.8.1875], những thủ đoạn phá rối có hệ thống của Nguyễn Văn Tường kéo dài cho đến ngày chiếm cảng Thuận An  [8.1883], và còn về sau này, cho đến khi đày kẻ thù không đội trời chung của chúng ta, và trong thời gian [bị lưu đày] đó, [Nguyễn Văn Tường] chẳng chịu hiểu biết gì cũng chẳng chịu quên gì”  (H. Le Marchant de Trigon, NNBCĐH. [BAVH., 1917], tập IV (1917), Nxb. TH., 1998, sđd., tr. 272 - 273).

      Đoạn trích trên đây đã khẳng định không hề có bức thư “Gửi thống đốc Tahiti” trong Lô Giang tiểu sử của Nguyễn Văn Mại (Nguyễn Huy Xước dịch, bản in ronéo, 1961).

      Ngoài ra, ở đoạn trích dẫn trên, từ văn bản của phía đối phương (phía giặc Pháp: H. Le Marchant de Trigon), ta chỉ nên thu nhặt lượng thông tin, còn cách diễn đạt với quan điểm đánh giá theo tiêu chí ngược của chúng, thì phải hiểu ngược lại, theo quan điểm của công lí, đạo lí dân tộc và nhân loại. Ngữ danh – động từ  “Những thủ đoạn phá rối có hệ thống của Nguyễn Văn Tường” phải hiểu là: Những biện pháp chống Pháp, đấu tranh với Pháp có hệ thống, suốt cả quá trình lâu dài của Nguyễn Văn Tường.

 

      VII.

 

      Những tư liệu sau đây khớp với tư liệu chuẩn cứ (Đại Nam thực lục chính biên, tập 36, và có thể kể cả tập 37, bộ sđd.) cũng như các tư liệu khác, chúng tôi đã có dịp trưng dẫn trong bài viết  “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi 05.07.1885”  (đã in trong tập Các báo cáo khoa học, tư liệu Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, do Trung tâm KHXH. & NV. thuộc Viện Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế, Tạp chí Huế Xưa và Nay tổ chức, in ấn, 02.07.2002, tr. 59 – 83):

 

      +++ Tài liệu 1: Bài báo “Những biến cố ở Huế” (Les événemenes de Huế), đăng trên tờ nhật báo L’Unité – Indochinoise (cơ quan của quyền lợi chính trị, thương mại, canh nông, kĩ nghệ của Nam Kì, Cam Bốt, Bắc Kì và Trung Kì), số 70, năm thứ hai, ra ngày thứ sáu, 07.08.1885.

      Đoạn mở đầu, tác giả khẳng định:  “Cách đây vài ngày, chúng tôi đã viết là [Nguyễn Văn] Tường chẳng bao giờ là đồng minh của chúng ta. Nay, cần thêm rằng, chúng ta chẳng hề tin tưởng một tí gì về những lời hứa hẹn chính thức nhất của ông ta, và rằng, sau chuyến bôn tẩu của nhà vua An Nam cùng với vị thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết, ông ta ở lại kinh thành chỉ nhằm mục đích phục vụ cho những người nói trên (vua và Tôn Thất Thuyết) mà thôi” .

      +++ Tài liệu 2: Bài báo “Vụ bắt giữ viên quan Tường” (L’arrestation du mandarin Tường), đăng trên tờ báo Avenir militaire (Tương lai quân đội), số ra ngày 26.09.1885. Đây là một bài báo đã được tìm thấy trong tình trạng đã được cắt rời khỏi tờ báo.

      Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc lược dịch như sau:  “Chúng ta đã tìm thấy những thông tin sau trong một bức thư đề ngày 11 tháng 09 gửi cho Hãng Thông tấn Havas: Tôi đã gửi cho ông chiều hôm qua một điện tín để báo cho ông biết việc vị đệ nhất phụ chính Nguyễn Văn Tường bị bắt. Bằng cách nào và tại sao người ta bắt ông?

      Sau biến cố 05 tháng 07, [Nguyễn Văn] Tường tìm gặp thống tướng [[De Courcy]], ông ta bị bắt cầm tù và buộc phục vụ cho nước Pháp. Thoạt tiên, tướng tổng tham mưu định xử bắn ông, nhưng nghĩ lại, tốt hơn là giao cho ông ta tái lập guồng máy hành chính An Nam nhưng ông vẫn là tù nhân chừng nào những xáo động chưa được xếp đặt yên ổn, người ta uỷ thác cho ông ta tái lập niềm tin trong dân chúng và giúp chúng ta theo dõi tất cả hoạt động của giới quan lại. Ông ta có nhiệm vụ đưa vua hồi loan và không được phản bội lại chúng ta. Tất cả những điều kiện ấy đang được thực thi hay ít ra chúng ta tưởng như vậy cho đến những ngày gần đây, chúng ta biết rằng [Nguyễn Văn] Tường liên lạc bí mật với thân phụ [nhạc phụ?] ông ta ở bên ngoài. Người ta không tìm thấy gì khi bắt giữ những người chuyển văn thư. Nhưng, vào chiều ngày thứ hai vừa qua, tình cờ ta bắt giữ được một tên trong bọn chúng. Khám xét khắp người, người ta chẳng tìm thấy gì. Khi lột trần tên mật sứ kia, khám kĩ y, người ta đã tìm thấy một mảnh giấy nhỏ, nội dung được dịch ngay tại chỗ, và quyết định bắt giữ [Nguyễn Văn] Tường ngay tức thì. Nội dung mảnh giấy là gì, chỉ có thống tướng biết…”.

      +++ Tài liệu bổ cứu cho bài báo trên:  “Ngày 05 tháng 09 là hạn chót hai tháng mà ông thống tướng De Courcy quy định cho [Nguyễn Văn] Tường phải ổn định An Nam. [Nguyễn Văn] Tường, như người ta nhận biết, đã cung cấp cho chúng ta những nguồn tin thất thiệt; mặc dù chúng ta đã giám sát chặt chẽ, ông ta vẫn liên lạc với những nhân vật đáng ngờ ở bên ngoài. Thống tướng quyết định cho bắt giữ ông ta” .

      (Trích Gosselin, L’Empire d’Annam, Perrin et Cie, Librairies – éditeurs, Paris, 1904, tr. 219).

      Sau khi giới thiệu các tài liệu trên, nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc kết luận:

       “Vậy là, các nguồn tư liệu đều cho chúng ta biết rằng trong thế bị cầm tù ở Thương bạc, và dù bị giám sát chặt chẽ, Nguyễn Văn Tường vẫn liên lạc với bên ngoài cho đến khi bị phát giác và bị bắt. Cho nên những việc ông công khai làm dưới sự ép buộc của người Pháp trong tình thế bị giam hãm là những hành động bất đắc dĩ, không thật tâm, còn những liên lạc bí mật với bên ngoài, chính là những cố gắng cuối cùng của ông nhằm phục vụ Đất nước, bày tỏ trung thành với vua Hàm Nghi. Đó là lí do chính yếu mà De Courcy quyết định bắt và lưu đày ông…”.

      (Trần thuật và dẫn theo bài báo của Trần Viết Ngạc, “Những tư liệu mới về Nguyễn Văn Tường” [giới thiệu, phân tích, bổ sung tư liệu sưu tầm, dịch thuật của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, hậu duệ thế hệ thứ tư của cụ Nguyễn Văn Tường, và con gái bà là Trần Nguyễn Từ Vân], bns. Xưa & Nay, số 126 (174) tháng 10.2002, tr. 18 – 20).

 

Chú thích xong lúc 09 giờ kém 12 phút,

ngày 22.02.2003 (22.01 Quý mùi HB.3) .

 

TXA.

 

 

Cước chú của tiết 3, đoạn giữa, thuộc truyện kí cuối (kết) - bản án của Pháp và nguỵ triều Đồng Khánh về nhóm chủ chiến:

(*) Để tiện việc lưu ý, lưu ý một cách đặc biệt, mạn phép được viết hoa toàn bộ đoạn trích này.

 

 

                                                                                         

 

MỤC LỤC

(tập IV)

 

1.Truyện kí thứ mười một: Thế trận “toạ sơn quan song hổ đấu”.

2.Truyện kí thứ mười hai: Kinh đô quật khởi và quốc kế chia tách – phối hợp triều chính.

3.Truyện kí cuối: Tháng ngày bị lưu đày và cái chết ở hòn đảo lao tù biệt xứ.

 

Bị chú quan trọng cuối bộ tiểu thuyết.

Mục lục.

Danh mục sách của tác giả.

 

 

Ghi chú:

 

+++ Thay vì viết tay trên giấy rồi mới xếp chữ như các cuốn trước, đây là lần đầu tiên tôi thử viết trên bàn phím và màn hình máy vi tính. Ba tập trước đã viết xong, tập IV này cũng được tiếp tục với cách thức như vậy.

Khởi viết từ  07 giờ 30 phút, ngày 06.01.2003

(04.12 Nhâm ngọ, năm thứ hai công nguyên Hoà Bình).

 

+++ Bản tự nhuận sắc (02.2004, font VNI-Centur) này, có thể nói là hoàn toàn không khác gì bản sơ thảo hoàn chỉnh (2002 – 2003, font VNI-Times), trừ một vài câu chữ được trau chuốt lại và dăm chi tiết nhỏ cần chỉnh lí.

 

18 giờ 10 phút ngày 23.02.HB.4

(04.02 Giáp thân HB.4) .

 

+++ Đổi font, sửa lỗi sắp chữ và bổ sung một vài chi tiết (như vượt thành…): 13.02.HB.4 (23.01. Giáp thân HB.4)

 

TXA.

 

 

 

Ghi chú để kỉ niệm:

 

TÁC GIẢ ĐÃ KÍNH GỬI TẶNG BẢN THẢO SÁCH NÀY

(bốn tập, trọn bộ)

ĐẾN QUÝ VỊ :

 

1.Thầy Trần Viết Ngạc

2.Chú Nguyễn Văn An (bà con)

3.Chú Nguyễn Văn Toàn (bà con) [tập I]

4.Anh Nguyễn Hạnh và Tạp chí Xưa & Nay

5.Inrasara và Trần Tiến Dũng (chung một cuốn)

6.Chú Nguyễn Văn Phước (bà con)

7.Bạn Võ Văn Tám (Võ Nguyên ở Bình Thuận) [tập I]

8.Bạn Lê Phước Sinh (TT. Ngoại ngữ Đông Á TP. HCM.)

9.Ông Dương Trung Quốc và TS. Đào Hùng (chung một cuốn)

10.Ông Lê Văn Thuyên (Tạp chí Huế Xưa & Nay) và TS. Đỗ Bang (chung một cuốn)

 

Và một số bài ở dạng bản thảo vi tính, cỡ giấy A 4, gửi ở các toà soạn Văn Nghệ TP. HCM., Sông Hương, Cửa Việt…

 

Ghi chú: Anh Nguyễn Hạnh có đưa cho ông TRIỀU ANH (Việt kiều Bỉ, tác giả cuốn “Những trang sử cuối cùng về chữ Hán – Nôm”, Nxb. Đồng Nai, 1999) đọc.

 

11.Nhà thơ Nguyễn Phan Hách (Nxb. Hội Nhà văn).

12.Nguyễn Công Bình (Nxb. Thanh Niên).

 

Trân trọng và  cảm ơn.

TXA.

 

 

In ở bìa 4:  

 

      “… Bộ truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này cũng thể hiện ước mong: Mỗi người chúng ta tự đối diện với chính mình. Hình như đấy là nỗi ước mong của lịch sử với biết bao xương máu! Tôi cảm nhận nỗi ước mong ấy khi nghiên cứu và trong quá trình viết.

      Điều cuối cùng cũng là đầu tiên trong cuốn truyện kí  tư liệu lịch sử này vẫn là: Đoàn kết dân tộc và đoàn kết nhân loại.

      Nếu bộ truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này tình cờ được để mắt đến, hi vọng người đọc, gồm cả những người Pháp, người Hoa, người Âu Mỹ nói chung, gồm cả những tu sĩ, giáo dân Thiên Chúa giáo tại Việt Nam và trên mọi đất nước, sẽ không trút giận vào tác giả, do sự thật lịch sử được cố gắng tái hiện một cách trung thực nhất…”.

 

                                        (trích ”Vài lời thưa trước” của tác giả).

 

 

 

 

TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN

TỪNG CHỮ, TỪNG Ý TƯỞNG CỦA MÌNH.

TRÂN TRỌNG VÀ THÀNH THẬT BIẾT ƠN.

 

 

NHÀ XUẤT BẢN:

VĂN NGHỆ TP. HCM.

2004

 

 

CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN:

Nguyễn Đức Bình

 

 

BIÊN TẬP:

Biên tập viên chính

Nguyễn Hòa Bắc

 

 

BÌA:

Mai Quế Vũ

 

 

CHỮA BẢN IN:

Phương Linh

 

 

In lần thứ nhất, 500 cuốn, khổ 16 x 24 cm,

tại xí nghiệp in: FAHASA

Giấy phép xuất bản: số 3/1387/XB.

Quản lí xuất bản: 24-9-2004.

Gi ấy trích ngang kế hoạch xuất bản: số 103/QĐ. in. XBVN., ng ày 22-11-2004.

In xong và nộp lưu chiểu trong tháng: 12 - 2004

 

 

GIÁ: 140.000 đ

 

HẾT TẬP IV

(TRỌN BỘ)

 

 

Đọc bộ truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử này, có thể đối chiếu với

TIỂU SƯ BIÊN NIÊN KỲ VĨ PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 - 1886)

http://c.1asphost.com/TrXuanAn/an/tieu_sbnpcdtnvtuong.htm

 

(  xem tiếp tệp 11  ) 

 

Trở về trang chủ

Cập nhật: 07/01/09

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7