j. Tiểu mục 36 - Giao lưu đoàn kết - Trần Viết Điền

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

        MỘT GIẢ THUYẾT CÔNG TÁC VỀ DẤU TÍCH PHỦ DƯƠNG XUÂN

 

Trần Viết Điền

(giảng viên Khoa Vật lí ĐHSP. Huế)

Vài lời của WebTgTXA.: Vấn đề “Đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung” đã tạo nên một cuộc tranh luận trải qua nhiều năm tháng giữa hai nhà nghiên cứu Trần Viết Điền và Nguyễn Đắc Xuân. Đến nay, ông Trần Viết Điền lại muốn tranh luận tiếp trong tinh thần học thuật. Ông vừa gửi vào cho WebTgTXA. hai bài viết mới của ông. WebTgTXA. trân trọng đăng tải. WebTgTXA. như trước đây, tuy người phụ trách (TXA.) là chỗ quen thân của cả hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và Trần Viết Điền, vẫn chỉ là một diễn đàn khách quan. (28-04 HB8 --- WebTgTXA.).

        Đại Nam Nhất Thống Chí, Quốc Sử Quán triều Nguyễn , cho rằng Phủ Dương Xuân từng có mặt ở gò Dương Xuân và đã mất tích.Có nhà nghiên cứu ở Huế từng  thu thập tư liệu thư tịch  về công trình kiến trúc cổ này , rút ra một số tiêu chí về nó và đi đến giả thuyết công tác gây chú ý : Phủ Dương Xuân từng tọa lạc trên gò Dương Xuân , gần chùa Ấn Tôn và đại danh lam ThiềnLâm. Thời Tây Sơn đã biến phủ Dương Xuân thành cung điện Đan Dương để vua Quang Trung ở và làm việc . Khi nhà vua băng hà , triều Tây Sơn táng vua  ở  cung điện này, do đó cung điện Đan Dương  trở thành lăng Đan Dương của vua Quang Trung. Giả thuyết công tác này từng được kiểm chứng sơ bộ khi người đưa giả thuyết tổ chức đào thám sát ở hè nhà bà Nguyễn Thị Liên ( 63/13/12, đường Điện Biên Phủ, Huế)vào ngày 17/12/1988,  phát hiện một đoạn uynh thành. Tiếc thay đó chỉ là bờ đê có chức năng chống những dòng nước trên gò cao chảy xuống chỗ trũng. Chủ nhân của di vật này đã tạo tác nên bờ đê bằng gạch tận dụng, lấy từ những công trình cổ đã bị đổ nát, khi vào đây khai phá. Về sau người ta san lấp mặt bằng nên nó bị vùi lấp …

        Do sức thuyết phục của giả thuyết nêu trên đối với chúng tôi không cao nên chúng tôi quyết đi tìm dấu tích Phủ Dương Xuân ở một nơi khác , cũng trên gò Dương Xuân. Những tín hiệu ban đầu về địa điểm có dấu tích phủ Dương Xuân ,  chúng tôi đã trình bày trong bài viết  ở diễn đàn giaodiemonline chimvietcanhnam . Đến nay, sau đợt khảo sát điền dã trong tháng 4-2008 quanh Đình Dương Xuân Hạ , chúng tôi phát hiện thêm một số tư liệu khảo cổ học giúp củng cố giả thuyết công tác mới về dấu tích Phủ Dương Xuân.

        Tiền thân của Đình Dương Xuân Hạ ( dựng đầu thế kỷ 20) là Đền Vũ Sư ( dựng từ năm Minh Mệnh thứ 7) là một sự kiện quá rõ .Ngày 10 tháng 4, họ Lê làng Dương Xuân Hạ đã cung cấp cho chúng tôi một địa bộ làng Dương Xuân, ấp Dương Hòa , được soạn thời Khải Định, khi chưa có đình Dương Xuân Hạ hiện nay. Đặc biệt địa bộ có đính kèm một bản đồ vẽ núi, sông, khe, đường bộ , công điền , chùa ,  miếu, các cụm cư dân…Trên bản đồ này , phần gò của BỘ HÓA THƯỢNG , bao quanh là các cụm cư dân, có ghi ba chữ Hán “VŨ SƯ MIẾU” () . Một phần cư dân quần tụ quanh khu vực của miếu Vũ Sư này  là con  cháu của những người đúc đồng thời chúa Nguyễn. Hậu duệ của những cư dân ấy vẫn còn tiếp tục nghề truyền thống và vẫn phụng giữ những phần mộ của tổ tiên, được táng trên gò Dương Xuân. Phủ Dương Xuân có khi còn gọi là phủ Thợ Đúc. Không phải danh xưng này do Cadiere đặt ra. Khi Cadiere đi khảo sát vùng này khoảng đầu thế kỷ 20 , chắc chắn Cadiere đã tiếp cận danh xưng phủ Thợ Đúc và đã ghi vào bài nghiên cứu.. Về phía tây bắc của VŨ SƯ MIẾU, bản đồ cũng như địa bạ  có ghi DƯƠNG XUÂN THƯỢNG XÃ CÔNG ĐIỀN ( ). Xin phiên âm một đoạn ở trang 6a của địa bộ để tham khảo (xem Ảnh 3):

        “Nhất sở thổ nhị sào nhất xích ngũ thốn. Y chánh Lê Cung phụ trưng.

         Đông cận mộ địa. Nam cận Cựu Mụ Trực thổ viên.

         Tây cận Lâm Lộc thổ.Bắc cận Công Chúa tẩm cấm hạn ngoại.

         Nhất sở thổ nhị sào thất xích. Y chánh Lê Cung phụ trưng.

         Đông cận An Phú Công chúa tẩm cấm hạn.Tây cận bổn xã Thần Trụ lâm cấm hạn.

         Nam cận An Phú Công chúa tẩm cấm hạn. Bắc cận Vũ Sư cấm hạn.

         Nhất sở nhị sào nhất xích nhị thốn Lê Văn Tín phụ trưng.

          Đông cận Lê Cung thổ viên. Tây cận Vũ Sư Miếu cấm hạn ngoại .

          Nam cận An Phú Công chúa tẩm ( ) . Bắc cận Dương Xuân Thượng xã công điền…”

  Qua đoạn trích này, với tẩm của công chúa An Phú đang còn trên thực địa được chọn làm mốc , có thể kết luận tiền thân của đình Dương Xuân Hạ là Đền Vũ Sư.

           Khảo sát thực địa thì phía bắc của đền Vũ Sư là Dương Xuân Thượng xã công điền,  vị trí ấy đúng là khu vực RUỘNG PHỦ hiện nay. Có nhà nghiên cứu Huế cho rằng RUỘNG PHỦ là ruộng gồm 7 mẫu , 1,2 mẫu đất là ruộng tư của cụ Thân thần Tôn Thất Hân , chuyển nhượng cho bà dâu trưởng Trương Thị Lệ Nguyên  và nhà nghiên cứu kết luận RUỘNG PHỦ là tự điền của gia đình họ Trương. Chỉ có ruộng công , thu tô bởi quan lại nhà nước, công bộc của phủ chúa thì dân gian mới gọi công điền là RUỘNG PHỦ. Còn đất công biến thành đất tư là chuyện thường tình. Các vua Nguyễn thường lấy đất công để cấp cho các thân vương hoàng tử , công chúa để canh tác, làm phủ đệ , mai táng…. Hơn nữa 7 , 8 mẫu tự điền thời Bảo Đại  nằm trên cánh đồng Bàu Vá không thể đại diện  cho công điền , tức Ruộng Phủ , có diện tích gấp bội.

              Tuy nhiên , đình Dương Xuân Hạ hiện nay hay đền Vũ Sư xưa chỉ là một công trình kiến trúc trong quần thể kiến trúc cổ với qui mô lớn hơn.

 

Ảnh 1: Ảnh chụp vệ tinh toàn cảnh quần thể di tích trên gò Dương Xuân , trong đó có Đình Dương Xuân Hạ ( tiền thân là đền Vũ Sư)chỉ là một công trình của quần thể . 

        

Ảnh 2: Bản đồ được vẽ thờiKhải Định , đính kèm địa bộ làng Dương Xuân Hạ, ấp Dương Hòa (soạn thờiKhải Định , họ Lê Dương Xuân Hạ lưu giữ).

Hình 3: Một trang của địa bộ làng Dương Xuân Hạ, soạn thời Khải Định, có ghi tẩm của Công Chúa An Phú, đền Vũ Sư, vườn của “Cựu Mụ Trực ”…

(Xem ảnh lớn hơn:

 http://picasaweb.google.com/tranxuanan.writer/HinhAnhTuLieu7  )

          Thật vậy, nếu đền Vũ Sư (6) được dựng hoàn toàn mới trên gò Dương Xuân thì bình đồ của đền phải đăng đối hình học . Chẳng hạn hồ bán nguyệt ( 5) trước đền phải có trục đối xứng là đường thần đạo của đền. Trên thực địa , hồ trước đền được đào và bờ hồ được kè đá với bình đồ của hồ là một hình có trục đối xứng, nhưng trục đối xứng này không phải là trục đối xứng của bình đồ của đền Vũ Sư. Ảnh 1 cho thấy đền Vũ Sư hướng ra một cánh của hồ lớn mà thôi.Thời vua Minh Mạng , rất nhiều kiến trúc đền miếu được xây dựng. Có những đền miếu quan trọng , được ghi chép tỉ mỉ trong Đại Nam Hội Điển Sự Lệ hơn những ghi chép về đền Vũ Sư , thế nhưng những đền miếu ấy không to rộng như đền Vũ Sư. Với nhận định này , chúng tôi đặt giả thuyết Đền Vũ Sư chỉ được dựng trên nền móng của một công trình  của quần thể kiến trúc cổ từng bị hoang phế. Triều Gia Long , Minh Mạng thường biến các công trình thời Chúa Nguyễn đã hoang phế , qua binh hỏa,  thành những công trình có chức danh mới là việc không hiếm. Chẳng hạn Văn Miếu Long Hồ thành Khải Thánh Từ , điện Tập Tượng hữu thành Điện Voi Ré… Các công trình kiến trúc thời Minh Mạng có dấu hiệu đặc trưng về gạch vồ, đá tảng kê cột hoàn toàn khác thời chúa Nguyễn. Ví dụ gạch vồ thời Minh Mạng dài, dày hơn gạch thời chúa Nguyễn và thời đầu Gia Long ( ảnh 4) . Đá kê cột thời Minh Mạng phần lớn là đá Thanh , đá tảng kê cột thời chúa là đá granit ( giống loại đá ở khe Đá Mài ở Ngũ Tây. Thừa Thiên Huế). Thế thì trước sân đền Vũ Sư , dưới gốc cổ thụ , người ta còn lưu giữ hàng trăm năm hai loại đá kê cột của hai thời kỳ khác nhau. Trong sân đền vũ Sư và ở các bậc cấp, có nhiều gạch bìa thời chúa Nguyễn được tận dụng đế xây. Ngay vật liệu bó nền của miếu âm hồn trước đền , ngoài đá gan gà còn có từng tảng vôi vữa đắp ngoái ống (ảnh 5). Đặc biệt ở đình làng Dương Xuân Hạ , người ta còn lưu giữ hai cốt rồng xây bằng gạch thời chúa Nguyễn. Đây  là một bằng chứng về đền Vũ Sư được dựng trên nền móng của một công trình của quần thể kiến trúc cổ , nằm trên gò Dương Xuân.

Ảnh4: Các bậc cấp của đình Dương Xuân Hạ , cũng có tiền thân là đền Vũ Sư, được xây với vật liệu có tận dụng gạch thời chúa Nguyễn.  

        

Ảnh5: Bờ kè miếu âm hồn , ở phía phải , trước đình có tận dụng một đoạn nóc được đắp bằng ngói và gạch thời chúa Nguyễn.

Ảnh6: Biển gỗ có dán nổi 3 chữ Hán theo lối tháo , có kiểu thức hóa “DIỄN MÃ TRƯỜNG”, được lưu giữ trong tiền sãnh của đền Vũ Sư. Diễn Mã Trường được mở cùng thời với việc chúa Nguyễn Phúc Chu đại trùng tu phủ Dương Xuân năm Canh Thìn(1700).

Ảnh 7: Cốt rồng được làng Dương Xuân lưu giữ hàng trăm năm. Khi dựng đền Vũ Sư , người xưa đã sửa chữa bằng gạch vồ thời Minh Mạng, nhưng đuôi và bệ đỡ con rồng lại là gạch bìa thời chúa Nguyễn.

Tiền sảnh của đền Vũ Sư , tức đình Dương Xuân Hạ có treo một biển gỗ có dán nổi ba chữ Hán thảo pha kiểu thức hóa “ DIỄN MÃ TRƯỜNG”. Có khả năng biển này từng được treo ở khán đài trường diễn mã ( 3) nằm trước hồ bán nguyệt(5) . Hiện nay dấu vết của nền móng khán đài này vẫn còn vuông vắn .Khi khán đài này hư hỏng , người ta đã đưa biển vào lưu giữ ở đền Vũ Sư.

            Một thông tin quan trọng mà Lê Quí Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục đã ghi lại là khi chúa Nguyễn Phúc Chu đại trùng tu Phủ Dương Xuân ( Canh Thìn 1700) thì dùng gỗ ở dinh Quảng Nam với khối lượng rất lớn . Lúc bấy giờ người ta phải dùng thuyền trường đà để chở hàng ngàn cây gỗ lớn từ Quảng Nam ra Phú Xuân để đại trùng tu Phủ Dương Xuân. Giả sử làm một  cung thất với với cột , kèo , đà, xuyên, lách, cửa , ngạch, sàn bằng gỗ , phải dùng 100 cây gỗ thì khi đại trùng tu phủ Dương Xuân, mở Diễn Mã Trường phải dùng hàng ngàn cây gỗgiúp chúng ta suy đoán phủ Dương Xuân phải có nhiều cung thất đình tạ.Thế thì mặt bằng phủ Dương Xuân phải rộng hàng ngàn mét vuông.Vì lẽ đó chúng tôi mở rộng điền dã , tìm dấu tích phủ Dương Xuân, ra khỏi khuôn viên đình Dương Xuân Hạ ( tức đền Vũ Sư) vậy.

              Ngày 12 tháng 4 năm 2008 , chúng tôi đã khảo sát thực địa phần gò Dương Xuân,  bên trên đình Dương Xuân Hạ và phía sau miếu thành hoàng làng Dương Xuân Hạ. Bước đầu chúng tôi phát hiện  ba mặt bằng có hiện vật cổ thời chúa Nguyễn.

              Mặt bằng A: Hình chữ nhật , dài khoảng 30m. rộng khoảng 15m, cao khoảng 0,6m , được kề đá gan gà, đường thần đạo theo hướng tọa khôn hướng cấn kiêm ngọ-tí ( tây nam-đông bắc nghiêng bắc  , tức hợp đường thần đạo của đình Dương Xuân Hạ góc  700 . Trước nền móng này có một bình phong xây bằng gạch bìa thời chúa Nguyễn , đã bị đổ sập nhưng đống giải hạ vẫn còn. Có khả năng nền A này là nền của một cung điện cổ ở gò Dương Xuân (7).

Ảnh 8: Đống giải hạ trước công trình A (có thể là bình phong ) , sau lưng miếu Thành Hoàng của làng.

Mặt bằng B: Cùng đường thần đạo với A lại có MIẾU THÀNH HOÀNG nhỏ , được xây bằng gạch vồ thời Minh Mạng. Miếu này nằm trước bình phong của A. Trước miếu cũng có bức bình phong còn nguyên nhưng đã đổ xuống nằm úp trên đất (8).

Ảnh9: Miếu Thành Hoàng của làng Dương Xuân Hạ ( có khả năng thờ Trấn Lỗ Tướng Quân).

Mặt bằng C: Cũng nằm trên đường thần đạo của A,B nhưng 30m , về phía sườn thấp của gò . Ở đây cũng có một nền được kè đá gan gà, có bó vỉa bằng gạch bìa thời chúa Nguyễn , có cổng . Hiện nay làng sở tại sửa thành am , bên trong có bài vị thiên  thần. Trước công trình này có một bồn bán nguyệt . Công trình này hướng về phía trường bia , vắt qua đám ruộng có ruộng lễ miếu Lễ vua Lê Thánh Tông.

Phải chăng đây là dấu tích của HIÊN DUYỆT VÕ ngày xưa?(9).

 Ảnh 10: Một đoạn đá gạch bó nền một công trình cổ, có mặt gạch thời chúa Nguyễn của công trình C.

Ảnh 11: Hồ bán nguyệt trước công trình C.

Ảnh 12: Dấu vết móng tường bao quanh công trình D.

Ảnh 13: Một đầu trụ được xây bằng gạch thời chúa Nguyễn.

Ảnh 14: Dấu tích móng của một trong những tường thành phân chia khuôn viên của cung thất trong quần thể kiến trúc cổ.

Hình 15: Tẩm của An Phú Thái Trưởng Công Chúa thụy Trinh Tín, có bia đá Thanh, nhưng khi xây lăng năm 1865, người ta có tận dụng gạch thời chúa Nguyễn .

Mặt bằng D:

Mặt bằng D ( 9)  khá rông, vuông vắn , có dấu hiệu là vườn hoa của quần thể kiến trúc trên gò. Ở mặt bằng này , có ngôi mộ cổ(10), xây bằng gạch vồ thời Minh Mạng , Thiệu Trị , Tự Đức. Ngôi mộ còn bia đá thanh , đọc được dòng chính:

 “ AN PHÚ  THÁI  TRƯỞNG CÔNG CHÚA THỤY TRINH TÍN CHI MỘ ”.

               Tra cứu Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc soạn, nhà xuất bản Thuận Hóa 1995 , trang 317 có chép :  “ NGUYỄN PHÚC KHUÊ GIA. An Phú Công Chúa .

            Ban đầu bà có tên là Chương Gia sau đổi thành Khuê Gia là con gái thứ 2 của đức Thánh Tổ , mẹ là Hiền Phi Ngô Thị Chính . Bà sinh ngày 17 tháng 7 năm Quý Dậu ( 12-8-1813) .

           Thuở bé tính bà hiền lành, dễ bảo. Năm Quý Tỵ (1833) bà lấy chồng là Phò mã Đô Úy Nguyễn Văn Túc , người Tân Hòa, Gia Định, ( con trai của thự Đô thống Chưởng phủ sự Lương văn hầu Nguyễn Văn Hiếu).

          Năm Ất Tị (1845) Nguyễn Văn Túc mất .

         Năm Giáp Dần bà được phong là  An Phú Công Chúa .

         Bà mất ngày 4 tháng 4 năm Ất Sửu (28-4-1865), thọ 53 tuổi , thụy Trung Tín . Tẩm ở Dương Xuân Thượng ( Hương Thủy ,ThừaThiên).

        Bà có 3 con trai và 3 con gái.”

         Đoạn trích này có viết  nhầm tên thụy của An Phú Thái Trưởng Công Chúa ; thay vì TRINH TÍN thì lẫn là TRUNG TÍN.

         Phát hiện này cho thấy một số mặt bằng trên gò Dương Xuân suốt hậu bán thế kỷ 19, không phải là đất thổ cư của dân sở tại, mà chẳng phải là hoang địa , ai cũng canh phá để lập vườn mà  là đất công và cấp cho hoàng tộc để an táng. Điều này lặp lại khi người em Tuy Lý Vương Miên Trinh của công chúa An Phú được phép  xây tẩm cho gia đình mình trên khuôn viên của Điện Trường Lạc xưa. Địa bộ làng Dương Xuân , tờ 6a có chép về những phần đất , nam giáp tẩm của An Phú Công Chúa, bắc giáp đền Vũ Sư…bắc đền Vũ Sư là Công điền thuộc làng Dương Xuân. Nếu khu vực có đền Vũ Sư, có các mặt bằng A,B,C,D là phủ Dương Xuân thì phía bắc khu vực này dân gian gọi Ruộng Phủ là điều hợp lý. Ruộng Phủ không phải vì trên ruộng có cung thất của phủ . Ruộng Phủ ở đây là công điền, quan lại của phủ Dương Xuân thu tô , lính tráng hoặc dân làng Dương Xuân canh tác.

           Khi đặt giả thuyết công tác từ những tín hiệu ban đầu đã nêu , chúng tôi thử kiểm chứng giả thuyết , bằng cách đối chiếu những tiêu chí về phủ Dương Xuân mà các nhà nghiên cứu Huế đã chỉ ra từ những ghi chép của Lê Quí Đôn, Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Poivre… về phủ Dương Xuân. Trước hết phủ Dương Xuân ở trên gò nhỏ, có một cánh nhìn ra sông Hương. Hơi xa sông một chút , sông và phủ cách nhau bởi cánh đồng Bàu Vá. Nếu mô tả thứ tự theo hướng từ hạ lưu đến thượng lưu sông Hương , ta có Phủ Cam , Phủ Dương Xuân , Điện Trường Lạc (do cải tạo phủ Tập Tượng Hữu (đối với phủ chính Kim Long) ), xa hơn một chút có phủ Tập Tượng Hữu ( đối với phủ chính Kim Long, tức Điện Voi Ré hiện nay). Trước phủ Dương Xuân (theo hướng Tây Nam –Đông Bắc) có trường bắn , hiện nay còn địa danh TRƯỜNG BIA, giếng Trường Bia. Thế thì mặt bằng C trước mặt bằng A , phải chăng là dấu vết cũ của HIÊN DUYỆT VÕ ? Và mặt bằng A có dấu tích nền cũ của điện chính mà Võ Vương ngự vào mùa đông? Thế thì Đền Vũ Sư được dựng trên nền cũ của một cung thất, phía trái của điện chính;có hướng Đông Nam-Tây Bắc và đây là nơi Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã đi xuống từ cung thất cao hơn của phủ Dương Xuân  để tiếp Poivre. Khi tiếp Poivre ở đây, Võ Vương đã chứng kiến cảnh đám nông dân đang canh tác ở công điền, đang cầu cứu nhà chúa phía bờ hồ đối diện. Tá điền làm việc ở công điền, tức Ruộng Phủ , mới dám trực tiếp biểu tình trước mắt của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát . Ở đây có thể quan sát trường diễn mã trên khu ruộng phủ, xa hơn phía bờ sông có điện Trường Lạc. Vậy quần thể Phủ Dương Xuân không chỉ là nơi chúa ở mùa đông để tránh lụt mà còn là nơi chúa coi sóc việc huấn luyện pháo binh, kỵ binh , tượng binh. Không những thế , những lúc có lụt lớn, bão to thì ở phủ Dương Xuân nhà chúa cũng tiện tổ chức cầu đảo ở miếu Phi Vận Tướng Quân, miếu thành hoàng làng Dương Xuân nổi tiếng linh nghiệm. Ở địa điểm trên gò Dương Xuân, quanh khoảnh đất có đình Dương Xuân Hạ hiện nay, rất thích hợp cho việc lập cung phủ mùa đông; hơn hẳn khoảnh đất trũng gần chùa Thiền Lâm, tứ bề vây bọc bởi đồi có chùa, có tháp sư. Trường bia lại đặt rất  gần phủ ,  e rằng các người trong phủ chúa sẽ bị đạn lạc! Và quốc sư Thích Đại Sán sẽ phản đối Minh Vương Nguyễn Phúc Chu , vì nhà chúa đã làm trở ngại công cuộc chấn hưng Phật Giáo Đàng Trong bằng cách đặt hai cơ sở đạo đời chỉ cách nhau bởi một bức tường gạch., tại khu vực giữ cồn Bông Sứ với chùa Thiền Lâm.’ Một quần thể kiến trúc Phủ Dương Xuân được chúa Nguyễn Phúc Chu cho đại trùng tu vào năm Canh Thìn (1700), cùng thời với việc mở Diễn Mã Trường; chưa kể trước đó vài năm nhà chúa mở trường bắn gần cồn Bông Sứ …thì không thể ở một nơi thấp trũng ( nơi có nhà bà Nguyễn Thị Liên), chung quanh lại vây bọc bởi đại danh lam Thiền Lâm..Sinh hoạt nhà chúa với nhiều người phục dịch sẽ ảnh hưởng sự sinh hoạt của nhà chùa với nhiều sư sãi và tăng chúng!!!.

              Tìm được dấu tích Phủ Dương Xuân sẽ góp phần sáng tỏ giả thuyết về Đan Dương Lăng của vua Quang Trung . Về văn hóa du lịch thì việc tìm ra phủ Dương Xuân, trên những nền mỏng cũ đã được xác nhận về mặt khảo cổ học , Huế có khả năng phục dựng những công trình ấy để có một công trình kiến trúc cổ hơn phòng thành Huế hàng trăm năm. Đặc biệt quần thể Phủ Dương Xuân là nơi chúa Nguyễn ở và làm việc vào mùa đông, vẫn đôn đốc việc huấn luyên pháo binh, kỵ binh, tượng binh . Về điểm này Phủ Dương Xuân, Điện Voi Ré, Hổ quyền …sẽ giúp cho ngành văn hóa, du lịch dễ tạo ra những hoạt động thu hút du khách , nhất là những dịp tổ chức FESTIVAL. Về mặt giáo dục , nếu phủ Dương Xuân được tìm ra và được phục dựng , nó sẽ là nơi nghiên cứu học tập của sinh viên học sinh về lịch sử Đàng Trong .   Rất mong các nhà nghiên cứu quan tâm về giả thuyết công tác của chúng tôi và nếu được các cơ quan hữu trách tổ chức khai quật khảo cổ học ở khoảng gò Dương Xuân, có đình Dương Xuân Hạ để kiểm chứng giả thuyết .

                                                                                       Huế, tháng 4, 2008.

                                                                                         Trần Viết  Điền.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đại Nam Nhất Thống Chí, Quốc sử quán triều nguyễn, (đời Tự Đức), bản dịch của Phạm Trọng Điềm, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1969.

[2] Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương Sơn Lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nguyễn Đắc Xuân, NXB Thuận Hóa, Huế, 2007.

[3] Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả,  Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc, NXB Thuận Hóa Huế, 1995.

 

____________________________________________________

Trở về

THÔNG BÁO CẬP NHẬT Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update_mucluctrang

 

TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

&

trang mục lục Giao Lưu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket_mucluctrang

(mục lục của mục này -- các trang Giao lưu)

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

(trang 1 Giao lưu)

TRANG "NGÀN WEBs CỦA NGÀN NHÀ":

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/webcacnha

Trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 

 Ngày nhận bài này từ tác giả qua Gmail & đưa lên web: 27 & 28-04 HB8