Lê Tiến Công -- Tư liệu lưu trữ ở nước ngoài về Nguyễn Văn Tường

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG

(QUA TƯ LIỆU LƯU TRỮ Ở NƯỚC NGOÀI)

 

WebTgTXA.: Về giai đoạn lich sử 1858-1885/1886, nắm vững và giữ vững tư liệu gốc của nước ta -- những châu bản và các văn kiện khác (kể cả tư liệu gốc của Pháp) trong "Đại Nam thực lục" -- là nắm giữ thanh gươm sử học hay ngọn bút sử học đằng cán (không ai nắm gươm, cầm bút đằng lưỡi!). Nói cách khác, đó là tư liệu ắt có (cấn thiết phải có), còn tư liệu gốc của phía Pháp (trong sách báo Pháp, nhất là tư liệu mới sưu tầm được ở các trung tâm lưu trữ tại Pháp, Tahiti, phải có chứng thực) là tư liệu đủ (bổ trợ thêm). Không thể hoán chuyển điều kiện đủ thành điều kiện ắt có.

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/4-vankien-dainamthucluc.htm

Với tinh thần đó, WebTgTXA. trân trọng giới thiệu bài viết dưới đây của thạc sĩ Lê Tiến Công.

 

LÊ TIẾN CÔNG

(giới thiệu tư liệu)

 

Nguyễn Văn Tường (1824-1886) là nhân vật lịch sử lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong triều đình Huế và xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX. Tuy nhiên, người đương thời và cả hậu thế không khỏi nghi ngờ Nguyễn Văn Tường đã cộng tác với thực dân Pháp, quay lưng với cuộc kháng chiến. Với kết quả của các cuộc hội thảo, với sự đổi mới tư duy nghiên cứu, đặc biệt là những tư liệu lưu trữ ở Pháp và Tahiti mới được hậu duệ ông tìm được không chỉ cung cấp cho giới nghiên cứu nhiều thông tin tư liệu mà còn chứng minh trước sau Nguyễn Văn Tường là một đại quan yêu nước, chống Pháp. Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung chủ yếu của tập tư liệu được hậu duệ Nguyễn Văn Tường sưu tập tại các kho lưu trữ ở Pháp và Tahiti này (1).

 

Các nhà nghiên cứu & khách quý (Ảnh: Nguyễn Quang Trung Tiến)

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/dungbianvt-1_ltc-gui_trong-rap.JPG

 

1. NHÂN VẬT ĐẦY ÂM MƯU CHỐNG PHÁP

 

Sau hiệp ước Giáp Tuất (1874) mà Nguyễn Văn Tường có đóng góp lớn trong việc thương thuyết với Pháp để lấy lại 4 tỉnh thành bị chiếm, ông ngày càng có uy tín và ảnh hưởng trong triều đình Huế. Chính vì thế, trước khi vua Tự Đức mất, Nguyễn Văn Tường được sung làm phụ chính đại thần cùng với Trần Tiễn Thành và Tôn Thất Thuyết; ông có điều kiện để tiến hành những hoạt động chống Pháp.

 

Với vẻ bề ngoài hòa hợp của một nhà ngoại giao nhiệt tình, cố che dấu những âm mưu lớn của phe chủ chiến, Nguyễn Văn Tường đã chỉ đạo tiến hành những hoạt động chống đối. Tuy nhiên, kẻ thù đã điều tra và biết được điều đó.

 

Tập “thư tín mật” (2) của thuỷ sư đô đốc Courbet cho biết những âm mưu chống đối của Nguyễn Văn Tường và triều đình Huế.

 

Thư của thứ trưởng (Le Sous Secrétaire) bộ Hải quân và các thuộc địa Pháp gửi Thống đốc ngày 20-12-1883 cho biết sự đề phòng của chúng đối với Nguyễn Văn Tường:

 

"Hiệp ước quyết định ngày 15-3-1873 [đúng ra là 1874-NV] giữa nước Pháp và vương quốc Annam, đã được quan thượng thư bộ Lễ Nguyễn Văn Tường với tư cách là đệ nhị khâm sai đại thần, ký tên nhân danh vua Tự Đức.

 

Tôi biết chắc rằng, người Annam này, từ lúc ấy, đảm nhiệm chức vụ thượng thư bộ Hộ của vua Tự Đức, không ngớt phát biểu ý tưởng hận thù nhất đối với nước Pháp. Tôi xin căn dặn ông phải canh chừng những hành động của ông này, và đồng thời, đối với ông ta, nếu cần thiết phải sử dụng những biện pháp đòi hỏi để bảo toàn cho quyền lợi của chúng ta" (3).

 

Thư gửi thống tướng Millot ngày 19-3-1884 cho biết:

 

“Những tài liệu tôi thu lượm được trong những chuyến kinh lý ở Tourane, Quy Nhơn và Thuận An chứng thực tất cả những nghi ngờ của tôi về khuynh hướng hiện tại của chính phủ Annam đối với chúng ta.

 

Đệ nhất phụ chính Nguyễn Văn Tường, dưới những bề ngoài hoà hợp, mà sự thắng lợi mới đây của chúng ta tại Bắc Ninh có lẽ còn tỏ rõ hơn nữa, hình như ông ta duy trì những kế hoạch chống đối. Dựa trên quan niệm này, tôi xin kể ra đây những khó khăn và trì trệ mà ông ta đã ngăn cản trong việc phá huỷ cái đập ở Huế, điển hình nhất là trong việc giải giới ngày 21 tháng 8.

 

Mặc dù những đòi hỏi không ngừng của ông khâm sứ và hội đồng tối cao, công việc này vẫn không được tiến tới theo yêu cầu của chúng ta. Phần khác, những kẻ đe dọa người công giáo do chúng ta bắt và kết án vẫn chưa bị hành quyết. Trái lại, người đại diện toàn quyền do ông Harmand đồng ý luôn bị bạc đãi và cầm tù. Theo ông Parreau cho tôi biết, ông tổng đốc Hà Nội bị giáng xuống một phẩm. Người mà tôi phong chức ở Sơn Tây, cho đến bây giờ vẫn chưa được phê chuẩn, ở phủ Ninh Bình cũng như thế” (4).

 

Tiếp đó, nội dung trên được nhắc lại trong thư gửi bộ trưởng viết ngày 20 tháng 3 năm 1884, và cho biết thêm:

 

“Theo như bổ túc báo cáo của tôi đề cùng ngày hôm nay trên những vận hành đoàn của hải quân, tôi trân trọng gửi đến ông một bản tóm tắt những nhận xét của tôi về khuynh hướng hiện nay của chính phủ Annam và mưu toan của họ đối với chúng ta...

 

Tiếp theo cuộc chính biến ngày 29 tháng 11 vừa qua đã truất phế Hiệp Hoà và gây nên cái chết của ông ta, tân chính phủ đã biểu lộ gần như công khai một thái độ thù nghịch đối với chúng ta” (5).

 

Cựu thành viên phái bộ quân sự ở Annam, Masson trong cuốn Souvenirs de L'Annam et de Tonkin xuất bản ở Paris năm 1892, cho biết thái độ Nguyễn Văn Tường đối với hiệp ước 25-8-83:

 

"Hiệp ước chỉ vừa được ký xong thì các quan lại Annam đã dùng các xảo thuật quen thuộc để cố gắng tránh khéo việc thi hành những điều khoản chính yếu…

 

Quan thượng thư đầu triều Nguyễn Văn Tường sau đó, chỉ chấp nhận hiệp ước khi đã nhận thấy bị đe dọa bởi lực lượng trú phòng hùng hậu mà chúng ta đặt ở Huế để bảo vệ cho viên khâm sứ của chúng ta".

 

Tiếp đó, Masson đánh giá:

 

"Nguyễn Văn Tường là một người có trí thông minh phi phàm và một nghị lực đáng kính. Nhờ tài cán của mình mà ông đã tiến thân đến vị thế tột đỉnh trong vương quốc (…). Do đó, ông ta mới đích thực là thủ lãnh của chính phủ Annam, và các quan thượng thư khác tự xem họ là thuộc hạ của ông. Vào năm 1885, ông là một đại lão lục tuần, thập toàn đoan chính và đầy phong cách.

 

Nhiều tài liệu tìm được ở Sơn Tây, Bắc Ninh, và sau này ở Huế, đã kiểm chứng sự đồng lõa của ông với Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc để chống lại người Pháp" (6).

 

Sau này, trong tập văn kiện của giám mục Puginier, (dùng để nghiên cứu những giai đoạn về Bắc kỳ, sự nổi dậy) đề ngày 13-9-1886, mục "Những ai là tác giả của sự nổi dậy", đánh giá những tác nhân của nó:

 

"Những tác giả đích thực của sự nổi dậy đang chuẩn bị ở Bắc kỳ cũng là những người của sự nổi loạn đang thống trị phe phái lớn nhất tại Annam…

 

Do chính là phe của nhóm phụ chính Nguyễn Văn Tường, mà trước đây người ta đã sai lầm duy trì và cuối cùng người ta phải gửi lưu đày, bởi vì người ta chợt nhận thấy ông ta vẫn tiếp tục âm mưu chống lại nước Pháp, dù ông vẫn tự nói là bạn thân. Đây cũng chính là phe nhóm của phụ chính Thuyết, người đã chọn Hàm Nghi làm hình bóng ông vua, và mang sự hận thù đến điên rồ chống lại người Pháp" (7).

 

Giám mục Puginier đã sao lại bức thư của Cơ Mật viện gửi cho công sứ Huế là Le Maire với nhận xét:

 

"Các quan phụ chính kiêu ngạo, xem người Pháp như những đứa trẻ con… Những xung đột ở Bắc kỳ sẽ chấm dứt trong vòng 2 hoặc 3 tháng, sự yên tĩnh sẽ được vãn hồi, không gây một sự lo lắng nào quá lớn lao, điều thú nhận này cần ghi nhớ, các quan phụ chính đã sơ hở trong ảo tưởng nông nổi là có lẽ nước Pháp, giống như năm 1874, mệt mỏi vì đã hao tốn người và tiền bạc, cuối cùng phải chịu rút quân. Gợi ý này, họ muốn nước Pháp biết điều đó, và để làm cho nước Pháp chấp nhận, họ tô điểm bề ngoài thật hay ho, chỉ để lại một ông toàn quyền và vài công sứ, và theo đường lối như thế, họ tự lo liệu lấy việc thiết lập an ninh trật tự trong vòng 2 hoặc 3 tháng. Nếu họ thắng lợi, đúng là chính trị của họ đã đắc thắng và câu nói nổi tiếng mà ông phụ chính đại thần thường hay lập đi lập lại được thực hiện: "chúng ta lấy lại từ người Pháp bằng chính trị và mưu mô, những gì mà họ đã chiếm được của chúng ta bằng binh lực"” (8).

 

Như vậy là sau khi vua Tự Đức mất, Nguyễn Văn Tường cùng với phe chủ chiến trong triều đình Huế đã tiến hành những hoạt động chuẩn bị cho một cuộc kháng Pháp lâu dài và toàn diện trên toàn quốc. Những hành động quyền biến, dứt khoát, tạo nên sự kiện "tứ nguyệt tam vương" hay xây dựng một kinh đô dự phòng ở Quảng Trị đã cho thấy âm mưu chống Pháp của nhóm chủ chiến.

 

2. VỤ BIẾN KINH THÀNH HUẾ VÀ VAI TRÒ NGUYỄN VĂN TƯỜNG

 

Những hoạt động của phe chủ chiến đã được quân Pháp cập nhật, chúng muốn nhanh chóng dẹp đi mối lo ngại này. Thư của Courbet gửi cho Bộ trưởng Pháp ngày 20/3/1884, xác nhận điều đó:

 

"Tôi e sợ rằng sự thù nghịch này sẽ dẫn dắt đến cái ngày mà chúng ta ít chờ đợi nhất, đó là việc rước ông vua đi và di chuyển triều đình đến một thị trấn xa bờ bể, nơi đó khó cho chúng ta làm áp lực hơn ở Huế. Chính phủ Annam có lẽ tự đắc là có thể lãnh đạo được từ đó những phong trào nổi dậy chống lại sự bảo hộ của chúng ta, chỉ có điều này mà thôi cũng giải thích được sự xâm nhập lén lút vũ khí và đạn dược, tôi đã biết chắc chắn trong chuyến cuối cùng đi ngang Qui Nhơn. Còn lại ý định bỏ Huế đã được trù liệu từ lâu trong kế hoạch của chính phủ Annam, sự thực thi của họ sẽ trở thành nguồn bối rối lớn lao cho chúng ta.

 

Sự chiếm cứ đột ngột và bất ngờ kinh thành Huế đối với tôi là phương cách duy nhất để ngăn ngừa khả năng này. Một ngàn đến một ngàn hai trăm người và hai đội pháo binh, liên kết với quân đoàn đóng tại Thuận An sẽ đủ để tiến hành tốt đẹp công cuộc này" (9).

 

Câu chuyện cuối tuần, báo L'illustration cho biết:

 

"Thí dụ về những điều kém buồn cười hơn là tin tức đến từ Huế. Âm mưu phục kích táo bạo chống tướng De Courcy và đoàn quân của ông ta là một biến cố quan trọng, báo trước một cuộc viễn chinh không dễ dàng để tiến hành. Một cuộc bình định khó khăn và lâu dài để thực hiện.

 

Không ai không biết là triều đình Huế chẳng ưa thích gì chúng ta. Phụ Chính Nguyễn Văn Tường, hay gọi theo một số người khác là Van Thuong, đáng lý ra phải xử bắn từ lâu, nếu chúng ta xử lý thích hợp với những thành tích của ông ta.

 

Mặc sự hiển diện của quân đồn trú Pháp trong thành nội Huế, triều đình Annam, bằng mọi phương tiện nắm trong tầm tay, đã cho tiến hành một cuộc chiến tranh nham hiểm nhất. Lý do là vì trong lúc bọn đó chẳng những không đẹp đẽ gì, mà còn mang tính chất sát với loài khỉ hơn loài người, nhưng chúng ta luôn luôn có khuynh hướng tin rằng họ thông minh. Nay Nguyễn Văn Tường hiển lộ một trong những con khỉ quỷ quyệt nhất trong triều đình An Nam, nơi mà không thiếu gì khỉ và sự hiểm độc. Và ngay từ đầu, để chống chúng ta, ông đã chuẩn bị dùng độc thủ đáng ghét nhất mà ông ta có thể trù hoạch được. Để mở đầu, ông ta đã phế bỏ người kế vị của Tự Đức, một người mà tôi đã quên mất tên, và cũng chẳng có gì lạ vì những cái tên Annam đều na ná giống nhau. Người bị truất phế vì khiếp sợ hay là vì một lý do nào khác đã tỏ ra dễ bảo đối với người Pháp. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, người ta dùng chất "café xấu", còn ở Huế thì dùng "trầu xấu" để thay đổi thứ tự thừa kế trong triều đại. Sau đó, Nguyễn Văn Tường còn dùng thêm nhiều thủ đoạn cẩm trọng để lách khỏi tay người Pháp, bằng cách chuẩn bị trong miền núi Cam Lộ một kinh đô kiên cố. Khi tướng De Courcy đến nhậm chức, ông ta hiểu rằng thời điểm tâm lý đã tới. Nếu ông không dẫn theo một lực lượng hùng hậu, Văn Tường vẫn có thể dùng ngoại giao. Nhưng ông ta biết rằng chúng ta đã tìm được trong doanh trại của quân Tàu ở Lạng Sơn và những nơi khác, nhiều bằng chứng cụ thể về sự phản trắc của ông ta, và vì cảm thấy hình phạt tất sẽ đến, ông ta đã đánh liều toàn thất để mong được toàn thắng" (10).

 

Sau khi tướng De Courcy đến Huế với quyết tâm dùng vũ lực để giải quyết rốt ráo vấn đề nóng bỏng này, đó là bắt những nhân vật chủ chiến và buộc triều đình Huế quy phục. Đứng trước tình thế có thể bị nguy hại, đêm 4, rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885, phe chủ chiến với sự chỉ huy của Tôn Thất Thuyết đã tổ chức đánh úp quân Pháp tại Mang Cá và tòa Khâm sứ. Tuy tạo được bất ngờ song quân Pháp đã phản công thắng lợi, sáng 5-7, kinh thành bị chiếm, phe chủ chiến phải đưa vua Hàm xuất bôn lên kinh đô kháng chiến đã được chuẩn bị sẵn là Tân Sở, Quảng Trị. Khi đến Kim Long, Nguyễn Văn Tường theo ý chỉ của Từ Dũ ở lại Huế để giàn xếp với Pháp. Chính sự ở lại của Nguyễn Văn Tường đã để lại cho hậu thế những điều rất khó đánh giá; với nhiều hoài nghi lịch sử. Tuy nhiên, những tư liệu mới tìm được đã làm sáng tỏ việc Nguyễn Văn Tường ở lại Huế là để tiếp tục cuộc kháng chiến. Kẻ thù đã kết án và đày Nguyễn Văn Tường đi Côn Đảo, rồi Tahiti vì nhận thấy mối nguy hiểm của ông.

 

Trước ngày tổ chức trận đánh, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết là "tổng chỉ huy" phe chủ chiến trong tất cả các hoạt động. Câu hỏi lớn nhất được đặt ra là Nguyễn Văn Tường có vai trò như thế nào với cuộc đánh úp quân Pháp đêm 4, rạng ngày 5 -7-1885. Sách Đại Nam thực lục, cho biết, khi xảy ra sự kiện này "Nguyễn Văn Tường không biết chi hết". Tuy nhiên, nói Nguyễn Văn Tường "không biết chi hết" chỉ là lời của chính Nguyễn Văn Tường nhằm đánh lừa quân Pháp. Quân Pháp cũng không nghĩ như vậy, chúng có đủ bằng chứng để nhận diện và kết tội ông.

 

Báo L'illustration, tủ sách của bộ Hải quân Pháp cho biết:

 

"Sau khi vua Tự Đức băng hà, các quan phụ chính Thuong và Thuyet khinh thường chúng ta một cách thoải mái tuyệt vời. Thuong xuất thân từ trường xảo trá, đã truất phế liên tục ba vị hoàng đế, vì lý do họ đã tự cho phép tỏ ra có hảo tâm một cách đại lược, và tương đối thành thật với chúng ta. Thuyet không được cẩn trọng như thế, hay là vì không có một khái niệm chính xác về lực lượng của chúng ta, nên dễ dàng chấp nhận bạo lực của một âm mưu mai phục. Trái lại, Thuong thích giữ gìn cẩn thận hơn, và chỉ phản bội chúng ta sau khi đã thận trọng và giả vờ phục vụ chúng ta. Chính vì vậy mà trong ngày - hay đúng hơn là trong đêm- mà Thuyết ra lệnh tấn công đội trú phòng Huế, Thuong đã xin tướng De Courcy bảo vệ, mặc dù ông ta có thể đã khuyến khích Thuyết trong hành động trên.

 

Dùng mánh lới này dường như không tệ cho lắm, và trong những ngày đầu, cuộc binh biến xem như đã thành công. Tuy nhiên, tướng De Courcy dường như đã tìm thấy một bằng chứng nào đó về nhiều hành động phản bội của Thuong, nên đã đày ngay ông ta đi Côn Đảo” (11).

 

Masson trong cuốn Souvenirs de L'Annam et de Tunkin thì cho rằng:

 

"Vị vua trẻ, gần như là tù nhân của Thuyết, đã không thể trở về được, nhưng hoàng thái hậu và tất cả các thân vương đều về Công quán sứ, và đã đề cử hoàng thân Thọ Xuân, chú của vua Tự Đức vào chức vụ nhiếp chính, Cơ Mật viện, hay hội đồng nội các đã được cải tổ gồm những thượng thư tỏ vẻ ít có thái độ thù nghịch với quyền lợi của chúng ta. Và quan trú sứ M. De Champeaux được chỉ định làm thượng thư bộ Binh. Riêng ông Nguyễn Văn Tường vẫn tiếp tục tham gia vào tất cả mọi âm mưu chống Pháp. Ông này bị loại khỏi chính quyền, trong lúc Nguyễn Hữu Độ từ lâu đã chứng tỏ thực sự tận tụy với quyền lợi của chúng ta, đã được phong làm thượng thư đầu triều với tước vị kinh lược phó vương Bắc Kỳ" (12).

 

Cũng cần nói thêm rằng, Nguyễn Hữu Độ là một tên đại phản động, khi đất nước lâm nạn, Độ muốn vào Huế kiếm lấy một chức vị thích đáng nhưng gặp Nguyễn Văn Tường, sau cuộc tranh cãi nảy lửa, Nguyễn Hữu Độ thất thế phải ra Bắc. Báo L'Unité Indochinoise ngày 29-7-1885, cho biết về cuộc "đấu khẩu" giữa Nguyễn Văn Tường và Nguyễn Hữu Độ:

 

"Cuộc đàm thoại giữa ông Tường và kẻ tử thù của ông ta là tổng đốc Hà Nội ở tòa nhà phái bộ trước sự hiển diện của vị chỉ huy sự vụ dân sự và chính trị và ông De Champeaux. Đối với người Âu châu, quang cảnh đã xảy ra rất lạ kỳ, hình như những người Annam có một sức mạnh như thế nào trong con người của họ, mà gương mặt họ không bao giờ phản bội các tư tưởng thầm kín của họ: đó là một trong những sự cao siêu của những nhà ngoại giao của họ".

 

Phân tích về tình hình sau vụ biến, tờ báo này cho rằng:

 

"Những người hoài nghi thấy trong các sự sắp xếp này khía cạnh tốt và xấu. Khía cạnh xấu, theo ý kiến chúng tôi, gồm trong tư thế của ông Thuong, người mà chúng ta phải rình rập tất cả các hành vi. Ông ta có thể, nếu ông ta có ý muốn đánh lừa sự giám thị của chúng ta khi ông ta thấy có cơ hội tốt.

 

Trong khi đó thì vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết đang ở Song Thông tại Hà Tĩnh và kết quả là tuyên bố muốn bước vào Than Hoa, và họ kêu gọi sự nổi dậy ba tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Than Hoa" (13).

 

Báo Avenir Militare ngày 26-8-1886 viết về việc người Pháp có đủ bằng chứng để kết tội Nguyễn Văn Tường trong những ngày ông ở lại Huế. Đây là bằng chứng quan trọng chứng minh Nguyễn Văn Tường đã liên hệ với phe chủ chiến ngay khi ông ở lại Huế:

 

"Chúng tôi thấy trong một lá thư đề ngày 11 tháng 9 gửi đi từ Huế cho hãng thông tấn Havas tất cả những tin tức sau đây:

 

Tôi đã gửi cho các ông chiều hôm qua một điện tín để thông báo vụ bắt giữ ông Tường, đệ nhất phụ chính. Sau đây là nguyên nhân và diễn tiến của vụ bắt giữ này.

 

Một ngày sau những biến cố ngày 5 tháng 7, Tường đã tìm đến tướng tổng tư lệnh để tự nộp mình và xin hết mình phụng sự nước Pháp. Ý kiến đầu tiên của bộ Tổng tham mưu là xử bắn ngay ông ta, nhưng sau khi suy tính, đã chấp thuận giao ông ta nhiệm vụ tổ chức lại guồng máy hành chính Annam, tuy vẫn giữ ông ở tư thế tù nhân trong thời gian các sự tình chưa được giàn xếp ổn thoả. Người ta hy vọng ông ta có thể mang lại niềm tin trong nước và thành thực thông báo cho ta những gì xảy ra trong giới quan lại. Ông ta phải hết sức cố gắng mời vua trở về và nhất là không được phản bội chúng ta. Tất cả mọi điều kiện này đang được thi hành- hay ít nhất người ta cũng cố tin như thế- cho đến vài hôm sau, người ta được biết Tường đã bí mật liên lạc với phụ thân của ông ở miền quê, nhưng người ta lại không bắt được những người mang thư. Tuy nhiên, vào chiều thứ Hai, sự tình cờ đã khiến một người đưa thư rơi vào tay chúng ta. Lục soát khắp nơi, người ta không tìm được gì trên người của hắn; khi tên này bị lột trần và bị khám xét kỹ lưỡng, người ta tìm thấy một tờ giấy nhỏ, sau khi mật thư được dịch tại chỗ, thì quyết định bắt giữ Tường được ban hành tức khắc. Nội dung mảnh giấy nói gì, không ai được biết ngoại trừ tướng tổng tư lệnh.

 

Tường được cho tạm trú tại Thương Bạc, bị canh giữ ngày đêm bởi một toán 30 quân nhân người Algérie dưới quyền chỉ huy của đại uý tham mưu Schmitz và ông Hamelin, công sứ Huế. Hai sĩ quan này ở cùng nhà với quan phụ chính. Tất cả các vị thượng thư cũng đều ngự tại Thương Bạc.

 

Thứ Ba vừa qua, tất cả các lối ra vào khu Thương Bạc đều bị canh gác và tàu Brionvale được điều động đến trước trú quán. Tường không tỏ ra một chút kháng cự nào trong khi tiến lên tàu Brionvale với dáng điệu hết sức tự nhiên. Nhiều vị quan lại khác đi theo ông đến Thuận An, họ đều bày tỏ thái độ rất cung kính đối với ông. Từ cửa Thuận An, ông được chuyển đi Sài Gòn trên tàu La Clochetterie, Từ Sài Gòn đến Côn Đảo trên tàu Le Cayenne và La Nouméa của Nam kỳ. Ông ta sẽ bị giam giữ trong khu dành cho tù nhân chính trị. Tường tánh tình vốn rất kiêu hãnh nên đáng lý ra phải có một vài hành vi kháng cự trong lúc lên tàu La Clochetterie khi ông ta biết các vị thượng thư, các thông dịch viên ... không còn đi theo ông ta nữa” (14).

 

Vậy là sau khi ở lại Huế, phía Pháp nghi ngờ động cơ ở lại của Nguyễn Văn Tường, và ý kiến của bộ tổng tham mưu là "xử bắn ngay". Tuy nhiên, người Pháp vẫn nhận thấy uy tín to lớn của Nguyễn Văn Tường, có thể lợi dụng vào việc tổ chức lại chính quyền nên đã để ông ở lại với điều kiện phải ổn định tình hình trong vòng hai tháng và trong điều kiện canh phòng nghiêm ngặt, đặc biệt là không được "phản bội" quân Pháp.

 

Bằng sự khôn khéo của một nhà ngoại giao, Nguyễn Văn Tường đã làm cho quân Pháp tin điều đó, hay những tên nghi ngờ cũng "cố tin điều đó", chỉ đến khi phát hiện ra hành vi bí mật liên lạc với nhóm kháng chiến thì pháp đủ cơ sở để bắt giữ và đày Nguyễn Văn Tường đi thật xa.

 

Sau hai tháng ở lại với những âm mưu bất thành, Nguyễn Văn Tường hiên ngang bước lên tàu để bắt đầu chuyến lưu đày biệt xứ trong sự cung kính của các quan lại, còn quân Pháp thì dành sự ngạc nhiên về thái độ bình thản của ông.

 

Báo L'Unité Indochinoise ngày 7-8-1885, mục "Những biến cố ở Huế", phân tích về nguyên nhân, thủ phạm của biến cố này với vai trò chủ yếu của Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường:

 

"Trong lúc những binh sĩ của chúng ta đã chiến đấu một cách dũng cảm, thì Thương, Thuyết và đứa bé mang chức vị hoàng đế của nước Annam đang làm gì ? Ẩn mình trong pháo đài, họ theo dõi những diễn biến của cuộc chiến này, mà theo họ, kết cuộc phải trục xuất được những người Pháp ra khỏi Huế! Cho đến rạng đông, họ đã tin tưởng thắng trận bởi những đoàn quân của chúng ta cầm cự trong thế tự vệ, và chỉ sau khi biết chắc phần thất bại thuộc về phần họ, tất cả ba người đã rời kinh đô nước Annam. Thương, người bạn thân của nước Pháp, đã đi theo ông vua trong việc tẩu thoát mấy tiếng đồng hồ, rồi trở về Huế, và bấy giờ ông ta đến đức giám mục Gaspar yêu cầu ông này làm thông dịch cạnh thống tướng De Courcy…

 

Đấy, con người cứ tìm cách làm cho ta tin sự trung thành, bởi vì ông nói ông không rời kinh thành trong ngày 4 tháng 7, ông đến tòa khâm sứ để trình ông tướng việc gì xảy ra trong đêm!

 

Nhưng mà, vậy thì ai đã tổ chức trong đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 tháng 7 cuộc tấn công chống chúng ta? và, bởi vì cuộc tấn công này không đạt kết quả, Thương muốn trút trách nhiệm lên Thuyết và ông vua trẻ, một đứa bé 12 tuổi.

 

Phải chăng hai người này là những thủ phạm đích thực, và nếu Thương ở lại, để nói đúng hơn, là ông ta đã trở lại Huế, chính là để tìm cách đánh lừa chúng ta một lần nữa, và để tin cho người bạn Thuyết của ông ta biết diễn tiến của chúng ta đang làm. Người ta muốn có bằng cớ ư ? Người ta tìm thấy trong các sự kiện sau đây: Thuyết chỉ rời Huế để đi lãnh đạo những người bất mãn ở các tỉnh để ủng hộ vua Annam đã mất nước vào tay người Pháp" (15).

 

Về diễn biến của vụ biến, báo L'Unité Indochinoise ngày 14-8-1885 đã đăng lại 2 công điện báo cáo của tướng De Courcy ngay trong đêm:

 

Công điện thứ nhất:

 

"Huế, ngày 5-7, vào lúc 3 giờ sáng, phái bộ và Mang Cá bị tấn công bất ngờ bởi toàn bộ binh lực của kinh thành. Toàn thể khu vực của thủy quân lục chiến bằng nhà tranh xung quanh của phái bộ đều bị pháo cháy và người đốt. Toàn nhà phái bộ nguyên vẹn. Không có tổn thất gì đáng kể. Không có tin tức gì về Mang Cá là nơi đóng quân của tiểu đoàn 3 lính Phi. Kinh thành bị bốc cháy nhiều nơi; súng lớn và súng nhỏ nổ nhiều. Tôi nhìn theo hướng hỏa lực tôi chắc rằng địch đã bị đẩy lui. Tôi bảo vệ được nhà tranh điện thoại. Tôi đã ra lệnh cho hải phòng đưa quân đóng ở đó. Tôi chẳng lo ngại gì cả".

 

Công điện thứ hai vào lúc 11g sáng, khi Pháp đã chiếm trọn kinh thành:

 

"Huế, ngày 5-7, vào lúc 11 giờ sáng. Kinh thành đã nằm trong tay chúng tôi với 1000 cỗ đại bác. Quân đội chiến đấu tuyệt vời, đầy tin tưởng. Các thiệt hại khá lớn.

 

Sự tấn công từ phía Annam lúc 1g sáng cùng một lúc về phía khu vực trong kinh thành, nơi chúng tôi đóng, và về phía khu vực phái bộ. Nhưng kẻ đánh phá với số lượng 30000 người, lúc đầu đã đốt cháy chỗ đóng quân bằng nhà tranh ở Mang Cá, và ở chỗ đóng quân lục chiến tại khu vực phái bộ.

 

Tất cả trang thiết bị cháy rụi, đạn dược và lương thực cứu được, ngôi nhà phái bộ đều mang nhiều vết pháo. Tôi đang tổ chức phòng thủ để đẩy lui đợt đánh có thể xảy ra vào đêm mai, ít nhất cũng nhằm vào phái bộ. Chẳng có gì phải lo ngại. Điều binh có trật tự để củng cố đồn. De Courcy” (16).

 

3. NHỮNG NGÀY THÁNG CUỐI ĐỜI CỦA NGUYỄN VĂN TƯỜNG

 

Quân Pháp không tin Nguyễn Văn Tường nhưng vì tình thế mà giữ ông lại như một con bài chính trị nhằm lợi dụng uy tín của ông để ổn định tình hình. Chúng đã khống chế Nguyễn Văn Tường trong hầu hết thời gian ông ở lại. Tài liệu trên cho thấy chỉ vài ngày sau khi quay lại "hợp tác" với Pháp, Nguyễn Văn Tường đã bí mật liên lạc ra bên ngoài nhưng phải đến một ngày "thứ Hai" (thứ Hai trong một tuần) bọn Pháp mới có bằng chứng khi bắt được một phái viên của Nguyễn Văn Tường đang mang mật thư và ngay lập tức ông bị bắt giữ.

 

Tuy vậy, Nguyễn Văn Tường vẫn chưa bị đi đày ngay mà ông chính thức bị quản thúc làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ của quân đội.

 

Các sách viết trước đây cho rằng Nguyễn Văn Tường lên tàu ngày 6 tháng 9. Thực ra không có tài liệu "khả tín" nào nói điều đó. Lá thư của thống tướng De Courcy cho thấy, ngày 6 tháng 9, khi viết thư cho thống đốc Nam kỳ, De Courcy đang ở Hà Nội chứ không phải ở Huế nên không thể ra lệnh "ngay lập tức" được. Theo tra cứu các ngày "thứ Hai" và "thứ Ba" trong tháng 7 và tháng 8 năm 1885 thì, ngày "thứ Ba" mà Nguyễn Văn Tường bị bắt lên tàu tương ứng với ngày 8 tháng Chín (17).

 

Một số báo chí đương thời cũng xác định ngày 8/9 mới đúng là ngày Nguyễn Văn Tường lên tàu. Báo L'Unité Indo-chinoise mục "Arrestation du regen" (Sự bắt giữ ông phụ chính) chỉ rõ:

 

"Ngày 8 tháng 9, tất cả các lối đi của ngôi nhà Thương Bạc đều bị canh phòng và chiếc tàu Le Brionval được đặt trước chung cư. Thuong không có một chút kháng cự nào, ông ta đi đến mạn tàu Le Brionval với một nét mặt hết sức tự nhiên, nhiều vị thượng thư đi theo tiễn ông ở cửa Thuận An, họ chứng tỏ rất tôn kính ông. Từ Thuận An, người ta chở ông đi Sài Gòn bằng tàu La Clochetterie, từ Sài Gòn chuyển đi Côn Đảo bằng chiếc tàu Le Cayenne của Nam kỳ, và ông bị đặt trong thành phần các tù nhân chính trị" (18).

 

Tuy nhiên, theo tờ Tin tức Nam kỳ cho biết, ngày 9/9 tàu đã đến Sài Gòn trên tuần dương hạm La Clochetterie. Với tốc độ tàu lúc bấy giờ mà có thể đi từ Huế đến Sài Gòn trong 1 ngày là điều đáng ngờ. Tờ báo này cho biết thêm:

 

"Theo như lệnh của tướng De Courcy và chính quốc cho phép, phải bị giam tại Côn Đảo, đảo chính của nhóm đảo mà ta gặp được cách độ 30 dặm hướng Tây Nam từ sông Sài Gòn. Dân cư của Côn Đảo gồm hầu như duy nhất là người chài lưới. Đảo rất rậm rạp, cung cấp nhiều trái cây, gỗ rừng xây dựng, vôi và một trung tâm thương mại khá lớn về lợn và gia cầm. Chính địa điểm này là nhà lao của Nam kỳ” (19).

 

Tuy vậy, thống tướng De Courcy không yên tâm, trong thư gửi cho thống đốc Nam kỳ ngày 6-9-1885 viết:

 

"Tầm quan trọng chính trị của ba nhân vật này xác định đầy đủ đến mức độ cẩn mật nào cần phải canh chừng họ" (20).

 

Còn công điện thống đốc gửi bộ Hải quân ngày 22 tháng 9 năm 1885 thì cho rằng:

 

“Sự có mặt ở đảo Poulo Condor của ba tù nhân chính trị do thống tướng Courcy gửi đến, rất là phiền phức, trong trường hợp hiện nay, sự đào thoát có thể xảy ra, khẩn cầu xin được gửi họ sang Pháp”  (21).

 

Vậy là đày Nguyễn Văn Tường tới Côn Đảo một thời gian, thấy không an toàn, Nguyễn Văn Tường tiếp tục bị đày sang nơi xa hơn là Tahiti, một hòn đảo thuộc địa Pháp. Thư ngày 21-9-1885, gửi thuyền trưởng tàu La Dives xác định điều đó:

 

"Y theo chỉ thị của ông bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa đã ban ra cho tôi, tôi cầu ông vui lòng nhận ở Côn Đảo 3 người có tên sau đây để chở đi Tahiti: Nguyễn Văn Tường, cựu thượng thư đầu triều của vương quốc Annam, Phạm Thận Duật, cựu thượng thư bộ Hộ, Tôn Thất Đính, thân phụ cựu nhiếp chánh đại thần Thuyết.

 

Tầm quan trọng chính trị của những nhân vật này chỉ định đầy đủ mức độ quan trọng cần phản canh giác họ. Tôi đã quyết định họ được đem theo 4 người giúp việc (22), mà hai người được đặt dưới sự phục vụ đặc biệt cho ông Tường.

 

Ngay khi vừa đến Tahiti, thưa ông thuyền trưởng, xin ông vui lòng đặt ngay những ông quan Annam này dưới quyền của ông Thống đốc, người mà ông sẽ chuyển giao bức điện thư trong đây và bức thư đính kèm" (23).

 

Trong bức thư gửi thống đốc Tahiti [của viên chức Pháp], nội dung xác định lại việc chuyển những người yêu nước từ Côn Đảo tới Tahiti, ngoài ra cho biết, mỗi tháng cấp cho người giúp việc 15 đồng, riêng việc chi tiêu của Nguyễn Văn Tường được đặt dưới sự quản lý của thống đốc.

 

Công điện thì cho biết thêm, mặc dù xác định

 

"Những người này liệt vào hàng các tù nhân chính trị và bị canh giữ", nhưng trên suốt hành trình họ được hưởng chế độ ăn uống của thuyền trưởng, tương đương với mức giá áp dụng cho các sĩ quan cao cấp. Công điện cũng nói rõ thêm: "Thể theo án lệnh của vua Annam truyền lưu đày ông hoàng thân Tường, chính phủ đã quyết định đưa ông sang Tahiti, cấp một ngân khoản hàng năm 30000 quan để chu cấp phí tổn nhà ở và cung dưỡng hoàng thân và đoàn tùy tùng. Ông sẽ nhận được chỉ thị chi tiết sau. Trong lúc chờ đợi, ông có thể thu xếp cho họ ở trong các công thự thuộc hải xưởng cũ. Phải nghiêm nhặt canh phòng họ để ngăn ngừa các mưu toan đào thoát" (24).

 

Nội dung những công văn trên đã nói rõ tầm quan trọng của việc giam giữ Nguyễn Văn Tường, tự thân bản án lưu đày và mức độ canh phòng đã nói lên tất cả.

 

Tờ báo Messsager de Tahiti, xuất bản tại Tahiti năm 1886 đánh giá Nguyễn Văn Tường là "tên tồi tệ Thuong", "đại nhân vật", "kẻ tù đày lừng lẫy". Tờ báo này diễu cợt sự chu cấp của chính phủ Pháp đối với Nguyễn Văn Tường, người mà đáng lẽ phải bị kết án bằng cách treo cổ để gây "ấn tượng", đe dọa kẻ yếu bóng vía và đỡ tốn 30000 quan mỗi năm khi phải chu cấp hàng năm một cách uổng phí cho kẻ thù:

 

"Tờ báo "Le petit Marseillais" thông báo cho chúng ta biết là cựu phụ chính Annam, kẻ tử thù của chúng ta được cung cấp một khoản lương bổng là 30000 quan. Sự rộng lượng chống ngân quỹ này gợi cho đồng nghiệp của chúng ta một vài suy tư, mà chúng tôi chỉ biết biểu đồng tình theo. Sự quảng đại của nước Pháp luôn luôn là ngạn ngữ.

 

Dĩ nhiên, không nên nuối tiếc cái danh tiếng tốt đó, dù thật mà nói, sự nổi danh đó không mang lại cho chúng ta thêm nhiều bằng hữu hơn ở ngoại quốc như nước Anh, thí dụ nước Anh không bao giờ tỏ bày lòng hào hiệp quá đáng …

 

Như thế, chúng ta không thấy cần cấp dưỡng một số lương bổng 30000 quan cho ông phụ chính Annam, tên Tường, người đã tổ chức nhân danh tướng De Courcy, một cuộc nổi dậy nhỏ, mà người ta bảo, suýt nữa là đưa đến việc tàn sát tất cả người Pháp.

 

Chúng ta tin rằng, nếu đại nhân vật này đã tiếp xúc với người Anh, hôm sau người ta sẽ mưu tính treo cổ ông ta ngay giữa chợ (thành phố)…

 

Có lẽ chúng ta cũng không cần cho ông hoàng đế Annam này cái gì cả, và yêu cầu ông ta đi nơi khác cho người ta treo cổ ông ta…

 

Kẻ tù đày lừng lẫy trên tàu La Dives ở Sài Gòn, tuần dương hạm của nhà nước sẽ cập bến Noume'a vào cuối tháng 12 và tiếp tục con đường đi Tahiti, rồi về đến đấy một tháng sau. Hình như hoàng đế Annam sẽ bị nhốt trong vùng đảo tươi vui nhất, trong lành nhất, nên thơ nhất, nhưng mà, than ôi. Thật khó khăn nhất trong việc canh phòng phía bờ bể. Người ta đã lo ngại, một tối đẹp trời nào đó, có một ông thyền trưởng Hoa Kỳ bạo gan và kém thận trọng sẽ mời ông tù nhân lừng danh xuống tàu của ông ta và dong buồm hướng về San Francisco" (25).

 

Cựu thành viên phái bộ quân sự, Masson cho rằng, khi Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi lên đường kháng chiến,

 

"Nguyễn Văn Tường khôn khéo hơn, vẫn ở lại bộ Hộ, để rồi sau đó, tự nộp mình. Sau này, ông bị lưu đày ở Tahiti, rồi mất ở đó vì mệt mỏi và đau buồn. Lúc lâm chung, ông xin hưởng đặc ân tối hậu là được an táng ở Huế, gần thân nhân của ông. Chính phủ Pháp đã chấp nhận ước vọng của nhà đại ái quốc đó, của một kẻ thù trung thực, nên thi hài ông được chuyển từ Tahiti đến Huế. Tang lễ được cử hành trọng thể, với mọi chi phí được chính phủ đài thọ" (26).

 

Nguyễn Văn Tường đã mất ở Tahiti ngày 30-7-1886, thi hài ông được để trong một hầm mộ tạm thời tại nghĩa trang L'Uranie. Ngày 9-12-1886, chính phủ thuộc địa Pháp ở châu Đại Dương đã ra quyết định cho phép khai quật hầm mộ ông để đưa về Huế. Hậu duệ Nguyễn Văn Tường đã tìm được trong kho lưu trữ tại Tahiti những tư liệu liên quan như giấy khai tử, quyết định khai quật, báo cáo hồi hương của thống đốc (ngày 14-12-1886) và những báo chí đương thời đưa tin về cái chết của Nguyễn Văn Tường (27).

 

4. THAY LỜI KẾT

 

Những tư liệu lưu trữ trên với nhiều thông tin liên quan đến giai đoạn lịch sử đặc biệt nửa sau thế kỷ XIX cũng như với phụ chính Nguyễn Văn Tường đã cung cấp những dữ liệu quan trọng trong việc đánh giá tư tưởng chủ chiến của ông, một nhân vật hàng đầu trong phe chủ chiến. Qua những tư liệu này, cùng những kết quả nghiên cứu về ông trong thời gian qua đã góp phần khẳng định Nguyễn Văn Tường là nhân vật lịch sử yêu nước chống Pháp cần được lịch sử tôn vinh.

 

Lê Tiến Công

(Huế)

 

Tạp chí Huế Xưa & Nay (cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế), số 82, tháng 7 & tháng 8-2007, tr. 28-40.

 

Bản chữ vi tính do thạc sĩ Lê Tiến Công gửi qua Gmail, 11-8 HB7.

 

 

________________

 

(1) Tư liệu về Nguyễn Văn Tường (từ 1883-1886) sưu tập tại Pháp và Tahiti do Nguyễn Ngọc Oanh và Trần Nguyễn Từ Vân sưu tập, 2003. Tư liệu này đã được công bố trong hội thảo ở Huế năm 2002; ở Hà Nội năm 2003 trước các nhà sử học của Hội KHLS VN và Viện sử học VN.

 

(2) AOM-Indochine Anciens Fonds-//11782-A30 (73)-BB4-1520.

 

(3) AOM-Indochine Anciens Fonds-//11782-A30 (73)-BB4-1520, Tài liệu Nguyễn Văn Tường, sđd. tr. 190.

 

(4) AOM-Indochine Anciens Fonds-//11782-A30 (73)-BB4- 1520, Tư liệu về Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 37.

 

(5) AOM-Indochine Anciens Fonds-//11782-A30 (73)-BB4- 1520, Tư liệu về Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 42.

 

(6) Capitaine J. Masson, Souvenirs de l' Annam et du Tunkin, Paris, 1892, pp, 119-120. Tư liệu Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 199-200.

 

(7) AOM-//11743-11790- F31. Tư liệu Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 139.

 

(8) AOM-//11743-11790-F31, Tư liệu Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 119.

 

(9) AOM-Indochine Anciens Fonds-//11782-A30 (73)-BB4-1520, Tài liệu Nguyễn Văn Tường, sđd. tr. 43.

 

(10) Marine-Vincennes- Paris- L'lllustration-Journal Universel- 43e année- Samedi 11 Jullet 1885- No 2211- Page 18. Tài liệu Nguyễn Văn Tường, sđd. tr. 194-495

 

 (11) Marine-Vincennes- Paris- L'lllustration-Journal Universel- 43e année- Samedi 19 Septembre 1885- No 2211- Page 182. Tài liệu Nguyễn Văn Tường, sđd. tr. 198.

 

(12) Capitaine J. Masson, Souvenirs de l' Annam et du Tunkin, Paris, 1892, P, 138-139. Tư liệu Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 200.

 

(13) AOM- //11743- 11790-F44. Tư liệu Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 65.

 

(14) Marine-Vincennes- Paris- L'lllustration-Journal Universel- 43e année- Samedi 19 Septembre 1885- No 2211- Page 182. Tài liệu Nguyễn Văn Tường, sđd. tr. 198.

 

(15) Capitaine J. Masson, Souvenirs de l' Annam et du Tunkin, Paris, 1892, P, 138-139. Tư liệu Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 200.

 

(16) AOM- //11743- 11790-F44. Tư liệu Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 65.

 

(17) Theo tra cứu của PGS.TS Lê Thành Lân, Viện Công nghệ Thông tin Việt Nam, các ngày thứ Hai từ 5/7 đến 14/9/1885 gồm có:

 

 

 

 

 

 

(18) AOM- //11743- 11790-F44. Tư liệu Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 58.

 

(19) AOM-//11743-11790-F44, Tư liệu Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 63 .

 

(20) AOM-//11743-11790-F44, Tư liệu Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 56.

 

(21) AOM-//11743-11790-F44, Tư liệu Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 81.

 

(22) Bốn người được đưa sang giúp việc cùng đi lần này được ghi rõ trong hồ sơ là: 1. Trần Văn Hữu, 36 tuổi, cựu dân quân ở đường Charne, con của ông Trần Văn Lợi, qua đời, và bà Nguyễn Thị Có, ở làng Châu Phú, Châu Đốc. 2. Phan Văn Tiên, cựu quân nhân, 40 tuổi, ở làng Phú Thạch, Sài Gòn. 3. Nguyễn Văn Thành, cựu giám thị những ủy ban không trực tiếp, 20 tuổi, ở làng Tân Định, Sài Gòn, con của ông Thi, qua đời và Thị Tài, ở làng An Hòa, Sài Gòn. 4. Nguyễn Văn Hai, cựu quân nhân, 36 tuổi, ở làng Vĩnh Định, (Thủ Dầu Một), con của ông Thời, vợ là Lê Thị Thêu, cùng một làng. AOM-//11743-11790-F40, Tư liệu Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 91.

 

(23) AOM-//11743-11790-F44, Tư liệu Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 84.

 

(24) AOM-//11743-11790-F44, Tư liệu Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 89.

 

(25) Văn kiện tại trung tâm lưu trữ tài liệu Tahiti, tập văn kiện ký hiệu 17 W, 20* - 22* - Messager de Tahiti- 1886, Tư liệu Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 177-178.

 

(26) Capitaine J. Masson, Souvenirs de l' Annam et du Tunkin, Paris, 1892, P, 137-138. Tư liệu Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 200.

 

(27) Văn kiện tại trung tâm lưu trữ tài liệu Tahiti, tập văn kiện ký hiệu 17 W, 20* - 22*. Tư liệu Nguyễn Văn Tường, sđd, tr. 143-184.

 

 

 

____________________________________________________

►► Xem lại:

Toàn văn HIỆP ĐỊNH GENÈVE, 20-7-1954

& Toàn văn TUYÊN BỐ CUỐI CỦA HỘI NGHỊ GENÈVE, 21-7-1954

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/dich_hd-geneve-1954.htm

►► Xem lại toàn văn 4 cưỡng ước thời Pháp xâm lược: 

Cưỡng ước 1862  |  Cưỡng ước 1874  |  Cưỡng ước 1883  |  Cưỡng ước 1884

________________________________________________________________________________________________

    

Ý KIẾN NGƯỜI ĐỌC  (Link cũ)

http://txawriter.wordpress.com  (Link mới)

 

Trở về

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-4

 

 

trang bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

 

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-1.htm

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-3

 

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

    lên đầu trang (top page)   

 

Đưa lên web: từ ngày 09-8 HB7