a. Tiểu mục 27 - Giao lưu đoàn kết - Trương Văn Tuân

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

QUAN HỆ ĐẠI VIỆT – CHAMPA 

QUA CUỘC HÔN NHÂN

GIỮA CHẾ MÂN VÀ HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

  

Trương Văn Tuân

nguyên giảng viên Khoa Xã hội nhân văn

Trường Đại học Dân lập Phú Xuân

 

 

Bổ sung ảnh tác giả Trương Văn Tuân (nhận qua Yahoo, 16-01 HB8 [2008])

 

Mặc dù chưa được hân hạnh quen biết anh Trương Văn Tuân,

nhưng WebTgTXA. không xa lạ gì với Lê Tiến Công,

người đồng sự của anh. Hi vọng cũng như Lê Tiến Công,

anh Trương Văn Tuân sẽ nhận được nhiều ý kiến

trao đổi trên WebTgTXA. của các tác giả khác gửi đến.

Nhân đây, cũng xin nhắn tin đến anh Trương Văn Tuân:

Anh vui lòng gửi cho WebTgTXA. một tấm ảnh chân dung rõ nét,

để bài viết của anh được trang trọng hơn.

WebTgTXA.

 

Nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì đã ba lần chiến thắng một đạo quân hung hãn nhất thế giới – đó là đế quốc Nguyên Mông vào các năm 1258, 1285, 1288. Lịch sử Đại Việt đã tô thêm một mốc son chói lọi trong truyền thống đấu tranh chống kẻ thù xâm lược của dân tộc. Ở phía nam lãnh thổ Đại Việt, vương quốc Chiêm Thành cũng đã đánh đuổi đạo quân Nguyên hung hãn ra khỏi bờ cõi. Có thể nói rằng, trong cuộc kháng chiến này đã có sự liên kết và phối hợp rất chặt chẽ giữa hai quốc gia Việt – Chăm tạo nên một sức mạnh chống quân Nguyên rất lớn, điều đó đã tạo tiền đề quan trọng cho mối quan hệ bang giao hữu nghị giữa hai quốc gia Việt - Chăm.

 

Dưới triều đại nhà Trần, Đại Việt lúc này đã là một quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á, sức mạnh của Đại Việt đã được rèn kỹ trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên, vì thế, ngoài việc củng cố về mặt đối nội như ổn định kinh tế, chính trị, xã hội trong nước thì nhà Trần còn chú ý đến việc bang giao quan hệ với các nước láng giềng như Chiêm Thành. Vấn đề quan hệ bang giao với Chiêm Thành càng chứng tỏ được thiện chí của Đại Việt là muốn yên ổn ở các miền trọng yếu, trong đó có vấn đề đất đai lãnh thổ ở phía nam giữa hai nước.

 

Lịch sử đã chứng minh, giữa Đại Việt và Chiêm Thành từ trước đến nay chưa một lần thân thiện về mặt ngoại giao và quân sự. Việc giành đất, quấy nhiễu của các vua Chăm luôn xảy ra ở biên ải giữa hai nước, và nhiều lần vua Lê Đại Hành, Lý Thánh Tông... , Trần Thái Tông đã thân chinh chinh phạt Chiêm Thành vì sự quấy nhiễu đó. Mặt khác, vương quốc Chămpa và Đại Việt là hai nước có hai nền văn hóa khác nhau, một bên là văn hóa Ấn Độ theo Hinđu giáo, một bên là văn hóa Trung Hoa theo Khổng Mạnh  nên không thể dung hòa được từ khi lập quốc đến nay.

 

Tuy nhiên, những hình ảnh không mấy tốt đẹp trong lịch sử trước đó chỉ thực sự chấm dứt khi thái tử Harijit của Chiêm Thành lên ngôi lấy niên hiệu là Jaya Sinhavarman III, sử Việt gọi vị vua này là Chế Mân. Thời kỳ Chế Mân trị vì, vương quốc Chiêm Thành rất thịnh đạt. Đối với dân chúng trong vương quốc, vua Jaya Sinhavarman III là một anh hùng, người được cả thần dân tung hô như vị thiên sứ cứu mệnh vì có công lớn trong việc đẩy lùi đạo quân xâm lược của Hốt Tất Liệt đem lại yên bình cho đất nước. Dưới thời cai trị của mình, Chế Mân rất chú trọng đến vấn đề khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, các hải cảng được mở lại, nhất là cảng Tini (Thi Lị Bì Nại) “thuyền buôn các nơi tụ họp ở đây” (1) (1).  Đáng chú ý trước tiên là phạm vi lãnh thổ của vương quốc Chămpa được mở rộng hơn về miền thượng nguyên ở phía tây. Trước kia, một số tộc miền núi đã thần phục Chămpa, nhưng vương quốc này chưa thực sự nắm lấy được các tộc đó. Ở miền nam cũng được mở rộng hơn dưới triều vua này. Điều này  thể hiện rỏ qua việc vua Jaya Sinhavarman III đã cho xây dựng tháp Po Klong Garai thờ chính mình ở Panduranga (Ninh Thuận), và tháp Yang Prong ở thượng nguyên (vùng Đắc Lắc – Tây nguyên ngày nay).

 

Về mặt đối ngoại, Chế Mân đã có quan hệ tốt đẹp với các quốc gia láng giềng như Java và Đại Việt. Bằng chứng là vua Jaya Sinhavarman III lấy công chúa Tapasi của Java làm vợ tạo nên mối quan hệ mật thiết với Java rất lâu về sau này. Trong khi đó, dưới thời vua Harijit – Chế Mân – Jaya Sinhavarman III, quan hệ giữa Chămpa và Đại Việt trở nên tốt đẹp và phát triển. Mối quan hệ này càng trở nên thân thiết đến mức dường như đã vượt quá cả những thủ tục ngoại giao thông thường bằng việc, tháng 3 năm 1301, thượng hoàng Trần Nhân Tông nhân có sứ bộ Chiêm Thành về nước ngài đã theo đoàn vân du sang kinh đô Vijaya (Chà Bàn hay Phật Thệ) và lưu lại bên đó hơn 8 tháng. Tại đây, thượng hoàng đã có nhiều cuộc thuyết pháp với nhiều vị tăng sĩ phật giáo ở Vihara (phật viện) lớn nhất ở kinh đô Phật Thệ. Đáng chú ý hơn cả là ngài đã có cuộc đàm đạo với đức vua Jaya Sinhavarman III của Chiêm Thành. Ngài đã khá tinh tế khi đánh giá cao vị vua trẻ này, cảm phục vì phong thái ngoại giao mềm dẻo, có chí khí của đấng quân vương, có lòng dũng cảm và vẻ tuấn tú của bậc quân tử, do đó thượng hoàng đã không ngần ngại bày tỏ ước muốn xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa hai vương triều bằng việc hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân để thắt chặt hữu nghị. Không lâu sau khi thượng hoàng Trần Nhân Tông về nước, năm 1305, Chế Mân đã phái sứ giả Chế Bồ Đài cùng đoàn tùy tùng hơn trăm người mang theo rất nhiều vàng bạc, châu báu, trầm hương, quý vật sang kinh đô Thăng Long dâng lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân. Tuy nhiên, việc kết duyên này không được sự ủng hộ của quần thần trong triều giữa hai nước. Về phía Đại Việt, vua Trần Anh Tông đã lấy ý kiến của các quan đại thần về việc hứa hôn này nhưng đa số có ý kiến không thuận, chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái (là thầy dạy học công chúa Huyền Trân), và Nhập Nội Hành Khiển Trần Khắc Chung là tán thành. Tuy nhiên, tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), vua Chế Mân quyết định cắt đất hai châu Ô, Rí (phần đất phía nam Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) cho Đại Việt để làm sính lễ cưới, lúc này triều đình Đại Việt mới chấp thuận. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì “mùa hạ, tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân”. Như vậy, việc kết hôn giữa Huyền Trân công chúa và vua Chiêm Thành vào năm 1306 đã đem về cho Đại Việt hai châu Ô, Rí (Lý), sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép “Đinh Mùi, năm thứ 15 (1307), Nguyên, năm Đại Đức thứ 11; tháng giêng mùa xuân (1307), đổi tên châu Ô, châu Lý là Thuận châu, Hóa châu sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đi phủ dụ hai châu ấy”.

 

Các nhà nghiên cứu cho rằng, cuộc hôn nhân này mang một màu sắc chính trị của việc mở mang cương giới về phía nam hơn là mối bang giao hữu nghị thân thiết giữa hai nước, do đó, cuộc hôn nhân này đã kéo dài đến 5 năm thương lượng triều Trần mới thuận gả (1301-1306).

 

Ở kinh đô Phật Thệ, vua Chế Mân phải đối mặt với làn sóng phản đối của đám triều thần, họ cho rằng không nên kết hôn với một công chúa Đại Việt vì, từ trước đến nay giữa hai quốc gia luôn diễn ra xung đột, tranh chấp cương giới lẩn nhau, các vua Đại Việt thường thân chinh chinh phạt vào vương quốc của họ, nhưng họ đã quên rằng,  quân Chiêm Thành thường hay quấy nhiễu biên giới phía nam của Đại Việt; đặc biệt, việc cắt hai châu Ô, Rí cho triều đình Thăng Long là điều không thể chấp nhận được vì, lãnh thổ của Chiêm Thành đã bị thu hẹp năm 1069 khi vua Chế Củ (Rudravarman IV) đã dâng 3 châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cho Đại Việt để chuộc mạng. Thế nhưng, vua Jaya Sinhavarman III vẫn cương quyết không thay đổi ý định của mình.

 

Việc sát nhập hai châu Ô, Rí (1306) sau đó đổi thành châu Thuận và châu Hóa (1307) vào lãnh thổ của Đại Việt chứng tỏ đường lối mở mang bờ cõi của vua Trần Anh Tông là rất sát thực. Mặc dù có nhiều ý kiến phê phán nhà Trần dùng Huyền Trân công chúa làm mục tiêu cho cuộc đổi chác chính trị này, nhưng chúng ta thấy rằng việc mở mang đất đai về phía nam là một xu thế không thể tách rời trong đường lối ngoại giao của Đại Việt đối với Chiêm Thành.

 

Cho đến bây giờ (2006), kể từ ngày Huyền Trân công chúa vu quy về làm dâu Chiêm Thành (1306) đã tròn 700 năm nhưng cuộc hôn nhân “tình không biên giới” này vẫn còn nhiều điều trăn trở đối với các nhà nghiên cứu. Mặc dù sử sách đã ghi lại mốc lịch sử quan trọng này khá cẩn trọng, nhưng nay khi đi sâu nghiên cứu lịch sử vương quốc Champa và dựa trên nhiều nguồn sử liệu, chúng tôi thấy có nhiều điều đáng bàn với “sử cũ” về cuộc hôn nhân này giữa Chế Mân và Huyền Trân như sau:

 

Thứ nhất, sử cũ chép rằng “theo tục Chiêm Thành, mỗi khi chúa trong nước mất thì vợ chúa phải lên đàn thiêu để chết theo. Nhà vua được tin đó, sai  Trần Khắc Chung  mượn cớ sang thăm và nói rằng “công chúa hỏa táng, thì không có ai làm chủ đàn chay, chi bằng công chúa ra ngoài bãi biển chiêu hồn chúa công cùng về, lúc ấy lên đàn thiêu là tiện hơn cả”. Người Chiêm Thành nhận lời” (2) (1). Thực ra, tục lệ Chiêm Thành đúng là khi đức vua mất, các hoàng hậu và cung phi phải lên dàn hỏa thiêu theo để “khi sang bên ấy vua khỏi bị lạnh lẽo, cô đơn, phải có các hoàng hậu chăm sóc” (3)(2). Nhưng, theo tục lệ Chiêm Thành thì xác vua phải được đưa lên giàn hỏa bảy ngày bảy đêm mới hỏa thiêu, trong khi đó vua Chế Mân mất vào tháng 5 năm 1307 mà phái đoàn Đại Việt mãi đến giữa tháng 10 mới vào kinh đô Vijaya. Điều này rất phi thực tế bởi, chỉ sau 7 ngày kể từ khi vua Chế Mân mất có lẽ Huyền Trân đã bị thiêu mất rồi, làm gì có cơ hội cho phái đoàn Đại Việt sang cứu.

 

Một chi tiết thiếu thuyết phục là làm sao hoàng gia Chiêm Thành có thể “ngây ngô” đến mức phải bị Trần Khắc Chung “lừa” ra biển làm đàn chay tế Chế Mân? Khi vua Chế Mân băng hà,  xác vua được đưa ra cửa biển Tini (Thi Lị Bì Nại) để làm lễ thiêu, sau đó các hậu phải thiêu theo thì điều này đúng với phong tục Chiêm Thành rồi cần gì phải lừa nữa!

 

Thứ hai, khi Chế Mân băng hà thì hoàng hậu Paramesvari (Huyền Trân) đang có mang, nên theo tục lệ hoàng gia Chiêm Thành thì khi nào hoàng hậu sinh nở xong mới đưa lên giàn hỏa. Như vậy mới có chuyện phái đoàn Đại Việt sang “kịp cứu” công chúa về.

 

Thứ ba, sử cũ chép “chúa Chiêm là Chế Mân mất, thế tử là Chế Đa Gia sai bầy tôi là Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng và báo cáo tin buồn”. Vậy thì Chế Chí là ai? Chế Chí tức thái tử Hajitputra ( nghĩa là: người con của sư tử chiến thắng), là con của Chế Mân với hoàng hậu Tapasi của Java. 

 

Lúc Chế Mân mất, Harijitputra đã 23 tuổi, quần thần đã tôn Harijitputra lên nối ngôi lấy niên hiệu là Jaya Sinhavarman IV. Do đó, người sai Bảo Lộc Kê sang Thăng Long báo tin Chế Mân mất phải là Harijitputra – Jaya Sinhavarman IV (Chế Chí) chứ không phải là Chế Đa Gia (4) (1). Thực ra, thái tử Chế Đa Gia chính là kết quả của cuộc hôn nhân giữa vua Chế Mân và Huyền Trân công chúa, khi vua Jaya Sinhavarman III còn sống, theo ước nguyện của hoàng hậu Paramesvari muốn sinh con trai, nên vua Jaya Sinhavarman III đã đặt tên trước cho thế tử là Dayada (nghĩa là: con trai, là hậu duệ, người nối dõi). Như vậy, khi Jaya Sinhavarman III qua đời thì hoàng hậu Paramesvari vẫn chưa sinh thế tử Dayada (Chế Đa Gia). Chúng tôi cho rằng, thế tử Chế Đa Gia chính là con của hoàng hậu Paramesvari, do vậy nên mới có chuyện phái đoàn Đại Việt sang Chiêm Thành cứu công chúa Huyền Trân và đem cả thế tử Chế Đa Gia về Bắc. Tuy nhiên, trong đợt này, phái đoàn Đại Việt không đưa được Chế Đa Gia về Thăng Long mà bị Chế Chí giử lại, nên sử cũ cũng không thấy đề cập đến việc này.

 

Thứ tư, về việc “quan Nhập Nội Hành Khiển Tả Bộc Xạ Trần Khắc Chung dùng thuyền nhẹ lừa người Chiêm Thành để cướp công chúa Huyền Trân về” là điều không thực tế. Thực ra, Chiêm Thành vì không muốn gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước nên đã có ý trả Huyền Trân về lại Đại Việt, chỉ giữ lại thế tử Chế Đa Gia (vì thuộc dòng dõi hoàng tộc Chiêm Thành), và muốn đòi lại hai châu Ô, Rí ( Lý), điều này thể hiện bằng việc Chế Chí liên tục quấy phá biên giới ở hai châu Thuận, châu Hóa, do dó, năm 1311, vua Trần Anh Tông thân chinh chinh phạt Chiêm Thành bắt được Chế Chí về quản giác ở Gia Lâm đến năm 1313 thì mất. Mặt khác, nếu đem so sánh ưu thế về mặt thủy quân giữa hai nước  thì rõ ràng Chiêm Thành vượt trội hơn Đại Việt về mặt này, người Chiêm Thành vốn rất giỏi và thiện nghệ về điều khiển thuyền buồm trên biển, nếu họ phát hiện Trần Khắc Chung dùng “thuyền nhẹ” cướp Huyền Trân thì thủy quân Chiêm Thành đã đuổi kịp và bắt giử ngay lập tức chứ không để cho phái đoàn cứu công chúa trốn thoát.

 

Lẽ dĩ nhiên, những ý kiến trên đây sẽ có nhiều người không tán thành, và có thể đưa ra nhiều ý kiến khác, vấn đề là nên nhìn nhận lại sao cho đúng với quy luật và sự thật lịch sử, khoa học là như vậy.  Nhưng nói gì thì chúng ta cũng phải thống nhất một điều rằng, sự kiện năm 1306, là mốc đánh dấu sự hình thành vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân. Đây là kết quả của cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân công chúa của Đại Việt với vua Jaya Sinhavarman III (Chế Mân) của Chiêm Thành.

 

Trên chừng mực nhất định, sự kiện năm 1306 đã làm cho mối quan hệ bang giao giữa Đại Việt và Chiêm Thành trở nên thân thiện và tốt đẹp nhất trong lịch sử của hai nước. Đó cũng là lần duy nhất chúng ta biết được về một thiên tình sử mang nhiều ý nghĩa giữa hai dân tộc Việt Chăm. Thời gian trôi qua thật nhanh, đã 700 trăm năm rồi  mà những hình ảnh về cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân công chúa với Chế Mân vẫn gợi lên trong mỗi chúng ta niềm suy tưởng thật sâu sắc, gợi nhớ về người phụ nữ đất Việt đi mở nước làm nên vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân hôm nay và mai sau.

                                               

                                                          Huế - giữa tháng 5 năm  2006

                                                                             Trương Văn Tuân

 

(1) (1). Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, tr 98, sđd.

 

(2) (1). Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục,Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, quyển 8, sđd.

 

(3) (2). Thiền sư Nhất Hạnh, Am mây phủ, Paris, 2001, sđd.

 

(4) (1). GS. Lương Ninh cũng cho rằng: người lên kế ngôi vua Chế Mân là Chế Đà Gia, sau đó mới đến Chế Chí (Jaya Sinhavarman IV).

 

(Các số thứ tự màu cam trong phần chú thích là của nguyên bản, do Trương Văn Tuân ghi)

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Đào Duy Anh (1962), Tình hình nước Chiêm Thành trước và sau thế kỷ X, Tạp chí  Nghiên cứu lịc sử, số 51.

 

2. Ngô Văn Doanh (2002), Văn hóa cổ Chămpa, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

 

3. G. Maspero (1928), Le Royaume du Champa, Paris et Bruxelles.

 

4. Thiền sư Nhất Hạnh (2001), Am mây phủ, Paris.

 

5. Trần Trọng Kim (2000), Việt Nam sử lược, quyển 1, NXB TP Hồ Chí Minh.

 

6. Phan Khoang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, NXB Văn học, Hà Nội.

 

7. Hà Bích Liên (1997) Chămpa thời Vijaya và các mối quan hệ của nó, luận án tiến sĩ.

 

8. Ngô Sĩ Liên (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 6, tập II, NXB KHXH, Hà Nội .

 

9. Lương Ninh (2004), Lịch sử vương quốc Champa, NXB ĐHQG Hà Nội, Hà Nội.

 

10. Lương Ninh (chủ biên) (2005), Lịch sử Đông Nam Á, NXB Giáo dục, Hà Nội.

 

11. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 8, NXB Giáo dục, Hà Nội.

 

WebTgTXA. nhận qua Yahoo (8-11 HB7 [2007])

BÀI VIẾT THỂ HIỆN QUAN ĐIỂM CỦA TÁC GIẢ (TRƯƠNG VĂN TUÂN).

WEBTGTXA. TRÔNG CHỜ NHỮNG Ý KIẾN TRAO ĐỔI.

 

_______________________________

 

WebTgTXA. trân trọng cung cấp thêm một số tư liệu, đặc biệt trong đó, có những bài khảo luận, đặt lại vấn đề do chính các nhà nghiên cứu người Chăm hiện nay viết:

 

1. Tư liệu 1:

NƯỚC NON NGÀN DẶM

(điệu Nam Bình)

 

Nước non ngàn dặm ra đi...

Mối tình chi!

Mượn màu son phấn

Đền nợ Ô, Ly.

Xót thay vì,

Đương độ xuân thì.

Số lao đao hay là nợ duyên gì?

Má hồng da tuyết,

Cũng như liều hoa tàn trăng khuyết,

Vàng lộn theo chì.

Khúc ly ca, sao còn mường tượng nghe gì.

Thấy chim lồng nhạn bay đi.

Tình lai láng,

Hướng dương hoa quì.

Dặn một lời Mân Quân:

Như chuyện mà như nguyện

Đặng vài phân,

Vì lợi cho dân,

Tình đem lại mà cân,

Đắng cay muôn phần.

 

Vô danh

(có tư liệu cho rằng chính Huyền Trân công chúa là tác giả).

 

http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/vua/huyentran.htm

 

 

2. Tư liệu 2:

Tiến sĩ Po Dharma, Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa

 

"... Vào năm 1283, quân Mông Cổ tràn xuống xâm lăng Champa. Trước đoàn quân hùng mạnh của Mông Cổ, vua Champa quyết định rút quân lên vùng Tây nguyên để ẩn náu. Theo ông Marco Polo, một nhà du hành Âu Châu, vua Champa chịu bỏ trống toàn bộ lãnh thổ đồng bằng cho quân Mông Cổ chiếm đóng. Trong suốt hai năm chờ đợi không giao chiến, vì thiếu lương thực, quân Mông Cổ tự rút lui ra khỏi Champa.

[...]

Mặc dù đặt dưới quyền cai trị của Kampuchea trong suốt 17 năm trường, đã từng chịu đựng trong suốt hai năm chống lại quân Mông Cổ, đã từng đương đầu chống lại chính sách xâm lược của Ðại Việt, vương quốc Champa chưa hề trao nhường cho ai một tấc đất của mình. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ thứ 14, Champa lại chịu mất đi một khu vực đất đai rộng lớn của mình ở miền bắc, trong một hoàn cảnh chính trị vô cùng đặc biệt chưa từng xảy ra trong tiến trình lịch sử của vương quốc này. Nguyên nhân chính, đó là vua Champa Jaya Simhavarman đệ tam (tiếng Việt gọi là Chế Mân) đề nghị dâng hiến cho Ðại Việt vào năm 1306 hai vùng Ô và Lý (lãnh thổ của Huế hôm nay) để được kết hôn với công chúa Huyền Trân của Ðại Việt (17). Sự kết hôn này đúng là một vở bi kịch tình sử. Vì rằng chưa đầy một năm chung sống với công chúa Ðại Việt, Jaya Simhavarma đệ tam từ trần trong một khung cảnh vô cùng mờ ám, để rồi Huyền Trân tìm cách chạy trốn về Thăng Long với Trần Khắc Chung mà chưa ai hiểu được nguyên nhân nào để giải thích cho sự hiện của Trần Khắc Chung trong bối cảnh lịch sử này. Nhiều câu hỏi thường được nêu ra về cái chết đột ngột của vua Jaya Simhavarma đệ tam. Nguyên nhân nào giải thích cho mưu mô chạy trốn của công chúa Huyền Trân, trong khi ai cũng biết rằng công chúa Ðại Việt này không thể hội đủ điều kiện để xin lên giàn hỏa. Nếu theo truyền thống Champa, chỉ có bà hoàng hậu chính thức mới được phép để huỷ thân trên giàn hỏa với chồng của mình.

Vì không chấp nhận vở bi kịch lịch sử này, vua Champa kế tiếp đã từng dùng vũ lực, vào năm 1311-1312, 1317-1318, 1326 và 1353, nhằm yêu cầu Ðại Việt trao trả cho vương quốc này hai châu Ô và Lý, nhưng không thành công.

Câu chuyện công chúa Huyền Trân và sự dâng hiến đất đai Champa cho Ðại Việt vào đầu thế kỷ thứ 14 đã trở thành một biến cố chính trị quan trọng trong vương quốc này"...

 

http://www.champaka.org/cgi-bin/viewitem.pl?72&lichsu  (xem bên dưới)

 

3. Tư liệu 3:

Xem thêm: Nhà nghiên cứu Dominique Nguyen, 700 năm cuộc tình Chế Mân và Huyền Trân Công Chúa : 1306-2006 (Ðặt lại vấn đề của bi kịch lịch sử này)

 

http://www.champaka.org/cgi-bin/viewitem.pl?219&lichsu   (xem bên dưới)

 

4. Tham khảo:

http://vi.wikipedia.org/wiki/Huy%E1%BB%81n_Tr%C3%A2n

 

LINKs / Champaka:

 

Xem thêm:

 

 

____________________

 

Ý KIẾN BỔ SUNG CỦA WEBTGTXA.:

 

WebTgTXA. biết rằng sẽ có nhiều người đọc lại tiếp tục gửi điện thư, như trước đây họ đã gửi, để trách WebTgTXA. sao lại xoáy vào vấn đề Chăm - Việt, trong khi đề từ cho cả web lại xác định:

  

Chào mừng người đọc quý mến đến với "Web Tác giả Trần Xuân An" -- http://tranxuanan.writer.googlepages.com -- Xin vui lòng nghiền ngẫm từng câu, chữ. Hi vọng người đọc quý mến sẽ không nản lòng trong thế giới duy nhất này, sẽ không tránh né những vấn đề về Việt Nam trong chiến tranh (1858-1885-1930-1945-1954-1975-1989), nhất là về Miền Nam Việt Nam với Vĩ tuyến 17 (1954-1975) và trong thời hậu chiến (1975-1989-???)... & ...

 

Welcome to "Author Tran Xuan An's web" -- http://tranxuanan.writer.googlepages.com -- Read my works for details, please, and think about them. The revered and loved readers, I hope you will not be dispirited in this only one world, you will not evade the problems about Vietnam in the war (1858-1885-1930-1945-1954-1975-1989), especially, about The South of Vietnam with The 17th Parallel (1954-1975) and in the post-war (1975-1989-???)... & ...

 

Lời trách cứ đó hoàn toàn hợp lí. Trong thời kì gồm các giai đoạn lịch sử 1858 - 1885 - 1930 -1945 - 1954 - 1975 - 1989 (131 năm), các mâu thuẫn chủ yếu là:

 

1. giữa một bên là Pháp + Tây Ban Nha + Thiên Chúa giáo, một bên khác là cộng đồng dân tộc Việt Nam + triều đình Nhà Nguyễn + tam giáo cổ truyền (Nho, Phật, Lão) + đạo thờ cúng ông bà tổ tiên, anh hùng dân tộc. (Đây là mâu thuẫn trung tâm, chủ yếu nhất).

 

2. giữa hai Đàng (Đàng Trong, Đàng Ngoài), di chứng của khoảng 200 năm Trịnh - Nguyễn phân tranh. (Mâu thuẫn thứ 2 này chỉ là hậu quả kéo dài của giai đoạn trước, nhất là sau khi Quang Trung, Gia Long thống nhất hai Đàng).

 

3. giữa quốc gia và cộng sản, trong mâu thuẫn có tính chất toàn cầu giữa 2 khối trên thế giới, nổi bật sau Đệ nhị thế chiến. (Mâu thuẫn thứ 3 này WebTgTXA. đã nhiều lần phân tích, nhấn mạnh, nên không nhắc lại ở đây một lần nữa).

 

Như vậy, hoàn toàn không có vấn đề mâu thuẫn Chăm - Việt. Nếu có chăng, cũng rất mờ nhạt, không đáng kể, nếu xét ở góc độ chống thực dân, đế quốc và "tả đạo"... Và nếu có chăng, là mâu thuẫn giữa người Việt của cả hai chế độ (Miền Nam cũ / quốc gia; Miền Bắc cũ / cộng sản...) với người Chăm như di chứng của lịch sử từ 1832 trở về trước.

 

Vậy thì, vấn đề lịch sử Chăm - Việt được đưa lên WebTgTXA. là không phù hợp.

 

WebTgTXA. hoàn toàn đồng ý như vậy.

 

Tuy nhiên, vấn đề được đưa lên, cụ thể là tập trung vào tập truyện liên hoàn "Nước mắt có vị ngọt" và vài nét khá lớn ở tập sử luận "Suy nghĩ về một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta" của chính Trần Xuân An, chỉ nhằm bày tỏ nhận thức mới của con người hiện tại đối với sử cổ đại, trung đại cùng những di chứng của và chỉ của thuở xa xưa ấy mà thôi. Điều đó khác với nhận thức, thái độ đối với thời kì sau. Đối với sử thuộc thời kì gồm các giai đoạn 1858 - 1885 - 1930 -1945 - 1954 - 1975 - 1989, con người chúng ta hiện tại không những nhận thức về nó mà đã từng sống với nó, ít ra là ở những thập niên cuối thời kì (1954 - 1975 - 1989).

 

Nếu ở sử cổ đại, trung đại, mâu thuẫn nổi bật là Chăm - Việt (bên cạnh mâu thuẫn chính là Hoa - Việt), thì ở sử cận đại, hiện đại, mâu thuẫn Chăm - Việt là rất mờ nhạt, không đáng kể và nằm ngoài mâu thuẫn giữa cộng đồng dân tộc Việt Nam với thực dân, đế quốc...

 

Xin lưu ý giúp tính chất khác biệt này.

 

Trân trọng & cảm ơn.

WebTgTXA.

10-11 HB7

 

Trở về trang mục lục Giao Lưu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

TRANG "NGÀN WEBs CỦA NGÀN NHÀ":

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/webcacnha

Trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

Host: GOOGLE PAGE CREATOR

Bổ sung ảnh tác giả Trương Văn Tuân (nhận qua Yahoo,

 16-01 HB8 [2008])

 

 

 

 

 

 

GOOGLE BLOGGER

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE