b. Bài 2-Tl.2 - Trần Xuân An -- (1847-1885-1888) - nghĩ về - (1930-1945-1975)

 

Web. Tác giả Trần Xuân An

 

 

BÀI THỨ HAI

 

Bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm

số tháng 5-2005

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm

posted: 23.5.2005

Đưa lên weblog này: Monday, November 28, 2005

 

Việt Nam, TP.HCM. (Sài Gòn), lúc 15:42,

ngày 23 tháng 5, 2005

 

THƯ

 

Kính gửi ông Nguyễn Văn Hóa

(chủ biên Tạp chí điện tử Giao Điểm)

 

Thưa ông,

 

Một lần nữa, xin hết lòng biết ơn ông và nhóm chủ trương Giao Điểm, về việc đã đăng tải hầu hết cuốn sách “Nguyễn Văn Tường (1824–1886), ‘những người trung nghĩa…’”, kể cả phần phụ lục (tư liệu gốc…), nhất là Lời bạt cuối sách của Web Giao Điểm.

 

Hôm nay, xin kính gửi đến Tạp chí điện tử Giao Điểm một bài viết từ năm 2001 (tôi mới sửa chữa và bổ sung thêm, 5-2005).

 

Đây là bài viết thể hiện phương pháp nghiên cứu và cách nhìn nhận tư liệu gốc (Đại Nam thực lục IV, V & VI cùng những châu bản xác thực trong đó), đồng thời thoáng nhìn về giai đoạn lịch sử hệ trọng từ 1930–1945–1954 (giai đoạn dân tộc ta bị phân hóa ra làm ba lực lượng [1, tả đạo; 2, cộng sản; và 3, trung lập, dân tộc chủ nghĩa]), chứ không còn là hai lực lượng như trước đó (Trần Trọng Kim: “… dần dần người trong nước phân chia ra bên giáo, bên lương ghen ghét nhau hơn người cừu địch”, VNSL., bản in lần thứ 7, tr. 343, tr. 338 – 343). Trong đó, tôi đã bổ sung thêm nhận định về vai trò lịch sử của lực lượng thứ 3 (Phật giáo và đại bộ phận nhân dân, quân nhân, công chức Miền Nam Việt Nam). Đó chính là điều tôi đã thể hiện ở tiểu thuyết “Mùa hè bên sông”, cuốn tiểu thuyết tôi đã kính gửi đến Giao Điểm (qua sự chuyển giao giúp, đầy ân nghĩa của nhà văn Lê Thị Huệ, chủ biên Gió-O).

 

Kính mong ông lưu tâm đọc giúp. Nếu được, xin ông cho đăng như một cách trình bày sự nhận định, sử dụng tư liệu gốc Đại Nam thực lục chính biên IV, V, VI…

 

Kính chúc ông luôn khỏe mạnh và Giao Điểm ngày càng đầy sức mạnh trí tuệ, tâm hồn.

 

Kính thư,

TXA.

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

TỪ ĐẠI NAM THỰC LỤC CHÍNH BIÊN IV, V & VI (1847 – 1885 – 1888),

SUY NGHĨ VỀ GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ THUỘC THẾ KỈ XX (1930 – 1945 – 1975)

 

Một con người thật sự sống, không thể chỉ tồn tại như một vật thể trong quan hệ duy nhất – quan hệ với thiên nhiên (khí hậu, cỏ cây…). Do đó, hầu như ai cũng chịu sự tác động bởi các sự kiện thuộc về thời cuộc và đều ít nhiều tác động lại các sự kiện đó, tuỳ theo cách thế của mình.

 

Đó là một nhận thức không có gì mới, trong việc nghiên cứu một nhân vật, giữa thực tiễn hằng ngày, ở các sáng tác văn chương…

 

Đối với nhân vật lịch sử, cuộc đời của họ đã tạo nên các nét lớn, các nét chủ đạo của bức tranh thời đại họ sống. Tất nhiên, dẫu là nét lớn, nét chủ đạo, cũng không thể tách hẳn ra khỏi tổng thể bức tranh.

 

Đó lại là một ví von có phần đơn giản hoá?

 

Trên một mặt phẳng của khung vải, cho dẫu với bút pháp, quan niệm nghệ thuật thuộc trường phái hội họạ nào đi nữa, cũng khó thể hiện một chân dung giữa cả một thời đại với các nhân vật và sự kiện một cách chi tiết, gồm cả chiều sâu của từng tâm trạng và khuất khúc của bao vấn đề.

 

Các ẩn dụ nghệ thuật sinh động, hàm súc, mang tính biểu tượng cao về lịch sử lại cần đến các thẩm thức sâu rộng về sử học, một khoa học luôn vươn tới sự minh xác (minh bạch và xác thực!).

 

Tôi mạn phép mượn lối ví von quen thuộc ấy để nói lên một điều: Nghệ thuật bất kì loại hình gì, ngay cả tiểu thuyết, khi đi vào đề tài lịch sử, cũng cần có sự bảo chứng của khoa học lịch sử, cả về phía sáng tác lẫn phía thưởng ngoạn.

 

Do đó, hơn mười năm nay (chưa kể những tháng năm trước đó), tôi bước vào sử học, ra sức làm một người nghiên cứu, biên soạn.

 

Trong hạn chế của người biên soạn, trước hết, ở cuốn sách “Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)” [*a], tôi chọn lọc và rút gọn các vấn đề, các sự kiện, kể cả những chi tiết nhỏ nhất, ít liên quan nhất đến nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), nghĩa là không sót chi tiết nào, từ tư liệu chuẩn cứ (Đại Nam thực lục), cũng chỉ theo quan niệm trên.

 

Công việc ấy xem ra không mấy phức tạp, nhưng thực sự không phải như vậy.

 

Về giai đoạn lịch sử Nguyễn Văn Tường sống, hoạt động, công việc nghiên cứu thật khó khăn. Nghiên cứu về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, “kẻ thù không đội trời chung”, “kẻ thù lớn nhất của nước Pháp” với chủ nghĩa thực dân thời bấy giờ của bọn thống trị tại Pháp và bọn trực tiếp xâm lược, người mà thực dân Pháp quyết đập tan tành uy tín, người đã bị bọn gián điệp đội lốt linh mục, giám mục, hoặc linh mục, giám mục thật, nhưng mang bản chất xâm lược cuồng bạo, thực hiện mưu toan vói tay vào sử học (BAVH.) để xuyên tạc, bôi nhọ ngay cả sau khi Nguyễn Văn Tường đã  “bị nước Pháp đày cho chết” [1], công việc nghiên cứu ấy quả là không dễ dàng.

 

Người biên soạn đã có một lần thưa đầu sách cho cuốn  “Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng” [2] trước những khó khăn gặp phải ấy:

 

”Đại Nam thực lục, chính biên”, đệ tứ và đệ ngũ kỉ, được Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn chính thức dưới triều Thành Thái [3], đồng thời đã được cẩn mật khắc in cũng vào thời điểm vị vua yêu nước này chưa bị thực dân Pháp lưu đày, dù với số lượng ít ỏi, cất giấu trong kho sử, đã làm sáng tỏ con người, tư tưởng và toàn bộ hoạt động chính trị của Nguyễn Văn Tường [4]. Tất nhiên, tính chất bảo hoàng của một vương triều suy vi vẫn chi phối các cây bút chép sử! Do đó, mọi sự kiện được trình bày, dẫu đã được làm rõ – Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến làm đúng mọi điều trong điều kiện lịch sử cụ thể bấy giờ – vẫn là cái rõ nhuộm màu phê phán. Cũng như các nhân vật lịch sử thuộc nhóm chủ chiến, Nguyễn Văn Tường trong “Đại Nam thực lục, chính biên”, đệ tứ và đệ ngũ kỉ, nhất là các trang sử chưa kể đến – đệ lục kỉ (khắc in vào thời Duy Tân còn quá bé!) – gây cho người đọc hiệu ứng phản cảm, chí ít cũng mất cảm tình, mặc dù với nhận thức lí tính – có suy ngẫm, phân tích – , thấy ông lẫn các thành viên ấy đúng là những con người có nhân cách cao đẹp, ít ra cũng đứng đắn [5], có lòng yêu nước sâu nặng, quyết tâm chống Pháp xâm lược và chống nhà Thanh mưu toan bành trướng, quyết tâm giữ vững sự tự chủ cho vương triều Nguyễn, quyết tâm chống các vị vua đầu hàng, dâm ô, bọn quan lại cơ hội, câu kết với giặc Pháp.

 

Dẫu sao, hiệu ứng do chất bảo hoàng và sự rụt rè ở các cây bút chép sử triều Nguyễn, từ tập 27 đến tập 36 “Đại Nam thực lục, chính biên” (ĐNTL.CB.) vẫn là thứ hiệu ứng tai hại! Đó là chưa nói đến độc tố ở tập 37 và 38!

 

Tuy vậy, nếu chỉ ĐNTL.CB. kỉ IV và kỉ V cũng đã đủ rõ Thành Thái đúng là một Lê Thánh Tôn, còn Nguyễn Văn Tường là Nguyễn Trãi, và vấn đề chỉ còn chờ thời đại dân chủ, cách mạng làm sáng tỏ hơn, gột tẩy đi các màu sắc bảo hoàng đến mức ngu trung ở bộ sử, do hạn chế đáng tiếc của thuở bấy giờ, với các sức ép phong kiến, thực dân, “tả đạo”, chủ “hoà”… Riêng đệ lục kỉ (tập 37 –  tập 38), nếu gạt đi màu sắc phản quốc một cách cố ý (?) trong cách chép sử [*b], sẽ có những lượng thông tin hiện thực làm sáng tỏ hai kỉ [IV &V] kia, gồm cả hiện thực về nhân cách Đồng Khánh, vốn hay lạm thẳng, thiếu thuần lương (nhận định nghiêm túc và thành khẩn của Tự Đức trong di chúc!).

 

Nhưng trong thực tế lịch sử, có biết bao luồng thông tin gây nhiễu, đầy ác ý với chiến dịch xuyên tạc, dựng đứng chuyện bịa nhằm hạ uy tín những người lãnh đạo, dập tắt phong trào Cần vương và để răn đe! Bao người dân mù chữ, bao kẻ sĩ vô tâm bị mắc mưu tuyên truyền của kẻ thù thực dân, kể cả thực dân “đội lốt” Thiên Chúa giáo, hoặc bị hiệu ứng tai hại, bị nhiễm độc tố nói trên, rồi lại sáng tác thơ ca hò vè, viết sách, viết báo! [*c].

 

Đến bây giờ, hẳn ai cũng còn bị rối trong mớ bòng bong của thực dân Pháp, bọn “đội lốt”(?!) Thiên Chúa giáo từ thời ấy để lại [*c], khi nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến. Do đó, chúng tôi phải xác định tư liệu tương đối đáng tin cậy nhất và đầy đủ nhất để làm chuẩn: “Đại Nam thực lục, chính biên”, đệ tứ và đệ ngũ kỉ (kể cả đệ lục kỉ, với thao tác xới lật cần thiết [*d]. Rối nhiễu nhưng với phương pháp luận khoa học về văn bản học, về công việc thẩm định tư liệu, nhất là tư liệu trong hơn nửa thế kỉ mất nước (1885 – 1945) và ba mươi năm chiến tranh (1945 – 1975), tôi thấy không còn tư liệu nào đáng tin cậy và đầy đủ hơn bộ sử ấy, đặc biệt với hai kỉ (đệ tứ – đệ ngũ) ấy. Dẫu có những hạn chế nhất định như đã nói, nhưng Quốc sử quán triều Nguyễn vẫn giữ được tính độc lập tương đối của một tổ chức sử gia, lại thừa điều kiện  – trình độ học vấn; tư liệu; quá trình sống với các sự kiện thời đại đó… – nên hơn ai hết và hơn đâu hết, họ có thể làm tốt chức năng chứng nhân. Điều quan trọng là tính khuynh hướng trên lập trường dân tộc. Điều đó được thể hiện khá rõ, chưa kể ở mạch ngầm của các trang sử, khiến hậu thế có thể tin cậy. Tất nhiên, hậu thế phải biết cách đọc bộ sử ấy, đặc biệt là hai kỉ (IV & V) ấy, với nhãn quan sử học tiên tiến nhất, khoa học nhất của thời đại mình. Riêng đệ lục kỉ (2 tập 37 – 38), cũng hết sức quan trọng, nếu “thông cảm” cách chép sử bấy giờ với quan điểm phản quốc, đánh giá nhân vật, sự kiện theo tiêu chí ngược để lưu lại sự thật cho hậu thế minh xét. Tôi đã vượt lên hạn chế của bản thân, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để cuối cùng đi đến nhận định trên, xác định được chuẩn cứ đó! Phải có chuẩn cứ, để căn cứ vào đấy mà tham khảo, đối chiếu, đãi lọc, tiếp nhận, phê phán, loại trừ các nguồn tư liệu khác, kể cả Thi tập, nhất là châu bản được chép lại ở một số sách không phải tư liệu gốc. Rối nhiễu, để lần gỡ, phối kiểm, đãi lọc xong, lại sáng lên cảm xúc có tính lương tâm và dân chủ.

 

Trên cơ sở những nhận thức ấy, chúng tôi chân thành cảm ơn các nhà khoa học lịch sử, các nhà giáo đã có tham luận tâm huyết trong kỉ yếu của Hội nghị trên [6], tuy có người còn định kiến…

 

Tôi tin rằng đã đến lúc thoát khỏi tình trạng “đẽo cày giữa đường” do nhiễu loạn “tư liệu” [7]”.

 

Nghiên cứu về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và giai đoạn lịch sử ấy còn phải đụng chạm đến một vấn đề tế nhị, dễ gây tổn thương đến tình cảm tôn giáo của không ít người. Người biên soạn cũng mạo muội xin thưa ở lời thưa đầu sách ấy:

 

“Trong tinh thần đoàn kết dân tộc nhưng vẫn đảm bảo tính khách quan sử học, với ý thức tôn trọng sự thật lịch sử, tôi đã khu biệt rõ đối tượng cần phê phán thường được gọi là bộ phận “tả đạo” trong Thiên Chúa giáo. Đó là các giám mục, linh mục mang bản chất thực dân, hoặc thực dân đội lốt tu sĩ Thiên Chúa giáo… Về Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, nhận định của các giáo sư như Trần văn Giàu, TS. Cao Huy Thuần, TS.Yoshiharu Tsuboi, TS. Trần Ngọc Thêm, linh mục viện sĩ Trần Tam Tỉnh [*e]… đã rất xác đáng ở các cuốn sách đã xuất bản. Giáo hoàng Jean-Paul II cũng đã bày tỏ sự thống hối chung trong buổi lễ ngày 12. 03. 2005 vừa qua… Xin giới thuyết rõ nội dung cụ thể – lịch sử của từ “tả đạo” như vậy. Ngoài ra, tôi cũng đã thể hiện cái nhìn riêng về vấn đề này trong tiểu thuyết “Mùa hè bên sông” [7b]”.

 

Cho đến lúc biên soạn lần thứ hai cuốn tiểu sử biên niên theo dạng niên biểu về nhân vật Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), chúng tôi vẫn băn khoăn và vẫn tự mạnh dạn trả lời cho câu hỏi đã được đặt ra: Tình cảm Thiên Chúa giáo chẳng lẽ là sự đồng loã với thực dân và bọn “tả đạo” để tiếp tục xuyên tạc sự thật lịch sử và khoái trá trong việc tiếp tục bôi nhọ những gương mặt anh hùng, cho dù là anh hùng bi tráng như Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến triều đình Huế? Và tình cảm Thiên Chúa giáo chẳng lẽ là sự ca ngợi những tên thực dân, cướp nước tự mệnh danh là “sứ giả Thiên Chúa”, chẳng lẽ là sự tôn vinh bọn bán nước, cam tâm làm tay sai cho thực dân, đế quốc, được dán lên nhãn hiệu “thánh tử vì đạo”, “người trí thức bản xứ làm sáng danh Thiên Chúa” của “mẫu quốc Pháp”, “nước đỡ đầu: Mỹ”? [*g].

 

Đó là những khó khăn, vấn nạn. Người nghiên cứu, biên soạn đã cố gắng, thậm chí, phải nói là đã nỗ lực, để yên tâm vượt qua.

 

Và cũng có lẽ chẳng cần phải trình bày nhiều thêm, ngoại trừ đôi điều cụ thể.

 

Trước khi khảo cứu và đặt bút viết những cuốn sách với đề tài này, tôi đã sưu tập và nghiên cứu nhiều tư liệu, sách báo viết về Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), như đã thưa trước. Từ đó, tôi cũng tuyển chọn để hình thành một cuốn sách thuộc dạng sưu tập – ghi chú, tức là phần II của cuốn sách “Tiểu sử biên niên…”. Đó là “Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và các sự kiện thời kì đầu chống Pháp…” của Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch Viện Sử học Việt Nam tại Hà Nội) [*h].

 

Dẫu vậy, cuốn sách ấy vẫn thuộc vào công đoạn đầu trong quá trình nghiên cứu về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), trước khi làm công việc chú thích cho Thi tập của ông, gồm cả việc làm sáng tỏ một vài chủ điểm sử học trọng yếu, liên quan.

 

Đây cũng chính là đề cương cho cuốn truyện – sử  kí – tư liệu lịch sử  [*i] tôi đã  viết và đã xuất bản (12-2004).

 

Người biên soạn, nghiên cứu nghĩ rằng, ngay tự thân cuốn tiểu sử biên niên dạng niên biểu (chưa kể những cuốn sách khác tôi đã viết về đề tài này) sẽ tiện lợi cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến triều đình Huế cũng như giai đoạn lịch sử 1858 – 1885 và phong trào Cần vương sau đó. Đó là giai đoạn đầu dân tộc ta bước vào cuộc chiến đấu chống lực lượng xâm lược Pháp, chủ nghĩa  thực dân Pháp và Phương Tây nói chung. Đó là cuộc chiến đấu trước sự tấn công bằng nhiều loại vũ khí và trên các mặt trận, từ tôn giáo, văn hoá, kinh tế, ngoại giao, chính trị đến quân sự. Đó là một hình thái chiến tranh khá lạ lùng so với các hình thái chiến tranh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

 

Người nghiên cứu, khảo luận cũng nghĩ rằng cuốn sách sẽ có chút hữu ích nào đó để hiểu hết chiều sâu, tầm cao của cuộc kháng chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ và bá quyền Trung Quốc giai đoạn sau của dân tộc ta do Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ và Lê Duẩn lãnh đạo, với thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp.

 

Hơn nữa, từ đó, thấy được lô-gích (logic/logique) lịch sử có tính tất yếu trong công cuộc chống chế độ Diệm – Thiệu (đều là “tả đạo” trong Thiên Chúa giáo, ít ra là kể từ nửa sau thế kỉ XIX) của lực lượng Phật giáo và của đại bộ phận nhân dân mặc nhiên hoặc có ý thức thuộc về chủ nghĩa dân tộc truyền thống – hiện đại, tại Miền Nam Việt Nam, suốt 21 năm (1954 – 1975). Trong đó, vai trò lịch sử của Phật giáo Miền Nam Việt Nam là hết sức nổi bật. Phật giáo đã kế thừa được truyền thống gắn bó với vận mệnh dân tộc từ cổ đại đến giai đoạn Cần vương (1883 – 1896…) và cho đến tận giai đoạn 21 năm chia cắt Đất nước ấy. Cũng không thể không thấy rằng, một bộ phận khá lớn quân nhân từ trung cấp (cấp tá) trở xuống thuộc quân đội Việt Nam Cộng hòa và tầng lớp công chức ở cấp tỉnh thuộc chế độ Sài Gòn là thuộc về lực lượng dân tộc chủ nghĩa, ngấm ngầm hay công khai chống Diệm – Thiệu (1954 – 1975). Phật giáo và phân số nhân dân, quân nhân, công chức ấy tại Miền Nam Việt Nam bị kẹt giữa hai gọng kìm lịch sử, vì họ chống “tả đạo” (một lực lượng vốn gắn liền với đội quân xâm lược Âu – Mỹ), như cha ông họ đã chống từ nửa sau thế kỉ XIX, nhưng họ cũng không thể đứng vào hàng ngũ những người cộng sản, duy vật, vô thần, chuyên chính vô sản vốn thuộc một trong hai khối trong giai đoạn “chiến tranh lạnh” (1945 – 1991, đứng đầu hai khối là Liên Xô – Mỹ).

 

Và chắc chắn những cuốn sách này sẽ không phải là vô ích trong giai đoạn Đổi mới hiện nay, mặc dù sử học vốn không thể “thực dụng” theo kiểu “sử học vì mục đích tuyên huấn…”.

 

Dẫu những trang sử cũ mãi còn đó, vẫn cần được in lại để đọc lại, viết lại với nhãn quan khoa học sáng suốt, với cách nhận thức, đánh giá theo quan điểm lịch sử – cụ thể [8]. Tuy nhiên, quá khứ vẫn thuộc về quá khứ, mặc dù quá khứ luôn giúp chúng ta định hướng cho hiện tại, cho tương lai. Mọi người, không trừ một ai, đều có quyền hi vọng ở những chương sử mới về những chặng đường mới của dân tộc trong bộ sử của nhân loại (quốc sử và sử thế giới), tuỳ theo cách thế của mình [*k]. Công lí, đạo lí Việt Nam đã sáng tỏ khắp cả hành tinh, từ cuộc kháng chiến 131 năm (1858 – 1989): đó là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do” (một thứ tự do với nội dung qua mỗi thời kì mỗi phát triển, để tiến đến bao hàm tất cả mọi quyền dân chủ, trong nỗ lực chung hiện nay); đó là ý chí chống xâm lược, chống nô dịch bất kì màu sắc nào; đó là quyết tâm xây dựng Đất nước trong ý hướng giữ gìn, cách tân, phát huy bản sắc dân tộc [9]; đó là quốc thể và phẩm giá Việt Nam trước lương tri loài người… Ý thức sử tri (sự nhận biết mỗi người đều góp phần làm nên lịch sử ghi nhận mọi tấm gương đức hạnh ở đời, mọi cống hiến ở tất cả các lĩnh vực…) là một nét bản sắc Việt Nam. Ý thức sử tri đang và sẽ cùng mỗi người, không trừ một ai, bước trong hiện tại, bước tới tương lai, với sự định hướng của công lí, đạo lí rất Việt Nam, rất nhân loại ấy.

 

Để thấu hiểu những điều trên, người nghiên cứu, biên soạn đã nghiền ngẫm trên từng trang sử cũ…

 

Từ đó, những cuốn sách về đề tài đã hình thành.

 

Thành thật mong mỏi được kiểm chứng, đối chiếu với tư liệu chuẩn cứ và phát hiện giúp những sai sót có thể do người nghiên cứu, biên soạn gặp phải, ngoài ý muốn. Tuy nhiên, chắc chắn không thể có sai sót nào đáng kể, hoặc mạnh dạn nói là không thể sai sót. Với lòng trung thực trong công việc nghiên cứu khoa học, xin phép được nhấn mạnh là tôi (người biên soạn, nghiên cứu) hoàn toàn bám sát "Đại Nam thực lục", các kỉ có liên quan đến đề tài, đồng thời hết sức giữ đúng nguyên tắc chọn lọc (chọn lọc cũng có nguyên tắc của nó).

 

Xin được chỉ dạy, mách bảo, góp ý, phê bình. Với lòng biết ơn, mong được nhận thư, sách, báo và tạp chí…

 

TP.HCM., ngày 02. 06. 2001 (14.04. Tân tị)

và tháng 5. 2005

TRẦN XUÂN AN

 

CƯỚC CHÚ THUỘC BÀI VIẾT:

 

[*a] Phần chữ vi tính trong ổ cứng computeur của cuốn sách dẫn chi tiết này đã bị người xếp chữ (Nguyễn Nhị Lan Hà [đường Quang Trung, Gò Vấp, TP. HCM.], con gái anh Nguyên Minh, thành viên nhóm Ý Thức, Phan Rang) làm thất lạc. Nay chỉ còn bản thảo viết tay và bản in vi tính.

 

(1) Các cụm từ nguyên văn hoặc theo ý tưởng nguyên tác, in nghiêng, theo thứ tự, là của H. Le Marchant de Trigon (NNBCĐH. [BAVH., 1917], tập IV, sđd. , tr. 273), Puginier (dẫn theo Trần Viết Ngạc và GS. Đoàn Quang Hưng, KY. HNKHLS. CĐSP. TP.HCM., sđd., tr. 12 và KY. HNKHLS. ĐHSP. TP.HCM., sđd., tr. 101), De Champeaux (dẫn theo GS.TS. Yoshiharu  Tsuboi, NĐN. ĐDVP. & TH., sđd., tr. 270), H. de Pirey ((NNBCĐH. [BAVH., 1914], tập I, sđd., tr. 234). Xin xem bảng tên sách tham khảo viết tắt.

 

(2) “Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng”, thi tập của Nguyễn Văn Tường, do Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển, GS. Đoàn Quang Hưng, TS. Võ Xuân Đàn, Nguyễn Tôn Nhan, Trần Xuân An, TS. Ngô Thời Đôn sưu tầm, giới thiệu, khảo luận sử học, dịch từ nguyên tác chữ Hán, nhuận sắc, chú thích, hiệu đính (chưa xuất bản).

 

(3) Thành Thái ở ngôi từ 1. 1889 đến 7. 1907, là con trai thứ bảy của Dục Đức.

 

(4) Chi tiết rất đẹp của nhân cách Thành Thái, trong hạn chế lịch sử nhất định, là điểm này. Tuy vậy, “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim (xb. 1921), mặc dù cũng đã làm sáng tỏ lập trường chính trị của Nguyễn Văn Tường là kiên định chống Pháp, ngay lúc vâng mệnh ở lại Huế, lại có xuyên tạc đạo đức của ông (và cả Tôn Thất Thuyết)!

 

(5) Trong nhóm chủ chiến triều đình Huế, chỉ có 3 nhân vật có cá tính thường bị vua Tự Đức nhắc nhở, khuyên nhủ và đôi khi phê phán là Ông Ích Khiêm, Tôn Thất Thuyết và Trương Văn Đễ. Tuy vậy, Tự Đức vẫn không phải không có nhiều lần ngợi khen họ. Tôi không thể cho rằng các sử quan triều Nguyễn dám xuyên tạc lời dụ của Tự Đức, mặc dù sử quan có quyền đưa vào Thực lục hay gác lại những lời dụ dạng ấy, trong giới hạn cho phép của các nguyên tắc viết sử (01. 04. 2005, chua thêm: nguyên tắc viết sử đại để phải bảo đảm tính khái quát toàn diện, nghĩa là chọn những chi tiết tiêu biểu; tiêu biểu nhưng phải tránh sự phiến diện). Vì vậy, tôi tin cá tính của ba vị nói trên là có thật, và cũng có thật về Tự Đức vốn quen với cách thức “thương cho roi cho vọt” theo kiểu một hoàng đế ngày xưa, ở những lời dụ bình thường (xin nhấn mạnh: ở những lời dụ bình thường). Tôi cũng tin lỗi lầm đến mức tự tiện xử án chém lính chăn voi, tử hình tên suất đội phản bội, không tâu báo, của Tôn Thất Thuyết và Trương Văn Đễ là có thật; cũng có thật các hành vi phá tán sự nghiệp và thanh danh trong bản án về Ông Ích Khiêm. Tuy nhiên, cần so sánh lỗi lầm của họ với bao lỗi lầm của nhiều quan lại, hoàng thân khác trong Thực lục, cần nhìn về họ một cách toàn diện. Lòng yêu nước, chí căm thù giặc xâm lược sâu sắc ở họ vẫn là nét chủ đạo. Ánh sáng ấy có thể làm sáng cả những nét tối? Và chắc chắn, họ không phải là hình ảnh xấu xa, hèn nhát, hiếu sát, cuồng bạo như kẻ thù đã bôi nhọ họ. Riêng về đoạn cuối đời của Trương Văn Đễ, tôi đã có ý kiến trong cuốn sách này (01. 04. 2005, chua thêm: Trương Văn Đễ và Đinh Tử Lượng làm nhiệm vụ cản hậu, đánh lạc hướng truy kích của thực dân Pháp. Chính vì bản sớ kêu “oan” cho Trương Văn Đễ của Trương Quang Đản vào năm Thành Thái thứ hai, (do áp lực thời giặc Pháp thống trị), khiến hậu thế hiểu lầm về Trương Văn Đễ [xem: ĐNLT., sđd., tập 3,   NXB. Thuận Hoá, 1993, tr. 425 – 426: phụ chép dưới tiểu truyện Trương Đình Quế]).

 

(*b)  Trong kỉ đệ lục (1885 – 1888, tập 37 – tập 38) của “Đại Nam thực lục, chính biên”, viết về nguỵ triều Đồng Khánh, những nhân vật lịch sử trong nhóm chủ chiến triều đình Huế (Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Trương Văn Đễ, Trần Xuân Soạn) và các nghĩa sĩ lãnh đạo Cần vương ở các địa phương đều bị lên án gay gắt bằng các từ ngữ như  “làm giặc”, “làm loạn”, “quyền thần”, “phản nghịch”… Trong khi đó, những tên giặc Pháp xâm lược đầu sỏ như De Courcy, De Champeaux, Hector, những tên tay sai bán nước như Nguyễn Hữu Độ, lại được đề cao, phong thưởng! Như thế là chép sử theo tiêu chí phản quốc của nguỵ triều Đồng Khánh! Nói cách khác, “Đại Nam thực lục", chính biên, kỉ đệ lục (nguỵ triều Đồng Khánh, 1885 – 1888), viết theo tiêu chí trái ngược với công lí nhân loại, trái ngược với đạo lí, tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc, để lưu lại sự thật cho hậu thế minh xét.

                                      (Chú thích ngày 31. 03. 2005).

 

(*c) Như “Bulletin des amis du vieux Huế” (BAVH.) với các bài của các linh mục H. Pirey, Delvaux… Còn “Việt Nam vong quốc sử” của Phan Bội Châu thực sự là viết theo thủ thuật “vấn mục đích, bất vấn thủ đoạn”, nhằm phục vụ cho ý đồ chính trị tôn phù Cường Để – hậu duệ hoàng tử Cảnh, một hoàng tử đã theo Thiên Chúa giáo –; chịu tác động của Duy tân Giáo đồ hội Nghệ – Tĩnh, cụ thể bởi chuẩn linh mục Mai Lão Bạng; chịu sự chi phối của Lương Khải Siêu vốn thuộc phái bảo hoàng. Cụ Phan Bội Châu cũng ở trong quỹ đạo mắc mưu tuyên truyền xuyên tạc và bôi nhọ này. Nguyên văn VNVQS., viết về Nguyễn Văn Tường: “Người Pháp ghét hắn [NVT.] là người phản trắc, sợ có hại về sau, bèn đưa hắn ra khơi, quẳng xác xuống biển, rồi đem cái quan tài không bằng sắt về, bắt con cháu Tường bỏ ra hơn 10 vạn [lạng] vàng để chuộc xác” (bản dịch, NXB. KHXH., 1982, tr. 77 – 78). Tác giả VNVQS. (Phan Bội Châu & …) đã xuyên tạc tính chất lòng thù hận của Pháp đối với Nguyễn Văn Tường! Không những xuyên tạc, bôi nhọ mà còn sai lầm khi nhầm cái chết của Phạm Thận Duật (người không có tên trong bản án chung thẩm tháng 8 Ất dậu 1885) ở giữa biển với cái chết ở đảo Tahiti của Nguyễn Văn Tường (chú thích của dịch giả). Với cách phân loại, xử lí tư liệu, loại trừ và thu nhận lượng thông tin khách quan [tuy không xác thực; sự thật là NVT. mất tại Tahiti, 1886] (có nghĩa là, gạt bỏ thái độ biểu cảm ác ý), tôi thấy: Dẫu sao, tác giả VNVQS. (Phan Bội Châu & …) cũng vô hình trung thừa nhận sự thật là thực dân Pháp rất thù hận Nguyễn Văn Tường và con cháu của ông. Xin xem thêm về vấn đề này: “Nguyễn Văn Tường,“những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, cùng người viết: Trần Xuân An, 2002, đã đăng trên website Giao Điểm, 5-2005:

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm

                               

(*d)  Trong chừng mức nào đó, cũng tương tự như khi tham khảo "An Nam chí lược" của Lê Tắc, một tên người Việt gốc Hoa phản bội nước Đại Việt, theo hàng giặc Nguyên – Mông (viết về giai đoạn lịch sử  từ cổ đại cho đến đời Trần nước ta ). Lê Tắc gọi những anh hùng khởi nghĩa như Hai Bà Trưng là giặc (giặc của bọn Tàu xâm lược!). Do đó, Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên phải làm động tác xới lật cần thiết khi cùng các sử gia khác tham khảo để biên soạn bộ "Đại Việt sử kí""Đại Việt sử kí toàn thư". Đối với anh hùng thống nhất Đàng Trong – Đàng Ngoài Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn, vốn bị một số thư tịch cổ gọi là “vua nguỵ”, “nguỵ Tây Sơn”, các sử gia sau này cũng phải xới lật như vậy. Tất nhiên sự so sánh nào cũng khập khiễng. Ở đây, riêng về ĐNTL. CB. đệ lục kỉ, các sử gia Quốc sử quán triều Nguyễn chép đúng quan điểm, thái độ và hành trạng phản quốc của hai tên Đồng Khánh và Nguyễn Hữu Độ ấy. Hai kẻ phản quốc này mạt sát Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến một cách thậm tệ (gọi họ là giặc, làm loạn, quyền thần…). Là người hậu sinh, tôi chỉ lên án Đồng Khánh và Nguyễn Hữu Độ, và thừa hiểu ý thức lưu lại sự thật cho hậu thế minh xét của Quốc sử quán qua bản phàm lệ đệ lục kỉ: chép sử theo tiêu chí ngược.

 

(6)  Hội nghị Khoa học lịch sử về “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường”, 20. 06. 1996, ĐHSP. TP.HCM. chủ trì.

 

(7) Trích nguyên văn “Lời thưa đầu sách” (Trần Xuân An, KVPCĐT. NVT., T., VNVCN., TH. & TT., sđd., tr. 9 – 12 & tr. 14). Tôi dùng thành ngữ “đẽo cày giữa đường” không có ý thực dụng chủ nghĩa trong việc nghiên cứu, nhận định sử học, mà với nghĩa là thiếu tính độc lập trong công việc khoa học đòi hỏi phải nghiêm túc, bản lĩnh ấy.

 

(*e) Cùng các học giả, tiến sĩ như Cao Huy Thuần (tác giả cuốn “Các giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, 1847 – 1914”, NXB. Tôn Giáo tái bản, 2003)…

                                (Chú thích ngày 31. 03. 2005).

 

(7b) Trích nguyên văn “Lời thưa đầu sách” (Trần Xuân An, KVPCĐT. NVT., T., VNVCN., TH. & TT., sđd., tr.9 – 12 & tr. 14). Xin vui lòng xem tiểu thuyết “Mùa hè bên sông” (Nỗi đau hậu chiến), bản 2003.

 

(*g) Dẫu cho Nhà nước CHXHCN. Việt Nam đã kí hiệp định thương mại với chính phủ Mỹ và đang cố gắng bình thường hóa quan hệ ngoại giao, cũng phải nói và viết đúng sự thật lịch sử… Thật là muộn màng nhưng cũng rất cần thiết khi ông Seymour Topping, cựu tổng biên tập báo New York Times, người mà trước đó từng thiết lập văn phòng Hãng Thông tấn AP tại Việt Nam những năm 50 (XX), phóng viên trưởng New York Times, cũng tại Việt Nam, trong thập niên 60 (XX), trả lời phỏng vấn của phóng viên Hà Nguyên, nhân chuyến ông sang Việt Nam và đến thăm toà soạn báo Thanh Niên, đàm luận với tổng biên tập Nguyễn Công Khế vào ngày 24. 03. 2005. Câu trả lời của Seymour Topping, trước câu hỏi của Hà Nguyên, như sau: “Thất bại trong hoạch định chiến lược của Mỹ là sự thiếu hiểu biết về văn hoá, lịch sử Việt Nam, về quyết tâm của người Việt muốn được tự do, khỏi ách đô hộ ngoại xâm. Nếu như năm 1945 [đúng ra là sau 1945 … – TXA. chua thêm], Mỹ phân tích đúng đắn thì Mỹ lẽ ra đã không bao giờ ủng hộ việc người Pháp quay trở lại kiểm soát Đông Dương” (báo Thanh Niên, số 84 [3380], thứ sáu, 25. 03. 2005). Tôi nghĩ: Đáng lẽ ra, Seymour Topping phải nói thêm là Mỹ đã sai lầm nghiêm trọng khi ủng hộ Thiên Chúa giáo qua hai “nền đệ nhất và đệ nhị cộng hoà” Diệm - Thiệu!

                                             (Chú thích ngày 31. 03. 2005).

 

(*h)  So với bản “Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường” đã in vi tính, tôi có điều chỉnh lại ở đoạn trình bày các công đoạn biên soạn này của bài viết “Lời thưa đầu sách”. Trong thực tế, đúng là tôi có sưu tập thêm một cuốn có tên gọi là “Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp” và đã viết ở Lời thưa đầu sách nói trên như sau: “gồm những bài viết, những trích đoạn của các giáo sĩ thực dân, các sử gia, nhà văn viết lách trong quỹ đạo thực dân (tất nhiên với quan điểm, lập trường thực dân, bồi bút!) và của các nhà nghiên cứu sử học khá đa dạng trong một vài thập niên gần đây…” (bản in vi tính, sđd., tr. 18). Nhưng tôi thấy không cần thiết phải sưu tập để làm thành sách loại này, mà chỉ dùng để tham khảo riêng. Do đó, cuốn “Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường” được đổi tên là: “Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp””, (từ "Đại Nam thực lục", rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.

 

(*i) Đến năm 2002, tôi chỉ viết thành sách với thể loại tổng hợp: truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)”; xuất bản vào tháng 12. 2004.

                                          (Chú thích ngày 01. 04. 2005)

 

(8) Quan điểm nhận thức, thẩm định có tính đến các yếu tố cụ thể của một giai đoạn lịch sử nhất định, từng nhân vật lịch sử nhất định… Yếu tố cụ thể bao gồm bối cảnh quốc tế cụ thể, tương quan lực lượng cụ thể, đất nước cụ thể, truyền thống văn hoá cụ thể, thể chế chính trị – xã hội cụ thể, tình thế, tình huống, điều kiện và biện pháp cụ thể, nhân vật với cá tính, tư tưởng cụ thể… Thẩm định (xem xét, đánh giá) lịch sử (sự kiện và nhân vật…) không thể dùng tiêu chí, chuẩn mực, trình độ khoa học kĩ thuật, điều kiện của không gian – thời gian này (Việt Nam – thế kỉ XX) áp đặt vào không gian – thời gian kia (Đại Nam – thế kỉ XIX). Tuy vậy, trên cơ sở quan điểm lịch sử – cụ thể đó, cần có cái nhìn toàn thể (toàn cảnh thế giới), cái nhìn bao quát đồng đại (cùng thời đại) và lịch đại (qua từng thời kì lịch sử, từ cổ sơ đến hiện tại).

 

(*k)  … với tư thế một nhân vật lịch sử có tên tuổi hay như một thành viên vô danh của một lực lượng, một phân số quần chúng, một cộng đồng dân cư địa phương. Ngoài quốc sử ra, còn có những cuốn sử địa phương (sử làng, sử xã, sử huyện, sử tỉnh), sử gia tộc…

                                                   (Chú thích ngày 31. 03. 2005).

 

(9)  Xin hãy để những thế hệ Việt Nam mai sau tự hào về diện mạo văn hoá – lịch sử Việt Nam (gồm trên 54 nhân tộc, sống chan hoà trên một Đất nước toàn vẹn , thống nhất) với những gương mặt Việt Nam trong sự toả sáng các giá trị phục hưng truyền thống thuần tuý Việt Nam, các giá trí phát minh, sáng tạo đặc sắc, lành mạnh, hiện đại – dân tộc, về vật chất và tinh thần, đóng góp vào văn hoá – lịch sử nhân loại, chứ không phải là các giá trị ngoại nhập thiếu sự tiếp biến (“khúc xạ”)…

        Trên đây là nhận thức riêng và kiến nghị của người biên soạn. 

 

        Ghi chú bổ sung ngày 01. 04. 2005: Xin xem thêm tiểu thuyết “Mùa hè bên sông” (b. 2003), đặc biệt là hai bài tiểu luận trong tiểu thuyết ấy: “Đọc lại Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Marx – Engels”“Ý nghĩ nhỏ về một truyền thống lớn và một nhân vật lịch sử lớn” (Trần Xuân An [với cái tên nhân vật tiểu thuyết là Trần Nguyễn Phan]).

 

 TXA.

 

 

 

SÁCH THAM KHẢO Ở BÀI NÀY:

 

1. Cao Huy Thuần, "Các giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1847 – 1914)" (CGSTS. & CSTĐ. CP. TVN…), NXB. Tôn Giáo tái bản, 2003.

 

2. Nhiều tác giả, "Những người bạn cố đô Huế" (NNBCĐH.) (Bulletin des amis du vieux Huế [BAVH.]), tập I – tập VII (1914 – 1919), Đặng Như Tùng, Bửu Ý, Hà Xuân Liêm, Phan Xuân Sanh, Phan Xưng, Tôn Thất Hanh, Nguyễn Vi dịch và hiệu đính, NXB. Thuận Hoá, 1997 – 1998.

 

3. Nhiều tác giả, "Kỉ yếu Hội nghị khoa học (KYHNKH.) “Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường”", Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP.) TP. HCM., 20. 06. 1996.

 

4. Nhiều tác giả, "Kỉ yếu Hội nghị khoa học (KYHNKH.) “Nhóm chủ chiến triều đình Huế cuối thế kỉ XIX”", Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP.) TP. HCM., 11. 1991.

 

5. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), Trần Xuân An (biên soạn), "Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng" (KVPCĐT. NVT. T. VNVCN. TH. & TT.), thi tập của Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886), do Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển, GS. Đoàn Quang Hưng, TS. Võ Xuân Đàn, Nguyễn Tôn Nhan, TS. Ngô Thời Đôn sưu tầm, giới thiệu, khảo luận sử học, dịch từ nguyên tác chữ Hán, nhuận sắc, chú thích, hiệu đính (chưa xuất bản).

 

6. Phan Bội Châu, "Những tác phẩm của Phan Bội Châu" [NTPCPBC.] (tập I, gồm "Việt Nam vong quốc sử" [VNVQS.] & "Việt Nam quốc sử khảo" [VNQSK.]), Văn Tạo chủ biên, nhóm người dịch, giới thiệu và hiệu đính: Chương Thâu, Phan Trọng Báu, Quốc Anh, Mai Ngọc Mai, NXB. KHXH., 1982.

 

7. Phan Ngọc, "Bản sắc văn hoá Việt Nam" (BSVHVN.), riêng bài “Tư tưởng Hồ Chí Minh, đỉnh cao của văn hoá Việt Nam”, NXB. Văn hoá – Thông tin, 1998.

 

8. Quốc sử quán triều Nguyễn, "Đại Nam liệt truyện" (ĐNLT.), tập 3,  NXB. Thuận Hoá, 1993.

 

9. Quốc sử quán triều Nguyễn, "Đại Nam thực lục, chính biên" (ĐNTL. CB.), tập 11 (xb. 1964), tập 24 (xb. 1971), tập 26 (xb. 1972) và các tập từ 27 đến 38 (xb. 1973 – 1978), bản dịch Tổ Phiên dịch Viện Sử học Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1964 – 1978.

 

10.  Quốc sử quán triều Nguyễn, "Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp…" (NTĐNTL. V. KVPCĐT. NVT….) (Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), TXA. chọn lọc, phần II, 2001.

 

11. Tsuboi (Yoshiharu), "Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa" (NĐNĐDVPVTH.), Nguyễn Đình Đầu và nhóm cộng tác viên dịch, Ban KHXH. Thành uỷ TP. HCM. xuất bản, 1993.

 

12. Trần Trọng Kim, "Việt Nam sử lược" (VNSL.), NXB. Tân Việt, (bản in lần thứ 7), 1964.

 

13. Trần Xuân An, "Mùa hè bên sông" (MHBS.) (Nỗi đau hậu chiến), bản 2003.

 

14. Trần Xuân An, "Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)"  (PCĐT. NVT), truyện –  sử kí –  khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ bốn tập, NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 2004.

 

15. Trần Xuân An, "Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp”" (TSBNKVPCĐT. NVT…), (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.

 

16. Trần Xuân An, "Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”" (NVT. NNTNTX…), khảo luận và phê bình sử học, 2002.

 

17. Nhiều tư liệu khác đã được công bố bằng xuất bản như "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản" của K. Marx và F. Engels…

 

 

 

Bài viết này đã được đăng tải trên website Giao Điểm ngày 27-5-2005 (VN.).

 

ĐÍNH CHÍNH

 

1. Giáo hoàng Jean-Paul II cũng đã bày tỏ sự thống hối chung trong buổi lễ ngày 12. 03. 2005 vừa qua… Xin chữa lại một chữ số trong dãy chữ số chỉ năm: 12. 03. 2000 chứ không phải 12. 03. 2005.

 

2. Phật giáo đã kế thừa được truyền thống gắn bó với vận mệnh dân tộc từ cổ đại đến giai đoạn Cần vương (1883 – 1896…) và cho đến tận giai đoạn 21 năm chia cắt Đất nước ấy. Xin thêm hai chữ “phát huy”: Phật giáo đã kế thừa được truyền thống gắn bó với vận mệnh dân tộc từ cổ đại đến giai đoạn Cần vương (1883 – 1896…) và phát huy cho đến tận giai đoạn 21 năm chia cắt Đất nước ấy.

 

3. Ý thức sử tri (sự nhận biết mỗi người đều góp phần làm nên lịch sử ghi nhận mọi tấm gương đức hạnh ở đời, mọi cống hiến ở tất cả các lĩnh vực…) là một nét bản sắc Việt Nam. Xin thêm dấu chấm phẩy ( ; ) và hai chữ “lịch sử”: Ý thức sử tri (sự nhận biết mỗi người đều góp phần làm nên lịch sử; lịch sử ghi nhận mọi tấm gương đức hạnh ở đời, mọi cống hiến ở tất cả các lĩnh vực…) là một nét bản sắc Việt Nam.

 

Xin cảm ơn.

 

         TXA.

 

 

Xem tiếp: Bài thứ ba:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta_b3.htm

 

Trở về: Trang mục lục của tập bài viết "Luận về thời chúng ta...":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta

 

Trở về trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

 

Google page creator /  host

  Ngày đưa lên trang web này: 28-4 HB7

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE