a. Trần Xuân An - Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa - Tệp 1b1

 

trần xuân an

Nguyễn Văn Tường,

những người trung nghĩa từ xưa,

tưởng không hơn được

    author's copyright

07/01/09

 

A.

 

Lời thưa

 

Bài 1

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

 

B.

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

Phụ lục 3

 

 

C.

 

Ngoài sách

 

Cuối sách

 

 

____________

____________

 

Hình ảnh 1

 

Hình ảnh 2

 

Bản đồ

 

 

 

 

 

 

 

                             

 

TRẦN XUÂN AN

 

NGUYỄN VĂN TƯỜNG,

“NHỮNG NGƯỜI TRUNG NGHĨA

TỪ XƯA,

TƯỞNG KHÔNG HƠN ĐƯỢC”

  

KHẢO LUẬN VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH SỬ HỌC

 

 

  

Nhà Xuất bản

 

2003

(trước & chính xác là từ 02-7 HB2 [2002])

 

 

 

 

 

Đã đăng trọn vẹn cuốn sách này trên Tạp chí điện tử Giao Điểm, 05-2005: 

http://www.giaodiem.com    ( search )

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm    ( link trực tiếp )

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824-1886)

VỚI NHIỆM VỤ LỊCH SỬ

SAU CUỘC KINH ĐÔ QUẬT KHỞI (05 THÁNG 7. 1885)

 

(VÀI CHỦ ĐIỂM SỬ HỌC SƠ LƯỢC CẦN THIẾT

KHI CẢM NHẬN BÀI “GIẢI TRIỀU…” (1)

CỦA NGUYỄN VĂN TƯỜNG).

 

    

 

GIẢI TRIỀU…

 

Tam thập niên lai phí kỉ kinh

Vô đoan dạ bán bách sầu sinh

Kì khai tam sắc, vân lôi biến

Già thính song xuy, kê khuyển kinh

Sơn kính vạn trùng thương thuý liễn

Thần tâm nhất dạng luyến đan đình

Thị phi nhiên phó thiên thu hậu

Xã tắc quân vương thục trọng khinh?

    

CHIA TÁCH TRIỀU CHÍNH…

    

Ba chục năm qua phí trí mình

Nửa đêm, gian tả! Ép buồn sinh

Cờ chia ra khoảnh, giông quyền biến

Kẹp siết theo roi, chó hãi kinh

Núi biếc vạn trùng, lo kiệu Ngự

Lòng son một dạng, luyến sân Đình

Đúng? sai? Ấy gửi nghìn thu luận

Theo nước – phò vua, đâu trọng khinh?

(Bản dịch thơ từ nguyên tác chữ Hán).

 

Hai câu bổ sung:

CHIA TÁCH TRIỀU CHÍNH…

 

U trung thùy bạch thiên thu hậu?

Xã tắc quân dân thục trọng khinh?

 

Lòng trung sâu kín, sau ai tỏ?

Tổ quốc, dân, vua, đâu trọng khinh?

 

 

 

 

1) MỘT BỐI CẢNH LỊCH SỬ HOÀN TOÀN BẾ TẮC.

 

     Tứ thơ “chia tách triều chính” nhưng vẫn “nhất dạng” khởi từ tình huống mà Dụ Cần vương ghi rõ: “Từ xưa kế sách chống giặc không ngoài ba điều: đánh, giữ, hòa. Đánh thì chưa có cơ hội [điều kiện thực lực – TXA. chua thêm (:ct).], giữ thì khó lượng được sức, hòa thì chúng đòi hỏi không biết chán. Đương lúc sự thế muôn vàn khó khăn như vậy, bất đắc dĩ phải dùng quyền [quyền biến – ct.]” [1].

Hai mật dụ Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết từ Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị) gửi về cho Nguyễn Văn Tường (02.6 Ất dậu) và hoàng tộc (07.6 Ất dậu, 1885) cũng nói đến kế sách quyền biến với nhiệm vụ “kẻ ở” của ông.

 

       2) SỰ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ LỊCH SỬ: "TỔ QUỐC, VUA, DÂN, ĐÂU TRỌNG KHINH?".

NỖI KHỔ TÂM, LÒNG TRUNG NGHĨA CỦA NGUYỄN VĂN TƯỜNG QUA MẬT DỤ HÀM NGHI GỬI VỀ TỪ TÂN SỞ (CAM LỘ, QUẢNG TRỊ).

 

Tất nhiên, “xã tắc, quân, dân, thục trọng khinh?”, câu ấy đưa ra một sự chọn lựa với hành động chính trị cụ thể trong tình huống lịch sử cụ thể, ai là “kẻ ở”, ai là “người đi”.

Chính trong mật dụ gửi về từ Tân Sở, Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) đã dùng hai từ ấy với xác quyết: “Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng ta quanh quẩn, còn ngươi [:Nguyễn Văn Tường – ct.] là phụ chính đại thần thì ở lại mà thương đàm; kẻ ở, người đi đều lấy lòng yêu nước lo dân làm căn bản; trời đất cũng thực chứng giám…” [2]. Mật dụ ấy cùng với Dụ Cần vương được gửi về và phát đi trong một ngày (02.6 Ất dậu: 13.7.1885).

Nguyễn Văn Tường đã chọn lựa vị trí giáp mặt với kẻ thù một cách trực diện, một vị trí mà Tôn Thất Thuyết không có khả năng đảm đương. “Kẻ ở”, cũng là nhiệm vụ bà Từ Dũ giao phó cho ông [3]. Nguyễn Nhược Thị Bích kể bằng thơ:

 

Thấy người trước đón lên đường

Gửi rằng: “Có Nguyễn Văn Tường chực đây”

Phán rằng: “Sự đã dường này

Ngươi tua [:lo; nên – ct.] ở lại, ngõ rày xử phân”

Vâng lời Tường mới lui chân

Giá ra khỏi cửa, dân lần dõi theo”.

 

Và ở "Dậu Tuất niên gian phong hỏa kí sự":

 

“Thuyết – Tường sanh sự sự sanh [?! – ct.]

Đem Hàm Nghi trốn bôn hành Khiêm Lăng

Cùng nhau bàn luận rứa răng

Thuyết đi hộ giá, Tường băng về đầu

Khéo làm chước nhiệm [:nhịn? “thành thực”? – ct.]

                                                                mưu sâu

Pháp quan mắc mớp tưởng đâu thiệt tình” [4].

 

Cho dù với cách diễn đạt theo quan điểm thuộc chính kiến nào đi nữa, hai đoạn thơ trên cũng phản ánh về một sự thật lịch sử!

 

3) "LÒNG TRUNG SÂU KÍN, SAU AI TỎ?".

 

“U trung thùy bạch thiên thu hậu?”. Đó là nỗi băn khoăn của Nguyễn Văn Tường từ ngày 23.5 Ất dậu (05.7. 1885).

3.a. ĐẤU TRANH MẶT NỔI VÀ MẶT CHÌM.

Qua các tư liệu lịch sử có tính cùng thời, sau khi đối chiếu, loại trừ, thấy rõ Nguyễn Văn Tường vẫn công khai đấu tranh với De Courcy, De Champeaux, Silvestre, Nguyễn Hữu Độ trong hai tháng sau đêm Kinh Đô Quật Khởi (22 – 23.5 Ất dậu, 1885). Hơn thế nữa, ông còn ngầm chỉ đạo phối hợp với phong trào Cần vương.

 

3.a.1. ĐẤU TRANH VỚI THỰC DÂN PHÁP, BỌN TAY SAI, CƠ HỘI.

 

Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi rõ [5], tất nhiên với giọng điệu và cái nhìn của người chép sử bảo hoàng dưới chế độ phong kiến. Dẫu vậy, qua đó, hậu thế vẫn thấy Nguyễn Văn Tường khẳng khái, không hề chịu khuất phục khi đối mặt với kẻ thù đã thắng trận, với bọn tay sai vốn đã từ lâu bán linh hồn cho quỷ thực dân và tả đạo:

“Lấy quyền tổng đốc Hà – Ninh là Nguyễn Hữu Độ thăng thự Vũ Hiển điện đại học sĩ, sung Cơ mật viện đại thần, vẫn sung Bắc kì kinh lược đại sứ.

Khi ấy Hữu Độ đã trở về Hà Nội, đô thống Pháp là Cô-ra-xy [De Courcy – ct.], khâm sứ là Tham-bô [De Champeaux – ct.] bàn nói: Hiện nay Bắc kì lắm việc, Hữu Độ ở đấy hiểu nhiều, nên trao cho điện hàm, sung viện chức, và vẫn sung chức sứ ấy; phàm đốc, phủ, bố, án, ở các tỉnh Bắc kì cho đến các phủ huyện, nếu nơi nào có khuyết, cho do Nha Kinh lược sứ chọn tâu, chờ chỉ định đoạt. Nhiếp chính Miên Định, phụ chính Nguyễn Văn Tường phúc tâu [cho thái hoàng thái hậu Từ Dũ – ct.] việc đó là tạm thời [TXA. in đậm (:iđ)], nghĩ nên tạm nghe ý đó mà làm. Văn Tường nhân phụng dụ [của Từ Dũ – ct.] nói: trải bày lý do. Lại nói: do ngươi tuy việc thoả bàn vụ hợp thời nghi để xứng với lời khen của người mới được. Vì ý ám chỉ chê Hữu Độ nương tựa vào thế quan Pháp, để được ngôi cao, mà không phải tự bản ý do mệnh lệnh của Triều đình vậy.

(Trước đây, Nguyễn Văn Tường cùng Tôn Thất Thuyết cho rằng Hữu Độ ở Hà Nội phần nhiều hay nịnh hót, quan Pháp rất được vui lòng; Cơ mật viện nhiều lần đem việc tâu lên, chuẩn cho khiển giáng hay triệu về, Hữu Độ đều được quan Pháp che chở, rất là đáng ghét [iđ.].

Ngày tháng 7 năm ngoái, khuyên Bùi Hữu Tạo lấy việc xây sinh từ [của Nguyễn Hữu Độ – ct.] để tâu hặc, vì muốn nhân đó để đẩy Hữu Độ đến tội. Hữu Độ chứa sự bất bình đã lâu. Gần đây đô thống Pháp từ Bắc về Sứ quán, tức thì trước mời Văn Tường và Thuyết đến họp. Thuyết ngờ sợ cho là hẳn Hữu Độ đã có ngầm chỉ thế nào, nên mới như thế, cho nên sau không chịu đi; bèn gây hận; đến đây [Hữu Độ – ct.] về kinh,  [ y – ct.] lại đến Sứ quán, rồi về nhà riêng [của Hữu Độ tại Huế – ct.], uỷ đón nhiếp chính Thọ Xuân vương Miên Định tới bàn với Văn Tường; và [Hữu Độ – ct.] gièm [rằng – iđ. & ct.] không bàn với Thọ Xuân vương thì đừng đi. Kịp khi Hữu Độ tới Sở Thương bạc mà Văn Tường ở đó, hai người nói chuyện với nhau, đã hơi có ý khiếm hòa [:thiếu hoà khí – ct.]; Văn Tường phụng dụ này, lời lẽ lại có ý chê ngầm theo kiểu bì lí xuân thu [:bề ngoài với lí lẽ khác nhau như mùa xuân với mùa thu – ct.]. Hữu Độ tiếp dụ, giận lắm, nhân đó càng thêm để lòng)”.

Qua giọng điệu và cách nhìn không được trong sáng lắm của nhà chép sử triều Nguyễn, chúng ta gạt đi khía cạnh bị nhuộm màu cá nhân hiềm khích, sẽ thấy rõ, thực chất, đó là cuộc đấu tranh về vấn đề bố trí quan chức ở Bắc kì, vấn đề chống bọn tay sai, cơ hội, Nguyễn Hữu Độ là tiêu biểu.

Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, trước đó đã “đặc biệt đem câu xem gió chuyển buồm trách Hữu Độ” [6]. Mà đâu chỉ Nguyễn Hữu Độ! Cùng một giuộc với y, còn có Nguyễn Trọng Hợp [7], Hoàng Cao Khải, Nguyễn Huy Lân… [8], và bất ngờ nhất, còn là Nguyễn Thân (con trai Nguyễn Tấn), lẫn Phan Đình Bình!

Thực chất của vấn đề bố trí nhân sự ấy, xét cho cùng, là vấn đề còn hay mất Bắc kì. Đó là nội dung của khoản 7 “hòa”ước Patenôtre (1884). Và tại sao lúc đó, kinh đô đã thất thủ, Nguyễn Văn Tường vẫn không chấp nhận “như quan Pháp có kiểm được quan Nam nào nên làm hoán cách, có xin hoán cách ấy, tức làm hoán cách” [9], mà chỉ miễn cưỡng, xem là tạm thời, còn đòi hỏi Pháp phải trải bày lí do [10], mặc dù Từ Dũ đã chấp nhận? Phải chăng Nguyễn Văn Tường đang dựa vào sức quật khởi của phong trào Cần vương đang dậy lên khắp cả nước, và theo mật dụ Hàm Nghi gửi về: “cùng y [De Courcy – ct.] giảng rõ về lí thế, cân nhắc về lợi hại, hết lòng thỏa hiệp [:hiệp bàn thỏa mãn đôi bên – ct.], phàm những khoản gì bách thiết, phải chung nhau bàn đổi” [11]?

Dẫu trong thế kẹt lịch sử như vậy, Nguyễn Văn Tường vẫn đấu tranh trực diện với De Courcy, De Champeaux, Nguyễn Hữu Độ mà ĐNLT.CB., tập 36, tr. 236 – 237 đã ghi, như đã trình bày ở phần trên. Việc Nguyễn Văn Tường phải kí phụ ước (30.7.1885) ấy với Silvestre, Nguyễn Hữu Độ, đã được Nguyễn Nhược Thị Bích miêu tả:

 

“Pháp nhân lập ước hội đồng

Những điều lấn hiếp khó lòng y theo

Văn Tường chẳng khứng thuận chiều

Trái tình, Hữu Độ mượn điều Bắc quy” [12]

 

Từ năm 1921, ngay dưới chế độ thực dân, Trần Trọng Kim đã viết một cách kín đáo:

“Trong khi vua còn đi vắng, thống tướng De Courcy đặt ông Thọ Xuân lên làm giám quốc, giao binh quyền Binh bộ thượng thư cho viên khâm sứ De Champeaux, để bãi việc binh lính của ta đi [iđ.], và gọi quan kinh lược ở Bắc kì là Nguyễn Hữu Độ và quan tổng đốc Nam Định là Phan Đình Bình về cùng với Nguyễn Văn Tường coi việc Cơ mật. Vì hai ông ấy ở Bắc kì đã hiểu mọi việc và đã biết theo chính sách bảo hộ [iđ.], cho nên thống tướng đem về để thu xếp mọi việc cho chóng xong. Nguyễn Văn Tường và Nguyễn Hữu Độ không hợp ý nhau [iđ.], Nguyễn Hữu Độ lại trở ra Bắc kì” [13].

Hợp ý thế nào được với kẻ bán nước, “đã biết theo chính sách bảo hộ”, thực dân Pháp bảo gì nghe nấy!

 

3.a.2. ĐỐI PHÓ VỚI PHE CHỦ "HOÀ" (TỪ DŨ, MIÊN ĐỊNH...) VỚI PHƯƠNG THỨC "KHÔNG BIẾT GÌ HẾT".

 

Một vấn đề gay cấn nữa là Nguyễn Văn Tường không chỉ phải đối phó với Pháp và bọn cơ hội, tay sai, mà còn phải đối phó với phe chủ “hòa”, đứng đầu là Từ Dũ cùng Miên Định (giám quốc, nhiếp chính). Miên Định là một người có tư cách hèn hạ đến mức ngửa tay xin tiền khâm sứ Pháp, đến nỗi Đồng Khánh cũng cho là nhục quốc thể [14]! 

Đối với thái hoàng thái hậu Từ Dũ, Nguyễn Văn Tường phải làm ra vẻ bị Tôn Thất Thuyết lừa dối [15] (2). Ông ở trong thế kẹt, nên phải vờ như giữa ông và Tôn Thất Thuyết chưa hề bàn bạc để khởi binh đêm 22 – 23.5 Ất dậu (05.7.1885), mặc dù đấy là cuộc khởi binh bất đắc dĩ, bị Pháp ép vào thế chẳng đặng đừng:

 

      “Bằng còn ỷ thế quá ngang

      Thời ta sẽ liệu quyết đường hơn thua!” [16].

 

Biết sẽ có khả năng bị thất thủ, nhưng đến lúc cũng “đành liều may rủi với trời” [17].

Cuộc Kinh Đô Quật Khởi chỉ nhằm phát động tổng nổi dậy Cần vương trên toàn quốc để đấu tranh ngoại giao, chính trị.

Nguyễn Văn Tường giả vờ “không biết gì hết” trong đêm 22 – 23.5 Ất dậu, 1885 [18] để ở lại làm nhiệm vụ đàm phán của “kẻ ở”, trong khi Tôn Thất Thuyết là “người đi”.

Phương thức “không biết gì hết” được Aldophe Delvaux cho là: “Ông phụ chánh thứ nhất (Tường) đã miễn cưỡng hành động dưới ảnh hưởng ngông cuồng của ông Thuyết, bất chấp mọi lời khẩn cầu của mẹ vua Tự Đức và ông hoàng Hoài Đức (em vua Thiệu Trị) [thay Hồng Hưu – ct.] là những người chống lại các sự vận động của phái yêu nước” [19] (3). Theo Delvaux, ấy là tin tức mật thám của Pháp trong buổi sáng 04.7.1885 mà De Champeaux nắm được! Thật ra, Nguyễn Văn Tường đã cho phép và đã thay mặt vua ra lệnh cho Tôn Thất Thuyết chuẩn bị kháng chiến, lập đạo quân Phấn Nghĩa cho thêm thanh thế (1883 – 05.7.1885), để đấu tranh với Pháp. Ngay trong những giờ phút sắp đến thời điểm nổ ra cuộc Kinh Đô Quật Khởi, khi Tôn Thất Thuyết “lại nghiêm sức các quân dinh kiểm soát, chỉnh đốn những đồ khí giới, Văn Tường với đình thần cho rằng đó cũng là thanh thế để phòng bị vậy” [20]. Và tất nhiên, nếu cần, cũng phải lấy tấn công làm phòng thủ.

 

3.a.3. VỚI PHƯƠNG THỨC "KHÔNG BIẾT GÌ HẾT", NHẰM PHỐI HỢP BÍ MẬT NHƯNG CHẶT CHẼ VỚI PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG.

 

Quả vậy, Nguyễn Văn Tường đã lãnh đạo Cơ mật viện họp bàn rất bí mật. Đã đến lúc không thể không thực hiện kế hoạch chính Nguyễn Văn Tường cùng Thân Văn Nhiếp, Nguyễn Quýnh vạch ra, và Nguyễn Văn Tường đã đích thân, tự nguyện tiến hành bước đầu từ 1864, 1866 [21]. Gần hai mươi năm trước thời khắc lịch sử này, đó là việc tâu xin mở thượng đạo, đặt cơ sở để khởi công xây dựng thành lũy Tân Sở, tuy còn dở dang. Khát vọng kháng chiến còn thể hiện ở bài thơ “Bệnh trung kí phỏng đồng chí” [22] (4) được viết vào quãng thời gian còn tiễu phỉ ở phía bắc, khoảng những năm đầu của thập kỉ 70 (thế kỉ XIX). Và vào năm 1883, kế hoạch đó lại được tiến hành một cách vữõng chắc với quy mô lớn [23]. Trong thời điểm cụ thể vào đầu tháng 7.1885 này, Tôn Thất Thuyết cũng như Nguyễn Văn Tường, cả hai cùng “nhất dạng”, nhất trí với sự tổng hợp phương thức: vừa kháng chiến vũ trang (đánh), vừa “không biết gì” (đàm), phương thức ông đã từng đấu tranh thắng lợi vào cuối năm 1873, đầu năm 1874. Thắng lợi ấy, ngay cả “Quốc triều chính biên toát yếu” [24] lẫn “Việt Nam sử lược” [25] đều ghi nhận, và trích dẫn nguyên văn cuộc đối thoại giữa Nguyễn Văn Tường với Philastre một cách thán phục (5). Còn đây là đoạn đối thoại giữa vua Tự Đức với triều thần và Nguyễn Văn Tường về phương thức “không biết gì” kết hợp với tiến công vũ trang, sau khi đã thành công:

“Vua bảo […] Viêm và Thuyết mùa đông năm ngoái [21.12.1873 – ct.] giết được đầu sỏ giặc, làm mất khí thế của chúng, Nguyễn Văn Tường nhân đấy dễ làm việc; Văn Tường nói: Tuy có trở ngại một chút, nhưng thực giúp được nhiều. Đấy là lời bình tâm không khoe công. Viêm và Thuyết nên [được – ct.] phong tước, giả lại chức quan” [26].

Đó là lúc thu hồi lại bốn tỉnh Bắc kì, sau khi hạ sát Françis Garnier trong sự tức tối điên cuồng của Jean Dupuis, Puginier, Rheinart và bọn “dữu dân” trong giáo dân (như tên ngụy tổng đốc Trương, vốn là thợ rèn theo “tả đạo” chẳng hạn) [27].

Phương thức đó, mười năm sau (1883) vẫn còn hiệu quả, với cái chết của Henry Rivière, cũng do quân Lưu Vĩnh Phúc trực tiếp hạ sát, dưới sự chỉ đạo của Hoàng Tá Viêm, tại Hà Nội.

Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết lại tiến hành một lần nữa, dữ dội và quyết liệt hơn, ngay tại kinh đô Huế, 1885.

Dẫu thất bại, Nguyễn Văn Tường, sau 05.7.1885, vẫn tiếp tục đấu tranh. Bởi thế và lực so với 1873, 1874 đã ngặt nghèo hơn, Nguyễn Văn Tường không còn ở tâm thế ung dung như mười hai năm trước, mà đang vô cùng khổ tâm. De Courcy không bị hạ sát! Mang Cá và Tòa Khâm không bị triệt tiêu như mong muốn! De Courcy và De Champeaux lại đang nhân danh Triều đình để thao túng!

Do đó, phong trào Cần vương vũ trang đã bùng lên khắp nước!

Quốc kế “chia tách triều chính” nhưng vẫn “nhất dạng”, phối hợp bí mật nhưng rất chặt chẽ, là một sáng tạo rất táo bạo, trong điều kiện thế và lực lúc bấy giờ!

Qua việc trích dẫn những tư liệu của Puginier, theo giáo sư Nguyễn Văn Kiệm [28], chúng ta thấy rõ sự thật lịch sử, với sự miêu tả của chính đối phương, về nỗ lực của Nguyễn Văn Tường: “Vua Hàm Nghi đi theo Thuyết còn phụ chính Tường ở lại, vẫn giữ nguyên chức tước, và sau một thời gian trá hàng, lại tiếp tục có những hành động đối kháng. Chính theo lệnh của y mà khoảng 30.000 giáo dân đã bị hại chỉ trong vòng 2 tháng và hơn 1.000 người khác cũng chịu chung số phận do các quan lại thi hành mệnh lệnh trên…”.

Delvaux, trong bài viết ở sách đã dẫn [29], cũng miêu tả cảnh “sát tả đạo” trước và sau 05.7.1885, đặc biệt là sau ngày lịch sử bi hùng ấy, tại Bình Định, Quảng Trị, Nghệ An. Trần Trọng Kim, trong “Việt nam sử lược” [30], cũng ghi rõ: “Tôn Thất Thuyết […] làm hịch Cần vương truyền đi khắp nơi […]. Sách Tây chép rằng […] dân bên đạo phải tám ông cố và hơn hai vạn người bị giết”.

Đối phương đã kết án Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết là “tàn nhẫn”, “hiếu sát”! Sự “tàn nhẫn”, “hiếu sát” (hai từ này về sau cũng bị Trần Trọng Kim xuyên tạc!), theo cách nói của các gián điệp thực dân trong lốt áo “tả đạo”, vốn đã khởi động từ lúc Pháp đánh chiếm Thuận An (Huế, 1883). Bởi “tả đạo” cũng chẳng khác gì những năm trước đó, ở Đà Nẵng, ở Gia Định, và ở Hải Dương, Ninh Bình… (6):

 

                   “Ngoài thời Tây tặc lưới giăng

                    Trong thời tả đạo chạy quanh bốn bề” [31]…

 

cho nên, không thể khác được, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, hai người thiết kế chiến lược và chiến thuật cho công cuộc kháng chiến chống Pháp bấy giờ, với tư cách là hai người lãnh đạo cao nhất Cơ mật viện lúc ấy, đã phải kiên quyết. Sự kiên quyết đó, Aldophe Delvaux đã viết lại theo giọng điệu thực dân ra vẻ khách quan của y:

“Triều đình thấy nguy cơ mất độc lập, đã bàn bạc ngầm các phương kế để chận đứng sự lấn chiếm của Pháp. […] Tôn Thất Thuyết, […] Nguyễn Văn Tường đã lôi kéo Hội đồng Cơ mật thoả thuận hai vấn đề quyết định như sau: Ra một mật lệnh cho các sĩ phu định rõ ngày tàn sát cùng lúc tất cả giáo dân trong toàn quốc [! sic! – ct.]. Sau khi loại kẻ tiếp tay cho quân xâm lược sẽ chuyển Triều đình và Chính phủ đến một pháo đài kiên cố, và đến các vùng hiểm trở bất khả xâm phạm. Đó chính là Cam Lộ hay đúng hơn là Tân Sở, và đó là trung tâm liên kết lực lượng ái quốc, là nơi Triều đình sẽ tạm dừng chân. Các chuẩn bị kì quặc để hình thành do những kỉ niệm quá khứ [của Nguyễn Văn Tường với vùng đất Cam Lộ – ct.], thảm hại thay, lại đã được thực hiện một phần lớn” [32].

Cũng về thời điểm 1883, theo Jabouille, phụ trách Tổ chức công vụ Pháp, công sứ Pháp tại Quảng Trị:

“Các người chống Pháp nói rằng: “Những người Thiên Chúa [giáo – ct.] phản bội Tổ quốc để làm lợi cho nước Pháp. Chúng ta chỉ hòa bình khi nào người Pháp không có sự ủng hộ trong nước…”” […]. “Việc đánh lấy Thuận An, và buộc chấp nhận đô hộ làm cho ông phụ chính Tường tức giận tột độ; nhưng ông Tường âm thầm, cẩn thận đè nén sự tức giận để dùng nó vào một dịp thuận lợi” [33].

Và sự thể, theo Puginier viết về thời gian hai tháng sau ngày Kinh Đô Quật Khởi (22 – 23.5 Ất dậu, 1885), như đã trích dẫn, chắc chắn chỉ vì tình huống lịch sử bắt buộc, bởi, giáo dân thời bấy giờ, nói như  Đoàn Trưng từ trước 1866:

 

                  “Gia-tô nội ứng ghê thay

                   Giúp đem lương thực chẳng ngày nào không”.

 

Quả thật, đến 1885, sự nội ứng của “tả đạo” Thiên Chúa giáo đã quá công khai!

Sách “Compendium…” của Raviê (Ravier), có đoạn viết: “Bấy giờ mới nổi cơn bão táp rất dữ dội quá sức; từ khi nước Nam có đạo chẳng hề bao giờ bổn đạo phải cực khốn cực nạn bằng bấy giờ; vì trước kia, khi cấm đạo, chỉ có quan quân đi bắt bớ mà thôi, còn dân ngoại thì chẳng lo việc ấy, lại cũng thương kẻ bị bắt bớ. Còn lần này quan và dân ngoại đều đồng tâm hiệp lực mà quyết tận diệt kẻ có đạo” [34].

Và theo Delvaux:

“… Các quan chức không muốn dính líu vào, sợ có sự không may về sau [cách diễn đạt của Delvaux – ct.], nên để việc đó cho các sĩ phu đảm nhận, còn riêng họ vẫn ở trong bóng tối.

Trong các tỉnh, trong khi các sĩ phu chuẩn bị chiến đấu, thì các vị quan lớn lo trấn an các công chức của chính quyền bảo hộ cũng như các vị linh mục và giáo dân. Khi mọi việc chuẩn bị đã xong xuôi rồi, các sĩ phu tiến chiếm thành trì của các tỉnh, và các quan tỉnh thì nhanh tay giao nạp các thành trì ấy, sau một vài sự phản kháng qua loa; và như thế là những cuộc cắt cổ [!sic! – ct.] bắt đầu” [35].

Các quan ở tỉnh thì như thế, còn Nguyễn Văn Tường? Nguyễn Văn Tường cũng không thể khác hơn:

“Tướng De Courcy lấy tin tức [ở – ct.] ông Tường, ông này đều bảo đảm rằng sự trật tự an ninh đang hình thành khắp nơi. [Trong khi đó – ct.], các tin tức báo động dồn dập từ miền nam [tả kì – ct.] được gửi đến. Tướng Prudhomme muốn biết tường tận tình hình thật sự các việc, đã được ông De Courcy chấp thuận và cho phép đến các nơi ấy. Ông đi cùng ông De Champeaux trên chiếc tàu “Le Lutin” và đến Quy Nhơn ngày 18.8 [1885 – ct.], và ông đã mục kích toàn là máu lửa” [!sic ! – TXA. ct.] [36] (xem thêm chú thích (10)).

Lại theo Jabouille:

“Một vài nhà truyền giáo trong tỉnh và một vài ông quan cho biết rằng năm 1885, nhất là vào tháng 9, tỉnh Quảng Trị đã là hiện trường của một cuộc tiêu diệt có phương pháp, được tiên liệu, có tổ chức, để loại trừ các người theo đạo Chúa, gây ra bởi đảng của Văn thân, có sự ủng hộ tinh thần của ít nhất là hai quan phụ chính…” [37].

Các “nhà truyền giáo” đó chính là Aldophe Delvaux, Henry de Pirey – những kẻ đã ra vẻ khách quan, thực chất lại thù hận sâu sắc Nguyễn Văn Tường, người đã bị chính phủ Pháp “đày cho chết”! Gạt đi những xuyên tạc, bóp méo, bịa ra cái gọi là ý nghĩ quần chúng để bôi nhọ của các tên thực dân, tả đạo trong các bài viết của chúng với mục đích trả thù, phục hận, sẽ thấy sự thật lịch sử đã diễn ra.

Sự thật lịch sử ấy đã diễn ra, bởi lẽ, Triều đình Huế với lực lượng vũ trang khắp các tỉnh đang bị suy yếu, nhưng thật sự lực lượng quân sự của Pháp cũng không lớn, nên vấn đề do tình thế đặt ra là cần phải tiêu diệt bọn “dữu dân” nội phản, nhằm cô lập bọn thực dân Pháp, biến chúng lâm vào tình cảnh như “cua gãy càng”, mặc dù chúng chiếm được kinh thành Huế, thậm chí chúng đặt được ách “bảo hộ” lên cổ của dân tộc ta! [38] (6).

Và bởi lẽ, quan trọng, quyết định hơn, ấy là không còn cách nào khác, trong điểm đỉnh tột độ của mâu thuẫn đối kháng, giữa lực lượng dân tộc, yêu nước với bọn thực dân Pháp mà hậu thuẫn của chúng là “tả đạo”. Đó là biện pháp chẳng đặng đừng trước sự lấn hiếp của thực dân và “dữu dân”, để củng cố lại chính quyền nhằm làm hậu phương cho phong trào Cần vương, chống Pháp bằng vũ trang và bằng thương thuyết. Biện pháp bạo lực quyết liệt ấy, xuất phát từ tình thế: không còn hậu phương, hậu thuẫn nước ngoài nào khác! Chúng tôi nhấn mạnh: không còn hậu phương, hậu thuẫn nước ngoài nào khác! (7). Vả lại, đâu chỉ bởi mệnh lệnh của Nguyễn Văn Tường phối hợp với Dụ Cần vương của Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết, trong cuộc nổi dậy toàn quốc này, mà còn do chính sức mạnh quật khởi hoàn toàn tự giác của nhân dân!

Chúng tôi đã đối chiếu với “Đại Nam thực lục, chính biên” đệ ngũ kỉ [39], và thấy rằng hiện thực máu lửa ấy là có thật. Tuy nhiên, còn phải thấy rõ, Delvaux, Puginier, H. Ravier, Jabouille, các tên thực dân khác đã thổi phồng con số giáo dân theo Pháp xâm lược đến mức kinh hoàng. Sự thổi phồng quá đáng ấy (ngay cả trong vè “Thất thủ kinh đô” [40]), là nhằm biện minh cho việc Pháp đặt ách đô hộ lên cổ dân tộc ta, nhằm kích động giáo dân ở “mẫu quốc” và Tòa thánh La Mã (8).

Như thế, chỉ có thể là: vì tình huống lịch sử, Nguyễn Văn Tường không thể bày tỏ cho mọi người biết, chính ông cùng Tôn Thất Thuyết đã chuẩn bị, rồi cùng tiến hành cuộc Kinh Đô Quật Khởi, lại phối hợp liên lạc thường xuyên với phong trào Cần vương cũng theo cách vừa tiến công vũ trang (kẻ đánh), vừa “không biết gì” (người đàm), cho đến ngày Nguyễn Văn Tường bị đày đi Côn Đảo; và uy tín Nguyễn Văn Tường quá lớn, chúng đày ông tít tận Tahiti, gần nam châu Mỹ, sau nhiều thủ đoạn li gián Nguyễn Văn Tường với Tôn Thất Thuyết (như vụ đốt nhà Nguyễn Văn Tường chẳng hạn)!

Việc Nguyễn Văn Tường bị lưu đày, lại theo Delvaux, ngoại vụ Paris tại Việt Nam, trong bài viết ở sách đã dẫn [41]: “Một sự mâu thuẫn sâu xa chia rẽ tướng De Courcy và ông De Champeaux, nhất là đối với vấn đề ông phụ chánh Tường. Vị tướng thì quả quyết là ông Tường luôn luôn liên lạc với ông Thuyết và [trước đó – ct.] lại nhúng tay vào mọi cuộc âm mưu lật đổ, và đem xuống tàu đày đi Côn Đảo ngày 6.9 [1885 – ct.]… […] lại chuyển đến Tahiti […]. Ông De Champeaux lại cho rằng ảnh hưởng của ông Tường là rất lớn… […]”.

Tất nhiên, Delvaux vẫn cài vào bài viết, ngay cả ở đoạn văn trên những câu chứa đựng sự mị dân, sự thất thiệt, chẳng hạn như sự “độ lượng” của chúng, thời điểm Nguyễn Văn Tường chết (xem thêm chú thích (15)).

Chúng tôi cũng không trích dẫn để nhằm nêu lên sự mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù, cách đối xử đối với Nguyễn Văn Tường, theo quan điểm thực dân riêng của mỗi tên đầu sỏ giặc. Điều đáng lưu ý, chúng “quả quyết là ông Tường luôn luôn liên lạc với ông Thuyết”, “ảnh hưởng của ông Tường là rất lớn” [42]. Điều này khớp với “Đại Nam thực lục, chính biên”: hai mật dụ Hàm Nghi gửi về, và chắc hẳn có những tập tâu đối của Nguyễn Văn Tường gửi lên chiến khu Tân Sở. Việc án sát Quảng Trị Tôn Thất Nam được ủy nhiệm lên Tân Sở họp với Tôn Thất Thuyết cũng đã được ghi nhận rõ [43].

Phương thức “không biết gì”, khác với lần thành công cuối năm 1873 bước sang 1874, là lần này (1885) không có đoạn kết chiến thắng, nên Nguyễn Văn Tường không được dịp cùng Tôn Thất Thuyết bày tỏ trước Tam Cung và đình thần cùng nhân dân. Tuy nhiên, Quốc sử quán triều Nguyễn biết rõ điều đó. Chi tiết Dụ Cần vương và mật dụ gửi Nguyễn Văn Tường từ Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị) được viết một ngày, phát đi và gửi về một lúc (02.6 Ất dậu, 1885) đã làm sáng tỏ. Và bản án chung thẩm cáo thị của hai tên De Courcy, De Champeaux, vô hình trung, làm sáng tỏ như một xác quyết của “lân sử” (tín sử). Chúng tôi sau khi nghiên cứu trọn đệ tứ, đệ ngũ, đệ lục kỉ (tập 27 – tập 38) của “Đại Nam thực lục, chính biên”, lưu ý đến “bản án” về Nguyễn Văn Tường, đã hơn một trăm năm trước được Quốc sử quán cẩn thận ghi chép lại, thấy rằng bản án của thực dân đối với Nguyễn Văn Tường, “kẻ thù không đội trời chung” của chúng, vô hình trung mà hiển nhiên, là bản án đẹp nhất, rực rỡ nhất, chưa từng có trong giai đoạn đầu chống Pháp của dân tộc ta, một giai đoạn lịch sử bi hùng nhất với một nhân vật bi hùng nhất: Nguyễn Văn Tường!

Tất nhiên, phương thức “không biết gì” cũng đã gây ra quá nhiều ngộ nhận và dễ bị xuyên tạc. Sóng đôi với ông, người cùng thực hiện kế hoạch kháng chiến với ông (mặc dù Tôn Thất Thuyết trước tháng 11 âl., 1881, hầu như không biết gì về Tân Sở, hệ thống sơn phòng và thượng đạo Bình Định – Nghệ An), Tôn Thất Thuyết nhận tất cả hào quang bi tráng. Nói thế, thực ra, Tôn Thất Thuyết cũng bị xuyên tạc, bôi nhọ, nhưng kẻ thù khó lòng xuyên tạc, bôi nhọ hơn, và hậu thế cũng dễ thanh minh hơn, bởi Tôn Thất Thuyết là hình ảnh của người kháng chiến trong điều kiện bế tắc chung của các nước Á, Phi, Mỹ la tinh thuở bấy giờ! Trong khi đó, người ta dễ đánh đồng hoặc nhầm lẫn Nguyễn Văn Tường với cánh chủ “hòa”, đầu hàng! (Xem thêm chú thích (13)).

Phương thức tổng hợp, “không biết gì” (kẻ ở, đấu tranh bằng thương thuyết) và chiến đấu vũ trang (người đi, đấu tranh bằng quân sự), Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đã hợp lực tiến hành, trong lần Kinh Đô Quật Khởi (05.7.1885), dẫu sao, cũng đã sáng tỏ *.

 

3.b. NHIỆM VỤ LỊCH SỬ VỚI LẬP TRƯỜNG KIÊN ĐỊNH, THÁI ĐỘ CHÍNH TRỊ "NHẤT DẠNG".

SỰ NGỘ NHẬN, XUYÊN TẠC.

THỰC DÂN PHÁP THAO TÚNG TRONG SỰ NHÂN DANH TRIỀU ĐÌNH.

NỖI KHỔ TÂM CỦA NGUYỄN VĂN TƯỜNG.

 

Trong hai tháng sau ngày Kinh Đô Quật Khởi và bị thất thủ, từ 05.7 đến 06.9.1885, các nhà sử học thường quy hết trách nhiệm cho Nguyễn Văn Tường. Cần thấy rõ, trong hai tháng ngắn ngủi ấy, Nguyễn Văn Tường hết bị quản thúc bởi lính Pháp, đại uý Schmitz [44], lại bị chi phối bởi De Courcy, Caspar, trực tiếp là De Champeaux, phó công sứ Hamelin. De Champeaux trở thành thượng thư Bộ Binh, Cơ mật viện đại thần của Triều đình Huế!

Về cái án tử hình của Đặng Hữu Phổ (con trai của phò mã Cát, đồng hương với Nguyễn Luận), Quốc sử quán triều Nguyễn [45] đã ghi rõ nội dung: Đặng Hữu Phổ chống việc phủ Thừa Thiên sức cho huyện Quảng Điền tăng cường quân số. Như thế, vô hình trung Đặng Hữu Phổ đã tiếp tay cho Pháp trong việc Pháp yêu cầu Triều đình không được tái vũ trang [46]. Về phía Pháp, dẫu vậy Pháp vẫn xem Đặng Hữu Phổ nổi loạn! Và chính Đặng Huy Xán, chú ruột của Đặng Hữu Phổ, đã lừa bắt ông, đem nộp cho giặc (theo một số tư liệu và Đặng phả)! Vụ Lê Trung Đình cũng như thế, nhưng ở dạng cụ thể khác. Lê Trung Đình lại tôn phù Tuy Lí vương [47], một nhà thơ chủ “hòa”, câu kết với Pháp thời Hiệp Hòa, bị đày vào Quảng Ngãi! Do việc tôn phù này, người ta tưởng Lê Trung Đình là kẻ cơ hội! Đúng như một câu trong sắc dụ của Từ Dũ lâu nay vốn do Nguyễn Nhược thị Bích viết thay: “Ba tháng bỡ ngỡ, bốn biển ầm vang” [48]! Đặng Hữu Phổ, Lê Trung Đình yêu nước, chống Pháp, nhưng lại quờ quạng, thiếu sáng suốt. Sự chỉ đạo của Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường cũng chưa sâu sát, cụ thể từng “bước đi”. Khởi nghĩa hưởng ứng dụ Cần vương là đúng, nhưng chống Triều đình lúc Nguyễn Văn Tường còn giữ vị thế hay tôn phù Tuy Lí vương là sai (mặc dù Miên Trinh từ chối)! Bởi lẽ, Nguyễn Văn Tường vẫn “nhất dạng” với Tôn Thất Thuyết trong nhiệm vụ “kẻ ở”, “người đi”. Vả lại, quyết án Đặng Hữu Phổ là do triều nghị, Triều đình lại có cả De Champeaux ở vị trí trọng thần, chủ chốt, quyết định! Từ Dũ, Miên Định chuẩn y! Còn Lê Trung Đình lại do chính các tỉnh thần và Nguyễn Thân hội bàn, chém trước, báo cáo sau [49]! Do đó, không thể quy hết mọi việc Pháp nhân danh Triều đình để đổ cả cho Nguyễn Văn Tường!

Ngoài hai vụ việc trên, trước sức ép của Pháp, Nguyễn Văn Tường còn phải tự giằng xé và bị ngộ nhận bởi vài nỗi đau lòng khác.

Với chính trị, chúng ta phải thông cảm, thậm chí có những việc rất khổ tâm, cũng phải vờ chấp nhận để qua mắt giặc Pháp và phe chủ “hòa”, chẳng hạn như cùng Trương Quang Đản bốn lần viết thư cho Hồ [Văn] Hiển đưa Hàm Nghi – linh hồn của cuộc kháng chiến – về lại Huế trong khi Pháp vẫn tiếp tục lấn hiếp [50] [(9) và xem thêm chú thích (11)]. Thật lòng, Nguyễn Văn Tường cũng như Trương Quang Đản chỉ muốn rước vua Hàm Nghi về sau khi cuộc đánh phối hợp với đàm đã đạt được mục tiêu có giới hạn với sự nhượng bộ của Pháp, như Tôn Thất Thuyết đã nói với Phạm Hữu Dụng: “phải nên đoàn kết [thoả hiệp tạm thời – ct.] với quân Pháp; [Pháp – ct.] không lại lấn áp như trước, thì mới đón xe vua về” [51], đồng thời theo hai mật dụ vua Hàm Nghi (cùng Tôn Thất Thuyết) gửi về từ Tân Sở cho Nguyễn Văn Tường và hoàng tộc.

Nhưng cũng cần thấy rõ, sắc dụ về việc truy bắt Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, treo giải cho ai bắt được, chém được, chính Đồng Khánh về sau cũng xác nhận là do Từ Dũ ban hành (tất nhiên Từ Dũ cũng đành phải theo yêu cầu của Pháp!) [52].

Hơn nữa, sử học phải phân tách rõ “hư chiêu”“thực chiêu”! Tất nhiên đó chỉ là hư dụ, chứ không phải thực dụ (thực dụ trong tình huống này phần lớn phải là mật dụ).

Tuy vậy, chúng ta cũng cần ghi nhớ, vào cuối tháng 8, đầu tháng chín 1885, còn có một số sắc dụ khác của Tam Cung (đứng đầu là Từ Dũ) với lời lẽ của những bản cáo trạng về sự câu kết giữa thực dân cố đạo, giáo dân với thực dân viễn chinh Pháp, đồng thời khẳng định “thù ghét  [giặc Pháp – ct.], ai bảo là không nên. Không gì bằng cuộc nghĩa cử đêm 22 tháng 5 năm nay [04 – 05.7.1885 – ct.]…” [53]. Trong tình huống kinh đô thất thủ, cực kì khó khăn, thất thế ấy, các sắc dụ tố cáo công khai giặc Pháp và tả đạo đó đã chứng tỏ một tinh thần đề kháng, bất khuất ở mức độ nhất định. Phải chăng chính Nguyễn Văn Tường đã tác động rõ rệt vào các sắc dụ khá đanh thép này? Chính bản án cáo thị của hai đầu sỏ giặc (De Courcy, De Champeaux) trong vài ngày sau đó sẽ làm sáng tỏ.

Ngoài ra, những gì Nguyễn Văn Tường làm được cho việc tái củng cố vương quyền nhà Nguyễn từ triều đình cho đến huyện xã, cho phong trào Cần vương là những chỉ đạo vừa thành văn, vừa khẩu lệnh, vừa công khai, vừa bán công khai, trong những lúc thoát khỏi đôi mắt cú vọ của bọn De Champeaux, bọn chủ “hòa” (thực chất là đầu hàng) (9), (10)… 

Với chức năng, nhiệm vụ lịch sử vừa thoả hiệp vừa đấu tranh của mình, Nguyễn Văn Tường đã bị bọn thực dân cố đạo căm hận, báng bổ:  

“Puginier, giám mục ở Bắc kì, và Camelbeck, giám mục ở Quy Nhơn, đã mở một chiến dịch điên cuồng tấn công chống Nguyễn Văn Tường mà theo họ là kẻ thù lớn nhất của người Pháp và đồng thời cũng là người An Nam điêu toa nhất [(!?!) nói với Pháp thế này, lại làm thế khác – ct.] mà người ta có thể gặp… Sự hợp tác của ông ta và De Courcy là một mưu mô [của ông ta – ct.] nhằm đánh lừa người Pháp” [54].

Trong một mật dụ từ Tân Sở gửi về cho hoàng tộc (07.6 Ất dậu [18.7.1885]), sau khi hiểu rõ những gì Nguyễn Văn Tường đã tiến hành ở Huế, Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) đã viết:

“Nay đã có phụ chính huân thần Nguyễn khanh [tức Nguyễn Văn Tường – ct.] ở lại giảng nói, che chở nhiều việc, hơi được yên ổn; huân thần tâm sự như thế, cáng đáng như thế, thực là đau khổ quá chừng. Nhân vật nước ta, những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được. Trẫm cũng dụ cho đại thần ấy hết lòng bàn tính công việc, tâu chờ quyết định” [55].

Đó là mật dụ gửi cho hoàng tộc, Hàm Nghi (cùng Tôn Thất Thuyết) đã viết về Nguyễn Văn Tường như vậy. Và, đúng ra, mọi sách lược (xây dựng thành luỹ Tân Sở cùng những phương án kháng chiến, đánh – đàm, với nhiều mức độ khác nhau, tuỳ tình hình… ) đều do Nguyễn Văn Tường góp phần vạch ra, từ năm 1866 [56], Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) chỉ nhắc lại ba phương án thích hợp. Điều đáng lưu ý trong mật dụ này là Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đã rất thấu hiểu và chia sẻ nỗi khổ tâm xé ruột của Nguyễn Văn Tường trong nhiệm vụ lịch sử với vai trò đàm phán đã được phân công, từ sau ngày Kinh Đô Quật Khởi và bị thất thủ.

Nỗi khổ tâm xé ruột của Nguyễn Văn Tường còn phải kéo dài đến hơn một tháng rưỡi sau, tính từ ngày vua Hàm Nghi gửi mật dụ về Huế, 07.6 Ất dậu (18.7.1885)!

Cũng cần phải khẳng định: Những nỗi đau lòng của Nguyễn Văn Tường là do phải thực hiện nhiệm vụ được giao phó của vua Hàm Nghi và của nhóm chủ chiến triều đình Huế, hay nói đúng hơn, nhiệm vụ ấy là do vận mệnh lịch sử của đất nước ấn định cho Nguyễn Văn Tường:

“Y [Cô-ra-xy (De Courcy) – ct.] thấy ta càng khuất, y càng ngày càng lấn, khiến Triều đình không còn mặt mũi nào, vạn bất đắc dĩ mà ta mới phải làm cái kế bỏ thành đi ra ngoài. Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng ta cùng quanh quẩn, còn ngươi [Nguyễn Văn Tường – ct.] là phụ chính đại thần thì ở lại mà thương đàm; kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước lo dân làm căn bản. Trời đất thực cũng chứng giám. Ngươi nên khéo thể tấm thịnh tình của tiên hoàng đối với nước láng giềng rất có thuỷ chung và cùng y giảng rõ về lý thế, cân nhắc về lợi hại, hết lòng thoả hiệp [:hiệp bàn thỏa mãn đôi bên, không phải “thỏa hiệp vô nguyên tắc” – ct.], phàm những khoản gì bách thiết, chung nhau bàn đổi, cốt khiến cho hai nước như anh em, vinh nhục cùng quan hệ, vui lo cùng chung nhau mười phần chân thành, không còn dùng đến uy thuật. Lúc này ta mệnh cho hồi loan, trên để phụng dưỡng ba cung, dưới để yên lòng thần dân, khanh [Nguyễn Văn Tường – ct.] cùng với Tôn Thất Thuyết trung trinh chói lọi, muôn thuở cùng sáng, những phường nịnh tử gian phu, đều phải lặn hình giấu bóng. Nam triều ta há chẳng hân hạnh ư, nước Đại Pháp chắc cũng vui vẻ mà cùng giữ lấy cường thịnh vậy.

Nếu không như thế thì các miếu xã lăng tẩm và các vương công không kịp đi theo ấy thì hết thảy uỷ cho khanh [Nguyễn Văn Tường – ct.]. Ta duy có chọn đất lánh ở, sợ trời vui trời, rường cột cương thường, cả nước cùng thế, không đâu không phải là Triều đình và không phải là tôi con vậy. Trẫm quyết không cùng với họ tranh được thua vậy.

Tình thế ví lại không thôi, trẫm nguyện phái thêm cán viên, lấy đường đi khắp các nơi, nghiêm sắc cho Ninh Bình trở về phía bắc, bao nhiêu quan tỉnh, phủ, huyện đều để ấn lại mà đi, người nào như có trung nghĩa, tài lược, không kể quan hay dân, đều cho được tiện nghi làm việc [nhân dân, sĩ phu khởi nghĩa, kháng chiến quyết liệt – ct.], cốt không phụ tấm lòng tốt của triều đình dưỡng dục, tác thành, yên được bóng thiêng liêng ở trời của liệt thánh, và đáp phó được nguyện vọng [khởi nghĩa chống Pháp – ct.] tha thiết của thần dân trong nước. Khanh [Nguyễn Văn Tường – ct.] nên nghĩ cho kỹ nhé, có muốn nên tâu đối, thì gởi theo đường trạm chờ xét cũng chẳng hại gì” [57].

Đó là các phương án tuỳ theo mức độ bức hiếp của thực dân Pháp và tả đạo. Nói rõ hơn, trong tình huống ấy, có ba phương án:

Một là, nếu Pháp và tả đạo tuân thủ “hoà” ước 1874, hay ít ra, “hoà” ước 1884, không tăng cường sự lấn hiếp, nhà vua và Tôn Thất Thuyết sẽ về lại Huế.

Hai là, nếu Pháp và tả đạo xé bỏ “hoà” ước 1884, vẫn tăng cường sự lấn hiếp ở mức độ có thể chấp nhận được, nhà vua và Tôn Thất Thuyết sẽ ở lại Tân Sở nhưng không đẩy mạnh sự phát động phong trào Cần vương bằng vũ trang, và giao phó kinh thành Huế cùng sự an nguy của hoàng tộc cho Nguyễn Văn Tường.

Ba là, nếu Pháp và tả đạo quyết xé bỏ “hoà” ước 1884, quyết tăng cường sự lấn hiếp đến mức không còn chút chủ quyền nào để có thể mưu tính cho đại cục về sau, nhà vua và Tôn Thất Thuyết sẽ phát động mạnh mẽ và rộng khắp phong trào kháng chiến Cần vương, kể cả Bắc kì vốn đã bị “bảo hộ”.

Ở mật dụ tiếp theo, vua Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) vẫn tin tưởng Nguyễn Văn Tường đàm phán với mục tiêu “vụ [:nhằm – ct.] được như thường” (ít ra là như “hoà” ước 1884):

“… Phàm việc gì cùng với Nguyễn khanh [Nguyễn Văn Tường – ct.] châm chước thoả đáng, cốt không trái với cương thường của trời đất. Nên được nền bình trị lâu dài của quốc gia, ngõ hầu để được tiếng thơm muôn đời, thế là lành lắm, tốt lắm. Trời đất dài lâu, gặp nhau có hẹn. Nước nhà suy thịnh, gặp hội đổi thay, càng nên trân trọng di dưỡng, để yên tấm lòng xa của người tuổi trẻ. Còn ra sẽ uỷ cho Nguyễn khanh [Nguyễn Văn Tường – ct.] sẽ vì ý thân điều đình cho thoả đáng, vụ được như thường. Phàm người họ ta, cần tin lời ta nhé, thế thì ta mới yên lòng…” [58].

Thế và lực nước ta bấy giờ là không thể đương đầu với Pháp, tả đạo cùng liên minh các nước thực dân của chúng (Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nga …), trong một bối cảnh chung ở Á, Phi, Mỹ la tinh là hoàn toàn bế tắc, nhất là khi thế trận toạ sơn quan song hổ đấu (chiến tranh Pháp – Hoa, 1883 – 1884) đã hoàn toàn thất bại về phía Trung Hoa. Bởi vậy, cho nên, sắc dụ của vua Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) từ Tân Sở gửi về với khí thế và mục tiêu đấu tranh đành phải hạn chế như thế. Phải nhìn nhận mục tiêu đề ra không thể vượt quá khả năng của hiện thực lịch sử, mà phải chờ thời cơ trong nỗ lực tạo ra thời cơ (gồm thế và lực mới) – “gặp hội đổi thay”! Với quan điểm lịch sử – cụ thể, mọi nhận định đều phải đúng mức.

Nếu không thấy rõ mục tiêu có hạn chế với phương thức quân sự – ngoại giao vừa đánh vừa đàm (Tôn Thất Thuyết – Nguyễn Văn Tường phối hợp), phương thức đàm phán vừa thoả hiệp vừa đấu tranh (Nguyễn Văn Tường đảm nhiệm), không phân tách rõ “hư chiêu”“thực chiêu”, với các phương án trên, sẽ không hiểu được thời đoạn lịch sử hai tháng sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi và bị thất thủ (05.7 – 06.9.1885, Ất dậu)! Trong đó, sự phối hợp nhiệm vụ lịch sử có tính quyết định nhất vẫn là: Tôn Thất Thuyết (“đường núi vạn trùng lo kiệu biếc”) – Nguyễn Văn Tường (“lòng tôi một dạng giữ sân son”).

 

 

(  xem tiếp phần B bài 1  )

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 07/01/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

 

__________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7