g. Bài 7-Tl.4 - Trần Xuân An - Quê nhà, kỉ niệm & con-người-bên-trong Hà Nguyên Dũng

 

Cập nhật (02-9 HB9): Bài mới nhất: Trần Xuân An --  QUÊ NHÀ, KỈ NIỆM & CON-NGƯỜI-BÊN-TRONG HÀ NGUYÊN DŨNG ( đang gửi đăng trên các báo, tạp chí in giấy & điện tử Mới! ):

 

 

 

 

 

http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=8323

 

 Thành thật cảm ơn PhongĐiệp.Net đã đăng tải

 

 

 

QUÊ NHÀ, KỈ NIỆM & CON-NGƯỜI-BÊN-TRONG HÀ NGUYÊN DŨNG

 

Trần Xuân An

 

1. Tìm một định nghĩa cho “Quê tình”:

 

Một ngày sống là một ngày trôi qua và trở thành quá khứ. Trong quá khứ dằng dặc, xa hút hay còn mới tinh dấu vết, những gì đáng nhớ, không thể quên, đều là kỉ niệm. Quê nhà đối với nhà thơ Hà Nguyên Dũng là kỉ niệm, nhưng cũng như mọi người, đó là nơi còn hơn thế nữa: Quê nhà nối thêm vào tuổi đời của mỗi người hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi đất, tuổi dòng họ, xóm làng. Nhưng khác với nhiều người khác, anh chỉ gọi đó là “Quê tình” (Nxb. Văn nghệ TP.HCM., 5-1992) (1), chứ không phải là cõi truyền thống, chốn tâm linh.

 

Trong “Nửa đất quê tình” (sđd., tr. 27-28), hai chữ ấy đã xuất hiện lần thứ hai, mặc dù chỉ là bài thơ viết về một người con gái sinh ra, lớn lên tại nơi chốn xa, đâu đó ở ngoài Bắc, nhưng có chung quê nội với anh. Ở một câu thơ khác, trước đó, anh viết: “Đất quê tình xa mấy bước lòng đau” (tr. 15). Hai chữ “Quê tình” lại trở thành tên của tập thơ kết đọng tâm huyết của Hà Nguyên Dũng, với nội dung có biên độ rộng hơn. Do đó, có thể “Quê tình” không chỉ là quê hương tình nghĩa bản quán. Bài thơ và câu thơ ấy cung cấp cho người đọc một định nghĩa bằng thơ; cả tập thơ lại mở rộng định nghĩa ấy: Ngoài tình nghĩa ruột thịt gia đình, họ tộc, bản quán, đó còn là quê hương của tình yêu đương, tình bạn thuở chưa xa quê... Và hơn vậy nữa, ở một khía cạnh khác, “Quê tình” không phải là Hà Mật, Điện Bàn, Quảng Nam – Đà Nẵng quê nhà mà lại là Huế - Thừa Thiên (tr. 42), Lộc Ninh - Bình Phước (tr. 60-65), những quê hương của những cuộc tình, những chuyện tình của thời trai trẻ Hà Nguyên Dũng, thời anh gọi là lang bạt giang hồ, và là quê vợ thân yêu của anh, một làng thôn Đất Quảng nào đó (tr. 29-30).

 

Khi anh tặng tôi tập thơ “Quê tình”, không lâu sau ngày xuất xưởng, tôi có mỉm cười hỏi anh với một chút bông đùa: Ảnh bìa tập thơ là đêm trăng trên đồng lúa mì hay lúa mạch gì đó. Như vậy, không lẽ “quê tình” của anh là một xứ sở nào đó ở châu Âu hay châu Mỹ sao? Anh trả lời qua loa với tiếng cười dài vui vẻ như muốn che lấp cả câu trả lời, và tôi cũng không còn nhớ rõ. Thật ra, tôi hỏi là hỏi cho vui vậy thôi, bởi ít ra tôi hiểu anh bằng chính cảm nghiệm của riêng tôi. Tôi rất yêu mùa thu Quảng Trị quê tôi, nhưng tôi vẫn thấy trong “Mùa thu vàng” của hoạ sĩ cổ điển Nga Lêvitan (đọc đùa theo kiểu Việt hoá là Lê Vị Tân!) những gì rất Việt Nam, đôi khi tôi ngỡ đó là Khe Nước Chè, một địa danh dân dã quen thuộc, các sử địa thần viết “Đại Nam nhất thống chí” dịch ra chữ Hán là Trà Thuỷ Khê!

 

Bây giờ, khi đọc lại “Quê tình” để viết về thơ Hà Nguyên Dũng, tôi nghĩ, phải chăng tất cả, từ truyền thống, tâm linh cho đến những thoáng rung động bâng quơ (cho dù là rung động đồng cảm với nghệ sĩ nhiếp ảnh Tây hay Mỹ về ruộng đất, mùa màng, bởi một bức ảnh về đồng lúa mì, lúa mạch của nông thôn thuộc đất nước nào xa xôi), với anh đều chỉ là quêtình.

 

2. Quê và tình trong thơ Hà Nguyên Dũng:

 

2.a. Quê nhà và những quê hương của những chuyện tình riêng

 

Mặc dù biên độ quê nhà trong thơ Hà Nguyên Dũng mở rộng ra đến mức đồng cảm với cảm xúc của một nghệ sĩ nhiếp ảnh Âu Mỹ nào đó, nhưng dĩ nhiên vẫn chỉ Hà Mật, Quảng Nam là ghi đậm dấu vết trong sâu thẳm tâm hồn anh.

 

Ngày anh rời khỏi quê nhà, anh cũng tự ví mình như con sông quê hương và làng quê anh bên bờ lở của con sông ấy. “Đi, cũng như sông” (tr. 14-15) đâu chỉ là nhan đề của một bài thơ, mà đó là mệnh lệnh của chính anh, của dòng sông quê hương:

 

Từ nguồn xa nghe biển gọi thất thanh

Con sông vội trườn đi tìm biển lớn

Chiều chiều, tôi ra chân đê (?) đứng vọng

Con sông lừng đừng như muốn chảy vào tôi

 

... Và tôi qua đò, đi – cũng như sông

 

Và khi đã rời quê, anh thấm thía: “Sắp tới cửa, lòng sông nhiễm mặn / Ra khỏi làng, lòng tôi chơi vơi”. Để thể hiện nỗi niềm ấy, nhà thơ Hà Nguyên Dũng không ít lần sử dụng hình ảnh cái cây bị bứng gốc, bị “xoi lở chân đời, cây bật rễ / Thân nghiêng nghiêng ngả vào bóng xế / Lá tóc sâu quăn, đã bạc lòng?” (Qua đò Hà Mật, tr. 11). Nhưng ấn tượng nhất vẫn là lúc anh đẩy đến tận cùng các chi tiết của hình ảnh so sánh:

 

Khi tôi nhổ tôi ra khỏi chốn chôn nhau

Nhổ vụng trộm làm đứt chùm rễ cái

Nên tôi bây giờ lòng sầu héo mãi

Dẫu quê người đất ngọt trời thơm

                             (Đi, cũng như sông, tr.15)

 

Làng quê của Hà Nguyên Dũng in đậm vào thơ anh cơn lũ lụt, bờ sông bên lở cùng với mái tóc đen huyền ngát hương của người yêu cũ. Ba hình ảnh đó đã được anh cấu tạo thành một hình tượng thơ độc đáo:

 

Dòng tóc em trôi chảy ở ven đời

Sóng tóc đánh, hương văng vào nỗi nhớ

Dòng tóc lũ qua mé đời sụt lở

Tôi trồi lên chới với giữa vô cùng

                             (Dòng tóc lũ, tr.54)

 

Và nỗi nhớ quê quán, trong tập thơ, hầu như không một bài nào không đọng lại, nếu không trọn bài, chí ít cũng đôi từ hay vài câu:

 

Bị những niềm thương nỗi nhớ vật

Ta không chịu nỗi phải quay về

Đường xa tăm tắp – xa mù mắt

Kẻ ngóng buồn hơn kẻ nhớ quê

                             (Trong quê, tr.33)

 

Nhớ quê nhà đến thế, nhưng hình như Hà Nguyên Dũng vẫn thầm nhận ra dáng nét của chính người em (hay biểu tượng quê nhà?) trông ngóng anh về mới thật buồn rầu da diết...

 

Quê tình của Hà Nguyên Dũng còn là quê hương của người yêu cũ. Đó là những nơi đã làm nên bao nhiêu kỉ niệm trong anh. Huế là một ví dụ. Mặc dù bài thơ “Huế và em” (tr. 42-43) ở các đoạn giữa có những hình ảnh hơi kiêu kì nhưng chỉ là cái ngông đáng yêu cố hữu của Hà Nguyên Dũng: anh ví người yêu như hoàng thành, cố đô và mình như hoàng đế với một cái nhìn nghệ sĩ mà ta ngỡ như hơi quá ngưỡng của quan điểm. Nhưng ở đoạn cuối, thật cảm động, và ta sáng ra một điều, anh (vị hoàng đế bị truất phế) phải cam đành trả nợ cho thật đáng đời để sông Hương (tâm hồn của cố đô Huế -- cố đô Huế lại chính là em) không còn là con sông chết đứng dòng nước:

 

Ta về Huế không bàn tay đón vịn

Ta lao đao trên mấy nhịp Trường Tiền

Một ngày nào không gượng nổi, lòng nghiêng

Ngã chúi xuống chết chìm, sông Hương sẽ chảy.

 

Tất nhiên không có gì xảy ra. Đó chỉ là một cách nói thơ ca.

 

2.b. Trở lại với quê nhà và những quê hương

 

Cũng không phải chỉ một lần và một quê hương tình yêu đã làm mặt lạ với anh, khi anh trở về với bao nhiêu thương nhớ. Ngay cả quê nhà bản quán cũng làm mặt lạ như vậy với Hà Nguyên Dũng. Hoá ra, phũ phàng thay:

 

Em chẳng mong ngày ta trở gót

Ta đi, đi mãi cũng không đành

                             (Trong quê, tr.34)

 

Khi về Đà Nẵng, Đà Lạt cũng có gì đó buồn rầu, phũ phàng như vậy:

 

Ta về xứ mộng gầy hao

Những phiền muộn vẫy tay chào hỏi han...

... Nằm trên phần đất quê nhà

Mà sao vẫn thấy như xa muôn trùng

                             (Khi ngồi ở sông Hàn, tr.34)

 

Đà Lạt mờ mờ như mộng tưởng

Tôi về Đà Lạt không ai hay!

                             (Đà Lạt, tr.58)

 

Và anh đâu có trách gì lứa tuổi nhỏ hơn anh không biết anh là ai, người quê xứ nào:

 

Tôi trở về bởi quá đỗi thương mong

Em không biết, em nhìn trời lơ đãng

                             (Em – mùa xuân, tr.58)

 

Có một điều chắc chắn là vì nhớ thương quê quá mức, nên cảm giác ngỡ như bị quê nhà và bị những quê hương của tình yêu đương làm mặt lạ thực chất cũng chỉ là một trạng thái tâm lí mà thôi. Những quê tình đó, trong thực tế, vẫn chỉ niềm nở với anh một cách bình thường!

 

Nhưng khác với mọi thứ quê tình, tình cảm bình thường của người mẹ vẫn chan chứa yêu thương:

 

Quê quán xưa Mẹ đã quá già

Lưng còm cõi cong như lá lúa

Đêm nằm nghe gió mùa đập cửa

Tưởng con về lật đật chạy ra

                             (Cuối năm ngồi quán, tr.89)

 

Mẹ ta, đôi mắt đèn dầu mờ

Soi sát mặt thằng con yêu dấu

                             (Ngày về Hà Mật, tr.89)

 

Và người thân yêu khác, tình cảm cũng thắm thiết biết bao:

 

Mặt trời sa bóng đổ nhoài – dài

Ai đội củi đường xa lúi chúi

Ném bó củi mừng mừng tủi tủi

Người đi, người ở, bàn tay không...

                             (Ngày về Hà Mật, tr.89)

 

2.c. Thủ pháp khách thể hoá

 

Nhà thơ Hà Nguyên Dũng do nhân phận riêng trong bối cảnh chung của đất nước, anh có những kỉ niệm của một thời chiến tranh... Kỉ niệm, dẫu sao vẫn là kỉ niệm, cho dù lịch sử đã được anh nhìn nhận với một nhãn quan khác. Tuy vậy, anh không phủ nhận kỉ niệm tình yêu đương riêng tư cho dù gắn liền với một thời anh bị cầm súng của chế độ cũ. Vì thế, trong bế tắc của sáng tác, anh tìm ra một cách thể hiện: thủ pháp vừa khách thể hoá cái tôi vừa đồng thời tự biểu hiện cái tôi ấy. Người đọc cứ ngỡ như “khách” (đại từ ngôi thứ ba) là ai đó khác với “ta” (đại từ ngôi thứ nhất). Vả lại, anh còn đẩy nhân vật “khách” và cả chính anh về một thời cổ sử với không khí của truyện võ hiệp nào đó. Thậm chí, có thể anh khách thể hoá chính mình bằng cách đối thoại với con người quá khứ của mình, gọi nó bằng đại từ “ngươi”. Còn thời cuộc thuở bấy giờ, có lẽ anh dùng cụm từ “cuộc chiến quốc” (không viết hoa) với nghĩa là thời đoạn đất nước chiến tranh. Thậm chí, có thể nghĩ rằng anh đã cố tình nói trớ đi, chệch đi, thì cũng chỉ để nhẹ bớt gánh nặng quá khứ vốn đè nát kỉ niệm riêng tư. “Qua đò Hà Mật” (tr. 11-13), “Lỡ bước” (tr. 18-22) (2), “Ngày trở lại Lộc Ninh” (tr. 60-65), “Ngày trở lại Biên Hoà” (tr. 66-67) là những bài thơ được Hà Nguyên Dũng vận dụng thủ pháp ấy.

 

Tuổi hăm hai ta bỏ sách đèn

Cầm cây giáo, cưỡi con ngựa sắt

Cuộc chiến quốc kéo dài dằng dặc

Thú thật lòng ta đâu có vui

                              (Lỡ bước, tr. 20)

 

Chính hai chữ “lỡ bước” đã làm sáng tỏ nhận thức của anh. Anh còn tự cười cợt, mắng mình khi đối diện với chính mình:

 

Ngươi, kẻ giang hồ mặt dạn đời xơ

Trên thân thể còn lằn gươm chiến quốc

Mấy nẻo đường thơ ngươi quen thuộc

Sao ngỡ ngàng trước lối phượng xưa

                              (Ngày trở lại Biên Hoà, tr. 66)

 

Phải chăng, với Hà Nguyên Dũng, thủ pháp khách thể hoá cái tôi là một lối thoát sáng tác cho kỉ niệm riêng tư sống còn trong thơ?

 

2.d. Chất Quảng Nam trong ngôn ngữ thơ

 

Nhà thơ Hà Nguyên Dũng vận dụng rất nhuần nhị những từ ngữ mang đậm chất địa phương. Không chỉ là những từ quen thuộc của xứ Thanh - Nghệ - Tĩnh, Bình - Trị - Thiên và cả Quảng Nam:

 

Cái nớ-ni-răng-rứa, rứa mà thương

Rứa mà nhớ, nhớ chi mà nhớ rứa

                              (Nửa đất quê tình, tr. 27)

 

Con chim về rúc trong vòm lá

Ta rúc đâu đây, đêm mịt mù

                              (Qua đò Hà Mật, tr. 12)

 

... Dù cố thổi không bùng thành ngọn nhỏ

Em lòng những buổi nắng chiều tan

                              (Ở phía ngoài nhau, tr. 40)

 

Ôi chút trầm thơm -- niềm hạnh phúc

Ở trong ta, đâu ở trong người

Trầm! Trầm! Mỗi ngày ta lặt luộc

Ngày mỗi vo sao cứ liếm môi!

                              (Tìm giữa rừng người, tr. 69)

 

Chao ôi chim sẻ! Đàn chim sẻ

Chộn rộn tươi mươi suốt bốn mùa

                              (Mộng ngày xuân, tr. 96)

 

... Vai đãy, áo quần mưa nắng dặm

Đầu trần tóc cỏ cháy xơ rơ

                              (Ngày về Hà Mật, tr. 97)

 

Thậm chí, anh sử dụng cả những khẩu ngữ đậm chất giang hồ và mang sắc thái Quảng Nam:

 

Bị những niềm thương nỗi nhớ vật...

... Xe chạy mút ga còn thấy chậm

Mấy khúc xe quanh muốn ẹo lòng

Gió mù bập mãi thuốc không thấm

Ta hít cành hông hương ruộng đồng

... Cột số vù qua không kịp ngó

Giang hồ đâu nghĩ tới thời gian...

                              (Trong quê, tr. 97)

 

Trong một số bài, và thấp thoáng ở nhiều bài, Hà Nguyên Dũng có cách nói ngông rất Quảng, như ở bài “Trong quê” vừa dẫn: “Giang hồ đâu nghĩ tới thời gian”! Khinh bạc tất thảy mà! Khi người trở về quê nhà sau bao năm lưu lạc tha hương, tay trắng vẫn hoàn tay trắng, quê nhà nghèo khổ vẫn còn nghèo khổ, thì còn cách nào khác hơn là đùa ngông một chút cho đỡ buồn!

 

Thật ra, sắc thái Quảng Nam còn biểu hiện rất nhiều, không chỉ ở từ ngữ, ngữ âm, mà còn ở cú pháp... Những ai không phải là đồng hương với người Quảng Nam, nhưng đã từng sống ở Đất Quảng mới nhận ra sắc thái ấy.

 

3. Con-người-bên-trong (giọng thơ giang hồ khí cốt) và con người giữa đời thực:

 

Một ấn tượng nữa, tôi còn lưu giữ về tập thơ “Quê tình” và nhà thơ Hà Nguyên Dũng, sau hơn mười bảy năm, kể từ lần đọc đầu tiên: Quê nhà bản quán cùng những “quê hương” của kỉ niệm Hà Nguyên Dũng là cả một nỗi niềm đau đáu, và có thể dùng thêm một từ với nghĩa chính xác nhất của nó: khôn khuây -- không thể nào nguôi quên, khuây khoả bằng những gì có thể có và có khả năng thay thế. Tuy thế, nét nổi bật lại chính là giọng thơ khinh bạc, lại có chút tự trào, và đậm hơn hết thảy là chất giang hồ khí cốt của người luân lạc ở nhiều vùng đất khách, nhiều xứ quê người, mang phong vị cổ thi nhưng khá mới mẻ và mang phong vị Nam bộ nhưng rất Quảng Nam. Sau “Hồ trường” của Nguyễn Bá Trác người Quảng, “Thăm mả cũ bên đường” của Tản Đà, “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, “Phương Nam hành” của Nguyễn Bính người Bắc và nhiều bài thơ đậm chất hành của Ngô Nguyên Nghiễm người Nam bộ (tất nhiên mỗi người có một khuynh hướng nội dung riêng), có thể nói nhà thơ Hà Nguyên Dũng đã có nét độc đáo ở thể thơ mang phong vị ấy.

 

Lòng sâu nặng, khôn khuây tình cảm đối với quê nhà bản quán và kỉ niệm trên nhiều nơi xứ đã trở thành những quê hương đã hoà lẫn rất máu thịt với chất giang hồ khí cốt, khinh bạc, ngang tàng, tự trào và có thêm một chút nói ngông, nói dóc, nói trạng cho vui, cho đỡ buồn, tạo nên giọng điệu thơ Hà Nguyên Dũng. Đó chính là con-người-bên-trong của anh hơn là con người trong quan hệ, giao tiếp thường ngày ở gia đình, giữa xã hội. Có nhiều người khá ngạc nhiên lúc gặp gỡ Hà Nguyên Dũng sau khi đọc thơ anh, hay bởi quen biết anh trước khi đọc thơ Hà Nguyên Dũng. Làm sao một người đàn ông thấp nhỏ, gầy guộc với râu tóc xơ rơ, nước da mai mái như người ốm kinh niên, thường là nhẫn nại, thậm chí có khi là nhẫn nhục, lại có thể viết được nhiều bài thơ với nội dung và giọng điệu thơ đậm chất giang hồ khí cốt, khinh bạc, ngang tàng, tự trào và có thêm một chút nói ngông, nói dóc, nói trạng cho vui, cho đỡ buồn như vậy? Nhưng dẫu sao, đây không phải là trường hợp cá biệt, lạ lùng. Cũng có thể nói thêm, qua đó, chúng ta thấy rõ hơn (chứ không chỉ có khái niệm hoặc hiểu một cách mơ hồ) thế nào là con-người-bên-trong của mỗi con người. Không nhất thiết là thi sĩ, ai cũng có một con-người-bên-trong như vậy. Tuy nhiên, điều này rõ hơn ở những trường hợp như thơ ca Hà Nguyên Dũng và con người thường ngày Hà Nguyên Dũng ở gia đình, giữa xã hội.

 

Thực chất, đó là mâu thuẫn chăng? Mới nhìn, có thể nói vậy. Ngẫm nghĩ sâu hơn, có lẽ cần đề xuất một khẳng định: con-người-bên-trong hay cái tôi trữ tình Hà Nguyên Dũng đã được soi sáng bởi lí tưởng thẩm mĩ của riêng anh, ánh sáng của lí tưởng thẩm mĩ ấy thấm đẫm trong mỗi tế bào tinh thần của anh. Con-người-bên-trong này, do hoàn cảnh xã hội và tình cảnh riêng, có thời gian rất quẫn bách, túng thiếu, kể cả điều kiện sức khoẻ không ổn của anh, không cho phép anh thể hiện trong đời sống thật hằng ngày. Ngược lại, chính những điều kiện xã hội, điều kiện bản thân không thuận lợi ấy lại càng nhen nhóm, thổi bùng trong thế giới ảo của thơ ca Hà Nguyên Dũng một ngọn lửa khát vọng nghệ thuật, ngọn lửa của chất rượu giang hồ khí cốt, khinh bạc, ngang tàng, tự trào và có thêm một chút nói ngông, nói dóc, nói trạng cho vui, cho đỡ buồn, không bao giờ lụi tắt. Mỗi khi viết được một bài thơ như vậy, tôi nghĩ, Hà Nguyên Dũng đã tự bù đắp cho chính tâm hồn mình, theo cơ chế cân bằng tự nhiên của tâm lí. Do đó, có thể nhận thức xác đáng hơn về nhà thơ Hà Nguyên Dũng: thế giới thơ ca của anh và con người trong đời thực của anh là hai nửa bù trừ của một chỉnh thể Hà Nguyên Dũng.

 

Nhưng vấn đề vẫn là thơ ca của nhà thơ Hà Nguyên Dũng, chứ không phải con người xương thịt Hà Nguyên Dũng trong đời thực giữa gia đình, xã hội hằng ngày.

 

Trần Xuân An

Viết từ khoảng 07:00 đến 18:10, ngày 02-9 HB9 (2009)

Chỉnh sửa: 21: 51

 

_______________________

 

(1) Nhà thơ Hà Nguyên Dũng đã xuất bản chính thức 3 tập thơ. “Quê tình” là tập thơ đầu tay của anh.

 

(2) Theo nhà thơ Hà Nguyên Dũng, có một tờ báo, cách đây mười mấy năm, đã đăng bài ”Lỡ bước”, với sự chỉnh sửa hẳn một câu thơ, đại để là viết rõ: Lỡ bước đi theo chế độ Mỹ - nguỵ. Có lẽ toà soạn tiếc bài thơ hay nhưng không thể không giữ lập trường, quan điểm.

 

 

 

 

 

 

 

Ngày 03-9 HB9,

Đã gửi anh Hà Nguyên Dũng, Phong Điệp.Net, Trang Ttđt. Hội Nhà văn Việt Nam, Văn chương Việt…

 

Ngày 06-9 HB9, TXA. đưa lên WebTgTXA.

 

 

 

Google Sites / host 

 

GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE