GS. Đinh Xuân Lâm -- Bài trả lời phỏng vấn (Thu Hà, báo Tuổi Trẻ, 12-5-2008)

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

Báo TUỔI TRẺ in giấy, số ra ngày 12-5 2008 (127/2008 [5450])

Tuổi Trẻ online - Trang mục Chính trị - Xã hội -- Thứ Hai, 12/05/2008, 07:57 (GMT+7)

 

Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN Đinh Xuân Lâm:

Cuộc tìm kiếm cần được tiếp tục

TT - Sau loạt bài "Nhà lao An Nam ở Guyane" đăng trên Tuổi Trẻ, GS Đinh Xuân Lâm - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về lịch sử VN cận đại - đã chia sẻ suy nghĩ của mình về những công việc cần phải làm sau hiệu ứng xã hội của loạt bài này.

                

GS Đinh Xuân Lâm - Ảnh: VIỆT DŨNG  (h.1)  -- & --  Nhà lao An Nam ở Guyane giờ đây chỉ còn lại những mảng tường mục nát. Ảnh đăng trên trang web www.sagnimorte.info, do bạn đọc Lưu Bảo (California, Mỹ) giới thiệu với Tuổi Trẻ (h.2).

GS Đinh Xuân Lâm nói:

- Với tư cách một người đọc, tôi rất cảm ơn Tuổi Trẻ vì đã đăng tải một cách có hệ thống những tư liệu này. Không phải những điều báo nêu lên giới sử học VN không biết, nhưng chúng tôi chỉ biết qua sử liệu, không thể có điều kiện đến tận nơi như các nhà báo.

Cũng có những chi tiết phát hiện mà tôi cho là khá quan trọng: hình thức giam giữ tù nhân bằng "chuồng cọp" lâu nay chúng ta vẫn nghĩ chỉ có từ chiến tranh chống Mỹ ở Côn Đảo, hóa ra đã được người Pháp "sáng tạo" trước từ đầu thế kỷ 20 ở Guyane, hay là hậu duệ của các chí sĩ yêu nước vẫn còn ở Guyane khá nhiều. Nhưng điều quan trọng hơn, theo tôi, là tờ báo đã đưa được những câu chuyện lịch sử đến với công chúng một cách xúc động.

* Vậy thưa giáo sư, với tư cách một nhà sử học, còn những dữ kiện lịch sử công chúng nên biết về nơi lưu đày các nhà cách mạng ở hải ngoại mà loạt bài chưa nêu hết được?

- Theo tôi, điều chính yếu nhất là câu chuyện về nhà lao An Nam và những người bị đi đày làm cho thế hệ hôm nay hiểu được bối cảnh lịch sử của giai đoạn đó: một giai đoạn đau thương nhất trong lịch sử dân tộc, thực dân không những muốn xâm lược nước ta, bóc lột tài nguyên của chúng ta, mà còn muốn hủy diệt những người dũng cảm, ưu tú nhất của dân tộc ta, bằng cách đày họ đến những nơi xa xôi nhất, nguy hiểm nhất. Ở đó, tiếp tục khai thác sức lao động của họ cho đến khi họ kiệt quệ, để hủy diệt cả tinh thần lẫn thể xác.

Điều đáng nói, như Tuổi Trẻ đã nhắc đến là không chỉ đến năm 1930, sau khởi nghĩa Yên Bái thất bại mới có hơn 500 chiến sĩ Quốc dân đảng bị đày sang Guyane, mà thực tế ngay từ cuối thế kỷ 19, sau khi Pháp chiếm Nam bộ, chúng đã bắt đầu bắt bớ và đày những người chống Pháp đến những vùng hải ngoại thuộc Pháp như Guyane, Tahiti..., đặc biệt trong đó có những nhà yêu nước rất lớn mà sử sách còn lưu danh như Thủ Khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân).

Đầu thế kỷ 20, những chí sĩ trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục như Nguyễn Quang Diêu cũng bị bắt và đày sang đây. Gần chúng ta nhất là ông Lương Duyên Hồi sau năm 1945 đã được thả về và trở thành đại biểu Quốc hội khóa đầu của nước VN dân chủ cộng hòa.

Ở đảo Tahiti thì có Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, phụ chính Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật (vị này chết trên đường đến đảo, bị vứt xác xuống biển). Ở Algeria có vua Hàm Nghi... Những người yêu nước của chúng ta bị lưu đày đi khắp nơi, cũng có nghĩa là máu của chúng ta đã đổ xuống rất nhiều xứ lạ.

Nếu các bạn trẻ chú ý một chút sẽ thấy những người bị lưu đày chủ yếu là các chí sĩ, văn thân yêu nước - tức họ là những trí thức, những người có khả năng thức tỉnh đồng bào, chính vì thế mà thực dân nhìn thấy mối nguy hiểm từ họ nên phải đày họ đi biệt xứ để họ không còn gắn kết được với đất nước mình, dân tộc mình. Nhưng sức mạnh của tinh thần dân tộc thật kỳ lạ. Họ vẫn về được với quê hương bằng mọi cách, người thì vượt ngục về, người thì để lại di chúc cho con cháu tìm về.

* Thưa giáo sư, được biết giáo sư đã có thời kỳ giảng dạy tại Madagascar - một thuộc địa cũ của Pháp, nơi có giam giữ một số tù nhân An Nam. Câu chuyện tù nhân Việt tại đó có nhiều ấn tượng mạnh mẽ với giáo sư như câu chuyện tù nhân Việt ở Guyane này không?

- Khi tôi giảng dạy tại Madagascar thì không còn dấu tích của nhà tù và "chuồng cọp", nơi giam giữ các chiến sĩ VN nữa, nên ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là về những người VN ở đó. Ngay ngày đầu tôi đến đã có một bà xơ lái xe đến chào và nhận mình là người VN. Trên đảo có rất nhiều con lai Việt - Pháp hoặc Việt - Madagascar, họ đều nhận mình là người Việt và đều nhớ nhà.

Có người cựu tù mà tôi quen chiều nào cũng ngồi trên một tảng đá trong vườn mình, nhìn về phía mặt trời lặn và nói: "Quê tôi ở đằng ấy", rồi ứa nước mắt. Người tù nổi tiếng nhất ở Madagascar chính là ông Lê Giản - sau này là giám đốc công an đầu tiên của chính phủ cách mạng. Ông Lê Giản được quân Mỹ thả ra, rồi huấn luyện để thả dù xuống khu căn cứ cách mạng, nhưng tất nhiên là ông lập tức theo Cụ Hồ.

Một điều rất quan trọng mà tôi rút ra được trong suốt cuộc đời tìm kiếm và nghiên cứu lịch sử của mình: những người tù ấy, những trí thức dân tộc, trí thức ngoài Đảng ấy chính là những nhà cách mạng chân chính, những phần tử ưu tú nhất đã nghe theo tiếng gọi dân tộc của Hồ Chí Minh, đứng bên cạnh Bác Hồ trong những ngày nước sôi lửa bỏng nhất của cách mạng để lập nên một chính thể cộng hòa - dân chủ đầu tiên. Họ luôn yêu nước, từ trước khi Đảng ra đời, yêu nước hơn chúng ta vẫn đánh giá về họ.

" Những xứ sở xa xôi, âm u rừng thiêng nước độc, những hải đảo cách ngàn trùng biển cả chính là nơi thực dân Pháp chọn để làm chốn giam cầm những người kiên cường nhất, anh dũng nhất. Không chỉ có Guyane, mà còn có Tahiti, Madagascar, Algeria..., dấu chân những người chiến sĩ cách mạng VN đều in trên những miền đất lạ, máu xương họ đã nằm lại đó. Người VN hôm nay có quyền được biết và cần phải biết về họ"

* Vậy là theo giáo sư, cuộc tìm kiếm dấu vết những chiến sĩ cách mạng đã từng bị lưu đày ở hải ngoại vẫn cần phải tiếp tục?

- Rất cần và bắt buộc phải tiếp tục. Các nhà sử học có tri thức và tấm lòng nhưng không thể có đủ tiềm lực tài chính để đến những vùng xa xôi của thế giới như vậy. Thật may là Tuổi Trẻ và bạn đọc của tờ báo cũng chung tâm huyết, và còn là người khởi xướng.

Tôi đã thấy trong hàng kilômet tài liệu của trung tâm lưu trữ hải ngoại của Pháp ở Aix-en-Provence có rất nhiều tài liệu về các nhà tù hải ngoại. Cũng từ các tư liệu đó mà chúng tôi đã cung cấp cho hậu duệ của cụ Nguyễn Văn Tường để họ tìm đến tận Tahiti, nơi cụ bị lưu đày, và mang về những cứ liệu xác thực chứng minh cha ông họ - phụ chính Nguyễn Văn Tường không hề là người theo Pháp như bấy lâu nay chúng ta vẫn đánh giá nhầm.

Sau khi Hàm Nghi xuất bôn, cụ vào thành ở nhưng thực chất vẫn tiếp tục liên lạc và ủng hộ quân Cần Vương. Một cuộc hội thảo với nhiều báo cáo khoa học đã được tổ chức, tượng đồng chân dung cụ đã được đúc và tấm bia ghi công cụ đã được dựng ở quê nhà Quảng Trị. Vì những tấm gương như Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Thái Học hay Nguyễn Hữu Huân, cuộc tìm kiếm của chúng ta cần được tiếp tục, ở Guyane, ở Nouvelle Calédonie, ở Madagascar...

* Tuổi Trẻ cùng với Hội Khoa học lịch sử VN sẽ dựng bia tưởng niệm những nhà yêu nước tại Guyane. Là người đã soạn thảo bia Phan Đình Phùng, tấm bia chiêu tuyết tưởng niệm nhà yêu nước Nguyễn Văn Tường, theo giáo sư, tấm bia mà chúng ta sẽ dựng tại mảnh đất xa xôi đó như thế nào?

- Trước tiên, theo tôi, tấm bia đó nên được đặt trong nhà bia như phong tục VN. Nhà bia không cần to, nhưng nó sẽ mang dáng vẻ đặc trưng kiến trúc VN, bất kỳ ai nhìn vào cũng nhận ra ngay đấy là nhà bia của người VN.

Bia tưởng niệm cũng không cần lớn quá. Bia bằng đá, không nên có bốn mặt như bia Vĩnh Lăng (Lam Kinh) mà chỉ nên có hai mặt như bia Văn Miếu. Một mặt bia bằng tiếng Việt, mặt kia nên bằng tiếng Pháp để người dân bản địa và khách du lịch có thể đọc và hiểu được. Nội dung bia ngắn gọn nhưng phải nêu được đầy đủ hoàn cảnh lịch sử thời kỳ đó (nước mất, tội ác thực dân, các phong trào yêu nước, một số nhà yêu nước tiêu biểu). Phần quan trọng nhất là tôn vinh các chiến sĩ cách mạng ở chốn lưu đày này. Và một phần không nên thiếu, theo tôi, đó là niềm tin vào hậu duệ của các chiến sĩ yêu nước luôn hướng về đất mẹ.

THU HÀ thực hiện

Nguồn / link: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=257097&ChannelID=3 

ĐỌC BÁO IN GIẤY BẰNG HÌNH ẢNH ĐƯỢC CHỤP BẰNG MÁY ẢNH: bài phỏng vấn trên ở tr.1 & tr.3 báo Tuổi Trẻ, 12-05-08:

http://picasaweb.google.co.uk/tranxuanan.writer/HinhanhTulieu8/photo#5199326088510202226

 

 

 

_________________________________________________________________________________

 

Xem:

Trần Xuân An -- VỀ CÁI ĐƯỢC GỌI LÀ “CHIẾU CẦN VƯƠNG – D’ARGENLIEU – 03-7-1889”

http://sites.google.com/site/tranxuananwriter/Home/danh-muc-tac-pham-txa/tieu-luan-3/bai4

Trần Xuân An -- BÀN THÊM VỀ THÔNG BÁO CHO THIÊN HẠ CẦN VƯƠNG (CÁO DỤ CẦN VƯƠNG), LỆNH DỤ THIÊN HẠ CẦN VƯƠNG & CỤM TỪ “TỜ CHIẾU CẦN VƯƠNG CỦA VUA HÀM NGHI”

http://sites.google.com/site/tranxuananwriter/Home/danh-muc-tac-pham-txa/tieu-luan-3/bai6

 

 

________________________________________________________________________________________________

 

Trở về

 

THÔNG BÁO CẬP NHẬT Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update_mucluctrang

 

TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

&

trang mục lục Giao Lưu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket_mucluctrang

(mục lục của mục này -- các trang Giao lưu)

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

(trang 1 Giao lưu)

TRANG "NGÀN WEBs CỦA NGÀN NHÀ":

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/webcacnha

Trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan